LỊCH SỬ HOA KỲ (3 tác giả) Nguyễn Mạnh Quang dịch http://sachhiem.net/NMQ/LSHK/LSHK15.php | bản rời | « Xem Mục Lục » | 02 tháng 3, 2010 pypypy CHƯƠNG XV MIỀN NAM TRỞ THÀNH VƯƠNG QUỐC BÔNG VẢI
Nhiều người trong các bạn đọc sách này là những người cư ngụ trong các thành phố lớn. Thành thị, có rất nhiều ảnh hưởng đối với các bạn đó. Nó ảnh hưởng tới nhà cửa, trường học, và cả đến những cách giải trí của các bạn trong những giờ nhàn rỗi. Đối với các bạn sinh sống ở nơi thôn dã đồng ruộng, cách sinh hoạt của các bạn đó có phần nào khác với cách sinh hoạt của người dân thành thị. Một vài người trong các bạn đã từng sinh sống ở nhiều nơi trong đất nước. Hẳn các bạn đó biết rõ ràng cách sinh hoạt ở khắp trong đất nước Hoa Kỳ không giống nhau. Vào giữa thế kỷ thứ XIX, những sự khác biệt về sinh hoạt giữa các miền trong lãnh thổ đất nước còn rõ rệt nhiều hơn như chúng ta thấy ngày nay. Như chúng ta đã thấy trong chương XIV, miền Đông Bắc đã trở thành trung tâm kỹ nghệ, thủy vận và thương mại. Miền Nam vẫn còn là miền chuyên về nông nghiệp như thời thuộc địa. Tuy nhiên, vào khoảng năm 1860, bông vải vượt xa các nông phẩm khác và đã trở thành sản phẩm chính của miền Nam. Chương này nói về “Bông vải trở thành vua” ở miền Nam như thế nào. Chúng ta sẽ tìm hiểu công việc trồng bông vải đã biến đổi lối sinh hoạt ở miền Nam và làm cho nô lệ trở nên quan trọng. Chúng ta hãy tìm hiểu những vấn đề dưới đây: 1. Máy cán bông vải đã làm thế nào khiến cho bông vải trở thành nông phẩm chính ở miền Nam? 2. Trước năm 1860 dân chúng ở miền Nam sinh sống ra sao? 3. Lối sống khác biệt có khuynh hướng phân chia đất nước ra làm hai miền Nam, Bắc như thế nào? ¨
PHẦN MỘT MÁY CÁN BÔNG ĐÃ
LÀM THẾ NÀO KHIẾN CHO BÔNG VẢI
Miền Nam vốn là miền chuyên về nông nghiệp từ khi có người da trắng đến lập nghiệp định cư. Từ thời thuộc địa cho đến năm 1790 chỉ có thay đổi chút ít. Nô lệ vẫn còn làm mọi công việc trong các đồn điền lớn và ở trong các gia đình. Người ta còn trồng rất nhiều chàm, thuốc lá và lúa, gạo để xuất cảng. Mặc dầu người ta trồng bông vải nhưng bông vải không mang nhiều lợi bằng các loại cây mùa khác. Trái bông gồm có hạt và sợi bông, rất khó mà tách rời được sợi bông ra khỏi hạt bông. Chỉ khi nào hạt bông được tách rời ra thì sợi bông mới có thể sử dụng để dệt thành vải được. Người ta phải tách rời hạt bông ra khỏi sợi bông bằng tay. Một người phải mất cả ngày mới tách rời được chừng một cân sợi bông ra khỏi hạt bông. - Eli Whitney phát minh ra máy cán bông Từ lâu, các ông chủ đồn điền vẫn hằng mong muốn có một loại máy có thể tách rời hạt bông ra khỏi sợi bông một cách mau chóng và dễ dàng hơn là phải làm bằng tay như vậy. Ông Eli Whitney đã phát minh ra một cái máy để làm công việc này. Ngay khi còn là một thanh niên trẻ tuổi, ông Whitney đã chú ý rất nhiều đến cơ khí. Người ta nói rằng ông tháo rời chiếc đồng hồ của phụ thân ông rồi lại ráp vào khéo đến nỗi phụ thân ông không hề biết được ông đã làm như vậy. Sau khi tốt nghiệp đại học Yale, cậu thanh niên Whitney nhất quyết trở thành một nhà giáo. Ngay sau đó, ông được một trường học ở Carolina mời dạy. Những gì đã xảy ra theo sau đó đều được ông viết trong bức thơ gởi cho thân phụ ông: “Từ Nữu Ước, con cùng với gia đình của cố Trung tướng Greene đến Georgia. Chúng con đi thẳng tới đồn điền của gia đình này chỉ cách Savannah có 12 dặm. Con hy vọng ở lại đồn điền chừng 4 hay 5 ngày rồi sau đó con sẽ đi Carolina để nhận công việc ở trường học như con đã thưa với ba ở trong những lá thư trước. Trong thời gian gần đây, con còn được nghe rất nhiều về sự vô cùng khó khăn của công việc cán bông, nghĩa là việc tách rời sợi bông ra khỏi hạt bông. Một số lớn các vị đáng kính ở trong gia đình này, (bà Greene) đều đồng ý rằng nếu có ai phát minh ra một cái máy có thể cán bông một cách mau lẹ thì đó là một điều vô cùng lớn lao cho cả đất nước và người phát minh ra nó. Con…ngẫu nhiên đang suy nghĩ về vấn đề này, và cố gắng phác họa một họa đồ về một cái máy ở trong đầu óc con…Trong vòng 10 ngày, con đã thực hiện được một mẫu hình nhỏ mà người ta đề nghị với con rằng nếu con bằng lòng từ bỏ mọi quyền lợi và danh nghĩa của cái mẫu hình này thì con sẽ được 100 đồng guinea (bằng vàng, tương đương với 500 mỹ kim). Con quyết định từ bỏ việc dạy học và quay ra miệt mài hoàn tất cái máy này. Trước khi con đi khỏi, con đã hoàn thành chế tạo được chiếc máy chỉ cần một người quay nó, và như vậy số bông cán được nhiều gấp 10 lần của một người dù bằng cách nào đi nữa để nhặt hạt ra khỏi bông như trước kia. Bông cán bằng máy của con chế tạo còn tốt đẹp hơn những cách thông thường khác. Có thể dùng ngựa hay thủy lực để quay máy này một cách dễ dàng. Một người và một ngựa sẽ cán được một số lượng bông nhiều hơn 50 người làm như vậy với các loại máy cũ. Nó đã giảm đi được 50 lần nhân công mà không phải loại một lớp người nào ra khỏi công việc”. Whitney chế tạo cái máy cán bông đầu tiên của ông vào năm 1793. Tuy nhiên, công việc phát minh lại đem lại cho ông rất ít tiền. Đã thế, nó lại còn làm cho ông gặp rất nhiều rắc rối. Muốn được quyền độc nhất để chế tạo và bán công trình phát minh của mình, nhà sáng chế phải được chính phủ cấp cho bằng chứng nhận phát minh. Ông Whitney nhận được cái bằng chứng nhận phát minh ra máy cán bông của ông, nhưng vì rằng tư tưởng trong công trình phát minh của ông quá đơn giản cho nên nhiều người khác đã bắt chước và chế ra nhiều máy cán bông khác. Dĩ nhiên là ông không được hưởng một chút lợi nào của các máy cán bông này. Phải mất nhiều năm sau ông mới chứng tỏ được rằng chỉ có mình ông mới có quyền chế tạo và bán máy cán bông. - Miền Nam trồng thêm nhiều bông vải Dù rằng ông Whitney được hưởng rất ít lợi trong công việc sáng chế ra máy cán bông, nhưng phát minh của ông quả là biến cố đi vào lịch sử ở miền Nam. Như các bạn đã thấy trong chương XIV, những máy kéo sợi và dệt vải mới được phát minh đang được sử dụng ở miền Đông Bắc và ở Anh quốc. Càng ngày người ta càng cần nhiều bông vải để cho các nhà máy này chạy đều. Nhờ sử dụng máy cán bông mà miền Nam có thể trồng và bán được bông vải hơn bao giờ hết. Dân miền Nam đã sớm nhận thức được rằng phát minh của ông Eli Whitney có thể giúp cho họ có cơ hội để làm giàu. Nông dân và các ông chủ đồn điền liền bỏ không trồng các loại cây mùa vẫn được sản xuất từ trước, mà quay ra trồng bông vải. Đồng thời, họ mở rộng nông trại và đồn điền để trồng được nhiều bông hơn. Nhưng đất đai ở vùng gọi là miền Nam cũ [7] (đặc biệt là Maryland, Virginia và North Carolina) tỏ ra không thích hợp với công việc trồng bông. Trong khi đó thì đất đai ở các tiểu bang South Carolina và Georgia lại rất tốt cho việc trồng loại cây mùa này. Nhưng ngay cả đất trồng bông tốt nhất cũng bị kiệt quệ vì các nhà trồng bông quá ham khai thác để kiếm nhiều lời. Trồng bông liên tiếp trong nhiều năm trên cùng một mảnh đất, đất sẽ bị kiệt quệ. Tuy nhiên, thay vì giữ cho đất được màu mỡ bằng phương pháp luân canh hay dùng phân bón thì các nhà trồng bông lại thích trồng được càng nhiều bông càng tốt rồi sau đó di chuyển đến khu đất mới. - Dân miền Nam tìm đất tốt hơn để trồng bông Xa về phía Tây Nam của miền Nam cũ là một vùng đất rộng mênh mông phì nhiêu chưa có người da trắng đến định cư. Vùng này còn dày đặc những rừng cây. Nhiều sông ngòi chảy qua các vùng đất phì nhiêu này có thể sử dụng để chuyển vận bông vải tới các thị trấn ở trên bờ biển vịnh Mễ Tây Cơ. Rồi từ các thị trấn này, bông vải được chuyên chở đến thị trường Âu châu. Trong thời gian chừng 50 năm sau khi phát minh ra máy cán bông, có rất nhiều người kéo đến miền Tây và miền Nam, đi xa tới tận những vùng đất phì nhiêu chưa có người tới định cư này để lập nghiệp. Một số nhà trồng tỉa ở Virginia và Carolina tiến đến tận nơi hoang vu. Một số người từ các vùng núi rừng cũng kéo đến vùng đất mới này. Đây là những người không có nô lệ, chỉ có rất ít tiền của, nhưng hy vọng với sự cần cù làm việc, họ sẽ trở nên chủ nhân những đồn điền giàu có. Những người mới tới này đẩy dồn dân da đỏ đi, chiếm từng giải đất để làm nông trại. Họ phá rừng, khai hoang các bụi rậm và đốn gỗ. Họ hăm hở trồng bông đến nỗi họ không cần đốn những cây cao. Thật ra, họ không đốn những cây cao, nhưng họ lại bóc hết vỏ cây ở gần gốc để làm cho cây chết khô. Để đáp ứng nhu cầu nhân công, các ông chủ đồn điền trồng bông ở Virginia và Carolina [8] đem hàng trăm nô lệ da đen đến miền Hạ nam để khai thác. Những căn nhà sừng sững oai nghiêm và những cánh đồng bông bát ngát hiện lên trong những khu đất mà trước kia chỉ là những khu rừng rộng lớn, tối tăm trầm lặng. Một số người phiêu lưu hơn tiến đến chiếm đất ở vùng Texas nằm ở phía bên kia sông Mississippi. - Bông vải là vua Vào khoảng thập niên 1840, giải đất rộng lớn từ hai tiểu bang miền Bắc và Nam Carolina chạy dài tới phía Tây Nam đã có nhiều người đến định cư lập nghiệp. Thật ra, nông phẩm quan trọng nhất ở miền Nam là bông vải. Chắc chắn các tiểu bang Virginia, North và South Carolina vẫn còn trồng nhiều thuốc lá. Ở South Carolina và Georgia, người ta trồng rất nhiều lúa gạo, và ở Louisiana thì trồng rất nhiều mía. Nhưng bông vải vẫn được trồng nhiều hơn cả so với các sản phẩm khác ở miền Nam. Trước khi phát minh ra máy cán bông, năm 1790, Hoa Kỳ sản xuất chừng bốn ngàn kiện bông, mỗi kiện nặng chừng 500 cân. Vào khoảng năm 1850, sản lượng bông của Hoa Kỳ vượt lên trên 2 triệu kiện. Hầu hết những bông này được sản xuất ở các vùng đất mới được khai phá tại miền Nam. Vùng đất này đã trở thành vương quốc của bông vải. Dần dần vùng hạ Nam trở nên quan trọng. Dân số ở vùng này gia tăng nhanh hơn ở các tiểu bang miền Nam cũ. Các lãnh thổ Louisiana (1812), Mississippi (1817), và Alabama (1819) trở thành các tiểu bang gia nhập cộng đồng Liên bang. Hải cảng Mobile và New Orlean ở miền hạ Nam trở thành những trung tâm thương mại quan trọng hơn các hải cảng Charleston và Savannah. Vì rằng có nhiều xưởng kỹ nghệ và hầm mỏ, hoặc là trung tâm kỹ nghệ ở miền Nam cho nên phần lớn dân miền Nam nghĩ rằng sự thịnh vượng của họ tùy thuộc vào việc trồng bông. Đó là nguyên nhân tại sao họ thường nói rằng “Bông vải là vua”. ¨
PHẦN HAI DÂN CHÚNG Ở MIỀN
NAM SINH SỐNG - Các ông chủ đồn điền là các nhà lãnh đạo ở miền Nam Khi mà miền Nam càng đem hết cố gắng để trồng càng nhiều bông càng tốt thì có một nhóm các nhà trồng tỉa trở nên rất quyền thế và giàu có. Họ dùng nô lệ để làm việc trong các đồn điền rộng lớn, và như vậy họ kiếm được rất nhiều lời. (Hệ thống trồng trọt trên một giải đất rộng lớn có những nô lệ làm việc ở đó được gọi là hệ thống đồn điền). Nhưng nô lệ lại rất tốn tiền. Vào thập niên 1850, một nô lệ làm việc ở ngoài đồng giá từ 1200 đến 2000 mỹ kim. Vào khoảng năm 1860 thì cứ một trong bốn gia đình da trắng đều có nuôi nô lệ. Thực ra trong 5 triệu rưỡi dân da trắng ở miền Nam thì chưa tới 10 ngàn người nuôi từ 50 nô lệ trở lên. Những ông chủ làm chủ nhiều nô lệ và những đồn điền rộng lớn kiếm được rất nhiều lời và họ kiểm soát hầu hết các tài sản ở miền Nam. Các gia đình đồn điền này là những nhà lãnh đạo trong làng xóm của họ cũng như toàn thể miền Nam. Các ông chủ đồn điền đồng thời cũng là những người phát ngôn của miền Nam tại hành lang Quốc hội. - Các đồn điền được điều hành như thế nào? Tất cả các đồn điền trồng bông vải đều được điều hành gần như giống nhau. Người ta cho cày đất vào mùa Đông (mùa Đông ở miền Nam ngắn hơn). Liền sau đó thì người ta trồng bông. Suốt mùa hè dài, người ta chăm sóc cây bông rất cẩn thận. Ngày nào cũng có nhân công bám sát các luống bông để bắt sâu và làm cỏ. Đầu mùa thu, trái bông bắt đầu nở và sẵn sàng cho người ta hái. Đàn ông, đàn bà và con nít mang theo cái bị, cúi sát xuống cây bông, ngắt bông bỏ vào bị. Ai hái nhanh sẽ được thưởng. Đồn điền điển hình nhất rộng hàng trăm mẫu và có từ 50 đến 100 nô lệ làm việc. Mỗi buổi sáng, nhân công tập trung tại một địa điểm. Ông chủ sẽ đến nói cho họ biết sẽ làm gì và ở chỗ nào trong ngày hôm đó. Thường thì ông chủ mướn một người cai để trông nom công việc ở đồn điền. Khi đã nhận lệnh rồi, các nô lệ tản mác đi đến chỗ làm. Ngày nào cũng như ngày nào trong suốt mùa cày, mùa trồng bông và mùa hái bông, nô lệ phải cặm cụi làm việc dưới sự trông coi của ông chủ hay người cai. Hái xong rồi thì lại phải cán bông. Các đồn điền lớn có máy cán bông ở ngay đồn điền. Lúc đầu, người ta dùng ngựa hay thủy lực để chạy máy cán bông. Sau này thì người ta dùng máy chạy bằng hơi nước. Máy cán bông tách rời hạt bông ra khỏi sợi bông. Bông đã được tách hết hạt ra rồi thì được đóng lại thành từng kiện cao bằng đầu người và rộng chừng hai hay ba bộ. Nếu đồn điền ở ngay trên bờ sông thì những kiện bông này được mang ra chất đống ở bến tàu để chờ bốc lên tàu. Nếu các đồn điền ở xa bờ sông thì người ta bốc bông vào các toa xe rồi cho kéo đến bờ sông. Những kiện bông này được chở đi tới các hải cảng như là hải cảng Mobile ở Alabama hay New Orleans ở Louisiana. Và từ đây, người ta sẽ chuyển vận đến các cơ xưởng kỹ nghệ ở miền Đông Bắc hay ở bên Anh. Các xưởng kỹ nghệ này sẽ biến chế bông vải thành sợi rồi thành vải. - Đời sống các gia đình ở đồn điền như thế nào? Ông chủ đồn điền và gia đình của ông ta thường sống trong căn nhà rộng lớn đầy đủ tiện nghi. Chung quanh có lối đi trải đá sỏi và có những hàng cây to lớn rủ bóng. Những căn nhà có hành lang cao lớn và hàng cột trắng vĩ đại. Hành lang không những che cho bớt nắng trong những ngày mùa hè gay gắt mà còn làm cho căn nhà thêm phần vĩ đại. Trong nhà thì có những căn phòng và lối đi rộng rãi, với những trần nhà cũng như cửa sổ đều cao rộng. Trên tường nhà, người ta thường treo những bức họa sơn dầu diễn tả hình ảnh tổ tiên của gia đình. Ông chủ đồn điền thì trông nom công việc của đồn điền. Ông ta chỉ bảo nô lệ làm việc, và nếu mướn cai trông nom thì ông ta ra chỉ thị cho người cai các công việc cần phải làm. Bà vợ ông chủ thì không những hướng dẫn đầy tớ trong nhà cũng như trông nom điều khiển các công việc nhà, mà còn săn sóc cho nô lệ về phương diện y tế và xã hội. Các con trai ông chủ nếu chưa học xong đại học thì rất ít tham dự vào việc trông nom đồn điền. Các cô con gái của ông chủ thì được bà chủ dạy cho cách trông coi công việc trong nhà. Tuy nhiên, hầu hết những người trẻ tuổi thường tiêu khiển thì giờ ở trong những đám tiệc, hội hè, cưỡi ngựa, săn bắn và đi chơi thăm viếng bạn bè. - Những người nô lệ sinh sống như thế nào? Mọi công việc nặng nhọc đều do nô lệ làm. Nếu nô lệ làm công việc ở ngoài đồng thì phải làm từ sáng sớm tới khi trời tối. Những người may mắn hơn được làm các công việc trong nhà. Trong những đồn điền lớn, mỗi một người trong gia đình ông chủ đều có một người đầy tớ (nô lệ) riêng. Một số nô lệ chuyên làm các công việc thợ mộc, thợ rèn và trông coi ngựa. Tuy nhiên, đa số nô lệ da đen, đàn ông, đàn bà và trẻ em phải làm công việc ở ngoài đồng. Dĩ nhiên, những người nô lệ này không hăng hái làm việc, và họ thường biểu lộ sự không thích của họ bằng nhiều cách. Hầu hết, họ không thích chịu khó làm việc. Nhiều người cố gắng tìm cách trốn. Đôi khi họ nổi loạn bạo động chống lại ông chủ. Nhà ở của họ cách xa nhà của ông chủ. Thường thì là dãy nhà bằng gỗ thô sơ, với những khe hở nhưng được trét bùn. Nhiều căn nhà của họ chỉ có một phòng, không có cửa sổ. Ở một đầu nhà là bếp sưởi, vừa dùng để sưởi ấm cho gia đình trong những khi trời mưa lạnh, vừa làm bếp nấu nướng cho gia đình. Đồ đạc thì hầu như là không có, và nếu có thì rất là mộc mạc và thô sơ. Thực phẩm của họ thì thực là đạm bạc, phần lớn chỉ có một ít thịt heo, bắp và đường bổi do ông chủ cung cấp cho mỗi tuần, và một ít rau do chính họ trồng ở ngay trong mảnh vườn bé nhỏ của họ. Một vài mảnh quần áo rẻ tiền được chế tạo ngay trong đồn điền phát cho họ để dùng cả năm. Đời sống nô lệ hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của ông chủ. Tuy nhiên, đời sống trong gia đình của những người nô lệ không phải là không sung sướng hạnh phúc. Ban ngày con em nô lệ thường chơi chung với trẻ em da trắng trong cùng một căn nhà rộng lớn. Trong những trường hợp đặc biệt, con em nô lệ được phép tham dự đi các cuộc picnic và trò chơi “Coon và Posum”. Dĩ nhiên, cũng có những ông chủ thường nhẫn tâm đánh đập nô lệ một cách tàn ác nếu chẳng may họ cư xử sai quấy. Tuy nhiên, nói chung thì nô lệ rất có giá, cho nên họ ít bị hành hạ. Mối lo sợ ghê gớm nhất đối với người nô lệ là họ sợ rằng họ và gia đình họ bị đem đi bán. Nếu sự việc xảy ra như vậy thì gia đình họ phân tán chia lìa không bao giờ còn hy vọng gặp lại nhau nữa. - Phần lớn dân miền Nam là tiểu điền chủ Vì rằng chỉ có một số nhỏ gia đình miền Nam sinh sống ở trong các đồn điền, cho nên có thể các bạn thắc mắc là còn có những người khác thì họ sinh sống bằng cách nào. Ở các thành thị thì có bác sĩ, luật sư, thương gia, và các công nhân chuyên nghiệp hay thủ công nghiệp. Tuy nhiên, đa số những người da trắng ở miền Nam làm chủ và làm việc trong các nông trại nhỏ. Những nông trại này nằm trong các vùng đất ít phì nhiêu màu mỡ ở miền Nam. Thường thì là những vùng đất đang được đốn cây khai phá hay là những vùng đất do các ông chủ đồn điền lớn bỏ hoang. Năm mươi phần trăm sản lượng bông vải ở miền Nam là do các nhà tiểu điền chủ sản xuất. Trái với các ông chủ đồn điền, các nhà tiểu điền chủ phải tự làm công việc của họ. Nhà cửa của họ thì đơn sơ mộc mạc. Một số tiểu điền chủ có nuôi một hay hai nô lệ trong nhà, nhưng đa số các công việc trong nông trại nhỏ này đều do những người trong gia đình làm. Ngoài việc trồng bông vải ra, họ còn trồng ngũ cốc nữa, đặc biệt nhất là bắp. Sản lượng bông hàng năm của một gia đình tiểu điền chủ chỉ chừng độ vài ba kiện. Tuy nhiên, nếu các nhà tiểu điền chủ này cần cù làm việc và may mắn được trúng mùa trong một hay hai năm thì họ sẽ có đủ tiền để mua thêm đất. Họ hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trở thành ông chủ của một cánh đồng bông rộng lớn với một số đông nô lệ. - Những người da trắng ở miền núi sinh sống giống như những người ở miền biên cương Một số những người da trắng ở miền Nam sống tách biệt hẳn với những người khác. Đó là những người da trắng sinh sống ở miền núi. Họ là con cháu những người định cư trước kia đã đi sâu vào vùng hoang vu ở chân dãy núi Appalaches. Giống như ông cha thuở trước, họ tiếp tục sống cuộc đời đơn giản của người vùng biên cương. Hầu hết thời giờ của họ là đi bắt cá ở các sông ngòi hay săn bắn các thú rừng. Dù rằng họ nghèo nàn và mặc dù đa số họ không biết đọc biết viết, nhưng họ rất tự hào, và họ là những người sống tự lập. Họ ước mong là họ được yên ổn sinh sống như ông cha họ trước kia. Ít khi họ gặp những người khác trừ những chuyến đi mang rượu whiskey về miền đồng bằng bán. Rượu này do chính họ chế biến bằng bắp, cũng do chính họ trồng trong những thửa vườn nhỏ bé của họ. Nếu không thì những người da trắng ở miền núi hầu như không bao giờ tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Vì lý do này mà họ rất ít chú ý đến vấn đề nô lệ hay mục đích của các ông chủ đồn điền giàu có.
¨
PHẦN BA LỐI SỐNG KHÁC BIỆT
CÓ KHUYNH HƯỚNG PHÂN CHIA
Vào cuối thế kỷ thứ XVIII, khi Hoa Kỳ mới giành được độc lập thì đất nước lúc bấy giờ có một vài sự khác biệt. Tuy nhiên, sự khác biệt này không đến nỗi quá lớn. Dân chúng ở cả hai miền Bắc Nam đều sinh sống bằng canh tác. Lúc bấy giờ chỉ có một số ít đô thị và hầu hết ở các đô thị này, người ta thấy ở miền Nam có những điểm giống như ở miền Bắc. Cả miền Bắc cũng như ở miền Nam lúc bấy giờ không có nhiều kỹ nghệ. - Lối sống và suy tư khác biệt phát sinh và nảy nở ở miền Bắc và miền Nam Thế rồi dần dần sự khác biệt giữa miền Bắc và miền Nam càng trở nên rõ rệt. Miền Bắc càng ngày càng chú ý đến kỹ nghệ, buôn bán, kinh doanh và càng ngày càng có nhiều đô thị hơn. Hầu hết các đường xe lửa đều được phát triển và thiết lập ở miền Bắc trước. Trong khi ấy thì miền Nam vẫn còn canh tác và mở mang đồn điền. Bông vải trở thành vua. Việc trồng bông và bán bông là công việc quan trọng nhất trong cách sinh nhai ở miền Nam. Khi mà người dân có lối sinh hoạt khác hẳn nhau thì suy tư cũng khác hẳn nhau. Chẳng hạn như đứng trước một đạo luật về thuế mậu dịch được thông qua thì người dân miền Bắc có thể nói rằng thuế bảo vệ mậu dịch ngăn chặn hàng hóa nhập cảng và giúp cho hàng hóa của họ bán được giá cao. Nhưng người dân miền Nam lại cho rằng thuế mậu dịch không giúp gì cho bông vải và các nông phẩm khác của họ được giá cao hơn, mà trái lại, thuế này còn làm cho họ phải nhập cảng dụng cụ và quần áo từ bên Anh với giá cao hơn. - Các tiểu bang giải phóng nô lệ Giữa miền Bắc và miền Nam có một sự khác biệt nữa là sự suy tư về vấn đề nô lệ. Lúc đầu khi mới du nhập nô lệ vào Hoa Kỳ thì ở miền Bắc và ở miền Nam đều sử dụng nô lệ như nhau. Sau này người ta thấy rằng nô lệ rất hữu dụng ở trong các nông trại hơn là ở các xưởng máy xí nghiệp. Nhưng không giống như các đồn điền ở miền Nam, các nông trại ở miền Bắc thì quá nhỏ cho nên không thể sử dụng số đông nô lệ được. Vì rằng nô lệ không thích hợp với miền Bắc cho nên rất dễ dàng cho họ hủy bỏ nô lệ. Dần dần những năm sau chiến tranh cách mạng, các tiểu bang miền Bắc giải phóng nô lệ của họ. Những nô lệ da đen này trở thành những người tự do. Vào đầu thế kỷ XIX nô lệ hầu như đã biến mất ở các tiểu bang phía Bắc, tiểu bang Maryland (vào thời thuộc địa hai ông Mason và Dixon là những người đã tìm ra đường ranh giới giữa Pennsylvania và Maryland, cho nên đường ranh giới này gọi là đường ranh giới Mason và Dixon. Giờ đây đường ranh giới này gọi là đường ranh giới giữa các tiểu bang duy trì nô lệ và các tiểu bang hủy bỏ nô lệ). - Đầu thế kỷ XVIII đã có một số người miền Nam thắc mắc về vấn đề nô lệ Ngay cả vào thời thuộc địa và có lẽ cả vào thời sau cách mạng nữa, dù rằng miền Nam sử dụng nhân công nô lệ, nhưng cũng có nhiều người miền Nam đã không thích chế độ nô lệ. Vì rằng ngay cả những năm không trúng mùa hay những năm nông phẩm không bán được giá cao thì họ vẫn phải chịu tốn phí trông nom săn sóc nô lệ. Một số người miền Nam đã đặt ra vấn đề là liệu rằng họ có quyền tư hữu nô lệ hay không? George Washington hy vọng rằng sẽ có một ngày nô lệ không còn tồn tại nữa. Ông đã thu xếp vấn đề giải phóng nô lệ của ông vào khi ông từ giã cõi đời. Những người như Patrick Henry và Thomas Jefferson rất nghi ngờ về vấn đề nô lệ. Vì rằng nô lệ không phù hợp với tư tưởng tự do đã được trình bày trong bản tuyên ngôn độc lập. Thật ra, Jefferson đã đề nghị một kế hoạch là giải phóng những người da đen và gửi trả họ về châu Phi. Nếu nô lệ là lầm lẫn hay không có lợi lộc gì thì tại sao miền Nam lại không hủy bỏ nô lệ? Có một điều là giải phóng nô lệ sẽ gây thiệt hại rất nhiều cho các ông chủ. Không những họ đã phải bỏ ra rất nhiều tiền mua nô lệ, mà hàng năm họ còn phải tốn phí rất nhiều để trông nom săn sóc nô lệ. Các ông chủ này nghĩ rằng giải phóng nô lệ có nghĩa là họ phải hủy bỏ sản nghiệp lớn lao của họ, và nếu những người nô lệ da đen được giải phóng thì họ sẽ ra sao? Trọn đời những người nô lệ đã được các ông chủ lo cho từng miếng ăn, cái mặc. Họ không được dạy dỗ hay được huấn luyện để kiếm kế sinh nhai. Giải phóng họ sẽ phải đặt ra nhiều vấn đề cho họ cũng như cho người da trắng. - Máy cán bông làm cho chế độ nô lệ miền Nam thêm vững mạnh Sự phát minh ra máy cán bông của ông Eli Whitney vào năm 1793 đã ảnh hưởng bất lợi rất nhiều cho ý định chấm dứt chế độ nô lệ ở miền Nam. Trồng bông vải mang lại rất nhiều lợi tức, và hầu hết dân da trắng ở miền Nam cho rằng không thể nào trồng được nhiều bông nếu không có nhân công nô lệ da đen. Diện tích trồng bông ngày càng gia tăng thì nhu cầu nô lệ cũng gia tăng theo. Vào khoảng năm 1840, số nô lệ ở miền Nam nhiều hơn vào thời kỳ trước khi phát minh ra máy cán bông, và giá một người nô lệ trung bình đã tăng gấp bội lần so với khi trước. Tóm lại, công cuộc sản xuất bông ở các đồn điền càng trở nên quan trọng thì vấn đề nô lệ lại càng trở nên quan trọng hơn đối với các đồn điền này. Dân miền Nam không còn coi nô lệ là một tội lỗi nữa trong khi đáng lý ra nô lệ phải biến mất vào lúc bấy giờ. - Người miền Nam duy trì chế độ nô lệ Nhiều người miền Nam lấy làm lo ngại vì những hành động và lời lẽ chỉ trích của người miền Bắc đối với vấn đề nô lệ. Những người miền Bắc này cho rằng thật là lầm lẫn cho những ai còn duy trì tình trạng “Người làm chủ người”. Họ nói thẳng là họ muốn hủy bỏ chế độ nô lệ ngay tức khắc. Trong chương tới chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về những ai được mệnh danh là “Những người chủ trương hủy bỏ chế độ nô lệ”. Những người chủ trương hủy bỏ chế độ nô lệ càng chỉ trích chế độ nô lệ thì dân miền Nam càng bảo vệ mãnh liệt chế độ nô lệ. Đặc biệt là người miền Nam phải chống lại mọi sự chỉ trích này từ khắp các nơi trong nước. Một mặt, có một số người miền Nam trình bày về sự nghi ngờ của họ đối với vấn đề nô lệ. Mặt khác thì lại có những người cho rằng nô lệ thật là lầm lẫn. Những người nổi tiếng ở miền Nam cố gắng viết sách, thuyết trình lớn tiếng nói rằng nô lệ là một điều tốt. Họ khẳng định rằng thánh kinh cũng nói đến nô lệ, rằng một người làm chủ người khác là một điều tự nhiên. Ông John C. Calhoun, một trong những chính khách nổi tiếng nhất ở miền Nam, tuyên bố rằng: “Không thể nào một xã hội văn minh và giàu có lại có thể tồn tại được nếu trong đó thật sự một phần của cộng đồng lại không sinh sống dựa trên sức lao động của những người khác”. Các giáo hội ở miền Nam cũng đã một lần không tin chắc được rằng có nên tiếp tục duy trì nô lệ hay không. Tuy nhiên, khi mà bông vải ngày càng trở nên quan trọng, và khi mà những người chủ trương hủy bỏ nô lệ càng chỉ trích miền Nam thì các giáo hội ở miền Nam cũng chủ trương bảo vệ nô lệ. Một vài tổ chức giáo hội có tín hữu ở cả miền Nam lẫn miền Bắc đã phân hóa ra làm hai hệ phái. Một số người miền Nam lý luận rằng duy trì nô lệ là một điều lợi cho người da đen. Sống ở trong đồn điền được trông nom chu đáo, hẳn người da đen không được sung sướng hơn những người mọi rợ sống trong những khu rừng rậm ở Phi châu hay sao? Và những người nô lệ da đen không sung sướng hơn những người da trắng ở trong các nhà máy kỹ nghệ ở miền Bắc hay sao? Khi không còn công việc làm nữa vì các nhà máy kỹ nghệ đóng cửa, công nhân mất công ăn việc làm và sẽ không có tiền lương để nuôi sống gia đình. Người miền Nam nói rằng “Ít nhất một người nô lệ trung bình cũng được săn sóc lo cho từng miếng ăn, từng cái mặc, lo lắng cho vấn đề y tế, và họ không phải lo lắng rầu rĩ sợ phải mất công ăn việc làm”. - Miền Nam và miền Bắc cách biệt nhau như thế nào? Từ đó miền Nam và miền Bắc phát triển và đi sâu vào lối sống khác hẳn nhau. Ở miền Bắc, các nhà máy kỹ nghệ và việc buôn bán càng hoạt động mạnh thì các đô thị càng bành trướng mạnh về số lượng cũng như về dân số và kích thước. Thanh niên, phụ nữ từ Âu châu sang Mỹ châu sinh sống lại thích định cư ở miền Bắc, nơi mà họ không phải tranh đua với giới lao động nô lệ. Người dân miền Nam và số dân nô lệ thì quá bận rộn trong việc trồng bông ở các đồn điền nên không thể thiết lập các nhà máy kỹ nghệ và làm việc ở đó được. Các ông chủ đồn điền phải dùng tiền để mua sắm các dụng cụ và tậu thêm đất cũng như mua thêm nô lệ. Bông vải lúc bấy giờ đã trở thành nông phẩm xuất cảng chính của Hoa Kỳ. Không phải là miền này tốt đẹp hơn miền kia mà chỉ là có sự khác biệt nhau thôi. Những người khôn ngoan và thành thực ở miền Bắc có thể thích công việc doanh thương kỹ nghệ hơn là công việc canh tác, và họ cho rằng nô lệ là lầm lẫn. Trong khi ấy, những người khôn ngoan và thành thực ở miền Nam có thể là thích điều khiển các đồn điền trồng bông hơn là điều hành các cơ xưởng kỹ nghệ, và họ cho rằng hệ thống nô lệ là hợp lý. Họ lý luận rằng những người nô lệ có đời sống tốt đẹp hơn những công nhân trong những nhà máy kỹ nghệ phải làm việc trong những điều kiện thiếu vệ sinh và chỉ được lãnh một số lương rất thấp. Nhưng những người miền Bắc có thể trả lời cho những người miền Nam rằng công nhân ở trong các nhà máy kỹ nghệ được tự do, có nghĩa là họ có thể nghỉ việc nếu họ muốn. Thế rồi, với thời gian, những sự khác biệt giữa hai miền càng ngày càng trở nên mãnh liệt hơn. Khi mà miền Bắc và miền Nam càng ngày càng xa nhau thì sự tranh chấp, lý luận, cãi nhau về vấn đề nô lệ càng ngày càng trở nên nguy hiểm và đáng lo ngại hơn. Một người miền Nam đã phải nói rằng: “Chúng ta thà để cho cộng đồng Quốc gia tan rã theo cơn gió lốc còn hơn là chúng ta phải từ bỏ những đặc quyền và những tự do quý báu của chúng ta. “Liệu rằng điều đó có thể xảy ra được không? Liệu rằng miền Nam trồng bông vải và miền Bắc đã được kỹ nghệ hóa đang hoạt động náo nhiệt có thể trở nên quá cách biệt đến nỗi rằng cả hai miền không thể nào cùng tiếp tục kết hợp trong một Cộng đồng Quốc gia hay không?
Chú thích: [7] Chúng ta muốn nói miền Nam cũ là những thuộc địa miền Nam, và là những tiểu bang trong 13 tiểu bang đầu tiên: Maryland, Virginia, North và South Carolina và Georgia. [8] Năm 1808, Quốc hội thông qua một đạo luật định rằng từ đây sẽ không được du nhập nô lệ vào Hoa Kỳ nữa. Nhưng cũng vào thời kỳ này, số sinh của nô lệ lại gia tăng mau chóng. Dù rằng các tiểu bang miền Bắc đã hủy bỏ chế độ nô lệ, nhưng vẫn không có luật lệ nào cấm mua bán nô lệ cả.
(xem tiếp : Chương XVI)
Trang Lịch Sử |