LSHK-3- Những Lá Thư Của Phillip Andrew (Nguyễn Mạnh Quang dịch)

LỊCH SỬ HOA KỲ

(3 tác giả)

Nguyễn Mạnh Quang dịch

http://sachhiem.net/NMQ/LSHK/LSHK03.php

| bản rời | «  Xem Mục Lục » | 12 tháng 9, 2009

(tiếp theo Chương hai)

 

MỤC II

CÁC QUỐC GIA ÂU CHÂU THIẾT LẬP THUỘC ĐỊA
VÀ GIÀNH GIẬT QUYỀN KIỂM SOÁT TÂN THẾ GIỚI

 

Người ta thường nói cựu thế giới tìm ra tân thế giới. Đã hàng mấy trăm năm người Âu Châu biết rất ít về địa cầu. Biết bao nhiêu người suốt đời không đi khỏi nơi cha sinh mẹ đẻ của mình được vài dặm đường. Ngay cả các chiến sĩ trong đoàn quân chữ thập là những người đã đi xa mà cũng chỉ hiểu biết có Âu Châu và các vùng lân cận ở châu Phi và châu Á mà thôi. Nhưng tới đầu thế kỷ thứ 16 các nhà thám hiểm gan dạ đã tìm ra cả một thế giới mới ở Tây bán cầu. Thế giới mới này ra sao? Người ta có thể tìm thấy những tài nguyên và của cải gì ở đây? Những quốc gia nào đã đòi quyền chiếm hữu Tân Thế Giới và đã trở nên giàu có và hùng mạnh?

Trước hết, người Âu Châu biết rất ít tin tức và tài liệu về Mỹ Châu để trả lời những câu hỏi trên đây. Tuy nhiên, những câu chuyện do các nhà thám hiểm đi về kể cho họ nghe đã làm khuấy động tư tưởng của họ giống như chúng ta ngày nay lấy làm vô cùng thích thú khi hay tin các phi hành gia phiêu lưu lao mình vào trong không gian xa xăm ngoài tầng không gian. Mục I đã nói về các nhà hàng hải và thám hiểm can trường ngày càng tìm ra nhiều vùng đất mới hơn ở Tân Thế Giới, nhất là ở Bắc Mỹ.

Trong mục II này, chúng ta sẽ bàn tới số người Âu Châu đến Mỹ châu ngày một gia tăng. Thí dụ như chương III sẽ nói về người Tây Ban Nha tới Mỹ châu để chiếm đoạt của cải và quyền hành như thế nào. Kết quả là quốc gia Tây Ban Nha đã thiết lập được một đế quốc hùng mạnh bao gồm hầu hết Mễ Tây Cơ và Nam Mỹ. Đời sống trong lãnh vực đế quốc này trở thành đời sống pha trộn giữa phong tục tập quán của người Tây Ban Nha và của thổ dân da đỏ thuộc địa. Chương 4 sẽ bàn về các thuộc địa Anh ở Tân Thế Giới vào giai đoạn mới thành lập và vào thời kỳ phát triển. Không giống như người Tây Ban Nha, người Anh đến Tân Thế Giới lập nghiệp là đi tìm nơi để hưởng một đời sống tự do hơn (ở quê nhà). Chương 5 sẽ nói về đời sống ở 13 thuộc địa Anh tại Bắc Mỹ. Cuối cùng chương 6 cũng sẽ bàn về những vùng đất ở Bắc Mỹ mà người Pháp đến lập nghiệp. Chương này cũng sẽ bàn về sự tranh chấp giữa người Pháp và các thuộc địa Anh ngày càng trở nên dữ dội và hậu quả của cuộc tranh chấp này. “Tôi chưa hề thấy quốc gia nào đẹp hơn được, cả một cánh đồng cỏ mênh mông xanh rờn... Hươu nai lảng vảng khắp nẻo đường... Khí trời tươi mát... Và mỗi hòn đá mà chúng tôi nhặt lên nếu nó không giống như vàng thì cũng như bạc”. (SIR WALTER RALEIGH)

 

pypypy

CHƯƠNG III

TÂY BAN NHA THIẾT LẬP ĐẠI ĐẾ QUỐC

Con tàu uy nghi tráng lệ treo cờ hoàng bạch Tây Ban Nha vượt Đại Tây Dương tiến về phía Đông. Từ đầu đến cuối tàu chỉ cao hơn mặt nước một chút ít và các lá buồm đều được trang trí bằng những bức tranh lộng lẫy tươi sáng. Trong chòi trên cột buồm, người thủy thủ bồn chồn băn khoăn canh chừng tàu cướp biển. Đây là chiến thuyền quý báu của hạm đội Tây Ban Nha chở đầy những của cải đem về chính quốc. Con tàu chứa đầy những vàng, bạc nén, đầy những trân châu và ngọc lục bảo. Đây quả là phần thưởng quý báu cho bất kỳ quân cướp biển liều lĩnh nào bất chợt nhìn thấy.

Phải chăng những của cải này là của Á Châu? Phải chăng người Tây Ban Nha đã tìm ra được con đường đi Viễn Đông? Con tàu chở đầy những hàng quý giá này đã khởi hành từ các thuộc địa của Tây Ban Nha ở Tân Thế Giới. Và chiếc tàu này chỉ là phần nhỏ của những của cải mà Tây Ban Nha hàng năm chuyên chở từ các thuộc địa về chính quốc.

Chương này chúng ta sẽ bàn về việc Tây Ban Nha thiết lập đại đế quốc ở Tân Thế Giới và quốc gia này đã trở nên giàu có đến nỗi các quốc gia Âu Châu khác phải thèm khát và ganh tỵ. Chúng ta cũng sẽ tìm hiểu về đời sống thuộc địa Tây Ban Nha ở Mỹ châu. Thí dụ như tại sao người Tây Ban Nha lại thiết lập nhiều cơ sở truyền giáo giống như nhà thờ tại các thuộc địa ở Trung và Nam Mỹ. Khi đọc chương này các bạn hãy tìm kiếm những câu trả lời cho các câu hỏi dưới đây:

1. Tây Ban Nha đã thám hiểm và chinh phục được nhiều đất đai ở Tân Thế Giới như thế nào?

2. Đời sống ở thuộc địa Tây Ban Nha tại Mỹ Châu ra sao?

3. Anh Quốc và các quốc gia Âu Châu khác đã đe dọa thế lực của Tây Ban Nha như thế nào?

¨

PHẦN MỘT

TÂY BAN NHA ĐÃ THÁM HIỂM VÀ CHINH PHỤC ĐƯỢC
NHIỀU ĐẤT ĐAI Ở TÂN THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO?

- Tây Ban Nha, quốc gia tiền phong tiến đến Tân Thế Giới

Các bạn còn nhớ Columbus đã khám phá ra vô số quần đảo ở vùng biển Caribbean như các đảo Cuba, Hispaniola, Puerto Rico, và nhiều hòn đảo khác. Mặc dầu ông tìm được rất ít vàng, nhưng ông tin chắc là những đảo mà ông đã tìm ra là ở ngoài khơi Á Châu khiến cho Tây Ban Nha gửi các tàu thuyền chở người và đồ tiếp liệu đến Mỹ châu để lập nghiệp. Ngay sau đó, càng ngày càng có nhiều người đến lập nghiệp và chiếm đất mở mang nông trại và phát triển thành các đồn điền. Các nhà mạo hiểm đã liều lĩnh và các chiến binh nghèo khó cũng đua nhau lũ lượt kéo tới Cuba với hy vọng làm giàu. Họ tìm thấy rất ít vàng ở hòn đảo này. Chỉ có mỗi một cách là mở mang nông trại hay chăn nuôi súc vật mới có thể trở nên giàu có được. Nhưng đối với những người hằng ước ao mau được giàu có lớn thì cách thức kinh doanh này quá chậm đối với họ. Cho nên những người phiêu lưu từ các vùng định cư này lại ra đi thám hiểm Tân Thế Giới. Do đó, các hòn đảo ở vùng biển Caribbean đã trở nên đầu cầu cho các nhà phiêu lưu tiến vào lục địa Mỹ Châu.

- Tân Thế Giới lôi cuốn nhiều người Tây Ban Nha

Nhiều người Tây Ban Nha rất hăng hái đến Tân Thế Giới. Vào thời kỳ này, giới thanh niên thượng lưu ở Tây Ban Nha cũng như những người khác thường “dĩ binh vi nghiệp” (chọn nghề lính). Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ thứ 16, quân đội Tây Ban Nha không phải là luôn luôn lâm chiến, và nhiều quân nhân lại muốn phiêu lưu để được trở nên giàu có. Đối với những người này, những vùng đất xa lạ ở Tân Thế Giới có sức quyến rũ mời đón họ đến. Như vậy sao những nhà quý tộc can đảm của Tây Ban Nha lại không liều mình đi tìm lấy danh thơm và của cải?

Chúng ta nên nhớ rằng người Tây Ban Nha rất mộ đạo. Họ tin rằng họ có bổn phận biến cải những người ngoại đạo theo Thiên Chúa giáo. Như vậy ta thấy rằng Tân Thế Giới không những chỉ là nơi đất hứa cho họ đến làm giàu mà còn là nơi để giúp họ đến thi hành sứ mạng cứu rỗi linh hồn những kẻ ngoại đạo. Cho nên các công tử con các nhà quý tộc, các chiến sĩ dũng cảm, cũng như các tu sĩ can trường của Tây Ban Nha ồ ạt kéo tới Tân Thế Giới để thi hành sứ mạng của giáo hội, đi tìm kiếm vàng cho hoàng đế nước họ, cũng như đi làm giàu cho chính họ.

Vì vậy, đôi khi người ta thường gọi các nhà thám hiểm Tây Ban Nha là những người đi chinh phục. Chúng ta sẽ tìm hiểu về những chuyến đi phiêu lưu của ba nhà thám hiểm Tây Ban Nha mà có lẽ các bạn có thể biết tên họ: Balboa, Cortés và Pizarro.

¨ BALBOA KHÁM PHÁ RA THÁI BÌNH DƯƠNG

Một trong các nhà thám hiểm Tây Ban Nha này là Vasco Nunez de Balboa (gọi tắt là Balboa). Ông là một người cao lớn, kiêu căng tự phụ, và là một tay kiếm tuyệt vời. Ông còn là một chủ đồn điền ở Hispaniola, nhưng dòng máu phiêu lưu đã khiến cho ông không muốn an phận cuộc đời sung sướng. Ông thường được người da đỏ kể cho ông nghe nhiều câu chuyện về những vùng đất đầy những vàng là vàng. Người ta có thể tới vùng đất này (ngày nay gọi là nước Peru) bằng đường biển ở bên kia eo đất Panama. Balboa chụp ngay lấy cơ hội này để tạo lấy tiếng thơm cho chính ông. Ông liền viết thơ trình lên hoàng đế Ferdinand nước Tây Ban Nha, trong đó ông kể rõ về vùng đất này và xin nhà vua giúp đỡ. Dưới đây là một đoạn trong bức thư của ông:

“Trong các vùng sơn cước (ở Peru), các ông tù trưởng chất chứa ở trong nhà không biết bao nhiêu là vàng. Người ta bảo ... rằng các sông ngòi ở vùng sơn cước này chứa đầy những vàng, và rằng họ có biết bao nhiêu là đống kếch sù vàng...và người da đỏ nói rằng cách nơi họ ở ba ngày đường có một đại dương khác (Thái Bình Dương)... Họ nói rằng trong vùng bờ biển này dân chúng rất tử tế, và người ta nói với hạ thần rằng- Đại dương đó rất thuận tiện cho việc lưu thông bằng thuyền, vì biển đó rất yên lặng và không bao giờ có sóng lớn như đại dương ở phía bên này...Người ta còn nói rằng có những viên ngọc lớn, các ông tù trưởng có hàng nhiều thúng vàng như...Điều không có gì bằng là được Chúa xếp đặt cho Hoàng thượng làm chủ tế cõi đất này”.

Lời lẽ trong thư thật là khôn ngoan. Xuyên qua lá thư trên đây, chúng ta thấy rằng Balboa biết rất ít về vùng này, vì hầu hết những câu văn trong bức thơ trên, ông đều bắt đầu bằng chữ “Người ta nói rằng” (they said or it is said). Hoàng đế Tây Ban Nha hình như cũng biết như vậy, cho nên trong lá thư trả lời Balboa, mặc dầu đã hết sức khen ngợi Balboa, nhưng nhà vua đã từ chối không chịu giúp đỡ ông. Nếu Balboa muốn đi đến Peru thì ông phải đi bằng “phương tiện riêng của ông”.

- Balboa vượt eo đất Panama

Vào một ngày tháng chín năm 1513, Balboa cùng với hai trăm người Tây Ban Nha khởi hành đi từ bờ biển phía bên này (Đại tây dương) eo đất Panama. Đoàn người được võ trang bằng cung, nỏ, kiếm và súng ngắn. Đi theo họ có hàng trăm nô lệ da đỏ (dân bản địa). Bản đồ trang 55b cho ta thấy đoạn đường mà họ đi xét ra không lấy gì làm xa lắm, nhưng thật là vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Nào là đầy những rắn độc, đỉa, vắt, muỗi mòng, sâu bọ. Nguy hiểm nhất là thổ dân rất thù nghịch. Những cây dây leo đầm lầy trong rừng nhiệt đới đã khiến cho đoàn người chỉ đi được chừng một hay hai dặm mỗi ngày.

Cuối cùng, Balboa và đoàn người đi tới một dãy núi cao, và từ đó những người da đỏ đi theo hướng dẫn chỉ cho họ nhìn thấy “cái đại dương bên kia” ở về phía Nam. Ngay khi tới đỉnh dãy núi này, Balboa hạ lệnh cho đoàn người dừng lại để chờ. Mình ông leo lên chỗ cao dốc nhất và từ đó ông có thể thấy một giải nước mông mênh, chiếu sáng lung linh. Ông vội vã kêu đoàn người đến để cùng nhìn “cái đại dương mông mênh này”. Chính đoàn người này là những người da trắng đầu tiên từ trên bờ biển Tân Thế Giới nhìn thấy Thái bình dương.

- Balboa tuyên bố Tây Ban Nha làm chủ Thái bình dương

Bốn ngày sau, đoàn người tới tận Thái Bình Dương.Với ngọn cờ Tây Ban Nha phất phới trong gió nhẹ, Balboa vừa rút kiếm vừa bước xuống biển và tuyên bố rằng biển này và các vùng đất bao quanh nó là thuộc của vua nước ông. Ông đặt tên cho vùng biển này là biển Nam, vì nó nằm ngay ở phía Nam đối với nơi mà ông khởi hành chuyến đi (xem bản đồ trang 55b). Mãi tới chuyến đi của Magellan, biển này mới được đặt tên là Thái bình dương, như ngày nay chúng ta thường gọi.

Balboa đem tin khám phá trở về. Ông dự trù một kế hoạch vượt biển Nam (Thái bình dương) để đi tìm vàng. Nhưng vị Thống đốc mới cũng như những người Tây Ban Nha khác ở Panama đã ganh tỵ với ông và ngăn không cho ông thi hành kế hoạch đi tìm vùng đất đầy những vàng mà ông đã viết thư trình lên hoàng đế Tây Ban Nha. Cuối cùng, nhà thám hiểm bất hạnh Balboa bị tố cáo là phản bội và bị xử tử.

¨ HERNANDO CORTÉS CHINH PHỤC MỄ TÂY CƠ

Không phải chỉ có Balboa là người Tây Ban Nha được nghe những câu chuyện về những vùng đất đầy vàng này. Những đi biển đã đặt chân tới vùng bờ biển của lục địa đối diện với Cuba đều kể lại về vùng đất vĩ đại ở phía Bắc và phía Tây (Mễ Tây Cơ), nơi mà người ta tìm thấy rất nhiều vàng, bạc, châu báu. Họ nói rằng có một bộ lạc văn minh người da đỏ gọi là Aztecs sinh sống ở vùng này. Tất cả các bộ lạc kế cận đều phải triều cống hoàng đế của người Aztecs. Vị thống đốc ở Cuba quyết định kiểm soát các câu chuyện này. Ông dự định gửi một đoàn thám hiểm đi vùng đất đầy vàng để biến cải những người da đỏ theo Thiên Chúa giáo, và có lẽ là để đi khám phá cái kho tàng quý báu ở nơi này.

- Cortés đi Mễ Tây Cơ

Viên Thống đốc Cuba chọn một quân nhân đầy tham vọng tên là Hernando Cortés cầm đầu đoàn thám hiểm. Lúc bấy giờ Cortés vào khoảng 33 tuổi. Ông có đôi mắt sáng và phong độ vui vẻ hòa nhã. Vốn là con nhà quý tộc nghèo người Tây Ban Nha, năm 19 tuổi, ông từ giã quê nhà đi Tân Thế Giới lập nghiệp. Ông đã từng phục vụ trong quân đội Tây Ban Nha và đã từng tham dự các chiến dịch dẹp loạn người da đỏ ở Cuba. Sau này ông trở nên một chủ nhân giàu có nhờ khai phá đồn điền. Giống như Balboa, ông rất ham thích phiêu lưu cho nên ông cảm thấy rất hân hoan sung sướng được là người cầm đầu đoàn thám hiểm này.

Cortés rời Cuba vào đầu năm 1519 cùng với 15 chiếc tàu, 600 thủy thủ, vài ba nhà truyền giáo, một số ngựa và một nhóm người nô lệ hay công nhân da đỏ. Hạm đội Tây Ban Nha đổ bộ vào Mễ Tây Cơ, nơi mà ngày nay gọi là thành phố Veracruz, và Cortés chiếm đóng vùng này cho Tây Ban Nha. Tiếp xúc với thổ dân ở vùng này, ông được hiểu rõ hơn về dân Aztecs và hoàng đế Moctezuma của họ.

- Cortés tình cờ gặp sứ giả và chặn đường rút lui của quân sĩ mình

Trong lúc ấy, sứ giả mang tin cho Moctezuma biết về những người ngoại quốc da trắng, râu ria xồm xoàm, cưỡi những con thú to lớn và có vũ khí gây những tiếng vang như sấm. Dân Aztecs vốn có một câu chuyện huyền thoại về một vị thần ngày xưa cai trị xứ họ. Và hàng trăm năm trước đó vị thần ấy đã ra đi bằng một chiếc thuyền vĩ đại và hứa hẹn một ngày nào đó sẽ trở lại. Có thể lắm! Moctezuma tự nghĩ rằng có thể người cầm đầu của đám dân xa lạ này chẳng là vị thần ngày xưa hay sao? Moctezuma sợ mất cơ hội tốt, ông gửi sứ giả đến với những lời chào mừng và những tặng vật vô cùng quý giá. Trong số tặng vật này có hai cái đĩa to bằng cái bánh xe, một cái toàn là vàng, một cái toàn là bạc.

Hơn bao giờ hết, Cortés nôn nóng muốn gặp vị hoàng đế làm chủ cái kho tàng quý giá kia. Ông nảy ra một ý định táo bạo. Ông sẽ áp đảo vị hoàng đế này để chiếm đoạt hết của cải và vùng đất này luôn cho quốc gia Tây Ban Nha của ông, và dĩ nhiên cũng là cho chính ông và đoàn người của ông. Thay vì theo lệnh của viên thống đốc Cuba, thì bây giờ chính ông sẽ tự liệu lấy mọi công chuyện. Đồng thời ông đã khôn ngoan gửi một lá thơ lên hoàng đế Tây Ban Nha để nói rõ ý định của ông. Ông cũng nói cho đoàn người dưới quyền ông hay rằng ông đang thi hành quyết định thiết lập một thuộc địa mới.

Cortés là một vị chỉ huy biết khích lệ những người khác theo mình. Đoàn người dưới quyền ông đã hân hoan tán đồng kế hoạch táo bạo của ông. Sau đó, ông đốt hết tàu thuyền khiến cho những người dưới quyền ông không còn hy vọng đường rút lui. Và như vậy, họ sẽ chiến đấu can đảm hơn. Ông đã tìm hiểu và được biết rằng dân da đỏ thuộc các bộ lạc dọc vùng bờ biển này rất căm ghét chính quyền Moctezuma. Do đó, họ sẽ sẵn sàng hợp tác với ông để chống lại Moctezuma. Tháng 8 năm 1519, một nhóm ít người da trắng và đồng minh da đỏ của ông tiến tới Tenochtitlan, thủ đô của người Aztecs ở trong vùng núi miền Trung Mễ Tây Cơ.

- Cortés tới Tenochtitlán

Hai tháng sau khi khởi hành đoàn người Tây Ban Nha mệt mỏi đứng nhìn thành phố thủ đô Aztecs trong kinh ngạc. Thành phố được xây trên một hòn đảo nằm trong một cái hồ cạn to lớn và được nối với đất liền bằng ba con đường đất đắp cao. Nhiều con kinh chằng chịt trong thành phố, tàu thuyền sơn màu lòe loẹt tấp nập tới lui. Hai bên ven kinh lại có đường bộ chạy song hành. Các toà nhà sơn màu trắng chói chang dưới ánh nắng mặt trời. Ngôi đền thờ thần của người Aztecs cao vượt hẳn lên trong thành phố.

Đoàn người Tây Ban Nha được vị chúa tể Moctezuma của người Aztecs tiếp kiến. Moctezuma cao lớn, uy nghi, ngồi trong một chiếc ngai do một nhóm người khiêng. Khi ngừng lại, ông ta bước xuống thì có người ra trải thảm để đôi dép bằng vàng của ông khỏi chạm đất. Các quan chức cao cấp người Aztecs đứng hầu quanh bên ông ta mà không dám ngước mắt nhìn ông. Moctezuma và Cortés trao đổi tặng vật, sau đó thì đoàn người Tây Ban Nha tiến vào thành phố.

Mặc dầu e ngại những người lạ, nhưng Moctezuma cũng tiếp đãi những người Tây Ban Nha như những khách quý. Đoàn người lưu lại trong thành phố vài tháng, và nhờ buôn bán với người da đỏ nên họ tích lũy được một số vàng, bạc và của cải. Dân địa phương đã tỏ ra không thù nghịch đối với họ và Cortés nhận thấy rằng đoàn người của ông quả là quá ít so với con số đông đảo của dân Aztecs.

- Người Tây Ban Nha chiến đấu mở đường thoát khỏi thành phố Tenochtitlán

Sau đó, Cortés được tin thống đốc Cuba gửi một đoàn thám hiểm đi Mễ Tây Cơ để bắt ông bỏ tù. Cùng với một số ít người tùy tùng, Cortés trở về vùng bờ biển. Tại đây, ông bắt được người cầm đầu đoàn thám hiểm nói trên. Ông nói cho họ hay về cái kho tàng của dân Aztecs, và nếu ông cùng đoàn người cùng nhau chinh phục người Aztecs thì cái kho tàng quý báu kia sẽ thuộc về họ. Ông thuyết phục được những người này theo ông. Cùng với những người mới nhập cuộc này, Cortés trở lại Tenochtitlán. Khi trở lại, ông nhận ra rằng trong thời gian ông vắng mặt tại đây, đã có những cuộc đụng độ giữa người Tây Ban Nha và người Aztecs. Dân Aztecs đã biết rõ rằng những người da trắng này không phải là thần thánh cho nên họ đã nổi giận.

Sau nhiều ngày chiến đấu gian khổ, Cortés quyết định rời khỏi thành phố. Ngay cả đại bác, súng ống của ông cũng không thể địch được với hàng ngàn chiến sĩ Aztecs. Người Tây Ban Nha chất vàng và các đồ trang sức định chuồn khỏi thành phố trong đêm tối, nhưng họ đã bị lộ khi tháo chạy và hai bên ác chiến kịch liệt. Nhiều người Tây Ban Nha lao mình xuống hồ và bị chết đuối. Hàng trăm người khác bị người Aztecs đâm và bắn chết. Cortés và một số người thoát hiểm, nhưng đã phải chịu thất bại ê chề. Người ta nói sau đó Cortés ngồi bên gốc cây ở ngoài thành phố đã khóc sướt mướt, thương tiếc xót xa cho 450 chiến sĩ dũng cảm đã hy sinh trong trận đánh vừa qua.

- Cuối cùng Tenochtitlán đầu hàng Cortés

Cortés biết rằng ông còn phải cố gắng để khuất phục thành phố Tenochtitlán và quân Aztecs. Hoặc là ông phải thành công, hoặc là ông sẽ không bao giờ trở lại Cuba nữa- trừ khi ông muốn bị treo cổ vì phản bội. Nhưng cuối cùng mãi tới năm 1521 thành phố này phải đầu hàng. Cortés đã triệt hạ thủ đô của người Aztecs và xây lại một thành phố khác theo kiểu của người Tây Ban Nha ngay chỗ ấy. Ông gọi thành phố này là thành phố Mễ Tây Cơ. Không bao lâu, các nhà thờ Thiên Chúa giáo mọc lên như nấm thay thế các đền đài của người Aztecs.

- Cortés tiếp tục chinh phục

Cortés không ngừng lại ở đây. Là Tư Lệnh quân lực Tây Ban Nha tại Mễ Tây Cơ, ông gửi nhiều đạo quân đi khắp các đế quốc Aztecs và tới tận Trung Mỹ. Chính ông cũng dẫn đầu một số đoàn quân thám hiểm viễn chinh này. Ông chiếm đoạt các mỏ vàng, mỏ bạc và của cải mà ông tìm gặp, và bắt dân da đỏ làm việc cho người Tây Ban Nha. Khi ông mất đi vào năm ông 62 tuổi thì chính quyền Tây Ban Nha đã kiểm soát được một vùng rộng lớn từ phía Bắc Trung Mỹ qua Mễ Tây Cơ tới tận vùng mà ngày nay gọi là Tây Nam Hoa Kỳ. Dù rằng chúng ta có thể không đồng ý về phương cách hoạt động của Cortés, nhưng ta phải khâm phục lòng quả cảm và sự kiên gan của nhà chinh phục Mễ Tây Cơ này.

¨ PIZARRO CHINH PHỤC XỨ PERU

Sau cái chết của Balboa, người Tây Ban Nha mới hiểu biết hơn về mảnh đất mà Balboa đã từng hy vọng chinh phục. Vùng đất này ngày nay chúng ta gọi là Peru, quê hương của những người da đỏ có trình độ văn minh khá cao. Dân địa phương ở đây sống dưới quyền cai trị của bộ tộc Inca. “Inca” nghĩa là con cái của mặt trời. Những người da đỏ này là những nông dân thông minh. Họ đã biết dẫn thủy nhập điền để trồng trọt, biết dệt những thứ vải tốt và làm các loại đồ gốm và kim khí khá xinh đẹp. Điều quan trọng hơn cả đối với người Tây Ban Nha đi tìm vàng là họ đã từng được nghe nói dân tộc Inca đi giày bằng vàng, ăn bát đĩa vàng. Quả thật như vậy thì nơi đây đúng là vùng đất mà họ đang đi tìm kiếm.

- Pizarro tiến vào quê hương của người Inca

Người quyết định chinh phục xứ Peru chính là Francisco Pizarro. Là một tay lão luyện trong cuộc đời thám hiểm, Pizarro đã từng cùng với Balboa vượt eo đất Panama. Không như Cortés và Balboa xuất thân từ dòng dõi quý tộc, Pizarro vốn xuất thân từ giai cấp bình dân, và từ bé chưa bao giờ ông được gửi đến trường để học một bài học vỡ lòng. Ông quả là con người thô bạo, tàn nhẫn, nhưng lại là một nhà thám hiểm cừ khôi, vì rằng dù gian lao, cực khổ, thất vọng, đắng cay bao nhiêu đi nữa cũng không làm ông nản chí sờn lòng.

Ông hiểu rằng muốn chiến thắng được bộ tôc Inca, thì chính ông và đoàn người của ông phải khắc phục khó khăn, gian khổ, vì bộ tộc này sống trong vùng núi Andes cao chót vót. Biết rõ như vậy nên ông đã phải mất nhiều năm để chuẩn bị cho cuộc phiêu lưu này. Ông đổ bộ an toàn vào duyên hải xứ Peru và dừng lại đó một thời gian để điều nghiên và nắm vững tình hình. Sau cùng, với vỏn vẹn 180 người Tây Ban Nha dưới quyền, ông hạ lệnh cho họ tiến vào thành phố của người Inca vào năm 1532. Ông vững tin rằng với sự ưu thắng về vũ khí và đoàn chiến mã của ông, dù với một số ít quân, ông cũng sẽ chiến thắng được đoàn quân đông gấp bội của người Inca. Chính ông cùng quân sĩ và chiến mã phải leo trèo các dốc núi cao. Cuối cùng, quân đội của ông tiến được vào thành phố Caxamarca, nơi mà vị chúa tể của bộ tộc Inca đang ngạo mạn chờ đợi ông.

- Pizarro cầm tù nhà vua và chiếm được số lớn vàng chuộc Đế

Hàng ngàn quan quân xúm quanh mình, nhà vua Atahualpa chễm chệ ngồi trên chiếc ngai bằng vàng thiệt. Chúng ta có thể hình dung rằng ông ta không hề sợ hãi gì đối với đoàn người da trắng ít oi kể cả những vũ khí mà ông ta chưa hề nhìn thấy. Người Tây Ban Nha bèn nảy ra ý kiến chụp lấy cơ hội để biến cải Atahualpa thành một tín đồ Thiên Chúa giáo, quy phục hoàng đế Tây Ban Nha. Có thông ngôn dịch lại, một vị tu sĩ giảng thuyết cho Atahualpa về giáo lý Thiên Chúa giáo, và thôi thúc ông ta nên tin nhận Chúa. Atahualpa lắng nghe lời thuyết giảng, nhưng không mảy may xiêu lòng. Ông ta chỉ lên mặt trời và nói rằng “Thượng đế của ta còn đang ngự trị ở trên trời cao và đang thương mến nhìn xuống đàn con của ngài dưới thế gian này”. Rồi ông ta liệng cuốn Thánh kinh mà vị tu sĩ vừa đưa cho ông ta. Thật là quá đáng đối với người Tây Ban Nha mộ đạo, và Pizarro hạ lệnh khai hỏa. Nhà vua của bộ tộc Inca đứng trong ngai vàng kinh hoàng lặng nhìn người Tây Ban Nha tàn sát hàng ngàn quần thần và quân sĩ của ông ta. Ngay khi đó Pizarro bắt Atahualpa giam lại.

Thấy người Tây Ban Nha ham muốn vàng hết sức, ông vua bị cầm tù quay ra mặc cả với Pizarro để được tự do. Ông ta vươn tay lên bức tường của chiếc phòng giam cao bằng khoảng đầu người mà hứa rằng nếu Pizarro thả ông thì ông sẽ biếu Pizarro một số vàng có thể chứa đầy căn phòng này. Pizarro đồng ý. Những ngày kế tiếp, dân da đỏ lũ lượt khuân vác báu vật bằng vàng từ các lâu đài, miếu điện đến chất chứa cho đầy phòng. Đây là báu vật chuộc Đế. Căn phòng chứa đầy của cải, báu vật trị giá chừng 15 triệu Mỹ kim. Atahualpa đã thực hiện lời hứa, nhưng Pizarro đã không hề nghĩ tới việc giữ lời hứa này. Đối với ông, mặc cả chỉ là một cách đơn giản dễ dàng để thâu tóm được vàng của bộ tộc Inca. Sau đó, ông tìm cớ sát hại Atahualpa bằng cách hạ lệnh cho người của ông bóp cổ cho chết.

- Pizarro bị sát hại

Không bao lâu, Pizarro lại chinh phục các đô thị khác rồi ông nắm quyền kiểm soát toàn thể vương quốc Inca. Ông cho thành lập thành phố Lima kiểu Tây Ban Nha, và thành phố này đã trở nên một trong những thành phố quan trọng nhất ở Tân Thế Giới. Tuy nhiên, Pizarro lại không có cơ hội để an hưởng của cải và danh vọng mà ông đã dày công tạo dựng. Ông đối xử quá hà khắc đối với dân da đỏ khiến họ nổi loạn và chiến tranh kéo dài triền miên. Đồng thời cũng có nhiều ganh tỵ và mưu đồ ở ngay trong những người Tây Ban Nha. Pizarro chết một cách bất đắc kỳ tử, như khi ông còn sống, ông đã từng gieo những cái chết thương đau cho những người khác. Chính ông bị người đồng hương sát hại.

¨ TÂY BAN NHA NẮM TRỌN QUYỀN LỰC VÀ TÀI SẢN TẠI CÁC THUỘC ĐỊA Ở TÂN THẾ GIỚI

- Các nhà thám hiểm khác mở rộng vùng ảnh hưởng và quyền chiếm đất của Tây Ban Nha ở Tân Thế Giới

Qua các đoạn văn trên, các bạn đã biết rõ về Balboa, Cortés và Pizarro. Dĩ nhiên còn có nhiều nhà thám hiểm nổi tiếng cũng đòi cho Tây Ban Nha quyền chiếm hữu những miền đất mà họ đã khám phá được khi họ đi tìm các kho tàng và danh vọng. Các bạn cũng nên biết thêm vài người trong số này.

1. Ông Ponce de Leon khám phá ra Florida trong khi đi tìm “ Dòng suối trường sinh”. Mặc dù công cuộc thám hiểm của ông không mang lại được gì nhưng nhờ đó mà những người Tây Ban Nha khác thành lập được một làng định cư ở Saint Augustine, Florida vào năm 1565. Đây là thành phố kỳ cựu nhất ở Hoa Kỳ.

2. Một người Tây Ban Nha khác tên là Cabeza de Vaca đã đi lang thang suốt chín năm trường khắp Mễ Tây Cơ và các vùng đất mà nay là tiểu bang Texas.

3. Francisco Coronado đã lê gót hàng trăm dặm đường khắp cả miền rộng lớn, nơi mà ngày nay gọi là miền Tây Nam để đi tìm những thành phố mà người da đỏ nói là có vàng. Coronado kể lại rằng ông đã tới “một miền tuyệt đẹp rất tốt cho việc sản xuất những sản phẩm Tây Ban Nha vì đất đen màu mỡ, lại có những suối nước rất thuận lợi cho việc trồng trọt. Tôi đã tìm thấy giống mận như mận ở Tây Ban Nha và có rất nhiều nho và dâu ngọt nữa”. Nhưng Coronado không tìm được vàng. Những người da đỏ hướng dẫn ông thú nhận rằng những câu chuyện mà họ đồn đều sai sự thật. “Họ tin rằng con đường xuyên qua sa mạc hoang vu như vậy sẽ khiến cho chúng ta và lừa ngựa phải chết vì thiếu nước”.

4. Hernando de Soto là người da trắng đầu tiên khám phá sông Mississippi. Ông đi tới sông này vào khoảng 140 năm trước khi La Salle đặt chân tới. Nhưng lúc đó người Tây Ban Nha lại không làm gì để định cư hay chiếm vùng này để lập thuộc địa. Vì thế cho nên sau này La Salle đòi quyền chiếm vùng này cho nước Pháp.

- Tân đế quốc Tây Ban Nha mở rộng

Theo sau những người Tây Ban Nha đi chinh phục xâm chiếm là các tu sĩ, viên chức của chính quyền, thương gia và những người đi định cư lập nghiệp. Chỉ trong vòng trăm năm sau khi Columbus đặt chân lên Tân Thế Giới, Tây Ban Nha đã tạo dựng được một đế quốc vĩ đại ở Mỹ Châu bao gồm cả Nam Mỹ (ngoại trừ Ba Tây, nơi mà người Bồ Đào Nha đòi quyền chiếm hữu), toàn bộ Trung Mỹ và Mễ Tây Cơ. Đế quốc Tây Ban Nha còn bao gồm cả Florida, vùng duyên hải chung quanh vịnh Mễ Tây Cơ, một phần Tây Nam Hoa Kỳ ngày nay và quần đảo Tây Ấn (West Indies) nằm trong vùng biển Caribbean.

Đế quốc rộng lớn này chia làm hai phần:

1. Tân Tây Ban Nha bao gồm Mễ Tây Cơ và quần đảo West Indies trong vùng biển Caribbean.

2. Thuộc địa Peru ở Nam Mỹ, ngoại trừ Venezuela.

- Tây Ban Nha trở nên quốc gia giàu mạnh nhất Âu Châu

Người Tây Ban Nha chiếm đoạt biết bao nhiêu tài sản của hai vương quốc Aztecs và Inca. Họ còn cưỡng bách người da đỏ ra công đào bới tìm vàng bạc ở các vùng mỏ Mễ Tây Cơ và Peru. Suốt thế kỷ thứ 16, ngày đêm tàu bè tấp nập vượt Đại tây dương chở của cải từ Tân đế quốc ở Mỹ Châu về làm giàu cho chính quốc. Nhờ vậy, Tây Ban Nha trở nên quốc gia giàu nhất Âu Châu vào lúc bấy giờ.

Của cải có nghĩa là quyền lực. Những của cải vừa tìm kiếm được đã làm cho quốc gia Tây Ban Nha trở nên hùng mạnh nhất ở Âu Châu thời đó. Tây Ban Nha thiết lập được đế quốc hùng mạnh ở Tân Thế Giới, và có thể gửi quân lính đi đồn trú bảo vệ đế quốc này. Quốc gia này luôn luôn có một lực lượng hải quân vô cùng mạnh được phái đi bảo vệ các đội thương thuyền để chống lại mọi cuộc tấn công có thể xảy ra.

Vào hậu bán thế kỷ thứ 16, Tây Ban Nha đã đạt đến tuyệt đỉnh của quyền lực. Vua Phillip II, một tín đồ công giáo nhiệt thành, cai trị cả một đế quốc vô cùng rộng lớn ở Âu Châu và ở Tân Thế Giới. Quyền lực của ông còn được mở rộng hơn nữa, vì Đức giáo hoàng ở La Mã coi ông như người có công biến cải những người không công giáo thành công giáo trong đế quốc của ông, và coi ông như người bảo vệ chính nghĩa của giáo hội ở khắp mọi nơi. Lúc bấy giờ, khi nói đến đất đai, tiền của và quyền lực của vua Phillip, người ta thường nói “Khi Tây Ban Nha chuyển mình thì địa cầu phải rung rinh”.

¨

PHẦN HAI

SINH HOẠT Ở THUỘC ĐỊA TÂY BAN NHA TẠI MỸ CHÂU RA SAO?

Những câu chuyện của những người Tây Ban Nha đi thám hiểm và chinh phục thì rất hào hùng, nhưng chúng ta lại muốn biết nhiều hơn về đế quốc Tây Ban Nha ở Mỹ Châu. Người dân sinh hoạt ở thuộc địa Tây Ban Nha ra sao? Người Tây Ban Nha đã hòa mình với những người da đỏ như thế nào?

Thay vì tìm hiểu đời sống ở thuộc địa Tây Ban Nha một cách thông thường, chúng ta hãy đọc một vài lá thơ tưởng tượng do cậu Philip Andrew 15 tuổi viết. Chúng ta hãy giả thử rằng cậu Philip là con của một gia đình mà cha là người Anh, mẹ là người Tây Ban Nha, đi Tân Tây Ban Nha (tức thuộc địa Tây Ban Nha ở Mỹ Châu) vào đầu thế kỷ thứ 18 để thăm một người chú của cậu ta. Mặc dù sự thật không có cậu Philip Andrew, nhưng những lá thư này cũng cho ta thấy một hình ảnh sống động về đời sống ở thuộc địa Tây Ban Nha. Cứ tưởng tượng rằng người ta tìm thấy những lá thư này vào sau một thời gian khá lâu sau khi cậu Philip viết cho ba má cậu. Và người tìm thấy những lá thư này viết những tựa đề và ghi cách đọc. Chúng ta cũng nên nhớ rằng người con trai vào thế kỷ thứ 18, khi phải viết thư cho cha mẹ thì họ viết một cách trang trọng hơn các cô cậu ngày nay.

¨ CHÍNH PHỦ TÂY BAN NHA KIỂM SOÁT DÂN THUỘC ĐỊA TÂY BAN NHA

Trên tàu đi Tân Tây Ban Nha

Cha Mẹ kính mến,

Ngay từ đầu chuyến đi con đã gặp may mắn. Một trong những người cùng đi trên tàu với con là một viên chức trong chánh quyền Tây Ban Nha. Nói chuyện với ông ta, con được biết rất nhiều về thuộc địa Tây Ban Nha ngay cả trước khi con được đặt chân tới đó. Cho nên trong lá thư đầu tiên này, con có thể nói cho cha mẹ biết tổng quát về Tân Tây Ban Nha và tổ chức chính quyền ở đây, dù con chưa tới đó.

- Chính quyền kiểm soát hầu hết mọi thứ

Điều rõ ràng nhất ở các thuộc địa Tây Ban Nha là chính quyền kiểm soát chặt chẽ mọi thứ. Thí dụ như chính quyền giới hạn những người đi đến thuộc địa Tây Ban Nha. Trừ những người công giáo sinh đẻ tại chính quốc, không một ai được đến lập nghiệp ở đây. Bất kỳ ai nhập cảnh Tân Tây Ban Nha đều phải có giấy phép.

Một điều khác nữa là chính quyền điều hành rất cẩn thận vấn đề giao thương giữa chính quốc và thuộc địa. Chỉ có những thương gia người Tây Ban Nha sử dụng những tàu thuyền của Tây Ban Nha mới được giao thương với Tân Tây Ban Nha. Hằng năm cứ đến mùa xuân, các thương thuyền có hạm đội võ trang hộ tống từ Tây Ban Nha vượt biển đi Veracruz. Những tàu này chứa đầy những hàng hóa kỹ nghệ như hàng vải tốt, giày dép và các dụng cụ. Những hàng hóa Tây Ban Nha được bán đi ở Tân Tây Ban Nha, và mua ở đây những sản phẩm như bắp, súc vật, da sống và các thứ khác.

Nhân dân ở các thuộc địa (Tây Ban Nha) không thích chính sách điều hành giao thương này của chính quốc. Ở Veracruz, họ phải mua tất cả những gì họ cần hoặc bán những gì họ sản xuất được cho cùng một thương gia. Người dân ở thuộc địa không có quyền gì để nói lên tiếng nói về giá cả hàng hóa mà họ bán hay mua. Họ không được phép trồng những gì mà ở chính quốc Tây Ban Nha sản xuất. Vì nếu họ được phép thì các thương gia Tây Ban Nha sẽ không bán được hàng hóa ở thuộc địa. Điều mà nhân dân thuộc địa muốn là họ mong được tự do giao thương với các quốc gia khác.

Một thí dụ khác về việc chính quyền kiểm soát chặt chẽ Tân Tây Ban Nha. Hoàng đế Tây Ban Nha bổ nhậm vị thống đốc thuộc địa gọi là Phó vương. Viên chức này có rất nhiều quyền hành, trong khi đó dân chúng không có tiếng nói gì với chính quyền cả. Vị Phó vương và các viên chức dưới quyền kiểm soát đời sống dân chúng, ban hành đủ mọi thứ luật lệ. Như cha mẹ đã thấy là dân chúng ở Tây Ban Nha không được tự do như họ hằng mong muốn.

 

Trân trọng kính thư,

Con yêu quý của Cha Mẹ

Philip.

 

 

¨ NGƯỜI TÂY BAN NHA VÀ NGƯỜI DA ĐỎ

Viết trên tàu

Cha Mẹ kính mến,

Con lại nói chuyện với người bạn viên chức Tây Ban Nha của con. Con có hỏi ông ta về cách đối xử của người Tây Ban Nha đối với người da đỏ như thế nào? Ông ta nói rằng những người Tây Ban Nha khi đi chinh phục mới đặt chân đến Tân Thế Giới lần đầu họ không tôn trọng người da đỏ, mà thường hay đuổi họ ra khỏi nhà của họ. Tuy nhiên, chính quyền Tây Ban Nha không chấp nhận sự đối xử tàn ác đối với người da đỏ như vậy. Chính quyền cũng đã thiết lập một hệ thống mới nhưng cổ xưa như hồi thế kỷ thứ 16 để bảo vệ và giúp đỡ người da đỏ.

- Người da đỏ làm việc cho người Tây Ban Nha

Mỗi khi một nhà hàng hải Tây Ban Nha chiếm được vùng đất nào thì đất đai và dân da đỏ ở vùng đó được phân chia cho chính người chiếm đất và những người đồng hành của ông ta. Người Tây Ban Nha cho rằng người da đỏ được đối xử tử tế, được biến cải theo Thiên Chúa giáo và được phép có một số đất đai để canh tác sinh nhai. Bù lại, người da đỏ phải làm việc trong các đồn điền hay nông trại hoặc ở các mỏ của ông chủ để lãnh một số lương khiêm nhường. Khi con hỏi người bạn con rằng đường lối hoạt động như vậy có tiến hành tốt đẹp không, thì ông ta lắc đầu mà bảo rằng các ông địa chủ Tây Ban Nha rất ít để tâm đến luật lệ ban hành ở mãi chính quốc Tây Ban Nha xa xôi hàng vạn dặm đường. Con có thể nói rằng người da đỏ ở các thuộc địa Tây Ban Nha không hơn gì bọn nông nô ở Âu Châu vào thời Trung cổ. Họ không được phép đi khỏi nơi họ ở, và buộc phải làm việc không lương cho các chủ nhân ông.

Họ thường lấy làm nhục vì phải làm việc quá sức, và đôi khi họ gần như phải chết đói. Người bạn của con nói rằng các tu sĩ Tây Ban Nha cố gắng giúp cho người da đỏ được thoải mái hơn, nhưng họ đã gặp phải nhiều khó khăn để thực hiện điều này. Tuy nhiên, người bạn con lại nhận xét rằng dầu sao thì sống dưới chế độ này, người da đỏ cũng không đến nỗi tệ hơn là sống dưới chế độ của người Aztecs.

- Người da đỏ được biến cải theo Thiên Chúa Giáo

Một tu sĩ cùng đi đến Tân Tây Ban Nha nói với con rằng người Tây Ban Nha cố gắng biến cải người da đỏ theo đạo Thiên Chúa. Các tu sĩ Tây Ban Nha cho xây cất nhiều nhà thờ ở rải rác khắp Tây Ban Nha, và cho thiết lập các hội truyền giáo ở các lãnh địa xa xôi. Các tu sĩ truyền giáo săn sóc việc học hành và dạy giáo lý công giáo cho dân da đỏ. Khi con tới Tân Tây Ban Nha, con sẽ cố gắng đi thăm một trong những hội truyền giáo này.

Con không còn ở cách xa Tân Tây Ban Nha bao nhiêu nữa và trong lá thư kế tiếp con mới có thể kể cho cha mẹ nghe những điều mà chính con trực tiếp chứng kiến. Chúng con hy vọng sẽ ghé bên ở Veracruz, và từ đó con sẽ đi tới thành phố Mễ Tây Cơ. Con mong ước được thấy những điều mới lạ thích thú khi tới đó.

 

Nay kính,

Con yêu quý của Cha Mẹ

Philip.

 

¨ ĐỜI SỐNG Ở MỄ TÂY CƠ CITY

Viết ở Mexico City

Cha Mẹ kính mến,

Sau khi viết lá thư vừa qua thì con tới Tân Tây Ban Nha. Trong thư này con sẽ kể cho Cha mẹ hay những điều con thấy ở Mexico City.

Mexico City là một đô thị giàu có và rộng lớn nhất ở Tân Tây Ban Nha, và cũng là một trong những thành phố mỹ lệ nhất. Một phần của thành phố được bao quanh bằng một cái hồ cạn, cho nên người ta có thể dùng đường bộ cũng như đường thủy để chuyển vận hàng hóa đến tận trung tâm thành phố. Thành phố được xây quanh công viên trung ương rộng lớn và cũng là nơi tọa lạc của nhà thờ chính tòa và dinh thự của vị Phó vương. Có những con đường trải đá chạy ngang dọc thành phố. Nếu xét ra ở chỗ nào cần thiết, người ta sẽ đổ đất và đá để lấp hố làm đường. Hầu hết nhà cửa ở đây là nhà hai tầng có hàng hiên song sắt ở trước cửa. Nhà được xây chung quanh một cái sân trống trải để những người trong gia đình có thể ngồi ở đó giải trí mà không sợ người láng giềng hay khách qua đường có thể nhìn thấy được.

- Mexico City là thủ đô của Tân Tây Ban Nha

Vì Mexico City là thủ đô nên thành phố này khác hẳn với những thành phố khác ở Tân Tây Ban Nha. Viên chức cao cấp nhất của Tân Tây Ban Nha là vị Phó vương sống ở đây. Là đại diện của hoàng đế Tây Ban Nha, ông cầm đầu chính quyền Tân Tây Ban Nha và ông có rất nhiều trách nhiệm và bổn phận. Những viên chức khác của chính phủ do vị Phó vương bổ nhậm cũng sống trong thành phố này. Thật ra Mexico City giống như thủ đô của chính quốc Tây Ban Nha nhưng ở một tầm mức nhỏ hẹp hơn, và vị Phó vương cùng những viên chức thân cận của ông cũng giống như nhà vua và các viên cận thần của nhà vua vậy.

Một dấu hiệu khác chứng tỏ Mexico City là thủ đô ở đây có nhà thờ chính tòa. Người ta nói nhà thờ tráng lệ này lớn nhất ở Tân Thế Giới. Đây là tòa Tổng Giám Mục ở Tân Tây Ban Nha, nơi cư ngụ của một chức sắc cao cấp nhất của giáo hội công giáo ở đây. Sự hiện diện của vị Tổng Giám Mục đã lôi cuốn nhiều chức sắc khác của giáo hội tới Mexico City cũng như vị Phó vương đã lôi cuốn các viên chức khác của chính phủ về đây. Ngoài ra, ở đây còn có đại học Mexico. Đại học này và đại học Lima (Peru) đều được thành lập vào năm 1551. Đây là hai đại học kỳ cựu nhất ở tân thế giới. Đồng thời cũng có nhiều nhà thờ và đại học khác nhưng ít quan trọng hơn.

Mexico City nổi tiếng về sự huy hoàng và nghi thức kiểu cách của nó. Người ta thường tổ chức những cuộc diễu hành vào các ngày có biến cố quan trọng như các buổi lễ tiếp rước hay tiễn đưa các vị tân hay cựu phó vương đến hay đi. Thường thường có những cuộc rước lễ long trọng. Nhà giàu có thường tổ chức các bữa tiệc liên hoan hay những đêm dạ hội trong những căn nhà sang trọng ở trong hay gần thành phố. Đàn ông, đàn bà mặc những áo lụa đẹp và đeo những đồ trang sức đắt tiền. Tuy nhiên hàng ngàn dân nghèo lại không được tham dự vào sự giàu có và huy hoàng của thành phố này. Họ là những người làm việc cực nhọc và sống cuộc đời khốn khổ trong căn nhà có một phòng ở ngoại ô thành phố.

- Bốn giai cấp ở Tân Tây Ban Nha

Con nghĩ rằng cha mẹ sẽ chú ý đến những giai cấp ở đây. Con được biết ở Tân Tây Ban Nha có bốn giai cấp:

1. Những người Tây Ban Nha sinh đẻ ở chính quốc Tây Ban Nha. Họ thường nắm giữ những chức vụ quan trọng trong giáo hội cũng như chính quyền.

2. Người Creeles là những người Tây Ban Nha sinh đẻ ở Tân Tây Ban Nha. Nhiều người trong giai cấp này là địa chủ, thương gia và doanh nhân. Tuy vậy, người Tây Ban Nha sinh đẻ ở chính quốc thường khinh rẻ họ.

3. Giai cấp đông đảo nhất là người mestizes, là những người lai Tây Ban Nha và da đỏ. Họ là những công nhân, thợ thủ công nghiệp trong thành phố. Đa số đều nghèo và khổ cực.

4. Giai cấp thấp hèn nhất ở Mễ Tây Cơ là những người da đỏ. Như con đã kể trong thư trước, những người da đỏ làm việc ở các đồng ruộng và hầm mỏ.

Con hy vọng rằng trong một thời gian ngắn nữa, con sẽ đi thăm các nơi khác ở Tân Tây Ban Nha để xem đời sống ở những nơi đó có khác với đời sống ở thủ đô này không. Trong chuyến đi tới này, con định sẽ đi thăm chú Pedro.

 

Kính thư

Con yêu quý của Cha Mẹ

Philip.

 

¨ CÁC ĐẠI ĐỒN ĐIỀN VÀ CÁC HỘI TRUYỀN GIÁO

Viết từ miền Bắc Tân Tây Ban Nha.

Cha Mẹ kính mến,

Con đã rời Mexico City được ít ngày rồi, và chuyến đi này con dùng ngựa đi về miền quê. Con đã quan sát xem đời sống dân cư ở nhiều nơi trong Tân Tây Ban Nha. Đặc biệt ở đây con muốn thưa chuyện với ba má về hai lối sống quan trọng của người dân ở đây để ba má có ý niệm rõ ràng về các thuộc địa của Tây Ban Nha.

- Chuyến đi thăm một đại đồn điền

Trước hết, con xin thưa với cha mẹ về các đại đồn điền mà người ta gọi là Haciendas. Đây là các đồn điền rộng lớn do những người giàu có làm chủ. Hầu hết khắp mọi nơi trong Tân Tây Ban Nha đều có các đồn điền kiểu này, và con đã có dịp ghé lại thăm nhiều trại. Con xin kể rõ về trại đồn điền của chú Pedro để ba má có thể hình dung rõ ràng về các đồn điền hay các trại chăn nuôi khác.

Căn nhà của chú Pedro được xây theo kiểu bao quanh một cái sân giống như nhà cửa ở Mexico City. Người trong gia đình gần như suốt ngày ở ngoài sân, cho nên họ rất ít để ý đến đồ đạc ở trong nhà. Gần nhà thì có nhà thờ rất thuận tiện cho gia đình và người da đỏ đi lễ. Các chuồng ngựa không cách xa các căn nhà của nông dân da đỏ bao xa. Nông dân da đỏ là những người làm công việc cực nhọc ở trong đồn điền như nấu nướng, giặt giũ và phục dịch mọi việc trong đồn điền. Họ phải chăm nom săn sóc mùa màng và trông coi súc vật. Súc vật này là phần lớn tài sản của chủ trại.

Giống như các ông chủ đồn điền khác, chú Pedro là một người cưỡi ngựa rất giỏi. Hàng ngày ít khi chú rời khỏi yên ngựa. Chú thường dong ngựa giải trí và cũng là để đi trông coi các công việc trong đồn điền. Đời sống gia đình rất là thoải mái nhưng có lẽ không có hứng thú. Họ dùng thời giờ để tiếp đãi du khách (giống như con) và thăm viếng các bạn bè. Ai có dịp đi qua đồn điền đều được ân cần chào mời, và nếu họ muốn thì họ có thể lưu lại bao nhiêu lâu tùy ý. Quý khách sẽ được mời đi tham dự các buổi khiêu vũ, cưỡi ngựa, và đôi khi đi xem đấu bò nữa. Tại nơi đấu bò này, người ta thả một con bò mộng hung dữ đi vào sân đấu đã có sẵn một thanh niên đứng chờ. Con bò mộng sẽ săn đuổi và dùng sừng cứng nhọn để húc gã thanh niên này, và gã thanh niên này cũng sẽ cố gắng dùng tài nghệ điêu luyện của mình để dùng kiếm hạ sát chú bò hung dữ này.

- Đi thăm một hội truyền giáo

Ngoài đồn điền của chú Pedro, con đã lưu lại ở nhiều đồn điền khác nằm rải rác trên đường từ Mexico City đi về hướng Bắc. Đời sống ở các đồn điền thật là bình thản và dễ chịu. Nhưng đời sống ở trong các hội truyền giáo lại càng bình thản hơn. Các hội truyền giáo này thuộc về giáo hội công giáo. Ngoài các làng nhỏ của người Tây Ban Nha ra, họ còn thành lập những hội truyền giáo để truyền giáo trong đám người da đỏ bán khai ở các làng xa xôi hẻo lánh. Những vị tu sĩ can đảm đã tận hiến đời mình cho các hội truyền giáo để dạy giáo lý công giáo cho những người da đỏ. Các vị tu sĩ này chịu đựng biết bao nhiêu cơ cực nhọc nhằn và đau khổ. Họ đã biến cải được nhiều người da đỏ quanh vùng theo Thiên Chúa Giáo, cũng như họ lo trông coi việc thờ phượng trong giáo hội. Có hàng trăm dân da đỏ theo Thiên Chúa giáo sống trong hội truyền giáo. Những người da đỏ này trông coi mùa màng, săn sóc các súc vật, cũng như làm các công việc khác. Tại hầu hết các xứ đạo, dưới sự điều khiển của các vị tu sĩ, dân da đỏ đã phải mất nhiều năm góp công xây dựng những ngôi nhà thờ tráng lệ vĩ đại. Những ngôi nhà thờ này có những bức tường khá dày với những ngọn tháp cao chót vót và trong nhà thờ được trang trí lộng lẫy. Ngoài ra còn có những bức họa chạm trổ công phu hoặc những bức tranh sơn lên tường.

Gần nhà thờ thì có trường học và các cơ xưởng cho người da đỏ làm việc. Họ thong thả đi về làm việc, cũng như đi lễ và đi học. Thỉnh thoảng chuông giáo đường từ tháp cao chót vót ngân lên trong bầu trời trong xanh cao rộng của một ngày nắng đẹp chan hòa. Cha mẹ không thể tưởng tượng được cảnh nào có thể trầm lặng, bình thản và thanh thoát như vậy. Con sẽ trở về một ngày gần đây và sung sướng biết mấy khi gặp lại cha mẹ sau những tháng ngày xa cách. Con hy vọng những lá thư của con đã an toàn tới tay cha mẹ, và con cũng hy vọng những lá thơ đó có thể giúp cho cha mẹ có một ý niệm rõ rệt về những gì mà con đã chứng kiến trong cảnh sinh hoạt của người dân ở Tân Tây Ban Nha này.

 

Kính thư

Con yêu quý của Cha Mẹ

Philip.

 

Tới đây, những lá thư của Philip đã chấm dứt. Những lá thư này nói về sự sinh hoạt ở Tân Tây Ban Nha mà sự thật là ở khắp các thuộc địa Tây Ban Nha ở tân thế giới. Nếu Philip đi thăm Peru thì có lẽ cậu ta đã khám phá ra được một vài sự khác biệt về đời sống của người dân ở đây (nếu so với đời sống ở Tây Ban Nha). Nhưng nói chung thì những lá thư của Philip đều tương tự như nhau cả.

 

¨

PHẦN BA

ANH QUỐC VÀ CÁC QUỐC GIA KHÁC
ĐE DỌA QUYỀN LỰC CỦA TÂY BAN NHA NHƯ THẾ NÀO?

Chúng ta biết rằng Tây Ban Nha đã lập một đế quốc vĩ đại tại Tân thế giới và trở thành một cường quốc dẫn đầu ở Âu châu. Các bạn thử tưởng tượng các cường quốc khác ở Âu Châu sẽ nghĩ như thế nào về tư thế của Tây Ban Nha trong chính trường quốc tế? Các bạn có thể nghĩ rằng các quốc gia Âu châu khác đã ghen tức với thế lực của Tây Ban Nha. Các quốc gia này nhìn Tây Ban Nha mà lo sợ giống như những đứa trẻ nhỏ lo sợ khi gặp một đứa con trai du đãng có thân hình to lớn. Các quốc gia này ghen tỵ với sự giàu có của Tây Ban Nha ở Tân Thế Giới. Họ tin rằng Tây Ban Nha không thể nào có nhiều quyền hơn để thừa hưởng những tài nguyên ở trong vùng đất mới này. Thật ra khi nghe tin đường ranh giới chia vùng ảnh hưởng giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, Pháp hoàng đã đặt một câu hỏi với một vẻ đầy miệt thị “Ai là người có thể chỉ cho ta thấy ý muốn của ông tổ Adam để lại cả địa cầu này cho riêng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha?”. Dĩ nhiên là Anh, Pháp và Hòa Lan đều mong muốn cho Tây Ban Nha suy yếu.

¨ CÁC QUỐC GIA ÂU CHÂU THÁCH ĐỐ TÂY BAN NHA Ở TÂN THẾ GIỚI

- Tây Ban Nha thiệt hại về giao thương và của cải

Một trong những cách mà các quốc gia Âu châu khác áp dụng để xâu xé Tây Ban Nha là họ thực hiện việc buôn bán bí mật với các thuộc địa của Tây Ban Nha. Mặc dù luật lệ đã ngăn cấm việc buôn bán như vậy, nhưng các thương gia thuộc các quốc gia Âu châu khác vẫn ký những khế ước, hợp đồng về việc giao hàng ở các thành phố hải cảng tại các thuộc địa Tây Ban Nha. Tàu thuyền của họ bỏ neo ở ngoài khơi và đêm đến họ cho chuyển các hàng hóa vào bến bằng các thuyền nhỏ. Một thuyền trưởng người Anh đã táo bạo cho thuyền có võ trang vào một hải cảng và đổ lên bờ 200 nô lệ và bán những người nô lệ này ngay trước mặt các viên chức Tây Ban Nha. Sự buôn bán bất hợp pháp này đã làm cho các thương gia người Tây Ban Nha thua thiệt rất nhiều.

Một cách khác nữa là các tàu thuyền võ trang của các quốc gia Âu châu khác thường tấn kích bất thình lình vào các tàu thuyền chở của cải và thương gia của Tây Ban Nha. Vào thế kỷ 16, các tàu thuyền võ trang Anh, Pháp, và Hòa Lan thường lênh đênh trên các vùng biển tìm bắt các tàu thuyền Tây Ban Nha và cướp phá các đô thị dọc theo duyên hải các thuộc địa Tây Ban Nha tại Mỹ châu. Tây Ban Nha lúc bấy giờ như một con chó có miếng thịt bị các con chó khác săn đuổi. Người ta không thể nào ước lượng được một cách chính xác con số của cải của Tây Ban Nha bị đánh cướp là bao nhiêu, nhưng con số này hẳn phải lên tới hàng triệu Mỹ kim. Về sau, quân cướp biển còn hoành hành ngay tại các thuộc địa Tây Ban Nha. Hải tặc người Pháp chiếm đóng luôn phía Tây đảo Hispaniola và luôn luôn tấn kích vào các tàu buôn của Tây Ban Nha ở vùng biển Caribbean. Hải tặc người Anh lập căn cứ ngay trên vùng duyên hải Trung Mỹ. Hải tặc người Hòa Lan chiếm trọn hòn đảo ngoài khơi vùng đất mà ngày nay gọi là Venezuela.

- Đoàn chó biển của người Anh tàn phá Tây Ban Nha

Anh quốc là một quốc gia thành công nhất trong việc tấn kích Tây Ban Nha. Khi Columbus khám phá ra Tân Thế Giới thì lúc bấy giờ Anh quốc không phải là một quốc gia hùng mạnh. Những trận chiến tranh giữa các dòng quý tộc thù nghịch đã làm cho nước Anh suy yếu. Tuy nhiên, dưới triều đại của nữ hoàng Elizabeth Đệ nhất (1558-1603), Anh quốc trở nên hùng mạnh một cách nhanh chóng. Vì Anh quốc là một quần đảo nên người Anh trở nên những tay thủy thủ tài ba và là những người đóng tàu giỏi. Sự kiện này đã làm cho họ dễ dàng rình rập các thương thuyền Tây Ban Nha. Và lúc bấy giờ, người ta thường gọi là đoàn chó biển để chỉ các ông thuyền trưởng của các tàu Anh tấn kích vào các tàu Tây Ban Nha.

- Francis Drake chọc giận hoàng đế Tây Ban Nha

Francis Drake là một người nổi tiếng nhất trong đoàn chó biển này. Sinh trưởng ở trong một đô thị thuộc miền duyên hải Anh quốc, từ thuở chưa 10 tuổi, ông đã theo nghề đi biển. Ông căm thù cay đắng người Tây Ban Nha. Trong những năm xảy ra các vụ bắt giữ các tàu thuyền của Tây Ban Nha, ông đã tỏ ra tài ba và vô cùng can đảm. Đã có lần ông và quân sĩ dưới quyền ông đổ bộ vào eo đất Panama và chiếm giữ các tàu chở toàn những của cải đắt giá của người Tây Ban Nha. Sau vụ này, người Tây Ban Nha gọi ông là “Rồng Drake” (Drake the dragon). Hoàng đế Tây Ban Nha phải treo giải thưởng tương đương với 200 ngàn đồng cho ai hạ sát được ông.

Năm 1577, ông rời Anh quốc trên chiếc tàu Golden Hind để thi hành một sứ mạng vô cùng nguy hiểm. Người Tây Ban Nha chưa bao giờ bị tấn công trong vùng biển Nam (Thái bình dương) mà họ thường khoe là hồ Tây Ban Nha. Tại sao ông lại không theo con đường của Magellan trước kia để đi Thái bình dương và làm cho người Tây Ban Nha ngạc nhiên? Ông vượt Đại tây dương và sau 16 ngày gian khổ ông thành công vượt qua eo biển Magellan. Tới bờ biển phía Tây của Nam Mỹ, ông cho tàu chạy nhanh và bắt giữ một số tàu tình nghi và làm cho dân chúng ở các thị trấn duyên hải đều kinh sợ. Phần thưởng lớn lao nhất của ông là chiếc tàu “Hào quang Nam Hải” của Tây Ban Nha chở đầy những của cải quý giá. Bắt giữ tàu này một cách bất ngờ, ông chiếm được rất nhiều đá quý, những chiếc rương đầy vàng và hàng tấn bạc nguyên chất. Cuối cùng, chiếc tàu Golden Hind của ông chứa chất cả một kho tàng quý báu.

Ông trở về quê nhà như thế nào? Tất cả các thuộc địa Tây Ban Nha ở Mỹ Châu xôn xao khuấy động chống ông. Ông quyết định đi con đường vòng quanh mà thật ra là con đường ngắn nhất để trở về quê hương. Ông tiếp tục đi ngược lên bờ biển vùng California, vượt Thái bình dương rồi cho tàu đi vòng quanh Phi châu để trở về Anh quốc. Chuyến đi của ông là chuyến đi thứ hai vòng quanh thế giới. Nhưng chuyến đi của ông còn quan trọng nhiều hơn vì nhiều lý do khác. Không những ông đã mang về quê hương một kho tàng đáng giá hàng triệu bạc, mà ông còn chứng tỏ cho người ta thấy rằng biển Nam (Thái bình dương) không còn là cái hồ của người Tây Ban Nha nữa, mà là cái hồ của người Anh. Khi về tới quê hương, ông được đón tiếp vô cùng long trọng. Nữ hoàng Elizabeth lên tận trên tàu Golden Hind phong tước hầu cho ông “Hầu tước Francis Drake”.

¨ TÂY BAN NHA PHẢN CÔNG NHƯNG THẤT BẠI

- Hoàng đế Philip Tây Ban Nha chuẩn bị tấn công Anh quốc

Hoàng đế Tây Ban Nha vô cùng tức giận về các vụ “Đoàn chó biển” của Anh tấn công vào tàu thuyền và dân chúng cũng như lãnh thổ thuộc địa của nước ông. Vụ tấn công và thành công gần đây nhất của Drake quả là hết sức quá đáng khiến cho nhà vua không thể nào chịu đựng được nữa. Ông thông báo cho nữ hoàng Anh hay rằng Drake chỉ là tên hải tặc không hơn không kém, và cần phải được treo cổ. Thật ra hoàng đế Philip căm giận Anh quốc vì một lý do khác sâu xa hơn. Nhiều quốc gia Âu châu trong đó có cả Anh quốc đã ly khai giáo hội La Mã từ đầu thế kỷ thứ XVI. Là một nhà cầm quyền công giáo quyền thế nhất Âu châu, hoàng đế Philip cho rằng đã đến lúc phải đè bẹp Anh quốc. Ông cho tập trung một hạm đội gồm 130 chiến thuyền, chứa 19.000 quân sĩ và 8.000 thủy thủ để tiến đánh Anh quốc. Đoàn quân viễn chinh lớn lao này được mệnh danh là “Invincible Armada” có nghĩa là “Hạm đội bất khả bại”.

- Hạm đội Tây Ban Nha bị đại bại

Khi hạm đội Tây Ban Nha đến eo biển Anh quốc (biển Manche) thì gặp ngay 150 chiến tàu của Anh đang chờ sẵn. Trong số các vị chỉ huy hạm đội Anh có hầu tước Francis Drake và nhà thám hiểm kiêm thuyền trưởng Martin Frobisher. Chiến tàu Anh có thể chạy nhanh hơn và bắn giỏi hơn chiến tàu Tây Ban Nha. Tàu Anh lao tới lao lui quanh các chiến tàu Tây Ban Nha bắn thật nhanh rồi thoát đi trước khi chiến tàu Tây Ban Nha kịp bắn trả. Đồng thời, hạm đội Anh cho phóng ra các chất cháy vào giữa các chiến tàu Tây Ban Nha.

Trận chiến ác liệt kéo dài trong nhiều ngày và sau cùng hạm đội Tây Ban Nha phải chạy trốn ra ngoài eo biển Anh (biển Manche), nhưng vẫn bị các chiến tàu Anh truy kích ráo riết. Thời tiết lại thuận lợi cho quân Anh. Gió nổi lên dữ dội. Đoàn tàu chiến bại của Tây Ban Nha chạy thoát được trong cuộc chiến nhưng lại bị gió thổi đánh giạt vào bờ hay bị cuốn chìm vào lòng biển. Những chiếc còn lại vô vọng chạy tán loạn. Nước Tây Ban Nha kiêu hùng giờ đây bị thảm bại nhục nhã mất đi 1/3 chiến tàu và hàng ngàn quân sĩ.

Sau trận thất bại của hạm đội Armada vào năm 1588, sức mạnh của Tây Ban Nha bắt đầu lung lay. Cả gần một thế kỷ, quốc gia Tây Ban Nha đã từng là một quốc gia hùng mạnh nhất Âu Châu, nhưng giờ đây Anh quốc đã cho thế giới thấy rằng Tây Ban Nha đã bị đánh bại. Và từ đây nhân dân các quốc gia khác có thể đến định cư lập nghiệp tại Tân Thế Giới mà không còn sợ bị Tây Ban Nha ngăn chặn. Trong chương tới, chúng ta sẽ tìm hiểu Anh quốc đã thành lập các thuộc địa ở Bắc Mỹ như thế nào.

 

(còn tiếp : Chương IV)

Ó sachhiem.net copyright

 

Các bài cùng tập Lịch Sử Hoa Kỳ

 ▪ 2004-08-15 - LSHK-1- Marco Polo và những chuyện kỳ thú ở Đông phương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 0000-00-00 - LSHK-1- Marco Polo và những chuyện kỳ thú ở Đông phương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-2- Magellan tìm ra con đường đi vòng quanh thế giới - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-3- Những Lá Thư Của Phillip Andrew - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-4- Việc Thành Lập 13 Thuộc Địa Anh - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-5- Dân Chúng Sống Ở Thuộc Địa Anh Như Thế Nào? - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-6- Nước Pháp Thắng Rồi Lại Bại - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-7- Người Anh Cai Trị Các Thuộc Địa Như Thế Nào? - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-8- Dân Thuộc Địa Chống Lại Anh Quốc - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2022-07-05 - MƯỜI BA THUỘC ĐỊA ANH GIÀNH ĐỘC LẬP - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2014-07-04 - LSHK-9- 13 Thuộc Địa Anh Giành Độc Lập - Nguyễn Mạnh Quang dịch -
▪ 2004-08-15 - LSHK-1- Marco Polo và những chuyện kỳ thú ở Đông phương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-10- Tinh Thần Độc Lập Ảnh Hưởng Khắp Mỹ Châu - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-11- 13 Tiểu Bang Kết Thành 1 Quốc Gia - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-12- Tân Chính Phủ Trung Ương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-13- Hoa Kỳ Được Các Quốc Gia Khác Kính Nể - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-14- Miền Đông Bắc Trở Thành Trung Tâm Kỹ Nghệ - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-15- Miền Nam Trở Thành Vương Quốc Bông Vải - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 0000-00-00 - LSHK-16- Chế Độ Dân Chủ Theo Đà Mở Rộng Biên Cương - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - LSHK-17- Toàn Quốc Trở Nên Dân Chủ Hơn - Nguyễn Mạnh Quang -

▪ 1 2 >>>

Trang Lịch Sử