●   Bản rời    

LSHK-12- Tân Chính Phủ Trung Ương (Nguyễn Mạnh Quang dịch)

LỊCH SỬ HOA KỲ

(3 tác giả)

Nguyễn Mạnh Quang dịch

http://sachhiem.net/NMQ/LSHK/LSHK12.php

| bản rời | «  Xem Mục Lục » | 12 tháng 9, 2009

(tiếp theo Chương mười một)

pypypy

CHƯƠNG XII

TÂN CHÍNH PHỦ TRUNG ƯƠNG KHỞI SỰ HOẠT ĐỘNG VÀ THÀNH CÔNG

 

Trưa ngày thứ năm 30 tháng 4 năm 1789, đám đông dân chúng tụ tập ở đường Wall Street trong thành phố Nữu Ước. George Washington bước lên hành lang Tòa nhà Liên bang. Ông mặc bộ đồ màu xám, quần ống túm, vớ lụa trắng và đi giày có khóa bạc, với thanh kiếm đeo bên hông. Đầu chải bóng và tóc dài đến gáy.

Khi nhìn thấy dáng người cao với vẻ mặt nghiêm trang ở hành lang, dân chúng ở dưới vỗ tay hoan hô chào mừng vang cả góc trời. George Washington đặt tay trên cuốn Thánh kinh to lớn và nói một cách chậm rãi những lời lẽ dưới đây: “Tôi long trọng thề rằng tôi sẽ thi hành một cách tận tình trung thành nhiệm vụ Tổng thống của Hiệp Chủng Quốc, và sẽ làm hết khả năng của tôi để duy trì, che chở và bảo vệ Hiến pháp Hiệp Chủng Quốc”. Ngay khi ông vừa dứt lời, dân chúng tung hô vang động những khẩu hiệu “Xin Thượng đế ban phước lành cho Washington chúng tôi”, “Tổng thống yêu quý của chúng tôi muôn năm”. Washington quay lại đi vào bên trong để nói với các vị dân biểu trong tân Quốc hội.

Như vậy, theo tân Hiến pháp, Hoa Kỳ đã khởi đầu việc tự trị. Hiến chương liên bang đã được thí nghiệm và đã không được như ý muốn. Bây giờ thì tân Hiến pháp đang trải qua thời kỳ thử thách. Chúng ta, những người dân Hoa Kỳ ngày nay thấy rõ ràng hiến pháp mạnh và trường cửu. Nhưng dân chúng vào năm 1789 đã không biết Hiến pháp sẽ tiến hành tốt đẹp như thế nào? Liệu rằng theo Hiến pháp, tân chính phủ có tốt đẹp hơn cái chính phủ liên minh trước kia hay không? Liệu rằng Hiến pháp sẽ được trường tồn lâu dài hay không? Ở khắp mọi nơi, những nhà trí giả Hoa Kỳ suy nghĩ không biết tương lai của tân chính phủ trung ương sẽ ra sao?

Trong chương này chúng ta sẽ tìm hiểu về tân chính phủ trung ương theo Hiến pháp mới. Chúng ta sẽ tìm hiểu những vấn đề dưới đây:

1. Hiến pháp đã quy định hình thức chính phủ nào

2. Tân chính phủ trung ương giải quyết những vấn đề quan trọng ra sao?

3. Các chính đảng đã khởi sự như thế nào?

¨

PHẦN MỘT

HIẾN PHÁP QUY ĐỊNH HÌNH THỨC CHÍNH PHỦ NÀO?

“Chúng tôi, nhân dân Hiệp chủng quốc, muốn kiến tạo một cộng đồng quốc gia hoàn hảo hơn, thiết lập công lý, chuẩn bị cho công cuộc phòng thủ chung, thăng tiến xã hội, bảo đảm an ninh trong nước cũng như bảo đảm các quyền tự do cho chính chúng tôi và cho hậu thế, nên quyết định ban hành bản Hiến pháp này cho quốc gia Hoa Kỳ...”

Những lời lẽ nổi tiếng này mà mọi người dân Hoa Kỳ đều biết đã trở thành phần dẫn nhập của bản Hiến pháp Hoa Kỳ. “Chúng tôi, những người dân...thiết lập Hiến pháp này ....” Con đường dài nào mà nhân dân Hoa Kỳ đã đi theo để tiến đến con đường tự trị! Vào thời kỳ mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chấp nhận chế độ quân chủ thì các tác giả của bản Hiến pháp đã thiết lập một chính quyền dựa trên quyền tự do của dân chúng để điều hành việc nước. Vào thời đại mà các quốc gia khác đều nhân danh nhà vua để ban hành luật pháp thì nhân dân Hoa Kỳ đã chấp nhận việc nhân danh dân chúng để ban hành bản Hiến pháp là luật lệ tối thượng của họ.

- Chính phủ trung ương có những quyền hành quan trọng

Những người kiến tạo tân chính phủ hy vọng rằng tân chính phủ sẽ mang lại được một cộng đồng quốc gia hoàn hảo hơn và bảo đảm được an ninh trong nước. Trong chương XI, chúng ta đã biết rằng chính phủ liên minh đã chẳng thực hiện được ước vọng nào trên đây, bởi vì đó là một chính phủ yếu. Giờ đây các tác giả bản Hiến pháp đã trao cho tân chính phủ trung ương những quyền hành quan trọng mà chính phủ liên minh trước kia không có.

- Các tiểu bang được giữ lại một số quyền hành

Nếu Hiến pháp đã thiết lập chính phủ trung ương mạnh thì các tiểu bang còn được giữ lại những quyền hành nào? Các vị đại biểu trong Hội nghị Lập hiến đã thận trọng phân chia những quyền hành này để cho chính quyền trung ương Hiệp chủng quốc không thể nuốt trôi được các tiểu bang. Các vị đại biểu đã trao cho chính quyền trung ương quyền điều hành tất cả các vấn đề liên quan đến toàn thể quốc gia hay tất cả các tiểu bang. Mặt khác, các tiểu bang còn giữ được quyền điều hành tất cả các công việc không có ảnh hưởng đến các tiểu bang khác. Thực sự, Hiến pháp để lại cho các tiểu bang tất cả các quyền hành nào không được ghi rõ rằng đã trao cho chính phủ trung ương.

Chúng ta hãy xem sự phân chia các quyền hành tiến hành như thế nào. Vì chiến tranh có liên hệ đến các tiểu bang cho nên chính phủ liên bang được trao cho quyền tuyên chiến. Điều này đã ghi rõ trong Hiến pháp. Nhưng mỗi tiểu bang lại có quyền thiết lập những luật lệ riêng áp dụng trong tiểu bang để trừng trị các tội phạm như tội sát nhân hay tội trộm. Vì luật lệ này chỉ ảnh hưởng đến dân chúng trong tiểu bang nơi xảy ra các tội trạng thôi. Các bạn sẽ thấy rằng Hiến pháp không đề cập đến những quyền này của tiểu bang. Tuy nhiên, những quyền này thuộc quyền các tiểu bang vì nó đã không được ghi rõ ràng rằng những quyền này được trao cho chính quyền liên bang.

- Người Hoa Kỳ muốn rằng mọi quyền tự do của dân chúng phải được bảo đảm

Tân chính phủ trung ương là một chính phủ mạnh. Nhưng chính phủ này có mạnh quá không? Người Hoa Kỳ yêu chuộng tự do và ngay cả ngày nay họ cũng không muốn chính quyền đặt quá nhiều giới hạn lên các quyền tự do của họ. Cho nên người Hoa Kỳ theo dõi rất kỹ các quyền hành của chính quyền. Nói về tự do và chính quyền, một nhà trí giả Hoa Kỳ đã nói: “Ai là người tự do? Không phải là những người mà chính quyền của họ hợp lý và công bằng mà là những người mà chính quyền của họ bị kiềm chế và kiểm soát đến nỗi không thể làm được gì khác hơn là hợp lý và công bằng”.

Bản Hiến pháp nguyên thủy đã chứa đựng một vài lời tuyên bố bảo đảm quyền tự do của dân chúng. Các bạn hẳn còn nhớ Thomas Jefferson và nhiều người Hoa Kỳ khác lo ngại rằng tân chính phủ trung ương sẽ gây trở ngại cho mọi quyền tự do của dân chúng. Họ nghĩ rằng Hiến pháp nên được sửa đổi để ngăn chặn không cho chính quyền trung ương gây trở ngại cho các quyền tự do quý báu của dân chúng.

- Bản Dân quyền bảo đảm quyền tự do của chúng ta

Năm 1791, mười điều tu chính được thêm vào Hiến pháp. Những điều tu chính này ghi rõ những quyền tự do của nhân dân Hoa Kỳ ở dưới quyền bất kỳ chính phủ nào. Những lời lẽ trong những điều tu chính có phần khó hiểu, nhưng các luật gia có thể hiểu được một cách đầy đủ. Tuy nhiên, những lời lẽ trong đó chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Nhờ có bản Dân quyền trong Hiến pháp của chúng ta nên các bạn không phải lo sợ mất tự do như thanh niên nam nữ sống dưới chế độ độc tài.

Dưới đây là một số quyền tự do mà nhân dân Hoa Kỳ được hưởng:

1. Người Hoa Kỳ có thể tự do thờ phượng theo ý muốn của mình.

2. Người Hoa Kỳ nếu cảm thấy luật lệ không công bằng hay sai quấy, họ có thể tụ tập thành những nhóm có trật tự và hòa bình để yêu cầu chính phủ sửa đổi những luật lệ đó.

3. Người Hoa Kỳ có thể tự do nói và viết những ý kiến, tư tưởng của mình kể cả ý kiến tư tưởng chỉ trích chính quyền.

4. Người Hoa Kỳ nếu có bị cáo là trọng tội đi nữa thì họ vẫn có thể đòi được xử bằng một bồi thẩm đoàn ở tại tòa án.

5. Trừ trường hợp có những lý do chính đáng, các nhà riêng của người Hoa Kỳ không thể bị các viên chức của nhà nước đến lục soát được.

Chúng ta, những người dân Hoa Kỳ, không bao giờ quên được rằng nhờ có bản Dân quyền và nhiều phần trong bản Hiến pháp mà biết bao nhiêu quyền tự do cá nhân của chúng ta được bảo đảm.

- Hiến pháp có thể sửa đổi được

Trong Hiến pháp có một điều khoản nói rõ về cách sửa đổi hay tu chính Hiến pháp như thế nào. Có hơn một cách để tu chính. Tuy nhiên, cách thông thường nhất cho việc sửa đổi là phải do Quốc hội đề nghị và phải được các cơ quan lập pháp của ba phần tư tổng số các tiểu bang chấp thuận. Bản Hiến pháp đã được tính toán một cách khôn khéo đến nỗi rằng từ khi ban hành đến giờ đã có tới 26 điều tu chính.

- Tân chính phủ trung ương chia làm ba cơ quan

Từ trước tới giờ chúng ta đã nói rõ về chính quyền trung ương một cách tổng quát. Chúng ta thường nói: “Chính phủ có thể làm được việc đó. Chính phủ không thể làm được việc đó”. Theo Hiến pháp, chính phủ Hoa Kỳ được tổ chức thành ba cơ quan hay ba ngành riêng biệt. Mỗi ngành có một nhiệm vụ riêng. Một ngành chịu trách nhiệm làm luật. Đó là cơ quan lập pháp hay Quốc hội có hai viện: Hạ viện và Thượng viện. Ngành thứ hai có nhiệm vụ đem thi hành những luật lệ do Quốc hội làm ra, và coi chừng xem những luật lệ này có được tôn trọng hay không. Đó là ngành hành pháp. Đứng đầu ngành này là Tổng thống. Ngành thứ ba có nhiệm vụ phân xử các vụ tranh tụng và nhận xét cũng như xét xử các vụ vi phạm luật, đồng thời quyết định xem luật lệ có vi hiến không. Đó là ngành tư pháp. Ngành này gồm có Tối Cao Pháp Viện và các tòa án liên bang ít quan trọng hơn. Theo cách này mà phân chia chính quyền ra những ngành riêng biệt, mỗi ngành có quyền hành trong một phạm vi riêng, như vậy gọi là phân quyền.

- Tại sao lại phải phân quyền như vậy?

Tại sao các vị đại biểu trong Hội nghị lập hiến lại phân chia chính quyền ra làm ba ngành riêng biệt một cách quá cẩn thận như vậy? Lý do là các vị đại biểu trong Hội nghị Lập hiến muốn ngăn chặn mọi sự chuyên chế độc tài, nghĩa là ngăn chặn mọi việc sử dụng quyền hành một cách tàn ác và bất công. Họ cho rằng nếu trao cho mỗi người hay một nhóm người những quyền hành rộng rãi thì những quyền hành này sẽ dễ dàng bị lạm dụng. Chẳng hạn như nếu một anh lính cảnh sát mà có thể làm được các luật lệ thì anh ta sẽ dễ dàng trở nên độc tài rồi bắt bớ và trừng phạt bất kỳ người nào mà anh ta tố cáo là vi phạm luật lệ. Nhưng nếu một người làm luật rồi có người thứ hai bắt kẻ mà người đó cho là vi phạm luật, và nếu còn có người thứ ba nhận xét xem người bị bắt có thật sự vi phạm luật hay không, như vậy thì ít có cơ hội lầm lẫn hay chuyên chế độc tài.

- Mỗi ngành có quyền kềm chế những ngành khác

Dù rằng các vị đại biểu trong Hội nghị Lập hiến đã phân chia chính quyền ra làm ba ngành, nhưng những nhà soạn thảo Hiến pháp đã không tin chắc như vậy là đủ. Một ngành hay cơ quan của chính quyền vẫn có thể làm những chuyện lầm lẫn hay sai quấy. Để ngăn chặn sự việc có thể xảy ra như vậy, Hiến pháp dự liệu rằng một cơ quan có thể kềm chế cơ quan khác. Thí dụ như nếu Quốc hội làm một đạo luật không được khôn ngoan, thì Tổng thống có thể không đồng ý hay phủ quyết đạo luật đó. Như vậy để ngăn chặn không cho Quốc hội trở nên quá mạnh. Hay là nếu Quốc hội không thích người nào mà đã được Tổng thống chọn để giúp ông thi hành luật thì thượng viện có thể không chấp nhận việc bổ nhậm của Tổng thống. Gặp trường hợp như vậy, Tổng thống phải chọn người khác. Tương tự như vậy Tối Cao Pháp Viện có thể kềm chế Quốc hội và Tổng thống bằng cách thẩm định ý nghĩa của luật pháp trong trường hợp có tranh chấp. Tối Cao Pháp Viện cũng có thể tuyên bố một đạo luật là vi hiến (trái với hiến pháp), và như vậy đạo luật đó sẽ không trở thành luật được. Mỗi ngành của chính quyền có thể kềm chế những ngành khác bằng nhiều cách. Phương cách giới hạn quyền hành như vậy được gọi là hệ thống kềm chế và phân quyền (system or checks and balances). Hội nghị Lập hiến cho rằng hệ thống kềm chế và phân quyền này sẽ làm cho bất cứ ngành nào của chính quyền khó có thể trở nên quá mạnh được.

Phần này chỉ nói tổng quát về chính quyền Hoa Kỳ theo Hiến pháp. Phải nhận thức rằng điều quan trọng nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ là một tài liệu sống động, có thể sửa đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới. Từ khi Hiến pháp Hoa Kỳ được áp dụng cho tới ngày nay, Hoa Kỳ đã bành trướng và phát triển mạnh mẽ về lãnh thổ cũng như về dân số, và về quyền hành, thế mà hiến pháp Hoa Kỳ vẫn còn được áp dụng. Để đuổi kịp theo đà thay đổi này, chính quyền Hoa Kỳ đã mở rộng quyền hành rất nhiều. Thực ra, nếu các vị đại biểu trong Hội nghị Lập hiến đến thăm các tòa nhà của chính phủ tại thủ đô Hoa Kỳ ngày nay thì có lẽ quý vị đó sẽ chưng hửng và ngạc nhiên thấy rằng có quá nhiều hoạt động của chính quyền. Dù sao đi nữa thì Hiến pháp cũng đã được soạn thảo một cách vô cùng khéo léo đến nỗi rằng kế hoạch của chính phủ dự liệu có thể phục vụ cho dân chúng vào thời đại của Tổng thống George Washington cũng như thời đại phi cơ phản lực và vệ tinh không gian ngày nay.

¨

PHẦN HAI

TÂN CHÍNH PHỦ TRUNG ƯƠNG GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG NHƯ THẾ NÀO?

Ngày mồng 4 tháng 3, năm 1789, tân chính phủ trung ương lên nắm quyền. Hôm đó chỉ có một số ít dân biểu quốc hội mới được bầu tới thủ đô tạm thời lúc bấy giờ là Nữu Ước (thời kỳ đó người ta di chuyển bằng ngựa, xe ngựa hay bằng tàu thuyền rất là chậm chạp). Quốc hội họp vào đầu tháng 4 năm đó.

George Washington, người nổi danh nhất được nhân dân rất mến chuộng, được bầu làm Tổng thống. Ông John Adams thuộc tiểu bang Massachusetts, vị lãnh tụ có tiếng tăm thời cách mạng trở thành Phó Tổng thống. Quốc hội cho Washington biết về cuộc bầu cử này, và ông khởi hành từ quê nhà ở Mount Vernon thuộc Virginia đi Nữu Ước. Mãi tới ngày 30 tháng 4 ông mới tuyên thệ nhậm chức Tổng thống như đã nói ở đầu chương này.

- Tân chính phủ trung ương bắt tay vào việc

Dù rằng Hiến pháp chỉ vạch ra một kế hoạch đại cương và quyền hành của từng cơ quan, nhưng tất cả các chi tiết về chính quyền được tân chính quyền và Tổng thống tiến hành tốt đẹp. Thí dụ như chính quyền phải lo kiếm tiền để trả cho các khoản chi phí như thế nào? Hiến pháp đã đề cập đến Tối cao Pháp viện và các tòa án khác, nhưng phải nên có bao nhiêu tòa án? Sẽ phải có bao nhiêu vị thẩm phán được tuyển chọn vào Tối cao Pháp viện[3]? Ai là những người đủ tư cách hơn hết để giữ chức vụ này? Một mình Tổng thống không thể nào điều hành tất cả các công việc trong cơ quan hành pháp của chính quyền được. Phải thiết lập những bộ nào để giúp Tổng thống? Đây chỉ là một vài trong những vấn đề mà tân chính phủ trung ương phải giải quyết.

Trong vài năm đầu, tân chính phủ đã hoàn thành được nhiều việc. Năm 1789, Quốc hội thông qua một đạo luật thiết lập Tối cao Pháp viện và những tòa án liên bang khác. Tối cao Pháp viện thì có vị Chủ tịch Tối cao Pháp viện và 5 vị thẩm phán, tất cả đều do Tổng thống chọn và phải được sự chấp thuận của Thượng viện. Ông John Jay, một luật gia và cũng là một chính khách tiếng tăm, được giữ chức vụ chủ tịch Tối cao Pháp viện. Đồng thời, Quốc hội cũng thiết lập thêm nhiều bộ để điều hành các công việc của chính phủ.

- Washington tuyển chọn người vào nội các

Bộ ngoại giao là một trong những bộ được Quốc hội thiết lập. Bộ ngoại giao có trách vụ điều hành mọi việc liên quan đến các quốc gia khác. Đứng đầu bộ ngoại giao là vị Bộ trưởng ngoại giao. Washington chỉ định ông Thomas Jefferson giữ chức vụ này. Một chiến sĩ kỳ cựu của thời cách mạng là ông Henry Knox được đề cử giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Chiến Tranh. Công việc của bộ này là trông coi mọi việc về quân sự. Ông Alexander Hamilton được bổ nhậm giữ chức vụ khó khăn nhất, đó là Bộ trưởng Bộ tài chánh. Giữ chức vụ này, ông có nhiệm vụ phải lo kiếm tiền và giải quyết mọi vấn đề tài chính của chính phủ. Thêm vào đó, Washington cử ông Edmund Randolph đảm nhiệm Bộ Tư pháp. Nhiệm vụ của ông ở Bộ này là giúp chính phủ để giải quyết mọi vấn đề về luật pháp. Washington không những chỉ tùy thuộc vào 4 vị trên đây để điều hành các Bộ, mà ông còn luôn luôn cần đến các vị trên đây giúp ý kiến và trợ giúp ông để giải quyết mọi vấn đề trong chính phủ. Các vị trên đây đã trở thành nội các của Tổng thống. Sau nhiều năm, nhiều Bộ khác được thiết lập, và ngày nay nội các đã trở nên rộng lớn hơn nhiều.

- Tân chính phủ trung ương phải đương đầu với một vấn đề khó khăn: vấn đề tài chánh

Vấn đề trầm trọng nhất đối với tân chính phủ là vấn đề tài chánh. Hoa Kỳ còn nợ rất nhiều. Trong thời kỳ chiến tranh cách mạng, Hội nghị Lục địa (tức chính quyền trung ương lúc bấy giờ) cần rất nhiều tiền và phải vay tiền để trang trải các khoản chi phí. Như chúng ta đã biết là chính phủ Liên minh lúc bấy giờ không có nhiều tiền. Vào năm 1789, tất cả các khoản tiền vay từ trước cũng vẫn chưa trả được.

Giống như một cá nhân, một chính quyền không thể nào thành công được nếu không thể trang trải được hết các khoản nợ. Và nếu như vậy thì chính quyền đó sẽ không được nhân dân cũng như dân chúng của các quốc gia khác tin tưởng và kính nể. Tân chính phủ trung ương muốn thành công nên phải tìm cách để trang trải hết các món nợ.

- Hamilton đã được đặt đúng chức vụ để ổn định nền tài chánh của chính phủ

Người có trọng trách lo kinh tài và trả các khoản nợ của chính phủ là ông Alexander Hamilton, Bộ trưởng Bộ tài chánh. Sinh tại West Indies, lớn lên, Hamilton đến sinh sống ở thành phố Nữu Ước vào khi ông mới 15 tuổi. Ông theo học đại học tại đây, nhưng ông bỏ học để trở thành vị sĩ quan trong quân đội Mỹ trong thời kỳ chiến tranh cách mạng. Là một vị sĩ quan có tài, nên được Washington tuyển chọn ông vào làm nhân viên Bộ Tham Mưu. Sau khi chiến tranh chấm dứt, ông hành nghề luật sư. Ông cũng từng là đại biểu trong Hội nghị Lục địa và cũng từng là người vững tin rằng cần phải có một chính phủ trung ương mạnh. Thật ra, nhờ viết nhiều bài tham luận trong tờ “Liên Bang” nên ông đã có công cổ võ việc chấp nhận Hiến pháp. Khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài chánh, Hamilton mới có 32 tuổi, nhưng ông quả là người thích hợp với trách nhiệm này. Ông rất thông minh, và làm việc rất cần cù và tinh tế trong các vấn đề tài chánh.

- Hamilton giải quyết vấn đề quốc nợ

Hamilton thấy rằng không phải chỉ có một khoản nợ mà trái lại có rất nhiều khoản nợ mà ông phải giải quyết. Chính phủ đã mượn tiền của các nước Âu châu và của nhân dân Hoa Kỳ. Các tiểu bang cũng vay nợ. Khi một chính phủ vay tiền thì chính phủ đó thường hứa với người cho vay là sẽ trả lại món tiền vay này vào một lúc nào đó. Giấy hứa nợ này gọi là trái phiếu (bond). Để khuyến khích dân chúng cho chính phủ vay tiền, chính phủ thường cho biết là sẽ trả thêm một cái gì khác nữa, ba hay bốn xu lời cho một Mỹ kim. Khoản trả thêm này gọi là tiền lời. Sau chiến tranh cách mạng là những năm bấp bênh không ổn định. Nhiều người ngờ rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ không thể trang trải được các khoản nợ. Vì lý do này mà trái phiếu do chính phủ phát hành mất giá trị ghê gớm. Hamilton muốn gom các khoản nợ của chính quyền trung ương và các khoản nợ vay của các tiểu bang lại thành một khoản nợ lớn, và phát hành một loại trái phiếu mới với đầy đủ giá trị của số tiền mà chính phủ đã vay trước. Những trái phiếu này có thể trả theo thứ tự từng khoản, và đây là danh dự của Hoa Kỳ trong các khoản nợ này. Quốc hội đã bỏ phiếu chấp thuận kế hoạch tuyệt hảo này.

- Hamilton điều đình

Tuy nhiên, có một vài dân biểu Quốc hội không muốn để các khoản nợ của các tiểu bang vào kế hoạch này. Họ thắc mắc không biết chính phủ liên bang có gì để mà trang trải tất cả những khoản nợ mà các tiểu bang đã vay mượn từ trước. Hamilton giải thích rằng sở dĩ các tiểu bang đã phải vay mượn tiền là để trợ giúp cho công cuộc tranh đấu giành độc lập cho tổ quốc. Cho nên ông cho rằng chính phủ trung ương phải nên trả những món nợ này. Nhưng một vài tiểu bang như Virginia đã trả xong nợ nần rồi, và đa số các tiểu bang miền Nam chống đối việc trả nợ cho các tiểu bang trong kế hoạch của Hamilton.

Trong khi đó, Quốc hội lại đang tranh luận về địa điểm để thiết lập thủ đô vĩnh viễn cho đất nước. Các tiểu bang miền Nam muốn rằng thủ đô phải được thiết lập ở miền Nam. Hamilton quay ra điều đình. Ông đề nghị rằng nếu các vị dân biểu thuộc các tiểu bang miền Nam bỏ phiếu tán thành để cho chính phủ trung ương trả các khoản nợ của các tiểu bang đã vay trước kia thì ông sẽ dùng ảnh hưởng của ông để cho thủ đô được thiết lập ở miền Nam. Đề nghị của ông được các vị dân biểu thuộc tiểu bang miền Nam chấp nhận. Quốc hội bỏ phiếu tán thành để chính phủ trung ương trả các khoản nợ mà các tiểu bang đã vay từ trước, và đồng thời cũng tán thành địa điểm để xây thủ đô mới là một địa điểm ở ngay trên bờ sông Potomac, nằm giữa tiểu bang Maryland và Virginia. Đó là lý do tại sao quận Columbia trở thành thủ đô của Hiệp chủng quốc. Nhưng phải mất 10 năm sau đó, tân thủ đô mới được thiết lập, và trong thời gian này, Philadelphia là thủ đô của Hoa Kỳ.

- Hamilton đề nghị thiết lập Nhà Ngân hàng Hoa Kỳ

Trong kế hoạch của Hamilton có phần nói đến việc thiết lập Nhà Ngân hàng Hoa Kỳ. Chính phủ sẽ trợ giúp trong công việc quản trị tiền tệ của nhà ngân hàng này. Nhà ngân hàng này sẽ cho chính phủ vay tiền để phát hành tiền giấy. Hamilton tin rằng Quốc hội sẽ thiết lập nhà ngân hàng, theo đó thì nhà ngân hàng này có quyền vay tiền và điều hành tiền tệ. Nhà ngân hàng này sẽ làm cho chính quyền trung ương vững mạnh hơn, cho nên Quốc hội tán thành việc thiết lập nhà ngân hàng Hoa Kỳ.

- Hamilton đề nghị đặt ra một sắc thuế mới

Chính phủ trung ương sẽ thu tiền ở đâu để trang trải các khoản nợ? Ngay sau khi được thành lập, Quốc hội thông qua một đạo luật đánh thuế vào các hàng nhập cảng. Loại thuế này gọi là thuế nhập cảng. Thí dụ như những đinh được mua từ nước ngoài sẽ phải đóng thuế mỗi cân là một xu thuế, đường bổi (mật mía) mua từ quần đảo West Indies sẽ phải đóng thuế mỗi gallon là hai xu rưỡi. Các loại hàng hóa như trà, cà phê, đường, giấy...cũng phải đóng thuế nhập cảng.

Vì rằng thu thuế nhập cảng cũng không đủ tiền, cho nên Hamilton lại đề nghị đánh thêm một thứ thuế khác nữa, đó là thuế sản xuất. Loại thuế này đánh vào các loại hàng hóa được chế tạo và bán ở trong nước. Theo đề nghị của Hamilton, Quốc hội đánh thuế sản xuất tất cả các loại rượu Whiskey được chế tạo và được bán tại Hoa Kỳ.

- Vụ nổi loạn chống lại thuế Whiskey thất bại

Nông dân sinh sống ở sâu trong lục địa chống đối dữ dội việc đánh thuế whiskey trong kế hoạch của Hamilton, vì rằng việc đánh thuế rượu whiskey là trực tiếp nhằm vào họ. Vào thời kỳ đó không có đường xe lửa và cũng không có xa lộ. Bắp thì quá cồng kềnh, rất là khó chuyển vận đến thị trường nơi xa xăm, cho nên nông dân đem bắp nấu thành rượu whiskey. Rượu whiskey sẽ không chiếm mất nhiều chỗ trong lúc di chuyển cho nên dễ dàng được chuyển vận đến thị trường tiêu thụ. Lẽ dĩ nhiên nông dân không thích rượu whiskey của họ bị đánh thuế. Năm 1794, nông dân ở vùng phía Tây tiểu bang Pennsylvania bất mãn, không chịu đóng thuế và nổi loạn. Cuộc nổi loạn này được gọi là loạn whiskey. Tổng thống Washington biết rõ rằng không có chính phủ nào có giá trị đúng với danh nghĩa của chính phủ trừ khi mọi người phải tuân theo luật pháp của chính phủ đó. Thuế whiskey là một luật lệ và nông dân Pennsylvania hiện đang không tuân hành luật lệ này. Tổng thống Washington đem 15 ngàn quân sĩ do các tiểu bang đóng góp gửi đi để buộc nông dân Pennsylvania phải đóng thuế.

- Chính phủ trung ương được thiết lập và vững mạnh

Năm 1795, Hamilton rời bỏ chức vụ Bộ trưởng Bộ tài chánh và trở về hành nghề luật sư. Ông có thể tự hào về những gì mà ông đã hoàn thành. Kế hoạch của ông đã giải quyết được nhiều vấn đề tài chánh của tân chính phủ trung ương. Dân chúng Hoa Kỳ bắt đầu tin tưởng chính phủ trung ương, và lòng tin tưởng của dân chúng đã giúp cho chính phủ thành công. Nhờ việc thu xếp hết các món nợ mà tân chính phủ trung ương được dân chúng kính nể...và việc dẹp vụ nổi loạn whiskey đã chứng tỏ rằng luật pháp của chính phủ phải được tuân hành. Tóm lại, tân chính phủ trung ương đã được thiết lập một cách vững chắc.

¨

PHẦN BA

CÁC CHÍNH ĐẢNG ĐƯỢC KHỞI LẬP NHƯ THẾ NÀO?

- Kế hoạch của Hamilton đưa đến việc hình thành các chính đảng

Kế hoạch của Hamilton đã được Quốc hội chấp thuận và đã được đem ra áp dụng. Nhưng không phải tất cả mọi người dân Hoa Kỳ đều cho rằng kế hoạch của Hamilton là tốt cả. Những người Hoa Kỳ không thích kế hoạch này có thể nói những lời lẽ: “Đối với tôi thì phần kế hoạch của Hamilton trả nợ cho Hiệp chủng quốc là tốt hay sao? Dĩ nhiên, đối với những người còn giữ trái phiếu của chính phủ thì kế hoạch của Hamilton là tốt, nhưng chỉ những người giàu có mới có trái phiếu. Tôi và các bạn láng giềng của tôi không có trái phiếu. Tôi không có gì ăn chịu với nhà ngân hàng của Hamilton cả. Về phần các sắc thuế của ông ta, thí dụ như thuế đánh vào rượu whiskey đã làm cho nông dân nghèo như tôi phải đau khổ rất nhiều. Tệ hơn hết là kế hoạch của Hamilton đã làm cho chính phủ trung ương quá mạnh. Cái gì sẽ ngăn chặn chính phủ trung ương khỏi trở thành độc tài giống như chính phủ Anh thời trước cách mạng?”.

Nhiều người cũng có quan điểm như vậy. Một số trong những người này là những nông dân nghèo và công nhân ở thành thị. Một số những người khác là những người giàu có không bị phiền toái trong việc chính phủ trung ương trả nợ cho các tiểu bang cũng như việc đánh thuế vào các hàng hóa, nhưng họ lại sợ rằng chính phủ trung ương trở nên quá mạnh (nắm nhiều quyền). Họ muốn rằng các tiểu bang phải mạnh hơn, và phải giới hạn quyền hành của chính phủ trung ương. Thomas Jefferson là một trong những người có quan niệm như vậy. Thực ra, Thomas Jefferson đã trở thành lãnh tụ của những người chống đối kế hoạch của Hamilton.

Khi những người có cùng quan điểm liên kết lại với nhau để gây ảnh hưởng với chính quyền thì chúng ta nói rằng họ thành lập một đảng chính trị. Những người cùng theo tôn chỉ của Thomas Jefferson được mọi người gọi là “Đảng Cộng Hòa” [4]

Những người tán thành tư tưởng của Hamilton thành lập một đảng gọi là đảng Liên Bavng. Nhưng khi bầu cử Tổng thống hay các dân biểu, mỗi đảng đều cố gắng hoạt động để cho người của đảng mình được đắc cử.

- Các chính đảng phát triển trong thời Tổng thống Washington đương nhiệm

Các đảng Liên Bang và đảng Cộng Hòa ra đời và bắt đầu hoạt động vào nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Washington. Chính Tổng thống George Washington không tham gia đảng nào cả, mặc dầu ông có cảm tình với đảng Liên Bang. Tuy nhiên, dân chúng Hoa Kỳ rất kính nể ông cho nên cả Jefferson lẫn Hamilton đều yêu cầu ông tái cử. Ông đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 1792. Trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông, đảng Liên Bang trở nên rất mạnh.

Khi gần tới kỳ bầu cử Tổng thống vào năm 1796, ông cho rằng đối với một người thì hai nhiệm kỳ Tổng thống là quá đủ, cho nên ông loan báo là ông không có ý định ra ứng cử nhiệm kỳ thứ ba nữa. Chính ông đã khởi đầu cái tục lệ này, và tục lệ này đã kéo dài cho đến khi ông Franklin D. Roosevelt lên làm Tổng thống thì không có ai giữ ghế Tổng thống hơn hai nhiệm kỳ cả. Tục lệ này đã trở thành luật ấn định do Tu Chính Án số 22 ghi trong hiến pháp. Khi Washington từ giã chức vụ Tổng thống, ông trở về Virginia sinh sống trong đồn điền yêu dấu của ông trên ngọn đồi Vernon. Ông từ giã cõi đời ở nơi đây đúng vào hai năm sau, và lúc đó ông được 67 tuổi.

- John Adams, đảng viên đảng Liên bang đắc cử Tổng thống

Khi nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Washington gần mãn thì có sự tranh chấp dữ dội giữa đảng Liên bang và đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống. Với tỷ lệ đa số chỉ hơn bên bại một ít phiếu, ông John Adams, người của tiểu bang Massachusetts, đảng viên đảng liên bang, đắc cử và cũng là Tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ. Adams có rất nhiều kinh nghiệm trong chính quyền và ông cũng từng là Phó Tổng thống liên tiếp trong hai nhiệm kỳ thời Tổng thống Washington. Ông là người có tài và rất chân thành, không bao giờ đi lệch ra ngoài những gì mà ông cho là đúng.

Thành thật và có tài, nhưng John Adams lại là vị Tổng thống không được lòng dân. Nhiều lần dân chúng thấy ông như lạnh lùng và bất lịch sự nữa. Nói cho đúng thì thật khó mà cộng tác với ông được. Còn nữa, trong lúc hăng say tranh chấp với nước Pháp, các đảng viên đảng Liên bang trong Quốc hội muốn áp dụng những luật lệ khắt khe. Một trong những luật lệ này là luật xui giục (Sedition Act) để giới hạn quyền tự do của dân chúng chỉ trích Tổng thống và Quốc hội. Đảng Cộng hòa chỉ trích luật này dữ dội, vì rằng luật này giới hạn quyền tự do ngôn luận của dân chúng. Hậu quả là cả John Adams và đảng Liên bang đều mất lòng dân, và Adams đã thất cử trong kỳ bầu cử Tổng thống vào năm 1800. Năm đó, Thomas Jefferson đắc cử Tổng thống.

- Thomas Jefferson, đảng viên đảng Cộng hòa trở thành Tổng thống

Sinh tại Virginia ngày 13 tháng 4 năm 1743, Thomas Jefferson tốt nghiệp trường đại học William và Mary. Ông là một trong những người có tinh thần hoạt động mạnh nhất tại Hiệp chủng quốc, và ông cũng là người đọc sách nhiều nhất, hầu như suốt đời ông đọc sách. Mọi phạm vi – kiến trúc, nghệ thuật, khoa học, tôn giáo và tổ chức chính quyền đều lôi cuốn ông. Ông là một nhà phát minh, một kiến trúc sư, một nhạc sĩ, và còn là một văn sĩ nữa. Thân hình cao 6 bộ hai phân rưỡi Anh, với mái tóc hung hung, ông quả là con người để chỉ huy của bất kỳ nhóm nào.

Dù là người ở địa vị giàu có, có thể an hưởng đủ mọi thứ, nhưng Thomas Jefferson vẫn ăn mặc rất giản dị và không thích các cuộc lễ nghi hay trình diễn. Thay vì đi trong chiếc xe ngựa lộng lẫy, ông đã đi bộ đến nơi cử hành lễ tuyên thệ của ông. Jefferson cho rằng tương lai đất nước nằm trong việc phát triển đất nước thành một quốc gia của những người tiểu điền chủ. Ông vững tin vào sự nhận xét đúng đắn của toàn thể quần chúng, và cũng tin tưởng rằng vấn đề giáo dục rất là quan trọng cho hết mọi người dân trong chế độ dân chủ. Chính ông là người đã viết bản tuyên ngôn độc lập, rằng: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng”, và “Mọi người đều có quyền sống, có quyền tự do và có quyền theo đuổi hạnh phúc”.

Giống như Washington và Adams, Jefferson lên làm Tổng thống cũng có rất nhiều kinh nghiệm trong chính quyền. Ông đã từng là nhân viên trong Hội đồng Lập pháp của tiểu bang Virginia, từng là đại biểu trong Đệ nhị Hội nghị Lục địa, và cũng từng là thống đốc của tiểu bang Virginia. Ông cũng từng là đại diện Hoa Kỳ tại Âu châu, từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Hoa Kỳ thời Tổng thống Washington, và sau nữa, ông cũng từng là Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Adams. Ông giữ nhiệm vụ Tổng thống trong hai nhiệm kỳ từ năm 1801 đến năm 1809.

- Đảng Liên Bang biến mất

Trong thời kỳ Tổng thống Jefferson đương nhiệm, đảng Cộng hòa trở nên mạnh hơn. Hai vị Tổng thống đắc cử kế tiếp đều là đảng viên của đảng Cộng hòa: James Madison giữ ghế Tổng thống từ năm 1809 đến năm 1817 và James Monroe giữ chức vụ này từ năm 1817 đến năm 1825. Mặt khác, trong thời gian này đảng Liên bang càng ngày càng trở nên yếu hơn. Sau hết, vào những năm nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Monroe, đảng Liên bang biến mất. Tổng thống Monroe tái đắc cử không có đối thủ, vì rằng lúc bấy giờ chỉ có một đảng chính trị. Những năm Tổng thống Monroe đương nhiệm được gọi là thời kỳ thiện cảm (Era of good Feeling).

Tuy nhiên, thời kỳ thiện cảm không kéo dài được bao lâu. Khi có những vấn đề mới thì lại có những chính đảng và lãnh tụ mới xuất hiện. Các chính đảng đã tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong chính quyền Hoa Kỳ.

Nói về các chính đảng, chúng ta hơi đi trước vấn đề một chút. Như chúng ta đã biết, tân chính phủ trung ương đã khởi đi những bước đầu tuyệt hảo. Chính phủ trung ương đã giải quyết nhiều vấn đề một cách thật là khôn khéo và đã chiếm được sự kính nể của nhân dân Hoa Kỳ. Chương 13 chúng ta sẽ nói về tân chính phủ trung ương được các quốc gia khác kính nể như thế nào?

 

Chú thích:


[3] Con số các vị thẩm phán Tối cao Pháp viện đã thay đổi nhiều lần. Ngày nay, kể cả chủ tịch Tối cao Pháp viện có tất cả là 9 vị thẩm phán.

[4] Đảng của ông Jefferson có tên dài là “Cộng Hòa Dân Chủ”. Sau đó được rút gọn là đảng “Cộng Hòa”. Chúng ta không nên nhầm lẫn với đảng Cộng hòa ngày nay. Thực ra đảng Cộng hòa thời bấy giờ là tiền thân của đảng Dân chủ ngày nay.

 

(xem tiếp : Chương XIII)

 

Các bài cùng tập Lịch Sử Hoa Kỳ

 ▪ 2004-08-15 - LSHK-1- Marco Polo và những chuyện kỳ thú ở Đông phương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 0000-00-00 - LSHK-1- Marco Polo và những chuyện kỳ thú ở Đông phương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-2- Magellan tìm ra con đường đi vòng quanh thế giới - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-3- Những Lá Thư Của Phillip Andrew - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-4- Việc Thành Lập 13 Thuộc Địa Anh - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-5- Dân Chúng Sống Ở Thuộc Địa Anh Như Thế Nào? - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-6- Nước Pháp Thắng Rồi Lại Bại - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-7- Người Anh Cai Trị Các Thuộc Địa Như Thế Nào? - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-8- Dân Thuộc Địa Chống Lại Anh Quốc - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2022-07-05 - MƯỜI BA THUỘC ĐỊA ANH GIÀNH ĐỘC LẬP - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2014-07-04 - LSHK-9- 13 Thuộc Địa Anh Giành Độc Lập - Nguyễn Mạnh Quang dịch -
▪ 2004-08-15 - LSHK-1- Marco Polo và những chuyện kỳ thú ở Đông phương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-10- Tinh Thần Độc Lập Ảnh Hưởng Khắp Mỹ Châu - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-11- 13 Tiểu Bang Kết Thành 1 Quốc Gia - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-12- Tân Chính Phủ Trung Ương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-13- Hoa Kỳ Được Các Quốc Gia Khác Kính Nể - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-14- Miền Đông Bắc Trở Thành Trung Tâm Kỹ Nghệ - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-15- Miền Nam Trở Thành Vương Quốc Bông Vải - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 0000-00-00 - LSHK-16- Chế Độ Dân Chủ Theo Đà Mở Rộng Biên Cương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-17- Toàn Quốc Trở Nên Dân Chủ Hơn - Nguyễn Mạnh Quang -

▪ 1 2 >>>

Trang Lịch Sử




Đó đây


2024-09-19 - Xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và quần chúng - Thượng tướng Trịnh Văn Quyết yêu cầu các cơ quan giúp việc cần bám sát và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời cho rằng, việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thời gian qua đã góp phần cảnh báo răn đe, ngăn ngừa và hạn chế các vụ việc tương tự.

2024-09-17 - Doanh số VF8 tại Đức, một con số bất ngờ -

2024-09-16 - Thủ tướng Chính Phủ trực tiếp thị sát, chỉ đạo tại tâm lũ Bắc Giang - Trong video này có nhiều hình ảnh thương tâm tiêu biểu cho thảm họa do bão Yagi kéo theo lụt lội nặng nề cho nhiều tỉnh miền Bắc.

2024-09-13 - Tin Sáng 13/9, Harris thừa thắng xông lên;Ông Lavrov tố NATO điều phối Ukraine đánh vào lãnh thổ Nga -

2024-09-12 - Các bác yêu cầu cao quá - Một chút về nạn chất độc Da Cam -

2024-09-12 - Thót tim khoảnh khắc sinh tử, kịp thời cứu nạn nhân và xe máy bị lũ cuốn trôi ở Thái Nguyên -

2024-09-12 - Thời sự toàn cảnh trưa 12/9: Tang thương bao trùm thôn Làng Nủ -

2024-09-11 - GỬI CÁC HỌC SINH THEO HỌC TRƯỜNG MỸ ĐÀI THỌ - Ai muốn Mỹ đỡ đầu và nuôi làm Tổng Thống hãy nghe để hiểu thế nào là NHỤC!

2024-09-08 - 279. Nặng lòng với quê hương! - Cám ơn kênh Ổi Xanh đã bỏ công thực hiện video này bằng những hình ảnh sống động để người ta dễ dàng nhận biết nội dung đi kèm với nhân vật trong câu chuyện đăng trên VOV5 cùng đề tài.

2024-09-08 - Cảnh sát Đại học Georgetown đang điều tra sau khi phát hiện một cây thánh giá - bị hư hại bên trong nhà nguyện của trường đại học GeorgeTown, Wa. DC, Mỹ, và phát hiện một bức tượng Đức Mẹ bị dịch chuyển và nằm trên mặt đất. Phó chủ tịch phụ trách Truyền giáo và Mục vụ, Cha Mark Bosco và Phó chủ tịch phụ trách An toàn công cộng Jay Gruber đã viết 1 lá thư chung gửi đến nhân viên và sinh viên của Georgetown.



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-09-15 - Thưa Giáo hoàng, làm sao cho người lớn nghe lời con nít? - Lý Thái Xuân -

● 2024-09-15 - Những chiếc xe thồ năm nay - và năm xưa - Lý Thái Xuân -

● 2024-09-15 - Chuyện ở giáo xứ Phúc Thành - giáo phận Hà Tĩnh: Lại tan nát thêm một gia đình - Con Ao Làng -

● 2024-09-15 - Lý do các giáo hoàng bảo vệ các giáo sĩ vi phạm điều răn thứ 6 - Lý Thái Xuân -

● 2024-09-13 - Chia Sẻ Kinh Nghiệm Về Những Hình Ảnh / Video Clip Cắt Ghép - FB Lý Thái Xuân -

● 2024-09-13 - Chúa toàn năng nhưng Ngài phải làm cánh cổng để ngăn chặn những kẻ xâm nhập. - Trần Hiển / Những Người Từ Bỏ Niềm -

● 2024-09-12 - Sản Phẩm Của Chúa "Mong Manh Dễ Vỡ" - Giáo hoàng thừa nhận việc linh mục bắt nữ tu làm nô lệ tình dục - FB Du Nguyen -

● 2024-09-04 - Chu Ngọc Quang Vinh - tiễn khách! - Hai Ha Tran -

● 2024-09-04 - Ở Thế kỷ 21 mà vẫn ngu lâu dốt bền - Thượng đế Do Thái là một tên ác quỷ - Ri Nguyễn -

● 2024-09-04 - Chỉ có 7% của dân Việt mà chúng đã làm điêu đứng đất Việt hàng trăm năm. - Chiến Nguyễn -

● 2024-09-04 - Con chiên hỏi: Khả - Thân là ai? - Trương An -

● 2024-08-27 - Về câu phát ngôn về "văn hóa" của ca sĩ Lê Cát Trọng Lý - Lý Bình -

● 2024-08-24 - Việt Cộng Là Ai? - TRUONG-AN -

● 2024-08-11 - Cười chơi vài giây - BẦU CỬ LẦN CUỐI TẠI MỸ - diendandantoc -

● 2024-08-10 - Một góc tranh luận: Người TCG muốn biết thế nào là TÀ ĐẠO! - FB Du Nguyen -

● 2024-08-10 - Tại Sao Nước Mỹ Ngày Nay Không Có Lãnh Đạo Tốt? - Mike Wilson -

● 2024-08-10 - TÀ ĐẠO - CÔNG GIÁO VATICAN - GIAN MANH LỪA DỐI - NGAY TỪ ĐẦU - Mike Wilson -

● 2024-08-03 - Khi nghe một người nổi tiếng được "RỬA TỘI" theo CGLM - Lý Thái Xuân -

● 2024-07-06 - Giê-Su Хấu Tính Như Thế Nào? - Vài thí dụ trong thánh kinh - Lê Phát Đạt -

● 2024-06-29 - DẤU HIỆU SUY TÀN CỦA MỘT SIÊU CƯỜNG - Hong PHAM -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 >>>