 |
đăng ngày 17 tháng 8, 2007
|
Các bài trong tập này: 1
2
3
Chúng tôi tới phi trường Nội Bài vào khoảng 10 giờ 30 tối ngày 11/6/2007. Nhận xét đầu tiên của tôi là thủ tục kiểm tra hộ chiếu rất nhanh, không hề bị chút khó khăn nào. Nhân viên phụ trách niềm nở, dễ dãi. Tôi không còn thấy vài bộ mặt lầm lì cô hồn như 9 năm về trước. Tác phong của nhân viên trong các khách sạn cũng rất đáng khen, từ các tiếp đãi viên ở quầy tiếp tân cho đến các nhân viên giúp mang hành lý, và những nhân viên phụ trách dọn phòng hàng ngày, tất cả đều tươi cười chào hỏi mỗi khi gặp khách, và phục vụ tận tình khi khách cần. Tinh thần phục vụ mới mẻ này, so với 9 năm về trước, tôi đã nhận thấy trong tất cả các khách sạn mà tôi đã ở trong 3 tuần lễ: Thăng Long Opera Hotel ở Hà Nội, Sapa Hotel ở Sapa, Khách sạn nổi Hương Hải trên Vịnh Hạ Long, River Beach Resort (former Đồng An) ở Hội An, Hương Giang Hotel ở Huế, Quê Hương Hotel ở Nha Trang, Novotelt Hotel ở Đà Lạt, và Rex Hotel ở Saigon. Đây chính là một điều tôi đã đề nghị trong một bài viết nhiều năm về trước: rằng các nhân viên Nhà Nước trong các cơ quan, những người trong giới thương trường có nhiệm vụ tiếp xúc với khách hàng v..v.., phải học tác phong đối xử của người Mỹ đối với quần chúng mà họ có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ: luôn luôn lịch sự, niềm nở và tận tình. Về điểm này chúng ta phải công nhận Việt Nam đã tiến một bước dài.
So với 9 năm về trước, bộ mặt của Việt Nam thay đổi rất nhiều. Sự thay đổi nhiều nhất là về số lượng xe máy (môtô), hầu như đã thay thế cho xe đạp, và số xe hơi, nhất là số lượng xe taxi, tăng gia khủng khiếp. Trong các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Nha Trang, Saigon, số xe máy chạy trên các đường phố từ sáng sớm đến tối mịt làm cho chúng ta chóng mặt. Tôi có cảm tưởng là chẳng có ai làm ăn gì, chỉ xách xe chạy lòng vòng ngoài đường phố suốt ngày. 9 giờ tối ở Hà Nội, ngày thường, trước hiệu Kem Tràng Tiền, cả một rừng xe gắn máy và đông nghịt người xếp hàng, chật cả đường phố, xếp hàng để mua một que kem. Tuyệt đại đa số là dân choai choai, dưới 20 tuổi. Có nhiều cô, có vẻ là con nhà giầu, tối có tiền cùng bạn trai đi ăn kem, nhưng hình như hơi hà tiện về vấn đề vải vóc may quần áo. Chiếc quần thiếu vải nên may không đủ kích thước, để hở cả rốn và một phần mông ra. Văn hóa cô-ca-cô-la và hở rốn hở mông của Mỹ đã xâm nhập một phần vào xã hội Việt Nam. Ngoài ra tôi cũng còn thấy một số bắt chước dỏm, nhố nhăng khác, nhưng đây chỉ là một thiểu số, và không chỉ ở trong nước mà ở hải ngoại cũng vậy, bao giờ cũng có những hạng người như vậy, học cái hay không học, chỉ đi học những cái vớ vẩn, màu mè bên ngoài.. Có thể họ cho đó là văn minh, hiện đại, nhưng tôi không thấy nét văn minh hiện đại nào trong cái rốn, cái mông. Có thể vì tôi đã già nên suy nghĩ khác với giới trẻ. Tôi nhớ đến những bộ áo dài duyên dáng, màu sắc cổ kính đoan trang của các nhân viên nữ ở khách sạn Hương Giang, Huế. Xin thành thực có vài lời khen phương thức tổ chức, trang hoàng khách sạn cũng như y phục nhân viên của ông Giám Đốc khách sạn Hương Giang, Huế.
Tìm hiểu vấn đề xe gắn máy, tôi được biết hiện nay ở Việt Nam có khoảng từ 17 đến 18 triệu xe gắn máy, và người ta đã ước tính đến năm 2020, con số này có thể lên tới 30 triệu. Hiện nay, tính ra cứ 5 người Việt Nam, kể cả nam phụ lão ấu, thì một người có xe gắn máy. Giá một chiếc xe gắn máy tùy loại vào khoảng từ gần US$1000 đến US$7000. Không phải chỉ có ở những thành phố lớn mới có xe gắn máy, mà suốt từ Bắc vào Nam, qua đâu tôi cũng thấy xe gắn máy. Xe chạy trên xa lộ, trên đường làng, trong ngõ hẻm, khắp nơi. Ngay ở trong làng người dân tộc thiểu số ở Sapa tôi cũng thấy có người dân tộc thiểu số vừa chạy xe gắn máy vừa nói chuyện bằng cell-phone.
Tôi có hỏi một người thuộc giới hiểu biết: Tôi đọc trên Internet có những thông tin của người Việt hải ngoại là Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất thế giới, GDP kém xa Phi Luật Tân, Thái Lan, Nam Hàn v..v.. mà sao lại có cảnh đất nước tràn ngập xe hơi và xe gắn máy như thế này, thật là khó hiểu. Anh ta cười và nói: chẳng ai có thể biết được GDP của người Việt là bao nhiêu, tất cả những thống kê chỉ là đoán mò. Không ai biết người Việt kiếm tiền [anh ta dùng tiếng Mỹ: soft money] bằng cách nào, không phải tất cả chỉ là tham nhũng mới có tiền. Mà muốn tham nhũng thì phải có quyền, có thế, có móc nối, có cơ hội chứ không phải ai muốn tham nhũng cũng được. Ngày nay, mọi giới trong xã hội, nhất là ở các tỉnh thành, người dân đều có cách kiếm ra tiền, nhưng chuyện kê khai lợi tức hay kiếm ra tiền cách nào thì đó là điều “bất khả tri”, nói tới người ta cười cho. Vì vậy, đọc thống kê thì chỉ đọc cho vui mà thôi. Quan sát mức sinh hoạt của người dân trong xã hội ngày nay, từ Bắc vào Nam, tôi thấy anh ta chắc nói không sai. Tôi sẽ ghi nhận một số cảnh sinh hoạt của người dân trong một phần sau.
Vì số xe gắn máy cũng như số xe hơi quá nhiều trong khi, ngoài các xa lộ liên tỉnh, trong các thành phố lớn, vấn đề kẹt xe và ô nhiễm môi sinh là vấn đề khó tránh. Về vấn đề ô nhiễm môi sinh thì khó mà giải quyết, nhưng về vấn đề kẹt xe thì người dân thành phố đã phát minh ra một lối chạy xe, nhất là xe máy, rất đặc biệt, độc nhất vô nhị trên thế giới. Cách chạy xe này, và đậu xe, vượt ra ngoài mọi lô-gíc thông thường của con người, và chỉ riêng về vấn đề này thì có thể nói Việt Nam là nước tự do nhất thế giới. Tuy vượt ra ngoài mọi lô-gíc thông thường nhưng lối chạy xe này lại rất “được việc” đối với người dân địa phương.
Nhưng người dân Việt Nam không chỉ cưỡi xe máy chạy lòng vòng ngoài đường suốt ngày mà còn dùng xe máy trong những dịch vụ chuyên trở hàng hóa mà chúng ta không thể nào ngờ được. Sáng kiến của người Việt Nam trong việc xử dụng xe máy để chở hàng hóa có thể làm cho chúng ta nhớ lại cảnh xe đạp thồ chở từng bộ phận pháo binh lên các triền núi bao vây thung lũng Điện Biên Phủ, cho nên trước những trận hỏa pháo bất ngờ từ các triền núi, viên sĩ quan Pháp chỉ huy pháo binh để phản pháo nhưng vô hiệu đến độ tức quá phải tự tử. Lẽ dĩ nhiên tôi không thể tả bằng lời người Việt đã dùng xe máy để chở hàng như thế nào. Tôi xin giới thiệu cuốn “Bikes of Burden” của Hans Kemp, trong đó quý độc giả có thể thấy rất nhiều hình ảnh dùng xe máy chở hàng mà chúng ta không thể nào tin được nếu không thấy tận mắt.

Một cảnh xe cộ ở một ngã tư trên xa lộ Saigon, gần Saigon.
Ở Hà Nội chúng tôi ở khách sạn Thăng Long, trên đường Tông Đản, ngay trung tâm thành phố, gần nhà hát lớn, có thể đi bộ thoải mái ra Hồ Hoàn Kiếm, rồi đi dọc lên Hàng Đào, Hàng Ngang v..v... Khách sạn khang trang, đầy đủ tiện nghi và cũng như những khách sạn khác mà tôi đã ở, bữa buffet buổi sáng có rất nhiều món ăn ngon Việt Nam và Tây phương. Điều thuận tiện nhất là ngay cạnh khách sạn là một ngân hàng lớn, Vietcom, du khách có thể vào đổi tiền theo giá chính thức. Bên ngoài khách sạn, hai bên đường có nhiều quán nhỏ, và quán trên vỉa hè, bán đủ mọi thức ăn. Tôi thường thấy những đoàn xe xích-lô chở khách du lịch ngoại quốc [không phải là Việt Kiều] đạp thong thả qua trước khách sạn.
Tháng Sáu Hà Nội nóng ơi là nóng. Đối với tôi, có lẽ tôi cảm thấy nóng hơn là dân địa phương. Bởi vì mọi sinh hoạt đều bình thường, và tôi thấy ít ai tỏ vẻ khó chịu về cái nóng. Nhưng rồi cái gì cũng quen đi, nên mấy ngày sau tôi cảm thấy bớt nóng hơn trước. Một sáng sớm, trời tương đối mát qua một cơn mưa đêm, tôi đi bộ ra Hồ Hoàn Kiếm. Tôi thấy nhiều người, từ trẻ đến già, đi bộ, chạy bộ, và tập thể thao khắp xung quanh hồ, có chổ tập từng nhóm. Có vẻ ai cũng quan tâm đến sức khỏe của mình, và tôi nghĩ điều này chỉ có thể là xa xỉ phẩm của những người đủ ăn đủ mặc, hay nói đúng hơn, dư ăn dư mặc. Những hình ảnh do giới truyền thông đen và những tay sai của ngoại bang ở hải ngoại đã tan biến trong đầu tôi: hình ảnh về Việt Nam là một trong những quốc gia “nghèo nhất thế giới”, và hình ảnh Việt Nam là một “nhà tù vĩ đại” của những ai đó trên Internet, hay của Võ Văn Ái, hàng năm lãnh tiền của NED/CIA để xuyên tạc chống phá Việt Nam: “.. Nay làm xong công tác biến miền Nam cũ thành một Nhà tù lớn qua Nghị định quản chế hành chính 31/CP... “ [Không ai viết bậy như ông Ái vì năm 1997, 22 năm sau khi đất nước thống nhất, Nhà Nước mới ra nghị định 31/CP để “biến miền Nam cũ thành một Nhà tù lớn” (sic), trong khi chính sách đổi mới của Nhà Nước đã bắt đầu từ 1986. Có vẻ như ông Ái et al.. không đội trời chung với sự lương thiện trí thức. Nếu Đông Duy có phê bình trên VietWeekly là “hầu như toàn bộ ngành truyền thông hải ngoại” đều đáng bị coi là “những cán bộ thông tin cấp xã” hay “những chính trị viên cấp phường” thì kể ra cũng không phải là nói ngoa.]
Nhưng không phải chỉ có những hình ảnh bên Hồ Hoàn Kiếm một buổi sáng sớm đã làm cho tôi nhận ra điều mà tôi đã biết từ lâu: sự bất lương trí thức của một số người làm nghề truyền thông ở hải ngoại, tin tức về Việt Nam không ngoài những điều rất tiêu cực và phần lớn sai sự thực. Trong 3 tuần lễ, đi từ Bắc vào Nam, để ý quan sát mức sinh hoạt của người dân, tôi thấy một hình ảnh khác hẳn. Lẽ dĩ nhiên, Việt Nam không phải là không còn người nghèo, rất nghèo, nhưng nói chung chung mức sống của đa số người dân đã lên cao, với những tiện nghi, xa xỉ mà tôi nghĩ có thể không cần thiết. Thí dụ, tôi vào một gian nhà trong một làng người thiểu số ở Sapa, thấy họ nghèo thật là nghèo. Nhà có một gian, buổi tối trải chiếu lên sàn xi măng ngủ, ban ngày cuốn chiếu lên làm nơi sinh hoạt, nhưng trong nhà lại có một cái TV. Một thí dụ khác là khi về một miền quê cách Hà Nội khoảng 40 cây số tôi thấy cảnh làng xóm thật là nghèo, đường thì đường đất, xe gắn máy chạy qua cũng tung bụi mù, nhưng lại gặp một người, quần áo không lấy gì là mới lắm, nhưng trên tay lại cầm điếu thuốc ba con 5. Và một bao thuốc lá ba con 5 không phải là rẻ rúng gì. Ngoài ra tôi cũng còn thấy một bà bán hàng rong và một người phu xích lô cũng dùng cell phone. Lẽ dĩ nhiên không phải tất cả những người bán rong hay mọi phu xích lô đều có cell phone. Có những cảnh ở Việt Nam thật khó hiểu, trái hẳn với lô-gíc thông thường.
Bờ hồ Hoàn Kiếm nay rất đẹp, sạch sẽ, đường viền xung quanh hồ được lát gạch, lát đá, và có những vườn hoa nhỏ. Có những công nhân kéo xe thường xuyên đi dọn dẹp, nhặt rác xung quanh hồ. Xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, xe chạy một chiều, từ nhà Thủy Tạ về Tràng Thi, và từ đầu Tràng Tiền lên Hàng Đào Hàng Ngang. Nhà Thủy Tạ có vẻ như lúc nào cũng đông khách, đa số là khách nội địa, chỉ có ít người ngoại quốc, có lẽ vì mùa nóng nên khách ngoại quốc không nhiều..
Sau đây là vài hình ảnh bên Hồ Hoàn Kiếm một buổi sáng sớm:

Một Cảnh Hồ Hoàn Kiếm

Sáng sớm tập thể dục trong
công viên,
trước Tượng Lý Thái Tổ,
bên cạnh Nhà Bưu Điện

Tượng Lý Thái Tổ

Người đi bộ, người tập thể dục,
người ngồi nghỉ bên hồ Hoàn Kiếm
Người Hà Nội xưa rất dễ thương, tình gia đình, bạn bè, thân thuộc vẫn thắm thiết, và điều hiển nhiên là mức sống đã khá cao. Các bạn học của tôi từ tiểu học đến trung học khi xưa người nào cũng có xe gắn máy. Chúng tôi gặp nhau hàn huyên, đi ăn chung với nhau một bữa cơm chay ở một nhà hàng khá đặc biệt trên đường Phó Đức Chính, theo đề nghị của tôi, vì đã 22 năm rồi, tôi không để cho một miếng thịt nào vào trong người. Bao nhiêu năm qua, tình bạn vẫn không có gì thay đổi, chỉ có người thì già đi nhưng tình bạn vẫn còn xanh như thuở nào. Tình bạn vẫn thắm thiết nhưng tuyệt đối không phải vì tôi là “Việt kiều”. Họ hàng, thân nhân và bạn bè, không có một người nào ngỏ ý “vòi tiền”, dù là ngỏ ý xa xôi.
Bên nội tôi chỉ còn một ông anh họ, Cụ Trần Đắc Thọ, năm nay đã ngoài 90. Đến thăm, hai anh em vẫn nói chuyện thân tình như ngày nào. Các cháu rất ngoan và tiếp đãi chu đáo.
Bên ngoại thì có nhiều họ hàng, ở Hà Nội và ở dưới quê. Ngay ngày hôm sau, cả nhóm 14 người chúng tôi được bà chị họ và các cháu mời đi ăn trưa kiểu chọn lấy (buffet) ở một quán ăn đặc biệt, trong đó có từng gánh hàng bán đủ mọi món ăn dân tộc: phở, bún ốc, bún riêu, bánh cuốn, đủ thứ chè và khá nhiều món ăn khác. Tôi không nhớ tên nhưng nhớ ngay trong quán, có tiệm “KhaiSilk” bán các sản phẩm lụa rất đẹp. Ngày hôm sau, biết tôi thích uống trà, Bà Chị bèn mang cho một kí trà loại ngon nhất từ Thái Nguyên. Rồi ông anh họ đạp xe đạp vác mấy chục cái bánh gai, đặc sản của quê anh ấy, đến tận khách sạn Thăng Long cho. Mà chúng tôi có biếu họ gì nhiều đâu, chẳng qua chỉ là vài hộp Multi-Vitamins và vài thanh xúc-cù-là rẻ rề.
Tôi kể những chuyện trên không phải là kể chuyện gia đình mà chỉ muốn nói lên một điều: Chiến tranh đã một thời chia rẽ Bắc, Nam. Và người Pháp khi xưa đã chia đất nước Việt Nam làm 3 Kỳ để tạo mối chia rẽ giữa những miền của Việt Nam. Nhưng tình người Việt Nam vẫn không thay đổi, không có Nam Bắc, không có 3 Kỳ, và đó là đều chúng ta cần trân quý về nền văn hóa Việt Nam. Tôi cũng muốn nói lên một điều khác: người Việt Nam nói chung rất trọng tình nghĩa: một thái độ khiêm tốn, một cử chỉ, một lời nói thân tình có nhiều giá trị hơn là những đồng đô-la chúng ta đem về. Người dân trong nước không đánh giá cao những “áo gấm về làng”, bất kể là họ mang về bao nhiêu tiền hay biếu bà con bao nhiêu.
Bang Giao "Bắc Kinh-Vatican" (?) Một Kinh Nghiệm Quý Giá Cho Việt Nam (Trần Chung Ngọc) Chống Cộng Theo Gương David (Trần Chung Ngọc) Chủ Nghĩa Khủng Bố và Diệt Chủng (Trần Chung Ngọc) Cuốn Triumph Forsaken của Mark Moyar Dư Luáºn Quần ChĂºng Ma Quân Quấy Nhiễu Sư Tăng - Nhưng Thất Bại (Trần Chung Ngọc) MỘT CHUYẾN VỀ VIỆT NAM - 2 (Trần Chung Ngọc) MỘT CHUYẾN VỀ VIỆT NAM - 3 (Trần Chung Ngọc) MỘT CHUYẾN VỀ VIỆT NAM -1 (Trần Chung Ngọc) Một trong ba thứ (Trần Chung Ngọc) NED và Lê Quốc Quân NGÀY 30/4/1975 (Trần Chung Ngọc) Ngáp Lớn Trong Tòa Mỹ Bị Tù - Còn Nguyễn Văn Lý ? (Trần Chung Ngọc) Nhân chuyện ông Triết đi Mỹ Nhân Quyền của Mỹ & Dự Luật H.R. 3096 (Trần Chung Ngọc) Nhũng Điều Tưởng Tượng Điên Rồ Của Bộ Giáo Dục Texas (Geoffrey R. Stone) Những Người Máy Chống Cộng (Trần Chung Ngọc) Nước Mỹ - Nhân Quyền - Việt Nam - 1 (Trần Chung Ngọc) Nước Mỹ - Nhân Quyền - Việt Nam - Phần 2: Tội ác chiến tranh (Trần Chung Ngọc) Phải Chăng Chiếc Khăn Quàng Là Giải Pháp Cho Tòa Khâm Sứ? (Trần Chung Ngọc) Richard Dawkins: Haiti Và Sự Đạo Đức Giả ... (Trần Chung Ngọc) Thắc Mắc Cần Được Giải Đáp: 3. Về Chiến Tranh Việt Nam (Trần Chung Ngọc) Thắc Mắc Cần Được Giải Đáp: 3. Về Lá Cờ Vàng (Trần Chung Ngọc) Thử Phân Tích Vài Đoạn Trong Bài Diễn Văn Nhậm Chức (Trần Chung Ngọc) Tâm Thư Gửi Những Ai Quan Tâm (Trần Chung Ngọc) Tại Sao Lại Việt Nam ? (Trần Chung Ngọc) Tại Sao Những Người Tin Chúa Lại Thù Ghét Những Người Vô Thần? (Trần Chung Ngọc) Tản Mạn về Chống Cộng (Trần Chung Ngọc) Tản Mạn Xung Quanh Chuyến Về Việt Nam Thứ Tư Của Tôi (Trần Chung Ngọc) Viết Mà Chơi - Ai Chống Cộng Và Ai Không Chống ? (Trần Chung Ngọc) Vài Nhận Định Khi Đọc Lời Phát Biểu Của Ông Ngô Quang Kiệt (Trần Chung Ngọc) Vài Ý Kiến Về Vấn Đề Bang Giao Với Vatican (Trần Chung Ngọc) Vấn Đề Nhân Quyền Trước Luật Pháp Quốc Gia (Phúc Lâm sưu tầm) Đôi Hàng Về Chuyện Cờ Vàng Cờ Đỏ (Trần Chung Ngọc) ĐĐ Thích Nhật Từ và Xóm Đạo (Trần Chung Ngọc) “Religulous” Điểm Phim Cuối Tuần (Trần Chung Ngọc)
|