LỊCH SỬ HOA KỲ
(3 tác giả)
Nguyễn Mạnh Quang dịch
http://sachhiem.net/NMQ/LSHK/LSHK11.php
| bản rời | « Xem Mục Lục » | 12 tháng 9, 2009
(tiếp theo Chương mười)
MỤC IV
QUỐC GIA HOA KỲ
ĐƯỢC THIẾT LẬP TRÊN MỘT NỀN TẢNG VỮNG CHẮC
Giống như một thanh niên
bước ra đời ước ao việc làm ăn được khá giả, một quốc gia cũng phải chiếm một
địa vị đáng nể đối với các quốc gia khác. Người thanh niên trung bình thường
muốn được thành công trong công việc làm ăn, được các bạn bè quý mến, và được
hạnh phúc trong đời sống gia đình. Lúc đầu, khi đi làm việc, anh ta chỉ có một
chút ít kinh nghiệm và chưa được thử thách. Anh ta sẽ phải quyết định đi con
đường nào để đưa anh ta đến thành công và hạnh phúc, hay là nếu anh ta đi con
đường khác sẽ dẫn anh ta vào chán nản và thất bại.
Những người đã
tranh đấu giành độc lập cho Hiệp Chủng Quốc có nhiều cao vọng cho tương lai đất
nước. Họ mong muốn Hoa Kỳ phải hùng cường và thịnh vượng để được các quốc gia
khác phải kính nể, họ muốn rằng dưới sự lãnh đạo của Tân chính phủ, nhân dân
phải được sung sướng. Cho nên đất nước được độc lập cũng chưa đủ, phải thiết lập
một chính phủ mạnh vì dân khiến cho các quốc gia khác phải khâm phục. Nước Mỹ
còn quá trẻ, và còn xa lạ chưa gặp thử thách. Chỉ có thời gian mới xác định được
việc hoàn thành kỳ vọng của các nhà sáng lập quốc.
Trong mục III
trước, chúng ta đã tìm hiểu Hoa Kỳ đã giành được độc lập và tự do như thế nào.
Trong mục này, chúng ta sẽ tìm xem Hoa Kỳ, một quốc gia còn quá trẻ phải đương
đầu với biết bao vấn đề khó khăn như thế nào. Chương XI sẽ nói về thời kỳ xáo
trộn ngay sau thời cách mạng, và Hiến pháp Hoa Kỳ đã đem 13 tiểu bang kết hợp
thành một khối vững mạnh như thế nào.
Chương XII sẽ
nói về chính phủ của nền tân cộng hòa Hoa Kỳ đã khởi hành bằng một bước đi vững
chắc. Hai bước đi quan trọng là việc tổ chức một nền tài chánh vững mạnh, và
việc thiết lập một thủ đô lâu dài cho đất nước Hoa Kỳ. Chương XIII chúng ta sẽ
tìm hiểu về việc lãnh thổ được mở rộng gấp bội lần và Hoa Kỳ đã chiếm được một
địa vị trong chính trường quốc tế cũng như đối với các quốc gia khác.
۞
Một chính phủ cộng hòa công
bằng và vững mạnh được duy trì ở vùng đất này sẽ là một đài kỷ niệm sừng sững
hiên ngang như một tấm gương sáng cho các dân tộc của các quốc gia khác nhằm đó
mà noi gương...
(Thomas Jefferson)
pypypy
CHƯƠNG XI
THEO
HIẾN PHÁP, MƯỜI BA TIỂU BANG KẾT HỢP THÀNH
MỘT QUỐC
GIA VỮNG MẠNH
Trọn đời chúng ta phải hành
động theo luật lệ. Tại gia đình, chúng ta phải tuân theo luật lệ của gia đình. Ở
trường học, chúng ta phải tuân theo luật lệ của học đường. Khi đi ở ngoài đường
phố, chúng ta phải tuân theo luật lệ lưu thông. Khi tham dự đấu túc cầu, bóng rổ
hay dã cầu chúng ta phải tuân theo các luật lệ thể thao. Nếu không có luật lệ,
người ta không thể sống chung, làm việc hay tham dự các trò chơi với nhau được.
Một quốc gia
cũng cần phải có những luật lệ hay những thỏa hiệp để điều hành các công việc
chung của đất nước. Những luật lệ này là một phần của hệ thống tổ chức chính
quyền của một quốc gia. Tuy nhiên, khi Hoa Kỳ tuyên bố độc lập, lại không có một
luật lệ nào cả để điều hành chính quyền. Thật ra, nhìn vào toàn bộ phải nói là
không có một chính phủ chung cho cả 13 tiểu bang. Trong thời gian chiến tranh
cách mạng, 13 thuộc địa mà sau này gọi là 13 tiểu bang đã cùng chung lưng làm
việc để tranh đấu giành độc lập.
Sau khi chiến
tranh cách mạng chấm dứt, một nhóm những người Hoa Kỳ tài ba xuất chúng đã hợp
lại để cùng gánh vác nhiệm vụ khó khăn để thiết lập tân chính phủ cho toàn thể
đất nước. Những nhà lãnh đạo trên đây đã hoàn thành xong việc soạn thảo một kế
hoạch mới. Với ít nhiều sửa đổi, kế hoạch này đã kéo dài và tồn tại mãi đến ngày
nay. Kế hoạch này gọi là Hiến pháp. Trong chương này, chúng ta sẽ bàn về hiến
pháp đã được soạn thảo như thế nào. Chúng ta hãy tìm hiểu những vấn đề dưới đây:
1. Sau chiến
tranh cách mạng, công việc điều hành chính quyền Hoa Kỳ ra sao?
2. Hiến pháp đã
trở thành nền tảng của chính quyền Hoa Kỳ như thế nào?
¨
PHẦN MỘT
SAU
CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG,
CÔNG VIỆC ĐIỀU HÀNH CHÍNH QUYỀN HOA KỲ RA SAO?
Chúng ta thường quên nghĩ
đến “chính quyền Hoa Kỳ” đến nỗi hầu như chúng ta quên rằng chính phủ Hoa Kỳ gần
như không có. Dù rằng quốc gia Hoa Kỳ đã được thành lập nhiều năm trước đây,
nhưng theo Hiến pháp Hoa Kỳ thì mãi đến năm 1789 Hoa Kỳ mới có chính phủ trung
ương mạnh. Vào những năm đầu, các tiểu bang không kết hợp chặt chẽ với nhau như
ngày nay. Qua nhiều năm kinh nghiệm, các tiểu bang mới nhận thức được rằng nếu
Hoa Kỳ muốn trở nên một quốc gia hùng mạnh và bền chặt thì các tiểu bang phải
kết hợp thành một khối vững chắc. Để hiểu rõ hiến pháp Hoa Kỳ đã được soạn thảo
như thế nào, chúng ta cần phải biết Hoa Kỳ có hình thức chính phủ nào trong
những năm vừa mới giành được độc lập. Chúng ta hãy tìm hiểu vấn đề này vào những
ngày trước khi xảy ra chiến tranh cách mạng.
- Mười ba
tiểu bang rất ít thành công trong công việc cộng tác với nhau
Vào giữa thế kỷ thứ XVIII,
dù rằng 13 thuộc địa của Anh thần phục mẫu quốc, nhưng mỗi thuộc địa đều có một
chính phủ riêng. Lúc bấy giờ dân thuộc địa thường không tự coi họ là người dân
của cộng đồng 13 thuộc địa hợp nhất. Họ cũng không coi họ như là người dân Hoa
Kỳ, mà trái lại họ xem họ như là người dân Virginia, người Rhode Island, và vân
vân...
Điều chắc chắn
là dân thuộc địa có những điểm tương đồng. Họ cùng thuộc một mẫu quốc, và hầu
như toàn thể dân thuộc địa cùng nói một thứ tiếng (ngôn ngữ). Vào những giờ phút
hiểm nghèo lẽ tự nhiên là họ cùng nhau sát cánh kề vai để đương đầu với khó khăn
nguy hiểm. Dù vậy, những nguy hiểm cũng vẫn chưa làm cho các thuộc địa kết hợp
với nhau thành một quốc gia thực sự.
Chẳng hạn như khi xảy ra
chiến tranh với người Pháp và với người da đỏ, dân thuộc địa đã bàn đến việc
thống nhất để tự vệ chống lại người Pháp và người da đỏ. Năm 1754, đại diện của
hầu hết các thuộc địa đã nhóm họp ở Albany, New York để thảo luận về kế hoạch
phòng thủ chung. Họ đã bầu lên một hội đồng với đầy đủ quyền hành để ký các hòa
ước với người da đỏ, thiết lập các đồn ải, và thành lập quân đội cũng như tuyển
mộ quân sĩ để bảo vệ các thuộc địa. Mặc dầu kế hoạch thống nhất Albany (được gọi
như vậy) có nhiều ưu điểm, nhưng các thuộc địa không chấp nhận. Mỗi thuộc địa
lại muốn hoàn toàn tự kiểm soát điều khiển công việc ở trong thuộc địa của mình.
Họ không muốn để đại diện của bất kỳ một thuộc địa nào khác xen vào công việc
của họ. Các thuộc địa đã không có thiện chí để cùng nhau làm việc cho đại cuộc
chung của toàn thể 13 thuộc địa.
- Cuộc tranh
đấu giành độc lập đã mang lại một hình thức thống nhất
Mãi tới khi Anh quốc siết
chặt việc kiểm soát các thuộc địa, dân thuộc địa mới bắt đầu cộng tác với nhau
để bảo vệ quyền lợi của họ. Như các bạn đã biết, họ gửi đại diện đi tham dự Đệ
nhất và Đệ nhị Hội nghị Lục địa. Đệ nhị Hội nghị Lục địa nhóm họp lần đầu vào
tháng 5 năm 1775 và kéo dài cho đến tháng 3 năm 1781. Chính hội nghị này đã
tuyên bố độc lập và điều hành các công việc chung của Hoa Kỳ trong thời kỳ chiến
tranh cách mạng. Hội nghị lục địa điều khiển chiến tranh, lo tiền bạc và thương
thuyết lôi cuốn Pháp vào vòng chiến chống lại Anh quốc. Nhưng dân chúng hay là
các thuộc địa (tiểu bang) đã không trao thực quyền cho Hội nghị. Hội nghị chỉ là
một thứ chính quyền khẩn cấp do ý chí chung của 13 thuộc địa muốn chiến thắng
cuộc chiến nên đã cùng nhau thiết lập ra.
- Sau một
thời gian trì trệ, Hiến chương liên bang (còn được gọi là các Điều khoản Liên
bang) đã được chấp nhận
Trong khi đó, các tiểu bang
cũng nhận thức được rằng đất nước cần phải có một chính phủ bình thường, và cho
rằng các vị đại biểu trong Hội nghị phải tiến hành một kế hoạch lâu dài để làm
nền tảng cho một chính quyền bình thường như vậy. Các tiểu bang phải kết hợp với
nhau thành một cộng đồng gọi là Liên minh (Confederation). Kế hoạch cho cộng
đồng này gọi là Hiến chương Liên minh (Articles of Confederation).
Khi tân kế
hoạch được gởi tới các tiểu bang để phê chuẩn thì lại gặp phải một vấn đề rắc
rối. Vào lúc đó chừng một nửa số các tiểu bang chiếm các vùng đất rộng lớn ở
phía Tây dãy núi Appalaches. Dĩ nhiên là các tiểu bang này muốn giữ những vùng
đất ở phía Tây này. Nhưng các tiểu bang khác không chiếm đất ở phía Tây thì lại
không đổi ý để cho các tiểu bang kia chiếm luôn những vùng đất đó. Các tiểu bang
không chiếm đất ở miền Tây sợ rằng sẽ mãi mãi là tiểu bang nhỏ bé bên cạnh các
tiểu bang láng giềng rộng lớn và hùng mạnh. Các tiểu bang này cho rằng đất đai ở
miền Tây phải được trao cho Hiệp Chủng Quốc (chính quyền Trung ương). Chỉ khi
nào thực hiện được điều này thì họ mới chịu chấp nhận Hiến chương Liên bang.
Cuối cùng, các tiểu bang chiếm đất ở miền Tây phải đồng ý từ bỏ các vùng đất mà
họ đã chiếm và Hiến Chương Liên Bang được các tiểu bang phê chuẩn. Vì những trì
trệ này mà mãi tới năm 1781, khi mà chiến tranh gần chấm dứt, tân chính phủ
(Trung Ương) mới được thành lập.
Tân Chính
phủ (Trung Ương lúc bấy giờ) như thế nào?
Theo Hiến chương Liên Bang,
thì Tân chính phủ lúc bấy giờ không giống như chính phủ Liên bang ngày nay. Lúc
bấy giờ không có Tổng Thống với đầy đủ quyền hành để thi hành các luật lệ, và
lúc đó cũng không có tòa án tối cao để giải quyết các vụ tranh chấp quan trọng.
Chỉ có một Hội nghị gồm các đại biểu của các tiểu bang để điều hành các công
việc quốc gia. Các tiểu bang dù lớn hay nhỏ, mỗi tiểu bang cũng chỉ có một
phiếu. Hầu hết mọi vấn đề đều phải được chín trong số 13 tiểu bang chấp thuận
thì chính phủ Liên bang mới có quyền thi hành.
Theo Hiến
chương Liên bang thì Tân chính phủ có thể:
1. Quyết định
chiến tranh hay ký các thỏa hiệp hòa bình, nếu cần thì tổ chức quân đội và Hải
quân.
2. Kiểm soát
mọi công việc ngoại giao với các quốc gia khác.
3. Điều hành
việc mậu dịch với người da đỏ, và điều khiển sở “Da đỏ Sự vụ”.
4. Quản trị và
phân phối việc bưu chính.
5. Vay tiền để
trả các phí khoản cần thiết.
6. Yêu cầu các
tiểu bang đóng góp tiền bạc để trả các chi phí của chính phủ Liên bang.
- Chính phủ
Liên bang (lúc bấy giờ) là một chính phủ yếu
Tân chính phủ Liên bang lên
nắm chính quyền nhưng đã không tiến hành tốt đẹp. Một phần, vì đất nước vừa trải
qua những năm dài chinh chiến. Mọi việc sản xuất và mở mang kinh doanh đều bị
sao lãng. Thực phẩm và hàng hóa thì khan hiếm, và giá cả mọi thứ đều mắc mỏ. Đó
là những hoàn cảnh khó khăn ngoài những khó khăn khác của Tân chính phủ. Tuy
nhiên, cái khó khăn chính vẫn là điều mà Hiến chương Liên bang đã không trao đầy
đủ quyền hành cho chính phủ Trung ương. Chỉ vì quốc hội Anh cứ khăng khăng đòi
quyền đánh thuế dân thuộc địa và đòi điều khiển các công việc buôn bán ở các
thuộc địa cho nên người Hoa Kỳ mới phải chiến đấu trong cuộc chiến vừa qua. Vì
lý do này mà các tiểu bang sợ phải trao những quyền tự do quý báu của họ cho
chính quyền trung ương dù là chính quyền trung ương của chính họ.
Trong những
nhược điểm của Hiến chương Liên bang có một vài điểm quan trọng nhất:
1. Hội nghị
(chính phủ Trung ương) đã không được trao quyền đánh thuế. Chính phủ trung ương
không có quyền bắt dân chúng phải đóng thuế, mà trái lại phải xin các chính phủ
tiểu bang đóng góp tiền bạc. Thường thường, các tiểu bang không đóng góp đúng
với số tiền mà chính phủ Trung ương yêu cầu. Hậu quả là chính phủ Trung ương
không bao giờ có đủ tiền bạc, luôn luôn lâm vào cảnh thiếu nợ.
2. Khó khăn
khác nữa là chính phủ Trung ương không có quyền điều hành thương mại giữa các
tiểu bang. Dĩ nhiên là các nhà kinh doanh ở các tiểu bang mong muốn ráng hết sức
để càng kiếm được nhiều tiền càng tốt. Họ yêu cầu chính quyền tiểu bang của họ
không nên đánh thuế nặng vào các sản phẩm ở các tiểu bang khác. Thí dụ như nông
dân ở tiểu bang New Jersey mang rau đến thành phố New York để bán, họ không
những phải trả thuế đánh vào rau, mà còn phải trả tiền cước phí chuyên chở rau
nữa. Nếu tình trạng cứ tiếp tục như vậy thì việc mậu dịch giữa các tiểu bang ắt
phải giảm sút ghê gớm. Chính phủ Trung ương vẫn còn thiếu quyền hành để giải
quyết những vấn đề như vậy.
3. Nhược điểm
khác nữa của chính quyền Trung ương là chính quyền Trung ương không có phương
cách thỏa đáng nào để giải quyết các vụ tranh chấp giữa các tiểu bang. Chẳng hạn
như Pennsylvania và Connecticut gần như sắp đánh nhau vì một mảnh đất mà cả hai
tiểu bang cùng đòi quyền chiếm hữu. Chính phủ Trung ương vẫn không có quyền
thiết lập Tòa án Liên bang để giải quyết những vụ tranh chấp giữa các tiểu bang.
- Các tiểu
bang nhận thấy cần phải thay đổi chính phủ
Biết rõ những nhược điểm
của Hiến chương liên bang và những khó khăn trong thời hậu chiến, chúng ta không
lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy có nhiều người Hoa Kỳ bất mãn. Nếu dân chúng mất
công ăn việc làm hay phải trả thuế cao thì họ sẽ quy trách nhiệm cho chính phủ.
Thực ra, vào năm 1785, nhìn vào sự việc của Hoa Kỳ ở trong tình trạng như vậy,
các bậc trí giả thấy rằng cần phải có một kế hoạch xoay lại cơ đồ. Người ta e
rằng nếu 13 thuộc địa không tổ chức được thành một quốc gia hùng mạnh hơn thì
cái khối cộng đồng này sẽ bị tan vỡ sớm.
Lúc đó cũng là
lúc tiểu bang Virginia và tiểu bang Maryland đang tranh chấp với nhau về việc
lưu thông trên sông Potomac và ở vịnh Chesapeake. Năm 1785, đại biểu của hai
tiểu bang Maryland và Virginia nhóm họp và đồng thỏa thuận về việc điều hành tàu
thuyền lưu thông trên các thủy lộ này. Sự thành công này đã khích lệ họ nghĩ
rằng nếu các tiểu bang khác cũng tham gia với Maryland và Virginia để cùng thỏa
thuận một kế hoạch điều hành thương mãi chung thì thật là tốt đẹp.
- Triệu tập
đại hội để cải tổ chính phủ (trung ương)
Maryland và
Virginia yêu cầu các tiểu bang khác gửi đại diện đến họp tại Annapolis thuộc
tiểu bang Maryland vào một năm sau đó để cùng thảo luận về vấn đề này (vấn đề
điều hành thương mại). Chỉ có 5 trong số 13 tiểu bang gửi đại diện đến dự. Các
vị đại biểu trong cuộc họp bàn cãi về việc chính phủ Trung ương đã thất bại từ
trước đến giờ. Họ cũng quyết định là mong muốn cải tổ chính phủ. Vì mục đích
này, họ yêu cầu tất cả các tiểu bang gửi đại diện đến họp trong một kỳ đại hội
khác sẽ nhóm họp ở Philadelphia. Lần này được 12 trong số 13 tiểu bang chấp
nhận. Chỉ có Rhodes Island là từ chối không gửi đại diện đến họp.
¨
PHẦN HAI
HIẾN
PHÁP TRỞ THÀNH NỀN TẢNG CỦA CHÍNH QUYỀN NHƯ THẾ NÀO?
¨
HỘI NGHỊ LẬP HIẾN NHÓM HỌP Ở PHILADELPHIA
- George
Washington được bầu làm chủ tịch Hội Nghị
Đầu tháng 6 năm 1787,
khoảng chừng 30 đại biểu nhóm họp tại một căn phòng nhỏ bé trên lầu nhất trong
tòa thị sảnh ở Philadelphia, nơi mà các vị tiền bối trước kia đã ký bản tuyên
ngôn độc lập. Vì muốn bảo toàn bí mật cho cuộc họp cho nên mặc dầu là đang ở
trong mùa hè nóng nực, các cửa ra vào và cửa sổ cũng đều được đóng kín. Đường
phố gần đó cũng được sửa sang lại để cho xe cộ lưu thông không còn gây những
tiếng động lọc cọc, ồn ào, quấy rầy những người ngồi họp ở bên trong. Mọi người
trong Hội nghị đều trưng diện theo thời trang của lúc bấy giờ. Quần ống túm
trang điểm bằng khóa bạc ở ngay dưới đầu gối, giày thấp cổ, vớ lụa, áo choàng
dài tới gần đầu gối và không đóng cúc.
Trên tấm bục gỗ
ở cuối phòng, một chiếc ghế lớn khảm hình mặt trời ló dạng nạm vàng ở lưng.
Người ngồi trong chiếc ghế này cao hơn 6 bộ và nặng chừng 210 cân. Chính người
ngồi trong ghế này là George Washington được cử làm chủ tịch trong suốt cuộc họp
của Hội nghị. Vào lúc Hội nghị nhóm họp, Washington vừa được 50 tuổi. Dáng người
đàng hoàng, trang nghiêm và trầm tư. Là vị tư lệnh quân đội lục địa có công
giành độc lập cho đất nước, ông được tất cả mọi người trong nước kính mến. Việc
chọn lựa ông làm chủ tịch Hội nghị thật là tự nhiên và khôn ngoan. Dù rằng sau
đó ông rất ít tham dự vào các cuộc thảo luận, nhưng các vị đại biểu trong hội
nghị vẫn thường để ý đến lời khuyên của ông.
- Những
người tài giỏi tham dự Hội nghị
Tất cả có 55 vị
tham dự Hội nghị Philadelphia. Họ là những người nổi tiếng trong tiểu bang của
họ. Vào thời kỳ đó không có nhiều trường đại học, ấy thế mà đa số họ là những
người đã từng học ở đại học. Phần lớn họ là những nhà lãnh đạo trong cuộc cách
mạng (Hoa Kỳ) vừa qua. Và hầu hết là những người sống trong những làng thôn và
những thị trấn lâu đời ở gần bờ biển.
Liếc nhìn quanh
phòng họp, Washington nhận ra nhiều bộ mặt quen thuộc của các bạn bè và những
người quen biết cũ. Một trong những người này là một người bạn cùng quê hương
thuộc tiểu bang Virginia, trẻ hơn ông nhiều, nhưng lại là con người mà
Washington tham vấn nhiều hơn cả. Đó là ông James Madison, mới 35 tuổi, dáng
người mảnh khảnh và thấp. Madison nói năng chậm rãi và khiêm tốn nhưng toàn thể
Hội nghị thường chú ý lắng tai nghe từng lời nói của ông, vì ông là người biết
rất rõ ràng về tổ chức chính quyền. Ông đã từng đi nghiên cứu các chính quyền
của nhiều nước. Ông cũng đã từng là nhân viên của chính phủ tiểu bang Virginia
và của Hiệp Chủng Quốc trong suốt thời kỳ cách mạng cũng như thời kỳ hậu cách
mạng. Chúng ta ngày nay biết được rất nhiều tin tức về các buổi họp của Hội nghị
cũng là nhờ công ghi chép rất cẩn thận của Madison.
- Benjamin
Franklin, khôn ngoan, hay bông đùa, là người lớn tuổi nhất trong Hội nghị,
vì lúc đó ông đã 81 tuổi. Ông cũng là người đóng góp hữu ích vào Hội nghị. Ông
đến Philadelphia để sinh sống vào một buổi sáng chủ nhật lạnh lẽo từ thuở ông
mới 17 tuổi. Khi đó, ông là một cậu học nghề nghèo khó mà trước đó đã từ bỏ ông
chủ dạy việc ở Boston. Lang thang đi trên đường, quần áo nhuộm đầy bụi, các túi
nhét đầy những vớ và áo sơ mi lòi cả ra ngoài. Ông cũng đã từng lang thang ở các
đường phố Philadelphia với hai tay cắp hai ổ bánh mì vừa đi vừa ăn
Biết bao điều
đã xảy ra với ông từ ngày xa xưa mà ông bỏ chủ dạy nghề ra đi. Ông cố gắng làm
nhiều nghề và đều thành công cả. Ta hãy kể ra đây một vài hoạt động của ông.
Ông đã từng là văn sĩ, là một nhà xuất bản báo chí, và cũng từng là một nhà sáng
chế. Ông cũng đã từng giữ chức vụ trong chính phủ Hiệp chủng quốc phục vụ tại
quốc nội cũng như ở quốc ngoại. Năm 1787, ông là Tổng thống mà ngày nay chúng ta
gọi là thống đốc tiểu bang Pennsylvania. Trong các buổi họp, ông đi lại chậm
rãi, nói những lời khuyên hữu ích và xoa dịu các đại biểu khi họ không đồng ý
với nhau về một vấn đề gì, và khuyến khích mọi người bằng những lời lẽ khôn
ngoan hay đượm vẻ hài hước.
- Gouverneur
Morris, sinh tại Nữu Ước, tham dự Hội nghị với tư cách là đại biểu của
Pennsylvania. Thân hình què quặt (vì ông có một chân gỗ và một tay không thể sử
dụng được), nhưng ông quả là một người có tâm hồn sắc bén và linh động. Ông là
một văn sĩ nổi danh. Những câu văn của ông rất sáng sủa, gọn gàng và quyến rũ.
Chính những lời lẽ văn chương của ông đã được sử dụng trong các tài liệu của Hội
nghị nói về tân kế hoạch của chính quyền.
¨
NHỮNG KẾ HOẠCH ĐỂ THIẾT LẬP TÂN CHÍNH PHỦ ĐƯỢC TIẾN HÀNH TỐT ĐẸP
Các vị đại biểu
nhóm họp ở Philadelphia gồm những người khôn ngoan nhất của đất nước. Như chúng
ta đã biết, lúc bấy giờ Hoa Kỳ cần hết tất cả những kinh nghiệm và khôn ngoan
của các vị đại biểu để giải quyết biết bao nhiêu là vấn đề khó khăn đang chờ đợi
họ.
- Hiến
chương Liên bang bị bỏ rơi
Các tiểu bang được yêu cầu
gửi đại diện đến họp ở Philadelphia chỉ có một mục đích duy nhất là sửa lại bản
Hiến chương Liên bang. Khi các đại biểu phải đồng ý với nhau là phải đi một bước
mạnh bạo thì buổi họp lại bắt đầu trở nên khó khăn. Họ quyết định bỏ rơi bản
Hiến chương vì nó đã không làm cho nhiều người được hài lòng. Họ quyết định soạn
thảo một kế hoạch mới cho chính quyền Trung ương. Kế hoạch này được viết ra trên
giấy trắng mực đen được gọi là Hiến pháp. Và hội nghị này được gọi là Hội nghị
Lập hiến.
Nhưng các vị
đại biểu trong Hội nghị Lập hiến đặt vấn đề là “nếu chúng ta muốn có một chính
quyền hoàn toàn mới thay vì cứ phải vá víu lại chính quyền cũ thì chúng ta phải
soạn thảo một loại hiến pháp nào?” Gouverneur Morris đã giải đáp được vấn đề
trên đây. Gouverneur Morris nói rằng Hội nghị Lập hiến phải thiết lập một chính
phủ Trung ương đủ mạnh để tiến hành công việc cho hiệu quả, nhưng không quá mạnh
đến nỗi đè bẹp cả chính quyền tiểu bang. Thiết lập một kế hoạch như vậy thật là
không dễ dàng gì. Nếu các tiểu bang trao cho chính phủ Trung ương quá nhiều
quyền thì chính quyền của các tiểu bang sẽ quá yếu. Mặt khác, nếu các tiểu bang
không trao đủ quyền hành cho chính phủ Trung ương để tạo lập quốc gia Hoa Kỳ
hùng mạnh thì chính quyền Trung ương cũng sẽ không hơn gì cái chính quyền Trung
ương theo Hiến chương Liên bang.
- Virginia
đề nghị một kế hoạch thiết lập một chính quyền Trung ương mạnh
Ngay khi Hội nghị vừa nhóm
họp, một số đại biểu đệ trình lên Hội nghị một kế hoạch gọi là kế hoạch
Virginia. Kế hoạch này được mang tên như vậy vì được các đại biểu của tiểu bang
Virginia đề nghị và ủng hộ. Theo kế hoạch này thì chính quyền của Hiệp chủng
quốc sẽ được chia ra làm 3 ngành:
1. Quốc hội có
nhiệm vụ làm luật.
2. Một cơ quan
riêng biệt khác mà người đứng đầu là Tổng thống có nhiệm vụ thi hành những luật
do Quốc hội làm ra.
3. Tòa án Hoa
Kỳ có nhiệm vụ nhận xét về sự công bằng theo luật pháp.
Theo kế hoạch
Virginia thì Quốc hội được chia làm hai viện. Các vị đại biểu thuộc Đệ nhất viện
sẽ do dân chúng trực tiếp tuyển chọn. Những tiểu bang ít dân cư như tiểu bang
Delaware có thể chỉ có một đại biểu. Những tiểu bang đông dân cư như tiểu bang
Virginia có tới mười hay hơn mười đại biểu. Những đại biểu thuộc Đệ nhị viện sẽ
do Đệ nhất viện tuyển chọn vào.
Đây là một kế
hoạch nhằm thiết lập chính quyền Trung ương dựa trên căn bản nhân dân. Kế hoạch
này sẽ thiết lập chính phủ trung ương mạnh hơn nhiều, và làm cho các chính quyền
tiểu bang yếu đi hơn.
- New Jersey
đệ trình một kế hoạch nhằm thiết lập một chính quyền trung ương yếu hơn
Một số đại biểu trong Hội
nghị chống lại kế hoạch Virginia. Có người cho rằng không có gì đảm bảo được
rằng các cử tri sẽ tuyển chọn được những người có khả năng vào Quốc hội. Các
chính phủ tiểu bang, chứ không phải dân chúng, sẽ tuyển chọn những người có khả
năng vào Quốc hội. Nhiều người khác lại cho rằng kế hoạch Virginia sẽ làm cho
các tiểu bang mất quá nhiều quyền. Như vậy, chính quyền các tiểu bang sẽ quá
yếu, và chính quyền trung ương sẽ quá mạnh (có quá nhiều quyền). Đại biểu của
các tiểu bang nhỏ còn chống đối thêm nữa “Các tiểu bang lớn, đông dân cư sẽ có
quá nhiều đại biểu trong Quốc hội, và như vậy thì tiếng nói của các tiểu bang
nhỏ sẽ rất ít có ảnh hưởng trong việc thông qua các dự luật”. Một đại biểu của
tiểu bang nhỏ là New Jersey đệ trình lên Hội nghị một kế hoạch khác. Theo “kế
hoạch New Jersey” thì mỗi tiểu bang bất kể lớn hay nhỏ sẽ có một số đại biểu
bằng nhau tại Quốc hội. Kế hoạch này sẽ đảm bảo được chính quyền của các tiểu
bang vẫn còn mạnh, và các tiểu bang nhỏ sẽ có cùng một số phiếu với các tiểu
bang lớn. Tuy nhiên, một số đại biểu tại Hội nghị đã chống lại kế hoạch New
Jersey vì:
1. Các đại biểu
sẽ do chính quyền tiểu bang chứ không phải do dân chúng tuyển chọn.
2. Đối với dân
chúng trong các tiểu bang lớn thì việc cử đại biểu như vậy không được công bằng.
Nói một cách khác, tại Quốc hội, các tiểu bang lớn sẽ không có nhiều phiếu hơn
các tiểu bang nhỏ.
¨
HIẾN PHÁP ĐƯỢC SOẠN THẢO
- Cuối cùng Hội
nghị đã đạt được một thỏa hiệp
Hội nghị bàn cãi các kế
hoạch trên đây rất cẩn thận trong nhiều ngày. Đương nhiên là các tiểu bang lớn
muốn chấp thuận kế hoạch Virginia. Trái lại, các tiểu bang nhỏ lại thích kế
hoạch New Jersey. Đây là mối bất đồng quan điểm lớn nhất mà Hội nghị phải bàn
luận nhiều. Hội nghị chỉ có thể thành công được là khi nào đạt được một thỏa
hiệp theo đó thì các đại biểu muốn theo kế hoạch Virginia và các đại biểu muốn
theo kế hoạch New Jersey đều có thể chấp nhận được. Chỉ có thể đi đến một thỏa
hiệp như vậy là khi nào cả hai bên cùng phải nhượng bộ một chút. Như vậy gọi là
sự tương nhượng hay thỏa hiệp (compromise). Các đại biểu trong Hội nghị quyết
định phải tiến tới một thỏa hiệp như vậy. Một đại biểu nói với Hội nghị rằng ông
thà “chôn xương” ở Philadelphia còn hơn là đi về mà không kiến tạo được một cộng
đồng quốc gia vững mạnh.
Cuối cùng, mỗi
bên đều nhượng bộ một chút và nhờ vậy Hội nghị đã đạt được một thỏa hiệp. Hội
nghị đều tán đồng rằng “Quốc hội sẽ có hai viện: Hạ viện và Thượng viện. Tại Hạ
viện, con số đại biểu của mỗi tiểu bang sẽ tùy thuộc vào dân số sinh sống trong
tiểu bang. Dĩ nhiên là các tiểu bang lớn đông dân cư sẽ có nhiều đại biểu hơn
các tiểu bang nhỏ. Tuy nhiên, ở Thượng viện, các tiểu bang dù lớn hay nhỏ cũng
đều có một số phiếu bằng nhau. Mỗi tiểu bang sẽ có hai thượng nghị sĩ, như vậy
sẽ có hai phiếu. Việc có đại biểu ngang nhau ở Thượng viện sẽ bảo đảm được quyền
lợi của các tiểu bang nhỏ, vì mỗi dự luật đều phải được cả hai viện chấp thuận
để thông qua. Việc dàn xếp này có nghĩa là việc dàn xếp để cho có số đại diện
của cả nhân dân trong các tiểu bang nhỏ cũng như trong các tiểu bang lớn đều
được đại diện một cách hợp lý.
Khi các đại
biểu tán đồng đại thỏa hiệp này, thì các tiểu bang nhỏ và các tiểu bang lớn đều
sẵn sàng cộng tác để hoàn tất việc soạn thảo Hiến pháp.
- Trong Hiến
pháp còn có nhiều thỏa hiệp khác
Trong suốt cả mùa hè dài
năm đó, các đại biểu trong Hội nghị cặm cụi soạn thảo kế hoạch cho chính quyền.
Mỗi khi có những vấn đề khó khăn thì đều được giải quyết bằng những thỏa hiệp.
Dưới đây là một vài trường hợp:
1. Như chúng ta
đã biết rằng số đại biểu của mỗi tiểu bang tại Hạ viện sẽ tùy thuộc con số dân
cư sinh sống trong tiểu bang. Nhưng ở các tiểu bang miền Nam có nhiều dân nô lệ
da đen hơn ở các tiểu bang miền Bắc. Như vậy thì những người nô lệ này sẽ được
tính như thế nào? Nếu mỗi một người nô lệ được tính như là một cử tri riêng biệt
thì tại Hạ viện số phiếu của miền Nam sẽ tăng lên rất nhiều. Hội nghị đã đồng ý
trong một thỏa hiệp khác rằng là cứ 5 người nô lệ thì được kể như là 3 cử tri
thay vì 5 cử tri.
2. Các đại biểu
không đồng ý với nhau về một vấn đề quan trọng khác: Quốc hội có nên có quyền
kiểm soát việc ngoại thương không? Các tiểu bang miền Bắc có nhiều người sinh
sống bằng nghề thủy vận muốn rằng Quốc hội, chứ không phải các tiểu bang, điều
hành việc ngoại thương. Nhưng các tiểu bang miền Nam là những tiểu bang mua
nhiều hàng hóa ở Âu châu lại sợ rằng Quốc hội sẽ đánh thuế vào các hàng hóa này,
và như vậy họ sẽ mua hàng hóa với giá cao hơn. Miền Nam cũng sợ rằng Quốc hội
ngăn chặn việc buôn bán nô lệ cho nên các đại biểu tại Hội nghị lại phải đi đến
một thỏa hiệp khác. Quốc hội được quyền điều hành việc ngoại thương và việc buôn
bán giữa các tiểu bang, nhưng không có quyền ngăn chặn việc buôn bán nô lệ trong
một thời gian là 20 năm nữa.
3. Vẫn còn có
một vấn đề khó khăn trầm trọng khác nữa: Phải bầu cử Tổng thống như thế nào?
Hiến pháp trao cho Tổng thống một nhiệm vụ rất quan trọng. Nếu Quốc hội tuyển
chọn Tổng thống, thì rất có thể Tổng thống sẽ e ngại không dám làm những gì mà
Quốc hội không thích vì sợ rằng Quốc hội sẽ không tái tuyển ông nữa. Mặt khác,
tại Hội nghị có nhiều đại biểu không tin vào khả năng sáng suốt của dân chúng để
tuyển chọn Tổng thống. Cho nên Hội nghị đã đi đến một thỏa hiệp khác nữa. Tổng
thống và Phó Tổng thống sẽ được chọn bởi một nhóm người gọi là đại biểu cử tri
hay cử tri đoàn. Mỗi tiểu bang sẽ chọn một số đại biểu cử tri bằng với số thượng
nghị sĩ và số dân dân biểu của tiểu bang đó. Nếu không có ứng cử viên Tổng thống
nào được hơn nửa số cử tri đoàn đại diện bầu cho thì Hạ viện sẽ quyết định chọn
một trong những ứng cử viên được nhiều phiếu hơn làm Tổng thống.
Hiến pháp cũng
còn chứa đựng nhiều thỏa hiệp khác nữa. Vì rằng các đại biểu trong Hội nghị đã
quyết định kiến tạo một cộng đồng quốc gia tốt đẹp hơn và vững mạnh hơn cộng
đồng Liên minh (trong thời chiến tranh cách mạng). Cho nên Hội nghị phải bàn
luận từng vấn đề cho đến khi các đại biểu đều cảm thấy đã được giải quyết. Mỗi
khi thảo luận đến phần sôi nổi, gay cấn thì Franklin lại kể một câu chuyện vui.
Ông kể câu chuyện về một cô gái Pháp trong cuộc tranh luận với cô chị, nói rằng
“Tôi không biết sẽ ra sao chị ơi! Chứ tôi không thấy ai cả, chỉ thấy có mình tôi
là luôn luôn phải thôi”. Mỗi lần nghe qua câu chuyện hài hước vui vẻ, các đại
biểu lại trở lại làm việc.
- Hội nghị
hoàn thành sứ mạng
Cuối cùng, Hiến pháp được
soạn thảo xong và các đại biểu chuẩn bị ra về. Dù rằng không có ai hoàn toàn hài
lòng, nhưng tất cả các đại biểu đều tin rằng họ đã làm hết sức mình để hoàn
thành được bản Hiến pháp hoàn hảo hơn hết. Tân chính phủ trung ương sẽ mạnh hơn
chính phủ trung ương cũ, bởi vì chính phủ trung ương mới này sẽ được trao cho
nhiều quyền hành mà chính phủ trung ương thời Liên minh không có. Đó là quyền
đóng thuế, và quyền điều hành việc thương mại giữa các tiểu bang. Đồng thời, các
tiểu bang vẫn còn có đủ quyền hành để kiểm soát các công việc địa phương của
mình. Nhưng liệu rằng tân chính phủ trung ương có đủ mạnh để đạt được thành công
hay không? Hay là tân chính phủ trung ương sẽ quá mạnh? Chỉ có thời gian mới
biết được.
Trước khi tan
họp ra về, Franklin đứng lên chỉ vào cái hình bán nhật (nửa mặt trời) ở trên ghế
ngồi của Washington mà nói rằng “Tôi thường, và rất thường có mặt trong Hội nghị
này, nhìn vào cái hình bán nhật kia mà không thể nào nói được đó là mặt trời mọc
hay mặt trời lặn. Nhưng bây giờ và sau hết, tôi sung sướng biết rằng đó là mặt
trời mọc chứ không phải là mặt trời lặn. Hoàn thành xong công trình (Hiến pháp),
ngày 17 tháng 9 năm 1787, các đại biểu chào tạm biệt lẫn nhau và từ biệt
Philadelphia ra về.
¨
LIỆU RẰNG HIẾN PHÁP CÓ ĐƯỢC CHẤP THUẬN KHÔNG?
- Hãy để cho
dân chúng chọn lựa
Các đại biểu trong Hội nghị
Lập hiến đã làm việc trong những ngày tháng dài cực nhọc để viết lên những gì mà
họ tin tưởng là một kế hoạch tốt đẹp cho chính phủ. Nhưng chỉ có một cách để
biết rõ đồng bào sẽ nghĩ như thế nào về bản Hiến pháp là phải gửi bản Hiến pháp
này cho các tiểu bang để phê chuẩn. Ở mỗi tiểu bang, dân chúng sẽ tuyển chọn các
đại biểu để quyết định chấp nhận hay không chấp nhận hình thức mới của chính
quyền. Trong khi đó, thì khắp trong nước, tại các gia đình, các quán rượu cũng
như ở ngoài đường phố, Hiến pháp là đề tài chính của câu chuyện. Một số người
Hoa Kỳ nhiệt liệt ủng hộ tân chính phủ, nhưng cũng có nhiều người khác chống
đối.
- Một số
người Hoa Kỳ lo ngại Hiến pháp tạo nên chính phủ trung ương mạnh
Những người Hoa Kỳ chống
đối Hiến pháp sợ rằng Hiến pháp sẽ tạo nên một chính phủ trung ương quá mạnh. Họ
không thể nào quên được rằng chỉ có một vài năm trước đó, họ đã phải chiến đấu
trong một cuộc chiến trường kỳ chống lại sự độc tài chuyên chế của một chính
quyền trung ương mạnh ở Anh quốc để bảo vệ những quyền tự do quý báu của họ. Bây
giờ họ lại thấy rằng Hiến pháp lại tạo nên một chính phủ trung ương mạnh, có
quyền đánh thuế dân chúng, có quyền làm luật, và có quyền bắt dân chúng phải
tuân theo luật pháp. Những người không thích bản Hiến pháp tự hỏi có cái gì đó
ngăn chặn không cho chính phủ trung ương mạnh cướp đoạt mất quyền tự do của họ
như chính phủ Anh đã từng tước đoạt quyền tự do của họ trước cuộc cách mạng.
- Jefferson
đề nghị bản Dân quyền
Nhưng mối lo sợ này đã được
Thomas Jefferson, người viết bản tuyên ngôn độc lập, diễn tả một cách rõ ràng.
Jefferson đã không tham dự Hội nghị Lập hiến bởi vì lúc đó ông là đại diện Hoa
Kỳ tại Pháp quốc. Khi ông nhận được bản Hiến pháp, ông thấy có rất nhiều điểm
thích hợp với ông, nhưng ông cũng nhận thấy trong đó có nhiều nhược điểm lớn
lao. Ông viết cho James Madison:
“Tôi thích cái
tổ chức chính quyền chia thành ba ngành hành pháp, tư pháp, và lập pháp. Tôi
thích Quốc hội được trao quyền đánh thuế, và ...tôi đồng ý là hạ viện phải do
dân chúng trực tiếp tuyển chọn...Tôi sẽ nói điều gì tôi không thích. Trước hết
không có bản dân quyền nói về...tự do tín ngưỡng, tự do báo chí, dân chúng được
bảo đảm chống lại đạo quân thường trực....và tất cả mọi vấn đề nếu bị xử thì
phải được xử bởi một bồi thẩm đoàn bằng luật lệ của đất nước... Để tôi thêm vào
bản dân quyền là điều mà nhân dân được trao quyền chống lại bất kỳ chính phủ nào
trên địa cầu này....”
- Những
người bạn của Hiến pháp mở chiến dịch cổ võ cho việc phê chuẩn Hiến pháp
Để trả lời về sự chống đối
như những lời lẽ chống đối của ông Jefferson chẳng hạn, những người bạn của Hiến
pháp nói rằng những quyền tự do của dân chúng được hoàn toàn bảo đảm. Họ cho
biết rằng Hiến pháp cũng dự liệu rằng không có dự luật nào được thông qua mà lại
không có sự đồng ý của đại diện dân ở trong Quốc hội. Họ cũng giảng giải rằng
theo những phương cách hiện hành thì cộng đồng quốc gia mới này sẽ tốt đẹp hơn
cộng đồng Liên minh trước kia.
Để thuyết phục
dân chúng, những người ủng hộ Hiến pháp đi thuyết trình tại các cuộc họp ở khắp
nơi trong các tiểu bang. Họ viết bài đăng trong các báo chí và truyền đơn để
giảng giải về cộng đồng mới. Những bài báo nổi tiếng nhất là loạt bài mệnh danh
là “Những người liên bang” do các ông Madison, Alexander Hamilton và John Jay
viết. Những bài báo này cho ta thấy những lời lẽ giải thích rõ ràng về Hiến pháp
và được giải thích bằng những lý luận sắc bén bênh vực cho Hiến pháp.
- Hiến pháp
được chấp nhận
Dần dần những người ủng hộ
Hiến pháp có thêm nhiều người ủng hộ. Trước hết, tiểu bang Delaware chấp nhận
Hiến pháp, rồi đến Pennsylvania, và kế đến là New Jersey, Georgia, Connecticut,
Massachusetts, Maryland, South Carolina và New Hamsphire. Như vậy là có tất cả
chín tiểu bang chấp nhận Hiến pháp. Hội nghị lập hiến đã đồng ý rằng nếu có chín
tiểu bang chấp nhận thì phải tổ chức tân chính phủ trung ương dựa theo Hiến
pháp.
Tuy nhiên, một
vài tiểu bang trên đây phải ủng hộ Hiến pháp chỉ hơn phái không ủng hộ một số ít
phiếu thôi. Những người ủng hộ Hiến pháp đã phải hứa rằng họ sẽ thêm vào bản Dân
quyền để bảo vệ các quyền tự do của dân chúng. Hai tiểu bang quan trọng vẫn chưa
chịu chấp nhận Hiến pháp. Tại Virginia, ông Patrick Henry, xướng ngôn viên hăng
say nhiệt thành của thời cách mạng, lại hoạt động chống lại việc chấp nhận bản
Hiến pháp. Ông rất e ngại về việc trao cho chính phủ trung ương nhiều quyền
hành. Thật vậy, nếu không có Virginia, tân chính phủ trung ương mất đi sự ủng hộ
của một tiểu bang rộng lớn và đông dân cư nhất. Và nếu không có New York, tân
chính quyền trung ương sẽ bị tách rời ra làm hai phần riêng biệt.
Sau cùng, đại
diện nhân dân ở Virginia chấp nhận Hiến pháp bằng một đa số phiếu tỷ lệ 89/97.
Tại New York, phe ủng hộ chấp nhận Hiến pháp cũng chỉ hơn phe chống chấp nhận có
3 phiếu (Còn lại hai tiểu bang North Carolina và Rhodes Island mãi tới gần hai
năm sau, khi các tiểu bang khác đồng ý thiết lập tân chính phủ trung ương, mới
chịu chấp nhận bản Hiến pháp).
Hội nghị đã thu
xếp để tân chính phủ trung ương sẽ khởi sự vào mùa xuân năm 1789. Các tiểu bang
đều được yêu cầu tổ chức các cuộc bầu cử để tuyển chọn tân Tổng thống và dân
biểu quốc hội. Cuối cùng, tân cộng đồng quốc gia hùng mạnh hơn bước vào thời kỳ
thử thách.
۞
Không có người
Hoa Kỳ nào đọc lịch sử Hiến pháp Hoa Kỳ mà lại không nhận thức được rằng nhân
dân Hoa Kỳ đã mang ơn những vị tiền bối đã có công soạn thảo bản Hiến pháp này.
Những vị tiền bối này thường được gọi là “Những vị cha già sáng lập quốc”, bởi
vì do việc soạn thảo bản Hiến pháp Hoa Kỳ, các vị tiền bối trên đây đã kiến tạo
được nền tảng của đất nước. Tài liệu đặc biệt này, không những tạo cho nhân dân
Hoa Kỳ có được một chính phủ trung ương ổn định và vững mạnh, mà còn bảo vệ được
các quyền tự do vô cùng quý báu của người dân chúng.
(xem tiếp : Chương XII)
Các bài cùng tập Lịch Sử Hoa Kỳ
▪ 2004-08-15 - LSHK-1- Marco Polo và những chuyện kỳ thú ở Đông phương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 0000-00-00 - LSHK-1- Marco Polo và những chuyện kỳ thú ở Đông phương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-2- Magellan tìm ra con đường đi vòng quanh thế giới - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-3- Những Lá Thư Của Phillip Andrew - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-4- Việc Thành Lập 13 Thuộc Địa Anh - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-5- Dân Chúng Sống Ở Thuộc Địa Anh Như Thế Nào? - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-6- Nước Pháp Thắng Rồi Lại Bại - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-7- Người Anh Cai Trị Các Thuộc Địa Như Thế Nào? - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-8- Dân Thuộc Địa Chống Lại Anh Quốc - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2022-07-05 - MƯỜI BA THUỘC ĐỊA ANH GIÀNH ĐỘC LẬP - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2014-07-04 - LSHK-9- 13 Thuộc Địa Anh Giành Độc Lập - Nguyễn Mạnh Quang dịch -
▪ 2004-08-15 - LSHK-1- Marco Polo và những chuyện kỳ thú ở Đông phương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-10- Tinh Thần Độc Lập Ảnh Hưởng Khắp Mỹ Châu - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-11- 13 Tiểu Bang Kết Thành 1 Quốc Gia - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-12- Tân Chính Phủ Trung Ương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-13- Hoa Kỳ Được Các Quốc Gia Khác Kính Nể - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-14- Miền Đông Bắc Trở Thành Trung Tâm Kỹ Nghệ - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-15- Miền Nam Trở Thành Vương Quốc Bông Vải - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 0000-00-00 - LSHK-16- Chế Độ Dân Chủ Theo Đà Mở Rộng Biên Cương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-17- Toàn Quốc Trở Nên Dân Chủ Hơn - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 1 2 ▪ >>>
Trang Lịch Sử