VIỆT NAM CỘNG HÒA TOÀN THƯ Nguyễn Mạnh Quang http://sachhiem.net/NMQ/VNCHTT/NMQ11.php LTS: Có thể nói, chương 11 này là phần tiếp nối các câu chuyện Khổ Nạn Của Người Viết Sử bắt đầu từ Chương 8 đến Chương 10. Tác giả đã kể các trường hợp khổ nạn của các trí thức trong lịch sử Âu Châu, vài trường hợp của các nhà viết sử chân chính trong thời cận và hiện đại, đến trường hợp của Cựu Thiếu Tướng Đỗ Mậu. Và trong chương này: chính bản thân của tác giả. (SH) 0 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 CHƯƠNG 11 KINH NGHIỆM BẢN THÂN Đụng Độ Trong Ngày Ra Mắt Sách Ở Seattle Câu chuyện dưới đây là kinh nghiệm bản thân của người viết và cũng có thể gọi đây là trường hợp thứ năm. Đầu đuôi câu chuyện như sau: Vào khoảng tháng 6 năm 1996, Tiến-sĩ Vũ Ngự Chiêu có ý định cho phát hành một cuốn sách nói về cuộc Biến Chính 11/11/1960 do Binh Đoàn Nhẩy Dù phát động và yêu cầu người viết viết bài Phỏng Vấn cựu Tướng Nguyễn Chánh Thi về cuộc chính biến này. Anh Phạm Xuân Tích ở Paris cũng được yêu cầu viết bài phỏng vấn Cựu Trung Tá Vương Văn Đông. Mặc dầu là bận rộn với công việc dạy học, chúng tôi cũng cố gắng dùng điện thoại viễn liên tiếp xúc với hai vị cựu Tướng Nguyễn Chánh Thi và Đỗ Mậu. Một người là con chim đầu đàn của Binh Đoàn Nhẩy Dù và cũng là người trực tiếp chỉ huy binh đoàn thiện chiến này tiến hành cuộc bao vây Dinh Độc Lập, và một người là chỉ huy trưởng của Nha An Ninh Quân Đội lúc bấy giờ. Chúng tôi phải dành mất hơn hai tháng để tham khảo một số tài liệu sách sử và báo chí liên hệ đến cuộc chính biến này.
Sau mấy tháng cặm cụi, đầu tháng 1/1997, chúng tôi hoàn thành bài viết với nhan đề là ”Tướng Nguyễn Chánh Thi Với Cuộc Chính Biến 11/11/1960” gửi xuống Houston cho Tiến-sĩ Vũ Ngự Chiêu. Bài viết này cùng với ba bài viết khác của các anh Phạm Xuân Tích (phỏng vấn cựu Trung Tá Vương Văn Đông), của cựu Trung Tá Nguyễn Kiên Hùng (người chỉ huy một tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến tham dự cuộc Chính Biến này), và của anh Phan Lạc Giang Đông (kể lại thảm cảnh gia đình anh bị trả thù vì người anh ruột là Đại Úy Phan Lạc Tuyên đã tham dự cuộc chính biến này) được nhà xuất bản Văn Hóa gom lại, in thành cuốn ” Nhìn Lại Biến Cố 11/11/1960” với lời tựa của anh Chính Đạo (tức Tiến-sĩ Vũ Ngư Chiêu). Bài viết ”Tướng Nguyễn Chánh Thi Với Cuộc Chính Biến 11/11/1960” của chúng tôi chiếm gần nửa cuốn sách. Trong bài này, chúng tôi nói rõ lúc đầu, khi ông Ngô Đình Diệm mới được đưa về làm thủ tướng chính phủ, Thiếu Tá Nguyễn Chánh Thi hết lòng kính trọng cá nhân ông Ngô Đình Diệm và quyết tâm ủng hộ chính quyền của ông ta trong cuộc chiến chống lại Bình Xuyên và các giáo phái cũng như việc giành giật quyền hành của ông Bảo Đại. Nhưng sau đó, anh em ông Ngô Đình Diệm thao túng chính quyền, tự tung tự tác ”Công Giáo hoá” bộ máy cai trị, làm nhiều điều phi pháp và thất nhân tâm, khiến cho toàn thể quân dân miền Nam chán nản và bất mãn. Đặc biệt nhất là anh em bà con ông Ngô Đình Diệm đã công khai coi việc nước như việc nhà, tiến hành chính sách khủng bố các thành phần đối lập chính trị, chèn ép và đàn áp những người thuộc các tôn giáo khác, tạo nên tình trạng bất ổn trong xã hội, khiến cho nhiều người căm thù chế độ mà đi theo Việt Cộng. Đứng trước tình trạng như vậy, các nhà trí thức họp nhau lại tại Khách Sạn Caravelle, cùng soạn thảo bản thỉnh nguyện thư gửi cho Phủ Tổng Thống để cảnh giác và yêu cầu anh em ông Ngô Đình Diệm phải sửa sai gấp rút thì mới mong cứu vãn được tình thế. Việc làm của họ không những đã không làm cho anh em ông Ngô Đình Diệm ý thức được nguy cơ mà thức tỉnh, trái lại, chính quyền còn gia tăng bắt bớ và thủ tiêu các nhà trí thức đối lập và gia tăng khủng bố nhân dân, nhất là những thành phần thuộc các tôn giáo khác. Việc này đã khiến cho Binh Đoàn Nhẩy Dù phải đứng lên đáp lời sông núi để khử bạo cứu nguy cho đất nước. Nhưng vì lòng trời chưa tựa, đại sự bất thành, những nhân vật chủ chốt chỉ huy cuộc chính biến phải đào thoát sang Cao Mên tỵ nạn. Trong bài viết này, chúng tôi cũng nói rõ về gia đình ông Ngô Đình Diệm có tới ba đời Việt gian làm tay sai cho Liên Minh Đế Quốc Thực Dân Xâm Lược Pháp-Vatican và Đế Quốc Xâm Lăng Nhật Bản. Đại khái như sau: Đời thứ nhất.- Ông Ngô Đình Khả mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, được các nhà truyền giáo của Giáo Hội La Mã đưa đi Pénang (Mã Lai) dạy dỗ. Khi trở về Việt Nam, ông Khả đi làm thông ngôn và chỉ đường dẫn lối cho quân đội Liên Minh Đế Quốc Thực Dân Xâm Lược Pháp-Vatican đánh chiếm và bình định Việt Nam. Nhờ có công trận với quân giặc, đầu thập niên 1890, ông ta được chính quyền bảo hộ đề bạt cho giữ chức vụ phụ tá cho tên Việt gian Nguyễn Thân trong chiến dịch tiêu diệt lực lương Nghĩa Quân Văn Thân tại Vụ Quang dưới quyền chỉ huy của cụ Phan Đình Phùng. Quân đội tấn công của Nguyễn Thân và Ngô Đình Khả gặp phải sự kháng cự vô cũng mãnh liệt của Nghĩa Quân Văn Thân và bị thiệt hại nặng nề. Trong khi đang anh dũng chống lại các đợt tấn công của địch quân thì cụ Phan Đình Phùng qua đời vì bịnh kiết lị. Nhờ vậy mà quân đội của Nguyễn Thân và Ngô Đình Khả mới chiến thắng, đè bẹp được căn cứ Nghĩa Quân. Ngay khi tiến vào căn cứ, Nguyễn Thân và Ngô Đình Khả liền hạ lệnh quật mồ cụ Phan Đình Phùng, lấy xác đốt thành tro, rồi trộn vào thuốc súng bắn đi cho mất xác, nhằm để trả thù cho những chiến dịch ”Bình Tây Sát Tả” của Phong Trào Văn Thân trước kia. Đời thứ hai.- Ông Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Diệm được Giáo Hội La Mã và Pháp đào tạo cho làm quan và được thăng chức vù vù lên đến tuần phủ, tuần vũ. Riêng ông Ngô Đình Diệm, chi có hơn mười năm trời đã được đưa lên chức thượng thư trong triều đình bù nhìn tại Huế của chính quyền bảo hộ. Sau này, vì sự tranh giành quyền hành giữa phe Thực Dân Cấp Tiến Pháp trong đó có nhiều thành viên của Hội Tam Điểm muốn nâng đỡ ông Phạm Quỳnh, và phe Thực Dân Bảo Thủ Pháp thân Vatican lại muốn nâng đỡ ông Nguyễn Hữu Bài và gia đình họ Ngô Đình. Phe Bảo Thủ thất thế cho nên ông Nguyễn Hữu Bài và anh em ông Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Diệm đều bị thất sủng. Tất cả ba ông đều bị mất chức. Tức khí, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Khôi quay ra chạy theo Cường Để (cũng là tín đồ Thiên Chúa và được Giáo Hội coi như là một con cờ nằm hờ chờ đợi thời cơ để đưa lên cầm quyền) để phò theo Nhật, nhưng chưa được gì thì Nhật thua, đầu hàng Đồng Minh Anh-Nga-Mỹ-Pháp-Tàu. Đời thứ ba.- Ngô Đình Huân (con trai Ngô Đình Khôi, cháu nội Ngô Đình Khả) làm bí thư riêng cho Đại Sứ (Toàn Quyền) Nhật Yokohama. Điều này được Hoàng Ngọc Thành ghi rõ như sau: ”Ông Khôi bị chính quyền Hồ Chí Minh cho là thân Nhật vì con trai ông, cậu Huân, làm bí thư cho Đại Sứ Yokohama, tức người thay thế Khâm Sứ Pháp tại miền Trung sau đêm đảo chánh 9-3-1945” (Hoàng Ngọc Thành & Thân Thị Nhân Đức. Sđd., trang 24). Ngoài ra, chúng tôi còn nói rõ thành tích và bản chất phản trắc và lừa dối của ông Ngô Đình Diệm qua những lần phản lại Quốc Trưởng Bảo Đại; phản bội lời cam kết cải tổ chính quyền và được truyền thanh qua Đài Phát Thanh Saigon trong đó ông đã long trọng cam kết với quốc dân và các nhà lãnh đạo cuộc Chính Biến 11/11/1960; bội ước lời cam kết với Phật Giáo trong ngày 16/6/ 1963 (gồm những điểm đã thỏa hiệp về việc treo cờ Phật Giáo và Quốc Kỳ, xét lại Dụ Số 10 nói về quy chế tôn giáo, điều tra các vụ bắt bớ, khoan hồng cho những người tranh đấu cho Phật Giáo, dành mọi sự dễ dàng cho các hoạt động tôn giáo, trừng trị những nhân viên có lỗi và bồi thường các gia đình nạn nhân do chính sách đàn áp của chính quyền gây ra); và sau đó (không biết có phải là lần chót hay không), ông ta lại phản bội lời cam kết với ông Đại Sứ Hoa Kỳ Frederick Nolting rằng chính quyền của ông sẽ không dùng bạo lực (quân đội tấn công các chùa chiền). Khi ông Đại Sứ Hoa Kỳ Nolting vừa đi khỏi Sàigon về tới Hawaii thì nhận được tin chính quyền Ngô Đình Diệm cho quân đội tấn công các chùa chiền tại Sàigon và nhiều thành phố lớn trong toàn thể lãnh thổ miền Nam Việt Nam, có nhiều tu sĩ Phật giáo và Phật giáo đồ bị bắt. Sau cùng, chúng tôi có trích dẫn lời của cụ Lê Nguyên Long cho rằng ”Việc ông Ngô Đình Diệm mở những chiến dịch đại quy mô để chửi bới nhằm hạ nhục và truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại chứng tỏ ông Ngô Đình Diệm là một con người đại phản phúc”, để rồi kết luận rằng: ”Nói rằng ông Ngô Đình Diệm là con người đại phản phúc thì chẳng hóa ra cụ Lê Nguyên Long hàm ý rằng cái ”Phong Trào Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm” là Phong Trào Phục Hưng Tinh Thần Đại Phản Phúc” hay ”Phục Hưng Tinh Thần Việt Gian” hay sao?” (Chính Đạo. Nhìn Lại Biến Cố 11/11/1960. Houston, Texas: Văn Hóa, 1997, trang 115). Chắc chắn là những người trong Phong Trào Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm đã đọc cuốn sách này. Họ không cần kiểm chứng và cũng không cần biết những điều chúng tôi trình bày trong sách liên hệ đến những việc làm của gia đình họ Ngô đúng hay sai. Họ nhất quyết lên án, mạ lỵ và nguyền rủa chúng tôi,rồi họ chờ dịp để quyết tâm hạ nhục và khủng bố chúng tôi.
Lễ giỗ cố TT Ngô Đình Diệm tại nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Seattle, 6 tháng 11 năm 2011 Mùa hè năm 1997, Tiến-sĩ Vũ Ngự Chiêu và một nhóm anh em văn thi sĩ yêu cầu chúng tôi tổ chức một buổi hội thảo văn hóa vào ngày Thứ Bẩy 20/12/1997 tại thành phố Seattle để mỗi người chúng tôi thuyết trình về một đề tài. Riêng người viết đuợc mọi người đồng ý là sẽ phụ trách nói về việc giáo dục các thanh thiếu niên tại hải ngoại. -- o0o -- Ngay khi vừa mới chọn địa điểm là nhà hàng Caravan số 5718 đường Martin Luther King, Seattle và đăng quảng cáo trên các tờ tuần báo ở Seattle vào cuối tháng 9 năm 1997 thì những người trong ”Phong Trào Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm” (cũng gọi là ”Nhóm Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm” ở Seattle và các thành phố trong khu vực miền Tây tiểu bang Washington chạy dài từ biên giới Canada xuống tới Olympia) nhóm họp, nghiên cứu cuốn ”Nhìn Lại Biến Cố 11/11/1960” để viết bài phản bác lại cuốn sách này. Sau hơn một tháng trời nghiên cứu, tới đầu tháng 11.1997, ngay sau khi làm lễ giỗ ông Diệm, họ tung ra hai lá thư nặc danh, mỗi lá dài ba trang được viết bằng máy điện toán (single space), có nhan đề là ”Người Dân Lên Tiếng: Văn Nghệ Sáng Tác hay Những Kẻ Phản Bội” và ”Tâm Thư Máu... Và Nước Mắt”. Cả hai lá thư nặc danh này đều được viết bằng những luận điệu của cán bộ Công Dân Vụ trong thời bạo quyền Gia-tô Ngô Đình Diệm với những ngôn từ và văn phong của những ”phường đá cá lăn dưa”, giống những những ngôn từ và văn phong mà ông Tiến-sĩ Linh-mục Nguyễn Khắc Xuyên đã sử dụng trong bài viết ”Thư gửi Giáo-sư Hoàng Tuệ ...” và ông Giáo-sư Dương Ngọc Dũng viết trong bài viết (được in thành sách) ”Nhận Định Và Phê Bình Cuốn Tuyển Tập Đối Thoại”. Nực cười nhất là trong hai lá thư nặc danh này có những đoạn viết như sau: ”Thưa ông Quang, ông nên về Việt Nam lấy một lần, thăm mộ cụ cố Ngô Đình Diệm của chúng tôi. Mộ cụ cố hết bị đào rồi. Chỉ có ông và bè nhóm để đến năm 1997 mới đào xới lên đi theo bè nhóm Đỗ Mậu hy vọng ăn được chút bã. Buồn cười cho một ông giáo như ông. Giáo dục ai đây”. ”Nói cho các ông nhớ, mấy ông đảo chánh năm 63 (1-11-1963) còn sống nhăn răng đã đào mộ mấy lần ông có nhớ không? Bè lũ các ông chỉ là bè lũ bán nước cho giặc ngoại xâm, bán nước cho bọn cộng phỉ ngày nay các ông có biết không?” ”Hãy ngẩng mặt lên cầu xin cho quê hương chúng ta, hãy mở miệng cất cao tiếng nói cho thế giới đoái thương cho quê hương chúng ta có dân chủ tự do, nhân quyền đi, hỡi mọi người”. ”Về Nguyễn Mạnh Quang: Ở đầu cuốn sách có đôi lời giới thiệu Quang là giáo sư Trung Học. Năm 1966 được cấp học bổng du học Hoa Kỳ. Tốt nghiệp cao học về nước dạy ở Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức. ”Trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo thì lòng mới ngon”. Câu ca dao bình dân để nhận xét con người, áp dụng vào Quang, con người nhỏ, lùn... ”Có kẻ học thức mà ngu xuẩn đến độ nói người mà không nghĩ đến mình chút nào sao... Toàn một lũ vô liêm sỉ, một lũ phản bội. Hãy tránh xa những tên phản bội: Nguyễn Chánh Thi, Nguyễn Mạnh Quang, Vương Văn Đông, Chính Đạo, Phạm Xuân Tích, Nguyễn Kiên Hùng, Phan Lạc Giang Đông và tên Đỗ Mậu. Hãy nguyện cầu Trời Đất trừng phạt, chu diệt chúng, nói nhiều tốn mực bút bi”. Đọc qua các đoạn văn trên đây, chúng tôi nhớ lại các bài viết của các ông Nguyễn Đạt Thịnh, Sức Mấy (Đinh Từ Thức), Nhị Lang, Phan Minh, Nguyễn Phương (Phương Nhất), v.v..., và những cuốn sách Làm Thế Nào Để Giết Một Tổng Thống của hai ông Cao Thế Dung và Lương Khải Minh, Việt Nam Chính Sử của ông Nguyễn Văn Chức, Việt Nam Tự Do Từ Ngô Đình Diệm Đến Lưu Vong của ông Phạm Kim Vinh, Việt Nam Tôn Giáo Chính Trị Quan của ông Linh-mục Vũ Đình Hoạt, Những Bí Ẩn Đằng Sau Cuộc Thánh Chiến của ông Lữ Giang, v.v... Tất cả đều được viết ra nhằm để bênh vực cho cá nhân ông Ngô Đình Diệm và chế độ của ông ta, nhưng lại không thể bào chữa được cho những việc làm bất chính của anh em ông Ngô Đình Diệm và tập đoàn Cần Lao Công Giáo. Tất cả đều chịu ảnh hưởng của nền đạo lý Đắc Lộ với những truyền thống huênh hoang, khoác lác, khoe khoang, hợm hĩnh và ”duy ngã độc tôn”. Độc đáo hơn nữa, họ lại ưa thích sử dụng ngôn ngữ ”Chợ Cầu Muối” với những luận điệu vu khống để gièm pha và làm hạ giá các tác giả những bài viết và các cuốn sách mà họ chống. Những ngôn ngữ và luận điệu của họ y hệt như những ngôn ngữ và luận điệu của ông Cố đạo Alexandre de Rhodes đã sử dụng trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày của ông ta để vu khống, gièm pha và làm hạ giá Đức Không Tử và Đức Phật Thích Ca cũng như các tôn giáo cổ truyền của dân tộc Việt Nam ta. Tất cả đều không đưa ra được một lập luận nào để đánh đổ được những lập luận của các tác giả của các bài viết hay các cuốn sách nêu lên những tội ác vi phạm nhân quyền cũng như phản bội đất nước và dân tộc mà bạo quyền Ngô Đình Diệm đã phạm phải trong suốt chín năm cầm quyền. Có lẽ cũng vì thế mà họ phải sử dụng những ngôn từ đao to búa lớn cùng những lời lẽ đê tiện và hèn hạ nhất lãnh hội được của Giáo Hội La Mã để vu khống, bêu riếu nhằm làm hạ giá và sỉ vả các tác giả mà họ phải tranh luận. Làm như vậy, họ hy vọng có thể che lấp và phe lờ những tội ác của bạo quyền Ngô Đình Diệm mà họ không thể nào bào chữa được. Trở lại việc Nhóm Tinh Thần Phục Hưng Ngô Đình Diệm viết rằng: ”Hãy tránh xa những tên phản bội: Nguyễn Chánh Thi, Nguyễn Mạnh Quang, Vương Văn Đông, Chính Đạo, Phạm Xuân Tích, Nguyễn Kiên Hùng, Phan Lạc Giang Đông và tên Đỗ Mậu. Hãy nguyện cầu Trời Đất trừng phạt, chu diệt chúng, nói nhiều tốn mực bút bi”. Với quan niệm về một đấng thần linh tối cao của họ là như vậy, thảo nào, trong hàng ngũ của họ đã từng có những tên bạo chúa và hung thần khát máu như Trần Bá Lộc, Linh-mục Trần Lục, Ngô Đình Khả, Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Đinh Xuân Hải, Phạm Ngọc Chi, Hoàng Quỳnh, Mai Ngọc Khuê, Nguyễn Lạc Hóa, v.v... Bọn bạo chúa khát máu này đã hành động đúng theo nguyện vọng của họ, cho nên, mới chỉ có 9 năm cầm quyền, chúng đã giết hại, thủ tiêu và bức tử gần nửa triệu đồng bào Việt Nam ta. Chính vì vậy mà họ mới suy tôn và vinh danh tên bạo chúa khát máu tam đại Việt gian Ngô Đình Diệm lên hàng ”anh hùng dân tộc” và ”chí sĩ yêu nước Vatican” của họ. Nhớ lại Chúa Jesus nhân từ của ngày xưa, khi bị đóng đinh trên thập tự giá tại Núi Sọ vào năm 33, Chúa đã nói ”Ta tha thứ cho kẻ thù của ta”. Lời nói đầy tình nhân ái và từ bi trên đây của Chúa đã trở thành khuôn vàng thước ngọc cho những người thực sự là tín đồ của Chúa. Ấy thế mà ông Ngô Đình Diệm khi còn sống cũng như những người trong Nhóm Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm đã đi ngược với lời Chúa trối trăng trước khi lìa dương thế. Họ đã hành động ngạo ngược, bất nhân bất nghĩa. Lời nói đầy nhân ái và khoan dung ”Ta tha thứ cho kẻ thù của ta” của Chúa Jesus ngày xưa đã bị Nhóm Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm biến thành lời nguyền rủa cay chua độc địa, đòi trừng phạt và chu diệt những người không đồng quan niệm với họ và không nghe theo họ. Phải chăng ông thánh tổ truyền giáo Alexandre de Rhodes đến Việt Nam đã ăn gian nói dối và đã dạy họ như vậy? Họ đã suy tư và hành động như một lũ côn đồ. Họ đã phản lại tinh thần bác ái của Chúa Jesus. Họ đã trở thành những quân phản Chúa. Hai lá thư nặc danh này đều được gửi đi phân phối ở những trung tâm thị tứ có đông người Việt lui tới và được ”Đài Phát Thanh” có danh xưng là ”Saigon Radio” (điều khiển bởi một người đồng đạo và cũng là người tôn thờ ông Ngô Đình Diệm) cho truyền thanh liên tiếp suốt từ đầu tháng 11 năm 1997 cho đến ngày 18/12/1997. Song song với việc cho truyền thanh và phân phối hai lá thư nặc danh trên đây, họ cho một người đi tuyên bố công khai cho mọi người biết rằng nếu gặp tác giả của bài viết ”Tướng Nguyễn Chánh Thi Với Cuộc Chính Biến 11/11/1960” (tức Nguyễn Mạnh Quang) thì hắn sẽ bắn ngay tại chỗ vì tác giả đã dám cho rằng ông Ngô Đình Diệm là Việt gian và gia đình ông Diệm có đến ba đời Việt gian làm tay sai cho giặc ngoại xâm. Vì đi đến đâu hắn cũng tuyên bố như vậy, cho nên có nhiều người đã hoặc gọi điện thoại, hoặc tình cờ khi gặp mặt, đều báo động cho người viết biết tình trạng nguy hiểm có thể xẩy ra. Tính ra có đến hơn mười người cho hay tin như vậy. Phần lớn họ là những bạn thân của người viết. Họ thành khẩn khuyên nhủ chúng tôi phải cẩn thận. Cho đến tuần lễ đầu tháng 12, ”Nhóm Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm” gia tăng khủng bố tinh thần người viết. Một mặt họ dự định sẽ tổ chức biểu tình với chủ ý phá thối cuộc hội thảo văn hóa do chúng tôi dự định tổ chức vào ngày 20-12-1997. Mặt khác, họ loan tin nếu không hủy bỏ buổi hội thảo này thì họ sẽ thanh toán người viết (Nguyễn Mạnh Quang). Tình trạng căng thẳng đến nỗi có anh bạn chủ báo Việt Nam tại Seattle vốn vẫn công khai nhận là bạn thân của người viết mà phải đăng lời trần tình lên trên tờ báo do chính anh làm chủ rằng anh ta không có liên hệ gì với cuộc hội thảo văn hóa, và chính anh cũng sẽ không đến tham dự cuộc hội thảo này. Thấy tình trạng có thể xẩy ra nguy hiểm đến sinh mạng, ít nhất có tới 5 người yêu cầu phải nên trình bày tình trạng này với FBI và các sở cảnh sát tại Seattle và Tacoma. Đồng thời, họ tình nguyện đứng ra làm chứng. Tới ngày 10/12/1997, tình trạng càng trở nên dữ dằn hơn. Đi đến đâu, cũng có tin họ sẽ thánh toán người viết. Vì vậy mà các bạn bè thân tình của chúng tôi lại đốc thúc phải trình cho cảnh sát và FBI càng sớm càng tốt. Cuối cùng, ngày 12/12/1997, chúng tôi đành phải viết hai lá đơn trình Sở Cảnh Sát và văn phòng FBI tại Seattle. Nhận được đơn, cả hai Sở Cảnh Sát và FBI tại Seattle đều yêu cầu chúng tôi phải nên báo cáo với Sở Cảnh Sát tại Tacoma để họ phối hợp điều tra và hành động. Ngày hôm sau, văn phòng FBI tại Tacoma cho người đến tiếp xúc với chúng tôi để được biết thêm tin tức về sự việc và lý lịch những người chủ động việc khủng bố này. Cả hai Sở Cảnh Sát và FBI đều tích cực giúp đỡ chúng tôi và hứa sẽ dùng tất cả những phương tiện sẵn có để bảo vệ quyền hiến định của người dân về các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do hội họp của anh em văn nghệ sĩ chúng tôi ở trong phạm vi quản nhiệm của họ. Sau đó mấy ngày, hình như cảm thấy vẫn chưa đủ an toàn, người bạn đời của người viết quyết định viết một lá thư gửi cho ông Linh-mục Trần Đức Phương, quản nhiệm nhà thờ Việt Nam tại thành phố Seattle, nguyên văn như sau: Tacoma ngày 16 tháng 12 năm 1997 Kính cha Trần Đức Phương, Quản Nhiệm Nhà Thờ Việt Nam 1230 East Fir Street Seattle WA 98122 (Phone: (206) 325-5626) Thưa Cha, Con viết thư này với lòng hy vọng ở Cha, một người lãnh đạo tinh thần, sẽ bỏ ra chút ít thì giờ để ngăn chặn những hành vi quá đáng của một vài con chiên, gây bất lợi cho việc truyền giáo. Thưa Cha, trong việc phụng vụ và trau dồi tín lý của Cha, con thiết nghĩ nhiệm vụ tông đồ là nền tảng. Cho nên có thể nói rằng những hành động của các tín đồ đi ngược với mục đích của con chiên Chúa đều phải được Cha trực tiếp can dự. Nguyện vọng của con trong thư này là mong Cha bỏ chút thì giờ để giải quyết một trường hợp mà con nghĩ là các Cha trực tiếp có trách nhiệm. Như Cha có lẽ cũng đã biết, trong tháng qua và hiện giờ, có một số con chiên của Cha trong nhóm ”Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm” mướn Đài Radio Saigon chửi mắng thậm tệ một người viết một phần trong cuốn sách nói về những sự kiện có liên hệ đến chế độ Ngô Đình Diệm. Họ làm như vậy với mục đích là triệt hạ uy tín của tác giả. Chưa đủ, họ đang bàn nhau, lập kế, âm mưu chống đối nhằm bịt miệng và còn định ám hại cá nhân người này, chỉ vì những sự thật bẽ bàng về bạo quyền Ngô Đình Diệm đã được trình bày như là nguyên nhân cho cuộc đảo chánh trong sách ”Nhìn Lại Biến Cố 11 tháng 11 năm 1960”. Cá nhân đó là Nguyễn Mạnh Quang, một người dân không có thế lực hay quyền hành đối với ai cả. Cá nhân đó chỉ là một người viết sách. Và người này là người bạn đời của con, một con chiên đơn lẻ trong cộng đồng tín hữu ở thành phố này. Tại sao con nói vấn đề này trực tiếp thuộc trách nhiệm của cha? Thưa cha, có nhiều lý do: 1.- Tổ chức lễ giỗ cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một hành động chính trị hay tín lý? Cha thừa biết trong bao năm qua, năm nào nhà thờ cũng làm lễ giỗ cho cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Nếu ông Diệm chỉ là một cá nhân, thì việc giỗ của ông ta chỉ có thể xẩy ra nếu có con cháu ruột thịt trong gia đình ông ta đến xin lễ, và buổi lễ chắc chắn là không có những nghi thức rềnh ràng. Lấy công tâm mà xét, Cha phải đồng ý với con về điểm này. Do đó, việc tổ chức giỗ ông Diệm với những nghi thức này nọ ở trong nhà thờ chắc chắn không phải là do các con cháu của ông ta xin lễ, mà là một hàm ý chính trị có sự thừa nhận của linh mục, và cũng là đem tôn giáo bao che cho một chế độ đã một thời đem lại những đặc ân cho tôn giáo của riêng mình. 2.- Ép Người ta theo đạo là việc tông đồ hay bành trướng thế lực? Thưa Cha, nếu việc tông đồ là đem các con chiên lạ vào cùng một chủ chăn, thì việc làm này phải do ánh sáng từ lòng BÁC ÁI, CÔNG BẰNG mà Chúa hằng dạy, chứ không phải dùng quyền lực đe dọa, áp chế, đem ngọn súng ép buộc người ta vào đạo. Làm như vậy không làm cho người ta thán phục, trái lại, chỉ làm cho người ta oán hận. Chế độ Diệm đã làm việc ”tông đồ” kiểu này. Là người thờ Chúa, có nên tôn thờ một người đã dùng mọi thủ đoạn bất chính để giành lấy phần hơn như thế không? Việc người Công Giáo là một thiểu số ở trong nước mà lại được ưu đãi và chiếm ưu thế trong chính quyền vào những năm dưới thời nhà Ngô, con chỉ cảm thấy nhục nhã mà thôi. Ngoài ra, ông Ngô Đình Diệm còn có đầy dẫy những thành tích giam cầm và giết hại rất nhiều người trong đó có cả linh mục và nhiều tín hữu chỉ vì những người này đã nghĩ đến quyền lợi chung mà chống lại chế độ của ông ta. Nhưng thôi, lá thư này không nhằm phân tích chế độ Ngô Đình Diệm. Việc này để dành cho các nhà nghiên cứu sử mới có đủ thẩm quyền tranh cãi. Việc ông Ngô Đình Diệm có đáng được suy tôn là anh hùng của dân tộc hay không thì hãy để cho toàn dân Việt Nam phán xét và quyết định qua những bài sử của cả hai bên chống đối và bên bào chữa. Vấn đề là: ”Nhóm người Công Giáo có nên hay không nên ”đi lẻ” mà suy tôn ông Diệm thành anh hùng dân tộc trong khi đại đa số trong khối dân tộc đã khinh ghét hoặc ít nhiều không xem ông ta là một người anh hùng”. 3.- Người làm chính trị là của toàn dân, không phải của một nhóm người hay một tôn giáo. Trong kỳ vận động bầu cử chức vụ tổng thống Hoa Kỳ, ông John F. Kennedy có tuyên bố đại ý là ông là người của Đảng Dân Chủ Hoa Kỳ, chứ không phải là người của Giáo Hội La Mã, ra tranh cử, và nếu như đắc cử, thì ông ta sẽ là tổng thống của người dân Hoa Kỳ, chứ không phải là của Giáo Hội La Mã. Nhưng nếu có trường hợp mà quyền lợi của quốc gia Hoa Kỳ tương phản với nhiệm vụ của một tín đồ Công Giáo, thì ông ấy sẽ xin từ nhiệm. Đó là cái nhìn của một người lãnh đạo biết phân biệt giữa CÔNG và TƯ một cách rõ ràng, ”Pháp bất vị thân”. Và, ở Hoa Kỳ, người Công Giáo không vì ông Kennedy là người Công Giáo mà phải suy tôn và làm lễ giỗ hàng năm cho riêng ông ta. Nếu người Công Giáo Việt Nam đặc biệt ghi ơn và suy tôn ông Diệm lên hàng anh hùng dân tộc trong lúc những người thuộc các tôn giáo khác không chấp thuận thì hóa ra người Công Giáo Việt Nam đã tự chứng minh rằng ông Ngô Đình Diệm ngày xưa đã dành những đặc ân và đặc quyền cho riêng người Công Giáo, và tự chứng minh là sự kỳ thị và đàn áp các tôn giáo khác trong thời chế độ Ngô Đình Diệm là chuyện có thật. 4.- Các linh mục có vô tư trong vấn đề nhận xét về chế độ Ngô Đình Diệm hay không? Trong một quốc gia theo chế độ dân chủ như nước Hoa Kỳ, người ta tôn trọng quyền tự do phát biểu tư tưởng của mọi người. Trong bao nhiêu năm qua, việc bênh vực chế độ Ngô Đình Diệm trên sách báo đã xẩy ra dài dài. Không có ai tổ chức biểu tình để đàn áp tiếng nói của họ cả. Đồng bào Công Giáo vẫn tiếp tục tôn thờ và suy tôn ông Ngô Đình Diệm như là một chí sĩ yêu nước và anh hùng dân tộc. Nhưng khi có người nào viết về tội ác của nhà Ngô để nói cho mọi người biết, thì họ (những người Công Giáo tôn thờ ông Diệm) lại đòi bịt mồm, bịt miệng và tìm đủ cách để chống đối và sỉ vả người viết. Sự công bằng trong tôn chỉ của Chúa họ để ở nơi nào? Họ có xứng đáng đi truyền đạo Chúa hay không? Chỉ biết quyền tự do của mình, mà không tôn trong quyền tự do của người khác thì có khác nào những kẻ rừng rú dã man hay không? Nếu những người này làm chính trị, thì người ta gọi là độc tài. Đúng y như chính sách của nhà Ngô ngày xưa. Do đó, âm mưu tính chuyện biểu tình vào ngày Thứ Bẩy 20-12-1997 ở tại nhà hàng CARAVAN của những người trong nhóm ”Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm” nhằm để phá rối cuộc Hội Thảo Văn Hóa do Nguyễn Mạnh Quang và thân hữu tổ chức vào ngày hôm đó tại địa điểm này, là một hành động đã vô tình chứng minh rõ cái thói quen của ”TINH THẦN ĐÀN ÁP VÀ ĐỘC TÀI” của nhà Ngô ngày xưa. Cha có tiên đoán được những người trí thức ngoại đạo sẽ nghĩ như thế nào về việc này hay không? Các linh mục đã có lúc nào đem vấn đề này ra phân tách để cho giáo dân sáng tỏ chưa? Hoặc là các Cha cứ làm ngơ để cho ”ai muốn làm gì thì làm”? Hoặc là các Cha đã ủng hộ phương tiện, có khi kể cả tiền bạc do con chiên đóng góp để làm những việc phản tông đồ như thế? Kết Luận.- Với tư cách là một người có đạo, nhìn sự việc mâu thuẫn với việc tông đồ và ý Chúa như thế, con xin các Cha hãy can thiệp trực tiếp để ngăn chặn những hành động ngông cuồng vô ý thức mà nhóm PHỤC HƯNG TINH THẦN NGÔ ĐÌNH DIỆM đang làm. Thưa Cha, trong lúc con đang cố gắng đem những gương lành của Chúa ra thuyết phục chồng con theo đạo Chúa (theo trong tâm, chứ không phải theo hình thức), thì con luôn luôn gặp phải những người trong đạo làm những việc trái ngược với CÔNG CHÍNH như vậy. Sự kiện này đã làm cho con càng thêm khó khăn trong việc chứng minh cho chồng con thấy rằng người Công Giáo đa số là BÁC ÁI và CÔNG BÌNH. Việc tông đồ của con ngày càng thêm khó khăn hơn. Xin Cha cứu xét. Thành thực cám ơn Cha. Trân trọng, Nguyễn Thị Phúc (vợ Nguyễn Mạnh Quang) Không biết khi nhận được là thứ đó, Linh-mục Trần Đức Phương có phản ứng như thế nào. Cho đến hôm nay (ngày 15/3/1998) khi viết đến phần này, Linh-mục Trần Đức Phương vẫn chưa trả lời chúng tôi. Thư gửi đi vào buổi sáng ngày 16/12/1997 thì chiều tối ngày 18/12/1997, hai người trong Nhóm Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm là cựu Trung Tá Trần Thanh Chiêu và một người là cựu Đại Úy Cảnh Sát Trần Thúc Chi gọi điện thoại đến gia đình chúng tôi và nói chuyện với hiền nội của tôi, cũng là tác giả viết là thư gửi cho Linh-mục Trần Đức Phương. Cả hai người này vốn đã quen biết với chúng tôi đã từ lâu, vì thế, mọi chuyện thắc mắc hay quan điểm khác biệt về ông Ngô Đình Diệm và chế độ nhà Ngô cũng đi đến những kết luận êm đẹp. Cũng trong ngày đó (18/12/1997), các anh em văn thi sĩ từ Texas và từ California tề tựu đến Tacoma để chuẩn bị cho ngày hội thảo. Theo chương trình, 1 giờ chiều ngày 20/12/1997 cuộc hội thảo sẽ khai mạc. 10 giờ sáng ngày hôm đó, chúng tôi đã có mặt đầy đủ ở nhà hàng Caravan, và khám phá rằng ông cảnh sát người Việt mà chúng tôi mướn đã không dám ủng hộ chúng tôi, nhưng không muốn thông báo cho chúng tôi ý định này. Vào giờ chót tại địa điểm tổ chức, anh ta bảo rằng "đã nhờ hai vợ chồng cảnh sát khác thay thế, nhưng bất ngờ cả hai đều "cáo bệnh" cùng ngày hôm nay" (!). Đến 12 giờ trưa, theo lời yêu cầu giúp đỡ của chúng tôi , văn phòng cảnh sát Mỹ hứa cho 3 nhân viên cảnh sát người Mỹ cùng đến với một chiếc xe bắt tù gọi là "arraign truck" tới đậu túc trực đề phòng bất trắc. Xe bắt tù của Cảnh Sát Seattle Hai trong 3 nhân viên cảnh sát túc trực trong nhà hàng. Khi ông bạn của Nhóm Phong Trào Tinh Thần Ngô Đình Diệm đã từng đe dọa bắn người viết bước vào trong nhà hàng thì chúng tôi yêu cầu cảnh sát lục xét và cảnh cáo cho anh ta biết rằng anh ta và đồng bọn không được có một hành động gì bị coi như là bạo động. Có nguồn tin cho biết là Nhóm Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm để một người (vốn là cựu dân biểu thời chế độ Gia-tô Ngô Đình Diệm, thường tự xưng là thi sĩ và giáo sư) tại một địa điểm chỉ huy việc điều động cuộc biểu tình phá thối. Một người khác được chỉ định phối hợp, dùng xe hơi đến tận từng nhà của những người trong phe đảng của họ, đặc biệt là thân nhân bà con của những người trong Nhóm Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm, để trực tiếp cổ võ họ đi tham dự cuộc biểu tình phá thối này. Họ đã tập trung được khoảng hơn hai mươi người tại sân đậu xe Phước Lộc Thọ (cũng nằm trên đường Martin Luther King Way và cách nhà hàng Caravan độ gần nửa cây số). Họ cho hai chiếc xe hơi chạy qua chạy lại để quan sát tình hình tại nhà hàng Caravan. Họ dự định là khi cuộc hội thảo vừa khai mạc, một người của họ ở trong nhà hàng, sẽ vào cầu tiêu cho nổ một loại bom giống như một loại pháo do chính họ chế ra để gây hoảng sợ cho những người trong nhà hàng. Song song với thủ đoạn gian ác trên, một nhóm khác được chỉ định đóng vai người đến tham dự hội thảo, chuẩn bị sẽ gây ồn ào bằng các hô hoán la lối chửi bới tục tĩu, đập ly, chén đĩa và xô liệng bàn ghế để phá rối trật tự. Đồng thời, đoàn người tập trung ở sân đậu xe ở chợ Phước Lộc Thọ sẽ tiến tới hô những khẩu hiệu "đả đảo" để phá thối. Nhưng vì ở bên trong, người mà trước đó đã nhiều lần tuyên bố đòi bắn tác giả Nguyễn Mạnh Quang đã bị cảnh sát lục xét và cảnh cáo cho biết là phải biết tôn trọng trật tự và an ninh công cộng, cho nên nhóm người của Phong Trào Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm có mặt trong cuộc hội thảo hôm đó cảm thấy “rét”, không còn dám có hành động gì để có thể bị coi là lỗ mãng và gây rối nữa. Một điều may mắn nữa là người được chỉ định đem chất nổ vào cầu tiêu để phá hoại, ngay khi vừa mở cửa đi vào cầu tiêu thì bất ngờ có một người trong ban tổ chức nhìn thấy, sinh nghi liền bám sát theo dõi người đó, khiến cho đương sự phải xách túi đi ra và biến dạng. Trong khi đó, nhóm người biểu tình ở khu Phước Lộc Thọ sắp sửa khởi hành để tiến về nhà hàng Caravan để phá thối thì lại phải giải tán vì được tin có xe bắt tù của cảnh sát nằm túc trực tại sân đậu xe của nhà Hàng Caravan. Kế hoạch phá thối cuộc hội thảo ở ngay trong hội trường và việc nhóm biểu tình thấy xe cảnh sát bắt tù túc trực sẵn không dám tiến tới nữa chứng tỏ Nhóm Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm chỉ biết tin tưởng vào bạo lực để cưỡng bách những người khác tôn giáo hay khác quan điểm với họ phải cúi đầu nghe theo họ. Trong nỗ lực "phá đám" buổi hội thảo của chúng tôi, những người theo "tinh thần Ngô Đình Diệm" đã vận động và đe dọa từng người một khi biết người đó sẽ đến với buổi hội thảo của chúng tôi. Một nghệ sĩ thổi sáo đã phải từ chối không đến, và sau này gặp chúng tôi đã phải xin lỗi. Sắp đến giờ khai mạc, nhà văn Đào Vũ Anh Hùng không có mặt, mặc dù mới đầu hôm qua chúng tôi còn gặp nhau vui vẻ. Chúng tôi phải chạy đôn chạy đáo, đến khách sạn tìm hiểu lý do, và gặp phải mấy bộ mặt sượng sùng của người đang cố ý "kéo dài thời gian thăm viếng" để nhà văn Đào Vũ Anh Hùng khỏi đến tham dự với chúng tôi. Họ kế hoạch từng người như thế, để phá hoại từng chi tiết trong chương trình của chúng tôi. Những hành động côn đồ, xấc xược, ngược ngạo này cũng cho chúng ta thấy rằng họ biết rõ những việc làm của họ là bất chính và bất hợp pháp. Nếu có chính nghĩa thì họ cứ thẳng thắn viết sách nêu lên những điều mà họ cho là sai lầm ở trong cuốn sách, chứ cần gì phải sử dụng đến hai lá thư nặc danh để nguyền rủa, chửi bới và hạ nhục tác giả, và cần gì phải sự dụng đến bạo lực để phá thối bằng cách tổ chức biểu tình để la ó phản đối. Vì bất chính và bất hợp pháp cho nên họ mới sợ xe cảnh sát. Nhà văn Doãn Quốc Sỹ ở giữa Sự thực, truyền thống tin tưởng vào bạo lực của Nhóm Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm đã ăn sâu vào dòng máu từ ngày Liên Minh Đế Quốc Thực Dân Xâm Lược Pháp-Vatican đem quân đến tấn chiếm và thống trị đất nước Việt Nam từ giữa thế Kỷ 19 đến ngày 30-4-1975. Suốt trong thời gian này, họ đều được cả ba chính quyền Liên Minh Đế Quốc Thực Dân Xâm Lược Pháp-Vatican, bạo quyền Ngô Đình Diệm và quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu ưu đãi và coi họ như là thành phần nòng cốt đáng tin cậy nhất của chế độ. Quyền hành sinh xấc xược và ngược ngạo, rồi dần dần biến thành bản chất ưa thích sử dụng bạo lực để thanh toán những người bất đồng chính kiến với họ, đặc biệt nhất là đối với những người mà họ cho là ”tà ma” hay ”ngoại đạo”. Cũng vì bản chất lưu manh và ngược ngạo này mà Nhóm Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm dù rằng đã biết những mưu đồ và việc làm trên đây của họ là bất chính, là bất hợp pháp và ngược ngạo mà họ vẫn làm. Họ chỉ lùi bước trước sự cương quyết của nạn nhân và sức mạnh của luật pháp của một thể chế dân chủ thực sự như chúng ta đã thấy chuyện đã xẩy ra bên lề cuộc hội thảo văn hóa được tổ chức vào ngày 20/12/1997 tại nhà hàng Caravan. Điểm đáng nói nữa là trong vòng khoảng hai tuần lễ trước ngày 20/12/1997, có nhiều cú điện thoại gọi đến thuyết phục bà chủ nhà hàng từ chối, không cho sử dụng nhà hàng làm nơi hội thảo, nhưng bà chủ vẫn không nghe theo lời họ. Thuyết phục không được, đến khi cuộc hội thảo đang tiến hành thì có hơn mười cú điện thoại gọi đến với những ngôn ngữ hạ cấp chửi bới và nhục mạ Nguyễn Mạnh Quang và những người trong ban tổ chức. Phần thuyêt trình của nhà văn Đào Vũ Anh Hùng trong buổi hội thảo tại Seattle ngày 20 tháng 12, 1997
Những việc làm của Phong Trào Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm để phá thối cuộc Hội Thảo Văn Hóa tại nhà Hàng Caravan này y hệt như chuyện đã xẩy ra trong buổi ra mắt sách ”Đối Thoại Với Giáo Hoàng Gioan-Phao-Lồ II” được tổ chức vào ngày Chủ Nhật 19/8/1995 tại Westminster (?), California của nhóm Giao Điểm Foundation. Cụ Trần Văn Kha kể lại những việc làm phá thối buổi ra mắt sách ”Đối Thoại với Giáo Hoàng ...” như sau: “Nhóm Giao Điểm Foundation sau khi phát hành sách được hai tháng, sách in 2 ngàn cuốn bán gần hết, cũng tổ chức Ra Mắt Sách để gây thêm tiếng vang. Nhưng việc Ra Mắt quyển sách này ở trong một trường hợp đặc biệt. Vì đề cập tới những nhận định về quyển sách của Đức Giáo Hoàng, với những điểm không đồng ý với Ngài. Nếu đồng ý, thì không phải là đối thoại nữa, tên sách phải đổi khác, “Những Lời Vàng Ngọc của Đức Giáo Hoàng...”. Trước khi sách được ra mắt, đã có những tin tức loan truyền, là sẽ có chống đối, hay bạo động. Vì sợ hãi, hay vì lý do gì khác, hai ngày trước khi ra mắt sách, cô điều khiển chương trình xin rút lui. Rồi ngày Thứ Bẩy 19/8/1995, nhân dịp đến dự lễ ra mắt sách thơ của Trần Hồng Châu, ở phòng hội tòa báo Người Việt (tại sao lại có sự cố ý ra mắt sách thơ của ông Trần Hồng Châu vào ngày này?), anh Phạm Xuân Đài trong Nhóm Thế Kỷ 21 mà tôi quen, nói với tôi: ”Ra mắt sách ngày mai (Chủ Nhật 20/8/1995) chắc sẽ nổ lớn.” Họ khủng bố tinh thần chúng tôi đấy. Chúng tôi phân tích tình hình: 1.- Các bài viết (trong cuốn Đối Thoại Với Giáo Hoàng...) đều ký tên rõ ràng. Vậy ai muốn chống đối thì theo lẽ đương nhiên cũng phải viết bài ký tên rõ ràng. Còn phá hoại chỉ là hành vi của những người thiếu văn hóa. 2.- Nếu thấy hăm dọa mà sợ hãi rồi hủy bỏ việc ra mắt sách thì những kẻ hăm dọa sẽ chê cười chúng ta là hèn nhát: ”Mới hăm dọa không thôi mà đã sợ rồi”. 3.- Cứ ra mắt sách, dù bị hăm dọa. Những người hăm dọa thấy quyết tâm của chúng tôi, ước đoán rằng chúng tôi không sợ, họ không biết chúng tôi sẽ đối phó với họ ra sao, nên họ không dám dở trò trống gì. Dọa mà không dám làm, chính họ là những kẻ hèn nhát. 4.- Đương đầu bằng văn hóa, hay bạo động, chúng tôi thấy chúng tôi làm hơn hẳn họ. Như thế nào, thì lẽ dĩ nhiên không kể ra đây. Sau khi so sánh khả năng của hai bên, chúng tôi quyết định tiến hành việc Ra Mắt Sách như đã được loan báo. Nhưng trước những tin tức hăm dọa đó, đương nhiên là chúng tôi phải đề phòng. Tôi nguyên là sĩ quan công binh, luôn luôn xây dựng, thỉnh thoảng phá hoại,” là khẩu hiệu nằm lòng của chúng tôi, nên tôi đã bảo nhân viên an ninh chìm phải để ý những người nào có vẻ khả nghi, nhất là đừng để cho ai đem bất cứ gói đồ gì bỏ vào trong thùng rác. Trong buổi họp rút ưu khuyết điểm, nhân viên an ninh báo cáo vô sự. Anh chỉ thấy một nửa điếu thuốc lá đang cháy trong thùng rác mà anh đã giập tắt ngay. Tôi liền hỏi, anh có nhân diện được người bỏ thuốc lá vào thùng rác không? Diễn tiến có thể xẩy ra, nếu giấy trong thùng rác bắt lửa, khói sẽ bốc lên, kẻ phá hoại liền hô lớn, cháy cháy. Thế là tất cả hội trường trở nên náo loạn; đàn bà, con nít sẽ xô nhau chạy ra cửa, và có thể đạp lên nhau. Chắc chắn phải có người bị thương. Âm mưu phá hoại của Cộng Sản cũng không thể nào tinh vi hơn thế được. Nổ lớn là thế chăng? Nếu có dịp tôi sẽ hỏi ”Nổ lớn là thế nào?” với anh Phạm Xuân Đài. Nguồn tin đó từ đâu mà ra? Cũng may mọi việc đều tốt đẹp. Nếu có náo loạn, và có người bị thương, nhân viên điều tra tội ác sẽ tìm ra thủ phạm, không khó khăn. Giả thuyết cho rằng người hút thuốc vô ý thức đã vô tình bỏ thuốc lá vào đấy (thùng rác) không thể chấp nhận được. Chúng tôi không thấy ai hút thuốc trong phòng hội cả, nếu có hút thì hút ở bên ngoài. Hút ở bên ngoài thì vứt (mẩu thuốc) ở bên ngoài, chứ sao lại đem một nửa điếu thuốc đang cháy bỏ vào thùng rác nằm sâu dưới bàn đựng nước uống trong phòng hội? Những tin tức hăm dọa quả thực rất có hiệu quả, vì một số nhà báo được mời đã không tới tham dự. Họ bận việc, hay họ sợ. Nếu vì sợ mà không dám đến, thì buồn quá. Ra mắt sách không dám đến. Một tờ báo, khi đăng bài tường thuật này của tôi, cũng tự động bỏ bớt những đoạn phê bình âm mưu của kẻ phá hoại. ”Văn Chương sĩ khí rụt rè, gà phải cáo.” Ở nước Mỹ, quyền tự do báo chí được bảo đảm, thế mà chỉ mới hăm dọa thôi mà nhiều người đã co rúm lại, thì chắc hẳn rằng những người đi hăm dọa đã lập được nhiều thành tích đáng kể trong quá khứ. Nếu những người đó mà cầm quyền hay được nhà cầm quyền dung túng, thì thử hỏi người ta còn sợ tới đâu!!! Nhưng nếu tinh thần bất khuất của dân ta còn, thì không một sự hăm dọa nào của những kẻ phản bội dân tộc có thể bịt được mồm những người muốn NÓI LÊN SỰ THẬT...” (Trần Văn Kha. Phá Ngục Tù. Westminster, California: Văn Nghệ, 1994, trang 589-591). Qua câu chuyện trên đây do cụ Trần Văn Kha kể lại cùng với những hành động bỉ ổi trong âm mưu phá thối cuộc hội thảo văn hóa tại nhà hàng Caravan ở Seattle, chúng ta thấy rằng những người chủ trương dùng bạo lực và ngôn ngữ hạ cấp của những phường đá cá lăn dưa để phá thối buổi Ra Mắt sách ”Đối Thoại Với Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II” tại California cũng như cuộc Hội Thảo Văn Hóa được tổ chức tại thành phố Seattle thuộc tiểu bang Washington và sỉ vả những người trong ban tổ chức đều là những người đồng đạo với ông Ngô Đình Diệm cả, đều theo một sách lược như nhau. Điều này không có gì làm cho chúng ta ngạc nhiên cả vì họ đều là những người được hấp thụ nền đạo lý Gia-tô hay Thiên La Đắc Lộ mà chúng tôi sẽ trình bày rõ ràng ở trong Chương 15. Trở lại chuyện cuộc hội thảo văn hóa tại nhà Hàng Caravan tại thành phố Seattle thuộc tiểu bang Washington, nhờ việc chúng tôi biết tiên liệu những sự việc có thể xẩy ra cũng như việc chuẩn bị để ứng phó với tình hình bất trắc mà cuộc hội thảo vẫn tiến hành tốt đẹp. Tuy nhiên, tới phần chót, thì một người khoảng chừng 70 tuổi, tự nhận là thành viên của ”Phong Trào Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm” lên phát biểu ý kiến. Ngay khi vừa bắt đầu nói, người này liền khoe khoang rằng ông ta vốn là một phê bình gia về các tác phẩm văn học và chính trị, là thành viên của Hội Văn Bút Quốc Tế vào năm 1964, và là bạn thân của ông Phạm Việt Tuyền (Giáo sư dạy một lớp nào đó tại trường Đại Học Văn Khoa trong thập niên 1960). Ông ta nói rằng từ trước đến giờ ông chuyên môn viết để tranh đấu cho lẽ phải và công bằng (xin hiểu là lẽ phải và công bằng của giai cấp thống trị chế các chế đô đạo phiệt Gia-tô). Điều đặc biệt nhất là ông ta nói rằng ông ta tranh đấu cho những người đã chết, cho nên ông ta mới tới đây để lên tiếng cho những người đã nằm xuống. Nói xong, ông ta nhắm vào cuốn sách ”Nhìn Lại Biến Cố 11/11/1960” để công kích, và dùng những lời lẽ khiếm nhã để sỉ vả người viết với những ngôn từ y hệt như những lời viết trong hai lá thư nặc danh. Cuối cùng, ông ta đặt câu hỏi với ban tổ chức là ”Tại sao tác giả Nguyễn Mạnh Quang lại gọi ông Ngô Đình Diệm là tên bạo chúa tam đại Việt gian?” Và ”Tại sao nhà xuất bản với danh xưng là nhà xuất bản Văn hóa mà lại xuất bản cuốn sách vô giáo dục và thiếu văn hóa như vậy?” Dứt lời, ông ta đi xuống với một thái độ vô cùng hung hãn và bừng bừng sát khí. nhà văn Nguyên Vũ Để giải đáp hai câu hỏi do ông ta nêu ra trên đấy, Tiến Sĩ Vũ Ngự Chiêu, với tư cách nhà xuất bản Văn Hóa ấn hành cuốn sách trên đây, từ từ tiến lên diễn đàn, với một thái độ điềm tĩnh, ung dung, tự tại, và trình bày bằng một giọng nói rất ôn tồn và lịch sự để trả lời ông bạn trong Nhóm Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm này, đại khái như sau: ”Với tư cách là giám đốc nhà xuất bản Văn Hóa cho ấn hành cuốn sách Nhìn Lại Biến Cố 11/11/1960, chúng tôi xin chịu trách nhiệm để trả lời quý ông nêu ra thắc mắc trên đây. Lời nói của ông vừa nêu lên thật là vô cùng trung thực trong niềm xúc động của quý ông. Chúng tôi cũng xin thưa với quý ông rằng chúng tôi là những nhà làm văn hóa, chuyên về bộ môn văn hóa sử. Việc tôn trong sự thật trong lịch sử là điều quan trọng nhất trong các mối quan tâm của chúng tôi. Danh từ kép ”Việt gian” thông thường được sử dụng để chỉ những người Việt Nam làm việc cho quân giặc ngoại xâm. Xin thưa với qúy vị và ông bạn đại diện cho ”Phong Trào Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm” rằng ông Ngô Đình Khả, thân phụ của ông Ngô Đình Diệm, đi làm thông ngôn cho giặc Pháp và làm đến chức chánh thông ngôn tại Tòa Khâm Sứ Pháp tại Huế, đã từng cùng với Nguyễn Thân dẫn quân đi đánh phá và tiêu diệt nghĩa quân Văn Thân ở Vụ Quang và Ngàn Trươi, đã từng đào mả cụ Phan Đình Phùng, lấy hài cốt đốt thành than, rồi trộn vào thuốc súng mà bắn đi cho thỏa lòng căm hận. Để tuyên dương sức mạnh của tân trào bảo hộ Pháp, năm 1944, Giám-mục Ngô Đình Thục mang cả chiến công này để thuyết phục Toàn Quyền Decoux về lòng trung thành của gia đình họ Ngô (đối với nước Pháp). Và còn không biết bao nhiêu văn thân/nho sĩ yêu nước khác nữa đã biến thành nạn nhân của họ? Như vậy thì có phải ông ta đã phục vụ cho giặc Pháp hay không? Đến đời thứ hai, các Ông Ngô Đình Khôi và ông Ngô Đình Diệm cũng rất hăng say tiếp tay với chính quyền bảo hộ, tích cực tham dự các chiến dịch đánh phá các phong trào kháng chiến chống Pháp và đã giết hại rất nhiều người vào những năm từ 1927 đến 1933. Có tác giả chép rằng ông Diệm đã dùng cả đèn cầy (nến) đốt hậu môn nạn nhân để lấy khẩu cung. Như thế thì có phải là các ông này đã phục vụ cho giặc Pháp hay không? Đến đời thứ ba, ông Ngô Đình Huân, con ông Ngô Đình Khôi, năm 19 tuổi đã đi học tiếng Nhật, rồi làm việc cho Lực Lượng Hiến Binh Nhật (Kempeitai), một cơ quan tình báo siêu năng của quân phiệt Nhật, và đã giết hại rất nhiều người Miền Trung ở Huế. Như thế có phải là ba đời làm Việt gian hay không? Thực ra còn nhiều hơn nữa mà chúng tôi không tiện nói ra. Tài liệu còn rành rành ở trong các văn khố ở nước Pháp. Muốn biết nhiều hơn nữa, xin quý vị hãy tìm đọc cuốn Paris Xuân 96 vừa mới xuất bản trong tháng rồi”. Ông nói tiếp: ”Thực ra, vì tác giả là ông Nguyễn Mạnh Quang đã đi theo phong trào kháng chiến chống Pháp từ thuở tuổi còn nhỏ, cho nên ông có một ý niệm về cụm từ ”Việt gian” hơi rõ ràng; chứ như chúng tôi, là những nhà nghiên cứu sử học, thay vì dùng danh từ kép ”Việt gian hay phản quốc”, chúng tôi sử dụng ”những phần tử hợp tác vối Pháp, hay giai tầng trung gian bản xư”; mà ”Việt gian” hay ”những phần tử hợp tác với Pháp, hoặc giai tầng trung gian bản xứ” thì có khác gì nhau đâu!”. Rồi ông kết luận: ”Xin quý vị hãy dùng lý trí khi đọc sách sử và đừng để xúc động cùng sự yêu ghét bản thân chi phối hay lôi cuốn. Nếu có trách, thì xin hãy trách người muốn làm lịch sử đã làm sai, chứ đừng trách người viết sử, và nếu có trách thì hãy trách các nhân vật cầm quyền đã làm sai, chứ đừng trách người ghi chép lịch sử.” Khi Tiến-sĩ Vũ Ngự Chiêu giải thích và trả lời ông bạn đại diện cho Nhóm Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm, thì mọi người đều tán thưởng vui cười, khiến cho cả nhóm thành viên trong Phong Trào Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm khoảng chừng gần mười người có mặt tại buổi hội thảo này chỉ còn biết im lặng, và thỉnh thoảng tỏ ra một vài cử chỉ và ngôn từ để chống lại giống như đỉa phải vôi. Thí dụ như ngay sau khi Tiến-sĩ Vũ Ngư Chiêu vừa dứt lời thì một người trong Phong Trào Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm đứng lên nói đại ý như sau: ”Thưa qúy ông, chúng tôi xin xác quyết rằng những người chỉ huy và tham dự cuộc chính biến ngày 11-11-1960 cũng như cuộc Đảo Chính 1-11-1963 và tất cả các phần tử chống lại chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm là những quân phản trắc, nhận lệnh của Đế quốc Hoa Kỳ để làm chuyện phản chủ. Họ chỉ là những quân đầy tớ phản chủ”. Ông ta vừa dứt lời, Tiến-sĩ Vũ Ngự Chiêu lại tiến lên đáp lời, đại khái là: ”Thưa các ông trong Phong Trào Phục Hưng Tính Thần Ngô Đình Diệm và quý vị có mặt ở đấy ngày hôm nay, nếu chúng ta cứ lý luận theo quan niệm chủ quan của mình mà cho rằng những người chống lại phe phái của mình là phản trắc và phản chủ thì phải nói cho đến cùng kỳ lý. Nếu các ông xác quyết rằng ”những người chỉ huy và tham dự cuộc chính biến ngày 11-11-1960 cũng như cuộc Đảo Chính 1-11-1963 và tất cả các phần tử chống lại chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm là những quân phản trắc và những quân đầy tớ phản chủ” thì xin hỏi các ông và quý vị hiện diện có mặt ở đây ngày hôm nay, chúng ta phải gọi hành động của ông Ngô Đình Diệm truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại là cái gì? Tháng 6 năm 1954, trong một căn phòng có hình tượng Chúa Jesus, ông Ngô Đình Diệm quỳ lạy trước mặt vợ chồng Quốc Trưởng Bảo Đại và thề trung thành với nhà Nguyễn và gìn giữ ngai vàng cho Hoàng Tử Bảo Long, thế rồi chỉ một năm sau lại tổ chức truất phế vị chúa thượng của ông ta. Hành động phản lại chúa thượng của ông Diệm như vậy thì phải được gọi là cái gì?” Tiến-sĩ Vũ Ngự Chiêu vừa dứt lời, cả hội trường vỗ tay tán thưởng, trong đó có mấy người của phong trào này cũng vỗ tay cười hoan hỉ hơn ai hết. Phải thành thực mà nói rằng Tiến Sĩ Vũ Ngự Chiêu đã rất điềm đạm và bình tĩnh khi trả lời từng điểm một do mấy người của Phong Trào Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm nêu lên giống như một vị giáo sư lão luyện đầy kinh nghiệm làm công việc giải thích cặn kẽ từng điểm trong bài học cho các sinh viên trong lớp học. Tuy nhiên, sau đó có một người trong buổi hội thảo nói với chúng tôi rằng, nếu ở vào địa vị của Tiến Sĩ Vũ Ngự Chiêu, thì trước khi đi thẳng vào vấn đề, anh ấy sẽ nhập đề bằng một đoạn văn dưới đây: ”Thưa quý vị trong Phong Trào Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm! Người đại diện của quý vị nói rằng quý vị vẫn hằng tranh đấu cho lẽ phải và công bằng cũng như bênh vực cho những người đã chết. Nhân tiện đây, chúng tôi cũng xin thưa với quý ông rằng, cái lẽ phải và công bằng của quý vị vừa mới nêu lên vừa rồi là lẽ phải và công bằng của giai cấp thống trị đã từng đè đầu cỡi cổ nhân dân ta, và những người đã chết mà qúy vị đã và đang tranh đấu cho họ là những tên bạo chúa khát máu đã từng gieo tai giáng họa cho nhân dân miền Nam Việt Nam với một thảm họa gần một nửa triệu người bị giết hại, thủ tiêu và bức tử. Tiện đây, chúng tôi cũng xin trả lời qúy vị rằng, ngoài vấn đề làm sáng tỏ những thắc mắc mà qúy vị vừa mới nêu lên, chúng tôi còn có nghĩa vụ tranh đấu cho lẽ phải và công bằng cho người dân bị trị và cho những nạn nhân do chính sách bạo ngược của chế độ độc tôn tôn giáo đã gây ra, và cũng là để lên tiếng bênh vực cho gần nửa triệu người đã bị giết hại oan ức trong thời bạo quản của anh em ông Ngô Đình Diệm. Và bây giờ, chúng tôi xin làm sáng tỏ từng điểm một những thắc mắc của qúy vị ...” Buổi hội thảo kết thúc trong vòng trật tự và được mọi người cho là thành công ngoài sức tưởng tượng vì con số đến tham dự được lượng định vào khoảng 150 người trong khi các cuộc hội thảo văn hóa trước kia chỉ có chừng 50 đến 70 người là nhiều. Kiểm điểm lại cuộc hội thảo, nhất là sau khi xem xong cuốn băng video do anh Trần Quang Vinh, (cựu sĩ quan phi công trong binh chủng Không Quân) thực hiện, mọi người đều đồng ý là cuộc hội thảo văn hóa này được coi như là thành công nhất, hào hứng nhất và gần như đông người nhất được tổ chức tại thành phố Seattle từ trước đến nay. Nhiều người cho rằng cuộc hội thảo trở nên hào hứng là vì có ông bạn đại diện cho Phong Trào Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm lên phát biểu ý kiến. Nếu không có chuyện chất vấn và mạ lỵ các tác giả viết trong cuốn Nhìn Lại Biến Cố 11/11/1960, khơi mào cho Tiến-sĩ Vũ Ngư Chiêu trả lời, thì chắc chắn buổi hội thảo văn hóa này có thành công mấy đi nữa cũng không thể nào có những cảnh hào hứng như khi Tiến-sĩ Vũ Ngự Chiêu giải thích bài học lịch sử vô cùng thích thú cho mọi người nghe. Chính cái phần này mới làm cho buổi hội thảo thành công ngoài mức tưởng tượng của ban tổ chức.
Trang Nguyễn Mạnh Quang |