LỊCH SỬ HOA KỲ (3 tác giả) Nguyễn Mạnh Quang dịch http://sachhiem.net/NMQ/LSHK/LSHK13.php | bản rời | « Xem Mục Lục » | 02 tháng 3, 2010
pypypy CHƯƠNG XIII HOA KỲ ĐƯỢC CÁC QUỐC GIA KHÁC KÍNH NỂ Giống như dân chúng trong một cộng đồng xã hội, các quốc gia trong cộng đồng thế giới không còn sinh hoạt một cách cô lập nữa. Con đường biên giới của một quốc gia đồng thời cũng là con đường biên giới của các quốc gia láng giềng. Dân chúng của một quốc gia cũng thường đi du lịch qua nhiều quốc gia khác. Có hàng trăm cách, công việc của một quốc gia liên hệ tới các công việc của các quốc gia khác. Giống như người dân phải học hỏi để sống chung với những người khác trong cộng đồng, một quốc gia cũng phải biết điều hành công việc liên lạc ngoại giao với các quốc gia khác trong cộng đồng thế giới. Quốc gia nào cũng muốn trở nên hùng mạnh và cường thịnh để cho các quốc gia khác phải kính nể. Trong các chương XI và XII, chúng ta đã tìm hiểu về công việc điều hành tại quốc nội trong những năm đầu vừa mới giành được độc lập như thế nào? Trong chương này, chúng ta sẽ bàn về Hoa Kỳ đã củng cố địa vị trong chính trường quốc tế ra làm sao. Chúng ta cũng sẽ thấy rằng, mặc dầu cố gắng duy trì hòa bình, Hoa Kỳ cũng vẫn bị lôi cuốn vào cuộc chiến lần thứ hai với Anh quốc. Khi đọc chương này chúng ta hãy tìm hiểu những vấn đề dưới đây: 1. Hoa Kỳ có những vấn đề nào phải giải quyết với Anh quốc và Pháp quốc. 2. Làm thế nào Hoa Kỳ đã chiếm được giải đất rộng mênh ở phía bên kia sông mississippi? 3. Tại sao Hoa Kỳ lại đánh nhau với Anh quốc lần thứ hai? 4. Tổng thống Monroe đã cảnh cáo và chống lại việc Âu châu can thiệp vào Mỹ châu như thế nào? ¨ PHẦN MỘT HOA KỲ CÓ NHỮNG VẤN ĐỀ NÀO ĐỐI VỚI ANH QUỐC VÀ PHÁP QUỐC?
- Vào năm 1789, Hoa Kỳ còn là một quốc gia nhược tiểu Dù rằng chúng ta cho rằng Hoa Kỳ là một quốc gia hùng mạnh, nhưng chúng ta nên nhớ rằng vào năm 1789 điều đó không đúng sự thật. Khi ấy, lãnh thổ Hoa Kỳ bao trùm một giải đất khá rộng lớn, nhưng dưới nhiều hình thức, Hoa Kỳ vẫn còn là một quốc gia nhược tiểu. Lúc bấy giờ, dân số Hoa Kỳ chưa đầy 4 triệu người. Quân đội chính quy chỉ có 672 người kể cả sĩ quan và binh sĩ. Không có Hải quân. Đồng thời Hoa Kỳ lại mới bắt đầu áp dụng một hình thức chính phủ mới, và không ai biết chắc rằng chính phủ này có tiến hành tốt đẹp hay không. Vào năm 1789, rất ít quốc gia cho phép dân chúng có tiếng nói trong chính quyền như dân chúng Hoa Kỳ có quyền tự do này được ghi trong Hiến pháp. Hơn nữa, quốc gia Cộng hòa trẻ trung này lại bị lãnh thổ thuộc các quốc gia hùng mạnh Âu châu bao vây bằng ba mặt kín. Lãnh thổ của Anh quốc vươn ra như một hàng rào bao kín biên thùy phía Bắc. Và lãnh thổ của Tây Ban Nha bao kín vùng biên giới phía Tây và phía Nam. Anh quốc lại không phải là nước bạn của Hoa Kỳ. Đó là lý đương nhiên, vì rằng cuộc cách mạng Hoa Kỳ đã gây cho cả hai quốc gia những chua xót đắng cay. Hoa Kỳ và Tây Ban Nha cũng chẳng thân thiện gì. Thật ra, Pháp quốc mới là nước bạn tốt nhất của Hoa Kỳ lúc bấy giờ. Chúng ta còn nhớ là Pháp quốc và Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia đồng minh trong thời chiến tranh cách mạng. Pháp quốc đã gửi cho Quân Đội Lục Địa khá nhiều viện trợ. Tình hữu nghị giữa hai quốc gia còn kéo dài mãi đến nhiều năm sau cách mạng. - Cuộc cách mạng Pháp đưa đến cuộc chiến Âu châu Nếu được an hưởng trong thế giới hòa bình để xem tân chính phủ trung ương cố gắng xây dựng đất nước thì dân chúng Hoa Kỳ đã cảm thấy sung sướng và hài lòng. Một lần nữa, giống như cuộc chiến tranh chống lại người Pháp và người da đỏ khi trước, những biến cố ở Âu châu đã làm biến đổi giống lịch sử Hoa Kỳ. George Washington lên làm Tổng thống chưa được 3 tháng thì một cuộc đại cách mạng bùng nổ ở Pháp. Trải qua bao nhiêu thế kỷ rồi, dân chúng Pháp đã phải sống lê cuộc đời thiếu tự do. Các vị vua chúa cai trị nước Pháp với chính sách độc tài đã giới hạn tối đa quyền lợi nói lên tiếng nói hay quyền tham dự vào chính quyền của dân chúng. Giai cấp quý tộc được thừa hưởng quá nhiều đặc quyền lại còn áp bức dân chúng. Giờ đây, nhân dân Pháp đã quyết định làm một cái gì thay đổi. Năm 1789, dân Pháp đứng lên làm cách mạng, và cuộc cách mạng này đã kéo dài trong nhiều năm trường. Những người làm cách mạng soạn thảo hiến pháp, đặt nền tảng cho chính quyền mới, và hành quyết Hoàng đế Pháp. Cuộc cách mạng Pháp khác hẳn với cuộc cách mạng Hoa Kỳ. Mục đích của cuộc cách mạng Hoa Kỳ là chiến đấu chống lại một quốc gia khác để giành tự do. Cuộc cách mạng Pháp là một cuộc nổi loạn của dân chúng chống lại chính quyền Pháp. Cuộc cách mạng này đã làm cho giai cấp thống trị ở các quốc gia Âu châu khác lo ngại vô cùng. Làm thế nào để ngăn chặn một cuộc nổi dậy này khỏi bị lan tràn sang các quốc gia Âu châu khác? Nếu biến cố nổi loạn này lan tràn sang các quốc gia Âu châu khác thì các chính phủ của các quốc gia này sẽ bị lật đổ như chính phủ Pháp trước kia. Những mối lo ngại như vậy đã khiến cho hai quốc gia Âu châu Áo và Phổ tuyên chiến với Pháp. Đây là khởi đầu cho hàng loạt cuộc chiến vào thời bấy giờ và lôi cuốn nhiều quốc gia Âu châu khác nhảy vào vòng chiến. Cuộc chiến tranh này hầu như không ngừng, không nghỉ, và kéo dài cho đến năm 1815. - Hoa Kỳ đứng trung lập Hoa Kỳ phải làm gì để thi hành nhiệm vụ của mình theo thỏa hiệp liên minh với Pháp quốc. Nhiều người Hoa Kỳ, trong đó có ông Thomas Jefferson, lấy làm sung sướng hài lòng khi thấy nhân dân Pháp đứng lên lật đổ Pháp hoàng để giành quyền tự do. Những người Hoa Kỳ này đã tỏ ra biết ơn đối với Pháp quốc đã có công viện trợ cho nhân dân Hoa Kỳ trong cuộc chiến cách mạng. Họ cho rằng Hoa Kỳ có bổn phận phải viện trợ cho nước Pháp để đáp lại sự giúp đỡ của nước Pháp trước kia. Nhưng mặt khác liệu rằng Hoa Kỳ có thể nhảy vào trận chiến mà cả hai bên đều là các quốc gia Âu châu hay không? Anh quốc đã nhảy vào vòng chiến chống lại nước Pháp. Nếu Hoa Kỳ viện trợ cho Pháp quốc thì có thể Hoa Kỳ lại chiến đấu chống Anh quốc một lần nữa. George Washington cương quyết cho rằng cuộc tranh chấp ở Âu châu sẽ không là mối bận tâm cho Hoa Kỳ. Ông nói rằng chúng ta ở cách xa Âu châu, chúng ta hãy đem cố gắng để tổ chức guồng máy chính quyền và xây dựng đất nước của chúng ta cho được hùng mạnh và thịnh vượng. Vấn đề trở nên tệ hại vì một “công dân “Edmond Genêt, vị Đại sứ Cộng hòa Pháp quốc tại Hoa Kỳ. Ông Đại sứ Pháp đã cố gắng khơi động cảm tình của nhân dân Hoa Kỳ để viện trợ giúp nước Pháp. Rầu rĩ và không biết làm gì cho nước Pháp, Tổng thống George Washington quay sang hỏi ý kiến ông Hamilton, Jefferson và các vị Bộ trưởng khác trong hội đồng nội các. Hamilton và Jefferson tranh luận dữ dội với nhau về vấn đề này cũng như họ đã từng tranh luận gây cấn với nhau trong nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, cả hai ông cũng đồng ý rằng Pháp quốc thân thiện với Hoa Kỳ, nhưng Hoa Kỳ cũng nên đứng ngoài cuộc chiến. Ngay cả Jefferson cũng cho rằng Hoa Kỳ còn quá yếu nên không thể nhảy vào vòng chiến bên cạnh Pháp quốc được. Vì thế cho nên, qua một công hàm, Tổng thống Washington đã chính thức loan báo rằng Hoa Kỳ sẽ giữ thái độ thân hữu và vô tư đối với cả hai bên trong cuộc chiến. Nói một cách khác là Hoa Kỳ sẽ giữ thái độ trung lập. Thật là tiện lợi cho Hoa Kỳ tuyên bố rằng Hoa Kỳ đứng trung lập trong trận chiến tranh Âu châu. Tuy nhiên, thật là khó cho một quốc gia giữ được trung lập. Nếu các quốc gia lâm chiến thấy rằng bất kỳ một hành động nào của một quốc gia trung lập cũng có thể làm hại tới quốc gia họ hay có lợi cho quốc gia địch thì quốc gia đó sẽ phản đối. Khi Hoa Kỳ tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ đứng trung lập, có nghĩa là Hoa Kỳ có quyền buôn bán với các quốc gia lâm chiến. Rắc rối bắt đầu xảy ra. ¨ HOA KỲ CÓ NHỮNG RẮC RỐI VỚI ANH QUỐC - Người Anh bắt giữ tàu thuyền và thủy thủ của Hoa Kỳ Mối đe dọa chính đối với nền trung lập của Hoa Kỳ là Anh quốc, một quốc gia có lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới. Anh quốc không muốn để cho Hoa Kỳ chuyển vận những hàng hóa cần thiết cho các nước khác, cho nên họ đã ngăn chặn công việc buôn bán, chuyển vận của Hoa Kỳ. Đoạn văn dưới đây sẽ nói rõ những gì đã xảy ra ở vùng biển phía Đông Hoa Kỳ: “Chiếc tàu Hoa Kỳ với những cánh buồm lớn phơi mình trong nắng đang tiến về phía Nam như đi trước gió. Tàu chứa đầy hàng hóa chuyển đi để bán cho nước Pháp ở West Indies. Bỗng nhiên, người lính canh nhận ra một chiếc tàu Anh xuất hiện ở đàng xa. Chiếc tàu này lẹ làng lướt nhanh tới bắt tàu Hoa Kỳ phải ngưng chạy. Họ thả một chiếc thuyền nhỏ với vị sĩ quan mặc quân phục chèo thuyền tới chiếc tàu Mỹ. Ông ta cùng một số quân sĩ dưới quyền trèo lên tàu Mỹ. Ông ta đòi khám xét hàng hóa và thủy thủ đoàn. Sau khi thoáng nhìn các đồ hàng hóa, ông ta tuyên bố rằng tàu Hoa Kỳ đã vi phạm luật hàng hải của Anh quốc, và nhân danh Anh quốc, ông ta bắt giữ chiếc tàu Hoa Kỳ này. Đồng thời ông ta cũng tuyên bố rằng một số người trong thủy thủ đoàn trong tàu Mỹ là người Anh, và hải quân Anh đang cần thủy thủ. Sau đó, ông ta hạ lệnh cho quân sĩ dưới quyền của ông ta ở lại tàu Mỹ để trợ giúp cho tàu này chạy vào hải cảng của Anh ở nơi gần nhất, và những thủy thủ của tàu Mỹ mà ông ta bảo là người Anh bị ông ta bắt đem đi theo với tàu của ông ta. Những người này sẽ bị cưỡng bách phục vụ trong hải quân Anh.” Vào thời kỳ đó, việc bắt những người Anh phải phục vụ trong hải quân Anh ở bất cứ nơi nào là một việc rất thông thường. Các chiến tàu Anh rất cần các thủy thủ cho nên dù rằng những thủy thủ bị bắt kia có phải là người Hoa Kỳ đi nữa thì người Anh cũng không cần biết. Họ khăng khăng nói rằng bất kỳ người nào hễ sinh ra là người Anh thì mãi mãi vẫn là người Anh. Thái độ của họ là “Các ông sẽ làm được gì đứng trước việc cưỡng bách này?”. - Người Anh vẫn còn trấn giữ nhiều đồn ải ở đường ranh giới Hoa Kỳ Hành động của người Anh đã khiến cho nhân dân Hoa Kỳ vô cùng căm giận. Họ nhấn mạnh rằng tàu thuyền của Hoa Kỳ có quyền lưu thông trên các vùng biển và không thể bị ngăn chận như vậy được. Và nếu tuyên bố như vậy mà chưa đủ thì Hoa Kỳ phải có hành động phản kháng khác chống lại Anh quốc. Quân sĩ Anh vẫn còn chiếm giữ các đồn ải dọc theo vùng biên giới Tây Bắc Hoa Kỳ. Người Anh còn để quân sĩ trấn giữ các đồn ải này vì rằng người Hoa Kỳ chưa trả hết một số nợ mà họ đã vay mượn của Anh từ trước khi có chiến tranh cách mạng. Nhưng việc người Anh chiếm giữ những đồn ải này cũng là để hưởng lợi trong việc buôn bán da thú ở trong lãnh thổ Hoa Kỳ. - Ông John Jay ký hòa ước và ngăn chặn chiến tranh Dù rằng gặp phải nhiều khó khăn với người Anh, Tổng thống Washington vẫn cố gắng duy trì hòa bình. Ông không muốn Hoa Kỳ, một quốc gia non trẻ và yếu kém, phải chiến đấu trong một trận chiến nguy hiểm. Vì thế cho nên năm 1794 ông gửi ông John Jay (lúc bấy giờ là chủ tịch Tối cao Pháp viện) đi Anh quốc để thương thuyết hầu tiến đến một thỏa hiệp với chính phủ Anh. Washington hy vọng rằng một thỏa hiệp như vậy sẽ chấm dứt được những rắc rối giữa hai quốc gia Anh và Hoa Kỳ. Ông Jay đã hoàn thành sứ mạng, thực hiện được thỏa hiệp mà người ta nói là “Hoa ước của ông Jay”. Một trong những điều khoản của hòa ước này là Anh quốc phải trao cho Hoa Kỳ các đồn ải dọc theo vùng Đại Hồ. Nhưng người Anh đã không hứa sẽ thôi không còn lục soát các tàu thuyền Hoa Kỳ cũng như việc cưỡng bách các thủy thủ Hoa Kỳ trong hải quân Anh. Nhiều người Hoa Kỳ không thích “Hòa ước của ông Jay”, vì rằng người Anh không hứa là sẽ thôi không còn ngăn chặn và lục soát các tàu thuyền Hoa Kỳ nữa. Tuy nhiên, Tổng thống Washington lại tin chắc rằng hòa ước này sẽ ngăn chặn một trận chiến có thể xảy ra giữa Hoa Kỳ và Anh quốc. Hòa ước này được chấp nhận vào năm 1795, và sự nhận xét của Tổng thống Washington đã cho ta thấy là đúng. Mối nguy hiểm của một trận chiến có thể xảy ra giữa hai nước Anh - Mỹ đã có thể tạm thời tránh được. ¨ RẮC RỐI VỚI NƯỚC PHÁP Sau khi ký hòa ước Jay không được bao lâu thì Hoa Kỳ và nước Pháp có chuyện rắc rối dữ dội. Hòa ước Jay có phần đáng trách. Nhiều người Pháp cho rằng hòa ước này chứng tỏ Hoa Kỳ trở nên thân hữu với Anh quốc, và kém thân thiện với nước Pháp. Chính phủ Pháp liền quyết định rằng phải ngăn chặn các tàu thuyền Hoa Kỳ chuyên chở hàng hóa đến các vùng đất của kẻ thù nước Pháp. Theo gương Anh quốc trước kia, các chiến tàu của Pháp khởi sự bắt giữ các tàu thuyền của Hoa Kỳ. Chỉ trong một thời gian ngắn mà đã có hơn 300 tàu thuyền của Hoa Kỳ bị người Pháp bắt giữ. - Vụ XYZ, làm cho dân chúng Hoa Kỳ căm giận Hòa ước Jay đã giúp cho Hoa Kỳ né tránh được chiến tranh với Anh quốc, cho nên Tổng thống John Adams cũng noi theo đó mà né tránh chiến tranh với nước Pháp. Ông gửi ba vị đại diện đi Pháp để thương thuyết. Ngay từ lúc khởi đầu vào ngồi bàn hội nghị, đại diện Pháp đòi Hoa Kỳ phải trả cho Pháp một số tiền lớn rồi mới bàn luận. Đại diện Hoa Kỳ cương quyết không chịu trả tiền như vậy, vì họ cho đó là một hình thức hối lộ. Đại diện Hoa Kỳ viết thơ về cho Tổng thống hay rõ sự việc như vậy, nhưng trong thư họ lại không nói rõ tên ba vị đại diện của Pháp dự hội nghị. Họ gọi những người này là X, Y và Z. Vì thế cho nên biến cố này gọi là vụ X,Y,Z. - Hoa Kỳ chống lại nước Pháp trong một cuộc chiến không tuyên chiến Khi hay tin về vụ XYZ, nhân dân Hoa Kỳ lấy làm vô cùng căm giận. Họ thét lên rằng: “Chúng ta thà chịu tổn phí hàng triệu Mỹ kim để phòng thủ nhưng nhất quyết không chịu tốn một xu để triều cống nước Pháp”. Nhân dân Hoa Kỳ căm thù đến độ họ cương quyết chống lại nước Pháp. Chính phủ Hoa Kỳ cho đóng một số chiến tàu để tấn công tàu Pháp. Các tàu võ trang của Hoa Kỳ được lệnh bằng mọi cách bắt giữ các tàu Pháp bất kể là các loại tàu nào. Chính phủ Hoa Kỳ cũng bắt đầu thiết lập lục quân. Dù rằng Hoa Kỳ và nước Pháp đang thực sự đối đầu đánh nhau, nhưng cả hai quốc gia đều không chính thức tuyên chiến, vì rằng Quốc hội đã không tuyên bố là Hoa Kỳ ở trong tình trạng chiến tranh. - Pháp quốc và Hoa Kỳ tiến đến một thỏa hiệp Trong khi tinh thần chống Pháp lên đến cao độ thì Tổng thống Adams được biết rằng chính phủ Pháp muốn chấm dứt chiến tranh. Lập tức ông gửi phái đoàn đi Pháp và kết quả là năm 1800, Hoa Kỳ và Pháp cùng ký một hòa ước. Hòa ước này vô hiệu hóa hiệp ước đồng minh mà Hoa Kỳ đã ký với nước Pháp vào năm 1778. Hòa ước này cũng bảo đảm cho tàu thuyền của cả hai quốc gia được an toàn lưu thông trong khắp các vùng biển. Như vậy hòa ước này chấm dứt cuộc chiến tranh không chính thức với nước Pháp. Những sự tranh chấp của Hoa Kỳ với nước Anh và nước Pháp chứng tỏ rằng Hoa Kỳ không dễ dàng chiếm được một chỗ ngồi trong cộng đồng thế giới. Hoa Kỳ đã bắt buộc phải điều đình để chấm dứt những tranh chấp rắc rối với người Anh. Nhưng trong cuộc tranh chấp với người Pháp, người Hoa Kỳ đã cho ta thấy rằng nếu cần, họ sẽ chiến đấu cho quyền lợi của họ. ¨ PHẦN HAI LÀM THẾ
NÀO HOA KỲ ĐÃ CHIẾM ĐƯỢC GIẢI ĐẤT
Những liên hệ lúc đầu của Hoa Kỳ với các quốc gia Âu châu là một điều may mắn. Chúng ta trở lại câu chuyện những người tiền phong định cư tiến tới các vùng đất ở phía Tây của dãy núi Appalaches. Những người định cư ở miền Tây này sinh nhai bằng nghề đi săn, đánh bẫy các thú rừng và trồng trọt. Tuy nhiên, đánh bẫy thú rừng hay trồng trọt cũng vẫn chưa đủ. Muốn được khá giả, người ta phải bán da thú hay các sản phẩm của mình ở nơi nào mà họ bán được giá cao. Dân định cư ở miền Tây không có đường lưu thông để chuyển vận hàng hóa đến thị trường. Phương cách dễ dàng nhất để chuyển vận hàng hóa của họ là phải bốc hàng lên các bè hay xà lan. Những tàu thuyền hay bè này có thể xuôi dòng chạy đến sông Ohio, rồi từ sông Ohio đi theo sông Mississippi tới tận New Orlean. Từ đây, những hàng hóa này có thể được chuyển vận đi Âu châu hay đến các hải cảng nằm trên bờ biển phía Đông Hoa Kỳ. - Con sông Mississippi và thành phố New Orleans rất quan trọng đối với miền Tây Vì là một thủy lộ, cho nên đối với Hoa Kỳ con sông Mississippi rất là quan trọng. Nhưng Hoa Kỳ lại không kiểm soát được con sông này. Sông Mississippi là đường biên giới giữa Hoa Kỳ và giải đất rộng mênh mông của Tây Ban Nha ở phía Tây. New Orleans cũng không thuộc về Hoa Kỳ. Người Hoa Kỳ được phép bốc hàng hóa lên các tàu thuyền ở New Orleans. Nhưng không bao giờ họ cảm thấy yên tâm, vì có thể lúc nào đó họ sẽ không được phép bốc dỡ hàng hóa ở đây nữa. Nếu sự việc xảy ra như vậy thì dân định cư miền Tây sẽ không còn có đường nào để chuyển vận hàng hóa của họ đến các thị trường tiêu thụ được nữa. - New Orleans thuộc về người Pháp Năm 1802, những mối lo sợ ghê gớm nhất của người miền Tây đã trở thành sự thật. Giấy phép được sử dụng hải cảng New Orleans bị hủy bỏ. Trước khi xảy ra như vậy, Tổng thống Jefferson đã rất đỗi ngạc nhiên khi hay tin là New Orleans không còn thuộc Tây Ban Nha nữa. Qua một mật ước, Pháp quốc đã được Tây Ban Nha nhượng cho không nhưng chỉ riêng có thành phố New Orleans, mà luôn cả dãy đất Louisiana rộng mênh mông nằm ở phía Tây sông Mississippi. Lúc bấy giờ tướng Napoleon cai trị nước Pháp, ông muốn chinh phục toàn thể Âu châu. Đồng thời ông cũng có kế hoạch để thiết lập đế quốc Pháp ở Mỹ châu. Liệu rằng Napoleon có khởi sự một cuộc chiến để chinh phục Bắc Mỹ như ông đã tiến hành ở Âu châu hay không? Tổng thống Jefferson nhìn thấy rõ hiểm họa này. Ông viết thư cho đại diện Hoa Kỳ tại Pháp: “Việc Tây Ban Nha chuyển nhượng Louisiana cho nước Pháp là mối thương tâm cho Hoa Kỳ... Có một nơi nằm trên địa cầu này bị kẻ thù cố hữu của chúng ta chiếm hữu. Đó là thành phố hải cảng New Orleans, nơi mà sản phẩm của 3/8 lãnh thổ của chúng ta phải qua đó để chuyển vận đến thị trường tiêu thụ, và vùng lãnh thổ miền Tây này chẳng bao lâu sẽ sản xuất hơn một nửa tổng số sản lượng của đất nước cũng như chứa đựng hơn nửa dân số của chúng ta...Ngày mà nước Pháp làm chủ New Orlean... chúng ta buộc phải liên kết với Anh quốc và hạm đội Anh”. Qua lời tuyên bố này, Tổng thống Jefferson cho thấy rằng Hoa Kỳ phải liên kết với quân lực của người Anh để chiến đấu chống lại Napoleon, ngăn chặn không cho nước Pháp chiếm New Orleans. Nhưng Tổng thống Jefferson lại không muốn liên kết với người Anh, nếu có thể tránh được thì ông cũng không muốn có chiến tranh. Tổng thống Jefferson cho rằng chỉ còn cách mua New Orleans để làm hài lòng dân miền Tây. Như vậy cũng là tránh hiểm họa chiến tranh với nước Pháp. Cho nên Jefferson đề nghị với nước Pháp rằng Hoa Kỳ muốn mua New Orleans. - Tổng thống Jefferson mua toàn thể lãnh thổ Louisiana Đề nghị của Tổng thống Jefferson đưa ra đúng vào lúc Napoleon sắp lao vào cuộc chiến tranh khác nữa. Napoleon không muốn phải bận tâm về các lãnh thổ ở Mỹ châu để được rảnh tay chiến đấu ở Âu châu. Đồng thời, ông cũng đang cần tiền để trang trải tổn phí cho cuộc chiến. Hơn nữa, kế hoạch thiết lập một đế quốc thuộc địa của ông ở Mỹ châu cũng không được như ý. Cho nên, ông đề nghị không những chỉ bán có một thành phố New Orleans mà ông còn muốn bán cả toàn thể lãnh thổ Louisiana. Giá cả toàn thể lãnh thổ vùng đất này được quyết định một cách mau lẹ là 15 triệu Mỹ kim. Năm 1803, Hoa Kỳ trở thành chủ nhân ông lãnh thổ Louisiana. Sự quan trọng của lãnh thổ Louisiana là một điều hiển nhiên. Việc mua Louisiana không những khiến cho Hoa Kỳ có thể kiểm soát được toàn thể sông Mississippi mà còn mở rộng lãnh thổ Hoa Kỳ gấp bội lần. Tổng thống Jefferson coi việc mua lãnh thổ Louisiana là một công trình vĩ đại, và đúng như vậy. Lãnh thổ Louisiana là nơi sinh sống cho hàng ngàn hay đúng hơn là cho hàng triệu nhân dân Hoa Kỳ. Việc làm hòa bình này là công việc dọn đường cho Hoa Kỳ bành trướng lãnh thổ thành một quốc gia rộng lớn và hùng mạnh.
¨
PHẦN BA TẠI SAO HOA KỲ LẠI TIẾN HÀNH CHIẾN TRANH VỚI ANH QUỐC LẦN THỨ HAI?
s HOA KỲ TIẾN HÀNH CHIẾN TRANH VỚI ANH QUỐC Năm 1803, chiến tranh lại bùng nổ giữa Pháp và Anh quốc một lần nữa. Mỗi bên đều muốn gây tổn hại cho đối phương bằng cách ngăn chặn không cho tàu thuyền Hoa Kỳ chuyển vận các đồ tiếp liệu đến vùng địch. Lại một lần nữa, hải quân Anh ngăn chặn các tàu thuyền Hoa Kỳ và cưỡng bách thủy thủ Hoa Kỳ gia nhập hải quân Anh. Dù rằng Pháp không cưỡng bách thủy thủ Hoa Kỳ gia nhập hải quân Pháp, nhưng nếu có thể, Pháp cũng vẫn bắt giữ các tàu thuyền Hoa Kỳ. Một lần nữa, dân chúng Hoa Kỳ đặt vấn đề là: “Hoa Kỳ sẽ phải làm gì?”. - Tổng thống Jefferson cố gắng né tránh chiến tranh Lần này, dân chúng Hoa Kỳ hy vọng rằng Tổng thống Thomas Jefferson sẽ giải quyết được vấn đề. Tổng thống Jefferson rất ghét chiến tranh, vì ông cho rằng chiến tranh sẽ giết hại sinh linh và tiêu hủy tài sản của nhân loại. Nhưng nếu không chiến đấu liệu rằng quân đội của Anh và Pháp có tôn trọng quyền tự do lưu thông trên các vùng biển của tàu thuyền Hoa Kỳ hay không? Tổng thống Jefferson cho rằng hãy còn một phương cách khác. Ông nghĩ rằng các quốc gia Âu châu cần mua hàng hóa của Hoa Kỳ. Các quốc gia này cũng cần hưởng lợi trong việc buôn bán hàng hóa của họ ở Hoa Kỳ. Nếu chúng ta đe dọa Anh và Pháp rằng chúng ta sẽ chấm dứt giao thương buôn bán với họ là họ sẽ để cho tàu thuyền của chúng ta tự do lưu thông trên mặt biển. Để thực hiện ý định này, Tổng thống Jefferson dự trù: 1. Từ chối không mua hàng hóa Âu châu. 2. Phong tỏa, cấm các tàu thuyền Hoa Kỳ cặp bến các hải cảng quốc ngoại. Luật phong tỏa này cấm các tàu thuyền Hoa Kỳ ghé bến bất kỳ hải cảng ngoại quốc nào đã được thông qua vào năm 1807. Kế hoạch của Tổng thống Jefferson đã được cả chính Tổng thống và ông James Madison, vị Tổng thống kế tiếp vào năm 1809, đều cố gắng thi hành. Mặc dầu kế hoạch này nhằm gây thiệt hại cho cả hai nước Pháp và Anh, nhưng thật ra, hầu như nó cũng làm thiệt hại đến quyền lợi của các thương gia và chủ tàu Hoa Kỳ. Khi lệnh phong tỏa cấm các tàu thuyền của họ lưu hành ở ngoài các vùng biển thì một số các thương gia (Hoa Kỳ) đã bất chấp cả luật pháp vẫn cho tàu thuyền chạy theo ý họ. Cho nên mặc dầu có lệnh phong tỏa, Pháp và Anh vẫn có thể tiếp tục bắt giữ được các tàu thuyền Hoa Kỳ. - Hoa Kỳ chuẩn bị tiến hành chiến tranh với Anh quốc Việc bắt giữ tàu thuyền Hoa Kỳ là mối quan tâm đối với người Hoa Kỳ, và đó cũng là lý do chính yếu mà Hoa Kỳ phải chấp nhận chiến tranh với Pháp và Anh. Lúc đó, tinh thần chống Anh của nhân dân Hoa Kỳ lại trở nên mạnh mẽ hơn. Và đó cũng là một lý do quan trọng. Dân chúng ở miền Tây và miền Nam cho rằng người Anh đã khuyến khích, xúi giục người da đỏ tấn kích dân định cư ở vùng biên cương. Năm 1811, một vị lãnh tụ da đỏ tên là Tecumseh dẫn một toán quân da đỏ ở vùng phía Bắc Ohio tiến đến tấn công ác liệt dân vùng biên cương. Có dư luận cho rằng người Anh ở Gia Nã Đại cung cấp cho Tecumseh và quân sĩ của ông ta vũ khí và các đồ tiếp liệu. Vì thế, tinh thần chống người Anh ở vùng biên cương càng trở nên mạnh mẽ. Nhiều dân định cư ở vùng biên cương và ở miền Nam cũng mong muốn Hoa Kỳ phải chiếm thêm đất mở rộng lãnh thổ. Họ hướng về Gia Nã Đại của người Anh ở phương Bắc, và vùng đất Florida của người Tây Ban Nha ở phương Nam. Khi đó Tây Ban Nha là quốc gia đồng minh của Anh quốc. Nếu Hoa Kỳ chiến đấu và chiến thắng được Anh quốc thì Hoa Kỳ có thể chinh phục được cả Gia Nã Đại và Florida. Tại Quốc hội có một nhóm dân biểu trẻ và hăng say chú ý đến việc phát triển và mở rộng miền Tây. Trong số dân biểu trẻ này có ông Henry Clay thuộc tiểu bang Kentucky và ông John C. Calhoun thuộc tiểu bang South Carolina. Các vị dân biểu trên đây thường hăng say bàn luận chủ chiến đến nỗi rằng người ta đặt cho họ biệt danh là “Những con ó hiếu chiến”. Mỗi khi những con ó hiếu chiến này nói rằng tại sao họ mong muốn chiến đấu thì không những họ nói đến việc Anh quốc vi phạm quyền tự do lưu thông của người Hoa Kỳ ở trên các vùng biển, mà họ còn bàn đến việc chiếm Gia Nã Đại và Florida nữa. Một vị dân biểu trong Quốc hội đã phải than rằng mỗi khi ông ta nghe thấy các con ó hiếu chiến nói là ông ta chỉ còn nghe thấy như một loại âm thanh chuyển động của loài chim đớp muỗi với một giọng đều đều kéo dài “Gia Nã Đại - Gia Nã Đại...” - Dù không chuẩn bị, Hoa Kỳ cũng tuyên chiến với Anh quốc Bị thúc đẩy bởi nhóm con ó hiếu chiến, tháng sáu năm 1812, Quốc hội Hoa Kỳ tuyên chiến với Anh quốc. Khi ấy, ông Madison giữ chức vụ Tổng thống. Lúc đó, Hoa Kỳ chưa chuẩn bị chiến tranh. Quân đội và hải quân Hoa Kỳ còn quá nhỏ yếu gần như không đáng kể. Quân số quân đội chính quy không quá 7000 chiến binh, và các cấp chỉ huy tài giỏi lại càng ít ỏi. Các tiểu bang có thể đóng góp được một số lính địa phương, dân quân. Tuy nhiên, lính dân quân thường là những quân sĩ thiếu huấn luyện và quân số cũng không đủ cung ứng cho đủ cho nhu cầu. Khi chiến tranh bùng nổ, hải quân Hoa Kỳ chỉ có 15 tuần dương hạm. Mặc dầu đã tuyên chiến, Quốc hội cũng không chịu cung ứng đủ tiền để mở rộng hải quân, và cũng không cung ứng đủ tiền để theo đuổi chiến tranh. - Cuộc chiến làm cho nhân dân miền Tân Anh bất mãn Chính phủ Hoa Kỳ không những chưa chuẩn bị kỹ càng để theo đuổi cuộc chiến, mà nhiều người Hoa Kỳ cũng chống đối chiến tranh. Đặc biệt nhất là chiến tranh đã làm cho nhân dân miền Tân Anh bất mãn. Dân chúng ở miền này muốn cho tàu buôn của họ được tự do lưu thông ngoài các vùng biển bất kể cả cơ nguy bị quân Anh bắt giữ tàu thuyền của họ. Dù cho chỉ có một số ít thương thuyền của họ né tránh không bị quân Anh bắt giữ, nhưng số hàng hóa lọt được đem bán với giá cao cũng đủ mang lại cho họ một số lời rất lớn. Người dân miền Tân Anh không ưa kế hoạch cấm tàu của Tổng thống Jefferson, vì kế hoạch này làm cản trở công việc buôn bán làm ăn của họ. Khi chiến tranh bùng nổ, hạm đội Anh tiến đến phong tỏa duyên hải Đại tây dương và ngăn chặn gây trở ngại khó khăn nhiều hơn cho công việc thủy vận ở miền Tân Anh. Chiến tranh càng kéo dài, dân chúng miền Tân Anh càng trở nên bất mãn nhiều hơn. Sau hết, vào cuối năm 1814, dân chúng tổ chức một cuộc đại hội ở Hartford, Connecticut. Đại hội này còn được gọi là hội nghị Hartford. Hội nghị phản đối chính sách theo đuổi chiến tranh của chính phủ trung ương, và tuyên bố rằng nếu Quốc hội còn vi phạm Hiến pháp thì các tiểu bang sẽ phải hành động để bảo vệ các quyền tự do của họ. Tuy nhiên, chiến tranh đã chấm dứt trước khi hội nghị Hartford thi hành những lời tuyên bố trên đây. s KHÔNG BÊN NÀO CHIẾN THẮNG TRONG TRẬN CHIẾN TRANH 1812 Như các bạn đã thấy rằng Hoa Kỳ dấn thân vào chiến tranh mà không chuẩn bị để có đủ quân đội, hải quân và cũng không có đủ tiền cũng như không được sự ủng hộ nhiệt thành của toàn dân. Làm thế nào để Hoa Kỳ có thể đương đầu với biết bao nhiêu trở ngại khó khăn này? - Không bên nào chịu đẩy mạnh chiến tranh ở trên bộ Vì mục đích của cuộc chiến là muốn chiếm giữ Gia Nã Đại cho nên Hoa Kỳ cho mở cuộc hành quân tiến vào lãnh thổ quốc gia này. Nhưng những trận đánh ở dọc biên thùy Gia Nã Đại đã không thành công. Dù rằng, trong những năm từ 1812 đến 1814, quân đội Hoa Kỳ đã nhiều lần cố gắng tiến vào lãnh thổ Gia Nã Đại nhưng vẫn không thể chiếm được quốc gia này. Mặt khác, quân Anh cũng không thể thành công trong công cuộc đổ quân tràn vào miền Bắc Hoa Kỳ. Năm 1814, quân Anh tấn công vùng duyên hải Đại tây dương của Hoa Kỳ và đốt phá một số thị trấn. Tháng 8 năm đó, quân Anh tiến sâu vào tới vịnh Chesapeake chiếm đóng thành phố Washington và đốt phá điện Capitol. Chuyện rằng quân Anh đã ăn bữa cơm chiều của Tổng thống và đốt phá tòa Bạch Ốc.(1) Tuy nhiên, khi quân Anh mở cuộc hành quân tấn công vào Baltimore thì lại thất bại. Người Mỹ cảm thấy vô cùng sung sướng. Chính trong trận đánh này dù rằng đã trải qua những trận tấn pháo nặng nề của quân Anh, cờ Hoa Kỳ vẫn còn ngạo nghễ tung bay dưới vòm trời trên đồn Mc. Henry. Sự việc này đã khiến cho Francis Scott cảm hứng sáng tác bài ca “Star Spangled Banner” (tức bản quốc ca Hoa Kỳ ngày nay). Dân chúng Hoa Kỳ lại càng tự hào khi hay tin rằng vào tháng giêng năm 1815 tướng Andrew Jackson đánh bại đạo quân Anh mưu chiếm New Orleans. Trong trận đánh này, hơn hai ngàn quân Anh bị thương vong. Trong khi đó, tổn thất về phía quân Mỹ rất nhẹ. Vào lúc đó, cuộc chiến ở Âu châu đã chấm dứt bằng một thỏa hiệp hòa bình trước khi xảy ra trận đánh New Orleans. Nhưng vì sự di chuyển bằng đường thủy lúc bấy giờ chậm chạp cho nên tin hòa bình được tái lập ở Âu châu không kịp đưa đến phần đất này để ngăn chặn trận đánh New Orleans.[5] - Quân Hoa Kỳ chiến thắng ở ngoài khơi Các chiến tàu Hoa Kỳ đã ghi được nhiều thành tích lẫy lừng. Dù rằng các sĩ quan trong lục quân Hoa Kỳ còn thiếu huấn luyện, nhưng sĩ quan và hải quân Hoa Kỳ đã hoàn thành nhiệm vụ một cách vẻ vang. Trong nhiều năm qua, hải quân Hoa Kỳ tuần hành trên các vùng biển để bảo vệ hải phận. Các hạm đội Hoa Kỳ được thiết lập một cách vội vã ở trên các thủy lộ ở trong thuộc địa và đã đánh bại được quân Anh trên hồ Erie và hồ Champlain. Trong một bản tin mà ít ai có thể quên được do thiếu tướng hải quân (đô đốc) Oliver Hazard Perry tường trình rằng “Chúng tôi đã gặp địch quân và địch quân là của chúng tôi!”. Hải quân Hoa Kỳ đã mang lại nhiều chiến công ở ngoài đại dương cũng như trong các đại hồ. Trong năm đầu của cuộc chiến các thuyền riêng rẽ của Hoa Kỳ đã chiến đấu một cách tuyệt vọng, nhưng đã chiến thắng các chiến tàu của Anh quốc. Tinh thần chiến đấu của quân sĩ Hoa Kỳ đã được biểu dương trong lời nói của vị thuyền trưởng James Laurence. Mặc dầu chiến tàu của ông bị tấn pháo nặng nề và chính ông cũng bị trọng thương và hấp hối, nhưng ông vẫn còn ra lệnh cho quân sĩ dưới quyền “Không được bỏ tàu”. Các chiến tàu của Hoa Kỳ tốt hơn và được võ trang mạnh hơn các chiến tàu Anh. Quân Anh lấy làm kinh sợ ngơ ngác trước chiến thắng của quân Mỹ, vì rằng mấy năm qua, Anh quốc đã từng làm chúa tể đại dương, và hải quân Anh đã từng luôn luôn chiến thắng trước mọi kẻ thù. Tuy nhiên, chiến tranh càng kéo dài, hạm đội hùng mạnh của Anh quốc càng đẩy lui các chiến tàu của Hoa Kỳ vào các hải cảng để kìm kẹp. Sụ thật, lúc đó các thương thuyền võ trang của Hoa Kỳ tiến ra ngoài khơi bắt giữ một số lớn các tàu buôn của người Anh. Nhưng dù cho hải quân Hoa Kỳ chiến đấu anh dũng và chiến thắng ở ngoài khơi không thôi thì cũng không thể nào giúp cho Hoa Kỳ chiến thắng được cuộc chiến. - Cả hai bên đều tỏ ra hài lòng chấm dứt chiến tranh Trận chiến kéo dài và tàn phá Âu châu hằng 20 năm được chấm dứt vào năm 1814. Anh quốc cảm thấy mệt mỏi và mong mỏi đạt được hòa bình ở Mỹ châu cũng như ở Âu châu. Hoa Kỳ đã thất bại trong việc đánh chiếm Gia Nã Đại. Giờ đây lại muốn tái lập mậu dịch, cho nên người Hoa Kỳ cũng cảm thấy cần phải tìm kiếm hòa bình. Vì vậy, trong đêm Giáng sinh năm 1814, hai bên đồng thỏa thuận ký hòa ước chấm dứt chiến tranh tại thành phố Ghent thuộc nước Bỉ. Hòa ước này không hề đả động gì đến việc Anh quốc cưỡng ép thủy thủ Hoa Kỳ phải phục vụ trong hải quân Anh cũng như việc Anh quốc bắt giữ tàu thuyền của Hoa Kỳ, đó là những nguyên nhân khiến cho Hoa Kỳ phải tuyên chiến. Tuy nhiên, vì chiến tranh ở Âu châu đã kết thúc nên Anh quốc cũng không còn cần phải cưỡng bách các thủy thủ Hoa Kỳ nữa. Một chính khách Hoa Kỳ đã nhận xét về thỏa hiệp này như sau: “Trừ hòa bình ra, chúng ta không đạt được gì cả”. s TRẬN CHIẾN 1812 CÓ NHỮNG ẢNH HƯỞNG QUAN TRỌNG - Chiến tranh đã tạo cho đất nước được đoàn kết vững mạnh hơn Thoạt nhìn, các bạn có thể cho rằng chiến tranh không có ảnh hưởng gì trong đất nước Hoa Kỳ. Nhưng không phải như vậy, dù rằng hòa ước Ghent đã chẳng thay đổi được gì, nhưng chiến tranh tự nó cũng có những hậu quả quan trọng: 1. Chiến tranh đã giúp cho việc kiến tạo được điều mà chúng ta gọi là tinh thần quốc gia. Điều đó có nghĩa là lòng tự hào và tự tin về sức mạnh và quyền lực của đất nước. Trong những năm hậu chiến, nhân dân trong các miền Tân Anh, miền Nam và miền Tây đã quên được những dị biệt của họ, và họ còn hãnh diện là con dân đất nước Hoa Kỳ. Họ không còn hướng nhìn về Âu châu nữa, mà đem hết sức mình ra xây dựng một nước Hoa Kỳ lớn mạnh và hùng cường hơn. 2. Chiến tranh đã giúp cho đất nước thiết lập được nhiều nhà máy kỹ nghệ. Trước chiến tranh, hầu hết các hàng hóa kỹ nghệ sử dụng trong nước đều được nhập cảng từ ngoại quốc. Việc nhập cảng các hàng hóa này hầu như bị ngưng đọng vì kế hoạch né tránh chiến tranh của Tổng thống Jefferson, một kế hoạch chặn đứng việc mậu dịch, và sự nguy hiểm trong việc thủy vận ở ngoài khơi. Vì không thể nhập cảng được hàng hóa này, dân chúng Hoa Kỳ đã phải tự sản xuất những hàng hóa cần thiết. 3. Thêm vào đó, trận chiến tranh 1812 đã tạo ra một số lãnh tụ mới. Hai vị tướng lãnh xuất sắc trong cuộc chiến tranh này là Andrew Jackson và William Henry Harrison sau này đều trở nên Tổng thống Hoa Kỳ. Nhiều người khác đã từng giữ những vai trò quan trọng trong trận chiến cũng trở thành những lãnh tụ trong những năm sau này. - Chiến tranh cũng có ảnh hưởng đến thái độ của các quốc gia khác đối với Hoa Kỳ Trận chiến 1812 cũng có ảnh hưởng đối với ngoại quốc: 1. Dân chúng Gia Nã Đại không dự gì vào các vụ rắc rối đưa đến chiến tranh giữa hai nước Anh và Hoa Kỳ. Các bạn có thể tưởng tượng được người dân Gia Nã Đại suy nghĩ những gì khi họ hay tin rằng quốc gia láng giềng ở phía Nam muốn đánh chiếm đất nước họ. Lòng căm ghét người Hoa Kỳ càng dâng cao ở Gia Nã Đại. Lòng căm ghét này kéo dài trong nhiều năm. 2. Hậu quả của chiến tranh là các quốc gia Âu châu đã trở nên kính nể Hoa Kỳ nhiều hơn. Lần thứ hai, Hoa Kỳ đã cho thế giới thấy rằng nếu cần thì Hoa Kỳ sẵn sàng chiến đấu. Trong tương lai, Âu châu sẽ phải sẵn sàng để cho Hoa Kỳ tự điều hành công việc nội bộ. ¨ PHẦN BỐN TỔNG THỐNG MONROE CẢNH CÁO CHỐNG LẠI ÂU CHÂU TRONG VIỆC CAN THIỆP VÀO MỸ CHÂU NHƯ THẾ NÀO?
- Hoa Kỳ đương đầu với những sự đe dọa của Âu châu đối với Mỹ châu Trong nhiều năm sau trận chiến 1812, Hoa Kỳ đã hành động cứng rắn để chứng tỏ rằng là một quốc gia hùng mạnh. Như các bạn đã thấy trong chương X, vào đầu thập niên 1820, các thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở Tân thế giới đã đạt được thắng lợi vĩ đại trong công cuộc tranh đấu giành được tự do cho quê hương của họ. Ai cũng biết là hoàng đế Tây Ban Nha đã cố gắng kêu gọi các quốc gia Âu châu viện trợ để tái chiếm các thuộc địa này. Anh quốc chống lại dự định của Tây Ban Nha. Anh quốc muốn rằng các tân quốc gia ở Trung và Nam Mỹ duy trì được nền độc lập của họ để họ có thể tùy ý muốn buôn bán với bất cứ quốc gia nào kể cả Anh quốc. Dĩ nhiên là Hoa Kỳ rất có cảm tình với các tân quốc gia vừa mới giành được độc lập như Hoa Kỳ. Hơn nữa, Hoa Kỳ không muốn để cho Tây Ban Nha hay một quốc gia Âu châu nào khác chiếm giữ đất đai ở Tây Bán cầu. Thế có nghĩa là điều này không phải chỉ nói đến có Nam và Trung Mỹ mà còn nói đến bất kỳ nơi nào ở Mỹ châu nữa. Chẳng hạn như nước Nga lúc đó đang chiếm giữ Alaska và còn đòi quyền chiếm đất xa hơn về phía Nam dọc theo duyên hải Thái bình dương. - Công bố chủ thuyết Monroe Chính phủ Hoa Kỳ quyết định làm sáng tỏ tư thế của quốc gia Hoa Kỳ. Trong một thông điệp gửi cho Quốc hội Hoa Kỳ, Tổng thống Monroe tuyên bố rằng: 1. Nếu các quốc gia Âu châu can thiệp vào bất kỳ một tân chính quyền nào ở Mỹ châu thì Hoa Kỳ sẽ coi đó như là một hành động bất thân thiện. 2. Hoa Kỳ sẽ chống lại mọi sự thiết lập tân thuộc địa ở Tây bán cầu. 3. Ngược lại, Hoa Kỳ cũng sẽ không can dự vào sự việc ở Âu châu. Nói một cách khác, Tổng thống Monroe cảnh cáo Âu châu rằng “Tân thế giới không còn là mối quan tâm của các bạn nữa. Các bạn không nên can thiệp vào Mỹ châu, và chúng tôi sẽ không can thiệp vào công việc của các bạn”. Hoa Kỳ đã có thể tỏ ra cương quyết, và Hoa Kỳ biết rõ rằng Anh quốc với những hạm đội hùng mạnh cũng mong muốn các quốc gia Âu châu không được can thiệp vào Mỹ châu. Lời tuyên bố chính thức của Tổng thống Monroe mà sau này gọi là chủ thuyết Monroe là một trong những hành động quan trọng nhất của chính quyền Hoa Kỳ. Trong nhiều năm, chủ thuyết Monroe đã trở thành nền tảng cho chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với các quốc gia Âu châu. Chương này đã nói về chuyện của một tân quốc gia chiếm được địa vị trong chính trường quốc tế. Hoa Kỳ đã phải bảo vệ quyền lợi đất nước hoặc bằng cách thương thuyết, hoặc là phải cứng rắn dù là phải chấp nhận chiến tranh. Lãnh thổ Hoa Kỳ đã được mở rộng gấp bội lần. Và Hoa Kỳ còn cảm thấy có thể cảnh cáo Âu châu rằng “Hãy dẹp ra một bên!”. Hoa Kỳ không còn là một quốc gia tiểu nhược như thời kỳ vào năm 1789.
Chú thích: [5] Năm 1813, quân Mỹ tràn vào Thượng Gia Nã Đại đốt phá các cong thự trong thành phố thủ đô, nơi mà ngày nay gọi là Toronto. Quân Anh đốt phá điện Capitol và Tòa Bạch Ốc để trả thù.
(xem tiếp : Chương XIV)
Trang Lịch Sử |