TẠI SAO LẠI VIỆT NAM ?

Trần Chung Ngọc

18 tháng 7, 2009

 

Bài viết này không liên quan gì đến cuốn “Why Vietnam” của Patti, mà chỉ là những thắc mắc cá nhân. Thắc mắc về tại sao Hạ Viện Mỹ, mấy Thượng Nghị Sĩ Mỹ, mấy Dân Biểu Mỹ, hay Ân Xá Quốc Tế,  v.v… và v.v… lại cứ lì lợm xía vào những chuyện nội bộ của Việt Nam trong khi im hơi lặng tiếng trước những chuyện nghiêm trọng hơn nhiều ở ngay trong nước Mỹ, ở Nga, ở Trung Quốc, ở Israel, ở Saudi Arabia và nhiều nơi khác trên thế giới.

Phải chăng những tổ chức, cá nhân này, vì Hội Chứng Việt Nam cho nên cứ can thiệp trịch thượng vào những chuyện ruồi bu thuộc nội bộ nước Việt Nam”. Có vẻ như mấy Thượng Nghị Sĩ Mỹ như Barbara Boxer, Sam Brownback v.v….hay mấy Dân Biểu Mỹ như Frank Wolf, Loretta Sanchez v.v…không thuộc lịch sử nước Mỹ, hay cố tình lờ đi chuyện Mỹ đã dính líu vào Việt Nam như thế nào, đã phạm những tội ác gì đối với dân chúng Việt Nam trong cuộc chiến Việt Nam cách đây vài chục năm. Mượn lời của Nguyễn Văn Lục, thật đúng là những kẻ không biết ngượng, chưa bao giờ sờ tay lên gáy xem xa hay gần.

 

Danh Sách CPC và Chuyện Ruồi Bu

 

Thượng Viện hay Hạ Viện Mỹ v.v… cho rằng mấy cái nghị quyết ấm ớ, mấy cái thư đòi “thả người vô điều kiện ngay lập tức” một cách ngu xuẩn trịch thượng, mấy lời đe dọa đưa Việt Nam trở lại cái gọi là CPC mà thực chất chỉ là một danh sách trên giấy tờ, vì Mỹ chỉ quan tâm thôi chứ không hề có một hành động nào đối với các nước trên danh sách này, có thể làm cho Việt Nam cúi đầu răm rắp tuân theo hay sao. Mối quan tâm của Mỹ là chuyện của Mỹ, chẳng phải là mối quan tâm của các nước nằm trong CPC vì chính sách lưỡng chuẩn của Mỹ. Từ hơn 30 năm nay, đã có bao nhiêu nghị quyết, thư đòi này đòi nọ, nhưng có ảnh hưởng gì không? Chẳng qua chỉ để cho những người Việt di cư chống Cọng cực đoan tung hô làm như đó là những lệnh lạc phải thi hành, không thể không tuân, giống như là những sắc lệnh của Vatican đối với đám con chiên thấp kém ở dưới. Phản ứng của Việt Nam ra sao? Trước sau như một, và rất rõ ràng.

Chúng ta còn nhớ, trong bài phỏng vấn của Thông Tấn Xã Việt Nam, Bà Tôn Nữ Thị Ninh đã dạy cho Dân Biểu Loretta Sanchez hai bài học, nhưng có vẻ chính trị của dân biểu Sanchez là không biết ngượng và tưởng rằng một dân biểu Mỹ thì có quyền đòi hỏi những gì mình muốn ở một nước khác:

1. “Trong thời gian ở thăm Việt Nam, những hành vi không phù hợp của Loretta Sanchez là sự can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Việt Nam dưới chiêu bài “đem dân chủ” từ bên ngoài đến Việt Nam. Những hành động này của bà không có lợi cho sự phát triển của quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam.

2. “Chúng tôi thấy khó hiểu những đại biểu dân cử như bà Loretta Sanchez lại quan tâm quá mức và tốn nhiều sức lực cho vấn đề nhân quyền ở nước ngoài, như Việt Nam.

Có lẽ những nỗ lực và sự quan tâm đó sẽ mang tính xây dựng và phù hợp hơn nếu được dành cho những vấn đề “gần nhà hơn” ví dụ như vấn đề Guantanamo.”

Và khẳng định dứt khoát: “Chúng tôi chỉ tin tưởng vào một nền dân chủ do chính mình tạo dựng, và đã qua lâu rồi thời kỳ những nước đang phát triển cần các nước phát triển đến khai sáng và cứu rỗi.”

Nhưng với tâm cảnh trịch thượng của dân tộc được Chúa chọn, mấy Thượng Nghị Sĩ, Dân Biểu Mỹ vẫn tiếp tục làm những việc ruồi bu, bản chất là vô giá trị, nằm ngoài nhiệm vụ của họ ở Thượng Viện hay Hạ Viện, để xía vào nội bộ Việt Nam. Những việc trên nếu có, là thuộc Bộ Ngoại Giao. Trên bình diện quốc tế, các quốc gia chỉ giao thiệp chính thức với nhau qua Bộ Ngoại Giao chứ không giao thiệp với những cơ quan nội bộ của một quốc gia. Quốc hội chỉ là cơ quan Lập Pháp của Mỹ, không có nhiệm vụ nào đối với bất cứ quốc gia nào khác. Thượng Viện Mỹ có nhiệm vụ phê chuẩn các hiệp ước và chính sách của Tổng Thống Mỹ. Cho nên, Việt Nam không có bổn phận phải đáp ứng những đòi hỏi trịch thượng của bất cứ Thượng Nghị Sĩ hay Dân Biểu nào, nhất là trong quá khứ, một số Dân Biểu Mỹ đã có những hành động có tính cách áp đặt, dựa trên những thông tin sai lạc.

Đúng là những chuyện ruồi bu, vì chúng ta còn nhớ, những dân biểu như Smith, Lofgren, Sanchez, Davis v.v..., năm 2003, đã đưa ra nghị quyết 427 trong đó lấy thông tin bịa đặt của Võ Văn Ái và viết láo lếu: “xét rằng Thích Trí Lực bị Cộng Sản bắt cóc ở Cambốt blah.. blah.. blah…” [Whereas Thich Tri Luc was kidnapped in Cambodia by Vietnamese authorities after being given refugee status by the United Nations High Commissioner for Refugees (UNHCR), forcibly repatriated, and held incommunicado for a year etc…] trong khi sự thực thì Thích trí Lực đã hoàn tục, trốn đi ngoại quốc, rồi khi trở về Việt Nam thăm vợ thì bị bắt tại cửa khẩu.

Một chuyện khôi hài khác trong Nghị Quyết 427 của Hạ Viện Mỹ là có một câu “Chúc Tụng hàng Giáo Phẩm của GHPGVNTN mới được công cử” [Congratulates the new leadership of the United Buddhist Church of VN] trong khi chẳng biết ai công cử và cũng chẳng biết là GHPGVNTN, về phương diện pháp lý, là một tổ chức bất hợp pháp nhưng chính quyền Việt Nam đã làm ngơ vì không muốn mang tiếng là đàn áp tôn giáo và để cho dân tình được yên. Vậy rõ ràng là Hạ Viện Mỹ muốn tự tung tự tác, can thiệp vào những chuyện nội bộ của Việt Nam, duy trì nuôi dưỡng tổ chức của tay sai Võ Văn Ái, nhưng không biết rằng những việc làm phi lý như vậy chỉ đưa đến những hậu quả không tốt cho quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt, Mỹ. Mỹ là một cường quốc, nhưng không phải là mấy Thượng Nghị Sĩ hay Dân Biểu Mỹ muốn làm gì với các nước ngoài cũng được.

Ngày nay, Tổng Thống Obama đang cố gắng lấy lại uy tín của nước Mỹ trên thế giới qua chính sách giảm thiểu bản chất kiêu căng trịch thượng của Mỹ và tôn trọng các nền văn hóa khác. Đọc bài diễn văn của ông ta ở Cairo, chúng ta thấy rõ điều này. Sau đây là vài đoạn điển hình trong bài diễn văn đó:

Vì chúng ta phụ thuộc lẫn nhau, bất cứ một trật tự thế giới nào mà nâng một quốc gia hay một nhóm người lên trên một quốc gia hay nhóm khác sẽ không tránh được sự thất bại. Do đó bất cứ chúng ta nghĩ những gì về quá khứ, chúng ta không được làm tù nhân của những thứ đó. Những vấn nạn của chúng ta phải giải quyết bằng sự chung phần với nhau; sự tiến bộ cần phải chia sẻ cùng nhau [For human history has often been a record of nations and tribes subjugating one another to serve their own interests. Yet in this new age, such attitudes are self-defeating. Given our interdependence, any world order that elevates one nation or group of people over another will inevitably fail. So whatever we think of the past, we must not be prisoners of it. Our problems must be dealt with through partnership; progress must be shared.]

Vậy tôi xin nói rõ rằng: không một hệ thống chính phủ nào có thể, hoặc nên, áp đặt trên một quốc gia bởi một quốc gia khác. Mỗi quốc gia sống theo nguyên tắc này theo lối riêng của mình, đặt nền tảng trên những truyền thống của dân tộc mình. Hoa Kỳ không cho là mình biết những gì là tốt nhất cho mọi người [I know there has been controversy about the promotion of democracy in recent years, and much of this controversy is connected to the war in Iraq. So let me be clear: no system of government can or should be imposed upon one nation by any other. Each nation gives life to this principle in its own way, grounded in the traditions of its own people. America does not presume to know what is best for everyone…].

Không nhất thiết phải có sự mâu thuẫn giữa phát triển và truyền thống. Những quốc gia như Nhật và Nam Hàn phát triển kinh tế trong khi vẫn giữ những nền văn hóa riêng biệt [There need not be contradiction between development and tradition. Countries like Japan and South Korea grew their economies while maintaining distinct cultures].

Với chính sách rõ ràng như vậy của Tổng Thống Obama, thì chuyện Hạ Viện Mỹ trước đây đưa ra dự luật về nhân quyền cho Việt Nam là một hình thức muốn áp đặt quan điểm về nhân quyền của Hạ Viện Mỹ trên quốc gia Việt Nam. Nhưng thực chất dự luật về nhân quyền cho Việt Nam (sic) chỉ là một trong những chuyện ruồi bu mà ký giả Victor Davis Hanson viết trên tờ Chicago Tribune ngày 19 tháng 10, 2007, là: Quốc Hội Nhúng Mũi Vào Những Chuyện Không Phải Nhiệm Vụ Của Họ [Congress Sticks Its Nose Where It Doesn’t Belong] .

Ký giả Hanson viết rằng theo Hiến Pháp Hoa Kỳ thì Tổng Thống quyết định đường lối ngoại giao, và Quốc Hội [gồm Thượng Viện và Hạ Viện], ngoài nhiệm vụ phê chuẩn các hiệp ước hay chấp thuận quyền phát động chiến tranh, chỉ có nhiệm vụ duyệt chính sách của Tổng Thống để hoặc chấp thuận hoặc bác bỏ ngân quỹ để thi hành chính sách đó [The president establishes American foreign policy.. Then Congress oversees the president’s policies by either granting or withholding money to carry them out – in addition to approving treaties and authorizing war]. Đưa ra dự luật về nhân quyền cho Việt Nam cũng như những chính sách thuộc lãnh vực ngoại giao là “nhúng mũi vào những việc không thuộc thẩm quyền của Quốc Hội”. Ký giả Hanson than phiền là “gần đây cả trăm dân biểu trong Quốc Hội đã quyết định là họ thích hợp đối phó với những vấn đề ngoại giao quốc tế hơn là Bộ Ngoại Giao” [But recently hundreds in Congress have decided that they’re better suited to handle international affairs than the State Department]. Và ký giả Hanson kết luận là những việc “nhúng mũi” của Quốc Hội này đã gây bất lợi cho chính sách ngoại giao của Mỹ, nhưng lại không có trách nhiệm giải quyết những rắc rối sinh ra bởi những hành động nhúng mũi này. [So they pass resolutions (thông qua các Nghị Quyết) and pontificates a lot, but rarely have to clean up the ensuing mess of their own freelancing of American foreign policy].

Cũng vì vậy mà những nghị quyết trịch thượng thuộc loại “nhúng mũi” của Thượng Viện hay Hạ Viện Mỹ về những quốc gia khác thường chỉ có mặt trên giấy tờ, không có một tác dụng thực tế nào, không có giá trị đối với các quốc gia mà nghị quyết nói đến, vì đó chỉ là những hành động tiếm quyền Bộ Ngoại Giao Mỹ, mà thực tế là Bộ Ngoại Giao Mỹ đâu có để cho Quốc Hội tiếm quyền. Điều hiển nhiên này đã được chứng tỏ qua sự kiện là Mỹ đã bỏ Việt Nam ra khỏi danh sách CPC từ năm 2006, một danh sách chỉ có mặt trên giấy tờ, coi dự luật về tôn giáo cho Việt Nam [sic] của Hạ Viện như mớ giấy lộn. Quốc Hội Mỹ quả nhiên gồm một số nhân vật không biết ngượng, chưa bao giờ chịu sờ lên gáy xem xa hay gần.

Dư luận thế giới về những vi phạm nhân quyền của Mỹ trong nước cũng như ở ngoài nước tràn ngập trên sách vở và Internet, nhưng có vẻ như mấy thượng nghị sĩ, dân biểu cứ thích nhúng mũi vào chuyện nội bộ của Việt Nam, tin rằng vì Mỹ có loại bom “áp nhiệt” của Dương Nguyệt Ánh, và miệng lưỡi Thượng Nghị Sĩ cũng như Dân Biểu Mỹ là gang là thép, có quyền ra lệnh cho nước khác, cho nên muốn xía vào nước nào mà họ muốn ăn hiếp thì xía.

CPC là danh sách những nước mà Ủy Ban Của Mỹ về Tự Do Tôn Giáo Trên Thế Giới [US Commission on International Religious Freedom (USCIRF)] đề nghị với Bộ Ngoại Giao Mỹ, trong đó có những nước sau: Burma, Democratic People's Republic of Korea (North Korea), Eritrea, Iran, Pakistan, People's Republic of China, Saudi Arabia, Sudan, Turkmenistan, Uzbekistan. Nhưng có Thượng Nghị Sĩ hay Dân Biểu nào dám đụng đến Trung Quốc, hay Saudi Arabia là đồng minh của Mỹ, hay Pakistan mà Mỹ cần sự cộng tác để săn lùng quân khủng bố?

Vấn đề là mấy Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu Mỹ chẳng biết gì mấy về thực trạng nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, chỉ nghe dân Mít chống Cộng ở Mỹ xuyên tạc, bịa đặt thông tin như vụ Thích Trí Lực ở trên, yêu cầu quan thầy can thiệp nọ kia, cho nên cứ lên tiếng bừa bãi, làm như những tiếng nói của mình có một uy lực nào đó. Nếu có chút nào uy lực là uy lực đối với người dân Mỹ chứ đối với các quốc gia khác thì thì thực chất chẳng có tác dụng gì mấy. Sau đây là một chuyện điển hình chứng tỏ hành động thiếu thông tin, thiếu suy nghĩ của một số Thượng Nghị Sĩ gần đây.

Trên TiengNoiGiaoDan, Lý Đại Nguyên hồ hởi loan tin 37 thành viên Thượng Viện Mỹ viết thư yêu cầu Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết phải “trả tự do vô điều kiện cho linh mục Nguyễn Văn Lý, người đấu tranh cho nhân quyền, tự do tôn giáo tại Việt nam”, trong số này có TNS Sam Brownback mà cách đây vài năm đã sang Việt Nam, vào trại giam gặp ông Lý và đã có nhận xét: ông Lý là người không bình thường. Nếu thật như vậy thì cả 37 Thượng Nghị Sĩ lẫn Lý Đại Nguyên đều đần không thể tả được. Nhiều nhất là các Thượng Ngị Sĩ, vì lý do tình cảm tôn giáo nào đó, với tư cách cá nhân, chỉ có thể xin Nhà Nước Việt Nam hãy ân xá cho một phạm nhân “không bình thường” như Nguyễn Văn Lý, chứ không có tư cách gì nhúng mũi vào chuyện nội bộ của Việt Nam để mà đòi “trả tự do vô điều kiện cho linh mục Lý” cả.

 

Trường Hợp Linh Mục Lý

 

Trước vành móng ngựa không có linh mục,không có địa vị, chức tước, v.v…, chỉ có bị cáo trước quan tòa với một cáo trạng. Mặt khác, các linh mục thường tự nhận mình là “Chúa thứ hai”, một tòa án thế tục mà có thể đưa một “Chúa thứ hai” vào tù là chuyện không tưởng, và như vậy thì làm gì còn có Chúa thứ nhất toàn năng toàn trí. Bởi vậy những linh mục loạn dâm trên nước Mỹ ngồi tù là ngồi tù với tư cách của một công dân Mỹ vi phạm pháp luật của Mỹ. Nguyễn Văn Lý cũng không ra ngoài lệ. Các Thượng Nghị Sĩ có biết được điều này không, và lấy tư cách gì để đòi hỏi Nhà Nước Việt Nam phải thả một tội nhân đã bị kết án theo luật pháp của Việt Nam. Hơn nữa, cho tới nay mà mấy TNS này còn rất mù mờ, hay cố ý mù mờ, về vụ án Nguyễn Văn Lý. Trong vụ án này, có 5 vấn đề cần phải hiểu rõ:

1. Công an Huế đã tịch thu những gì từ tư gia của Nguyễn Văn Lý?

-“tịch thu 5 máy vi tính, nhiều simcards và mấy chục kilô tài liệu.”

-“Tháng trước công an đã bố ráp tư gia của linh mục Nguyễn Văn Lý ở Huế. Họ đã tịch thu 6 máy điện toán và hơn 100 thẻ điện thoại di động.”

-“tịch thu hàng trăm tài liệu, 6 máy vi tính, 136 thẻ điện thoại tự động”

-Tại đây, đã thu được năm máy tính xách tay, một máy tính để bàn, sáu máy in, bảy điện thoại di động, 136 sim điện thoại di động và một số linh kiện, phương tiện khác dùng để in ấn, và hơn 200 kg tài liệu.

Số vật liệu tịch thu này đã được công khai dùng làm tang chứng trước tòa.

Theo thông tin trên www.foxnews.com: “Một công tố viên nói Lý đã biến phòng ngủ của mình thành tổng hành dinh của những đảng chính trị chống đối chính quyền.” (“Ly turned his bedroom into the headquarters of political parties opposing the government," one of the prosecutors said.)

2. Nội dung những tài liệu tịch thu đó là những gì, có phải là tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo không trong khi chính Nguyễn Văn Lý đang ở trong một định chế tôn giáo toàn trị, phi dân chủ?

- Ðêm 18-2, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã quyết định kiểm tra hành chính nơi ở của Nguyễn Văn Lý trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền cơ sở, Tòa Tổng Giám mục Huế và một số người dân. Tại đây, đã thu được năm máy tính xách tay, một máy tính để bàn đều đang kết nối in-tơ-nét thông qua máy điện thoại di động. Trong ổ cứng của các máy tính đều đang chứa các tài liệu phản động. Ngoài ra, còn thu được sáu máy in, bảy điện thoại di động, 136 sim điện thoại di động và một số linh kiện, phương tiện khác mà Nguyễn Văn Lý dùng để in ấn, tán phát tài liệu phản động. Tại phòng ngủ của Nguyễn Văn Lý, lực lượng công an thu được hơn 200 kg tài liệu liên quan việc thành lập, công bố các tổ chức phản động.

3. Dựa vào những gì mà công an Huế khởi tố và đưa Nguyễn Văn Lý ra tòa xét xử?

- “Lý không chấp hành lệnh quản chế, ngoan cố cấu kết với những thế lực phản động trong và ngoài nước để chống phá chính quyền nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.”

Với những tài liệu thu được và lời khai của các đối tượng, cơ quan công an đã có đủ chứng cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Lý theo tội danh được quy định tại điểm C, khoản 1, Ðiều 88 Bộ Luật hình sự, "Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam".

Giáo sư Thayler nhận định:

-Việt Nam đã thấy xuất hiện một mạng lưới chống đối tranh đấu cho dân chủ chưa từng thấy tại Việt Nam. Linh mục Nguyễn Văn Lý nằm trong mạng lưới này và tội chính của ông là đã liên lạc với người Việt ở nước ngoài và các tổ chức mà chế độ coi là thù nghịch.

Matt Steinglass:

-Linh mục Lý đã xuất bản một tờ báo bị cấm và giúp thành lập Đảng Thăng Tiến Việt Nam như một đảng thay thế Đảng Cộng sản cầm quyền của Việt Nam. Các bị cáo bị kết tội tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam. Trong những năm qua họ đã xuất bản một tờ báo độc lập có tên “Tự do Ngôn luận”. Năm ngoái họ đã thành lập đảng Thăng Tiến Việt Nam như một đảng thay thế, một đảng không theo chủ nghĩa cộng sản.

Bản tin của AP trích lời thẩm phán Bùi Quốc Hiệp nói rằng linh mục Lý “đáng bị xử phạt nặng” vì những nỗ lực tổ chức tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, thành lập đảng chính trị bất hợp pháp, và âm mưu lật đổ chính phủ.

Trong khi đó bản tin của AFP trích lời công tố viên Trần Lý Thảo nói rằng hành động của linh mục Lý là một “sự vi phạm vô cùng nguy hiểm đối với an ninh quốc gia” và cũng vi phạm các qui định của nhà thờ.

Các công tố viên cũng nói rằng linh mục Lý khai với cảnh sát rằng ông “làm việc ngày đêm” để soạn thảo tài liệu chống chính phủ.

[Chúng ta nên để ý những nhóm chữ sau đây: “xuất bản một tờ báo bị cấm”; “ một đảng thay thế Đảng Cộng sản”; “nỗ lực tổ chức tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội sắp tới“ [Đây cũng là sự hô hào trên một số trang nhà ở hải ngoại.]“làm việc ngày đêm” để soạn thảo tài liệu chống chính phủ”.]

4. Tại sao Vatican cũng như Hội Đồng Giám mục Việt Nam không lên tiếng khiếu nại vụ Nguyễn Văn Lý, đòi thả Nguyễn Văn Lý, mà mấy Thượng Nghị Sĩ Mỹ lại muốn can thiệp vào chuyện nội bộ của Việt Nam?

Nhiều đài phát thanh quốc tế cho biết "linh mục phát ngôn viên" của Hồng Y Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Sài-gòn, đã phát biểu "Cha Lý không tranh đấu cho tự do tôn giáo mà tranh đấu chung chung"

Vatican cần bang giao với Việt Nam hơn là lên tiếng bênh vực Nguyễn Văn Lý, cũng như trong những vụ xử Nguyễn Văn Lý trước đây, Vatican và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng không lên tiếng..Hơn nữa, nếu xét đến đủ mọi khía cạnh của vấn đề, thì Vatican và HĐGMVN không thể lên tiếng bênh vực Nguyễn Văn Lý, vì làm như vậy là đương nhiên ủng hộ những việc làm sai trái phi pháp của Nguyễn Văn Lý, nhất là những hành động bất xứng của Nguyễn Văn Lý ở tòa.Và nếu Vatican không lên tiếng thì tất nhiên Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng không thể lên tiếng.

Ngoài ra, trong vụ lục xét tư gia của Nguyễn Văn Lý, ngoài sự chứng kiến của đại diện chính quyền cơ sở và một số người dân, còn có cả sự hiện diện của Đại Diện Tòa Tổng Giám mục Huế. Đây là một sự kiện khiến chúng ta phải suy nghĩ.

5. Nguyễn Văn Lý đã có những hành động gì trong Tòa để công an phải bịt miệng?

- Khi chủ tọa phiên tòa đang đọc lời khai mạc thì Lm Lý phản đối bằng cách đọc to bài thơ "Tòa án Cộng sản VN" mà nội dung là phỉ báng thẩm quyền của Tòa Án . Nhưng mới chỉ đọc được 4 câu đầu thì Công an bịt miệng không cho đọc tiếp.

- Khi chủ tọa phiên tòa yêu cầu lấy lời khai từng bị cáo thì Lm Lý lại được đưa vào phòng xử. Cha lại phản đối bằng cách hét ho: "Đả đảo đảng Cộng sản! Đả đảo đảng Cộng sản!" và chuẩn bị tuyên bố Lời Chứng cuối cùng thì một công an nhào tới bịt miệng, hai công an lại vào lôira cách ly, và cha ở mãi trong đó cho đến hết phiên tòa.

- Đó là lý do tại sao công an phải bịt miệng Nguyễn Văn Lý.Không phải là công an bịt miệng Nguyễn Văn Lý, không cho Nguyễn Văn Lý quyền tự biện trước tòa, hay quyền trả lời trước những câu hỏi, hay quyền bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa, mà chỉ để ngăn Nguyễn Văn Lý khỏi tiếp tục có những hành động bất xứng màkhông tòa án nào trên thế giới có thể chấp nhận được.

Các TNS Mỹ đòi “trả tự do vô điều kiện cho linh mục (sic) Lý” có biết đến những điều này không, và qua những sự kiện rõ ràng ở trên, có phải là vì tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo cho nên Nguyễn Văn Lý bị đưa ra Tòa không? Ngoài ra, các TNS Mỹ có biết gì về lịch sử Công giáo Việt Nam không, có hiểu gì về người Công giáo Việt Nam không? Tại sao Nguyễn Văn Lý lại coi thường luật pháp Việt Nam?

Vì người Công giáo được dạy rằng chỉ có luật của Vatican mới có giá trị và họ phải tuyệt đối tuân theo. Khi các thừa sai Công giáo xâm nhập Việt Nam họ đã dạy giáo dân không cần phải tuân theo luật pháp của nhà Vua, vì luật của Chúa là trên hết, mà luật của Chúa thực ra chỉ là luật của giới giáo sĩ bày đặt ra. Và gần đây, khi Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội yêu cầu tòa Giám mục thuyên chuyển một số linh mục vi phạm luật pháp quốc gia thì được trả lời là các linh mục đó không làm điều gì trái với luật của hội thánh, nghĩa là giáo luật của “hội thánh Công giáo” của 7% dân số phải đặt trên luật pháp quốc gia của 93% dân số phi-Công giáo.

Hơn nữa, các TNS này có hiểu gì về tinh thần dân tộc của người Việt Nam không. Người Việt Nam, trừ một đám mất gốc vọng ngoại, với truyền thống đánh đuổi quân xâm lăng hay quân đô hộ suốt chiều dài lịch sử của mình nên rất tự hào dân tộc và rất ghét người nước ngoài, dù người đó là Mỹ, can thiệp vào những chuyện nội bộ của Việt Nam. Khi xưa, Mỹ thua ở Việt Nam cũng vì không hiểu lịch sử và tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Tinh thần dân tộc của người Việt Nam là như thế nào? Giáo sư sử học Nguyễn Mạnh Quang, trong cuốn Thực Chất Của Giáo Hội La Mã, đã đưa ra một nhận định rất đúng:

"Đa số người Việt lưu vong có thể không đồng ý với một chế độ độc tài chính trị, mức độ tham nhũng, chính sách giáo dục yếu kém ở Việt Nam. Nhưng điều này không có nghĩa là họ sẽ mù quáng ủng hộ bất cứ một lực lượng nào, thường là hữu danh vô thực, nhờ thế lực ngoại quốc, thế tục cũng như tôn giáo, để khuynh đảo chủ quyền đất nước của họ."

Cũng vì những hiểu biết thiếu sót này của một số Thượng Nghị Sĩ gửi thư cho Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết đòi “trả tự do vô điều kiện cho LM Lý” mà tờ Nhân Dân đã phải lên tiếng cảnh tỉnh :

“Các Thượng Nghị Sĩ Mỹ, cần tiếp nhận thông tin một cách khách quan và đầy đủ hơn, để không phạm vào những sai lầm đáng tiếc, làm phương hại đến quan hệ Việt-Mỹ đang phát triển, và làm xấu thêm hình ảnh nước Mỹ”.

 

Quan Điểm Về Tự Do Tôn Giáo

 

Thật vậy, TNS hay Dân Biểu Mỹ nào biết rõ tình hình Việt Nam hơn là Đại Sứ Mỹ Michael Michalak ở Việt Nam. Vậy chúng ta hãy nghe ông nói gì về Nguyễn Văn Lý. Trong cuộc họp với các tổ chức người Việt ở nhà ông Nguyễn Quốc Quân ở Washington D.C ngày 17 tháng 6, 2009, ông ta nhận định:

Việc liên hệ chính trị thường phải đương đầu với hàng loạt thứ luật lệ không liên quan luật về tự do tôn giáo, khiến đương sự gặp nhiều rắc rối. Như trường hợp LM Nguyễn Văn Lý, vì vượt qua ranh giới này khiến Cha Lý tiếp tục bị cầm tù… Có một sự khác biệt rõ rệt giữa những người bị bắt vì bày tỏ quan điểm chính trị và những người đi lễ nhà thờ vào Chủ Nhật.

Điều 18 trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền quy định quyền tự do tôn giáo, nghĩa là quyền tin vào giáo lý, sự thực hành, thờ phụng và lễ tiết (belief in teaching, practice, worship and observance) của con người.

Nói như trên, Đại sứ Mỹ hiển nhiên biết rõ là ở Việt Nam, chính quyền Việt Nam không cấm bất cứ ai đi lễ nhà thờ, lễ Chùa, hay dự bất cứ lễ tiết tôn giáo nào khác, nghĩa là người dân không hề mất quyền tự do tôn giáo. Ông ta phải biết rõ rằng lễ Vesak đã được tổ chức ở Việt Nam như thế nào, người dân đối với lễ này ra sao, cũng như những hình ảnh mà Công giáo phô bày trong dịp lễ ngày 25 tháng 12 hàng năm. Nhận định của ông có nghĩa là những hoạt động của Nguyễn Văn Lý đã ra ngoài phạm vi tự do tôn giáo mà Nhà Nước Việt Nam rất tôn trọng, và đi vào lãnh vực chính trị, do đó ông Lý phải đương đầu với những luật lệ quốc gia về chính trị, những luật này không liên quan gì đến vấn đề tự do tôn giáo. Cũng như một số người Tin Lành đã hoạt động ra ngoài phạm vi tự do tôn giáo nên Nhà Nước phải có biện pháp đối phó.

Như vậy, thư yêu cầu của các TNS Mỹ đòi trả tự do cho Nguyễn Văn Lý vì ông ta tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo là chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” với chính đại diện của nước Mỹ ở Việt Nam, vốn là nhân viên của Bộ Ngoại Giao có nhiệm vụ thi hành chính sách ngoại giao của Tổng Thống và Bộ Ngoại Giao. Trong khi đó mấy TNS và Dân Biểu Mỹ ngồi ở Mỹ, cũng như một số tổ chức ở Âu Châu, cứ thấy Nhà Nước bắt giữ một nhân vật nào mà tên tuổi đã được giới chống Cộng ở ngoại quốc thổi phồng lên, là chẳng cần biết nếp tẻ ra sao, không tìm hiểu nghiên cứu kỹ vấn đề, cứ nhao nhao lên chống đối, cho đó là Việt Nam vi phạm nhân quyền, đòi thả người vô điều kiện. Thật là chuyện nực cười, họ cứ làm như vài cái nghị quyết ấm ớ, vài cái thư lãng xẹt, là có thể ép Việt Nam phải làm theo ý họ.

Tương tự, trong khi Loretta Sanchez ở Mỹ đòi đưa VN trở lại CPC thì Đại Sứ Michael Michalak ở Việt Nam đã trả lời câu hỏi của một người Việt trong cuộc họp với cộng đồng người Việt ở Bắc Cali:

Quan điểm của tôi về tự do tôn giáo hơi khác với những quan điểm đã được quý vị phát biểu ở đây ngày hôm nay. Quý vị đã biết là Bộ Ngoại Giao cho rằng hiện giờ không có đủ bằng chứng để chúng tôi đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.

Khác ở chỗ nào? Theo tôi nghĩ thì người Việt lưu vong cho rằng LM Nguyễn Văn Lý chính là Công giáo, HT Thích Quảng Độ chính là Phật Giáo, và vì LM Nguyễn Văn Lý đang bị cầm tù, và HT Thích Quảng Độ đang bị quản chế, cho nên Việt Nam không có tự do tôn giáo. Quan điểm về tự do tôn giáo của Đại Sứ Michael Michalak không đâu rõ ràng hơn là trong một câu nhận định rất sâu sắc ở trên:

Có một sự khác biệt rõ rệt giữa những người bị bắt vì bày tỏ quan điểm chính trị và những người đi lễ nhà thờ vào Chủ Nhật.

Không ai cấm những người đi lễ nhà thờ ngày chủ nhật, hay ngày thường, làm chính trị. Nhưng khi họ làm chính trị thì họ đương nhiên bị ràng buộc bởi những luật về chính trị và chuyện họ đi lễ nhà thờ ngày chủ nhật là vấn đề thuộc về tự do tôn giáo, tuyệt đối không liên quan gì đến những hành động ngoài phạm vi tôn giáo, những hành động cần phải tuân theo một số điều kiện. Không phải là cứ đi lễ nhà thờ ngày chủ nhật thì muốn làm gì thì làm. Những sự kiện trên chứng tỏ rằng đường lối ngoại giao của Mỹ không liên hệ gì đến những hành động ngoài nhiệm vụ của các TNS và Dân Biểu Mỹ vốn liên quan đến những chuyện nội bộ của Việt Nam.

Đại sứ Michael Michalak hẳn cũng đã biết rõ sự cuồng tín của giáo dân Công giáo trong những vụ cầu nguyện ở Tòa Khâm Sứ hay làm loạn ở Ấp Thái Hà, cho nên chính quyền Mỹ đã cho rằng đó chỉ là những chuyện tranh chấp đất đai, không liên quan gì đến tự do tôn giáo. Người Việt lưu vong, vì Hội Chứng Quốc-Cọng, có thể không đồng ý với quan điểm của ông Đại sứ, nhưng nên nhớ rằng ông Đại sứ là đại diện của nước Mỹ ở Việt Nam, và đường lối ngoại giao của ông ta là để phục vụ chính sách của nước Mỹ với gần 300 triệu dân, chứ không phải phục vụ riêng cho đám người Việt lưu vong chống Cọng. Ông ta đã thách thức nhóm người Việt lưu vong quá khích không đồng ý với quan điểm của ông ta hãy viết thư lên Tổng Thống Obama yêu cầu bãi nhiệm ông ta. Ông ta biết chắc là không bao giờ Tổng Thống Obama lại nghe lời đám người nổi tiếng là chống Cọng một cách cực đoan và cuồng tín. Không tin hãy thử mà coi, nếu không sợ làm trò cười cho người dân Mỹ, trong đó có tôi.

Vì không hiểu rõ tinh thần dân tộc của người dân Việt Nam, không nghiên cứu về thực chất của vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo, không biết rằng Mỹ cũng là nước vi phạm nhân quyền trong cộng đồng quốc tế, không thuộc lịch sử Việt Nam và quên đi mức tác hại to lớn về nhân mạng, vật chất, và tinh thần của Mỹ đối với quốc gia Việt Nam trong cuộc chiến vừa qua, không rõ chính sách đối ngoại của Mỹ v..v.. cho nên tới bây giờ mà vẫn còn những lực lượng tôn giáo và thế tục van xin Mỹ để can thiệp vào những vấn đề như “tự do”, “dân chủ”, “tự do tôn giáo” ở Việt Nam theo quan niệm của một số người hiểu rất hạn hẹp về những vấn đề này.

Điển hình là mới đây, trong một thư ngỏ, đại diện nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền gồm Linh mục Têphanô Chân Tín, Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn, Linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải, Tổng Giáo phận Huế, Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý, Tổng Giáo phận Huế (đang ở tù), Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, Giáo phận Bắc Ninh (đang bị quản thú), viết trong tâm cảnh của Trần Ích Tắc:

"Điều quan trọng nhất mà Ông (Đại sứ Michael Michalak), đại diện cho một chính phủ dân chủ hàng đầu, cần làm là giúp dân chủ hóa nền giáo dục tại Việt Nam, hay nói đúng hơn, rộng hơn, sâu hơn, là giúp dân chủ hóa nền chính trị tại Việt Nam trước đã."

Giúp bằng cách nào? Nhập cảng quan niệm về dân chủ của Mỹ, hay nhờ Bộ Ngoại Giao Mỹ hay Quốc Hội Mỹ soạn thảo một hiến pháp dân chủ cho Việt Nam? Nội dung bức thư của 4 linh mục không có gì đặc biệt, chỉ phản ánh những ý kiến một cách khá thiển cận, vì một mặt không hiểu rõ những ý kiến của Đại sứ, mặt khác lại chụp mũ ông Đại sứ là nói theo luận điệu của Cọng Sản và phê bình những ý kiến của Đại sứ qua những luận điệu rất ấu trĩ, những điều sai sự thực của nhóm. Chúng ta hãy đọc vài đoạn phê bình của 4 “Chúa thứ hai” Việt Nam.

  • Ông Đại sứ nói: Giáo hội tại Việt Nam phải ở ngoài phạm vi chính trị.
  • 4 linh mục phê bình: “Câu nói này của Ông Đại sứ thật là đúng ý Cộng sản.” rồi đưa ra một loạt những lời tố Cọng như “chủ trương phá thai để điều hòa dân số” (câu này biểu lộ tinh thần nô lệ giáo điều của Vatican), hay “chủ trương cướp tài sản giáo dân dưới chiêu bài quy hoạch phát triển.” [Tài sản của “giáo hội” hay của “giáo dân”? Tài sản đó từ đâu mà ra, có phải đi ăn cướp đất đai của Phật Giáo như Nhà Thờ Lớn Hà Nội, Thánh Địa La Vang, Nhà thờ Đức Bà ở Saigon v..v…, hay do thực dân Pháp thưởng công cho vì đã giúp Pháp chinh phục được Việt Nam. TCN]

  • Ông Đại sứ nói: Có một sự khác biệt rõ rệt giữa những người (theo tôn giáo) bị bắt vì bày tỏ quan điểm chính trị và những người đi lễ nhà thờ vào Chủ Nhật (mà bị đàn áp)”.
  • 4 Linh mục phê bình bằng một câu: “Câu nói ấy, theo chúng tôi, bao hàm một sự phân biệt giả tạo.” [Nhưng không giải thích phân biệt giả tạo ở chỗ nào. Sự phân biệt giữa tự do hành đạo và tham gia vào chính trị, đi ra ngoài phạm vi tôn giáo, là sự phân biệt rất chính xác và rõ ràng, thế mà mấy ông linh mục được Chúa chọn lại cho là giả tạo. Thật là tội nghiệp. TCN]

  • Về số 12 ngàn du học sinh Việt Nam ở Mỹ, ông Đại sứ nói: “Giáo dục sẽ giúp phần cải thiện nhân quyền đơn giản là vì khi người ta càng hiểu biết nhiều về thế giới chung quanh, thì họ lại càng có những chọn lựa khôn ngoan hơn, và tôi tin rằng họ sẽ tất nhiên có những quyết định có lợi ích cho việc cải thiện nhân quyền.”
  • 4 linh mục phê bình: “Nếu là việc tăng số du học sinh sang Hoa Kỳ (như ông đang làm), thì chúng tôi xin thưa rằng việc này không tất nhiên giúp cải thiện nhân quyền dân chủ… Ông hẳn biết rằng nền giáo dục tại các quốc gia CS, cụ thể là Việt Nam, từ trước tới nay chú trọng “hồng hơn chuyên”, dạy dỗ tính gian dối và dung túng thói bạo hành…“

    Mấy ông linh mục này thật là quá kém hiểu biết và còn viết bậy. Chính sách của Mỹ từ xưa tới nay bao giờ cũng muốn truyền bá văn hóa Mỹ, gây ảnh hưởng văn hóa của Mỹ trên khắp thế giới, vì cho rằng nền văn hóa của Mỹ là cao nhất, qua chính sách cấp học bổng cho những du học sinh tới Mỹ học để tiêm nhiễm ảnh hưởng của văn hóa Mỹ, hi vọng khi về lại đất nước mình, những du học sinh đó không ít thì nhiều cũng góp phần vào xã hội để cải cách theo khuôn mẫu Mỹ.. Xưa kia ở Nam Việt Nam và ngày nay ở Việt Nam cũng vậy. Một số trong chương trình “Leadership” khi xưa, trong đó có Đỗ Ngọc Yến , đã được Mỹ tuyển mộ để làm việc cho Mỹ. 4 linh mục viết bậy. Thử mang chương trình giáo dục của Việt Nam ra xem trong tất cả các sách giáo khoa có chỗ nào“dạy dỗ tính gian dối và dung túng thói bạo hành”. Điều này áp dụng cho chính sách nhồi sọ, ngu dân dễ trị của giáo hội Công giáo thì đúng hơn. Gian dối và bạo hành chính là hai nét đặc thù của giáo hội Công giáo. Tràn ngập tài liệu lịch sử về Công giáo đã chứng minh như vậy. Việc này đã chứng minh ở nhiều bài viết khác, có lẽ không cần nhắc lại nữa.

    Hơn ai hết, Mỹ biết rõ hiện trạng tôn giáo ở Việt Nam một cách đầy đủ, đúng đắn và khách quan hơn các nhóm chống Cọng ở hải ngoại. Còn những kiến nghị thuộc loại trên chỉ giúp cho Mỹ thêm phương tiện làm áp lực đối với chính quyền Việt Nam cho những mục đích kinh tế của Mỹ. Trong cuộc viếng thăm Việt Nam trước đây của tổng thống Clinton, tổng giám mục Phạm Minh Mẫn đã khẳng định là chính quyền Việt Nam đã cởi mở trong vấn đề tự do tôn giáo theo nghĩa được tự do tin vào giáo lý, thờ phụng (freedom of religious worship) nhưng rất khắt khe với những xách động tôn giáo (religious activists).

     

    Quan Niệm Các Nơi Về Nhân Quyền

     

    Điều khó hiểu đối với tôi là ngoài lý do mị dân để kiếm phiếu, mấy Thương Nghị Sĩ, Dân Biểu Mỹ đó không có chuyện gì làm khác hay sao mà lại cứ xía vào chuyện nội bộ của Việt Nam, và chỉ nhắm vào Việt Nam, một nước nhỏ, tương đối nghèo, và đang ở trên đà phát triển. Tại sao mấy người dân cử đó, sống do tiền thuế của những công dân như tôi, lại cứ đi làm những chuyện ruồi bu, trong khi trên chính trường quốc tế còn vô số những chuyện đáng làm để tăng uy tín của nước Mỹ. Trái lại, họ lại đi làm cái chuyện “cường quyền thắng công lý”, chuyên việc đi ăn hiếp người của các tên Anh Chị. Phải chăng họ vẫn còn hậm hực vì Mỹ đã thua ở Việt Nam, hay nói cách khác, không thể thắng được ở Việt Nam trước đây. Hay là ăn không ngồi rồi, nặn ra vài việc để ve vuốt dân Việt di cư chống Cộng? Mà thật ra Mỹ có quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam không, những gì Mỹ làm trong cuộc chiến ở Việt Nam đã chứng tỏ Mỹ tôn trọng nhân quyền của người dân Việt Nam như thế nào. Ngày nay, chiêu bài nhân quyền của Mỹ đúng như nhận định của Giáo Sư Noam Chomsky:

    “Thật ra chính sách ngoại giao của Mỹ là đặt căn bản trên nguyên tắc không liên quan gì đến nhân quyền, mà là liên quan nhiều đến sự tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho ngoại thương”

    (James Speck, Editor, The Chomsky Reader, p. 331: U.S. foreign policy is in fact based on the principle that human rights are irrelevant, but that improving the climate for foreign business operations is highly relevant.)

    Vì những quyền lợi này nọ của Mỹ, Mỹ đã giúp Việt Nam gia nhập WTO, đã bỏ Việt Nam ra khỏi danh sách [danh sách chỉ là một danh sách trên giấy tờ] các nước cần đặc biệt quan tâm về vấn đề tôn giáo [CPC], nhưng mặt khác, vài ông bà Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu lại nhúng mũi vào những chuyện không phải của họ, làm luật này nọ về nhân quyền để hùa theo một thiểu số dân “tỵ nạn” chống phá Việt Nam, làm như quan niệm về nhân quyền và dân chủ của Mỹ là những khuôn vàng thước ngọc, phải được áp dụng trên toàn thế giới, không thử sờ lên gáy để thấy nền dân chủ và quan niệm về nhân quyền đã tạo nên một nước Mỹ như thế nào về các tệ đoan và các tội ác mà các thống kê của chính nước Mỹ đã tỏ rõ là đứng đầu thế giới về tỷ lệ trên dân số.

    Như vậy, quan niệm về nhân quyền của Mỹ có thể áp dụng cho Việt Nam nói riêng, các nước khác nói chung, hay không. Chúng ta hãy duyệt qua quan niệm về nhân quyền của một số chính khách trên thế giới:

    ► Một số lãnh tụ ở Á Châu, thí dụ như Thủ Tướng Mã Lai Mahathir Mohamad, đã cho rằng Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền là sản phẩm của những quốc gia Tây phương [không hiểu gì về các xã hội Đông phương], chỉ là sự xâm lược văn hóa của chính sách đế quốc Tây phương (Some Asian leaders, like Malaysian Prime Minister Mahathir Mohamad, denounce it (the Declaration) as Western cultural imperialism), và đề nghị phải duyệt lại bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền này.

    ► Thủ Tướng Lý Quang Diệu của Singapore cũng cho rằng “Những bài thuyết giảng về nhân quyền [của Mỹ] chỉ là những vận dụng của thái độ kiêu căng Tây phương, sẽ không có ảnh hưởng gì đến Bắc Kinh” (Newsweek, Nov. 29, 1993: “Human-rights lectures, says Lee, are exercices in Western arrogance that will not influence Beijing.”)

    ► Và Thủ Tướng Nhật Hosokawa cũng tuyên bố “Những quan niệm về nhân quyền của Tây Phương không thể áp dụng một cách mù quáng vào Á Châu” (New York Times, May 2, 1994: Japan’s Prime Minister Hosokawa: “Western human rights concepts could not be “blindly applied” to Asia”)

    ► Cách đây ít năm, những quốc gia Á Châu đã họp ở Bangkok và chấp thuận một bản tuyên ngôn nhấn mạnh rằng nhân quyền phải được xét đến “trong bối cảnh của những cá biệt quốc gia và địa phương, và những nền tảng lịch sử văn hóa tôn giáo khác nhau” và rằng “theo dõi vấn đề nhân quyền là vi phạm chủ quyền quốc gia” (human rights must be considered in the context of national and regional particularities and various historical religious and cultural backgrounds, that human rights monitoring violated state sovereignty) và sau cùng “viện trợ kinh tế với điều kiện, dựa trên tiêu chuẩn nhân quyền [trong khi thực sự không quan tâm đến nhân quyền, theo như nhận định của Noam Chomsky] là đối ngược với quyền phát triển” (and that conditioning economic assistance on human rights performance was contrary to the right of development).

    Tôi không hiểu mấy dân biểu Mỹ như Smith, Lofgren, Sanchez, Davis v..v.. có biết đến những điều này hay không? Họ có biết rằng, ngày nay, nhiều quốc gia không còn thuộc quyền thống trị của thế giới Tây phương, cho nên những quan niệm về nhân quyền của Tây phương không còn khả năng để áp đặt trên toàn thể thế giới. Nhất là đối với Việt Nam, Mỹ đã thua ở Việt Nam vì không biết đến lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam, không biết đến tinh thần yêu nước sâu đậm của người dân Việt Nam, rất nhạy cảm trước mọi hành động có tính cách xen vào nội bộ Việt Nam.. Vậy với vài cái nghị quyết ấm ớ, họ tin rằng có thể ảnh hưởng đến chính quyền Việt Nam hay sao? Hay chỉ làm cho người dân Việt Nam oán ghét thêm về sự can thiệp trịch thượng vào nội bộ của nước họ, khơi lại niềm oán ghét mà Mỹ đã gây ra trong cuộc chiến ở Việt Nam. Họ không thể hiểu được rằng Á Đông không bao giờ chấp nhận quan niệm về nhân quyền mà Tây phương cho rằng đó là những quyền mà Thượng đế của họ ban cho [God given].

    Tại sao Á Đông không chấp nhận quan niệm về nhân quyền của Tây phương? Ngoài những bất đồng về văn hóa, xã hội, nhân sinh v..v.. giữa những nền văn minh khác nhau, Á Đông còn coi sách lược lưỡng chuẩn (double standard) về nhân quyền của Tây phương như là một sự áp đặt để đạt những mục đích kinh tế, tôn giáo. Tây phương, với bản chất đế quốc, chưa bao giờ tôn trọng nhân quyền ở các nơi khác trên thế giới.

     

    Muốn hiểu rõ vấn đề nhân quyền trong cộng đồng thế giới có lẽ chúng ta không thể nào bỏ qua cuốn Sự Xung Đột Giữa Các Nền Văn Minh Và Sự Tái Lập Trật Tự Thế Giới (The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order) của Samuel P. Huntington. Huntington là một lý thuyết gia chính trị thế giới nổi tiếng của Mỹ, thường viết trong tập san Foreign Affairs. Uy tín của Huntington không ai có thể phủ nhận. Ông là giáo sư đại học Harvard, giữ chức vụ Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược John M. Olin và Chủ Tịch Học Viện Harvard Nghiên Cứu Các Địa Phương Trên Thế Giới. Ông cũng từng là Giám Đốc Kế Hoạch An Ninh cho Hội Đồng An Ninh Quốc Gia dưới thời Tổng Thống Carter, và Chủ Tịch Hội Chính Trị Khoa Học Hoa Kỳ. Giáo sư Huntington giải thích, trang 92:

    Vì quyền lực Tây phương suy thoái, khả năng áp đặt những quan niệm về nhân quyền, tự do, và dân chủ của Tây phương trên các nền văn minh khác cũng như sự hấp dẫn của những giá trị Tây phương cũng suy thoái theo. Điều này đã xảy ra. (As Western power declines, the ability of the West to impose Western concepts of human rights, liberalism, and democracy on other civilizations also declines and so does the attractiveness of those values to other civilizations. It already has...)

     

    Vụ Việc Bắt Giữ Paul Lê Công Định Và Nguyễn Tiến Trung.

     

    Gần đây lại có những vụ Nhà Nước bắt giữ Paul (*) Lê Công Định [Lê Công Định có tên thánh là Paul] và Nguyễn Tiến Trung, gây xôn xao trong cộng đồng người Việt lưu vong và một số tổ chức đã lên tiếng phản đối. Tôi không hề theo dõi những việc làm của hai người này ở trong nước và chẳng biết họ là những ai, tại sao lại bị bắt, vì chuyện hoạt động của các cá nhân ở trong nước không nằm trong lãnh vực tìm hiểu nghiên cứu của tôi. Tìm hiểu nội vụ, tôi chỉ có thể dựa vào những thông tin trên Internet. Trước khi đi vào phần phân tích nội vụ, tôi có vài ý kiến về vấn đề tranh đấu cho tự do và dân chủ ở trong nước..

    Theo tôi, những người tranh đấu cho tự do, dân chủ ở trong nước muốn thành công thì cần nhớ kỹ vài điều:

    Thứ nhất, “Đừng bao giờ có liên hệ gì với những chính quyền nước ngoài, hay với những tổ chức tranh đấu của người Việt lưu vong, bất cứ mang tên gì, nhãn hiệu gì, chủ trương tranh đấu hòa bình hay nhất định phải giải thể, lật đổ, hay thay thế chính quyền mà họ gọi là Cọng sản”. Lý do? Như đã nói ở trên, dân tộc tính của người Việt Nam nói chung là không chấp nhận sự can thiệp của nước ngoài, hay của bất cứ tổ chức nào ở nước ngoài, vào những chuyện nội bộ của Việt Nam. Và chính quyền Việt Nam ngày nay rất nhạy cảm với những sự liên hệ này.

    Nếu quý vị không thể tự lực tự cường, tạo được một hậu thuẫn của quần chúng ở trong nước thì không bao giờ quý vị có thể thành công. Đây là điều chắc chắn. Mượn thế lực bên ngoài là một hạ sách, vì người dân hiểu rõ là chẳng có nước nào ở bên ngoài thực tâm yêu nước Việt Nam như người dân Việt Nam, tất cả chỉ là vì quyền lợi của nước họ mà thôi, và coi những người dựa thế bên ngoài chẳng qua chỉ là những Trần Ích Tắc tân thời mà thôi. Với dân tộc tính như vậy, và với sự nhạy cảm của chính quyền như vậy, tôi có thể nghĩ là việc bắt giữ Paul Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung cũng tương tự như việc bắt giữ Lê Quốc Quân khi xưa, và còn trầm trọng hơn nhiều. Đây chỉ là những ý kiến cá nhân, rất có thể sai, tất cả tùy thuộc những thông tin tôi đọc là sự thật hay không phải sự thật.

    Thứ nhì, Dân Chủ không phải là một vấn đề đơn giản như là tự do ứng cử và bầu cử. Vì một khi người dân đã bầu xong thì quyền quyết định không còn là của người dân mà thuộc guồng máy chính quyền, cho nên không phải ý dân bao giờ cũng là ý trời. Điều này đã xẩy ra trong một số quốc gia dân chủ nhưng thực chất là những chính quyền độc tài.

    Khi xưa ở Nam Việt Nam, trong cuộc bầu cử dân chủ, ông Ngô Đình Diệm đã được gần 100% số phiếu, riêng tại Sài Gòn số phiếu thắng nhiều phiếu hơn là số cử tri, và sau đó chúng ta có một chính quyền tàn bạo, độc tài, tôn giáo trị, gia đình trị, báo chí bị đóng cửa, kiểm duyệt, đảng chính trị duy nhất là đảng Cần Lao. Mỹ là nước vẫn tự cho là dân chủ nhất thế giới, nhưng tiếng nói người dân có thay đổi được gì về cuộc xâm chiếm Iraq của Bush Con, vốn dựa trên những thông tin, tài liệu về Sadam Hussein có liên hệ tới vụ khủng bố 9-11, và có vũ khí giết người hàng loạt. Trong cuốn State od Denial: Bush War, Bob Wooward đã trình bày là chính quyền Bush đã che dấu những sự thực về Iraq trước quần chúng và trước quốc hội như thế nào (How the Bush administration avoided telling the truth about Iraq to the public, to Congress..).

    Dân Chủ tuyệt đối không thể nhập cảng từ bên ngoài. Dân Chủ tùy thuộc rất nhiều yếu tố, yếu tố chính là dân trí và sự trưởng thành và phát triển của giới trung lưu. Một khi người dân chưa ý thức được trách nhiệm của mình trong cộng đồng, trong những lợi ích công cộng v.v… thì dân chủ là con dao hai lưỡi, có thể gây ra hỗn loạn và đưa đến những hành động làm càn, phi luật phi pháp. Ở Mỹ, những hành động chống Cọng của một số người Việt lưu vong, hung hăng cuồng tín, chụp mũ bừa bãi, khiến cho chúng ta không thể không đặt câu hỏi: những người này đã hiểu thế nào là tự do và dân chủ chưa?

    Ở trong nước thì điển hình là những vụ cầu nguyện ở Tòa Khâm Sứ, ở Ấp Thái Hà của giáo dân Công giáo do sự xách động của TGM Ngô Quang Kiệt, hay hành động lỗ mãng của Linh mục Nguyên Văn Lý trong Tòa, khoan nói đến chuyện Tòa Tổng giám mục Công giáo đặt giáo luật của hội thánh trên luật pháp quốc gia. Chừng nào mà người dân chưa biết tôn trọng của công, chưa ý thức được trật tự xã hội, thì sự hiểu biết sai lầm về những nguyên tắc thực sự của dân chủ sẽ đưa đến cảnh hỗn loạn. Georges Soros viết trong cuốn “The Bubble of American Supremacy”, trang 10, về “sự mâu thuẫn giữa quan niệm về tự do và dân chủ của chính quyền Bush và những nguyên tắc đích thực của tự do và dân chủ” (The contradiction between the Bush administration’s concept of freedom and democracy and the actual principles of freedom and democracy), và còn viết, trang 12: Người dân trong mỗi xã hội sẽ quyết định cho mình ý nghĩa của họ về tự do và dân chủ và không chỉ đơn giản theo sự dẫn giắt của Mỹ[people are supposed to decide for themselves what they mean by freedom and democracy and not simply follow America’s lead]

    Đọc trên Internet, tôi biết được vài sự kiện lên quan đến Paul Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung. Những thông tin ở ngoại quốc thì phần lớn là lên án Nhà Nước đã vi phạm nhân quyền, bắt giữ một trí thức nổi tiếng ở trong nước vì ông ta tranh đấu ôn hòa cho tự do và dân chủ. Một số tổ chức, cơ quan nước ngoài vội vàng lên tiếng đòi thả ngay LS Lê Công Định trước khi tìm hiểu rõ nội vụ, y như vụ Nguyễn Văn Lý.

    Trong những trang nhà viết về nội vụ Lê Công Định, trang nhà Đông Dương Thời Báo [http://www.dongduongthoibao.net/view.php?storyid=742] trang chủ là Giuse Phạm Hữu Tạo, có lẽ đầy đủ nhất vì trong đó đăng lại nhiều tài liệu chi tiết, có cả chùm ảnh khi Lê Cộng Định bị bắt, và phóng ảnh bản thú tội của Lê Công Định. Để cho bài viết khỏi quá dài, tôi xin đọc giả hãy vào đọc các chi tiết trên trang nhà trên của Đông Dương Thời Báo. Sau đây là vài mẩu tin mà tôi lượm lặt trên Internet.

    - Lê Công Định là người được Nhà nước CHXHCN Việt Nam đào tạo, cho đi tu nghiệp ở nước ngoài, khi về được Nhà nước tạo điều kiện cho hành nghề, đã từng là Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM. Điều đó chứng tỏ nhà nước CHXHCN Việt Nam không phân biệt đối xử với Lê Công Định.

    - Theo nguồn tin từ cơ quan an ninh, từ năm 2006 đến nay, ông Lê Công Định đã biên soạn rất nhiều tài liệu mang nội dung tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại đường lối, chính sách kinh tế-xã hội; vu khống, bôi nhọ các lãnh đạo chủ chốt; gây chia rẽ, mất lòng tin trong các tầng lớp nhân dân. Các tài liệu này được ông Định gởi cho trang web của BBC, RFA, “Phong trào dân chủ VN”, “Việt Tân”, “Chân trời mới”, Thông Luận”, “Tập san tự do dân chủ”…

    - Khám xét nơi làm việc của ông Lê Công Định, cơ quan an ninh điều tra phát hiện trong máy tính của ông Định tài liệu “Tân Hiến Pháp” dài 112 trang. Ngoài ra, tài liệu cũng chứng minh ông Định là người trực tiếp tham gia biên soạn cuốn sách mang tính “cương lĩnh hành động”.

    - Ngoài ra, ông Lê Công Định có quan hệ chặt chẽ với một số đối tượng cầm đầu, cốt cán của các tổ chức hải ngoại như: Hà Đông Xuyến (đảng “Việt Tân”), Nguyễn Xuân Ngãi (đảng “Nhân dân hành động”), Phạm Nam Định (nhóm “Họp mặt dân chủ”), Đoàn Viết Hoạt (nhóm “Viễn tượng Việt Nam”)... Trong nước, ông Định còn có vai trò tham mưu, định hướng hoạt động cho một số đối tượng chống đối.

    - Theo tài liệu là bản tường trình viết tay, băng video ghi hình ảnh và lời đọc của luật sư Lê Công Định do Cơ quan An ninh điều tra-Bộ Công an công bố và cung cấp tại cuộc họp vào chiều ngày 19-6-2009 tại Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, luật sư Lê Công Định đã thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật và xin đề nghị Nhà nước Việt Nam khoan hồng.

    Liên quan đến vụ việc này, Liên đoàn Luật sư Việt Nam bày tỏ quan điểm chính thức của mình như sau:

    Việc luật sư Lê Công Định bị khởi tố, bắt tạm giam vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến một số hành vi tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức luật sư, vi phạm tiêu chuẩn và nghĩa vụ hàng đầu của một luật sư là phải trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, như được quy định tại điều 10 Luật Luật sư năm 2006 và Điều 7 của Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam.

    Liên đoàn Luật sư Việt Nam kiên quyết lên án hành vi sai trái của luật sư Lê Công Định và sẽ có hình thức phù hợp để xử lý nghiêm minh đối với luật sư Lê Công Định và những luật sư khác có hành vi vi phạm tương tự theo quy định của Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam và Luật Luật sư.

    - Cuối tháng 2/2009, Định đã sang Pattaya, Thái Lan tham dự lớp huấn luyện về phương thức hoạt động và lật đổ Nhà nước CHXHCN Việt Nam của tổ chức “Việt Tân”. Lê Công Định cũng đã được “Việt Tân” cử vào cái gọi là “Uỷ ban pháp luật” với nhiệm vụ tham gia dự thảo hiến pháp mới cho Việt Nam sau khi chính quyền hiện tại của Việt nam bị họ lật đổ.

    - Tháng 3, 2009, Lê Công Định sang Phuket (Thái Lan) gặp Nguyễn Sĩ Bình, Trần Huỳnh Duy Thức họp bàn, đánh giá những vấn đề kinh tế, chính trị của Việt Nam và đề ra kế hoạch hoạt động chuẩn bị cho thời điểm xảy ra “biến động chính trị” lật đổ chính quyền Việt Nam vào năm 2010. Các đối tượng này lấy bí danh chihai: Nguyễn Sỹ Bình, chiba: Trần Huỳnh Duy Thức, chitu: Lê Công Định để tránh bị phát hiện.

    - Lê Công Định có bí danh là "chị Tư", được bọn phản động lưu vong phân công phụ trách "cải cách hành chính"; liên hệ với tổ chức khủng bố "Việt Tân" và nhóm hành động, được gọi là "Nhóm nghiên cứu Chấn" do Trần Huỳnh Duy Thức (bí danh "chị Ba") trực tiếp chỉ đạo tại TP Hồ Chí Minh. Từ năm 2005 đến nay, Lê Công Định có vai trò tham mưu đường hướng hoạt động cho số đối tượng chống đối ở trong nước như Nguyễn Văn Đài ở Hà Nội, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Tiến Trung ở TP Hồ Chí Minh, cùng một số tổ chức phản động lưu vong khác ở Mỹ và châu Âu.

    - Tuyên bố của Hoa Kỳ cho rằng Lê Công Định bị bắt khi chỉ “bày tỏ chính kiến của mình một cách hoà bình” và “không thể bắt bất kỳ cá nhân nào vì bày tỏ quyền tự do ngôn luận” là cố tình không hiểu vụ việc và đi ngược lại Luật pháp Việt Nam.

    Với những bằng chứng trên, Nhà Nước đã lập tội danh, truy tố Paul Lê Công Định về tội hợp tác với các tổ chức chống chính quyền Việt Nam ở hải ngoại, âm mưu đặt kế hoạch lật đổ chính quyền Việt Nam hiện thời. Ở hải ngoại, chúng ta đều biết các đài BBC, RFA, các tổ chức như Thông Luận là như thế nào, không cần phải nói gì thêm. Nếu đọc giả nào muốn biết rõ về RFA thì hãy kiếm đọc bài: “Đài RFA Và Tuyên Truyền Chống Việt Nam” của Trần Đình Hoàng trên chuyenluan.net ngày 12.6.2007. Đây là bài nghiên cứu đầy đủ với nhiều chi tiết về thực chất và mục đích của RFA.

    Sau đây là phần kết của bài viết về đài RFA:

    Bài viết này muốn nhắc nhở những người nào còn lầm tưởng RFA đấu tranh cho quyền lợi của người Việt rằng: RFA là một tổ chức phục vụ cho quyền lợi của Mỹ và do một nhóm người Việt lưu vong điều hành nhằm làm suy yếu sự đoàn kết dân tộc của Việt Nam và gây bất ổn chính trị xã hội ở Việt Nam để người nước ngoài có cơ hội “thừa nước đục thả câu”. Những người ở trong nước đã và đang cộng tác với họ hoặc do bị lừa gạt hoặc tự nguyện cần ý thức được rằng RFA -- vì sứ mệnh chính trị của họ -- chưa bao giờ khách quan, chưa bao giờ có thiện chí với Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Do đó, cộng tác với họ cũng đồng nghĩa với việc hợp tác với những người chống lại quyền lợi của Việt Nam.


    Trước hết, chúng ta hãy đọc phóng ảnh bản viết tay của Paul Lê Công Định thú tội và xin chính quyền Việt Nam khoan hồng.


    Tại sao Paul Lê Công Định lại phải thú tội trong khi ở ngoại quốc người ta, kể cả Mỹ, không cần tìm hiểu, đã nhao nhao lên phản đối vụ bắt giữ Paul Lê Công Định và đòi phải thả ông ta ngay và vô điều kiện?. Có nhiều bằng chứng bắt buộc Paul Lê Công Định phải thú tội, nhưng tôi nghĩ chỉ cần phân tích một chi tiết là đủ. Nhà chức trách Việt Nam kiếm được trong máy tính của Paul Lê Công Định bản “Tân Hiến Pháp” dài 112 trang.

    Cơ quan nào của quốc gia soạn thảo Hiến Pháp? Quốc Hội. Paul Lê Công Đinh không phải là thành viên của Quốc Hội hiện thời. Vậy “Tân Hiến Pháp” đó để dùng cho một Quốc Hội khác. Làm sao có thể dùng cho một Quốc Hội khác, nếu không lật đổ chính quyền hiện thời, lập một chính phủ mới, giải tán Quốc Hội hiện thời và bầu một Quốc Hội mới. Vậy thì chẳng cần phải nói nhiều, tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền” là một tội danh có cơ sở dựa trên những bằng chứng bất khả phủ bác. Vì không có cách nào chối cãi trước những bằng chứng hiển nhiên nên Paul Lê Công Định không thể không thú tội và xin được khoan hồng. Một người thường mà phạm luật thì có thể nói vì không ý thức được vấn đề luật pháp hay không hiểu rõ luật. Nhưng một luật sư mà lại phạm luật thì đó là điều đáng nói.

    Trong khi đó thì Hội Ân Xá Quốc Tế, một hội do tư nhân thành lập, với nhiệm vụ "nghiên cứu tìm hiểu và đưa ra hành động để ngăn ngừa và chấm dứt những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và đòi hỏi công lý cho những người mà quyền của họ bị xâm phạm” [to conduct research and generate action to prevent and end grave abuses of human rights and to demand justice for those whose rights have been violated.], không hề nghiên cứu tìm hiểu nội vụ, [điều này cần một thời gian, lâu hay mau tùy theo trường hợp] đã vội vàng kêu gọi dư luận có hành động khẩn cấp để phản đối việc ông Lê Công Định bị rút chứng chỉ luật sư và cấm hành nghề” [do Liên đoàn Luật sư Việt Nam quyết định dựa trên bằng chứng], cho rằng "ông Lê Công Định là tù nhân lương tâm”, và cho rằng "Chính quyền Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền chống lại ông Định sau khi quốc tế gây áp lực đòi phải trả tự do cho ông" trong khi chính đương sự, Paul Lê Công Định, đã thú nhận tội lỗi và xin Nhà Nước được khoan hồng. Thật đúng là những hành động cẩu thả của một cơ quan gọi là quốc tế.

    Hãy đọc bài Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế Và Hoạt Động Chống Phá Việt Nam [http://www. dongduongthoibao.net/view.php?storyid=406]  để biết rõ cái bộ mặt thực của tổ chức này là như thế nào.

    Về Nguyễn Tiến Trung thì tôi cũng không biết gì hơn, chỉ có vài thông tin trên Internet như sau:

    - Nguyễn Tiến Trung lúc sang Bắc Mỹ từng được một số nhân vật trong đảng Cộng Hòa đưa đến trang trại của tổng thống Bush ở Texas. Ngoài ra, Nguyễn Tiến Trung cũng gặp cả thủ tướng Canada và chủ tịch hội đồng Âu Châu. Đối với nhiều người đây là một hạnh vận chính trị rất lớn mà nhiều thủ lãnh chính trị vào lúc sơ thời không có được.

    - Nguyễn Tiến Trung cùng cô bạn gái Hoàng Lan từng để lại ấn tượng tốt đẹp với cộng đồng Việt Nam hải ngoại qua các cuộc đàm luận trên các hệ thống truyền thanh và truyền hình.

    - Nguyễn Tiến Trung đã từng tới Philadelphia và thu hút nhiều nhân vật cộng đồng.

    - Nguyễn Tiến Trung cũng từng đến Washington DC và gặp gỡ nhiều bè bạn và các nhà hoạt động dân chủ nhân quyền ở đó.

    - Báo Lao Động viết Nguyễn Tiến Trung "là người đưa Lê Công Định vào tham gia tổ chức phản động".

    - Báo Hà Nội Mới, trong bài viết hôm 08/07 dưới tựa đề "Ảo vọng ngông cuồng, hành vi nguy hiểm" thì kết luận: "Hành vi phản bội Tổ quốc và coi thường pháp luật của Nguyễn Tiến Trung và Trần Anh Kim sẽ phải trả giá thích đáng".

    Vì không biết gì hơn và không biết cáo trạng của chính quyền Việt Nam ra sao nên tôi không thể có ý kiến gì thêm về vụ này.

     

    ⊙⊙⊙

     

    Why VietNam? Đó là thắc mắc của tôi: Tại sao lại Việt Nam ? Tại sao thiên hạ cứ bu vào những chuyện nội bộ chẳng đáng gì của Việt Nam. Một người âm mưu lật đổ chính quyền bị bắt cũng nhao nhao lên phản đối mà không chịu tìm hiểu nội vụ. Một linh mục phát tán tài liệu chống chính quyền rồi chửi bậy trong tòa bị kết án tù cũng nhao nhao lên cho là vi phạm tự do tôn giáo, bịt miệng tiếng nói dân chủ. Tôi thật quả là nghi ngờ sự lương thiện trí thức của những đài như BBC, RFA và những cơ quan như Ân Xá Quốc Tế. Mỹ, hay một số Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu Mỹ hầu như đã quên đi những tội ác ngập trời đối với người dân Việt Nam trong cuộc chiến, vụ kiện Chất Độc Da Cam, và nay lại lên mặt dạy đời về nhân quyền, tự do, và dân chủ, không phải nhiệm vụ của mình mà cứ xía vào những chuyện nội bộ của Việt Nam.. Trong khi đó thì một số người Việt lưu vong lại đi làm tay sai hay tiếp tay với ngoại bang để chống phá Việt Nam. Phải chăng vì Hội Chứng Quốc-Cộng và Hội Chứng Việt Nam vẫn còn ám ảnh đầu óc của một số người thiếu đầu óc, hay vì Việt Nam là một “Hồng Nhan Đa Truân” ???

     


    Ghi chú về tên thánh Paul:

    * Tên Paul đã được nhiều báo chí nói đến. Sau đây là một trong những link đề cập đến Paul: http://english.vovnews.vn/Home/A-lawyer-defies-law/20096/105198.vov

    Updated : 11:14 AM, 06/16/2009 A lawyer defies law Last weekend, a lawyer was arrested for breaching Article 88 of Vietnam’s Penal Code after he was found to “collude with domestic and foreign reactionaries to sabotage the Vietnamese State”. This led to the arrest on June 13 of Le Cong Dinh (alias Nguyen Kha, Paul), 41, a resident of Tan Phong Ward, in Ho Chi Minh City’s District 7, who set up Le Cong Dinh one-member limited liability law company earlier this year.

     

    Các bài thời sự cùng tác giả:


    Bang Giao "Bắc Kinh-Vatican" (?) Một Kinh Nghiệm Quý Giá Cho Việt Nam (Trần Chung Ngọc)
    Chống Cộng Theo Gương David (Trần Chung Ngọc)
    Chủ Nghĩa Khủng Bố và Diệt Chủng (Trần Chung Ngọc)
    Cuốn Triumph Forsaken của Mark Moyar
    DÆ° Luận Quần ChĂºng
    Ma Quân Quấy Nhiễu Sư Tăng - Nhưng Thất Bại (Trần Chung Ngọc)
    MỘT CHUYẾN VỀ VIỆT NAM - 2 (Trần Chung Ngọc)
    MỘT CHUYẾN VỀ VIỆT NAM - 3 (Trần Chung Ngọc)
    MỘT CHUYẾN VỀ VIỆT NAM -1 (Trần Chung Ngọc)
    Một trong ba thứ (Trần Chung Ngọc)
    NED và Lê Quốc Quân
    NGÀY 30/4/1975 (Trần Chung Ngọc)
    Ngáp Lớn Trong Tòa Mỹ Bị Tù - Còn Nguyễn Văn Lý ? (Trần Chung Ngọc)
    Nhân chuyện ông Triết đi Mỹ
    Nhân Quyền của Mỹ & Dự Luật H.R. 3096 (Trần Chung Ngọc)
    Nhũng Điều Tưởng Tượng Điên Rồ Của Bộ Giáo Dục Texas (Geoffrey R. Stone)
    Những Người Máy Chống Cộng (Trần Chung Ngọc)
    Nước Mỹ - Nhân Quyền - Việt Nam - 1 (Trần Chung Ngọc)
    Nước Mỹ - Nhân Quyền - Việt Nam - Phần 2: Tội ác chiến tranh (Trần Chung Ngọc)
    Phải Chăng Chiếc Khăn Quàng Là Giải Pháp Cho Tòa Khâm Sứ? (Trần Chung Ngọc)
    Richard Dawkins: Haiti Và Sự Đạo Đức Giả ... (Trần Chung Ngọc)
    Thắc Mắc Cần Được Giải Đáp: 3. Về Chiến Tranh Việt Nam (Trần Chung Ngọc)
    Thắc Mắc Cần Được Giải Đáp: 3. Về Lá Cờ Vàng (Trần Chung Ngọc)
    Thử Phân Tích Vài Đoạn Trong Bài Diễn Văn Nhậm Chức (Trần Chung Ngọc)
    Tâm Thư Gửi Những Ai Quan Tâm (Trần Chung Ngọc)
    Tại Sao Lại Việt Nam ? (Trần Chung Ngọc)
    Tại Sao Những Người Tin Chúa Lại Thù Ghét Những Người Vô Thần? (Trần Chung Ngọc)
    Tản Mạn về Chống Cộng (Trần Chung Ngọc)
    Tản Mạn Xung Quanh Chuyến Về Việt Nam Thứ Tư Của Tôi (Trần Chung Ngọc)
    Viết Mà Chơi - Ai Chống Cộng Và Ai Không Chống ? (Trần Chung Ngọc)
    Vài Nhận Định Khi Đọc Lời Phát Biểu Của Ông Ngô Quang Kiệt (Trần Chung Ngọc)
    Vài Ý Kiến Về Vấn Đề Bang Giao Với Vatican (Trần Chung Ngọc)
    Vấn Đề Nhân Quyền Trước Luật Pháp Quốc Gia (Phúc Lâm sưu tầm)
    Đôi Hàng Về Chuyện Cờ Vàng Cờ Đỏ (Trần Chung Ngọc)
    ĐĐ Thích Nhật Từ và Xóm Đạo (Trần Chung Ngọc)
    “Religulous” Điểm Phim Cuối Tuần (Trần Chung Ngọc)

     

     

    Trang Trần Chung Ngọc