●   Bản rời    

LSHK-2- Magellan tìm ra con đường đi vòng quanh thế giới (Nguyễn Mạnh Quang dịch)

LỊCH SỬ HOA KỲ

(3 tác giả)

Nguyễn Mạnh Quang dịch

http://sachhiem.net/NMQ/LSHK/LSHK02.php

| bản rời | «  Xem Mục Lục » | 12 tháng 9, 2009

(tiếp theo Chương một)

pypypy

CHƯƠNG II

NGƯỜI ÂU CHÂU HIỂU BIẾT THÊM VỀ TÂN THẾ GIỚI

Nhìn vào các bản đồ xưa cũ, ta thường thấy xuất hiện những chữ “Terra Incognita”. Những chữ Latin này có nghĩa là “Vùng đất xa lạ hay chưa được khám phá”. Những nhà vẽ bản đồ ghi chữ Terra Incognita trên bản đồ có ý muốn nói rằng họ không biết những phần đất này hay phần đất này chưa được khám phá nên họ không thể vẽ được một cách chính xác.

Trước khi con tàu của Columbus nhổ neo ra khơi, những người vẽ bản đồ đã ghi chữ Terra Incognita trên cả một vùng lớn của thế giới. Trừ một vùng biển gần Âu Châu ra, họ biết rất ít về Đại Tây Dương. Mặc dù chuyến đi của Columbus đã giúp cho việc mở rộng sự hiểu biết của các nhà vẽ bản đồ, nhưng về phạm vi này vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời. Columbus đã chèo thuyền vượt biển và đã đặt chân lên vùng đất ở bên kia Đại Tây Dương. Nhưng không một ai kể cả chính ông cũng không biết chắc chắn đất này thuộc về đâu. Nếu đất này thuộc về Châu Á, thì thuộc về phần nào của Châu Á? Nếu vùng đất này không thuộc về Châu Á, thì nó là đất của vùng nào?

Trong chương này sẽ thấy rõ người Âu Châu tìm hiểu thêm về vùng đất mới này như thế nào. Dưới đây là những câu hỏi mà các bạn sẽ tìm ra các câu trả lời:

1. Bằng cách nào các nhà thám hiểm tìm ra Tân Thế Giới trên đường đi theo hướng Tây để đến Á Châu?

2. Những nhà thám hiểm nào đã tìm ra con đường tắt đi Á Châu qua Tân Thế Giới?

3. Công việc tìm kiếm Á Châu đưa đến việc khám phá ra Tân Thế Giới như thế nào?

 

¨

PHẦN MỘT

CÁC NHÀ THÁM HIỂM ĐÃ TÌM THẤY TÂN THẾ GIỚI

NẰM TRÊN ĐƯỜNG ĐI VỀ PHÍA TÂY ĐỂ ĐẾN Á CHÂU NHƯ THẾ NÀO?

Khi đoàn tàu của Kha Luân Bố nhổ neo rời hải cảng Palos vào năm 1492, nhiều người coi ông như một người phiêu lưu điên rồ. Nhưng năm sau, khi trở về ông nói rằng ông đã tới Ấn Độ, thì ông lại được hoan nghênh và ca tụng như một vị anh hùng. Nhiều người Âu Châu cho rằng ông là người tìm ra con đường hàng hải đi thẳng tới Á Châu. Hoàng đế Ferdinand và Hoàng hậu Isabella của Tây Ban Nha tặng ông tước hiệu “Đô đốc của Đại dương”. Câu chuyện khám phá của ông được viết thành sách báo và được phổ biến ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, chính ông cũng không hài lòng với việc khám phá ra những hòn đảo này. Ông muốn tìm thấy lục địa Á Châu cho Tây Ban Nha chiếm độc quyền giao thương với Châu Á để làm giàu.

- Columbus không tìm ra được Châu Á

Cuối năm 1493, ông lại vượt biển tiến về phía Tây một lần nữa. Khác với lần trước, lần này ông chỉ huy 17 chiếc tàu. Vào những năm sau này, ông còn vượt Đại Tây Dương hai lần nữa. Trong những cuộc hành trình này ông đi tới Puerto Rico, Hispaniola, Jamaica, Cuba và những hòn đảo khác ở trong vùng biển Caribbean. Mặc dầu ông chẳng bao giờ nhìn thấy lục địa Bắc Mỹ, nhưng con tàu của ông đã đi suốt bờ biển Nam và Trung Mỹ. Chẳng bao giờ ông tìm thấy được điều ông mong muốn – đó là sự giàu có của Ấn Độ. Vả lại, ông cũng không công nhận vùng đất mà ông tìm được không phải là vùng đất của Á Châu. Tuy nhiên trong thâm tâm ông có lẽ ông đã nghi ngờ sự thật, vì trong chuyến đi thứ nhì, ông đã hạ lệnh cho đoàn người thề rằng chuyến này nhất định phải đi tới Châu Á. Nếu chính ông chắc chắn, thì ông cần chi phải bắt đoàn tùy tùng của ông phải thề như vậy? Ông mất vào năm 1506, mà không ngờ ông trở nên lừng danh trong lịch sử.

- Cabot cũng không tìm được Châu Á

Sự thành công của chuyến đi đầu tiên của Columbus đã khiến cho các nhà thám hiểm khác cũng hăng say chèo thuyền vượt biển Tây tiến. Vào năm 1497, một nhà hàng hải tên là John Cabot cùng với 18 thủy thủ trên một chiếc tàu nhỏ rời hải cảng Anh Quốc ra khơi. Cabot là một nhà hàng hải người Ý đã sống nhiều năm ở Luân Đôn và bây giờ ông ra đi thám hiểm dưới ngọn cờ Anh Quốc. Cũng như Columbus, Cabot có ý định đi tới phương Đông bằng cách chèo thuyền tiến về phía Tây. Ông được phép Hoàng đế Anh để thực hiện ý định này. Thực ra, nếu Anh hoàng chịu tài trợ cho ông từ lúc đầu thì có lẽ ông đã là người đầu tiên tìm được Tân Thế Giới.

Cabot vượt Đại Tây Dương trong hai tháng và tiến về phía Bắc xa hơn Columbus. Ông tới bờ biển phía Bắc mà ngày nay gọi là Bắc Mỹ. Cho con tàu đi theo bờ biển, ông tin chắc rằng ông đã tới Á Châu. Nhưng ông đã không tìm thấy thành phố giàu có như ông hằng mơ ước. Khi lương thực và đo tiếp liệu gần hết, ông phải trở về Anh Quốc. Năm sau ông lại cố gắng một lần nữa để đi Á Châu. Chuyến này không những ông đã thất bại mà kể từ đây không ai còn biết đến ông nữa. Mặc dù Cabot đã thực sự khám phá ra lục địa Bắc Mỹ, nhưng vào lúc đó sự khám phá của ông không có ý nghĩa gì, vì ông không tìm được sự giàu có của Á Châu.

- Người Âu Châu trở nên quen thuộc với ý niệm về Tân Thế Giới

Nếu Columbus và Cabot không nhận ra sự thật về những vùng đất mới này thì những người khác lại thấy rõ. Lúc đó, các nhà hàng hải gan dạ dưới ngọn cờ Tây Ban Nha đang tấp nập thám hiểm các vùng ven biển Trung Nam Mỹ và bán đảo Florida. Các bạn sẽ thấy trong chương ba, nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Balboa băng qua eo đất Panama và tìm thấy ở bên kia eo đất này một đại dương vô tận. Trước đó khá lâu, nhiều nhà thám hiểm khác đã nhìn thấy những vùng đất này mà không tìm ra dấu vết gì chứng tỏ đó là Á Châu. Họ biết rằng Cabot đã đi xa hơn về phía Bắc mà cũng không tìm ra được Châu Á. Người ta bắt đầu nhận ra rằng vùng đất mới này không phải là một phần đất của cựu lục địa mà họ từng biết, mà thật ra là một Tân Thế Giới vĩ đại.

Lúc đầu, những người Âu Châu không chú ý đến Tân Thế Giới vì giá trị của Tân Thế Giới. Điều này có thể rất lạ đối với chúng ta, nhưng chúng ta hãy nhớ lại rằng người Âu Châu lúc đầu hăng say đi tìm một con đường theo hướng Tây đi Châu Á. Đối với họ những vùng đất mới này chỉ là hàng rào ngăn cản đường đi đến Châu Á của họ. Đã nhiều năm, người ta còn cố gắng tìm một con đường xuyên qua hay vòng quanh các lục địa Châu Mỹ.

 

 

- Magellan tìm ra con đường đi vòng quanh thế giới

Ferdinand Magellan là một nhà hàng hải can trường Bồ Đào Nha. Ông đã thực hành một chuyến đi minh chứng ý nghĩ của Columbus là đúng - rằng người ta có thể tới Châu Á bằng cách vượt biển đi về phía Tây. Bởi vì ông không được mọi người biết đến ở ngay nước ông, Bồ Đào Nha, ông đi Tây Ban Nha với kế hoạch dự trù đi Ấn Độ bằng cách đi xuyên qua những vùng đất mà Columbus đã khám phá. Hoàng đế Tây Ban Nha đồng ý giúp ông thực hiện kế hoạch này.

Mùa thu năm 1519, Magellan cùng với 240 người trên 5 chiếc tàu rời Tây Ban Nha tiến ra khơi, khởi hành cuộc thám hiểm. Ông cho tàu vượt Đại Tây Dương, sau đó quay xuống phía Nam đi dọc theo bờ biển Nam Mỹ. Khi họ càng đi về phía Nam thì khí hậu càng trở nên lạnh và gay gắt hơn. Sau 6 tuần lễ khó khăn, đoàn tàu vượt qua eo biển đầy giông tố gần mũi cực Nam lục địa này (ngày nay eo biển này gọi là eo biển Magellan). Sau cùng ông cùng đoàn người thám hiểm tới một vùng biển rộng mênh mông nhưng yên lặng như tờ, cho nên họ liền đặt tên cho đại dương này là Thái Bình Dương (có nghĩa là yên lặng).

Sau 4 tháng rưỡi dài thảm buồn và cực nhọc, đoàn tàu của ông vượt Thái Bình Dương tới quần đảo mà họ đặt tên là Phi Luật Tân (Philippines, đặt theo tên của thái tử Philip Tây Ban Nha). Từ đây ông cho đoàn tàu đi men theo bờ biển tới quần đảo “Gia vị” (Nam Dương). Dừng lại nơi đây, ông quyết định cho chất đầy tàu hương liệu, rồi hạ lệnh cho đoàn tàu vượt Ấn Độ dương đi vòng quanh xuống cực Nam Phi châu để trở về Tây Ban Nha. Biết bao tai biến xảy đến cho đoàn người thám hiểm: bão táp, đói khát, bệnh tật, chết chóc, đào tẩu, loạn phản. Sau cùng năm 1522, những người còn sống sót đã về được tới bến, bỏ neo trên bờ biển Tây Ban Nha. Chiếc tàu hương liệu cũng là cái giá cho đoàn người đi thám hiểm ở mãi nơi vùng biển xa xôi.

Đoàn người trở về bến cũ chỉ còn có vỏn vẹn 18 người, trong đó lại không có Magellan. Ông đã bị thổ dân tại quần đảo Phi Luật Tân hạ sát. Nhưng 18 người thám hiểm trên đây đã hoàn thành được một kỳ vọng: Họ là những người đã hoàn thành chuyến đi vòng quanh địa cầu. Vì Magellan không còn sống để đón nhận cái vinh dự của kỳ công trên đây, Hoàng đế Tây Ban Nha trao tận tay cho vị thuyền trưởng của chiếc tàu sống sót một trái cầu mang hàng chữ “Các bạn là những người chèo thuyền vượt sóng trùng dương xung quanh trẫm”.

- Cuộc thám hiểm của Magellan cho ta thấy rõ mức rộng lớn của địa cầu

Chuyến đi của Magellan và đoàn thám hiểm của ông rất là vô cùng quan trọng đối với dân Âu Châu. Thứ nhất là chuyến đi này cho người ta thấy rõ chứng cớ quá rõ rệt là trái đất tròn. Đoàn thám hiểm của ông đi từ Âu Châu lướt sóng tiến theo hướng Tây và cứ thế đi mãi, cuối cùng trở về nơi khởi hành. Chuyến đi này còn mang ý nghĩa quan trọng hơn nữa là nó chứng tỏ cho ta thấy rằng Châu Á ở một nơi thật xa về phía Tây Châu Âu, và là một giải đất bao la bát ngát nằm dài từ Âu Châu tới Viễn Đông. Thực ra Magellan đã tìm được con đường đi Viễn Đông qua ngã phía Tây. Nhưng con đường này lại quá dài và quá nguy hiểm cho các thương gia. Nhưng người Âu Châu đã không nản lòng. Chuyến đi của Magellan đã giúp cho người ta tìm được con đường tắt xuyên qua Tân Thế Giới để tới Á Châu.

¨

PHẦN HAI

NHỮNG NHÀ THÁM HIỂM NÀO ĐI TÌM CON ĐƯỜNG TẮT

XUYÊN QUA TÂN THẾ GIỚI ĐỂ TỚI Á CHÂU?

- Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chia đôi địa cầu

Vào khoảng đầu thế kỷ thứ 16, chỉ có hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha được hưởng lợi do việc tìm kiếm được những con đường hàng hải đi Viễn Đông. Nhờ buôn bán với Ấn Độ và các nước ở Viễn Đông mà Bồ Đào Nha đã trở nên giàu có. Bồ không muốn các quốc gia khác dự phần vào việc buôn bán phát đạt này. Bồ đòi quyền chiếm các vùng đất ở Phi Châu, nơi mà các nhà thám hiểm Bồ đã đặt chân tới. Tây Ban Nha cũng tìm được những vùng đất ở Tân Thế Giới và cũng đòi quyền chiếm luôn những vùng đất này.

Ngay khi Columbus đòi quyền chiếm đất cho Tây Ban Nha ở nơi mà ông cho rằng thuộc về Châu Á, hầu như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã có thể là những quốc gia tranh chấp, giành giật những vùng đất ở phương Đông. Sau này cả hai quốc gia trên đều nhờ giáo hoàng phân xử chia những vùng đất mới khám phá cho họ. Năm 1493, Đức giáo hoàng vạch ra một đường tưởng tượng chạy dọc từ Bắc cực qua phía Tây quần đảo Cape Verde tới Nam cực. Những vùng đất ở phía Đông đường ranh giới này thuộc về Bồ, và những vùng đất nằm ở phía Tây ranh giới này thuộc về Tây Ban Nha. Năm sau, Bồ và Tây Ban Nha thương thuyết rồi đồng ý với nhau di chuyển đường ranh giới này về phía Tây. Như ta thấy trong bản đồ trang 38, Tây Ban Nha chiếm hầu hết Tân Thế Giới, Bồ Đào Nha đòi chiếm trọn Châu Phi, Ấn Độ và cả miền rộng lớn ở Viễn Đông.

- Anh, Pháp và Hòa Lan tìm cách chia phần buôn bán với Viễn Đông

Còn các quốc gia Âu Châu khác như Anh, Pháp và Hòa Lan thì sao? Các quốc gia này không được hưởng lợi ở các vùng đất mới và cũng không được hưởng lợi trong công cuộc buôn bán phát đạt với Đông phương. Các nước trên đây thấy rằng nhờ buôn bán với Đông phương mà Bồ đã trở nên giàu có, cho nên họ cũng muốn dự phần vào việc buôn bán này. Họ tự hỏi “Tại sao ta lại không tìm một con đường khác đi tới Đông phương để vượt Bồ cũng như Bồ đã vượt các đô thị Ý như trước kia?”.

Câu hỏi này dẫn đến câu hỏi khác. Như ta thấy, con đường đi quanh thế giới tới phương Đông của Magellan thì quá dài và rất khó khăn nguy hiểm cho việc buôn bán. Cho nên nhiều người Âu Châu đã tự hỏi “Tại sao chúng ta lại không tìm một con đường ngắn hơn và thuận lợi hơn? Có lẽ có một con đường đi về phía Tây Bắc là một con đường tốt đi thẳng tới phương Đông”. Vì biết rất ít về nơi mà ngày nay chúng ta gọi là Bắc Mỹ, nên họ tin rằng có thể tìm một thủy lộ băng qua Bắc Mỹ. Đã hàng hơn trăm năm có nhiều người can đảm thuộc các quốc gia Anh, Pháp, Hòa Lan chèo thuyền dọc theo duyên hải Đại Tây Dương để đi tìm một con đường đi về hướng Tây Bắc. Nhưng họ đã chẳng bao giờ thành công. Dưới đây, chúng ta hãy theo dõi một vài nhà hàng hải đã liều mình trong công cuộc thám hiểm để đi tìm con đường tắt băng qua Mỹ Châu tới Á Châu.

- Verrazano thăm dò vùng bờ biển Tân Thế Giới

Ông Verrazano là một trong những người đi tìm một con đường xuyên qua Tân Thế Giới. Mặc dầu ông là người Ý, nhưng phần lớn các chuyến đi của ông được thực hiện dưới ngọn cờ Pháp. Chuyến đi này khởi hành vào năm 1524, đúng hai năm sau khi đoàn thám hiểm của Magellan hoàn thành đường đi vòng quanh thế giới. Verrazano cho thuyền vượt biển tiến về phía Tây để đi tìm một con đường đi đến Châu Á. Ông đi men theo bờ biển Bắc Mỹ, từ nơi mà ngày nay gọi là North Carolina tới tận phía Bắc thuộc vùng Newfoundland, nhưng ông lại không tìm ra được con đường đi xuyên qua lục địa này. Thất vọng, ông trở về Pháp.

- Cartier thám hiểm sông Saint Laurence

Khoảng 10 năm sau, một nhà thám hiểm khác người Pháp tên là Jacques Cartier theo gương Verrazano đến Mỹ Châu. Cartier khám phá và thám hiểm sông St. Laurence. Ông đi từ Pháp tới sông St. Laurence ba bốn lần để tìm kiếm một con đường đi phương Đông. Ông dùng thuyền ngược xuôi dòng sông này và cắm trại dừng chân trên bờ sông vào những khi mùa đông tới. Ông tìm ra được một làng da đỏ ở sâu trong đất liền, nơi mà ngày nay là thành phố Montreal. Chính nơi đây ông gặp những thác nước khiến cho con tàu của ông không thể tiến hơn được nữa. Đứng trước sự việc vô cùng chán nản này, Cartier nhận ra rằng sông St. Laurence chỉ là một con sông chứ không phải là con đường đi tới Viễn Đông.

Nhiều nhà thám hiểm hay hàng hải khác cũng đi tìm một con đường xuyên qua Tân Thế Giới. Nhưng tất cả đều gặp những điều bất hạnh, hay là phải bỏ mình trên đường đi thám hiểm. Một số người thì liên lụy đến sự bất hòa với những người đồng hành. Một số khác thì lại không được dân chúng tại quê nhà mến chuộng. Và một số khác nữa đã bỏ mình ở giữa biển khơi hay ở những vùng đất xa xăm. Nhưng Cartier thì may mắn hơn nhiều. Sau những cuộc phiêu lưu ở Bắc Mỹ, ông trở về an toàn và sống cuộc đời bình thản ở các hải cảng tại Pháp.

 

 

- Frobisher đi tìm một con đường đi xa hơn về phía Bắc

Mặc dầu Cartier đã thất bại, không đi tới được Châu Á bằng cách vượt ngược dòng sông St. Laurence, nhiều người Âu Châu khác vẫn nghĩ rằng có thể có một con đường nào khác để tới Á Châu. Nhà hàng hải người Anh tên là Martin Frobisher quyết định đi thăm dò xa hơn về phía Bắc. Tháng sáu năm 1572, ông cùng ba chiếc tàu nhỏ bé của Anh tiến ra khơi khởi đầu chuyến đi thám hiểm. Thật là khó khăn, vào khi họ nhổ neo rời bến thì trời giông bão. Một trong ba chiếc tàu đã chìm vào trong lòng biển. Thủy thủ đoàn chiếc tàu thứ hai run sợ và đào tẩu trốn về. Nhưng Frobisher vẫn tiếp tục cho tàu thẳng tiến. Đi xa hơn về phía Bắc, ông gặp đảo Greenland. Ông cho đi vòng quanh cực nam đảo này và sau cùng ông tới vùng biển mà ngày nay gọi là vịnh Frobisher. Vì băng tuyết, ông không thể thực hiện được chuyến đi nên phải trở về. Sau này dù ông đã cố gắng thực hiện thêm hai chuyến đi nữa ở vùng này nhưng ông cũng vẫn không tìm ra được con đường Tây Bắc. Sau chuyến đi thứ ba này, ông vẫn tiếp tục lênh đênh trên biển cả và chiến đấu chống lại người Tây Ban Nha và người Pháp trong nhiều năm.

- Champlain thám hiểm vùng Đại hồ

Mặc dầu hết nhà hàng hải này đến nhà hàng hải khác đều trở về Âu Châu mà không tìm ra được một con đường tắt đi tới Á Châu, những nhà thám hiểm mới vẫn sẵn sàng thay thế những người đã đi trước. Ai cũng hy vọng rằng họ sẽ thành công ở ngay nơi mà những người trước đã thất bại. Một trong những nhà thám hiểm này là một người Pháp tên là Samuel de Champlain. Champlain đi tới Mỹ Châu lần thứ nhất vào năm 1603. Ông đi theo các vùng bờ biển rồi vượt sông, vượt hồ, băng rừng, lội suối ở nhiều nơi trong đất Mỹ.

Champlain thám hiểm bờ biển Đại Tây Dương suốt từ cửa sông St. Laurence tới vùng phía Nam mà ngày nay gọi là Massachusetts. Ông cho thuyền đi theo dòng sông St. Laurence và thiết lập một đô thị gọi là Quebec, nơi định cư đầu tiên của người Pháp ở Mỹ Châu. Ông tiếp tục ngược dòng sông này tới một nơi mà ngày nay gọi là Montreal. Ông quay về hướng Nam và đi đến mũi cực Nam của một cái hồ vô cùng đẹp. Hồ này mang tên ông để vinh danh ông, người đã có công tìm ra nó. Trong chuyến đi sau này, Champlain còn đi xa hơn nữa vào đất liền, đi sâu về phía Bắc và phía Tây. Ông thực hành các chuyến đi theo các con sông khác tới các vùng ở phía Bắc hồ Huron. Từ đó ông đi tới hồ Ontario rồi quay trở lại Quebec. Nhìn vào bản đồ: trang 41, ta thấy rõ những con đường thám hiểm của ông. Phải thật là một con người can đảm và có nghị lực mới có thể đi được quãng đường dài sâu vào những vùng hoang vu xa lạ như vậy được.

Champlain đã học và dạy nhiều người khác về địa lý Bắc Mỹ. Khi ông chết vào năm 1635, các nhà làm bản đồ đã có thể vẽ được chính xác và rõ ràng hàng ngàn dặm vuông ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng vẫn không tìm được con đường tắt để đi tới Châu Á.

- Henry Hudson tìm được một con sông

Một nhà hàng hải khác cũng cố gắng tìm một con đường đi Châu Á. Đó là một người Anh tên là Henry Hudson được các thương gia Hòa Lan trả tiền để đi tìm một con đường đi Trung Hoa. Năm 1609, con tàu bán nguyệt của ông tiến về hướng Bắc Âu Châu để đi Châu Á, nhưng con tàu bé nhỏ này gặp phải băng tuyết hiểm nghèo nên ông đành phải cho tàu đổi hướng tiến về hướng Tây vượt đại dương trực chỉ Tân Thế Giới. Ông tới Bắc Mỹ và đi theo bờ biển xuống tới vịnh Chesapeake Bay. Tới đây ông thấy rằng ông không thể nào tới Trung Hoa qua ngã này được. Một lần nữa ông lại cho tàu trở về hướng Bắc. Trên đường đi, ông gặp một con sông mà ngày nay mang tên ông, sông Hudson. Ông tiếp tục cho tàu băng qua vùng biển rộng lớn tiến vào sông này. Nhìn phong cảnh, cây cối thiên nhiên quyến rũ ở hai bên bờ sông, hy vọng của ông càng dâng cao. Có lẽ đây là chuyến đi mà ông hằng ấp ủ. Nhưng càng ngược dòng sông thì dòng sông càng trở nên hẹp hơn và nước không còn mặn nữa. Sau cùng ông nhận ra rằng đây chỉ là một con sông chứ không phải là một thủy lộ xuyên qua Mỹ Châu. Chán nản, ông trở về trong niềm cay đắng thất bại, không tìm ra được con đường đi Trung Hoa.

 

- Henry Hudson tìm ra một vùng biển rộng lớn

Năm 1610, ông lại khởi hành đi thám hiểm một lần nữa. Chuyến đi này không những ông đã thất bại, mà ông còn bỏ mình nơi miền đất lạ xa xăm. Chuyến đi cuối cùng này, con tàu thám hiểm Discovery của ông trương cờ chính quốc Anh Cát Lợi của ông. Cũng như lần trước, lại một lần nữa, ông cho tàu tiến thẳng về hướng mặt trời lặn để rồi chẳng bao giờ người ta thấy ông trở lại. Giống như Frobisher, ông tiến xa về phía Bắc. Rồi ông và đoàn thám hiểm phải vật lộn với băng tuyết chận cứng lối đi. Ông tin rằng sau eo biển đầy băng tuyết này là giải nước mênh mông chạy dài tới phía Nam và phía Tây.

Suốt cả mùa hè dài, ông và đoàn tùy tùng chèo thuyền vượt vùng biển rộng lớn này để tìm kiếm một con đường đi Châu Á. Khi mùa đông tới, đoàn người phải lên bờ cắm trại dừng chân. Thực phẩm cạn dần, họ chỉ còn một chút ít phó mát và bánh quy. Họ đã trải không biết bao nhiêu gian lao khổ cực, và sau cùng không còn thể nào chịu đựng được nữa, đoàn tùy tùng dưới quyền ông bắt hai cha con ông và những người trung thành với ông cho vào chiếc thuyền nhỏ thả trôi lênh đênh theo dòng nước. Từ đó, không còn ai biết tin tức gì về ông nữa. Sau này người ta chỉ còn thấy có bốn người trong đoàn thám hiểm của ông trở về Anh quốc. Ngày nay cái tên vịnh Hudson còn nhắc nhở chúng ta nhớ đến nhà thám hiểm dũng cảm đã bỏ mình trong vùng biển băng tuyết mà vẫn không tìm ra được một thông lộ như chính ông hằng theo đuổi.

CUỘC THÁM HIỂM SÔNG MISSISSIPPI CỦA MARQUETTE VÀ JOLIET

VÀO NĂM 1673; LA SALLE THÁM HIỂM SÔNG MISSISSIPPI 1682

 

- Marquette và Joliet thám hiểm sông Mississippi

Như chúng ta đã biết, các nhà hàng hải gan dạ như Verrazano và Frobisher cũng mới chỉ đi tới những miền ven bờ Bắc Mỹ. Các nhà thám hiểm khác như Cartier và Champlain đã ngược các dòng sông đi sâu vào trong lục địa Tân Thế Giới. Khi đó cũng còn nhiều nhà thám hiểm can trường khác phiêu lưu xông xáo đi vào mọi ngã, xuyên qua các vùng hoang vu ở trong đất liền với hy vọng tìm ra một con đường thuận lợi đi xuyên qua Tân Thế Giới.

Sau cái chết của nhà thám hiểm Champlain, nhiều người Pháp khác đi xa hơn Quebec hàng trăm dặm, tiến sâu vào tới vùng Thượng hồ ở đây họ cho lập một ngôi nhà thờ và để lại một vị linh mục để truyền giáo trong đám dân da đỏ. Vị linh mục đó là Jacques Marquette. Nhờ đám dân da đỏ này mà nhà thám hiểm kiêm tu sĩ người Pháp biết được câu chuyện về hồ đại thủy. Hồ đại thủy có thể chảy cạn thông qua một cái hồ lớn hơn. Do nơi câu chuyện hồ đại thủy này mà tin rằng chắc phải có con đường tắt đi tới Châu Á, nơi mà từ trước tới nay biết bao nhiêu người hằng theo đuổi để tìm ra.

Năm 1673, linh mục Marquette cùng với nhà thám hiểm Louis Joliet khởi hành chuyến đi tìm kiếm con đường tắt này. Marquette và Joliet cùng 5 người đồng hành rời hồ Michigan bằng hai chiếc xuồng gỗ. Đoàn người vượt dòng sông Fox, khiêng xuồng chuyển qua sông Wisconsin lênh đênh trôi nổi tới dòng Mississippi. Tới đây họ tin rằng dòng sông này là con đường đi tới Á Châu. Nhưng sau khi đã xuôi dòng vượt hàng trăm dặm tới cửa sông Arkansas, đoàn người mới nhận ra rằng họ vẫn không tìm được con đường mà họ hằng theo đuổi. Họ biết rằng dòng sông Mississippi cuồn cuộn chảy về hướng Nam tới tận vịnh Mễ Tây Cơ. Dòng sông này sẽ chẳng bao giờ đưa họ đến Châu Á được. Buồn rầu, đoàn người ngược dòng sông trở lại rồi quay sang sông Illinois để về hồ Michigan.

- La salle tới cửa sông Mississippi

Khi Joliet trở về Quebec tường thuật về chuyến đi của ông thì ông gặp Robert Cavalier, Sieur de La Salle, dẫn đầu một đoàn người đi thám hiểm. La Salle vốn là con một gia đình giàu có, nhưng ông đã từ bỏ cuộc đời sung túc sang trọng mà liều mình đi thám hiểm vào những vùng hoang vu ở Bắc Mỹ. Ông say mê khi được nghe tin linh mục Marquette và Joliet đã tìm ra vùng “hồ đại thủy”. Tham vọng của La Salle là đòi cho nước Pháp được độc quyền buôn bán da thú quý giá ở vùng Đại hồ và vùng thượng lưu sông Mississippi. Những năm sau đó ông còn ước mong thực hiện một dự định lớn lao hơn. Ông tự hỏi tại sao ông không tìm tới cửa sông Mississippi và đòi cho nước Pháp chiếm hữu cả cái lục địa mênh mông Bắc Mỹ này.

Từ nhiều năm trước khi chuẩn bị khởi hành cuộc thám hiểm đi tìm cửa sông Mississippi, ông vẫn hằng mơ ước chuyến đi này. Chuyến đi đầu tiên của ông thất bại. Sau khi trải qua bao nhiêu gian khổ, ông phải trở về căn cứ trên bờ hồ Ontario, nới chính ông thiết lập khi xưa. Dù vậy, ông cũng không bỏ cuộc. Và bất kể lúc đó là mùa đông, ông và đoàn người vẫn đi thám hiểm. Lần này mọi việc đều tiến hành tốt đẹp. Đoàn thám hiểm dùng xuồng băng qua các hồ Erie, Huron tới cuối hồ Michigan. Tới đây họ đi bộ và dùng xe trượt tuyết kéo xuồng chuyển sang sông Illinois, xuôi theo dòng sông này rồi chuyển sang sông Mississippi. Khi vượt dòng sông này, họ nhận thấy càng đi về phía Nam thời tiết càng ấm áp hơn. Cuối cùng vào tháng tư năm 1682, đoàn người thám hiểm tới vịnh Mễ Tây Cơ. La Salle tuyên bố Pháp hoàng làm chủ vùng đại đồng bằng sông Mississippi chạy dài từ vùng Đại hồ tới vịnh Mễ Tây Cơ.

Điều không may là La Salle đã chết yểu. Đoàn người thám hiểm do chính ông hướng dẫn nổi giận sát hại ông vì ông bắt họ phải chịu đựng quá nhiều cực nhọc gian lao. Tuy nhiên, công cuộc thám hiểm của ông đã để lại những kết quả vô cùng quan trọng. Người Pháp đã tìm ra một thủy lộ ngăn đôi Bắc Mỹ. Họ nhân danh những người thám hiểm đồng hương của họ mà đòi quyền chiếm hữu giải đất mênh mông vĩ đại này.

 

¨

PHẦN BA

CÔNG CUỘC TÌM KIẾM CON ĐƯỜNG TẮT ĐI CHÂU Á ĐƯA ĐẾN VIỆC

CHÚ Ý ĐẾN TÂN THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO?

- Sự hiểu biết về địa lý châu Mỹ được gia tăng

Mới đầu người Âu Châu không muốn có Châu Mỹ, bởi vì họ muốn tới Viễn Đông và họ đã thăm dò tìm kiếm một con đường tắt thuận tiện xuyên qua hay vòng quanh Tân Thế Giới để đi đến Á Châu. Như chúng ta đã thấy là họ đã thất bại. Tuy nhiên, những công cuộc thám hiểm của họ đã mang lại rất nhiều kết quả lớn lao. Đó là những kiến thức mới chính xác về địa lý. Mỗi nhà thám hiểm mỗi khi đi đâu về đều vẽ những bản đồ và viết các bài tường thuật về những điều mà họ đã nhìn thấy tận mắt.

La Salle tới cửa sông Mississippi đúng 190 năm sau khi Columbus đặt chân lên San Salvador. Trong khoảng thời gian này sự hiểu biết về địa lý của loài người đã mở rộng rất nhiều. Để có cái nhìn rõ ràng hơn về bài này, chúng ta hãy nhìn vào hai bản đồ: bản đồ trang 17 cho ta thấy khi bắt đầu cuộc thám hiểm, người Âu Châu hiểu biết rất ít về địa cầu. Bản đồ trang 48b cũng trong sách này cho ta thấy rõ sự hiểu biết về Bắc và Trung Mỹ vào năm 1700. So sánh hai bản đồ này, chúng ta thấy rằng nhờ công cuộc tìm kiếm con đường tắt đi Châu Á, mà người ta hiểu biết rất nhiều về Tân Thế Giới.

- Đất đai thuộc về người khám phá

Ngoài sự khát khao tìm kiếm con đường tắt đi Châu Á, các nhà thám hiểm còn có một lý do khác thúc đẩy họ phải can đảm gánh chịu biết bao khổ cực hiểm nghèo. Đó là họ muốn cho đất nước họ trở nên hùng mạnh hơn bằng cách chiếm đất ở Tân Thế Giới. Lúc đó gần như có một quy luật là người thám hiểm của quốc gia nào nhìn thấy hay đặt chân lên vùng đất mới trước nhất thì quốc gia đó có quyền chiếm hữu vùng đất mới này. Chẳng hạn như khám phá ra sông Saint Laurence, Cartier đã nhân danh hoàng đế Francis I của nước Pháp mà đòi quyền chiếm hữu tất cả các đất đai vùng phụ cận con sông này. Ông đặt dấu hiệu để báo cho tất cả người qua lại biết rằng vùng đất này là của nước Pháp. Các quốc gia khác cũng gửi những người đi thám hiểm và cũng đòi quyền chiếm hữu đất đai như vậy cả. Cái quy luật “Ai tìm được, người ấy chiếm “finders, keepers” đã được các quốc gia Âu Châu áp dụng để quyết định phân chia đất đai ở Tân Thế Giới. Chúng ta hãy tìm hiểu xem quy luật ấy tiến hành ra sao?

- Những gì thuộc về ai?

Nhìn vào các công cuộc thám hiểm, ta thấy rằng Columbus và Magellan đã chèo thuyền vượt biển dưới ngọn cờ Tây Ban Nha. John Cabot và Martin Frobisher ra đi thi hành sứ mạng cho Anh Quốc. Verrazano, Cartier, Champlain, Marquette, Joliet và La Salle phục vụ cho Pháp quốc. Và Hudson thì thám hiểm cho cả Anh Quốc lẫn Hòa Lan. Nếu Châu Mỹ được phân chia theo công cuộc thám hiểm và quyền đòi chiếm hữu đất đai của các nhân vật trên đây thì mỗi quốc gia Âu Châu này sẽ làm chủ những vùng đất nào vào năm 1700?

Như vậy thì nước Pháp sẽ làm chủ một vùng đất vô cùng rộng lớn bao gồm từ bờ biển phía Bắc Đại Tây Dương chạy dài từ vùng Đại hồ xuôi theo dòng Mississippi tới tận cửa sông này ở vịnh Mễ Tây Cơ. Anh Quốc sẽ chiếm dải đất hẹp dọc theo duyên hải Bắc Đại Tây Dương từ tiểu bang Maine ngày nay tới tận Florida (vào năm 1700, Anh Quốc đã chiếm được vùng đất do Hòa Lan kiểm soát dọc theo sông Hudson) và sẽ đòi được chiếm một vùng rộng lớn chung quanh vịnh Hudson. Tây Ban Nha sẽ làm chủ nhân ông toàn thể phía Nam Bắc Mỹ (quốc gia này cũng lại đòi chiếm hầu hết Nam Mỹ). Chúng ta sẽ bàn tới những công cuộc thám hiểm của người Tây Ban Nha ở chương tới. Bản đồ trang 48b sẽ cho thấy sự phân chia Bắc Mỹ tiến hành theo chiều hướng này.

Các nhà thám hiểm can đảm trên đây đã thăm dò những vùng đất này nhưng vẫn không tìm được một thủy lộ đi tới phương Đông mà họ hằng theo đuổi. Tuy nhiên họ đã hoàn thành được một công trình khác còn quan trọng hơn nhiều. Họ đã làm cho Châu Âu không còn chú ý tới Châu Á nữa mà hướng nhìn về Tân Thế Giới. Họ đã cho các quốc gia Âu Châu thấy rõ cái lục địa vĩ đại để đến lập nghiệp. Người Âu Châu không còn coi Mỹ Châu như là một bức tường thành ngăn chặn đường đi của họ tới phương Đông. Họ bắt đầu chú ý tới Mỹ Châu. Trong các mục tới chúng ta sẽ bàn việc các quốc gia này trở nên thù nghịch vì công cuộc giành giật đất đai và của cải ở Tân Thế Giới.

 

(xem tiếp : Mục II)

 

Các bài cùng tập Lịch Sử Hoa Kỳ

 ▪ 2004-08-15 - LSHK-1- Marco Polo và những chuyện kỳ thú ở Đông phương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 0000-00-00 - LSHK-1- Marco Polo và những chuyện kỳ thú ở Đông phương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-2- Magellan tìm ra con đường đi vòng quanh thế giới - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-3- Những Lá Thư Của Phillip Andrew - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-4- Việc Thành Lập 13 Thuộc Địa Anh - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-5- Dân Chúng Sống Ở Thuộc Địa Anh Như Thế Nào? - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-6- Nước Pháp Thắng Rồi Lại Bại - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-7- Người Anh Cai Trị Các Thuộc Địa Như Thế Nào? - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-8- Dân Thuộc Địa Chống Lại Anh Quốc - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2022-07-05 - MƯỜI BA THUỘC ĐỊA ANH GIÀNH ĐỘC LẬP - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2014-07-04 - LSHK-9- 13 Thuộc Địa Anh Giành Độc Lập - Nguyễn Mạnh Quang dịch -
▪ 2004-08-15 - LSHK-1- Marco Polo và những chuyện kỳ thú ở Đông phương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-10- Tinh Thần Độc Lập Ảnh Hưởng Khắp Mỹ Châu - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-11- 13 Tiểu Bang Kết Thành 1 Quốc Gia - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-12- Tân Chính Phủ Trung Ương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-13- Hoa Kỳ Được Các Quốc Gia Khác Kính Nể - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-14- Miền Đông Bắc Trở Thành Trung Tâm Kỹ Nghệ - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-15- Miền Nam Trở Thành Vương Quốc Bông Vải - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 0000-00-00 - LSHK-16- Chế Độ Dân Chủ Theo Đà Mở Rộng Biên Cương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-17- Toàn Quốc Trở Nên Dân Chủ Hơn - Nguyễn Mạnh Quang -

▪ 1 2 >>>

Trang Lịch Sử




Đó đây


2024-10-04 - Biểu tình trong khuôn viên nhà thờ Thánh Lê Thị Thành tại Marrero, New Orleans, Louisiana - Chiên tiến bộ, hay bảo thủ? Tiến bộ ở chỗ dám nơi lên tiếng nói của mình. Bảo thủ ở chỗ muốn duy trì hệ thống xưa cũ, và muốn chỉ đạo cấp trên!

2024-10-02 - Linh mục ở San Jose, California biển thủ tiền quyên góp bị phạt tù, phạt 1,9 triệu đô la - Linh mục Nguyen đã bị kết án ba năm tù vì tội gian lận ngân hàng và phải bồi thường sau khi ông chuyển hơn 1,4 triệu đô la tiền quyên góp của nhà thờ vào tài khoản ngân hàng của mình. Vào tháng 3, Nguyen bị tòa án liên bang kết tội về 14 tội danh gian lận ngân hàng. Nguyen đã từng là giám đốc của trung tâm từ năm 2001-2011,và từng là cha xứ của Nhà thờ St. Patrick, nay được gọi là Nhà thờ Đức Mẹ La Vang.

2024-10-01 - Đụng xe ác chiến Bolsa! VinFast toàn thắng … tài xế an toàn! - VINFAST bán xe tăng 101%

2024-09-30 - "Dân vạn đại, lúc nào dân cũng đúng hết" -

2024-09-29 - Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra tại Dự án Trung tâm Đức mẹ Núi Cúi - Trên thực tế, theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, “mốc khống chế pháo binh” này đã bị mất trước năm 2016, do Trung tâm Đức mẹ Núi Cúi san ủi mặt bằng để thực hiện dự án.

2024-09-29 - Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng tại Dự án Trung tâm Đức mẹ Núi Cúi, - Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thống Nhất thiếu trách nhiệm, để chủ đầu tư san lấp mất "Mốc khống chế pháo binh – số hiệu 7Q/41" trong quá trình thi công thuộc dự án nhưng không phát hiện và xử lý kịp thời. Theo kết luận thanh tra, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, chủ đầu tư đã nhiều lần có hành vi vi phạm về đất đai, xây dựng.

2024-09-27 - (1) Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Quang Chánh -

2024-09-21 - CHIA SẺ YÊU THƯƠNG: 107 HỘ DÂN LÀO CAI NHẬN HỖ TRỢ VƯỢT QUA MẤT MÁT SAU BÃO LŨ - Đoàn cứu trợ Đạo Phật Ngày Nay do thầy Nhật Từ dẫn đầu.

2024-09-19 - Xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và quần chúng - Thượng tướng Trịnh Văn Quyết yêu cầu các cơ quan giúp việc cần bám sát và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời cho rằng, việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thời gian qua đã góp phần cảnh báo răn đe, ngăn ngừa và hạn chế các vụ việc tương tự.

2024-09-17 - Doanh số VF8 tại Đức, một con số bất ngờ -



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-09-30 - Một đạo thì dạy tín đồ PHÓ THÁC, đạo kia dạy người ta "GIẢI THOÁT" - FB Lý Thái Xuân -

● 2024-09-15 - Thưa Giáo hoàng, làm sao cho người lớn nghe lời con nít? - Lý Thái Xuân -

● 2024-09-15 - Những chiếc xe thồ năm nay - và năm xưa - Lý Thái Xuân -

● 2024-09-15 - Chuyện ở giáo xứ Phúc Thành - giáo phận Hà Tĩnh: Lại tan nát thêm một gia đình - Con Ao Làng -

● 2024-09-15 - Lý do các giáo hoàng bảo vệ các giáo sĩ vi phạm điều răn thứ 6 - Lý Thái Xuân -

● 2024-09-13 - Chia Sẻ Kinh Nghiệm Về Những Hình Ảnh / Video Clip Cắt Ghép - FB Lý Thái Xuân -

● 2024-09-13 - Chúa toàn năng nhưng Ngài phải làm cánh cổng để ngăn chặn những kẻ xâm nhập. - Trần Hiển / Những Người Từ Bỏ Niềm -

● 2024-09-12 - Sản Phẩm Của Chúa "Mong Manh Dễ Vỡ" - Giáo hoàng thừa nhận việc linh mục bắt nữ tu làm nô lệ tình dục - FB Du Nguyen -

● 2024-09-04 - Chu Ngọc Quang Vinh - tiễn khách! - Hai Ha Tran -

● 2024-09-04 - Ở Thế kỷ 21 mà vẫn ngu lâu dốt bền - Thượng đế Do Thái là một tên ác quỷ - Ri Nguyễn -

● 2024-09-04 - Chỉ có 7% của dân Việt mà chúng đã làm điêu đứng đất Việt hàng trăm năm. - Chiến Nguyễn -

● 2024-09-04 - Con chiên hỏi: Khả - Thân là ai? - Trương An -

● 2024-08-27 - Về câu phát ngôn về "văn hóa" của ca sĩ Lê Cát Trọng Lý - Lý Bình -

● 2024-08-24 - Việt Cộng Là Ai? - TRUONG-AN -

● 2024-08-11 - Cười chơi vài giây - BẦU CỬ LẦN CUỐI TẠI MỸ - diendandantoc -

● 2024-08-10 - Một góc tranh luận: Người TCG muốn biết thế nào là TÀ ĐẠO! - FB Du Nguyen -

● 2024-08-10 - Tại Sao Nước Mỹ Ngày Nay Không Có Lãnh Đạo Tốt? - Mike Wilson -

● 2024-08-10 - TÀ ĐẠO - CÔNG GIÁO VATICAN - GIAN MANH LỪA DỐI - NGAY TỪ ĐẦU - Mike Wilson -

● 2024-08-03 - Khi nghe một người nổi tiếng được "RỬA TỘI" theo CGLM - Lý Thái Xuân -

● 2024-07-06 - Giê-Su Хấu Tính Như Thế Nào? - Vài thí dụ trong thánh kinh - Lê Phát Đạt -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 >>>