Kiến Thức 30/4 Qua Các Danh Nhân
Tại Sao Chúng Ta Thua ?
Trần Chung Ngọc
http://sachhiem.net/TCN/TCNts/TCNts040a.php
04-May-2014
LTS: Đây là phần đầu của bài "30 Tháng Tư Và Tôi - Từ Kiến Thức Đến Lập Trường" của GS Trần Chung Ngọc, đã đăng trên http://sachhiem.net/TCN/TCNts/TCNts040.php. Chúng tôi xin đăng lại phần đầu với tựa đề mới để kỷ niệm 39 năm kết thúc chiến tranh, và cũng là để tưởng niệm ông nhân sắp đến kỷ niệm bách nhật vào cuối tuần sắp tới. Bài viết 5 năm trước đây nhưng vẫn không hề cũ, và còn giá trị cho đến khi nào toàn dân có đủ kiến thức về cuộc chiến để không còn ích kỷ cá nhân hay mặc cảm thắng thua, ai lãnh đạo ai bị lãnh đạo, và sẵn sàng nắm tay nhau cùng nhận biết những mối nguy chung của dân tộc, cùng vui những niềm vui chung của dân tộc. Mong lăm thay. (SH)
“Nếu một người vẫn không thể quên thù hận, há chẳng
ngu xuẩn lắm sao?”
[Cổ Long: Câu kết của truyện kiếm hiệp “Cửu Nguyệt Ưng
Phi”]
Cho đến năm 2009, chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt 34 năm rồi, chiều dài
của hơn một thế hệ. Tôi đồng ý với ông Cổ Long rằng đến bây giờ mà chúng ta
không thể quên được thù hận thì quả thật là ngu xuẩn. Ở đây tôi muốn nói đến
mối thù hận bất kể từ phía nào. Không thể quên thù hận đã là ngu xuẩn lắm rồi,
nhưng ngu xuẩn hơn nữa nếu chúng ta lại truyền lại sự thù hận cho thế hệ sau để
chúng tiếp nối sự thù hận mà chúng ta không thể quên được. Tôi cảm thấy tội
nghiệp cho bậc cha mẹ của một em bé, nhân danh “Người Việt tỵ nạn”, cầm tấm bảng
chống “ca nhạc Trịnh Công Sơn”. Tại sao họ có thể làm ô nhiễm đầu óc con cái
của mình đến độ như vậy?
Trước hết tôi cần phải nói chút ít về tôi, dù cái tôi thật đáng ghét. Cá
nhân tôi là một sĩ quan, xuất thân từ Khóa I Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định, đã phục vụ
trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong hơn 8 năm, đã cầm súng chống Cộng ở tiền
tuyến, từ Quảng Bình (Tiểu đoàn 12) trước 1954, đến Qui Nhơn (Sư đoàn 22) và
Kontum (Biệt khu 24) sau 1954. Và sau khi giải ngũ tôi cũng đã phục vụ trong
ngành giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa cho đến ngày chót. Vậy vào những thời đó,
tất nhiên không ít thì nhiều tôi cũng đã chống Cộng, nhất là tôi đã đọc về những
tội ác của Cộng sản đối với người dân, về cuộc cải cách ruộng đất, về Tết Mậu
Thân v..v…trong những tài liệu của miền Nam và của Mỹ. Và tôi đã chạy
trốn Cộng sản sang Mỹ vào cuối tháng Tư năm 1975. Nhưng kết cục của cuộc chiến
đã đưa đến cho tôi một thắc mắc và ấm ức. Thắc mắc và ấm ức đó là:
“Miền Nam có hơn một triệu quân, một thời cộng với
hơn nửa triệu quân Mỹ, với đầy đủ vũ khí, đạn dược, và có ưu thế tuyệt đối về
máy bay chiến đấu, về B52 để trải thảm bom từ trên thượng tầng không khí, xe
tăng, tàu chiến, trọng pháo, truyền tin và cả thuốc khai quang Agent Orange để
cho Việt Cộng không còn chỗ ẩn núp v..v.. nhưng tại sao vẫn không thắng nổi đối
phương để rồi Mỹ phải tìm cách Việt Nam hóa cuộc chiến, rồi “tháo chạy” [từ
của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng], và cuối cùng, Việt Cộng vẫn “cưỡng chiếm”
[từ của báo chí chống Cọng hải ngoại] được miền Nam? Vậy ngoài yếu tố quân
sự, những yếu tố nào đã quyết định cuộc chiến? Phải chăng phe Quốc Gia của chúng
ta có vấn đề về chính nghĩa, về chủ quyền? Phải chăng quân dân miền Nam không
tích cực chống Cộng? Hay phải chăng yếu tố quyết định là truyền thống yêu nước
của người dân Việt Nam? Thực ra thì Quốc Gia và Cộng sản bên nào có Chính
Nghĩa? Bên nào hợp lòng dân và được dân ủng hộ? Ý chí và khả năng chiến đấu của
binh sĩ hai bên ra sao? Khả năng chỉ huy của các cấp lãnh đạo? Và còn những gì
gì nữa?”
Tại sao chúng ta lại thua? Đó là niềm ấm ức đã ám ảnh đầu óc tôi trong vài
năm đầu sống ở Mỹ sau 1975. Trong thời gian này, vì phải bắt đầu lại cuộc sống
từ số không nên không có thì giờ tìm hiểu, tôi vẫn không giải đáp được thắc mắc
trên. Nhưng thắc mắc trên cứ ám ảnh đầu óc tôi, cho nên khi đời sống kinh tế
gia đình đã ổn định, tôi đã để thì giờ tìm hiểu và đọc rất nhiều sách và tài
liệu viết về cuộc chiến ở Việt Nam, phần lớn là sách Mỹ, sách Pháp, và vài ba
cuốn sách Việt, thí dụ như “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi” của Đỗ Mậu;
“9 Năm Máu Lửa Dưới Chính Quyền Ngô Đình Diệm” của Nguyệt Đam và Thần
Phong; “Đảng Cần Lao” của Chu Bằng Lĩnh”; Luận Án Tiến Sĩ “Giáo Sĩ
Thừa Sai Và Chính Sách Thuộc Địa Của Pháp Tại Việt Nam (1857-1914)”
[Christianisme et Colonialisme au Viet Nam, 1857-1914], Đại Học Paris, 1969, của
Cao Huy Thuần; “Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”
của Hồ Sĩ Khuê v…v…
Bài “Đầu Hàng” của Vân Xưa trong cuốn của Hồ Sĩ Khuê
là bài tôi thích nhất. Xin đừng hiểu lầm tôi thích là vì VNCH “đầu hàng”, mà vì
bài viết phân tích tình hình khá hay và đầy tình người. Lẽ dĩ nhiên tôi cũng có
những kinh nghiệm bản thân về Cộng sản cũng như Quốc Gia trong thời chiến, vì
tôi là Sĩ Quan “Tác Động Tinh Thần”, sau đổi thành “Chiến Tranh Tâm Lý”, của
Tiểu Đoàn 12. Tôi cũng đã chứng kiến cuộc đảo chính hụt của Nguyễn Chánh Thi,
Vương Văn Đông v..v… cũng như cuộc oanh tạc Dinh Độc Lập của hai phi công Phạm
Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử. Và sau cùng là cuộc đảo chánh năm 1963 của Dương Văn
Minh v… v… Tôi cũng đã nhìn thấy những khuôn mặt sáng sủa, trẻ trung, đầy tương
lai trong các lớp học tôi dạy, từ Trung Học đến Đại Học, nhưng khó mà có thể có
tương lai vì trước sau gì các em cũng bị lôi cuốn vào cuộc chiến tương tàn.
Ngày nay, lịch sử đã rõ ràng. Với những kiến thức mới về cuộc chiến thì
chúng ta đã rõ, cuộc chiến trước 1954 là cuộc chiến chống xâm lăng, xâm lăng
của thực dân Pháp toan tính tái lập nền đô hộ trên đầu dân Việt Nam, với sự
hỗ trợ về quân cụ, vũ khí rất đáng kể của đế quốc Mỹ. Ngày 14 tháng 8, 1945,
Tổng Thống Pháp De Gaulle bổ nhiệm Tướng Leclerc làm Tổng Chỉ Huy lực lượng ở
Đông Dương và chỉ định Thierry d’Argenlieu làm Cao Ủy để cắm lại lá cờ tam
tài của chúng ta ở đó (pour y replanter notre drapeau). Và Mỹ đã giúp
hơn 80% chiến phí cho Pháp trong mục đích thực dân này. Còn cuộc chiến hậu
Geneva là cuộc chiến chống xâm lăng của Mỹ. Đây là kết luận của các học giả
Tây phương, xét theo những sự kiện lịch sử chứ không xét theo cảm tính phe phái.
Thật vậy, Thứ Trưởng Ngoại Giao Mỹ, Walter Bedell Smith xác định trong bản
Tuyên Ngôn tại Washington D.C. về Hiệp Định Geneva như sau:
“Trong trường hợp những quốc gia nay bị chia đôi ngoài ý muốn,
chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp thống nhất qua bầu cử tự do, giám
sát bởi Liên Hiệp Quốc để bảo đảm là bầu cử được thi hành nghiêm chỉnh” và “Hoa
Kỳ sẽ tự kiềm chế, không đe dọa hay dùng võ lực để phá những sự Thỏa Hiệp”
(In the case of nations divided against their will, we shall continue to
seek to achieve unity through free elections, supervised by the United Nations
to ensure that they are conducted fairly... The US will refrain from the threat
or the use of force to disturb them)
Xác định như vậy nhưng Mỹ đã nuốt lời hứa và dùng võ lực để can thiệp
ngay vào nội bộ Việt Nam.., dùng tay sai Ngô Đình Diệm để phá sự thống nhất
của đất nước qua bầu cử tự do, rồi chỉ đạo cuộc chiến và phạm rất nhiều tội ác ở
Việt Nam. Trong cuốn The United States In Vietnam: An Analysis In Depth Of
The History Of America’s Involvement In Vietnam, hai Giáo sư đại học
Cornell, George McTurnan Kahin và John W. Lewis, viết ở trang 59:
“Tuy Hoa Kỳ nói rằng “sẽ tự kiềm chế, không đe dọa hay dùng võ lực để
phá những sự Thỏa Hiệp” nhưng điều hiển nhiên chúng ta thấy ngay sau đó là Hoa
Kỳ đã sửa soạn dùng mọi phương cách khác để ủng hộ chế độ Saigon [do Mỹ
dựng lên] trong việc không tôn trọng những điều khoản trong Thỏa Hiệp”
(Though the US said it would “refrain from the threat or the use of
force to disturb” the agreements, it soon become evident that it was prepared to
use every other means to back up the Saigon regime in its departure from their
central provisions).
Sự kiện là, Mỹ đã toa rập với Vatican đưa tam đại Việt gian Công giáo
Ngô Đình Diệm về để chống Cộng cho Mỹ ở Nam Việt Nam, và đơn phương từ chối
không thi hành khoản tổng tuyển cử tự do trên toàn đất nước vào năm 1956 trong
Hiệp Định. Tại sao? Vì Tổng Thống Eisenhower của Mỹ đã nhận định, nếu có
một cuộc tổng tuyển cử tự do vào năm 1956 thì ông Hồ Chí Minh sẽ được ít nhất là
80% số phiếu. Vào thời đó, với uy tín của ông Hồ và Việt Minh sau trận Điện
Biên Phủ, Việt Minh không cần phải tổ chức một cuộc bầu cử gian lận như Ngô Đình
Diệm đã làm ở miền Nam với số phiếu ở Saigon nhiều hơn số cử tri.
Tưởng chúng ta không nên quên là ngay từ sau Hiệp Định đình chiến 1954, Mỹ
đã gửi Lansdale ra ngoài Bắc để phá hoại, tuyên truyền, và cổ võ giáo dân Công
giáo di cư vào Nam với những khẩu hiệu như “Chúa đã vào Nam” và “Đức
Mẹ đã di cư vào Nam” v..v.. để dụ đám linh mục và giáo dân thấp kém. Vì vậy
khoảng 700 ngàn Giáo dân Công giáo đã cùng với các “Chúa thứ hai” của họ ào ào
kéo vào Nam, (không buồn để ý đến chuyện những khẩu hiệu lố bịch trên đã chứng
tỏ là Ông Mác (Karl Marx) đã đuổi hai mẹ con Chúa chạy từ Bắc vào Nam, tuy rằng Chúa và Mẹ
Chúa đều là những bậc toàn năng, toàn trí, quyền phép vô cùng, làm gì cũng được,
cùng lúc chứng minh trình độ và ý thức tôn giáo của giáo dân Công giáo Việt Nam.)
Còn nữa, trong cuốn Chiến Tranh Việt Nam Và Văn Hóa
Mỹ (The Vietnam War and American Culture, Columbia University Press, New
York, 1991), hai Giáo sư ở đại học Iowa, John Carlos Rowe và Rick Berg, viết,
trang 28-29:
Tưởng cũng nên nhớ lại vài sự kiện. Mỹ đã dính sâu
vào nỗ lực của Pháp để tái chiếm thuộc địa cũ của họ, biết rằng kẻ thù là phong
trào quốc gia của Việt Nam. Số tử vong vào khoảng nửa triệu. Khi Pháp rút
lui, Mỹ lập tức dấn thân vào việc phá hoại Hiệp Định Genève năm 1954, dựng lên ở
miền Nam một chế độ khủng bố, cho đến năm 1961, giết có lẽ khoảng 70,000 “Việt
Cộng”, gây nên phong trào kháng chiến mà từ 1959 được sự ủng hộ của nửa miền Bắc
tạm thời chia đôi bởi Hiệp Định Genève mà Mỹ phá ngầm. Trong những năm
1961-62, Tổng thống Kennedy phát động cuộc tấn công thẳng vào vùng quê Nam Việt
Nam với những cuộc thả bom trải rộng, thuốc khai quang trong một chương trình
được thiết kế để lùa hàng triệu người dân vào những trại (ấp chiến lược?)
nơi đây họ được bảo vệ bởi những lính gác, giây thép gai, khỏi quân du kích mà
Mỹ thừa nhận rằng được dân ủng hộ. Mỹ khẳng định là đã được mời đến, nhưng như
tờ London Economist đã nhận định chính xác, “một kẻ xâm lăng là một kẻ xâm lăng
trừ phi được mời bởi một chính phủ hợp pháp.” Mỹ chưa bao giờ coi những
chính phủ tay sai mình dựng lên là có quyền hợp pháp như vậy, và thật ra Mỹ
thường thay đổi những chính phủ này khi họ không có đủ thích thú trước sự tấn
công của Mỹ hay tìm kiếm một sự dàn xếp trung lập được mọi phía ủng hộ nhưng bị
coi là nguy hiểm cho những kẻ xâm lăng, vì như vậy là phá ngầm căn bản cuộc
chiến của Mỹ chống Nam Việt Nam. Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng Nam Việt Nam, ở
đó Mỹ đã tiến tới việc làm ngơ tội ác xâm lăng với nhiều tội ác khủng khiếp
chống nhân loại trên khắp Đông Dương. (1)
Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt, vậy mà 27 năm sau, Daniel Ellsberg còn viết trong cuốn Secrets: A Memoir of Vietnam and the
Pentagon Papers, Viking, 2002, p.255:
“Theo tinh thần Hiến Chương Liên Hiệp
Quốc và theo những lý tưởng mà chúng ta công khai thừa nhận, đó là một cuộc
ngoại xâm, sự xâm lăng của Mỹ”.
(In terms of the UN Charter and our own avowed
ideals, it was a war of foreign agression, American aggression.)
Năm 2006, Bác Sĩ Allen Hassan, một
Bác sĩ đã phục vụ tại Việt Nam, đã viết cuốn “Failure To Atone” mà bản
dịch tiếng Việt của Nhà Xuất Bản Trẻ dịch là “Không Thể Chuộc Lỗi” (Đúng
ra, dịch đúng nghĩa phải là “tội”, tội ác, chứ không phải “lỗi”, lỗi lầm) nói về
những tội ác của quân đội Mỹ ở Việt Nam. Sau đây là vài lời giới thiệu trong
bản tiếng Việt của Nhà Xuất Bản Trẻ mà tôi mua được ở Việt Nam nhân chuyến cùng
con cháu về thăm quê hương năm 2007:
Tại hội trường 8 Hội chợ sách Quốc tế Frankfurt ở Đức
năm 2006, giữa các khu vự trưng bày sách rộng lớn và không khí giao dịch bản
quyền náo nhiệt của các tập đoàn xuất bản hàng đầu thế giới là một gian hàng nhỏ
với một điểm đặc biệt có một không hai: Gian hàng chỉ trưng bày và giao dịch bản
quyền duy nhất một cuốn sách có tựa đề Failure To Atone – Không Thể Chuộc Lỗi
(Tội) – với một poster lớn: “Nước Mỹ không thể chuộc lỗi về những gì đã gây ra
trong cuộc chiến tranh Việt Nam! Sự thật chưa từng được tiết lộ của một bác sĩ
tình nguyện người Mỹ tại Việt Nam”…
Khi chúng tôi hỏi tại sao lại lấy tên là Không Thể
Chuộc Lỗi đặt cho cuốn sách, đại diện bản quyền của bác sĩ Allen Hassan trả lời:
“Mục đích của bác sĩ Allen Hassan khi viết cuốn sách
này là muốn những người lính đã từng tham chiến tại Việt Nam và chính quyền Mỹ
thật sự hiểu rõ những gì mà nước Mỹ đã gây ra cho người dân Việt Nam và lớn hơn
rất nhiều những gì mà người Mỹ từng nghĩ. Nước Mỹ nhớ rất kỹ những gì người
khác gây cho họ nhưng lại quên rất nhanh những gì họ đã gây ra cho những người
khác. Người chết không thể sống dậy, người tàn tật mãi mãi tàn tật, và nỗi đau
mãi mãi là nỗi đau….Khi đọc xong cuốn sách này, mọi người sẽ hiểu bây giờ bất
cứ làm việc gì, nước Mỹ cũng không thể chuộc lại lỗi của mình đối với người dân
Việt Nam.”
Trong cuốn Không Thể Chuộc Lỗi, bác sĩ Hassan đã đề
cập đến chất độc da cam, nhưng đặc biệt, trong ấn bản Việt ngữ, ông đã viết thêm
một chương về những hậu quả và di chứng nặng nề của chất độc da cam mà quân đội
Mỹ đã sử dụng tại Việt Nam. Mỹ đã sử dụng bao nhiêu chất độc da cam ở Việt
Nam? Thượng Nghị Sĩ Mỹ Gaylor Nelson đã phát biều:
Nước Mỹ đã trút xuống Nam Việt Nam một lương hóa chất độc hại tương
đương với mức trung bình cho mỗi đầu người, kể cả phụ nữ và trẻ em, là 6 pound
(gần 3 kg).
(The US dropped down South Vietnam with a volume of toxic chemicals
equivalent to average level up to 6 pound (nearly 3 kgs) per head, including the
women and the children)
Di hại to lớn của chất độc da cam ở Việt Nam là điều hiển nhiên, không ai
có thể chối cãi. Nhưng nước Mỹ đã muối mặt phủ nhận trách nhiệm. Đáng lẽ sau
cuộc chiến, Việt Nam phải đưa Mỹ ra Tòa Án Quốc tế Xử Các Tội Phạm Chiến Tranh
nhưng có lẽ tự biết thân phận của một nước nhỏ, có kiện cũng chỉ là “con kiến đi
kiện củ khoai”.
Chúng ta hãy đọc thêm vài đoạn trong bài “ Chủ Nghĩa
Khủng Bố Và Diệt Chủng Dân Tộc Việt Nam Của Mỹ 1945-1975” (American
Terrorism and Genocide of the Vietnamese People, 1945-1974)
http://www.intellnet.org/ .
Bài này đã được đăng trên trang nhà Sách Hiếm:
http://www.sachhiem.net/TCN/TCNts/TCNts25.php với nguyên bản bằng tiếng Anh.
Những tội phạm chiến tranh thuộc Thủy, Lục, Không quân Hoa Kỳ đã tàn
sát 3 triệu người ở Việt Nam, trong rất nhiều nơi như Mỹ Lai. Hầu hết các nạn
nhân là đàn bà và trẻ con.
CIA có ngay cả một chương trình khủng bố chính thức của quốc gia Mỹ ở
Việt Nam, được biết là “Chiến Dịch Phụng Hoàng” hay “Kế Hoạch Phụng Hoàng”. [Kế
hoạch Phụng Hoàng còn được biết dưới tên “Kế Hoạch Ám Sát” (Douglas
Valentine, The Phoenix Program, p. 191: “Phoenix was labeled an Assassination
Program”).] Qua Kế Hoạch Phụng Hoàng, nhiều trăm ngàn người đã bị tra tấn
đến chết trong những “trung tâm thẩm vấn” trên khắp Nam Việt Nam.
Những trung tâm tra tấn này được dựng lên bởi Mỹ rõ ràng cho mục đích đó. Phụ nữ
luôn luôn bị hãm hiếp như là một phần của tra tấn trước khi bị giết. Khủng
bố, hãm hiếp và giết người hàng loạt một cách đại qui mô trên khắp miền quê là
chính sách của tập thể Lục Quân, Không Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Thủy Quân Hoa
Kỳ. Cuộc tàn sát ở Mỹ Lai là một chiến dịch trong Kế Hoạch Phụng Hoàng.
Chính sách diệt chủng dân Việt Nam của Mỹ có nguồn gốc từ ngay sau Đệ
Nhị Thế Chiến.
Mỹ đã ủng hộ Pháp trong toan tính lấy lại quyền cai trị đẫm máu của
thực dân Pháp ở Đông Nam Á.
John Kerry, Trung Úy Thủy Quân, lãnh tụ của những cựu quân nhân Mỹ
ở Việt Nam chống chiến tranh, làm chứng trước Ủy Ban Ngoại Giao của Thượng Viện năm 1971:
“Tôi muốn nói rằng vài tháng trước ở Detroit chúng tôi có một cuộc
điều tra trong đó có 150 quân nhân đã được giải ngũ trong danh dự đã làm chứng
cho những tội ác chiến tranh phạm ở Đông Nam Á. Họ nói những câu chuyện của
thời đó là chính họ đã hãm hiếp, cắt tai, chặt đầu, kẹp giây điện từ những bộ
máy truyền tin vào nhưng cơ quan sinh dục rồi quay điện, chặt chân tay, làm nổ
tan xác, bắn chơi vào các thường dân, triệt hạ cả làng theo kiểu của Thành Cát
Tư Hãn, bắn trâu bò, chó, làm trò chơi, đầu độc các kho lương thực và hầu như là
tàn phá toàn diện miền quê Nam Việt Nam, ngoài sự tàn phá thông thường của chiến
tranh và sự tàn phá thông thường và đặc biệt của những cuộc bỏ bom trên đất nước
này.”
Quá nhiều “con em của chúng ta” đã phạm phải những tội ác cuồng dâm
chống nhân loại. Lính Mỹ tra tấn tù binh. Lính Mỹ hiếp người qua đường hậu
môn, hãm hiếp và bạo sát đàn bà và con gái. Lính Mỹ tàn sát toàn thể đàn ông,
đàn bà, trẻ con trong nhiều làng – kể cả con nít - ở nhiều, nhiều nơi như Mỹ Lai
và Thanh Phong.
[Thanh Phong là tên ngôi làng mà nguyên Thượng Nghị Sĩ
Robert Kerrey, (không phải là John Kerry) đã chỉ huy một toán SEALS 7 người vào
tàn sát 21 người đàn ông, đàn bà và trẻ con trong làng vào tháng 2, 1969. Vào
căn nhà lá đầu tiên, toán này đã cắt cổ một ông lão, vợ ông ta và 3 đứa cháu.] (2)
Lực Lượng Đặc Biệt dạy binh sĩ của mình thi hành
nhiệm vụ ở Việt Nam phải dùng tra tấn như thế nào là một phần trong sự thẩm vấn.
Chiến dịch Phụng Hoàng nổi tiếng, do CIA dựng lên để
quét sạch hạ tầng cơ sở của Việt Cộng, đã tra tấn những người bị tình nghi như
sau:
- Quay điện vào các bộ phận sinh dục của nam và
nữ.
- Cắm vào tai một cái đũa gỗ dài 15 cm rồi đập
dần đũa vào óc cho đến khi nạn nhân chết.
- Những người bị tình nghi cũng bị ném từ trên
trực thăng xuống để làm gương cho những người tình nghi quan trọng khác phải
khai, tuy đây có thể coi như là sát nhân đối với nạn nhân bị ném, nhưng cũng là
một hình thức tra tấn đối với những người khác.
- Vi phạm Quy Ước Geneva, Mỹ trao tù binh cho
đồng minh Nam Việt Nam của họ biết rõ rằng nhưng người này sẽ bị tra tấn, viên
chức Mỹ thường có mặt trong cuộc tra tấn.
Cương quyết thi hành dịch vụ diệt chủng, Không Quân Mỹ phát động chiến
dịch “Rolling Thunder” tấn công dân Việt Nam năm 1964. Riêng cuộc tấn công này
đã thả xuống đất nước nhỏ bé nhiều bom hơn là toàn thể số bom dùng trong Đệ Nhị
Thế Chiến.
Trong 5 năm tiếp theo, nhiều trăm ngàn người dân Việt Nam, đàn ông,
đàn bà, trẻ con bị nghiền nát và thiêu sống bởi những phi hành đoàn của Không
Quân Mỹ. Đất nước Việt Nam phải chịu đựng 22 tấn thuốc nổ cho mỗi 1.6 km
vuông. Nghĩa là 660 kg chất nổ mạnh cho mỗi người, đàn ông, đàn bà và trẻ con.
Trong 13 năm chiến tranh ác ôn của Mỹ chống dân tộc Việt Nam, tổng cộng
là 8 triệu tấn bom (bom Napalm và bom chùm) và chất độc khai quang màu Cam đã
thả trên đất nước – và ít ra là 3 triệu người đã bị tàn sát.
Cùng với lò nướng thịt thổ dân Mỹ, lò nướng thịt người Việt Nam của
Mỹ đã xếp Mỹ xuống đáy của địa ngục – cùng với những công ty nổi tiếng như Nazi
của Đức, chính quyền Công Giáo Ustashi ở Croatia, quân lực Nhật Bản, quân lực
Thổ Nhĩ Kỳ, những đoàn quân bạo dâm chiến thắng của Tây Ban Nha, những đoàn quân
Mông Cổ, La Mã và những con quỷ diệt chủng như trên.
Trong khi đó thì những người Mỹ ái quốc, kỳ thị chủng tộc tiếp tục sống
cái gọi là đời sống “bình thường”, hoàn toàn lãnh đạm với cuộc tàn sát đẫm máu
được thi hành nhân danh họ, ăn nhậu trên những miếng thịt bò tái và xem TV, chơi
“golf” và đi dự những “parties” trong khi những đứa trẻ Việt Nam bị thiêu
sống trong làng mạc của chúng bởi những tên phi công trời đánh của chúng ta, và
vô số phụ nữ thường dân Việt Nam bị hãm hiếp tàn bạo và toàn thể các gia đình bị
bắn chết bằng súng liên thanh bởi những binh sĩ trời đánh của chúng ta.
Không chỉ những con quỷ Nazi Đức mới phạm tội diệt chủng. Chính
quyền ác ôn và quân lực Mỹ của chúng ta cũng phạm tội diệt chủng. Hằng triệu
người. Và tuyệt đại đa số nạn nhân là người dân thường không có ai bảo vệ.
[Vậy mà có những người chống Cộng hải ngoại đòi đưa Cộng Sản ra Tòa Án Mỹ
hay Quốc tế Xử Tội Phạm Chiến Tranh vì vụ Tết Mậu Thân ở Huế]
Hãy coi câu chuyện ở Mỹ Lai như là một thí dụ về người lính Mỹ anh hùng
của chúng ta khi hành sự - tàn sát trẻ con và hãm hiếp con gái Việt Nam
để làm cho thế giới yên ổn cho những công ty như Coca Cola và hãng dầu Standard.
Nhờ có sự kỳ thị chủng tộc kiêu căng, tự cho là công chính và không
quan tâm của Mỹ mà người Việt Nam tiếp tục bị đau khổ. Năm 1985 người ta ước
tính là một phần ba đất đai [Nam] Việt Nam bị nhiễm độc, vì Không Quân Mỹ đã
dùng thuốc khai quang như Chất Độc Màu Cam. Điều này đã khiến cho Việt Nam nghèo
nàn, đất đai bị ô nhiễm nặng và có đầy những trái bom chùm chưa nổ - và người
dân bị khủng khoảng tâm lý. 30 năm chiến tranh diệt chủng được nối tiếp bởi gần
20 năm cấm vận của Mỹ. [Giáo sư Noam Chomsky cũng đã châm biếm, cho rằng Mỹ
đã thắng một phần ở Việt Nam (A partial victory) vì đã thành công để lại cho
Việt Nam một di sản tan hoang đất nước, khó có cơ hội phục hồi về xã hội và kinh
tế… (Nhưng CS VN đã phục hồi được về xã hội và kinh tế, và còn tiến xa hơn
trước)]
Trong những năm từ khi những binh sĩ Mỹ giết người, hãm hiếp, lực lượng
SEALS [Sea, Air and Land Forces], của Thủy Quân bị đá ra khỏi Việt Nam
một cách ô nhục, cái di sản ác ôn của Mỹ để lại vẫn tiếp tục có ảnh hưởng đến
người dân. Chất độc Da Cam đã đưa đến nhiều vụ khuyết tật bẩm sinh trong
những thế hệ người dân Việt Nam và nhiều trăm ngàn trường hợp chết về ung thư đã
xẩy ra trong những người sống trong những vùng bị trải thuốc khai quang..
Những trái bom chùm chưa nổ đã tạo ra những bãi mìn không có họa đồ,
làm cho mọi người sợ hãi không dám canh tác trong những cánh đồng có thể trồng
trọt được và ruộng lúa. Những trái bom đó của Mỹ vẫn tiếp tục giết hại, làm chân
tay tàn phế và bị tàn tật suốt đời cho nhiều ngàn trẻ con và người lớn Việt Nam.
"Thượng Nghị Sĩ Wayne Morse, (Đảng dân Chủ -
Oregon), 1967:
Theo sự phán xét của tôi, chúng ta sẽ trở thành kẻ có tội vì
là sự đe dọa lớn nhất cho nền hòa bình thế giới. Đó là một sự thực xấu xa, và
người Mỹ chúng ta không thích đối diện với nó. Tôi thật không muốn nghĩ rằng một
trang sử của Mỹ sẽ được viết ra liên quan đến chính sách vô pháp của chúng ta ở
Đông Nam Á.”
Nhưng tại sao Mỹ, với những tội ác rất nghiêm trọng phạm ở Việt Nam, lại
không có cả một lời xin lỗi? Chúng ta có thể đọc những ý kiến sau đây của cựu
Tổng Thống Bill Clinton trên Internet.
25 năm sau chiến tranh chấm dứt, khi được hỏi ông ta có nghĩ rằng Mỹ nợ
Việt Nam một lời xin lỗi, ông Clinton đã trả lời, đơn giản là, “Không, tôi
không nghĩ như vậy” [Tại sao?], Vì:
- Xin lỗi về những tội ác chống dân Việt Nam có
nghĩa là thừa nhận những điều chúng ta nói với nhau về cách ứng xử của chúng
ta trong thế giới – khi đó cũng như bây giờ - là điều nói láo.
- Xin lỗi là thừa nhận rằng trong khi chúng ta
tuyên bố là bảo vệ dân chủ, chúng ta lại đi trật ra ngoài dân chủ. Trong khi
chúng ta tuyên bố rằng chúng ta đang bảo vệ Nam Việt Nam, thì chúng ta lại tấn
công người dân Nam Việt Nam.
- Chúng ta đã thả 6 triệu rưỡi tấn bom và 400 ngàn
tấn Napalm trên dân tộc ở Đông Nam Á. Bỏ bom tràn trề những vùng dân sự, những
chương trình chống khủng bố và ám sát chính trị, thường xuyên giết người dân
thường và dùng gần 45 triệu lít chất độc da cam để phá hủy mùa màng và mầu mỡ
đất đai – tất cả đều là một phần của cuộc chiến tranh khủng bố của Mỹ ở Việt
Nam, cũng như ở Lào và Cambodia. (3)
Những tài liệu trên, cũng như hàng trăm tài liệu hiện hữu khác về chiến
tranh Việt Nam của chính người Mỹ mà tác giả gồm các tướng lãnh, chính trị gia,
giáo sư đại học v..v…, đã nói lên những sự thật về chiến tranh Việt Nam. Cuộc
chiến đã chấm dứt cách đây hơn 34 năm rồi. Và ngày nay, dù những sự thật đó có
mang lại nhiều cay đắng cho người Việt Quốc Gia chúng ta, với tất cả sự lương
thiện trí thức, chúng ta phải chấp nhận chúng, vì đơn giản chúng chỉ là sự thật.
Và từ đó, hi vọng mỗi người trong chúng ta, nếu còn nghĩ đến quê hương đất nước,
sẽ tìm ra được một con đường hợp lý hơn để góp phần xây dựng đất nước.
Nhưng
có vẻ như một số người Việt ở hải ngoại, vẫn dựa vào vài
cái nghị quyết ruồi bu của Hạ Viện Mỹ, bám vào vài dân biểu cắc ké như Sanchez,
Smith v..v.., những kẻ không biết ngượng trước những tội ác của chính quốc gia
Mỹ của mình, để chống Cộng mà thực ra là chống quốc gia, theo kiểu Trần Ích Tắc
và Lê Chiêu Thống.
Như chúng ta đã biết, cuộc can thiệp của Mỹ, hay nói
đúng hơn là cuộc xâm lăng của Mỹ, vào Việt Nam, đã gây nên một cuộc chiến tàn
khốc trên khắp đất nước, phạm nhiều tội ác ở Việt Nam và di hại cho người dân
Việt Nam không ít, thực chất là một sự sai lầm căn bản và phi luân.
Một số nhỏ
người Mỹ, và đa số người Việt thuộc chế độ cũ, vẫn cho rằng sự can thiệp của Mỹ
bắt nguồn từ một ý định tốt. Nhưng tất cả những tài liệu mà chúng ta biết ngày
nay, tài liệu của Ngũ Giác Đài cũng như của các bậc trí thức, các học giả, các
bậc lãnh đạo tôn giáo có uy tín trên nước Mỹ đã chứng minh là điều này không
thực. Ngay cả cựu bộ trưởng Quốc Phòng Robert McNamara cũng phải thừa
nhận cuộc chiến Việt Nam là một sự sai lầm của Mỹ (một sự sai lầm cố ý, dựa trên
bản chất đế quốc của Mỹ)..
Gần đến ngày 30 tháng Tư, ở hải ngoại chúng ta lại sắp sửa nghe những bài
ca quen thuộc về những cái gọi là “CS cưỡng chiếm miền Nam” (sic), hay
“ngày mất nước” (sic), hay “tháng Tư đen”, hay “ngày quốc hận”
[sic] v.. v… phản ánh một sự hiểu biết rất sai lạc về cuộc chiến ở Việt Nam.
Sự
thật lịch sử là như thế nào?
Không ai có thể phủ nhận ngày 30/4/1975 là một
biến cố lịch sử có ảnh hưởng không ít không những chỉ trên khối người Việt lưu
vong mà còn trên cả dân tộc Việt Nam. Và cũng không ai có thể phủ nhận ngày
30/4/75 là ngày Việt Nam lấy lại hoàn toàn nền độc lập và thống nhất của nước
nhà sau gần một thế kỷ bị người Pháp đô hộ, và sau một cuộc chiến tranh bất đắc
dĩ đầy bi thảm mà nguyên nhân chính là sự can thiệp dựa trên “cường quyền
thắng công lý” của ngoại bang: sự liên kết giữa Vatican và Mỹ đưa Ngô Đình Diệm
về để chống Cộng, xóa bỏ hiệp định Genève trong đó có điều khoản qui định một
cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Đây cũng là những sự kiện lịch sử
bất khả phủ bác. Nhưng hiển nhiên vì cảm tính cá nhân, không phải tất cả mọi
người dân Việt đều có cùng một quan điểm về ngày 30/4/75.
______________________
Nguyên văn:
[1]
(It is worth recalling a few facts. The US was deeply
committed to the French effort to reconquer their former colony, recognizing
throughout that the enemy was the nationalist movement of Vietnam. The death
toll was about half a million. When France withdrew, the US dedicated itself at
once to subverting the 1954 Geneva settlement, installing in the south a
terrorist regime that killed perhaps 70000 “Viet Cong” by 1961, evoking
resistance which, from 1959, was supported from the northern half of the country
temporarily divided by the Geneva settlement that the US had undermined. In
1961-1962, President Kennedy launched a direct attack against rural South
Vietnam with large-scale bombing and defoliation as part of a program designed
to drive millions of people to camps where they would be “protected” by armed
guards and barbed wire from the guerillas whom, the US conceded, they were
willinggly supporting. The US maintained that it was invited in, but as the
London Economist accurately observed, “an invader is an invader unless invited
in by a government with a claim to legitimacy.” The US never regarded the
clients it installed as having any such claim, and in fact it regularly replaced
them when they failed to exhibit sufficient enthusiam for the American attack or
sought to implement the neutralist settlement that was advocated on all sides
and was considered the prime danger by the aggressors, since it would undermine
the basis for their war against South Vietnam. In short, the US invaded South
Vietnam, where it proceeded to compound the crime of aggression with numerous
and quite appalling crimes against humanity throughout Indochina.)
[2]
["Former US Senator Robert Kerrey, newly inaugurated as the president of the New
School University, one of the most prestigious positions in American academia,
has admitted participating in a death squad attack on a Vietnamese village
(Thanh Phong) 32 years ago, in which he and six soldiers under his command
killed 21 women, children and elderly men. "In the course of the nighttime
assault, the American raiders (U.S. Navy SEALS) killed every Vietnamese they
encountered — men, women, children. They used every weapon in their arsenal,
from knives to rifles and grenades to light anti-tank weapons, expending more
than 1,200 rounds of ammunition on a village where only a few dozen people
lived. "...the SEALS slit the throats of an elderly man, his wife and three
grandchildren in the first hut they encountered when they entered the village.
The graves of these five victims, marked with a common date of death, can be
seen in the village today." TCN]
[3]
[When asked if he thought the United States owed the
people of Vietnam an apology, 25 years after the end of the war, Clinton said,
simply, "No, I don't."
- [...] To apologize for crimes against the people
of Vietnam would be to admit that the stories we tell ourselves about our
conduct in the world -- then and now -- are a lie.
- […] To apologize would be to acknowledge that
while we claimed to be defending democracy, we were derailing democracy. While
we claimed to be defending South Vietnam, we were attacking the people of South
Vietnam.
- [...] we dropped 6.5 million tons of bombs and
400,000 tons of napalm on the people of Southeast Asia. Saturation bombing of
civilian areas, counterterrorism programs and political assassination, routine
killings of civilians and 11.2 million gallons of Agent Orange to destroy crops
and ground cover -- all were part of the U.S. terror war in Vietnam, as well as
Laos and Cambodia.[/quote])]
Các bài thời sự cùng tác giả
▪
22 Năm Giao Điểm: Trừ Tà - Hiển Chánh và Độ Sinh -
Trần Chung Ngọc
▪
Chủ Nghĩa Khủng Bố và Diệt Chủng -
Trần Chung Ngọc
▪
Cuốn Triumph Forsaken của Mark Moyar -
Trần Chung Ngọc
▪
Những Người Máy Chống Cộng -
Trần Chung Ngọc
▪
Tại Sao Những Người Tin Chúa Lại Thù Ghét Những Người Vô Th -
Trần Chung Ngọc
▪
Tản Mạn về Chống Cộng -
Trần Chung Ngọc
▪
Ăn Cơm Quốc Gia Thờ Ma Cộng Sản - Một Câu Chữ Của Những Kẻ U Mê -
Trần Chung Ngọc
▪
ĐĐ Thích Nhật Từ và Các Xóm Đạo Washington D.C. -
Trần Chung Ngọc
▪
Đọc "Món Hàng Xuất Cảng Làm Chết Người Nhất Của Mỹ: DÂN CHỦ" -
Trần Chung Ngọc
▪
Avro Manhattan: Cơn Ác Mộng Của Một Quốc Gia -
Trần Chung Ngọc
▪
BA MƯƠI THÁNG TƯ VÀ TÔI TỪ KIẾN THỨC ĐẾN LẬP TRƯỜNG -
Trần Chung Ngọc
▪
Bang Giao "Bắc Kinh-Vatican" (?) Một Kinh Nghiệm Quý Giá Cho Việt Nam -
Trần Chung Ngọc
▪
Bang Giao Với Vatican? Bang Giao Như Thế Nào ?? -
Trần Chung Ngọc
▪
Công Nghiệp Cuối Cùng -
Vài Suy Tư Xung Quanh Sự Ra Đi Của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp -
Trần Chung Ngọc
▪
Cựu Tổng Thống Mỹ Jimmy Carter & Liên Hiệp Quốc Lên Án Mỹ Vi Phạm Quốc Tế Nhân Quyền -
Trần Chung Ngọc
▪
Chuyện Phịa Thời Sự: Tin Vịt Truyền Thông -
Trần Chung Ngọc
▪
Chuyện Thời Sự Về Bức Thư “Chê Chúa” Của Einstein -
Trần Chung Ngọc
▪
Chuyện Thời Sự - Về Bức Thư “Chê Chúa” Của Einstein -
Trần Chung Ngọc
▪
Kiến Thức 30/4 Qua Các Danh Nhân - Tại Sao Chúng Ta Thua ? -
Trần Chung Ngọc
▪
Kiến Thức 30/4 Qua Các Danh Nhân - Tại Sao Chúng Ta Thua ? -
Trần Chung Ngọc
▪ 1
2 3 ▪
>>>