●   Bản rời    

LSHK-4- Việc Thành Lập 13 Thuộc Địa Anh (Nguyễn Mạnh Quang dịch)

LỊCH SỬ HOA KỲ

(3 tác giả)

Nguyễn Mạnh Quang dịch

http://sachhiem.net/NMQ/LSHK/LSHK04.php

| bản rời | «  Xem Mục Lục » | 12 tháng 9, 2009

Chưa lay out, chưa đăng

(tiếp theo Chương ba)

pypypy

CHƯƠNG IV

NGƯỜI ANH THIẾT LẬP NHỮNG
THUỘC ĐỊA HÙNG MẠNH Ở BẮC MỸ

... The heavy night hung dark

The hills and waters e’ver

When a band of exiles meored their bark

On the wild New England shore.

Not as the conqueror come

They, the true-hearted, came:

Not with the roll of the stirring drums,

And the trumpet that sings of fame...

What sought they thus afar?

Bright jewels of the mine?

The wealth of seas, the spoils of war?

They sought a faith’s pure shrine!

...

Đa số chúng ta đều biết những câu thơ trên đây trích trong bài thơ nói về những người Thanh giáo và cuộc đổ bộ của họ lên bờ biển ở vùng Tân Anh. Không giống những người dũng cảm Tây Ban Nha đi chinh phục, những người Anh này chỉ là những người đi tìm quê hương mới ở Tân Thế Giới. Họ không chú ý đến của cải, những đồ trang sức rực rỡ và quý giá trong các kho tàng, mà chỉ khởi công một cuộc đời mới, nơi mà họ có thể tự do thờ phượng theo ý muốn.

Ngay cả trước khi người Thanh giáo đổ bộ lên Plymouth, đã có một làng định cư được thành lập ở xa về phía Nam, nơi mà ngày nay gọi là Virginia. Liên tiếp những năm sau đó, nhiều giống người khác đến lập nghiệp dọc theo bờ biển Bắc Mỹ. Những người này đến Tân thế giới lập nghiệp vì nhiều nguyên nhân. Dù rằng cũng có nhiều người thuộc các quốc gia khác, nhưng hầu hết những người này là thanh niên, phụ nữ Anh. Ngoài các làng định cư của những người thuộc các quốc gia Âu châu khác, các thuộc địa Anh lần lần phát triển rồi sau này biến thành quốc gia Hoa Kỳ. Trong chương này, chúng ta sẽ bàn về các giai đoạn khởi đầu của Hoa Kỳ. Khi đọc chương này, các bạn nên nhớ những vấn đề dưới đây:

1. Tại sao người Anh đã đi đến Tân Thế Giới và đi bằng cách nào?

2. Thuộc địa thành công của Anh đầu tiên đã khởi sự như thế nào?

3. Những thuộc địa miền Tân Anh được thành lập ra sao?

4. Những thuộc địa miền Nam nào đã được thành lập?

5. Những thuộc địa miền Trung được thành lập như thế nào?

¨

PHẦN MỘT

TẠI SAO NGƯỜI ANH ĐÃ ĐI ĐẾN TÂN THẾ GIỚI
VÀ ĐI BẰNG CÁCH NÀO?

Chúng ta nên nhớ rằng trong khi Tây Ban Nha đã thiết lập được đế quốc vĩ đại ở Tân Thế Giới thì Anh quốc hãy còn là một quốc gia nhược tiêu. Tuy nhiên, sức mạnh đang lên của Anh được thấy rõ khi hải lực Anh đánh bại hạm đội Armada của Tây Ban Nha. Vào đầu thế kỷ thứ XVII, người Anh đã bắt đầu chú ý đến việc thành lập thuộc địa ở Bắc Mỹ.

Vào lúc này người ta chỉ có cách vượt đại dương bằng những thuyền buồm nhỏ. Những thuyền buồm này thường chở đầy những người và thiếu tiện nghi. Loại tàu thuyền này hoàn toàn tùy thuộc vào thời tiết. Dùng thuyền buồm vượt đại dương để đi tới Bắc Mỹ người ta phải mất nhiều tháng. Nếu chẳng may gặp phải gió mạnh hay bão tố, tàu thuyền có thể bị cuốn chìm vào trong lòng biển và sẽ chẳng bao giờ tới nơi được. Cũng vào thời kỳ này, ít có người biết đến Bắc Mỹ nên ít có ai đến đây định cư. Thế nhưng tại sao thanh niên phụ nữ Anh lại sẵn sàng chịu đựng gian khổ mà ra đi như vậy để đến Bắc Mỹ lập nghiệp.

Lẽ dĩ nhiên trong đó có một số người vì có óc mạo hểm và phiêu lưu như người Tây Ban Nha mà đến Tân Thế Giới để hy vọng đi tìm được vàng. Nhưng hầu hết những người Anh đi lập nghiệp ở Bắc Mỹ này đều có những lý do khác. Ta sẽ bàn đến dưới đây.

NGƯỜI ANH THIẾT LẬP THUỘC ĐỊA Ở MỸ CHÂU

 

NHỮNG NGƯỜI ĐI LẬP NGHIỆP VÌ TỰ DO

 

- Mỹ Châu có nghĩa là tự do sống cuộc đời tốt đẹp hơn

Có nhiều lý do khiến thanh niên phụ nữ Anh sẵn sàng rời bỏ tổ quốc để đi Tân Thế Giới. Có một điều là hầu hết dân Anh đã từng là nông dân. Họ đã từng mướn ruộng của các địa chủ giàu có để cày cấy sinh nhai. Vào lúc các nhà địa chủ kiếm tiền nhiều hơn bằng cách nuôi cừu bán len nên giữ ruộng đất lại để làm đồng cỏ chăn nuôi. Như thế họ chỉ giữ lại một số ít người trông coi súc vật của họ. Vì vậy mà có một số đông người mất nhà mất nghiệp. Họ lang thang khắp nơi để tìm công ăn việc làm. Nhiều người phải đi ăn xin hoặc trộm cắp thực phẩm. Chính quyền Anh lúc bấy giờ đối xử với những người lang thang này rất là khắc nghiệt. Nhưng tVì vậy mà có một số đông người mất nhà mất nghiệp. Họ lang thang khắp nơi để tìm công ăn việc làm. Nhiều người phải đi ăn xin hoặc trộm cắp thực phẩm. Chính quyền Anh lúc bấy giờ đối xử với những người lang thang này rất là khắc nghiệt. Nhưng Tân Thế Giới đã mở ra cho họ một cơ hội đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn.

- Mỹ châu có nghĩa là tự do hơn để làm chủ đất đai.

Vào đầu thế kỷ thứ XVII, rất nhiều người ở Anh chẳng bao giờ nghĩ rằng mình có thể làm chủ một số đất đai. Hầu hết đất đai ở Anh thuộc về giai cấp thượng lưu, rồi được truyền lại cho dòng con trưởng, cho nên các dòng con thứ sau này trở nên bần nông. Tuy nhiên, ở Tân Thế Giới có thừa đất đai cho mỗi người. Ngay những người nghèo khó cũng có thể trở nên địa chủ ở Bắc Mỹ.

- Mỹ châu có nghĩa là tự do tôn giáo

Còn một lý do nữa khiến cho người ta phải bỏ Anh quốc ra đi. Ở Âu châu vào đầu thế kỷ thứ XVII, nhà cầm quyền thường kiểm soát chặt chẽ tín ngưỡng của dân chúng. Dân chúng không được thờ phượng theo ý muốn. Chẳng hạn như tại Anh quốc, dân chúng bắt buộc phải công nhận nhà vua như vị lãnh đạo giáo hội Anh. Họ bị bắt buộc phải đi dự lễ và chấp nhận những giáo lý của giáo hội cũng như dâng tiền đóng góp.

Nhiều người Anh không thích những sự khắt khe về tín ngưỡng này. Những người công giáo mộ đạo không thể nào chấp nhận giáo lý của giáo hội Anh, vì nó khác xa với giáo lý công giáo. Họ tin rằng chỉ có giáo hoàng ở La Mã mới là người lãnh đạo hợp pháp của giáo hội. Mặt khác, lại có nhiều người nghĩ rằng giáo hội Anh quốc cũng quá đáng như giáo hội công giáo. Những người này không muốn có gì thay đổi trong giáo hội Anh mà cũng không hoàn toàn ly khai để thiết lập một hệ phái khác. Bất kể là lý do nào, những ai không muốn tuân theo những luật lệ về tôn giáo của Anh đều bị nghiêm trị. Vì thế cho nên có nhiều người Anh muốn đi xa tới Mỹ châu để lập nghiệp, nơi mà họ có thể tự do thờ phượng theo ý muốn.

- Mỹ châu có nghĩa là tự do tham dự vào chính quyền

Mặc dầu vào thế kỷ thứ XVII, dân Anh có nhiều quyền hành hơn những người dân ở các quốc gia khác, những họ cũng không hài lòng với chính phủ Anh. Anh hoàng James Đệ Nhất (người kế vị nữ hoàng Elizabeth) và con trai của ông là hoàng đế Charles I đều tin rằng Thượng đế trao cho nhà vua toàn quyền cai trị quốc gia. Cả vua James I và vua Charles I đều nghĩ rằng nhân dân phải chấp nhận những gì mà nhà vua cho là phải, là tốt mà không được thắc mắc. Nhiều người Anh tin rằng dưới một chế độ như vậy là bị mất nhiều quyền hành. Nếu họ đi đến các thuộc địa ở Mỹ châu thì họ có thể được phục hồi các quyền hành tham dự vào chính quyền. Họ sẵn sàng đánh đổi tiện nghi ở quê hương cũ để lấy tự do ở đất mới.

 

¨ CÔNG CUỘC KHỞI ĐẦU CÁC THUỘC ĐỊA NHƯ THẾ NÀO?

Giả thử chúng ta là người Anh ở vào thế kỷ thứ XVII, và vì một lý do đã nói ở trên chúng ta muốn đến Mỹ châu để lập nghiệp thì chúng ta phải làm gì? Chúng ta không thể khởi hành bằng cách dùng thuyền buồm vượt Đại tây dương theo kiểu cổ xưa mà chúng ta đã thấy. Hẳn là chúng ta phải tiếp xúc với những người chú ý đến việc thành lập thuộc địa.

- Các công ty mậu dịch tài trợ cho các thuộc địa

Dù cho việc đi Tân Thế Giới là lý do cá nhân nào đi nữa thì hầu hết những người đi lập nghiệp này đều có một mục đích là đi kiếm tiền. Chúng ta hãy nhớ rằng các thương gia Bồ Đào Nha nhờ buôn bán với Ấn Độ mà đã trở nên rất giàu có. Các thương gia và doanh nhân người Anh muốn thành lập các thuộc địa ở Tân Thế Giới cũng có cùng một mục đích như trên. Họ hy vọng trở nên giàu có bằng cách thành lập các thuộc địa và buôn bán với các thuộc địa này. Tuy nhiên, không phải bất cứ thương gia nào cũng có đủ tiền để sắm và trang bị tàu thuyền cùng gánh chịu những tổn thất nếu chẳng may có tai biến làm cho tàu đắm. Cho nên một số thương gia đã thành lập nhiều công ty. Và như vậy mỗi thương gia phải đóng góp một phần tiền hùn cần thiết và hy vọng sẽ nhận được một phần tiền lời.

- Cần phải có giấy phép đặc quyền

Trước khi khởi sự thiết lập một thuộc địa, ngoài việc cần phải có tiền để mua sắm tàu thuyền và đồ trang bị, còn cần phải có một điều kiện khác nữa, đó là: 1/- Giấy phép được định cư ở một vùng nào. 2/- Quyền thiết lập một chính phủ ở nơi định cư. Giấy phép được định cư và thiết lập chính phủ do nhà vua ban cho bằng một tài liệu gọi là giấy phép đặc quyền hay hiến chương ban đặc quyền. Thường thường, hiến chương này được ban cấp cho các công ty mậu dịch. Tuy nhiên, đôi khi hiến chương ban đặc quyền cũng được ban cấp cho các nhà quý tộc giàu có mà họ thường là bạn bè thân tín của nhà vua. Các nhà quý tộc thành lập thuộc địa thì gọi là các ông chủ (proprietors). Cả các ông chủ lẫn công ty mậu dịch đều cần những thanh niên phụ nữ sẵn sàng chấp nhận chuyến đi xa xôi hiểm nghèo tới các thuộc địa ở Mỹ châu. Cho nên nếu chúng ta muốn lập nghiệp ở Mỹ châu, chúng ta nên cần tìm gặp các ông chủ quý tộc hay các công ty để thu xếp những gì cần thiết cho chuyến đi.

- Dân nghèo cũng có thể đi Tân Thế Giới được

Nếu chúng ta có một số tiền như những người đi định cư thì chúng ta phải trả tiền cước phí và tiền chi phí hàng ngày. Nhưng nếu chúng ta không có tiền, chúng ta cũng có thể đi tới thuộc địa được, miễn là chúng ta sẵn sàng từ bỏ tự do của chúng ta trong vài năm. Chúng ta có thể điều đình với các vị thuyền trưởng về vấn đề cước phí. Ông ta sẽ chuyên chở chúng ta mà không lấy tiền, nhưng ông ta sẽ thu tiền lại ở thuộc địa nào mà họ cần chúng ta phục vụ cho họ. Như vậy chúng ta sẽ trả cho người nào đã trả tiền cước phí cho chúng ta bằng cách làm việc cho người đó trong một thời gian thường thì từ 4 đến 7 năm- và chúng ta sẽ được gọi là indentured servants (công nhân có ký giao kèo). Khi phục vụ hết thời gian ấn định trên, chúng ta có thể làm chủ một số đất và chính chúng ta canh tác để sinh nhai. Điều kiện điều đình như trên đối với chúng ta quả là nặng nề. Tuy nhiên, hàng ngàn người đã chụp lấy cơ hội này để đi tới các thuộc địa Anh quốc, để nhận chịu làm công nhân một thời gian.

Bây giờ chúng ta đã hiểu rõ tại sao người Anh đã sẵn sàng trở thành những người đi lập nghiệp, và họ đã dàn xếp như thế nào để thực hiện thành lập các thuộc địa lúc ban đầu. Phần còn lại của chương này, chúng ta sẽ bàn thêm về 13 thuộc địa của Anh quốc được thành lập ra sao?

¨

PHẦN HAI

THUỘC ĐỊA THÀNH CÔNG ĐẦU TIÊN CỦA ANH

ĐÃ KHỞI LẬP NHƯ THẾ NÀO?

Khởi công một nơi định cư ở miền đất xa xôi không phải là dễ dàng. Thực vậy, cố gắng đầu tiên của người Anh để thiết lập một thuộc địa ở Tân Thế Giới đã thất bại.

- Hầu tước Walter Raleigh đã thất bại trong việc cố gắng khởi lập một thuộc địa

Vào hậu bán thế kỷ thứ XVI, khi mà đoàn chó biển Anh quốc tấn công và chiếm giữ các tàu thuyền chở báu vật của Tây Ban Nha thì một người phiêu lưu Anh tên là Walter Raleigh đã cố gắng thuyết phục nữ hoàng Elizabeth để ông thiết lập một thuộc địa ở Tân Thế Giới. Ông gửi đi một đoàn người thám hiểm vùng bờ biển mà ngày nay gọi là North Carolina. Đoàn người này nhận thấy rằng đất đai và khí hậu ở đây rất thuận lợi. Vùng này được đặt tên là Virginia.

Mặc dầu ông đã chi một số tiền lớn để di dân đến lập thuộc địa ở Tân Thế Giới, nhưng cuối cùng ông đã thất bại. Nhóm người này sau đó di chuyển đến đảo Roanoke ở ngoài khơi vùng bờ biển Carolina và mất tích một cách bí mật. Sau đó vài năm, một chiếc tàu từ Anh quốc đến đảo Roanoke không tìm thấy dấu hiệu gì của đoàn người định cư này. Người ta chỉ còn thấy một đồn lũy bỏ hoang, và những người trong đồn đã biến mất. Cho đến nay, không ai biết rõ biến cố nào đã làm cho đoàn người định cư ở đảo Roanoke này biến mất. Mãi tới 20 năm sau vụ thất bại này, Anh quốc mới lại cố gắng thiết lập một thuộc địa khác.

- Việc thành lập Jamestown

Vào một ngày cuối tháng tư năm 1607, ba chiếc tàu buồm nhỏ bé tiến vào cửa vịnh Chesapeake Bay. Đoàn người trên những chiếc tàu này đã sống trong những ngày dài đen tối và thảm đạm khi vượt Đại tây dương. Nhưng họ cảm thấy sung sướng khi đoàn tàu của họ tiến gần tới bờ biển đầy cỏ non xanh của mùa xuân. Ở cực Nam vịnh này, người ta thấy một cửa sông rộng lớn. Đoàn tàu từ từ ngược dòng sông và sau cùng người ta tìm được một nơi vừa ý để đổ bộ lên. Tại đây, đoàn người bắt đầu ra công làm việc để thiết lập một làng định cư. Chính những người đến Mỹ châu vào năm 1607 để lập nghiệp này là do công ty London chuyên chở đến. Công ty này đã được thành lập để phát triển công việc mậu dịch ở Bắc Mỹ. Công ty này được hoàng đế James I của Anh quốc ban cho đặc quyền thành lập những làng định cư dọc theo bờ biển mà ngày nay gọi là tiểu bang Virginia và North Carolina. Để vinh danh và ghi ơn hoàng đế James Đệ nhất, những người đi khai phá định cư này đặt tên sông đó là James, và làng định cư này là Jamestown. (xem bản đồ trang 92).

- Đời sống ở Jamestown rất là khó khăn cơ cực

Những người này quả là vô cùng can đảm khi họ phải rời bỏ quê hương và vượt hàng ba ngàn dặm biển để đến một nơi hoang vu xa lạ lập nghiệp. Biết bao nhiêu gian nan, cực nhọc, hiểm nguy đang chờ đợi họ cho nên họ cần phải can đảm và vững chí kiên gan. Nhiều người lâm bệnh vì uống nước sông, và bị sốt rét vì phải sống trong vùng ngập nước đầy muỗi mòng. Dân da đỏ thù nghịch luôn luôn rình rập ở trong rừng để chờ dịp tấn công họ.

Trong những ngày đầu thực phẩm thì khan hiếm, trong khi đó phần lớn những người đi định cư lại dùng thời giờ để đi đào vàng thay vì phải trồng trọt canh tác. Nhiều người không quen với công việc nặng nhọc. Họ tự cho họ không phải là hạng người lao động bằng chân tay. Vì thế vấn đề thực phẩm của dân đi khai phá định cư này hoàn toàn tùy thuộc vào thịt chim và thú rừng. Đồ tiếp liệu từ Anh quốc thì hiếm hoi và họ chỉ có thể mua được các loại bắp mà người da đỏ sản xuất mang tới. Vào mùa thu đầu tiên, chỉ còn vỏn vẹn một phần ba số người sống sót so với số người lúc đầu mới đặt chân tới.

­- John Smith trở thành vị chỉ huy

Nếu không có nỗ lực của đại úy John Smith thì rất có thể cái làng định cư nhỏ bé này đã bị hủy diệt hoàn toàn trong những năm đầu ấy. Chính đại úy John Smith thấy rõ sự cần thiết phải thiết lập các công sự phòng thủ chống lại người da đỏ. Ông rất cứng rắn trong việc thương thảo với người da đỏ và buộc họ phải tôn trọng thuộc địa mới này. Ông cũng nhấn mạnh rằng mọi người đều phải làm việc và phải dùng bắp để làm thực phẩm, chứ không phải dùng thì giờ để đi đào vàng. Ông đặt ra chính sách “không làm thì không có ăn”. Ngay cả những người lười cũng phải làm, nếu không thì nhịn đói. Nhưng chẳng may vào đầu tháng chín năm 1609, đại úy Smith bị cháy phỏng nặng vì một vụ nổ thuốc súng. Ông phải trở về Anh để điều trị và cũng là để tránh một vài tranh chấp ác liệt với những người đi khai phá định cư. Và rồi ông cũng chẳng bao giờ trở lại Virginia nữa.

- Jamestown được cứu vãn

Sau khi đại úy John Smith ra đi, Jamestown trải qua những ngày đen tối. Mùa đông năm 1609-1610, thực phẩm khan hiếm đến nỗi người ta gọi lúc đó là thời kỳ chết đói. Tới mùa xuân thì chỉ còn lại có 60 người sống sót và họ sẵn sàng bỏ cuộc để trở về Anh quốc. Nhưng ngay khi họ tới cửa sông thì họ gặp một đoàn tàu mang đồ tiếp liệu và chở thêm những người khai phá mới tới. Vô cùng phấn khởi, họ lại trở về làng định cư cũ. Jamestown đã được cứu vãn.

- Jamestown trở nên vững mạnh hơn

May mắn thay những cuộc tranh chấp dữ dội của những năm đầu ở Jamestown không tái diễn. Làng định cư bé nhỏ dần dần trở nên vững mạnh hơn. Dần dần có thêm những người từ Anh quốc đến lập nghiệp. Trong đám những người mới đến này, có những thợ mộc rất khéo và những người buôn bán rất giỏi. Những người định cư vào những năm đầu ở Jamestown hoàn toàn là những đàn ông con trai. Nhưng năm 1619, một chuyến tàu chở phụ nữ Anh tới định cư. Bây giờ thì những đàn ông con trai này có thể lập gia đình.

Một trong những người định cư đầu tiên tên là John Rolfe đã được người da đỏ chỉ cho biết cách sản xuất thuốc lá ngon. Cây thuốc lá này thật xa lạ đối với người Âu châu cho đến khi người da đỏ chỉ cho họ biết. Sau khi đó, khói thuốc này trở nên quen thuộc ở Anh, cho nên dân định cư ở Jamestown thấy dễ dàng bán tất cả thuốc lá mà họ sản xuất được. Sau cùng, thuộc địa này trở nên phồn thịnh và cần nhiều công nhân để trồng thuốc lá. Nhiều công nhân da trắng được du nhập để đáp ứng cho nhu cầu. Cũng vào lúc này, một chiếc tàu Hòa Lan chở đầy những người da đen từ bờ biển Phi châu tới Jamestown. Những người da đen này tỏ ra rất đắc lực trong việc trồng trọt thuốc lá. Những nông trại nhỏ đã biến mất nhường chỗ cho các đồn điền lớn. Thuộc địa được mở mang ra ngoài lãnh vực của Jamestown, và trở thành vùng mà chúng ta biết là Virginia.

- Dân định cư được ban quyền tham kiếm trong chính quyền

Jamestown lúc khởi đầu là một thuộc địa của công ty London, và có một thời, Jamestown được cai trị bởi một nhóm người do công ty này chỉ định. Tuy nhiên, vào năm 1619, khi Jamestown được 12 tuổi thì dân định cư được phép cử đại diện vào cơ quan lập pháp của thuộc địa.

Nhóm người này được gọi là nhân viên viện đại biểu thị xã (House of Burgesses). Dân định cư bấy giờ có thể tham dự vào chính quyền.

Chế độ mà dân chúng có thể chọn người đại diện làm luật cho họ thì gọi là có chính phủ đại diện. Việc thành lập viện đại biểu thị xã vào năm 1619 là một việc rất quan trọng vì nó đã phát khởi một tư tưởng chính phủ đại diện hay chính phủ tự trị ở các thuộc địa Anh quốc.

Jamestown là một làng định cư thành công đầu tiên của Anh trong Hiệp Chủng Quốc ngày nay. Hàng trăm năm kế tiếp theo đó, 12 thuộc địa khác của Anh cũng được thành lập dọc theo bờ biển Đại Tây dương. Để cho câu chuyện về việc thành lập các thuộc địa này trở nên dễ dàng hơn, chúng ta chia những thuộc địa này làm ba nhóm:

1. - Nhóm thuộc địa miền Tân Anh.

2. - Nhóm thuộc địa miền Nam.

3. - Nhóm thuộc địa miền Trung.

¨

PHẦN BA

CÁC THUỘC ĐỊA MIỀN TÂN ANH

ĐÃ ĐƯỢC THÀNH LẬP NHƯ THẾ NÀO?

¨ NHIỀU LÀNG ĐỊNH CƯ ĐƯỢC THIẾT LẬP Ở MASSACHUSETTS

Đồng thời với nhóm người lập nghiệp đầu tiên định cư ở Jamestown, một nhóm người Anh khác di chuyển đến thành phố Layden ở Hòa Lan. Những người này là những người dân dã tầm thường gồm những thanh niên phụ nữ đã từng mong mỏi ly khai khỏi giáo hội Anh để được tự do thờ phượng theo ý muốn. Vì lý do trên đây mà người ta gọi họ là những người ly khai. Ở Anh quốc họ bị ngược đãi nên họ trốn sang Hòa Lan. Nhưng ở Hòa Lan họ cũng chẳng được sung sướng gì. Ngôn ngữ, phong tục và dân chúng Hòa Lan tất cả rất xa lạ với họ. Những người Anh lang thang mất quê hương này (về sau người ta gọi là người Pilgrim) không muốn con cái họ quên mất gốc và lề lối của người Anh. Vốn là những người chuyên sống ở đồng quê để canh tác, họ không thích làm việc ở thành phố. Cho nên họ quyết định đi tìm quê hương mới ở Mỹ châu.

- Người Pilgrims đi Mỹ châu

Một số người trong nhóm họ trở về Anh quốc để tiến hành việc thiết lập kế hoạch cho cuộc phiêu lưu mới. Khi đó lại có nhóm người ly khai khác cũng muốn rời bỏ Anh quốc để hợp tác với họ. Là những người nghèo nên họ cần được trợ giúp để trang trải cước phí và các đồ cần dùng. Một công ty mậu dịch đồng ý trợ giúp họ về vấn đề này. Đổi lại, người Pilgrims đồng ý sẽ làm việc cho công ty một thời hạn là 7 năm. Trong thời gian 7 năm này, họ chỉ được hưởng những gì cần thiết cho hàng ngày thôi. Còn ngoài ra tất cả những gì họ sản xuất được đều thuộc về công ty.

Tháng 9 năm 1620, đoàn người Pilgrims từ hải cảng Plymouth Anh quốc bước lên chiếc tàu buồm bé nhỏ Mayflower vượt biển. Tất cả có 102 người. Cơn bão lớn ở ngoài khơi Đại tây dương đã thổi dạt con tàu Mayflower xa hẳn về phía Bắc, nơi mà họ định đi tới định cư. Cuối cùng, vào tháng 11 năm 1620, tàu Mayflower đến bỏ neo ở một nơi an toàn mà ngày nay gọi là Massachusetts. Tuy đến nơi an toàn rồi nhưng họ lại gặp một vấn đề rắc rối. Đó là hiến chương do nhà vua cho phép họ đến lập nghiệp ở vùng đất do công ty London làm chủ ở Virginia. Họ không tới đó mà lại tới vùng đất ngoài phạm vi của công ty London. Họ phải giải quyết ra sao?

- Người Pilgrims thiết lập chính quyền

Trước khi rời tàu Mayflower lên bờ định cư, một số người tập trung trong căn phòng nhỏ bé thảo luận về những gì cần phải làm. Vì chỗ đất mới này không đúng với nơi do nhà vua chỉ định cho họ đến lập nghiệp nên họ quyết định tự đặt ra kế hoạch để điều hành quản trị công việc chung của họ. Sau khi suy nghĩ về cuộc sống mà họ hằng mong mỏi và theo đuổi, họ cùng đi đến một thỏa hiệp, theo đó họ nói:

“Nhân danh Thượng đế, Amen, chúng tôi là những người ký tên dưới đây…đảm trách… một chuyến đi lập nghiệp tại khu đất đầu tiên ở vùng phía Bắc Virginia… long trọng thỏa thuận ban hành… những luật lệ công bằng và bình đẳng…như chúng tôi đã cho rằng là tốt nhất cho quyền lợi chung của cả cộng đồng thuộc địa, theo đó chúng tôi hứa tất cả… sẽ tuân hành”.

Thỏa hiệp quan trọng này về sau được gọi là thỏa hiệp Mayflower. Sau đó, họ bầu lên một vị thống đốc và đặt ra các luật lệ. Sau này, khu định cư ngày càng trở nên rộng lớn, họ bầu các đại biểu vào một hội đồng. Giống như ở Jamestown, chính quyền tự trị khởi đầu ở đây thể hiện rõ đời sống thuộc địa Anh lúc ban đầu.

- Người Pilgrims định cư ở Plymouth

Đoàn người đổ bộ lên vùng bờ biển hoang vắng và đặt tên cho làng định cư của họ là Plymouth. Họ phải sống trong cảnh lo phiền, thiếu thốn và phải đương đầu với biết bao hiểm nguy. Dưới đây ta hãy đọc ít dòng do một trong những người lãnh đạo của họ viết:

“Không một người bạn chào đón. Không một quán trọ để giải trí hay giải khát cho những người sạm nắng phong sương. Không một căn nhà, và đô thị lại càng không có để trú chân hay cầu mong giúp đỡ… Còn về thời tiết thì bây giờ là mùa Đông, mà mùa Đông ở xứ này thì lạnh ghê gớm và thường có những gió bão dữ dội. Đi đến các nơi đã biết rõ cũng là nguy hiểm, và như vậy đi thăm dò một vùng bờ biển xa lạ thì lại càng nguy hiểm hơn. Ngoài những nơi vắng vẻ hoang vu đầy những thú rừng và lũ người man rợ, không còn thấy gì khác hơn nữa. Và còn biết bao nhiêu thứ ghê gớm khác nữa mà họ không biết”.

Trong vài tháng sau đó, hơn một nửa đoàn người ít ỏi này đã lìa đời vì đói lạnh và bệnh tật. Nhưng khi mùa xuân tới, những người còn sống sót quyết định thà ở lại nơi đất mới này còn hơn trở về Anh quốc. Mặc dầu phải gánh chịu những gian khổ, nhưng ở đây có quyền tự trị và được tự do thờ phượng theo ý muốn.

Ngày tháng trôi qua, đời sống ở Plymouth ngày càng trở nên dễ chịu hơn. Những người da đỏ thân hữu chỉ dẫn họ cách săn bắn, đánh cá và trồng bắp. Dưới sự lãnh đạo của Thống đốc William Bradford, cuối cùng họ trả được hết nợ cho nhà buôn London và được quyền chiếm đất để canh tác sinh nhai. Dần dần với thời gian, thuộc địa Plymouth ngày càng trở nên vững mạnh hơn, dù rằng thuộc địa này chẳng bao giờ trở nên rộng lớn.

- Người Thanh giáo đến định cư ở Massachusetts Bay

Chẳng bao lâu vùng định cư Plymouth có một nhóm khác đến định cư ở ngay vùng kế cận. Đó là những người Anh theo đạo Thanh giáo đến định cư ở vùng Massachusetts Bay. Người Thanh giáo không muốn ly khai khỏi giáo hội Anh như những người ly khai (Pilgrims) trước kia đã làm, nhưng họ muốn cải cách hay là thanh lọc giáo hội Anh. Không giống như những người ly khai trước đây vì tôn giáo mà bị chính quyền Anh ngược đãi, hầu hết những người Thanh giáo là những người Anh thuộc thành phần giàu có và giới trung lưu. Một số người vốn đã ở trong công ty mậu dịch Massachusetts Bay. Công ty này được Anh hoàng ban cấp đất đai và một bản chiếu chỉ ban đặc quyền. Họ nói rằng nếu những người ly khai đã thành công trong việc thiết lập làng định cư ở Tân Thế Giới thì họ cũng có thể thành công như người ly khai vậy. Họ tự hỏi tại sao họ không mua hết những cổ phần của những người nào trong công ty mà không đi Mỹ châu để họ có thể đem toàn công ty Massachusetts Bay và bản đặc quyền do nhà vua ban cấp cho để họ vượt Đại Tây dương đến Massachusetts? Và đó là những điều mà họ phải làm.

- Người Thanh giáo tới Boston

Mùa xuân năm 1630, 11 chiếc tàu chở đầy những người đi khai phá giã từ nước Anh tiến về miền Tân Anh. Ông John Wimthrop, một nhân vật Thanh giáo quan trọng, được chọn làm thống đốc của thuộc địa. Vì lúc đó dân Thanh giáo ở Anh bị ngược đãi hơn bao giờ hết nên việc tuyển mộ dân đi khai phá lập nghiệp ở Mỹ châu không gặp khó khăn gì cả. Cho tới gần mùa thu năm đó, tính ra có tới 2000 thanh niên, phụ nữ và trẻ em đến lập nghiệp ở Boston hay ở vùng gần bên.

Trong suốt 10 năm theo đó, mặc dầu có thêm nhiều người đến lập nghiệp, dân Thanh giáo tại đây phải khổ cực vật lộn để mưu sinh trong vùng đất sỏi đá ở miền Tân Anh. Mùa đông ở đây lạnh vô cùng, và nhiều người đã chết vì bệnh tật. Tuy nhiên, họ là những người khỏe mạnh, can đảm, và những người lãnh đạo của họ lại là những người có tài. Chẳng bao lâu họ thiết lập được nhà máy xay, nhà máy cưa và các cơ xưởng sản xuất các đồ nhật dụng. Dân thuộc địa bắt đầu xúc tiến giao thương mạnh mẽ với Anh quốc. Họ mang da thú, cá, gỗ bán đi và mua về những hàng hóa cần thiết.

- Massachusetts Bay và Plymouth hợp nhất

Vì ngay từ lúc mới lập làng định cư, Massachusetts Bay đã có nhiều người hơn làng định cư Plymouth nên sau đó làng định cư Massachusetts đã phát triển mau lẹ hơn nhiều. Năm 1691, hai làng định cư này hợp nhất lại và được gọi là Massachusetts. Từ đó, Plymouth chẳng bao giờ còn được coi như là một trong 13 thuộc địa nữa.

- Người Thanh giáo không chấp nhận tự do tín ngưỡng của người khác

Thật là kỳ lạ khi người Thanh giáo đến Massachusetts là để được tự do thờ phượng theo ý muốn, nhưng lại không để cho người khác hưởng quyền tự do này. Những người không thuộc giáo hội Thanh giáo có thể được sống ở làng định cư Massachusetts Bay nếu họ chịu tuân hành theo những luật lệ khắt khe của người Thanh giáo, nhưng họ không có quyền tham dự chính quyền. Họ phải đóng thuế để đóng góp cho giáo hội Thanh giáo nhưng họ không được phép phê bình hay chỉ trích giáo hội. Như các bạn đã biết, trong đám những người Thanh giáo cũng không có tự do tín ngưỡng thật sự. Tư tưởng tự do tín ngưỡng của người khác hay lòng khoan dung về tôn giáo chưa bao giờ được nghe thấy ở Boston vào cái thuở ban đầu đó.

¨ NHIỀU LÀNG ĐỊNH CƯ KHÁC ĐƯỢC THÀNH LẬP Ở MIỀN TÂN ANH

- Việc thành lập Rhode Island

Luật lệ khắt khe của người Thanh giáo ở Massachusetts Bay đã khiến cho một số người rời bỏ nơi này để đi khởi lập ở những miền định cư khác ở Tân Anh. Thí dụ như ngay sau khi làng định cư Massachusetts Bay được thành lập, một vị mục sư trẻ tên là Roger Williams bắt đầu rao truyền tư tưởng không thích các nhà lãnh đạo Thanh giáo. Ông nói rằng người da trắng không có quyền làm chủ những đất đai mà họ đã khai phá và định cư ngoại trừ họ đã mua những đất đai này của người da đỏ. Ông cũng khẳng định rằng mọi người đều có quyền tự do thờ Chúa theo ý mình muốn.

Các nhà lãnh đạo Thanh giáo thù ghét tư tưởng này ghê gớm đến nỗi họ quyết định gửi trả Roger Williams về Anh quốc. Hay biết được quyết định này của họ, Roger Williams liền trốn khỏi làng định cư Massachusetts Bay vào mùa đông năm 1636. Ông được người da đỏ giúp đỡ và coi ông như người bạn của họ. Ông đi lang thang từ làng này đến làng khác và đi dần về phía Nam cho tới gần bờ biển vịnh Narragansett. Ông cùng với 5 người bạn dừng lại lập nghiệp ở đây, nơi mà ngày nay gọi là thành phố Providence. Nhiều người cũng đến gần đó sinh sống, đúng vào khi làng định cư này trở thành thuộc địa Rhode Island.

Dân ở Rhode Island không đồng ý với nhau về nhiều vấn đề nhưng họ cùng tin tưởng mạnh mẽ rằng mọi người ai cũng có quyền tự do thờ phượng Thượng đế theo ý mình muốn. Lần đầu tiên dân của thuộc địa ở Mỹ châu cho phép người ta được tự do tín ngưỡng. Dần dần tư tưởng tự do tín ngưỡng cũng như tự do tự trị được các thuộc địa khác chấp nhận.

- Dân định cư ở Massachusetts đến lập nghiệp ở Connecticut và New Hamsphire

Không phải chỉ có dân Rhode Island là những người rời bỏ làng định cư ở Massachusetts Bay đi lập nghiệp ở nơi nào mà họ có thể sống cuộc đời tự do và tốt đẹp hơn. Mục sư Thomas Hooker ở Massachusetts Bay cũng có một số tín hữu muốn tự do thờ phượng theo ý muốn. Họ cũng nghĩ rằng họ cũng có thể tìm được một mảnh đất tốt đẹp hơn để canh tác. Cũng vào năm 1636, khi mà Roger Williams khởi sự lập nghiệp ở Providence thì Hooker và các tín hữu của ông rời bỏ Massachusetts. Đoàn người này mang theo gia súc và những đồ vật dụng nào mà họ có thể mang đi được tiến về phía Tây băng qua vùng hoang dã đi tới con sông to lớn tên là Connecticut. Đoàn người của ông Hooker và các người khác từ Massachusetts đến thành lập những làng ở Hartford, Windsor và Wethersfiled. Lại còn một nhóm người khác cũng vì tự do thờ phượng mà đến thành lập một trung tâm mua bán ở New Haven. Sau nhiều năm các làng định cư ở vùng này hợp nhất lại thành một vùng định cư duy nhất mà sau này gọi là thuộc địa Connecticut.

Trong khi đó nhiều người từ Anh quốc tới thành lập nhiều làng định cư nhỏ ở phía Bắc làng định cư Massachusetts Bay. Những người định cư mạo hiểm từ Massachusetts Bay kết hợp với nhóm người từ Anh quốc mới tới khởi đầu việc hình thành thuộc địa New Hamsphire.

 

¨

PHẦN BỐN

NHỮNG THUỘC ĐỊA NÀO Ở MIỀN NAM ĐƯỢC THÀNH LẬP?

Cũng trong chương này, trước đây đã nói về một làng định cư ở miền Nam, thuộc địa Virginia. Dưới đây là những thuộc địa miền Nam khác.

Như chúng ta đã biết, các vị Anh hoàng đôi khi ban cấp hàng giải đất rộng lớn cho các nhà quý tộc, và sau này các nhà quý tộc đó đã trở nên chủ nhân ông các vùng đất mênh mông này. Các ông chủ này ít khi đi tới châu Mỹ, nhưng họ vẫn nắm quyền kiểm soát các vùng đất mà nhà vua ban cho họ. Họ thiết lập các khu định cư, chia cắt thành từng mảnh cho những người đến lập nghiệp định cư. Các vùng định cư được thiết lập theo kiểu này về sau được mệnh danh là thuộc địa của các nhà điền chủ (preprietery Colonies). Maryland là thuộc địa đầu tiên trong các thuộc địa của các nhà điền chủ.

- Maryland ban hành quyền tự do tín ngưỡng

Năm 1634 hai chuyến tàu chở đầy những người đi lập nghiệp đổ bộ vào vùng gần cửa sông Potomac. Tại đây, họ thành lập một làng định cư gọi là St. Mary’s. Họ là những người từ Anh quốc đến để định cư ở vùng đất do Anh hoàng ban cấp cho nhà quý tộc Baltimore. Baltimore là một người công giáo nhiệt thành. Ông không những mong muốn kiếm tiền bạc mà còn hy vọng cung cấp nơi nương thân cho những người công giáo hằng mơ ước mong được thờ phượng theo ý muốn. Tuy nhiên như thế không có nghĩa là chỉ có người công giáo mới có thể đến lập nghiệp sinh sống ở thuộc địa này.

Nhiều người đi lập nghiệp kéo đến Maryland sinh sống ngay sau khi thuộc địa Maryland được thành lập. Nhiều thị trấn khác được thành lập trong đó có cả thị trấn Baltimore. Hầu hết dân trong thuộc địa Maryland là các nhà nông. Những người giàu có hơn và những người có công đem những người khác đến định cư ở Maryland đều có thể được hưởng một số ruộng đất rộng lớn. Những người kém may mắn hơn có thể mua những nông trại nhỏ. Ngoài việc phải trả tiền đất, họ phải trả thêm một ít tiền thuế cho vị điền chủ thuộc địa.

Lúc đó, những người công giáo ở thuộc địa này ít hơn so với người thuộc các tôn giáo khác. Năm 1649, nhờ sự khuyến khích của vị điền chủ thuộc địa, một đạo luật được gọi là “luật khoan dung” được thông qua. Đạo luật này khẳng định rằng không một người theo đạo Thiên Chúa nào có thể bị ngược đãi vì tín ngưỡng. Nhờ đạo luật khoan dung này mà cả những người công giáo lẫn người tin lành đều được tự do thờ phượng theo ý muốn. Đạo luật khoan dung là một bước tiến quan trọng khác về tự do tín ngưỡng trong các thuộc địa.

- Các ông chủ thiết lập các thuộc địa Carolinas

Phía Nam thuộc địa Maryland là Virginia, và phía Nam thuộc địa Virginia là một giải đất rộng mênh mông, nơi mà Anh hoàng Charles II đã ban cấp cho một nhóm quý tộc. Họ đặt tên cho vùng đất này theo tên vua Charles II nhưng theo chữ Latin là Carolinas. Vào năm 1670, nhóm người được các vị điền chủ vùng đất này gửi đến để thành lập một làng nhỏ gọi là Charles Town (sau này gọi là Charleston) cũng đặt theo tên Anh hoàng (nhưng bằng chữ Anh). Ngay cả trước những năm thành lập làng định cư này, đã có nhiều người từ Virginia kéo đến định cư ở vùng phía Bắc Carolina.

Lúc đó, thuộc địa này tách ra làm hai. North Carolina bao gồm các làng định cư do những người từ thuộc địa Virginia đến thành lập. South Carolina gồm Charles Town và các làng định cư lân cận (xem bản đồ trang 92). Đặc biệt là South Carolina phát triển nhanh chóng. Đất đai phì nhiêu và khí hậu ấm áp rất thuận lợi cho việc trồng trọt thuốc lá. Về sau, lúa gạo cũng trở nên loại cây mùa quan trọng. Nhờ có các công nhân da trắng cũng như dân nô lệ da đen nên các đồn điền rộng lớn phát triển dễ dàng. Hải cảng Charles Town thuận lợi đã giúp cho việc giao thương với Anh quốc được dễ dàng.

- James Oglethorpe thành lập xứ Georgia

Giữa South Carolina và Florida của Tây Ban Nha là một giải đất rộng lớn từ lâu chưa được khai phá. Sau cùng, có một người tên là James Oglethorpe đến lập một làng định cư ở đây. Thuộc địa này được thành lập vì hai nguyên do chính:

1. Người Anh rất nôn nóng ngăn chặn sự mở rộng các làng định cư của người Tây Ban Nha ở Florida lấn đến vùng Bắc Florida. Đem người Anh đến định cư ở phía Nam Carolina có thể ngăn chặn được người Tây Ban Nha khỏi đến vùng này.

2. Oglethorpe rất quan tâm đến những người bất hạnh hiện đang nằm trong các nhà tù của người Anh chỉ vì họ không thể trả nợ hay vì đã vi phạm những tội lặt vặt không quan trọng. Ông hy vọng sẽ giúp cho những tù nhân bị đối xử tàn nhẫn này một cơ hội lập lại cuộc đời. Ông và một số người khác được Anh hoàng cho thiết lập các làng định cư ở vùng này.

Mãi tới năm 1733 Oglethorpe mới mang được 100 người từ Anh quốc tới lập nghiệp. Họ thiết lập một làng gọi là Savannah. Họ đặt tên cho thuộc địa là Georgia theo tên Anh hoàng George II. Sau đó có nhiều người Anh quốc đến lập nghiệp và định cư tại đây nhưng thuộc địa này vẫn phát triển chậm chạp. Giống như ở Bắc và Nam Carolina, hầu hết thuộc địa Georgia có những nông trại lớn hay các đồn điền.

 

¨

PHẦN NĂM

CÁC THUỘC ĐỊA MIỀN TRUNG ĐƯỢC THÀNH LẬP NHƯ THẾ NÀO?

Giữa miền Tân Anh và các thuộc địa miền Nam có một nhóm các làng định cư khác cũng đang được phát triển gọi là các thuộc địa miền Trung. Không phải tất cả những thuộc địa này đều được khởi lập như các làng định cư của người Anh cả. Nếu các bạn nhìn vào bản đồ trang 101b các bạn sẽ thấy là lưu vực sông Hudson lúc đầu do người Hòa Lan đến định cư. Chắc các bạn còn nhớ là ông Henry Hudson đã khám phá ra con sông này khi ông dùng thuyền buồm vượt biển đi thám hiểm cho người Hòa Lan, và ông đã tuyên bố Hòa Lan có quyền làm chủ vùng đất này.

- Người Hòa Lan thành lập Tân Hòa Lan

Vào đầu thập niên 1620, người Hòa Lan thiết lập một làng định cư gọi là Tân Amsterdam. Họ đã đổi một số hàng hóa đáng giá 24$ cho người da đỏ để lấy hòn đảo Manhattan. Đồng thời, người Hòa Lan cũng chiếm toàn thể lưu vực sông Hudson, và các làng định cư được mở rộng từ Tân Amsterdam đến tận đồn Fort Orange, nơi mà ngày nay là Albany, thuộc tiểu bang New York. Những trang trại lớn dọc theo sông Hudson được người Hòa Lan phân phát cho các nhà địa chủ (hay patroons) nào đã có công mang theo 50 người đi định cư cùng đến với họ để lập nghiệp. Những lô đất nhỏ thì được phân phát cho những người nào muốn canh tác cho chính họ. Toàn thể thuộc địa được gọi là Tân Hòa Lan. Lúc đó, người Hòa Lan mở rộng quyền kiểm soát về phía Nam tới tận cửa sông Delaware. Tới đây họ chiếm luôn một số làng định cư do người Thụy Điển thiết lập trước kia. Công việc quan trọng nhất của người Hòa Lan lúc bấy giờ là trao đổi lấy da thú của người da đỏ. Không bao lâu Tân Hòa Lan trở thành một thuộc địa trù phú.

NHỮNG NGƯỜI HÒA LAN VÀ THỤY ĐIỂN ĐÒI QUYỀN CHIẾM CÁC VÙNG

THUNG LŨNG SÔNG HUDSON VÀ DELAWARE

 

- Tân Hòa Lan biến thành New York và New Jersey

Việc người Hòa Lan thành lập Tân Hòa Lan khiến cho người Anh rất băn khoăn. Nhìn vào bản đồ trang 92, các bạn sẽ thấy Tân Hòa Lan (New York) hoàn toàn tách biệt các thuộc địa miền Tân Anh xa rời hẳn các vùng định cư của người Anh ở miền Nam. Chừng nào mà Tân Hòa Lan còn thuộc về người Hòa Lan thì các thuộc địa của người Anh không thể nào kết hợp được với nhau. Vả lại, người Anh cũng rất thèm khát hải cảng vô cùng đẹp với sự giao thương rất là phát đạt ở New Amsterdam. Sự tỵ hiềm giữa Anh quốc và Hòa Lan ở Âu Châu lúc đó lại càng là cái cớ cho người Anh tấn chiếm Tân Hòa Lan .

Lúc bây giờ có một ông già tính tình nóng nảy với một chân bằng gỗ tên là Stuyversant cai trị Tân Hòa Lan. Năm 1664 một hạm đội Anh xuất hiện ở hải cảng New Amsterdam. Stuyversant hăng hái muốn nhảy vào vòng chiến liền, nhưng nhân dân New Amsterdam không ủng hộ ông, cho nên mặc dầu ông ta la ó rối rít ầm lên, thuộc địa này cũng đã đầu hàng không một trận đánh, và Tân Hòa Lan trở thành lãnh địa của người Anh. Quận công York, người anh em của Anh hoàng, được phong cho lãnh địa này. Và vùng đất này được đặt tên theo tên của quận công York, tức là New York. Thị trấn New Amsterdam cũng được đổi thành New York. Vùng đất ở phía Đông sông Delaware thì được quận công ban cho hai nhà quý tộc Anh. Và hai nhà quý tộc đó đặt tên cho vùng đất thuộc địa này là New Jersey.

- Người Quakers đến định cư ở Pennsylvania

Một trong các nhà điền chủ nổi tiếng nhất là William Penn. Thân phụ ông vốn là một đô đốc trong Hải quân Anh và cũng là một nhân vật quan trọng ở nước Anh. Nhờ thân phụ mà người thanh niên trẻ William trở thành quen thuộc với các nhà quý tộc đang thiết lập các làng định cư ở Mỹ châu.

Là một thanh niên trẻ tuổi, William kết hợp với một trong những nhóm tôn giáo bị ngược đãi nhất ở Anh. Đó là nhóm Quakers. Người Quakers tin rằng họ phải nên làm những gì mà lương tâm của họ cho là phải. Họ không những từ chối không tuân lệnh giáo hội Anh, mà bằng nhiều cách, họ còn không tuân lệnh chính phủ Anh nữa. Chẳng hạn như họ tin rằng chiến tranh là sai quấy, và họ từ chối không tham dự vào chiến tranh. Giống như những người Quakers khác, Penn bị chính quyền bắt giam vì ông đã truyền giảng những gì mà ông tin là sự thật. Sau khi được phóng thích, ông hăng hái đi tìm kiếm một thuộc địa, nơi mà người Quakers sẽ không còn bị ngược đãi nữa.

Lúc đó Anh hoàng còn nợ thân phụ của ông một món tiền lớn. Khi thân phụ ông qua đời, ông nói với Anh hoàng rằng ông muốn được nhà vua trả nợ ông bằng một miếng đất ở Mỹ châu. Nhà vua vui lòng chấp nhận đề nghị của ông. Chắc chắn nhà vua rất lấy làm hài lòng trả nợ cho ông bằng một mảnh đất ở Mỹ châu, và đồng thời sẽ có nhiều người Quakers rời bỏ Anh quốc. Nhà vua đặt tên cho vùng đất nằm ở phía Tây sông Delaware, giữa tiểu bang New York và tiểu bang Maryland ngày nay, là Pennsylvania (hay là những khu đất rừng của Penn).

- Thuộc địa của ông Penn trở nên trù phú

William Penn cùng một số người đi lập nghiệp đến Pennsylvania định cư vào năm 1682. Nhóm người này thiết lập thành phố thủ đô của thuộc địa theo như dự trù của ông Penn, và đặt tên cho thủ đô này là Philadelphia, có nghĩa là thị trấn của tình thương huynh đệ. Ông Penn tin tưởng ở tự do tín ngưỡng và nồng nhiệt chào mừng đón nhận những người thuộc tôn giáo khác đến thuộc địa của ông lập nghiệp. Nhiều người Quakers và người Anh thuộc các tôn giáo khác kéo đến định cư ở Pennsylvania. Những người ở các vùng đất khác cũng kéo đến lập nghiệp ở thuộc địa này. Trong đó có những người Đức cần cù tằn tiện, những người trước kia đã từng bị ngược đãi ở chính quốc. Về sau những người Đức này được người ta gọi là người “Hòa Lan ở Pennsylvania” (vì trong tiếng Đức chữ German được viết là Deutsch, đọc là Doytch, dân định cư người Anh đọc lầm là “Dutch”. Nhưng chữ Dutch có nghĩa là Hòa Lan).

Penn là một ông chủ tử tế và khôn ngoan. Ông đối đãi với dân trong thuộc địa rất tốt và công bằng, ông cũng hy vọng rằng họ sẽ thành thật làm việc. Dân thuộc địa cũng nhận thấy rằng việc mua đất đai ở Pennsylvania rất dễ dàng. Ở đây họ không sợ người da đỏ đến tấn công, vì ông Penn đã kết thân được với những người da đỏ ở vùng kề cận và đối xử với họ rất thành thật. Vì những lý do này mà Pennsylvania đã phát triển rất nhanh chóng và trở thành một thuộc địa thành công. Vào khoảng cuối thế kỷ thứ XVIII, Philadelphia đã trở thành một thành phố lớn nhất và nhộn nhịp nhất trong 13 thuộc địa.

- Delaware trở thành một thuộc địa khác

Một điều không may là mảnh đất lúc đầu do nhà vua ban cho ông Penn thì không có bờ biển. Sau này, ông Penn được quận công York cấp cho vùng đất mà ngày nay là Delaware. Trước kia người Thụy Điển kiểm soát vùng đất này, sau đó đến người Hòa Lan, và sau nữa là quận công York rồi trở thành một phần đất của Pennsylvania. Ít năm sau, vùng đất này lại tách ra thành một thuộc địa riêng biệt và mang tên là Delaware.

Như vậy là chấm dứt câu chuyện về việc thành lập 13 thuộc địa Anh. Trong chương tới, chúng ta sẽ bàn về dân chúng sinh sống ở 13 thuộc địa này như thế nào.

 

(còn tiếp : Chương V)

 

Các bài cùng tập Lịch Sử Hoa Kỳ

 ▪ 2004-08-15 - LSHK-1- Marco Polo và những chuyện kỳ thú ở Đông phương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 0000-00-00 - LSHK-1- Marco Polo và những chuyện kỳ thú ở Đông phương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-2- Magellan tìm ra con đường đi vòng quanh thế giới - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-3- Những Lá Thư Của Phillip Andrew - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-4- Việc Thành Lập 13 Thuộc Địa Anh - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-5- Dân Chúng Sống Ở Thuộc Địa Anh Như Thế Nào? - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-6- Nước Pháp Thắng Rồi Lại Bại - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-7- Người Anh Cai Trị Các Thuộc Địa Như Thế Nào? - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-8- Dân Thuộc Địa Chống Lại Anh Quốc - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2022-07-05 - MƯỜI BA THUỘC ĐỊA ANH GIÀNH ĐỘC LẬP - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2014-07-04 - LSHK-9- 13 Thuộc Địa Anh Giành Độc Lập - Nguyễn Mạnh Quang dịch -
▪ 2004-08-15 - LSHK-1- Marco Polo và những chuyện kỳ thú ở Đông phương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-10- Tinh Thần Độc Lập Ảnh Hưởng Khắp Mỹ Châu - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-11- 13 Tiểu Bang Kết Thành 1 Quốc Gia - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-12- Tân Chính Phủ Trung Ương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-13- Hoa Kỳ Được Các Quốc Gia Khác Kính Nể - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-14- Miền Đông Bắc Trở Thành Trung Tâm Kỹ Nghệ - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-15- Miền Nam Trở Thành Vương Quốc Bông Vải - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 0000-00-00 - LSHK-16- Chế Độ Dân Chủ Theo Đà Mở Rộng Biên Cương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-17- Toàn Quốc Trở Nên Dân Chủ Hơn - Nguyễn Mạnh Quang -

▪ 1 2 >>>

Trang Lịch Sử




Đó đây


2024-09-19 - Xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và quần chúng - Thượng tướng Trịnh Văn Quyết yêu cầu các cơ quan giúp việc cần bám sát và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời cho rằng, việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thời gian qua đã góp phần cảnh báo răn đe, ngăn ngừa và hạn chế các vụ việc tương tự.

2024-09-17 - Doanh số VF8 tại Đức, một con số bất ngờ -

2024-09-16 - Thủ tướng Chính Phủ trực tiếp thị sát, chỉ đạo tại tâm lũ Bắc Giang - Trong video này có nhiều hình ảnh thương tâm tiêu biểu cho thảm họa do bão Yagi kéo theo lụt lội nặng nề cho nhiều tỉnh miền Bắc.

2024-09-13 - Tin Sáng 13/9, Harris thừa thắng xông lên;Ông Lavrov tố NATO điều phối Ukraine đánh vào lãnh thổ Nga -

2024-09-12 - Các bác yêu cầu cao quá - Một chút về nạn chất độc Da Cam -

2024-09-12 - Thót tim khoảnh khắc sinh tử, kịp thời cứu nạn nhân và xe máy bị lũ cuốn trôi ở Thái Nguyên -

2024-09-12 - Thời sự toàn cảnh trưa 12/9: Tang thương bao trùm thôn Làng Nủ -

2024-09-11 - GỬI CÁC HỌC SINH THEO HỌC TRƯỜNG MỸ ĐÀI THỌ - Ai muốn Mỹ đỡ đầu và nuôi làm Tổng Thống hãy nghe để hiểu thế nào là NHỤC!

2024-09-08 - 279. Nặng lòng với quê hương! - Cám ơn kênh Ổi Xanh đã bỏ công thực hiện video này bằng những hình ảnh sống động để người ta dễ dàng nhận biết nội dung đi kèm với nhân vật trong câu chuyện đăng trên VOV5 cùng đề tài.

2024-09-08 - Cảnh sát Đại học Georgetown đang điều tra sau khi phát hiện một cây thánh giá - bị hư hại bên trong nhà nguyện của trường đại học GeorgeTown, Wa. DC, Mỹ, và phát hiện một bức tượng Đức Mẹ bị dịch chuyển và nằm trên mặt đất. Phó chủ tịch phụ trách Truyền giáo và Mục vụ, Cha Mark Bosco và Phó chủ tịch phụ trách An toàn công cộng Jay Gruber đã viết 1 lá thư chung gửi đến nhân viên và sinh viên của Georgetown.



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-09-15 - Thưa Giáo hoàng, làm sao cho người lớn nghe lời con nít? - Lý Thái Xuân -

● 2024-09-15 - Những chiếc xe thồ năm nay - và năm xưa - Lý Thái Xuân -

● 2024-09-15 - Chuyện ở giáo xứ Phúc Thành - giáo phận Hà Tĩnh: Lại tan nát thêm một gia đình - Con Ao Làng -

● 2024-09-15 - Lý do các giáo hoàng bảo vệ các giáo sĩ vi phạm điều răn thứ 6 - Lý Thái Xuân -

● 2024-09-13 - Chia Sẻ Kinh Nghiệm Về Những Hình Ảnh / Video Clip Cắt Ghép - FB Lý Thái Xuân -

● 2024-09-13 - Chúa toàn năng nhưng Ngài phải làm cánh cổng để ngăn chặn những kẻ xâm nhập. - Trần Hiển / Những Người Từ Bỏ Niềm -

● 2024-09-12 - Sản Phẩm Của Chúa "Mong Manh Dễ Vỡ" - Giáo hoàng thừa nhận việc linh mục bắt nữ tu làm nô lệ tình dục - FB Du Nguyen -

● 2024-09-04 - Chu Ngọc Quang Vinh - tiễn khách! - Hai Ha Tran -

● 2024-09-04 - Ở Thế kỷ 21 mà vẫn ngu lâu dốt bền - Thượng đế Do Thái là một tên ác quỷ - Ri Nguyễn -

● 2024-09-04 - Chỉ có 7% của dân Việt mà chúng đã làm điêu đứng đất Việt hàng trăm năm. - Chiến Nguyễn -

● 2024-09-04 - Con chiên hỏi: Khả - Thân là ai? - Trương An -

● 2024-08-27 - Về câu phát ngôn về "văn hóa" của ca sĩ Lê Cát Trọng Lý - Lý Bình -

● 2024-08-24 - Việt Cộng Là Ai? - TRUONG-AN -

● 2024-08-11 - Cười chơi vài giây - BẦU CỬ LẦN CUỐI TẠI MỸ - diendandantoc -

● 2024-08-10 - Một góc tranh luận: Người TCG muốn biết thế nào là TÀ ĐẠO! - FB Du Nguyen -

● 2024-08-10 - Tại Sao Nước Mỹ Ngày Nay Không Có Lãnh Đạo Tốt? - Mike Wilson -

● 2024-08-10 - TÀ ĐẠO - CÔNG GIÁO VATICAN - GIAN MANH LỪA DỐI - NGAY TỪ ĐẦU - Mike Wilson -

● 2024-08-03 - Khi nghe một người nổi tiếng được "RỬA TỘI" theo CGLM - Lý Thái Xuân -

● 2024-07-06 - Giê-Su Хấu Tính Như Thế Nào? - Vài thí dụ trong thánh kinh - Lê Phát Đạt -

● 2024-06-29 - DẤU HIỆU SUY TÀN CỦA MỘT SIÊU CƯỜNG - Hong PHAM -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 >>>