LỊCH SỬ HOA KỲ
(3 tác giả)
Nguyễn Mạnh Quang dịch
http://sachhiem.net/NMQ/LSHK/LSHK16.php
|
bản rời | « Xem Mục Lục » | 02 tháng 3, 2010
(tiếp theo Chương mười năm)
pypypy
CHƯƠNG XVI
CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ
CŨNG ĐƯỢC PHÁT TRIỂN THEO ĐÀ MỞ RỘNG BIÊN CƯƠNG VỀ PHÍA TÂY
Come my tan-faced children
Follow well in
order, get your weapons ready,
Have you your
pistols? Have you your sharp-edged axes?
Pioneers! O
pioneers!
All the past
we leave behind…
Fresh and
strong the world we seize, world of labor
And the march,
Pioneers! O
pioneers!
We detachments
steady throwing,
Down the
edges, through the passes, up the mountain steep,
Conquering,
holding, daring, venturing as we go the unknown ways,
Pioneers!
pioneers!
Những câu thơ trên đây do thi sĩ Walt Whitman
(người Hoa Kỳ)
sáng tác để ca tụng công ơn những thanh niên và phụ nữ đã anh dũng lao mình
đương đầu với gian nguy khổ cực ở miền Tây để định cư. Công cuộc Tây tiến của
những người Hoa Kỳ
tiên phong định cư là một trong những trang sử sống động nhất trong lịch sử đất
nước Hoa Kỳ. Nhiều
người Hoa Kỳ đã từ bỏ làng xóm yên ổn của mình lên xe tiến về miền Tây khởi lập
lại cuộc đời. Những người này đã để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu.
Nhờ sự cần cù và can đảm của họ mà cả vùng đất hoang vu bát ngát đã biến thành
những nông trường trù phú và những thôn làng sầm uất thịnh vượng. Chính họ là
những người đã làm cho đất nước này trở nên giàu có và hùng mạnh hơn. Và cũng ở
các làng định cư đang mở mang ở vùng biên cương này, người dân Hoa Kỳ đã phát
triển lối sinh hoạt dân chủ hơn các nơi khác ở trong đất nước thời bấy giờ.
Trong chương V,
chúng ta đã biết những người định cư vào lúc đầu và đời sống của họ ở trong các
làng định cư mới ở vùng phía Tây miền duyên hải Đại tây dương. Trong chương này,
chúng ta sẽ tìm hiểu những người tiền phong định cư vẫn còn tiến xa về phía Tây
lập nghiệp bao trùm cả vùng đất ở bên kia dãy núi Appalaches. Chúng ta hãy tìm
hiểu những vấn đề dưới đây:
1. Cuộc Tây
tiến của những người tiền phong định cư đã khởi sự như thế nào?
2. Những kế
hoạch nào đã được tiến hành để quản trị những vùng lãnh thổ mới.
3. Miền Tây đã
bành trướng như thế nào vào khoảng 50 năm sau khi Hoa Kỳ được độc lập?
4. Những điều
kiện ở miền Tây đã khuyến khích lối sống dân chủ ra làm sao?
¨
PHẦN MỘT
CUỘC TÂY
TIẾN CỦA NHỮNG NGƯỜI TIỀN PHONG ĐỊNH CƯ ĐÃ KHỞI SỰ NHƯ THẾ NÀO?
- Miền Tây là
miền nào?
Trước khi nói về phong trào
Tây tiến, chúng ta cần phải hiểu rõ “Miền Tây” là miền nào. Ngày nay, người Hoa
Kỳ dùng nhiều từ ngữ khác nhau để nói về miền Tây. Thí dụ chúng ta nói về miền
viễn Tây (vùng núi đá Rocky và duyên hải Thái bình dương), miền Tây Nam (gồm các
tiểu bang Arizone New Mexico và Texas) và Trung Tây. Tuy nhiên vào năm 1880,
người ta chỉ dùng có một từ ngữ để nói về miền Tây thôi. Họ dùng chữ miền Tây để
nói về vùng biên cương hay vùng lãnh thổ nằm giữa các làng định cư đã được ổn
định và vùng hoang vu chưa có người đến lập nghiệp. Khi mà người Hoa Kỳ tiến xa
hơn về phía Tây thì biên cương cùng di chuyển xa hơn về phía Tây.
- Nhiều
người tiên phong định cư mở rộng vùng biên cương
Trước hết, những người đáp
lời theo tiếng gọi của miền Tây là những người buôn bán với dân da đỏ. Những
người này thường võ trang bằng dao đi rừng và súng dài (có lẽ vì vậy mà người ta
gọi là “long hunter”), và một mình xông xáo đi vào các vùng rừng núi hoang vu.
Họ sinh sống bằng cách săn bắn thú rừng. Người “long hunter” cũng rất thành thạo
và khéo léo trong đời sống ở trong rừng như người da đỏ vậy. Họ săn bắn để lấy
da thú và trao đổi những đồ nữ trang rẻ tiền cho người da đỏ để lấy thêm da thú.
Khi mùa xuân tới, người “long hunter” mang da thú về các làng định cư để bán.
Ông Daniel Boone là một trong những người “long hunter” nổi tiếng. Ông đã sống
nhiều năm đầy thú vị, và đi sâu vào trong những miền hoang vu, nơi mà ít có
người da trắng đi tới.
Theo sau người
“long hunter” là những người tiều phu (backwoodman) đẵn gỗ làm nhà hay đúng hơn
là một căn lều thô sơ bằng gỗ ở trong chốn hoang vu. Khởi đầu, người backwoodman
đốn cây rừng và trồng trọt trên những miếng đất ở giữa những gốc cây còn bỏ lại.
Anh ta chỉ là những người canh tác bán thời gian. Một phần thời giờ còn lại, anh
ta đi săn bắn, đi buôn bán với người da đỏ, và nếu cần, anh ta chiến đấu.
Đôi khi người
backwoodman bán đất đã khai thác của mình rồi di chuyển xa hơn về phía Tây để
rồi lại khởi lập lại công việc đốn cây, làm nhà, trồng rẫy, săn thú, và buôn bán
với người da đỏ. Đôi khi người backwoodman định cư luôn tại một chỗ, và anh ta
thay đổi cuộc sống lần lần. Dù bằng cách nào đi nữa thì kết quả là ở vùng đất
này, người backwoodman dần dần biến thành nông dân hay nhường chỗ cho người dân
định cư chuyên về trồng trọt. Người nông dân này đốn cây nhiều hơn, rồi anh ta
lập các hàng rào để bảo vệ đất đai, và làm những căn nhà khá hơn cũng như làm
thêm các căn nhà kho để chứa nông phẩm. Anh ta trồng thêm nhiều cây mùa. Trong
khi đó, thì các ông bạn lối xóm của anh ta cũng làm như vậy. Thế rồi, thú rừng
dần dần biến mất, và ở vùng đất này người ta không còn đi đánh bẫy hay đi săn
bắn thú rừng nữa. Anh nông dân và những người bạn lối xóm của anh ta bắt đầu xây
trường học, rồi nhà thờ. Sau đó, có người đến thiết lập nhà máy cưa để cắt gỗ
rừng. Người khác đến xây nhà máy xay để xay lúa. Không bao lâu lại có người đến
lập một cửa tiệm để bán hàng. Lâu ngày, nơi đây biến thành một làng. Ít năm sau,
vùng này có nhiều người đến định cư và được ổn định làm ăn thịnh vượng. Vùng này
không còn đúng nghĩa của chữ miền Tây nữa. Chữ miền Tây bây giờ lại được dùng để
chỉ những nơi xa hơn về phía Tây, nơi mà chưa được định cư yên ổn.
- Biên cương
mở rộng thì miền Tây cũng được di chuyển xa dần về phía Tây
Trình tự dân định cư di
chuyển dần dần xa hơn về phía Tây, cứ tiếp tục tiến hành như vậy và nhờ thế mà
lãnh thổ Hoa Kỳ được mở rộng xa dần về phía Tây. Vào đầu thế kỷ thứ XVII, bất kỳ
nơi nào chỉ cách xa bờ biển Đại tây dương chừng vài dặm đều có thể gọi là miền
biên cương, và cũng có thể được gọi là miền Tây. Khi mà người đi định cư tiền
phong theo các dòng sông đi sâu vào nội địa thì miền Tây cũng được di chuyển
tiến sâu vào nội địa cùng với người đi định cư. Vào khi cách mạng sắp bùng nổ,
nhiều người dân tiền phong đã vượt qua các ải (đèo) nằm giữa các dãy núi
Appalaches. Vào cuối thế kỷ thứ XVIII, vùng thung lũng sông Ohio là miền Tây.
Đầu thế kỷ thứ XIX, thung lũng sông Mississippi trở thành miền Tây. Sau này, thì
miền Tây là vùng duyên hải Thái bình dương. Cho nên các bạn thấy chữ “miền Tây”
được dùng để chỉ nhiều miền đất khác nhau vào những thời kỳ khác nhau trong lịch
sử Hoa Kỳ. Trong chương này, chúng ta sẽ bàn về những miền đất nằm giữa dãy núi
Applaches và sông Mississippi được định cư và phát triển như thế nào?
- Người Hoa
Kỳ lúc đầu đến định cư ở vùng Tây Nam cũ
Ngay cả vào thời trước khi
xảy ra cách mạng đã có nhiều người dân tiền phong định cư tiến đến lập nghiệp ở
vùng đất phì nhiêu ở bên kia dãy núi Appalaches. Phần lớn, những người dân định
cư này là những người gốc ở Virginia và North Carolina. Họ đến định cư ở vùng mà
người ta gọi là “miền Tây Nam cũ”. Đó là vùng ở phía Nam sông Ohio, nằm giữa dãy
núi Appalaches và sông Mississippi. Nhìn vào bản đồ, các bạn sẽ thấy rằng những
con sông Cumberland và sông Tennessee bắt nguồn từ dãy núi Appalaches chảy theo
hướng Tây và hướng Bắc đến tận sông Ohio. Phần lớn những người tiền phong định
cư đi theo các con sông này tiến vào những vùng thung lũng phì nhiêu ở phía Tây
rặng núi Appalaches.
- Các làng
định cư được thiết lập ở Tennessee và Kentucky
Làng định cư đầu tiên được
thiết lập ở vùng Tây Nam cũ, nơi mà ngày nay là vùng phía Đông của tiểu bang
Tennessee. Thời kỳ trước cách mạng vào năm 1769, đã có một nhóm người từ North
Carolina lặn lội trèo đèo vượt núi đến đây lập nghiệp. Họ đến định cư ở trên bờ
sông Watauga, một phụ lưu của sông Tennessee. Ít lâu sau, ông James Robertson,
một thanh niên người Tô Cách-Ai Nhĩ Lan, gia nhập làng định cư này và sau đó ông
trở thành nhà lãnh đạo của làng định cư Watauga. Sau đó, có nhiều làng định cư
cũng được thiết lập ở trên bờ những con sông gần đó. Năm 1779, ông James
Robertson dẫn một nhóm người đi sâu mãi vào trong vùng hoang vu ở miền Trung
Tennessee để lập nghiệp. Đoàn người này khởi lập một thị trấn ở trên bờ sông
Cumberland, nơi sau này gọi là Nashville.
Khu định cư
thiết lập đầu tiên ở vùng mà ngày nay là Kentucky là thị trấn Harrodsburg. Năm
1774, ông James Harrod đem một nhóm người đi định cư đến thành lập thị trấn này
ở giữa nơi rừng thẳm hoang vu. Nhưng ông Daniel Boone, một nhà săn bắn nổi tiếng
và cũng là một nhà hướng đạo, mới chính là người mở đường đi sâu vào vùng đồng
cỏ xanh ở xứ Kentucky này. Ông khai phá con đường mòn đi xuyên qua rặng núi
Appalaches qua ngã đèo Cumberland men theo sông Kentucky. Năm 1775, ông dẫn một
nhóm người băng qua con đường hoang vu man rợ đi đến định cư tại một địa điểm
trên bờ sông Kentucky. Họ đặt tên cho làng định cư này là Boonesborough. Thị
trấn thứ ba là Lexington được thành lập vào khi chiến tranh cách mạng vừa mới
bùng nổ. Họ đặt tên làng định cư này là Lexington là để ghi nhớ trận đánh đầu
tiên trong cuộc chiến cách mạng. Tới khi cách mạng thành công thì các khu định
cư Harrodsburg, Boonesborough và Lexington đã trở thành những thị trấn quan
trọng ở Kentucky.
¨
PHẦN HAI
PHẢI ÁP
DỤNG NHỮNG KẾ HOẠCH NÀO ĐỂ QUẢN TRỊ NHỮNG VÙNG LÃNH THỔ MỚI?
Lúc đầu chỉ có lẻ tẻ một số
ít người can đảm đi xa hơn về miền Tây để định cư. Tới thời sau cách mạng, việc
định cư trở thành một phong trào dồn dập kéo nhau đi miền Tây để lập nghiệp. Dần
dần đời sống ở miền Đông trở nên khó khăn thì đất đai phì nhiêu ở phía bên kia
dãy núi Appalaches càng trở nên hấp dẫn đối với người Hoa Kỳ phiêu lưu.
- Sự bành
trướng của các khu định cư ở miền Tây đặt ra nhiều vấn đề mới
Khi mà các khu định cư ở
các vùng biên cương càng được mở rộng thì vấn đề quản trị các khu định cư này
càng trở nên khó khăn và phức tạp. Vấn đề thứ nhất là cả hai tiểu bang Virginia
và North Carolina đều đòi quyền chiếm phần lớn miền Tây Nam cũ. Việc giao thông
di chuyển khó khăn khiến cho hai tiểu bang này gặp nhiều khó khăn trong việc
quản trị những vùng đất ở phía bên kia dãy núi Appalaches. Hơn nữa, dân định cư
ở vùng biên cương lại có tinh thần độc lập. Họ không muốn mãi mãi nằm trong vòng
kiểm soát của các tiểu bang miền Đông cũ, mà trái lại họ muốn thiết lập một
chính quyền riêng cho họ.
Như chúng ta đã
biết ở chương XI, mãi cho tới khi các tiểu bang chiếm hữu đất đai ở miền Tây
đồng ý từ bỏ những đất đai mà họ đòi chiếm để trao cho chính phủ trung ương thì
Hiến chương liên bang mới được chấp thuận. Vùng đất đầu tiên được trao cho chính
phủ trung ương là vùng đất nằm ở phía Bắc sông Ohio, vùng đất phì nhiêu thường
được gọi là miền Tây Bắc cũ. Có hàng ngàn người ở miền Đông đến định cư ở vùng
Tây Bắc cũ, nhưng họ lại không sốt sắng di chuyển đến miền này trừ khi họ biết
rõ họ phải mua và phải trả bao nhiêu tiền cho mảnh đất họ đến định cư. Họ cũng
muốn biết rõ là ở miền đất mới này sẽ có loại chính quyền nào. Quốc hội đã giải
đáp những thắc mắc này bằng cách thông qua hai đạo luật quan trọng về việc điều
hành quản trị các công việc ở miền Tây Bắc cũ.
- Quốc hội
thu xếp cho việc tìm kiếm đất ở miền Tây Bắc
Muốn khởi lập định cư và
quản trị đất đai ở miền Tây Bắc thì phải nghiên cứu đất đai ở miền này trước đã.
Đương nhiên là những người mới đi lập nghiệp ở vùng đất này muốn biết rõ các
đường ranh giới đất đai của họ và các giấy tờ về các đường ranh giới phải được
lưu giữ trong hồ sơ địa bạ của chính quyền. Tất cả đã được quy định trong sắc
luật 1785 (ordinance of 1785). Sắc luật này rất quen thuộc với những người sinh
sống ở các tiểu bang thuộc miền Tây Bắc cũ, hay ở các tiểu bang nằm ở phía Tây
sông Mississippi. Theo sắc luật này thì đất đai ở vùng này được chia thành những
khu hình vuông mỗi chiều dài 6 dặm gọi là một huyện (township). Mỗi một khu
vuông này lại được chia làm 36 phần nhỏ. Như vậy mỗi phần nhỏ này là một hình
vuông nhỏ mà diện tích là một dặm vuông hay mỗi cạnh là một dặm. Mỗi phần nhỏ
như vậy là 640 mẫu. Mỗi phần nhỏ được chia thành 4 lô, mỗi lô là 160 mẫu. Trên
tất cả mỗi phần trong các khu vuông (huyện tức township) đều có ghi số thứ tự từ
1 đến 36. phần mang số 16 được cấp cho dân chúng để cho mướn hay bán luôn để lấy
tiền chi phí trong vấn đề giáo dục địa phương. Vì sự phân phối đất đai theo kiểu
này mà các bản đồ miền Tây Bắc cũ có những hình vuông và hình chữ nhật mà chúng
ta không thấy ở trên các bản đồ miền Đông. Trong các tiểu bang cũ không có những
mẫu hình vuông hay hình chữ nhật thông thường như vậy.
- Sắc lệnh
1785 quy định việc bán đất
Chế độ township
chỉ là một phần trong vấn đề đất đai ở miền Tây Bắc. Liệu rằng đất đai có thể
bán hay cấp không cho những người đến định cư hay không? Quốc hội rất cần tiền.
Theo sắc luật 1785 thì Quốc hội quyết định rằng đất đai ở vùng này sẽ được đem
bán đấu giá từng phần một, và sẽ bán cho người nào trả giá cao nhất. Một phần
(section) có 640 mẫu giá tối thiểu cho mỗi mẫu là một Mỹ kim.
Dù rằng đối với ngày nay
thì giá đất như vậy quả là quá rẻ, nhưng lúc bấy giờ chỉ có một số ít người có
thể hùn hạp với nhau mới có thể có đủ tiền để mua phần đất với giá 640 Mỹ kim.
Hậu quả là các nhà kinh doan ở miền Đông hùn hạp với nhau thành lập các công ty
“điền địa”. Các công ty này mua hết đất đai ở miền Tây Bắc rồi cho chuyên chở
miễn phí những dân định cư đến lập nghiệp ở những vùng đất này. Các công ty điền
địa lại chia những phần đất này ra làm những lô nhỏ để bán cho dân định cư với
giá cao để kiếm lời.
- Việc quy
định và tổ chức lãnh thổ miền Tây Bắc
Quốc hội thời Hiến chương
Liên bang vào năm 1787 đã quyết định một điều quan trọng hơn. Trong năm đó, Quốc
hội thông qua một sắc luật gọi là sắc luật Tây Bắc. Sắc luật này ấn định một kế
hoạch về tổ chức chính quyền cho các lãnh thổ vùng Tây Bắc (Tây Bắc là tên mới
thay thế cho danh xưng Tây Bắc cũ và chữ lãnh thổ dùng ở đây có nghĩa là những
đất thuộc về Hoa Kỳ nhưng chưa trở thành tiểu bang).
Sắc luật Tây
Bắc ấn định rằng dân chúng ở các vùng lãnh thổ muốn đạt tới chính quyền hoàn
toàn tự trị thì phải trải qua ba giai đoạn như sau:
1. Chừng nào mà
dân số ở trong vùng lãnh thổ Tây Bắc còn ít (dưới 5000) thì Quốc hội sẽ tuyển
chọn một vị thống đốc và ba vị thẩm phán để trông nom việc cai trị ở đây.
2. Khi nào lãnh
thổ này có đủ năm ngàn nam công dân tự do (không phải nô lệ) trưởng thành, thì
dân chúng sẽ bầu một hội đồng. Hội đồng này sẽ cùng với Thượng Hội đồng để lo
việc làm luật cho lãnh thổ. Lãnh thổ cũng có thể có một đại biểu tại Quốc hội.
Vị đại biểu này có thể đề nghị dự luật và lên diễn đàn tại Quốc hội nhưng không
có quyền bỏ phiếu.
3. Khi nào lãnh
thổ có đủ 60.000 dân tự do đến định cư ở trong một lãnh thổ ấn định thì lãnh thổ
đó có thể tiến đến thành một tiểu bang. Dân chúng trong lãnh thổ phải soạn thảo
một bản hiến pháp rồi nộp đơn lên xin phép Quốc hội để gia nhập Cộng đồng Liên
bang như một tiểu bang. Nếu được Quốc hội chấp thuận thì lãnh thổ đó sẽ được gia
nhập Cộng đồng Liên bang như một tiểu bang với đầy đủ quyền hành, bình đẳng về
mọi phương diện giống như 13 tiểu bang nguyên thủy. Hy vọng là sẽ có từ 3 đến 5
tiểu bang được thành lập ở miền Tây Bắc này.
Hơn nữa, sắc
luật Tây Bắc đã ghi rõ một số quyền lợi dành cho dân chúng sinh sống cư ngụ ở
các lãnh thổ vùng Tây Bắc được hưởng. Dân ở đây được tự do thờ phượng, tự do
ngôn luận, nếu bị tố cáo là phạm một tội gì đi nữa thì họ phải có quyền được xử
bằng một bồi thẩm đoàn và được bảo vệ khỏi bị trừng phạt một cách vô lý, bất
công. Giáo dục miễn phí cho tất cả mọi người phải được khuyến khích. Đồng thời
sắc luật Tây Bắc cũng cấm chế độ nô lệ ở trong các lãnh thổ thuộc vùng Tây Bắc.
- Sắc luật
Tây Bắc trở thành kiểu mẫu cho các lãnh thổ khác ở trong đất nước Hoa Kỳ
Sắc lệnh Tây Bắc là một
trong những sắc lệnh khôn ngoan nhất đã được Quốc hội thông qua từ trước đến
giờ. Sắc lệnh mới này đã trao cho dân định cư nhiều quyền tự do có ý nghĩa rất
nhiều đối với mọi người dân Hoa Kỳ. Sắc lệnh này cũng ấn định hình thức chính
quyền có thể thay đổi theo nhu cầu của dân định cư. Sắc luật này thu xếp một
loại chính quyền đơn giản cho một nhóm ít người định cư còn phải bận tâm vật
lộn trong công cuộc định cư lập nghiệp. Nhưng sắc luật này cũng hứa hẹn với
những ai sẵn sàng liều mình can đảm đến định cư ở nơi hoang vu nguy hiểm thì
cũng sẽ có một chính quyền tự trị với đầy đủ quyền lợi giống như ở những tiểu
bang cũ.
Sắc luật Tây
Bắc cũng trở nên một kiểu mẫu về chính quyền cho những lãnh thổ khác ở trong đất
nước Hoa Kỳ. Khi mà người dân đi khai phá định cư càng đi xa hơn về phía Tây hay
phía Tây Nam thì Quốc hội cũng đều lập một loại chính quyền như vậy cho các lãnh
thổ này. Sắc luật Tây Bắc đã khích lệ giấc mơ tự do và tiến đến chính quyền tự
trị của người Hoa Kỳ rất nhiều.
¨
PHẦN BA
MIỀN TÂY
CỦA NƯỚC TÂN CỘNG HÒA HOA KỲ ĐÃ PHÁT TRIỂN NHƯ THẾ NÀO TRONG TIỀN BÁN THẾ KỶ THỨ
XIX?
- Dân định cư
đổ xô đến các vùng lãnh thổ Tây Bắc
Sau khi ban hành sắc lệnh
Tây Bắc, hàng trăm dân định cư lũ lượt kéo đến các vùng lãnh thổ Tây Bắc để tìm
đất mới. Nhiều người đi theo con đường cũ mà tướng Braddock đã thiết lập ngày
xưa. Con đường này đi xuyên qua miền đất phía Tây tiểu bang Pennsylvania. Họ
dùng ngựa hay toa xe có ngựa kéo để đi đến Pittsburgh. Tới đây, họ đóng những bè
lớn rồi toàn thể gia đình, cả đồ gia dụng và gia súc chất chứa lên bè rồi đi
theo dòng sông Ohio. Họ sẽ dừng lại nơi nào họ muốn, và khi đó họ sẽ đẩy những
chiếc bè của họ vào bờ.
- Việc mở
mang thị trấn ở miền Tây Bắc
Tháng 4 năm 1788, có 47
người đi trên một cái bè mà họ gọi là Mayflower xuôi theo dòng sông Ohio. Họ
ngừng lại ở ngã ba sông Muskingum và sông Ohio rồi thiết lập thị trấn Marietta,
thị trấn đầu tiên ở Tây Bắc. Họ là những người do công ty điền địa Ohio gởi tới.
Việc đầu tiên họ phải làm là thiết lập các chòi canh để canh gác đề phòng người
da đỏ. Sau đó, có nhiều người định cư khác kéo đến và không bao lâu, nhiều căn
nhà gỗ mọc lên chung quanh các chòi canh. Chỉ trong vòng 2 năm, Marietta đã trở
nên một làng sầm uất với những nhà thờ, trường học, và dân số lên tới hàng ngàn.
Lịch sử về các
vùng đất khác trong các lãnh thổ vùng Tây Bắc đều tương tự như vậy cả. Sau khi
Marietta thành lập được vài tháng, xuôi dòng Ohio xa hơn, Cincinatti cũng được
thành lập vào năm 1790. Thị trấn này cho biết có 1300 dân. Sáu năm sau, ông
Moses Cleverland khởi lập một thị trấn [9]
trên bờ hồ Erie. Thị trấn này mang tên ông. Năm 1803, quân đội Hoa Kỳ xây đồn
Dearborn trên bờ hồ Michigan, nơi mà ngày nay là thành phố Chicago. Ngay sau đó,
chung quanh đồn này phát triển thành một khu định cư.
- Những rắc
rối với những người da đỏ ở miền Tây Bắc
Đối với dân đi định cư lập
nghiệp ở vùng Tây Bắc thì sống là tranh đấu. Ngoài những khó khăn cực nhọc như
làm việc cong cả xương sống, mùa Đông thì lạnh giá, và thiếu những tiện nghi tối
thiểu. Hàng ngày người dân định cư còn phải đương đầu với mối nguy hiểm thường
trực nữa là người da đỏ có thể đến tấn công họ bất cứ lúc nào. Người da đỏ đã ký
nhiều thỏa hiệp trao nhiều đất đai ở vùng phía Bắc sông Ohio cho người da trắng.
Nhưng họ không giữ lời hứa tuân theo các thỏa hiệp này. Phần vì họ không hiểu ý
nghĩa những thỏa hiệp mà họ đã ký, phần thì có những người da đỏ không ký những
thỏa hiệp này. Cho nên họ cho rằng họ không bị ràng buộc phải tuân hành những
thỏa hiệp đó. Dân da đỏ rất bất bình về sự hiện diện của người da trắng ở vùng
đất này, vì người da trắng đã săn đuổi thú rừng, loại thú mà người da đỏ dùng
làm thực phẩm cho họ. Ngược lại, dân định cư cũng rất bất mãn và rất sợ những
người da đỏ.
- Tổng thống
Washington giải quyết vấn đề da đỏ ở vùng Tây Bắc
Khi lên làm Tổng thống,
Washington đã quyết định phải tỏ thái độ hành động với người da đỏ ở vùng Tây
Bắc. Những người dân đến định cư ở vùng Tây Bắc là những người Hoa Kỳ trung
thành và dĩ nhiên họ hướng về chính phủ trung ương để cầu cứu. Tổng thống
Washington cho rằng nếu ông muốn giữ vững được lòng trung thành của người dân
miền Tây thì phải đánh bại dân da đỏ ở vùng này. Hơn nữa, dân da đỏ đang thách
đố chính quyền Hoa Kỳ. Điều này không thể nào tha thứ được.
Hai đạo quân
đầu do Tổng thống Washington gửi đi để đánh dẹp người da đỏ đều bị phục kích và
bị đánh bại. Sau cùng, ông cử tướng Anthony Wayne, một vì anh hùng trong thời
chiến tranh cách mạng, dẫn quân đi trừng phạt bọn người da đỏ hùng mạnh này. Nhờ
quân sĩ được huấn luyện kỹ càng và lại có người da đỏ dẫn đường, Tướng Wayne từ
từ tiến sâu về phía Tây trong lãnh thổ của người da đỏ. Ông đụng độ với đạo quân
da đỏ và đè bẹp được đạo quân này ở vùng Tây Bắc Ohio. Bị đánh bại hoàn toàn,
người da đỏ bằng lòng để cho người dân định cư được yên ổn làm ăn. Đồng thời, họ
ký thêm nhiều thỏa hiệp mới, theo đó thì họ từ bỏ thêm vùng đất ở phía Bắc sông
Ohio. Cuộc hành quân của tướng Wayne giải quyết được vấn đề da đỏ được nhiều
năm. Dân định cư da trắng không còn phải sống trong lo sợ bị người da đỏ tấn
công giết hại nữa.
- Những tiểu
bang mới làm tăng thêm những ngôi sao lên quốc kỳ Hiệp chủng quốc
George Washington lên làm
Tổng thống không được bao lâu thì nhiều tiểu bang mới được gia nhập Cộng đồng
Liên bang. Vermont là một tiểu bang thứ 14, thêm một ngôi sao vào quốc kỳ Hiệp
chủng quốc. Dù rằng vào thời kỳ cách mạng, chúng ta không có Vermont; Vermont là
vùng đất ở miền Tây, nhưng đó cũng là một vùng biên cương. Sau khi cách mạng
bùng nổ, Vermont thiết lập chính quyền tiểu bang, nhưng mãi đến năm 1791 mới
được Quốc hội chính thức công nhận.
Sau đó, nhiều
vùng lãnh thổ ở vùng Tây Nam cũ cũng đệ đơn gia nhập Cộng đồng Liên bang (xin
hưởng quy chế tiểu bang). Kentucky trở thành tiểu bang vào năm 1792, và kế đó là
Tennessee năm 1796. những vùng đất còn lại ở vùng Tây Nam cũ sau này tổ chức
thành lãnh thổ Mississippi. Đây là vùng đất được các nhà nông nghiệp chuyên về
trồng bông đến định cư. Ít năm sau, nhiều người khác đến sinh sống và lãnh thổ
này được chia làm hai tiểu bang: Mississippi (1817), và Alabama (1819).
Ở miền Tây Bắc,
sau khi giải quyết xong vụ lộn xộn với người da đỏ, dân cư ở vùng Ohio gia tăng
rất nhanh. Và năm 1803, Ohio trở thành một tiểu bang. Tiếp theo là Indianna năm
1816, Illinois năm 1817, và Michigan năm 1837. Khi Wisconsin trở thành một tiểu
bang vào năm 1848 thì lãnh thổ miền Tây Bắc đã có 5 tiểu bang gia nhập Cộng đồng
Liên bang. Trong những chương tới, chúng ta sẽ thấy rằng nhiều tiểu bang khác
(Louisiana, Maine, Missouri, Arkansas, Florida, Texas, Iowa và California) gia
nhập Cộng đồng Liên bang trong tiền bán thế kỷ thứ XIX. Chỉ trong vòng hơn nửa
thế kỷ, quốc gia trẻ trung này đã bành trướng tới 31 tiểu bang.
¨
PHẦN BỐN
HOÀN
CẢNH MIỀN TÂY ĐÃ KHÍCH LỆ ĐỜI SỐNG DÂN CHỦ NHƯ THẾ NÀO?
Ngày
nay, cuộc đời của một cậu trai sinh sống ở trong một nông trại ở Arkansas thì
rất khác biệt với một cậu trai ở trong một thành phố lớn như Chicago hay New
York. Cho nên vào thời kỳ còn những vùng biên cương thì đời sống ở miền Tây cũng
rất khác biệt với đời sống của những người sinh sống ở các vùng định cư đã được
ổn định từ lâu ở miền Đông và miền Nam. Sự khác biệt vào thời đó rõ rệt và lớn
lao hơn nhiều.
- Người miền
Tây là một loại người Hoa Kỳ mới
Nếu chúng ta có dịp biết rõ
một thanh niên hay phụ nữ đã đi miền Tây thì có lẽ chúng ta đã hiểu thấu được
tại sao người miền Tây lại khác hẳn với người miền Đông và người miền Nam. Chúng
ta hãy đi thăm một xóm nhà gỗ một nơi nào ở vùng biên cương dọc theo hạ lưu sông
Ohio vào đầu thế kỷ thứ XIX. Có ba người sinh sống ở trong các căn nhà gỗ này.
Chúng ta tạm đặt tên cho ba người này là Robert Adams, John Lyon và Thomas
Mackenzie.
Trước khi ba
người này di chuyển về miền Tây, lối sống của họ rất khác biệt. Tại quê cũ,
Robert Adams vốn thuộc một gia đình giàu có được mọi người kính nể ở miền Tân
Anh. Gia đình này ngay từ thời thuộc địa đã đầu tư vào nghề đóng tàu và buôn
bán. John Lyon là con một người mới di cư sang Mỹ châu. Ngoài cuộc đời nghèo khổ
và cực nhọc ra, ông ta không biết gì hết. Thomas Mackenzie vốn là dòng dõi người
Tô Cách Ái Nhĩ Lan và xuất thân là con một gia đình tiểu điền chủ ở Virginia,
nơi mà xưa kia anh ta phải sống tằn tiện và làm việc rất cực nhọc mà vẫn không
được đầy đủ. Nếu Adams, Lyon, và Mackenzie trước kia gặp nhau ở miền Đông thì
hẳn là khó có cơ hội để trở thành bạn bè với nhau được. Nhưng ở đây, những vùng
đất mới ở phía bên ngoài vùng Appalaches thì ba người đều phải đương đầu với
cùng một vấn đề như nhau, cũng như phải đương đầu với cùng những nguy hiểm. Sau
khi cắm đất làm nông trại, họ phải đốn cây, làm nhà cho gia đình trú ẩn. Họ phải
trồng trọt, gặt hái và thu dọn mùa màng. Vì khi di chuyển về miền Tây, họ chỉ
mang theo được rất ít dụng cụ, cho nên bây giờ họ phải tùy thuộc vào khả năng
khéo léo của họ để chế tạo những đồ dùng cần thiết ở trong nhà cũng như cần
thiết cho công việc trồng trọt. Khi có những công việc đòi hỏi cần phải có nhiều
người làm thì hàng xóm chạy sang giúp đỡ. Hơn nữa, nếu cần thì tất cả những
người dân định cư kết hợp lại để bảo vệ làng xóm định cư chống lại người da đỏ
thù nghịch.
Chúng ta không
lấy gì làm ngạc nhiên ở miền Tây mới này, những người như Adams, Lyon, và
Mackenzie lại dễ dàng trở thành những người bạn thân thiết. Dọc theo vùng biên
cương, không có ai lại đi hỏi hàng xóm của mình rằng “Ba má anh là ai?” hay là
“Bạn có bao nhiêu tiền?”. Trong khu định cư mới, người ta chỉ cần biết đến sức
khỏe, lòng can đảm, khả năng chịu đựng cực nhọc, và thiện ý sẵn sàng giúp đỡ lẫn
nhau.
- Một người
tiền phong định cư nói về đời sống ở vùng biên cương
Cách tốt nhất cho chúng ta
dễ hiểu thấu sự thật về tư cách và khả năng của người dân vùng biên cương là
chúng ta nên đọc đoạn văn dưới đây do chính một người dân ở vùng biên cương viết
về đời sống của họ. Đoạn văn dưới đây được viết vào thời người ta đến định cư
lập nghiệp ở Ohio. Và họ viết:
“Thật là khó có
thể nhận ra rằng sự việc đã thay đổi quá nhiều, vì rằng thời kỳ đó cuộc sống đơn
sơ của thời ban khai đã hiện ra quá rõ…Những căn nhà và những kho chứa lúa được
dựng lên bằng những cây gỗ do các ông bạn láng giềng xúm lại dùng sức mạnh hiệp
lại để tạo dựng nên.
Những tay
chuyên môn sử dụng búa thì được trao cho trách nhiệm đặt những cây gỗ lên trên
tường, người nào có kinh nghiệm thì lấy hướng…Hai cây gỗ cạnh đầu tiên được đặt
vào đúng chỗ...rồi người ta cắt khấc ở các đầu gỗ ấy; tiếp theo người ta dùng
nạng để lăn hai cây gỗ khác lên và cùng cắt khấc ở đầu. Tại các góc tường ở phía
bên trên có một người đứng sẵn để tiếp nhận những cây gỗ rồi cắt khấc và đặt vào
đúng chỗ; khi những cây gỗ kế tiếp được lăn lên cũng sẽ được cắt khấc và mặt có
cắt khấc cho quay xuống để dễ dàng nhận những cây gỗ kế tiếp. Những cây gỗ này
được đóng chặt lại theo cách này giống như mộng đuôi én và làm thành một bức
tường chặt chẽ hơn. Mỗi khi có cây gỗ mới được nâng lên thì người ta nâng đầu
nạng lên xong rồi lại đặt xuống để đón cây gỗ kế tiếp. Người ta đứng ở dưới đất
đưa những cây gỗ lên bằng cách lăn lên trên những cái nạng này. Nhưng khi bức
tường đã quá cao, người ta dùng những cây có chạc sử dụng như một cái nĩa để đưa
những cây gỗ lên. Dùng cây có chạc có thể đẩy cả cây gỗ lên một cách dễ dàng và
an toàn. Những người biết làm gỗ rừng thì ít khi xảy ra tai nạn trừ khi những
cây gỗ có đọng nước hay ướt.
Tôi ở trong
những đám làm nhà như vậy rất thường, bởi vì chúng tôi thường đã tham dự những
vụ làm nhà như vậy, và đó cũng là tập quán mỗi nhà thường gửi một người sang gia
đình bạn để làm giúp khi có công việc làm nhà, và ngược lại khi chính nhà mình
có làm nhà thì cũng được người ta làm giúp như vậy. Nếu việc làm không quá nặng
thì vào lúc cây đưa lên, tôi thường là người đứng trên góc; đó là chỗ đứng danh
dự và đứng ở chỗ này đầu tôi phải giữ thẳng ngay từ dưới đất lên. Muốn chặt gỗ
trên góc tường, chúng tôi phải luôn luôn dùng thang và giữ cho quân bình.
Sự giúp đỡ lẫn
nhau giữa những người trong lối xóm trong công việc làm nhà đã được mở rộng
sang nhiều công việc khác như phá rừng, đốn cây, lăn cây, chặt bụi rậm, chặt cây
để làm nhà, v.v…Những khi có một nhóm thanh niên đàn ông tụ tập làm một công
việc gì thì thường thường các bà cũng có những công việc để giúp đỡ lẫn nhau như
may mặc, quay sợi cho những người láng giềng nghèo. Lối làm việc như vậy thường
đưa đến những cuộc tập họp vui chung vào sau bữa ăn chiều. Và lúc đó sẽ có khiêu
vũ, trình diễn kịch kéo dài cho tới khuya. Đó cũng là cơ hội cho các cô, cậu còn
trẻ trong nhà được vui nhộn trong chốc lát, hay là nếu họ về nhà sớm, họ sẽ ngồi
bên lò sưởi để nói chuyện tầm phào.
Tới mùa trồng
và hái lanh sẽ có nhiều việc phải làm như làm cỏ, xén cây, và mỗi công việc lại
là một cơ hội cho các cô cậu tụ tập vui nhộn với nhau. Giờ đây, mỗi khi nhớ lại
hồi đó, tôi thật lấy làm bối rối không biết làm thế nào mà những căn nhà nhỏ bé
đông chật ních lại có thể tổ chức được các cuộc họp ban chung vui, và làm thế
nào mà những căn phòng ở trong dẫy chung cư chỉ rộng chừng 18 bộ vuông mà trong
đó lại còn có hai bộ giường ngủ lớn và một giường ngủ nhỏ (chiếc giường này có
thể đẩy vào gầm giường lớn), ngoài ra lại còn có đồ đạc (dù không có nhiều đi
nữa) mà người ta vẫn có thể tổ chức khiêu vũ ở trong đó được. Lại nữa có những
căn nhà nhỏ bé chứa đựng được nhiều gia đình. Tôi thường thấy ba, bốn đầu người
chụm lại ở trên một cái giường nằm lơ lửng một nửa ở dưới gầm giường lớn, và một
nửa giường thò ra ngoài để vươn người ra ngoài thưởng thức trò vui của người
lớn. Trong khi đó những chiếc giường lớn chồng chất những mũ, nón, và có lẽ có
cả một hay hai đứa nhỏ bé tí ti cho tới khi các bà mẹ ra về mới được xếp cho
gọn”.
- Người miền
Tây có tinh thần dân chủ cao
Đời sống đơn giản và cực
nhọc của những người dân định cư ở miền Tây đã khiến cho họ mở rộng những tư
tưởng khác hẳn những tư tưởng mà chúng ta thường thấy ở các vùng đất cũ khác của
đất nước. Trước hết là trong thâm tâm của những người dân ở vùng biên cương có
tinh thần bình đẳng rất mạnh. Ở vùng biên cương mỗi người đều có cơ hội tốt đẹp
để thành công. Ai cũng có cùng một loại nhà, ăn cùng một thứ thực phẩm, mặc cùng
một thứ quần áo, làm cùng một thứ công việc và cùng phải đương đầu với những thứ
nguy hiểm như nhau. Người ta thường nói rằng dân chủ có nghĩa là không phải rằng
“tôi cũng tốt như anh” mà là “anh tốt như tôi” đó là lối cảm nghĩ của người miền
Tây.
Tinh thần bình
đẳng được nuôi dưỡng bằng cuộc sống cực nhọc ở vùng biên cương đã hun đúc cho
người miền Tây vững tin vào chính quyền dân chủ. Họ cho rằng mọi người phải có
quyền bầu cử và tham dự vào chính quyền, một tư tưởng đã làm người dân miền Đông
phải buồn lòng. Chúng ta sẽ thấy rằng tư tưởng này sẽ lan tràn sang khắp nơi ở
trong nước.
- Dân miền
Tây phát triển những đặc tính khác
Ngoài tinh thần dân chủ rất
cao, người dân miền biên cương thường thường rất lạc quan. Mọi sự vật đều được
họ nhìn với con mắt lạc quan. Ở khắp nơi, người ta đều thấy dấu hiệu của sự tiến
bộ lớn lao mà họ thực hiện được trong công cuộc đi định cư lập nghiệp ở giữa
chốn hoang vu. Họ thấy rõ trước mắt họ biết bao nhiêu cơ hội cho những ai có
thiện chí làm việc. Điều này đã làm cho họ hăng say, cố gắng và hy vọng. Mặt
khác, nó cũng khiến cho họ dễ dàng ồn ào và khoe khoang về chính họ cũng như
khoe khoang về miền Tây. Đối với người dân miền Đông, họ cho rằng người dân miền
Tây là thô bạo, ngu dốt, thiếu lịch sự và thiếu giáo dục.
- Miền Tây
tranh đấu cho quyền lợi của họ tại Quốc hội
Khi lãnh thổ ở bên kia dãy
núi Appalaches được quy định và tổ chức thành tiểu bang thì dân chúng ở đó có
thể gửi các vị đại diện của họ tới Quốc hội tại Washington. Những vị đại diện
này yêu cầu Quốc hội trợ giúp để thỏa mãn những nhu cầu của dân chúng ở miền
Tây. Trước hết là họ muốn mua đất rẻ. Trước kia các bạn thấy rằng dân định cư
đến lập nghiệp phải mua đất của chính phủ hay của các công ty điền địa. Năm
1820, Quốc hội thông qua một đạo luật về đất đai. Đạo luật này làm cho dân miền
Tây được hài lòng, vì luật này đã làm cho giá đất được rẻ hơn. Theo luật này thì
một người có thể mua được 80 mẫu (hay 1/8 của một phần đất) với giá là 1.25 Mỹ
kim một mẫu hay là 100 Mỹ kim tất cả. Các bạn còn nhớ là một người ngày xưa muốn
mua đất phải mua toàn thể phần đất với giá là 640 Mỹ kim. Sau này vào năm 1820,
bất kỳ ai có đủ 100 Mỹ kim cũng có thể làm chủ một nông trại khá lớn.
Điểm thứ hai là
các vị dân biểu của các tiểu bang miền Tây yêu cầu Quốc hội cải thiện ngành
giao thông chuyển vận. Hệ thống giao thông chuyển vận tốt đẹp rất quan trọng đối
với người dân miền Tây, vì rằng việc chuyển vận sản phẩm đến thị trường tiêu thụ
là việc sống còn đối với họ. Nhưng công việc thiết lập đường xá, và kinh đào thì
rất tốn kém. Các tiểu bang miền Tây cho rằng chính phủ Liên bang phải cùng chịu
phí tổn với họ. Lại một lần nữa, họ yêu cầu Quốc hội trợ giúp họ. Vì thế chính
phủ Liên bang cho khởi lập quốc lộ Cumberland chạy từ Maryland đi về phía Tây,
và tài trợ tốn phí cho con đường này. Sau khi hoàn thành xong kinh Erie, nhiều
tiểu bang miền Tây nhận được trợ cấp để đào những con kinh nối liền các con sông
quan trọng với sông Mississippi và với Ngũ Đại hồ.
Trong thế kỷ
thứ XIX, các vị dân biểu của các tiểu bang vùng biên cương đã mạnh bạo nói lên
nhu cầu của các tiểu bang của họ trước diễn đàn Quốc hội. Kết quả là các vị dân
biểu của các tiểu bang miền Đông và miền Nam nhận thức được rằng miền Tây với
những quyền lợi của miền Tây đã trở thành vùng lãnh thổ mới và quan trọng đối
với đất nước Hoa Kỳ.
Chú thích:
[9]
Thành phố Cleaverland được viết lại như thế này “Cleverland”. Không ai
biết chắc là làm thế nào và tại sao người ta lại bỏ đi một chữ “a”.
Chuyện rằng, một ông chủ tờ báo đã bỏ chữ “a” này đi để làm cho ngắn cái
tên này, và cũng là làm cho tựa đề của ông ở trên tờ báo được đẹp hơn.
(xem tiếp : Chương XVII)
Các bài cùng tập Lịch Sử Hoa Kỳ
▪ 2004-08-15 - LSHK-1- Marco Polo và những chuyện kỳ thú ở Đông phương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 0000-00-00 - LSHK-1- Marco Polo và những chuyện kỳ thú ở Đông phương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-2- Magellan tìm ra con đường đi vòng quanh thế giới - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-3- Những Lá Thư Của Phillip Andrew - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-4- Việc Thành Lập 13 Thuộc Địa Anh - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-5- Dân Chúng Sống Ở Thuộc Địa Anh Như Thế Nào? - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-6- Nước Pháp Thắng Rồi Lại Bại - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-7- Người Anh Cai Trị Các Thuộc Địa Như Thế Nào? - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-8- Dân Thuộc Địa Chống Lại Anh Quốc - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2022-07-05 - MƯỜI BA THUỘC ĐỊA ANH GIÀNH ĐỘC LẬP - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2014-07-04 - LSHK-9- 13 Thuộc Địa Anh Giành Độc Lập - Nguyễn Mạnh Quang dịch -
▪ 2004-08-15 - LSHK-1- Marco Polo và những chuyện kỳ thú ở Đông phương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-10- Tinh Thần Độc Lập Ảnh Hưởng Khắp Mỹ Châu - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-11- 13 Tiểu Bang Kết Thành 1 Quốc Gia - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-12- Tân Chính Phủ Trung Ương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-13- Hoa Kỳ Được Các Quốc Gia Khác Kính Nể - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-14- Miền Đông Bắc Trở Thành Trung Tâm Kỹ Nghệ - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-15- Miền Nam Trở Thành Vương Quốc Bông Vải - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 0000-00-00 - LSHK-16- Chế Độ Dân Chủ Theo Đà Mở Rộng Biên Cương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-17- Toàn Quốc Trở Nên Dân Chủ Hơn - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 1 2 ▪ >>>
Trang Lịch Sử