 |
05 tháng 4, 2010 |
Tiến sỹ hóa học Đặng Văn Phú là một nhà cảm xạ bậc
thầy, một lương y cao cấp, lương y chuyên sâu tài hoa và thật bất ngờ khi
biết ông còn là một nhà thơ. Tập thơ: “Trăng ngàn” - nhà xuất bản Hội nhà
văn ấn hành năm 2009 là tập mới nhất của ông. Đặc biệt đây là tập thơ Đường,
theo lối “thuận nghịch độc”. Đây là thể thơ vô cùng độc đáo, vì mỗi bài có
thể đọc ngược, xuôi thành nhiều bài, có bài của tiến sỹ Đặng Văn Phú có thể
đọc thành 20 bài. Khó là vậy nên từ xưa, người làm một vài bài thì nhiều,
nhưng cả tập 50 bài thì chưa từng có, khiến ai duyên may có tập thơ này đều
thực sự thích thú và khâm phục.
Ông tiến sỹ yêu thơ này đã từng in chung 17 tập thơ và
có bài trên 30 thi san các loại. Tập thơ “Trăng ngàn” là tập thơ “thuận
nghịch độc” đầu tay, nhưng đã để lại trong lòng người đọc một ấn tượng khó
phai. Ông đang chuẩn bị cho in tiếp tập “Vườn đào” cũng theo thể “thuận
nghịch độc”.
50 bài thơ của tiến sỹ Đặng Văn Phú, mỗi bài đều không
chỉ là một bài thơ, mà hơn thế đấy là một kỳ công tuyệt tác của trí tuệ, cảm
xúc và sáng tạo được cộng hưởng, thăng hoa như trong “Người đa tài” của Đức
Anh:
“Đa tài hiếm có ở nhân gian
Trí não thông minh đến tuyệt trần”.
Đề tài phong phú: nhiều mảng cuộc sống được phản ánh
một cách trung thực và hồn nhiên. Nguồn xúc cảm dồi dào phát khởi từ một
trái tim yêu đời, yêu thiên nhiên, tha thiết với cuộc sống. Bằng nhiều tìm
tòi sáng tạo trong thể hiện nghệ thuật với những hình ảnh và biện pháp tu từ
độc đáo, kỳ công trong việc đãi vàng trong muôn tấn quặng chữ, tác giả vẫn
giữ được cái chất hàn lâm của thơ Đường mà vẫn đậm đà hương vị Việt, tạo ra
một không gian đa chiều, khơi nguồn cảm xúc thẩm mỹ cho người đọc… Đó là cảm
nhận đầu tiên của người viết bài này khi đọc xong tập “Trăng ngàn” của tiến
sỹ Đặng Văn Phú.
Cảm xúc chủ đạo của tập thơ là tình yêu cháy bỏng với
quê hương đất nước, tình yêu gia đình dạt dào nồng thắm, tấm lòng của một
lương y như từ mẫu, những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời… Đề tài không
mới, nhưng sự tìm tòi trong cách thể hiện đã đem lại một hơi thở, một diện
mạo đặc biệt cho những mệnh đề tưởng chừng muôn thuở ấy. Đó là một thứ giống
như một phép đảo thế nhiệm mầu của ngôn từ, đưa người đọc đi từ bất ngờ này
tới sự thú vị khác. Bởi vậy đọc thơ ông trong trò chơi trí tuệ cao cấp, sang
trọng ấy không dễ, ý tại ngôn ngoại, nhưng khi hiểu, đã đồng cảm được thì
thật là thú vị, lôi cuốn đến say lòng.
Đây là cảnh nên thơ ở bài “Trăng ngàn”:
“Sương mây quyện lẫn núi ngàn xa
Gió nhẹ, trăng lùa chim hót ca
Hương thỏang đâu đây mùi chín quả
Sắc loang nơi ấy vị ngon trà…”.
Cái tài của ông là sự biết
điều tiết cảm xúc và thể hiện rất giản dị, nhưng không kém phần thơ mộng và
các bạn thử đọc ngược mấy câu ấy thôi, chắc sẽ không khỏi ngạc nhiên trước
thi tứ mới đầy bất ngờ.
Trong tập thơ của ông mỗi bài đều long lanh một thứ ánh
sáng diệu kỳ, có những bài người đọc không thể không thưởng thức với nhiều
góc độ khác nhau, bởi cũng như thưởng lãm một viên kim cương, người ta
không thể chỉ đứng ở một góc độ. Đấy là những bài: Hoa sen, Hưng Đạo Vương,
Suối, Chợ Hoa, Viếng mộ liệt sỹ…Dù là thơ thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ
tuyệt, ngũ ngôn bát cú, ngũ ngôn tứ tuyệt…thì với tay nghề cao như của người
thợ kim hoàn tài hoa, ông đã tạo nên những công trình tuyệt diệu bằng ngôn
ngữ. Ông vẫn tuân theo qui định ngặt nghèo của thơ Đường, nhưng với tài năng
và sự sáng tạo của mình, mỗi bài, mỗi câu, mỗi ý cứ dư ba trong lòng người
đọc những gợn sóng đến vô cùng.
Thiên nhiên trong “Trăng ngàn” được thể hiện tài tình
qua “Tây Hồ”:
“Vân in gợn sóng nước xanh hồ
Gió nhẹ lay đưa lá liễu bồ”.
Đọc xuôi đã thấy cảnh trời mây non nước Tây Hồ sao mà thơ mộng, nhưng khi
đọc ngược:
“Bồ liễu lá đưa lay nhẹ gió
Hồ xanh nước gợn sóng in vân”,
ta
chợt sững sờ trước vẻ đẹp thường ngày của Tây Hồ vừa quen, vừa lạ. Tuy cũng
là sóng, gió, trời, mây…nhưng như có hồn, sống động. Còn trong “Rừng sớm”:
“Xa kia sẫm bóng ngút ngàn cây
Sớm phủ sương dăng lãng đãng dày”.
Nếu chỉ
cảm nhận rừng cây đầy sức sống, xanh ngút ngàn, sương dăng chỗ dày đặc, nơi
lãng đãng đã thấy cái đẹp của thiên nhiên qua tài năng của ông, nhưng khi
đọc ngược:
“Dày lãng đãng dăng sương phủ sớm
Cây ngàn ngút bóng xẫm kia xa”,
người đọc chợt mỉm cười thích thú với những hình ảnh mới lạ với một
không gian mở. Là người từng phấn đấu, đóng góp không mệt mỏi tài sức của
mình trong công cuộc xây dựng đất nước, ông thốt lên từ đáy lòng mình “Mừng
Đảng” vững tay chèo lái, làm cho dân giầu , nước mạnh:
“Mừng Đảng tiếp sang xuân
Lái chèo vững triệu lần
Bừng lên dân tiếp bước
Hưng vượng giàu sang
dân”.
Đây là đề tài khó, thường dễ sa vào việc hô khẩu hiệu, với ông, bằng
cách thể hiện mộc mạc, chân thành như cảm nhận tất yếu của mọi người dân đất
Việt. Những từ: “tiếp”, “bừng”, “hưng vượng”… làm cho bài thơ có hồn. Trong
bài: “Bác Hồ với thiếu niên”:
“Yêu quí chăm lo đến thiếu niên
Gắng công rèn rũa đức tài hiền
Thêu hoa nhiệt huyết niềm mơ ước
Nêu bật non sông đẹp dải
liền”.
Tâm nguyện của Bác gửi gắm, hy vọng vào thế hệ mai sau xây dựng đất
nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu được thể hiện sao giản dị mà
tài tình đến nhường vậy. Là một lương y chuyên sâu, ông thấm nhuần và phát
huy cái đạo từ ngàn xưa “lương y như từ mẫu”. Nếu như trong sự nghiệp y dược
cứu người ông từng chữa cho bao người khỏi bệnh nan y và thường xuyên khám
bệnh miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn, thì trong bài “Đông y Việt
Nam”:
“Truyền tải đông y Việt Nam ta
Tiếp theo báu quí của ông cha
Hiền tài cứu chữa nhiều thay đổi
Tốt tình chăm lo lắm chạm va…”.
Đây phải chăng
là tuyên ngôn, là tiêu chí và cũng là những chiêm nghiệm của một lương y tài
cao tâm sáng.
Trong tập “Trăng ngàn”, nhiều bài, nhiều câu, đọc thuận
hay ngược đều đáng khâm phục như: Thơ hồn nối nhịp thích và mơ – Mơ và thích
nhịp thổi hồn thơ (Sáng tỏa). Suối nước in non vẽ đất trời – Trời đất vẽ non
in nước suối (Tụ hội). Nắng vàng hong ấm gió đưa hương – Hương đưa gió ấm
hong vàng nắng (Tết đến)… Đặc biệt bài: “Chợ hoa” có thể đọc được thành 20
bài khác nhau, mỗi bài đều đem đến cho người đọc một thi cảm đầy bất ngờ
trước vẻ đẹp của hoa, xuân, con người cùng thiên nhiên qua sự sáng tạo tuyệt
vời:
“Gần tết chợ hoa đủ loại mầu
Nụ đào nhành cúc quất bày mau
Thân mai gốc sứ khoe hình dáng
Khóm trúc cành cau nối nhịp cầu
Xuân đón bướm vờn vui nhẩy múa
Gió hong chim đuổi thú đan khâu
Hân hoan dạo phố đèn trưng sáng
Giàn nhạc thâu đêm điểm trống chầu”.
Tiến sỹ Đặng Văn Phú là người đầu tiên có một tập thơ
Đường theo thể “thuận nghịch độc”. Được biết ông sáng tác tập thơ này trong
một thời gian không dài, với 22 bài thất ngôn bát cú, 28 bài tứ tuyệt. Đây
quả là một kỳ công chưa từng có. Song cũng do đây là tập thơ đầu tay theo
thể loại “khó chơi” này nên có đôi từ đọc ngược còn chưa sáng nghĩa, nhuần
nhị, hoặc còn thô cứng. Đó là điều không tránh khỏi, bởi nói như dân gian:
Ngọc nào mà không có vết. Nếu không tỳ vết thì người ta còn phải phấn đấu,
gọt rũa để làm gì nữa. Bởi vậy chúng ta đón nhận tập “Trăng ngàn” với một sự
khâm phục và trân trọng, sự thành công của tiến sỹ Đặng Văn Phú góp phần làm
phong phú thêm thi đàn Đường luật. Và chúng ta đón đợi tập: “Vườn đào” với
những thành công mới.
Gấp cuốn sách lại, người đọc gặt hái được biết bao cảm
xúc thấm đẫm tình người và tình đời và cảm thấy tâm hồn mình trong sáng hơn,
yêu đời hơn, do những thi tứ và cách thể hiện độc đáo đem lại, tôi cứ tự
hỏi: Những người làm cuốn sách Kỷ lục Giness Việt Nam đã biết đến tập thơ
Đường luật “thuận nghịch độc” của tiến sỹ Đặng Văn Phú hay chưa? Và nếu
biết, họ có định đưa vào cuốn sách đó hay không, vì các bạn cứ tìm thử mà
xem, từ xưa đến nay đã có nhà thơ nào có hẳn một tập 50 bài theo thể “thuận
nghịch độc” như tiến sỹ Đặng Văn Phú?
CHỢ HOA:
MỘT BÀI TÁCH ĐƯỢC HAI MƯƠI BÀI:
I . ĐỌC XUÔI:
(Một bài đọc xuôi đã có ở trên)
2 . Gần tết chợ hoa đủ loại mầu
Nụ đào nhành cúc quất bày mau
Thân mai gốc sứ khoe hình dáng
Khóm trúc cành cau nối nhịp cầu
3 . Xuân đón bướm vờn vui nhảy múa
Gió hong chim đuổi thú đan khâu
Hân hoan dạo phố đèn trưng sáng
Giàn nhạc thâu đêm điểm trống chầu
4 . Thân mai gốc sứ khoe hình dáng
Khóm trúc cành cau nối nhịp cầu
Xuân đón bướm vờn vui nhảy múa
Gió hong chim đuổi thú đan khâu
5 . Gần tết chợ hoa đủ loại mầu
Nụ đào nhành cúc quất bày mau
Hân hoan dạo phố đèn trưng sáng
Giàn nhạc thâu đêm điểm trống chầu
6 . Chợ hoa đủ loại mầu
Nhành cúc quất bày mau
Gốc sứ khoe hình dáng
Cành cau nối nhịp cầu
Bướm vờn vui nhẩy múa
Chim đuổi thú đan khâu
Dạo phố đèn trưng sáng
Thâu đêm điểm trống chầu
7 . Chợ hoa đủ loại mầu
Nhành cúc quất bày mau
Gốc sứ khoe hình dáng
Cánh cau nối nhịp cầu
8 . Bướm vờn vui nhẩy múa
Chim đuổi thú đan khâu
Dạo phố đèn trưng sáng
Đêm thâu điểm trống chầu
9 . Gốc sứ khoe hình dáng
Cành cau nối nhịp cầu
Bướm vờn vui nhẩy múa
Chim đuổi thú đan khâu
10 . Chợ hoa đủ loại mầu
Nhành cúc quất bày mau
Dạo phố dèn trưng sáng
Thâu đêm điểm trống chầu
|
II. ĐỌC NGƯỢC:
11 . Chầu trống điểm đêm thâu dàn nhạc
Sáng trưng đèn phố dạo hoan hân
Khâu đan thú đuổi chim hong gió
Múa nhẩy vui vờn thú đón xuân
Cầu nhịp nối cau nhành cúc khóm
Dáng hình khoe sứ gốc mai thân
Mau bày quất cúc nhành đào nụ
Mầu loại đủ hoa chợ đến gần
12 . Chầu trống điểm đêm thâu nhạc giàn
Sáng trưng đèn phố dạo hoan hân
Khâu đan thú đuổi chim hong gió
Múa nhẩy vui vờn bướm đón xuân
13 . Cầu nhịp nối cau cành trúc khóm
Dáng hình khoe sứ gốc mai thân
Mau bày quất cúc cành đào nụ
Màu loại đủ hoa chợ tết gần
14 . Khâu đan thú đuổi chim hong gió
Múa nhẩy vui vờn bướm đón xuân
Cầu nhịp nối cau cành trúc khóm
Dáng hình khoe sứ gốc mai thân
15 . Chầu trống điểm đêm thâu giàn nhạc
Sáng trưng đèn phố dạo hoan hân
Mau bầy quất cúc cành đào nụ
Mầu loại đủ hoa chợ tết gần
16 . Điểm đêm thâu nhạc giàn
Đèn phố dạo hoan hân
Thú đuổi chim hong gió
Vui vờn bướm đón xuân
Nối cau cành trúc khóm
Khoe sứ gốc mai thân
Quất cúc nhành đào nụ
Đủ hoa chợ tết gần
17 . Điểm đêm thâu nhạc giàn
Đèn phố dạo hoan hân
Thú đuổi chim hong gió
Vui vờn thú đón xuân
18 . Nối cau cành trúc khóm
Khoe sứ gốc mai thân
Quất cúc nhành đào nụ
Đủ hoa chợ tết gần
19 . Thú đuổi chim hong gió
Vui vờn bướm đón xuân
Nối cau cành cúc khóm
Khoe sứ gốc mai thân
20 . Điểm đêm thâu giàn nhạc
Đèn phố dạo hoan hân
Quất cúc nhành đào nụ
Đủ hoa chợ tết gần
|
Trần Vân Hạc
Những bài của tác giả:
Chè “Hai không”, “năm cực” Suối Giàng (Trần Vân Hạc)
Chữ Viết Khoa Đẩu Duy Nhất Trên Đá Cổ Sa Pa (Trần Vân Hạc)
Công Trình Chữ Việt Cổ Của Giáo Sư Lê Trọng Khánh (Trần Vân Hạc)
Gửi Người Tạc Tượng Alexandre De Rhodes (Vân Hạc)
Huyền Thoại Tắm Tiên Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hình Tượng Cây Nêu Với Một Số Dân Tộc Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hương Sắc Rừng Xuân Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hội thảo: Kinh thành Thăng Long - Thủ đô Hà Nội (Văn Hạc)
Không gian cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng – Một hướng tiếp cận mới (Trần Vân Hạc)
Kính gửi Ban biên tập Tuần báo Văn nghệ TPHCM (Trần Vân Hạc & Nguyễn Lê)
Lê Văn Tám: Lửa Bất Diệt (Trần Vân Hạc)
Mùa Xuân Tây Bắc Trong Tôi (Trần Vân Hạc)
Một ngôi chùa cổ rất cần những tấm lòng (Trần Vân Hạc)
Một văn bản chữ cổ của người Pà Thẻn (Trần Vân Hạc)
Nghĩa Trang Mang Tên Một Dòng Sông (Trần Vân Hạc)
Nguyễn Trãi, hợp tuyển thơ của soạn giả Gia Dũng (Vân Hạc)
Người Giữ Hương Chè Shan Tuyết Suối Giàng (Vân Hạc)
Người Lắng Thầm Tìm Con Chữ Việt Cổ (Trần Vân Hạc)
Người phụ nữ Thái hết lòng vì văn hóa dân tộc (Trần Vân Hạc)
Ngọn lửa Lệ Chi Viên (Trần Vân Hạc)
Nhà Sàn Của Người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Nhân Sinh Trong Tiếng Đại Ngàn (Trần Vân Hạc)
Những ngôi chùa trên huyện đảo Trường Sa (Trần Vân Hạc)
Nét Đẹp Tục Chơi Còn Của Người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Núi Rừng Tây Bắc Đón Xuân: Inh Lả Ơi, Xao Nọong Ơi! (Vân Hạc)
Thông báo xuất bản sách chữ Việt cổ (Trần Vân Hạc)
Tinh thần yêu nước trong thơ Nguyễn Khắc Nhu (Trần Vân Hạc)
Triết lý nhân sinh qua các món ăn của người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Trái Tim Của Biển (Trần Vân Hạc)
Trống đồng vang vọng giữa Trường Sa (Trần Vân Hạc)
Tây Bắc trong thơ Nguyễn Quang Bích (Trần Vân Hạc)
Tính hòa đồng của những ngôi chùa cổ Việt Nam (Trần Thi)
Tấm lòng vàng của một nhà khoa học chân chính (Trần Vân Hạc)
Tập Thơ Đường "Thuận Nghịch Độc" Của Tiến Sỹ Đặng Văn Phú (Trần Vân Hạc)
Vui buồn trên đường dâng sách (Trần Vân Hạc)
Vài nét về rừng thiêng của dân tộc Thái (Trần Vân Hạc)
Vài nét về tiến trình của chữ Quốc ngữ (Trần Vân Hạc)
Vàng Son Huyết Lệ (Trần Vân Hạc)
Yếu tố Việt cổ trong ngôn ngữ Thái (Trần Vân Hạc)
Đài Giọt Lệ (Hoàng Đạo Chúc)
Đầu xuân gặp nhà văn Sơn Tùng (Trần Vân Hạc)