VIỆT NAM MÁU LỬA

QUÊ HƯƠNG TÔI

- Hoành Linh Đỗ Mậu -

http://sachhiem.net/HOANHLINH/VNMLphlucD.php

01 tháng 11, 2007

PHỤ LỤC "D"


HAI TÀI LIỆU

 

 

1. Tuyên ngôn của 18 nhân vật thuộc nhóm Tự do Tiến bộ gửi Tổng thống Ngô Đình Diệm. Làm tại Sài Gòn ngày 26 tháng 4 năm 1960.

2. Bản CÁO TRẠNG SỐ MỘT của PHONG TRÀO NHÂN DÂN CHỐNG THAM NHŨNG gửi đồng bào và anh em chiến sĩ. Làm tại Huế ngày 8 tháng 9 năm 1974.

 



 

TUYÊN NGÔN CỦA 18 NHÂN VẬT THUỘC NHÓM "TỰ DO TIẾN BỘ" GỞI TỔNG THỐNG VIỆT NAM CỌNG HÒA, SÀI GÒN

 

 

Thưa Tổng thống,

Chúng tôi ký tên dưới đây, đại diện cho một nhóm đồng bào, nhân vật và trí thức tên tuổi thuộc mọi xu hướng, nhóm những người thiện chí nhận thấy rằng đối diện với sự trầm trọng của tình hình chính trị hiện nay, chúng tôi không thể cứ bàng quan với những thực tế của nước ta.

Vì vậy, chúng tôi chính thức gửi đến Tổng thống hôm nay lời kêu gọi, với mục đích phơi bày với Tổng thống tất cả sự thật trong niềm hy vọng là chính quyền sẽ lưu tâm để gấp rút thay đổi chính sách, hầu cứu vãn tình hình hiện nay để đưa quốc dân ra khỏi cơn nguy biến.

Chúng ta hãy nhìn lại dĩ vãng thời Tổng thống còn ở nước ngoài. Đã 8, 9 năm qua, dân tộc Việt Nam trải qua nhiều thử thách do chiến tranh mang lại; từ sự độ hộ của Pháp đến việc chiếm đóng của Nhật, từ cách mạng cho đến kháng chiến, từ việc Cộng Sản núp sau chiêu bài quốc gia để gạt gẫm cho đến nền độc lập giả tạo che dấu nền thực dân, từ kinh hoàng này đến kinh hoàng khác, hy sinh liên tục - nói tóm lại từ hứa hẹn này đến hứa hẹn khác, cuối cùng cho đến khi niềm hy vọng kết thúc bằng một sự thất vọng chua cay.

Vì vậy, khi Tổng thống sắp sửa hồi hương, toàn dân đã nuôi mối hy vọng là dưới sự lãnh đạo của Tổng thống, toàn dân sẽ lại tìm thấy được nền Hòa bình cần thiết để đem lại ý nghĩa cho cuộc sống, để dựng lại ngôi nhà đã bị phá hủy, để đặt lại được cái cày trên những mảnh đất từng bị bỏ hoang. Nhân dân hy vọng rằng không còn bị bắt buộc buổi sáng hoan hô một chế độ, buổi chiều hoan hô một chế độ khác, không còn là con mồi cho sự tàn bạo và áp lực của một phe phái nào, không còn bị đối xử như cu-li, không còn một nền độc quyền nào thao túng, không còn bị sự cướp bóc của công chức tham nhũng và độc đoán. Nói tóm lại, nhân dân ước mong được sinh sống trong sự an ninh, dưới một thể chế sẽ đem lại cho họ một chút công lý và tự do. Toàn dân nghĩ rằng Tổng thống sẽ là con người của thời thế và sẽ đáp ứng được nguyện vọng của họ.

Lúc Tổng thống mới về nước thì tình trạng quốc gia như thế đó. Hiệp ước Genève năm 1954 chấm dứt cuộc chiến và sự tàn phá của chiến tranh. Quân đội viễn chinh Pháp tuần tự rút đi và nền độc lập cho miền Nam Việt Nam trở thành một sự thật. Ngoài ra, nước nhà còn được sự khích lệ tinh thần và được hưởng sự viện trợ đáng kể của thế giới tự do. Với nhiều yếu tố chính trị thuận lợi như thế thêm vào những điều kiện địa dư may mắn có được đất đai màu mỡ về nông lâm sản và thặng dư về hải sản, đáng lẽ miền Nam Việt Nam đã phải đủ sức để bắt đầu đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến đấu với miền Bắc, để có thể thỏa mãn được ý dân và đưa đất nước đến hy vọng, tự do và hạnh phúc. Ngày này, sáu năm sau, sau khi hưởng được nhiều lợi điểm không thể chối cãi đến như thế, Chính phủ đã làm được những gì? Chính phủ đã đưa miền Nam đi về đâu? Những ước vọng tha thiết nào của nhân dân đã được thành tựu?

Chúng ta thử tổng kết tình hình một cách khách quan, không xu nịnh mà cũng không buộc tội sai lầm, theo đúng đường hướng xây dựng mà chính Tổng thống vẫn hay nói đến với ước vọng là Chính phủ sẽ thay đổi chính sách để tự đưa mình ra khỏi một tình trạng hết sức hiểm nghèo cho sự sinh tồn của quốc gia.

 

VỀ CHÍNH TRỊ

Mặc dù chế độ ngoại lai do thực dân tạo ra và che chở đã bị lật đổ và nhiều phe nhóm từng đàn áp nhân dân đã bị triệt hạ, dân chúng vẫn chưa tìm thấy được một cuộc sống khá hơn hay có nhiều tự do hơn dưới chế độ Cộng Hòa do Tổng thống thành lập. Một hiến pháp đã được lập ra nhưng chỉ có hình thức. Và Quốc hội tuy có đấy nhưng những cuộc thảo luận luôn luôn được diễn ra chỉ theo đường hướng của chính quyền. Và những cuộc bầu cử phản dân chủ. Toàn là những phương pháp và “trò hề” bắt chước các chế độ Cộng Sản độc tài và lẽ tất nhiên là không thể đem ra để so sánh với miền Bắc được.

Những vụ bắt bớ liên tục tiếp diễn làm cho nhà giam và khám đường đầy đến tận nóc như hiện nay đang xảy ra; dư luận quần chúng và báo chí phải câm lặng. Cũng thế, ý dân bị khinh nhục và chà đạp trong những cuộc đầu phiếu (ví dụ trường hợp xảy ra trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2 mới đây). Tất cả những điều này đã gây ra sự nản chí và bất mãn của dân chúng.

Các chính đảng và giáo phái đã bị loại bỏ. Thay vào đấy là các “Nhóm” và “Phong trào”. Nhưng sự thay thế này chỉ đem đến những điều áp bức mới cho dân chúng mà không che chở được cho dân chúng của các giáo phái từ trước vẫn là những vùng tử địa của Cộng Sản thì nay không những đã mất hết an ninh (cho người Quốc gia) mà còn trở thành những đại lộ cho du kích Việt Cộng mà tình trạng chung như thế xảy ra khắp nơi.

Đây là chứng cớ cho thấy rằng các giáo phái tuy nhỏ nhoi không đáng kể đã là những thành phần chống Cộng hữu hiệu. Việc triệt hạ các giáo phái đã mở lối cho Việt Cộng và vô tình dọn đường cho kẻ thù, trong khi một chính sách thực tế và uyển chuyển hơn đã có thể liên kết họ về chung thành một khối để tiếp sức cho trận tuyến chống Cộng.

Ngày nay, nhân dân muốn được tự do. Đáng lẽ Tổng thống nên mở rộng chế độ, khuyến khích nền dân chủ, bảo đảm các quyền công dân tối thiểu và công nhận đối lập hầu dân chúng được nói lên tiếng nói của mình mà không sợ hãi để dẹp được sự bất mãn và căm thù, vì đối với dân chúng, thế đối lập là lý do độc nhất cho họ tồn tại. Khi Tổng thống thực hiện xong được những điều này thì nhân dân miền Nam Việt Nam có thế đứng của mình đối với miền Bắc mà nhận ra được giá trị của một nền tự do thật sự và một nền dân chủ chân chính. Chỉ đến lúc đó dân chúng mới sẽ nỗ lực và hy sinh tối đa để bảo vệ sự tự do và nền dân chủ ấy.

 

VỀ CHÍNH QUYỀN

Lãnh thổ thu hẹp lại, số công chức lại tăng lên mà việc quản trị lại không chạy. Ấy là vì chính quyền giống như Cộng Sản, đã để cho các đoàn thể chính trị (của chính quyền) kiểm soát người dân, tách rời nhóm ưu tư ra khỏi hạ tầng và gieo rắc sự nghi ngờ giữa những kẻ liên hệ với “đoàn thể” và những người “ngoài đoàn thể”. Thực quyền không còn ở trong tay của những người đáng lý có trách nhiệm của “gia đình”, nơi từ đó các mệnh lệnh được truyền ra. Điều này làm cho guồng máy hành chánh bị chậm lại, làm tê liệt mọi sáng kiến và làm nản lòng mọi người có thiện chí. Đồng thời, không một tháng nào trôi qua mà báo chí không đăng đầy những chuyện hối lộ không thể che dấu được, những chuyện này trở thành một chuỗi dài những giao dịch phi pháp hằng triệu bạc.

Guồng máy hành chánh, vốn đã bị đình trệ bây giờ hầu như hoàn toàn trở nên tê liệt. Nền hành chánh cần được cải tổ gấp rút. Những người có khả năng phải được đặt đúng vào những chức vụ từ trên xuống dưới, hệ thống hành chánh và kỷ luật phải được tái lập, quyền lực và trách nhiệm phải đi đôi với nhau; sự hữu hiệu, sáng kiến, lòng ngay thẳng và tính cần kiệm phải là những tiêu chuẩn để dùng vào việc thăng thưởng, khả năng nghề nghiệp phải được tôn trọng. Phải loại trừ tình trạng ban phát ân huệ bằng vào những liên hệ gia đình hay phe phái. Những kẻ buôn bán quyền hành, tham nhũng và lạm dụng quyền thế phải bị trừng trị.

Có như thế thì mọi chuyện vẫn còn có thể cứu vãn được, nhân phẩm còn có thể phục hồi, và có thể dựng lại niềm tin vào một chính quyền thành thật và công bình.

 

VỀ QUÂN ĐỘI

Quân đội viễn chinh đã ra khỏi nước và một quân đội Cộng Hòa đã được thành lập; nhờ vào viện trợ Hoa Kỳ quân đội này đã được trang bị với quân trang quân cụ tối tân. Tuy nhiên ngay cả trong lực lượng thanh niên kiêu hãnh như Quân đội Việt Nam - nơi mà đáng lý tinh thần danh dự phải được vun xới, gồm những kẻ mà bầu nhiệt huyết và những cánh tay phải được tận dụng vào việc bảo vệ quốc gia, nơi mà đáng lẽ phải vắng bóng đầu óc phe phái - thì tinh thần “Phong trào Cách mạng Quốc gia” hoặc tinh thần “Nhân vị” đã chia rẽ những kẻ cùng chung một đơn vị, gây ngờ vực giữa những bạn đồng ngũ đồng cấp và lấy “sự trung thành với một đảng để tùng phục mù quáng những kẻ lãnh đạo đảng” làm tiêu chuẩn thăng thưởng. Điều này đã tạo ra những điều kiện cực kỳ nguy hiểm, như trong vụ vừa xảy ra ở Tây Ninh. (Bernard Fall ghi chú: Vụ sư đoàn 21 bị Việt Cộng tấn công đầu năm 1960).

Nhiệm vụ của quân đội, rường cột của việc bảo vệ quê hương, là chận đứng những cuộc ngoại xâm và tiêu diệt các phong trào nổi loạn. Quân đội chỉ phục vụ quốc gia và không nên để cho một phe nhóm hay đảng phái nào lợi dụng. Việc cải tổ toàn diện quân đội là một điều cần thiết. Đầu óc phe phái và sự trung thành với một đảng phải được loại bỏ; tinh thần quân đội phải được tái phục hồi cho mạnh lên, phải tạo ra một truyền thống cao đẹp về niềm hãnh diện quốc gia; và tinh thần chiến đấu, lương tâm nghề nghiệp và lòng can trường phải là những tiêu chuẩn dùng trong việc thăng thưởng. Phải khuyến khích binh sỹ biết kính trọng cấp trên và phải khuyến khích sĩ quan phải biết yêu thương binh sĩ. Phải loại bỏ lòng ngờ vực, ganh tỵ và đố kỵ giữa những kẻ đồng đội, đồng ngũ.

Có như thế, gặp thời nguy biến quốc gia sẽ có được một quân đội hào hùng thúc đẩy bởi một tinh thần và có cùng một lý tưởng: bảo vệ cho cái sở hữu chúng ta: quê hương Việt Nam.

 

VỀ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI

Một xứ sở giàu có và phì nhiêu với thực phẩm dư thừa, một ngân sách không cần phải đối phó với những chi phí Quốc phòng, (chi phí Quốc phòng của miền Nam Việt Nam do kinh viện và quân viện của Hoa Kỳ đài thọ: ghi nhận thêm của Bernard Fall) những ngân khoản bồi thường chiến tranh lớn lao, mức lời cao đẻ ra từ công khố phiếu quốc gia, một chương trình ngoại viện khổng lồ, một thị trường bành trướng và đủ sức nhận vốn đầu tư của ngoại quốc. Đó là nhiều điều kiện thuận lợi có thể biến Việt Nam thành một quốc gia sản xuất cao và thịnh vượng. Thế mà hiện nay nhiều người không có việc để làm, không có nhà để ở và không có tiền bạc. Gạo nhiều nhưng bán không được, các tiệm đầy hàng mà hàng hóa lại không di chuyển - nguồn lợi nằm trong tay những kẻ đầu cơ, dùng phe nhóm, đoàn thể của chính quyền để che dấu việc buôn bán độc quyền đem lợi về cho một thiểu số tư nhân. Trong lúc đó, hằng ngàn dân bị huy động đi làm việc cực nhọc, bị ép buộc phải rời bỏ công ăn việc làm, nhà cửa gia đình của mình để tham gia vào công tác xây dựng những “Khu Dinh Điền” tuy đồ sộ nhưng vô ích. Điều này làm họ mỏi mệt và mất thiện cảm với chính quyền càng làm cho mối bất mãn thêm trầm trọng và tạo một môi trường lý tưởng cho công tác tuyên truyền của địch.

Kinh tế là nền móng của xã hội và lòng dân là yếu tố sống còn của chế độ. Chính quyền phải phá tan mọi chướng ngại cản trở việc mở mang kinh tế. Phải hủy bỏ sự độc quyền và đầu cơ dưới mọi hình thức; phải tạo môi trường thuận tiện cho việc đầu tư đến từ phía các quốc gia thân hữu cũng như từ chính nhân dân của ta; phải khuyến khích kinh doanh thương mại, khuếch trương kỹ nghệ và tạo công ăn việc làm để giảm thiểu tình trạng thất nghiệp. Đồng thời, chính quyền phải chấm dứt sự bóc lột con người dưới mọi hình thức trong các công trường lao động của những “Khu Dinh Điền”.

Có thế nền kinh tế mới lại phát triển, người dân mới tìm lại được cuộc sống an bình và mới được thụ hưởng đời sống của mình, xã hội mới được tái thiết trong một bầu không khí tự do và dân chủ.

 

Thưa Tổng thống, có lẽ đây là lần đầu tiên Tổng thống mới được nghe lời phê bình gắt gao và khó chịu ngược lại với ý muốn của Tổng thống. Tuy nhiên, thưa Tổng thống, những lời trình bày ở đây là sự thật hoàn toàn, một sự thật cay đắng nặng nề mà Tổng thống chưa bao giờ biết được vì dù vô tình hay chủ ý, một khoảng trống quanh Tổng thống đã được tạo ra và chính vì cái địa vị cao cả của Tổng thống mà không ai để cho Tổng thống nhận ra được thời kỳ nghiêm trọng khi mà sự thật sẽ tràn tới như những làn sóng căm hờn không cưỡng nổi, sự căm hờn của nhân dân đã từ rất lâu phải nhận chịu sự đau khổ khủng khiếp đến một lúc sẽ vùng lên bẻ gẫy những ràng buộc từng cột chặt mình, đè mình xuống. Làn sóng này sẽ quét sạch sự ô nhục và bất công vốn bao quanh người dân đã áp bức họ.

Vì chúng tôi hoàn toàn thành thật không muốn thấy Quê Cha Đất Tổ phải trải chịu những ngày tháng hiểm nghèo đó nên chúng tôi - không kể đến những hậu quả do hành động của chúng tôi sẽ mang lại cho chúng tôi - hôm nay gióng lên tiếng chuông báo động trước mối nguy cơ cấp thiết đang đe dọa chính quyền.

Cho đến nay, chúng tôi đã giữ im lặng và để cho chính quyền mặc ý hành động. Nhưng bây giờ đã đến lúc khẩn thiết, chúng tôi cảm thấy rằng bổn phận của chúng tôi - và trong lúc nước nhà gặp cảnh rối loạn thì ngay cả những kẻ hèn kém nhất cũng phải chia xẻ bổn phận này - là phải nói lên sự thật, thức tỉnh dư luận, báo động với nhân dân, và liên kết những kẻ đối lập, để cho thấy lối thoát.

Chúng tôi thỉnh cầu chính quyền gấp thay đổi chính sách để cứu vãn tình thế, bảo vệ chế độ Cộng Hòa và bảo vệ sự sống còn của quốc gia. Chúng tôi giữ vững niềm hy vọng là dân tộc Việt Nam sẽ có một tương lai sáng lạn để được hưởng thanh bình và thịnh vượng trong Tự Do và Tiến Bộ.

Trân trọng

 

1. Trần Văn Văn (quê Nam phần, Tam giáo) Bằng Cao học Thương mại, cựu Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch.

2. Phan Khắc Sửu (quê Nam Phần, Cao Đài) Kỹ sư Canh Nông, cựu Bộ trưởng Canh Nông.

3. Trần Văn Hương (quê Nam phần, Tam giáo) Giáo sư Trung học, cựu Đô trưởng Sài Gòn-Chợ Lớn.

4. Nguyễn Lưu Viên (quê Nam phần, Tam giáo) Bác sĩ Y khoa, cựu Cao ủy Di Cư.

5. Huỳnh Kim Hữu (quê Nam phần, Tam giáo, một lãnh tụ thuộc nhóm Tinh Thần) Bác sĩ Y khoa, cựu Bộ trưởng Y tế.

6. Phan Huy Quát (quê Trung phần, Tam giáo, một lãnh tụ thuộc đảng Đại Việt) cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Giáo Dục.

7. Trần Văn Lý (quê Trung phần, Thiên Chúa giáo, cựu đồng chí của Tổng thống Diệm trong phong trào Cường Để) cựu Thủ hiến Trung-Việt.

8. Nguyễn Tiến Hỷ (quê Bắc phần, Tam giáo, một lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng) Bác sĩ Y khoa.

9. Trần Văn Đỗ (quê Nam phần, Tam giáo, lãnh tụ nhóm Tinh Thần, nhóm đã ủng hộ lập trường chính trị của ông Diệm vào mấy năm trước kho ông Diệm cầm quyền). Bác sĩ Y khoa. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao và Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Hòa Hội Genève năm 1954.

10. Lê Ngọc Chấn (quê Bắc phần, Tam giáo, một lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng) luật sư, cựu Bộ trưởng Quốc phòng.

11. Lê Quang Luật (quê Bắc phần, Thiên Chúa giáo, lãnh tụ Phong trào Liên hiệp Dân chúng ủng hộ ông Ngô Đình Diệm khi ông Diệm còn ở hải ngoại) Luật sư, nhà báo, cựu đại diện Chính phủ tại Bắc Việt sau khi Hiệp ước Genève ra đời, lãnh đạo việc đưa 800.000 dân di cư vào Nam, và cựu Bộ trưởng Thông tin.

12. Lương Trọng Tường (quê Nam phần, Hòa Hảo) Kỹ sư công chánh, cựu Thứ trưởng Kinh tế Quốc gia.

13. Nguyễn Tăng Nguyên (quê Trung phần, Phật giáo, một lãnh tụ thuộc nhóm Tinh Thần, một sáng lập viên Đảng Cần Lao Nhân Vị) Bác sĩ Y khoa, cựu Bộ trưởng Lao Động và Thanh Niên.

14. Phạm Hữu Chương (quê Bắc phần, Tam giáo) Bác sĩ Y khoa, cựu Bộ trưởng Y tế và Công tác Xã hội.

15. Trần Văn Tuyên (quê Bắc phần, Tam giáo, một lãnh tụ của VNQDĐ) Luật sư, cựu Bộ trưởng Thông tin và Tuyên truyền.

16. Tạ Chương Phùng (quê Trung phần, Tam giáo, cựu đồng chí của ông Diệm trong phong trào Cường Để) Tú tài Hán học, cựu Tỉnh trưởng Bình Định.

17. Trần Lê Chất (quê Bắc phần, Tam giáo) Tiến sĩ Hán học.

18. Hồ Văn Vui (quê Nam phần) Linh mục, cựu Cha sở một họ đạo thuộc địa phận Sài Gòn và hiện nay là Cha sở tại Tha La, Tây Ninh.

Ngày 26 tháng 4 năm 1960

* Trích, dịch từ “The Two Vietnam” của Bernard Fall, phụ bản II trang 435-441-Hoa Kỳ 1967.

* Phần trong ngoặc đơn là do tác giả thêm vào để làm nổi bật tính chất đại diện rộng rãi của nhóm tác giả bản Tuyên Ngôn này.


 


 

CÁO TRẠNG SỐ 1 CỦA PHONG TRÀO

NHÂN DÂN CHỐNG THAM NHŨNG

 

 

Kính thưa Đồng bào và Anh em chiến sĩ,

Trong bài nói chuyện với Công chức, cán bộ toàn quốc tại Vũng Tàu ngày 10-7-1973 về cuộc Cách mạng Hành chánh phải hoàn thành trong vòng 6 tháng từ tháng 7 đến tháng 12 năm 1973. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã hoạch định mục tiêu của cuộc Cách mạng đó là phải trừ tham nhũng tận gốc rễ. Tiếp theo ông lại tuyên bố: “Tham nhũng không những là quốc nạn mà còn là quốc nhục”.

Nhân dân những tưởng rằng vị Nguyên thủ Quốc gia đã thấu hiểu được sự tình và sẽ có những biện pháp chung quyết để chấm dứt tệ trạng nói trên. Song tiếc thay! Những gì nhân dân đã chứng kiến sau đó cho thấy sự thật phũ phàng với những vụ tham nhũng tày trời mà những người chủ động không thể là ai khác ngoài những người thân cận nhất với ông Tổng thống và ngay cả cá nhân ông.

Bởi thế, hôm nay, Quốc dân Đồng bào và anh em chiến sĩ cần đặt thẳng vấn đề với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu về một số trường hợp tai tiếng sau đây, với đầy đủ bằng chứng để phân đục trắng đen.

 

Trường hợp thứ nhất: NHÀ CỬA

Khi còn là Sư đoàn trưởng, Đại tá Nguyễn Văn Thiệu đã được cấp một căn nhà trong cư xá Bộ Tổng Tham mưu và một ngân khoản 500.000 đồng để tu bổ, trang trí như một số các tướng tá khác. Nhưng khi làm Chủ tịch ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, mặc dù đã có sẵn dinh Độc Lập và bao nhiêu Dinh số 1, số 2, số 3 v.v... tại Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Vũng Tàu, Nha Trang v.v... ông còn chiếm thêm 2 căn nhà của cư xá Bộ Tổng Tham Mưu nữa và lấy 30 triệu đồng bạc để tu bổ và trang trí, chưa kể một đại đội công binh được biệt phái làm việc không công.

Ba căn nhà đó đã bỏ không 9 năm nay và còn có thể bỏ không thêm 5 năm nữa vì ông đã sửa đổi Hiến pháp để ngồi lại thêm 5 năm nữa, cộng chung là 14 năm, trong lúc bao nhiêu là tư lệnh sư đoàn, Tướng Tá khác không có một căn nhà để ở.

Ông Tổng thống chỉ có 2 người con, trưởng nữ đã xuất giá, còn thứ nam thì được ông mua một biệt thự của hãng Shell ở đường Phan Đình Phùng Sài Gòn giá trên 40 triệu đồng. Vừa rồi ông còn mua sở đất của Đồn Điền Đất Đỏ (Plantation des Terres) đường Công Lý Sài Gòn giá 98 triệu đồng để tên phu nhân, còn tiền thì do ông Nguyễn Xuân Nguyên, anh em cột chèo của ông Tổng thống, Chủ tịch Công ty Phân bón Hải Long, viết chi phiếu để trả. Đó là chưa kể một biệt thự nguy nga ông tậu ở Thụy Sỹ mà đồng bào có dịp xuất ngoại đã trông thấy.

Như vậy, việc chiếm hữu ba căn nhà trong cư xá Bộ Tổng Tham mưu phải chăng cho thấy lòng tham quá độ và sự lạm quyền quá lố của ông không?

Ông lấy tiền đâu mà mua nhà cửa như thế, và khi mua sắm, ông đã đóng bao nhiêu thuế trước bạ cho ngân sách quốc gia? Ông có chịu điều kiện cho Đồn Điền Đất Đỏ chuyển ngân về Pháp không? Việc làm của ông có đi đôi với chính sách thắt lưng buộc bụng do chính ông hô hào không? Phải chăng đó là một tội tham nhũng, một tội hối mại quyền thế, một sự che mắt Quốc Dân với những lời lẽ mạnh mẽ hô hào chống tham nhũng?

Với tư cách là Tổng Tư Lệnh Quân Lực ông có cảm thấy sự thẹn với lương tâm binh sĩ: cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhà không có để ở, có khi vợ phải đi làm con điếm nuôi con, tinh thần và thể xác hi sinh hết cho đại cuộc quốc gia?

 

Trường hợp thứ hai: ĐẤT ĐAI

Dân Đà Lạt không mấy ai không biết thuở vườn ông mới chiếm bên bờ Hồ Xuân Hương rộng 3 mẫu, tính giá rẻ mạt cũng phải 2000 đồng một thước vuông thì trị giá ít ra cũng phải 60 triệu đồng. Nhà chưa làm nhưng đường xá đã mở mang rất đẹp, điện nước đầy đủ, trồng hoa cảnh huy hoàng. Công binh và công chánh phải tốn bao nhiêu xăng nhớt, vật liệu, nhân công để trang trí cho thuở vườn ấy của ông?

Ngoài ra, còn biết bao sở đất ông chiếm hữu và bỏ không từ nhiều năm nay như sở đất sau trường Đại học Đà Lạt, mấy trăm mẫu vào gần Gia Rai trên Quốc lộ 1, mấy trăm mẫu ở Long Khánh, Gia Định và nơi khác?

Dân nghèo nhưng thiếu đất làm ăn, dân tị nạn thương phế binh và quả phụ không có một chỗ cắm dùi, thì lương tâm và trách nhiệm của một vị lãnh đạo một quốc gia đương lâm chiến rách nát, có cho phép ông bạo chiếm nhiều vùng đất phì nhiêu và bỏ hoang như thế không?

Nếu do các Tỉnh trưởng, Thị trưởng nịnh hót dâng hiến thì ông há không biết đó là công thổ, chiếm lấy là cướp giựt của dân? Một vị lãnh đạo công minh phải từ chối và cách chức ngay các kẻ lấy của công sản để lo lót mua địa vị cho họ, ông nghĩ sao?

Toàn dân đau khổ triền miên và đặc biệt là đồng bào các vùng giới tuyến Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Tín, Bình Định, Bình Long đã bỏ nhà cửa ruộng vườn, mồ mả cha ông, chạy tán loạn, kéo lê cuộc đời dở sống dở chết trên những cồn cát cằn cõi, trong những rừng lá đầy chướng khí, sẽ nghĩ thế nào về ông?

 

Trường hợp thứ ba: ĐẦU CƠ PHÂN BÓN

Đã mấy năm nay, nông dân điêu đứng vì nạn khan hiếm phân bón, phải trả giá vàng mới mua được, trong khi họ biết rõ một phần quan trọng của ngoại viện đã dành để nhập cảng phân bón và thuốc sát trùng để yểm trợ cho chương trình phát triển nông nghiệp. Trước sự phẫn uất cao độ của dân chúng, một nhóm Dân biểu Hạ Viện đã mạnh mẽ tố cáo một số Tỉnh trưởng, Dân biểu, Nghị sĩ đã cấu kết với gian thương đầu cơ tích trữ, tạo ra tình trạng khan hiếm để bóc lột nhân dân.

Không thể bưng bít được nữa, Thượng viện đã phải lậo Uỷ ban Điều tra.

Sau 3 tháng làm việc, Uỷ Ban này mà thành phần gồm đến 9 phần 10 là những nghị sĩ chân chính, đã lập một hồ sơ tuy còn thiếu sót nhưng chứa đựng nhiều dữ kiện đáng kể. Theo hồ sơ ấy, tổ chức phạm tội đầu cơ phân bón lớn nhất là Công ty Hải Long mà Chủ tịch là Nguyễn Xuân Nguyên, anh em cột chèo của ông Tổng thống và là người đã ký chi phiếu trả tiền mua sở nhà đất của Đồn Điền Đất Đỏ cho bà Nguyễn Văn Thiệu. Khi câu chuyện vỡ lở, ông đã mời Uỷ Ban Điều tra vào dinh Độc Lập ăn sáng và bảo mang hồ sơ vào ông xem rồi giữ hồ sơ này lại yêu cầu ủy ban “đừng làm khó dễ công ty của chúng tôi nữa”.

Được thể, Nguyễn Xuân Nguyên không thèm ra trả lời trước Uỷ Ban Điều tra theo giấy mời của ủy ban này.

Nghị sĩ Trần Trung Dung và Uỷ Ban của ông phải xin hoãn thêm một tháng, mượn cớ là để điều tra bổ túc nhưng kỳ thực là để lập một hồ sơ khác, trong đó không còn có tên Công ty Hải Long nữa.

Theo điều 68 Hiến Pháp, Tổng thống “không thể kiêm nhiệm một chức vụ nào thuộc lãnh vực tư dù có thù lao hay không?” Ở đây, ông Tổng thống đã hùn hạp với Công ty Hải Long hay ít ra là đã bảo trợ cho Công ty này trong vụ đầu cơ phân bón nói trên như thế, ông có thể nào chạy được tội vi hiến và tham nhũng không?

Hậu quả của sự đầu cơ đó làm cho giá phân tăng vọt lên theo giá lúa lên cao, gây ra cảnh đói kém cho toàn dân. Ước tính thấp nhất cho thấy nhân dân đã mất trên 30 tỷ bạc cho gian thương và tham nhũng trong vụ đầu cơ này.

Còn đâu là “Cuộc Cách mạng Xanh” với lúa Thần Nông không phân bón? Cách mạng Xanh đã bị tham nhũng bóp chết và trớ trêu thay! Chính người đề xướng lại là thủ phạm!

 

Trường hợp thứ tư: BỆNH VIỆN VÌ DÂN

Bốn chữ “bệnh viện vì dân” nghe rất hay vì gợi ý rằng dân nghèo sẽ có nơi nương tựa khi ốm đau, nhưng sự thật quá sức phũ phàng vì hai chữ “Vì Dân” chỉ là một bức bình phong che đậy bao nhiêu việc làm tồi tệ.

Các cơ sở điều trị tối tân của bệnh viện được xây cất trên một khoảng công thổ rộng và đẹp nên không tốn tiền mua. Tiền xây cất một phần do sự đóng góp của các người lấy điểm với phu nhân Tổng thống, một phần do tiền phụ trội vé số kiến thiết và vé hát, một phần khác là quà tặng gửi bằng hiện kim hiện vật của các nước bạn giúp dân nghèo Việt Nam, và phần lớn còn lại là tiền bán các tang vật buôn lậu do quan thuế bắt được như rượu Tây, thuốc lá Mỹ, vải Nhật, máy móc v.v... đều bị bà Nguyễn Văn Thiệu dành lấy, nói là để sung vào quỹ bệnh viện để giúp dân nhưng không có sổ sách nào chứng minh. Số tiền thu được không dưới mấy trăm triệu một năm tức lên hàng tỷ bạc bốn năm nay. Thế mà bệnh viện kia lại là tư sản của bà Nguyễn Văn Thiệu và của Hội Phụ nữ Phụng sự Xã hội của bà.

Các y sĩ điều trị trong bệnh viện đều được Bộ Y tế, Cục Quân Y biệt phái theo tiêu chuẩn thân cận nhiều ít với bà hay đàn em của bà.

Dân được hưởng những gì? Tiền phòng quá đắt, dân nghèo không mon men vào được. Các phòng miễn phí vào khoảng 100 giường nhưng điều kiện nhập viện rất khó, chưa kể tiền phải tốn thêm cho bác sĩ, thuốc men, nên đại đa số dân nghèo bị gạt ra ngoài.

Hai chữ “Vì Dân” rõ ràng đã bị bán đứng với ý đồ đen tối che mắt Quốc tế nhưng không che mắt được người dân. Là nơi tiếp thu tất cả các tang vật buôn lậu, bệnh viện Vì Dân đã bị coi là cơ sở buôn lậu hợp pháp.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tự xưng là người trực tiếp cầm quân đánh vào dinh Gia Long nói là để triệt hạ một chế độ độc tài, gia đình trị, thế thì ông trả lời thế nào với Quốc Dân về chế độ độc tài, gia đình trị, và thối nát hiện tại còn tồi tệ hơn chế độ trước bao nhiêu lần trong việc cấu kết với những người thân tộc để tham nhũng và dĩ công vi tư? Phải chăng đó là một quốc nạn và một quốc nhục, một sự phản bội những người đã hy sinh cho một cuộc trường kỳ chiến đấu gian khổ của quân ta trên 1/4 thế kỷ nay?

 

Trường hợp thứ năm: BUÔN BÁN BẠCH PHIẾN

Đã mấy năm qua, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu luôn luôn hô hào bài trừ bạch phiến, ma túy, với những bích chương dán khắp nơi. Nhưng có người bắt bạch phiến, ma túy, thì cũng có người buôn bán bạch phiến ma túy ngay dưới ánh mắt của những người hữu trách. Dân chúng nghi ngờ đây là một sự vừa ăn cướp vừa la làng những tưởng chỉ có một số cấp thừa hành nào đó phạm tội tày trời nói trên. Nào ngờ theo cuốn “Chánh Trị Bạch Phiến ở Đông Nam Á” (The Politics of Heroin in Southeast Asia) xuất bản năm 1972, mà tác giả là Alfred W. McCoy, thì hỡi ôi chính ông Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Thủ tướng Trần Thiện Khiêm là những người cầm đầu tổ chức buôn bán bạch phiến, ma túy tại miền Nam này.

Sách này bị tuyệt đối cấm nhập cảng vào Việt Nam, nhưng nó cũng đã lọt được vào mắt xanh của những người tìm hiểu.

Theo sách đó, việc buôn bán bạch phiến ở miền Nam Việt Nam dưới sự bảo trợ của hai ông Tổng thống và Thủ tướng, đã được các viên chức thân cận nhất của hai ông cho nhập cảng lậu rồi phân phối cho những tổ chức buôn lậu quốc tế đặc biệt là Bang Triều Châu ở Chợ Lớn. Tác giả nói rõ vị Tướng phụ tá An Ninh và Quân Sự của Tổng thống trực tiếp chỉ huy hệ thống buôn lậu từ các nước ngoài và phân phối khắp 4 quân khu. Các lực lượng quân đội được sử dụng cho đường dây buôn lậu này gồm cả Hải, Lục, Không quân, Lực lượng đặc biệt, nhiều vị Tư lệnh vùng, Cảnh sát và Quan thuế. Quyển sách cũng cho biết lúc quân đội Đồng Minh còn ở Việt Nam, mỗi năm, việc buôn lậu bạch phiến, ma túy đem lại một lợi tức khổng lồ là 88 triệu Mỹ kim tức vào khoảng 57 tỷ bạc Việt Nam, tính trung bình trong 5 năm thì lợi tức đó lên tới 285 tỷ bạc. Nếu đem chia số lợi tức này cho 19 triệu dân miền Nam thì mỗi đầu người được trên 15 ngàn đồng. Vì cuộc buôn bán đó đương còn tiếp tục nên lợi tức kia tăng thêm ít ra cũng tới 400 tỷ bạc.

Chắc ông Tổng thống và Thủ tướng chỉ được một phần thôi nhưng ít ra cũng được 50/60 tỷ. Nhưng điều tai hại hơn hết không phải là mất mấy trăm tỷ bạc vào tay tham quan ô lại và gian thương mà là di độc nó gây ra cho dân tộc nhất là giới thanh thiếu niên trong nhiều thế hệ.

Sách ấy bán ra khắp nơi trên thế giới, tường thuật tỉ mỉ những đường dây di chuyển, những nơi đổ hàng kể cả những vụ đổ bể vì phe cánh ghen ăn phá nhau tại nhiều phi cảng, hải cảng và giang cảng ở miền Nam và Cao Nguyên. Danh tánh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được nêu rõ cùng với danh tánh của Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và một số Tướng lãnh, Dân biểu, Nghị sĩ, Sĩ quan cao cấp thuộc hạ.

Nếu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho là vô căn cứ thì ông phải kiện tác giả cuốn sách ấy tại Tòa án Quốc tế hay một Toà án nào ông thấy cần, vì đây không phải chỉ cá nhân ông bị liên hệ mà cả danh dự quốc gia Việt Nam bị bôi nhọ. Nếu ông không chịu tỏ thái độ thì dân chúng Việt Nam sẽ đứng lên kiện tác giả quyển sách này nhưng với điều kiện là nếu tác giả trưng đầy đủ bằng chứng và thắng kiện thì Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải chịu án phí và những hậu quả của bản án.

 

Trường hợp thứ sáu: VỤ GẠO MIỀN TRUNG

Sáu triệu dân miền Trung thiếu gạo, đói khổ hơn 1 năm nay; Chính phủ phải trợ cấp tiền chuyên chở để giá gạo ở Huế, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Quảng Ngãi cũng xấp xỉ giá ở Sài Gòn. Nhưng dân nào có được hưởng chỉ vì hành vi bóc lột trắng trợn của một mệnh phụ có quyền thế lớn.

Dân miền Trung tiêu thụ mỗi tháng 80.000 tấn gạo. Một phần nửa do gạo địa phương và khoai sắn cung cấp, còn 40.000 tấn phải được tiếp tế hàng tháng. Tiền yểm trợ mỗi tháng cho vùng Nha Trang, Tuy Hòa là 2000 đồng và 2500 đồng cho vùng Quảng Ngãi, Quảng Tín, 3000 đồng cho vùng Đà Nẵng, Huế. Đổ đồng 90 triệu bạc cho 40.000 tấn mỗi tháng. Nhưng người ta đâu có chở đủ 40.000 tấn gạo mỗi tháng ra Trung. Do đó, chỉ dân thành thị mua được gạo tự do, còn dân các Xã, Ấp xa chỉ mua được mỗi gia đình 5 ký lô gạo theo giá chính thức, số còn thiếu phải mua giá chợ đen cắt cổ. Việc bán gạo bị hạn chế, lấy cớ ngăn cản không chở gạo qua vùng Việt Cộng nhưng các viên chức của Chính quyền mua gạo Mỹ giá rẻ, bán lại giá cao cho gian thương để kiếm lời. Cảnh sát có bắt được cũng làm ngơ hay thông đồng, nhắm mắt cho con buôn tiếp tục bán gạo qua bên kia nuôi Việt Cộng.

Việc hạn chế chỉ nhằm giảm số gạo chở ra Trung xuống độ 20.000 tấn mỗi tháng giúp lái buôn ăn không trên 40 triệu đồng tiền yểm trợ chuyên chở hàng tháng, tức 480 triệu mỗi năm, chưa kể các tiền lời khác.

Người bao thầu chở gạo ra miền Trung là Phạm Sanh, Chủ tịch Nam-Việt Ngân hàng. Người bao thầu phân phối gạo ở miền Trung là mệnh phụ Ngô Thị Huyết, tức Sáu Huyết là cô ruột của Tổng thống Thiệu, mẹ đẻ của Tổng trưởng Dân Vận Hoàng Đức Nhã. Bà Sáu Huyết thông đồng với Phạm Sanh để chia nhau số tiền yểm trợ chuyên chở đó. Vì thế, dù Nam Việt Ngân hàng đã bị Ngân Hàng Quốc gia cảnh cáo nhiều lần về sự quản trị bê bối, Phạm Sanh vẫn được Tổng trưởng Thương mại và Kỹ nghệ ứng trước tiền mua gạo ra miền Trung với bạc tỷ. Phạm Sanh cứ trễ nãi trong việc thi hành khế ước buộc Tổng Cường phải phạt y 240 triệu đồng.

Phạm Sanh dại gì mà không trễ nãi khi được bà Sáu Huyết đỡ đầu.

Một tỷ bạc ứng trước đem làm các dịch vụ khác hay bỏ vào ngân hàng cũng dễ kiếm được 30 triệu bạc lời mỗi tháng. Trễ 3 tháng là kiếm được lời gần 100 triệu. Chia đôi mỗi người 50 triệu. Tuy có lệnh phạt 240 triệu, chưa chắc Phạm Sanh đã chịu nạp ngay mà có lẽ không nạp cũng nên.

Dân miền Trung đói kém phải ăn củ năng, củ chuối kể cả xương rồng, đến nỗi phải chết tức tưởi, nhưng người ta đâu thèm nghĩ đến miễn là mỗi tháng bỏ túi được 50, 60 triệu đồng.

Đây quả là một quốc nạn vì bao nhiêu người phải đói chết vì nó. Đây quả là một quốc nhục vì do một mệnh phụ cô ruột của ông Tổng thống, mẹ đẻ của ông Tổng trưởng, bóc lột xương máu dân nghèo miền Trung.

“Lời oán than của dân chúng quả đã lên tận Trời cao vì tham nhũng là gươm đao giết họ”.

Dưới mắt dân chúng, tham nhũng đi đôi với quyền hành. Quyền hành càng lớn thì tham nhũng càng nhiều và tham nhũng khủng khiếp, hiện tại chỉ có thể có là tại vì chính vị nguyên thủ quốc gia đã bao che và chủ động.

Tham nhũng đúng là một quốc hận vì nó bóc lột nhân dân đến tận xương tủy, đâm sau lưng chiến sĩ, phá hoại nền kinh tế quốc gia, hủy diệt sức đề kháng của dân tộc.

Tham nhũng đúng là một quốc nhục được vị nguyên thủ quốc gia chủ trương làm mất thanh danh quốc gia trên trường quốc tế khiến cho địch khinh và bạn chán. Bất cứ người dân Việt nào xuất ngoại cũng cảm thấy tủi hổ khi nghe những người quốc bạn với nước ta thốt ra những câu nói chua chát như sau đây:

- “Chúng tôi có cảm tình với quý ông nhưng chúng tôi tiếc không bênh vực được cho lập trường của quý ông, chỉ vì Chính phủ của quý ông quá thối nát, tồi tệ”.

Thử hỏi ông Tổng thống và Chính phủ ông có cảm thấy xấu hổ về lời nói trên đây của những người bạn chân thành với dân tộc ta không?

Lâu nay, nhân dân cắn răng chịu đựng vì tin vào ý chí chống Cộng của ông Tổng thống. Sợ làm ra điều gì thì có thể gây hại cho đại cuộc. Nhưng khi các tài liệu mật của Hội Nghị Đình Chiến được công bố nhân dân phải bật ngửa. Điều kiện của Chính phủ miền Nam đưa ra là Cộng Sản Bắc Việt phải rút hết 300 ngàn cán binh khỏi miền Nam. Còn điều kiện của Cộng Sản Bắc Việt là đòi Tổng thống Thiệu phải ra đi. Kết cục hai bên đã thỏa thuận bỏ những đòi hỏi trên để đồng ý vào Hiệp định Paris 1973.

Rõ ràng Tổng thống Thiệu đã chấp nhận cho 300 ngàn quân xâm lược ở lại miền Nam để đổi lấy cái ghế Tổng thống của ông, là một điều trái với lập trường “Bốn Không” của ông đã cam kết với quốc dân và với điều 4 hiến pháp. Chiến tranh hiện nay tiếp tục giết hại quân dân ta là tại lòng tham của ông Nguyễn Văn Thiệu đã coi ngôi vị Tổng thống của ông nặng hơn vận mệnh của dân tộc.

Đây là một thứ tham nhũng tệ hại hơn hết vì là tham nhũng trên sự sống còn của dân tộc hay nói đúng hơn là một sự phản bội dân tộc.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trả lời thế nào với Quốc Dân và Quốc Dân phải làm gì đối với ông.

Đó là hai vấn đề phải được đặt ra và phải được giải quyết tức khắc trên căn bản công bằng:

- Những gì của Quân đội phải trả lại cho Quân đội.

- Những gì của Quốc gia phải trả lại cho Quốc gia.

- Những gì của Dân tộc phải trả lại cho Dân tộc.

 

Huế, ngày 8 tháng 9 năm 1974

Phong trào nhân dân chống tham nhũng để cứu nước và kiến tạo hòa bình

 

 

Trích từ  “Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa

của Nguyễn Khắc Ngữ, Montréal, Canada, 1979 trang 417 đến 422.

 

 

HAI TÀI LIỆU

 

 

1. Tuyên ngôn của 18 nhân vật thuộc nhóm Tự do Tiến bộ gửi Tổng thống Ngô Đình Diệm. Làm tại Sài Gòn ngày 26 tháng 4 năm 1960.

 

2. Bản CÁO TRẠNG SỐ MỘT của PHONG TRÀO NHÂN DÂN CHỐNG THAM NHŨNG gửi đồng bào và anh em chiến sĩ. Làm tại Huế ngày 8 tháng 9 năm 1974.


 

TUYÊN NGÔN CỦA 18 NHÂN VẬT

THUỘC NHÓM "TỰ DO TIẾN BỘ"

GỞI TỔNG THỐNG VIỆT NAM CỌNG HÒA, SÀI GÒN

 

 

 

Thưa Tổng thống,

Chúng tôi ký tên dưới đây, đại diện cho một nhóm đồng bào, nhân vật và trí thức tên tuổi thuộc mọi xu hướng, nhóm những người thiện chí nhận thấy rằng đối diện với sự trầm trọng của tình hình chính trị hiện nay, chúng tôi không thể cứ bàng quan với những thực tế của nước ta.

Vì vậy, chúng tôi chính thức gửi đến Tổng thống hôm nay lời kêu gọi, với mục đích phơi bày với Tổng thống tất cả sự thật trong niềm hy vọng là chính quyền sẽ lưu tâm để gấp rút thay đổi chính sách, hầu cứu vãn tình hình hiện nay để đưa quốc dân ra khỏi cơn nguy biến.

Chúng ta hãy nhìn lại dĩ vãng thời Tổng thống còn ở nước ngoài. Đã 8, 9 năm qua, dân tộc Việt Nam trải qua nhiều thử thách do chiến tranh mang lại; từ sự độ hộ của Pháp đến việc chiếm đóng của Nhật, từ cách mạng cho đến kháng chiến, từ việc Cộng Sản núp sau chiêu bài quốc gia để gạt gẫm cho đến nền độc lập giả tạo che dấu nền thực dân, từ kinh hoàng này đến kinh hoàng khác, hy sinh liên tục - nói tóm lại từ hứa hẹn này đến hứa hẹn khác, cuối cùng cho đến khi niềm hy vọng kết thúc bằng một sự thất vọng chua cay.

Vì vậy, khi Tổng thống sắp sửa hồi hương, toàn dân đã nuôi mối hy vọng là dưới sự lãnh đạo của Tổng thống, toàn dân sẽ lại tìm thấy được nền Hòa bình cần thiết để đem lại ý nghĩa cho cuộc sống, để dựng lại ngôi nhà đã bị phá hủy, để đặt lại được cái cày trên những mảnh đất từng bị bỏ hoang. Nhân dân hy vọng rằng không còn bị bắt buộc buổi sáng hoan hô một chế độ, buổi chiều hoan hô một chế độ khác, không còn là con mồi cho sự tàn bạo và áp lực của một phe phái nào, không còn bị đối xử như cu-li, không còn một nền độc quyền nào thao túng, không còn bị sự cướp bóc của công chức tham nhũng và độc đoán. Nói tóm lại, nhân dân ước mong được sinh sống trong sự an ninh, dưới một thể chế sẽ đem lại cho họ một chút công lý và tự do. Toàn dân nghĩ rằng Tổng thống sẽ là con người của thời thế và sẽ đáp ứng được nguyện vọng của họ.

Lúc Tổng thống mới về nước thì tình trạng quốc gia như thế đó. Hiệp ước Genève năm 1954 chấm dứt cuộc chiến và sự tàn phá của chiến tranh. Quân đội viễn chinh Pháp tuần tự rút đi và nền độc lập cho miền Nam Việt Nam trở thành một sự thật. Ngoài ra, nước nhà còn được sự khích lệ tinh thần và được hưởng sự viện trợ đáng kể của thế giới tự do. Với nhiều yếu tố chính trị thuận lợi như thế thêm vào những điều kiện địa dư may mắn có được đất đai màu mỡ về nông lâm sản và thặng dư về hải sản, đáng lẽ miền Nam Việt Nam đã phải đủ sức để bắt đầu đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến đấu với miền Bắc, để có thể thỏa mãn được ý dân và đưa đất nước đến hy vọng, tự do và hạnh phúc. Ngày này, sáu năm sau, sau khi hưởng được nhiều lợi điểm không thể chối cãi đến như thế, Chính phủ đã làm được những gì? Chính phủ đã đưa miền Nam đi về đâu? Những ước vọng tha thiết nào của nhân dân đã được thành tựu?

Chúng ta thử tổng kết tình hình một cách khách quan, không xu nịnh mà cũng không buộc tội sai lầm, theo đúng đường hướng xây dựng mà chính Tổng thống vẫn hay nói đến với ước vọng là Chính phủ sẽ thay đổi chính sách để tự đưa mình ra khỏi một tình trạng hết sức hiểm nghèo cho sự sinh tồn của quốc gia.

 

VỀ CHÍNH TRỊ

Mặc dù chế độ ngoại lai do thực dân tạo ra và che chở đã bị lật đổ và nhiều phe nhóm từng đàn áp nhân dân đã bị triệt hạ, dân chúng vẫn chưa tìm thấy được một cuộc sống khá hơn hay có nhiều tự do hơn dưới chế độ Cộng Hòa do Tổng thống thành lập. Một hiến pháp đã được lập ra nhưng chỉ có hình thức. Và Quốc hội tuy có đấy nhưng những cuộc thảo luận luôn luôn được diễn ra chỉ theo đường hướng của chính quyền. Và những cuộc bầu cử phản dân chủ. Toàn là những phương pháp và “trò hề” bắt chước các chế độ Cộng Sản độc tài và lẽ tất nhiên là không thể đem ra để so sánh với miền Bắc được.

Những vụ bắt bớ liên tục tiếp diễn làm cho nhà giam và khám đường đầy đến tận nóc như hiện nay đang xảy ra; dư luận quần chúng và báo chí phải câm lặng. Cũng thế, ý dân bị khinh nhục và chà đạp trong những cuộc đầu phiếu (ví dụ trường hợp xảy ra trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2 mới đây). Tất cả những điều này đã gây ra sự nản chí và bất mãn của dân chúng.

Các chính đảng và giáo phái đã bị loại bỏ. Thay vào đấy là các “Nhóm” và “Phong trào”. Nhưng sự thay thế này chỉ đem đến những điều áp bức mới cho dân chúng mà không che chở được cho dân chúng của các giáo phái từ trước vẫn là những vùng tử địa của Cộng Sản thì nay không những đã mất hết an ninh (cho người Quốc gia) mà còn trở thành những đại lộ cho du kích Việt Cộng mà tình trạng chung như thế xảy ra khắp nơi.

Đây là chứng cớ cho thấy rằng các giáo phái tuy nhỏ nhoi không đáng kể đã là những thành phần chống Cộng hữu hiệu. Việc triệt hạ các giáo phái đã mở lối cho Việt Cộng và vô tình dọn đường cho kẻ thù, trong khi một chính sách thực tế và uyển chuyển hơn đã có thể liên kết họ về chung thành một khối để tiếp sức cho trận tuyến chống Cộng.

Ngày nay, nhân dân muốn được tự do. Đáng lẽ Tổng thống nên mở rộng chế độ, khuyến khích nền dân chủ, bảo đảm các quyền công dân tối thiểu và công nhận đối lập hầu dân chúng được nói lên tiếng nói của mình mà không sợ hãi để dẹp được sự bất mãn và căm thù, vì đối với dân chúng, thế đối lập là lý do độc nhất cho họ tồn tại. Khi Tổng thống thực hiện xong được những điều này thì nhân dân miền Nam Việt Nam có thế đứng của mình đối với miền Bắc mà nhận ra được giá trị của một nền tự do thật sự và một nền dân chủ chân chính. Chỉ đến lúc đó dân chúng mới sẽ nỗ lực và hy sinh tối đa để bảo vệ sự tự do và nền dân chủ ấy.

 

VỀ CHÍNH QUYỀN

Lãnh thổ thu hẹp lại, số công chức lại tăng lên mà việc quản trị lại không chạy. Ấy là vì chính quyền giống như Cộng Sản, đã để cho các đoàn thể chính trị (của chính quyền) kiểm soát người dân, tách rời nhóm ưu tư ra khỏi hạ tầng và gieo rắc sự nghi ngờ giữa những kẻ liên hệ với “đoàn thể” và những người “ngoài đoàn thể”. Thực quyền không còn ở trong tay của những người đáng lý có trách nhiệm của “gia đình”, nơi từ đó các mệnh lệnh được truyền ra. Điều này làm cho guồng máy hành chánh bị chậm lại, làm tê liệt mọi sáng kiến và làm nản lòng mọi người có thiện chí. Đồng thời, không một tháng nào trôi qua mà báo chí không đăng đầy những chuyện hối lộ không thể che dấu được, những chuyện này trở thành một chuỗi dài những giao dịch phi pháp hằng triệu bạc.

Guồng máy hành chánh, vốn đã bị đình trệ bây giờ hầu như hoàn toàn trở nên tê liệt. Nền hành chánh cần được cải tổ gấp rút. Những người có khả năng phải được đặt đúng vào những chức vụ từ trên xuống dưới, hệ thống hành chánh và kỷ luật phải được tái lập, quyền lực và trách nhiệm phải đi đôi với nhau; sự hữu hiệu, sáng kiến, lòng ngay thẳng và tính cần kiệm phải là những tiêu chuẩn để dùng vào việc thăng thưởng, khả năng nghề nghiệp phải được tôn trọng. Phải loại trừ tình trạng ban phát ân huệ bằng vào những liên hệ gia đình hay phe phái. Những kẻ buôn bán quyền hành, tham nhũng và lạm dụng quyền thế phải bị trừng trị.

Có như thế thì mọi chuyện vẫn còn có thể cứu vãn được, nhân phẩm còn có thể phục hồi, và có thể dựng lại niềm tin vào một chính quyền thành thật và công bình.

 

VỀ QUÂN ĐỘI

Quân đội viễn chinh đã ra khỏi nước và một quân đội Cộng Hòa đã được thành lập; nhờ vào viện trợ Hoa Kỳ quân đội này đã được trang bị với quân trang quân cụ tối tân. Tuy nhiên ngay cả trong lực lượng thanh niên kiêu hãnh như Quân đội Việt Nam - nơi mà đáng lý tinh thần danh dự phải được vun xới, gồm những kẻ mà bầu nhiệt huyết và những cánh tay phải được tận dụng vào việc bảo vệ quốc gia, nơi mà đáng lẽ phải vắng bóng đầu óc phe phái - thì tinh thần “Phong trào Cách mạng Quốc gia” hoặc tinh thần “Nhân vị” đã chia rẽ những kẻ cùng chung một đơn vị, gây ngờ vực giữa những bạn đồng ngũ đồng cấp và lấy “sự trung thành với một đảng để tùng phục mù quáng những kẻ lãnh đạo đảng” làm tiêu chuẩn thăng thưởng. Điều này đã tạo ra những điều kiện cực kỳ nguy hiểm, như trong vụ vừa xảy ra ở Tây Ninh. (Bernard Fall ghi chú: Vụ sư đoàn 21 bị Việt Cộng tấn công đầu năm 1960).

Nhiệm vụ của quân đội, rường cột của việc bảo vệ quê hương, là chận đứng những cuộc ngoại xâm và tiêu diệt các phong trào nổi loạn. Quân đội chỉ phục vụ quốc gia và không nên để cho một phe nhóm hay đảng phái nào lợi dụng. Việc cải tổ toàn diện quân đội là một điều cần thiết. Đầu óc phe phái và sự trung thành với một đảng phải được loại bỏ; tinh thần quân đội phải được tái phục hồi cho mạnh lên, phải tạo ra một truyền thống cao đẹp về niềm hãnh diện quốc gia; và tinh thần chiến đấu, lương tâm nghề nghiệp và lòng can trường phải là những tiêu chuẩn dùng trong việc thăng thưởng. Phải khuyến khích binh sỹ biết kính trọng cấp trên và phải khuyến khích sĩ quan phải biết yêu thương binh sĩ. Phải loại bỏ lòng ngờ vực, ganh tỵ và đố kỵ giữa những kẻ đồng đội, đồng ngũ.

Có như thế, gặp thời nguy biến quốc gia sẽ có được một quân đội hào hùng thúc đẩy bởi một tinh thần và có cùng một lý tưởng: bảo vệ cho cái sở hữu chúng ta: quê hương Việt Nam.

 

VỀ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI

Một xứ sở giàu có và phì nhiêu với thực phẩm dư thừa, một ngân sách không cần phải đối phó với những chi phí Quốc phòng, (chi phí Quốc phòng của miền Nam Việt Nam do kinh viện và quân viện của Hoa Kỳ đài thọ: ghi nhận thêm của Bernard Fall) những ngân khoản bồi thường chiến tranh lớn lao, mức lời cao đẻ ra từ công khố phiếu quốc gia, một chương trình ngoại viện khổng lồ, một thị trường bành trướng và đủ sức nhận vốn đầu tư của ngoại quốc. Đó là nhiều điều kiện thuận lợi có thể biến Việt Nam thành một quốc gia sản xuất cao và thịnh vượng. Thế mà hiện nay nhiều người không có việc để làm, không có nhà để ở và không có tiền bạc. Gạo nhiều nhưng bán không được, các tiệm đầy hàng mà hàng hóa lại không di chuyển - nguồn lợi nằm trong tay những kẻ đầu cơ, dùng phe nhóm, đoàn thể của chính quyền để che dấu việc buôn bán độc quyền đem lợi về cho một thiểu số tư nhân. Trong lúc đó, hằng ngàn dân bị huy động đi làm việc cực nhọc, bị ép buộc phải rời bỏ công ăn việc làm, nhà cửa gia đình của mình để tham gia vào công tác xây dựng những “Khu Dinh Điền” tuy đồ sộ nhưng vô ích. Điều này làm họ mỏi mệt và mất thiện cảm với chính quyền càng làm cho mối bất mãn thêm trầm trọng và tạo một môi trường lý tưởng cho công tác tuyên truyền của địch.

Kinh tế là nền móng của xã hội và lòng dân là yếu tố sống còn của chế độ. Chính quyền phải phá tan mọi chướng ngại cản trở việc mở mang kinh tế. Phải hủy bỏ sự độc quyền và đầu cơ dưới mọi hình thức; phải tạo môi trường thuận tiện cho việc đầu tư đến từ phía các quốc gia thân hữu cũng như từ chính nhân dân của ta; phải khuyến khích kinh doanh thương mại, khuếch trương kỹ nghệ và tạo công ăn việc làm để giảm thiểu tình trạng thất nghiệp. Đồng thời, chính quyền phải chấm dứt sự bóc lột con người dưới mọi hình thức trong các công trường lao động của những “Khu Dinh Điền”.

Có thế nền kinh tế mới lại phát triển, người dân mới tìm lại được cuộc sống an bình và mới được thụ hưởng đời sống của mình, xã hội mới được tái thiết trong một bầu không khí tự do và dân chủ.

 

Thưa Tổng thống, có lẽ đây là lần đầu tiên Tổng thống mới được nghe lời phê bình gắt gao và khó chịu ngược lại với ý muốn của Tổng thống. Tuy nhiên, thưa Tổng thống, những lời trình bày ở đây là sự thật hoàn toàn, một sự thật cay đắng nặng nề mà Tổng thống chưa bao giờ biết được vì dù vô tình hay chủ ý, một khoảng trống quanh Tổng thống đã được tạo ra và chính vì cái địa vị cao cả của Tổng thống mà không ai để cho Tổng thống nhận ra được thời kỳ nghiêm trọng khi mà sự thật sẽ tràn tới như những làn sóng căm hờn không cưỡng nổi, sự căm hờn của nhân dân đã từ rất lâu phải nhận chịu sự đau khổ khủng khiếp đến một lúc sẽ vùng lên bẻ gẫy những ràng buộc từng cột chặt mình, đè mình xuống. Làn sóng này sẽ quét sạch sự ô nhục và bất công vốn bao quanh người dân đã áp bức họ.

Vì chúng tôi hoàn toàn thành thật không muốn thấy Quê Cha Đất Tổ phải trải chịu những ngày tháng hiểm nghèo đó nên chúng tôi - không kể đến những hậu quả do hành động của chúng tôi sẽ mang lại cho chúng tôi - hôm nay gióng lên tiếng chuông báo động trước mối nguy cơ cấp thiết đang đe dọa chính quyền.

Cho đến nay, chúng tôi đã giữ im lặng và để cho chính quyền mặc ý hành động. Nhưng bây giờ đã đến lúc khẩn thiết, chúng tôi cảm thấy rằng bổn phận của chúng tôi - và trong lúc nước nhà gặp cảnh rối loạn thì ngay cả những kẻ hèn kém nhất cũng phải chia xẻ bổn phận này - là phải nói lên sự thật, thức tỉnh dư luận, báo động với nhân dân, và liên kết những kẻ đối lập, để cho thấy lối thoát.

Chúng tôi thỉnh cầu chính quyền gấp thay đổi chính sách để cứu vãn tình thế, bảo vệ chế độ Cộng Hòa và bảo vệ sự sống còn của quốc gia. Chúng tôi giữ vững niềm hy vọng là dân tộc Việt Nam sẽ có một tương lai sáng lạn để được hưởng thanh bình và thịnh vượng trong Tự Do và Tiến Bộ.

Trân trọng

 

1. Trần Văn Văn (quê Nam phần, Tam giáo) Bằng Cao học Thương mại, cựu Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch.

2. Phan Khắc Sửu (quê Nam Phần, Cao Đài) Kỹ sư Canh Nông, cựu Bộ trưởng Canh Nông.

3. Trần Văn Hương (quê Nam phần, Tam giáo) Giáo sư Trung học, cựu Đô trưởng Sài Gòn-Chợ Lớn.

4. Nguyễn Lưu Viên (quê Nam phần, Tam giáo) Bác sĩ Y khoa, cựu Cao ủy Di Cư.

5. Huỳnh Kim Hữu (quê Nam phần, Tam giáo, một lãnh tụ thuộc nhóm Tinh Thần) Bác sĩ Y khoa, cựu Bộ trưởng Y tế.

6. Phan Huy Quát (quê Trung phần, Tam giáo, một lãnh tụ thuộc đảng Đại Việt) cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Giáo Dục.

7. Trần Văn Lý (quê Trung phần, Thiên Chúa giáo, cựu đồng chí của Tổng thống Diệm trong phong trào Cường Để) cựu Thủ hiến Trung-Việt.

8. Nguyễn Tiến Hỷ (quê Bắc phần, Tam giáo, một lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng) Bác sĩ Y khoa.

9. Trần Văn Đỗ (quê Nam phần, Tam giáo, lãnh tụ nhóm Tinh Thần, nhóm đã ủng hộ lập trường chính trị của ông Diệm vào mấy năm trước kho ông Diệm cầm quyền). Bác sĩ Y khoa. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao và Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Hòa Hội Genève năm 1954.

10. Lê Ngọc Chấn (quê Bắc phần, Tam giáo, một lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng) luật sư, cựu Bộ trưởng Quốc phòng.

11. Lê Quang Luật (quê Bắc phần, Thiên Chúa giáo, lãnh tụ Phong trào Liên hiệp Dân chúng ủng hộ ông Ngô Đình Diệm khi ông Diệm còn ở hải ngoại) Luật sư, nhà báo, cựu đại diện Chính phủ tại Bắc Việt sau khi Hiệp ước Genève ra đời, lãnh đạo việc đưa 800.000 dân di cư vào Nam, và cựu Bộ trưởng Thông tin.

12. Lương Trọng Tường (quê Nam phần, Hòa Hảo) Kỹ sư công chánh, cựu Thứ trưởng Kinh tế Quốc gia.

13. Nguyễn Tăng Nguyên (quê Trung phần, Phật giáo, một lãnh tụ thuộc nhóm Tinh Thần, một sáng lập viên Đảng Cần Lao Nhân Vị) Bác sĩ Y khoa, cựu Bộ trưởng Lao Động và Thanh Niên.

14. Phạm Hữu Chương (quê Bắc phần, Tam giáo) Bác sĩ Y khoa, cựu Bộ trưởng Y tế và Công tác Xã hội.

15. Trần Văn Tuyên (quê Bắc phần, Tam giáo, một lãnh tụ của VNQDĐ) Luật sư, cựu Bộ trưởng Thông tin và Tuyên truyền.

16. Tạ Chương Phùng (quê Trung phần, Tam giáo, cựu đồng chí của ông Diệm trong phong trào Cường Để) Tú tài Hán học, cựu Tỉnh trưởng Bình Định.

17. Trần Lê Chất (quê Bắc phần, Tam giáo) Tiến sĩ Hán học.

18. Hồ Văn Vui (quê Nam phần) Linh mục, cựu Cha sở một họ đạo thuộc địa phận Sài Gòn và hiện nay là Cha sở tại Tha La, Tây Ninh.

Ngày 26 tháng 4 năm 1960

* Trích, dịch từ “The Two Vietnam” của Bernard Fall, phụ bản II trang 435-441-Hoa Kỳ 1967.

* Phần trong ngoặc đơn là do tác giả thêm vào để làm nổi bật tính chất đại diện rộng rãi của nhóm tác giả bản Tuyên Ngôn này.


 

CÁO TRẠNG SỐ 1 CỦA PHONG TRÀO

NHÂN DÂN CHỐNG THAM NHŨNG

 

 

Kính thưa Đồng bào và Anh em chiến sĩ,

Trong bài nói chuyện với Công chức, cán bộ toàn quốc tại Vũng Tàu ngày 10-7-1973 về cuộc Cách mạng Hành chánh phải hoàn thành trong vòng 6 tháng từ tháng 7 đến tháng 12 năm 1973. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã hoạch định mục tiêu của cuộc Cách mạng đó là phải trừ tham nhũng tận gốc rễ. Tiếp theo ông lại tuyên bố: “Tham nhũng không những là quốc nạn mà còn là quốc nhục”.

Nhân dân những tưởng rằng vị Nguyên thủ Quốc gia đã thấu hiểu được sự tình và sẽ có những biện pháp chung quyết để chấm dứt tệ trạng nói trên. Song tiếc thay! Những gì nhân dân đã chứng kiến sau đó cho thấy sự thật phũ phàng với những vụ tham nhũng tày trời mà những người chủ động không thể là ai khác ngoài những người thân cận nhất với ông Tổng thống và ngay cả cá nhân ông.

Bởi thế, hôm nay, Quốc dân Đồng bào và anh em chiến sĩ cần đặt thẳng vấn đề với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu về một số trường hợp tai tiếng sau đây, với đầy đủ bằng chứng để phân đục trắng đen.

 

Trường hợp thứ nhất: NHÀ CỬA

Khi còn là Sư đoàn trưởng, Đại tá Nguyễn Văn Thiệu đã được cấp một căn nhà trong cư xá Bộ Tổng Tham mưu và một ngân khoản 500.000 đồng để tu bổ, trang trí như một số các tướng tá khác. Nhưng khi làm Chủ tịch ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, mặc dù đã có sẵn dinh Độc Lập và bao nhiêu Dinh số 1, số 2, số 3 v.v... tại Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Vũng Tàu, Nha Trang v.v... ông còn chiếm thêm 2 căn nhà của cư xá Bộ Tổng Tham Mưu nữa và lấy 30 triệu đồng bạc để tu bổ và trang trí, chưa kể một đại đội công binh được biệt phái làm việc không công.

Ba căn nhà đó đã bỏ không 9 năm nay và còn có thể bỏ không thêm 5 năm nữa vì ông đã sửa đổi Hiến pháp để ngồi lại thêm 5 năm nữa, cộng chung là 14 năm, trong lúc bao nhiêu là tư lệnh sư đoàn, Tướng Tá khác không có một căn nhà để ở.

Ông Tổng thống chỉ có 2 người con, trưởng nữ đã xuất giá, còn thứ nam thì được ông mua một biệt thự của hãng Shell ở đường Phan Đình Phùng Sài Gòn giá trên 40 triệu đồng. Vừa rồi ông còn mua sở đất của Đồn Điền Đất Đỏ (Plantation des Terres) đường Công Lý Sài Gòn giá 98 triệu đồng để tên phu nhân, còn tiền thì do ông Nguyễn Xuân Nguyên, anh em cột chèo của ông Tổng thống, Chủ tịch Công ty Phân bón Hải Long, viết chi phiếu để trả. Đó là chưa kể một biệt thự nguy nga ông tậu ở Thụy Sỹ mà đồng bào có dịp xuất ngoại đã trông thấy.

Như vậy, việc chiếm hữu ba căn nhà trong cư xá Bộ Tổng Tham mưu phải chăng cho thấy lòng tham quá độ và sự lạm quyền quá lố của ông không?

Ông lấy tiền đâu mà mua nhà cửa như thế, và khi mua sắm, ông đã đóng bao nhiêu thuế trước bạ cho ngân sách quốc gia? Ông có chịu điều kiện cho Đồn Điền Đất Đỏ chuyển ngân về Pháp không? Việc làm của ông có đi đôi với chính sách thắt lưng buộc bụng do chính ông hô hào không? Phải chăng đó là một tội tham nhũng, một tội hối mại quyền thế, một sự che mắt Quốc Dân với những lời lẽ mạnh mẽ hô hào chống tham nhũng?

Với tư cách là Tổng Tư Lệnh Quân Lực ông có cảm thấy sự thẹn với lương tâm binh sĩ: cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhà không có để ở, có khi vợ phải đi làm con điếm nuôi con, tinh thần và thể xác hi sinh hết cho đại cuộc quốc gia?

 

Trường hợp thứ hai: ĐẤT ĐAI

Dân Đà Lạt không mấy ai không biết thuở vườn ông mới chiếm bên bờ Hồ Xuân Hương rộng 3 mẫu, tính giá rẻ mạt cũng phải 2000 đồng một thước vuông thì trị giá ít ra cũng phải 60 triệu đồng. Nhà chưa làm nhưng đường xá đã mở mang rất đẹp, điện nước đầy đủ, trồng hoa cảnh huy hoàng. Công binh và công chánh phải tốn bao nhiêu xăng nhớt, vật liệu, nhân công để trang trí cho thuở vườn ấy của ông?

Ngoài ra, còn biết bao sở đất ông chiếm hữu và bỏ không từ nhiều năm nay như sở đất sau trường Đại học Đà Lạt, mấy trăm mẫu vào gần Gia Rai trên Quốc lộ 1, mấy trăm mẫu ở Long Khánh, Gia Định và nơi khác?

Dân nghèo nhưng thiếu đất làm ăn, dân tị nạn thương phế binh và quả phụ không có một chỗ cắm dùi, thì lương tâm và trách nhiệm của một vị lãnh đạo một quốc gia đương lâm chiến rách nát, có cho phép ông bạo chiếm nhiều vùng đất phì nhiêu và bỏ hoang như thế không?

Nếu do các Tỉnh trưởng, Thị trưởng nịnh hót dâng hiến thì ông há không biết đó là công thổ, chiếm lấy là cướp giựt của dân? Một vị lãnh đạo công minh phải từ chối và cách chức ngay các kẻ lấy của công sản để lo lót mua địa vị cho họ, ông nghĩ sao?

Toàn dân đau khổ triền miên và đặc biệt là đồng bào các vùng giới tuyến Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Tín, Bình Định, Bình Long đã bỏ nhà cửa ruộng vườn, mồ mả cha ông, chạy tán loạn, kéo lê cuộc đời dở sống dở chết trên những cồn cát cằn cõi, trong những rừng lá đầy chướng khí, sẽ nghĩ thế nào về ông?

 

Trường hợp thứ ba: ĐẦU CƠ PHÂN BÓN

Đã mấy năm nay, nông dân điêu đứng vì nạn khan hiếm phân bón, phải trả giá vàng mới mua được, trong khi họ biết rõ một phần quan trọng của ngoại viện đã dành để nhập cảng phân bón và thuốc sát trùng để yểm trợ cho chương trình phát triển nông nghiệp. Trước sự phẫn uất cao độ của dân chúng, một nhóm Dân biểu Hạ Viện đã mạnh mẽ tố cáo một số Tỉnh trưởng, Dân biểu, Nghị sĩ đã cấu kết với gian thương đầu cơ tích trữ, tạo ra tình trạng khan hiếm để bóc lột nhân dân.

Không thể bưng bít được nữa, Thượng viện đã phải lậo Uỷ ban Điều tra.

Sau 3 tháng làm việc, Uỷ Ban này mà thành phần gồm đến 9 phần 10 là những nghị sĩ chân chính, đã lập một hồ sơ tuy còn thiếu sót nhưng chứa đựng nhiều dữ kiện đáng kể. Theo hồ sơ ấy, tổ chức phạm tội đầu cơ phân bón lớn nhất là Công ty Hải Long mà Chủ tịch là Nguyễn Xuân Nguyên, anh em cột chèo của ông Tổng thống và là người đã ký chi phiếu trả tiền mua sở nhà đất của Đồn Điền Đất Đỏ cho bà Nguyễn Văn Thiệu. Khi câu chuyện vỡ lở, ông đã mời Uỷ Ban Điều tra vào dinh Độc Lập ăn sáng và bảo mang hồ sơ vào ông xem rồi giữ hồ sơ này lại yêu cầu ủy ban “đừng làm khó dễ công ty của chúng tôi nữa”.

Được thể, Nguyễn Xuân Nguyên không thèm ra trả lời trước Uỷ Ban Điều tra theo giấy mời của ủy ban này.

Nghị sĩ Trần Trung Dung và Uỷ Ban của ông phải xin hoãn thêm một tháng, mượn cớ là để điều tra bổ túc nhưng kỳ thực là để lập một hồ sơ khác, trong đó không còn có tên Công ty Hải Long nữa.

Theo điều 68 Hiến Pháp, Tổng thống “không thể kiêm nhiệm một chức vụ nào thuộc lãnh vực tư dù có thù lao hay không?” Ở đây, ông Tổng thống đã hùn hạp với Công ty Hải Long hay ít ra là đã bảo trợ cho Công ty này trong vụ đầu cơ phân bón nói trên như thế, ông có thể nào chạy được tội vi hiến và tham nhũng không?

Hậu quả của sự đầu cơ đó làm cho giá phân tăng vọt lên theo giá lúa lên cao, gây ra cảnh đói kém cho toàn dân. Ước tính thấp nhất cho thấy nhân dân đã mất trên 30 tỷ bạc cho gian thương và tham nhũng trong vụ đầu cơ này.

Còn đâu là “Cuộc Cách mạng Xanh” với lúa Thần Nông không phân bón? Cách mạng Xanh đã bị tham nhũng bóp chết và trớ trêu thay! Chính người đề xướng lại là thủ phạm!

 

Trường hợp thứ tư: BỆNH VIỆN VÌ DÂN

Bốn chữ “bệnh viện vì dân” nghe rất hay vì gợi ý rằng dân nghèo sẽ có nơi nương tựa khi ốm đau, nhưng sự thật quá sức phũ phàng vì hai chữ “Vì Dân” chỉ là một bức bình phong che đậy bao nhiêu việc làm tồi tệ.

Các cơ sở điều trị tối tân của bệnh viện được xây cất trên một khoảng công thổ rộng và đẹp nên không tốn tiền mua. Tiền xây cất một phần do sự đóng góp của các người lấy điểm với phu nhân Tổng thống, một phần do tiền phụ trội vé số kiến thiết và vé hát, một phần khác là quà tặng gửi bằng hiện kim hiện vật của các nước bạn giúp dân nghèo Việt Nam, và phần lớn còn lại là tiền bán các tang vật buôn lậu do quan thuế bắt được như rượu Tây, thuốc lá Mỹ, vải Nhật, máy móc v.v... đều bị bà Nguyễn Văn Thiệu dành lấy, nói là để sung vào quỹ bệnh viện để giúp dân nhưng không có sổ sách nào chứng minh. Số tiền thu được không dưới mấy trăm triệu một năm tức lên hàng tỷ bạc bốn năm nay. Thế mà bệnh viện kia lại là tư sản của bà Nguyễn Văn Thiệu và của Hội Phụ nữ Phụng sự Xã hội của bà.

Các y sĩ điều trị trong bệnh viện đều được Bộ Y tế, Cục Quân Y biệt phái theo tiêu chuẩn thân cận nhiều ít với bà hay đàn em của bà.

Dân được hưởng những gì? Tiền phòng quá đắt, dân nghèo không mon men vào được. Các phòng miễn phí vào khoảng 100 giường nhưng điều kiện nhập viện rất khó, chưa kể tiền phải tốn thêm cho bác sĩ, thuốc men, nên đại đa số dân nghèo bị gạt ra ngoài.

Hai chữ “Vì Dân” rõ ràng đã bị bán đứng với ý đồ đen tối che mắt Quốc tế nhưng không che mắt được người dân. Là nơi tiếp thu tất cả các tang vật buôn lậu, bệnh viện Vì Dân đã bị coi là cơ sở buôn lậu hợp pháp.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tự xưng là người trực tiếp cầm quân đánh vào dinh Gia Long nói là để triệt hạ một chế độ độc tài, gia đình trị, thế thì ông trả lời thế nào với Quốc Dân về chế độ độc tài, gia đình trị, và thối nát hiện tại còn tồi tệ hơn chế độ trước bao nhiêu lần trong việc cấu kết với những người thân tộc để tham nhũng và dĩ công vi tư? Phải chăng đó là một quốc nạn và một quốc nhục, một sự phản bội những người đã hy sinh cho một cuộc trường kỳ chiến đấu gian khổ của quân ta trên 1/4 thế kỷ nay?

 

Trường hợp thứ năm: BUÔN BÁN BẠCH PHIẾN

Đã mấy năm qua, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu luôn luôn hô hào bài trừ bạch phiến, ma túy, với những bích chương dán khắp nơi. Nhưng có người bắt bạch phiến, ma túy, thì cũng có người buôn bán bạch phiến ma túy ngay dưới ánh mắt của những người hữu trách. Dân chúng nghi ngờ đây là một sự vừa ăn cướp vừa la làng những tưởng chỉ có một số cấp thừa hành nào đó phạm tội tày trời nói trên. Nào ngờ theo cuốn “Chánh Trị Bạch Phiến ở Đông Nam Á” (The Politics of Heroin in Southeast Asia) xuất bản năm 1972, mà tác giả là Alfred W. McCoy, thì hỡi ôi chính ông Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Thủ tướng Trần Thiện Khiêm là những người cầm đầu tổ chức buôn bán bạch phiến, ma túy tại miền Nam này.

Sách này bị tuyệt đối cấm nhập cảng vào Việt Nam, nhưng nó cũng đã lọt được vào mắt xanh của những người tìm hiểu.

Theo sách đó, việc buôn bán bạch phiến ở miền Nam Việt Nam dưới sự bảo trợ của hai ông Tổng thống và Thủ tướng, đã được các viên chức thân cận nhất của hai ông cho nhập cảng lậu rồi phân phối cho những tổ chức buôn lậu quốc tế đặc biệt là Bang Triều Châu ở Chợ Lớn. Tác giả nói rõ vị Tướng phụ tá An Ninh và Quân Sự của Tổng thống trực tiếp chỉ huy hệ thống buôn lậu từ các nước ngoài và phân phối khắp 4 quân khu. Các lực lượng quân đội được sử dụng cho đường dây buôn lậu này gồm cả Hải, Lục, Không quân, Lực lượng đặc biệt, nhiều vị Tư lệnh vùng, Cảnh sát và Quan thuế. Quyển sách cũng cho biết lúc quân đội Đồng Minh còn ở Việt Nam, mỗi năm, việc buôn lậu bạch phiến, ma túy đem lại một lợi tức khổng lồ là 88 triệu Mỹ kim tức vào khoảng 57 tỷ bạc Việt Nam, tính trung bình trong 5 năm thì lợi tức đó lên tới 285 tỷ bạc. Nếu đem chia số lợi tức này cho 19 triệu dân miền Nam thì mỗi đầu người được trên 15 ngàn đồng. Vì cuộc buôn bán đó đương còn tiếp tục nên lợi tức kia tăng thêm ít ra cũng tới 400 tỷ bạc.

Chắc ông Tổng thống và Thủ tướng chỉ được một phần thôi nhưng ít ra cũng được 50/60 tỷ. Nhưng điều tai hại hơn hết không phải là mất mấy trăm tỷ bạc vào tay tham quan ô lại và gian thương mà là di độc nó gây ra cho dân tộc nhất là giới thanh thiếu niên trong nhiều thế hệ.

Sách ấy bán ra khắp nơi trên thế giới, tường thuật tỉ mỉ những đường dây di chuyển, những nơi đổ hàng kể cả những vụ đổ bể vì phe cánh ghen ăn phá nhau tại nhiều phi cảng, hải cảng và giang cảng ở miền Nam và Cao Nguyên. Danh tánh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được nêu rõ cùng với danh tánh của Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và một số Tướng lãnh, Dân biểu, Nghị sĩ, Sĩ quan cao cấp thuộc hạ.

Nếu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho là vô căn cứ thì ông phải kiện tác giả cuốn sách ấy tại Tòa án Quốc tế hay một Toà án nào ông thấy cần, vì đây không phải chỉ cá nhân ông bị liên hệ mà cả danh dự quốc gia Việt Nam bị bôi nhọ. Nếu ông không chịu tỏ thái độ thì dân chúng Việt Nam sẽ đứng lên kiện tác giả quyển sách này nhưng với điều kiện là nếu tác giả trưng đầy đủ bằng chứng và thắng kiện thì Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải chịu án phí và những hậu quả của bản án.

 

 

 

Trường hợp thứ sáu: VỤ GẠO MIỀN TRUNG

Sáu triệu dân miền Trung thiếu gạo, đói khổ hơn 1 năm nay; Chính phủ phải trợ cấp tiền chuyên chở để giá gạo ở Huế, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Quảng Ngãi cũng xấp xỉ giá ở Sài Gòn. Nhưng dân nào có được hưởng chỉ vì hành vi bóc lột trắng trợn của một mệnh phụ có quyền thế lớn.

Dân miền Trung tiêu thụ mỗi tháng 80.000 tấn gạo. Một phần nửa do gạo địa phương và khoai sắn cung cấp, còn 40.000 tấn phải được tiếp tế hàng tháng. Tiền yểm trợ mỗi tháng cho vùng Nha Trang, Tuy Hòa là 2000 đồng và 2500 đồng cho vùng Quảng Ngãi, Quảng Tín, 3000 đồng cho vùng Đà Nẵng, Huế. Đổ đồng 90 triệu bạc cho 40.000 tấn mỗi tháng. Nhưng người ta đâu có chở đủ 40.000 tấn gạo mỗi tháng ra Trung. Do đó, chỉ dân thành thị mua được gạo tự do, còn dân các Xã, Ấp xa chỉ mua được mỗi gia đình 5 ký lô gạo theo giá chính thức, số còn thiếu phải mua giá chợ đen cắt cổ. Việc bán gạo bị hạn chế, lấy cớ ngăn cản không chở gạo qua vùng Việt Cộng nhưng các viên chức của Chính quyền mua gạo Mỹ giá rẻ, bán lại giá cao cho gian thương để kiếm lời. Cảnh sát có bắt được cũng làm ngơ hay thông đồng, nhắm mắt cho con buôn tiếp tục bán gạo qua bên kia nuôi Việt Cộng.

Việc hạn chế chỉ nhằm giảm số gạo chở ra Trung xuống độ 20.000 tấn mỗi tháng giúp lái buôn ăn không trên 40 triệu đồng tiền yểm trợ chuyên chở hàng tháng, tức 480 triệu mỗi năm, chưa kể các tiền lời khác.

Người bao thầu chở gạo ra miền Trung là Phạm Sanh, Chủ tịch Nam-Việt Ngân hàng. Người bao thầu phân phối gạo ở miền Trung là mệnh phụ Ngô Thị Huyết, tức Sáu Huyết là cô ruột của Tổng thống Thiệu, mẹ đẻ của Tổng trưởng Dân Vận Hoàng Đức Nhã. Bà Sáu Huyết thông đồng với Phạm Sanh để chia nhau số tiền yểm trợ chuyên chở đó. Vì thế, dù Nam Việt Ngân hàng đã bị Ngân Hàng Quốc gia cảnh cáo nhiều lần về sự quản trị bê bối, Phạm Sanh vẫn được Tổng trưởng Thương mại và Kỹ nghệ ứng trước tiền mua gạo ra miền Trung với bạc tỷ. Phạm Sanh cứ trễ nãi trong việc thi hành khế ước buộc Tổng Cường phải phạt y 240 triệu đồng.

Phạm Sanh dại gì mà không trễ nãi khi được bà Sáu Huyết đỡ đầu.

Một tỷ bạc ứng trước đem làm các dịch vụ khác hay bỏ vào ngân hàng cũng dễ kiếm được 30 triệu bạc lời mỗi tháng. Trễ 3 tháng là kiếm được lời gần 100 triệu. Chia đôi mỗi người 50 triệu. Tuy có lệnh phạt 240 triệu, chưa chắc Phạm Sanh đã chịu nạp ngay mà có lẽ không nạp cũng nên.

Dân miền Trung đói kém phải ăn củ năng, củ chuối kể cả xương rồng, đến nỗi phải chết tức tưởi, nhưng người ta đâu thèm nghĩ đến miễn là mỗi tháng bỏ túi được 50, 60 triệu đồng.

Đây quả là một quốc nạn vì bao nhiêu người phải đói chết vì nó. Đây quả là một quốc nhục vì do một mệnh phụ cô ruột của ông Tổng thống, mẹ đẻ của ông Tổng trưởng, bóc lột xương máu dân nghèo miền Trung.

“Lời oán than của dân chúng quả đã lên tận Trời cao vì tham nhũng là gươm đao giết họ”.

Dưới mắt dân chúng, tham nhũng đi đôi với quyền hành. Quyền hành càng lớn thì tham nhũng càng nhiều và tham nhũng khủng khiếp, hiện tại chỉ có thể có là tại vì chính vị nguyên thủ quốc gia đã bao che và chủ động.

Tham nhũng đúng là một quốc hận vì nó bóc lột nhân dân đến tận xương tủy, đâm sau lưng chiến sĩ, phá hoại nền kinh tế quốc gia, hủy diệt sức đề kháng của dân tộc.

Tham nhũng đúng là một quốc nhục được vị nguyên thủ quốc gia chủ trương làm mất thanh danh quốc gia trên trường quốc tế khiến cho địch khinh và bạn chán. Bất cứ người dân Việt nào xuất ngoại cũng cảm thấy tủi hổ khi nghe những người quốc bạn với nước ta thốt ra những câu nói chua chát như sau đây:

- “Chúng tôi có cảm tình với quý ông nhưng chúng tôi tiếc không bênh vực được cho lập trường của quý ông, chỉ vì Chính phủ của quý ông quá thối nát, tồi tệ”.

Thử hỏi ông Tổng thống và Chính phủ ông có cảm thấy xấu hổ về lời nói trên đây của những người bạn chân thành với dân tộc ta không?

Lâu nay, nhân dân cắn răng chịu đựng vì tin vào ý chí chống Cộng của ông Tổng thống. Sợ làm ra điều gì thì có thể gây hại cho đại cuộc. Nhưng khi các tài liệu mật của Hội Nghị Đình Chiến được công bố nhân dân phải bật ngửa. Điều kiện của Chính phủ miền Nam đưa ra là Cộng Sản Bắc Việt phải rút hết 300 ngàn cán binh khỏi miền Nam. Còn điều kiện của Cộng Sản Bắc Việt là đòi Tổng thống Thiệu phải ra đi. Kết cục hai bên đã thỏa thuận bỏ những đòi hỏi trên để đồng ý vào Hiệp định Paris 1973.

Rõ ràng Tổng thống Thiệu đã chấp nhận cho 300 ngàn quân xâm lược ở lại miền Nam để đổi lấy cái ghế Tổng thống của ông, là một điều trái với lập trường “Bốn Không” của ông đã cam kết với quốc dân và với điều 4 hiến pháp. Chiến tranh hiện nay tiếp tục giết hại quân dân ta là tại lòng tham của ông Nguyễn Văn Thiệu đã coi ngôi vị Tổng thống của ông nặng hơn vận mệnh của dân tộc.

Đây là một thứ tham nhũng tệ hại hơn hết vì là tham nhũng trên sự sống còn của dân tộc hay nói đúng hơn là một sự phản bội dân tộc.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trả lời thế nào với Quốc Dân và Quốc Dân phải làm gì đối với ông.

Đó là hai vấn đề phải được đặt ra và phải được giải quyết tức khắc trên căn bản công bằng:

- Những gì của Quân đội phải trả lại cho Quân đội.

- Những gì của Quốc gia phải trả lại cho Quốc gia.

- Những gì của Dân tộc phải trả lại cho Dân tộc.

 

Huế, ngày 8 tháng 9 năm 1974

Phong trào nhân dân chống tham nhũng để cứu nước và kiến tạo hòa bình

 

Trích từ  “Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa

của Nguyễn Khắc Ngữ, Montréal, Canada, 1979 trang 417 đến 422.

 

 

©sachhiem.net

Trang Bìa VNMLQHT


Tất cả các chương sách VNMLQHT đã đăng trong sachhiem.net:

VNMLQHT- Ý Kiến Độc Giả (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục A-Trăm Lời Phê Phán (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục B-Sáu Bài Đọc Thêm (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục C-Bốn Lá Thư Riêng (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục D-Hai Tài Liệu (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục E- Mười Hai Bài Đọc Thêm (HLDM)

VNMLQHTch01- Quảng Bình - Quê Hương Định Mệnh (HLDM)

VNMLQHTch02- Vào Đường Đấu Tranh (HLDM)

VNMLQHTch03- Thăng Trầm trong Cuộc Chiến Việt Pháp (HLDM)

VNMLQHTch04 Phụ Bản - Những Bức Hình Lịch Sử (HLDM)

VNMLQHTch04- Những Ngày Cuối Cùng của Thực Dân Pháp (HLDM)

VNMLQHTch05- Góp Công Xây Dựng Chế Độ (HLDM)

VNMLQHTch06- Bảo Đại và Ngô Đình Diệm (HLDM)

VNMLQHTch07- Gia Đình Trị (HLDM)

VNMLQHTch08- Đảng Cần Lao (HLDM)

VNMLQHTch09- Chính Sách Độc Tài (HLDM)

VNMLQHTch10- Những Thất Bại của Chế Độ (HLDM)

VNMLQHTch11- Bắt Đầu Sự Sụp Đổ (HLDM)

VNMLQHTch12- Hai Năm Khốn Cùng (HLDM)

VNMLQHTch13- Tệ Trạng Tham Nhũng (HLDM)

VNMLQHTch14- Kỳ Thị Tôn Giáo (HLDM)

VNMLQHTch15- Biến Cố Phật Giáo (HLDM)

VNMLQHTch16- Từ Đồng Minh với Mỹ (HLDM)

VNMLQHTch17 Phụ Bản - Những Bức Hình Kỷ Niệm (HLDM)

VNMLQHTch17- Cuộc Cách Mạng 1-11-63 (HLDM)

VNMLQHTch18- Ba Năm Xáo Trộn (HLDM)

VNMLQHTch19- Chế Độ Thiệu (HLDM)

VNMLQHTch20- Kết Luận (HLDM)

VNMLQHTthumuc (HLDM)

 

Trang Hoành Linh Đỗ Mậu