LỊCH SỬ HOA KỲ
(3 tác giả)
Nguyễn Mạnh Quang dịch
http://sachhiem.net/NMQ/LSHK/LSHK09.php
| bản rời | « Xem Mục Lục » | 12 tháng 9, 2009
(tiếp theo Chương tám)
pypypy
Lá cờ đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ năm 1776 - 13 sao tiêu biểu cho 13 thuộc địa.
CHƯƠNG IX
MƯỜI BA
THUỘC ĐỊA ANH GIÀNH ĐỘC LẬP
Những người thận trọng và
thành thật không muốn lật đổ chính phủ để thiết lập một chính phủ khác, trừ khi
không có cách nào khác để bảo vệ quyền lợi và các quyền tự do của họ. Vì những
lý do này mà các vị tiến bối của chúng ta đã do dự trước khi đạp đổ ách thống
trị của người Anh. Một trong những vị tiền bối, ông Thomas Jefferson, nói:
“Không nên vì những lý do không quan trọng mà lật đổ một chính phủ đã được thiết
lập từ lâu rồi”.
Dù sao thì quân
sĩ Anh và các nhà ái quốc Mỹ đã bỏ mình trong trận đánh ngày 19 tháng 4 năm 1775
ở Lexington và ở Concord. Các thuộc địa và mẫu quốc đã công khai cắt đứt liên
hệ. Liệu rằng các nhà ái quốc ở Mỹ châu có nên đạp đổ chính quyền Anh hay không?
Hay là họ phải nên hàn gắn những gì đã đổ vỡ và tiếp tục cư xử như là những thần
dân của Hoàng đế George? Đó là những câu hỏi sôi bỏng vào năm 1775.
Trong chương
này chúng ta sẽ tìm hiểu về những quyết định của các vị tiền bối của chúng ta.
Chúng ta cũng tìm hiểu về cuộc chiến giành được quyền tự chủ của chúng ta. Muốn
cho việc tìm hiểu thêm phần dễ dàng, chúng ta nên tìm hiểu những câu hỏi dưới
đây:
1. Tại sao 13
thuộc địa đã quyết định tuyên bố độc lập?
2. Những ưu và
nhược điểm của người Mỹ trong cuộc chiến cách mạng.
3. Mười ba
thuộc địa đã giành được độc lập như thế nào?
¨
PHẦN MỘT
TẠI SAO
MƯỜI BA THUỘC ĐỊA ĐÃ
TUYÊN BỐ
GIÀNH ĐỘC LẬP?
¨
MÂU THUẪN GIỮA ANH QUỐC VÀ CÁC THUỘC ĐỊA CÀNG TRỞ NÊN TRẦM TRỌNG, TRONG KHI ĐÓ,
SÚNG VẪN TIẾP TỤC NỔ
Tin tức về cuộc chiến ở
Lexington và ở Concord lan truyền mau lẹ trong khắp các thuộc địa. Trong
khi quân đội Anh của tướng Thomas Gage vẫn còn ở Boston thì các nhà ái quốc (Mỹ
châu) tuyển mộ thêm quân sĩ tập trung ở các tỉnh bao vây thành phố Boston. Họ là
những người mang súng nhưng không có đồng phục. Họ được huấn luyện rất ít nhưng
có đủ can đảm để đương đầu với quân đội của nhà vua.
- Dân thuộc
địa chiến đấu anh dũng trong trận đánh trên đồi Bunker Hill
Đêm 16 tháng 6 năm 1775,
một lực lượng gồm 1200 người Mỹ trèo lên đồi Bunker và đồi Breed’s nhìn xuống
thành phố Boston (xem bảng đồ trang 173b). Nếu các nhà ái quốc (quân đội lục
địa) giữ được các ngọn đồi này thì họ có thể buộc quân Anh rút khỏi Boston. Sáng
hôm sau, quân Anh hoảng hốt thấy rằng quân Mỹ đã chiếm đóng các vị trí trên đồi
Breed’s.
Tướng Thomas
Gage gửi một toán quân (quân Anh mặc đồng phục đỏ nên còn gọi là quân áo đỏ) đi
đánh đuổi hay bắt sống toán quân Mỹ can đảm này. Trong khi quân Anh chỉnh tề
trong hàng ngũ tiến về ngọn đồi Breed’s thì dân chúng Boston trèo lên nóc nhà
đứng xem. Hai lần quân Anh tiến tới gần ngọn đồi đều bị quân Mỹ đẩy lui. Người
chết và hấp hối nằm kín sườn đồi. Nhưng khi quân Anh tấn công lần thứ ba thì
quân Mỹ buộc phải rút lui khỏi ngọn đồi. Người Anh khoe khoang rằng quân đội
chính quy của họ là đạo quân giỏi nhất thế giới… Dù sao thì trận đánh tại đồi
Bunker cũng cho ta thấy rằng các thanh niên nông dân yêu nước đã đứng lên chống
lại quân đội chính quy Anh quốc, và đã gây cho đối phương tổn thất nặng nề gấp
hai lần chính họ bị thiệt hại.[1]
- Quân đội
lục địa buộc người Anh phải bỏ Boston
Nhiều tháng sau đó, quân Mỹ bao vây Boston nhưng
không thể đẩy lùi quân Anh ra khỏi thành phố được. Đầu năm 1776, quân Mỹ đem đại
bác từ đồn Ticonderoga ở vùng Đông Bắc Nữu Ước tới. Quân Mỹ dự định đặt đại bác
này ở trên đồi Dorchester Heights trông xuống thành phố Boston và hải cảng. Vào
một đêm đầu tháng 3, 1776, quân Mỹ thành công chiếm được đồi Dorchester Heights.
Vị chỉ huy mới của quân đội Anh là tướng Howe quyết định là không thể giữ Boston
được nữa. Ngày 17 tháng 3 năm 1776, quân Anh lên tàu rút ra Halifax, ở Nova
Scotia. Quân Mỹ tiến vào Boston chiếm luôn thành phố này từ đó. Và cũng từ đó
cho đến hết chiến tranh cách mạng vùng Tân Anh không còn xảy ra trận đánh lớn
nào.
- Đánh nhau
ở nhiều nơi khác
Trong thời gian từ khi xảy ra trận đánh ở Lexington
(tháng 4 năm 1775) cho đến trận tấn chiếm Boston (tháng 3 năm 1776) quân Mỹ tấn
công nhiều nơi khác. Ethan Allen chỉ huy một toán quân tấn chiếm đồn Ticonderoga
(súng đại pháo chiếm được ở đây mang tới Boston) và đồn Crown Point, cũng ở Đông
Bắc Nữu Ước. Hăng say bởi chiến thắng này, đạo quân thứ hai của Mỹ tràn sang Gia
Nã Đại. Quân Mỹ chiếm được Montreal nhưng không chiếm được Quebec. Sau cùng cả
hai đạo quân đều phải rút về. Xa về phía Nam, ở Bắc và Nam Carolina, có đụng độ
ở nhiều nơi. Tại Moor’s Creek, Bắc Carolina, quân Mỹ đánh bại toán quân thuộc
địa trung thành với Anh quốc. Quân Anh cũng tấn công ở Charleston, Nam Carolina,
nhưng bị đẩy lui. Bản đồ trang 173b chỉ rõ các trận đánh này.
¨ CÁC THUỘC ĐỊA TUYÊN BỐ ĐỘC LẬP
- Chính phủ
Anh tỏ thái độ cứng rắn và nghiêm khắc hơn
Như chúng ta đã biết, trong thời gian từ mùa xuân
1775 đến mùa xuân 1776, dân thuộc địa
đã võ trang chống lại Anh quốc. Dù vậy đi nữa, cũng vẫn có nhiều người còn hy
vọng là có thể tiếp tục trung thành với Anh quốc. Họ tin rằng Anh hoàng George
III và các vị Bộ trưởng của nhà vua hẳn phải nhận thức được việc nhân dân thuộc địa
sẵn sàng hy sinh xương máu cho tự do đã nói lên được sự cương quyết của họ chống
lại việc mẫu quốc kiểm soát gắt gao công việc trong thuộc địa
của họ. Như vậy là dân thuộc địa
(và nhiều người ở chính quốc Anh nữa) vẫn còn hy vọng chính phủ Anh sẽ thay đổi
thái độ. Nhưng tiếc thay, thay vì thi hành một chính sách mềm mỏng hơn thì nhà
vua lại quyết định dùng biện pháp mạnh. Anh hoàng đồng ý với vị tướng Anh chỉ
huy tại Boston cho rằng: “Dân thuộc địa
sẽ là những con sư tử trong khi chúng ta chỉ là những con cừu, nhưng nếu chúng
ta cương quyết cứng rắn thì chúng (dân thuộc địa) chắc chắn sẽ tỏ ra ngoan ngoãn mềm mỏng”.
Chính phủ Anh
cho ban hành những đạo luật khắt khe hơn khiến cho nền kỹ nghệ và thương mại
thuộc địa
bị thiệt hại rất nhiều. Anh hoàng từ chối không chịu lắng tai nghe những tiếng
nói phiền muộn của nhân dân thuộc địa
tại Mỹ châu, mà trái lại ông còn tuyên bố rằng họ là những người phản loạn. Đi
xa hơn nữa, nhà vua tuyển mộ quân sĩ người Đức (gọi là Hessians) vào trong đạo
quân phục vụ tại Mỹ châu. Hành động này khiến cho nhân dân thuộc địa
vô cùng căm giận. Tệ hơn nữa, quân sĩ áo đỏ (quân Anh mặc đồng phục màu đỏ)
nghênh ngang ở khắp các đường phố. Và còn tệ hơn nữa, quân sĩ nói tiếng ngoại
quốc chiếm đóng nhiều địa điểm làm cho dân chúng Mỹ càng bất bình. Cho nên nhiều
người Mỹ cho rằng rất có ít hy vọng được mẫu quốc đối xử tốt đẹp.
- Các lãnh
tụ thuộc địa
kêu gọi độc lập
Các thuộc địa có nên đạp đổ ách thống trị của người
Anh để giành quyền độc lập hay không? Một số lãnh tụ đã nghĩ và nói như vậy. Một
trong các vị lãnh tụ này là Samuel Adams. Trong nhiều năm, Samuel Adams đã chống
lại luật con niêm (Stamp Acts), luật Townshend và luật Intolerable.
Ông tin rằng các
thuộc địa phải ly
khai và tách rời khỏi Anh quốc. Quan điểm này của ông khiến cho nhiều đồng bào
của ông không thích ông, và khiến người Anh coi ông là một người nguy hiểm. Tuy
nhiên, ông vẫn cổ võ phải hành động mạnh. Khi hay tin người Anh đang tiến vào
Lexington, ông cũng không buồn phiền lo ngại. Thật ra, ông còn vui mừng: “Buổi
sáng nay quả là vinh dự”. Ngay cả sau khi xảy vụ kịch chiến ở Lexington và ở
Concord, nhiều người Mỹ vẫn còn cố gắng làm cách nào để hàn gắn hay giải quyết
những khác biệt với mẫu quốc thì Adams lại càng hăng say cổ võ việc giành độc
lập cho các thuộc
địa.
Thomas Paine
đã viết những bài thuyết luận cổ võ hăng say nhất cho việc giành độc lập cho các
thuộc địa.
Thomas Paine là người mới từ Anh đến định cư ở Mỹ châu. Ông viết tờ truyền đơn
gọi là “Common Sense” (công lý), trong đó ông kêu gọi người Mỹ nên ly khai với
Anh quốc. Ông viết: “Đó là điều hợp lý phải làm. Tại sao một lục địa vĩ đại lại
bị ràng buộc bởi một hòn đảo nhỏ bé ở cách xa hàng ngàn dặm? Tại sao dân thuộc địa
lại phải cuối đầu tuân theo luật lệ làm tổn thương đến nền kỹ nghệ và thương mại
của chính mình? Tại sao dân thuộc địa
Mỹ châu lại còn tiếp tục thề trung thành với một ông vua không cần gì đến họ mà
còn gửi quân đội đến đàn áp?” Paine còn tuyên bố: “Những điều trên đây có phải
là hợp lý không? Hãy cổ võ cho việc ly khai”. Ông viết tiếp:
“Mặt trời
không bao giờ soi sáng lên chính nghĩa của giá trị lớn hơn. Đây không phải là
công việc của một thành phố, của một tỉnh hay của một vương quốc, mà là công
việc của cả một lục địa, của ít nhất là một phần tám địa cầu có dân cư sinh
sống. Đây không phải là liên hệ tới một ngày, một năm, một đời, mà là có liên hệ
tới mãi mãi về sau, tới tận cùng của kỷ nguyên….”
Tờ truyền đơn
của Paine xuất hiện vào đầu năm 1776, bán chạy như tôm tươi. Khắp trong các
thuộc địa
người người ngồi trong quán rượu hay bên các lò sưởi, không ngớt bàn tán về lời
lẽ mạnh bạo và lôi cuốn của Paine. Nhiều người trước kia đã chống lại việc các
thuộc địa
đòi độc lập hay là còn lưỡng lự thì giờ đây họ đổi ý kiến và mong muốn các
thuộc địa được độc lập.
- Đệ Nhị
Hội Nghị Lục Địa hành động mạnh để tiến tới độc lập
Như chúng ta đã đọc trong chương 8, thấy rằng Đệ
Nhất Hội Nghị Lục Địa đã xếp đặt một hội nghị khác sẽ nhóm họp nếu tình trạng
căng thẳng giữa các
thuộc địa và Anh
quốc còn kéo dài. Năm 1775, ngay sau khi xảy ra trận đánh ở Lexington và ở
Concord, Đệ Nhị Hội Nghị Lục Địa đã bắt đầu nhóm họp ở Philadelphia. Hầu hết
những người tham dự là những nhà lãnh đạo quan trọng của các thuộc địa.
Lúc đầu, đa số các đại biểu trong Hội nghị còn hy vọng là còn có thể đạt được
một thỏa hiệp với Anh hoàng George III và chính phủ của nhà vua. Tuy nhiên, vài
tháng sau đó, cơ hội đi đến một thỏa hiệp hòa bình càng trở nên mong manh. Càng
ngày càng có thêm nhiều người Mỹ tin rằng chỉ còn cách là các thuộc địa
phải giành độc lập. Sau cùng Hội nghị đã đáp ứng theo khát vọng ngày càng trở
nên mạnh mẽ, đó là đòi độc lập. Đầu tháng 6 năm 1776, Richard Henry Lee, đại
biểu của Virginia, đứng lên nói: “Thuộc địa của ông gửi ông đến đây để trình bày
một đề nghị”, ngay khi đó, các đại biểu lắng tai nghe. Ông nói: “Quyết định rằng
các thuộc địa
hợp nhất có quyền, và phải có quyền là những tiểu bang độc lập và tự do”. Bạn có
thể tưởng tượng sự sôi nổi của hội trường trong những ngày kế tiếp. Các đại biểu
tụ tập thành từng nhóm nhỏ để bàn cãi, thảo luận về độc lập, về đề nghị trọng
đại của Richard Henry Lee. Trong khi đó, một ủy ban được thiết lập để soạn thảo
bản tuyên ngôn độc lập. Người có công nhiều nhất trong việc viết bản tuyên ngôn
độc lập là ông Thomas Jefferson. Thomas Jefferson là người của thuộc địa
Virginia. Dáng người cao lớn, mới 33 tuổi, ông là một thiên tài biết diễn đạt tư
tưởng rõ ràng và sử dụng những ngôn ngữ gợi cảm. Trong một thời gian ngắn, ông
đã soạn xong bản Tuyên Ngôn Độc Lập đưa ra hội nghị nghiên cứu.
- Hội nghị
chấp nhận bản Tuyên Ngôn Độc Lập
Bản tuyên ngôn độc lập của Thomas Jefferson gồm hai
điểm quan trọng:
1. Điểm thứ
nhất nói lên một ý tưởng mới táo bạo về quyền lợi của nhân dân. Trước kia hầu
hết người ta quan niệm rằng người dân chỉ được hưởng những quyền tự do do chính
phủ hiện hành ban bố cho thôi. Nhưng Jefferson lại cho rằng mọi người sinh ra
đời là có một số quyền lợi mà không một chính quyền nào có thể tước đoạt được.
Trong bản tuyên ngôn độc lập, ông đã viết quan niệm này bằng những lời lẽ rất
kêu như sau:
“Chúng tôi
nghĩ rằng sự thật tự nó đã quá rõ ràng, rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng,
thượng đế đã phú cho con người một số quyền bất khả nhượng. Đó là quyền sống,
quyền tự do và quyền theo đuổi hạnh phúc”.
Jefferson viết
tiếp rằng mục đích của chính phủ là “bảo đảm những quyền này” và “chính phủ phải
có sự ưng thuận của người dân bị trị (dân chúng)”. Một khi mà chính phủ không
bảo vệ được những quyền này cho dân chúng hay là không có sự ưng thuận của dân
chúng thì dân chúng có quyền thay đổi hay xóa bỏ cái chánh phủ đó đi để thiết
lập một chính phủ khác có thể mang lại an ninh và hạnh phúc cho dân chúng”.
2. Điểm thứ hai là bản tuyên ngôn độc lập nói lên
sự cắt đứt mối liên hệ với Anh quốc. Jefferson viết rằng dưới chế độ luật lệ
khắt khe của Anh quốc, các thuộc địa
đã phải kiên nhẫn chịu đựng đau khổ. Giờ đây “đã đến lúc vì quyền lợi và bổn
phận mà các thuộc
địa phải đạp đổ
chính quyền….Cho nên, chúng tôi, những người đại diện của Hiệp Chủng Quốc trong
Đại hội, nhóm họp…long trọng tuyên bố rằng những thuộc địa hợp nhất này phải là,
và vì quyền lợi phải là các xứ độc lập”. Jefferson chấm dứt bản tuyên ngôn với
những lời lẽ hết sức long trọng:
“Và để nâng
cao sự ủng hộ bản Tuyên ngôn này, với sự vững tin vào sự che chở của Thượng đế,
chúng tôi thề hứa với tất cả đời sống, tài sản và danh dự thiêng liêng của chúng
tôi”.
Bản tuyên ngôn
độc lập là một tài liệu nổi tiếng mà mọi người dân Hoa Kỳ cần phải đọc.
- Một tân
quốc gia được thành lập
Sau ít ngày bãn cãi, Hội nghị chấp nhận bản tuyên
ngôn độc lập vào ngày mồng 4 tháng 7 năm 1776. Sau những tháng ngày phập phồng
dè dặt, Hội nghị đã tiến một bước lịch sử quyết định. Các vị tiền bối của chúng
ta không còn phải là những thần dân Anh quốc chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của
người dân trong đế quốc Anh nữa. Giờ đây họ là những người sáng lập ra một tân
quốc gia. Họ không còn nói đến “Liên hiệp thuộc địa” nữa. Và bây giờ họ hãnh
diện nói đến Hiệp Chủng Quốc! Ngày mùng 4 tháng 7 năm 1776 là một trong những
ngày có ý nghĩa quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
¨
PHẦN HAI
ƯU THẾ VÀ NHƯỢC
ĐIỂM CỦA NGƯỜI HOA KỲ TRONG
CUỘC CHIẾN CÁCH
MẠNG
Ngay khi đó,
dân chúng trong các tiểu bang đón nhận tin tức về bản tuyên ngôn độc lập với
những cảm tình trộn lộn. Mặc dù họ sung sướng nhưng họ cũng tự hỏi những gì sẽ
xảy ra? Hoa Kỳ làm thế nào có thể tiếp tục chống lại sức mạnh của Anh quốc? Đó
là điều mà Hội nghị đã tuyên bố Hoa Kỳ là một quốc gia độc lập và tự do. Còn một
điều nữa là phải giành được độc lập. Có thể nào mà 13 tiểu quốc chống lại được
quân đội và hải quân của một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới?
¨
NHỮNG NHƯỢC ĐIỂM CỦA HOA KỲ
- Quân đội
thiếu huấn luyện và thiếu tổ chức
So với quân đội chính quy điêu luyện của Anh quốc,
quân đội Hoa Kỳ (còn gọi là lục địa) quả là không thể nào sánh được. Điển hình
nhất là quân đội của thuộc địa
có rất ít kinh nghiệm về chiến thuật quân sự cũng như về chiến đấu. Việc huấn
luyện của quân đội thuộc địa là chỉ để nhằm đáp ứng cho cuộc chiến ở vùng biên
cương chống lại người da đỏ và người Pháp. So với các sĩ quan Anh, thì sĩ quan
trong hàng ngũ quân đội thuộc địa có rất ít kinh nghiệm. Hơn nữa, tổ chức quân
đội lại lỏng lẻo. Các quân sĩ trong quân đội không bị bắt buộc phải gia nhập mà
trái lại đều do họ tình nguyện nhập ngũ. Những quân sĩ tình nguyện như vậy họ
luôn luôn nghĩ rằng họ sẽ được trở về nhà ngay khi thời gian phục vụ ngắn hạn
của họ chấm dứt. Hậu quả là những người lãnh đạo trong quân đội hàng ngày không
thể nào biết chắc là có bao nhiêu quân sĩ ở dưới quyền chỉ huy của mình. Các
thuộc địa cũng chẳng có một lực lượng hải quân thực sự.
Người Mỹ không thể nào đem tàu chiến hạng nhất của mình để chống lại với một lực
lượng hải quân mạnh nhất thế giới.
- Các
thuộc địa
thiếu các đồ trang bị và tiền bạc
Theo đuổi một cuộc chiến, các thuộc địa
cần phải có các đồ trang bị và tiếp liệu như súng trường, đại pháo, đạn dược,
thuốc súng, quân trang và lương thực. Đệ Nhị Hội nghị Lục địa (chính phủ các lục
địa) có rất ít tiền để mua sắm các đồ quân trang, quân cụ và các đồ lương thực.
Hội nghị cũng không có quyền đánh thuế dân chúng. Hội nghị chỉ có quyền yêu cầu
các tiểu bang (thuộc địa) đóng góp, và số tiền nhận được thật là thất vọng. Hội
nghị phải in thật nhiều tiền giấy để mua sắm các đồ quân trang quân cụ và lương
thực. Nhưng dân chúng không chịu bán hàng hóa để lấy tiền giấy. Tiền giấy không
có giá trị nhiều trừ khi có thể đổi tiền giấy lấy vàng hay bạc, hoặc là trừ khi
chính phủ phát hành một loại tiền giấy có giá trị cao. Đệ Nhị Hội Nghị Lục Địa
là một chính phủ mới ra đời và có rất ít quyền hành, vả lại không có nhiều vàng
bạc. Chiến tranh càng kéo dài, tiền của chính phủ lục địa càng mất giá. Câu
“không đáng giá bằng đồng tiền lục địa” đã trở thành câu châm ngôn để chỉ những
gì vô giá trị.
- Dân trung
thành với Anh quốc chống lại chính quyền và quân đội
thuộc địa
Các vị tiền bối của chúng ta trong cuộc cách mạng
không những phải chiến đấu chống lại quân lực của Anh hoàng, mà còn phải chiến
đấu chống lại kẻ nội thù ở ngay trong làng xóm, đô thị. Sau khi bản tuyên ngôn
độc lập được soạn thảo và ký kết xong, vẫn còn một số lớn dân chúng, có lẽ tới
một phần ba dân chúng vẫn còn trung thành với nhà vua. Những người này gọi là
những người trung thành (loyalists) hay bảo thủ (tories). Một số những người
trung thành từ chối không chịu tham dự vào cuộc chiến bên phía các nhà ái quốc.
Nhiều người trung thành khác lại tiếp tế lương thực và cung cấp nơi ăn chốn ở
cho quân đội của nhà vua. Nhiều người khác còn gia nhập vào quân đội Anh nữa. Dù
những người trung thành nghĩ rằng họ đã hành động đúng, nhưng các nhà ái quốc đã
coi họ như là những quân phản bội (Mỹ gian). Đôi khi những người trung thành bị
bắt rồi đem sơn hắc ín và cắm lông lên người, hay là họ bị xua đuổi ra khỏi đô
thị. Nhiều dân thuộc
địa ái quốc tiến
đến đập phá nhà cửa hay chiếm giữ tài sản của họ.
¨ NHỮNG LỢI ĐIỂM CỦA HOA KỲ
Mặc dù phải
đương đầu với những trở ngại khó khăn, các nhà ái quốc vẫn cố gắng tiếp tục theo
đuổi cuộc chiến và cuối cùng đã đánh bại được quân Anh. Làm thế nào mà các nhà
ái quốc đã hoàn thành được sứ mạng lớn lao này?
- Các nhà
ái quốc tin tưởng là chiến đấu cho chính nghĩa
Mặc dù quân sĩ lục địa thiếu huấn luyện và thiếu
các đồ tiếp liệu quân nhu, quân cụ cũng như thực phẩm, nhưng ít nhất là họ chiến
đấu ngay tại quê hương đất nước họ. Họ đã từng là những người quen sống cực
nhọc, dầm mưa giãi nắng ở nơi đồng ruộng nên họ có thể chịu đựng được gian khổ
khó khăn. Họ biết sử dụng súng trường và sản xuất được phần lớn các đồ tiếp liệu
khan hiếm. Nhiều sĩ quan và quân sĩ thuộc địa đã từng tham dự cuộc chiến chống
lại người Pháp và người da đỏ, cho nên họ đã rút kinh nghiệm chiến đấu và họ đã
học và hiểu về giá trị của cảnh giác và tự tin. Họ đang chiến đấu cho một chính
nghĩa cao cả- cho tự do và an ninh, cho gia đình và quê hương của họ- Mặt khác,
quân đội Anh gồm toàn những quân sĩ bị cưỡng bách phục vụ. Quê hương và gia đình
ở tận mãi bên kia bờ đại dương, dĩ nhiên là binh lính Anh và binh lính Đức không
thể nào có tinh thần chiến đấu cao như quân sĩ Mỹ được.
- Các nhà
ái quốc lợi dụng những lầm lẫn của người Anh
Những lầm lẫn của các tướng lãnh Anh đã tạo lợi thế
cho đại cuộc của các nhà ái quốc. Nhiều vị tướng lãnh được bổ nhậm chỉ vì họ là
bạn bè của những người giàu có và thế lực ở trong chính phủ Anh quốc. Các vị
tướng lãnh này khinh thường quân sĩ thiếu huấn luyện của các thuộc địa
và cho rằng quân sĩ của thuộc địa
sẽ không thể nào chiến đấu gian khổ trường kỳ được. Giống như đoàn viên của một
đoàn lực sĩ quá tự tin, các vị chỉ huy của quân đội Anh trở nên cẩu thả, buông
lỏng. Thay vì tấn công như vũ bão chớp nhoáng vào quân đội lục địa, các vị tướng
lãnh Anh theo đuổi chính sách buông lỏng. Họ phạm phải những lỗi lầm trầm trọng
và đã để cho chiến thắng vượt khỏi tầm tay.
- Các nhà
ái quốc nhận ngoại viện
Nhiều người yêu chuộng tự do từ Âu châu tình nguyện
sang Châu Mỹ gia nhập quân đội thuộc địa.
Một trong những người Âu châu chí nguyện này là hầu tước De Lafayette. Nhà quý
tộc dũng cảm trẻ tuổi người Pháp này đã bất chấp lệnh của Pháp hoàng để đi Mỹ
châu chiến đấu cho tự do. Cùng đi với De Lafayette có Nam tước De Kalb, người đã
hy sinh đời mình cho cuộc chiến giành độc lập của Hoa Kỳ. Nhiều quân nhân ngoại
quốc nổi tiếng cũng gia nhập quân đội thuộc địa. Trong đó có Nam
tước Von Steuben, người đã từng chiến đấu dưới sự chỉ huy của một nhà đại lãnh
đạo quân sự, tức là Hoàng đế Frederick của nước Phổ, và hai vị sĩ quan người Ba
Lan là Pulaski và Kosciusko. Nhân dân Hoa Kỳ ghi nhớ công ơn đối với sự trợ giúp
của những người Âu châu yêu chuộng tự do này.
Quan trọng hơn
cả là Hoa Kỳ nhận được sự trợ giúp của các chính phủ ngoại quốc. Ngay khi khởi
đầu cuộc chiến, Hoa Kỳ cũng đã gửi đại diện đi Pháp quốc để cầu viện. Chính phủ
Hội nghị lý luận rằng vì Pháp vốn là cựu thù của Anh quốc, nên rất có thể chính
phủ Pháp sẽ nắm lấy cơ hội để hạ thủ Anh quốc bằng cách trợ giúp cho Mỹ châu.
Benjamin Franklin, một chính khách tài ba khôn khéo của Mỹ châu, nhẫn nại cố
gắng thuyết phục được Pháp quốc viện trợ cho Hoa Kỳ. Khi thời cơ cho thấy là Hoa
Kỳ sẽ có nhiều cơ hội để đánh bại được Anh quốc thì Pháp hoàng trợ giúp cho Hoa
Kỳ. Pháp quốc và Hoa Kỳ cùng ký một thỏa hiệp theo đó thì Pháp sẽ là đồng minh
quân sự của Hoa Kỳ. Pháp quốc gửi tiền bạc cùng các đồ tiếp liệu và quân sĩ cùng
tàu thuyền sang trợ giúp Hoa Kỳ để chiến đấu.
Khi Pháp quốc
trở thành đồng minh quân sự của Hoa Kỳ thì Anh quốc tuyên chiến với Pháp. Các
quốc gia khác cũng bị lôi cuốn vào vòng chiến. Pháp quốc thuyết phục đồng minh
của Pháp là Tây Ban Nha cũng nhảy vào vòng chiến chống lại Anh quốc. Trong những
năm sau cùng của cuộc chiến, chiến tàu của Tây Ban Nha và của Pháp đã làm cho
hải quân Anh vô cùng bận rộn. Anh quốc cũng tuyên chiến với Hòa Lan vì các nhà
ngân hàng của người Hòa Lan cho các tiểu bang Hoa Kỳ vay nhiều món tiền lớn.
- Tướng
George Washington đã tỏ cho thấy ông là một vị lãnh tụ tuyệt vời
Một trong những lý do quan
trọng đưa Hoa Kỳ đến chiến thắng là nhờ sự lãnh đạo của George Washington. Mùa
xuân năm 1775 Đệ Nhị Hội nghị lục địa bổ nhậm Washington làm Tổng Tư Lệnh quân
đội lục địa. Hội nghị khó có thể có một sự chọn lựa nào khác. Chào đời vào ngày
22 tháng 2 năm 1732, và là con một nhà điền chủ giàu có, Washington sớm có nhiều
kinh nghiệm về quân sự. Như chúng ta đã đọc trong chương VI, Washington đã từng
chỉ huy một toán quân đi tấn kích quân Pháp và quân da đỏ. Ông cũng có kinh
nghiệm trong các công việc chính phủ, và ông cũng đã từng là nhân viên của Đệ
Nhất Hội Nghị Lục Địa.
Dáng người cao,
vai rộng, cử chỉ nghiêm trang đàng hoàng, Washington là một nhà lãnh tụ tài ba.
Lòng can đảm và thái độ bình tĩnh của ông là tấm gương sáng cho các sĩ quan và
binh sĩ noi theo. Đứng trước cảnh quân số giảm sụt, thiếu tiền bạc, thiếu cả đồ
quân nhu, quân cụ và thực phẩm, và đứng trước cảnh dư luận chỉ trích quá mức,
ông cũng vẫn không bỏ cuộc. Suốt trong thời kỳ đen tối của chiến tranh cách
mạng, Washington vẫn cương quyết chiến đấu mà không hề nao núng. Sự kiên gan và
bền chí của một vị Tư Lệnh như ông đã khiến cho biết bao nhiêu người nhát gan
trở nên hăng hái và can đảm.
۞
Nhờ sự dũng cảm
của quân sĩ lục địa, nhờ sự lãnh đạo của Washington và nhờ ngoại viện của nhiều
nước, Hoa Kỳ đã đoạt được toàn thắng trong cuộc chiến tranh cách mạng. Nhưng
công cuộc chiến đấu không phải dễ dàng và cũng không chắc đã thành công vào một
lúc nào được. Liên tiếp trong nhiều tháng trời, quân đội lục địa đã gặp phải bao
nhiêu là thất vọng, chịu đựng biết bao nhiêu là gian khổ và chiến đấu trong
tuyệt vọng. Đó cũng là điều mà Thomas Paine đã viết: “Những lần thử thách tinh
thần con người”. Tuy nhiên, ngay cả khi triển vọng hình như đen tối nhất, các vị
tiền bối của chúng ta nhất định quyết không chấp nhận thất bại.
¨
PHẦN BA
MƯỜI BA
THUỘC ĐỊA ĐÃ GIÀNH ĐƯỢC ĐỘC LẬP
NHƯ THẾ
NÀO?
Các bạn đã đọc các tài liệu
về chiến tranh cách mạng, hẳn các bạn còn nhớ những người đã chiến đấu và bỏ
mình nơi chiến địa chỉ là những người thường dân từ bỏ công việc thường nhật mà
lên đường vác súng đương đầu đối diện với đạo quân tinh luyện của người Anh. Tại
nơi gia đình của họ ở đô thị hay nông trại, đồn điền, hoặc ở trong các căn nhà
gỗ thô sơ ở vùng biên cương, thân nhân của họ từng giờ và từng giờ ngóng tin xem
những gì đã và đang xảy ra. Vào thời kỳ đó không có máy vô tuyến truyền thanh
hay vô tuyến truyền hình để truyền đi những bản báo cáo tin giờ chót. Phải mất
nhiều ngày, có khi phải nhiều tuần lễ, những tin tức từ mặt trận mới đưa về đến
gia đình được. Những bản báo cáo về cuộc chiến lại phải tùy thuộc vào sự di
chuyển của các quân nhân, khách bộ hành, hoặc là tùy thuộc vào một lá thư hay
một tờ báo cũ. Những mẫu tin tức nhỏ cũng đủ làm cho các người lân bang lối xóm
vội vã chia nhau đọc. Theo sau những ngày đen tối tưởng chừng như nhân dân lục
địa đã bị đại bại trong cuộc chiến cách mạng, nói sao hết được nỗi niềm hân hoan
để chào mừng chiến thắng cuối cùng.
¨
CÁC TIỂU BANG MIỀN TRUNG TRỞ THÀNH BÃI CHIẾN TRƯỜNG
Như chúng ta đã biết, cuộc
chiến lúc ban đầu bùng nổ ở quanh vùng Boston. Sau này Nữu Ước trở thành trung
tâm chiến địa. Sở dĩ như vậy là vì hai lý do chính:
1. Dọc theo
vùng bờ biển, thành phố Nữu Ước là một hải cảng tốt nhất. Người Anh cần phải
chiếm giữ hải cảng này để phân phối đồ tiếp liệu cho quân đội.
2. Giữ được
chiến tuyến dọc theo sông Hudson và hồ Champlain ngược lên phía Bắc, người Anh
tách rời được vùng Tân Anh ra khỏi các thuộc địa khác. Tách biệt rời các thuộc
địa rồi thì người Anh sẽ dễ dàng lần lượt chinh phục được từng thuộc địa một.
- Người Anh
tấn chiếm Nữu Ước
Hy vọng ngăn chặn không để
cho quân Anh chiếm được Nữu Ước, tướng Washington đem lực lượng từ Boston đến
đảo Long Island. Tới đây quân đội lục địa bị quân Anh dưới quyền chỉ huy của
tướng Howe đánh cho thảm bại vào cuối mùa hè năm 1776. Tuy nhiên, nhờ trời tối
và sương mù, quân Mỹ đã trốn thoát được về vùng phía Bắc thành phố Nữu Ước. Quân
Anh chiếm thành phố và những người trung thành với người Anh ở đây hân hoan chào
mừng đón tiếp quân Anh. Thành phố Nữu Ước từ đấy nằm trong vòng kiểm soát của
người Anh cho đến khi cuộc chiến chấm dứt.
- Nathan
Hale hy sinh vì tổ quốc
Muốn tìm rõ về kế hoạch của
quân Anh, tướng Washington kêu gọi những người tình nguyện đi thành phố Nữu Ước.
Một trong những người tình nguyện này là đại úy Nathan Hale mới hai mươi mốt
tuổi. Trước khi xảy ra cuộc chiến, người thanh niên trẻ tuổi này là một giáo
viên ở Connecticut. Tướng Washington ủy cho Nathan Hale sứ mạng nguy hiểm là đi
tìm hiểu kế hoạch của quân Anh. Nathan Hale hóa trang tiến vào thành phố Nữu
Ước, nhưng chẳng may bị quân Anh bắt và kết án là gián điệp và bị treo cổ. Đứng
trước cái chết, Nathan Hale đã khẳng khái nói lời chót: “Rất tiếc là ta chỉ có
một đời để hy sinh cho đất nước”.
- Washington
rút về New Jersey
Sau vụ thất thủ Nữu Ước,
lại tiếp theo vụ xui xẻo khác. Quân Anh lại tấn chiếm hai đồn ải dọc theo sông
Hudson khiến cho Washington tổn thất tới hai ngàn sáu trăm tinh binh cùng một số
lớn các súng ống và đồ tiếp liệu. Nếu quân Anh tiếp tục tấn công ngay tức thì
vào lúc quân sĩ của Washington nản lòng thì có lẽ người Anh đã dập tắt được cuộc
chiến này. Người ta nói rằng tướng Howe đã không muốn tiêu hủy quân đội lục địa,
vì ông còn hy vọng là người Mỹ sẽ trở lại trung thành với người Anh. Giờ đây,
quân đội lục địa đang nếm thất bại, ông hy vọng người Mỹ sẽ nhượng bước và bỏ
cuộc. Đó là một lầm lẫn lớn và cũng là một bài học đắt giá cho tướng Howe.
Mùa thu năm
1776, tướng Washington buộc phải rút lui qua New Jersey về phía Nam. Tướng Howe
cho quân truy kích nhưng lại tiến quân rất chậm chạp. Vào cuối năm đó, quân đội
lục địa vượt sông Delaware tiến vào Pennsylvania. Đây là những ngày chán nản đối
với vị tổng tư lệnh quân đội Mỹ. Nhiều quân sĩ đã tuyệt vọng bỏ về nông trại hay
về với công việc cũ. Trước đó,Washington đã hy vọng sẽ tuyển mộ thêm quân ở New
Jersey, nhưng chỉ thâu thêm chưa được tới 100 người. Đồng thời với lúc
Washington rút về Pennsylvania thì quân Anh tiến tới Philadelphia khiến cho Hội
nghị phải bỏ cả nơi họp mà chạy trốn. Chính nghĩa của nhân dân Hoa Kỳ hầu như
rơi vào tuyệt vọng. Người ta nói rằng một vài tướng lãnh trong quân đội Anh đã
tin chắc rằng cuộc chiến sẽ chấm dứt và họ đã gửi các đồ đạc hành lý xuống tàu
để chuẩn bị hồi hương.
- Chiến
thắng ở Trenton và Princeton làm nức lòng quân đội lục địa
Tuy nhiên, Washington vẫn
còn hy vọng. Trong đêm giáng sinh lạnh giá vào năm 1776, ông và binh sĩ dưới
quyền vượt sông Delaware trở về đúng vào khi 1400 quân Đức đồn trú trong đồn
Trenton đang chung vui ngày lễ. Quân sĩ ông tấn công bất ngờ và bắt giữ được
hàng ngàn tù binh. Sau đó, ông rút lui trở lại vài dặm. Lord Cornwallis được gửi
đi liền đó để đuổi bắt Washington. Ông ta nói rằng ông đã lùa “con cáo già” vào
nơi khó khăn. Nhưng một lần nữa, nhà lãnh tụ lục địa đã tỏ ra tài ba và gan dạ.
Đốt lửa trại sáng để đánh lừa quân Anh, Washington và quân sĩ lẩn vào trong đêm
tối. Sáng hôm sau, đại pháo từ xa gầm thét vang dội làm cho Cornwallis bừng
tỉnh. Đây là tiếng súng của Washington tấn công 3 trung đoàn quân Anh ở gần
Princeton. Washington đánh bại quân thù ở tại Princeton. Những chiến thắng hào
hùng tại Trenton và Princeton đã gây niềm phấn khởi trong hàng ngũ quân đội lục
địa. Mặc dầu toàn thắng còn xa nhưng dân Hoa Kỳ nhìn về tương lai với nhiều hy
vọng hơn.
- Kế hoạch
của người Anh để đè bẹp quân Mỹ
Năm 1777, các vị chỉ huy
trưởng của quân Anh thiết lập kế hoạch chiếm giữ vùng thung lũng sông Hudson để
cô lập miền Tân Anh. Tướng John Burgoyne (người Anh thường gọi là Gentleman
John) chỉ huy một đạo quân từ Gia Nã Đại tiến xuống phía Nam qua ngã hồ
Champlain tới Albany. Tướng Howe chỉ huy một lực lượng từ thành phố Nữu Ước tiến
lên Albany để gặp tướng Burgoyne. Đạo quân thứ ba từ đồn Oswego bên bờ hồ
Ontario tiến về phía Đông qua tiểu bang Nữu Ước để kết hợp với hai đạo quân trên
tại Albany.
Đây là một kế
hoạch rất hay, nhưng lại không tiến hành được như ý muốn. Đạo quân thứ ba từ đồn
Oswego chẳng bao giờ tới được Albany. Nửa đường, đạo quân này gặp đạo quân lục
địa tại Oriskany, và hai bên đã kịch chiến dữ dội, đánh những trận đánh đẫm máu
nhất trong cuộc chiến. Sau trận đánh này, đạo quân thứ ba rút về Oswego. Về phần
tướng Howe, thay vì gửi quân tiếp viện cho tướng Burgoyne, thì ông lại hạ lệnh
cho quân sĩ của ông ở thành phố Nữu Ước lên chiến tàu rồi tiến vào vịnh
Chesapeake. Sau khi đổ bộ, tướng Howe và đạo quân của ông hướng về phía Bắc tiến
vào Philadelphia.
- Saratoga
là một khúc quanh của cuộc chiến
Còn tướng Burgoyne, ông cho
quân tiến về phía Nam tới đồn Ticonderoga. Nhưng quân Anh càng tiến sâu vào nội
địa lại càng gặp nhiều khó khăn. Dân Nữu Ước và dân miền Tân Anh ngã cây chặn
đường, đốt mùa màng, lùa súc vật đi để lại vườn không nhà trống. Đương đầu với
những trở ngại như vậy, tướng Burgoyne phải hạ lệnh cho quân sĩ từ từ tiến. Khi
ông gửi 700 lính Đức tiến về phía Đông để nhận tiếp liệu thì bị quân đội lục địa
bao vây và đánh bại ở gần Bennington, nơi mà ngày nay thuộc tiểu bang Vermont.
Sau cùng, quân của tướng Burgoyne kịch chiến với quân đội lục địa ở gần Saratoga
Nữu Ước. Quân Anh bị thảm bại. So với quân đội lục địa, quân Anh quá ít, lại
không hy vọng nhận được tiếp viện, tướng Burgoyne đem toàn quân của ông đầu hàng
vào ngày 17 tháng 10 năm 1777.
Sự đầu hàng của
tướng Burgoyne là một khúc quanh của cuộc chiến. Chiến thắng của quân đội lục
địa tại Saratoga cũng như việc bắt sống được tướng Burgoyne và toàn thể quân đội
của ông ta làm khích lệ Pháp hoàng gửi viện trợ cho Hoa Kỳ. Không có viện trợ
này Hoa Kỳ sẽ không đủ tiền để giữ vững được những đạo quân đang chiến đấu ngoài
mặt trận.
- Washington
trải qua những mùa đông giá lạnh tại thung lũng sông Forge
Về phần tướng Howe, ông
cùng vơi đạo quân của ông tiến vào Philadelphia. Washington cố gắng chặn đứng
đạo quân này tại Brandywine và Germantown. Nhưng cả hai nơi này, Washington đều
bị thất bại. Tướng Howe chiếm được Philadelphia một cách vẻ vang (xem bản đồ
trang 189b).
Mùa Đông năm
1777-1778, đạo quân của tướng Howe dừng lại, trú đóng ở Philadelphia. Đây là
thời gian mà đạo quân này được hưởng đầy đủ tiện nghi. Họ được trú đóng trong
những căn nhà ấm cúng và có đầy đủ thực phẩm, luôn luôn có tiệc tùng và khiêu
vũ. Đối với quân Anh thì mùa Đông này đầy thú vị, ngược lại đối với quân đội lục
địa của tướng Washington lại là một cơn ác mộng.
Quân đội của
tướng Washington đóng trại ở gần thung lũng sông Forge. Lương thực thiếu thốn,
họ phải vội vã dựng lên những túp lều cây thô sơ để chống lại với gió gào,
tuyết lạnh của mùa đông. Quần áo rách rưới không đủ che thân. Nhiều quân sĩ
không có giày, và chỉ có một số ít có đủ chăn nệm. Tiền tệ của quân đội lục địa
thì mất giá đến nỗi nông dân không chịu bán thực phẩm cho họ nữa. Họ bán heo và
bò cho quân Anh để lấy vàng và bạc. Trong hoàn cảnh như vậy, một số quân sĩ
trong quân đội lục địa đã chán nản bỏ về nhà. Nhiều người lâm bệnh. Nhưng
Washington hiểu rõ giá trị chiến thắng ở Saratoga. Ông vẫn tỏ ra bình tĩnh và
khích lệ đám binh sĩ đói lạnh của ông. Nam tước người Đức Von Steuben ra công
huấn luyện quân đội lục địa trong suốt mùa Đông để chuẩn bị cho chiến dịch mùa
xuân tới.
- Không còn xảy ra các trận đánh ở các tiểu bang miền Trung nữa
Trung tuần tháng 6 năm
1778, quân Anh bỏ Philadelphia vượt New Jersey, tiến vào thành phố Nữu Ước.
Washington đem quân truy kích, và nếu không có tướng Charles Lee hèn nhát thì
chắc có lẽ ông đánh bại được quân Anh ở Monm, thuộc tiểu bang New Jersey. Thay
vì tuân theo lệnh của Washington, Lee đã cho quân rút lui. Quân Anh tới được Nữu
Ước. Washington cho quân cầm chân quân Anh ở nơi đây cho tới khi chiến tranh
chấm dứt. Từ đây cũng không có trận đánh lớn nào diễn ra ở các tiểu bang miền
Trung.
- Tên Mỹ
gian mưu toan phản bội quê hương
Một biến cố đã xảy ra làm
tổn thương đến sự nghiệp của người Hoa Kỳ. Benedict Arnold là một trong những
nhà lãnh đạo của các thuộc địa. Từ đầu cuộc chiến, hắn đã chiến đấu rất hăng và
xuất sắc. Hắn đã từng tham dự vào vụ tấn công Quebec ngay từ khi khởi đầu cuộc
chiến, và cũng từng tham dự nhiều vào trận đánh tại Saratoga khiến cho Burgoyne
phải đầu hàng. Arnold là một người có nhiều tham vọng. Hắn cho rằng hắn phải
được hưởng nhiều hơn mới xứng đáng với công lao phục vụ của hắn. Thực ra, hắn đã
bị chỉ trích và bị đưa ra tòa án binh xử về tội lạm dụng quyền hành của hắn như
tiếm quyền Thống đốc quân sự ở Philadelphia. Hơn nữa, Arnold lại mang nợ rất
nhiều. Sự cần tiền và lòng tự ái của hắn bị tổn thương khiến cho hắn sa vào cạm
bẫy tiền bạc của người Anh. Hắn không những cung cấp cho người Anh những bí mật
quân sự, mà còn dùng ảnh hưởng để yêu cầu tướng Washington bổ nhậm hắn làm chỉ
huy trưởng đồn Westpoint ở Nữu Ước. Arnold định nộp đồn này cho người Anh.
Âm mưu đầu hàng
ở Westpoint bị bại lộ vào năm 1780 do việc bắt được thiếu tá Andre, một sĩ quan
người Anh đang mặc cả với Arnold. Andre bị xử tử vì tội gián điệp. Nhưng Arnold
đã cố gắng chạy thoát thân được đến phòng tuyến của quân Anh. Cho đến ngày chiến
tranh chấm dứt, Arnold chiến đấu dưới ngọn cờ Anh. Về sau, con người bất hạnh
này chết ở Anh quốc. Tại Hoa Kỳ, tên Arnold được đồng hóa với tên Mỹ gian (tên
phản bội). Ngay cả ở bên Anh, hắn cũng bị mọi người khinh rẻ.
¨
KỊCH CHIẾN DỮ DỘI Ở VÙNG BIÊN CƯƠNG VÀ Ở NGOÀI KHƠI
- George Rogers
Clark chiến đấu cho tự do ở miền Tây
Song song với các trận
chiến tiến hành ở các tiểu bang miền Trung, ở vùng biên cương về phía Tây cũng
có kịch chiến dữ dội. Tuy nhiên, đây là một hình thức chiến đấu khác hẳn với
hình thức chiến đấu của quân đội tướng Washington. Ở đây, phần lớn là các cuộc
tấn kích của người da đỏ vào các làng định cư tuyệt vọng ở miền biên cương. Đối
với người da đỏ, bọn trung thành với quân Anh rỉ tai với lời cảnh cáo rằng: “Nếu
quân lục địa chiến thắng trong cuộc chiến này, thì họ sẽ mở rộng các làng định
cư càng xa về phía Tây. Như vậy chẳng bao lâu các vùng đất dùng để săn thú của
người da đỏ sẽ trở thành những nông trại cuả người da trắng”. Được người Anh trợ
giúp, người da đỏ mở các cuộc tấn công dữ dội không những ở vùng phía Tây dãy
núi Appalaches, mà ngay cả ở Nữu Ước và Pennsylvania. Có báo cáo nói rằng đại tá
Henry Hamilton tư lệnh quân Anh tại Detroit đã treo phần thưởng cho chiến sĩ da
đỏ nào mang nộp mảnh da đầu người cho ông.
George Rogers
Clark, một thanh niên trẻ, dũng cảm, quyết định chấm dứt các cuộc tấn công của
người da đỏ. Thống đốc Virginia cho phép ông dẫn một đạo quân tới vùng biên
cương phía Tây. Năm 1778, ông dẫn một lực lượng 200 quân đi theo sông Ohio.
Clark tấn công và tấn chiếm bất ngờ những đồn ải của người Anh ở vùng biên cương
mà ngày nay là tiểu bang Illinois. Ông chiếm được Vincennes, nơi mà ngày nay
thuộc tiểu bang Indiana.
- Clark làm
chủ miền Tây
Sự thành công của người
thanh niên trẻ này khiến cho đại tá Hamilton lo ngại. Cùng với đồng minh da đỏ,
Hamilton đem quân tái chiếm đồn Vincennes, nơi đây lúc đó chỉ có một số ít quân
đội lục địa trấn đóng. Mặc dầu viên Tư lệnh người Anh hy vọng Clark sẽ tấn công
ông ta, nhưng ông ta vẫn nghĩ rằng cho tới mùa xuân năm 1779 sẽ không có gì xảy
ra. Thực ra, vào giữa mùa Đông, một số ít quân đội lục địa tấn công quân Anh ở
đồn Vincennes. Vượt qua vùng đầm lầy băng giá ngập nước đến lưng, đoàn người
ngoài biên cương đã làm cho Hamilton ngạc nhiên khi tấn chiếm Vincennes một lần
nữa. Chiến thắng của Clark giúp cho quân đội lục địa kiểm soát được vùng đất bao
la nằm giữa Ngũ đại hồ, sông Ohio và sông Mississippi. Sau chiến công của Clark,
mối đe dọa của người da đỏ ở vùng biên cương giảm sụt hẳn.
- Tàu săn
Hoa Kỳ rình rập các tàu chuyên chở của đối phương
Trong khi đó thì người Mỹ
mở rộng trận chiến ở ngoài khơi cũng như ở trên bờ. Từ các hải cảng ở miền Tân
Anh, các tàu đánh cá và tàu buôn được võ trang súng ống và thủy thủ tiến ra
chiếm bắt các tàu chuyên chở của địch. Các tàu săn của Mỹ bắt được nhiều tàu
buôn của Anh đem về hải cảng. Hàng hóa của các tàu bị bắt được đem bán lấy tiền
chia cho các thủy thủ của các tàu buôn tham dự. Sau này, tàu chiến của Anh tuần
hành ở ngoài khơi duyên hải để canh chừng tàu săn Mỹ. Do đó, rất ít tàu Mỹ dám
đi ra ngoài khơi nữa.
- Hoa Kỳ
thiết lập hải quân
Khi còn là dân thuộc địa
của Anh quốc, dĩ nhiên là người Mỹ không có Hải quân. Hoa Kỳ lúc bấy giờ hoàn
toàn tùy thuộc vào sự bảo vệ của các hạm đội Anh. Bây giờ thì hạm đội hùng mạnh
của người Anh không phải là để bảo vệ người Mỹ nữa mà là để chống lại người Mỹ.
Vào lúc khởi đầu cuộc chiến, Hội nghị đã bắt đầu thiết lập hải quân. John Paul
Jones, một nhà hàng hải người Ai Nhĩ Lan đến định cư ở Virginia vài năm trước
khi cuộc chiến bùng nổ, đã khuyên Hội nghị nên đóng những tàu nhỏ nhưng chạy
nhanh. Tuy nhiên, suốt trong thời kỳ chiến tranh (cách mạng), hải quân Hoa Kỳ
chỉ có chừng 40 chiến tàu. Trước khi cuộc chiến chấm dứt, ngoại trừ 6 chiến tàu
ra, còn tất cả hoặc bị quân Anh bắt, hoặc là bị chính thủy thủ đoàn đánh đắm để
khỏi bị đối phương chiếm giữ.
- John Paul
Jones được Hải Quân Hoa Kỳ kính nể
Mặc dầu còn yếu kém, hải
quân Hoa Kỳ cũng ghi được thành tích đáng kể. Trận hải chiến nổi tiếng nhất
trong thời kỳ chiến tranh cách mạng là trận đụng độ giữa tàu chiến của Anh và
chiến tàu được đóng ở Pháp dưới quyền chỉ huy của John Paul Jones. John hạ lệnh
cho chiếc tàu Bonhomme Richard cùng với ba chiến tàu khác tuần hành canh chừng
dọc theo duyên hải thuộc Anh. Khi đội thương thuyền của Anh có hai chiến tàu hộ
tống tới gần, ông hạ lệnh khai hỏa tấn công vào chiến tàu lớn hơn của địch gọi
là Serapis.
Trong trận kịch
chiến kéo dài ba tiếng đồng hồ này, chiến tàu Bonhomme bị thiệt hại nặng nề.
John cho chiếc tàu của ông chạy gần tàu Serapis hầu như chạm sát đầu nòng đại
pháo của địch. Vị chỉ huy của tàu Anh phải kêu lớn lên rằng: “Bạn hạ thấp cờ bạn
xuống chưa?”. John đáp lại “Tôi chưa bắt đầu chiến đấu!”. Lời lẽ này đã trở nên
nổi tiếng. Sau đó, ông tiếp tục cho nổ súng. Chẳng bao lâu, trên boong tàu
Bonhomme Richard, những xác người chết và bị thương nằm la liệt, nhưng chiến tàu
Serapis cũng bị tổn thất nặng nề. Khi chiếc cột buồm chính của chiếc tàu này ngã
xuống thì viên tư lệnh người Anh mới đầu hàng John.
John Paul Jones
đã chứng tỏ rằng Hoa Kỳ có thể chiến đấu ở ngoài khơi cũng như ở trên bộ. Mặc
dầu, sau này ông sinh sống ở Âu châu, nhưng sau khi ông mất đi, thi hài ông được
mang về Hoa Kỳ mai táng. Hiện nay ông được chôn trong một ngôi mộ danh dự trong
hải quân học viện ở Annapolis.
¨ CHIẾN TRANH Ở MIỀN NAM MANG LẠI CHIẾN THẮNG CHO HOA KỲ
- Người Anh
thay đổi kế hoạch
Sau ba năm chiến đấu, người
Anh phải đương đầu với một vấn đề khó khăn. Những trận đánh ở các tiểu bang miền
Trung đã không giúp cho họ đánh bại được quân lục địa như hồi năm 1775. Năm
1778, nước Pháp nhảy vào vòng chiến khiến cho Anh quốc lại phải chống thêm một
cường quốc thù địch. Hy vọng nhận được trợ giúp của số đông những người trung
thành với Anh quốc, người Anh chuyển chiến tranh xuống các tiểu bang miền Nam.
Từ cuối năm 1778 cho đến khi chiến tranh chấm dứt, hầu như các trận đánh chỉ xảy
ra ở miền Nam thôi.
- Quân đội
Anh và quân đội Mỹ quần thảo ở miền Nam
Lúc đầu, hình như người Anh
đã quyết định một cách khôn khéo. Những chiến thắng của họ đã giúp họ làm chủ
Georgia và hầu hết Nam Carolina. Chỉ có một số ít nhóm quân đội lục địa can đảm
mà cũng giữ vững được cuộc chiến. Dưới sự hướng dẫn của những vị chỉ huy dũng
cảm như Francis Marion (biệt danh là “Con cáo ở đầm lầy”), những nhóm quân sĩ
này ẩn náu trong các vùng đầm lầy và thỉnh thoảng lén đến tấn kích vào các toán
quân nhỏ của người Anh.
Sau cùng, quân
Mỹ có thể chận được quân Anh ở miền Nam. Cuối năm 1780, tướng Anh là Cornwallis
chỉ huy một đạo quân tiến đánh North Carolina. Tuy nhiên, một phần đạo quân này
bị đánh bại bởi cánh quân của dân vùng biên cương tại khu núi King ở vùng biên
giới giữa Bắc và Nam Carolina. Sau đó, Washington gửi vị tướng tài ba nhất là
Nathanael Greene xuống chỉ huy quân đội ở miền Nam. Quân Mỹ thắng một trận lớn ở
Cowpens ở Nam Carolina. Vì gặp khó khăn trong việc tiếp tế đồ tiếp liệu, tướng
Cornwallis buộc phải bỏ Bắc Carolina, hạ lệnh cho quân rút lui ra vùng duyên
hải.
- Sự nghiệp
của quân đội lục địa hầu như rơi vào tuyệt vọng
Dù rằng đã ngăn chặn tướng
Cornwallis không chiếm được Bắc Carolina, người Mỹ cũng cảm thấy chán nản trong
tiến trình cuộc chiến. Như các bạn đã biết, Washington đã dùng phần lớn quân đội
để cầm chân quân Anh ở New York. Bây giờ là mùa xuân, quân đội lục địa đã liên
tiếp chiến đấu trong 6 năm trường mà chiến thắng hình như còn quá xa vời. Quân
sĩ không yên lòng phục vụ và phải chịu cảnh thiếu thốn lương thực cũng như các
đồ tiếp liệu. Ngay cả đến Washington cũng cảm thấy chán nản và lo ngại tưởng
chừng như ngày tàn đã ló dạng. Tuy nhiên, Cornwallis đã quyết định một nước cờ
sai lầm khiến cho Washington có cơ hội tấn công đè bẹp quân Anh.
- Cornwallis
bị mắc bẫy
Cornwallis hạ
lệnh cho quân sĩ hướng về phía Bắc tiến vào Virginia, nơi đây được bảo vệ bởi
một số ít quân đội lục địa dưới quyền chỉ huy của tướng Lafayette. Cornwallis
khoe khoang một cách hợm hĩnh rằng “Cậu trai này không thể thoát khỏi tay tôi”.
Nhưng lực lượng của “cậu trai” Lafayette không đủ mạnh để đương đầu với quân đội
Anh nên đã tìm cách lẩn tránh. Cornwallis bắt đầu tăng cường ở Yorktown, một vị
trí nằm trên bán đảo chạy dài tới vịnh Chesapeake. Tại đây, ông hy vọng nhận
được thêm tiếp viện và tiếp liệu từ New York gửi tới bằng đường biển. Đây là một
lầm lẫn trầm trọng. Chiến tàu lớn của Pháp từ West Indies tiến đến chận đứng cửa
vào vịnh Chesapeake. Một hạm đội Anh đến giải vây cho tướng Cornwallis nhưng bị
đẩy lui.
Trong khi đó,
tướng Washington quyết định một nước liều. Bỏ New York, ông hạ lệnh cho quân sĩ
liên kết với hàng ngàn quân Pháp mở cuộc hành quân chớp nhoáng đánh mạnh vào
Virginia. Chừng mười sáu ngàn quân lục địa và quân Pháp tiến gần tới Yorktown
bao vây đạo quân của Cornwallis.
- Cornwallis
đầu hàng
Mặc dầu quân Anh liều chết
chiến đấu, nhưng họ cũng biết rõ là sự nghiệp của họ đã vô vọng. Ba bề, bốn bên
bị vây kín, Cornwallis cùng toàn thể đạo quân của ông phải đầu hàng vào ngày 19
tháng 10 năm 1781.
Theo chứng nhân
tại chỗ, vào khoảng 12 giờ, liên quân (Mỹ và Pháp) sắp xếp hàng ngũ chỉnh tề để
tiến thành hai hàng dài hơn một dặm. Quân Mỹ đi hàng bên phải, và quân Pháp đi
hàng bên trái. Đi đầu hàng bên phải là vị chỉ huy quân đội Mỹ, bên cạnh có những
vị phụ tá đi theo. Đi đầu hàng bên trái là Bá tước Rochambeau và bộ tham mưu của
ông ta. Quân đội Pháp mặc đồng phục trông thật là uy nghi hùng dũng. Nhạc quân
hành trỗi lên trong khi nhịp bước có tác dụng làm say mê nhất. Quân đội Mỹ dù
không mặc đồng phục và quần áo cũng không được gọn gàng nhưng cũng biểu diễn
được dáng điệu hào hùng của quân nhân, và mọi nét mặt đều sáng lên trong niềm
hân hoan vui sướng.
Giữa hai đạo
quân của đoàn quân chiến thắng, quân Anh tiến ra đầu hàng, dàn nhạc trỗi lên bản
“Thế giới đảo lộn”. Chiến thắng tại Yorktown có nghĩa là chiến tranh chấm dứt.
Bạn có thể
tưởng tượng được niềm hân hoan vui sướng của nhân dân các thuộc địa vào sau khi
Cornwallis đầu hàng. Lửa mừng lên cao tới tận trời xanh, chuông nhà thờ rung
vang inh ỏi và người người cầu nguyện trong lễ Tạ Ơn đã giành được độc lập.
- Nền độc
lập của Hoa Kỳ được công nhận
Mặc dầu chiến tranh ở Mỹ
châu đã chấm dứt vào năm 1781, nhưng mãi tới năm 1783, thỏa hiệp hòa bình mới
được ký kết. Theo hòa ước này, Anh quốc nhìn nhận Hoa Kỳ là một quốc gia độc
lập. Lãnh thổ của Tân quốc gia này chạy dài từ Canada tới Florida, và từ bờ biển
Đại tây dương tới Mississippi. Tuy nhiên, sông Mississippi sẽ được mở rộng cho
việc buôn bán của cả hai nước Anh và Hoa Kỳ. Ngư phủ Hoa Kỳ được phép đánh cá ở
ngoài khơi Newfoundland và ở cửa sông Saint Laurence. Trong một thỏa hiệp riêng
biệt khác, Anh quốc sẽ trao trả Florida cho Tây Ban Nha (xem bản đồ trang 189b
để biết về Bắc Mỹ vào năm 1783).
Anh hoàng
George III chua chát nói rằng xem hành động bất lương của người Mỹ thì đây
“không phải là tội lỗi cuối cùng”, rằng người Mỹ đã từ bỏ đế quốc Anh. Về phần
người Mỹ thì ý kiến Anh hoàng George không còn quan trọng đối với họ nữa. Họ đã
giành được độc lập, tự do và đã thiết lập được quốc gia mới.
Chú thích:
[1]
Quân Mỹ nhận lệnh tấn chiếm đồi Bunker, nhưng thật ra họ cố thủ trên đồi
Breed’s gần đó. Mặc dầu trận đánh diễn ra ở trên đồi Breed’s nhưng người
ta vẫn gọi trận đánh này là trận đánh ở đồi Bunker.
(xem tiếp : Chương X)
Các bài cùng tập Lịch Sử Hoa Kỳ
▪ 2004-08-15 - LSHK-1- Marco Polo và những chuyện kỳ thú ở Đông phương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 0000-00-00 - LSHK-1- Marco Polo và những chuyện kỳ thú ở Đông phương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-2- Magellan tìm ra con đường đi vòng quanh thế giới - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-3- Những Lá Thư Của Phillip Andrew - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-4- Việc Thành Lập 13 Thuộc Địa Anh - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-5- Dân Chúng Sống Ở Thuộc Địa Anh Như Thế Nào? - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-6- Nước Pháp Thắng Rồi Lại Bại - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-7- Người Anh Cai Trị Các Thuộc Địa Như Thế Nào? - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-8- Dân Thuộc Địa Chống Lại Anh Quốc - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2022-07-05 - MƯỜI BA THUỘC ĐỊA ANH GIÀNH ĐỘC LẬP - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2014-07-04 - LSHK-9- 13 Thuộc Địa Anh Giành Độc Lập - Nguyễn Mạnh Quang dịch -
▪ 2004-08-15 - LSHK-1- Marco Polo và những chuyện kỳ thú ở Đông phương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-10- Tinh Thần Độc Lập Ảnh Hưởng Khắp Mỹ Châu - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-11- 13 Tiểu Bang Kết Thành 1 Quốc Gia - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-12- Tân Chính Phủ Trung Ương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-13- Hoa Kỳ Được Các Quốc Gia Khác Kính Nể - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-14- Miền Đông Bắc Trở Thành Trung Tâm Kỹ Nghệ - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-15- Miền Nam Trở Thành Vương Quốc Bông Vải - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 0000-00-00 - LSHK-16- Chế Độ Dân Chủ Theo Đà Mở Rộng Biên Cương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-17- Toàn Quốc Trở Nên Dân Chủ Hơn - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 1 2 ▪ >>>
Trang Lịch Sử