LỊCH SỬ HOA KỲ

(3 tác giả)

Nguyễn Mạnh Quang dịch

http://sachhiem.net/NMQ/LSHK/LSHK01.php

| bản rời | «  Xem Mục Lục » | 12 tháng 9, 2009

George Washington

MỤC I

ÂU CHÂU TÌM HẢI LỘ ĐI Á CHÂU VÀ
KHÁM PHÁ RA TÂN THẾ GIỚI Ở PHÍA TÂY

 

Một buổi sáng vào mùa thu năm 1492, thổ dân trên hòn đảo nhỏ bé gần nơi mà ngày nay gọi là Florida rất đỗi ngạc nhiên khi thấy ba chiếc tàu lạ xuất hiện. Ba chiếc tàu này đối với chúng ta ngày nay hình như là rất nhỏ, nhưng vào lúc bấy giờ thì ba chiếc tàu này lớn hơn bất cứ chiếc xuồng nào của dân bản xứ đang hoạt động ngoài khơi, những chiếc tàu nhỏ này ghé vào bờ, và đoàn người nhảy lên. Trông họ khác hẳn bất kỳ người nào mà dân bản địa đã từng thấy. Họ ngơ ngác nhìn những người lạ lùng này từ màu da trắng, râu ria xồm xoàm cho đến y phục lạ mắt. Cả dân bản địa lẫn những người khách da trắng này đều không ngờ rằng đây là biến cố quan trọng trong lịch sử thế giới. Đây cũng là ngày khởi đầu câu chuyện Mỹ Châu.

Có lẽ các bạn cũng đã đoán ra rằng người dẫn đầu những người da trắng lạ lùng này là ông Kha-Luân-Bố (Columbus). Nhưng tại sao ông lại có ý định đảm nhiệm cuộc hành trình nguy hiểm tới vùng biển xa lạ này ? Và tại sao con tàu của ông lại trở nên một thứ tượng trưng cho sự thích thú đối với người Âu Châu ? Để tìm câu giải đáp cho những câu hỏi trên đây, chúng ta cần phải tìm hiểu những gì đã xảy ra ở Âu Châu thời bấy giờ.

Chương một sẽ cho ta biết tại sao dân Tây Âu thời đó ngày càng chú ý tìm hiểu thêm về những nơi xa lạ trên thế giới. Khi người Âu Châu tham dự những trận chiến ở vùng Thánh địa, họ trở nên biết thưởng thức y phục đẹp, đồ trang sức quy 1gia1 và những món ăn ngon miệng của người Á Châu. Đã nhiều năm, người Âu Châu đã phải mua những sản phẩm này qua những thương gia ở các đô thị của người Ý-Đại-Lợi. Lúc bấy giờ những đô thị này kiểm soát công việc giao thương với Đông phương. Tuy nhiên các vị vua chúa ở các nước Âu Châu lại muốn tìm con đường đi Châu Á và Viễn Đông cho riêng họ. Đó là nguyên nhân tại sao nhiều vua chúa và hoàng hậu Tây Ban Nha đã tài trợ tiền bạc cho ông Columbus với hy vọng ông có thể tới Châu Á bằng cách vượt biển tiến về phía Tây đi vòng quanh địa cầu. Nhờ vậy mà ông đã khám phá ra Tân Thế Giới.

Chương hai sẽ cho các bạn thấy rằng người Âu Châu lúc bấy giờ đã thất vọng vì những miền đất mới lạ do Columbus tìm ra vì nó không phải là phần đất của Á Châu. Các bạn cũng sẽ thấy rằng người Âu Châu tiếp tục cố gắng tìm một con đường ngắn hoặc băng qua hoặc đi vòng quanh Tân Thế Giới để tới Viễn Đông. Muốn thực hiện được ý định này, họ phải tìm hiểu thiêm để biết thêm về Tân Thế Giới, và dần dần chính Tân Thế Giới này đã lôi cuốn họ chú ý nhiều hơn.

"Chúng ta hằng vững tin rằng cứ tiến về phía Tây (phía mặt trời lặn)là sẽ tìm được những gì chúng ta mong muốn". (Cabeza De Vaca)

 

pypypy

CHƯƠNG I

CỰU-THẾ-GIỚI ĐÃ TÌM RA TÂN-THẾ-GIỚI

Ở NGOÀI TẦM NHẬN THỨC

 

Chúng ta có thể so sánh lịch sử Hoa Kỳ với những bước đi trong một cuộc hành trình dài từ quá khứ đến nay. Nhiều người đã tham dự vào tiến trình của lịch sử, và chính chúng ta cũng đang chuyển bước đi đánh dấu ngày hôm nay. Chúng ta không biết rõ những bước đi trong tương lai sẽ ra sao, nhưng nhìn lại những bước đi trong quá khứ và những người đã góp phần xây dựng lịch sử, chúng ta có thể học hỏi ở lịch sử hầu hướng những bước đi của chúng ta trong hiện tại cũng như trong tương lai cho được tốt đẹp hơn.

Tiến trình lịch sử của Hoa Kỳ không phải khởi đầu ở Hoa Kỳ, mà là ở Âu Châu, cho nên trong chương một này chúng ta sẽ quay lại nhìn Âu Châu vào cái thời mà các lâu đài dọc theo bờ biển hướng về đại dương mênh mông. Các bạn sẽ được biết người Âu Châu đã khởi những bước đi đầu tiên trong lịch sử này như thế nào. Họ đã mạo hiểm đi ra biển khơi và khám phá ra Tân Thế Giới như thế nào ? Trong chương này các bạn sẽ tìm ra giải đáp cho những thắc mắc dưới đây :

1. Những biến đổi ở Âu Châu đã đưa đến những khám phá quan trọng về địa lý như thế nào ?

2. Các nhà hàng hải Âu Châu đã đi tìm và đạt được con đường biển đi Á Châu như thế nào ?

3. Tại sao Columbus đã căng buồm vượt biển tiến về phía Tây và đã thực hiện được những gì ?

¨

 

ÂU CHÂU KHÁM PHÁ RA TÂN THẾ GIỚI

 

| ' ' ' ' ' ' ' ' ' | ' ' ' ' ' ' ' ' ' | ' ' ' ' ' ' ' ' ' | ' ' ' ' ' ' ' ' ' | ' ' ' ' ' ' ' ' ' | ' ' ' ' ' ' ' ' ' | '

1000       1100       1200          1300         1400         1500         1600

 

 

PHẦN MỘT

TẠI SAO NHỮNG BIẾN ĐỔI Ở ÂU CHÂU ĐÃ ĐƯA ĐẾN

NHỮNG KHÁM PHÁ QUAN TRỌNG VỀ ĐỊA LÝ ?

 

¨ DẪN CHỨNG SỐNG Ở TÂY ÂU VÀO NĂM 1000

Trong khoảng thời gian gọi là Trung cổ, ở Tây Âu vào năm 1000 (thời Trung cổ: 500 – 1400 sau Thiên Chúa) người ta sống riêng rẻ từng chòm xóm. Hầu như các làng mạc là những hòn đảo biệt lập. Dân làng khó có thể biết được những gì xảy ra ở làng bên cách đó vài dặm. Để hiểu rõ đời sống dân chúng Âu Châu thời bấy giờ, chúng ta hãy giả thử rằng chúng ta sống ở Âu Châu vào lúc đó, và đời sống chúng ta sẽ như thế nào ?

- Nhà cửa và đồ đạc rất đơn sơ

Cả gia đình cha mẹ anh em sống trong một căn nhà tranh vách gỗ, nền đất, không có cửa sổ. Mái nhà lợp tôn bằng tranh, nghĩa là bao phủ một lớp dày toàn là rơm, hoặc tranh lá. Lớp đất nén chặt làm nền. Chỉ có một cửa ra vào, và một ống thoát khói trên mái nhà. Nhà cũng không có lò sưởi và cũng không có lò nấu nướng. Mùa hè, các bà mẹ thường nấu ăn ở ngoài trời.

Trong nhà chỉ có một vài đồ đạc thô sơ. Một cái thùng nệm rơm dùng làm giường, bàn thì làm bằng một tấm ván cây đặt trên một cái trụ như cái giá cưa với vài cái ghế đẩu (ba chân) và một cái tủ. Nồi nấu ăn là những lọ bằng sắt. Chén đĩa bằng đất sét nung cho rắn lại. Không có đèn dầu hay đèn cầy. Tuy nhiên điều đó không quan trọng, vì chẳng ai trong gia đình biết đọc cả. Mọi người đều đi ngủ vào lúc mặt trời lặn cho đến khi mặt trời mọc mới dậy.

- Cả quần áo lẫn thức ăn chẳng có gì là thú vị

Thường thì các bà mẹ quay sợi dệt vải may quần áo cho cả gia đình. Hầu hết quần áo đều bằng len hay vải thô. Các bữa ăn thì thật là đạm bạc, bữa nào cũng như bữa ấy, cũng chỉ có một vài thứ; hầu hết là bánh mì, chỉ có chút ít thịt. Rau và trái cây rất ít. Không có trà và cà phê, chỉ có một ít sữa. Gia vị không có gì cả ngoài muối, và không có đường mà xài. Đôi khi thức ăn có vị ngọt là do mật ong hoặc nước trái cây.

- Sống trong thái ấp

Mươi lăm căn nhà lá cất sát bên nhau cạnh con đường đất quanh co. Những gia đình này họp thành làng thuộc về một người quí tộc hay một hiệp sĩ sống trong căn nhà rộng rãi ở gần bên. Làng và những trại ở quanh đó gọi là thái ấp. Những quí tộc chủ nhân ông thái ấp gọi là lãnh chúa. Những quí tộc chủ nhân ông thái ấp gọi là lãnh chúa. Những người còn lại sống trong thái ấp gọi là nông nô. Nông nô phải canh tác nông trại, xây đắp và tu sửa cầu đường và phục dịch các lãnh chúa. Thực ra đời sống nông nô không khác gì đời sống những người nô lệ. Tuy không bị mua đi bán lại như nô lệ, nhưng họ phải ở lại thái ấp như châm ngôn thường nói "nông nô bị buộc vào với đất đai". Nếu một vị tân lãnh chúa đến chiếm hữu thái ấp thì nông nô cũng phải phục dịch ông ta. Nông nô không được hoàn toàn làm chủ đất đai và cũng không được phép đi nơi nào khác để kiếm đất riêng cho họ hay kiếm công việc làm ăn khác. Nói chung, nếu họ không có phép của vị lãnh chúa, họ không được phép đi khỏi thái ấp.

- Thái ấp gần như là một đơn vị kinh tế tự túc

Các bạn đã thấy rõ đời sống của những người sống trong thái ấp như thế nào. Nhưng thái ấp của bạn có sự liên lạc nào với các thái ấp khác không ? Sự thật là người sống trong một thái ấp rất ít liên lạc với những người ở thái ấp khác. Đời sống kinh tế trong thái ấp gần như là tự túc. Có nghĩa là người trong thái ấp sống với nhau mà không mua một sản phẩm nào ở ngoài thái ấp và cũng không sản xuất một loại sản phẩm nào để bán ra ngoài thái ấp. Thực phẩm cần thiết hàng ngày do chính thái ấp sản xuất. Thái ấp có các tiệm thợ rèn và nhà máy xay bột riêng. Thú vật nuôi trong thái ấp được tiêu thụ ngay trong thái ấp. Da thú thì được dùng làm giầy dép và yên ngựa. Các ba nhuộm và dệt lông cừu để làm quần áo. Thợ rèn và thợ sửa chữa bánh xe thì đóng, sửa các thùng xe, bánh xe và sản xuất các nông cụ. Chỉ có một vài thứ như muối, sắt và đá cối xay phải mua từ bên ngoài.

Nhưng không có thị trấn nào sao ? Có, nhưng đó là những thị trấn nhỏ không quan trọng và là nơi buôn bán (ngay cả ngày nay những gia đình nông dân chỉ đi lên tỉnh mua những gì mà chính họ không sản xuất). Tuy nhiên như các bạn đã biết, các thái ấp hầu như là các đơn vị kinh tế tự túc. Hầu hết người dân thời Trung cổ rất ít nhu cầu cần đến thành phố.

 

Các bạn đã thấy rõ đời sống dân Tây Âu vào năm 1000 như thế nào. Lần lần đời sống này thay đổi theo thời gian.

 

¨ TẠI SAO ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN Ở TÂY ÂU VÀO THỜI KỲ ĐÓ LẠI BẮT ĐẦU BIẾN ĐỔI ?

Vào thời thượng Trung cổ, Tây Âu rất ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Thật vậy, như các bạn đã biết, mỗi thái ấp hầu như chỉ sống giới hạn trong phạm vi thái ấp. Các vị lãnh chúa cai quản các thái ấp đánh lẫn nhau hay liên kết với nhau dưới một vị lãnh chúa quyền thế mạnh hơn để chống lại kẻ thù chung. Những cuộc chiến tranh như vậy đã khiến cho người Âu Châu có cơ hội hiểu biết những gì xảy ra ở ngoài làng quê nhỏ bé của họ. Sau này người Âu Châu chú ý nhiều đến những nơi xa xôi, nhất là vào thời xảy ra những trận chiến giữa người Âu châu và người Saracens ở các quốc gia miền Đông Nam Âu Châu. Kết quả các trận chiến tranh này là đời sống Âu châu bắt đầu biến đổi. Chúng ta sẽ tìm hiểu sự biến đổi này xảy ra như thế nào.

- Người Saracens đe dọa tràn ngập Âu châu

Vào khoảng năm 600, một tôn giáo mới gọi là Hồi giáo được thành lập và bành trướng ở Ả Rập, nếu Thiên Chúa giáo dựa trên lời dạy của Chúa Giê-su, thì Hồi giáo căn cứ trên lời dạy của đại lãnh tụ tôn giáo này là Mohamed. Người Saracens ở Ả Rập tin rằng tôn giáo do giáo chủ Mohamed sáng lập là một tôn giáo chân chính duy nhất. Người Saracens gửi nhiều đạo quân đi chinh phục các dân tộc khác, và bắt buộc các dân tộc ở các nơi này phải theo Hồi giáo. Không bao lâu, họ chinh phục được cả vùng Bắc Phi và vượt eo biển Gibraltar tiến sang Tây Ban Nha. Trải qua nhiều thế kỷ, người Saracens dồn đẩy dân Thiên Chúa Giáo ở Âu Châu. Bản đồ trang 7 cho ta thấy rõ các vùng đất mà người Saracens đã chiếm được hồi đó. Suy ngẫm về sự bành trướng của người Saracens, người dân Âu Châu tự hỏi nếu quân đội Saracens còn tiến sâu hơn nữa vào Âu Châu thì số phận họ sẽ ra sao?

- Dân Thiên Chúa giáo nổi dậy chống lại người Saracens

Dĩ nhiên là dân Âu Châu không muốn bị bất kỳ ai chinh phục, nhất là họ lại càng không muốn bị người Saracens chinh phục để truyền bá đạo Hồi, vì hầu hết dân Âu Châu là Thiên Chúa Giáo. Ngày nay chúng ta thấy có nhiều hệ phái Thiên Chúa Giáo: Công giáo, Thanh Công Hội (Episcopal), Trưởng lão Hội (Presbyterian), Giám Lý Hội (Methodist), Lute (Lutheran), Tây Lễ Giáo (Baptist), và nhiều Giáo phái khác. Nhưng vào thời Trung cổ ở Tây Âu chỉ có một giáo hội Thiên Chúa Giáo ở La Mã. Dân Thiên Chúa Giáo sẵn sàng phụng sự và chiến đấu cho giáo hội. Vào lúc đó Tây Âu phân hóa thành những vương quốc nhỏ yếu và mỗi vị lãnh chúa cai trị một thái ấp với đầy đủ quyền hành như các vị vua chúa, nhưng nhờ lòng trung thành của họ đối với giáo hội đã khiến cho nhân dân Âu Châu đoàn kết lại được.

Còn một lý do khác nữa khiến cho dân Thiên Chúa Giáo không thích người Saracens. Đó là vì người Sarecens đã chiếm đất Palestine ở tận cùng phía Đông bờ biển Địa Trung Hải. Vì Chúa Giê-su đã sống ở Palestine, nên người Thiên Chúa Giáo gọi nơi này là Thánh địa ... Họ thường thích đi hành hương nơi mà Chúa đã sống khi xưa. Nhưng người Saracens thường can thiệp vào các cuộc hành hương của họ, và đôi khi còn ngăn chặn không cho họ đến hành hương. Dân Thiên Chúa Giáo vững tin rằng Chúa sẽ ban phước lành cho những ai góp phần vào công cuộc tái chiếm Thánh địa.

- Dân Thiên Chúa Giáo chiến đấu chống lại người Saracens

Năm 1095, Giáo hoàng, người cai trị toàn thể giáo hội La Mã, mở một đại hội. Ngài kêu gọi giáo dân hãy chiến đấu chống lại người Saracens để chiếm lại Thánh địa. Bị khích động bởi lời kêu gọi đầy nhiệt huyết của Ngài, hàng hàng lớp lớp chiến binh Thiên Chúa Giáo được trang bị bằng khiên, rìu, kiếm, búa lên yên dong ruổi tiến về vùng Thánh địa. Đoàn quân viễn chinh này được mệnh danh là "Đoàn quân Thập Tự Giá", có nghĩa là chiến đấu cho Thánh giá, và những chiến binh này được gọi là Thập tự quân. Trên chiến bào của đoàn quân này đều được thêu một chữ thập rất lớn.

Các chiến binh từ khắp nơi ở Âu Châu tiến đến tập trung ở thành Constantinople thành một đạo quân hùng hậu chuẩn bị cho cuộc đệ nhất thánh chiến (xem bản đồ trang 7). Đoàn quân này tiến chiếm Thánh địa Jerusalem vào năm 1099. Tuy nhiên, quân Thiên Chúa giáo đã không giữ vững được THÁNH địa, Nhiều đợt quân khác được gởi tới. Hai bên đã liên tiếp mở các chiến dịch giành giật thánh địa. Cuộc chiến kéo dài tới hai trăm năm, và các trận chiến được mệnh danh là thánh chiến. Cuối cùng quân Thập tự giá thất bại, người Saracens vẫn giữ vững được thánh địa.

- Những cuộc viễn chinh của các đoàn quân chữ Thập đã làm gia tăng việc giao thương

Trong thời gian các đạo quân thánh chiến tiến vào thánh địa, hàng ngàn hàng vạn dân Âu Châu cũng đi theo tiến về vùng đất miền cực đông Địa Trung Hải. Họ trở nên quen thuộc với những hàng hóa hữu dụng và các đồ xa xí phẩm của dân Đông phương mà họ chưa bao giờ thấy ở Âu Châu. Họ thấy rằng những đồ gia vị như : tiêu, đậu khấu, hành, quế, gừng đã làm cho thức ăn thêm vị và ngon miệng hơn. Họ học cách dùng đường để tra nấu làm cho thức ăn thêm vị ngọt. Họ học cách sử dụng xà bông để tắm giặt thường hơn. Họ trầm trồ ca ngợi những đá quý, kim cương, hồng ngọc, ngọc lục bảo, ngọc trai và ngọc xa phia (ngọc trong xanh). Họ cũng nhận thấy ở phương Đông có những loại thuốc để trị bệnh, có thuốc nhuộm như chàm để nhuộm vải, có những nước hoa, dâu thơm phưng phức. Họ khám phá ra biết bao nhiêu thứ quý báu và xinh đẹp như các đồ dùng bằng pha lê và các đồ sứ Trung Hoa thật đẹp mắt, các sản phẩm bằng kim khí như áo giáp, kiếm ..., cùng những hàng lụa, vải, thảm màu sắc rực rỡ và đắt giá.

Những hàng hóa trên đây là làm cho đời sống con người thêm phần thú vị và thoải mái. Khi những chiến binh trong đoàn quân Thập tự này trở về quê hương, họ đem chuyện những hàng hóa của người Đông phương kể lại cho bà con lối xóm nghe. Cố nhiên dân Âu Châu cũng muốn có những sản phẩm xa hoa trên đây. Và không bao lâu họ tìm được cách mua những sản phẩm này qua những thương gia người Ý.

- Thương gia người Ý buôn hàng hóa Đông phương đi Âu Châu

Ngay cả trước khi xảy ra các cuộc viễn chinh của đoàn quân Thập tự, một số thành phố Ý Đại Lợi như Venise và Genca đã giao thương với các nước Đông phương trên bờ Địa Trung Hải. Tới khi xảy ra các cuộc thánh chiến và sau đó thì dân Âu Châu càng ngày càng tiêu thụ hàng hóa Đông phương nhiều hơn. Các thương gia người Ý đã hân hoan đẩy mạnh dịch vụ cung cấp hàng hóa này cho họ. Công việc buôn bán càng ngày càng gia tăng. Các thuyền buôn tấp nập ghé các hải cảng bên bờ phía Đông Địa Trung Hải để bốc dỡ các hàng hóa như len, lụa, da thuộc, thiếc, các đồ gia vị và các đồ trang sức đem về Âu Châu bán.

Thuyền buồm của các thương gia Ý không những chuyển vận hàng hóa Đông phương đến các hải cảng Âu Châu trên bờ Địa Trung Hải, mà còn đi tới các hải cảng Âu Châu dọc trên bờ Đại Tây Dương. Rồi từ đó các thương gia khác lại chuyển vận các hàng hóa này vào trong nội địa Âu Châu qua các ngã giang lộ và đường bộ. Vì thế cho nên từ đó người ta bắt đầu chú ý đến việc sửa sang và cải tiến các đường giao thông (mà trước kia rất ít sử dụng). Chính vì việc buôn bán các hàng hóa trên đây mà các thương gia cần những nơi tiêu thụ hàng hóa. Dần dần những nơi buôn bán này phát triển thành các đô thị hóa, rồi thành các đô thị lớn. Đời sống Âu Châu đã thật sự thay đổi từ đó.

 

¨ NHỮNG CÂU CHUYỆN CỦA CÁC DU KHÁCH LÀM KHÍCH ĐỘNG NGƯỜI ÂU CHÂU CHÚ Ý TỚI MIỀN VIỄN ĐÔNG

Trong khi việc buôn bán trao đổi hàng hóa Đông phương tiến hành mạnh mẽ thì có nhiều người Âu Châu đi tới các miền đất xa lạ ở Đông phương như các nước Ba Tư, Ấn Độ, Trung Hoa, quần đảo Nam Dương (bây giờ người Âu Châu gọi quần đảo này là quần đảo gia vị). Trong những du khách này, ông Marco Polo là người nổi tiếng nhất.

- Marco Polo nói về những chuyện kỳ thú ở Đông phương

Marco Polo quê ở thành phố Venice, Ý Đại Lợi. Năm 17 tuổi, ông theo cha và chú đi du lịch sang vùng Viễn Đông. Suốt trong hai mươi bốn năm, từ năm 1271 cho đến năm 1295, ông đi gần hết phần lớn các nước Á Châu. Chính ông nhìn thấy tận mắt Thái Bình Dương. Ông đi thăm viếng nhiều nơi mà mãi 600 năm sau mới có người Âu Châu khác đặt chân tới. Những chuyện kỳ thú mà ông Marco Polo đã nhìn thấy và đã được nghe những người khác kể lại ? ông thuật lại rằng có một lần ông thấy một thành phố lớn đến nỗi chung quanh thành phố đó dài tới hàng trăm dặm. Sau này ông còn thấy thành phố khác lớn hơn nữa. (Bất kỳ thời nào, những người đi xa thường có khuynh hướng nói thêm lên những gì họ đã nhìn thấy để cho câu chuyện thêm phần thú vị. Ở đây Marco Polo cũng đã nói thêm lên như vậy, nhưng thật ra câu chuyện của ông có khá nhiều sự thật trong đó). Marco Polo đã ngạc nhiên khi thấy người Trung Hoa đốt than. Ông không biết đó là cái gì cho nên ông đã thuật lại rằng : "Đó là loại đá đen được đào trong núi ra và đốt cháy như gỗ".

Marco Polo thấy rằng người phương Đông có những tấm thảm đẹp nhất thế giới và những thứ lụa vô cùng lộng lẫy, đủ các thứ gia vị, gỗ mun cùng các thứ gỗ tốt khác, vàng, bạc, trân châu, các thứ đá quý, yên ngựa xinh đẹp, võ khí tuyệt hảo. Các bà mang những chiếc vòng xuyến đắt tiền, và đôi khi có những người đàn ông còn mang những chiếc vòng đắt giá hơn. Những đô thị đông phương thật là vô cùng giàu có. Hằng năm có tới hàng ngàn tàu buôn tấp nập ghé vào một đô thị để trao đổi hàng hóa.

Vị chúa tể cai trị Trung Hoa và cả phần lớn Châu Á gọi là "Đại hãn". Marco Polo nói rằng người Âu Châu không thể tưởng tượng được Đại hãn giàu có và quyền thế đến như thế nào. Một trong những lâu đài của ông ta rộng lớn đến nỗi chiều dài của mỗi bức tường thành dài tới một dặm. Phòng ăn trong lâu đài này có thể chứa tới 6.000 thực khách. Trong các trận chiến tranh, Đại hãn đã sử dụng những đạo quân lớn hơn bao giờ hết mà người Âu Châu chưa hề thấy. Một trong những đạo quân của ông ta lớn gấp mười lần đạo quân viễn chinh của đoàn quân Chữ Thập trong lần thánh chiến thứ nhất.

Dưới đây là lời thuật lại của Marco Polo về hệ thống giao thông kỳ lạ của Đại hãn Trung Hoa :

"Từ thành phố Kanbalu có những con đường đi tới các tỉnh khác, và trên mỗi quan lộ này cứ khoảng độ 25 hay 30 dặm ..., lại có một trạm, ở đó có nhà đầy đủ tiện nghi ăn, ở cho du khách tạm dừng chân ... Có những tòa nhà rộng rãi xinh đẹp, trong phòng trang trí đầy đủ, với những tấm lụa cũng như mỗi thứ thích hợp với nhiều hạng người ... Tại mỗi trạm lúc nào cũng có 400 ngựa tốt sẵn sàng cho các sứ giả (người đưa tin) đi, đến để chuyển lệnh của Đại hãn. Tất cả các sứ giả có thể thay ngựa mệt bằng ngựa mới ... Kết quả là ... các vị sứ giả có thể tới triều đình cũng như đi về hay ghé qua các tỉnh đều được tiện lợi dễ dàng nhất. Nói chung, tất cả Đại hãn đã cho thấy rằng sự ưu việt của ông ta hơn tất cả mọi người trong nhân loại này.

Giữa các trạm dừng chân, cứ khoảng ba dặm lại có một làng nhỏ ... những người đi bộ đưa tin hay những người phục dịch cho triều đình đi qua đều có thể tá túc được ở các làng này. Các sứ giả này có mang chuông ở ngang lưng để người ta nhận ra ở từ xa. Mỗi sứ giả chỉ chạy chừng ba dặm, nghĩa là từ làng này đến làng khác ... Những tiếng chuông rung báo hiệu sứ giả tới và có người trong trạm đã túc trực sẵn để thay thế đem tin đi trạm kế. Tại mỗi trạm (cách nhau ba dặm) có một nhân viên túc trực có nhiệm vụ ghi ngày, giờ các vị sứ giả đến và đi,"

- Những câu chuyện của Marco Polo khiến cho người Âu Châu thích đi thăm viếng Viễn Đông

Những câu chuyện kỳ lạ trên đây chỉ là một số ít trong những điều mà Marco Polo đã được nghe và nhìn thấy. Sau khi đi Châu Âu về, ông viết một cuốn sách về chuyện phiêu lưu của ông. Ai đã đọc sách này đều loan truyền cho người khác biết. Khắp Âu Châu ai cũng nói về chuyện kỳ thú mà ông kể trong sách. Khi họ biết rằng những hàng hóa ở Đông phương giá chỉ đáng một phần nào so với giá mà các thương gia ở Ý đã ban cho họ, họ bắt đầu tự hỏi : "Tại sao các người Âu Châu khác lại không đi đến Đông phương như Marco Polo để tìm hiểu thêm về xứ đó ? Tại sao chúng ta không thể tìm một con đường tới đó bằng đường biên chẳng hạn để thâu đoạt những của cải của người Đông phương bằng cách trao đổi hàng hóa của ta cho họ".

 

¨ NHỮNG PHÁT MINH VÀ CẢI TIẾN GIÚP CHO NGƯỜI TA CÓ THỂ VƯỢT ĐẠI DƯƠNG MỘT CÁCH DỄ DÀNG

Vào thời kỳ mà người Âu Châu nói về việc tìm kiếm một con đường đi Viễn Đông thì cũng là khi Âu Châu đang xảy ra nhiều biến đổi. Như các bạn đã biết, trước khi xảy ra các cuộc thánh chiến, dân Âu Châu ít đi du lịch xa và buôn bán xa. Họ cũng ít đọc và viết sách báo. Chỉ có các tu sĩ và những người chức sắc trong giáo hội mới chú ý đến việc học hành. Họ điều hành các trường học và giữ một số ít sách. Những sách này viết bằng tiếng Latin nên ít người đọc được, và chỉ chứa đựng một số kiến thức của mấy thế kỷ trước. Rất ít kiến thức mới được thêm vào. Nhưng khi người Âu Châu bắt đầu chú ý đến thương mãi và du lịch, thì có thêm nhiều người biết đọc và biết viết cùng học hỏi. Người ta bắt đầu học về văn minh cổ Hy Lạp, La Mã, môn học mà người ta bỏ quên hàng trăm năm trước. Nhiều tiến bộ về khoa học được thực hiện. Họ cũng được học và phát triển nhiều sáng chế cho việc hàng hải được thêm dễ dàng.

- Các nhà hàng hải được trang bị dụng cụ mới

Người Âu Châu đã từng được biết về la bàn. Đối với chúng ta ngày nay, la bàn là một dụng cụ thông thường nhưng đối với người Âu châu thời đó thì la bàn là một thứ mới lạ. Trước hết người ta phải học cách từ hóa một cái kim bằng sắt để kim đó luôn luôn chỉ về phương Bắc. Kim này được đặt trên một cái bảng có ghi phương hướng Đông, Tây, Nam, Bắc rồi được đặt trong một cái hộp nhỏ. Như vậy, người ta có một cái la bàn giống như cái la bàn ngày nay. Khi có một chiếc la bàn trong tay thì nhà hàng hải có thể biết rất rõ con tàu của ông ta đang đi về hướng nào. Nhưng ông ta không những chỉ cần biết phương hướng nào ông đi tới, mà còn cần phải biết nơi nào ông ta muốn tới nữa. Để thực hiện được mục đích đó, người ta chế ra một thứ dụng cụ để đo độ cao thiên thể (Cross staff và Astrolabe). Với loại dụng cụ này, nàh hàng hải có thể nhìn một thiên thể mà xác định được vị trí của ông ta hiện tại cách xa phía Bắc hay phía Nam đường xích đạo là bao nhiêu. Do đó, ông ta có thể ước lượng được rằng ông ta đang ở vĩ độ nào. Cũng vào thời kỳ này, người ta đã biết sử dụng đồng hồ. Người ta làm một cái bảng trên đó có ghi thời giờ và khoảng cách. nhìn vào thiên thể đó lần nữa bằng cách sử dụng bảng trên đây, và đồng hồ của mình, nhà hàng hải có thể biết rõ được ông ta hiện đang ở phía Đông hay phía Tây bao xa. Như vậy ông ta sẽ biết được ông ta hiện ở kinh tuyến nào. Biết được vĩ độ và kinh độ của một nơi, người ta có thể xác định được nơi đó. Dĩ nhiên là việc chèo thuyền vượt biển phần lớn tùy thuộc vào tài năng của các nhà hàng hải. Nhưng nhờ những dụng cụ mới được sáng chế trên đây mà việc chèo thuyền vượt biển được an toàn hơn, và người ta có thể thực hiện được những cuộc viễn hành trên đại dương.

Sau này người ta lại vẽ được các bản đồ và hải đồ. Các nhà hàng hải lại càng dễ dàng thực hiện được những chuyến đi viễn hành của họ.

- Phương pháp mới về ấn loát được sáng chế

Hàng trăm năm trước, người ta chỉ có thể viết được một lần một bản, và phải chép bằng tay từng chữ một rất chậm chạp. Vào giữa thế kỷ XV, người ta sáng chế ra phương pháp mới về ấn loát. Ngày nay chúng ta gọi phương pháp mới này là loại di động. Cứ mỗi mẫu tự trong bộ chữ cái (alphabet) thì lại có nhiều bộ mẫu tự nhỏ, rời, để người ta có thể xếp đi xếp lại thành những dòng chữ khác nhau. Với phương pháp in thô sơ này, người ta có thể in được nhiều bản của một cuốn sách.

Việc sáng chế ra thuật ấn loát này đã giúp cho việc truyền bá những khám phá mới và những câu chuyện về những vùng đất mới lạ lan truyền khắp Âu Châu. Sau năm 1450, nếu người ta đã đi tới một miền đất hay các vùng biển xa lạ nào, người ta thường viết một bài tường thuật nói về chuyến đi và vẽ bản đồ để nói rõ con đường mà họ đã đi qua. Sau đó lại được in thành sách cho du khách sử dụng. Cho nên các bạn có thể hiểu rằng việc sáng chế ra máy in đã khuyến khích việc du lịch và thám hiểm mạnh mẽ như thế nào.

¨

PHẦN II

CÁC NHÀ HÀNG HẢI ÂU CHÂU TÌM ĐƯỢC CON ĐƯỜNG

BIỂN ĐI ÂU CHÂU NHƯ THẾ NÀO ?

 

¨ CÁC THÀNH PHỐ Ý ĐẠI LỢI KIỂM SOÁT VIỆC BUÔN BÁN VỚI PHƯƠNG ĐÔNG

Như chúng ta đã thấy, người Âu Châu đã trở nên quen thuộc với các sản phẩm Đông phương như các đồ gia vị, đường, dầu thơm, lụa .v.v... Các hàng hóa này được các thương gia người Ý chuyển vận tới. Vào thế kỷ thứ 15, các đô thị Ý (đặc biệt là Venise và Genca) buôn bán rất phát đạt với Viễn Đông. Các thương gia người Á Rập đi tới những miền đất xa lạ và mang những hàng hóa này về bán lại cho thương gia người Ý, chứ thực ra các thương gia người Ý không đi tới Viễn Đông. Dưới đây chúng ta tìm hiểu thương gia người Ả Rập đã đi theo những lộ trình quan trọng nào ?

 

- Việc giao thương với Viễn Đông đi theo ba lộ trình

Nhìn vào bản đồ trên, ta thấy các thương gia Ả Rập đã đi theo ba con đường:

1. Bắc lộ, là con đường dài và rất khó khăn, đi từ Tây Bắc Trung Hoa băng qua đại bình nguyên Châu Á đoạn này mất nửa năm hay hơn) và Hắc Hải tới Địa Trung Hải.

2. Trung lộ, là con đường dùng cả đường biển lẫn đường bộ. Các nhà hàng hải người Ả Rập mang hàng hóa theo hướng Bắc, dọc theo duyên hải Tây Ấn tới vịnh Ba Tư, rồi chuyển hàng hóa lên đường bộ để đưa tới các hải cảng ở phía Đông Địa Trung Hải.

3. Nam lộ, con đường này hầu hết là thủy lộ, từ Trung Hoa tới Ấn Độ luồn theo duyên hải bán đảo Á Rập đi vào Hồng Hải rồi chuyển sang một quãng ngắn đường bộ tới các hải cảng ở Ai Cập. Các thương gia người Ý tới đây mua hàng hóa.

Chúng ta nên nhớ rằng dù là con đường nào đi nữa thì các thương gia Ý cũng đều phải mua hàng hóa Đông phương qua tay các thương gia Á Rập. Vì rằng các đô thị Ý Đại Lợi gần Đông phương hơn, và các thương gia người Ý được người Saracens cho đặc quyền buôn bán các hàng hóa Đông phương trong khi các thương gia của các quốc gia Âu Châu khác không được hưởng đặc quyền này. Nói một cách khác, các đô thị Ý Đại Lợi được đặc quyền buôn bán hàng hóa Đông phương.

- Những người Âu Châu khác ganh tị với người Ý

Các bạn hãy tưởng tượng các quốc gia hàng hải Âu Châu khác ganh tị với các đô thị Ý Đại Lợi như thế nào? Họ thấy rằng nhờ kiểm soát các thương lộ mà các thương gia người Ý ngày càng trở nên giàu có, trong khi đó thì túi tiền của chính họ cứ cạn dần. Lúc bấy giờ người Âu Châu đã sản xuất được một số hàng hóa để trao đổi với người Ý để lấy hàng hóa xa xỉ Đông phương. Nhưng hàng hóa của họ không được đắt giá bằng hàng hóa Đông phương cho nên họ phải trả thêm vàng hay bạc cho thương gia người Ý. Các nước trên không thể cứ tiếp tục nhập cảng nhiều hơn xuất cảng được, giống như một người nào trong chúng ta cứ tiếp tục chi nhiều hơn thâu sẽ bị khánh tận. Còn một lý do khác nữa khiến cho các quốc gia Âu Châu chống lại sự độc quyền buôn bán hàng hóa Đông phương của người Ý. Các bạn còn nhớ là thời Trung cổ, các nhà quý tộc quyền thế gần giống như các vị vua chúa đến nỗi dân chúng không còn giữ được lòng trung thành với tổ quốc của họ. Nhưng tình trạng này đã lần lần thay đổi. Các vua chúa Âu Châu đã lần lần đè bẹp các ông lãnh chúa và làm chúa tể thực sự đất nước thống nhất và hùng mạnh. Đây cũng là lần đầu tiên nhân dân Pháp, Anh, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha hiểu rõ lòng tự hào về đất nước của họ. Vua chúa các quốc gia này cũng thiết tha mong muốn được trở nên giàu có. Cho nên họ sẵn sàng cung cấp tàu thuyền và tiền bạc, cũng như gửi các nhà hàng hải gan dạ đi tìm đường đi tới miền đất xa xôi.

- Người Âu Châu đi tìm những con đường mới đến Đông phương

Một điều kỳ lạ là các nhà hàng hải thuộc các tân quốc gia trên đây đã bắt đầu mơ ước tới những con đường đi tới Ấn Độ và Viễn Đông. Họ nói rằng “Venice và Genoa kiểm soát những con đường quen thuộc đi Châu Á. Tại sao họ lại không tìm một thủy lộ mới để họ có thể chia phần những của cải của Đông phương?” Thực ra có gì ngăn chặn được họ? Bây giờ họ lại có những dụng cụ hàng hải giúp cho việc vượt đại dương được an toàn hơn. Họ đã có những bản đồ và hải đồ để hướng dẫn họ. Xa hơn nữa họ còn mơ ước phiêu lưu và trở nên nổi danh và giàu có. Chính những mơ ước này đã khiến cho người ta cố gắng tiến lên dù gặp phải những thất bại, gian lao, khổ cực.

 

¨ CÁC NHÀ HÀNG HẢI NGƯỜI BỒ ĐÀO NHA TỚI ẤN ĐỘ BẰNG ĐƯỜNG BIỂN

- Thái tử Henry của Bồ Đào Nha khuyến khích việc thám hiểm

Quốc gia nhỏ bé Bồ Đào Nha là quốc gia đầu tiên đã tìm ra thủy lộ đi Đông phương. Phần lớn các kỳ công khám phá này thuộc về một người trong hoàng tộc Bồ Đào Nha. Đó là thái tử Henry. Thái tử Henry rất thích cuộc đời biển cả. Qua việc thám hiểm bở biển phía Tây Châu Phi, thái tử hy vọng sẽ biến cải được thổ dân vùng duyên hải này theo đạo Gia tô, và thiết lập việc buôn bán trao đổi bằng vàng giữa nước ông với các dân tộc vùng này. Nhưng Henry cũng hy vọng là nếu càng phiêu lưu đi theo bờ biển phía Tây Châu Phi xa hơn nữa tới miền xa lạ, thì người Bồ Đào Nha có thể tìm ra được thủy lộ tới phương Đông. Để thực hiện tham vọng này, thái tử cho thiết lập một trường huấn luyện hàng hải ngay tại mũi cực Tây Nam Âu Châu. Tại đây, ông cho tập trung các nhà hàng hải, các sinh viên hàng hải, các nhà du lịch, và các nhà làm hải đồ và các dụng cụ hàng hải cùng các nhà đóng tàu. Không bao lâu, các tàu biển Bồ Đào Nha là những tàu biển xinh đẹp nhất, và các nhà hàng hải Bồ Đào Nha là những người tài ba nhất. Chính thái tử cũng nổi danh và được ca tụng là “Thái tử Henry của hàng hải”.

- Các nhà hàng hải Bồ Đào Nha thám hiểm bờ biển phía Tây Châu Phi

Thái tử Henry gửi các tàu thuyền tới tận duyên hải phía Tây Châu Phi để thám hiểm và trao đổi mậu dịch. Ông ra lệnh mỗi vị thuyền trưởng phải xây một cái tháp bằng đá cao 6 bộ ở trên bờ biển để đánh dấu nơi xa nhất mà họ đặt chân tới. Dĩ nhiên vào lúc đó không ai nhận thức được sự rộng lớn và vĩ đại của lục địa Châu Phi. Cho nên phải vô cùng can đảm lắm mới có thể chèo thuyền đi men theo bờ biển phía Tây Châu Phi hướng về phía Nam. Và đi như vậy tưởng chừng như chẳng bao giờ đi hết được vùng bờ biển dài vô tận này. Các nhà hàng hải lúc bấy giờ thường tin những chuyện ghê gớm ở các vùng biển xa lạ mà họ thường được nghe. Nào là những vùng nước xoáy chực sẵn để cuốn vào lòng biển sâu những chiếc tàu bất hạnh nào vô tình đi qua đó. Nào là những con quái vật đang hờm sẵn để tàn phá tàu họ. Nào là chính những ác quỷ đang nằm canh chừng xem người nào dám cả gan chèo thuyền tới vùng biển xa lạ này. Những câu chuyện này đã làm cho các nhà hàng hải thường cho tàu trở về mà không dám tiến đến vùng biển mà người ta thường gọi là “Đại dương của bóng tối”. Tuy nhiên thái tử Henry đã cho lệnh các nhà hàng hải phải tiếp tục cho tàu mạnh tiến, và phải xây các tháp đá ở những nơi càng ngày càng xa hơn về phía Nam trên bờ biển phía Tây Châu Phi.

Đúng vào khi người Bồ Đào Nha thấy rằng dân bản địa Phi Châu hân hoan trao đổi nô lệ và biếu vàng để lấy ngựa, thái tử Henry càng khuyến khích các thương gia Bồ Đào Nha nắm lấy cơ hội này để chuyển hàng tới quốc gia này. Không bao lâu, Bồ Đào Nha thiết lập được con đường thương mại tấp nập dọc theo duyên hải Phi Châu. Tuy nhiên thái tử Henry vẫn chưa hài lòng. Ông vẫn luôn luôn thúc giục các nhà hàng hải tiến về phía Nam. Khi ông mất vào năm 1460, là khi những chiếc tàu của ông đã đi vòng quanh mũi Verde.

- Đi tới Ấn Độ

Sau khi thái tử Henry mất đi rồi thì các nhà hàng hải Bồ Đào Nha vẫn tiếp tục thám hiểm duyên hải Phi Châu. Sau cùng vào cuối năm 1487, Bartholomew Dias đi vòng quanh mũi cực Nam Phi Châu. Ông tin chắc rằng cứ theo con đường này là có thể đi tới Ấn Độ, và ông vội vã đem tin vui về. Nhận được tin vui này, hoàng đế vui mừng đặt tên cho mũi cực Nam Phi Châu là mũi Hảo Vọng.

Vasco da Gama

Vasco Da Gama

này, vào năm 1498 một nhà thám hiểm Bồ Đào Nha khác đã minh chứng được rằng nhận xét của Dias là đúng. Nhà thám hiểm này, tên là Vasco Da Gama, đi vòng quanh mũi Hảo Vọng ngược lên duyên hải phía Đông Phi Châu, rồi cho tàu hướng về phía Đông vượt Ấn Độ Dương để đi tới Ấn Độ. Tại đây, ông cho thiết lập một tháp đá đánh dấu ngày hoàn thành công cuộc tìm kiếm được thủy lộ đi đến Đông phương. Cuối cùng ông trở về quê hương với cả một tàu chất đầy hương liệu, lụa và các đồ trang sức quý báu, một bằng cớ chứng minh rằng ông đã thật sự đặt chân lên xứ Ấn Độ.

- Các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha đã giúp cho người ta hiểu biết thế giới nhiều hơn

Trước ngày thái tử Henry phát khởi các chuyến đi thám hiểm, người ta hiểu biết rất ít về thế giới. Các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc mở rộng thêm kiến thức địa lý. Mỗi khi các nhà hàng hải đi thám hiểm về, các nhà chuyên môn vẽ bản đồ lại vẽ thêm một phần duyên hải vừa mới thám hiểm được vào bản đồ. Nhờ vậy, mà dân Âu Châu hiểu biết rõ hơn về địa lý thế giới.

 

¨ BỒ ĐÀO NHA KIỂM SOÁT CON ĐƯỜNG HÀNG HẢI ĐI ẤN ĐỘ

- Nhờ giao thương với Đông phương, Bồ Đào Nha càng trở nên giàu có

Ngay khi đó Bồ Đào Nha nhận thấy rõ giá trị con đường hàng hải đi Đông phương do Da Gama tìm ra. Da Gama đã mang về Bồ một chuyến tàu trị giá gấp 60 lần tổn phí cho cuộc thám hiểm của ông. Bạn hãy tưởng tượng rằng nếu bạn mua một cái gì chỉ đáng một xu và bán lại được 60 xu thì bạn sẽ cảm thấy vui mừng đến bậc nào? Từ nhà vua cho đến các nhà hàng hải và thương gia Bồ đều vui mừng hoan hỷ về tin này. Tàu thuyền đi Đông phương càng gia tăng số lượng. Đồng thời họ thiết lập các thương điểm ở Ấn Độ và gửi quân đi đồn trú bảo vệ. Bồ Đào Nha là chủ nhân ông duy nhất con đường hàng hải đi Ấn Độ mới tìm được này.

- Trung tâm thương mại chuyển từ các đô thị Ý sang Bồ Đào Nha

Vào đầu thế kỷ thứ 16, Libson, thủ đô Bồ Đào Nha trở nên một hải cảng quan trọng bậc nhất ở Âu Châu. Tại các đường phố và quán rượu, các thủy thủ tập nập đi về, ra vào chật ních. Các nhà hàng hải và các thương gia túm tụm quay quần trong các căn phòng yên tĩnh, bàn tính cho cuộc viễn hành sắp tới. Các tàu hàng chất đầy hàng hóa từ Ấn Độ tới tấp tiến vào bến tàu. Đó là những tàu chở đầy những hàng hóa Đông phương có giá trị như hương liệu, đá quý, vải vóc. Tàu thuyền của các quốc gia khác cũng nằm chờ ở Libson để bốc hàng đi các hải cảng khác ở Âu Châu. Như các bạn đã biết, trước kia các đô thị Ý Đại Lợi đã từng là các thương cảng quan trọng của Âu Châu (Venice và Genoa). Vì giá chuyển vận rẻ hơn nên các thương gia Bồ bây giờ có thể bán hàng hóa Đông phương với một giá rẻ hơn so với giá thương gia người Ý bán trước kia. Đó là nguyên do Bồ trở nên giàu có vì buôn bán với Đông phương, một nghiệp vụ mà các đô thị Ý từng chiếm độc quyền.

 

¨

PHẦN BA

TẠI SAO KHA LUÂN BỐ ĐÃ VƯỢT BIỂN TIẾN VỀ

HƯỚNG TÂY, VÀ ÔNG ĐÃ HOÀN THÀNH ĐƯỢC NHỮNG GÌ?

Ngay trước khi Da Gama tới Ấn Độ, các chuyến đi của các nhà hàng hải Bồ Đào Nha khi trước đã khiến cho người Âu Châu nghĩ rằng rất có thể có những con đường khác đi đến Viễn Đông. Sau hết, đối với các quốc gia Âu Châu, thủy lộ do người Bồ Đào Nha kiểm soát không hơn gì các con đường đi Á Châu do các đô thị Ý kiểm soát. Một số người đã có ý tưởng táo bạo là: Tại sao ta không tìm một thủy lộ đi đến các kho tàn ở Viễn Đông bằng cách vượt biển đi về hướng Tây? Chúng ta biết rằng vào khoảng năm 1000, người Viking đã vượt biển đi về hướng Tây và đã tìm thấy đất liền ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Nhưng người Viking không còn chú ý đến miền đất xa xôi này nữa. Đến cuối thế kỷ thứ 15, rất ít người Âu Châu còn biết đến những cuộc viễn hành của người Viking này nữa.

- Kha Luân Bố dự trù vượt biển tiến về hướng Tây để đi đến Á Châu

Nói rằng có thế giới Á Châu được bằng cách vượt biển đi về hướng Tây thay vì hướng Đông thì là một kẻ vẩn vơ mơ mộng, thì Kha Luân Bố đúng là kẻ vẩn vơ mơ mộng. Nhưng ông đã can đảm thực hiện được giấc mơ của ông. Vốn là người yêu biển cả, năm 14 tuổi, ông đã trở nên một thủy thủ nhà nghề. Từ đó nếu khi nào không lênh đênh sóng gió với con tàu thì ông vẽ bản đồ và hải đồ kiếm kế sinh nhai. Ông thường hay nghiên cứu các hải đồ của những người khác vẽ, cũng như đọc các bài tường thuật về các cuộc viễn hành, và bàn luận với các nhà hàng hải. Lần lần ông vạch ra một kế hoạch để thực hiện giấc mộng: đi theo hướng Tây để đến Á Châu.

Ông tin rằng dự định của ông sẽ dễ dàng thực hiện hơn là sự thực. Ông phỏng đoán rằng ông sẽ tìm được những gì, nhưng ông đã đoán lầm. Ông cho rằng trái đất tròn nhưng lại nghĩ rằng trái đất nhỏ hơn sự thực rất nhiều. Và ông cũng cho rằng Châu Á lớn hơn nhiều. Cho nên ông đã nghĩ rằng khoảng đường ông vượt biển từ Âu Châu tới Á Châu sẽ ngắn hơn (so với sự thực). Ông hầu như không biết gì về hai đại lục Bắc Mỹ và Nam Mỹ nằm trên đường của ông đi tới Á Châu.

- Kha Luân Bố chuẩn bị chuyến đi viễn hành

Kha Luân Bố tin chắc rằng việc vượt biển đi về hướng Tây để tới Á Châu sẽ dễ dàng và rẻ hơn so với con đường đi vòng quanh Phi Châu mà người Bồ Đào Nha đã thực hiện trước kia. Nhưng ông không phải là người giàu có. Ông không thể mua sắm được tàu thuyền cùng các đồ trang bị và tiếp liệu cho chuyến đi viễn hành, và ông cũng không có tiền để thuê mướn thủy thủ cùng đi với ông. Ông cần được tài trợ để thực hiện dự định táo bạo này.

Như chúng ta đã biết là các vị vua chúa Âu Châu lúc bấy giờ rất thèm khát của cải, và họ đã từng giúp đỡ các nhà hàng hải thực hiện các chuyến đi viễn hành quan trọng. Chính vì vậy mà Kha Luân Bố xin các vị hoàng đế Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tài trợ để thực hiện giấc mộng của ông. Nhưng qua nhiều năm chờ đợi không ai chịu giúp đỡ ông cả. Ông trở nên chán nản và thất vọng. Ông đã có ý định bỏ cuộc. Cuối cùng ông thuyết phục được hoàng đế Ferdinand và hoàng hậu Isabella của Tây Ban Nha bằng lòng sắm tàu và tài trợ tiền bạc cho ông chuẩn bị chuyến đi viễn hành tiến về hướng Tây để tới Á Châu.

Sau khi chuẩn bị xong đủ mọi thứ, ông cùng đoàn người khởi hành cuộc thám hiểm vùng đất xa xăm. Chuyến đi của ông khởi hành vào sáng sớm ngày thứ sáu mồng 3 tháng 8 năm 1492. Tại một hải cảng thuộc làng Palos, Tây Ban Nha, ông đứng trên boong của chiếc tàu nhỏ bé Santa Maria hạ lệnh cho đoàn thủy thủ gồm 40 người nhổ neo, và con tàu từ từ tiến ra khơi. Theo sau là hai chiếc tàu Nina và Pinta, mỗi chiếc có 25 người đều ở dưới quyền chỉ huy của ông. Cái ngày mà ông từng mơ ước bao nhiêu lâu đã được thực hiện. Giờ thì ông và đoàn tùy tùng đang cố gắng vượt những vùng biển xa lạ đi về hướng Tây để tới Châu Á.

- Kha Luân Bố khám phá ra Tân Thế Giới

Những chiếc tàu nhỏ bé trên đây chỉ là những chấm đen giữa những ngọn sóng trùng dương. Ngày qua ngày, đoàn tàu tiến về phía Tây qua vùng biển xa lạ. Thủy thủ đoàn càng ngày càng trở nên kinh sợ. Đây là đại dương kinh hoàng của bóng tối, nơi mà ma quỷ và quái vật đang rình rập. Kha Luân Bố bồn chồn đi lại trên tàu. Ông chú ý tới chi tiết từng cảnh vật, gió, mưa, thời tiết, ngọn buồm và thủy thủ. Ông ghi nhận những bước tiến của mỗi ngày. Ông cẩn thận ghi thành hai bản. Một bản cho chính ông, ghi khoảng cách thật sự mà đoàn tàu đã đi được từ điểm khởi hành. Còn bản kia, ông cố ý ghi khoảng đường mỗi ngày càng ngắn hơn so với sự thật để cho thủy thủ đoàn xem. Ông làm như vậy để cho họ khỏi buồn rầu vì xa nhà. Nhưng sau cùng, sau 10 tuần lênh đênh ném sau lưng hải cảng Palos, đoàn người đã chắc chắn nhìn thấy dấu hiệu của đất liền. Chúng ta hãy mường tượng lúc này, ông Kha Luân Bố và đoàn thủy thủ cảm thấy hân hoan sung sướng như thế nào. Chúng ta có thể đọc câu chuyện vui dưới đây của ông. Và đây là một đoạn được đăng trên tờ The Journal of Christopher Columbus:

- Ngày thứ tư, 10 tháng 10 – Đoàn tàu đi về hướng Tây Tây Nam với tốc độ trên dưới 10 dặm một giờ, khi thì 12, khi thì 7. Suốt ngày đêm, họ đã đi được 59 hải lý (tính cho thủy thủ đoàn thì không hơn 44 lý). Nhiều người không còn chịu nổi được nữa. Họ phàn nàn chuyến đi quá dài, nhưng “soái hạm” (ông Kha Luân Bố thường tự xưng như vậy) tìm đủ mọi cách để khích lệ họ, cho họ thấy những hy vọng đẹp đẽ và những ích lợi mà họ sẽ đạt được.

- Ngày thứ năm, 11 tháng 10 – Đoàn tàu vẫn tiến về phía Tây Tây Nam. Sóng biển càng trở nên dữ dội hơn trước. Họ đã thấy một vài con chim lượn trên không trung, và cành sậy còn xanh trôi gần tàu. Những người trên tàu Pinta thấy một cây lau và một cái sào. Họ lượm được một cái sào nhỏ có dấu vết đinh sắt đóng vào, cùng với một cây lau khác và một tấm gỗ nhỏ. Đoàn thủy thủ của chiếc tàu Nina cũng nhìn thấy dấu hiệu của đất liền. Họ thấy một cành đầy trái dâu. Khi thấy các dấu hiệu này mọi người đều tỏ ra hân hoan sung sướng.

Sau khi mặt trời lặn, Soái hạm hạ lệnh cho tàu đi hướng Tây với tốc độ 12 dặm một giờ. Vì tàu Pinta có những thủy thủ giỏi nên đã lướt đi trước tàu của Soái hạm. Tàu này đã nhìn thấy dấu hiệu của đất liền và ra dấu hiệu cho đoàn tàu hay. Người thủy thủ đầu tiên nhìn thấy đất liền là Rodrigo de Triana. Nhưng từ 10 giờ đêm hôm trước, Soái hạm đã nhìn thấy ánh đèn mà không có gì chắc chắn nên ông không xác nhận đó là đất liền. Tuy nhiên, Soái hạm quả quyết đã gần tới đất liền... Ông yêu cầu thủy thủ đứng trên mũi tàu theo dõi và thấy đất liền thì kêu lên cho ông hay. Ngoài những phần thưởng mà hoàng hậu và đức vua Tây Ban Nha hứa tặng là 10 ngàn đồng vàng cho những ai nhìn thấy đất liền đầu tiên, ông còn cho thêm một tấm áo lụa. Vào khoảng hai giờ đêm, đoàn tàu nhìn thấy đất liền ở một khoảng xa chừng 2 lý (8 dặm).

- Ngày thứ sáu, 12 tháng 10 – Đoàn tàu ngừng lại để chờ bình minh, và hôm nay, thứ sáu, họ tới hòn đảo nhỏ bé mà người da đỏ gọi là Guanahani. Ở đây họ thấy những người trần truồng. Soái hạm bước lên chân cột trụ trong chiếc tàu võ trang cùng với Martin Alonzo Pinzon, và người em của ông này là Vincente Yanez, người chỉ huy chiếc tàu Nina. Soái hạm mang cờ hoàng gia Tây Ban Nha, hai vị thuyền trưởng kia mang cờ thập tư xanh có thêu hai chữ F và Y (F: Ferdinand, Y: Ysabel) đội vương miện ở hai bên chữ thập. Sau khi đổ bộ lên bờ, họ thấy nhiều cây xanh ngập nước, và nhiều loại cây khác. Khi hai vị thuyền trưởng kia đang nhảy lên bờ thì Soái hạm gọi họ mà bảo rằng họ là những người chứng kiến trung thực công cuộc Soái hạm chiếm được hòn đảo này cho Đức vua và Hoàng hậu...

- Tại sao cuộc viễn hành của Columbus lại quan trọng?

Ngày 12 tháng 10 năm 1492, Kha Luân Bố đổ bộ lên hòn đảo mà ông đặt tên là San Salvador (người da đỏ gọi là Guanahani). Hòn đảo này nằm trong quần đảo Bahama cách bán đảo Florida về phía Đông Nam chừng 400 dặm. Vẫn còn tiếp tục đi tìm lục địa Châu Á, Kha Luân Bố cho tàu chạy dọc theo duyên hải hai hòn đảo Cuba và Hispaniola trước khi trở về Tây Ban Nha. Vì ông cho rằng những hòn đảo này là một phần của Đông Ấn ở ngoài khơi duyên hải phía Đông Á Châu, ông gọi vùng ấy là Ấn Độ. Ngày nay do sự sai lầm của Kha Luân Bố mà quần đảo này được gọi là Tây Ấn (West Indies).

Kha Luân Bố đã hoàn thành được những gì? Ông đã không tới được Châu Á, ông cũng không khám phá được con đường đi từ Âu Châu tới phương Đông, nhưng những gì ông đã khám phá ra còn quan trọng hơn, dù rằng lúc đó ông không biết điều này: Ông đã khám phá ra Mỹ Châu.

Chú thích: 1 lý: độ 4 dặm

 

(xem tiếp Chương hai)

 

Trang Lịch Sử