|
16 tháng 10, 2009 |
Bìa cuốn Nguyễn Trãi -
Hợp tuyển thơ.
Đấy là cảm nhận của những người biết trân
trọng văn hóa dân tộc, yêu kính người Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa
thế giới Nguyễn Trãi, sau khi đọc xong cuốn: “Nguyễn Trãi - Hợp tuyển thơ”
do NXB Hội Nhà văn phối hợp với Trung tâm văn hóa
Tràng An và Hội những người Yêu kính Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ xuất bản, sọan giả Gia Dũng.
Đây là một cuốn sách đồ sộ, hoành tráng, dày
trên 1.600 trang, in trên giấy tốt, bìa cứng giả da, đóng hộp rất đẹp và
trang nhã, là món quà vô giá dâng lên Anh linh người anh hùng dân tộc, Danh
nhân văn hóa thế giới nhân dịp kỷ niệm đại lễ của dân tộc 1.000 năm Thăng
Long, Hà Nội.
Cuốn sách được chia làm năm
phần:
Phần I: Về
Nguyễn Trãi, tập hợp những bài viết của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước
ta, của các học giả, chính khách… trong và ngoài nước về sự nghiệp vĩ đại
của Nguyễn Trãi trên mọi lĩnh vực: Chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa…
Phần II: Thơ
Nguyễn Trãi, gồm các tác phẩm: Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Quốc âm
thi tập. Riêng phần này dày hơn 800 trang được in nguyên văn bằng chữ Hán,
chữ Nôm với lời dịch do viện Hán Nôm đảm nhiệm.
Phần III: Chí
Linh Côn Sơn - Địa linh nhân kiệt, bao gồm
các bài thơ, phú, bài minh được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm (kèm theo bản
dịch nghĩa, dịch thơ) của Vua, các đại quan và các bậc danh nho về Chí Linh
Côn Sơn, có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Ức Trai tiên sinh.
Phần IV: Thơ
hiện đại viết về Nguyễn Trãi, tuyển chọn tác phẩm thơ của hàng trăm nhà thơ
nổi tiếng, nội dung khai thác nhiều khía cạnh cuộc đời và sự nghiệp của một
thiên tài với nhiều khám phá mới độc đáo đầy tính nhân văn.
Phần V: Phụ lục
phản ánh khái quát những hoạt động tôn vinh Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn
hóa thế giới Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ do Hội những người
yêu kính Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ khởi xướng và đã thu được những kết
quả rất đáng trân trọng.
Sọan giả - nhà thơ Gia Dũng bên trái,
Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc bên phải cùng
cuốn Nguyễn Trãi - Hợp tuyển thơ.
Chúng ta đã có nhiều tuyển
tập thơ, văn Nguyễn Trãi, nhưng đây là tuyển tập đầu tiên kiệt tác Quốc âm
thi tập được in đầy đủ bằng chữ Nôm, bên cạnh đó còn có phần thơ của 236
tác giả đương đại. Mỗi chữ, mỗi câu của cuốn sách đều như những viên ngọc
quí lấp lánh muôn mầu.
Nếu như phần về Nguyễn
Trãi, người đệ nhất công thần khai quốc đời Lê, người Việt Nam đầu tiên ý
thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng một nền văn hóa độc lập để Đại Việt
trở thành một quốc gia Văn hiến mãi mãi trường tồn. Cuộc đời và sự nghiệp
của Nguyễn Trãi là bài học quý báu về tinh thần nhân đạo, nhiệt tình chiến
đấu, quan điểm mạnh dạn đổi mới, sáng tạo. Tác phẩm của Nguyễn Trãi mở đầu
và đưa tầm Quốc âm lên đỉnh cao, mà cái thần của mỗi chữ, mỗi câu đều tiềm
ẩn hồn nước, như ngọn lửa bất diệt trong tâm thức mỗi người dân Đại Việt, để
rồi hôm nay được thế giới tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới; thì ở phần
thơ đương đại viết về Nguyễn Trãi với nhiều khía cạnh khác nhau, lại là tấm
lòng của những người con của một dân tộc kiên cường, vị tha và giầu lòng
nhân ái.
Soạn giả Gia Dũng, người đã
có 13 tập thơ và biên soạn thành công 22 tập khác cho biết, ông đã ấp ủ biên
soạn cuốn sách lớn này từ rất nhiều năm. Trước những đỉnh cao vời vợi trên
nhiều lĩnh vực: Chính trị, ngoại giao, văn hóa… của Nguyễn Trãi, ông quyết
định đầu tư công sức hoàn thành tuyển tập thơ. Bởi những áng thơ bất hủ ấy
phản ánh tài năng xuất chúng của Nguyễn Trãi, tinh thần của dân tộc và thời
đại, sống mãi đến muôn đời. Nguyện vọng cháy bỏng của soạn giả Gia Dũng như
ngọn lửa hồng nóng bỏng trong tâm hàng chục năm trời và rồi khi gặp nhà giáo
Hoàng Đạo Chúc, Hội trưởng Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi và Nguyễn
Thị Lộ, người đã hơn 20 năm vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn vất vả,
vận động tổ chức hội thảo minh oan cho Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ, in
sách, xây ba ngôi đền thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ ở Khuyến Lương - Hà
Nội, Lệ Chi Viên - Bắc Ninh, Tân Lễ - Thái Bình, trong đó ở Tân Lễ đã dựng
tượng Lễ nghi học sỹ bằng đồng cao 2,71m, nặng 1,4 tấn. Và gặp
luật gia Bùi Phúc Hải - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Tràng An (đơn vị văn hóa
có uy tín ở Thủ đô và trên cả nước) nhận đứng ra lo kinh phí và tổ chức in ấn thì đã hội tụ đủ
mọi điều kiện tiên quyết. Các ý tưởng lớn gặp nhau, ngọn lửa của tình yêu, trách nhiệm với tiền
nhân trong con người được giới yêu thơ gọi vui một cách quí trọng là “Cửu
vạn thơ” được thổi bùng lên, soạn giả Gia Dũng làm việc say mê hoàn thành
việc biên soạn cuốn sách lớn. Ngọn lửa nhiệt tình của các ông còn tiếp lửa
cho cán bộ, nhân viên của Trung tâm Văn hóa Tràng An, nơi vinh dự được nhận
trách nhiệm in ấn. Chỉ trong 22 ngày đêm Trung tâm đã phối hợp với Công ty
in Hưng Thái làm việc ba ca không biết mệt mỏi, hoàn thành 1.000 cuốn sách.
Đọc những bài thơ của các tác giả đương đại
viết về Nguyễn Trãi, mới thấu hơn bao giờ hết cái tâm của hậu thế với tiền
nhân, với bậc “Đệ nhất công thần khai quốc/ Cáo Bình Ngô tuyên mở thái bình/
Yên xã tắc núi mây bầu bạn/ Xa lánh hư vinh” - (Nghĩ về Ức Trai - Minh Phúc), mà tài
năng, phẩm hạnh cùng án oan thảm khốc với Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ cùng
ba họ mãi mãi là nỗi đau và bài học cho muôn đời thế hệ. Mỗi bài, mỗi câu
đều như những hạt phù sa, bồi đắp nên Cánh đồng Tâm Đức. Song có ai không
day dứt, ám ảnh đến gai người trước hình tượng thơ:
“Trên đường pháp trường
con dâu ta trở dạ/
Tiếng cháu thét chào đời như tiếng nghìn chim lợn báo
tang/
Đội ơn Vua đã ban tã lót/
Để cháu khỏi bị chém trần truồng trên thớt”
-
(Nguyễn Trãi trước giờ tru di - Trần Mạnh Hảo).
Không biết có phải tác giả
hư cấu hay không, nhưng hình tượng thơ thật là đắc địa. Nguyễn Trãi và
Nguyễn Thị Lộ cùng ba họ rơi đầu vì “lưỡi dao oan nghiệt của cái triều đình
hèn hạ và ngu muội do chính Nguyễn Trãi đã chiến đấu hơn mười năm gian khổ
để góp phần xây dựng nên” - (Trần Huy Liệu).
“Ôi con đường ba họ ta đến nơi
thọ hình/
Sao dài hơn mười năm Lam Sơn phò Lê Thái Tổ/
Ông cao xanh về rừng
xưa ở/
Nơi Vua lấy đất làm ngai, tình huynh đệ làm long bào/
Nơi ta mót dần
xã tắc cho vua như mót lúa”, cái cảnh:
“Đầu người đang rụng quanh ta/
Máu là
nước lũ Hồng Hà rời non/
Hồn ta là đứa trẻ con/
Đi vào cõi chết vẫn còn ngu
ngơ/
Nỗi oan không chết bao giờ/
Ta còn bị chém dọc bờ thế nhân”
sẽ còn mãi
với thời gian -
(Nguyễn Trãi trước giờ tru di - Trần Mạnh Hảo).
Lịch sử Việt
Nam có trang nào đen tối hơn không? Để rồi tuy gần 600 năm trôi qua, nhưng
ta vẫn như thấy dậy lên từ lòng đất tiếng thét gào của những người dân vô
tội, những người con Trung - Hiếu - Tiết - Nghĩa. Bởi vậy năm nay nhân dân
ta - những người con của thời đại Hồ Chí Minh đã minh oan cho Lễ nghi học sỹ
Nguyễn Thị Lộ, tổ chức làm giỗ cho hai Cụ, dẫu có muộn, nhưng đó là tấm lòng
của hậu thế với tiền nhân, với những người đã đổ máu vì sự trường tồn của
non sông đất nước.
“Đêm Lệ Chi Viên oan nghiệt/
Đầu rơi đành nhẽ sự đời/
Người hiền muôn năm bất diệt/
Sao Khuê vằng vặc giữa trời/
Tượng đồng đẹp
vườn Québec/
Lá vàng thường đậu bờ vai/
Qua đây già trẻ ngước chào/
Người là
của chung nhân loại” -
(Tượng Nguyễn Trãi ở Québec - Trương Nguyên Tuệ).
Cuốn “Nguyễn Trãi - Hợp
tuyển thơ” được hóa tại đền thờ Nguyễn Trãi ở Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội,
nơi có các hoành phi cổ:
“Khai quốc nguyên luân” (người có công đầu mở mang
đất nước),
“Bình Ngô khai quốc” (dẹp giặc Ngô mở nước),
“Bình dị cận dân”
(sống giản dị gần dân) đáng cho muôn đời suy ngẫm. Đặc biệt, tại đây có một
biển đề trang trọng lời vua Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ năm (1464)
“Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” (Tấm lòng Nguyễn Trãi sáng đẹp như sao
khuê). Đó là lời minh oan của nhà vua đối với Nguyễn Trãi sau vụ án Lệ Chi
viên năm 1442 và hóa tại đền thờ hai Cụ ở Tân Lễ, Hưng Hà, Thái Bình, quê
hương của Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ. Cuốn “Nguyễn Trãi - Hợp tuyển
thơ” còn được nhà văn Trần Nhương, thay mặt “Hội những người yêu kính Nguyễn
Trãi và Nguyễn Thị Lộ” kính cẩn dâng trước tượng của Người ở Québec và trân
trọng trao tặng cho những người có lòng yêu kính Danh nhân văn hóa thế giới
Nguyễn Trãi nhân chuyến đi Canada. Chúng ta mong rằng dưới suối vàng,
hai Cụ cùng ba họ mỉm cười đón nhận tấm lòng của con cháu.
“Cuốn Nguyễn Trãi - Hợp
tuyển thơ” hoàn thành vào dịp giỗ hai Cụ cùng ba họ (16.8 âm) và nhân dịp kỷ
niệm đại lễ
của dân tộc 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội, như góp thêm một
ngọn lửa trong đuốc lửa ngày Hội, nồng ấm thêm ngọn lửa tin yêu trong trái
tim mỗi người dân của một đất nước đã trải qua hàng ngàn năm đau thương và
anh dũng.
Nhân ái và cao đẹp biết bao!
Trần Vân Hạc
Bài liên hệ:
- Nguyễn Trãi, hợp tuyển thơ của soạn giả Gia Dũng (Vân Hạc)
- Đài Giọt Lệ (Hoàng Đạo Chúc)
- Ngọn lửa Lệ Chi Viên (Trần Vân Hạc)
- Vui buồn trên đường dâng sách (Trần Vân Hạc)
Cùng một tác giả:
Chè “Hai không”, “năm cực” Suối Giàng (Trần Vân Hạc)
Chữ Viết Khoa Đẩu Duy Nhất Trên Đá Cổ Sa Pa (Trần Vân Hạc)
Công Trình Chữ Việt Cổ Của Giáo Sư Lê Trọng Khánh (Trần Vân Hạc)
Gửi Người Tạc Tượng Alexandre De Rhodes (Vân Hạc)
Huyền Thoại Tắm Tiên Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hình Tượng Cây Nêu Với Một Số Dân Tộc Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hương Sắc Rừng Xuân Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hội thảo: Kinh thành Thăng Long - Thủ đô Hà Nội (Văn Hạc)
Không gian cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng – Một hướng tiếp cận mới (Trần Vân Hạc)
Kính gửi Ban biên tập Tuần báo Văn nghệ TPHCM (Trần Vân Hạc & Nguyễn Lê)
Lê Văn Tám: Lửa Bất Diệt (Trần Vân Hạc)
Mùa Xuân Tây Bắc Trong Tôi (Trần Vân Hạc)
Một ngôi chùa cổ rất cần những tấm lòng (Trần Vân Hạc)
Một văn bản chữ cổ của người Pà Thẻn (Trần Vân Hạc)
Nghĩa Trang Mang Tên Một Dòng Sông (Trần Vân Hạc)
Nguyễn Trãi, hợp tuyển thơ của soạn giả Gia Dũng (Vân Hạc)
Người Giữ Hương Chè Shan Tuyết Suối Giàng (Vân Hạc)
Người Lắng Thầm Tìm Con Chữ Việt Cổ (Trần Vân Hạc)
Người phụ nữ Thái hết lòng vì văn hóa dân tộc (Trần Vân Hạc)
Ngọn lửa Lệ Chi Viên (Trần Vân Hạc)
Nhà Sàn Của Người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Nhân Sinh Trong Tiếng Đại Ngàn (Trần Vân Hạc)
Những ngôi chùa trên huyện đảo Trường Sa (Trần Vân Hạc)
Nét Đẹp Tục Chơi Còn Của Người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Núi Rừng Tây Bắc Đón Xuân: Inh Lả Ơi, Xao Nọong Ơi! (Vân Hạc)
Thông báo xuất bản sách chữ Việt cổ (Trần Vân Hạc)
Tinh thần yêu nước trong thơ Nguyễn Khắc Nhu (Trần Vân Hạc)
Triết lý nhân sinh qua các món ăn của người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Trái Tim Của Biển (Trần Vân Hạc)
Trống đồng vang vọng giữa Trường Sa (Trần Vân Hạc)
Tây Bắc trong thơ Nguyễn Quang Bích (Trần Vân Hạc)
Tính hòa đồng của những ngôi chùa cổ Việt Nam (Trần Thi)
Tấm lòng vàng của một nhà khoa học chân chính (Trần Vân Hạc)
Tập Thơ Đường "Thuận Nghịch Độc" Của Tiến Sỹ Đặng Văn Phú (Trần Vân Hạc)
Vui buồn trên đường dâng sách (Trần Vân Hạc)
Vài nét về rừng thiêng của dân tộc Thái (Trần Vân Hạc)
Vài nét về tiến trình của chữ Quốc ngữ (Trần Vân Hạc)
Vàng Son Huyết Lệ (Trần Vân Hạc)
Yếu tố Việt cổ trong ngôn ngữ Thái (Trần Vân Hạc)
Đài Giọt Lệ (Hoàng Đạo Chúc)
Đầu xuân gặp nhà văn Sơn Tùng (Trần Vân Hạc)