VIỆT NAM ĐỆ NHẤT CỘNG HÒA TOÀN THƯ

Nguyễn Mạnh Quang

http://sachhiem.net/NMQ/VNCHTT/NMQ04.php

20 Jun 2015

0   1  2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22

CHƯƠNG 4

Phải Vô Tư, Có Lương Tâm Và Trí Thông Minh

VÔ TƯ

Chúng ta biết rằng trong việc cư xử ở đời, khi phải đưa ra một ý kiến về bất kỳ một vấn đề gì cũng đều phải có tinh thần vô tư. Xử lý bất cứ một việc gì mà thiếu tinh thần vô tư tức là thiên vị. Thiên vị sẽ gây ra bất công trong việc làm đối với những người liên hệ, và gây ra bất mãn và chống đối từ phía nạn nhân. Trong gia đình, cha mẹ mà không có tinh thần vô tư, tức là thiếu sự công bằng trong việc đối xử với con cái thì gia đình đó sớm muộn cũng rơi vào tình trạng bất hòa. Là cấp chỉ huy trong quân đội mà xử lý thiếu tinh thần vô tư, sẽ gây ra cảnh bất công trong đơn vị, quân lính dưới quyền sẽ bất kính và bất phục, rồi biến thành bất tuân thượng lệnh. Người lãnh đạo quốc gia mà thiếu tinh thần vô tư thì sẽ gây ra những cảnh bất công đối với nhân dân, tức là tự đặt mình vào tình trạng ”thượng bất chính”, và ”thượng bất chính” thì ”hạ tắc loạn”. Vì thế mà khi đưa ra những triết thuyết ổn định xã hội, các nhà hiền triết đều phải đặt tinh thần vô tư lên hàng đầu. Khi san định các sách Nho, Đức Khổng Tử đã không quên dạy rằng ”Pháp bất vị thân”. Việt Nam mang nặng ảnh hưởng của đạo Nho, truyền thống vô tư này đã ăn sâu vào trong xương tủy dân tộc, và đã đúc kết thành những khuôn vàng thước ngọc như ”Thương em anh để trong lòng - Việc quan anh cứ phép công anh làm” hay ”Phép công là trọng, niềm tây sá gì”.

Không phải chỉ có các nước theo văn minh Khổng Mạnh mới đặt nặng vấn đề tinh thần vô tư và công bằng lên hàng đầu trong việc xử lý các sự việc ở đời. Tại các quốc gia dân chủ tự do như ở Bắc Mỹ và Tây Âu, mọi người phải được đối xử công bằng trước pháp luật và vô tư trong việc xử án. Nói về việc mọi người phải được đối xử công bằng trước pháp luật, chúng ta nhớ lại lời tuyên bố của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 1974 có liên hệ đến vụ Watergate. Trong vụ này, Tổng Thống Richard Nixon đòi rằng nếu cần thì vị lãnh đạo quốc gia có đặc quyền giữ lại (giấu đi) một số tin tức không cho quần chúng biết. Sách sử viết rằng:

Một lần nữa, Tổng Thống Nixon lại từ chối, không chịu nộp các cuốn băng (ghi âm tại Tòa Bạch Ốc cho Ủy Ban Điều Tra tại Quốc Hội). Ông cho rằng nếu cần, tổng thống có đặc quyền của hành pháp giữ lại (một số) tin tức không cho quần chúng biết. Nhưng vào tháng 7 năm 1974, Tối Cao Pháp Viện lại quyết định rằng: ”Không một người Hoa Kỳ nào đứng trên pháp luật”. (Jack Abramowitz. American History. Chicago, Illinois: Follett Publishing Company, 1979, trang 568).

Về tính cách vô tư trong việc xử án, người viết có kinh nghiệm bản thân về vấn đề này. Đầu năm 1992, người viết được gọi ra làm nhân viên bồi thẩm (juror) phục vụ cho một toà án thượng thẩm của tiểu bang Washington tại hạt Pierce (Pierce County) trong một thời gian hai tuần lễ kể từ ngày 6 tháng 1 năm 1992. Trong thời gian này, người viết đã phục vụ 4 vụ án. Trong bất kỳ vụ án nào cũng vậy, những người được đề nghị ngồi vào ghế phụ thẩm phải có mặt tại một phiên họp để cho luật sư bên nguyên cáo (plaintiff) hoặc công tố viên (prosecutor) cũng như bên bị cáo (accused, defendant) chấp nhận hay bác bỏ. Lý lịch của những người được đề nghị đều được luật sư của cả hai bên nguyên cáo và bị cáo nghiên cứu và để ý đến nghề nghiệp, và đặc biệt nhất là sự liên hệ hay tình cảm giữa người được đề nghị đưa vào ghế bồi thẩm với nguyên cáo hay bị cáo; họ (các luật sư hay công tố viên) có quyền từ khước, không chấp nhận người được đề nghị, nếu họ cho rằng người được đề nghị có chút gì có thể gây bất lợi cho thân chủ của họ.

Chúng ta thấy rằng tính cách vô tư trong việc xử án các tên tội đồ của xã hội còn như vậy, huống chi là trong việc viết sử của các sử gia! Viết sử còn cần phải vô tư nhiều hơn, vì tác dụng của một bài sử hay một cuốn sử sẽ ảnh hưởng đến cái nhìn qua nhiều thế hệ hoặc đời đời của một dân tộc. Người viết sử là những người phải ghi lại trung thực những sự kiện lịch sử đã xẩy ra, ghi lại lòng khát vọng và phản ảnh của quần chúng đối với những việc làm của các thế lực đương quyền. Những việc làm của nhà đương quyền có hợp với lòng dân hay không? Luật pháp do chính quyền làm ra và thi hành có phản ảnh đúng với nguyện vọng của nhân dân hay không? Hay là luật pháp được làm ra chỉ là nhằm để phục vụ cho một mưu đồ đen tối của giai cấp thống trị? Việc làm của sử gia là phải ghi lại những chứng tích và phân tích tình hình, nói rõ nguyện vọng của quần chúng, nói rõ việc làm cũng như những ý đồ riêng tư hay mưu đồ bất chính của những người lãnh đạo chính quyền và những thế lực chìm đứng đằng sau điều khiển chế độ. Tất cả phải được viết ra thành văn bản rõ ràng, minh bạch, rạch ròi để lại cho tòa án lịch sử hay người đời sau xét đến mà luận công hay buộc tội. Cũng vì thế mà người viết sử phải hết sức thận trọng khi phải chọn một tài liệu sử với một thái độ vô cùng khách quan. Sử gia Trần Trọng Kim viết:

Cái nghĩa vụ của người làm sử, tưởng nên kê cứu cho tường tận, rồi cứ thực mà nói, chứ không nên lấy lòng yêu ghét của mình mà xét đoán. Dầu người mình ghét mà có làm điều phải, mình cũng phải khen; người mình yêu mà có làm điều trái cũng phải chê” (Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược (Quyển 2). Saigon: Bộ Giáo Dục, 1971, trang 187).

 

Alexandre De Rhodes - Pierre Pingeau de Béhaine

CÓ LƯƠNG TÂM

Không những cần phải có tinh thần vô tư và công bằng, người viết sử chân chính còn cần phải có lương tâm nghề nghiệp. Đặc biệt là ở vào thời kỳ mà đất nước đang nằm dưới ách thống trị của bạo quyền ngoại xâm hay độc tài bản địa, nếu các nhà viết sử không có lương tâm nghề nghiệp thì họ sẽ dễ dàng trở thành một thứ sử nô cho các thế lực đương quyền. Tại sao? Xin thưa rằng các thành phần nằm trong giai cấp thống trị và các thế lực ở hậu trường của chế độ độc tài trước kia hay đương thời thường thường là muốn tận dụng cả trăm phương ngàn kế để tạo sức ép bằng quyền lực hay mua chuộc bằng danh lợi với chủ tâm là biến các nhà viết sử thành tay sai cho họ hầu ngụy tạo tài liệu để bóp méo sự thật với mục đích là che đậy tội ác hay những việc làm bất chính của họ. Vì vậy mà các nhà viết sử cần phải có lương tâm nghề nghiệp. Có lương tâm nghề nghiệp thì mới có thể bền chí tìm hiểu và thẩm định các tài liệu đã thâu thập được để xác định được tài liệu nào có mức độ khả tín cao để giữ lại tham khảo, và tài liệu nào là ngụy tạo để loại bỏ ra. Nói về lương tâm nghề nghiệp của người viết sử chân chính, sử gia Nguyên Vũ viết:

Người học sử đặt giá trị nghề nghiệp trên những tình cảm và lợi danh cá nhân thường tình - và dầu có bị kên kên moi gan móc mắt suốt 13 kiếp như Prometheus trên đỉnh núi  Olympia lộng gió, cũng đành gánh chịu. Thế hệ tuổi lửa của chúng tôi không thể có thái độ của Gallileo thuở nào, tức chỉ dám lẩm bẩm lời chống đối, sau khi quỳ gối tạ lỗi cùng Giáo Hội Ki-tô và cao giọng rút lại những điều mình phát kiến - rằng trái đất quanh quanh  mặt trời, mà không phải mặt trời quay quanh trái đất”. (Xem thêm phần viết về Galileo trong Chương 8 sách này).  ”Với nhiều người của thế hệ chúng ta, bốn chữ lương tâm nghề nghiệp là tiếng cười dài mỉa mai. Trong một xã hội mà mánh mung là khuôn vàng thước ngọc của triết lý sống, những danh từ mơ hồ như lương tâm chức nghiệp bị vùi lấp quá sâu giữa những tấm bìa  cứng của các bộ tự điển. Lương tâm chức nghiệp của người học sử Việt Nam còn nhiều dấu hỏi hơn nữa. Nhưng thật rõ ràng, lương tâm chức nghiệp phải được duy trì, vun đắp như căn nhà ta ở, con đường ta đi. Không có lương tâm chức nghiệp, người học sử bỏ nhà  không ở, bỏ đường không đi. Bởi thế, không thiếu người nhẩy vào lãnh vực sử học, nhưng cuối cùng chẳng đủ gây một tiếng vang - cho dẫu lúc sinh thời được ban thưởng lợi lộc hậu hĩ, bên lề sử học. Tác phẩm không được nghiên cứu và hoàn tất dưới sự ảnh hưởng của ánh sáng lương tâm nghề nghiệp, nói theo những người dưới phố, đã có mùi tử thi trước khi hoàn thành”. (Nguyên Vũ. Sđd., trang 38 và các trang 223-224).

THÔNG MINH

Ngoài việc cần phải có lương tâm, các nhà viết sử chân chính còn cần phải có trí thông minh để suy diễn và phân tách những dữ kiện đã thâu thập được. Ai cũng biết rằng có rất nhiều sự kiện trong lịch sử đan kết với nhau như màng nhện và có những sự kiện bị nhiều sự kiện khác che khuất, rồi lại có nhiều sự kiện bị người ta cố tình che giấu đi. Cho nên người viết sử chân chính phải cố gắng trình bày sao cho người đọc nhìn ra được sự thật của vấn đề. Sau đây là một thí dụ:

Con số thống kê tín đồ của Giáo Hội La Mã

Người ta dựa vào con số thống kê cho rằng Giáo Hội La Mã có trên dưới 500 triệu tín đồ. Giáo-sư Lý Chánh Trung nói trong cuốn Tôn Giáo và Dân Tộc (trang 60) rằng Giáo Hội có vào khoảng 400 triệu tín đồ. Khi được biết như vậy, nếu là một nhà sử học chân chính có kiến thức chuyên môn vững, tất nhiên là phải nhớ tới các quốc gia Âu Châu sống trong thời kỳ mà các sử gia gọi là Dark Ages với những cuộc chiến thập tự do Giáo Hội La Mã chủ xướng để tàn sát những người dân khác tôn giáo và các Tòa Án Dị Giáo (Inquisitions) của Giáo Hội để bỏ tù, xử thiêu và giết hại những người dân Âu Châu hoài nghi hay không tin vào chủ thuyết thần học của Giáo Hội, phải nhớ đến các dân tộc tại Châu Mỹ La Tinh, Phi Luật Tân, Việt Nam, v.v... đã từng là thuộc địa của các đế quốc thực dân Âu Châu liên minh với Giáo Hội.

Thống kê của Pew năm 2010

Thống kê của Pew năm 2010

Để kiểm chứng con số tín đồ của Giáo Hội, và cũng là để xác nhận lập luận cho rằng động lực khiến cho người dân trở thành tín đồ của Giáo Hội La Mã như ông Trần Văn Kha đã viết: ”Đạo Gia Tô mở mang nước Chúa bằng máu và lửa, bằng lừa dối và hăm dọa, đã gây nên những thảm sát vĩ đại trên thế giới và nước ta ...” (đã ghĩ rõ Chương 3), việc làm tức khắc là phải mở cuốn World Facts & Maps ấn bản càng mới nhất càng tốt của công ty Rand McNally) ra tra cứu để biết dân số ở các nước Âu châu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Ba Lan, v.v… (đã từng bị cưỡng bách theo đạo Gia-tô từ thời bạo quyền Constantine và suốt trong thời Trung Cổ), và các quốc gia đã bị các đế quốc Âu Châu liên minh với Giáo Hội La Mã đem quân đến đánh chiếm và thống trị rồi dùng bạo lực cưỡng bách dân bản địa phải theo đạo Gia-tô. Bảng tổng kết dân số các quốc gia ở vào các tình trạng trên đây như sau:

Argentina 32.485.000 (90% Catholic)
Bolivia 7.507.000 (95% Catholic) 
Brazil 152.050.000 (96%)  
Columbia 31.370.000 (95%)
Chile 13.327.000 (89%
Cuba 10.805.000 (?)
Domini. 7.245.000 (95%)
Ecuador 10.930.000 (95%)  
Salvador 5.363.000 (97%)
Guatemala 9.324.000 (?)
Honduras 5.181.000 (97%)
Jamaica 2.425.000 (?) 
Mexico 86.675.000 (93%)
Nicaragua 3.659.000 (95%) 
Paraguay 4.338.000 (90%)
Panama 2.445.000 (93%) 
Peru 22.610.000 (89%) 
Puerto Ri. 3.604.000 (85%) 
Philippines 62.170.000 (83%)
Uraguay 3.105.000 (66%)  
Poland 38.010.000 (95%)
Portugal 10.560.000 (81%) 
Italy 57.630.000 (85%)
Belgium 9.927.000 (75%)
Spain 40.190.000 (99%)
France 56.580.000 (90%)

Cộng chung lại, chúng ta thấy rằng dân số của tất cả các quốc gia trên đây lên tới trên 700 trăm triệu. Kế đó chúng ta mới phân tích và thấy rằng các quốc gia tại Châu Mỹ La Tinh và Phi Luật Tân vốn là cựu thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.  Ý Đại Lợi, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha và Ba Lan là các nước Âu Châu mà dân chúng bị phải vào đạo Thiên Chúa dưới sức ép của bạo lực từ thế kỷ thứ 4. Hầu hết các nước này có hơn 90% dân số là Roman Catholic. Như vậy, chúng ta đã tìm được ra đáp số là hầu như toàn thể con số tín đồ của Giáo Hội là:

1.- Các dân tộc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý Đại Lợi, Pháp, Bỉ và Ba Lan trong thời Trung Cổ cũng là những dân tộc bị cưỡng bách phải tin theo chủ thuyết thờ phượng Thượng Đế theo cung cách của Giáo Hội dưới sức ép của luật pháp chuyên chế của Hoàng Đế Constantine cũng như dưới lưỡi gươm của gần mười cuộc Thánh Chiến và các giàn hoả thiêu của các Tòa Án Dị Giáo của Giáo Hội từ thế suốt trong Thời Trung Cổ cho đến khi Cách Mạng Pháp bùng nổ vào năm 1789.

2.- Các dân tộc Châu Mỹ La Tinh, Phi Luật Tân đã từng bị cưỡng bách theo đạo dưới họng súng của các chính quyền đế quốc thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, vốn là tay sai hay liên minh với Giáo Hội. 

3.- Con số tín đồ ở Đông và Nam Âu bị cưỡng bách hay chạy theo Giáo Hội khi Giáo Hội có thế lực mạnh ở trong các vùng này, và con số tín đồ ở các thuộc địa của Pháp ở Việt Nam và ở Phi Châu trong thời kỳ Liên Minh Đế Quốc Thực Dân Xâm Lược Pháp-Vatican thống trị các nước này.

Chúng ta thấy rằng con số tín đồ của Giáo Hội La Mã trên đây là tổng số của những người dân mà tổ tiên của họ đã bị cưỡng bách phải theo đạo dưới họng súng của các đoàn quân Thập Tự của Giáo Hội, các Tòa Án Dị Giáo trong suốt trong thời Trung Cổ cho đến Cách Mạnh Pháp 1789, và dưới họng súng của quân giặc Liên Minh Đế Quốc Thực Dân Xâm Lược Tây Ban Nha-Vatican, Bồ Đào Nha-Vatican cũng như giáo luật chuyên chính về hôn nhân.

Một điều đáng lưu ý là cũng trong thời kỳ mà các Tòa Án Dị Giáo của Giáo Hội tung hoành, hét ra lửa mửa ra khói ở Âu Châu cho đến khi Cách Mạng Pháp 1789 bùng nổ, các quốc gia Âu Châu nằm ngoài vòng kiềm tỏa của Giáo Hội, con số tín đồ theo đạo Thiên Chúa thuộc hệ phái Roman Catholicism chiếm một tỉ lệ vô cùng khiêm tốn.

Tương tự như vậy, cùng khoảng thời gian từ đầu thế kỷ thứ 16 (ở Việt Nam từ năm 1533) cho đến ngày nay, tại các quốc gia Á Châu có sức phản kháng mãnh liệt, chống trả được các cuộc xâm lăng do Giáo Hội chủ xướng (xin xem: Cao Huy Thuần. Đạo Thiên Chúa Và Chủ Nghĩa Thực Dân Tại Việt Nam, Los Angeles, California: Hương Quê, 1988, trang 7), con số những người theo đạo Gia-tô lại càng ít hơn nữa. Đây là trường hợp các quốc gia không bị sức ép của họng súng xâm lăng của các đế quốc thực dân xâm lược Âu Châu như các nước Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản, Afghanistan, Miến Điện, Thái Lan, Ấn Độ, Nam Dương hay các quốc gia theo Hồi Giáo ở vùng Trung Đông. Tại các quốc gia này, con số người theo đạo Gia-tô rất là nhỏ bé, dù rằng có nhiều nơi các nhà truyền giáo của Giáo Hội La Mã được tự do truyền đạo.

Đọc lịch sử thế giới và lịch sử Giáo Hội La Mã, chúng ta thấy rằng, nếu không có họng súng của quân đội Liên Minh Đế Quốc Thực Dân Xâm Lược  Pháp hay Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha liên minh với Vatican thì việc Giáo Hội đem ”Đức Tin” ra ngoài lục địa Âu Châu để rao truyền gặp phải quá nhiều khó khăn, và 99 phần trăm những thành quả đạt được là nhờ ở sức mạnh quân sự của các đế quốc xâm lăng mà chính Giáo Hội đã chủ động, vận động và thúc đẩy các đế quốc Âu Châu đem quân đánh chiếm đất đai để phục vụ cho mục đích riêng của Giáo Hội. Ngoài ra, Giáo Hội còn cho các điệp viên đến các địa phương thi hành sứ mạng thâu thập tin tức tình báo chiến lược (tòa giải tội, xưng tội là phương tiện rất tốt) và thiết lập đạo quân thứ năm hờm sẵn để cung ứng và tiếp viện khi đoàn quân viễn chinh của các đế quốc liên minh với Giáo Hội động binh tiến vào mục tiêu.

Các đế quốc xâm lăng Âu Châu đem quân đi cướp nước người ta chỉ  có mục đích duy nhất là chiếm đất làm thuộc địa, cướp đoạt tài sản cùng tài nguyên và cưỡng bách nhân dân bản địa làm nô lệ lao động cho việc khai thác các tài nguyên và phục vụ hầu hạ cho giai cấp thống trị. Trong khi đó thì Giáo Hội La Mã, không phải chỉ giới hạn trong phạm vi chiếm đất là thuộc địa, cưỡng bách nhân dân bản địa làm nô lệ để  khai thác tài nguyên đem về làm giầu cho chính quốc, v.v…  như các đế quốc thực dân xâm lược Âu Châu, mà còn để thi hành “Sách Lược Bất Khoan Dung” (Policy of Intolerance) đối với các tôn giáo khác và các nền văn hóa khác song hành với bạo lực  cưỡng bách dân bản địa phải tin theo ”Đức Tin” cho rằng loài người mang ”tội tổ tông”.

Hơn nữa, Giáo Hội còn đặt ra giáo luật cưỡng bách hay bắt chẹt những người muốn thành hôn với tín đồ của Giáo Hội thì phải từ bỏ tín ngưỡng cổ truyền của họ để làm lễ ”rửa tội” tin theo ”Đức Tin có tội tổ tông” của Giáo Hội. Hầu hết công việc truyền bá ”Đức Tin” của Giáo Hội đều được nương dưới bóng cây dù của chính quyền Bảo Hộ.

Một điểm đáng nói nữa là các nhà truyền giáo của Giáo Hội thi hành sách lược “hàm huyết phún nhân” bằng cách sử dụng  những thủ đoạn bất chính và thâm độc như là vu khống, phỉ báng và gièm pha các vị thánh tổ và nền đạo lý vị tha của các dân tộc địa phương như trường hợp nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes đã làm ở Việt Nam trong thế kỷ thứ 16 (xin xem: Nguyễn Khắc Xuyên & Phạm Đình Khiêm, Giáo Sĩ Đắc Lộ Và Tác Phẩm Quốc Ngữ Đầu Tiên (có tái bản trọn cuốn Phép Giảng Tám Ngày của Alexandre de Rhodes). Saigon: Tinh Việt Văn Đoàn, 1961, trang 68-92). Chính sách hàm huyết phún nhân thường thường là đi kèm theo với sách lược “Cả Vú Lấp Miệng Em” và “Tăng Sâm Giết Người”. Sách lược “Cả Vú Lấp Miệng Em” được thi hành băng cách nắm giữ tối đa (nếu không phải là chiếm độc quyền) các phương tiện truyền thông (các đài truyền thanh và truyền hình và các ấn phẩm) để phổ biến một cách sâu rộng hàng loạt tất cả những ấn phẩm hay tài liệu được soạn thào theo sách lược “Hàm Huyết Phún Nhân” đưa ra. Sách lược “Tăng Sâm Giết Người” là sử dụng các phương tiện truyền thông để nhắc đi nhắc lại hoài những gì đã được sách lược “Cả Vú Lấp Miệng Em” cho phổ biến trước đấy, khiến cho những gì được Giáo Hội chủ trương đưa ra dần dần đi vào tiềm thực của người dân, thét rồi họ tưởng rằng những điều đó là sự thật. Đây là một thủ đoạn vô cùng thâm độc và cực kỳ gian manh của Giáo Hội La Mã. Ngoài việc thi hành sách lược trên đây, Giáo Hội còn cho thi hành chính sách ngu dân và giáo dục nhồi sọ để làm mê hoặc tín đồ bằng những điều huyễn hoặc, ngược đời và phi lý khiến cho người nói, khi nói ra cản thấy không thuận miệng, và người nghe cảm thấy  không thuận tai.

Những phương cách dựa vào bạo lực và hôn nhân cũng như cung cách vu khống, phỉ báng và gièm pha các vị thánh tổ và nền đạo lý vị tha của các dân tộc địa phương để thâu người vào đạo của Giáo Hội La Mã khác hẳn với những phương cách và cung cách truyền bá tư tưởng nhân đạo và đạo lý vị tha của đạo Phật, đạo Khổng, và các tôn giáo khác của Đông Phương.

Các tôn giáo hay các nền đạo lý vị tha của Đông Phương chỉ biết dùng những tư tưởng cao cả và thực tế như những lời dạy ”vừa mắt ta, ra mắt người” (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân), lòng bác ái ”Tứ hải giai huynh đệ” như một thứ hương thơm của một loài hoa quý lôi cuốn người đời say mê và yêu thích rồi tin theo. Ông Bạch Đinh viết như sau:

Là con cái phải biết ơn cha mẹ, ông bà và tổ tiên. Nên việc cúng giỗ để tưởng nhớ các vị đó là chuyện rất tất nhiên như sự tử, sự sinh, rất dễ hiểu. Còn Khổng, Lão và Phật là những nhà hiền triết dạy ta những điều hay lẽ phải, cho nên theo đạo Khổng, đạo Lão, đạo Phật là theo con đường Khổng, Lão, Phật vạch ra; hoặc nói đến Khổng giáo, Lão giáo, hay Phật giáo là nhắc lại lời ông Khổng, ông Lão hay ông Phật dạy bảo điều đúng, điều phải nên nghe. Muốn hiểu về đạo giáo thì tự tìm thày mà học, không ai rao giảng, không ai cưỡng ép. Thế thôi, các ông âý không hề bảo ai thờ phượng các ông ấy cả.

Còn tôn giáo thì khác. Tôn giáo (Vatican) thì phải có tín điều, không tin không được; có tổ chức, nghi lễ, không theo không được; có cán bộ tuyên truyền đi kết nạp người, nhiều khi có cả binh đoàn để cưỡng ép mọi người phải theo. Đây là ý niệm mới lạ đối với người Đông  Phương. Thực chất là tôn giáo nào cùng nhằm thiết lập một đế quốc để thống trị toàn thế giới, chẳng những phần xác mà luôn cả phần hồn. Do Thái giáo, Ki Tô giáo, Hồi giáo, Cộng Sản giáo chảng hạn đều là ”tôn giáo” với nghĩa như trên, chứ không cùng nghĩa như ”đạo giáo” của Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo”. (Nguyệt San Người Dân số 87, tháng 11 năm 1997, (Bài viết: Tôn Giáo Và Tôi, tác giả: Bạch Đinh), trang 26-28).

Vì thế cho nên, dù là không dựa vào bạo lực của chính quyền, không dựa vào tình yêu trai gái muốn thành đôi, không dùng những thủ đoạn bất chính và đê tiện như là vu khống, phỉ báng và gièm pha các vị thánh tổ và nền đạo lý vị tha của các dân tộc địa phương, con số tín đồ của đạo Phật và đạo Khổng tại các nước Trung Hoa, Đại Hàn và Việt Nam lên tới hơn 90% dân chúng.

Tại các nước không chịu ảnh hưởng của đạo Khổng như Thái Lan, Cao Mên, Ai Lao và Miến Điện, dù rằng các nhà truyền giáo của Giáo Hội La Mã được tự do giảng đạo và truyền đạo, con số những người theo đạo Gia-tô lại càng ít hơn nhiều. Trong khi đó thì con số người dân theo đạo Phật lên đến hơn 90%.

Từ những sự kiện trên đây, chúng ta rút ra được một kết luận là từ ngàn xưa, ở Phương Đông cũng như ở Phương Tây, là con người, ai cũng không ưa, không thích, nếu không muốn nói là thù ghét việc sử dụng bạo lực cùng những thủ đoạn bất chính và đê tiện để dồn ép người đời vào thế kẹt ”vô kế khả thi” phải tin theo cái chủ thuyết hay niềm tin mà trong thâm tâm người ta không ưa hay khinh rẻ.

Nếu lỡ ở vào thế kẹt mà phải tin theo thì đó cũng chỉ là bề ngoài theo cho xong nợ để tránh khỏi tai họa do bạo lực gây nên, ngoại trừ những người vốn có chủ trương theo kiểu ”Đi đạo lấy gạo mà ăn”. Chính những người ”đi đạo lấy gạo mà ăn” và những người chủ trương "phù thịnh", ”mượn cây dù tôn giáo”, theo đạo để thỏa mãn tham vọng ”tình, tiền, quyền thế và danh vọng” đã gieo tai giáng họa cho các nhà viết sử chân chính muốn viết lên sự thật lịch sử trong thời cận và hiện đại của Việt Nam.

Tuyên Cáo Của Ba Nhà Báo Chu Tử, Hiếu Chân và Tử Chung

(Báo Ngôn Luận, ngày 4/11/1963 – Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu I-C 1955-1963, 2000, tr.391)

Mang danh là những người cầm bút chiến đấu cho Tự Do, Dân Chủ và giải phóng con người, vậy mà trong thời gian vừa qua, vì cơm áo và vì khiếp nhược, đớn hèn, chúng ta đã nhắm mắt ăn dơ, đánh đĩ tâm hồn, phản bội Sự Thật, cam tâm làm gia nô cho bè lũ họ Ngô. Dù chúng ta có viện bất cứ lý do nào đề bào chữa, chúng ta cũng không thể chối cãi được tội lỗi của chúng ta đối với đồng bào và lịch sử.

Quân đội đã đứng lên làm nhiệm vụ mình. Cơ hội duy nhất để chúng ta thoát khỏi cảnh huống bồi bút, “phi cầm, phi thú”, cơ hội duy nhất để chúng ta trở lại làm người, đã tới… Nếu sự tự thiêu của bảy tu sĩ – một hi sinh bi hùng nhất trong lịch sử tôn giáo và nhân loại – chưa làm chúng ta giác ngộ, thì quả chúng ta đã hết là người, không còn xứng đáng gặp gỡ vận hội của chứng ta nữa.

Cuộc cách mạng mới chỉ bắt đầu. Xương máu của quân đội, của đồng bào không thể bị bọn đầu cơ chính trị lợi dụng một lần nữa.

Hơn lúc nào hết, chúng ta phải “gạn đục khơi trong” đem hết tâm hồn và năng lực ra phụng sự cho chính nghĩa.

Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi các bạn nghệ sĩ, bằng máu, nước mắt, mồ hôi, đem ngòi bút viết lại thiên lịch sử của dân tộc mà trong chín năm qua, bè lũ họ Ngô đã làm hoen ố.

Đại điện cho các nhà văn, nhà báo
chiến đấu cho Tự Do và Dân Chủ.

Chu Tử, Hiếu Chân, Từ Chung
(Bách Khoa, số 165, (15/11/1963), tr. 93).” [54]

Trang Nguyễn Mạnh Quang