TẢN MẠN XUNG QUANH

MỘT CHUYẾN VỀ VIỆT NAM

Trần Chung Ngọc

đăng ngày 17  tháng 5, 2007


Các bài trong tập này:   1  2  3

 

Trong thời gian ở Hà Nội, ngoài những nơi đặc biệt ở Hà Nội như Chùa Một Cột và Lăng Bác ngay bên cạnh [tháng 6, trời nóng như thiêu mà vẫn có nhiều người xếp hàng thăm “Lăng Bác”, chúng tôi ít thì giờ và đi cùng các cháu nhỏ nên đành phải thay đổi chương trình, đi tham quan nơi khác], Quốc Tử Giám, Phố Cổ Hà Nội, Hồ Gươm, Hồ Tây v..v.., chúng tôi còn đi Chùa Hương, Vịnh Hạ Long. Tôi đã đi tất cả những nơi này, nhưng đưa con cháu về để cho chúng biết những cảnh đẹp của đất nước cũng là điều nên làm. So với 9 năm trước Chùa Hương nay đã khác, có xe “cáp” giúp những người nhiều tuổi lên Chùa, không phải leo những bậc đá gập gềnh. Tháng 6 mà số người đi Chùa Hương cũng khá đông. Trong Chùa Trong có một ông sư, không hiểu là sư thật hay sư giả, nhưng tác phong thì có vẻ không giống sư chút nào. Số là những người đi lễ Chùa Hương thắp nhang thì ông ta đến giật phắt đi và dạy: “Lễ Phật là lễ bằng tâm, không phải lễ bằng nhang.” Rất có thể vì khói hương quá nhiều trong một động kín không tốt cho cho môi trường xung quanh cũng như cho những người đi lễ, nên ông ta đã làm như vậy. Nhưng thái độ và cách giải quyết vấn đề không thích hợp với tác phong của một nhà sư.

Vịnh Hạ Long quả thật là một kỳ quan của thế giới. Những cảnh đẹp ở đây phải nhìn tận nơi chứ không thể tả bằng lời nói. Trong vịnh có nhiều hang động, đặc biệt là Hang Luồn, Hang Sửng Sốt v..v.. Cửa vào Hang Luồn chỉ đủ cho các thuyền nhỏ. 9 năm trước tôi đến Vịnh Hạ Long thấy du khách tương đối còn không nhiều, và cạnh bờ chỉ có một số thuyền tương đối nhỏ cho du khách thuê. Nhưng ngày nay, đông ơi là đông, và ở đây tôi thấy có nhiều khách ngoại quốc nhất. Nhiều khách sạn nổi, trên có nhiều phòng riêng và có máy lạnh để cho du khách ngủ qua đêm trên vịnh, đậu san sát nhau. Dù đã thuê sẵn nhưng thủ tục xuống khách sạn nổi cũng phải chờ đến lượt. Du khách phải nộp hộ chiếu và chờ phép của Công An. Tôi không hiểu họ còn kiểm soát cái gì đối với những người đã được nhập cảnh hợp lệ vào Việt Nam. Khách du lịch thì đông mà lại phải qua những thủ tục không cần thiết. Phải chăng họ muốn kiểm soát số người đi và về. Nhưng không phải, vì qua đêm ngủ trên khách sạn nổi, trở về bờ chẳng có ai hỏi han gì cả.

Một cảnh ở Vịnh Hạ Long

Một Cảnh Trên Vịnh Hạ Long

Ở Vịnh Hạ Long về Hà Nội, chúng tôi đáp chuyến xe lửa đêm, đi Sapa. Xe lửa cũng có phòng ngủ riêng cho 4 người và máy lạnh. Sáng sớm đến Ga Lào-Cai. Xe Bus đón ở Ga và đưa chúng tôi đi Sapa, qua những đường đèo núi rất đẹp. Cảnh các tầng ruộng, vì trồng lúa trên đồi nên sườn đồi được chia ra từng tầng, trông rất ngoạn mục. Sapa cũng như Đà Lạt được người Pháp “khám phá” ra để làm nơi nghỉ mát cho các quan thực dân đang cai trị “đám dân mọi rợ” vì không biết đến Chúa [ngày nay các quan ở Âu Châu đã dần dần bỏ Chúa đến độ ông Benedict XVI cũng phải than phiền là ngày nay Âu Châu sống như là không hề biết đến Thiên Chúa và cũng không biết đến cả sự “cứu rỗi” của Giê-su, chứng tỏ đám dân mọi rợ chúng tôi đã từng văn minh hơn họ nhiều, ít ra là về vấn đề tín ngưỡng], giống như Columbus cũng đã “khám phá” ra Tân Thế Giới và tiếp theo là chính sách diệt chủng dân Da Đỏ của các con cái Chúa. Ở Sapa, tôi thấy lại cảnh con trâu đi trước, cái cầy đi sau, và phụ nữ địu con trên lưng, khom mình trồng lúa. Người dân ở đây còn nghèo lắm, có thể qua bao nhiêu đời rồi họ vẫn sống như vậy, tuy ngày nay cũng có nhiều người có xe gắn máy, có cell-phone. Tôi nghĩ rằng chính quyền có bổn phận phải có kế hoạch nâng cao mức sống hơn nữa cho người dân thiểu số ở đây, ngoài những vùng quê ở đồng bằng, xa thành thị. Thành phố Sapa sạch sẽ, có một số khách sạn khang trang, và nhất là có nhiều tiệm ăn. Món ăn đặc biệt ở đây là “heo cầm tay” quay, nghĩa là một loại heo nhỏ quay ngay trên các vỉa hè. Chúng tôi tới Sapa vào sáng thứ Bảy. Buổi tối ở Công viên ngay trung tâm thành phố có chợ tình, nơi đây các chàng trai dân tộc thiểu số sửa soạn từ 6 giờ chiều để trổ những tài nghệ riêng của mình để “động não” các cô gái. Nhưng chợ chỉ bắt đầu từ 11 giờ khuya, tôi đã già nên chẳng còn thiết chuyện tình tứ gì, lên chuồng từ 10 giờ cho khỏe.

Hôm sau, chủ nhật, chúng tôi đi chợ Bắc Hà, chợ này chỉ họp ngày chủ nhật. Đường đi phải trở lại qua Lào-Cai, nhưng 2/3 đường từ Lào Cai đi Bắc Hà đường rất xấu, cho nên xe không hể nào chạy nhanh được. Nghe nói từ tháng 10 trở đi, chợ Bắc Hà đông không tưởng được vì du khách đổ lên đây nhiều. Phiên chợ ngày chủ nhật là để cho mấy sắc dân tộc thiểu số ở quanh vùng, với những bộ quần áo sặc sỡ màu khác nhau lên buôn bán và mua hàng. Chúng tôi mua được một ít đặc sản ở đây: áo gối, khăn trải giường, những tấm treo tường v..v.. tất cả đều có màu sắc rất đẹp. Không lạ gì, vì y phục của người dân tộc thiểu số ở đây cũng rất đẹp, với đủ mọi màu sắc, như chúng ta có thể thấy trong tấm hình sau đây. Thực ra, không phải chúng tôi cần mua hay thiếu những thứ này, nhưng mua hàng của Việt Nam, nếu có khả năng tài chánh, để giúp cho nền kinh tế Việt Nam đi lên, nâng cao mức sống của người dân, là điều mà tôi thường làm và khuyến khích các con cháu ở Mỹ.

Một cảnh buôn bán ở Bắc Hà

Một Cảnh Buôn Bán ở Bắc Hà

Trở về Hà Nội trên chuyến xe lửa đêm từ Lào-Cai. Từ Hà Nội chúng tôi bay vào Đà Nẵng, rồi xe bus đưa chúng tôi đi Hội An, qua China Beach, nơi nghỉ xả hơi của quân đội Mỹ khi xưa. Tới Hội An chúng tôi ở River Beach Resort, Cửa Đại, cách phố cổ Hội An độ 4,5 cây số. River Beach Resort là một khách sạn hạng 4 sao, phong cảnh đẹp. Ông giám đốc rất lịch thiệp và niềm nở. Cách vài giờ khách sạn lại có một chuyến xe Bus chở khách của khách sạn, miễn phí, đi đến và về từ phố cổ Hội An. Món ăn đặc biệt ở Hội An là Cao Lầu. Mấy đứa cháu khen ngon nhưng riêng tôi thì chẳng biết nó ngon như thế nào, vì trong đó có thịt. Thành phố Hội An được Liên Hiệp Quốc công nhận là một di sản của thế giới. Tôi thích nhất là cảnh buổi tối, đi dạo các đường phố giữa rừng đèn lồng đủ kiểu từ lớn tới nhỏ. Quá đẹp nên tôi không cầm lòng được, phải mua vài cái làm kỷ niệm. Một nét đặc biệt khác của Hội An là có rất nhiều tiệm may quần áo, sáng may, chiều hoặc ngày hôm sau lấy, giá rất rẻ. Buổi tối tiệm ăn nào cũng đông, phần lớn là dân địa phương, vì mùa tháng 6 có ít du khách. Hội An có vài ngôi Chùa cổ kính, nguyên là những Hội Quán: Triều Châu, Phước Kiến, Long Tuyền v..v.. Sau đây là vài cảnh Chùa ở Hội An.

 

 

Chùa Phước Kiến, Hội An

 

Từ Hội An chúng tôi đi tham quan Ngũ Hành Sơn, leo hơn trăm bậc lên Chùa. Cảnh trí thật hùng vĩ. Chùa rất đẹp, nghe nói khi xưa dưới thời Diệm, “người ta” đã cắm cây thập giá trên đó. Cây thập giá tượng trưng cho một hình phạt dã man nhất của lịch sử nhân loại, dùng để đóng đinh những tội phạm như trộm cắp, giết người v..v.. của người La Mã, mà chúng ta thường thấy mấy ông giáo sĩ đủ cấp bậc và các nữ tu đeo lủng lẳng trên ngực. Mỗi khi nhìn thấy cây thập giá tôi lại rùng mình khi nghĩ tới hình phạt khủng khiếp này của thời bán khai. Những cảnh đẹp trên đất nước, trong nhiều Chùa không thể nào tả bằng lời. Vài hình ảnh chụp qua máy ảnh cũng chỉ nói lên một phần rất nhỏ của cảnh thật.

ChuaNguHanhSon

Mặt Tiền Của Chùa

 

Tượng Bồ Đề Đạt Ma

Tượng Bồ Đề Đạt Ma

 

Tượng Quan Thế Âm

Tượng Quan Thế Âm

 

Tượng Phật Thích Ca

Tượng Phật Thích Ca

 

Trong khu vực Ngũ Hành Sơn có hai trung tâm khắc tượng lớn. Chúng tôi vào tham quan một trong hai trung tâm này. Những khối đá trắng để từ đó những sản phẩm bằng đá được tạo nên, chất ngổn ngang ngoài sân. Ngoài các sản phẩm khác như đèn lục giác kiểu Nhật, hòn non bộ và vô số các vật nhỏ hình súc vật v..v.. còn có rất nhiều tượng đủ cỡ lớn nhỏ: Tượng Phật, có cái cao mấy thước; tượng Phúc Lộc Thọ; tượng Quan Thế Âm; tượng Khổng Tử v..v… Lẽ dĩ nhiên cũng có nhiều tượng Giê-su bị đóng đinh và không thiếu tượng Đức Mẹ Sầu Bi. Đức Mẹ Sầu Bi, dù ông con quý của Mẹ đã nhiều lần hỗn hào với Mẹ, nhưng người mẹ nào mà chẳng thương con, cho nên thỉnh thoảng Mẹ lại nổi cơn sầu vì thương nhớ đứa con bị đóng đinh chết thảm trên cây thập giá cùng với hai tên ăn trộm, rồi lại chờ mãi không thấy nó trở lại ngay khi Mẹ và một số tông đồ của con Mẹ còn sống như lời nó đã hứa, hứa đi hứa lại, hứa tái hứa hồi, nên sầu dâng lên mí mắt, Mẹ lại khóc cho vơi nỗi sầu, có lần khóc nhiều quá đến chảy cả máu mắt, máu đàn ông qua sự phân tích DNA.

Ở trong tiệm bán những sản phẩm cỡ nhỏ, tôi thấy một cách xếp đặt ba bức tượng để gần nhau mà tôi không thể cưỡng được, đành phải chụp về cống hiến quý độc giả, xin quý độc giả coi kỹ.

 

tượng Chúa trong tiệm

 

Tôi hỏi người trong tiệm: “tượng đặt cạnh Chúa Giê-su bị đóng đinh là ai vậy?” Anh ta không trả lời, nhìn tôi với một cặp mắt có vẻ như cho tôi là tôi điên. Nhưng tôi đâu có điên và nghĩ rằng rất có thể, mức độ xác suất là một ẩn số, người xếp những tượng trên để bán đã đọc The Da Vinci Code của Dan Brown. Và nếu thực sự là như vậy thì cũng rất có thể đó là tượng của Mary Magdalene. Vậy thì Chúa cũng vui rồi, vì đó là người mà Chúa thương yêu nhất, thường theo cạnh Chúa như người vợ hiền, và Chúa thường hôn trên môi nàng, theo Phúc Âm của Philip. [The Gospel of Philip indeed describes Mary Magdalene as the "one who was called his companion", i.e. the companion or wife of Jesus. Jesus "loved her more than all the disciples and used to kiss her often on the mouth....] Một mối tình chung thủy và tuyệt vời, khi thành tượng vẫn ở bên nhau. Chỉ có điều, tay chân Chúa đã bị đóng đinh chặt trên cây thập giá nên ngài không thể làm gì được, dù muốn. Nhưng ít ra cũng còn có một điều an ủi, là hai người cùng đứa con trai đều được chôn trong những tiểu quách ở chung một nấm mồ ở Jerusalem. [Xin đọc cuốn “Mồ Của Gia Đình Giê-su [The Jesus Family Tomb, Simcha Jacobovici & Charles Pellegrino, HarperCollins Publishers, New York, 2007)

Ít người hiểu nguồn gốc của cây thập giá đeo trên ngực tín đồ.  Trong cuốn “Mồ Của Gia Đình Giê-su [The Jesus Family Tomb, Simcha Jacobovici & Charles Pellegrino, HarperCollins Publishers, New York, 2007), trang 195, chúng ta có thể đọc được đoạn sau đây:

    “Vậy thì thật ra biểu tượng của cây thập giá từ đâu mà đến?  Có thể chăng là những người đầu tiên theo Giê-su thu nhận cái hình cụ về cái chết của Giê-su làm một biểu tượng tôn giáo?  Nếu những người La Mã treo cổ Giê-su trên một cái cây thì các đệ tử có đi qua đi lại với cái thòng lọng nhỏ bằng vàng vòng quanh cổ  không?  Linh mục Jerome Murphy-O’Connor ở Trường Dạy Kinh Thánh ở Jerusalem tin rằng khó có thể có người nào lại mang cây thập giá như là một biểu tượng tôn giáo khi bắt đầu có phong trào theo Giê-su.  Đó là biểu tượng của sự tra tấn hành hình, không phải là biểu tượng của cứu chuộc.”

   (So where did the symbol of the cross really come from?  Can it be that the early followers of Jesus adopted the instrument of his death as a religious symbol?  Had the Romans hanged Jesus from a tree, would his followers have walked around with tiny ornamenteal gold nooses around their necks?  Father Jerome Murphy-O’Connor of the École Biblique in Jerusalem believes it is unlikely that anyone would have worn a cross as a religious symbol at the outset of the Jesus movement.  It was a symbol of torture, not redemption.)

    Vào trong dongduongthoibao.net hoặc nhandanvietnam.org chúng ta thấy ngay trên home page của hai trang nhà này, hình ông linh mục và vài nữ tu Việt Nam đeo cây thập giá lủng lẳng trước ngực, và…đứng cạnh mấy ông quan thực dân Pháp.  Có vẻ như họ tin rằng đó là biểu tượng của sự cứu chuộc nhưng dù sao nhìn nó tôi vẫn thấy rợn tóc gáy.  Tôi nghĩ, đeo cái thòng lọng giống như cái kiềng mềm có lẽ dễ coi hơn là đeo cây thập giá, một biểu tượng tra tấn, hành hình dã man chính Chúa của mình.  Nhưng ở trên đời, bao giờ cũng có những việc vượt ra ngoài sự thật và lô-gíc thông thường.

 

   Xin đón coi Phần II: Huế, Nha Trang, Đà Lạt và Saigon.

 


Những bài "Về Thăm Việt Nam" cùng tác giả

- MỘT CHUYẾN VỀ VIỆT NAM -1 (Trần Chung Ngọc)

- CHUYẾN VỀ VIỆT NAM THỨ TƯ CỦA TÔI


Trang Trần Chung Ngọc