Lê Văn Tám: Lửa Bất Diệt

Trần Vân Hạc

02 tháng 3, 2010

Sau một loạt bài về anh hùng nhỏ tuổi Lê Văn Tám trên tuần báo văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, được bạn đọc xa gần hết lòng ủng hộ, nhiều người như được sống lại với những kỷ niệm không phai mờ về tấm gương vì nước quên thân của người anh hùng đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước.

Ông Đỗ Văn Xuyền, sinh năm 1937, một nhà nghiên cứu chữ Việt cổ có rất nhiều thành công của nước ta hiện nay kể lại:

- Năm 1945 – 1947, một đoàn bộ đội đến ở nhà tôi tại thôn Duyên Hà, huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình. Năm ấy tôi đã 9 - 10 tuổi rất yêu quí các anh bộ đội và vô cùng ham đọc sách báo. Tôi thường lân la làm quen và mượn sách báo của một anh cán bộ đại đội. Trong số báo mượn được có tờ “Quân Bạch Đằng” – tờ báo của quân khu ba. Tôi còn nhớ tờ báo in trên giấy xấu, mực đen, riêng chữ “Quân Bạch Đằng” in bằng mầu xanh cô ban. Anh cán bộ đại đội chỉ cho tôi một bài thơ in ở trang nhất bảo tôi đọc. Tôi không nhớ tên tác giả, nhưng bài đó tôi còn nhớ như sau:

 

“Lửa bất diệt


Buổi trưa ấy Sài Gòn rung ý hận
Nghiến răng nghe rầm rập tiếng chân thù
Anh đứng khoanh tay lòng hồi hộp đợi chờ
Giờ cứu nước, giờ đây giờ cứu nước!
Anh nhìn xuống áo quần xăng đẫm ướt
Mùi xăng dầu ngây ngất chí hiên ngang
Ngoài miệt xa phơi phới ánh sao vàng
Từng nhịp sống từ Cầu Ông vọng lại
Mỗi tiếng súng là mỗi người trẻ tuổi
Cũng như anh ngã xuống cũng như anh
Lòng lâng lâng dâng nước mảnh hồn xanh
Anh rạo rực trong anh sao nóng quá?
Anh châm lửa người anh mang cánh lửa
Anh băng băng xông tới giữa kho dầu
Ánh lửa hồng mỗi lúc một dâng cao
Bay loang loáng khắp kho dầu loang mãi
Lưỡi lê giặc vụt chìa ra cản lại
Anh hiên ngang trong ngọn lửa vinh quang
Lũ giặc hèn lùi lại rợn kinh hoàng
Mắt xanh lét trừng trừng đầu sẽ lắc
Ôi cuồng nộ là mưu đồ xâm lược
Mộng thực dân – sợi khói thoảng bay tan
Vì lửa ai anh dũng đã thiêu tàn
Chúng điên hận nhìn anh run mũi súng
Tiếng súng nổ cây người anh đổ xuống
Lửa người anh đã gặp lửa hồn anh
Phơi phới lên ngọn lửa sáng đô thành
Và sán lạn một trời Nam đỏ rực
Nơi máu lửa đang ghi hồn dân tộc
Tám mươi năm uất hận phút này đây
Lửa người anh bén cháy mọi lòng trai
Lan cháy mãi trong lòng dân đất Việt
Lửa người anh! Lửa người anh bất diệt!”

Tôi hỏi:

- Vẫn biết ông là người có trí nhớ tuyệt vời, nhưng sao lúc đó mới 9, 10 tuổi mà ông nhớ bài thơ đến như vậy. Ông Đỗ Văn Xuyền mỉm cười:

- Anh phải biết rằng lúc đó phong trào học tập tấm gương anh hùng Lê Văn Tám rộ lên ở khắp mọi nơi. Tôi còn nhớ lúc đó trong một đêm liên hoan văn nghệ quân dân, có một anh bộ đội quê ở huyện Thụy Anh nói dấu ngã thành dấu hỏi. Khi anh ngâm: “Mắt xanh lét trừng trừng đầu sẻ lắc” làm mọi người cười ầm lên. Ban tổ chức phải lên đính chính lại: “Đầu sẽ lắc, chứ không phải đầu chim sẻ lắc”!

Tôi tò mò:

- Thưa ông, rất mong ông lượng thứ, thời gian quá lâu rồi, bài thơ này ông nhớ có chính xác không?

Ông Đỗ Văn Xuyền độ lượng:

- Thế hệ chúng tôi ngày ấy vô cùng tin tưởng vào sự thành công của cách mạng. Phong trào học tập tấm gương anh hùng Lê Văn Tám nhanh chóng lan rộng khắp nơi. Chúng tôi chuyền tay học thuộc lòng bài thơ đó và mãi sau này vẫn thường ngâm mỗi khi có dịp, vì vậy tuy thời gian đã lâu, có câu có thể không đúng với nguyên bản, nhưng bài thơ cơ bản như vậy đấy. Trầm ngâm giây lát, ánh mắt ông Đỗ Văn Xuyền chợt sáng lên:

- Anh biết không, chỉ mấy năm sau, vào năm 1955 trong bài “Cửu Long Giang ta ơi”, nhà văn Nguyên Hồng viết:


“Mười sáu tuổi xanh
Em Ðuốc Sống đốt mình phá tan kho giặc
Võ thị Sáu vùng răng cắn chặt
Giữ trung trinh cho đến phút cuối cùng
Ðạn giặc xuyên lỗ chỗ ngực măng non
Ðỏ thắm nụ cười
Chào Bác Hồ và Việt nam bất diệt.”

Mấy năm gần đây tôi có nghe nhiều ý kiến cho rằng anh hùng Lê Văn Tám không có thật. Nói thật lòng, đó là những ý kiến thiếu trung thực, không có căn cứ. Trong lịch sử nước ta đã từng có Thánh Gióng, vốn là nhân vật lịch sử có thật có công trị thủy, sau này được nhân dân ta tôn vinh trong công cuộc đánh giặc Ân. Nhiều nước cũng có những nhân vật lịch sử nhuốm mầu huyền thoại. Nhưng khi đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân và trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, thì tại sao phải mất nhiều tâm sức và giấy mực tranh luận về nhân vật đó, nhất là anh hùng Lê Văn Tám là nhân vật có thật, sự kiện anh tẩm dầu vào người quyết tử đốt kho xăng của giặc là có thật, bây giờ vẫn có nhiều nhân chứng còn sống và minh mẫn. Xét một góc độ nào đó, những ý kiến phản biện ấy còn là sự thiếu tôn trọng lịch sử, chưa biết trân trọng những hy sinh vô tư, không vụ lợi của những người anh hùng vì nước quên thân.

Người viết bài này còn biết chắc chắn rằng, nhà văn Sơn Tùng cũng thuộc một bài thơ về anh hùng Lê Văn Tám và ông chuẩn bị viết về vấn đề đó trong những ngày tới.

 

Trần Vân Hạc

http://www.sggp.org.vn/chinhtri/2008/10/168642/

Nhân ngày 17 tháng 10

Về cây đuốc sống Lê Văn Tám

Thứ năm, 16/10/2008, 23:56 (GMT+7)

Trong bài “Một tháng đứng đầu sóng ngọn gió không thể nào quên” đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 23-9-2008, tôi có viết:

Đêm 17-10, thiếu niên Lê Văn Tám được anh Lê Văn Châu tổ chức, đã tình nguyện bí mật đột nhập vào bên trong, mang theo diêm và xăng, đã đốt được kho đạn rất lớn của Pháp, gần cầu Thị Nghè. Khi rút lui bị dính xăng, bén lửa, đã cháy thành một cây đuốc sống, nêu tấm gương sáng ngời của thiếu niên Việt Nam xả thân vì nước”.

Đọc bài báo đó, có người gọi điện thoại cho tôi biết rằng, họ đã đọc một số sách, được xuất bản trong dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh thì chỉ có ghi một trận đánh vào kho đạn Thị Nghè vào ngày 8-4-1946. Trong trận này không thấy nêu “Cây đuốc Lê Văn Tám”. Có người đã gửi cho tôi một tài liệu được lấy trên mạng thông tin điện tử, trong đó giáo sư Phan Huy Lê đã tiết lộ: “Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám hoàn toàn không có thật”.

Giáo sư Phan Huy Lê còn cho biết, tiết lộ ra chuyện này là để trả món nợ với ông Trần Huy Liệu. Sau Cách mạng Tháng 8-1945, ông Trần Huy Liệu đã tự viết về nhân vật Lê Văn Tám, một thiếu nhi tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè. Ông Liệu đã nói với ông Lê rằng: “Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa”. Những năm sau năm 1945, ông Liệu đã giữ chức Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam và đã mất năm 1969. Giáo sư Lê cũng đề cập đến chi tiết phi lý trong chuyện này là: “Cậu bé Lê Văn Tám, sau khi tẩm xăng vào người và tự châm lửa đốt, vẫn còn khả năng chạy từ ngoài vào kho xăng với quãng đường 50 mét. Tôi đã hỏi một số bác sĩ và họ cho rằng với sức nóng của lửa xăng, một em bé không thể chạy xa như vậy”.

Về phần tôi, khi viết về sự kiện “Cây đuốc sống Lê Văn Tám”, tôi đã tìm hiểu từ cuốn “Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945 - 1975) của Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, xuất bản năm 1994. Chỉ đạo nội dung cuốn sách này là Ban tổng kết chiến tranh của Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh. Chủ biên là đồng chí Trần Hải Phụng (nhiều năm làm Tư lệnh các lực lượng vũ trang của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định) và đồng chí Lưu Phương Thanh (phụ trách nghiên cứu lịch sử Đảng). Theo sách này thì đánh kho đạn Thị Nghè có hai lần. Lần thứ nhất vào ngày 17-10-1945 và lần thứ hai vào ngày 8-4-1946.

Về trận thứ nhất, ở trang 63 của sách này có ghi:

Ngày 17-10-1945, tại mặt trận phía Bắc, quân ta phục kích ở cầu Tham Lương đánh lui đoàn xe của địch gồm 8 chiếc chở lính có xe thiết giáp yểm trợ, hành quân lên Hóc Môn, ta phá hủy 5 xe và diệt một số tên. 10 giờ, kho đạn Thị Nghè nổ dữ dội. Đây là kho chứa bom đạn từ bến tàu bốc lên, đặt tại khu đường Docteur Angier (nay là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm) cạnh vườn thú, được bố trí hệ thống phòng thủ nghiêm ngặt, xung quanh kho có hào sâu, tường cao 2 mét, chăng kẽm gai và hệ thống tháp canh, có đèn quét ban đêm. Một đại đội Âu Phi thường xuyên tuần tra canh gác.

Đội viên cảm tử Lê Văn Tám mới 13 tuổi, được giao nhiệm vụ giả câu cá, cắt cỏ ở bến sông để quan sát. Đêm 17-10 (1945) Tám tự quyết định một mình đánh kho đạn, lừa bọn lính gác, lọt vào ẩn nấp bên trong với chai xăng và bao diêm. Buổi sáng, chờ lúc sơ hở, em tưới xăng vào khu vực chứa đạn và châm lửa. Lửa cháy loang, một tiếng nổ long trời, kéo theo hàng loạt tiếng nổ liên tiếp, làm rung chuyển cả thành phố. Lê Văn Tám bị dính xăng bắt lửa, tự biến mình thành cây đuốc sống, đã hy sinh anh dũng. Kho bị phá hủy hoàn toàn. Đài phát thanh phía bên kia đường bị sập một phần lớn. Đại đội Âu Phi bảo vệ bị tiêu diệt.

Gương hy sinh của em bé “đuốc sống” trở thành một hình tượng tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, chiến đấu quên mình của thiếu niên nhi đồng trong những ngày đầu chống Pháp”. Ngày 19-10-1945, Báo Cứu Quốc có bình luận: “Trận Thị Nghè ghi vào chiến sử Việt Nam”. Theo sách “Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945 - 1975)”, ở trang 108, thì kho đạn này còn bị đánh lần 2 vào ngày 8-4-1946 và báo Tin Điễn ra ngày 9-4-1946 đưa tin: “Một tai nạn dữ dội... Kho đạn Sài Gòn (đường Docteur Angier, tả ngạn kênh Avalanche) phát nổ. Tai nạn có thể kéo dài đến nhiều ngày”.

Sự kiện trận đánh ngày 17-10-1945 với “Cây đuốc sống Lê Văn Tám” còn được nêu cụ thể hơn trong tập II bộ sách “Mùa thu rồi ngày hăm ba” của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội năm 1996, ở trang 67:

Đêm ngày 17-10-1945, đội viên cảm tử Lê Văn Tám dũng cảm đốt kho đạn Thị Nghè (người tổ chức cho Lê Văn Tám thực hiện chiến công này là anh Lê Văn Châu đã hy sinh năm 1946 tại Ngã ba Cây Thị). Kho đạn bị phá hủy hoàn toàn.

Đài phát thanh bên kia đường bị sập một phần lớn, đại đội Âu Phi bảo vệ bị tiêu diệt… (viết theo tư liệu của Ban Tuyên huấn Quận ủy Bình Thạnh)”.

Với các tư liệu như đã nêu trên thì có thể khẳng định: Đánh kho đạn Thị Nghè có 2 lần vào ngày 17-10-1945 và ngày 8-4-1946; trận ngày 17-10-1945 với “Cây đuốc sống Lê Văn Tám” là có thực; Lê Văn Tám đã đốt kho đạn, không phải kho xăng; Lê Văn Tám không phải “tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng” mà “đã lừa bọn lính gác, lọt vào ẩn nấp bên trong với chai xăng và bao diêm chờ lúc sơ hở, em tưới xăng vào khu vực chứa đạn và châm lửa. Lê Văn Tám bị dính xăng bắt lửa thành “cây đuốc sống”; người tổ chức, bày kế hoạch cho Lê Văn Tám làm là anh Lê Văn Châu, đã hy sinh trong trận đánh giặc Pháp ở Ngã ba Cây Thị năm 1946.

Việc xác định rõ như trên, có ý nghĩa quan trọng vì ở nhiều nơi đã có công viên, trường học, tượng đài, đường phố mang tên Lê Văn Tám. Tại Đền tưởng niệm liệt sĩ ở Bến Dược, Củ Chi, “Cây đuốc sống Lê Văn Tám” đã được trân trọng tôn vinh.

Với sự kiện “Cây đuốc sống Lê Văn Tám”, ngày 17-10 hàng năm đáng là ngày cho nhân dân ta, đặc biệt là cho tuổi trẻ nước ta tưởng niệm.

TRẦN TRỌNG TÂN

 

 


Bài liên hệ:

- Đầu xuân gặp nhà văn Sơn Tùng

- Lê Văn Tám: Lửa Bất Diệt

 

Những bài của tác giả:

Chè “Hai không”, “năm cực” Suối Giàng (Trần Vân Hạc)
Chữ Viết Khoa Đẩu Duy Nhất Trên Đá Cổ Sa Pa (Trần Vân Hạc)
Công Trình Chữ Việt Cổ Của Giáo Sư Lê Trọng Khánh (Trần Vân Hạc)
Gửi Người Tạc Tượng Alexandre De Rhodes (Vân Hạc)
Huyền Thoại Tắm Tiên Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hình Tượng Cây Nêu Với Một Số Dân Tộc Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hương Sắc Rừng Xuân Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hội thảo: Kinh thành Thăng Long - Thủ đô Hà Nội (Văn Hạc)
Không gian cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng – Một hướng tiếp cận mới (Trần Vân Hạc)
Kính gửi Ban biên tập Tuần báo Văn nghệ TPHCM (Trần Vân Hạc & Nguyễn Lê)
Lê Văn Tám: Lửa Bất Diệt (Trần Vân Hạc)
Mùa Xuân Tây Bắc Trong Tôi (Trần Vân Hạc)
Một ngôi chùa cổ rất cần những tấm lòng (Trần Vân Hạc)
Một văn bản chữ cổ của người Pà Thẻn (Trần Vân Hạc)
Nghĩa Trang Mang Tên Một Dòng Sông (Trần Vân Hạc)
Nguyễn Trãi, hợp tuyển thơ của soạn giả Gia Dũng (Vân Hạc)
Người Giữ Hương Chè Shan Tuyết Suối Giàng (Vân Hạc)
Người Lắng Thầm Tìm Con Chữ Việt Cổ (Trần Vân Hạc)
Người phụ nữ Thái hết lòng vì văn hóa dân tộc (Trần Vân Hạc)
Ngọn lửa Lệ Chi Viên (Trần Vân Hạc)
Nhà Sàn Của Người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Nhân Sinh Trong Tiếng Đại Ngàn (Trần Vân Hạc)
Những ngôi chùa trên huyện đảo Trường Sa (Trần Vân Hạc)
Nét Đẹp Tục Chơi Còn Của Người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Núi Rừng Tây Bắc Đón Xuân: Inh Lả Ơi, Xao Nọong Ơi! (Vân Hạc)
Thông báo xuất bản sách chữ Việt cổ (Trần Vân Hạc)
Tinh thần yêu nước trong thơ Nguyễn Khắc Nhu (Trần Vân Hạc)
Triết lý nhân sinh qua các món ăn của người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Trái Tim Của Biển (Trần Vân Hạc)
Trống đồng vang vọng giữa Trường Sa (Trần Vân Hạc)
Tây Bắc trong thơ Nguyễn Quang Bích (Trần Vân Hạc)
Tính hòa đồng của những ngôi chùa cổ Việt Nam (Trần Thi)
Tấm lòng vàng của một nhà khoa học chân chính (Trần Vân Hạc)
Tập Thơ Đường "Thuận Nghịch Độc" Của Tiến Sỹ Đặng Văn Phú (Trần Vân Hạc)
Vui buồn trên đường dâng sách (Trần Vân Hạc)
Vài nét về rừng thiêng của dân tộc Thái (Trần Vân Hạc)
Vài nét về tiến trình của chữ Quốc ngữ (Trần Vân Hạc)
Vàng Son Huyết Lệ (Trần Vân Hạc)
Yếu tố Việt cổ trong ngôn ngữ Thái (Trần Vân Hạc)
Đài Giọt Lệ (Hoàng Đạo Chúc)
Đầu xuân gặp nhà văn Sơn Tùng (Trần Vân Hạc)

 

Trang Văn Học Xã Hội