Tây Bắc trong thơ Nguyễn Quang Bích

Trần Vân Hạc

26 tháng 12, 2009

Nguyễn Quang Bích là một danh tướng trong phong trào Cần Vương, ông từng lãnh đạo nghĩa quân đóng đại bản doanh tại Nghĩa Lộ - Yên Bái. Không những thế ông còn là một nhà thơ tiên phong về Tây Bắc. Cuộc đời, sự nghiệp cùng những vần thơ tài hoa về cảnh vật và con người Tây Bắc của ông là một tài sản quý và niềm tự hào của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Tây Bắc nói riêng.

Nguyễn Quang Bích sinh ngày 7/5/1832 tại làng Trình Phổ, Phủ Kiến Xương, Tỉnh Nam Định – nay là tỉnh Thái Bình. Ông tên tự là Hàm Huy, hiệu Ngư Phong, đậu tú tài năm 28 tuổi, năm 31 tuổi đậu cử nhân, đến năm 1869 thi đậu Hoàng Giáp. Ông là quan thanh liêm được dân tôn là Hoạt Phật – tức là Phật sống.

Khi ông đang làm Tuần Phủ Hưng Hóa (Phú Thọ ngày nay) thì Hà Nội thất thủ lần thứ hai (1882). Triều đình ký hòa ước nhưng Nguyễn Quang Bích không chịu khuất phục, chống cự quyết liệt, sau đó thế cô phải lui về Tam Nông, rồi Cẩm Khê (Phú Thọ)… bắt đầu cuộc kháng chiến trường kỳ trên địa bàn Tây Bắc.

Nguyễn Quang Bích từng đóng đại bản doanh tại vùng đất thuộc xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, “Dinh chỉ huy đóng chếch trên sườn núi, nay là xã Nghĩa Sơn của người Khơ Mú, ba mặt có đường núi che chở, được các đồn trấn giữ” (Hoạt động của Nguyễn Quang Bích qua tư liệu Thái, Nhà xuất bản Khoa học xã hội năm 1994, trang 189) lợi dụng địa thế hiểm trở, được bà con các dân tộc: Thái, Mèo, Tày, Dao… hết lòng ủng hộ giúp đỡ, được các thổ ti, lang đạo nhiệt liệt hưởng ứng. Sau này trong tham luận: “Vai trò lãnh đạo của vị thủ lĩnh” của thượng tướng, giáo sư Hoàng minh Thảo đã nhận xét: “Việc xây dựng căn cứ kháng chiến tại Nghĩa Lộ, Văn Chấn đã chứng tỏ tầm nhìn chiến thuật của Nguyễn Quang Bích”.

Ông thiết lập đường dây liên lạc chặt chẽ với các lãnh tụ nghĩa quân khác như: Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Tống Duy Tân…quân Pháp không sao đánh nổi phải tìm cách mua chuộc dụ hàng. Nguyễn Quang Bích khảng khái trả lời: “Một chữ thú, từ nay xin quý quốc đừng có nhắc lại nữa, xin đừng có khuyên bừa, chúng tôi cam lòng chịu chết vì nghĩa Vua tôi” (Thư trả lời quân Pháp). Ông mất ngày 5/1/1890 vì bệnh trọng, khi đang chuẩn bị cho cuộc phản công lớn. Nhân dân cả nước vô cùng thường tiếc, có câu đối viếng ông:

Bất hủ giả danh, tại thiên hạ, tại hậu thế

Hà đoạt chi tối, thử quốc bộ thử nhân tâm

Nghĩa là:

Tiếng để lưu truyền, khiến thiên hạ biết mãi, đời sau biết mãi

Trời sao vội cướp, lúc vận nước thế này, lòng người thế này

Là một danh tướng, là một nhà nho, Nguyễn Quang Bích một tay cầm gươm một tay cầm bút, mà Tây Bắc với thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ, tình người chân chất, dũng cảm đã sát cánh cùng nghĩa quân chống giặc, là nguồn đề tài và cảm hứng vô tận.

Trong lịch sử văn học Việt Nam, Nguyễn Quang Bích là nhà thơ tiên phong về Tây Bắc. Trong những tác phẩm của ông để lại có một số bài văn xuôi, nhưng giá trị nhất là “Ngư phong thi tập” gồm 97 bài thơ chữ Hán, viết khi lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Tây Bắc, từ 1884 đến 1889. Đây có thể coi là tập nhật ký bằng thơ. Tuy là một vị tướng, mang trọng trách lớn với dân với nước, nhưng thơ Nguyễn Quang Bích hiếm khi nói về không khí chiến trận, những lời hiệu triệu, những tiếng thét xung trận với cảnh ngựa hí, gươm khua…Ngọn bút của ông bộc lộ một cách tài hoa trước thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ mà nên thơ, con người Tây Bắc cần cù, chất phác mà nồng hậu kiên cường.

Khắp một dải Tây Bắc nghĩa quân đã từng đặt chân đến như: Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai… những ngọn núi cao ngất tầng mây, những con đèo quanh co hiểm trở, những thác bạc ẩn hiện trong sương, một nếp nhà sàn bình dị, đây đó lảnh lót tiếng chim…Tất cả được Nguyễn Quang Bích cảm nhận và thể hiện vô cùng tinh tế như bức tranh thủy mặc, “thi trung hữu họa”:

Lên mãi càng cao mỗi bậc leo

Cúi nhìn rặng núi thấp leo teo

Đầu non hẩng sáng, sườn non tối

Mường tưởng mây mưa tự dưới đèo

( Lên núi Thái Bình – Dịch từ chữ Hán)

Đây là dòng thác dữ cuồn cuộn trào dâng được thi nhân khắc họa một cách sống động:

Nước reo sùng sục tựa trâu giống

Đá mọc lô xô tựa mũi tên

“Trận thế rắn bò” sông uốn khúc

“Đoàn quân gấu dữ, núi như lên”

(Qua thác Chiến Than)

Tây Bắc tráng lệ, nên thơ đầy những bất ngờ, lý thú, gợi thi hứng cho thi nhân, để rồi trong phút hứng khởi, Nguyễn Quang Bích đã xuất thần trong thi tứ tuyệt vời, lột tả vẻ đẹp hài hòa của trời mây non nước:

Khe suối loanh quanh vòng dải áo

Núi non chồng chất bức tranh mây

(Trên đường Quỳnh Nhai)

Cảnh vật Tây Bắc được miêu tả dưới nhiều góc độ, ở những khoảnh khắc của không gian và thời gian khác nhau lung linh những sắc mầu huyền ảo. Đây là một buổi sớm mà cảnh và tình hòa quyện, phảng phất chút hư ảo nhưng thật ấm lòng:

Nửa phần khói bếp, nửa phần mây

(Nghỉ trại ở núi Thái Bình)

Kia là dòng sông đượm nắng chiều thơ mộng:

Bên sông nắng xế bóng chênh vênh

(Đến trại Thái Bình)

Còn đây là cảnh trăng thu vằng vặc trên một bản Mèo:

Trăng sáng thu soi cây núi tỏ

(Sau đêm trùng cửu, nghỉ lại nhà người Mèo trên núi)

Cảnh vật trong thơ Nguyễn Quang Bích lung linh sắc mầu, có được do sự quan sát và cảm nhận tinh tế: Từ mầu đỏ của Sông Thao “Cuồn cuộn đổ ra biển phương Nam”, đến mầu xanh mượt mà của sóng lúa trên những thửa ruộng bậc thang từng bậc vút lên trời cao, mầu trắng của đám mây hững hờ vắt ngang đỉnh núi, màu vàng của một bông cúc dại bên đường, … Tuy có lúc “Bốn bề lạnh tanh không khói bếp” vắng lặng đến độ heo hút, nhưng có lúc lại vừa lạnh vừa trong, tiềm ẩn sự sống, chẳng khác nào “viên ngọc xúc trong bình băng”. Có lúc lại đắm mình trong cảnh non xanh thư thái như ở chốn bồng lai:

Sông vòng theo núi chảy

Rêu đượm nước mưa đầy

Đứng cao nhìn xa tít

Ngỡ mình ở trong mây

(Trên núi)

Thơ Nguyễn Quang Bích về Tây Bắc như những nét chấm phá đơn sơ nhưng vô cùng tinh tế, không mang theo những khuôn mẫu có sẵn. Tuy có phảng phất phong vị thơ Đường, nhưng lại rất riêng, rất lạ. Tất cả có được không chỉ do cái tài của nhà thơ, mà lớn hơn chính là do cái tâm của một người con đất Việt, yêu nước thương nòi. Tinh thần lạc quan ấy góp phần không nhỏ giúp Nguyễn Quang Bích và nghĩa quân vượt bao khó khăn gian khổ trong cuộc trường kỳ kháng chiến.

Trong thơ Nguyễn Quang Bích không chỉ có cảnh thiên nhiên Tây Bắc, mà chan chứa tình người. Đó là tình cảm nồng hậu của những thổ ti, lang đạo và nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã hết lòng bao bọc, giúp đỡ nghĩa quân.

Đây là cảnh nhà ba anh em thổ ti họ Long, cảnh trí như chốn thần tiên lại vô cùng đầm ấm:

Nửa ngờ tiên cảnh, nửa quan trang

Cây cỏ đầy sân đẹp lạ thường

(Tặng anh em họ Long)

Được đồng bào Mèo đón tiếp ân cần, trọng thị, ông vô cùng cảm động: “Muốn trào nước mắt”. Ông trân trọng những phong tục tập quán của đồng bào:

Không chuộng văn hoa, còn giữ lề thói chất phác xưa

Làm hay nghỉ không cần biết, coi thường đói rét

(Được đồng bào Mèo đón tiếp)

Ông cảm thông sâu sắc với nỗi khó nhọc của đồng bào miền núi: “Đất ở đấy ít mầu mỡ/ Làm ăn được thực đã cướp cả quyền hóa công của tạo hóa” (Lên núi Thái Bình)

Ông ngỡ ngàng thích thú trước cảnh phiên chợ vùng cao đậm đà bản sắc dân tộc:

Trong chợ, địu con ở sau lưng, người Nùng, người Mèo lẫn lộn

Hỏi người trên đường, biết chợ họp có phiên

(Phong tục nơi biên giới)

Nguyễn Quang Bích rung cảm trước những nét đẹp của đời thường của cuộc sống, con người Tây Bắc: Một tiếng trẻ khóc trong đêm, một tiếng gà báo sáng, một ngọn khói lam chiều thơ mộng…Tất cả đều là nguồn cảm hứng và đề tài cho ông khơi nguồn sáng tạo.

Nguyễn Quang Bích là một nhà nho yêu nước chân chính, là một nhà quân sự tài hoa, là nhà thơ tiên phong về Tây Bắc. Tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước và sự đồng cảm với số phận con người đã làm nên vẻ đẹp rất riêng trong thơ ông: Vượt lên những hạn chế của thời đại, thơ ông vút lên cái hùng tâm tráng khí của người con đất Việt, hết lòng yêu nước, thương nòi. Đồng thời cũng thể hiện tinh tế, hào hoa, sâu sắc những khám phá về Tây Bắc, chan chứa tình người.

Ngày nay không riêng ở Văn Chấn, Nghĩa Lộ có những con đường, ngôi trường mang tên Nguyễn Quang Bích, mà ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành trong cả nước đều có những con đường mang tên ông. Ông sống mãi trong lòng dân tộc.

 

Trần Vân Hạc


Cùng một tác giả:


Chè “Hai không”, “năm cực” Suối Giàng (Trần Vân Hạc)
Chữ Viết Khoa Đẩu Duy Nhất Trên Đá Cổ Sa Pa (Trần Vân Hạc)
Công Trình Chữ Việt Cổ Của Giáo Sư Lê Trọng Khánh (Trần Vân Hạc)
Gửi Người Tạc Tượng Alexandre De Rhodes (Vân Hạc)
Huyền Thoại Tắm Tiên Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hình Tượng Cây Nêu Với Một Số Dân Tộc Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hương Sắc Rừng Xuân Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hội thảo: Kinh thành Thăng Long - Thủ đô Hà Nội (Văn Hạc)
Không gian cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng – Một hướng tiếp cận mới (Trần Vân Hạc)
Kính gửi Ban biên tập Tuần báo Văn nghệ TPHCM (Trần Vân Hạc & Nguyễn Lê)
Lê Văn Tám: Lửa Bất Diệt (Trần Vân Hạc)
Mùa Xuân Tây Bắc Trong Tôi (Trần Vân Hạc)
Một ngôi chùa cổ rất cần những tấm lòng (Trần Vân Hạc)
Một văn bản chữ cổ của người Pà Thẻn (Trần Vân Hạc)
Nghĩa Trang Mang Tên Một Dòng Sông (Trần Vân Hạc)
Nguyễn Trãi, hợp tuyển thơ của soạn giả Gia Dũng (Vân Hạc)
Người Giữ Hương Chè Shan Tuyết Suối Giàng (Vân Hạc)
Người Lắng Thầm Tìm Con Chữ Việt Cổ (Trần Vân Hạc)
Người phụ nữ Thái hết lòng vì văn hóa dân tộc (Trần Vân Hạc)
Ngọn lửa Lệ Chi Viên (Trần Vân Hạc)
Nhà Sàn Của Người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Nhân Sinh Trong Tiếng Đại Ngàn (Trần Vân Hạc)
Những ngôi chùa trên huyện đảo Trường Sa (Trần Vân Hạc)
Nét Đẹp Tục Chơi Còn Của Người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Núi Rừng Tây Bắc Đón Xuân: Inh Lả Ơi, Xao Nọong Ơi! (Vân Hạc)
Thông báo xuất bản sách chữ Việt cổ (Trần Vân Hạc)
Tinh thần yêu nước trong thơ Nguyễn Khắc Nhu (Trần Vân Hạc)
Triết lý nhân sinh qua các món ăn của người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Trái Tim Của Biển (Trần Vân Hạc)
Trống đồng vang vọng giữa Trường Sa (Trần Vân Hạc)
Tây Bắc trong thơ Nguyễn Quang Bích (Trần Vân Hạc)
Tính hòa đồng của những ngôi chùa cổ Việt Nam (Trần Thi)
Tấm lòng vàng của một nhà khoa học chân chính (Trần Vân Hạc)
Tập Thơ Đường "Thuận Nghịch Độc" Của Tiến Sỹ Đặng Văn Phú (Trần Vân Hạc)
Vui buồn trên đường dâng sách (Trần Vân Hạc)
Vài nét về rừng thiêng của dân tộc Thái (Trần Vân Hạc)
Vài nét về tiến trình của chữ Quốc ngữ (Trần Vân Hạc)
Vàng Son Huyết Lệ (Trần Vân Hạc)
Yếu tố Việt cổ trong ngôn ngữ Thái (Trần Vân Hạc)
Đài Giọt Lệ (Hoàng Đạo Chúc)
Đầu xuân gặp nhà văn Sơn Tùng (Trần Vân Hạc)

Trang Văn Học Xã Hội