Giá trị to lớn của cuốn sách chữ Việt cổ

Trần Vân Hạc

25 tháng 9, 2010

Đúng vào dịp tháng Tám - mùa thu lịch sử năm 2010, cuốn: “Phát hiện hệ thống chữ Việt cổ thuộc loại hình khoa đẩu” của giáo sư Lê Trọng Khánh, nhà xuất bản Từ điển bách khoa, tổng phát hành: Trung tâm văn hóa Tràng An, được phát hành rộng rãi trong và ngoài nước.

Đây là công trình khoa học, chặt chẽ, nhất quán, có tính thuyết phục cao, là sự phát hiện trọng đại với lịch sử và văn hóa Việt. Lần đầu tiên chữ viết từng phát triển từ thời các Vua Hùng được khẳng định và làm sáng tỏ bằng những cứ liệu khoa học đầy sức thuyết phục. Lần đầu tiên những bí ẩn của chữ khắc trên đá cổ Sa Pa được giải mã. Công trình của giáo sư Lê Trọng Khánh góp thêm một cứ liệu chắc chắn về nền văn minh phát triển rực rỡ của tổ tiên ta, là tiền đề cho các công trình nghiên cứu chữ Việt cổ tiếp theo. Đặc biệt cuốn sách được xuất bản đúng vào dịp nhà nước ta long trọng kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội có một ý nghĩa vô cùng to lớn.

Từ nhiều năm qua, đã có nhiều công trình của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về chữ Việt cổ, rải rác từng phần đã được công bố trên các tập san chuyên ngành. Song đây là lần đầu tiên một công trình nghiên cứu về chữ Việt cổ được xuất bản và phát hành rộng rãi trong và ngoài nước. Cuốn sách góp phần giải đáp được câu hỏi làm đau đầu giới nghiên cứu trong bao năm nay: Việt Nam - trung tâm nông nghiệp và công nghiệp đá cổ xưa nhất thế giới, Việt Nam - cái nôi của những trống đồng vô cùng tinh xảo có từ 3.000 năm trước, mỗi hoa văn, họa tiết trên trống đồng chứa đựng những bí ẩn tinh hoa của một nền văn minh rực rỡ làm kinh ngạc cả thế giới hiện đại, vậy dân tộc ấy có chữ viết hay không, chữ ấy như thế nào?

Từ năm 1958 giáo sư Lê Trọng Khánh dày công nghiên cứu từ những văn tự “thắt gút” của người Chăm Hrê ở Nghĩa Bình, đồ gốm, đồ đồng Đông Sơn, những hình đồ họa, chữ khắc trên đá ở Sapa… dần dần phát triển thành ngôn ngữ viết hoàn chỉnh ở bậc cao. Cũng chính vì có phương pháp nghiên cứu có hệ thống và khoa học như vậy, nên cho đến lúc này, giáo sư là người duy nhất chứng minh được sự liên hệ của chữ viết trên đá cổ ở Sa Pa và chữ viết trên di chỉ thuộc văn hóa Đông Sơn, giải mã thành công văn tự trên đá cổ ở Sa Pa, từng gây ra bao cuộc tranh luận làm đau đầu giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Thành công này của giáo sư Lê Trọng Khánh, với phương pháp luận không thể phủ nhận, được giới nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá rất cao.

 

 
giáo sư Lê Trọng Khánh bên cuốn:
Phát hiện hệ thống chữ Việt cổ thuộc loại hình khoa đẩu” mới xuất bản
 

bìa sách

 

Giáo sư Lê Trọng Khánh đã từng có nhiều công trình nghiên cứu quan trọng: “Lực lượng vũ trang thời Hùng Vương”, đăng trên Báo “Quân đội nhân dân” từ những năm 70, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá cao, “Địa danh ngôn ngữ cổ Việt Nam” (được dịch và in trong tạp chí Đông nam Á của Pháp)… Ông đặc biệt chú ý đến chữ Việt cổ vì theo ông: “Chữ viết thể hiện trình độ văn minh của một dân tộc”.

Giáo sư có được phát hiện vô cùng quan trọng về chữ Việt cổ: “Hệ thống chữ viết ấy xác định quá trình ra đời có nguồn gốc sâu xa từ những yếu tố tiền văn tự. Với thời gian dài tiến triển thành hệ thống chữ viết hình vẽ phát triển cao, được khắc trên đá ở Sa Pa, vào giai đoạn văn hóa đồ đồng phát triển – Gò Mun. Trên cơ sở đó chuyển lên loại hình chữ viết cao hơn. Và cũng chính ngay bản thân hệ thống chữ viết cao đó, cũng có cứ liệu vững chắc để thấy sự đi lên của nó, từ thấp đến giai đoạn hoàn chỉnh của chữ viết ghi âm Đông Sơn – chữ viết có nguồn gốc riêng, sớm nhất ở Đông Nam Á”. Buổi lập nước, triều đại Vua Hùng, chúng ta có một nền giáo dục rực rỡ. Người Việt ta đã có chữ viết trước cả người Hán. Theo giáo sư: “Sự phát hiện chữ viết góp phần hiểu sâu hơn văn hóa Đông Sơn. Nền văn minh đó, tất nhiên không giống các nền văn minh cổ khác đã ra đời ở các dòng sông lớn trên thế giới như sông Nil, Lưỡng Hà và Ấn Hà”. “Văn minh Đông Sơn đã tỏa ảnh hưởng ra ngoài, chữ viết của người Việt cổ làm cơ sở cho các hệ chữ viết còn lại sau này”. Ông tìm thấy một bộ chữ Việt cổ được lưu giữ ở vùng Tây Bắc Việt Nam, với nghiên cứu của mình, ông cho rằng văn tự này là một biến thể của chữ “Khoa đẩu” hay “Hoả tự” đã ghi trong cổ sử. Thứ chữ đã tồn tại trong nền văn hoá tiền Việt - Mường. Do không được sử dụng phổ biến, lại bị phong kiến phương bắc tàn sát với chính sách đồng hóa dân tộc, bộ chữ này bị đóng băng và không phát triển theo kịp những biến âm trong tiếng nói người Việt hiện đại. Đến thế kỷ 16 khi đạo thiên chúa truyền vào nước ta, một nhóm trí thức người Việt đã cùng các giáo sĩ phương tây La Tinh hoá bộ chữ này thành chữ Quốc ngữ mà ta đang dùng ngày nay. Đó là chữ mà Hùng Quốc Vương cho khắc trên mai thần qui tặng Vua Nghiêu chép việc từ thời khai thiên lập địa trở đi, để giữ hòa hiếu giữa hai nước – (Chữ Việt cổ trên mai Thần Qui có nội dung: “Kể từ trời Nam mở vận, dòng họ đầu tiên trong nước là Hồng Bàng, bậc quân Vương thụ mệnh trời đầu tiên là Kinh Dương Vương - là hậu duệ của Thần Nông. Kinh Dương Vương vốn được cha là Đế Minh phong Vương làm chủ Nam Việt. kết duyên cùng Long nữ Hồng Đăng Ngàn, con gái Động Đình Quân, sinh ra Lạc Long Quân, húy là Sùng Lãm. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là nàng Âu Cơ, sinh ra trăm con trai từ một bọc trứng, ấy là thủy tổ của Bách Việt vậy” (Ngọc phả Liệt Vị Đại Vương - La Nội, Hà Tây). Sự kiện này cũng được chép trong Ngọc phả đền: “Tứ Lạc Long Quân chi tử” đời Trần Thái Tông, tại xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Trong sách “Thông giám cương mục” của Chu Hy, sách “Tân lĩnh Nam chích quái” của Vũ Quỳnh…), đấy là thứ chữ mà các thầy cô giáo thời Hùng Vương giảng dạy rộng khắp. Và chính người Thái do ở xa trung tâm đô hộ của giặc ngoại xâm đã giữ gìn được chữ Việt cổ của Bách Việt và phát triển như ngày nay. (Vương Duy Trinh năm 1903 là Tổng đốc Thanh Hóa, viết trong “Thanh Hoá quan phong” in năm 1903 đã cho rằng chữ Thái là chữ Việt cổ còn sót lại ở Tây Bắc. Vương Duy Trinh viết: “Vì thập châu (vùng Tây Bắc) là nơi biên viễn (biên giới xa) nên dân ta còn lưu giữ được thứ chữ ấy. Các nơi khác, Sĩ Nhiếp (186) bắt bỏ hết để học Hán tự”. Bộ chữ Thái thổ tự của Phạm Thận Duật phát hiện năm 1855 cũng ở vùng Tây Bắc). Giáo sư Lê Trọng Khánh chỉ rõ: “Chữ viết của người Việt cổ đã được định hình và phát triển trên địa bàn rất rộng vào các thế kỷ trước công nguyên. Nó phân bố rộng hơn phạm vi thống trị của Tần – Hán ở các nước phía nam và Đông Nam Á… Thời khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, chữ Hán còn rất hạn chế; chữ Việt cổ vẫn là công cụ thông tin và truyền lệnh sắc sảo, góp phần tích cực cho thắng lợi trên phạm vi 65 thành (huyện) – bao gồm Lưỡng – Việt, Hải Nam đến Nhật Nam?”.

Chính nhờ sự nghiên cứu hệ thống, sâu chuỗi được những ký tự trên các di chỉ khảo cổ, đặc biệt là những di chỉ thuộc văn hóa Đông Sơn, đến chữ khắc trên đá cổ Sa Pa phát triển từ thấp đến cao. Bởi vậy cho đến lúc này, giáo sư Lê Trọng Khánh là người duy nhất chứng minh được sự liên hệ của chữ viết trên đá cổ ở Sa Pa và Đông Sơn, giải mã thành công văn tự trên đá cổ ở Sa Pa. Sau bao năm nghiên cứu chữ khắc trên đã cổ Sa Pa. Giáo sư Khẳng định: “Những văn bản khắc này có niên đại thuộc văn hóa Gò Mun, khoảng đầu thiên niên kỷ 1 trước CN, thời kỳ hình thành nước Văn Lang. Gò Mun là tiền Đông Sơn, giai đoạn cực thịnh, khi đó người Việt đã từng đánh bại quân xâm lược từ phương Bắc rất mạnh. Chữ viết hình vẽ Sa Pa đã vượt qua giai đoạn vẽ hiện thực nguyên thủy và đã tiến tới chữ biểu ý đầu tiên. Vì vậy có thể coi là là thuộc loại hình chữ viết hình vẽ biểu ý (pictogramme – tượng hình)… Trên các bản khắc Sa Pa có hình mái nhà cong như trên trống đồng Đông Sơn loại 1. Từ bản khắc Sa Pa đến trống đồng Đông Sơn là một tuyến phát triển từ thấp đến cao. Sơ đồ hình người Sa Pa tương đồng với hình người trên lưỡi rìu, lưỡi xéo Đông Sơn. Như vậy cũng rõ ràng có một xu hướng phát triển chữ viết hình vẽ tiến lên giai đoạn cao hơn – giai đoạn chữ viết ghi âm Đông Sơn”.

Theo giáo sư, chỉ có một tảng đá ở Sa Pa có chữ viết, nhiều nét chữ bị mòn không đọc được, nhưng bằng những gì còn lại, giáo sư giải mã được nội dung cơ bản là lời dặn của tổ tiên: ông cha đã có công dựng nước, các thế hệ sau phải có trách nhiệm giữ gìn và xây dựng đất nước!

Cuốn: “Phát hiện hệ thống chữ Việt cổ thuộc loại hình khoa đẩu” của giáo sư Lê Trọng Khánh là bước phát triển và hoàn thiện cuốn: “Sự hình thành và phát triển chữ Việt cổ”, đã công bố năm 1986 trên tạp chí của Viện ngôn ngữ, được dư luận đặc biệt quan tâm và đã được nhiều nước trên thế giới như Nga, Pháp... dịch và xuất bản. Công trình nghiên cứu của giáo sư Lê Trọng Khánh vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc khẳng định nền văn minh từng phát triển rất sớm của dân tộc ta, mà bao năm bị kẻ thù tìm mọi cách tàn sát, hủy diệt, vẫn có một sức sống mãnh liệt và trường tồn, làm nên bản sắc văn hóa đặc thù của một dân tộc mang trong mình dòng máu Lạc Hồng

Tuy cuốn sách mới được phát hành nhưng đã được dư luận đặc biệt quan tâm. Để đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc và giới nghiên cứu trong và ngoài nước, trong một ngày gần đây cuốn: “Phát hiện hệ thống chữ Việt cổ thuộc loại hình khoa đẩu” sẽ được trung tâm văn hóa Tràng An dịch và xuất bản bằng tiếng Anh. Còn giáo sư Lê Trọng Khánh cho biết, trong thời gian tới sẽ hoàn thiện và công bố một số công trình làm sáng tỏ hơn về sự tồn tại và phát triển chữ Việt cổ, đặc biệt là công trình về hệ thống chữ cái và cấu trúc ngữ pháp của chữ Việt cổ.

 


Những bài cùng tác giả:

Chè “Hai không”, “năm cực” Suối Giàng (Trần Vân Hạc)
Chữ Viết Khoa Đẩu Duy Nhất Trên Đá Cổ Sa Pa (Trần Vân Hạc)
Công Trình Chữ Việt Cổ Của Giáo Sư Lê Trọng Khánh (Trần Vân Hạc)
Gửi Người Tạc Tượng Alexandre De Rhodes (Vân Hạc)
Huyền Thoại Tắm Tiên Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hình Tượng Cây Nêu Với Một Số Dân Tộc Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hương Sắc Rừng Xuân Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hội thảo: Kinh thành Thăng Long - Thủ đô Hà Nội (Văn Hạc)
Không gian cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng – Một hướng tiếp cận mới (Trần Vân Hạc)
Kính gửi Ban biên tập Tuần báo Văn nghệ TPHCM (Trần Vân Hạc & Nguyễn Lê)
Lê Văn Tám: Lửa Bất Diệt (Trần Vân Hạc)
Mùa Xuân Tây Bắc Trong Tôi (Trần Vân Hạc)
Một ngôi chùa cổ rất cần những tấm lòng (Trần Vân Hạc)
Một văn bản chữ cổ của người Pà Thẻn (Trần Vân Hạc)
Nghĩa Trang Mang Tên Một Dòng Sông (Trần Vân Hạc)
Nguyễn Trãi, hợp tuyển thơ của soạn giả Gia Dũng (Vân Hạc)
Người Giữ Hương Chè Shan Tuyết Suối Giàng (Vân Hạc)
Người Lắng Thầm Tìm Con Chữ Việt Cổ (Trần Vân Hạc)
Người phụ nữ Thái hết lòng vì văn hóa dân tộc (Trần Vân Hạc)
Ngọn lửa Lệ Chi Viên (Trần Vân Hạc)
Nhà Sàn Của Người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Nhân Sinh Trong Tiếng Đại Ngàn (Trần Vân Hạc)
Những ngôi chùa trên huyện đảo Trường Sa (Trần Vân Hạc)
Nét Đẹp Tục Chơi Còn Của Người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Núi Rừng Tây Bắc Đón Xuân: Inh Lả Ơi, Xao Nọong Ơi! (Vân Hạc)
Thông báo xuất bản sách chữ Việt cổ (Trần Vân Hạc)
Tinh thần yêu nước trong thơ Nguyễn Khắc Nhu (Trần Vân Hạc)
Triết lý nhân sinh qua các món ăn của người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Trái Tim Của Biển (Trần Vân Hạc)
Trống đồng vang vọng giữa Trường Sa (Trần Vân Hạc)
Tây Bắc trong thơ Nguyễn Quang Bích (Trần Vân Hạc)
Tính hòa đồng của những ngôi chùa cổ Việt Nam (Trần Thi)
Tấm lòng vàng của một nhà khoa học chân chính (Trần Vân Hạc)
Tập Thơ Đường "Thuận Nghịch Độc" Của Tiến Sỹ Đặng Văn Phú (Trần Vân Hạc)
Vui buồn trên đường dâng sách (Trần Vân Hạc)
Vài nét về rừng thiêng của dân tộc Thái (Trần Vân Hạc)
Vài nét về tiến trình của chữ Quốc ngữ (Trần Vân Hạc)
Vàng Son Huyết Lệ (Trần Vân Hạc)
Yếu tố Việt cổ trong ngôn ngữ Thái (Trần Vân Hạc)
Đài Giọt Lệ (Hoàng Đạo Chúc)
Đầu xuân gặp nhà văn Sơn Tùng (Trần Vân Hạc)

Trang Văn Học