VIỆT NAM MÁU LỬA

QUÊ HƯƠNG TÔI

- Hoành Linh Đỗ Mậu -

http://sachhiem.net/HOANHLINH/VNML18.php

01 tháng 11, 2007

«   »

Chương XVIII


BA NĂM XÁO TRỘN

 

Ngày 2 tháng 11 năm 1963, vào khoảng 7 giờ sáng, đài phát thanh Sài Gòn loan tin dinh Gia Long đã bị lực lượng Cách mạng chiếm, hai anh em ông Diệm-Nhu tự tử. Số người bị thương vì lạc đạn là 145 người và 20 người chết cả quân lẫn dân. Tiếng súng êm dần, nhân dân Đô Thành tiếp tục đổ trào ra đường phố để hoan hô quân đội, mua quà bánh tặng các chiến sĩ, nói chuyện vui đùa với quân nhân trong niềm hoan lạc chung. Nhà văn Đoàn Thêm mô tả cảnh tượng Sài Gòn ngày 2 tháng 11 năm 1963 như ngày hội lớn của quê hương đất nước... Nhiều đoàn thanh niên sinh viên đến đập phá trụ sở Việt Tấn Xã và trụ sở chín tờ báo đã ủng hộ chế độ cũ. Hai mươi sáu trụ sở cá nhân và các đoàn thể tay sai chế độ cũ cũng bị chung số phận. Tượng Hai Bà Trưng vì giống bà Nhu và con gái nên đã bị sinh viên kéo sập xuống, chặt đầu và lôi đi diễn hành trên nhiều đường phố. Buổi trưa có tin hai anh em ông Diệm bị giết chứ không phải tự tử.

Cũng trong ngày hôm đó, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng ra tuyên cáo số 1 gồm 5 điểm:

- Quân đội đã làm cách mạng lật đổ một chế độ độc tài thể theo ý nguyện của toàn dân.

- Cuộc cách mạng được toàn thể mọi tầng lớp nhân dân tham gia.

- Sẽ thành lập gấp một chính phủ lâm thời để điều hành quốc gia.

- Một Hội Đồng Nhân Sĩ sẽ được thành lập để cố vấn cho chính phủ trong giai đoạn chuyển đổi.

- Khi các định chế dân chủ được thực hiện, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng sẽ trao quyền cho quốc dân.

Trong tuyên cáo số 2, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cho biết chủ trương của Hội đồng là không độc tài nhưng áp dụng một hình thức dân chủ trong tinh thần kỷ luật, đoàn kết toàn dân. Các đảng phái được tự do hoạt động, tôn trọng quyền tự do ngôn luận của báo chí, trả tự do cho những chính trị phạm không Cộng Sản, tự do tín ngưỡng, các tôn giáo được đối xử bình đẳng, Việt Nam vẫn đứng trong thế giới tự do và duy trì giao hảo với lân bang và các nước bạn, tôn trọng các hiệp ước đã ký kết, tôn trọng tài sản và tính mạng ngoại kiều.

Ngày 3 tháng 11, một quyết nghị khác lại ra đời, cho biết tạm ngừng Hiến pháp 26-10-1956, giải tán Quốc Hội của chế độ cũ. Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng ra mắt báo chí và quốc dân với thành phần:

- Chủ tịch: Trung tướng Dương Văn Minh.

- Đệ nhất Phó chủ tịch: Trung tướng Trần Văn Đôn.

- Đệ nhị Phó chủ tịch: Trung tướng Tôn Thất Đính.

- Tổng thư ký kiêm ủy viên ngoại giao: Trung tướng Lê Văn Kim.

- Uỷ viên chính trị: Thiếu tướng Đỗ Mậu.

- Uỷ viên quân sự: Trung tướng Trần Thiện Khiêm.

- Uỷ viên kinh tế: Trung tướng Trần Văn Minh.

- Uỷ viên an ninh: Trung tướng Phạm Xuân Chiểu.

- Các ủy viên khác: các Trung tướng Lê Văn Nghiêm, Mai Hữu Xuân, các Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Hữu Có.

Cũng trong ngày hôm đó, Đại sứ Ngô Đình Luyện ở Luân Đôn, em ruột của Tổng thống Diệm, từ chức.

Ngày 4-11, Hiến Ước tạm thời số 1 được ban hành để xác định rằng Việt Nam vẫn theo thể chế Cộng Hòa, quyền Lập pháp và Hành pháp thuộc Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, quyền hạn Quốc trưởng thuộc Chủ tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng , quyền Hành pháp ủy cho chính phủ lâm thời do Hội đồng chỉ định và các luật lệ hiện hành vẫn tạm duy trì để bảo đảm an ninh và trật tự công cộng.

Và chỉ bốn ngày sau khi lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng chỉ định ông Nguyễn Ngọc Thơ làm Thủ tướng để thành lập chính phủ lâm thời vào ngày 5-11. Ba ngày sau, nội các ra mắt đồng bào với chủ trương “cách mạng ôn hòa”. Trong số 15 Tổng Bộ trưởng của tân nội các, ta thấy có 6 nhân vật thuộc chế độ cũ và 5 sĩ quan cao cấp. Riêng ông Thơ, tuy là Cựu Phó Tổng thống nhưng lại là bạn thân của tướng Minh (đã từng lôi kéo ông Minh giúp Thủ tướng Diệm chống Pháp và Bình Xuyên vào những năm 1954-1955), và mấy tháng trước cuộc cách mạng đã liên lạc thường xuyên với ông Minh trong việc vận động đảo chánh.

Cũng trong ngày 5-11 này, trong khi ba người con của ông Nhu ở Đà Lạt được Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng khoan hồng đưa đi Âu Châu để đoàn tụ với bà Nhu thì tại Sài Gòn, hàng vạn dân chúng tham dự lễ an táng Thiếu tá Bùi Quang Ngãi đã bỏ mình trong cuộc tấn chiếm dinh Gia Long.

Các quốc gia trên thế giới (mà nước đầu tiên là Mã Lai Á) bắt đầu công nhận và thiết lập ngoại giao với tân chế độ (cho đến ngày 13-11-1963, có tất cả 21 quốc gia chính thức công nhận Việt Nam Cọng Hòa, kể cả Hoa Kỳ và Tòa thánh Vatican).

Ngày 6-11, nguyên Cố vấn Chỉ đạo miền Trung Ngô Đình Cẩn bị bắt và giải từ Huế vào Sài Gòn. Lệnh giới nghiêm được bãi bỏ và sắc lệnh thành lập Hội Đồng Nhân Sĩ ra đời.

Ngày 7-11, Lực Lượng Đặc Biệt do nguyên Đại tá Lê Quang Tung chỉ huy trở về quy thuận.

Ngày 8-11, những chính khách và quân nhân bị lưu đày tại Côn Sơn dưới chế độ Diệm được trả tự do và đưa về Sài Gòn. Hàng vạn người tưng bừng đón tiếp trọng thể tại bến Bạch Đằng. Các tướng Nguyễn Văn Vỹ và Dương Văn Đức cũng từ Pháp trở về Việt Nam. Các chính khách lưu vong tại Cao Miên, Lào đều lần lượt trở về.

Ngày 12-11, Uỷ Ban Lãnh Đạo Sinh Viên Liên Khoa đòi thanh trừng hàng ngũ giáo chức bị coi là mật vụ của chế độ cũ. Cùng ngày này, chính phủ bãi bỏ Phủ tổng ủy Dinh điền và Nông vụ để thay bằng Phủ Tân sinh Nông thôn.

Ngày 15-11, các trường Cao đẳng và Đại học bị đóng cửa dưới chế độ Diệm được mở lại.

Ngày 16-11, tân chính phủ thể theo ý nguyện của toàn dân, thành lập một Uỷ ban Điều Tra Tội Ác các phần tử của chế độ cũ đã dựa vào thế lực hay địa vị để bắt giam trái phép, tra tấn, hãm hiếp, sát nhân, và một ủy Ban Điều Tra Tài Sản Thủ Đắc Phi Pháp cũng được thành hình.

Ngày 18-11, Tòa đại sứ Phi Luật Tân giao trả lại cho chính phủ Việt Nam Cọng Hòa cựu Bộ trưởng Ngô Trọng Hiếu đã lánh nạn sau ngày 1-11-63. Đại tướng Lê Văn Tỵ được cử làm Cố vấn Quân sự cho chính phủ, và Đại tá Nguyễn Chánh Thi, Trung tá Vương Văn Đông, Thiếu tá Phạm Văn Liễu cùng một số sĩ quan, sau ba năm lánh nạn ra ngoại quốc, trở về nước. Đường Ngô Đình Khôi Sài Gòn được đổi thành đường Cách mạng 1-11.

Ngày 19, 20 và 22 tháng 11, học sinh Nông Lâm Súc, học sinh các trường Trung học Huế và nhiều tỉnh khác biểu tình đòi các giáo sư đã làm mật vụ cho chế độ cũ phải từ chức.

Ngày 12-12, một vị du tăng Khất sĩ tại Bình Định tự thiêu cúng dường Tam Bảo, mừng Phật giáo thoát nạn.

Ngày 14 tháng 12, Thành Cộng Hòa tại trung tâm thành phố, một căn cứ cũ của quân xâm lăng Pháp và Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống thời ông Diệm, được giao cho Bộ Giáo Dục để thiết lập một khu Đại học (mà sau này là Đại học Văn Khoa và Dược khoa). Đây là một trong những quyết định sáng tạo của chính quyền nhằm bôi xóa những hình thức biểu tượng độc tài và bạo trị của chế độ cũ. Nhất là trên mảnh đất đó, từ này sẽ là những giảng đường trao truyền tinh thần và kiến thức đại học cho thế hệ Việt Nam tương lai.

Ngày 16 tháng 12, chính phủ tịch thu tài sản của ông Ngô Đình Diệm, gia đình ông ta, và thuộc hạ 21 người cùng với các đoàn thể ủng hộ chế độ cũ như đảng Cần Lao Nhân Vị, Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, Phong Trào Liên Đới Phụ Nữ, Thanh Niên Cộng Hòa, Hội Việt Nam Cao Đẳng Giáo Dục.

Ngày 18 tháng 12, bãi bỏ luật 12/62 Bảo vệ Luân lý của bà Nhu, cho mở lại các tiệm khiêu vũ nhưng cấm những điệu vũ đồi phong bại tục và cấm các thanh niên dưới 18 tuổi vào các tiệm khiêu vũ. Hơn nữa, các tiệm khiêu vũ phải đóng thuế xa xỉ đặc biệt thật nặng, 200 đồng cho mỗi khách và mỗi lần vào tiệm.

Cũng ngày này, Đại sứ Trần Chánh Thành được cử sang Nam Vang tiếp xúc với Sihanouk để tỏ thiện chí giao hảo của chính phủ Việt Nam.

Ngày 23 tháng 12, Thiếu tướng Cao Đài Lê Văn Tất và một đại đội binh sĩ Cao Đài từ Cao Miên về nước hợp tác với tân chế độ.

Ngày 25 tháng 12, một sắc luật ra đời cho phép những người đã bị kết án chống đối chế độ cũ có thể xin tái thẩm để bạch hóa hồ sơ.

Ngày 26 tháng 12 thành lập SONADEZI (Société Nationale Des Zones Industrielles), công ty quốc doanh có mục đích tạo lập và khuếch trương các khu kỹ nghệ để phát triển kinh tế và thu dụng nhân công.

Ngày 29 tháng 12, một phái đoàn thiện chí Cao Miên tới Sài Gòn, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cọng Hòa  tuyên bố sẵn sàng thương thuyết về mọi vấn đề Miên Việt.

Ngày 30 tháng 12, sinh viên Kiến trúc phản đối sắc luật tháng 5/1963 của chế độ Diệm về thể lệ hành nghề quá ngặt. Cũng ngày này, bãi bỏ lệ chào cờ trước khi chiếu bóng, diễn tuồng vì lễ này (được đặt ra từ khi ông Diệm làm Tổng thống) bắt buộc khi chào cờ thì phải chào luôn cả chân dung ông Diệm giữa lá quốc kỳ.

Ngày 31 tháng 12, Đại Hội Thống Nhất Phật Giáo khai mạc tại chùa Xá Lợi hợp nhất Nam-Bắc tông để soạn thảo một Hiến chương chung.

Ngày 2-1-64, khai mạc Hội Đồng Nhân Sĩ tại Hội trường Diên Hồng. Hội Đồng gồm 60 người, gồm đa số các nhân vật tên tuổi được quốc dân và sinh viên trọng vọng và đã từng trực tiếp hay gián tiếp chống đối nhà Ngô.

Ngày 4-1, một Uỷ ban được thiết lập để điều chỉnh tình trạng những công chức đã bị chế độ cũ trừng phạt oan hay thăng thưởng quá đáng.

Ngày 5-1, có một số đổi thay trong thành phần chính phủ: Trung tướng Tôn Thất Đính giữ chức Tổng trưởng Nội vụ, Thiếu tướng Đỗ Mậu ủy viên chính trị kiêm Tổng trưởng Thông tin, Trung tướng Trần Văn Đôn Tổng trưởng Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân đội, Trung tướng Lê Văn Kim Tổng thư ký kiêm Tổng tham mưu trưởng, Trung tướng Trần Thiện Khiêm Tư lệnh Quân đoàn III và Thiếu tướng Nguyễn Văn Quang Giám đốc Nha An Ninh Quân Đội.

Cũng ngày này, lễ truy điệu văn hào kiêm cách mạng gia Nhất Linh Nguyễn Tường Tam được cử hành vô cùng trọng thể tại vườn Tao Đàn, với sự tham dự của rất đông sinh viên và dân chúng.

Ngày 10-1, Sihanouk đề nghị Miên và Việt cùng từ bỏ mọi yêu sách về đất đai và chấm dứt mọi tranh chấp chủ quyền về các hải đảo. (Dưới chế độ Diệm, Sihanouk đòi phải sửa biên giới Miên-Việt và đòi một số đảo của Việt Nam tại Vịnh Thái Lan).

Ngày 12-1, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bầu Thượng Tọa Thích Tâm Châu giữ chức Viện trưởng Viện Hóa Đạo.

Ngày 13-1, sinh viên học sinh biểu tình lớn chống chính sách trung lập nhân dịp Baudevan, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp qua thăm Sài Gòn.

Ngày 16-1, Hội Đồng Nhân Sĩ họp bàn về việc soạn thảo Tân hiến pháp.

Ngày 17-1, thanh niên sinh viên biểu tình chống Pháp và chống trung lập tại chợ Bến Thành và trước Trung tâm Văn hóa Pháp. Cùng ngày này, khoảng gần 1.000 du đãng do chế độ Diệm để lại được chia ra làm nhiều hạng: hạng nhẹ nhất được đưa đi huấn luyện quân sự tại Quang Trung, hạng thứ hai được đem đi cải huấn tại trại Cải Huấn Thủ Đức, và hạng thứ ba thuộc loại nguy hiểm được đưa an trí tại Côn Sơn.

Ngày 23-1, Hội Đồng Nhân Sĩ yêu cầu chính phủ đoạn giao với Pháp. Ngày 27, thành lập Điện lực cuộc tại Việt Nam với nhiệm vụ kiến tạo và khai thác cơ sở sản xuất, phân phối và sử dụng điện năng.

Ngày 28-1, chính phủ ra thông cáo xác nhận chống trung lập, phản đối chính phủ Pháp đã thừa nhận Trung Cộng và quyết định có biện pháp đối phó. Bộ Kinh Tế cấm nhập cảng hàng hóa Pháp, không cấp giấy phép nhập cảng cho Pháp kiều hoặc người Việt có Pháp tịch. Cũng trong ngày này Bộ Y Tế ban hành Nghĩa Vụ Luận cho giới y sĩ.

Ngày 29-1, sinh viên Sài Gòn ra quyết nghị yêu cầu chính phủ phải quốc hữu hóa tài sản của Pháp ở Việt Nam. Đồng thời một số nhân vật chính trị bị kết án sau vụ Bình Xuyên 1955 như các ông Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Hữu Thuần, Nguyễn Văn Hiếu được ân xá. (Nhà báo tên tuổi Trần Văn Ân, học giả Hồ Hữu Tường và nhân sĩ Công giáo miền Nam, ông Trình Khánh Vàng, mấy tháng sau mới được ân xá).

Nhìn chung thì sau ba tháng cầm quyền, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng và chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ đang cố gắng để vãn hồi trật tự xã hội, cố gắng phát triển kinh tế và đặc biệt cố gắng xây dựng tình đoàn kết quốc gia. Ngoài ra, cuộc cách mạng 1-11-1963 đã đem lại cho Việt Nam Cộng Hòa hai thắng lợi nổi bật vô cùng tốt đẹp. Việc thứ nhất là Sihanouk tuyên bố từ bỏ tranh chấp biên giới và việc thứ hai là sự trở về với cộng đồng quốc gia của khối Cao Đài. Sihanouk từ lâu vì coi chế độ Diệm là kẻ thù không đội trời chung nên đã tiếp tay cho Cộng Sản, còn 11 hệ phái Cao Đài cũng vì bị anh em ông Diệm triệt phá mà hoạt động cho Việt Cộng (xem “Vietcong” của giáo sư Douglas Pike và đã được trình bày trong vụ Việt Cộng tấn công sư đoàn 13 cuối năm 1960) nay đều chủ trương hòa hiếu với tân chế độ thì quả thật là một thành công lớn cho quốc gia. Không nói thì ai cũng biết hai biến cố này sẽ làm cho Việt Cộng mất đi những đồng minh vô cùng đắc dụng và làm nhẹ gánh chiến tranh cho Việt Nam Cộng Hòa. Tiếc thay, cuộc chỉnh lý của nhóm tướng Khánh sau đó, ba năm xáo trộn tiếp theo và chế độ Nguyễn Văn Thiệu, một chế độ Diệm không Diệm ra đời đã đẩy Sihanouk và Cao Đài trở về vị trí bất lợi cho Việt Nam Cộng Hòa như dưới thời Ngô Đình Diệm, làm hại cho phe quốc gia sau này.

Riêng đối với Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng và chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ lúc bấy giờ, vì chủ trương “Cách mạng ôn hòa”, vì khoan dung quá đáng cho thành phần Cần Lao và nhân sự chế độ cũ nên đã phạm phải những lỗi lầm vô cùng trầm trọng sau này.

Lỗi lầm thứ nhất là tướng Dương Văn Minh đã cử ông Nguyễn Ngọc Thơ làm Thủ tướng, một vị Thủ tướng có quá trình là một cựu Đốc phủ sứ, cựu Bí thư Toàn quyền Decoux, từng cộng tác chặt chẽ với người Pháp và là cựu Phó Tổng thống của chế độ Ngô Đình Diệm. Mặc dù ông Thơ có công hoạt động với tướng Minh thời tiền cách mạng, nhưng thành tích thân Pháp suốt cuộc đời của ông và đặc biệt là việc ông kêu gọi tướng Ba Cụt về hàng để bị anh em ông Diệm lừa và chặt đầu, đã gây căm phẫn cho các tôn giáo, đảng phái. Đã thế trong chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ lại có đến sáu vị Bộ trưởng thuộc chế độ Diệm, dù trong đó cũng có người có khả năng và liêm chính như Bộ trưởng Trần Lệ Quang chẳng hạn, nhưng với một nội các gồm quá nhiều người thuộc chế độ cũ thì trước mắt quốc dân và quốc tế, Tân chế độ gọi là Cách Mạng chỉ là một chế độ Ngô Đình Diệm tái sinh.

Lỗi lầm thứ hai là việc thành lập Hội Đồng Nhân Sĩ (Commité des Sages). Thành lập Hội Đồng Nhân Sĩ là một sáng kiến chính trị tuy không mới mẻ gì nhưng lại rất thích hợp với hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ. Sự kiện Hội Đồng Nhân Sĩ giữ nhiệm vụ và có quyền hạn của một cơ quan lập pháp tạm thời trong lúc chờ đợi Hiến pháp và Quốc hội đã làm cho quốc dân thỏa mãn. Ngoài ra, nó còn đóng vai đối lập với chính quyền, một vai trò cần thiết để thể hiện dân chủ. Khốn nỗi, phần vì bị thúc bách bởi một tình thế mới quá gấp rút, phần vì thiếu chuẩn bị do sự khó khăn trong việc tổ chức cuộc cách mạng nên các tướng lãnh đã không biết lựa chọn nhân sĩ cho xứng đáng với nhu cầu và điều kiện của tình hình lúc đó. Tuy họ đã biết mời một số nhân vật tên tuổi như Cụ Trần Đình Nam, Phan Khắc Sửu, Giáo sư Phạm Biểu Tâm, ông Trần Văn Văn, Cụ Đào Đăng Vỹ... chẳng hạn, nhưng họ đã bỏ sót một số nhân sĩ lão thành tiếng tăm như quý Cụ Nguyễn Xuân Chữ, Ba Liệu, Trần Văn Hương... Họ đã bỏ sót các lãnh tụ đảng phái tên tuổi như các ông Trần Quang Vinh (Cao Đài), Phan Bá Cầm (Hòa Hảo), Nguyễn Tôn Hoàn và Hà Thúc Ký (Đại Việt), Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Văn Lực, Trương Bảo Sơn (Việt Nam Quốc Dân Đảng), Tạ Nguyên Minh (Việt Nam Cách mạng Đồng Minh Hội), Phan Quang Đán (Dân Chủ), Nguyễn Văn Huyền (Thiên Chúa giáo), Trần Văn Quế, Mai Thọ Truyền (Phật giáo), Lê Văn Thái (Tin Lành)... Họ đã không mời những “hiền tài” của đất nước vừa nói trên, mà lại mời một số nhân vật chỉ là cộng sự viên cũ của họ. Tệ hại hơn nữa, họ lại mời một số cựu “Cần Lao” mà tiêu biểu là ông Trần Trung Dung, cháu rể nhà Ngô.

Lỗi lầm thứ ba là Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đã không gấp rút thay thế các giám đốc cơ quan trung ương hoặc các cấp bộ địa phương mà vẫn giữ lại số nhân viên và chức quyền cũ, trong đó đa số là thành phần Cần Lao Công Giáo. Như ông Lê Nguyên Long trong bài “Bất đắc dĩ khơi lại đống tro tàn” đã phân tích một cách đúng đắn rằng chính nhóm Cần Lao Công Giáo này, bắt nguồn từ một ý thức muốn trả thù cho chủ cũ, đã có những thái độ và hành động không những gây công phẫn cho nhân dân mà còn phá hoại đất nước qua khẩu hiệu Nếu không có “Cụ” của chúng tao thì bọn bây chẳng làm gì nên thân. Cũng vì chính sách ôn hòa, giữ lại các cấp bộ quân đội và chính quyền cũ mà sau khi cách mạng thành công, Cao Văn Viên vẫn được chỉ huy sư đoàn Dù để ba tháng sau ông ta tham dự vào cuộc chỉnh lý của tướng Khánh và do đó mà Thiếu tá Nhung bị sát hại ngay giờ phút đầu tiên của cuộc chỉnh lý.

Vì những lỗi lầm trên mà đảng phái và tôn giáo bắt đầu bất mãn. Sự bất mãn trên đã biểu lộ qua các cuộc biểu tình của sinh viên, qua luận điệu chỉ trích nặng nề giới Cần Lao của báo chí, qua tuyên ngôn của các đảng phái như đã trình bày trong một đoạn trước. Ngoài ra việc các tướng Trần Văn Đôn và Lê Văn Kim cho tướng Nguyễn Văn Vỹ hồi hương một cách mau chóng và có ý muốn trọng dụng nhóm Vương Văn Đông đã làm cho các tướng Dương Văn Đức, Đại tá Nguyễn Chánh Thi bất mãn vì họ cho rằng tướng Vỹ và Trung tá Đông là người của Pháp, là bạn thân của Nguyễn Văn Hinh và có liên hệ với Trần Đình Lan, một thứ con Tây đang làm gián điệp cho Pháp.

Chính thái độ “thiếu cách mạng” của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đã là nguyên nhân chính yếu cho nhóm Nguyễn Khánh, Cao Văn Viên, Trần Thiện Khiêm, những tướng tá Cần Lao cũ và nhóm Đại Việt của ông Nguyễn Tôn Hoàn lấy lý do để làm cuộc chỉnh lý, một cuộc chỉnh lý mà Khánh tuyên bố là vì HĐQNCM tạo ra tình hình suy sụp và chủ trương “thân Pháp và trung lập”.

Ngày 30-1-1964, từ sáng sớm, người ta thấy một số đơn vị quân đội canh gác trên nhiều góc đường, có nơi có cả chiến xa. Một số tướng tá họp tại Bộ Tổng Tham Mưu gồm Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm, Dương Văn Đức, Lâm Văn Phát, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Chánh Thi, Dương Ngọc Lắm, Cao Văn Viên, Trần Thanh Bền, Albert Cao, v.v... đề ra quyết định chấm dứt nhiệm vụ của HĐQNCM. Các tướng Đôn, Kim, Vỹ bị bắt an trí tại Đà Lạt, tướng Mai Hữu Xuân bị bắt an trí ở Huế. Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ cũng bị bắt và bị tướng Đức làm nhục nhưng được trả tự do ngay.

Ngày 31 tháng 1, tướng Khánh họp báo tuyên bố: “Từ ba tháng nay, tình hình suy sụp về mọi mặt, chính quyền tỏ ra bất lực. Về phần cách mạng, một số tướng lãnh chạy theo thực dân, Cộng Sản (?) nên một lần nữa quân đội lại phải can thiệp”. Tướng Khánh giải thích: “Không có đảo chánh, chỉ có chỉnh lý để chính quyền theo đúng đường lối Cách mạng”. Ông ta cũng tuyên bố được Hội Đồng Quân Nhân cử làm Chủ tịch kiêm Tổng Tư lệnh Quân Đội. Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng được đổi tên thành “Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng”.

Những tướng tá chủ trương cuộc chỉnh lý này gồm nhiều thành phần, tiêu biểu nhiều xu hướng, nhưng chủ lực ngoài tướng Khánh và một số sĩ quan cấp tá thuộc đảng Đại Việt của bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn và ông Hà Thúc Ký còn một số tướng tá thuộc chế độ Diệm.

Cuộc chỉnh lý đó mở màn cho những xáo trộn chính trị tại miền Nam làm lệch hẳn những ý nghĩa của ngày Cách mạng 1-11-63. Nhà văn Thế Uyên, cháu của văn hào cách mạng Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã có lời than trách như sau để tiếc thương cho ngọn lửa Cách mạng sớm tắt:

... Một tháng sau, tôi xin được phép về Sài Gòn. Tôi cùng Thi xuống nghĩa trang Giác Minh thăm mộ Ba tôi và mộ người Bác (Nguyễn Tường Tam). Tàn hương ra về, tôi gặp Lam (nhà văn Duy Lam cũng là một nhà văn quân đội như Thế Uyên). Hai đứa nhìn nhau, mặt Lam sắt lại, răng cắn chặt lấy chiếc pipe: “Đã đến lúc phải làm một cái gì”. Câu nói ám ảnh tất cả con cháu và tới cả những người khi Nhất Linh còn sống không đồng ý hoàn toàn với cả đời sống của ông. Chiều 26 tháng 10 năm 1963, Lam từ Đà Lạt về và tôi từ Pleiku xuống gặp nhau tại Sài Gòn. Ngồi trong khu rừng mía um tùm của mẹ tôi, Lam bàn về cuộc đảo chánh đang chuẩn bị. Mật vụ bủa vây khắp nơi, xiết chặt đến nỗi cả tôi lẫn Lam đều đồng ý: “Trong một tuần nữa, nếu không có đảo chánh họ sẽ cho mình vào tù hết”. Chiều 28, an ninh cá nhân mong manh đến độ Lam quyết định: “Thôi Du đi đi, Bác dặn phải tiết kiệm nhân lực. Để mình anh ở lại, có thua đến lượt Du lần sau”. Sáng sớm hôm sau tôi lên đường trở về đơn vị, suốt ngày quanh quẩn chiếc máy phát thanh. Hai ngày sau đảo chánh, tôi nằm ôm máy phát thanh cho tới sáng. Bởi vì nếu lần này thất bại, hẳn trong nghĩa trang Giác Minh sẽ thêm mộ Lam. Và không hẳn chỉ thêm một mộ mà thôi. Đảo chánh thành công và Cách mạng thành công, khi người con thứ của Nhất Linh bước vào phòng họp Bộ Tổng Tham Mưu, Trung tướng Dương Văn Minh yêu cầu toàn thể HĐQNCM đứng mặc niệm một phút nhà văn Nhất Linh và cách mạng gia Nguyễn Tường Tam. Và cuộc Cách mạng chấm dứt sau phút ấy. Sau đó chính trị bắt đầu, thứ chính trị mà chính người được mặc niệm đã bao lần chối bỏ trong đời [1].

Thứ chính trị phản cách mạng mà Thế Uyên trình bày ở đây để tiếc nuối chính nghĩa sáng rực của ngày 1-11-1963 là gì nếu không phải là những hệ quả của đầu óc bè phái đã từng được sinh sôi và nuôi dưỡng từ dưới chế độ Diệm mà trước hết là bè phái của dư đảng Cần Lao Công Giáo đang tìm cách len lỏi lại vào những khe hở của một chính phủ còn yếu ớt. Riêng đối với những nhóm Phật tử tranh đấu thì việc hạ sát thiếu tá Nhung còn là dấu hiệu của sự trở lại chính quyền của người Công giáo và tàn dư của ông Diệm. Vì vậy đã có những hành động làm cho sự hỗn loạn càng thêm trầm trọng [2].

Ngày 1-2, chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ bị giải tán, tướng Khánh tiếp Ngoại giao đoàn và ban hành sắc luật đặt “chủ nghĩa Cộng Sản và chính sách trung lập” ra ngoài vòng pháp luật. Cũng ngày này, chủ tịch Đại diện Sinh viên từ chức, một Hội Đồng gồm 15 chủ tịch các phân khoa được cử lên thay. Trong lúc đó, chính phủ Hoa Kỳ cũng tuyên bố chống giải pháp Trung lập tại Việt Nam, và ngày hôm sau, Tổng thống Johnson gởi thư xác định với Trung tướng Nguyễn Khánh là Mỹ vẫn tiếp tục giúp đỡ Việt Nam.

Ngày 5-2, Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn về nước. Cùng ngày này, Hội Đồng các Giám mục ra tuyên ngôn kêu gọi đoàn kết.

Ngày 7-2, Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng quyết định cử tướng Dương Văn Minh giữ quyền hành Quốc trưởng và cử tướng Khánh thành lập chính phủ.

Ngày 8-2, chính phủ Nguyễn Khánh ra đời với thành phần nội các dưới đây:

- Thủ tướng: Trung tướng Nguyễn Khánh.

- Phó Thủ tướng đặc trách Bình Định: Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn (Đại Việt miền Nam).

- Phó Thủ tướng đặc trách Kinh tế Tài chánh: Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh.

- Phó Thủ tướng đặc trách Văn hóa Xã hội: Thiếu tướng Đỗ Mậu.

- Quốc vụ khanh: Bác sĩ Lê Văn Hoạch (cựu Thủ tướng Cao Đài).

- Tổng trưởng Ngoại giao: Bác sĩ Phan Huy Quát (Đại Việt miền Bắc).

- Tổng trưởng Nội vụ: Kỹ sư Hà Thúc Ký (Đại việt miền Trung).

- Tổng trưởng Công chánh: Kỹ sư Kiều lộ Trần Ngọc Oành (Công giáo).

- Tổng trưởng Quốc gia Giáo dục: Tiến sĩ Bùi Tường Huân (Phật giáo).

- Tổng trưởng Quốc phòng: Trung tướng Trần Thiện Khiêm.

- Tổng trưởng Cải tiến Nông thôn: Kỹ sư Nguyễn Công Hầu (Hòa Hảo).

- Tổng trưởng Y tế: Bác sĩ Vương Quang Trường (độc lập).

- Tổng trưởng Lao động: Ông Đàm Sĩ Hiến (nguyên cố vấn các nghiệp đoàn công nhân lao động).

- Tổng trưởng Thông tin: Ông Phạm Thái, một chiến sĩ VNQDĐ.

- Tổng trưởng Tài chánh: Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh.

- Tổng trưởng Kinh tế: Tiến sĩ Âu Trường Thanh (trí thức cấp tiến).

- Tổng trưởng Tư pháp: Luật gia Nguyễn Văn Mầu (Công giáo).

- Tổng trưởng Xã hội: Tiến sĩ Trần Quang Thuận (Phật giáo).

- Bộ trưởng Phủ Thủ tướng: Luật sư Nghiêm Xuân Hồng (Duy Dân).

Nhìn thành phần dân sự trên đây mà đại đa số là những chuyên viên hoặc những người có quá trình đấu tranh khả tín, ta thấy chính phủ Nguyễn Khánh quả đã tập họp được một “ê-kíp” có khả năng trên mặt điều hành quốc gia cũng như có tính cách tiêu biểu cho sự đoàn kết dân tộc. Một điểm cần lưu ý là dù đã ba tháng trôi qua, nhưng hình ảnh của những “người hùng Cách mạng” và đặc biệt của tướng Dương Văn Minh, vẫn là những hình ảnh hùng tráng mà quần chúng giữ rất nhiều cảm tình, thế mà cuộc chỉnh lý của tướng Nguyễn Khánh cũng không gặp một phản ứng bất lợi nào cả.

Lẽ dĩ nhiên, ngoại trừ khối Công Giáo Cần Lao đang mong chờ và đóng góp cho mọi xáo trộn để họ có thể hể hả với mối căm thù về việc quân đội đã lật đổ ông Diệm, những thành phần còn lại của nhân dân đều, ở một mặt nào đó, đồng ý với sự thay đổi chính phủ này vì những lý do sau đây:

Trước hết vì Khánh đi đúng tâm lý quần chúng, nhất là đối với giới sinh viên, đảng phái, tôn giáo, Hội Đồng Nhân Sĩ, và các lực lượng chống Cộng khác khi Khánh đưa ra chiêu bài chống Trung lập, chống Pháp. Âm mưu của anh em ông Diệm nhờ Pháp làm trung gian để thương thuyết với Hà Nội vẫn ám ảnh nặng nề mọi người, trong khi đó thì chánh sách ngoại giao của Pháp vẫn chủ trương hai miền Nam-Bắc Việt Nam phải thống nhất qua một cuộc Tổng tuyển cử như đã quy đinh bởi Hiệp ước Genève, và riêng Tổng thống De Gaulle càng ngày càng tỏ ra thân Hà Nội. Trong lúc đó Pháp kiều tại miền Nam vẫn tiếp tục giúp đỡ Việt cộng, các đồn điền của Pháp vẫn tiếp tục chứa chấp, nuôi dưỡng Việt cộng.

Đối với các đảng phái và tôn giáo thì chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ gồm nhiều nhân vật của chế độ cũ trong khi chính phủ Nguyễn Khánh lại tập họp được nhiều nhân vật tiêu biểu đại diện cho các tôn giáo và đảng phái. Phật giáo có các ông Bùi Tường Huân, Trần Quang Thuận, Công giáo có các ông Trần Ngọc Oành, Nguyễn Văn Mầu, Cao Đài có ông Lê Văn Hoạch, Hòa Hảo có ông Huỳnh Công Hầu, Việt Quốc có ông Phạm Thái, Đại Việt có các ông Nguyễn Tôn Hoàn, Phan Huy Quát, Hà Thúc Ký, Duy Dân có ông Nghiêm Xuân Hồng...

Điều thứ ba là mặc dù Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cũ bị giải tán nhưng nhiều nhân vật cốt cán trong việc lật đổ chế độ Diệm như các tướng Dương Văn Minh, Trần Thiện Khiêm, Đỗ Mậu,... vẫn hiện diện trong chính quyền mới. Sự hiện diện của ba vị tướng nói trên, dù nhiều khi chỉ có tính cách tượng trưng, vẫn thỏa mãn được Phật giáo, sinh viên, và đại đa số quần chúng chống đối chống chế độ Diệm.

Còn đối với Công giáo, tuy mang nặng mối thâm thù với các tướng lãnh đã lật đổ chế độ Diệm nhưng cuộc chỉnh lý của tướng Khánh đã làm họ thỏa mãn rất nhiều vì họ cho rằng cái hào quang của cuộc Cách mạng 1-11-63 đã bị sứt mẻ, cái huyền thoại “người hùng” của tướng Dương Văn Minh đã bị đổ vỡ... Vả lại, các ông Cao Văn Viên, Albert Cao, Đặng Văn Quang, Dương Ngọc Lắm, Ngô Du... những phần tử trung thành với ông Diệm, vẫn được trọng dụng và việc Thiếu tá Nguyễn Văn Nhung (người hạ sát ông Diệm) bị giết tại trại Nhảy Dù của Cao Văn Viên cũng đã là yếu tố làm thỏa mãn khối Công giáo trên.

Đối với Mỹ, vốn đã có nhiều cảm tình với tướng Khánh từ lâu, biết đó là vị tướng thông minh, có khả năng quân sự, lại thấy chính phủ của tướng Khánh tiêu biểu cho sự “đoàn kết quốc gia” nên chính giới Mỹ đã bày tỏ nhiều hy vọng.

Những yếu tố vừa nói trên đã củng cố địa vị cho tướng Khánh và làm cho chánh tình miền Nam trong mấy tháng đầu dưới chính phủ Khánh không gặp những xáo trộn trầm trọng nào.

Ngày 8-4, Bộ trưởng Quốc phòng MacNamara và tướng Taylor sang Việt Nam quan sát tình hình. Đến Huế, Cần Thơ và các nơi khác, hai ông được đón tiếp bằng những cuộc mít tinh rầm rộ. Hứng thú, MacNamara hô khẩu hiệu “Việt Nam Muôn Năm” bằng tiếng Việt. Mỹ tuyên bố ủng hộ chính phủ Khánh và gia tăng viện trợ cho Việt Nam. Hoa Kỳ giúp tăng quân số Việt Nam Cọng Hòa thêm 50.000 người; tăng thêm 7.500 cán bộ Xây dựng Nông thôn, tăng cường lực lượng Hải, Không quân với nhiều dụng cụ, vũ khí, tàu bè tân tiến. Tổng số tiền viện trợ cho riêng quân sự và chương trình Bình định lên đến 50 triệu đô la.

Tuy nhiên, không như Dương Văn Minh và Nguyễn Ngọc Thơ chỉ muốn làm cách mạng ôn hòa, muốn tỏ thái độ đoàn kết với Cần Lao Công Giáo, các tướng Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm, Dương Văn Đức, Đại tá Nguyễn Chánh Thi, các sĩ quan Đại Việt, và thành phần chính phủ gồm đại đa số những nhân vật từng chống đối chế độ Diệm, lại muốn nuôi dưỡng tinh thần Cách mạng 1-11-63 và tỏ thái độ cứng rắn với tàn dư của đảng Cần Lao theo đòi hỏi của sinh viên, đảng phái, Cao Đài, Hòa Hảo, Phật giáo. Do đó, Khánh cho mở những cuộc triển lãm trưng bày tội ác nhà Ngô, ra lệnh truy lùng những nhân vật quan trọng của chế độ cũ như cựu Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần chẳng hạn, vẫn giam giữ Ngô Trọng Hiếu, vẫn đưa Ngô Đình Cẩn, Phan Quang Đông ra tòa với bản án xử tử, và Đặng Sĩ, Dương Văn Hiếu... với bản án khổ sai. Chính phủ Nguyễn Khánh cũng bãi bỏ Dụ số 10 bất công và ban hành sắc luật công nhận Hiến chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, hiến chương Đạo Cao Đài, để các tôn giáo này được bình đẳng với Giáo hội Công giáo.

Với hơn nửa năm thuận lợi cho chính phủ Nguyễn Khánh, giữa một tình hình chính trị tương đối êm dịu, báo chí đã ví von Nguyễn Khánh với Nasser, bởi vì sau khi quân đội Ai Cập do tướng Tổng Tham mưu trưởng cầm đầu lật đổ vua Farouk, Trung tá Nasser (cũng như tướng Khánh) lật luôn vị chỉ huy của mình rồi nắm lấy chính quyền để trở thành người hùng của Ai Cập.

Tuy nhiên, tình hình thuận lợi đó vẫn chưa đủ để chính phủ Nguyễn Khánh bình thướng hóa sinh hoạt quốc gia và củng cố chế độ. Vì ở dưới bề mặt bình lặng đó là những đợt sóng ngầm bắt đầu chuyển động, những đợt sóng ngầm xuất phát từ phản ứng quá khích của một số tôn giáo, từ ý thức bè phái quá nặng nề, từ những phá hoại của Việt cộng và từ những ấu trĩ chính trị của một số giai tầng lãnh đạo mà từ mười năm qua đã bị tiêu hao hết ý thức cách mạng.

Tại Huế, nhóm các ông Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Hanh, Mai Văn Lễ, Cao Huy Thuần, Lê Tuyên... (cha đẻ của Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc sau này) cho xuất bản báo Lập Trường làm cơ quan đấu tranh mà chiến thuật đầu tiên là đả kích nặng nề chính phủ Nguyễn Khánh với những luận điệu khích động và khuynh đảo. Còn tại Sài Gòn thì ông Hà Thúc Ký, Bộ trưởng Nội vụ lại âm mưu đảo chánh lật đổ tướng Khánh. Vào đầu tháng Tư, sau một buổi họp của Hội đồng Nội các, Thủ tướng Nguyễn Khánh bèn họp riêng với ba vị Phó Thủ tướng và cho biết trường hợp của ông Hà Thúc Ký. Khánh đặc biệt nói thẳng với Phó Thủ tướng Nguyễn Tôn Hoàn rằng: “Ông Hà Thúc Ký đã nhận lời mời của tôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội Vụ và đã có nhiều việc làm tai tiếng về tiền bạc, thế mà ông lại âm mưu với một số sĩ quan định lật đổ tôi. Nếu tôi không nể anh và đảng Đại Việt thì tôi đã bắt giam anh Hà Thúc Ký rồi”.

Những bí mật được tiết lộ dần dần sau đó cho biết đảng Đại Việt chủ trương đưa ông Nguyễn Tôn Hoàn về để sẽ làm Thủ tướng, nhưng tướng Khánh đã lợi dụng cơ hội đó để phối hợp cùng tiến hành cuộc chỉnh lý và dành luôn chức Thủ tướng. Ông Ký bất mãn vì cho rằng những nhân vật tên tuổi như ông, như bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn, từng lãnh đạo một đảng cách mạng có thành tích chống Cộng, chống Pháp, chống Diệm mà lại phải phục vụ dưới quyền một kẻ võ biền như Nguyễn Khánh. Tuy nhiên, trong lúc ông Ký chủ trương chống tướng Khánh thì nhóm Bác sĩ Hoàn và ông Nguyễn Ngọc Huy lại thấy rằng đảng Đại Việt chưa đủ thực lực để chi phối chính trường nên cần phải tạm thời hợp tác với tướng Khánh, nắm lấy thời cơ “Bình định Nông thôn” để phát triển đảng viên, bành trướng thế lực, tiêu diệt hạ tầng cơ sở Việt cộng trước đã rồi sẽ nắm lấy chính quyền qua một cuộc bầu cử cho danh chánh ngôn thuận hơn.

Vì quan niệm và chủ trương bị diệt, từ đó ông Hà Thúc Ký tách rời khỏi đảng do ông Hoàn lãnh đạo, thành lập đảng mới lấy tên là Đại Việt Cách Mạng mà chủ lực là khối đảng viên Trị Thiên và Phú Yên, hợp tác với nhóm Tứ Ân Nguyễn Long Châu (thân Cộng, bị chế độ Diệm bắt giam, được Bộ trưởng Nội vụ Hà Thúc Ký trả tự do) và nhóm Cần Lao Công Giáo. Còn nhóm các ông Nguyễn Tôn Hoàn, Nguyễn Ngọc Huy cải tổ bộ máy đảng và đổi tên là Tân Đại Việt.

Tướng Lâm Văn Phát được cử làm Bộ trưởng Nội vụ thay ông Hà Thúc Ký trong lúc người đồng chí và bạn nối khố của ông Ký là Đoàn Thái, vì bất đồng chính kiến và vì những mâu thuẫn trong vụ tiền bạc giữa ông ta và ông Ký, nên vẫn ở lại hợp tác với tân Bộ trưởng, lên án ông Ký quá khích, tham nhũng, không thức thời.

Vụ “Đại Việt” nói trên và vụ báo Lập Trường ở miền Trung gây lúng túng cho chính phủ, gây hoang mang cho quần chúng, do đó mà thế lực sinh viên, quân đội, Phật giáo, Công giáo bắt đầu phát động những áp lực chính trị cho quyền lợi và chủ trương của mình.

Về phía Phật giáo, những rạn nứt ngấm ngầm giữa Thượng tọa Tâm Châu với các tăng sĩ miền Trung và miền Nam bắt đầu lộ ra đến nỗi ngày 15-5-1964, hai Thượng tọa Thích Tâm Châu và Trí Quang phải cùng ra thông bạch: “Không hề có sự rạn nứt giữa các nhà lãnh đạo Phật giáo, nhất là giữa hai anh em chúng tôi”. Nhưng thông bạch của hai Thượng Tọa đã không trấn an nổi Phật tử mà còn xác định thêm những mâu thuẫn trong hàng tăng chúng, vì nguyên nhân chính của sự mâu thuẫn là Thượng tọa Tâm Châu thì ôn hòa, muốn thỏa hiệp với các chính phủ trong lúc khuynh hướng của Thượng tọa Trí Quang thì chống lại sự phục hồi của khối Công Giáo Cần Lao.

Về phía Công giáo, tuy đã thỏa mãn với cuộc chỉnh lý nhưng vẫn căm thù Phật giáo mà họ cho là nguyên nhân của cuộc lật đổ chế độ Diệm. Đã thế, những vụ án tử hình ông Ngô Đình Cẩn, Phan Quang Đông, những bản án khổ sai dành cho một số cán bộ Cần Lao, cuộc triển lãm tội ác nhà Ngô, những lời đả kích nặng nề chế độ Diệm đăng đầy trên các báo cũng như những khẩu hiệu “Bài trừ Cần Lao” của sinh viên cũng làm cho khối Công giáo đang mang đầy mặc cảm phạm tội trở nên xúc động, căm tức hơn. Một số họ đạo tại Huế đã có những cuộc biểu tình “đả đảo cách mạng” đến nỗi tòa Tổng giám mục Sài Gòn đã phải ra thông cáo minh định lập trường chung của Giáo hội Công giáo.

Ngày 23-5-1964, Tòa Tổng giám mục Sài Gòn, qua thái độ ôn hòa của Giám mục Nguyễn Văn Bình, đã ra thông cáo: “Không ra lệnh tổ chức biểu tình mà cũng không chấp nhận một cuộc biểu tình nào, giáo dân cần tránh biểu tình nhân ngày Phật đản”. Nhưng rồi có lẽ vì bị áp lực của khối Công giáo di cư nên ngày hôm sau, Giám mục Nguyễn Văn Bình lại phải ra thông cáo thứ hai: “Chỉ khuyên tránh biểu tình trong ngày Phật đản mà thôi, còn thì giáo dân được tự do phát biểu quan niệm chính trị của mình theo thể thức nào cho là hợp lý nhất”.

Đối với những phần tử Công giáo quá khích, thông cáo thứ hai của Tòa Tổng giám mục không những đã được diễn dịch như một sự khuyến khích mà còn là một hiệu lệnh. Ngày 7 tháng 6 năm 1964, 29 họ đạo Hố Nai và vùng phụ cận Sài Gòn cùng hàng vạn giáo dân Đô thành đã biểu tình tại công trường Lam Sơn với các biểu ngữ như “Lột mặt nạ bọn lợi dụng cách mạng để đàn áp Công giáo”, “Mị dân là phản bội dân chủ”, “Ủng hộ cuộc tranh đấu của Công giáo miền Trung”. Và ngày 15-6-64, tại Huế, hàng ngàn giáo dân xuống đường biểu tình với cùng một lập luận như cuộc biểu tình của giáo dân tại Sài Gòn. Hai cuộc biểu tình đầu tiên do Công giáo tổ chức đó đã tạo tiền lệ cho những cuộc biểu tình, xuống đường sau này của sinh viên và Phật giáo.

Còn về phía sinh viên thì cho đến giữa năm 1964 chỉ mới có những đám biểu tình nhỏ, đòi hỏi những quyền lợi liên hệ đến vấn đề giáo dục hơn là chính trị, và cơ cấu tổ chức của các định chế lãnh đạo của sinh viên chỉ mới trong giai đoạn phôi thai nên chưa vận động được những cuộc biểu dương rầm rộ nào cả.

Tuy nhìn thấy những mầm mống nổi loạn đó nhưng tướng Khánh đã không đánh giá đúng mức tầm quan trọng và viễn tượng công phá của nó sau này nên vẫn không e ngại tình hình xáo trộn. Ngược lại, Khánh chỉ lo xây dựng vị thế của mình bằng cách vô hiệu hóa uy tín của các tướng Đôn, Xuân, Kim, Đính, Vỹ trong một cuộc xét xử tại Đà Lạt, và bằng cách thăng thưởng cho một số Đại tá và giao cho họ những địa vị nòng cốt trong cả ba ngành Hải, Lục, Không quân để mua chuộc cảm tình.

Đại tá Trần Thanh Bền, một cộng sự viên thân tín của tướng Khánh được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc Cảnh sát Công an ngay sau khi chỉnh lý, còn chức Đô trưởng Sài Gòn thì do tướng Dương Ngọc Lắm (em rể của cựu Dân biểu Đỗ Cao Minh của nhà Ngô), vốn là bạn thân của tướng Khánh và có công trong cuộc chỉnh lý, nắm giữ. Tướng Khánh giải tán Hội Đồng Nhân Sĩ do tướng Dương Văn Minh thành lập để triệt hạ tiếng nói chính thức của giới đối lập hợp pháp. Để nắm báo chí vốn được tự do ngôn luận từ sau Cách mạng 1-11, ông Khánh cho thành lập Hội Đồng Báo Chí để lập Quy chế Báo chí, mà trong đó có điều lệ các chủ báo phải tốt nghiệp từ các trường báo chí hoặc đã hành nghề báo chí từ 7 năm, phải ký quỹ và kê khai số vốn và nguyên lai. Ngày 1-7-64, ông Khánh cho thành lập đoàn Tuyên úy Phật giáo trong quân đội mà suốt chín năm dưới chế độ Diệm chưa bao giờ tổ chức này được thiết lập dù Công giáo hay Tin Lành đã có cơ quan Tuyên úy từ lâu.

Ngày 20-7-1964, để đánh dấu 10 năm ngày chia cắt đất nước, một cuộc biểu tình vĩ đại chưa từng thấy tại thủ đô Sài Gòn đã được tổ chức trọng thể tại công trường Lam Sơn để lên án thực dân, Cộng Sản và để kỷ niệm ngày Quốc Hận (sẽ nói rõ ở đoạn sau).

Đêm 20 tháng 7, sinh viên Sài Gòn thắp đuốc diễn hành trên nhiều đường lớn rồi tổ chức Đêm không ngủ tại trường Đại học Văn Khoa để hội thảo về tình hình đất nước và để suy ngẫm về ngày đất nước bị chia đôi.

Sáng 21-7, hơn 100 sinh viên biểu tình trước Tòa Đại sứ Pháp, đốt xe và đập phá, gây một số thiệt hại khiến chính phủ Pháp gởi kháng thư và đòi bồi thường.

Những hoạt động biểu dương đó của sinh viên dù một phần nào đó có do các đảng phái và tôn giáo điều động thì ngược lại, đã làm cho người Mỹ thỏa mãn. Đại diện cho chính phủ Mỹ tại Sài Gòn là Đại sứ Taylor và Đại tướng Westmoreland đã tỏ ra phấn khởi thấy tinh thần chống Cộng của quân dân miền Nam đã được phục hồi sau những hoang mang giao động của biến cố Phật giáo.

Nắm vững được quân đội, được người Mỹ hết lòng ủng hộ, lại được cảm tình của Cao Đài, Hòa Hảo, Phật giáo, Khánh âm mưu thực hiện mộng “mưu bá đồ vương”, tham vọng trở thành một Hồ Quý Ly của thế kỷ 20.

Thật vậy, để chuẩn bị tâm lý quần chúng, ngày 26-7-1964, Khánh ký sắc lệnh định ngày 4 và 11 tháng 10 năm 1964 sẽ tổ chức cuộc bầu cử các Hội đồng Nhân dân Địa phương, những hội đồng mà chế độ Diệm đã bãi bỏ từ năm 1954 làm cho nhân dân rất bất mãn. Còn tại đô thị, nơi có thể có các cuộc biểu tình chống đối, Khánh lợi dụng việc Việt cộng có thể gia tăng các hoạt động, ban hành tình trạng khẩn trương tại Sài Gòn-Gia Định.

Ngày 7-8-64, Khánh cho tái lập chế độ kiểm duyệt báo chí.

Ngày 11-8-64, Khánh thăng Khiêm (đang là Bộ trưởng Quốc phòng) lên cấp Đại tướng, thăng Thiếu tướng cho Cao Văn Viên, Tôn Thất Xứng, Chung Tấn Cang, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Chánh Thi, Phạm Văn Đổng, Bùi Hữu Nhân, Cao Hảo Hớn, Ngô Du, và thăng Chuẩn tướng cho các Đại tá Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Xuân Trang, Albert Cao, Nguyễn Văn Kiểm, Đặng Văn Quang, Vĩnh Lộc, Lê Nguyên Khang, Hoàng Xuân Lãm.

Đối với Phật giáo, Khánh hứa sẽ thẳng tay trừng trị những kẻ còn chủ trương kỳ thị Phật giáo khi phái đoàn Thượng Tọa Thiện Minh đến gặp Khánh để trình bày hồ sơ về vụ đàn áp Phật giáo ở các địa phương (bắt bớ ở Đồng Xuyên, đốt nhà ở Tuy Phước, sát hại Phật tử ở An Thạnh...) do nhiều nhóm Cần Lao miền Trung chủ động và được Chuẩn tướng Ngô Du (một Công giáo Cần Lao) chỉ huy vùng Nam Ngãi yểm trợ.

Tin vào những yếu tố, những biến cố mà tướng Khánh cho là thuận lợi đó, ngày 16-8-64, ông triệu tập một buổi họp các tướng lãnh ở Vũng Tàu để ban hành một hiến chương mới và để bầu Trung tướng Nguyễn Khánh làm Chủ tịch nước Việt Nam Cộng Hòa. Theo hiến chương này, Chủ tịch còn là Quốc trưởng và tập trung nhiều quyền hạn đặc biệt; sẽ có một Quốc hội lâm thời gồm 100 đại biểu dân sự, 50 đại biểu quân nhân, còn Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng (mà Khánh là Chủ tịch) vẫn là cơ quan chỉ đạo tối cao của quốc gia. Sau đó, nhiều địa phương và đoàn thể gởi điện văn và kiến nghị “nhiệt liệt hoan nghênh hiến chương ban bố đúng lúc”, “kính dâng Trung tướng Chủ tịch lời chúc mừng nồng nhiệt”, “nguyện đồng tâm nhất trí đoàn kết sau lưng Chủ tịch và Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng”... (báo chí Sài Gòn có đăng tải những kiến nghị và diễn văn này). Một số Quốc trưởng như Phi Luật Tân, Đại Hàn... gởi điện văn mừng Chủ tịch Nguyễn Khánh.

Nhưng để tiếp nối truyền thống chống độc tài và trung ương tập quyền mà thái độ đã từng biểu hiện qua ngày 1-11-63 mới cách đó 9 tháng, ngày 19 và 20 tháng 8, sinh viên Sài Gòn tập họp đông đảo tại trụ sở đường Duy Tân để hội thảo về lập trường và thái độ đối với Hiến chương Vũng Tàu. Ngày 22, sinh viên xuống đường ồ ạt và kéo tới phủ Thủ tướng đưa kiến nghị phản đối Hiến chương, đòi thành lập chính phủ mới, đòi tướng lãnh trở về nhiệm vụ quân sự, đòi diệt trừ Cần Lao và Thực Cộng ẩn nấp trong chính quyền.

Ngày 23, sinh viên học sinh biểu tình qua trường Jean Jacques Rousseau (sau này được đổi tên là Trung học Lê Quý Đôn) kêu gọi học sinh trường Pháp này tham dự cuộc tranh đấu, rồi tới Bộ Thông tin chất vấn Tổng trưởng, đòi bãi bỏ chế độ kiểm duyệt báo chí và đập phá một số đồ đạc. Cùng ngày này, chừng vài trăm người (mà người ta nghi là một nhóm giáo dân quá khích do tướng Dương Ngọc Lắm và Đại tá Trần Thanh Bền tổ chức) đi xe buýt tới trụ sở sinh viên đường Duy Tân với gậy gộc, dao búa, đập phá đốt cháy nhiều đồ đạc của trụ sở sinh viên.

Ngày 25-8-64, sinh viên, học sinh và hàng chục ngàn đồng bào tập họp trước chợ Bến Thành để tưởng niệm nữ sinh Quách Thị Trang, rồi kéo tới Phủ Chủ tịch ở đường Thống Nhất và đả đảo Hiến chương Vũng Tàu, đả đảo độc tài. Trước khí thế đó, tướng Khánh đã phải ra gặp mặt đoàn biểu tình và cũng hô “đả đảo độc tài”, và hứa sẽ xét lại gấp vấn đề. Cùng ngày này và trước tình hình đó, HĐQĐCM phải họp khẩn cấp tại Bộ Tổng Tham mưu để thảo luận.

Ngày 26, nhiều tin phá chùa và phá nhà thờ được đồn đãi khắp Thủ đô, Phật tử đổ xô đến canh gác Viện Hóa Đạo và tượng Quách Thị Trang, còn các khu Công giáo cũng sôi động chuẩn bị dao, búa, gậy gộc.

Trong lúc đó thì tại Đà Nẵng, một đoàn biểu tình của Phật giáo khi kéo qua trước một trại quân Mỹ, và khi nghe tiếng súng của lính Mỹ bắn chỉ thiên, đã hoảng hốt chạy tràn vào xóm Thanh Bồ gần đó, lực lượng tự vệ Công giáo tưởng bị tấn công nên đối phó lại và sinh ra ẩu đả. Hai bên chết 11 người và bị thương 42 người.

Cùng ngày, Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng họp liên tục từ hôm qua, ra tuyên cáo “thu hồi Hiến chương Vũng Tàu”, sẽ bầu nguyên thủ quốc gia để thực hiện các cơ cấu dân chủ. Quân đội sẽ trở về cương vị quân sự và ủy chính phủ hiện thời tạm điều khiển quốc gia.

Ngày 27-8-64, Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng bầu Tam Đầu Chế gồm ba tướng Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm làm ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, và giao cho chính phủ Nguyễn Khánh tiếp tục nhiệm vụ với công tác khẩn cấp triệu tập một Quốc dân Đại Hội trong vòng hai tháng. Trong lúc những tướng lãnh hội họp thì chừng hai ngàn giáo dân nhiều ngả kéo tới trước Bộ Tổng Tham mưu với gậy, dao, búa đòi vào gặp Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng. Họ trưng biểu ngữ “ủng hộ Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng, chống Cộng Sản và chống Trung lập, chống vụ phá hoại đài phát thanh và Bộ Thông tin, chống âm mưu chia rẽ và chống Dương Văn Minh”. Quân cảnh ngăn cản nhưng đám người cứ xông lên phá cửa chính nên đơn vị phòng vệ Bộ Tổng Tham mưu bắn chết bốn người và làm bị thương 11 người, một binh sĩ bị chém và một bị thương. Cho đến khi tướng Khánh sai tướng Huỳnh Văn Cao (người Công giáo) ra phủ dụ, đoàn biểu tình mới chịu giải tán.

Vào khoảng hai giờ chiều, một đoàn biểu tình Công giáo khác kéo tới đài phát thanh đòi truyền đi một bản tuyên ngôn, rồi kéo qua đường Phan Đình Phùng khiêu khích học sinh trường Trung học Nguyễn Trường Tộ (thân Phật giáo). Học sinh trường này bèn gọi cầu viện học sinh trường Cao Thắng (thân Phật giáo) để chống trả lại đám biểu tình. Cuộc ẩu đả gây cho 13 người bị thương, có hai học sinh bị đâm chết. Linh mục Hồ Văn Vui và Thượng tọa Thích Tuệ Đăng phải tới hòa giải mãi tới 7 giờ tối mọi người mới chịu giải tán.

Tối hôm đó, cả Đô thành trở nên căng thẳng. Các khu Công giáo ở Trương Minh Giảng, Phú Nhuận báo động và được thanh niên Công giáo đứng gác ở các đầu đường, còn tại Viện Hóa Đạo và chợ Bến Thành cũng nhan nhản những thanh niên và Phật tử đứng canh.

Tòa Tổng Giám mục và Viện Hóa Đạo bèn ra thông cáo chung khuyến cáo tín đồ hai bên phải bình tĩnh và tránh mọi xách động. Báo giới Thủ đô và Tòa Đô chính cũng kêu gọi dân chúng giữ hòa khí và trật tự.

Ngày 28-8-1964, những cuộc xáo trộn rối ren giữa Đô thành vẫn tiếp tục, ngoài Phật tử và giáo dân xô xát nhau, nhiều nhóm du đãng cũng lợi dụng sự hỗn loạn để cướp bóc. Đêm 28, các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn đến nỗi lính Nhảy Dù phải nổ súng làm cho hai người chết và 48 người bị thương.

Cùng ngày 28, Thủ tướng Nguyễn Khánh họp báo đả kích các ông Nguyễn Tôn Hoàn và Hà Thúc Ký đã âm mưu đảo chánh. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh được thừa ủy nhiệm Thủ tướng để điều khiển chính phủ. Tình trạng giới nghiêm được ban hành.

Ngày 30-8, Bộ Tổng Tư Lệnh ra thông cáo “Quân đội quyết chống các vụ biểu tình và phá hoại, và sẽ cương quyết nổ súng nếu cần”.

Ngày 1-9, Phó Thủ tướng Nguyễn Tôn Hoàn từ chức. Thượng Tọa Thích Tâm Châu ra thông bạch “những việc xảy ra ngày 28 chứng tỏ Phật giáo vẫn bị đe dọa, chính quyền phải dứt khoát với nhóm người thuộc chế độ cũ... Nếu ngày 27 tháng 10 mà nguyện vọng của Phật giáo chưa đạt thì sẽ bãi thị bãi khóa...”

Ngày 7-9, Trung tướng Dương Văn Minh được bầu làm Chủ tịch Ban Lãnh Đạo Lâm Thời Quốc Gia và Quân Lực.

Ngày 8-9, một Thượng Hội Đồng Quốc Gia được thành lập gồm 16 nhân sĩ tên tuổi là các ông: Phan Khắc Sửu, Lê Văn Thu, Nguyễn Văn Huyền, Trần Đình Nam, Trần Văn Văn, Trần Văn Quế, Nguyễn Văn Lực, Nguyễn Xuân Chữ, Hồ Văn Nhựt, Mai Thọ Truyền, Ngô Gia Hy, Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Hanh, Lương Trọng Tường, Nguyễn Đình Luyện, Hồ Đắc Thắng.

Ngày 9-9, linh mục Hoàng Quỳnh, Chủ tịch Ủy Ban Tranh Đấu của khối Công giáo gởi thư ngỏ cho Thủ tướng Nguyễn Khánh trách chính phủ không quan tâm đến các vụ đàn áp Công giáo trong những ngày qua, và yêu cầu điều tra vô tư, giải quyết các vụ ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, và vãn hồi an ninh, nếu không Công giáo sẽ tự vệ và không chịu trách nhiệm về các hậu quả có thể xảy ra.

Cùng ngày này, các ông Bùi Tường Huân, Trần Quang Thuận và các tướng lãnh trong chính phủ Nguyễn Khánh đưa đơn từ chức. Tướng Dương Ngọc Lắm (Đô trưởng Sài Gòn-Chợ Lớn) được ông Trần Văn Hương thay thế, và Đại tá Nguyễn Quang Sanh thay thế Đại tá Trần Văn Bền (Tổng giám đốc Công an). Các tướng Xuân, Đôn, Kim, Đính, Vỹ được trả tự do trở về Sài Gòn.

Tình hình tưởng đã ổn định nhờ sự dàn xếp của các cấp lãnh đạo Phật giáo và Công giáo, nhờ việc tướng lãnh trở về quân đội, nhờ sự hiện diện của Thượng Hội Đồng Quốc Gia gồm nhiều nhân vật tên tuổi, nhờ sự trở lại chức vị “lãnh đạo Quốc gia lâm thời” của tướng Dương Văn Minh, không ngờ ngày 13-9 Trung tướng Dương Văn Đức và Thiếu tướng Lâm Văn Phát (Công giáo) lại kéo quân về Sài Gòn-Gia Định chiếm đóng một số địa điểm, đả kích tướng Nguyễn Khánh và nhân danh Hội Đồng Quân Dân Cứu Quốc tuyên bố tái lập trật tự đã bị phá hoại cùng uy quyền quốc gia đã bị miệt thị. Có tin đồn vụ này do lực lượng đảng Đại Việt và vài nhóm Công giáo phát động. Tướng Khánh đang ở Đà Lạt vội lên đài phát thanh lên án hai tướng Đức và Phát, trong lúc nhiều tướng khác nhóm họp tại Bộ Tư lệnh Không quân tìm phương thức đối phó.

Ngày 14-9-64, các tướng lãnh tiếp tục họp tại Bộ Tư lệnh Không quân và ra lệnh cho tướng Đức phải rút quân về các vị trí cũ, nếu không sẽ cho phi cơ đến tấn công. Tướng Đức nhượng bộ rút quân nên đã không xảy ra vụ xô xát nào cả. Trong lúc đó thì sinh viên lại hội thảo và xuống đường biểu tình đả đảo dư đảng Cần Lao đã mưu toan đảo chánh.

Ngày 16, Thủ tướng Khánh trở về Sài Gòn ra lệnh điều tra vụ đảo chánh hụt, một số nhân vật dân sự Công giáo bị bắt. Ngày hôm sau, một số tướng tá liên quan đến biến cố 13-9 bị cách chức trong đó có Trung tướng Dương Văn Đức, Thiếu tướng Lâm Văn Phát, Thiếu tướng Dương Ngọc Lắm, Đại tá Huỳnh Văn Tồn và Trung tá Dương Hiếu Nghĩa.

Ngày 21, hàng ngàn thanh niên do Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc tại Huế xách động đánh chiếm đài phát thanh và nhiều cơ sở ở Huế và Quy Nhơn, đồng thời lùng bắt Cần Lao. Ở Phan Thiết cũng hàng ngàn thanh niên phát động phong trào tranh đấu diệt trừ Cần Lao và nhiều cuộc xô xát đã xảy ra.

Ngày 27-9-64, ông Phan Khắc Sửu được bầu làm Chủ tịch Thượng Hội Đồng Quốc Gia.

Tỉnh Thừa Thiên cùng nhiều tỉnh khác ở Trung phần lập “Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc” để thanh toán Cần Lao.

Hội Đồng Chỉ đạo Sinh viên Học sinh quyết nghị và thông cáo “Chống đảng phái chính trị xen lấn vào học đường và chống mọi sự lôi cuốn sinh viên làm chính trị”.

Ngày 28-9, nhiều cuộc biểu tình bạo động tiếp tục xảy ra ở Quy Nhơn.

Tổng Hội Sinh Viên nhóm họp phản đối các vụ gây rối của Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc ở Trung phần, yêu cầu các giới đoàn kết, yêu cầu trừng trị dư đảng Cần Lao.

Ngày 2-10, các Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc vẫn hoạt động quá khích và định nhóm đại hội ở Huế để ấn định chính sách chung.

Ngày 5-10, Hội đồng Chỉ đạo Sinh viên họp tại rạp Thống Nhất đả kích và lên án các Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc tại miền Trung.

Ngày 8-10, sáu sinh viên từ Huế vào họp báo tuyên bố ủng hộ Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc.

Ngày 22-10, Thủ tướng Nguyễn Khánh tuyên bố tại Pleiku “Quân đội là cha quốc gia”.

Ngày 24-10, Thượng Hội Đồng Quốc gia tuyển nhiệm Chủ tịch Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng và bầu Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ làm Quyền Chủ tịch Thượng Hội Đồng. Tướng Trần Thiện Khiêm được cử làm Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Ngày 26-10, Ban Lãnh Đạo Quốc gia Quân Lực (do tướng Dương Văn Minh làm Chủ tịch) chính thức chuyển giao quyền hành cho tân Quốc trưởng Phan Khắc Sửu.

Ngày 30-10, giáo sư Trần Văn Hương được Quốc trưởng Phan Khắc Sửu bổ nhiệm làm Thủ tướng.

Ngày 4-11, chính phủ Trần Văn Hương ra mắt với một thành phần nội các hoàn toàn dân sự. Trung tướng Nguyễn Khánh được cử làm Tổng Tư lệnh Quân đội. Tổng Hội Sinh viên nhóm họp, tỏ ý dè dặt về thành phần nội các nhưng mong rằng chính phủ có chính sách cách mạng thật sự.

Ngày 5-11, bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ từ chức Quyền Chủ tịch Thượng Hội Đồng vì không đồng ý về sự thành lập chính phủ Trần Văn Hương.

Ngày 6-11, sinh viên Sài Gòn lại nhóm họp đả kích thành phần nội các và đòi xét lại toàn diện vấn đề và chỉnh đốn Thượng Hội Đồng vì lý do có nhiều phần tử gây chia rẽ. (Có ý cho rằng chính phủ của “người Nam kỳ”).

Ngày 7-11, có nhiều tin đồn sinh viên và Phật tử sẽ xuống đường phản đối chính phủ, cùng ngày này, Trung tướng Dương Văn Minh được cử ra nước ngoài làm Đặc phái viên của Quốc trưởng tại ngoại quốc.

Ngày 9-11, Bộ Thông tin tuyên bố “Chính phủ không cải tổ, không từ chức”.

Ngày 11-11, sinh viên Sài Gòn tiếp tục hội thảo sôi nổi, tuyên bố không thể chờ đợi, phải hành động mạnh, không chịu một chính phủ “chuyên viên già nua lại bị nhóm Tinh Thần giật dây”.

Ngày 13-11, Thủ tướng Trần Văn Hương trả lời mọi thắc mắc của Thượng Hội Đồng và tuyên bố “Phải tái lập uy quyền quốc gia, tách rời chính trị khỏi tôn giáo, đưa tôn giáo ra khỏi chính trị”.

Ngày 16-11, sinh viên yết kiến Quốc trưởng Phan Khắc Sửu, yêu cầu giải tán chính phủ Trần Văn Hương. Cùng ngày, Thượng Hội Đồng quyết định lập một Uỷ ban điều tra về thành phần chính phủ.

Ngày 18-11, luật sư Lê Văn Thu được bầu làm Chủ tịch Thượng Hội Đồng Quốc gia.

Ngày 20-11, văn phòng Thủ tướng cho biết 148 nhà trí thức, ký giả ủng hộ chính phủ và Thủ tướng.

Ngày 22-11, biểu tình lớn ở nhiều nơi với nhiều biểu ngữ đả kích chính phủ Trần Văn Hương.

Ngày 24-11, Thượng Tọa Thích Tâm Châu gởi thư lên Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thượng Hội Đồng yêu cầu có thái độ dứt khoát với cuộc khủng hoảng hiện tại. Nhiều trường học bãi khóa. Cùng ngày này, hai tướng Dương Văn Minh và Nguyễn Khánh được thăng Đại tướng.

Ngày 25-11, học sinh trường Hồng Lạc đường Trần Quốc Toản bãi khóa phản đối biện pháp bắt bớ những người biểu tình. Cảnh sát tới bị ném đá. Nhảy Dù phải can thiệp. Buổi chiều, nhiều đám người khác lại gia nhập lực lượng học sinh ném đá vào cảnh sát, quân đội lại phải can thiệp cho đến 9 giờ đêm mới giải tán: 85 người bị thương, 238 người bị bắt, cùng ngày này, các trường học lại bị đóng cửa cho đến khi có lệnh mới.

Ngày 27-11, chính phủ ban hành lệnh thiết quân luật tại Sài Gòn-Gia Định trong một tháng. Viện Hóa Đạo tuyên bố tạm thời đóng cửa ngưng hoạt động.

Ngày 28-11, Thủ tướng Trần Văn Hương tuyên bố “không lùi bước, phải dùng mọi cách tái lập trật tự”. Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ họp báo tuyên bố: “... cùng với nhiều đảng phái để thành lập một Hội Đồng Dân Tộc Cách Mạng để cứu vãn tình thế”.

Ngày 4-12, các tướng lãnh họp tại Đà Lạt tuyên bố ủng hộ một chánh phủ dân sự lành mạnh yêu nước không bị một áp lực nào, đồng thời dự bị thiết lập một Hội Đồng Quân Lực.

Ngày 8-12, Thủ tướng Trần Văn Hương phản đối sự chỉ định một ủy ban của Thượng Hội Đồng để xét lại thành phần chính phủ.

Ngày 13-12, có tin Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết, các Thượng Tọa Trí Quang và Tâm Châu tuyệt thực 24 giờ.

Ngày 17-12, một số tướng lãnh trẻ yết kiến Quốc trưởng và trình bày về việc cho một số tướng già về hưu.

Ngày 18-12, “Hội Đồng Quân Lực” được thành lập do một huấn lệnh của Tổng Tư lệnh Nguyễn Khánh với mục đích “giúp đỡ Tổng Tư lệnh với tư cách cố vấn và xóa bỏ mọi bất công để thực hiện một chính sách sử dụng nhân sự công bằng trong quân đội”. (Thành lập Hội Đồng Quân Lực, Khánh âm mưu sử dụng nó như một cơ quan tối cao đại diện quân đội về mặt chính trị). Cùng ngày này, Bộ Giáo Dục ra một thông cáo đại ý cảnh cáo trường nào được mở cửa lại mà vẫn lộn xộn sẽ bị đóng cửa hẳn. Đã có 60 trường nộp đơn xin mở cửa lại.

Ngày 20-12, Hội Đồng Quân Lực ra thông cáo “không tín nhiệm Thượng Hội Đồng Quốc Gia vì đã gây chia rẽ, đã mua chuộc một số tướng lãnh, có óc bè phái”, rồi tuyên bố giải tán Thượng Hội Đồng. Sáu hội viên của Thượng Hội đồng, tướng Đỗ Mậu và 14 chính khách, giáo sư, sinh viên bị bắt lên Kontum, Pleiku để quản thúc.

Cùng ngày này, tướng Khánh ra nhật lệnh tuyên bố: “Quân lực không thực hiện chính sách ngoại bang nào cả. Thà thanh bạch trong độc lập còn hơn là giàu sang mà tủi nhục trong nô lệ ngoại bang”. (Lưu ý rằng trong thời gian này, Hoa Kỳ và đặc biệt Đại sứ Taylor đã tỏ thái độ chống đối việc tướng Khánh và quân đội xen lấn vào chính trị). Cả hai tòa đại sứ Hoa Kỳ lẫn Anh Quốc và khối Công giáo tại Việt Nam đều công khai ủng hộ Thủ tướng Trần Văn Hương.

Ngày 25-12, Đại tướng Khánh tuyên bố với báo New York Herald Tribune: “Tướng Taylor đã có những hành động không thể tưởng tượng được, ông muốn dùng áp lực đối với giới hữu trách Việt Nam. Nếu ông không khéo xử thế thì Việt Nam sẽ mất. Mỹ nên tính việc lớn với những ai có thực lực ở xứ này. Ông Taylor không thể buộc dân Việt Nam phải chịu đựng những nhà lãnh đạo mà dân Việt Nam không muốn”. (Lời tuyên bố của tướng Khánh hàm ý chỉ có Hội Đồng Quân Lực mới có thực lực, do đó chỉ có ông mới là xứng đáng là người lãnh đạo quốc gia).

Ngày 18-1-1965, sau nhiều âm mưu hậu trường và nhiều thỏa hiệp chia ghế, chính phủ Trần Văn Hương tuy chưa bị lật đổ nhưng phải cải tổ lại với sự tham gia của bốn tướng là Nguyễn Văn Thiệu (Đệ nhị Phó Thủ tướng), Trần Văn Minh (Minh nhỏ) Tổng trưởng Quân Lực, Linh Quang Viên (Tổng trưởng Tâm lý chiến), Nguyễn Cao Kỳ (Tổng trưởng Thanh niên Thể thao). Tuy nhiên, từ ngày chính phủ Hương cải tổ thì khối Phật giáo lại hoạt động chống đối mạnh liệt hơn. Ngày 20, các Thượng tọa Trí Quang, Tâm Châu, Pháp Tri, Thiện Hoa, Hộ Giác bắt đầu tuyệt thực trong lúc Tăng Ni Phật tử tiếp tục biểu tình. Ngày 22, họ kéo đến trước Tòa Đại sứ Mỹ với biểu ngữ “Hãy để cho dân tộc Việt Nam tự quyết”.

Ngày 23, Thủ tướng Trần Văn Hương hiệu triệu quốc dân, kêu gọi mọi người lãnh trách nhiệm với tình thế, tránh các vụ xách động rồi lên án “lũ lưu manh cạo đầu rồi mặc sắc phục Tăng Ni...” và gọi những hoạt động đấu tranh của Phật giáo là “những trò khỉ”. Cùng ngày này, có những cuộc tụ tập trước Viện Hóa Đạo và một giáo sư khi thấy con gái mình trong đám đông biểu tình đã yêu cầu một Đại tá đánh cho ba roi. Quân đội nhân dịp đó đánh luôn 69 cô khác, mỗi cô ba roi rồi đuổi về. Đêm 23 tại Huế, một đoàn biểu tình kéo tới phòng Thông tin Hoa Kỳ ném đá và đốt cháy thư viện Mỹ với 5.000 cuốn sách. Phó lãnh sự Mỹ tới chữa cháy bị ném đá. Sinh viên đại học Huế đặt chướng ngại vật chận các lối vào lớp học. Tại Nha Trang, 300 Tăng Ni tuyệt thực. Các cuộc biểu tình xáo trộn do Phật giáo, Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc và sinh viên gây ra vẫn tiếp diễn cho đến ngày 27 tháng Giêng năm 1965 mới tạm thời lắng dịu.

Ngày 27-1, Hội Đồng Quân Lực tuyên cáo “Quân đội đã trả quyền từ ngày 27 tháng 10 cho phía dân sự nhưng tình thế mỗi ngày mỗi rối ren”. Sau ba ngày thảo luận, Hội Đồng Quân Lực quyết định ủy nhiệm tướng Nguyễn Khánh giải quyết cuộc khủng hoảng, triệu tập ngay một Hội Đồng Quân Dân gồm 20 đại diện các tôn giáo, nhân sĩ và quân lực.

Ngày 28-1, theo quyết định của Hội Đồng Quân Lực, Quốc trưởng Phan Khắc Sửu được lưu nhiệm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh được cử làm quyền Thủ tướng. (Hình như Thủ tướng Trần Văn Hương đã bị các tướng lãnh đem đi cô lập ở Vũng Tàu).

Cùng ngày này, Thượng tọa Trí Quang họp báo cho biết chỉ muốn đừng dung thứ những phần tử xấu thuộc chế độ cũ và đừng coi Phật giáo là Cộng Sản. Phật giáo không chống Mỹ nhưng Việt Nam cũng không thể bị hiểu lầm (là tay sai của Mỹ).

Ngày 11-2-65, Đức Giáo Hoàng Paul VI, vị Giáo Hoàng nổi tiếng thân Nga Sô và thân Hà Nội [3] kêu gọi ngưng chiến ở Việt Nam.

Ngày 14 tháng 2, Đại sứ Taylor tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn “Nhân dân Việt Nam đã chán ngán vì bị tấn công mãi mà không được trả đũa. Không còn có thể coi Bắc Việt là sào huyệt an toàn nữa”. Từ đó Mỹ bắt đầu ném bom Bắc Việt và soạn sửa đem quân vào miền Nam.

Ngày 16-2-65, thừa ủy nhiệm Hội Đồng Quân Lực, Đại tướng Nguyễn Khánh Tổng Tư lệnh Quân đội VNCH ký quyết định tuyển nhiệm ông Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng và bổ nhiệm ông Phan Huy Quát làm Thủ tướng thành lập chính phủ mới. Trong nội các mới này, Công giáo có thêm Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, Phật giáo có bác sĩ Nguyễn Tăng Nguyên, giáo sư Trần Quang Thuận và kỹ sư Ngô Trọng Anh.

Ngày 17-2, Hội Đồng Quân Lực ra quyết định thiết lập Hội Đồng Quốc Gia Lập Pháp gồm 20 đại diện đủ thành phần tôn giáo và sáu tướng tá. Chủ tịch Hội Đồng là tướng Phạm Xuân Chiểu.

Ngày 19-2-65, Đại tá Phạm Ngọc Thảo (Công giáo) kéo một lực lượng Bộ binh và chiến xa về Sài Gòn chiếm đóng trại Lê Văn Duyệt, đài phát thanh và bến Bạch Đằng.

Theo tin đài phát thanh buổi chiều thì một số đoàn thể thuộc Lực lượng Bảo vệ Dân tộc (Công giáo) nổi dậy chống tướng Nguyễn Khánh để thành lập một chính quyền dân sự.

Các tướng lãnh họp ở phi trường Tân Sơn Nhất, tướng Kỳ bay trên Thủ đô quan sát tình hình và ra lệnh cho quân đội nổi dậy phải rút lui nếu không sẽ bị ném bom. Trong lúc đó thì đài phát thanh Ba Xuyên truyền lệnh của Đại tướng Khánh cho các binh sĩ bị lôi cuốn vào cuộc nổi dậy hãy trở về đơn vị. Tại Huế, Lực lượng sinh viên học sinh lên án Lực lượng Bảo vệ Dân tộc và những “Phần tử Cần Lao” trong cuộc nổi dậy của Đại tá  Phạm Ngọc Thảo.

Ngày 20, trên đài phát thanh Nha Trang, Thượng tọa Tâm Châu kêu gọi Phật tử ủng hộ “Hội Đồng Quân Lực”. Tướng Nguyễn Chánh Thi từ Huế vào Sài Gòn đảm nhiệm chức Tư lệnh Giải phóng Thủ đô, tái chiếm các cơ sở bị quân của Phạm Ngọc Thảo chiếm hôm qua, ra lệnh cho Đại tá Thảo và 13 sĩ quan khác phải trình diện trong 24 giờ, nhưng Thảo và một số sĩ quan cùng những nhân vật Công giáo đều đã trốn. Cùng ngày này, Hội Đồng Quân Lực nhóm họp và quyết định thay thế Đại tướng Nguyễn Khánh bằng tướng Trần Văn Minh trong chức vụ Tổng Tư lệnh Quân đội vì cho rằng tướng Khánh âm mưu xáo trộn để trở lại nắm chính quyền.

Ngày 21, tướng Nguyễn Chánh Thi ra thông cáo nhấn mạnh đến ước vọng cách mạng của quân lực VNCH là Dân chủ, Công bằng và Hòa bình. Hai tướng Kỳ và Thi bắt đầu kết hợp với nhau để chống Khánh.

Ngày 22-2-65, tướng Khánh được bổ nhiệm chức Đại sứ Lưu động và Trung tá Phạm Văn Liễu (bạn thân của các tướng Thiệu, Thi và Kỳ) được cử giữ chức Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia.

Ngày 25-2-65, tướng Nguyễn Khánh được tặng Đệ nhất hạng Kim Khánh rồi mang theo một nắm đất rời khỏi Việt Nam với lời hẹn một ngày nào đó sẽ trở về lại quê hương. Quân lực Việt Nam cho đến ngày hôm đó có bốn vị Đại tướng, một ông chết và ba ông ra đi, dù ra đi với chức Đại sứ, mà sự thật là bị nhóm tướng trẻ đuổi ra khỏi Việt Nam. Việc tướng Khánh ra đi đã đặt Quân Lực VNCH hoàn toàn nằm trong tay nhóm tướng trẻ Young Turk sau khi các “tướng già” đã bị hoặc cho về hưu sớm từ ngày 31-12-64, hoặc bị đuổi ra khỏi Việt Nam. Một số “tướng già” còn lại như Trần Văn Minh, Phạm Xuân Chiểu, Linh Quang Viên, Phạm Văn Đổng... là chỉ để cho các tướng trẻ điều động đặt đâu ngồi đó, việc quốc gia đại sự, việc lãnh đạo chiến tranh từ nay hoàn toàn nằm trong tay các tướng trẻ, đặc biệt là hai tướng Thiệu và Kỳ.

Ngày 27-2, giữa Thủ đô Sài Gòn, một số người nhân danh “Phong Trào Bảo Vệ Hòa Bình” (thân Cộng) rải truyền đơn, gởi kiến nghị tuyên truyền về vấn đề hòa bình tại Việt Nam. (Thượng tọa Thích Quảng Liên có chân trong Phong trào này).

Ngày 3-3-65, Hội Đồng Quân Lực công bố thành lập Uỷ ban Thường vụ: Tổng thư ký, Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu; Uỷ viên Ngoại giao, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ; Uỷ viên Chính trị, Thiếu tướng Linh Quang Viên; Uỷ viên An ninh, Thiếu tướng Phạm Văn Đổng; Phụ tá Tổng thư ký, Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao. Cùng ngày này, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ công bố một bức tâm thư gởi đồng bào và chiến hữu, phân tách hiện tình đất nước, nhắc lại nỗi thống khổ và thất vọng của dân tộc suốt thời kỳ Pháp thuộc và suốt chín năm dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Bức thư cho biết Quân lực sẽ chỉ trương thực hiện cuộc cách mạng toàn diện trên mọi lãnh vực.

Ngày 8-3-65, 1.500 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đầu tiên tới Đà Nẵng. Cũng cần nhắc lại rằng dưới chế độ Diệm, tổng số quân Mỹ tại Việt Nam là 17.000 người, 14 tháng sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, quân số Mỹ tại miền Nam là 23.000 người.

Ngày 11-3-65, Viện Hóa Đạo ra thông cáo: “Phong Trào Tranh Thủ Hòa Bình” của Thượng tọa Quảng Liên không liên quan gì đến Phật giáo cả... Phong trào do Thượng tọa thành lập với tư cách cá nhân”. Bộ Nội vụ công bố danh sách 358 người đã ký kiến nghị của “Uỷ Ban Vận Động Hòa Bình” trong đó có 24 sinh viên, 77 học sinh, 78 lao động, 67 người buôn bán, 22 công chức, 20 giáo viên, 11 ký giả, 5 kỹ sư, 5 bác sĩ, dược sĩ, 3 luật sư. Cùng ngày này, ông Hà Minh Trí, cán bộ Cao Đài, người ám sát hụt Tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1957 được trả tự do. (Ông Hà Minh Trí bị giam lâu ngày mà không chịu khai toàn bộ tổ chức ám sát của Cao Đài).

Ngày 17-3-65, Thượng tọa Quảng Liên từ chức Chủ tịch Phong Trào Bảo Vệ Hòa Bình.

Ngày 21-3-65, Đại đức Thích Nguyên Từ tự thiêu để phản đối Việt cộng chiếm chùa cùng ruộng chùa và bắt đi 17 Phật tử tại Bình Tuy.

Ngày 23-3-65, Hội Đồng Quốc Gia Lập Pháp ra tuyên ngôn tán thành việc Mỹ gởi Thủy Quân Lục Chiến sang tham chiến tại Việt Nam. Nếu “dưới chế độ Diệm, khi Tổng thống Kennedy quyết định gởi 12.000 lính Mỹ tới Nam Việt Nam chắc chắn đã tạo được ảnh hưởng tốt đối với tinh thần người dân và người lính miền Nam, không phải theo nghĩa hoàn toàn trông mong người Mỹ đánh giặc hộ, mà là theo nghĩa nhìn thấy dấu vết cụ thể sự quyết tâm của Mỹ trong lời cam kết giúp Nam Việt Nam” [4], thì năm 1965, khi Mỹ bắt đầu gởi Thủy Quân Lục Chiến vào Nam Việt Nam và ném bom Bắc Việt, người quốc gia chống Cộng chẳng những trông thấy quyết tâm của Mỹ trong việc giúp miền Nam mà còn tin rằng Bắc Việt sẽ bị sụp đổ để đưa lại chiến thắng cuối cùng cho Việt Nam Cọng Hòa. Vì thế, cả chính phủ Việt Nam, cả Hội Đồng Quốc Gia Lập Pháp, và quân đội Việt Nam Cọng Hòa đã chào mừng quyết tâm của Tổng thống Jonhson trong việc leo thang chiến tranh.

Cùng ngày 23, Hội đồng chính phủ quyết định chia 160 triệu bạc tịch thu của họ Ngô cho đồng bào, học sinh và gia đình binh sĩ nghèo, ngoài ra còn bán đấu giá các bất động sản và xí nghiệp cùng trái khoán tịch thu của nhà Ngô.

Ngày 2-4-65, ni cô Thích Huệ Thiện tẩm xăng vào người toan tự thiêu tại chùa Từ Vân Gia Định vì thấy những đau khổ do chiến tranh gây ra nhưng các Phật tử đã kịp thời cứu được.

Ngày 8-4, tại Vỏ Xu, Bình Tuy, Việt cộng lại bắt đi Đại Đức Thích Bảo Huệ và một số Phật tử.

Ngày 12-4, lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức vô cùng trọng thể tại sân vận động Cộng Hòa, rất đông nhân sĩ, trí thức, đảng phái, sinh viên tham dự.

Ngày 20-4, Sa di Thích Giác Thanh tự thiêu sau Viện Hóa Đạo vì thấy cảnh tang tóc và chiến tranh.

Ngày 4-5, Hội đồng Chính phủ Phan Huy Quát quyết định chấm dứt chương trình phát thanh của phái bộ Văn hóa Pháp tại Việt Nam vì đại diện Pháp tại SEATO đã có thái độ bất thân thiện với Việt Nam, đồng thời trục xuất thông tín viên Ageorges của Pháp tấn xã.

Ngày 5-5, Hội Đồng Quân Lực tuyên bố tự giải tán để các tướng lãnh trở về địa vị quân sự thuần túy.

Ngày 21-5, Phủ Thủ tướng thông cáo rằng cơ quan an ninh đã bắt được 17 quân nhân và 12 dân sự âm mưu đảo chánh ngày hôm qua. Những quân nhân trên đây cũng đã từng liên can đến vụ biểu dương lực lượng của ông Phạm Ngọc Thảo ngày 19-2. Một sĩ quan trong nhóm bị bắn tử thương. (Nhóm này thuộc ảnh hưởng Công giáo).

Ngày 25-5, Thủ tướng Phan Huy Quát cải tổ chính phủ. Giữa buổi trình diện, Quốc trưởng Phan Khắc Sửu cho biết không thể ký bổ nhiệm các ông Nguyễn Văn Thoàn và Nguyễn Trung Vinh vì lẽ các ông Nguyễn Hòa Hiệp và Nguyễn Văn Vinh không từ chức.

Cùng ngày này, Thượng tọa Thích Quảng Liên, nguyên Chủ tịch Phong Trào Bảo Vệ Hòa Bình, sau cuộc du hành tại Nhật về tới Tân Sơn Nhất thì được Bộ Nội vụ yêu cầu đừng về nước vì có thể bị lợi dụng, nên ông phải đáp phi cơ đi thẳng đến Thái Lan và ở luôn tại đó.

Ngày 26-5, Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát bày tỏ những bất đồng quan điểm về quyền hạn thay thế Bộ trưởng.

Ngày 27-5, một phái đoàn đại diện Lực Lượng Đoàn Kết Công Giáo do Linh mục Hoàng Quỳnh hướng dẫn đã yết kiến Quốc trưởng cùng Hội đồng Quốc gia Lập pháp, đưa kiến nghị không tín nhiệm Thủ tướng Phan Huy Quát và yêu cầu chỉ định Thủ tướng khác. Lý do viện dẫn: chính phủ Quát gây chia rẽ, không chống Cộng hữu hiệu và thân Pháp (?).

Ngày 1-6-65, trong lúc cuộc khủng hoảng về việc cải tổ nội các chưa giải quyết thì Linh mục Hồ Văn Vui hướng dẫn 60 đại diện của Mặt Trận Công Giáo Việt Nam đến yết kiến Quốc trưởng cùng Hội đồng Quốc gia Lập pháp, đưa kiến nghị tương tự như kiến nghị của Linh mục Hoàng Quỳnh, yêu cầu giải tán chính phủ Phan Huy Quát.

Từ ngày 2-6-65, một số Linh mục, chính khách thuộc các tôn giáo và đảng phái gởi kiến nghị lên Quốc trưởng bất tín nhiệm Thủ tướng Phan Huy Quát.

Ngày 3-6, Thủ tướng Phan Huy Quát họp cùng một số tướng lãnh để thảo luận về việc khủng hoảng nội các và sau đó, cùng các tướng lãnh sang yến kiến Quốc trưởng Phan Khắc Sửu. Trong lúc đó thì một số nhân vật khác lại nhân danh các đoàn thể (11 đoàn thể) gởi kiến nghị lên Quốc trưởng và Hội đồng Quốc gia Lập pháp chống chia rẽ và tín nhiệm Thủ tướng Phan Huy Quát. Theo tin UPI thì chính phủ Hoa Kỳ vẫn tín nhiệm chính phủ Phan Huy Quát.

Ngày 4-6, nhiều truyền đơn chống chính phủ Quát được tung ra trên nhiều ngả đường.

Đêm mồng 5-6, vài trăm người (Công giáo) chống đối chính phủ Quát tụ họp trên đường Trương Minh Giảng, Trương Minh Ký, Gia Định. Họ đốt một xe hơi, hành hung 5 và gây thương tích cho hai cảnh sát viên.

Ngày 7-6, 200 cụ già thuộc các đoàn thể Công giáo tới dinh Gia Long yết kiến Quốc trưởng cùng Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Lập pháp, yêu cầu giải quyết gấp cuộc khủng hoảng rồi ngồi lại trong Dinh từ 16 đến 22 giờ mới chịu ra về.

Ngày 8-6, hơn 100 thanh niên, sinh viên, học sinh thuộc các đoàn thể Thanh Niên Đại Đoàn Kết và sinh viên học sinh Tự Dân (Công giáo) tới dinh Gia Long yêu cầu giải quyết cuộc khủng hoảng và cũng ở lại đó từ 10 giờ đến 16 giờ mới về. Trong lúc đó, Lực lượng Đại Đoàn Kết (Công giáo) tổ chức họp báo tại Gia Định, xác nhận lập trường chống đối chính phủ Phan Huy Quát của khối Công giáo.

Ngày 9-6, Thủ tướng Phan Huy Quát họp báo giải thích về cuộc khủng hoảng. Ông thuật lại các nỗ lực hòa giải của ông mà vẫn không thành, trình bày chi tiết về âm mưu đảo chánh đêm 10-6-65 (của phe Công giáo) và âm mưu lập chính phủ liên hiệp trung lập của phe “Hòa Bình”, đồng thời ông cũng trả lời các luận điệu chỉ trích rồi kết luận rằng ông yêu cầu quân đội đứng ra lãnh vai trò trung gian để giữ thế quân bình cho đến khi có một chính quyền dân cử.

Ngày 10-6, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ kêu gọi chiến sĩ Không quân giữ bình tĩnh sau vụ hiểu lầm ở Tân Mai. (Thanh niên Công giáo đi biểu tình rồi xô xát với binh sĩ Không quân tại Biên Hòa).

Ngày 11-6, các tướng lãnh nhóm họp tại Sài Gòn để xét thư của Thủ tướng Quát yêu cầu Quân đội làm trung gian điều giải về vụ khủng hoảng nội các. Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố: cuộc khủng hoảng không do lỗi chính phủ mà do sự thiếu sót của hiến chương ngày 16-8-1965.

Cùng ngày này, Quốc trưởng, Thủ tướng và Hội đồng Quốc gia Lập pháp đều ra tuyên cáo xác định rằng những cơ cấu và thể chế quốc gia hiện tại không còn phù hợp với tình thế nữa nên giao trả cho quân đội trách nhiệm và quyền hành lãnh đạo quốc gia, và Hội Đồng Quân Lực chấp nhận đơn từ chức của Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát.

Ngày 14-6-65, Hội Đồng Quân Lực thành lập ủy ban Lãnh Đạo Quốc Gia do Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu giữ chức Chủ tịch (Quốc trưởng), Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ giữ chức Chủ tịch ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (Thủ tướng), và Trung tướng Phạm Xuân Chiểu giữ chức Tổng thư ký.

Cùng ngày này, Ni cô Quảng Liên Diệu Tịnh, 22 tuổi, tự thiêu để cúng dường Tam bảo tại chùa Linh Sơn, tỉnh Ninh Thuận.

Ngày 16-6, Tòa án Quân sự Mặt trận tại Nha Trang tuyên phạt tù từ 2 đến 16 năm khổ sai 18 người đã tham gia Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc miền Trung và liên quan đến các vụ khủng bố, hành hung hồi tháng 9-64 tại tỉnh Bình Định.

Ngày 19-6, một Ước pháp mới ra đời gồm 7 thiên 25 điều, thiết lập Đại Hội Đồng Quân Lực VNCH, Uỷ Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội, Thượng Hội Đồng Thẩm Phán. Các tướng Thiệu, Kỳ, Chiểu được xác nhận là thành viên của Uỷ Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, còn Hội Đồng Quốc Gia Lập Pháp cũ giải tán. Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ ra đời với nhiều nhân vật dân sự tên tuổi như bác sĩ Trần Văn Đỗ (Tổng ủy viên Ngoại giao), Luật sư Lữ Văn Vi (Tổng ủy viên Tư pháp), giáo sư Trần Ngọc Ninh (Tổng ủy viên Văn hóa Giáo dục), thẩm phán Trần Minh Tiết (Bộ trưởng Nội vụ)...

Từ sau khi tướng Nguyễn Khánh và các tướng lãnh đưa ra hiến chương Vũng Tàu vào tháng 8 năm 1964 tạo nên bao nhiêu xáo trộn, thì ý nguyện của toàn dân, của các tôn giáo, đảng phái, sinh viên và cả Hoa Kỳ là muốn miền Nam có một chính phủ dân sự bền vững để quân đội trở về với nhiệm vụ quốc phòng thuần túy. Tiếc thay, hai chính phủ dân sự Trần Văn Hương và Phan Huy Quát đã ra đời trong một tình trạng khó khăn với những cuộc xáo trộn, tranh chấp, biểu tình do quân đội, sinh viên, Phật giáo, Công giáo gây ra để rồi cuối cùng quân đội trở lại cầm quyền. Sự bất đồng ý kiến giữa Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát về việc thay đổi hai vị Bộ trưởng đã có thể giải quyết dễ dàng nếu khối Công giáo không cố tình trầm trọng hóa vấn đề, mà mục tiêu thật sự là để lật đổ chính phủ Quát vì họ cho rằng chính phủ này thân Phật giáo. (Có phải thế không ông Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Bùi Diễm, và ông Chủ tịch Hội Đồng Quốc Gia Lập Pháp Phạm Xuân Chiểu!?)

Như vậy, từ sau khi chính phủ Quát và Quốc trưởng Phan Khắc Sửu rút lui, chính quyền miền Nam lại trở về tay các tướng lãnh. Câu tuyên bố “Quân đội là cha quốc gia” của tướng Nguyễn Khánh tuy trắng trợn nhưng thật là thấm thía. Tôn giáo, đảng phải, chính khách, trí thức, sinh viên... cuối cùng chỉ như những hình nộm quay cuồng chung quanh ngọn lửa hồng của chiếc đèn kéo quân mà thôi.

 

-o0o-

 

Những gì tôi vừa trình bày trên đây có thể xem như là giai đoạn một của ba năm xáo trộn, giai đoạn kể từ khi nhóm tướng Nguyễn Khánh làm cuộc chỉnh lý (30-1-64) cho đến ngày Uỷ Ban Lãnh Đạo Quốc Gia ra đời (6-65). Từ Cách mạng 1-11-63 cho đến ngày hai tướng Thiệu-Kỳ lên cầm quyền, trong khoảng thời gian gần 20 tháng đó, miền Nam Việt Nam đã phải trải qua 6 chính phủ: Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương, Nguyễn Xuân Oánh (chính phủ ủy nhiệm 5 ngày), Phan Huy Quát và Nguyễn Cao Kỳ.

Tôi muốn kể chi tiết và những biến động theo thứ tự thời gian với ước mong những nhà viết sử tương lai nhìn rõ thực trạng đất nước để phân tách công tội của những thành phần đã tạo nên xáo trộn mà chính yếu trong đó là: Phật giáo, Công giáo, tướng tá, sinh viên và đảng Đại Việt của các ông Nguyễn Tôn Hoàn và Hà Thúc Ký.

Tuy tất cả thành phần trên đây đều gây ra xáo trộn nhưng thật ra thì sinh viên, quân đội và đảng Đại Việt đều bị chi phối, bị lợi dụng bởi hai tôn giáo là Công giáo và Phật giáo trong chủ trương tranh chấp của hai khối này. Sinh viên dựa vào công trạng chống chế độ Diệm năm 1963, nay gặp phải tình hình hỗn loạn nên muốn chứng tỏ thế hệ trẻ phải được tham dự vào việc nước. Nhưng chỉ vì là một lực lượng ô hợp nên sinh viên đã trở thành công cụ cho các tôn giáo và đảng phái lợi dụng mà thôi. Hành động nổi bật nhất của sinh viên là vụ chống đối Hiến chương Vũng Tàu buộc tướng Khánh phải từ chức, nhưng sau biến cố đó rồi thì sinh viên cũng không giúp ổn định được tình hình mà chỉ lên đường xuống đường làm bung xung múa rối, trong lúc nội bộ lại phân hóa.

Các tướng tá thì bản chất vốn đã võ biền, lại thấy đảo chánh và chỉnh lý quá dễ dàng vì chỉ dựa vào võ lực, vào tình hình chiến tranh mà quân đội đang là lực lượng chống Cộng chính yếu, nên đã hành xử một cách hỗn loạn để nắm quyền hành và giành địa vị. Sự bất lực của các tôn giáo, đảng phái và thành phần trí thức lại đã gia tăng thêm tham vọng của các tướng tá.

Đảng Đại Việt mang tham vọng nắm chính quyền, đó là điều chính đáng và cần thiết của mọi đảng chính trị, nhưng thực lực còn quá yếu, lại còn phân hóa nội bộ cho nên không thể là địch thủ của các tôn giáo và quân đội trong cuộc tranh chấp quyền lực chính trị, nên cuối cùng đành phải bị tan biến trong cơn lốc của một chính trường rối rắm hỗn loạn.

Về phần lực lượng Công giáo, với bản chất hiếu động và quá trình gắn bó với mọi quyền lực, rồi bị mất quyền lợi do cuộc lật đổ chế độ Diệm gây ra, và lại bị toàn dân lên án là “Cần Lao”, là “tay sai của chế độ Diệm”, nên căm thù Phật giáo và nhóm tướng lãnh trong Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cũ, do đó họ cần phải tích cực biểu dương sức mạnh bằng những cuộc biểu tình quá khích và những cuộc biểu dương lực lượng quân đội của tướng tá Công giáo để phục hồi danh dự và để trả mối hận thù cho chủ cũ.

Chỉ đáng tiếc và đáng trách cho Phật giáo Việt Nam cũng đã là nguyên nhân tạo ra tình trạng hỗn loạn mà trước hết tôi muốn nêu lên một vài bí ẩn trong giai đoạn xáo trộn này.

Bí ẩn thứ nhất là vụ chống đối Thủ tướng Trần Văn Hương vào tháng 10 năm 1964. Vụ biểu tình chống đối Thủ tướng Trần Văn Hương là hoàn toàn do Phật tử của Thượng tọa Tâm Châu, mà lúc này tuy Thượng tọa Tâm Châu và các Thượng tọa Trí Quang, Thiện Minh, Thiện Hoa chưa công khai mâu thuẫn nhưng đã có những rạn nứt âm thầm trong nội bộ mà Thủ tướng Trần Văn Hương không biết được.

Nguyên khi thành lập chính phủ, cụ Hương có mời riêng Thượng tọa Tâm Châu đến họp bàn về thành phần chính phủ tại nhà một thương gia tên là Nguyễn Hữu ở Gia Định. Hai bên đã bất đồng ý kiến vì Thượng tọa Tâm Châu cho rằng một số nhân vật được Thủ tướng Hương mời không xứng đáng làm Bộ trưởng (sau này báo chí có chỉ trích thành phần chính phủ Hương, để trả lời cụ Hương đã tuyên bố: “Đi chợ, không có tôm tươi cá tươi thì phải mua tôm ươn cá ươn vậy”), và nghe nói Thượng tọa đòi cho Phật giáo bốn Bộ mà cụ Hương chỉ bằng lòng dành cho người của Thượng tọa hai Bộ mà thôi.

Nguồn tin này phù hợp với những tin đồn trong giới chính trị tại Sài Gòn lúc bấy giờ về sự tham chánh cần thiết của khối Phật giáo sau những năm dài vắng mặt trong các cơ quan quyền lực quốc gia. Cần thiết đem người vào nội các đến độ chính Thủ tướng Hương cũng đã phải than là “họ chỉ muốn kiểm soát chính phủ” như báo chí quốc tế đã ghi nhận sau đây:

Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất long trọng tuyên bố trước thế giới rằng chúng tôi tránh tất cả mọi hoạt động có tính cơ hội chủ nghĩa, gây chia rẽ và mang tính chính trị.

Gần một tuần trước khi có lời tuyên bố đó, phát ngôn viên của khối Phật giáo là Thượng Tọa Thích Tâm Châu đã tuyên bố một cách dứt khoát rằng chính phủ của Thủ tướng Hương phải ra đi (Buddhist spokeman Thích Tâm Châu had flatly announced the South Vietnamese government of Premier Trần Văn Hương “will have to go”). Ba ngày sau đó, một thông tư của khối Phật giáo gọi Thủ tướng Hương là “ngu xuẩn, phản bội, là một người phì nộn, ngoan cố và chẳng có chính sách gì cả” (stupid, a traitor, a fat, stubborn man without any policy). Tại Sài Gòn, ông Hương đã trả lời thẳng thừng rằng “Nếu tình hình quá lộn xộn, chúng tôi lại sẽ phải sử dụng võ lực. Họ chỉ muốn kiểm soát chính phủ. Việt cộng cũng đang cố gắng lật đổ chính phủ. Chúng ta không thể để cho các nhà lãnh đạo Phật giáo làm chuyện này hộ cho Việt cộng” (... They simply want to control the government... We can’t allow the Buddhist leaders to do this for them). (Tuần san Time, số ra ngày 11 tháng 12 năm 1964).

Thấy Thượng tọa bất mãn, một nhóm Phật tử Bắc di cư cầm đầu bởi hai chuyên viên xách động tại Sài Gòn là Khang (người Bắc) và Nguyễn Đức Mão (người Vinh) tổ chức biểu tình để chống Thủ tướng Hương. Cuộc biểu tình nổ ra dữ dội để chứng tỏ sự bất mãn của cấp lãnh đạo Phật giáo trước thái độ cứng rắn của Thủ tướng Hương đã giới hạn sự tham dự của nhân sự Phật giáo vào nội các:

- Ngày 22/11/1964, biểu tình lớn ở nhiều nơi, chợ Bến Thành, đường Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Sài Gòn có nhiều biểu ngữ đả kích Thủ tướng Hương (cảnh sát giải tán bằng lựu đạn cay mắt. Bọn người biểu tình ném đá lung tung, nhiều người bị thương).

- Ngày 24/11/1964, Thượng tọa Tâm Châu gửi lên Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thượng Hội Đồng Quốc Gia yêu cầu có thái độ dứt khoát với chính phủ, chấm dứt bắt bớ, thả những người bị giam, ra lệnh không được đàn áp. (“Việc Từng Ngày”, Đoàn Thêm, Sài Gòn, tr.417, 418).

Khanh nguyên là cộng sự viên của ông Hà Đức Minh, Uỷ viên Trung ương đảng Cần Lao, còn Mão người thấp, mặt đen và rỗ (biệt hiệu Hùm Xám, thời Nguyễn Văn Thiệu, Mão làm chủ nhiệm nhật báo Tranh Đấu một thời gian và thường phải trốn tránh vì bị công an lùng bắt vì chống Thiệu). Cuộc biểu tình chống Thủ tướng Hương xuất phát từ Viện Hóa Đạo ở đường Trần Quốc Toản, nhưng vì cụ Hương không biết rõ nội tình của Phật giáo, không biết xuất xứ của các cuộc biểu tình nên Cụ đã có lời tuyên bố khiếm nhã đối với Phật giáo như: Bọn trọc, làm trò khỉ. Lời tuyên bố “vơ đũa cả nắm” đó đã làm cho toàn khối Phật giáo bất mãn. Cụ Hương còn tuyên bố thêm: “Tôi không thể để cho tụi con nít làm loạn. Chính trị và học đường cần phải tách rời, cũng như chính trị và tôn giáo không thể đi đôi với nhau được. Tôi không thể để cho những tên học trò ỉa bậy, đái bậy”. Vì lời tuyên bố đó mà Thượng tọa Thiện Minh (dù đã có những bất đồng ý kiến với Thượng tọa Tâm Châu) đã phải trả lời: “Nếu Cụ muốn cho các em học sinh không ỉa bậy, đái bậy thì ít nhất Cụ phải làm cầu tiêu cho chúng trước đã”. Và cũng từ đó, khối Phật tử thuộc Thượng tọa Trí Quang, Thiện Minh nhập cuộc trong cuộc đấu tranh chung chống Thủ tướng Trần Văn Hương.

Tôi cần mở một dấu ngoặc ở đây để nói về thái độ mâu thuẫn lạ lùng của Hòa thượng Tâm Châu đối với lịch sử dân tộc cũng như lịch sử Phật giáo nói chung và đối với tôi nói riêng.

Số là sau khi cuốn Hồi ký Việt Nam Máu Lữa Quê Hương Tôi nầy ra đời (ấn bản 1986), tôi có gởi tặng Hòa thượng một cuốn vì giữa Hòa thượng và tôi có nhiều kỷ niệm với nhau, và vì Hòa thượng là một nhân chứng lịch sử của giai đoạn Phật giáo đấu tranh chống nhà Ngô. Thế rồi hai năm sau, Hòa thượng  viết bài trên báo Văn Nghệ Tiền Phong (số 289 ngày 1-15 tháng 2/1988), tờ báo của nhóm mật vụ cũ của nhà Ngô mà từ ngày ra Hải ngoại chuyên đánh phá, xuyên tạc, nhục mạ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tờ báo đã bảo trợ cho Trần Trung Quân phát hành cuốn “Trong Lòng Địch” để vu khống, bôi bẩn nhiều vị sư cao cấp và chụp mũ Thượng tọa Trí Quang là Cộng Sản, mà trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí Tia Sáng tại Houston (số 31 tháng 12/1988)-chính Hòa thượng đã xác quyết Thượng tọa Trí Quang không phải là Cộng Sản.

Bài báo trên Văn Nghệ Tiền Phong đã chỉ trích tôi viết không đúng sự thật về Hòa thượng trong việc Hòa thượng đòi Thủ tướng Trần Văn Hương bốn bộ cho Phật giáo, cũng như phủ nhận cuộc biểu tình do Phật tử người Bắc tổ chức chống Thủ tướng Hương. Hòa thượng còn nói rằng vì kính trọng cụ Hương là nhà cách mạng nên Hòa thượng không chống Cụ. Hòa thượng gán cho tôi, hoặc “bộ Tham mưu” của tôi, đã “lồng sự kiện trên cho cân bằng sự lỗi lầm trong thời gian ấy của Thượng tọa Trí Quang”.

Ông cựu luật sư Nguyễn Văn Chức, người trí thức Công giáo mà cuốn “Lột mặt nạ những con thò lò chính trị” của Lê Trọng Văn mô tả như một thứ Thượng Nghị sĩ huênh hoang có tài “luồng gió bẻ măng”, bèn sử dụng bài báo của Hòa thượng trên tờ Văn Nghệ Tiền Phong như một tài liệu khả tín để gán cho tôi là gian trá, và hàm ý cho Thượng tọa Trí Quang là “đại nghịch tặc, đại vô đạo, đại vô luân mà chỉ bọn Cộng Sản vô thần và tay sai mới dám làm”.

Thưa Hòa thượng Tâm Châu! Nếu Hòa thượng không đòi bốn bộ, không chống cụ Hương, không có biểu tình thì tại sao Hòa thượng lại đòi Quốc Trưởng và Thượng Hội Đồng có “thái độ dứt khoát” với chính phủ Trần Văn Hương (hàm ý đòi phải giải tán chính phủ), và tại sao lại có cuộc biểu tình ngày 22 tháng 11 năm 1964 xẩy ra gần Việt Nam Quốc Tự trên các đường phố đông dân cư người Bắc như “Việc Từng Ngày” của Đoàn Thêm và như bài tường thuật của tuần báo Time đã mô tả.

Trong giai đoạn này, có hai điểm đáng lưu ý là tuy chính phủ Trần Văn Hương là một chính phủ dân sự nhưng vai trò và quyền lực của các tướng lãnh trong chính sách quốc gia vẫn giữ ưu thế. Ngoài ra, những mầm mống mâu thuẫn về sách lược giữa hai khối Phật giáo (Tâm Châu và Trí Quang) đã bắt đầu thành hình: khuynh hướng Thượng tọa Tâm Châu nhằm đấu tranh hòa hoãn trong chiều hướng có thể hợp tác với chính quyền, còn khuynh hướng của hai Thượng tọa Trí Quang và Thiện Minh thì quyết đấu tranh triệt để để thực hiện một cuộc cách mạng toàn diện, đặc biệt là phải triệt hạ nhóm Cần Lao.

Khối Công giáo, phần thì tiếc Thủ tướng Hương (người đã nặng lời đả kích Phật giáo) phải rút lui, phần thì nghi ngờ Thủ tướng Phan Huy Quát được Phật giáo ủng hộ, đã lợi dụng tình trạng tranh chấp giữa Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát để liên tiếp tổ chức nhiều cuộc biểu tình, bám sát dinh Quốc trưởng và vận động một số chính khách đối lập Thủ tướng Quát ra tuyên ngôn, kiến nghị quyết lật đổ Thủ tướng Quát cho được. Cuộc biểu dương lực lượng của Phạm Ngọc Thảo và Lực Lượng Bảo Vệ Dân Tộc (Công giáo) ngày 19-2-1965 cùng âm mưu đảo chánh đêm 20-5-1965 do Đại tá Bùi Dinh và một số nhân vật Công giáo cầm đầu, đều có mục đích lật đổ Thủ tướng Quát để khối Công giáo có thể nắm ưu thế chính trị mà lên cầm quyền.

Nhân vật quan trọng trong âm mưu lật đổ Thủ tướng Quát là Linh mục Hoàng Quỳnh, vốn là vị chỉ huy đội dân vệ Phát Diệm trước khi đất nước chia đôi (1954). Vào thời chiến tranh Pháp-Việt, người Công giáo miền Bắc thường có những áp lực đối với chế độ Bảo Đại để tranh giành quyền lợi như Jean Lacouture đã mô tả trong “Le Vietnam Entre Deux Paix” mà tôi đã đề cập đến trong một chương trước đây. Nhưng khi ông Nguyễn Hữu Trí, một lãnh tụ Đại Việt miền Bắc làm Thủ hiến Bắc Việt, và ông Phan Huy Quát, một đồng chí của ông Trí làm Bộ trưởng Quốc phòng, thì hai nhân vật này thường đối phó cứng rắn và không thỏa mãn hết những đòi hỏi của giáo phận Bùi-Chu Phát-Diệm. Từ những ân oán quá khứ đó, nay lợi dụng cơ hội rối loạn thuận tiện, Linh mục Hoàng Quỳnh bèn tìm mọi phương cách triệt hạ cho được Thủ tướng Phan Huy Quát. Giai đoạn này đánh dấu sự trỗi dậy của lực lượng Công giáo dưới hình thức các cuộc đấu tranh chính trị. Trong quá khứ, những ưu thế của khối này trên mặt xã hội, kinh tế, tài chánh,... thật ra chỉ là kết quả tất nhiên của ưu thế chính trị với một gia đình Công giáo toàn quyền lãnh đạo Quốc gia; cho nên khi trở lại chính trường miền Nam trong một khung cảnh mới, họ cũng đánh vào mặt trận quan yếu nhất là mặt trận chính trị, nhất là khi mặt trận đó đã được nhân cách hóa bằng vị Thủ tướng Phan Huy Quát mà họ cho là có khuynh hướng thân Phật giáo.

Bí ẩn thứ hai là thái độ của Thượng tọa Trí Quang trước cuộc chỉnh lý của nhóm tướng Nguyễn Khánh.

Sau khi chiến thắng được chế độ Diệm, sinh lực của Phật giáo chưa được phục hồi cho nên các cấp lãnh đạo chưa có sách lược chính trị nào ngoài việc lo củng cố nội bộ, lo việc thống nhất Giáo hội, thiết lập các cơ cấu lãnh đạo như Viện Tăng Thống, Viện Hóa Đạo, và gấp rút nhất là việc xây dựng Hiến chương, quy chế cho Giáo hội. Vì thế, dù chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ gồm cả nhân sự cũ của chế độ Diệm, Thượng tọa Trí Quang cũng không có một chống đối nào. Ông cũng biết rằng trong cuộc thay cũ đổi mới sau một năm trời đất nước rối ren (1963), tướng Dương Văn Minh và Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng còn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều vấn đề cần phải đối phó.

Nhưng sau khi tướng Khánh chỉnh lý, thấy đảng Đại Việt và người Mỹ âm mưu đưa ông Nguyễn Tôn Hoàn là một nhân vật Công giáo từ Pháp về nắm chức Thủ tướng, và thấy uy thế Công giáo đang được phục hồi mà thể hiện trắng trợn đầu tiên là việc giết Thiếu tá Nhung, thì một mặt, Thượng tọa bí mật yểm trợ cho tướng Khánh giành lấy chức Thủ tướng, một mặt để cho báo Lập Trường và Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc ra đời làm phương tiện đối phó với tình thế mới. Thật ra thì ông Nguyễn Tôn Hoàn chỉ là lãnh tụ tượng trưng, chính hai ông Hà Thúc Ký và Nguyễn Ngọc Huy, những Phật tử thuần thành mới là người lãnh đạo đảng Đại Việt. Đảng Đại Việt lại cũng đã cùng với Phật giáo chống đối nhà Ngô và đã đóng góp công lao rất lớn cho Phật giáo trong cuộc đấu tranh chống Diệm năm 1963. Nhưng thái độ quá khích và kỳ thị của Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc, cộng thêm lập trường chống ông Nguyễn Tôn Hoàn của Thượng tọa Trí Quang, đã tạo ra xích mích và đối lập giữa Phật giáo và Đại Việt. Và cũng vì chống việc trỗi dậy của Cần Lao Công Giáo mà thể hiện là nhiều tướng lãnh chế độ cũ nắm những địa vị then chốt chung quanh tướng Khánh, nên Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc và sinh viên Huế mới truất phế Linh mục Cao Văn Luận Viện trưởng Viện Đại học dù chỉ trước đó độ một tháng họ đã đón rước Linh mục trọng thể vì Linh mục đã từng đứng về phe Phật giáo và sinh viên trong biến cố Phật giáo chống lại hai ông Thục-Diệm.

Có thể nói một cách chắc chắn rằng chủ trương chống đối Công giáo Cần Lao phục hồi là chủ trương chung của tất cả tôn giáo, đảng phái và sinh viên, báo chí, chứ không riêng gì của Thượng tọa Trí Quang, của sinh viên Huế, hay của “Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc”.

Tiếc thay, những sai lầm lãnh đạo của cấp lãnh đạo Phật giáo và thái độ quá khích, manh động của Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc và sinh viên Huế đã làm cho Phật giáo thất bại trong giai đoạn xáo trộn thứ nhất, giai đoạn từ khi Khánh chỉnh lý cho đến khi Thiệu-Kỳ thành lập ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia.

Trước hết là vì Thượng tọa Trí Quang không nắm vững việc lãnh đạo nhóm đấu tranh để cho họ trở thành một lực lượng ô hợp, thiếu lãnh đạo, nhất là lãnh đạo để đấu tranh cách mạng.

Hai là vì danh từ “Cứu Quốc” làm cho những người quốc gia liên tưởng đến những đoàn thể “cứu quốc” của Cộng Sản, từ đó người ta nghi ngờ “Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc” là khí cụ ngụy trang của Cộng Sản.

Những khẩu hiệu “chống Mỹ” do Hội đồng và tờ Lập Trường nêu lên lại càng làm cho người quốc gia lo sợ, nhất là trong tình trạng chiến tranh Quốc-Cộng đang mỗi ngày một gia tăng.

Cuộc xuống đường của khối Phật giáo Tâm Châu tại Sài Gòn chống lại Thủ tướng Trần Văn Hương, một nhân vật được đa số trí thức, đảng phái, nhất là người Nam Kỳ coi như là kẻ sĩ tạo thêm nỗi bất mãn cho nhân dân.

Những rối rắm xáo trộn do Công giáo, Phật giáo, sinh viên gây ra tại thủ đô cũng như các cuộc đảo chánh, chỉnh lý, biểu dương lực lượng của quân đội làm cho nhân dân vô cùng chán nản, cho nên hành động có tính cách phá rối của Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc tại Huế và miền Trung chỉ làm nhân dân thêm bất bình chán ghét mà thôi.

Tinh thần “độc tôn cách mạng” của Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc và hành động kỳ thị đối với hai đảng Đại Việt và Việt Quốc ở miền Trung càng đốt thêm ngọn lửa chia rẽ giữa Phật giáo và các đoàn thể trên, đóng góp thêm vào sự sứt mẻ uy tín của Phật giáo.

Cũng vì thiếu lãnh đạo, thiếu chính sách, lại hoạt động có tính cách phá rối cho nên nhiều phần tử của Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc ở Quy Nhơn, Phan Thiết bị chính quyền đưa ra tòa mà lực lượng đấu tranh không giám can thiệp, phản ứng. Thảm bại hơn nữa là việc ông Chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc, bác sĩ Lê Khắc Quyến, bị tướng lãnh bắt lên Pleiku an trí (20-12-1964) trong ba tháng trời, càng làm mất thể giá của hội đồng do ông ta lãnh đạo.

Dù sao thì giai đoạn xáo trộn trên đây là điều không tránh khỏi cho bất kỳ một quốc gia nào sau khi một chế độ độc tài, bằng cách này hay cách khác, bị chấm dứt. Các chế độ độc tài, một khi không còn nữa là để lại một khoảng trống chính trị, tạo nên xáo trộn một thời gian cho quốc gia. Khoảng trống chính trị của miền Nam Việt Nam sau khi chế độ Diệm bị lật đổ càng tác hại to lớn hơn vì suốt chín năm nhà Ngô cai trị, tất cả tôn giáo, đảng phái bị tiêu diệt hay bị vô hiệu hóa. Xáo trộn càng trầm trọng hơn khi nhà Ngô đã tạo ra nền kỳ thị xung đột tôn giáo, gây nên căm thù sâu đậm giữa Công giáo và Phật giáo. Xáo trộn càng trầm trọng hơn nữa khi nhà Ngô và Công giáo suốt chín năm trời giành lấy độc quyền chống Cộng mà lại bất lực để cho Việt cộng nắm lấy ưu thế tại miền Nam.

Đã đành là vậy, nhưng sự thất bại của Thượng tọa Trí Quang và Phật giáo qua gần hai năm xáo trộn trên đây không phải là điều không đáng phê phán.

Thượng tọa Trí Quang là một tăng sĩ mà, như một nhân viên Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn trình bày cho Đại sứ Lodge là một người Việt Nam trước khi là một nhà sư như các ký giả Mỹ đã biết, là một “lãnh tụ Phật giáo chống Cộng theo đường hướng của Phật giáo”. Nhưng các lực lượng do ông điều động-Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc và sinh viên Huế, “những kẻ bụng đầy chữ nghĩa nhưng lại thiếu ý thức chính trị, chủ quan và vọng động, xuẩn động”- đã làm cho ông thất bại. Vì vậy, khác với cuộc đấu tranh hào hùng năm 1963, chính nghĩa đấu tranh chống lại sự phục hồi uy thế Công Giáo Cần Lao của ông trong năm 1964-65 đã bị hiểu lầm, bị xuyên tạc và đưa đến sự thất bại trong năm 1966 mà tôi sẽ nói đến sau này.

Khi các tướng Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên,... chỉnh lý cuối tháng Giêng năm 1964 thì tôi đang là ủy viên Chính trị của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cũ và đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông Tin của chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ.

Độ một tuần lễ trước cuộc chỉnh lý, tướng Khánh từ Quân đoàn II về Sài Gòn ghé lại thăm tôi tại nhà riêng với thái độ rất thân mật, nhưng tuyệt nhiên không đề cập đến chính trị. Việc ông Khánh đến thăm tôi là một hành động rất lạ vì trước kia tuy có gặp gỡ, giao thiệp vì công vụ, nhưng trong suốt thời gian dưới chế độ Diệm, ông Khánh chỉ đến nhà tôi có một lần nhân bữa tiệc tôi thết đãi một số Bộ trưởng, thân hữu, và ông Chủ tịch Quốc hội Phạm Văn Nhu vốn là thầy học cũ của tôi và quen thân với nhạc gia tôi lúc ông làm Huấn Đạo tại Phủ tôi ở. Sau này, khi ông Khánh chỉnh lý tôi mới hiểu hành động xã giao đó là để lôi kéo, mua chuộc tôi vì ông  cho tôi là người có ý thức chính trị hơn phần đông các tướng lãnh khác, người có uy tín đã gác tình riêng để tham gia Cách mạng 1-11-1963, và cũng vì ông Khánh tưởng lầm tôi là một nhân sĩ quan trọng của Phật giáo.

Sau chỉnh lý vài hôm, ông Khánh yêu cầu tôi giữ chức Phó Thủ tướng đặc trách Văn hóa Xã hội, phối hợp các Bộ Giáo dục, Y tế, Xã hội, và Lao Động. Tôi thành thật cám ơn ông nhưng nhất định từ chối vì tự nghĩ là người học hành ít ỏi, lại không có bằng cấp cao trong một xã hội còn nặng tinh thần khoa bảng. Ông Khánh tha thiết nói: “Anh tưởng tôi không biết trình độ văn hóa của anh hay sao? Trước khi nói chuyện với anh tôi đã nghĩ kỹ. Trong giai đoạn khó khăn phức tạp này, phải có một vị tướng lãnh mới có thể ổn định được kỷ luật học đường. Vì nếu cứ để học sinh sinh viên gây xáo trộn rối ren, tố cáo các giáo sư, đòi hỏi thay đổi ban giám đốc, thí sinh quân nhân làm loạn trường thi, đánh đập giám khảo, thì làm sao nền văn hóa giáo dục nước nhà có thể phát huy tốt đẹp được? Lại nữa, mà đây mới là điều quan trọng, hơn ai hết anh biết rõ sách lược xâm nhập cán bộ Cộng Sản vào các cơ quan chính quyền, do đó nhiệm vụ chính yếu của anh là nhiệm vụ hướng dẫn chính trị, phần chuyên môn thì bộ nào đã có thành phần trí thức và chuyên viên của bộ đó. Trách nhiệm trước tiên của anh là chận đứng nội tuyến của Việt cộng, triệt tiêu các phần tử thân Pháp, thân Trung lập, thân Cộng len lỏi vào các bộ, nhất là hai bộ Giáo Dục và Lao Động, nơi mà Việt Cộng dễ dàng lũng đoạn hàng ngũ quốc gia, phá hoại đường lối chống Cộng của chúng ta. Huống chi tri thức miền Nam đa số là “trí thức phòng trà” nặng đầu óc phe phái, ganh tị lẫn nhau, họ không thể đối phó nổi với tình hình rối rắm. Lúc này, chúng ta cần một vị tướng cứng rắn hơn là một nhà khoa bảng nhu nhược. Mong anh nghĩ kỹ”.

Thật là khó xử cho tôi khi phải cầm đầu ngành văn hóa giáo dục nước nhà, phải điều động các nhà khoa bảng trí thức. Thời Đệ I Cộng Hòa, tôi đã gặp một lần khó xử khi ông Diệm cử tôi giữ chức Tổng Giám đốc hai ngành Công Binh Tạo Tác và Công Binh Chiến Đấu hợp nhất, còn vào thời điểm này, thực trạng xã hội buộc tôi phải suy nghĩ rất nhiều, lời mỉa mai trí thức miền Nam toàn là trí thức phòng trà của Khánh tuy có cách miệt thị quá đáng nhưng cũng không xa sự thật bao nhiêu. Một số trí thức tâm huyết hiếm hoi đã phải chịu thất bại hay đầu hàng tình thế. Còn đa số trí thức thì hay sợ hãi và chỉ biết tính toán lợi hại, dùng cấp bằng của mình làm giá áo túi cơm!

Thật vậy, sau khi mất nước sống lưu vong nơi xứ người mà trí thức quốc gia vẫn còn bị phê phán nặng nề, đủ thấy thái độ nhút nhát của giới trí thức miền Nam thời chưa mất nước. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã phê bình:

“Trí thức quốc gia không đủ sức hiểu ý nghĩa của chính trị, không chịu tìm hiểu thực tế. Họ tự hào với một mớ kiến thức mà không có tư cách của kẻ sĩ nên luôn luôn đứng ngoài và “đứng trên” các tổ chức chính trị, và do đó họ không có hậu thuẫn quần chúng. Còn những trí thức chạy theo đảng Cần Lao thời Đệ I Cộng Hòa hay sau này chạy theo đảng Dân Chủ Đệ II Cộng Hòa thì chỉ vì quyền lợi trước mắt. Cho đến khi những trí thức bị Cộng Sản bắt vào trại cải tạo, bị Cộng Sản nêu cái “tội” theo Mỹ-Ngụy, phản “Cách mạng”, bị Cộng Sản “giáo dục” mới thấy rằng chính trị là cần thiết, dù chỉ sinh hoạt trong các ngành chuyên môn” [5].

Ngoài giáo sư Nguyễn Ngọc Huy còn có nhiều người như học giả Hoàng Văn Chí (trên báo Dân Quyền) hoặc như trí thức Đào Sĩ Phu, lên án trí thức quốc gia gắt gao hơn:

Trong mọi biến chuyển xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế, phần trách nhiệm tối hậu vẫn do thành phần trí thức gánh vác trong mọi dân tộc. Nhưng một số đông trí thức không chịu thi hành nhiệm vụ cao cả của họ, không chịu lãnh phần trách nhiệm lịch sử của họ, không chịu nỗ lực làm công việc giáo dân, truyền lại những gì đã được học hỏi và quan sát. Một số đông trí thức đã im lặng sống qua ngày hay chỉ lo tìm tư lợi hay theo hùa với giới cầm quyền để chấm mút ít nhiều. [6]

 

Nói cho đúng ra thì sự sa đọa của trí thức quốc gia trước hết là do hậu quả của thực dân để lại:

Nhìn vào dĩ vãng, nền văn minh của dân tộc đã sớm thực sự đạt tới cao độ từ thế kỷ 11, tương ứng với thời Trung cổ Tây phương, thời mà các nước này còn ở trình độ văn hóa thô sơ lắm. Hãy khơi sâu vào nền văn học thời Lý, tư tưởng đạt đạo của Vạn Hạnh Thiền sư, của Mãn Giác Thiền sư, có thể làm lệch cán cân của mấy thế kỷ Tây phương gộp lại... Tôi nói như vật chỉ có ý nhấn mạnh rằng hiện giờ chúng ta vẫn lẩn quẩn trong ngu đần, vụng dại, là do kết quả của 80 năm nô lệ. Chẳng qua vì thực dân kềm hãm trí thức nên chúng ta mới lâm vào hoàn cảnh “Hổ phụ sinh cẩu tử” như ngày nay. [7]

 

Hậu quả của nền văn hóa nô lệ do Thực dân để lại chưa kịp gột rửa thì đến chính sách văn hóa ngoại lai, văn hóa “làm sáng danh Chúa” do nhà Ngô áp đặt lên đầu dân tộc. Đó là thứ văn hóa đập phá chùa chiền, đền miếu, thứ văn hóa đúc tượng mẹ con bà Nhu làm tượng Hai Bà Trưng, thứ văn hóa bỏ rơi Quốc Tổ Hùng Vương, văn hóa “Pháo Đài Tinh Thần Quốc gia” là nhà thờ Đức Mẹ La-Vang... Với một nền văn hóa như thế thì những trí thức miền Nam nào cúi đầu thần phục nhà Ngô trong 9 năm hẳn là sẽ không còn tư cách và ngôn ngữ văn hóa để đối thoại nữa.

Còn về Giáo dục, nhà Ngô đã tiến hành chính sách triệt hạ nền giáo dục dân tộc, nhân bản để cũng thay thế bằng nền giáo dục “làm sáng danh Chúa”. Họ đã thiết lập Trung Tâm Nhân Vị do ông Ngô Đình Thục làm Giám đốc, do các linh mục làm giảng viên để cải tạo tư tưởng công chức và quân nhân, họ còn thiết lập Viện Đại Học Đà Lạt cũng do Ngô Đình Thục điều khiển để đào tạo cán bộ trung cấp hầu ngoan ngoãn thi hành chính sách của chế độ. Thế mà vẫn chưa vừa lòng, họ còn muốn kiểm soát, chi phối các trường Đại học công lập, mà bắt đầu là Đại Học Huế. Miền Trung là nơi có đến 90% dân số theo đạo Phật, đạo Khổng, Huế là thành trì của nền văn hóa dân tộc, thế mà Viện Đại học của Cố đô lại giao cho một linh mục từng công khai bày tỏ lập trường phản dân tộc như Cao Văn Luận làm Viện trưởng (sẽ nói rõ hơn về ông linh mục này ở chương sau).

Đặt một linh mục làm Viện trưởng một trường đại học tại một địa phương mà đa số dân chúng tôn sùng đạo Phật, nhà Ngô muốn thi hành chính sách trồng người bằng cách tạo ảnh hưởng Thiên Chúa giáo vào lớp sinh viên và đào tạo họ thành những cấp chỉ huy trong các ngành sinh hoạt quốc gia sau này. Ngoài ra họ còn dùng chính sách “thi ân” cho một số sinh viên du học để khi về nước sẽ chiếm giữ những địa vị quan trọng trong bộ máy chính quyền. Những sinh viên đã chịu ơn nhà Ngô, vô tình hay cố ý, đều phải thực hành chính sách Công giáo hóa miền Nam của nhà Ngô như đã nói trong các chương trước. Ngoài chính sách “tằm ăn dâu” trên đây, họ còn lợi dụng việc chống Cộng để kiểm soát các trường tư thục Phật giáo (nhưng thực sự là để giới hạn và kiểm soát việc phổ biến kinh điển Phật giáo) cũng như của các tôn giáo khác với mục đích phát triển văn hóa, giáo dục Thiên Chúa giáo (thời nhà Ngô trị vì, tất cả các tôn giáo đều không có trường Đại học, ngoại trừ Công giáo).

Nói ra một vài đặc điểm của nền văn hóa giáo dục dưới thời nhà Ngô không phải tôi có ý lên án Thiên Chúa giáo, vì tôn giáo và giáo hội là hai phạm trù khác nhau (mà đôi khi còn phản nhau).

Thiên Chúa giáo dựa trên niềm tin Chúa là đấng toàn năng, toàn quyền, toàn thiện và vĩnh cửu. Chúa tạo ra vũ trụ và loài người, Chúa có quyền thưởng phạt, và đến ngày phán xét cuối cùng, Chúa sẽ quyết định cho linh hồn của con người mãi mãi lên thiên đường hay mãi mãi xuống địa ngục. Niềm tin ấy đã chi phối mạnh mẽ hành vi của tín đồ Công giáo trên mọi lãnh vực. Nhưng niềm tin đó, dù đúng hay sai, khai phóng hay giáo điều... là một niềm tin có tính cách cá nhân nên không thể đem nó áp đặt cho người khác. Huống gì niềm tin đó không phù hợp với nền văn hóa hòa đồng, khai phóng và nhân bản của dân tộc, huống gì những người theo niềm tin đó chỉ là một thiểu số mười phần trăm trong cộng đồng dân tộc. Cho nên khi áp đặt là sẽ có những nổi loạn chính trị, xã hội và văn hóa như ta đã thấy dưới chế độ Diệm.

Một cách sơ lược, văn hóa, như giáo sư Nghiêm Toản trong Việt Nam Văn Học Sử Trích Yếu hay như học giả Đào Duy Anh trong Việt Nam Văn Hóa Sử Cương đã nói, là sự thể hiện sống động của trình độ sinh hoạt chung của cả dân tộc hay của loài người về đủ mọi phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, phong tục, tập quán, sinh trưởng ở một vùng địa lý. Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh trong “Tương Lai Văn Hóa Việt Nam” chỉ dùng hình ảnh thằng Cu và con Hĩm mà cũng định nghĩa được rõ ràng bản chất của văn hóa dân tộc. Sau khi trình bày nội dung của nền văn hóa Việt, ông kết luận:

Con có là một trang thiếu niên anh tuấn, tài ba lỗi lạc hơn người thì con vẫn là một thằng Cu xưa kia của ruộng lúa quê nhà. Và con có là một thiếu nữ nhan sắc mặn mà, đức hạnh và sự nghiệp làm rạng danh cho xứ sở thì con vẫn là một con Hĩm xưa kia từng vào ra vào nơi cầu ao xóm cũ. Hãy nhớ tới gốc rễ của con và hãy can trường đi tới. Điều ta muốn dặn hai con, ta đã gói kỹ trong từng tế bào cơ thể của hai con rồi.

Chất liệu của văn hóa Việt đã phát sinh ngay từ huyền thoại Tiên Rồng, từ thủa Hùng Vương mở nước, từ tinh thần dân chủ, hòa đồng, vị tha khi Vua và Tôi đều tự trồng khoai sắn lấy mà ăn, tôn ti trật tự, kỷ cương triều đình chỉ có trong những khi hành lễ quốc gia mà thôi. Chất liệu văn hóa Việt đã tiềm tàng trong những câu chuyện Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử, Sơn Tinh Thủy Tinh, câu chuyện Bánh Chưng Bánh Dày, Trầu Cau, Quả Dưa Đỏ... thủa Tổ tiên dựng nước. Ý nghĩa sống thực của những câu chuyện đó không nằm chết trên trang sách cổ mà đã được vận dụng sáng tạo qua bao nhiêu thời đại, để trong mỗi thời đại đều thấm sâu vào nếp suy tư, lối hành xử của mỗi người dân.

Vì văn hóa là sống, sống tỉnh thức, sống không ngưng nghỉ nên văn hóa Việt đã là sức mạnh sống động, uyển chuyển nâng dân tộc dậy khi bị quỵ ngã, đẩy dân tộc đi khi ngập ngừng. Và vì trong văn hóa đã có tính biến động nên chúng ta không phải chỉ lo khư khư bảo vệ lấy nó mà không biết tiếp nhận và tinh lọc những nguồn văn hóa cao đẹp khác để bồi đắp thêm phong phú cho nền văn hóa nước nhà. Nhưng tiếp nhận mà vẫn duy trì cái cốt lõi đặc thù của chúng ta, không lệch lạc, không biến tính, không mất gốc.

Là một kẻ ít học, không xuất thân từ con đường khoa bảng, mà lại cầm đầu ngành văn hóa giáo dục, tôi biết sẽ nhận lấy những búa rìu dư luận đương thời. Nhưng trước cuộc chiến tranh mất còn với một kẻ thù tối nguy hiểm, trước một cuộc khủng hoảng nhân tâm của quốc gia, trước tình trạng sinh lực bị hao mòn của dân tộc, đã không có một Nguyễn Trãi dâng Tâm Công Sách giúp kẻ áo vải đất Lam Sơn đánh đuổi quân xâm lăng, đã không có một Sơn La Phu Tử giúp nhà vua ít học Quang Trung có một chính sách tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, thì ít nhất tôi cũng có thể làm võ tướng Hoàng Cái đời Tam Quốc nhà Hán, dẹp qua một bên bọn hủ nho Giang Đông bụng chứa đầy chữ nghĩa mà chỉ biết tranh luận suông, bàn xuôi nói ngược, khua môi múa mép khi đại quân Tào Tháo đang đe dọa bờ cõi.

Sau khi nhận nhiệm vụ điều khiển ngành văn hóa giáo dục, tôi cần phải kiểm điểm lại gia tài và định giá lại những sinh hoạt văn hóa do chế độ cũ để lại. Chế độ cũ đã từng có những đại hội văn hóa và giáo dục, có đại hội văn nghệ chống đối văn nghệ miền Bắc, có hai năm phát giải thưởng văn chương, có hội Khổng học, có đồ án thiết lập Trung Tâm Văn Hóa trên khu đất cạnh dinh Gia Long... Về giáo dục, nhờ viện trợ Mỹ, nhất là nhờ thiện chí của giáo sư Buttinger, chế độ Diệm đã xây cất Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, Trường Đại Học Chính Trị Kinh Doanh tại Đà Lạt, và Viện Đại Học Huế,...

Nhìn bề ngoài thì nền văn hóa giáo dục dưới chế độ Diệm cũng có vẻ “trăm hoa đua nở”, nhưng nó chỉ nở một loại hoa và một loại hương khó ngửi mà thôi. Một loại hương khó ngửi chẳng hạn như Đại Học Văn Khoa không được tự do phát triển trong tinh thần đa dạng của nền quốc học, vì Đại Học còn nhiều phân khoa dùng toàn tiếng Pháp dù cấp trung học đã được Việt hóa. Việc cho sinh viên du học nước ngoài đầy dẫy những bất công... Đã thế, các giáo sư lại bị theo dõi, tài liệu giáo khoa lại bị kiểm soát gắt gao. Tư tưởng đã bị kềm kẹp thì làm sao văn hóa giáo dục có thể phát huy, làm sao ý thức được khai phóng và kiến thức được phong phú. Nhà văn kiêm sử gia Lê Văn Siêu đọc thuyết trình trong một buổi họp các nhà văn nghệ tại Trung Tâm Văn Bút đã lên tiếng than phiền: “Dưới chế độ bảo hộ Pháp mà văn nghệ sĩ còn được tự do hơn dưới chế độ được gọi là độc lập”. Văn hào Nhất Linh Nguyễn Tường Tam lên án chính sách văn nghệ của chế độ Diệm là độc tài văn nghệ cũng như độc tài chính trị đều khả ố như nhau [8]. Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ dạy ở các trường Jean Jacques Rousseau và Marie Curie, giảng giải sự thật về cuộc xâm lăng Việt Nam của Pháp là do các cố đạo Thiên Chúa giáo mở lối đưa đường, liền bị bắt, bị giam vào khám Chí Hòa; các nhà văn hóa như Hiếu Chân, Mặc Thu, Doãn Quốc Sỹ, Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan... lúc đầu đã cộng tác với chế độ trong thiện chí muốn xây dựng nền văn hóa tự do, cũng đành phải nửa chừng bỏ cuộc.

Từ khi Cách mạng 1-11-1963 thành công, những người cầm bút được tự do, phóng khoáng, do đó trong làng văn làng báo mới có những người lương thiện, chân chính muốn “làm sạch văn chương, văn nghệ”. Một chiến dịch tố cáo nhau đã xảy ra trong giới cầm bút: Người này là “đĩ văn chương”, là “côn đồ văn nghệ”, kẻ kia là “văn nô, văn công của chính quyền”, là “chỉ điểm văn nghệ”, là “đi đêm với chính quyền”,... [9].

Đặc biệt và đáng chú ý hơn cả là lời Hiệu triệu các nhà văn các nhà báo do ba nhân vật đàn anh trong văn, báo giới là Hiếu Chân, Chu Tử và Từ Chung đại diện ký tên, trong đó có đoạn:

“Mang danh là những người cầm bút chiến đấu cho tự do, dân chủ, giải phóng con người, vậy mà trong thời gian vừa qua, vì cơm áo, khiếp nhược đớn hèn, chúng ta đã nhắm mắt ăn dơ, đánh đĩ tâm hồn, phản bội sự thật, phản bội dân tộc, đang tâm làm gia nô cho bè lũ họ Ngô. Dù chúng ta có viện bất cứ lẽ gì để bào chữa, chúng ta cũng không thể chối cãi được tội lỗi của chúng ta đối với đồng bào và lịch sử. Cách mạng 1-11 là cơ hội duy nhất để chúng ta thoát khỏi cảnh huống bồi bút phi cầm phi thú, cơ hội duy nhất để chúng ta trở lại làm người đã tới... Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi văn nghệ sĩ, bằng máu và nước mắt mồ hôi, đem ngòi bút viết lại thiên lịch sử dân tộc mà trong chín năm qua, bè lũ họ Ngô đã làm hoen ố.[10]

Một vài nhận định, một vài lời than trách của giới văn nhân trí thức trên đây đã phản ảnh đầy đủ về nền văn hóa phi nhân bản và phản dân tộc của chế độ Diệm rồi.

Văn hóa chẳng những là linh hồn của dân tộc mà mặt trận văn hóa tư tưởng còn là mặt trận đấu tranh lâu dài và phức tạp. Không một nhà văn hóa nào có thể một mình áp đặt đường lối, chủ trương xây dựng nền văn hóa giáo dục theo quan điểm riêng của mình được.

Những quan niệm cá nhân chủ quan và thiếu nghiên cứu sâu sắc chỉ tạo ra xáo trộn trong môi trường văn hóa giáo dục quốc gia (mà tôi còn nhớ tác phẩm lịch sử Việt Nam Thời Khai Sinh năm 1965 của linh mục Nguyễn Phương, cho rằng người Việt Nam và người Trung Hoa là đồng chủng, đã gây ra nhiều thảo luận sôi nổi trong giới sử học. Dưới chế độ Thiệu cũng đã có những tranh chấp sôi nổi vì mảnh bằng M.A. của Mỹ và mảnh bằng Tiến sĩ Đệ III cấp của Pháp).

Do đó, sau khi hội ý kỹ càng với các cộng sự viên, tôi chủ trương phải xây dựng một nền văn hóa giáo dục có nội dung nhân bản và dân tộc, phải khởi đi từ nền móng của nền văn hóa gốc rễ dân tộc, lấy con người làm bản vị, để từ đó nghiên cứu nội dung văn hóa hiện đại mà tổng hợp thành hướng đi cho văn hóa Việt Nam. Muốn như vậy, phải có sự đóng góp trí tuệ của nhiều nhà văn hóa đủ các bộ môn thân thiết với đời sống tổng thể của cả nước, để từ đó đặt nền tảng cho nền văn hóa giáo dục Việt Nam, tránh tình trạng mỗi lần thay đổi chính phủ là mỗi lần thay đổi chính sách văn hóa giáo dục. Do đó, sau khi nhận chức Phó Thủ tướng Văn hóa, tôi cho mời một số nhà trí thức có thực tài và đạo đức, âm thầm soạn thảo chương trình vận động cho một đại hội văn hóa giáo dục mà tôi sẽ triệu tập trong tương lai. Ông Bùi Tường Huân, Bộ trưởng Giáo dục của chính phủ Khánh, đã hết sức hoan nghênh quyết định này. Để cho giai đoạn vận động và chuẩn bị phải thật cẩn trọng và chu đáo, tôi đã đòi hỏi chính phủ yểm trợ một ngân quỹ lớn (36 triệu đồng) để chi phí cho đại hội này và để cho các nhà văn hóa của tất cả bộ môn có đủ phương tiện và thì giờ sưu tầm, nghiên cứu thật kỹ lưỡng công cuộc xây dựng căn bản cho nền văn hóa giáo dục quốc gia. Kế hoạch dài hạn của tôi cụ thể còn bao gồm việc thành lập Hàn Lâm Viện Quốc Gia, một thư viện lớn tại Thủ đô, nhiều thư viện nhỏ tại các địa phương, một cuốn Tự điển Bách khoa, và những công trình nghiên cứu quy mô về lịch sử nước nhà. Tham vọng của tôi là muốn xây dựng thêm nhiều trường ốc, mua sắm thêm nhiều dụng cụ và tuyển thêm nhiều giáo chức cho các làng mạc xa xôi để giảm thiểu nạn mù chữ. Muốn thế, tôi chủ trương phải lấy học phí cấp trung học mà miễn phí cấp tiểu học trong tinh thần người đi trước kéo tay người đi sau và thành thị yểm trợ nông thôn, để thành phần trẻ em bị thiệt thòi nhất nhưng lại đông đảo nhất tại thôn quê được tiếp tục việc học. Chủ trương này lúc bấy giờ có nhiều dư luận chống đối, nhưng ngày 6-4-1965, chính phủ Phan Huy Quát thiết lập trở lại dự án này.

Việc cấp tốc thứ hai là phải khơi lại nguồn suối tình tự dân tộc và ý thức trách nhiệm uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ mà chính sách “làm sáng danh Chúa” của nhà Ngô đã làm cho một phần lớn sinh ra vọng ngoại, dù sống trên quê hương mình mà suy nghĩ và hành xử như một người ngoại quốc. Chế độ Diệm đã bỏ rơi việc thờ cúng Quốc Tổ, không có luôn cả ngày nghỉ lễ Hùng Vương. Tôi bèn phối hợp với Bộ Thông Tin và Báo Chí phát động “Phong Trào Về Nguồn” mà trước hết là làm sống lại ngày Giỗ Tổ. Nhân ngày giỗ Tổ năm 1964, tôi đã tổ chức và đến chủ tọa ngày lễ trọng thể này tại Nhà Văn Hóa (Quốc Hội cũ) với sự tham gia của rất đông trí thức, sinh viên và thanh niên. Tôi kêu gọi toàn dân hãy phát động phong trào xây đền thờ Tổ tại Sài Gòn, tại các tỉnh và tại khắp nơi trên miền Nam tự do, để lấy ngày giỗ Tổ làm ngày hội lớn của quốc gia. (Sau đó, tôi còn nhờ nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã viết một bài rất sâu sắc đề nghị lấy ngày Giỗ Tổ làm ngày Quốc Khánh). Trong lúc chính phủ làm ngày lễ Giỗ Tổ tại Nhà Văn Hóa thì sinh viên đại học cũng làm lễ Giỗ Tổ theo nghi thức cổ truyền tại trường Đại Học Văn Khoa. Đây là lần đầu tiên sinh viên Việt Nam được làm lễ Giỗ Tổ và buổi lễ đã thu hút được sự tham dự đông đảo của các bậc lão thành, các nhân sĩ, các nhà trí thức và giới thanh niên. (Có đúng như vậy không, ông Uỷ viên Thanh Niên Nguyễn Văn Kiểu và ông Thanh Hùng ?).

Việc giỗ Tổ và xây dựng đền thờ Tổ không phải chỉ nằm trong mục tiêu “uống nước nhớ nguồn” tìm về dân tộc mà thôi, mà còn để xây dựng tình đoàn kết, nghĩa đồng bào, nhắc nhở cho người miền Nam, người của xứ thuộc địa cũ: Họ cũng là con cháu của Hùng Vương, họ cũng là anh em cùng giống nòi với người miền Bắc, vì chia rẽ là chết, đoàn kết là sống, cái khẩu hiệu đã được cả nước hô hào mấy chục năm rồi mà chưa bao giờ được thực hiện.

Thật thế, nhà văn Võ Phiến đã viết:

Người dân trong Nam nhớ thương đất Thuận Hóa như chim nhớ tổ, như nước nhớ nguồn; còn người dân ngoài Bắc thì họ sống tại cội nguồn, còn mơ tưởng về đâu nữa. Chung quanh họ, nào những đền Hùng, những núi Tản Viên, làng Phù Đổng... chứng tích buổi hồng hoang sơ khai của dân tộc hãy còn gần gũi bên mình. Những cái đó người trong Nam đâu có biết.

Thật vậy, trước kia, sau thời Nam-Bắc phân tranh cách biệt, và trước khi cái học quốc ngữ với những sách giáo khoa của các ông Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ... được phổ biến, có lẽ trong đám bình dân lam lũ thất học, quanh năm lo xông pha khai phá miền sình lầy Cà Mâu, U-Minh,... trong đám người ấy ít ai nghe nói đến Hùng Vương, Phù Đổng... Có nghe chăng những chuyện đó cũng xa xôi, viễn vông, mơ hồ, Hùng Vương dựng nước không rõ ràng bằng Chúa Nguyễn mở nước...

Đó là chuyện cũ, bây giờ thì khác. Bây giờ không những chính quyền giỗ Tổ Hùng Vương ở Sài Gòn mà dân chúng ở tận Long Khánh, Tây Ninh, Phước Tuy... còn có dự án dựng đền Hùng ở núi Chứa Chan, núi Bà Đen, ở Vũng Tàu...[11]

 

Từ sau lễ Giỗ Tổ đầu tiên năm 1964 do tôi chủ xướng, các chính quyền tiếp theo hằng năm cứ tiếp tục cử hành ngày quốc lễ đó song song với buổi lễ của các nhân sĩ, sinh viên tại sân Hoa Lư. Trong lúc đó, nhiều hội đoàn văn hóa ở Sài Gòn bắt được nhịp đập của lòng dân nên xướng xuất việc xây cất đền thờ Tổ; tại nhiều tỉnh cũng bắt đầu dựng Quốc miếu cho địa phương như ông Võ Phiến đã kể. Tôi tin rằng những người Việt dân tộc đều đồng ý với tôi về việc làm sống lại ngày giỗ Tổ và xây dựng đền thờ Quốc Tổ. Tự nó chẳng những là một hành động văn hóa cần thiết mà, trong giai đoạn đó, còn là một cuộc tấn công chính trị quan trọng. Nếu không khơi lại tình tự dân tộc để khỏi giao động, nếu không khơi lại việc “uống nước nhớ nguồn” để tìm lại niềm kiêu hãnh thì quân dân hy sinh đánh giặc cho ai? cho cái gì? (Xã hội phân hóa, đạo đức sa đọa và tinh thần chủ bại của dân tộc Hiệp Chủng Hoa Kỳ và các quốc gia văn minh Tây phương chẳng là một bài học đáng suy gẫm cho chúng ta hay sao? Cộng Sản sau khi chiếm đoạt miền Nam đã vội vã tái thiết đền Hùng tại Phú Thọ và mở triển lãm “Hùng Vương” tại Sài Gòn thì tại sao người Việt dân tộc lại bỏ rơi Quốc Tổ?).

Việc thứ ba là đánh động quyết tâm chống Cộng cho nhân dân, nung chí diệt thù cứu nước cho giới thanh niên, sinh viên. Như giáo sư Buttinger đã nói trong Vietnam, A Political History mà tôi đã trích dẫn lại trong một chương trước:

Bản chất của chế độ Diệm không thể thuyết phục được sự tham dự của giới trí thức thanh niên, sinh viên và các đảng phái quốc gia vào công cuộc chống Cộng, đã thế biến cố Phật giáo năm 1963 lại là cơ hội để sinh viên và thanh niên dồn mọi nỗ lực chống Diệm hơn là chống Cộng, cho nên việc phục hồi tinh thần chống Cộng cho các giới là một việc cần làm ngay.

Ngày 20-7-1964, tôi đã tổ chức một cuộc biểu tình vĩ đại tại Công trường Lam Sơn để lên án Cộng Sản và kỷ niệm ngày Quốc Hận hầu nêu lên lời thề Bắc tiến. Hai mươi năm qua, Sài Gòn đã có những cuộc biểu tình lớn như thời Việt Minh cướp chính quyền năm 1945, thời chính phủ Trần Văn Hữu khi Trò Ơn chết, nhưng chưa có cuộc biểu tình nào vừa to lớn, vừa tập hợp được tất cả đảng phái, tôn giáo, sinh viên, đồng bào các giới đông đảo như cuộc mít tinh Quốc Hận 1964. Những khối tín đồ  đại diện cho bốn tôn giáo lớn là Cao Đài, Hòa Hảo, Công giáo và Phật giáo, và các đảng Đại Việt, Việt Quốc, Dân Xã, Phục Quốc, Duy Dân, Việt Cách, tấp nập kéo về địa điểm hành lễ với cờ và biểu ngữ của mọi đoàn thể. Điểm đặc biệt là hai mươi năm qua, Phật giáo chưa bao giờ tham dự một cuộc biểu tình tố Cộng nào của chính quyền mà năm nay Phật giáo lại góp mặt hùng hậu với các tôn giáo bạn. Đại diện Phật giáo là Thượng tọa Thiện Minh cũng lên diễn đàn bày tỏ quyết tâm của mình mà tôi còn nhớ mãi câu nói:

Vũ khí sắc bén nhất để chiến thắng Cộng Sản là lòng dân. Lòng dân là thành trì bảo vệ mọi chế độ, lòng dân là phên dậu che chở cho biên giới quốc gia...

Số người tham dự cuộc biểu tình được ký giả quốc tế ước tính là nửa triệu, còn theo báo chí Việt ngữ là 800.000 người, chiếm trọn công trường Lam Sơn, đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Tự Do và còn ra đến đường Trần Hưng Đạo và bến Bạch Đằng. Độ 10 giờ sáng, Đại tá Nguyễn Ngọc Loan có nhiệm vụ bay trực thăng trên bầu trời Sài Gòn để theo dõi biến chuyển của cuộc mít tinh còn báo cáo cho tôi biết những dòng thác người vẫn đang từ các cửa ngõ Đô thành tuôn về trung tâm thành phố. Tướng Lâm Văn Phát, Bộ trưởng Nội vụ, có nhiệm vụ chỉ huy an ninh trật tự, gặp tôi tỏ mối lo âu trước cuộc tập họp vô cùng đông đảo của sinh viên và dân chúng. Chuẩn tướng Albert Cao (hiện ở Pháp), Đổng lý Văn phòng Phủ Thủ tướng, được ông Khánh cho đến trước để dò xét tình hình vì Khánh vốn là người đa nghi, e ngại cuộc mít tinh Quốc Hận sẽ biến thành cuộc mít tinh đả đảo Khánh. Albert Cao gặp tôi ngỏ lời khâm phục về cuộc tổ chức và sự tập họp đông đảo của “cả một rừng người”.

Hai mươi năm qua, Sài Gòn chưa hề có một cuộc mít tinh Tố Cộng nào có sự hiện diện của những nhân vật lãnh đạo quốc gia, thế mà trong cuộc mít tinh hôm nay, trên khán đài danh dự có đủ mặt Quốc trưởng, Thủ tướng và toàn thể nhân viên chính phủ. Đầy đủ Ngoại giao đoàn cũng tham dự để quan sát và đánh giá tình cảm căm thù Cộng Sản của người Việt sống ở miền Nam. Đứng trên bục cao, mỗi lần tôi hô “Đả đảo Cộng Sản, Việt Nam độc lập, tự do muôn năm” là mấy trăm ngàn miệng cùng hô theo, mấy trăm ngàn cánh tay cùng dơ cao như cùng hòa với tiếng vọng Diên Hồng năm xưa trong quyết tâm diệt thù cứu nước.

Tối hôm đó, sinh viên Sài Gòn tổ chức “Đêm không ngủ” và diễn hành trên các đường phố với hằng ngàn bó đuốc thắp sáng thủ đô như tôi đã nói trên kia.

Thanh niên Việt Nam trải bao thế hệ đã chịu đựng những thăng trầm đớn đau nhất nhưng cũng hào hùng nhất của vận nước. Thế hệ 1945 là thế hệ gác bút nghiên đáp lời sông núi sau gần 100 năm dân tộc quê hương đắm chìm trong tăm tối, tiếc thay họ đã bị lãnh tụ Cộng Sản Hồ Chí Minh lừa dối; thế hệ 1954 khoán trắng việc quốc gia cho “chí sĩ Ngô Đình Diệm” để rồi bị tê liệt bởi chính sách tôn giáo trị và gia đình trị của chế độ; thế hệ 1963 lại vùng lên như vũ bão để phá xiềng xích độc tài, bất chấp khủng bố và lao tù. Nhưng sau ngày cách mạng 1963, như đám người từ trong bóng tối lao đầu ra ánh sáng, thiếu kỹ thuật đấu tranh, thiếu lý thuyết cách mạng, thanh niên bị tha hóa vì nhiều thế lực. Do đó, với cuộc biểu tình hôm nay, tôi muốn trả lại cho thanh niên cái hùng khí để cùng vào đường đấu tranh chung, mà trước hết là khước từ những mê hoặc của Cộng Sản và khước từ đầu óc phe phái của phía “quốc gia”, để cùng nhau đoàn kết tạo dựng một chủ lực sắt đá cho quốc gia trong công cuộc chống Cộng cứu nước và xây dựng lại quê hương.

Việc cấp bách thứ tư là tạo lại thế chủ động cho người Việt chống Cộng tại hải ngoại mà đặc biệt là tại Pháp. Nước Pháp có thể coi như là cha đẻ của Hội nghị Genève, của hiệp ước chia đôi đất nước, là ngã tư chính trị quốc tế do De Gaulle đang cầm quyền, một nhân vật có nhiều uy tín trong những vận động quốc tế mà lại chủ trương thống nhất hai miền Bắc-Nam Việt Nam theo những điều khoản của hiệp định Genève, tức là làm lợi cho Cộng Sản Hà Nội.

Dưới chế độ Diệm, ảnh hưởng của Tòa đại sứ Việt Nam Cọng Hòa tại Pháp không ra khỏi hai tòa nhà số 45 và 89 trên con đường De Villiers tại Paris quận 17. Đại sứ Phạm Duy Khiêm, tuy là trưởng một nhiệm sở ngoại giao Việt Nam nhưng hoàn toàn bị chính quyền Pháp điều động, đến nỗi ngay cả chuyện nhỏ như phương tiện di chuyển cũng không giám sử dụng một loại xe nào khác hơn là thứ xe Citroen do Pháp chế tạo. Sau ông Phạm Duy Khiêm lại đến ông Phạm Khắc Hy, một vị Đại sứ tham nhũng bị Pháp coi thường. Suốt gần 9 năm dưới thời hai ông Đại sứ nói trên, Việt kiều và sinh viên tẩy chay Tòa đại sứ, người quốc gia không giám nhận mình là người của chế độ miền Nam. Mỗi lần cần đến Tòa đại sứ vì những vấn đề lãnh sự hay vì chuyển ngân, họ phải đến âm thầm vì sợ người đồng hương biết được.

Tòa đại sứ có đỡ đầu một Tổng Hội Sinh Viên do anh Tống Song cầm đầu, nhưng chỉ có một số sinh viên rất nhỏ theo Tổng hội này, còn đa số sinh viên đều tẩy chay vì họ cho rằng Tống Song là tay sai của Tòa đại sứ, nghĩa là tay sai của chế độ Diệm. Thái độ bất mãn chế độ Diệm của sinh viên quốc gia tại Paris bùng nổ dữ dội khi phái đoàn bà Nhu đi giải độc đến Paris sau vụ tấn công chùa chiền đêm 20-8-63. Dân biểu Hà Như Chi (hiện ở San Jose) đại diện bà Nhu cùng với đại sứ Phạm Khắc Hy đến Viện Pháp-Việt (Institut Franco Vietnamien) ở số 269 đường Saint Jacques tại Paris để thuyết trình. Nhưng ông Hà Như Chi vừa mới lên diễn đàn thì bị cúp điện, cà chua trứng thối dồn dập ném vào ông ta và Đại sứ Phạm Khắc Hy, khiến hai nhân vật đại diện cho chế độ Diệm phải tháo lui chạy trốn.

Dưới chế độ Diệm, sinh viên quốc gia tại Pháp chẳng những đã không gia nhập vào Tổng Hội Sinh Viên do Tòa đại sứ tổ chức mà lại còn chia ra nhiều nhóm chỉ lo hoạt động thân hữu và văn nghệ mà thôi (Hội Sinh Viên Tương Thân, Nhóm Bảy Ngành Nghệ Thuật, Hội Sinh Viên Nhà Đông Dương...) Họ ra đi từ miền Nam tự do và có tinh thần chống Cộng rất cao, nhưng họ không tổ chức hoặc tham gia vào các sinh hoạt chống Cộng, đã thế một số “con ông cháu cha” lại gia nhập Hội Liên Hiệp Việt Kiều của Cộng Sản tại Pháp. Hội này được tổ chức Công giáo thân Cộng của linh mục Nguyễn Đình Thi yểm trợ nên Cộng Sản Việt Nam hoạt động tại Pháp rất mạnh, mặc dù họ không có Tòa đại sứ như VNCH.

Trước tình trạng tê liệt và nhục nhã của người quốc gia tại Pháp, một xứ mà nền ngoại giao khôn khéo của họ vẫn ảnh hưởng nặng nề đến tương lai số phận Việt Nam Cọng Hòa, tôi chủ trương phải tạo lại thế chủ động cho kiều bào và sinh viên quốc gia hầu đánh tan uy thế của Hà Nội trên đất Pháp. Năm 1964, tôi đề nghị với chính phủ Nguyễn Khánh gia tăng số sinh viên du học tại Pháp mà giảm bớt số sinh viên du học tại Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi... Đề nghị của tôi lúc đầu bị một số Bộ trưởng phản đối vì sợ quốc gia sẽ mất đi một số ngoại tệ lớn. Các vị Bộ trưởng đó không nghĩ đến những lợi điểm chính trị tuy họ có biết vụ hai ông Ngô Đình Nhu và Ngô Trọng Hiếu đã tốn khá nhiều tiền bạc và hàng trăm ký vàng cho Sơn Ngọc Thành, Sam Sary, Đáp Chuồn mà chỉ mua lấy sự thất bại chính trị và quân sự cho quốc gia. Nhưng rồi cuối cùng, tướng Khánh và một số nhân viên chính phủ thấy vấn đề chống Cộng của Việt kiều trên đất Pháp là cấp thiết nên đã chấp thuận cho trên 800 sinh viên ra đi, mà lần này đa số là các sinh viên đã từng theo học chương trình Việt ở bực Trung học chứ không phải hoàn toàn từ các trường Tây như trước.

Trước khi các sinh viên này lên đường, tôi đặc biệt mời một số mà tôi tin là họ có thể trở thành cán bộ đấu tranh nồng cốt đến văn phòng hay nhà riêng của tôi để vừa khuyến khích họ chăm lo học hành vừa động viên tinh thần đấu tranh chống Cộng của họ. Tôi thiết tha nói với họ rằng nếu chẳng may đất nước rơi vào tay Cộng Sản thì dù họ có trở thành nhà khoa bảng, mảnh bằng cấp của họ cũng chỉ sẽ có giá trị của một chứng minh thư hành nghề của kẻ đi làm thuê, đi làm công... cho thiên hạ mà thôi.

Quả thực họ đã không phụ công tôi đã đấu tranh với chính phủ Khánh để họ được ra đi, nhất là họ cũng đã không phụ lòng kỳ vọng âm thầm của riêng tôi. Họ ra đi với mớ tuổi còn non trẻ chưa đến 20, họ ra đi với mớ tiếng Pháp còn bập bẹ, họ đến một môi trường xa lạ, bỡ ngỡ nhưng nhờ một số lớn được trang bị bằng hương khói của những buổi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và bằng không khí của cuộc biểu tình ngày Quốc Hận, cho nên dù họ mới ra đi vào tháng 8, tháng 9 năm 1964 mà đầu năm 1965 họ đã đem lại luồng gió mới cho khối người Việt quốc gia đang trú ngụ nơi quê hương ông De Gaulle.

Hai mươi năm qua tại Pháp và đặc biệt tại Paris, Cộng Sản Việt Nam chiếm độc quyền chính trị và độc chiếm rạp Maubert Mutualité (Quận 5) làm diễn đàn công kích người quốc gia, trong lúc người Việt quốc gia, kể cả những thành phần đối lập với cả hai chính quyền Bắc-Nam, vẫn như những kẻ mang mặc cảm tội lỗi, chỉ hoạt động âm thầm, lẻ tẻ, đơn độc để mặc cho Cộng Sản thao túng hoành hành. Lá cờ vàng ba sọc chỉ được phất phới nơi trụ sở của Tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa mà thôi.

Nhưng đến đầu năm 1965, với sự cộng tác của một số ít sinh viên đi trước, với sự dìu dắt của các bậc đàn anh như bác sĩ Nguyễn Ngọc Quỳ (hiện ở Pháp) như giáo sư Lê Văn Hùng (hiện ở Mỹ) và với quyết tâm đem chuông đi đánh xứ người, nhóm sinh viên trẻ tuổi 1964 đã lật ngược được thế cờ, san bằng được cái ưu thế độc quyền chính trị của Việt Cộng. Họ đã tổ chức được buổi văn nghệ tưng bừng rộn rã lần đầu tiên tại rạp Maubert với sự tham gia đông đảo của kiều bào chiếm trọn 2.000 chiếc ghế mà còn tràn ra các ngõ đường lân cận.

Với thành công đầu tiên làm phấn khởi kiều bào, làm ngạc nhiên người Pháp, nhóm sinh viên trẻ tuổi kia như cánh buồm được gió, thừa thắng xông lên, họ tổ chức Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Paris và bắt đầu mở những đại hội thể thao, đại hội văn nghệ và các cuộc họp chính trị lôi kéo được sự tham dự của rất đông kiều bào và sinh viên Việt Nam có mặt trên toàn Âu Châu. Nhờ số sinh viên 1964, Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Paris tập họp được một lực lượng chống Cộng mạnh mẽ, từ đó sinh hoạt chính trị trở thành sôi nổi mà nhiều phen, những cuộc thư hùng, đụng độ đẫm máu đã xảy ra giữa hai phe sinh viên Quốc-Cộng.

Tôi có thể nói mà không sợ cải chính rằng từ khi có số sinh viên 1964 đến Pháp, tiếng nói và sự hiện diện của người quốc gia Việt Nam mới có nơi xứ Âu Châu này.

Viết lại đoạn hồi ký này, lòng tôi rộn lên niềm thống khoái, tự cho trong cuộc đời 30 năm hoạt động của mình đã có nhiều sáng kiến chính trị độc đáo đóng góp phần công lao khiêm tốn với các chiến sĩ quốc gia trong cuộc đấu tranh cứu nước. Tuy nhiên, niềm thống khoái chỉ đến như một làn gió nhẹ thoáng qua vì sự căm giận lại trở về đập mạnh vào tâm trí khi nhớ đến những kẻ lãnh đạo quốc gia thiếu đức, vô tài.

Chế độ Ngô Đình Diệm với gần 9 năm cai trị, có Tòa đại sứ, có Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia Hải Ngoại, có tổ chức bí mật của bác sĩ Tuyến tại Âu Châu, có những hoạt động của Cha Thuận, cha Giảng và bà Susanne Labin, có sự yểm trợ của những nhân vật Pháp trong Phong Trào Cộng Hòa Bình Dân và những tu sĩ người Pháp trong Hội Truyền Giáo Hải Ngoại, và với vô số tiền bạc, phương tiện mà đành chịu khuất phục trước tổ chức Cộng Sản tại Pháp vốn không có Tòa đại sứ làm nơi nương tựa. Tôi muốn hỏi quý Cụ Trần Thanh Quan, Hứa Văn Ngọ và nhiều chức quyền của Tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Pháp lúc bấy giờ (hiện ở hải ngoại) xem những lời trình bày của tôi trên đây có đúng hay không?

Sau chế độ Diệm lại đến chế độ quân phiệt, tham nhũng của Thiệu-Kỳ mà riêng cung cách xử sự của ông Nguyễn Cao Kỳ tại Pháp cũng đã đủ làm mất quốc thể và mất niềm tin của đồng bào rồi. Năm 1968, Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đến Paris với nhiệm vụ điều khiển, theo dõi những hoạt động của phái đoàn Việt Nam tại Hòa Hội Paris. Được dịp sống nơi kinh đô hoa lệ, đầu óc tếu và máu cao bồi của ông Kỳ lại nổi lên làm cho ông quên mình là “phương diện quốc gia”. Ông Kỳ không nghĩ đến nỗi thống khổ của đồng bào nơi quê nhà mà cũng không để ý đến những hy sinh của anh em sinh viên tại Âu Châu vừa đi học vừa phải đi làm để sinh sống, vừa dấn thân đấu tranh cho đại cuộc. Ông Kỳ lại đem vợ đi sắm sửa chưng diện nơi tiệm may Dior, tiệm may sang nhất và đắt nhất của kinh đô ánh sáng; đưa vợ đi trượt tuyết nơi vùng núi xa xôi và du hí tiêu xài vung vãi. Ông không nghĩ đến bổn phận của mình, không giữ tác phong của nhà lãnh đạo làm cho quốc tế chê cười và đối phương có thêm cơ hội tuyên truyền tạo chánh nghĩa cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Cũng vì cấp lãnh đạo quốc gia như thế cho nên vào khoảng năm 1973, khi bác sĩ Nguyễn Ngọc Quỳ và giáo sư Lê Văn Hùng gặp tôi tại Sài Gòn, tôi đã trình bày cho họ biết bệnh tình miền Nam đã hết thuốc chữa. Bác sĩ Quỳ và giáo sư Hùng vốn chưa bao giờ quen biết tôi nhưng khi về nước tham quan họ ghé đến thăm tôi. Tôi còn nhớ hình ảnh bình dị và những lý luận chính trị sắc bén của bác sĩ Quỳ khi ông ngồi đàm đạo với tôi suốt ba bốn tiếng đồng hồ tại góc sân nhà tôi nơi đường Gia Long trong đêm tối. Tôi còn nhớ nhà khoa học danh tiếng Lê Văn Hùng đã làm cho tôi hết sức ngạc nhiên khi ông đến thăm tôi vào một trưa hè nắng chói bằng chiếc xe đạp cọc cạch và bộ áo Kaki bạc màu. Tôi khen thầm hai ông xứng đáng là những chiến sĩ gương mẫu, nhưng vì vận nước đảo điên, sau này hai ông đều trở thành những người thất chí tự chấm dứt mọi hoạt động chính trị.

Còn đối với các sinh viên trẻ, họ đau đớn chấp nhận cái bất hạnh của quốc gia do những kẻ tự xưng là nhà lãnh đạo gây ra, họ vẫn kiên cường với lý tưởng đấu tranh chống Cộng. Họ vẫn giữ được truyền thống kẻ sĩ của dân tộc, vừa học tập vừa phục vụ đất nước, nhờ vậy mà họ vẫn bảo tồn được ý chí đưa hoạt động của Tổng Hội Sinh Viên Paris lên đến cao điểm vào năm 1975 khi họ kiên trì tiếp nối và đẩy mạnh mặt trận đấu tranh với bạo quyền Hà Nội. Tập san “Nhân Bản”, ban Văn Nghệ Tổng Hội, những cuộc biểu tình rầm rộ, và vào năm 1985, cựu Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Trần Văn Bá hy sinh đền nợ nước... đã là những đóa hoa sáng chói mà hạt nhân vốn nẩy mầm từ những khai vở của nhóm sinh viên ra đi vào năm 1964.

Đành rằng văn hóa thì muôn hồng nghìn tía phô tỏa khắp tứ thời, nhưng trong sinh hoạt quốc gia và đặc biệt về mặt điều hành bộ máy chính quyền thì chính trị và văn hóa phải đi song hành. Huống chi trong bối cảnh đất nước lúc bấy giờ thì chính trị có “an cư”, văn hóa mới “lạc nghiệp”; còn nếu chính trị cứ ở trong tình thế loạn ly, nhân dân thiếu định hướng thì chắc chắn nỗ lực xây dựng văn hóa sẽ phải chịu thảm cảnh “dã tràng xe cát”, cho nên tôi phải cấp tốc đưa ra những thực hiện trên để có thể đặt nền móng cho một nền văn hóa nhân bản, dân tộc lâu dài.

Tuy nhiên, mới đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Văn hóa Xã hội trong khoảng thời gian quá ngắn ngủi, từ đầu tháng Hai đến cuối tháng Bảy năm 1964, và chưa thực hiện được gì cho đại cuộc thì đầu tháng Tám, tướng Khánh, tướng Khiêm cử tôi đi Đại Hàn tham dự lễ Độc Lập của nước bạn và để cảm ơn đã giúp đỡ Quân đội Việt Nam Cọng Hòa một số dụng cụ thuốc men. Trong chuyến công du này, ông Nguyễn Thái, nguyên Tổng Giám đốc Việt Tấn xã thời Diệm, và Đại tá Vũ Đức Nhuận tháp tùng trong phái đoàn của tôi. Ông Nguyễn Thái còn là thông dịch viên cho tôi trong các cuộc đàm thoại với các nhà lãnh đạo nước bạn.

Đến Đại Hàn, tôi hội đàm với Tổng thống Park Chung Hee, Thủ tướng Chính phủ, và Chủ tịch Quốc hội. Đã nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của Tổng thống Park Chung Hee nên tôi thành thật bày tỏ lòng kính mến ông. Tổng thống Park là một nhà độc tài, nhưng lại độc tài cho dân cho nước, và riêng cá nhân ông lại là một nhà lãnh đạo liêm chính và sáng suốt. Phu nhân là một người đàn bà gương mẫu và khiêm tốn, bà không tham dự vào việc chính trị của chồng mà chỉ xuất hiện khi phải tiếp tân, hoặc khi nghi thức bắt buộc phải có sự hiện diện của vị Đệ nhất Phu nhân. Tôi đã nhân dịp này gắn Đệ Nhất Bảo Quốc Huân Chương cho vị Tổng thống nước bạn, một số Kim Khánh cho Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng. Tổng thống Park cũng trao tặng cho tôi tấm Huân Chương cao quý nhất của quốc gia Đại Hàn và mời đi thị sát vĩ tuyến 38 chia đôi Nam-Bắc, thăm Bàn Môn Điếm, và được vị tướng bốn sao Tư lệnh Quân đội Đồng minh tại Đại Hàn thuyết trình về khả năng phòng thủ giới tuyến. Nhờ đó, tôi rút tỉa thêm một số kinh nghiệm về tình thế của những quốc gia bị phân tranh Quốc-Cộng, bị chia đôi lãnh thổ.

Nhớ lại thời Tổng thống Lý Thừa Vãn qua thăm Việt Nam, ông Diệm cho tôi biết Tổng thống họ Lý có hứa sẽ gửi quân qua giúp Việt Nam Cọng Hòa khi cần đến, nên trong cuộc hội đàm mật cuối cùng với Tổng thống Park, với Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng, để chuẩn bị cho tình trạng chiến tranh đang trên đà mở rộng, tôi đã đặt vấn đề tham chiến của quân đội Đại Hàn tại miền Nam Việt Nam. Tổng thống Park và chính phủ của ông rất hoan nghênh và hứa với tôi sẽ gửi ngay một Sư đoàn đầu tiên khi miền Nam Việt Nam cần đến, vì Nam Hàn và Nam Việt Nam đều cùng cảnh ngộ nên dễ dàng cảm thông trong việc cứu giúp lẫn nhau. Tuy nhiên Nam Hàn may mắn hơn Nam Việt Nam là nhờ sau khi giành lại Độc lập đã được lãnh đạo ngay bởi một nhà chính trị yêu nước yêu dân như Tổng thống Lý Thừa Văn; còn Nam Việt Nam thì lại bị cai trị bởi một vị quan lại phong kiến và độc tài như ông Ngô Đình Diệm. Đã vậy Nam Hàn lại được bao bọc ba bề bởi đại dương nên dễ dàng kiểm soát vĩ tuyến 38, trong lúc miền Nam Việt Nam bị liên sơn liên ranh với các nước Lào và Cao Miên nên quân Bắc Việt xâm nhập dễ dàng. Các chính phủ nối tiếp sau Lý Thừa Văn lại không chủ trương kỳ thị tôn giáo, không tham nhũng thối nát như Việt Nam Cọng Hòa nên được đại đa số nhân dân ủng hộ.

Ngày từ giã Đại Hàn, tôi được chính phủ nước bạn tặng một bộ ghế trường kỳ cẩn xà cừ rất đẹp rất quý, tương tự như đồ cổ Hà Nội hoặc Huế thời xưa, nhưng tôi đã từ chối. Nam Hàn mỗi ngày một hùng cường và có lẽ không đợi đến khi thế kỷ 20 chấm dứt, quốc gia này sẽ không thua Pháp, Anh hoặc các nước kỹ nghệ Tây phương tiền tiến.

Rời Đại Hàn, tôi về Nhật Bản ghé thăm vị Ngoại trưởng Nhật dù chương trình công du của tôi không trù liệu cuộc viếng thăm này. Sau khi trình bày những khó khăn về kinh tế và xã hội của Việt Nam Cộng Hòa cho vị Ngoại trưởng nước bạn, tôi yêu cầu ông tìm cách viện trợ thêm cho miền Nam. Ông hứa với tôi là trong khi chờ đợi một kế hoạch viện trợ lâu dài, chính phủ Nhật Bản sẽ cứu xét và có thể giúp cho Việt Nam Cọng Hòa 20 triệu đô la (số tiền này đến thời chính phủ Phan Huy Quát mới nhận được). Ngoại trưởng Nhật lại có nhã ý mời tôi thăm viếng một số cơ sở kỹ nghệ. Nhân thăm hãng xe Honda, biết được cuộc đời của vị chủ nhân Giám đốc, tôi lại càng cảm phục tinh thần cầu tiến và nhẫn nại của dân tộc Phù Tang. Ông Honda nguyên là một trung sĩ Không quân thời Đệ nhị Thế chiến, sau khi Nhật chiến bại ông được giải ngũ về nhà làm nghề sửa xe gắn máy. Với một số bù-loong cũ, vài chiếc kềm, ông bắt đầu sự nghiệp dưới một tấm tôn đặt tại một góc đường. Nhờ kiên nhẫn, kỹ lưỡng, siêng năng và khiêm tốn, biết chìu khách hàng, “tiệm sửa xe” của ông mỗi ngày một phát đạt. Mấy năm sau, khi kiếm được số vốn 280 đô la, ông kêu gọi bạn hữu chung cổ phần để xây dựng cơ sở kỹ nghệ xe hơi Honda. Sau không đầy 20 năm, hãng Honda đã có chi nhánh nhiều nơi và có thị trường khắp thế giới. Điều làm cho tôi cảm phục là tinh thần xã hội của các nhà tư bản Nhật: chủ và thợ coi nhau như anh em, tiền thưởng, tiền trợ cấp xã hội dành cho thợ khá cao. Tôi tự hỏi biết bao giờ người Việt Nam mới thể hiện ra thành thực tế cái tinh thần “Bầu ơi thương lấy bí cùng” như con cháu Thái Dương Thần Nữ.

Tôi đang dự định đi thăm Hoàng Thành của vua Hiro Hito và Cố đô Kyoto thì bỗng nhận được công điện của tướng Khánh gọi về ngay. Về đến Sài Gòn, nhìn quang cảnh Thủ đô xáo trộn do Hiến chương Vũng Tàu gây ra, tôi chua xót nhìn quê hương đắm chìm trong gió bụi hận thù và phân hóa. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao Khánh và Khiêm không cử ông Đệ Nhất, Đệ Nhị Phó Thủ tướng đi Đại Hàn mà lại cử tôi vốn chỉ là Đệ Tam Phó Thủ tướng. Thì ra họ nghi ngờ tôi có thể dựa vào lực lượng sinh viên và Phật tử để chống đối lại Hiến chương Vũng Tàu vô chính trị và độc đoán của họ. Chả trách ngay sau ngày chỉnh lý, họ đưa Đại tá Lê Nguyên Khang từ Phi Luật Tân về thay thế cháu tôi là Trung tá Nguyễn Bá Liên (đang là Tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến). Lê Nguyên Khang từ Phi Luật Tân về, đi thẳng bằng trực thăng đến Kiến Hòa nơi cháu tôi đang chỉ huy một cuộc hành quân quan trọng, đòi phải được bàn giao tức khắc chức Tư lệnh và Liên phải về ngay Sài Gòn bằng chiếc trực thăng của Khang. Thiếu tá Trần Văn Nhật, người bạn thân của cháu tôi cũng bị thuyên chuyển ra khỏi binh chủng Thủy Quân Lục Chiến và phải cùng vơi cháu tôi đi phục vụ tại Manila trong văn phòng Tùy viên Quân sự. Thì ra tuy họ muốn lợi dụng tên tuổi và uy tín của tôi nhưng vẫn e ngại nên đã âm mưu vô hiệu hóa các bạn hữu và con cháu của tôi ngay khi họ vừa chỉnh lý xong. Chả trách họ đẩy tôi đi Đại Hàn để gạt đi một phần tử có thể chống đối họ trong việc múa may quay cuồng tung hô lẫn nhau tại Vũng Tàu, chung quanh cái Hiến chương quái đản đó.

Nhớ lại khoảng thời gian tám tháng trước đó, ngày 31-1-1964, hai tướng Khánh và Khiêm gọi tôi đến Bộ Tổng Tham mưu “có việc cần”. Chỉ đến lúc đó tôi mới biết cuộc chỉnh lý do Khánh, Khiêm và Viên cầm đầu đã xảy ra. Khánh trình bày những lý do buộc ông ta và một số tướng trẻ phải làm cuộc chỉnh lý. Hai tướng Khánh và Khiêm cũng cho tôi biết “bọn Đôn, Kim, Xuân, Vỹ đi với Tây”, chủ trương trung lập. Nhưng khi tôi tỏ vẻ hoài nghi thì họ bảo rằng có đầy đủ bằng cớ và việc “nhóm đó” cho phép Nguyễn Văn Vỹ và dự định cho phép Trung tá Trần Đình Lan về Việt Nam là một. Hai tướng Khiêm và Khánh còn nói thêm: tướng Dương Văn Đức ở Pháp về có đủ hồ sơ về “những hoạt động trung lập”, những hoạt động cho Pháp của Vỹ và Lan. Mấy tháng sau, khi các tướng Đôn, Xuân, Kim, Đính, Vỹ bị đem ra xét xử tại Đà Lạt trong suốt hai ngày đêm ròng, tôi mới biết tướng Vỹ được các tướng Đôn, Kim mời về trước hết vì Vỹ đã từng chống đối chế độ Diệm và chỉ vì tình bạn với các tướng Kim, Đôn. Tướng Vỹ có tinh thần thân Pháp nhưng lại có lập trường chống trung lập và chống giải pháp thống nhất hai miền của Tổng thống De Gaulle. Trớ trêu thay, những kẻ cùng với Khánh lên án tướng Vỹ là chủ trương trung lập trong đó có ba ông Thiệu, Khiêm, Viên sau này lại mời tướng Vỹ giữ chức Tổng trưởng Quốc phòng khi họ trở thành những nhà lãnh đạo quốc gia, thứ lãnh đạo quốc gia tham nhũng, trong lúc tướng Vỹ vẫn là người liêm chính. Vụ án “ngân hàng quân đội” mà tướng Vỹ phải chịu trách nhiệm chỉ là vụ án “có ít xít ra nhiều”. Chẳng qua Hoa Kỳ không muốn quân đội Việt Nam có một số tư bản to lớn nên đã buộc ông Nguyễn Văn Thiệu phải giải tán ngân hàng quân đội.

Chỉnh lý xong, hai tướng Khánh và Khiêm bèn nhờ tôi đến gặp tướng Dương Văn Minh tại dinh Hoa Lan đường Hồng Thập Tự để mời ông giữ chức Quốc trưởng. Vì chưa nắm vững tình hình nên tôi muốn nhân dịp này biết thêm chi tiết, tôi bèn ghé nhà tướng Minh thì gặp thêm cả các tướng Lê Văn Nghiêm, Phạm Xuân Chiểu đang ngồi bàn bạc chuyện trò trong căn nhà bị quân lính của nhóm chỉnh lý canh gác. Sau khi nghe tôi trình bày chủ trương của tướng Khánh, tướng Minh với vẻ mặt trầm ngâm nhờ tôi về nói lại với Khánh là ông sẽ suy nghĩ và trả lời Khánh sau. Tôi bèn về thẳng nhà tôi và điện thoại cho Khiêm biết ý kiến của tướng Minh.

Quen biết và làm việc chung với tướng Khánh lâu ngày, tôi biết ông là người thông minh, quyền biến, mưu cơ. Đã hai lần ông tỏ thái độ cứng rắn làm tôi khâm phục. Lần thứ nhất sau biến cố Nhảy Dù vào ngày 12-11-1960, Khánh ra mặt khinh mạn bà Nhu, người đàn bà mà Tổng thống Diệm còn phải vâng lời kiêng nể. Và lần thứ hai, Khánh quyết liệt yêu cầu ông Nhu phải cách chức Tư lệnh Quân đoàn IV của Huỳnh Văn Cao, người “con nuôi” của gia đình họ Ngô. Ông Khánh tố cáo Huỳnh Văn Cao là bất tài, bất lực làm cho ông Nhu phải xuống nước: “Hãy để cho Cao thử thách một thời gian nữa rồi sẽ hay”. Ông Khánh có nhiều quan điểm độc đáo như “Trí thức miền Nam là trí thức phòng trà chỉ lo tranh dành địa vị mà không thấy rõ hiểm họa Cộng Sản”. Trong cuộc họp báo chiều ngày 2-2-64 sau khi vừa chỉnh lý, Khánh lại đề cao báo chí “một ngòi bút là một sư đoàn”. Sau này Khánh còn có dịp đề cao quân đội “là cha quốc gia”. Khi bà Nhu ở Pháp công kích các tướng lãnh, Khánh đã gián tiếp trả lời “vấn đề nói thì không ai nói hơn đàn bà. Nhưng bà Nhu là thứ đàn bà đặc biệt mà ta phải thắng”.

Tôi đã biết ông Khánh vốn không thuộc phe đảng nào dù khi chỉnh lý ông có liên hệ với đảng Đại Việt của ông Nguyễn Tôn Hoàn. Sau cuộc chỉnh lý, tướng Khánh hứa với tôi nhất định phải làm Cách mạng và sẽ tiếp tục bảo vệ tinh thần ngày 1-11-1963. Với thái độ chính trị độc lập của ông, với việc tướng Dương Văn Minh chịu làm Quốc trưởng, tôi nghĩ tướng Khánh có thể ổn định tình hình để làm việc lớn cho nên tôi bằng lòng hợp tác với Khánh và Khiêm. Tôi so sánh cái thông minh, quyền biến và cơ mưu của Khánh như một thứ Hồ Quý Ly thời nay với hy vọng Khánh có thể trở thành một Nasser của Việt Nam Cọng Hòa...

Trước cảnh xáo trộn của đất nước, ngày 30-9-1964 tôi quyết định cạo đầu như một cách bày tò thái độ, rồi từ chức Phó Thủ tướng và trở về quân đội, trở lại cuộc đời học trò ngày hai buổi đến trường sinh ngữ quân đội học thêm Anh văn. Bài học Ngô Đình Diệm, bài học tướng lãnh đã làm cho tôi thấm thía nên quyết định xa lánh chính trường. Nhưng rồi một hôm, tôi được Khánh mời vào dinh Thủ tướng và yêu cầu tôi đi Pháp hai tháng để quan sát tình hình vì “Pháp đang có những âm mưu vận động đưa vấn đề Việt Nam ra trước một hội nghị quốc tế ”. Khánh cung cấp 10.000 quan Pháp cho việc chi phí tại Pháp trong hai tháng đó. Tôi nghĩ thầm Khánh muốn đẩy tôi ra khỏi nước nên từ chối ngay với lý do tôi đã từng là thành phần “persona non grata” của chính quyền Pháp. Khánh bảo tôi cứ về suy nghĩ lại. Vài hôm sau Albert Cao đến nhà tôi mang theo vé máy bay đi Pháp và cái ngân phiếu 20.000 quan: “Trung tướng Khánh nhất định nhờ Thiếu tướng đi Pháp và tăng tiền chi phí cho Thiếu tướng lên 20.000 quan”. Tôi bảo Cao: “Anh về thưa lại với Trung tướng rằng tôi không đi đâu hết đừng đem tiền bạc mà dụ tôi. Tôi ngồi đợi để Trung tướng cho quân cảnh đến bắt. Tôi biết ông ta muốn đẩy tôi ra nước ngoài”. Cao ra về và sau đó không thấy Khánh nhắc lại vụ đi Pháp nữa. Nhưng độ một tháng sau, Khánh lại cho mời tôi vào văn phòng để yêu cầu tôi cùng với lãnh tụ Tự Do Khmer Sơn Ngọc Thành đi Thái Lan trong mười ngày để quan sát công cuộc chiến đấu chống Sihanouk và giao thiệp với cơ quan tình báo hải ngoại của Thái Lan hầu thiết lập kế hoạch trao đổi tin tức tình báo giữa hai chính phủ như tôi đã nói trước kia. Tôi biết Khánh lại muốn đẩy tôi ra khỏi nước nhưng tôi vẫn bằng lòng đi vì tin tưởng rằng đi Thái Lan thì việc trở về nước không khó khăn gì. Tôi đem theo cháu tôi là Đại úy Đỗ Hải làm sĩ quan tùy viên.

Khi lên máy bay tại phi trường Tân Sơn Nhất, tôi ngạc nhiên thấy Thiếu tá Hữu, một cựu cán bộ Cần Lao Công Giáo từng làm việc với bác sĩ Tuyến trong Sở Nghiên cứu Chính trị đi theo. Hữu cho tôi biết đi Thái Lan là để liên lạc với cơ quan tình báo Việt Nam tại Bangkok nhưng tôi biết Hữu vâng lệnh của Khánh đi để theo dõi tôi. (Thiếu tá Hữu dưới chế độ Nguyễn Văn Thiệu giữ chức Tỉnh trưởng Cam Ranh nổi tiếng là một tay tham nhũng).

Đến Bangkok, tôi cùng với Đại sứ Thái Quang Hoàng đến thăm xã giao Thủ tướng Sarit Thanarat và sau đó hội họp mấy ngày liền với các cơ quan tình báo Thái và thăm tổ chức của Sơn Ngọc Thành. Lợi dụng những lúc rảnh rỗi, tướng Hoàng dẫn tôi đi thăm viếng phong cảnh xứ Thái và chiêm ngưỡng một số chùa tháp danh tiếng. Gần 10 ngày sau, tôi nhận được công điện của Khánh yêu cầu phải rời Thái Lan đi Mã Lai hai tháng để nghiên cứu về du kích chiến của xứ này. Biết rằng Khánh muốn đẩy mình đi xa hơn, tôi bèn quyết định trở về. Tôi đến gặp Thái Quang Hoàng và cho biết sẽ trở về Việt Nam ngay. Hoàng đắn đo hỏi tôi: “Bác về bằng cách gì?”, tôi trả lời liền: “Tôi sẽ về bằng ghe Thái Lan, đổ bộ lên Hà Tiên hay Rạch Giá rồi về Sài Gòn”. Từng là bạn thân lâu năm, biết rõ nhau qua nhiều hoạt động quân sự và chính trị dưới nhiều chế độ, tôi biết Hoàng là con người khí phách can trường. Hoàng lo lắng cho tôi: “Bác về như vậy sợ nguy hiểm. Tôi sẽ cấp vé máy bay cho Bác về thẳng Sài Gòn. Khi nào Bác đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất, tôi sẽ đánh điện báo cho chính phủ”. Sợ liên lụy đến địa vị của Hoàng, tôi từ chối nhưng Hoàng nài nỉ khuyên tôi phải trở về bằng phi cơ, rồi tiễn tôi ra tận máy bay. Về Sài Gòn, tôi đợi đến sáng hôm sau mới vào gặp Khánh. Khánh không tỏ vẻ tức giận nhưng với cái mỉm cười đầy bí hiểm, Khánh đùa: “Thế là hai lần anh đã không tuân lệnh tôi”. Ít lâu sau, tướng Hoàng cũng mất chức Đại sứ VNCH tại Thái Lan.

Chính tình Việt Nam vẫn sôi động, những xáo trộn vẫn liên tiếp xảy ra tại Sài Gòn và Huế, rồi ông Phan Khắc Sửu lên làm Quốc trưởng, ông Trần Văn Hương làm Thủ tướng, Thượng Hội Đồng Quốc Gia ra đời, Trung tướng Nguyễn Khánh trở về quân đội giữ chức Tổng Tư lệnh, hai Đại tướng Dương Văn Minh và Trần Thiện Khiêm đi ra nước ngoài. Do áp lực của một số tướng trẻ với Quốc trưởng Phan Khắc Sửu, các tướng “già” (trong đó có tôi) buộc phải về hưu kể từ 30-12-1964.

Rời khỏi chính trường, rời khỏi quân đội tôi mừng thầm từ đây thoát vòng cương tỏa, sẽ được yên thân dù biết rằng nhà tôi vẫn bị những nhân viên an ninh theo dõi. Tôi tiếp tục các thú vui bình nhật như đọc sách, uống trà, đánh tổ tôm, tài bàn vui với bạn hiền và đến nhà các thầy Tử vi để nói và nghe chuyện đời.

Không ngờ vào khoảng ba giờ đêm 20-12-1964, Đại tá Nhiêu, một cộng sự viên của Khánh và đang là Giám đốc Sở Trung Ương Tình Báo, đi xe jeep cùng với ba binh sĩ võ trang đến nhà riêng của tôi mời tôi đến gặp Hội Đồng Tướng Lãnh đang nhóm họp tại Bộ Tổng Tham Mưu. Tôi biết việc chẳng lành lại xảy ra nên dặn vợ con cứ yên tâm ở nhà vì tin chuyến này ra đi thì còn lâu lắm mới trở về.

Đại tá Nhiêu mời tôi vào ngồi trong phòng khách nhà tướng Khánh trong khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu, gần cổng chánh. Trong một phòng bên kia, Khánh và các tướng trẻ đang hội họp. Họ để Chuẩn tướng Sang vừa ngồi nói chuyện vừa canh chừng tôi. Độ năm giờ sáng, cuộc họp vừa tan thì Nguyễn Văn Thiệu, rồi Nguyễn Chánh Thi đến chào và nói vài câu chuyện đãi bôi. Đến bảy giờ sáng, tướng Nguyễn Hữu Có, lúc bấy giờ là Tư lệnh Quân đoàn II đóng ở Pleiku, vào gặp tôi và cho biết: “Tôi được lệnh Hội Đồng Tướng Lãnh mời anh em lên cao nguyên ở một thời gian”. Tướng Có mời tôi lên xe và đưa ra phi trường Tân Sơn Nhất. Tại đây, tôi thấy một số chính khách, một số ủy viên Hội Đồng Quốc gia, một số sinh viên và ba người bạn thân của tôi là nhà báo Vũ Ngọc Các, luật sư Trần Thanh Hiệp, và học giả Mai Ngọc Liệu. Biết là đồng hội đồng thuyền, các ông Các, Hiệp, Liệu và tôi nhìn nhau mỉm cười. Đến Pleiku, bác sĩ Lê Khắc Quyến bị giữ lại gần Bộ Tư lệnh Quân đoàn, ông Nguyễn Văn Lực bị chuyển đi Nha Trang, các chính khách và sinh viên khác đi Kontum, còn riêng tôi thì tướng Có dành cho ngôi dinh thự cũ của viên Công sứ Pháp, biệt phái cho tôi một binh sĩ để phục vụ. Từ đó, tôi ở vào tình trạng “quản thúc vô hạn định” trên thành phố đìu hiu này. Thỉnh thoảng, tướng Có đến chuyện trò hoặc đích thân lái xe đưa tôi đi thăm phong cảnh Pleiku nhưng tuyệt nhiên không bao giờ đề cập đến việc quản thúc của tôi hoặc thảo luận về tình hình chính trị của đất nước. Trong hơn hai tháng, chúng tôi bị quản thúc thì cụ Trần Văn Hương cũng mất chức Thủ tướng và nghe nói bị an trí tại Vũng Tàu, chính phủ Phan Huy Quát ra đời, Đại tá Phạm Ngọc Thảo, Lực Lượng Bảo Vệ Dân Tộc và Lực Lượng Đại Đoàn Kết của khối Công giáo nổi dậy chống chính phủ. Tướng Khánh phản ứng trong tuyệt vọng vì Hội Đồng Quân Lực cho rằng những xáo trộn đều do Khánh gây nên, nên cách chức tướng Khánh. Sau màn trình diễn như thăng chức lên Đại tướng và gắn Đệ nhất Kim khánh cho Khánh, Hội đồng Tướng lãnh buộc tướng Khánh phải ra khỏi nước. Ngày 25-2-1965, Khánh lên phi cơ rời đất Tổ mang theo một nắm đất quê hương và hẹn ngày trở lại. Nhưng ông Khánh đi mãi mà không có ngày về dù miền Nam còn hơn 10 năm trời sống sót. Ông Khánh xin cư trú tại Mỹ nhưng bị từ chối nên đành phải đến Pháp với tất cả nỗi lòng chua chát của một con người nhiều thủ đoạn, đã mê hoặc được cả hai anh em ông Diệm-Nhu, đã vận dụng được cả đảng Đại Việt, đã lừa được tất cả những tướng lãnh để cuối cùng phải ngâm câu “chữ Tài liền với chữ Tai một vần”.

Tướng Khánh ra đi, chính phủ Phan Huy Quát chỉ kéo dài được từ 16-2-65 đến 11-6-65, nghĩa là không đầy bốn tháng, rồi vì sự chống đối của Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và của khối Công giáo, chính quyền lại về tay các tướng trẻ với tướng Thiệu làm Chủ tịch ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, tướng Kỳ làm Chủ tịch Uỷ Ban Hành Pháp, tướng Có giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Thi giữ chức Tư lệnh Quân đoàn I. Còn tôi, sau ba tháng bị cô lập ở Pleiku, được trả về Sài Gòn.

 

Từ ngày bị an trí tại Pleiku trở về, vốn mang tâm hồn bảo thủ, tôi trở lại cuộc đời bình dị, mang chiếc áo lương đen dài, bắt chước người xưa làm nhà ẩn dật, ngồi nhìn mưa nắng hai mùa mặc cho thế sự thăng trầm...

Tôi không tham gia cuộc đấu tranh của Phật giáo năm 1966 mặc dầu tôi đồng ý về căn bản với lập trường chính trị của Thượng tọa Trí Quang.

Tuy nhiên dù tôi không liên hệ gì đến cuộc đấu tranh của Phật giáo và cũng chẳng dính dự gì đến những biến động lúc bấy giờ nhưng các tướng trẻ và Bộ Tham mưu Công giáo của Thiệu vẫn cứ e ngại nên họ lấy lý do tình hình xáo trộn để một lần nữa tạo thêm gian truân cho tôi. (Sau này tướng Nguyễn Hữu Có đến thăm tôi tại nhà riêng và cho biết từ ngày tôi về hưu trí những tướng nào thường có thái độ thù hằn tôi. Đại tá Phạm Văn Liễu sau khi thôi chức Tổng giám đốc Cảnh sát cũng ghé thăm và cho tôi biết vụ bắt bớ tôi năm 1966 là do lệnh của Nguyễn Văn Thiệu).

Một hôm, tôi được viên Thiếu tá Chánh văn phòng của Chủ tịch ủy Ban Hành Pháp Nguyễn Cao Kỳ đến mời vào gặp ông ta trong Dinh Thủ Tướng. Ngày hôm sau, tôi vào Dinh đợi khoảng hơn một tiếng đồng hồ mới thấy Kỳ đến. Kỳ đi thẳng vào văn phòng và bắt tôi đợi thêm một giờ đồng hồ nữa mới ra phòng tiếp tôi. Ngồi chờ lâu, tôi suy nghĩ miên man đoán rằng có lẽ mình đã làm điều gì đụng chạm nên Kỳ mới có thái độ cao ngạo như thế. Cuối cùng tôi đoán có lẽ vì chuyện đám cưới của Kỳ mà tôi đã không tham dự có thể đã làm cho Kỳ tức giận chăng.

Mùa xuân năm ngoái, Thiếu tướng Tư lệnh Không quân Nguyễn Cao Kỳ làm lễ thành hôn với người đẹp nữ tiếp viên phi hành Đặng Tuyết Mai. Đám cưới Kỳ-Mai là một trong những đám cưới linh đình nhất Việt Nam từ mấy chục năm nay, chỉ thua đám cưới ông Trần Trung Dung, cháu rể của Tổng thống Diệm và dĩ nhiên phải thua đám cưới ái nữ của Tổng thống Thiệu và con trai ông Nguyễn Tấn Trung, những đám cưới mang hình thức quốc lễ.

Theo báo chí và những bạn bè tôi kể lại thì đám cưới Kỳ-Mai gồm một buổi đại tiệc tại Chợ Lớn cho hai họ và bà con bạn bè, rồi một buổi đại tiệc thứ hai tại khách sạn Caravelle cho hàng ngàn quan khách tham dự như Quốc trưởng Phan Khắc Sửu, Thủ tướng Trần Văn Hương, toàn bộ nhân viên chính phủ, tướng lãnh và các chỉ huy trưởng các đơn vị của ba ngành Hải-Lục-Không quân đang có mặt tại Sài Gòn, Ngoại giao đoàn, và rất đông nhân vật cao cấp văn võ Mỹ-Việt. Nghe nói rượu sâm banh đến hơn bảy trăm chai nổ kêu đôm đốp liên hồi. Tân lang trong chiếc áo dài dạ hội màu đỏ đã tặng giai nhân chiếc nhẫn to bằng đầu ngón tay. Nghe nói tướng Khánh đã tặng cho Nguyễn Cao Kỳ một số tiền rất lớn để Kỳ lo liệu đám cưới. Đêm hôn lễ của cặp Mai-Kỳ tại khách sạn Caravelle quả thật là một đại dạ hội tưng bừng hiếm có giữa Sài Gòn xáo trộn, báo hiệu cái thế giá đang lên của một nhân vật đang gặp thời vì chỉ nửa năm sau Nguyễn Cao Kỳ đã trở thành Thủ tướng: Thủ tướng của một chính phủ, mỉa mai thay được chính Kỳ mệnh danh là “Chính phủ của dân nghèo”.

Trong quá khứ, Kỳ vốn coi tôi như người anh ruột thịt và sự túng thiếu của Kỳ nhiều khi làm vợ chồng tôi bùi ngùi. Trước ngày cưới, chẳng những Kỳ gửi hồng thiệp báo tin mừng mà còn đến tận nhà đích thân mời vợ chồng tôi dự tiệc. Cẩn thận hơn, gần ngày hôn lễ Kỳ còn gọi điện thoại nhắc nhở lần cuối cùng. Nhưng sau khi nhìn thấy cuộc Cách mạng 1-11-63 đang đi chệch khỏi những mục đích đẹp đẽ ban đầu, lại thêm những xáo trộn chính trị liên miên xảy ra, tất cả đã làm cho tôi chán chường không muốn chen lấn vào những nơi tụ họp đông đảo của hạng người trưởng giả nữa. Chúng tôi chỉ mua một bộ đồ trà đơn giản giao cho sĩ quan tùy viên đến nhà tặng Kỳ làm kỷ niệm mà không đến dự tiệc tại nhà hàng Caravelle.

Đang miên man suy nghĩ về chuyện tình nghĩa ngày xưa thì bỗng Kỳ vào ngồi cạnh tôi và hỏi: “Thiếu tướng có mạnh không? Thiếu tướng ở nhà làm gì?” Tôi đáp: “Từ ngày bị các tướng trẻ bắt đi cô lập ở Pleiku về, tôi ở nhà nghỉ ngơi, chưa có dự định gì cả”. Tôi đợi xem Kỳ có bàn bạc gì về tình hình chính trị không thì bỗng Kỳ nói: “Lâu ngày không gặp nên tôi chỉ mời Thiếu tướng vào thăm thế thôi”. Tôi cám ơn rồi ra về, Kỳ còn nhắn theo: “Cho tôi gửi lời hỏi thăm Đỗ Hảo và Đỗ Hải”. (Tôi có ba đứa cháu là Đỗ Thọ, Đỗ Hảo và Đỗ Hải rất thân thiết với Kỳ thời Kỳ còn là Thiếu tá, Trung tá).

Về đến nhà, tôi suy nghĩ mãi về cách cư xử lạ lùng của Kỳ đối với tôi. Nếu quả Kỳ còn nhớ chút tình cố cựu, tại sao trong vụ Khánh và các tướng trẻ bắt tôi đi cô lập tại Pleiku, Kỳ không phản đối. Còn nếu Kỳ đã bỏ rơi tình cũ nghĩa xưa thì tại sao hôm nay lại mời tôi đến để thăm hỏi. Tôi lại nghĩ nếu quả Kỳ còn kính mến tôi thì tại sao Kỳ không đến nhà riêng thăm viếng mà lại mời tôi vào dinh Thủ tướng. Tôi vẫn còn phân vân về thái độ khó hiểu của Kỳ thì ngày hôm sau, Trung tá Nguyễn Văn Khuyến, Chánh sở An Ninh Quân Đội Thủ Đô đến mời tôi vào gặp Thiếu tướng Lê Nguyên Khang, Tư lệnh Quân khu Thủ đô kiêm Tổng trấn Sài Gòn-Gia Định. Sự kiện hai tướng trẻ đều mời tôi liên tiếp trong hai ngày như điềm bất thường báo trước sắp có chuyện chẳng lành xảy ra.

Gặp Khang, Khang cho biết được lệnh Hội Đồng Quân Lực mời tôi ra “tạm trú” tại Nha Trang trong một thời gian cho đến khi nào tình hình chính trị ổn định. Rồi Khang giao cho tôi sự vụ lệnh và vé máy bay. Tôi nghĩ thầm thế là tôi được các ông tướng trẻ bắt đi quản thúc một lần nữa. Tôi cám ơn Khang rồi đứng dậy ra về. Khang tiễn tôi ra tận xe còn nói tiếp: “Xin Thiếu tướng hiểu cho lòng em, em chỉ biết thừa lệnh cấp trên”. Tôi mỉm cười rồi lên xe. Tôi có trách gì tướng Khang đâu, vì tự biết mình đang gặp vận hạn rắc rối và đang sống giữa cảnh đất nước loạn ly thì phải chìu theo cảnh ngộ, Thế Chiến quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế. Vế đối của kẻ sĩ Ngô Thời Nhiệm để đáp lại kẻ đắc thời Đặng Trần Thường tôi thuộc nằm lòng thì có trách móc kêu ca cũng chẳng được, lại còn thêm mất tiết tháo của mình. Huống chi đời tôi đã bao phen lao lung, tù đày vì Thực dân và Cộng Sản thì việc phải đi an trí có thấm thía gì đâu.

Ngày Khang còn làm Tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến thời ông Diệm, Khang cũng coi tôi như một người anh. Cũng như Cao Văn Viên, ngày tết Khang thường đến chào tôi thật sớm để tỏ lòng kính mến. Khang là một sĩ quan ít có tham vọng chính trị nhưng lại mang tính ba phải nên không được các tổ chức đảo chánh ông Diệm tín nhiệm. Trước ngày đảo chánh, tướng Đôn và tướng Khiêm giao cho cháu tôi chỉ huy Thủy Quân Lục Chiến, mượn cớ hành quân ở Bến Cát để đánh lừa ông Nhu. Vì thế, đêm 1-11 ở Bộ Tổng tham mưu, Khang tỏ vẻ lo ngại. Đêm đó ngồi giữa tướng Lê Văn Nghiêm và tôi, Khang thì thầm: “Xin Thiếu tướng và Đại tá bảo bọc cho em với”. Tôi trấn an Khang: “Anh có tội tình gì mà phải ngại, có tôi anh đừng lo”. Tôi vẫn luôn luôn thương mến Khang, vì thế nên ngày hôm sau, trong cuộc thảo luận về số phận ông Diệm ở hành lang trước văn phòng Đại tướng Tỵ, tôi đã kéo Khang và Trung tá Thiện bỏ họp ra đi khi tôi không đồng ý việc giết ông Diệm như tôi đã nói trước kia.

Sau khi Cách mạng thành công, tướng Đôn và Khiêm cử cháu tôi chính thức giữ chức Tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến và bổ nhiệm Khang đi làm tùy viên quân sự tại Phi Luật Tân. Việc công cử này tôi không hề hay biết cho đến khi Nguyễn Bá Liên được quyết định của Bộ Tổng Tham mưu. Việc công cử này không phải là sai lầm nếu đứng về khía cạnh Cách mạng vì trong hoàn cảnh thay cũ đổi mới sau một cuộc binh biến, sự bổ nhiệm người hoàn toàn tín nhiệm vào chức vụ then chốt cho tân chế độ lúc ban đầu là chính sách mà ai cũng phải làm. Tuy nhiên, có thể Khang lấy cớ bị đổi đi Phi Luật Tân làm buồn lòng rồi thù oán tôi chăng.

 

Sau 6 tháng bị an trí ở Nha Trang, tôi mới được Kỳ đánh điện cho trở về Sài Gòn. Sống ở miền Nam tự do, bây giờ tôi mới được tự do đi lại!

Tình nhân thế chua cay người lịch duyệt, câu thơ ảo não của thi sĩ Vũ Hoàng Chương quả đã nói đúng tâm sự, tình cảnh của tôi, tôi quyết định từ đây không vương vấn đến chính trường, chỉ lo việc sinh sống cho gia đình vợ con. Nhiều nhân vật thuộc đảng phái, nhiều chính khách nhân sĩ đến khuyên rủ tôi ra ứng cử Dân biểu, Nghị sĩ tôi đều từ chối hết. Ngay cả cụ Nguyễn Xuân Chữ, một bậc kỳ lão tiếng tăm xứ Bắc Hà xưa kia, đích thân đến nhà mời tôi đứng chung một liên danh Nghị sĩ với các đồng chí của Cụ tôi cũng xin khước từ. Vì thế, rất nhiều tướng tá như Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Thái Quang Hoàng, Huỳnh Văn Cao, Nguyễn Văn Chuân, Lê Văn Nghiêm, Tôn Thất Xứng... đều ra tranh cử Thượng Viện, riêng tôi nằm nhà nhâm câu thơ cũ:

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao...

 

-o0o-

 

Việc quân đội trở lại với các tướng Thiệu, Kỳ, Có, Chiểu, Viên nắm quyền lãnh đạo quốc gia ngày 19 tháng 6 năm 1965 tạm chấm dứt giai đoạn xáo trộn lần thứ nhất. Tình trạng này nói lên sự thất bại của Phật giáo, của sinh viên và đảng phái. Kẻ đắc thắng công khai là lớp tướng trẻ mà báo chí ngoại quốc gọi là “Young Turk” và kẻ đắc thắng sau hậu trường chính trị là khối Công giáo.

Dù sao thì “Uỷ Ban Lãnh Đạo Quốc Gia” chỉ là giải pháp thỏa hiệp chuyển tiếp, cho nên trong lúc tướng Kỳ với tư cách Thủ tướng chính phủ lo thực hiện những chính sách quốc gia thì tướng Thiệu vốn người cẩn trọng và thủ đoạn, cùng với Bộ Tham mưu Công giáo của ông ta lo tổ chức nội bộ, sắp đặt kế hoạch lâu dài trong ý đồ quật ngã Nguyễn Cao Kỳ mà Thiệu biết rõ là đối thủ số một trong bối cảnh đất nước lúc bấy giờ. Thực tế sau này trong việc tranh chấp quyền hành, mà trước hết là tranh làm ứng viên Tổng thống, và sau đó là đẩy Kỳ ra khỏi chính quyền đã nói lên những âm mưu, thủ đoạn của Nguyễn Văn Thiệu và nhóm Công giáo thời đó.

Từ ngày lên nắm chính quyền, ông Nguyễn Cao Kỳ đã có một số hoạt động nhiều ý nghĩa, thỏa mãn phần nào ý nguyện của đại đa số nhân dân...

Ngày 24-6-1965, chính phủ Kỳ họp báo tuyên bố “Tình trạng chiến tranh”, đoạn giao với Pháp, đóng cửa các trường Pháp để chuyển đổi dần dần thành các trường Việt ngữ hầu tránh tình trạng chỉ có “con ông cháu cha” hoặc con nhà giàu mới được học trường Tây như dưới chế độ Diệm.

Ngày 12-7, chính phủ Kỳ công nhận Hiến chương của Phật giáo Hòa Hảo và Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để hai Giáo hội này từ nay có quy chế riêng của họ. Tổng quát hơn, từ nay tất cả mọi tôn giáo tại Việt Nam đều bình đẳng chứ không có một tôn giáo nào còn chịu lệ thuộc vào đạo dụ bất công số 10 như dưới thời Ngô Đình Diệm chỉ dành đặc quyền đặc lợi cho Công giáo.

Ngày 16-7, Đại tá Phạm Ngọc Thảo, người chủ mưu biến cố 19-2-65 bị Lực lượng An ninh phục kích bắt được gần một nhà thờ ở Biên Hòa đem về giam tại nha An Ninh Quân Đội. Sau đó có tin Thảo chết trong trường hợp còn mang nhiều bí ẩn.

Ngày 10-10, Toà án Quân sự Mặt Trận vùng III Chiến thuật xử vụ cựu Đại Tá Bùi Dinh (Công giáo) liên can tới âm mưu lật đổ chính phủ Quát đêm 20-5-1965.

Ngày 2-11, thể theo ý nguyện của Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn và dư luận các giới, Tổng ủy viên Văn hóa Giáo dục (Giáo sư Trần Ngọc Ninh) đại diện chính phủ đặt viên đá kỷ niệm Cách mạng 1-11-63 tại thành Cộng Hòa cũ, vốn là trại quân của Lữ đoàn Liên Binh Phòng vệ của ông Diệm lúc trước.

Ngày 15-2-1966, giáo sư Trần Ngọc Ninh trao tặng 5 triệu rưỡi đồng cho Giáo hội Theravada để xây trường Pali. Chủ tịch Sơn Thái Nguyên tuyên bố “Từ nay Giáo hội Theravada không còn thống thuộc Nam Vang nữa”.

Những hoạt động chính trị, xã hội trên đây chứng tỏ Nguyễn Cao Kỳ có thiện chí muốn thực hiện một chính sách công bằng tôn giáo, một yếu tố tối cần thiết cho đời sống chính trị ở miền Nam trong giai đoạn đó vì mấy năm trước đây, chính sự bất công và bất bình đẳng tôn giáo đã là nguyên nhân khiến người quốc gia tuy cùng một lý tưởng chống Cộng nhưng lại xâu xé nhau như kẻ thù, đúng với quy luật “chia rẽ là chết”.

Ngoài ra, chính sách bóc lột, tham nhũng của anh em ông Diệm (mà Kỳ lên án nặng nề trong hồi ký Hai mươi năm, hai mươi ngày) đưa anh em ông Diệm vào tử lộ cũng là bài học thấm thía cho Kỳ. Vì thế Kỳ tuyên bố “Phải làm Cách mạng”, tuyên bố chính phủ của ông ta là “chính phủ của dân nghèo”, đồng thời Kỳ thiết lập pháp trường để xử tội gian thương... (Pháp trường cát trơ gan với thời gian trên một năm trời nhưng chỉ có một người Tàu là Tạ Vinh đền tội).

Tôi vốn quen thân với Kỳ lâu ngày nên biết rõ tâm tính của Kỳ. Kỳ trực tính nên hay tuyên bố “vọng ngôn” và hành xử phóng khoáng quá độ nên nhiều khi bị ví von là “cao bồi”; nhưng theo tôi thì Kỳ vẫn là thứ người hào hiệp, dám nói dám làm, trong một vài trường hợp cũng có thể gọi được là thứ người “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”. Kỳ lại thuộc một gia đình theo Tam giáo mà bà thân mẫu và nhạc mẫu là những người rất mộ đạo Phật. Thời cầm quyền, Kỳ vẫn trung thành với tinh thần Cách mạng 1-11-1963, cuộc cách mạng mà Kỳ đã tham gia tích cực, vẫn giữ ngày kỷ niệm này làm ngày Quốc khánh và đã ra lệnh đặt bảng kỷ niệm tại thành Cộng Hòa như đã nói trên. Kỳ cũng muốn “uống nước nhớ nguồn”, thứ nguồn gốc dân tộc Việt phát xuất từ địa phận Sơn Tây, nơi chôn nhau cắt rốn của Kỳ tại miền Bắc. Do đó Kỳ đã tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vô cùng trọng thể, đích thân đến chủ tọa để nhắc nhở quốc dân ghi nhớ công ơn vua Hùng dựng nước hầu làm tương phản với anh em ông Diệm cố tình quên đi nguồn gốc Lạc Hồng.

Tuy nhiên, dù ông Nguyễn Văn Thiệu và nhóm “Công Giáo Cần Lao Phục Hồi” chưa nắm thực quyền và dù ông Nguyễn Cao Kỳ tỏ ra có thiện chí, nhất là thiện chí muốn bảo tồn tinh thần Cách mạng 1-11-1963, “chiến lược gia Thích Trí Quang” lại có cái nhìn khác. Cái nhìn của ông đã được thể hiện qua lời tuyên bố: “Cần Lao mà cầm chính quyền thì chỉ đem chính nghĩa lại cho Cộng Sản, quân phiệt mà cầm quyền thì chỉ là tay sai cho ngoại bang”. Thực tế 10 năm dưới chế độ quân phiệt sau đó cho thấy quả thực Thượng tọa Thích Trí Quang đã có cái nhìn chính trị vô cùng sắc bén, sáng suốt.

Cho nên sau khi Thiệu-Kỳ cầm quyền được ít tháng, Thượng tọa Trí Quang phát động phong trào “đòi thực hiện dân chủ, đòi tướng lãnh trở về với nhiệm vụ quân đội, đòi tuyển cử tự do...” Phong trào đấu tranh âm ỷ rồi nổ bùng kể từ đầu năm 1966, tạo thành giai đoạn xáo trộn lần thứ hai, đặc biệt là tại quân khu I do tướng Nguyễn Chánh Thi giữ chức Tư lệnh.

Trong thời gian chống chế độ Diệm vào năm 1963, ta chỉ thấy mục đích của Phật giáo và của Thượng tọa Trí Quang là đòi hỏi “bình đẳng tôn giáo, tự do hành đạo”, nhưng từ sau khi chế độ Diệm bị lật đổ và nhất là từ khi cuộc chỉnh lý của Nguyễn Khánh mở màn cho sự phục hồi của Công giáo Cần Lao thì ta thấy Phật giáo và Thượng tọa Trí Quang thực sự dấn thân vào đấu tranh chính trị. Vậy lập trường chính trị và thái độ của Thượng tọa Trí Quang đối với hiện tình đất nước như thế nào?

Một số ký giả, học giả ngoại quốc đặc biệt nghiên cứu “bộ mặt mới” của Phật giáo Việt Nam, từng theo dõi các cuộc đấu tranh của Phật giáo hoặc được gần gũi, phỏng vấn Thượng tọa Trí Quang và nhận xét của họ như sau. Theo Jerrold Schecter thì:

Lập trường của Trí Quang là chống đối những kẻ khai thác việc chống Cộng. Ông ta nhấn mạnh rằng “Phật giáo chẳng những là nạn nhân của những kẻ lợi dụng việc chống Cộng. Hiện nay ở trong nước có ba lực lượng: Việt Cộng, những kẻ lợi dụng việc chống Cộng, và thứ ba là quần chúng”. Trí Quang nói rằng “Người Mỹ quan niệm người Việt Nam nên chấp nhận và chịu đựng những chính phủ xấu bởi vì tình hình Việt Nam đang nguy ngập do Việt cộng gây nên. Trái lại Phật giáo nhất định chống đối những chính phủ xấu vì những chính phủ này chỉ làm lợi cho Cộng Sản”. Trí Quang nói tiếp: “Tôi mạnh mẽ tin tưởng Cộng Sản sẽ không bao giờ thành công, tôi cũng tin tưởng mạnh mẽ rằng chủ nghĩa Cộng Sản không phải là lý tưởng của nhân loại. Nhân loại còn có những triết thuyết cao hơn”. Trí Quang cho rằng Hoa Kỳ chỉ chú ý đến những cấp lãnh đạo chính quyền mà không nghĩ đến quần chúng nhân dân. Hỏi Trí Quang có muốn Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam không thì ông ta trả lời “Dân Việt Nam chịu đau khổ hàng ngày, không ai muốn chiến tranh kéo dài, tuy nhiên dân Việt Nam không ai muốn bị đặt trước một giải pháp như trường hợp nước Lào vì giải pháp đó là phương thức hợp thức hóa chiến tranh”. Được yêu cầu giải thích rõ hơn, Trí Quang trả lời: “Nếu các ông nằm trong da thịt người Việt Nam, các ông sẽ hiểu rằng người Việt Nam không ai muốn chiến tranh hết, tuy nhiên, người Việt Nam cũng không muốn giải pháp nào chỉ làm lợi cho kẻ phiến loạn có cái thế để tấn công một chính phủ được dựng lên với đầy đủ pháp lý. Một giải pháp tạo dựng cho kẻ phiến loạn có pháp lý không bao giờ được Phật giáo chấp thuận”. Được hỏi thêm có phải như vậy là ông không chấp nhận MTGPMN, Trí Quang trả lời: “Tôi không muốn nêu rõ tên ai, nhưng bất cứ ai nhìn trận chiến này theo quan điểm riêng của họ sẽ không được dân chúng Việt Nam ủng hộ” [12].

Ký giả Jerrold Schecter còn cho biết thêm:

Trí Quang biết được vai trò của Phật giáo cũng chỉ có giới hạn nên ông ta nói thêm rằng “Phật giáo chúng tôi không muốn gì hết. Nói rằng Phật giáo muốn thế này thế kia là sai. Tất cả điều chúng tôi muốn là một chính phủ không đàn áp Phật giáo. Phật giáo không bảo trợ cho một chính phủ nào. Không thể một mình Phật giáo mà chống nổi Cộng Sản. Muốn chống Cộng Sản phải có quân đội và một bộ máy chính trị có sự hợp tác của các tôn giáo” [13].

Trong một cuộc phỏng vấn khác với ký giả Nhật Bản Takashi Oka, Thượng tọa Trí Quang đã nói:

“Cộng Sản chống chúng tôi vì Phật giáo nằm trong lòng dân tộc. Cộng Sản luôn luôn muốn tổ chức quần chúng mà Phật giáo lại là quần chúng. Điều đó gây khó khăn cho cả Cộng Sản lẫn cho cả chúng tôi”.[14]

“Rõ ràng Phật giáo đã đứng trong tư thế quần chúng Việt Nam, cùng chia sẻ vinh quang và tủi nhục, cùng cam chịu đau khổ và nhọc nhằn với dân tộc. Nếu phải chọn một con đường thì đó là “con đường Trung Đạo, vừa là đạo Ông Bà, vừa là đạo Âm Dương”... Những kẻ đi sai đường Trung Đạo, đều là những kẻ theo chủ nghĩa Tây phương phiến diện”.[15]

 

Nhìn lại thực tế lịch sử vận động dân chủ của Phật giáo, ta có thể tóm tắt lập trường chính trị của Thượng tọa Trí Quang gồm sáu điểm chính yếu sau đây:

1. Không hợp tác với Cộng Sản và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

2. Chống các chế độ độc tài và quân phiệt.

3. Chống sự phục hồi Công Giáo Cần Lao.

4. Chống chính sách áp đặt cấp lãnh đạo quốc gia theo ý muốn của Hoa Kỳ và chống văn hóa đồi trụy Tây phương du nhập vào Việt Nam.

5. Chống chiến tranh và đòi hỏi Hòa Bình.

6. Đấu tranh cho miền Nam Việt Nam một chế độ thật sự dân chủ thể hiện qua các cuộc bầu cử tự do, nghiêm chỉnh.

Cần phải biết thêm rằng trước khi Thượng tọa Trí Quang nêu rõ lập trường Hòa Bình của Phật giáo Việt Nam thì ngày 11-2-1965, Giáo Hoàng La Mã đã kêu gọi ngưng chiến tại Việt Nam. Cũng trong năm 1965, Giáo Hoàng Paul VI liên tiếp kêu gọi tín đồ cầu nguyện cho Hòa Bình Thế Giới vào ngày 11-7-1965. Qua ngày 4-10-1965, Giáo Hoàng đích thân đến thăm Hoa Kỳ, hội đàm với Tổng thống Johnson, bàn về tình hình thế giới và chiến tranh Việt Nam.

Sau khi rời Nữu Ước, Giáo Hoàng Paul VI bước vào giai đoạn cuối của một chiến dịch khéo léo để mang lại một nền hòa bình bằng thương thảo tại Việt Nam. Những văn phòng thông tin của Vatican được tổ chức lại để nhấn mạnh hơn vào đường giây liên lạc trực tiếp với đại diện Vatican tại Đông Nam Á.. La Mã tăng cường phái bộ ngoại giao tại Á Châu, đặc biệt tại những nước có quan hệ trực tiếp với Trung Quốc và Hà Nội. Tổng Giám mục Igino Cardinale, đại diện Tòa thánh tại Luân Đôn, liên lạc với những người đại diện Việt Nam tại Âu Châu. Đại diện Tòa thánh tại Ba Lê, Tổng Giám mục Paolo Bertoli, làm việc chung với chính phủ Pháp, để áp lực cả Hà Nội lẫn Sài Gòn. Vatican lại cũng rất xông xáo tại các thủ đô Đông Âu như Budapest, nơi người được gọi là Giám mục Đỏ Endre Hamvas, vốn được bổ nhiệm với sự chấp thuận của chế độ Cộng Sản, đã nỗ lực đóng vai trò trung gian. Đại diện Vatican tại Cam bốt cũng được báo cáo là liên hệ thẳng với Việt Cộng. Từ khắp nơi trên thế giới, tin tức tình báo đổ tràn về Vatican qua các nhà ngoại giao, các vị giáo phẩm, các nhà truyền giáo, và qua các tín đồ Thiên Chúa giáo; và ngay cả Giáo Hoàng cũng trao đổi công điện trực tiếp với ông Hồ Chí Minh”. (The American Pope, John Cooney-Time Books 1984, trang 293).

Như thế là cả Phật giáo lẫn Công giáo đều mong muốn chấm dứt chiến tranh, thực hiện Hòa Bình. Có khác chăng là cuộc vận động ngưng chiến của Tòa thánh La Mã có tầm vóc quốc tế, có ảnh hưởng đến đường lối chính trị của Hoa Kỳ, có lợi cho Cộng Sản. Trái lại, nguyện vọng Hòa Bình của Phật giáo Việt Nam chỉ nằm trong biên giới miền Nam và có lợi cho dân tộc Việt Nam mà thôi. Không nói thì ai cũng biết ảnh hưởng chính trị của Giáo hoàng trên trường quốc tế to lớn như thế nào, ảnh hưởng đó đã giúp cho Cộng Sản Hà Nội giải phóng được miền Nam (việc mà tôi sẽ nói rõ ở một chương sau). Trong lúc đó thì chủ trương Hòa Bình, Trung lập, Hòa giải của Thượng tọa Trí Quang là để tránh sự thôn tính miền Nam của Cộng Sản Hà Nội nhưng lại không tạo được một ảnh hưởng nào đối với người Mỹ và chính phủ Thiệu-Kỳ.

Nhưng dù sáng kiến Hòa Bình do bất kỳ ai đưa ra thì cuộc vận động đưa đến Hòa Bình không phải dễ dàng và tất nhiên còn đòi hỏi rất nhiều thời gian và trải qua nhiều thử thách, lừa lọc giữa các phe lâm chiến. Huống chi chiến tranh Việt Nam là thứ chiến tranh ủy nhiệm mà bộ não chiến tranh thật sự nằm tại Moscow và Washington.

Riêng đối với Thượng tọa Trí Quang thì dù chiến tranh hay Hòa Bình, trước hết miền Nam Việt Nam phải được lãnh đạo bởi những nhà lãnh đạo do nhân dân lựa chọn trong tự do và dân chủ. Quan niệm của ông là chính phủ phải do nhân dân hoàn toàn tự do bầu lên trong một thể chế thật sự dân chủ, và có như vậy miền Nam mới có đủ uy tín và thực lực để nói chuyện Chiến Tranh hay Hòa Bình. Ông đã nói rõ cho các ký giả quốc tế biết là ông cũng không chống lại hai tướng Thiệu-Kỳ ứng cử chức Tổng thống. Ông chỉ đòi hỏi bất cứ tướng lãnh nào muốn làm chính trị, muốn vào chính quyền thì phải cởi áo nhà binh trước đã và phải qua một cuộc bầu cử hoàn toàn tự do, nghiêm chỉnh.

Đường lối cứu nước của Phật giáo và của Thượng tọa Trí Quang rất minh bạch, chủ trương chiến lược của ông thật là sáng suốt, tiếc thay cuộc đấu tranh cho dân chủ của ông năm 1966 bị thất bại mà nguyên nhân trước hết là vì tình hình nội bộ của phong trào đấu tranh:

- Tổ chức ô hợp.

- Tinh thần quá khích, cơ hội chủ nghĩa, đầu óc phiêu lưu của nhóm tranh đấu trong “Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc” và sinh viên Huế.

- Hậu quả xáo trộn trong giai đoạn Một còn ám ảnh tinh thần nhân dân và quân đội, do đó đưa đến sự thiếu thiện cảm và sự ủng hộ của nhân dân đối với cuộc đấu tranh 1966 của Phật giáo.

- Tiềm lực đấu tranh chỉ thu hẹp trong thành phố Đà Nẵng và Huế, làm cho cuộc tấn công của quân chính phủ được thực hiện dễ dàng.

- Tình hình chiến tranh sôi động, cuộc đổ bộ của quân đội Mỹ vào Việt Nam, quyết tâm ủng hộ các tướng Thiệu-Kỳ và quyết tâm leo thang chiến tranh của Tổng thống Johnson gây tâm lý lạc quan cho các đảng phái và các phần tử chống Cộng. Từ đó, họ nghi ngờ phong trào đấu tranh của Thượng tọa Trí Quang là phong trào tay sai của Cộng Sản.

- Sự xâm nhập dĩ nhiên của các phần tử thân Cộng vào hàng ngũ đấu tranh hầu chia rẽ, ly gián phe quốc gia, phá hoại phong trào đấu tranh để gây phân hóa thêm cho quần chúng.

 

Nhớ lại trong chín năm cai trị của nhà Ngô, hơn nơi nào hết, dân chúng miền Trung, đặc biệt là Phật tử và các đảng viên Việt Quốc và Đại Việt là chứng nhân, nạn nhân, đối tượng đau khổ nhục nhã nhất của chính sách tàn ác vô độ của lãnh chúa Ngô Đình Cẩn, của tập đoàn hung thần trong cơ quan công an mật vụ, trong ban Công Tác Đặc Biệt miền Trung, trong trại Chín Hầm; là chứng nhân, nạn nhân, đối tượng đau khổ nhục nhã nhất của nền kỳ thị tôn giáo hiểm độc và trắng trợn của ông Ngô Đình Thục, Phạm Ngọc Chi và nhóm Công Giáo Cần Lao; là chứng nhân, nạn nhân, đối tượng đau khổ nhục nhã nhất của nạn bóc lột vơ vét, tham nhũng, nạn hối mại quyền thế của hai hai ông Thục, Cẩn, và bộ hạ tay sai. Chín năm sống dưới chế độ Diệm, thân phận người dân miền Trung chẳng khác nào bùn lầy, rác rơm, sâu bọ:

Trong nệm ấm kẻ bạo tàn đâu có biết

Bao thân người chui rúc dưới tanh hôi

Và nghe hồn khóc kể mãi không thôi...

Câu thơ của cô Ái Huyên, nữ sinh trường Đồng Khánh Huế, chỉ mới lột tả một phần nào kiếp sống “Địa ngục Trần gian” của những người dân thấp cổ bé miệng nơi quê hương vốn đã mùa Đông thiếu áo, mùa Hè thiếu cơm.

Nhớ lại như thế để thấy rằng càng bị áp bức khủng bố gay gắt thì càng căm thù và phản ứng quyết liệt. Nhưng không phải vì thế mà những người trong Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc, gồm đại đa số trí thức mang danh cách mạng, cứu quốc lại có thể manh động làm hỏng chủ trương cao đẹp của mình và Phật giáo.

Những yếu tố trên đây đã làm cho Thượng tọa Trí Quang không làm chủ được tình hình và không kiểm soát nổi hoạt động của cán bộ, của cộng sự viên mà một số đã có sẵn hậu ý chính trị riêng tư.

Thêm vào đó, chủ trương triệt hạ không nương tay cuộc đấu tranh Phật giáo của nhóm tướng lãnh cầm quyền với sự giúp đỡ của người Mỹ và một số phần tử đảng phái phản động, đã đưa cuộc đấu tranh đến thất bại, tê liệt hóa hoạt động của Thượng tọa Trí Quang trong niềm tiếc thương và uất hận của Phật giáo đồ Việt Nam, đặc biệt là của khối Phật tử đông đảo miền Trung.

Nhưng thời gian là vị thần công lý, thời gian lột trần những bí ẩn để những bộ mặt phản bội, bất nhân phải đối diện với ánh sáng của sự thật mà tôi muốn đưa ra đây vài dự kiện để chứng minh:

Nhân buổi nói chuyện về Ngày Quân Lực 19/6/1988 được tổ chức tại Orlando (Florida), ông Nguyễn Cao Kỳ thú nhận đã bỏ ra 20 triệu bạc cho Nguyễn Lương, một cán bộ Việt Quốc miền Trung để y tổ chức những vụ đánh phá Phật giáo (tạp chí Ánh Sáng Dân Tộc, Fresno California, số 30, ngày 15/9/1988). Tiền đâu mà Kỳ có nhiều đến thế! Ông Kỳ đã học sách lược của ông Ngô Đình Nhu dùng thủ đoạn ngầm để đánh phá Phật giáo tạo hoang mang cho đồng bào, những kẻ dễ tin, để hiểu lầm hành động đầy chính nghĩa của Phật giáo.

Về mặt quân sự, nhóm Nguyễn Cao Kỳ đã mất hết lương tri khi đối phó với đồng bào Phật tử như với kẻ thù Cộng Sản. Hãy đọc đoạn hồi ký “Những Sự Thật Đau Lòng” của Phụng Hồng để thấy hành động tàn bạo của nhóm quân phiệt chỉ biết vì danh lợi mà bất cần xương máu của nhân dân. Nhân chứng Phụng Hồng viết rằng:

“Cuộc chiến cốt nhục giữa quân nhân Phật tử và quân nhân phe Thiệu-Kỳ đã xảy ra khốc liệt tại Thành phố Đà Nẵng từ chiều ngày 16 tháng 6. Ông Kỳ đã đưa ra Đà Nẵng nhiều Tiểu đoàn Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến gồm những quân nhân Công giáo để đàn áp quân nhân Phật tử theo Viện Hóa Đạo Ấn Quang, thường dân bị lạc đạn và chiến sĩ đôi bên bị thương và chết vô số kể...

“Một tuần sau đó, tướng Nguyễn Hữu Có, Tổng ủy viên Chiến tranh, ra thăm và ủy lạo “nạn nhân của mấy thầy” (danh từ ông nói khi xuống máy bay Đà Nẵng). Mỉa mai thay, sau đây là mẩu đối thoại nhỏ mà tôi nghe được để rồi xót xa trong lòng cho mãi đến ngày nay.

Đến một giường bệnh, ông Có hỏi một Trung sĩ Biệt Động Quân đang bị băng mắt:

- Em bị thương tại chùa Tỉnh Hội do “đạn từ chùa” bắn ra phải không?

- Dạ không, tôi bị thương tại Thạch Trụ

Ông Có chau mày một hồi rồi hỏi:

- Thạch Trụ ở đâu?

- Ở Quảng Ngãi. Tôi được nghỉ 29 ngày tái khám chưa lành vết thương ở chân bị gãy thì nay lại bị thương ở đầu do đạn của Thủy Quân Lục Chiến bắn vào chùa lạc sang nhà tôi.

Cả phái đoàn đi theo ông Có đều im lặng, kể cả ông Có. Riêng tôi vẫn băn khoăn tự hỏi lúc đó họ có biết hổ thẹn với lương tâm hay không? Ba tháng sau xuất viện, ông Trung sĩ Liên đó bị thuyên chuyển đi Khe Sanh.

Chao ôi! Ông làm Tổng trưởng Quốc Phòng mà không rõ địa thế, không biết Thạch Trụ ở đâu. Lại khi hỏi người ta, ông luôn luôn chủ quan hướng dẫn câu hỏi “từ trong bắn ra” nghĩa là do quân của mấy Thầy, mấy Thượng Tọa quá khích (lời của ông Có) bắn từ trong Chùa. Ông đâu có biết rằng quân nhân Phật tử lúc đó đã án binh bất động tại các chùa và đã rút lui tản mác ra ngoài vì không muốn gây đổ máu với đồng đội vì họ biết ở trong đám Dù, Thủy Quân Lục Chiến đó cũng còn chút máu mủ. Ông đâu có biết “quân ở ngoài” đã bắn vào chùa làm hư hại và thương vong rất nhiều vì họ đã được ông Kỳ hứa sẽ cho tiền thưởng khi dẹp xong “loạn Phật giáo miền Trung” (danh từ báo chí hồi đó).

Phụng Hồng, tác giả đoạn Hồi ký trên đây (tạp chí Hồn Việt, Xuân Kỷ Tỵ, 1989), là ông Tạ Thúc Phú, cựu Trung tá Bác sĩ Quân Y tại bệnh viện Duy Tân (Đà Nẵng), nhân chứng bằng xương bằng thịt của biến cố “nồi da xáo thịt” do nhóm Kỳ Thiệu gây ra, không phải là người của Ấn Quang, nên bài kể trên đây chắc chắn là vô tư, không phe phái. Bài này cũng gián tiếp bác bỏ luôn luận điệu xuyên tạc của linh mục Cao Văn Luận trong hồi ký Bên Giòng Lịch Sử, khi ông cố tình vu khống Phật tử của Thượng tọa Trí Quang phá hoại các làng Công giáo ở Đà Nẵng. Linh mục Cao Văn Luận viết rằng:

... Nhóm ông Tâm Châu thì ủng hộ chính phủ Quốc gia trong khi nhóm ông Trí Quang thì hoàn toàn chống chính phủ Quốc gia và nhất là chống Mỹ...

Tướng Nguyễn Chánh Thi thì hoàn toàn theo Thượng Tọa Trí Quang. Cho nên vào thời kỳ ông Nguyễn Cao Kỳ giữ chức Thủ tướng thì ở Huế, tướng Nguyễn Chánh Thi đã gây ra chuyện các Phật tử vào phá các làng Công giáo ở Đà Nẵng là những làng của dân di cư Công giáo từ Nghệ An và Hà Tĩnh vào. Ở hai làng Thanh Bồ và Đức Lợi, nhóm Phật giáo đã vào đốt phá mà tướng Nguyễn Chánh Thi cứ nhắm mắt làm ngơ. Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã phải đem quân ra dẹp yên vụ đó và cách chức tướng Nguyễn Chánh Thi. Tướng Thi lìa bỏ Việt Nam và sang Mỹ tạm trú. (“Bên Giòng Lịch Sử, Việt Nam 1940-1975”, Cao Văn Luận, 1983, California, tr.331).

Những dự kiện ông Luận viết trên đây nằm trong cả một chiến dịch xuyên tạc và có ác ý của khối Công giáo tại hải ngoại, và đã bị phản bác nhiều lần trên báo chí, kể cả trên cuốn “Lột Mặt Nạ Những Con Thò Lò Chính Trị” của tác giả Lê Trọng Văn:

Tác giả họ Cao viết thêm đoạn văn kể trên không đúng với thời điểm xảy ra sự việc. Vì vụ Tam Hòa, Thanh Bồ, Đức Lợi ở Đà Nẵng xảy ra vào năm 1964, lúc đó ông Kỳ chưa làm Thủ tướng và lúc đó ông Thi mới được lên Chuẩn tướng mấy ngày và đang là Tư lệnh Sư đoàn 1 tại Huế, nên ông Thi không có trách nhiệm gì ở Đà Nẵng cả. Giai đoạn đó, Đà Nẵng thuộc quyền ông Thị trưởng Đại tá Lê Quang Mỹ và ông Tư lệnh Quân đoàn là Thiếu tướng Tôn Thất Xứng. Làm sao mà tác giả họ Cao lại có thể đoan quyết tướng Thi ở Huế mà có thể gây ra chuyện các Phật tử vào phá hoại các làng Công giáo ở Đà Nẵng và tướng Thi làm ngơ. Tướng Nguyễn Cao Kỳ lên làm Thủ tướng vào ngày 14/6/1965 (“Việc Từng Ngày”, Đoàn Thêm, tr.86).

Tác giả Cao Văn Luận viết lịch sử mà chỉ có một sự việc đã lẫn lộn tới ba thời điểm khác nhau. Viết như vậy tác giả họ Cao chỉ với mục đích vu oan giá họa cho người và lấy lòng những kẻ hoài Ngô ở hại ngoại nầy thôi. (“Lột Mặt Nạ Những Con Thò Lò Chính Trị”, Lê Trọng Văn, Hoa Kỳ, năm 1991, tr.292-293).

Nhưng điều chua xót cho Phật giáo Việt Nam hơn cả trong vụ đấu tranh miền Trung 1966 là việc Hòa thượng Tâm Châu đang là Viện Trưởng Viện Hóa Đạo mà lại ủng hộ chính phủ Nguyễn Cao Kỳ. Ông hoàn toàn đi ngược lại với đường lối chống quân phiệt và đòi dân chủ của đại khối Phật giáo đồ gồm cả các nhà sư Bắc, Trung, Nam (với những nhà sư Bắc tên tuổi như Thích Đức Nhuận, Thích Quảng Độ,...). Một lần nữa, thời gian lại cho ta biết một bí ẩn lịch sử khác, đó là việc Hòa thượng Tâm Châu ủng hộ Nguyễn Cao Kỳ vì có liên hệ qua hôn nhân. (“Việt Nam Niên Biểu Nhân Vật Chí”, Chánh Đạo Vũ Ngự Chiêu, Houston, 1993, tr.499).

Chua xót hơn nữa cho hàng ngũ Phật tử là sau khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản do chính nhóm quân phiệt Thiệu, Kỳ, Viên, Khiêm gây ra, đáng lẽ làm thân lưu vong biệt xứ, Hòa thượng Tâm Châu nên ăn năm sám hối thì ông lại viết thư đăng trên tờ báo Văn Nghệ Tiền Phong, tờ báo chuyên đánh phá Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, để gán cho việc đem bàn thờ Phật xuống đường trong cuộc đấu tranh 1966 là hành “hành động bất lợi cho chính nghĩa quốc gia” (Văn Nghệ Tiền Phong, số 289, ngày 1/2/1989).

Luận điệu “chống Ấn Quang, bênh Nguyễn Cao Kỳ” của Hòa thượng đã giúp ông cựu Thượng Nghị sĩ Nguyễn Văn Chức, nhân vật coi Phật giáo, Thượng tọa Trí Quang và phong trào Cần Vương, Văn Thân như kẻ thù (xem “Việt Nam Chính Sử” của ông Chức) có tài liệu để ông ta gán cho cuộc đấu tranh Phật giáo năm 1966 bằng lời lẽ xấc láo, độc địa không tưởng tượng nổi là “hành động đại nghịch tặc, đại vô đạo và đại vô luân, mà chỉ bọn Cộng Sản vô thần và tay sai mới dám làm. Và “họ” đã dám làm”. (“Việt Nam Chính Sử”, tr.17). Cũng như ông Chức đã dựa vào luận điệu xuyên tạc của ký giả ngoại quốc thân nhà Ngô để gọi những vụ tự thiêu dành quyền sống cho Phật giáo là “Một tổ tự thiêu, cũng gọi là một ban tuyển mộ tự thiêu được thành lập, để tuyển mộ ứng viên tự thiêu. Những ứng viên nầy bị tuyên truyền, bị lừa bịp, bị tẩy não, bị nhồi sọ rồi bị xô vào lửa”. (“Việt Nam Chính Sử”, tr.136).

Viết như thế, ông Chức đã không hiểu biết gì hết về vận động dân chủ, lại càng không hiểu gì về đạo Phật cả. Trời lạnh Phật tử còn mang tượng Phật ra đốt để sưởi ấm, Phật tử có thể nói “gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ” thì sá gì cái bàn thờ bằng gỗ, cái lư hương bằng kim loại mà không đem ra chắn lối xe quân phiệt độc tài. Tôi muốn hỏi thêm ông Chức việc tín đồ Công giáo Việt Nam tại San Jose đem thánh giá xuống đường, có khi còn nhảy lên bệ Chúa để la hét trong vụ đấu tranh chống Giám mục Dumaine mà nhiều khi cảnh sát Mỹ phải đem đội quân khuyển đến để đối phó có là hành động đại nghịch tặc, đại vô đạo, đại vô luân,... hay không?

Tuy nhiên, trong lúc ông cựu Luật sư Nguyễn Văn Chức gay gắt lên án cuộc đấu tranh của Phật giáo năm 1966 thì cựu luật sư Võ Văn Quan, vị luật sư đã từng biện hộ nhiều vụ án chính trị nổi tiếng như vụ án Chủ tịch sinh viên Huế Nguyễn Hữu Giao, vụ án Bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn (vụ miền Trung 1966) lại có cái nhìn về vụ đấu tranh của Phật giáo và Thượng Tọa Trí Quang hoàn toàn trái ngược với cái nhìn của ông cựu Luật sư Chức. Một bài trong Hồi Ký “Luật sư: Nghề hay Nghiệp” của luật sư Quan đăng trên tạp chí Ngày Nay được tôi trích và ghi lại trong phần Phụ Lục tập sách này, như một tài liệu lịch sử để độc giả thấy thái độ chính trị và phong thái kẻ sĩ nơi con người Luật sư Quan, hoàn toàn khác biệt với lập trường và tư cách của Luật sư Chức, một trí thức tín đồ Công giáo.

Ông Nguyễn Văn Chức, từ khi phải chạy ra nước ngoài đã không tiếc lời đả kích tướng lãnh trên báo chí, đặc biệt là hai tướng Thiệu Kỳ, những kẻ mà Thượng tọa Trí Quang, năm 1966, đòi phải rút lui khỏi chính trị để thiết lập một chế độ dân chủ cho miền Nam, cũng bị ông Chức chưởi rủa. Vậy thì tại sao ông Chức lại gán cho Thượng tọa Trí Quang đã có hành động đại nghịch tặc, đại vô đạo, đại vô luân và vu khống cho Thượng tọa là Cộng Sản.

 

-o0o-

 

Vào đầu tháng 6 năm 1966, cuộc đấu tranh của Thượng tọa Trí Quang coi như bế tắc và thất bại, quân đội của chính phủ kiểm soát tình hình Đà Nẵng và Huế. Hàng ngàn sinh viên, Phật tử, công chức và quân nhân bị bắt. Thượng tọa Trí Quang bị “mời” vào Sài Gòn. Ông dự định tuyệt thực vô thời hạn nhưng sau 100 ngày, Đức Tăng Thống ra lệnh phải chấm dứt. Ông trở về chùa Ấn Quang, từ đó tu ẩn không có một hoạt động chính trị nào. Cho đến cuối năm 1974, đầu năm 1975, khi miền Nam thực sự đứng trên bờ vực thẳm, khi Nguyễn Văn Thiệu bất lực để cho Hoa Kỳ giải kết khỏi miền Nam qua Hiệp định Paris 1973, khi quân đội Việt Nam Cọng Hòa các quân khu I, II, III đã hoàn toàn bị động bỏ dần đất đai cho Cộng Sản tấn chiếm, Thượng tọa mới xuất hiện lại để thành lập Lực lượng thứ ba với chủ trương Hòa hợp Hòa giải Dân tộc.

Trở lại với cuộc đấu tranh đòi hỏi dân chủ của Phật giáo năm 1966, ta thấy một điều chua xót là quân phiệt đã không bị lật đổ mà còn được củng cố qua việc tổ chức bầu cử các cơ cấu Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp, các Hội đồng hàng Tỉnh, hàng Xã... Ngày 3 tháng 9 năm 1967, hai tướng Thiệu-Kỳ đắc cử Tổng thống và Phó Tổng thống.

Điều trớ trêu là trước khi cùng đắc cử, hai tướng Thiệu và Kỳ đã tranh chấp nhau quyết liệt để giành nhau làm ứng cử viên Tổng thống. Cuộc tranh chấp tưởng đã gây ra đổ máu nếu không có Hoa Kỳ và tướng lãnh can thiệp dàn xếp. Điều kiện để cho Nguyễn Cao Kỳ đồng ý thỏa hiệp với Thiệu là một cộng sự viên của Kỳ phải làm Thủ tướng (ông Nguyễn Văn Lộc) trong lúc Thiệu nắm trọn quyền lãnh đạo quốc gia và Tổng Tư lệnh Quân Đội. Khốn nỗi, chức Thủ tướng chỉ là chức vụ bấp bênh vì do Tổng thống chỉ định cho nên chỉ mấy tháng sau, Thủ tướng Nguyễn Văn Lộc bị giải nhiệm và Kỳ chẳng còn quyền lực gì nữa ngoài chức Phó Tổng thống “ngồi chơi xơi nước” cho đến hết nhiệm kỳ rồi bị Thiệu đẩy ra khỏi chính quyền vĩnh viễn. Ngay từ khi Thủ tướng Lộc mất chức, Kỳ đã biết Thiệu lừa mình nên từ đó Kỳ đâm ra thù hằn tìm cách chống phá Thiệu. Nhưng ông Thiệu đã có đa số tướng trẻ và toàn khối Công giáo ủng hộ nên đành hành động chống phá của ông Kỳ chỉ còn là hành động tuyệt vọng không mang lại kết quả nào cả.

Về cuộc bầu cử năm 1967, không cần phải là nhà tiên tri cũng biết được liên danh Thiệu-Kỳ nhất định phải thắng. Họ đã thắng với 35% tổng số phiếu cử tri đi bầu và tất nhiên số cử tri đó chỉ là cử tri quân đội, công an, nhân dân tự vệ và khối Công giáo mà thôi, bởi vì Phật giáo thì đã tẩy chay bầu cử, còn các thành phần quốc gia khác thì đã dồn phiếu cho các nhân vật dân sự tên tuổi, đặc biệt là các ông Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Trương Đình Du, Hà Thúc Ký...

Đến nhiệm kỳ thứ nhì năm 1971, lúc đầu còn có hai liên danh Tổng thống của Dương Văn Minh và Nguyễn Cao Kỳ tranh cử, nhưng gần phút chót hai liên danh này biết Thiệu sẽ tổ chức bầu cử gian lận nên rút lui. Thiệu phải bày trò độc diễn làm trò cười cho quốc tế, làm mất niềm tin của chính giới và nhân dân Hoa Kỳ, tăng thêm chính nghĩa cho các phong trào phản chiến và đẩy Việt Nam Cọng Hòa vào thế cô lập suy yếu.

Cũng cần phải nói thêm rằng từ khi ông Kỳ đè bẹp được cuộc đấu tranh của Phật giáo, ông đã quên những lời tuyên bố hứa hẹn cách mạng cũ. Ông Kỳ với phe nhóm và chị ruột là bà Nguyễn Thị Lý thực hiện việc làm giàu riêng tư qua các hành động tham nhũng, buôn lậu, hối mại quyền thế, và đặc biệt là buôn thuốc phiện lậu. Sau Kỳ đến Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Đặng Văn Quang, Cao Văn Viên, và nhiều tướng lãnh khác nữa, tất cả đã làm cho tệ trạng tham nhũng và buôn thuốc phiện lậu mang một kích thước vĩ đại bao trùm cả nước, các Dân biểu Công giáo Cần Lao tay chân của ông Thiệu cũng lợi dụng các vụ xuất ngoại để buôn lậu vàng, thuốc phiện, đô la. Trong mười năm trời cầm quyền, nhóm quân phiệt và nhóm Công giáo Cần Lao tay chân của ông Thiệu theo vết chân cũ của anh em nhà họ Ngô phá nát quốc gia về cả mọi mặt: uy tín, kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao. Suy sụp đó của cấp lãnh đạo Việt Nam đã là một trong những lý do chính làm cho Hoa Kỳ thay đổi chính sách để dàn xếp bắt tay với Hà Nội, hầu giải kết khỏi vũng bùn Việt Nam. Năm 1974, 1975 các phong trào chống đối chiến tranh, chống đối chính quyền nổi lên trong lúc lực lượng hai triệu tín đồ Cao Đài giữ thế trung lập giữa Việt Nam Cọng Hòa và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam.

Tổng kết một số hình ảnh đen tối trên đây để thấy cuộc đấu tranh đòi hỏi dân chủ của Thượng toạ Trí Quang chống độc tài, chống quân phiệt, chống sự phục hồi của Công giáo Cần Lao là hợp lý, là chính nghĩa. Cứ nhìn vào việc Thiệu-Kỳ tranh chấp phá hoại nhau, cứ nhìn vào việc các tướng tá truất phế lẫn nhau, cứ nhìn vào nền tham nhũng khủng khiếp của Thiệu-Kỳ và các tướng lãnh, cứ nhìn vào việc chế độ quân phiệt không chống nổi Cộng Sản, cứ nhìn vào việc toàn dân chống đối Nguyễn Văn Thiệu và đòi hỏi ông Thiệu từ chức, cứ nghe lời tuyên bố của ông Thiệu “khi nào Mỹ không viện trợ nữa thì tôi sẽ từ chức”, cứ nhìn vào tư cách của Thiệu, Khiêm, Viên bỏ quân đội, bỏ nhân dân ra đi khi binh sĩ vẫn còn tiếp tục chiến đấu (1975), cứ nhìn vào việc đại đa số người Công giáo ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu, cứ nhìn vào cái hiệp ước bán nước 1973, thì ta đủ thấy chính nghĩa đấu tranh của Thượng tọa Trí Quang năm 1966 sáng rực như mặt trời. Tôi cần nhắc lại lời tuyên bố của Thượng tọa thời đó: “Hễ Cần Lao Công Giáo mà cầm quyền là đem chính nghĩa lại cho Cộng Sản, hễ quân phiệt mà cầm quyền là làm tay sai cho ngoại bang”.

Tuy nhiên, điều chua xót là trong lúc Thượng tọa Trí Quang nắm vững chính lược và chiến lược, nhìn tương lai đất nước bằng cặp mắt sắc bén thì Phật giáo lại bước vào thời Mạt-Pháp sau giai đoạn huy hoàng 1963.

Năm 1966, Thượng tọa Trí Quang vào chùa tu ẩn. Phong trào đấu tranh bị dẹp tan là dấu hiệu suy nhược hoàn toàn của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Sự chia rẽ thành hai phe Việt Nam Quốc Tự và Ấn Quang càng làm cho hàng ngũ Phật tử hoang mang giao động, làm cho quốc dân mất niềm tin vào lực lượng dân tộc đông đảo nhất của miền Nam Việt Nam. Thế rồi, trong nhiệm kỳ I của nền Đệ Nhị Cộng Hòa, Phật giáo “Ấn Quang” tẩy chay tất cả các cuộc bầu cử. Nếu cuộc tẩy chay đó là sai lầm chiến thuật trong cuộc trường kỳ tranh đấu, trong một đất nước cần có tiếng nói đối lập của phe đa số, thì trái lại thái độ tẩy chay vẫn dành cho Phật giáo cái uy tín là vẫn kiên cường với lập trường “bất hợp tác” với chế độ quân phiệt. Ngoài ra, nếu “tẩy chay” để sửa sai, để củng cố lại nội bộ, để đoàn ngũ hóa lại lực lượng Phật tử làm thế đứng vững chắc cho Phật giáo trong những cuộc đấu tranh chính trị tương lai, thì cuộc tẩy chay mới thật sự có ý nghĩa. Tiếc thay, sau nhiệm kỳ của Một của các cơ cấu Thượng, Hạ viện, Hội đồng Tỉnh, Xã, đến nhiệm kỳ Hai, một số nhà sư lại điều động những “con bài” của mình tham dự vào chính trường mà điển hình là liên danh Hoa Sen do ông Vũ Văn Mẫu cầm đầu. Đến đây thì Phật giáo Ấn Quang đã tự hạ mình ngang hàng với các đảng phái, các đoàn thể nhỏ, tranh dành quần chúng với các đảng phái để giành giật các chức vụ dân cử (đặc biệt với hai đảng Đại Việt và Việt Quốc tại miền Trung). Do đó, thái độ bất hợp tác chính trị với chế độ Thiệu-Kỳ trước kia không còn ý nghĩa cao đẹp ban đầu nữa mà chỉ còn được suy diễn như một thái độ giận lẫy vô trách nhiệm không hơn không kém.

Sự “tham chánh” này, nếu muốn gọi nó là tham chánh, đã tạo ra tinh thần hủ hóa cho nhiều nhà sư, nhiều cư sĩ, nhiều Phật tử. Nhiều nhà sư còn nặng lòng trần đã tự biến thành lãnh tụ chính trị, nhiều Phật tử danh lợi đã chạy theo chính quyền, nhiều cư sĩ manh động đã tự biến thành Phật tử trá hàng, Phật tử cơ hội, nhiều chùa chiền đã biến thành trụ sở chính trị nơi ban phát ân huệ, nơi mua bán danh lợi... Lịch sử Phật giáo gặp nhiều thời kỳ Mạt-Pháp, nhưng chưa bao giờ mạt pháp vì “xôi thịt” như thời Mạt pháp từ 1970-1971 trở đi, làm xót xa cho hàng triệu Phật tử thuần thành, trung kiên mà lời than trách của ông Võ Văn Ái sau đây mô tả đầy đủ nỗi đau lòng nhục nhã của những người Phật tử chân chính đó.

Trong “Lá thư ngỏ gởi người Phật tử Việt Nam”, ông Võ Văn ái, một học giả quen thuộc của quần chúng Phật giáo, từng là biên tập viên Nguyệt san Liên Hoa (cơ quan ngôn luận của giáo hội Tăng già tại Huế) và là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Nguyễn Trãi Sinh thức và Hành Động”, chủ nhiệm nguyệt san Quê Mẹ tại Pháp, đã thẳng thắn lên án thành phần Phật tử đã nói trên mà tôi xin trích lại đây vài đoạn ngắn để làm dẫn chứng:

“Từ chính biến 1963 trở đi, hai hạng Phật tử mới xuất hiện trong hàng ngũ Phật giáo của chúng ta. Một phần đến từ giới trí thức tỉnh ngủ nhìn thấy như phao cứu, như một lý tưởng cứu nguy, họ nương mình cộng tác. Trong số này, nhiều người đã tỏ ra ưu tư và chí thành, nhưng một phần khác tỏ ra nông nỗi và manh động. Đối với họ, chỉ có hoạt động, hậu quả, kết quả tức thì: họ bất chấp thực tại cùng những điều kiện tạo sự việc hay tâm lý; thực cảnh khác với điều họ suy tưởng, thế nhưng họ vẫn chưa giác ngộ, trầm chìm mãi trong mạnh động. Thực cảnh chứa đầy những gian dối, tráo trở, hầm ngầm. Đối diện với một thực cảnh to quá tầm vóc của sự hiểu biết của họ, họ giao động, họ nhảy từ núi này sang núi khác, thiếu căn bản tu học, không được vũ trang tinh thần, không được thực chứng trong đời sống hằng nhật, họ hốt hoảng đem những sở học nông cạn, phi Phật giáo, mà xã hội cũ đã tiêm chích vào họ ra hành hoạt. Sự sa ngã thất bại của họ kéo theo sự khốn đốn của tổ chức họ tham gia. Hạng Phật tử đó đến với một hậu ý chính trị.

Đường hướng Hòa bình và Hòa giải của đạo Phật đã bị những Phật tử hoạt đầu, cơ hội và đầu lưỡi phá phách không ít. Chính hạng Phật tử ngụy trang này đã bao vây một số các vị tăng sĩ. Chúng lợi dụng tấm lòng vị tha không giới tuyến của các tăng sĩ để ly gián nội bộ Phật giáo, đồng thời hướng các Thầy về những mục tiêu thời thượng. Có vị thì chúng đem sự giàu sang, của cải, sung túc ra bủa vây, có vị thì chúng nêu lý tưởng dân tộc, dân chủ, hòa bình, yêu nước,... làm bàn đạp đẩy các vị tăng sĩ vào quỹ đạo của chúng.

Bản chất đạo Phật không chống kích ai, không chống kích chủ nghĩa nào cả vì đạo Phật có con đường của đạo Phật nhưng không vì thế mà đạo Phật bước vào con đường a dua giai đoạn. Các vị tăng sĩ tuy tâm đắc hướng dẫn tâm linh nhưng không kinh nghiệm việc đời với thói thường xảo trá, giảo hoạt nên đã hơn một lần ngoại nhân thành công trong chủ đích ly gián của chúng. Sự kiện đã gây ra thiệt hại lớn: một là quần chúng mất tin tưởng, quý vị tăng sĩ bất hòa ắt dư luận hoang mang. Quần chúng vốn chờ đợi ở giới lãnh đạo tăng sĩ, ở một lực lượng tâm linh những gì khác hơn là sự tranh chấp đảng phái hoành hành chính trường từ 30 năm nay. Hai là vì sự bao vây trên, các vị tăng sĩ bỏ rơi những Phật tử nồng cốt, trung kiên.

Biết bao người Phật tử trung kiên âm thầm nhìn cảnh những con rối diễn trò trên khung cảnh của chùa viện và tiếc nuối thời cơ bị bỏ rơi như nước tuôn qua kẽ tay. Biết bao người Phật tử trung kiên chỉ còn biết âm thầm nhìn Phật mà ngậm ngùi hay nhìn cảnh bọn hoạt đầu “Thầy, Thầy, Con, Con” trong vài giờ là đủ biến tâm tư một số quý Thầy lay động.

Dư luận nhìn thấy trên phông cảnh tăng sĩ chống tăng sĩ nhưng kỳ thực ở hậu trường và từ bản chất từng phân khối Phật tử hoạt đầu chống nhau, từng phân khối chính trị chống nhau, từng phân khối thủ lợi tranh nhau... Chúng trá hàng để lũng đoạn Phật giáo, chúng phân tổ chức thành từng khu chiến lược, chúng thúc chúng ta sỉ vả nhau, khiến chúng ta “quên mất” yếu tố cứu độ quần sanh của mình” [16].

Thật ra, trước ông Võ Văn Ái, năm 1973, nghĩa là 10 năm sau cuộc cách mạng 1-1-1963, tôi cũng đã có một lá thư tương tự gởi riêng cho Hòa Thượng Trí Thủ, bấy giờ là Viện trưởng Viện Hóa Đạo, và Thượng tọa Thích Đức Nhuận, Tổng thư ký Viện Tăng thống với mục đích nhỏ bé là giải tỏa mọi ẩn ức của mình trước thời cuộc, một thời cuộc mà đáng lẽ Phật giáo đã đóng được vai trò chỉ đạo trong công cuộc cứu nước từ sau biến cố 1963, một biến cố mà tôi có nhiều công lao đóng góp chấm dứt được chế độ kềm kẹp của Ngô triều.

Đành rằng tôi không phải là một Phật tử quy y, tôi cũng từ chối không chịu đứng vào liên danh Hoa Sen mà các ông Nghị sĩ Trần Quang Thuận và Nguyễn Duy Tài đều biết rõ (hai ông này hiện sống ở ngoại quốc). Tôi cũng không tham dự vào các cuộc đấu tranh từ 1964 đến 1966 của Phật giáo và cũng biết rằng sau mọi chế độ độc tài nhất là thứ độc tài gia đình trị, Công giáo trị của nhà Ngô, thì khoảng trống chính trị cho quốc gia phải xảy ra, xáo trộn xã hội phải xảy ra, nhưng với tinh thần “thất phu hữu trách” và là người sùng mộ đạo Phật, tôi viết lá thư gởi đến các bậc chân tu là chỉ để nói lên mối ưu tư của mình trước thời cuộc, trước cơn Mạt Pháp của đạo Phật, một nền đạo mà tôi ngưỡng mộ cung kính, một nền đạo mà tôi tự hào với triết lý cao thâm hơn tất cả các triết lý khác của nhân loại, một nền đạo đã có công lao sự nghiệp to lớn trong việc cứu nước dựng nước, một nền đạo đã tô điểm vàng son cho lịch sử dân tộc nước nhà, một nền đạo mà chưa một lần rước voi về dày mả tổ, mà suốt dòng lịch sử nước nhà chưa một lần làm tay sai cho ngoại bang.

Không ngờ Thượng tọa Thích Đức Nhuận có lẽ cảm thông với nỗi lo âu của tôi, đã giao lá thư Mười năm Vật vã của Phật tử Việt Nam cho các anh Lý Đại Nguyên và Hà Thế Ruyệt (Hà Thế Ruyệt hiện ở hải ngoại) đăng tải lên mặt báo Sóng Thần. Do đó Hòa Thượng Trí Thủ cũng công khai trả lời tôi trên mặt báo ấy với lời lẽ hòa ái của một bậc cao tăng. Ngài công nhận Phật giáo đang trải qua một cơn Mạt Pháp mà theo Ngài cơn Mạt Pháp ấy không phải chỉ do Cộng Sản, do kẻ ngoại nhân ngoại đạo gây nên, mà còn do những con nội trùng trong thân thể sư tử làm đau đớn chính con sư tử ấy.

Trái với thiện tâm thiện ý của bậc chân tu, tờ nhật báo Công Luận do ông Minh Tâm (tức Lê Tuyên, người đã từng là một cấp lãnh đạo trong “Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc”) làm chủ biên đã liên tiếp trong 10 ngày đả kích tôi thậm tệ, đem đời tư tôi ra mà phê phán mặc dù họ chỉ biết đời tư tôi rất mù mờ... Họ hỏi tôi đã có công nghiệp gì cho Phật giáo, cho Giáo hội mà giám chê bai Phật tử, trí thức, và dám trách móc các Thầy.

Lý Đại Nguyên và Hà Thế Ruyệt đề nghị tôi trả lời nhưng tôi từ chối vì lý do giản dị là trong lúc tôi nói chuyện đại sự quốc gia, bàn về thăng trầm của Phật giáo thì nhóm Công Luận lại nói về đời tư của tôi. Hai thái độ, hai cung cách xử sự tự nó đã là một sự giải thích rồi, huống chi nếu trả lời thì tôi buộc lòng phải phơi bày đời tư của ông Lê Tuyên ra, kể cả những lời khai của ông trong nha An Ninh Quân Đội thời Thiếu tướng Vũ Đức Nhuận, mà cộng sự viên của tôi đã cho tôi một xấp hồ sơ đầy đủ. (Ông Lê Tuyên bị bắt sau biến cố 1966).

Viết lại câu chuyện trên đây tôi không cố ý khơi lại chút tro tàn mà chỉ ghi lại chút kỷ niệm để bổ túc cho những nhận định của ông Võ Văn Ái trong lá thư ngỏ đầy tâm huyết của ông gởi cho hàng Phật tử như đã nói trên kia. Lại nữa ngày nay, khi đã cùng sống kiếp lưu vong nơi đất khách quê người thì kẻ trí thức như ông Lê Tuyên hay người võ biền như tôi đều đau xót đều nhục nhã như nhau, đều tiếc nuối cho Phật giáo đã bỏ rơi một cơ hội, một cơ hội mà Phật giáo có thể cứu vãn miền Nam khỏi rơi vào tay Cộng Sản.

Nếu tôi có muốn nói thì nói đến những trí thức, những cây bút sắc bén của tờ Lập Trường, cơ quan ngôn luận của nhóm Cứu Quốc tại Huế độ nào. Những bài báo nẩy lửa của họ thật sự đã gây xúc động cho thanh niên sinh viên dấn thân bào cuộc đấu tranh cách mạng. Tiếc thay, họ không có ý thức chính trị, không nắm vững tình hình thời cuộc, không xây dựng nổi một tổ chức đấu tranh, cho nên họ đã xuất hiện như những chàng hiệp sĩ nhưng khi rút về thì hiện nguyên hình thành những nho sinh mặt trắng mà thôi.

Ông bà ta xưa quả đã là khôn ngoan khi dạy chúng ta rằng chiếc áo không làm nổi thầy tu. Hoạt cảnh 30 năm ly loạn cho phép ta nói thêm “mảnh bằng cấp không làm nên người trí thức”. Thật thế, chiếc áo chùng đen chỉ tạo cho ông Ngô Đình Thục thêm tham, sân, si như Jean Lacouture, như Hilaire du Berrier đã mô tả trong tác phẩm của họ. Mảnh bằng của trường Chartres chỉ giúp ông Ngô Đình Nhu trở thành một chính khách xa lông với những lý thuyết mơ hồ rỗng tuếch, và “chỉ có tài làm trùm mật vụ để tiêu diệt đảng phái, tôn giáo đối lập, dò xét kiểm soát gắt gao công chức và quân nhân”. Đã có lớp trí thức như vậy thì đừng trách tướng lãnh như Khánh, Thiệu, Kỳ, Khiêm, Quang, Viên khinh thị trí thức và nắm lấy quyền hành lãnh đạo quốc gia.

 

-o0o-

 

Đau đớn nhìn lại lịch sử, tôi không khỏi không cảm phục Thượng tọa Trí Quang, một nhà sư mang tâm chất của con người “trước khi là nhà sư là một người Việt Nam trước đã, một người Việt Nam chỉ biết yêu thương quê hương”. Một người đã không lật ngược được thế cờ mà còn bị cuốn hút vào cơn lốc chính trị để trở thành con người thất chí, và cuối cùng đã trở thành một “tù nhân” của Cộng Sản sau khi đã là tội nhân của Thực dân Pháp, của chế độ Diệm, chế độ Thiệu-Kỳ... Đã thế, sau khi mất miền Nam, báo chí Cần Lao Công Giáo tại hải ngoại còn xuyên tạc, vu khống ông đủ điều, đặc biệt đã trắng trợn gọi ông là cán bộ Cộng Sản nằm vùng (xem “Trong Lòng Địch” của Trần Trung Quân). Cuộc chiến tranh Quốc-Cộng 30 năm là một cuộc chiến vô cùng phức tạp mà vũ khí tối tân, binh lực hùng hậu của Pháp, Mỹ, Việt đều phải chịu thất bại trước chủ trương địch vận, binh vận, trí thức vận, tôn giáo vận... của kẻ thù.

Ngay cả dưới chế độ Diệm cũng như chế độ Thiệu, không thiếu gì những cán bộ nằm vùng ngay trong hàng ngũ chính quyền, quân đội để phá nát hàng ngũ quốc gia như chính ông Cao Thế Dung, một trí thức Công giáo, đã tự thú dưới loạt bài “Những bài học xương máu về họa phân hóa chia rẽ” mà tôi đã nhắc lại trong chương “Tệ Trạng Tham Nhũng” [17]. Dưới chế độ Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, với những cán bộ cao cấp Cộng Sản như Phạm Ngọc Thảo, Hoàng Trọng Bá, Tạ Kim Điền, Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Nguyễn Đinh Hòe, Lê Hữu Thúy,... nằm trong não bộ cơ quan tình báo dinh Độc Lập và được Linh mục Hoàng Quỳnh trọng vọng, được ông Ngô Đình Nhu, rồi ông Nguyễn Văn Thiệu trọng dụng, hoàn toàn tin cẩn, coi như anh em ruột thịt,... như trường hợp Vũ Ngọc Nhạ, một gián điệp khét tiếng Hà Nội gởi vào hoạt động tại miền Nam... thì tôn giáo và đảng phái làm sao lại không có cán bộ Cộng Sản lọt vào.

Phạm Ngọc Thảo là một trường hợp rõ ràng nhất: Thảo là một sĩ quan tình báo cao cấp của Hà Nội

“... do sự đồng ý của Cục Trung Ương Tình Báo Hà Nội, Thảo đã đến trình bày với cha Thục là Thảo có khả năng bình định tỉnh Bến Tre. Cha Thục liền đề nghị lên Tổng thống Diệm thăng Thiếu tá và bổ nhiệm Thảo làm Tỉnh trưởng tỉnh Bến Tre kiêm Tiểu khu trưởng Tiểu khu Bến Tre... Vì thân sinh Tổng thống Diệm mất sớm, người anh cả Ngô Đình Khôi cũng vậy, nên chỉ còn Cha Thục được coi là quyền huynh thế phụ. Hơn nữa đây là một gia đình ngoan đạo, nên mọi người đều coi Cha Thục là bề trên. Vì vậy, khi Thảo được cha Thục tin cậy đề bạt thì Tổng thống Diệm đương nhiên chấp thuận, mặc dầu khi Thảo được đề cử giữ chức vụ trên thì Nha An Ninh Quân Đội (khi đó do Đại tá Đỗ Mậu làm Giám Đốc) đã làm phiếu trình lên Tổng thống với ý kiến không chấp thuận vì lý lịch Thảo rất đáng nghi ngờ. (“Đại tá Phạm Ngọc Thảo, Điệp viên Nội tuyến Cộng Sản”, bài viết của cựu Thiếu tá An Ninh Quân Đội Trần Ngọc Giang, Phụ Nữ Diễn Đàn, số 112, tháng 5/93).

Nói ra như vậy để thấy trong hàng ngũ Phật giáo cũng không thể tránh khỏi những phần tử thân Cộng hay những cán bộ Cộng Sản len lỏi vào để lũng đoạn mà Thượng tọa Trí Quang cũng như các cấp lãnh đạo khác không thể biết được.

Trong hàng ngũ đấu tranh Phật giáo, trước hết có các ông Lê Khắc Quyến, chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc là một phần tử thân Kháng chiến mà nhiều người ở Huế biết rõ. Nhưng từ khi ông Diệm lên cầm quyền thì bác sĩ Lê Khắc Quyến lại được nhà Ngô trọng dụng, mời làm thầy thuốc riêng cho thân mẫu của Tổng thống. Ông Quyến ra vào dinh Phủ Cam hàng ngày như ra vào nhà riêng của ông ta, lại được nhà Ngô mời dạy tại viện đại học Huế rồi cất nhắc lên làm Khoa trưởng Y Khoa. Ông Lê Văn Hảo, một trí thức từng hoạt động cho Hội Liên Hiệp Việt Kiều của Cộng Sản tại Pháp lại cũng được Linh mục Cao Văn Luận và nhà Ngô trọng dụng cho dạy tại đại học Huế, cho chỉ huy văn khố và thư viện của nhà trường. Thế là chính nhà Ngô đã hợp thức hóa “tư cách quốc gia” của họ. Chính nhà Ngô đã cho họ cái uy thế và điều kiện để họ có thể nắm lấy lực lượng sinh viên. Chính nhà Ngô đã chắp cánh cho họ bay, đã tạo nanh vuốt cho họ cắn phá thì còn trách ai, xuyên tạc ai. Ngoài hai nhân vật trên đây còn có anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, những sinh viên thân Cộng đã đốt Tòa lãnh sự Hoa Kỳ, việc mà Thượng tọa Trí Quang vô cùng tức giận. Rất nhiều sinh viên và Phật tử Huế biết rõ thái độ giận dữ của Thượng tọa Trí Quang khi ông nghe tin cơ sở của Hoa Kỳ bị đốt cháy mà ông chỉ tưởng là việc làm xuẩn động của nhóm sinh viên quá khích, bởi vì gia đình Hoàng Phủ chưa bao giờ bị các cơ quan Công an, Mật vụ, của các chính quyền điều tra, đòi hỏi, bắt bớ,... Do đó, việc tấn công vào trụ sở của Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Hội An trong biến cố 1966 cũng chỉ có thể là do bàn tay li gián phá hoại của Cộng Sản mà Thượng tọa Trí Quang cũng như sinh viên Phật tử miền Trung không tài nào biết được.

Trong vụ biến động miền Trung năm 1966, cục An ninh Quân Đội trực tiếp điều tra về nội vụ, mục tiêu của cơ quan điều tra là cấp thời tạm giữ toàn thể những nhân vật đầu não đấu tranh như Thượng Tọa Trí Quang, Thiện Minh và một số Thượng Tọa khác...

Cuộc điều tra kéo dài trên năm tháng, xuyên qua ba giai đoạn:

a. Sưu tra văn khố Sở Công An Trung kỳ của Pháp để lại, hồ sơ tại Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, hồ sơ tại Cục ANQĐ về cá nhân của Thượng Tọa Trí Quang và một số nhân vật khác.

b. Thâu thập tập trung tất cả tin tức của các nguồn tin có giá trị cao, kể cả những tin tức của gián điệp nhị trùng hoạt động cho cả ta và địch.

c. Thẩm vấn, đối chất trực tiếp các nghi can.

Kết quả cuộc điều tra sâu rộng và thật vô tư cho thấy không có một bằng chứng nào khả dĩ phát hiện Thượng Tọa Trí Quang và một số Thượng Tọa khác có hoạt động cho Cộng Sản hoặc là cán bộ Cộng Sản. (“Thượng Tọa Thích Trí Quang, Quốc Gia hay Cộng Sản?”, bài viết của cựu Thiếu tá Cục An Ninh Quân Đội Trần Ngọc Giang, tạp chí Phụ Nữ Diễn Đàn số 112, tháng 5/93).

Ngoài ra, khi báo chí Công Giáo Cần Lao tại hải ngoại (sau 1975) xuyên tạc Thượng tọa Trí Quang là Cộng Sản, họ lại cố tình im lặng không kết tội Nguyễn Văn Thiệu (chế độ Diệm không Diệm) đã không dứt khoát triệt hạ nhóm bà Ngô Bá Thành, nhóm ni sư Huỳnh Liên, nhóm các linh mục phản chiến Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Phan Khắc Từ... hoành hành ngay tại thủ đô Sài Gòn, làm lợi cho Cộng Sản. Xin lưu ý rằng nhóm ni sư Huỳnh Liên tại Việt Nam cũng như nhóm ni sư Mạn Đà La và nhà sư Thích Thiện Châu tại Pháp không thuộc vào hệ thống lãnh đạo của Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất.

Không cần phải là người có ý thức chính trị cao, không cần phải là nhà tình báo đại tài cũng biết được rằng Phật giáo Việt Nam là tôn giáo không chấp nhận Cộng sản, khác với kiểu chống Cộng của Công Giáo Cần Lao, của Marcos, của Somoza,...

Làm sao phong trào tranh đấu của Phật giáo tại Huế cũng như tại Sài Gòn có thể là Cộng Sản được khi mà trong Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc, khi mà trong giới lãnh tụ sinh viên đều là những phần tử chống Cộng như Tôn Thất Hanh, Mai Văn Lễ, Hoàng Văn Giàu, Lê Tuyên, Vĩnh Lữ, Vĩnh Kha, Phan Quang Tuệ, Nguyễn Đông Giao, Vĩnh Hồ, Bạch Hoa Mai, Võ Văn Khiết, Lê Hữu Bôi,... và tại Sài Gòn như Tôn Thất Tuệ, Nguyễn Hữu Doãn, Nguyễn Trọng Nho,... Sau này, khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản, kẻ thì phải cấp tốc trốn ra nước ngoài, kẻ thì bị nhốt vào trại cải tạo, có người sau mười năm lưu đày mà vẫn chưa được thả về. Gán cho Thượng tọa Trí Qung cũng như phong trào đấu tranh Phật giáo là Cộng Sản chẳng những là hành động “ngậm máu phun người” mà còn là việc làm hạ nhục hàng triệu Phật tử Việt Nam vốn biết rõ lập trường dân tộc của Thượng tọa, biết rất rõ cuộc sống và đường đi nước bước của Thượng tọa. Xuyên tạc cuộc đấu tranh của Thượng tọa Trí Quang là Cộng Sản còn là việc làm bôi nhọ lịch sử dân tộc và sự nghiệp cứu nước, dựng nước của Phật giáo.

Lại bảo rằng vì Phật giáo đấu tranh làm xáo trộn xã hội là làm lợi cho Cộng Sản, vậy tại sao không hỏi vì ai, vì đâu mà Phật giáo và sinh viên phải xuống đường, phải xương rơi máu đổ. Nhóm Công Giáo Cần Lao trách Phật tử đấu tranh mà không nhớ đến “cây gươm tinh thần” của thánh Phao Lồ đã biến thành “cây gươm nhuộm máu”. Trách họ đấu tranh có khác nào trách Chúa Giê Su đã chịu đóng đinh trên thập tự giá, trách Jeanne d’Arc đã phải bước lên giàn hỏa thiêu cho hoa Thiên Chúa giáo được bảo tồn. Và tại Ái Nhĩ Lan, Công giáo bị chính phủ Anh và dân Tin Lành kỳ thị đàn áp, có ai dám gán cho Công giáo Ái Nhĩ Lan là Cộng Sản không?

Tuy nhiên vẫn có những nhân vật tên tuổi mang hậu ý riêng tư viết sách xuyên tạc Thượng tọa Trí Quang là Cộng Sản. Từ sau 1975, ra nước ngoài, dựa vào những cuốn sách đó, nhóm Cần Lao Công Giáo viết sách viết báo xuyên tạc cuộc đấu tranh của Phật giáo chống chế độ nhà Ngô là do Cộng Sản giật dây, hay là có Cộng Sản đứng trong bóng tối. Những kẻ đó là Cựu Hoàng Bảo Đại, cựu Tổng thống Richard Nixon, nữ tiến sĩ Ellen Hammer và nữ ký giả Margueritte mà tôi sẽ lần lượt phân tách dưới đây những sai lầm gian dối trong các tác phẩm của họ.

 

* Ông Bảo Đại viết rằng:

Người ta đã nói về những cuộc hy sinh của tăng sĩ. Nhưng vấn đề tăng sĩ là một vấn đề giả tạo. Phần đông các tăng sĩ chân chính đã trở về chùa. Vậy thì những kẻ gây rối đó là ai và họ từ đâu đến? Làm sao mà biết rằng họ không đến từ Hà Nội hay Bắc Kinh? Họ không như các linh mục bên Công giáo mà người ta có thể truy tầm gốc gác vì các linh mục được biết rõ và có danh tánh ghi trong sổ bộ. (“Le Dragon d’Annam”, Plon, tr.349, 350).

Đoạn văn trên đây muốn ám chỉ nhà sư “gây rồi đến từ Hà Nội hay Bắc Kinh” là Thượng tọa Trí Quang, người nổi tiếng lãnh đạo các phong trào đấu tranh của Phật giáo mà tên tuổi đã vang lừng khắp thế giới. Đoạn văn đã để lộ sơ hở chứng tỏ người viết không nắm vững thời cuộc Việt Nam, cũng như không nắm vững cuộc đời và hành hoạt của Thượng tọa. Vì lẽ dĩ nhiên Thượng tọa Trí Quang không “đến từ Hà Nội hay Bắc Kinh”, trái lại ông thường có mặt tại Huế, tại miền Trung và dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ông thường lui tới với Ngô Đình Cẩn. Dù sao thì đoạn văn trên cũng đã để lộ thái độ chống đối Phật giáo Việt Nam của Cựu Hoàng Bảo Đại mà ta cần tìm ra nguyên nhân nào đã thúc đẩy ông viết những điều đáng tiếc đó.

Mới 8 tuổi đầu, cậu bé Bảo Đại đã xa lìa tổ Quốc qua Tây du học, lại được nuôi dưỡng dạy dỗ bởi vợ chồng viên Khâm sứ hồi hưu tên là Jean Charles, một tên thực dân nổi tiếng. Thời làm Công sứ, Charles đã đánh phá Phong trào Duy Tân ở Quảng Nam. Thời làm Khâm sứ Trung kỳ, y đã quyết định hạ bệ vua Duy Tân và đày hai cha con Duy Tân ra khỏi Việt Nam. Lại nên nhớ rằng Khải Định (cha Bảo Đại) nhờ vậy đã được lên ngôi sau khi Duy Tân bị đi đày.

Suốt 12 năm trời sống tại Pháp, nhân cách và tư duy của chàng thanh niên Bảo Đại đã bị điều kiện hóa trong cuộc sống văn minh vật chất Tây phương giữa một quốc gia ngoan đạo với những ngôi giáo đường, những tòa chủng viện nguy nga lộng lẫy, giữa những lâu đài, kiến trúc, kỷ niệm huy hoàng của những triều đại vua chúa toàn là tín đồ Thiên Chúa giáo. Ông cũng đã thành nhân giữa một xã hội mà Cha, Cố, Bà Xơ, Thầy Dòng là một giai tầng có thế lực khiến các đảng phái chính trị và cả các chính quyền phải kiêng nể. Đầu óc ngây thơ lại được tắm gội lâu ngày trong một môi trường Thiên Chúa giáo, Bảo Đại như được đẩy vào cái thế chỉ biết hướng về niềm tin Thiên Chúa giáo. Cho nên khi về nước, Bảo Đại đã cãi lời mẹ, cãi lại truyền thống nhà Nguyễn, cãi lại Hội đồng Hoàng tộc để chỉ còn nghe theo thực dân mà cưới một người nữ tín đồ đạo Ki Tô làm vợ.

Vì Thị Lan có đạo Ki Tô, gây nhiều trở ngại. Ngô Đình Thục cực lực chống đối, vì theo đúng phép đạo Ki Tô, Bảo Đại phải “rửa tội” rồi mới được thành hôn. Sau đó, Pháp dàn xếp cho một giáo sĩ ngoại quốc bí mật làm lễ cưới theo phép đạo. Như thế, Bảo Đại trở thành vua Ki Tô giáo đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. (“Việt Nam Niên Biểu Nhân Vật Chí”, Chánh Đạo Vũ Ngự Chiêu, sđd, tr.36-37).

Cuộc hôn nhân dị giáo đã kết thúc một cách mỹ mãn vì Giáo Hội La Mã có thêm một tín đồ mới, lúc bấy giờ vợ chồng cựu Khâm sứ Charles mới về Pháp như Bảo Đại đã khoe khoang trong cuốn Hồi ký của ông ta. (Le soir du marriage, nous invitons Mr. et Mme Charles à diner. Estimant leur mission accomplie, ils vont partir pour la France). Điều này một lần nữa chứng tỏ thực dân Pháp nhất định biến Bảo Đại thành ra một tín đồ Công giáo. Và đó là một “mission” (công tác) chính trị mà lễ hôn phối của Công giáo là một công cụ chính trị mà thôi.

Như vua Bảo Đại đã thú nhận, ông thường liên lạc với Khâm mạng Tòa thánh La Mã mà không hề một lần nào tiếp xúc với các nhà sư dù mẹ là một Phật tử thuần thành, dù các vua chúa tiền triều có công dựng chùa đúc chuông. Vua cha là Khải Định cũng có xây dựng một ngôi chùa ở ngoại thành để lui tới cầu kinh gõ mõ nhưng Bảo Đại không bao giờ thăm viếng ngôi chùa này. Đọc chương “Conservateur des Rites” (Bảo tồn nghi lễ) từ trang 62 đến trang 68 trong cuốn “Le Dragon d’Annam” ta thấy Bảo Đại hoàn toàn xa lìa đạo Phật. Cũng vì mặc cảm đó, ông đã mượn Khổng giáo để biện hộ cho tư cách tín đồ Công giáo của mình. (A tel point qu’un moine catholique d’origine orientale a pu recemment affirmé: “Je suis catholique parce que confucéen”). Nhưng ông Bảo Đại không lừa được ai vì quan niệm vũ trụ giữa Khổng giáo và Thiên Chúa giáo hoàn toàn đối nghịch. Thượng đế của Khổng giáo là sự kết hợp linh khí của Âm Dương, trong lúc Thượng Đế của Thiên Chúa là một Thần Linh toàn năng ngồi ở đâu đó trên Thiên đàng và quyết định số mạng của muôn loài muôn vật. (?!)

Bây giờ thì ta biết tại sao ông Bảo Đại không có cảm tình với Phật giáo và đưa ra những lời lẽ hồ đồ, vô căn cứ, vô trách nhiệm để chỉ trích cuộc đấu tranh của Phật giáo và sự hy sinh của các tăng sĩ. Và bây giờ ta cũng có thể hiểu vì sao khi mới giữ chức Quốc trưởng năm 1949, vị đại sứ đầu tiên được vua Bảo Đại đề cử là Đại sứ Việt Nam bên cạnh Tòa thánh Vatican, cũng như vì sao vua Bảo Đại đã đồng ý với Phủ Toàn Quyền Pháp cho ra đời dụ số 10 đặt Phật giáo ngang hàng với các hiệp hội trong khi Công giáo thì không bị ràng buộc bởi một quy chế nào. Đạo dụ này đã bị Phật giáo lên án nên đã làm cho Bảo Đại buồn phiền và căm giận.

Lại cho rằng tăng sĩ Phật giáo không có sổ bộ nên không được kiểm soát đàng hoàng như các linh mục bên Công giáo, Bảo Đại đã không biết gì đến công cuộc chấn hưng, phát triển, cải tiến của Phật giáo từ năm 1929, đặc biệt là tại miền Trung từ khi có Tổng Hội Phật giáo. Lại càng không biết rằng trong hàng ngũ Công giáo có nhiều linh mục, giám mục dù biết được “gốc gác và có tên trong sổ bộ” nhưng vẫn hoạt động cho Cộng Sản; không biết rằng Giáo Hoàng Paul VI và nhiều Hồng y, Giám mục, Linh mục dưới triều đại của ông là những tay sai đắc lực của Nga Xô và Trung cộng như cuốn “Times and Life of Frances Cardinal Spellman” đã mô tả. Viết như thế, Bảo Đại cũng không biết rằng vào thời điểm này, tuy các linh mục, giám mục được kiểm soát gắt gao nhưng số linh mục, giám mục lấy vợ, hiếp dâm, thâm lạm tiền bạc, dụ dỗ nữ tín đồ vào đường tội lỗi, chạy theo phong trào “đồng tính luyến ái” mỗi ngày một nhiều đến nỗi Tòa thánh La Mã cũng vô phương kiểm soát.

Tuy nhiên, vấn đề cần phải được đặt ra là có thật ông Bảo Đại đã viết cuốn “Le Dragon d’Annam” hay không? Những bí ẩn được tiết lộ sau khi cuốn “Le Dragon d’Annam” ra đời độ một năm cho biết chính một cựu tướng lãnh Pháp soạn cho ông cuốn Hồi ký rồi vua Bảo Đại đưa cho một người khác viết lại, tạo ra một cuộc kiện tụng về tác quyền. (“Việt Nam Niên Biểu Nhân Vật Chí”, sđd, tr. 47 và xem thêm cuốn “Lột mặt nạ những con thò lò chính trị” của Lê Trọng Văn, đoạn viết về ông Nguyễn Văn Chức).

Một khi mà Hồi ký Bảo Đại do người Pháp viết thì chuyện thù hận đối với Phật giáo không làm sao tránh khỏi. Người Pháp quên sao được việc Phật giáo chống ông Diệm đã đưa đến việc lật đổ chế độ làm hỏng kế hoạch thống nhất hai miền Nam Bắc có lợi cho nước Pháp của Tổng thống De Gaulle (xin xem lại chương “Từ đồng minh với Mỹ đến thỏa hiệp với Cộng Sản”).

 

* Nhân vật thứ hai xuyên tạc Phật giáo và Thượng tọa Trí Quang là cựu Tổng thống Richard Nixon. Trong cuốn “No More Vietnam”, ông nhận định rằng dưới thời Ngô Đình Diệm không có chánh sách đàn áp hoặc kỳ thị Phật giáo!

Cuốn sách này, cũng như luận điểm đó, sẽ được tôi phân tách và trả lời rốt ráo trong phần Kết Luận (chương 20) để vạch rõ tâm thức và ý đồ gian hiểm của tác giả. Ở đây, tôi chỉ muốn trình bày con người Nixon mà tên tuổi đã bị lịch sử và dân tộc Mỹ đồng hóa với sự gian dối xão quyệt.

Cũng gian trá và vô sỉ như Marguerite Higgins (xem tuần báo Parade Magazine, ngày 28-12-1986) chuyên xuyên tạc lịch sử để bênh vực nhà Ngô, Richard Nixon là loại chính khách xảo quyệt mà nghị sĩ Cộng Hòa Barry Goldwater, tiểu bang Arizona đã tố cáo:

“Đời tôi chưa hề gặp một người nào hết sức gian trá như ông ta. Tổng thống Nixon dối trá với vợ, với gia đình, với bạn bè, với đồng nghiệp lâu năm tại Quốc Hội Mỹ, với những đảng viên của chính Đảng ông ta, với nhân dân Hoa Kỳ, và với cả thế giới...” (In his 1988 autobiography, Goldwater, the former US senator from Arizona and 1964 Presidential candidate of the Republican Party writes of Richard Nixon as follows: “He was the most dishonest individual I ever met in my life. President Nixon lied to his wife, his family, his friends, long time colleagues in the US Congress, lifetime members of his own political party, the American people and the world...) (trích tuần báo Parade Magazine ngày 30-9-1990).

Mọi người đều biết “Vụ án Watergate” đã làm cho Nixon vì sợ Quốc Hội bãi nhiệm nên đã từ chức Tổng thống. Mới đây, ngày 12 tháng 6 năm 1992, người ta lại khám phá thêm vụ gian dối khác của Nixon trong thời tranh cử với Tổng thống với Thượng Nghị sĩ George McGovern.

Trong số 49 vị nguyên thủ quốc gia của Hoa Kỳ, Nixon được liệt vào hàng Tổng thống tồi tệ nhất nước Mỹ, chỉ hơn có Tổng thống Warren Harding. (Fresno Bee, ngày 11 tháng Giêng năm 1992).

Tôi còn nhiều tài liệu khác nữa nói về sự man trá của Nixon, đặc biệt là vụ Nixon phản bội Đồng minh Việt Nam Cọng Hòa và Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) để bắt tay với Trung Cộng và nâng Trung Cộng lên hàng Ngũ cường có quyền phủ quyết tại Liên Hiệp Quốc đề quyết định vận mạng thế giới.

Trung Cộng đang là và sẽ là đại họa cho Việt Nam do tội của Nixon, nhưng vì cuốn “No More Vietnam” của Nixon bênh vực Ngô Đình Diệm và đánh phá Phật giáo Việt Nam nên giới Công Giáo Cần Lao, đặc biệt là cựu Nghị sĩ Nguyễn Văn Chức, trong “Việt Nam Chính Sử”, đã dựa vào lời lẽ sai lầm của Nixon để đánh phá Thượng tọa Trí Quang. Trong lúc đó, giới trí thức và báo chí Mỹ lại không tha cho Nixon cái tội bịp bợm, xảo trá.

Dưới đề mục “Đánh giá nặng nề về Nixon” (Richard Nixon’s Tough Assessment) ký giả William A. Henry II của tạp chí Time (số tháng 4 ngày 15 năm 1984) đã có những nhận xét không tốt đẹp gì về Nixon và tác phẩm của ông, mà sau đây là một vài điểm tiêu biểu:

- Đề nghị của Nixon được ca ngợi là hợp lý nếu không muốn nói là độc đáo, nhưng những thẩm định về thành quả lãnh đạo của chính ông nhiều khi quá rộng lượng hơn là đúng sự thật.

- Người ta có thể tín nhiệm tầm hiểu biết của ông với tư cách một cựu Tổng thống, nhưng sách ông không ghi dẫn xuất xứ rõ ràng. Chẳng hạn độc giả tự hỏi làm sao ông có thể quả quyết là Tổng thống Ngô Đình Diệm có thể thắng ông Hồ Chí Minh hay bất cứ đối thủ nào khác nếu tổ chức được một cuộc bầu cử thật sự tự do tại Việt Nam.

- Sách ông mang ít tính chất lịch sử hơn là một lời kêu gọi đầy nhiệt tình chống lại những kẻ chủ trương cô lập nước Mỹ hay những kẻ thiên hữu nhìn đâu cũng thấy bàn tay của Nga Xô.

- Luận cứ của Nixon đặt căn bản trên một xác quyết khó chứng minh là hầu như tất cả thành phần cách mạng ở Nam Việt Nam đều là cán bộ Bắc Việt. Ông bác bỏ ý kiến cho rằng có những lực lượng đối lập đáng kể xuất phát từ miền Nam và có một cuộc nội chiến thật sự. Nhưng một vài bằng chứng do chính ông dẫn ra đã chứng tỏ điều ngược lại: sự kiện Bắc Việt giam giữ một số cựu kháng chiến quân Nam Bộ cho thấy những người này được coi như là những phần từ quốc gia nguy hiểm.

- Ông thừa nhận rằng Hiệp định ngưng chiến (1973) mà vẫn cho phép hàng vạn lính Cộng Sản được ở lại miền Nam, được tái võ trang sẽ chắc chắn tạo thành một gánh nặng Quốc phòng cho Nam Việt Nam, từ đó vận mệnh miền Nam sẽ tùy thuộc vào viện trợ hơn một tỷ Mỹ kim mỗi năm (thời giá 1975) mà Quốc hội đã khước từ phê chuẩn. Trong khi đó thì Bắc Việt đã trắng trợn vi phạm hiệp định. Thành ra Nixon nên viết rằng Hiệp định 1973 đưa đến chỗ “chúng ta ngừng và họ tiếp tục bắn”.

Ký giả Wiliam A. Henry đã phải than rằng: “Đọc xong, nhiều người muốn quên Việt Nam nhưng nhiều người muốn quên luôn ông Nixon” để kết tội Nixon, thế mà nhóm Cần Lao Công Giáo, đặc biệt là ông Nguyễn Văn Chức, vẫn tiếp tục xem Nixon là một nhân vật khả tín cần trích dẫn và học hỏi.

 

* Nhân vật thứ ba bênh vực nhà Ngô và đả kích Thượng Tọa Trí Quang và tướng lãnh đảo chánh ông Diệm là nữ tiến sĩ Ellen Hammer, tác giả cuốn “A Death in November”.

Cuốn sách này đã được tạp chí Tia Sáng, số 26 ngày 15/4/1988 tại Houston, phê bình bằng cách vạch trần thái độ thiên kiến bênh vực nhà Ngô không ngượng ngập qua một số điểm chính sau đây:

1. Ellen Hammer chọn tương quan Việt Mỹ làm nền tảng cho sự phân tích, và từ đó, diễn dịch để quy lỗi cái chết của ông Diệm vào sự thất bại của thời gian hậu Cách mạng 1/11/1963 và cho Mỹ, vấn đề Việt Nam không đơn giản ngoại hướng như vậy. Nếu tác giả có một cái nhìn quán triệt và Đông phương hơn thì sẽ thấy được cốt lõi vấn đề Việt Nam nhưng mang nhiều tính nhân văn hơn là những thủ đoạn chính trị đoản kỳ, liên hệ nhiều hơn đến vị trí của ông Diệm trong lòng dân tộc Việt Nam. Từ đó sẽ xác định ông Diệm (và gia đình ông ta) đã phục vụ hy sinh cho dân tộc hay đã phản bội để rồi bị dân tộc khước từ.

2. Là một người ngoại quốc, lại chọn giai đoạn rối rắm này của Việt Nam để nghiên cứu, hẳn tác giả đã phải nhận chân được mức độ phức tạp và mâu thuẫn của vấn đề. Thế nhưng thay vì chọn một thái độ bình tĩnh và một cái nhìn công bằng tối thiểu của một kẻ đứng ngoài, tác giả lại sử dụng tĩnh từ mang nhiều thành kiến ngay từ trang giới thiệu. Hơn thế nữa Quốc huy “Tiết trực tâm hư” của ông Diệm lại sử dụng để trang trí bìa sách. Đây quả là một điều mâu thuẫn với cái tựa “A Death in November” hàm ý khách quan của câu tục ngữ Việt Nam “cái quan định luận”.

3. Điểm quan trọng nhất làm giảm giá trị cuốn sách là việc tác giả Hammer đã sử dụng rất nhiều tài liệu hay nguồn tài liệu thuộc phe phái chế độ Diệm khi phê phán về chế độ đó, ví dụ như tờ báo Hòa Bình của một linh mục thân nhà Ngô, từ sách của tác giả Margueritte Higgins, người đã dám “mời” bà Nhu đến nhà riêng để “dạy dỗ”, và từ cuộc phỏng vấn của Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần tay chân của nhà Ngô. Đã đành ai cũng có quyền và bổn phận sử dụng mọi tài liệu, nhưng vấn đề đặt ra là cách diễn dịch và suy luận của tác giả về tài liệu ấy có đưa đến sự thật hay không hay lại hùa theo sự man trá. Ví dụ điển hình cho điều nầy là việc tác giả Hammer đã trích dẫn báo Hòa Bình về nguồn tin cho rằng CIA đã nổ trái bom tại đài phát thanh Huế làm chết người, gián tiếp thúc đẩy Phật giáo đấu tranh chống chế độ nhà Ngô. Cuối phần trích, tác giả lại thêm câu “người viết không thể kiểm chứng được sự kiện kể trên là đúng hay không đúng”. Khi thêm vào câu này không biết tác giả Hammer có còn vô tư hay không hay chỉ để trốn chạy trách nhiệm.

4. Bà Hammer đã kể lại vụ tự thiêu của Hòa Thượng Quảng Đức một cách chính xác: Hòa thượng đã hoàn toàn tỉnh táo và chủ động tự đốt thân xác mình. Nhưng tiếc thay, sau đó, Hammer lại hùa theo Margueritte Higgins để cho rằng danh từ “nướng thịt” (barbecue) do con gái bà Nhu nghe được từ các nhà báo ngoại quốc và bà Nhu chỉ lập lại v.v...

Trên đây là bốn ví dụ rất tiêu biểu trong nhiều ví dụ khác đầy dẫy trong “A Death in November”. Viết về một cuốn sách như Ellen Hammer đã viết, nhằm phân tách nguyên nhân và hậu quả của một biến cố lịch sử nước người mà không chịu nhìn sâu vào quá khứ để nhận diện và phân tách các mắt xích trong toàn bộ vận hành của lịch sử để thấy các động lực xa và gần, để cảm thông với những phản ứng sâu và rộng của quần chúng thì quả thật là một thiếu sót đáng trách và đáng tiếc. Trong khung cảnh Việt Nam trước tháng 11 năm 1963 với bao nhiêu nhà tù và bao nhiêu nạn nhân của chế độ, có lẽ “A Death in November” nên đổi ra là “The death before November”.

Bà Ellen Hammer thương tiếc cho cái chết của ông Diệm, nhưng nếu bà đọc được lời phê bình của ký giả nổi tiếng, có mặt nhiều năm tại Việt Nam, là ký giả Neil Sheehan (trong “The Bright Shining Lie”): “lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, dân chúng Sài Gòn tự phát hoan hô binh sĩ VNCH” (sau khi lật đổ ông Diệm) thì chắc bà đã thông hiểu hơn với nỗi thống khổ, chết chóc triền miên của dân Việt Nam suốt chín năm anh em ông Diệm hơn là cái chết tháng 11 của anh em nhà Ngô.

Nhưng tại sao bà Hammer lại tiếc cho cái chết của anh em ông Diệm? Theo tướng Trần Văn Đôn thì bà là bạn thân của giáo sư Bửu Hội, nhân vật vừa khâm phục Hồ Chí Minh, vừa thân Pháp, vừa là người đã giúp đỡ nhà Ngô trong vụ đàn áp Phật giáo và trong vụ nhà Ngô âm mưu bắt tay thỏa hiệp với Hà Nội. Cái chết của ông Diệm, mà một trong những nguyên nhân chính là cuộc đấu tranh của Phật giáo, đã chận đứng âm mưu thỏa hiệp hai miền Nam Bắc vốn là mục tiêu chính trị của Cộng Sản và của Tổng thống De Gaulle, nên bà mới viết sách để lên án Phật giáo và tướng lãnh Việt Nam đảo chánh nhà Ngô để vinh danh người bạn thân Bửu Hội của bà ta.

 

* Nhân vật thứ tư là nữ ký giả Margueritte Higgins với cuốn “Our Vietnam Nightmare”. Đây là cuốn sách đầy dẫy những lời lẽ bênh vực nhà Ngô một cách không ngượng ngùng. Đồng thời đó cũng là cuốn sách lên án cuộc đấu tranh của Phật giáo năm 1963 bằng những lời lẽ xuyên tạc, ngụy tạo, vu khống trắng trợn. Đọc “Our Vietnam Nightmare” người ta có cảm tưởng Margueritte Higgins là thứ đàn bà có tài “thương vay khóc mướn”, có tài “mồm loa mép giải” của những kẻ không còn biết thẹn thùng trơ trẽn là gì.

Hãy đọc cách đặt tiểu mục như “Madame Nhu: Dragon Lady or Joan d’Arc”, như “The war: Heads you win, Tails I lose?” như “Plots and Plotters Vietnamese-American Style” v.v... cũng đủ thấy tài dùng chữ hấp dẫn của Higgins và khả năng đổi trắng thay đen các sự kiện hay các biến cố lịch sử.

Cuốn “Our Vietnam Nightmare” chồng chất những sai lầm nầy đến gian trá khác ngay từ “Lời nói đầu” (Prologue), nhưng ở đây tôi chỉ đưa ra vài thí dụ tiêu biểu làm dẫn chứng trước khi tìm hiểu con người thật của Higgins để biết tại sao sách bà ta đã có thể mê hoặc được một số chính khách, tướng lãnh Hoa Kỳ như trường hợp Richard Nixon, Ellen Hammer nói trên kia.

- Trang 6: Higgins viết: Hồ Chí Minh cũng như Ngô Đình Diệm đều sinh trưởng trong kỷ cương, trong nề nếp của một gia đình quan lại, thứ kỷ cương của nhà khoa bảng, triết gia, nhà cai trị, nhà thơ.

Không biết M. Higgins dựa vào đâu mà dám đưa ra sự so sánh hoàn toàn ngược ngạo đến thế.

Thân phụ ông Hồ Chí Minh mồ côi cha mẹ từ thời 3 tuổi, ông có tinh thần tự lập nên lớn lên đã cố công sách đèn, đỗ được Cử nhân rồi Phó bảng. Làm tri huyện một thời gian ngắn, ông rời bỏ quan trường về làm nghề thầy thuốc để độ thân. Trong lúc thân phụ ông Diệm nhờ là tín đồ Công giáo nên được các cố đạo Pháp đem đi học ở Penang, khi về nước được Pháp bổ làm Thông ngôn cho Tòa Khâm sứ Huế và sau đó theo Nguyễn Thân cầm quân triệt phá chiến khu Phan Đình Phùng, đào mả cụ Phan lên lấy thuốc súng trộn với thi hài bắn đi cho mất xác. Một bên cụ Nguyễn Sinh Sắc (Huy), cha ông Hồ Chí Minh, sôi kinh nấu sử tên chiếm bảng vàng rồi ra làm quan nhưng lại chán cảnh quan trường. Một bên cụ Ngô Đình Khả nhờ người ngoại quốc mà được học hành để làm tay sai cho thực dân xâm lược. Thế mà Margueritte Higgins lại xếp hạng hai nhân vật kia đều là nhà khoa bảng, đều là triết gia, là nhà cai trị, là nhà thơ.

Đến đời ông Hồ Chí Minh thì ông là người xả thân cho công cuộc chống xâm lăng, một nhân vật anh hùng tạo thời thế trong lúc ông Ngô Đình Diệm xuất thân là một thành phần quan lại, tay sai của Pháp như chính bức thư của Giám mục Ngô Đình Thục gởi cho Toàn quyền Decoux (xem phần Phụ Lục). Thế mà Margueritte Higgins dám so sánh hai người cùng nấc thang giá trị.

- Trang 15: M. Higgins viết: “Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm đều sinh ra cùng một tỉnh”. Dữ kiện hoàn toàn sai lầm bởi vì ông Hồ Chí Minh sinh quán tại Nghệ An, còn ông Ngô Đình Diệm quê quán tại Quảng Bình, sinh tại Huế, cách xa đến bốn tỉnh chứ không “cùng một tỉnh”.

- Trang 15: M. Higgins đặt câu hỏi: “Không lẽ một người được chánh án Douglas mô tả 10 năm trước là một anh hùng (sic) mà 10 năm sau người đó bỗng nhiên trở thành con quái vật?” Viết thế Higgins quên rằng trong thiên hạ không thiếu kẻ “lên voi xuống chó”, không thiếu kẻ hôm qua còn công hầu khanh tướng mà hôm nay bị gậy ăn mày. Hai mươi năm trước Thống chế Petain là anh hùng Verdun cứu nước Pháp thoát khỏi gót giày quân xâm lăng Đức, 20 năm sau ông trở thành kẻ phản quốc làm Quốc trưởng bù nhìn cho quân đội Quốc xã, bị nhà cứu quốc De Gaulle kết án chung thân lưu đầy. Sáu năm trước Nixon hai lần đắc cử Tổng thống vô vùng vẻ vang, sáu năm sau trở thành kẻ gian lận phải từ chức Tổng thống để khỏi bị đưa ra tòa.

- Trang 31: M. Higgins viết: “Theo những chức quyền cao cấp Mỹ thì Thích Trí Quang được huấn luyện làm luật sư và như thế đúng là Trí Quang đã hành nghề luật sư tại miền Bắc Cộng Sản”. Không thấy Higgins nêu tên chức quyền cao cấp Mỹ nào đã gán cho Trí Quang là được làm nghề luật sư và hành nghề luật sư tại Bắc Việt. Trái lại chính quyền Mỹ vì biết Trí Quang không hề là Cộng Sản nên họ mới ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo chống nhà Ngô do Trí Quang phát động và tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn đã để cho Trí Quang tị nạn.

- Trang 44: M. Higgins viết: “Người ta chỉ trích Công giáo được phép xây nhà thờ trong các căn cứ quân sự trong lúc Phật tử thì không. Lời chỉ trích đó không phải là sai. Nhưng ở Việt Nam có nhiều chuyện bất thường rất dễ thấy mà đây là một chuyện: nhà sư được quyền miễn quân dịch theo lệnh ông Diệm trong lúc linh mục không được miễn”. Thật ra vì chính sách kỳ thị tôn giáo mà ông Diệm không cho Phật giáo tổ chức ngành tuyên úy, không cho binh sĩ Phật tử xây chùa trong căn cứ quân sự, thế mà Higgins lại bảo rằng ông Diệm miễn quân dịch cho các nhà sư.

Chỉ cần đọc 5 điểm trên đây cũng đã thấy ngòi bút tráo trở, xuyên tạc, vu khống, đổi trắng thay đen... của Margueritte Higgins. Mặc dù Higgins chỉ mới ở Việt Nam trong một thời gian rất ngắn, khả năng viết tin thất thiệt và thêu dệt của Higgins vừa kể trên đây cũng đã có lúc đem lạc quan lại cho Washington DC nhưng đồng thời cũng đem lại khốn đốn cho một số ký giả Hoa Kỳ trong hoạt động tại Việt Nam.

Trong lúc tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Cộng đã có lưu động tính cấp Tiểu đoàn thì Margueritte Higgins dựa vào lời biện bác của một vị tướng Cố vấn để nói rằng Việt Cộng không có xe, không có phi cơ, không có máy truyền tin, không có hỏa tiễn, không có mooc chê như quân đội Việt Nam Cộng Hòa thì không thể có lưu động tính được. Halberstam cho rằng như thế là ngay cả những tướng lãnh cao cấp Mỹ cũng không biết rằng Việt Cộng có cái khả năng kiểu Đông Phương để có thể xâm nhập kín đáo vào thôn quê mà không bị phát giác. Một đêm có thể di chuyển 25 dặm bằng đi bộ hay bằng thuyền, rồi tập kích mau lẹ và rã hàng trước khi quân chính phủ có thể phản công. Đó chỉ là thứ lưu động tính mà Việt Cộng có nhưng lại là thứ lưu động tính tuyệt vời hơn của quân chính phủ.

Còn ký giả Neil Sheehan lại tố cáo Margueritte Higgins, tướng Harkins và chính quyền Ngô Đình Diệm đã có sự cấu kết để cố tình lấp liếm, che đậy những xấu xa, thất bại của chế độ nhà Ngô:

Sự phiền trách những phóng viên thường trực cứ bịa đặt ra những tin tức xấu trở nên ngộ nghĩnh hơn vào mùa hè 1963, khi mà đa số ký giả có văn phòng ở Á Châu thường viếng thăm Việt Nam cũng nhận thấy tình hình tồi tệ như chúng tôi thấy. Những ký giả đó gồm có Ralisher và Bernard Kabol của CBS, James Robinson của NBC, Stanley Karnow của TimesSaturday Evening Post, Pepper Martin của US News Report và Charles Mohr trưởng văn phòng Times Đông Nam Á. Những người đó không phải dễ dàng để bị bầy chó sói đánh lừa. Tòa Đại sứ, bộ Tư lệnh của Harkins và chính phủ Diệm không bao giờ vừa lòng với những tường trình của hầu hết đại diện cơ quan truyền thông quốc tế. Diệm vừa trục xuất Robinson một tháng sau khi gia đình Diệm tống cổ Francois Sully của tờ Newsweek ra khỏi nước và suốt 9 tháng không cho Robinson trở lại Việt Nam.

Nếu những đại diện của cơ quan truyền thông tại Đông Nam Á đã thấy như chúng tôi thấy thì, tại Hoa Kỳ, lại có một số người bực tức, phải bênh vực chính phủ Sài Gòn. Sự thất bại quân sự và thiếu khả năng lãnh đạo tại miền Nam to lớn quá đến nỗi họ cần một phóng viên tên tuổi, một khuôn mặt có thớ để phản công lại chúng tôi như khuôn mặt Margueritte Higgins của New York Herald Tribune, một phóng viên quốc ngoại nổi tiếng. Bà ta đã được giải thưởng Pulitzer năm 1951 về những phóng sự chiến trường Cao Ly.

Bộ tham mưu Hoa Kỳ bèn giới thiệu người ký giả “chín chắn và có trách nhiệm” đó, người ký giả có thành tích nghề nghiệp để đi Việt Nam sửa sai “những câu chuyện điên loạn” (to correct the hysterical stories) của các ký giả tại chỗ. Higgins bằng lòng đi Việt Nam và đến Sài Gòn vào tháng 8 năm 1963. Đến Sài Gòn mới trong vòng 4 tuần lễ Higgins đã gởi một loạt tin tức về Mỹ nói rằng biến cố Phật giáo chỉ là sáng chế của nhóm nhà sư quỷ quyệt và của những ký giả dễ bị lừa, còn Việt Cộng thì đang bị tướng Harkins và ông Diệm đánh bại. Những ký giả tại đây chỉ muốn chúng ta thua trận để chứng tỏ họ đúng... (“A Bright Shining Lie”, Neil Sheehan, tr. 347).

Sheehan còn cho biết đã có lần David Halberstam giận dữ cấp trên của ông ta ở New York vì họ cứ nhắc đến tên của Margueritte Higgins để gán cho những báo cáo của Halberstam là sai lầm. Halberstam đã phải trả lời bằng một bức điện tín đầy giận dữ: “Gerstenzang, nếu anh còn nêu tên mụ đàn bà ấy một lần nữa thì tôi sẽ từ chức, nhắc lại, từ chức có nghĩa là tôi nói từ chức là từ chức”.

Ở đây tôi cần ghi nhận nhân cách và sự nghiệp của David Halberstam với những tác phẩm như “The Making of a Quagmire” và “The Best and The Brightest” cũng như Neil Sheehan với những tác phẩm như “The Pentagon Papers” và “A Bright Shining Lie”. Đó là những ký giả đã trở thành học giả và bước lên đài danh vọng huy hoàng nhờ tài năng nghề nghiệp và lương tâm trong sáng của họ, và từ đó tự hỏi Margueritte Higgins là ai mà đã làm cho một số chính khách, tướng lãnh Mỹ và một số trí thức Công giáo Việt Nam phải mê muội đến nỗi phải dựa vào sách của bà ta mà tham khảo để bênh vực nhà Ngô.

Margueritte Higgins là nhà báo, sinh năm 1920 chết năm 1966, đã có chồng là tướng Wiliam Hall và hai con. Để trả lời thắc mắc của một độc giả đang viết luận văn về một nữ ký giả chiến trường “đã là tình nhân của nhiều tướng lãnh Lục quân Mỹ trong Đệ Nhị Thế Chiến, trong chiến tranh Cao Ly và chiến tranh Việt Nam” (to have had numerous affairs with numerous US Army generals during World War II, the Korean conflict and the war in Vietnam), báo Parade (The Sunday Newspaper Magazine) ngày 28/12/1986 đã viết như sau:

Người ký giả được đề cập đến là bà Margueritte Higgins (1920-1966), một nữ ký giả chiến trường cao lớn, nhiều đường cong, khêu gợi tình dục (tall, curvaceous, sexy) của Tạp chí New York Herald Tribune, và đã được giải thưởng Pulitzer về ký sự quốc tế năm 1951. “Maggie” Higgins là một người đàn bà đẹp choáng váng, nhiều tham vọng và nổi tiếng là không thấy gì có hại khi phải dùng đến vốn liếng của mình-kể cả tài nghệ trong phòng the-để tiến thân nghề nghiệp ký giả (who reputedly saw no harm in using her assets-among them a bedroom talent-to advance her spectacular career in journalism). Bốn tác phẩm về Higgins, về các đồng nghiệp và về thời đại của bà ta mà quý độc giả nên tìm đọc là hồi ký “News in a singular thing”, cuốn “Witness to War” của Antoinette May, “The Paper: the Life and Death of the New York Herald Tribune” của Richard Kluger, và truyện dài “Shriek with Pleasure” của Toni Howard được gợi hứng từ những thành tích và kinh nghiệm dục tình của Higgins (inspired by Maggie Higgins’ sexploits and sexperiences).

Với tư cách cá nhân và những liên hệ “đặc biệt” với các tướng lãnh Mỹ như thế, ta có thể hiểu tại sao trong cuốn “Our Vietnam Nightmare” Higgins đã bênh vực lập trường thân nhà Ngô của các tướng Harkins và Krulak, và tại sao mới đến Sài Gòn vào tháng 8, 1963 và chỉ mới sống tại Việt Nam vài tháng mà Higgins đã có được những luận điệu quỷ quyệt để bênh vực nhà Ngô. Nếu ông Ngô Đình Nhu đã có mật vụ tổ chức và chụp hình gái lầu xanh ăn nằm với nhân viên Liên Hiệp Quốc điều tra vụ Phật giáo để làm áp lực họ, thì bà Nhu ngại gì mà không “tiêm” cho Higgins những tài liệu thất thiệt để Higgins đánh phá Phật giáo bằng những luận điệu đảo ngược dư luận Mỹ có lợi cho nhà Ngô.

Điều đáng nói thêm là thứ đàn bà hư thân mất nết, thứ ký giả gian trá như Margueritte Higgins lại là nguồn trích dẫn khả tín của Công Giáo Cần Lao, đặc biệt là giới trí thức như Nguyễn Văn Chức. Nguyễn Văn Chức và Nguyễn Trân đã dựa vào tài liệu ngụy tạo của “Our Vietnam Nightmare” để viết sử thì thử hỏi nền sử học Việt Nam tương lai sẽ phải khổ công như thế nào để phân biệt thực hư, chính tà!

 

Năm 1975, ký giả Karnow sau khi đi Hà Nội về, xác nhận một lần nữa rằng Thượng tọa Trí Quang không phải là Cộng Sản mà chỉ bị vu khống xuyên tạc theo kiểu giả tưởng mơ hồ (sheer fantasy). Ông Lê Duẫn đã thú nhận với Karnow là đã không khai thác được vụ tranh đấu của Phật giáo năm 1966. Ông Lê Duẫn đã rất tiếc bỏ mất một cơ hội chỉ vì hệ thống cán bộ Cộng Sản nằm vùng tại Huế lúc bấy giờ còn quá yếu ớt. Cũng theo Karnow thì năm 1975, sau khi Cộng Sản chiếm đoạt miền Nam, Thượng tọa Trí Quang liền bị Cộng Sản cô lập một thời gian [18].

Đầu năm 1985, ký giả lão thành Robert Shaplen thăm viếng Việt Nam trong ba, bốn tháng để nghiên cứu về tình hình “chủ nghĩa xã hội”, đã cho biết rằng khi ở Thành phố Hồ Chí Minh ông có xin gặp Thượng tọa Trí Quang mà không được. Ông đã tự hỏi không biết Thượng tọa không muốn gặp hay vì chính quyền Cộng Sản cấm Thượng tọa giao thiệp. Theo cuộc điều tra của Robert Shaplen thì trước sau Thượng tọa vẫn là người chống Cộng Sản, chống Hoa Kỳ và chống chiến tranh. Ông ta cho biết từ sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam, Thượng tọa bị cô lập một năm rưỡi rồi mới được trở về chùa Ấn Quang [19].

Thật thế, nếu Thượng tọa Trí Quang là Cộng Sản như những lời xuyên tạc, vu khống, thì tại sao chính quyền Hà Nội sau khi chiếm được miền Nam lại không sử dụng Thượng tọa, một vị lãnh đạo được đa số Tăng Ni và quần chúng Phật tử kính phục và tín nhiệm, để thành lập “Phật giáo yêu nước”, “Phật giáo thống nhất”, mà lại dùng Thượng tọa Thích Minh Châu vốn không được tín đồ tin tưởng, khiến cho cuộc đấu tranh của Phật tử chống lại hai tổ chức đó kéo dài. Và nếu Phật giáo là Cộng Sản thì tại sao đầu năm 1975, khi gần mất Huế, Đức Tăng thống của Giáo Hội lại phải vào ngay Sài Gòn không ở lại vùng Cộng Sản như Tổng Giám mục Trịnh Như Khuê đã ở lại Hà Nội từ năm 1954 để vừa làm tay sai cho chế độ miền Bắc vừa giúp Vatican dễ dàng bắt cá hai tay trong ván bài Việt Nam.

Nói tóm lại, vì không nhìn được tương lai đất nước đi về đâu, vì mang tinh thần chống Cộng một chiều theo kiểu con đà điểu chui đầu vào cát, vì không lý hội được viễn ảnh của một nền Hòa Bình trong Trung lập, cho nên khi nghe Thượng tọa Trí Quang đòi hỏi Trung lập và Hòa bình, khi nghe Phật giáo nêu khẩu hiệu Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc (việc mà Giáo hoàng Paul VI đã vận động từ năm 1965 và cả Giáo chủ Phạm Công Tắc đã đòi hỏi từ năm 1954-1955) cho nên cả hai chế độ Đệ I và Đệ II Cộng Hòa cũng như nhóm Công Giáo Cần Lao đã gán cho Thượng tọa là thân Cộng. Gán cho Thượng tọa Trí Quang là thân Cộng, nhóm Công Giáo Cần Lao còn có mục đích trả thù, còn có ý đồ chạy tội trước lịch sử. Sự diễn dịch bừa bãi đó chỉ có thể giải thích bằng một đầu óc giáo điều, hẹp hòi và thù hận, với những định kiến đã bám chặt từ lâu vào tâm thức của họ mà thôi.

Giáo sư Trần Ngọc Ninh, một nhà văn hóa tên tuổi của Việt Nam đã đưa ra một khẳng định khúc chiết như sau:

Có nhiều người nghi ngại và lo sợ rằng Phật giáo có thể đi với Cộng Sản, Cộng Sản có thể dùng được Phật giáo, những người này không hiểu gì về Phật giáo cả, và cũng không hiểu gì về Cộng Sản nữa.

Chủ nghĩa Cộng Sản đặt căn bản ở chủ nghĩa Duy Vật Biện chứng và Duy Vật Lịch sử nhưng thuyết này công nhận tính Tuyệt đối của Lịch sử. Người Cộng Sản tự nhận là cách mạng, làm cách mạng và họ cho là cùng nghĩa với làm Lịch sử tức là thuận chiều đẩy bánh xe lịch sử cho nhanh hơn, để thực hiện một giai đoạn mới của lịch sử theo Duy Vật biện chứng. Xong rồi tới đâu nữa? Chủ nghĩa Cộng Sản chưa bao giờ có câu trả lời.

Giáo lý của đức Phật cũng dạy rằng sự “động” tạo ra “phản động” có thể đây là một biện chứng pháp. Thật ra biện chứng này là một khía cạnh của Luật Nhân Quả.

Lịch sử trong quan niệm của Phật giáo là sự vận chuyển không ngừng của Luật Vô Thường và Luật Nhân Quả, nhưng đức Phật không hề nói rằng con người phải chịu mặc cho lịch sử xoay vần, hay phải thúc đẩy cho lịch sử chóng sang một kiếp Vô thường khác; cuộc cách mạng nằm trong giáo lý đức Phật là một sự chống đối lại lịch sử do lòng tham, sân, si chuyển vận để giải thoát con người ra khỏi cái thế gian đau khổ vô cùng tận này.

Hơn nữa, trong đạo Phật, sự giải thoát của loài người có thể đạt tới và phải tới ngay trong cõi đời hiện tại. Đức Phật, và sau Ngài, hằng hà sa số Phật đã sinh ra ở thế giới vô minh của loài người và đã đi tới mức cuối cùng của sự giải thoát.

Chủ nghĩa Cộng Sản đã thành hình trên một dòng tư tưởng thuần lý và kết hợp triết lý Duy lý của Hegel và triết lý Duy vật của Feuerbach. Tất cả các ý niệm của Cộng Sản đều cực đoan đến mức thiên lệch và độc ác vô tận.

Đạo Phật, ngược lại, tránh tất cả những sự cực đoan. Con đường đức Phật là con đường Trung Đạo, Phật pháp đòi hỏi cả Tâm và Trí: Đức Phật là đấng Vô thượng Chánh đẳng, Chánh giác và cũng là đức Đại từ Đại bi. Sự toàn giác của đạo Phật không chỉ do ở lý trí mà bao gồm cả Trí lẫn Tâm.

Kể làm sao cho hết được tất cả những sự khác biệt giữa Phật giáo và Cộng Sản. Sự trái ngược ở ngay trong ý thức hệ, ở trong căn bản triết lý của đạo Phật và học thuyết Cộng Sản. Qua địa bàn thực hành, ta thấy Cộng Sản chủ trương bạo động: Bạo động để đấu tranh giai cấp (Karl Marx). Bạo động để cướp chính quyền (Lenine). Bạo động để thanh trừng nội bộ (Staline). Bạo động để gieo rắc mầm mống Cộng Sản ở các nước khác (Mao Trạch Đông).

Tinh thần Phật giáo là bất bạo động, phương châm của đạo Phật là tự giác, giác tha và tùy duyên, phương tiện không thúc đẩy, không bắt buộc, không bạo hành, không man trá, không thiên lệch.

Vậy thì tại sao lại có một sự hiểu lầm về thực chất Phật giáo Việt Nam? Có rất nhiều lý do tạo ra sự ngộ nhận ấy.

Lý do thứ nhất là vì một số người ngoại quốc chưa hiểu rõ giáo lý đạo Phật và chỉ hiểu Phật giáo qua bề ngoài, đã tạo ra trên báo chí và bằng lời nói một sự nghi kỵ đối với phong trào quần chúng Phật giáo.

Một lý do nữa là tinh thần Hòa Bình của Phật giáo đã một phần trùng hợp với chiến dịch Hòa bình của Cộng Sản tung ra làm một lợi khí tâm lý trong một giai đoạn khó khăn của họ.

Ngoài ra cũng còn một lý do nữa phải nói tới là Phật tử Việt Nam chưa có một cương vị chính trị rõ ràng và vững chắc để hoạt động trong nước một cách chân chính minh bạch.

Những lý do nầy làm cho những hiểu lầm về thực chất của Phật giáo Việt Nam không còn nữa khi mọi người hiểu rằng không ở nước nào và trên địa hạt nào của Phật giáo có thể chấp nhận được Cộng Sản, và riêng ở Việt Nam thì ngay từ lúc khởi thủy, khuynh hướng chính trị của Phật tử đã có tính cách dân tộc và cách mạng rõ rệt. [20]

Cuộc Cách mạng 1-11-1963 đã đưa lại cho toàn dân miền Nam niềm hoan lạc vô biên và đã làm cho ông Hồ Chí Minh phải công nhận “cái uy tín to lớn”, cái “được lòng dân” của quân đội như tuần báo Mỹ US News & World Report số tháng 10 năm 1983 đã trình bày, hoặc như cựu Đại sứ Ba Lan đã viết rõ ràng trong Hồi ký War of the Vanquished của ông. Nhưng rồi gần ba năm xáo trộn và chế độ Nguyễn Văn Thiệu tiếp theo đã làm phai mờ ngọn lửa cách mạng âm ỉ trong lòng dân chúng. Ký giả Robert Shaplen, một ký giả lão thành từng theo dõi tình hình Việt Nam từ 1945, từng có cảm tình với cuộc Cách mạng 1-11-1963 khi viết sách về chế độ Diệm và cuộc cách mạng đó, đã phải đặt tên cho tác phẩm là “cuộc Cách mạng thất bại” (The Lost Revolution). Còn một chứng nhân người Việt khác đã từng suốt đời đấu tranh cho lý tưởng cách mạng, thì lại tiếc thương cho một trang sử huy hoàng bị xé rách và trách móc sự bất lực của ông Dương Văn Minh nên gọi Cách mạng 1-11-1963 là “một cuộc Cách mạng nửa vời, là một chính biến hơn là một cuộc Cách mạng”.

Lưu vong nơi đất khách quê người, dưới đề mục “Bất đắc dĩ khơi đống tro tàn”, chứng nhân Lê Nguyên Long đã viết một bài dài lên án nặng nề chế độ bạo tàn, độc ác của anh em ông Diệm rồi kết luận:

Cuộc lật đổ nhà Ngô năm 1963 đáng lý “là một cuộc cách mạng” vì đã nối tiếp tinh thần quật khởi chống bạo quyền của dân Việt, nối tiếp những hành động “Đại nghĩa Hy sinh” liên tục của chiến sĩ quốc gia dưới thời Diệm trị.

Ta có nên kể lại từ một thanh niên Cao Đài hành động như Kinh Kha tại Ban Mê Thuột năm 1957, từ các sĩ quan Nhảy Dù bao vây dinh Độc Lập năm 1960, từ hai sĩ quan phi công ưu tú Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử bắn phá dinh Độc Lập năm 1962, và biết bao nhiêu vụ mưu sát bạo chúa bất thành mà chỉ có mật vụ nhà Ngô biết rõ, cho đến khi Đại úy Nhung và Thiếu tá Nghĩa căm phẫn trả thù các đồng chí của họ.

Lật Diệm năm 1963 đáng lý là một cuộc Cách mạng vì đã giải thoát hàng vạn người quốc gia trong các ngục tù trên toàn quốc, giải thoát hàng triệu nhân dân đang nghẹt thở dưới một chế độ thối nát học thói độc tài. Toàn dân đã bừng bừng phấn khởi... Nhưng hỡi ơi, hương của Cách mạng chỉ bùng lên vài ba tuần đầu rồi dần dần tắt ngấm chỉ vì người cầm đầu Dương Văn Minh nhu nhược chỉ muốn cuộc cách mạng ấy là một cuộc binh biến hay chỉnh lý mà thôi...[21]

 

Quy mối thất bại cho tướng Dương Văn Minh tuy không phải là không đúng, vì dù sao thì trong một thời gian ngắn trước ngày Cách mạng 1-11-1963 và một thời gian gần ba tháng sau đó, ông là người cầm đầu Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng và gần như có toàn quyền điều hành quốc gia. Nhưng nếu đặt con người Dương Văn Minh vào bối cảnh lịch sử lúc đó và phê phán ông bằng một cái nhìn thông suốt theo chiều dài của lịch sử thì Tướng Minh cũng như các nhân vật chủ yếu của Hội Đồng chỉ là những quân nhân, chưa bao giờ hoạt động chính trị, lại càng chưa bao giờ học hỏi hay hành xử như một chiến sĩ cách mạng. Họ chỉ làm cái công việc phải làm của một công dân yêu nước, của một người không chịu cảnh áp bức thì vùng lên đạp đổ nó. Những chính trị gia từng trải của chính trường miền Nam, những “cách mạng gia” lão luyện của mấy mươi năm lăn lộn, những trí thức khoa bảng làu thông lý thuyết cách mạng... đã không dám làm hoặc không làm được việc đó thì người quân nhân phải làm!

Thật thế, suốt 30 năm trời quê hương khói lửa, dù quân đội có những sai lầm trầm trọng nhưng người quân nhân vẫn là thành phần hy sinh hơn ai hết. Họ đã phải xa lìa mái ấm gia đình, nằm gai nếm mật nguy hiểm gian lao, họ đã mang tấm thân tàn phế hay bỏ xác nơi sa trường. Sau tháng 4 năm 1975, họ lại là thành phần lao lý nhục nhằn nhất trong các trại cải tạo Cộng Sản. Trong lúc đó thì hàng ngũ trí thức đã làm gì? Một số không muốn làm tôi tớ, tay sai cho các bạo quyền thì tự nguyện chọn kiếp sống Bá Di, Thúc Tề, hay bỏ nước ra đi làm thân lưu vong, một số khác khí phách, can trường hơn thì vùng lên chống đối nhưng rồi cũng đành phải thất bại để mang thân tù tội. Tiếc thay số “kẻ sĩ” này chỉ thưa thớt như lá mùa thu. Trong lúc đó thì đa số lại đầu hàng thời cuộc tìm sự yên thân qua ngày, hoặc đầu hàng bạo quyền để được vinh thân phì gia. Cũng vì đại đa số trí thức quốc gia như thế cho nên Hoàng Văn Chí tiên sinh, một trí thức không chịu làm tôi tớ cho chế độ Ngô Đình Diệm, mới lên án hàng ngũ trí thức thời đại như sau đây:

Nguyễn Trãi có thù nhà nợ nước. Giới thượng lưu trí thức sau nầy là con ông cháu cha, không có thù nhà mà cũng chẳng quan tâm đến nợ nước.

Nguyễn Trãi uyên thâm cả về Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo, tức là học tam giáo một cách đầy đủ.

Nguyễn Trãi là người trí thức số một của thời đại, ấy thế mà ông sẵn sàng tình nguyện phò tá Lê Lợi, một người có nghĩa khí, có tài lãnh đạo và có uy tín với nhân dân nhưng chỉ là “anh hùng áo vải” không thuộc giới trí thức. Điều đó chứng tỏ Nguyễn Trãi không tự cao tự đại về cái trí thức của mình mà chỉ lo mang cái vốn kiến thức đã thu thập được dùng vào công cuộc giải phóng dân tộc.

Nguyễn Trãi học rộng nhưng cái học của ông không đóng khung trong lý thuyết, trong sách vở, ông không thuộc loại trí thức mà Lão Tử phê bình “Bác giả bất tri, tri giả bất bác” nghĩa là người học rộng mà không hiểu gì cả, người hiểu nhiều là người không học rộng.

Những anh hùng cứu nước như Lê Lợi, Nguyễn Huệ đều là “anh hùng áo vải” xuất thân nơi thôn dã ít học. Phải chăng vì ít học nên không mắc bệnh giáo điều, mắc bệnh Tống Nho, hãy còn sáng suốt để đối phó với thời cuộc, không sùng mộ Tàu quá mức nên hãy còn đầy đủ tinh thần dân tộc.

Lê Lợi thành công vì may mắn được một vị trí thức là Nguyễn Trãi phò tá. Nguyễn Huệ cũng gặp được một Ngô Thời Nhiệm sáng suốt. Hồ Quý Ly phát động cuộc đại cách mạng mà chẳng được ai trong giới “đại trí thức” ủng hộ nên thua sớm.[22]

 

Trong ba mươi năm chiến tranh, phe quốc gia cũng có những vị anh hùng áo vải như Trình Minh Thế, lãnh tụ phong trào kháng chiến Cao Đài Liên Minh; như Lê Quang Vinh, lãnh tụ nghĩa quân kháng chiến Phật Giáo Hòa Hảo, thế mà không có một hậu duệ nào của Nguyễn Trãi phò tá cả. Vì không có một trí thức nào phò tá nên t ướng Trình Minh Thế mua lấy cái chết bí ẩn sau khi bị ông Diệm tỏ thái độ khinh rẻ và vong ân, cho nên ông Lê Quang Vinh bị ông Diệm lừa bắt và giết chết một cách tức tưởi.

Cũng như Trình Minh Thế và Lê Quang Vinh, nhóm tướng lãnh Dương Văn Minh đã lật được một chế độ phản dân tộc, giải thoát cho toàn dân, nhưng rồi cũng như Hồ Quý Ly, không có được một trí thức nào kiểu Nguyễn Trãi hay Ngô Thời Nhiệm phò tá nên cuộc cách mạng đành phải dang dở.

Đó là chưa nói đến trong suốt gần chín năm dưới chế độ Diệm, quân đội bị xem như một thứ “tôi tớ” của gia đình họ Ngô với hai bài học chính trị lớn của Nha Chiến Tranh Tâm Lý là Suy tôn Ngô Tổng thốngXin ơn trên ban phước lành cho chúng ta. Trong suốt thời gian ngắn ngủi chuẩn bị cuộc binh biến để làm cách mạng, các sĩ quan bị kiểm soát, theo dõi, canh chừng gắt gao và phải dồn mọi nỗ lực cho cuộc đấu trí sống chết với bộ máy mật vụ của cả ông Ngô Đình Nhu lẫn ông Ngô Đình Cẩn, thì làm sao có thì giờ và điều kiện để nghiên cứu và thiết kế một kế hoạch hậu cách mạng hữu hiệu được. Sự đóng góp khiêm nhường của thành phần đấu tranh dân sự đã không giúp được gì nhiều cho quân đội mà suốt chín năm vốn chỉ là một thứ quân đội phe phái, bị đảng viên Công Giáo Cần Lao chi phối, thưởng phạt bất minh, sử dụng theo cung cách chia để trị, theo tiêu chuẩn liên hệ với gia đình họ Ngô nên đã tạo ra nghi kỵ giữa các sĩ quan, giữa các tướng lãnh, giữa các đơn vị, giữa các binh chủng. Do đó mà sau này, khi đảo chánh xong rồi không biết ai ngay an gian, ai bạn ai thù, ai công ai tội.

Cho nên nói cho đúng thì vì nhìn thấy cơn suy vong của đất nước, nhìn thấy nỗi thống khổ triền miên của đồng bào, nhìn thấy anh em ông Diệm định bắt tay với ông Hồ Chí Minh mà bất đắc dĩ quân đội phải vội vã đứng lên làm tên lính tiên phong cho dân tộc chận đứng cơn Hồng thủy. Nhưng vì hậu quả quá nặng nề do chế độ Diệm để lại, nhất là mối oán cừu thù hận đằng đằng giữa khối Công giáo và các tôn giáo khác, cho nên những tướng lãnh tuy có lòng với quê hương dân tộc nhưng lại không có tài an bang tế thế làm cho cuộc Cách mạng 1-11-1963 phải dở dang.

Đứng trên bình diện truyền thống dân tộc và ở khía cạnh chống độc tài bạo trị, thì cuộc nổi dậy của tướng Dương Văn Minh và các tướng lãnh đồng chí với ông ta để lật đổ chế độ Diệm có khác nào hành động của Biện Nhạc ở Vân Đồn và hai người em Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ nổi dậy chống tên quyền thần tàn ác, tham nhũng Trương Phúc Loan và chống chúa Nguyễn. Lại bảo rằng vì lật đổ chế độ Diệm mà xảy ra ba năm xáo trộn và mất miền Nam về tay Cộng Sản thì có khác nào bảo vì cuộc lật đổ Trương Phúc Loan mà nội chiến ly loạn, chết chóc tang thương liên tục 31 năm trời từ 1771-1802, ngày Gia Long nhờ sự giúp đỡ của các cố đạo Pháp chiến thắng Tây Sơn thống nhất sơn hà để sau đó Việt Nam bị Pháp đô hộ.

Chỉ có nhóm sử gia tay sai của nhà Nguyễn mới lên án anh em Tây Sơn là phiến loạn và xuyên tạc cuộc cách mạng Tây Sơn, cũng như chỉ có nhóm Công Giáo Cần Lao mới xuyên tạc chính nghĩa cuộc cách mạng 1963 và cuộc đấu tranh của Phật giáo.

Ta không thể không kính phục sử gia Trần Trọng Kim sống dưới triều đại nhà Nguyễn mà vẫn chê trách Gia Long, ca ngợi những người anh hùng áo vải đất Tây Sơn. Ta không thể không kính phục người trí thức trẻ tuổi Tạ Chí Đại Trường sống dưới chế độ Nguyễn Văn Thiệu, một Tổng thống Công giáo, mà vẫn vạch tội Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp, cha đẻ Giáo hội Công giáo Việt Nam qua tác phẩm Lịch Sử Nội Chiến Việt Nam 1771-1802.

Trách ông Dương Văn Minh và nhóm tướng lãnh lật đổ chế độ Diệm tạo ra ba năm xáo trộn vậy có nên trách Tổng thống Yeltsin lật đổ chế độ Nga Sô tạo ra tình trạng tan vỡ của Nga Sô thành nhiều quốc gia và đưa nền kinh tế Nga vào cơn khủng hoảng hay không?

Ngoài ra, cuộc Cách mạng 1-11-1963 lại xảy ra vào lúc mà chiến tranh tại miền Nam đã bắt đầu sôi động, một thứ chiến tranh nhân dân phối hợp các hình thái quân sự, chính trị, tình báo, kinh tế, xã hội vô cùng phức tạp, chi phối bởi rất nhiều ý thức hệ và giăng mắc bởi rất nhiều cạm bẫy quốc tế. Cho nên tôi nghĩ rằng việc lên án sự thất bại của cuộc cách mạng 1-11-1963 một cách giản dị đơn sơ e không khỏi mang nhiều tính bất công nếu không muốn nói rằng bất lương.

Huống gì lịch sử cách mạng thế giới đã chứng minh rằng tất cả những cuộc lật đổ các chế độ phong kiến độc tài đều kéo theo những khoảng trống chính trị, những xáo trộn rối ren, nhiều khi kéo dài trên hàng chục năm đẫm máu vẫn chưa chấm dứt. Mọi vật đều có giá: hoa Cách mạng giá càng đắt hơn! Không cần phải kể đến những cuộc cách mạng vô sản do người Cộng Sản chủ xướng mà bạo lực đã là một cứu cánh như Cách mạng Nga Sô (1917), Cách mạng Trung Hoa (1927), Cách mạng Việt Nam (1945)... mà ngay cả những cuộc cách mạng tại các quốc gia có truyền thống tín ngưỡng sâu đậm và có quá trình vun xới mầm mống Tự do Dân chủ lâu dài hơn cũng đều kéo theo thăng trầm, va chạm, mâu thuẫn để dù Cách mạng có ở cao trào hay thoái trào thì vẫn có những biến loạn, thanh toán, va chạm đẫm máu.

Nghiên cứu về cuộc cách mạng Dân quyền 1789 vĩ đại của Pháp, ta thấy rằng cho tới đầu tháng 5-1789, khi các quốc dân đại biểu được vua Louis XVI triệu tập vẫn không có một lãnh tụ nào nghĩ tới chuyện lật đổ đế chế để thiết lập nền Cộng Hòa. Ngay cho tới ngày 14-7-1789, sau khi dân chúng Ba Lê võ trang đánh chiếm ngục Bastille và chặt đầu viên Thống đốc Ba Lê bêu lên ngọn giáo, vẫn không có một người nào nghĩ tới chuyện đạp đổ đế chế... Hoài vọng của các đoàn đại biểu lúc đó chỉ là đạt được một bản hiến pháp để giới hạn bớt uy quyền của nhà vua cùng những đặc quyền đặc lợi quá đáng của giai cấp tu sĩ và quý tộc... Nhưng một khi đã phát động, cuộc xung đột càng ngày càng trở nên gay gắt, cho đến khi phải đối phó với thái độ ngoan cố và cao ngạo của những đẳng cấp được ưu đãi, với thái độ vừa nhu nhược vừa thủ đoạn của nhà Vua, các tầng lớp dân chúng mới lấy những biện pháp quyết liệt, hoặc quá khích hơn với thời kỳ khủng bố kinh hồn năm 1793! Do đó, chính cuộc Cách mạng 1789 đã mở màn cho truyền thống bạo lực mà sau này các lãnh tụ Nga Sô vẫn tự hào cho mình là kẻ thừa kế. Và ở mặt khác, cũng chính cuộc Cách mạng này, vì được tiến hành bởi nhiều tầng lớp xã hội khác biệt, nên các khuynh hướng đã nhiều phen va chạm khốc liệt, khai sinh ra một thứ chiến tranh giai cấp tạo tiền lệ cho các cuộc tranh chấp quyền lực sau này.

“Cuộc Cách mạng Pháp xảy ra từ 1789 mà cho đến ngày 21 tháng 1 năm 1793, vua Louis XVI mới lên đoạn đầu đài. Vua Louis XVI chết rồi, chính trường Pháp vẫn xáo trộn, phái Bảo Hoàng (chế độ cũ) hoạt động gắt gao trong vụ tuyển cử. Do sự thoái trào của cách mạng, phái Bảo Hoàng thâu hoạch được nhiều thắng lợi. Tình thế trở nên nguy ngập do sự tràn lấn của phái Bảo Hoàng..., thanh toán lại tiếp diễn rồi Bonaparte trở về thanh toán Cách mạng vào tháng 9-1797 để mấy năm sau ông ta cầm quyền và tái lập nền đế chế” [23].

Cách mạng Dân quyền Pháp để lật đổ Quân chủ, sau gần 10 năm loạn ly, xáo trộn, cuối cùng lại trở về với Đế chế!!

Những người chủ xướng cuộc cách mạng Pháp lúc đó cũng như những người chủ xướng cuộc Cách mạng Việt Nam từ đầu thế kỷ 20, không quan niệm được tính triệt để và toàn diện của Cách mạng, lại “nhân nghĩa” quá độ nên không những đã đánh mất quyền lãnh đạo trong cuộc kháng chiến 1945 chống Pháp mà còn mất luôn cơ hội xây dựng sau tiến trình Cách mạng 1-11-1963 lật đổ chế độ Diệm.

Sở dĩ tôi đề cập đến Cách mạng 1789 của Pháp vì nó có nhiều điểm tương đồng với cuộc cách mạng 1963, tuy khung cảnh và cường độ có khác nhau.

Cách mạng Pháp mở màn trước khi vua Louis XVI lên đoạn đầu đài cũng như cách mạng 1963 mở màn từ biến cố cấm treo cờ Phật giáo lúc ông Diệm còn làm Tổng thống. Cách mạng Pháp lật đổ vua Louis XVI và tập đoàn của ông ta, từ Marie Antoinette đến gia cấp quý tộc, giai cấp tu sĩ, giai cấp tư sản thụ hưởng thì cuộc Cách mạng 1963 cũng lật đổ ông Diệm và tập đoàn của ông ta từ ông bà Nhu, Giám mục Ngô Đình Thục, ông Ngô Đình Cẩn, anh em bà con ông Diệm (quý tộc), và giới Công Giáo Cần Lao (tư sản hưởng thụ). Cách mạng Pháp mở ngục Bastille thì Cách mạng 1963 mở khám Chí Hòa và Côn Đảo để giải thoát cho những người quốc gia bị nhà Ngô giam giữ. Khi vua Louis XVI chết thì nhóm Bảo Hoàng nổi lên cũng như khi ông Diệm chết thì nhóm Cần Lao Công Giáo lại nổi lên. Nhóm Bảo Hoàng chiếm đa số trong Quốc dân Đại hội thì nhóm Công Giáo Cần Lao cũng chiếm đa số trong Nghị trường dưới chế độ Thiệu. Và sau khi vua Louis XVI chết, chính trường Pháp liên tiếp xáo trộn cũng như sau khi ông Diệm chết thì xáo trộn liên tiếp xảy ra cho miền Nam.

Nếu có những khác biệt giữa hai cuộc Cách mạng thì đó là thái độ của hai nhân vật bị lật đổ: Vua Louis XVI khi lên đoạn đầu đài, ông tự tay cởi áo và cà vạt rồi im lặng để người ta trói mình, ông chỉ kêu lên “vô tội” và nói lời cuối cùng là Tôi tha thứ cho kẻ thù của tôi và tôi cầu Chúa để máu tôi khỏi gây họa cho dân chúng. Ông Diệm thì trái lại: Vào những ngày ngắn ngủi còn lại trong cuộc đời mà ông đang cảm thấy cái chết sẽ đến mình, ông đã đưa ra lời tuyên bố mang đầy tính hận thù: Tôi tiến thì tiến theo tôi, tôi lùi thì bắn tôi, và tôi chết thì trả thù cho tôi. Lời trối trăn của ông Diệm như chất cường toan để lại cho nhóm Công Giáo Cần Lao nuôi dưỡng mối hận hung hãn, và tăng thêm tính phá hoại cho những xáo trộn chính trị không thể tránh được sau này.

Cũng khác biệt nữa là nếu cuộc Cách mạng Pháp có rất nhiều đầu rơi máu chảy không những của tàn dư phe đảng cầm quyền (là lẽ dĩ nhiên) mà còn của các lãnh tụ cách mạng nữa, thì trong cuộc Cách mạng 1-11-1963 chỉ có thêm hai người em của ông Diệm và bốn cán bộ của ông ta là Hồ Tấn Quyền, Lê Quang Tung, Lê Quang Triệu và Phan Quang Đông. Còn tất cả tàn dư Cần Lao và lực lượng công cụ một thời hét ra lửa của họ đều được khoan hồng sống sót.

Cuộc Cách mạng 1789 không tạo được ổn định và không duy trì được chính quyền cách mạng trong một thời gian dài nhưng tinh thần Tự do, Bình đẳng và Huynh đệ của cuộc cách mạng đó vẫn sống mãi và đã là ngọn lửa phát động cho nhiều cuộc cách mạng khác trên thế giới. Cũng vậy, cuộc Cách mạng 1963 cũng không đem lại trật tự và phát triển cho miền Nam nhưng tinh thần chống độc tài, chống bạo quyền của cuộc cách mạng đó cũng đã xác định tính liên tục của truyền thống cách mạng chống áp bức của dân ta và để lại một tiếng vọng nhắc nhở thôi thúc trong lòng người dân miền Nam từ sau mùa Xuân 1975, khi nền chính trị chuyên chế của Cộng Sản chụp xuống đời sống của người dân.

Biến cố 30-4-1975 không phải là một sự kéo dài của ngày Cách mạng 1-11-1963 vì rất nhiều lý do nhưng đặc biệt là vì tính năng đặc thù của chúng: Một ngày thì dìm miền Nam xuống vực thẳm, một ngày thì nâng miền Nam lên vinh quang. Nếu có sự liên hệ trong thời gian và sự bất hạnh cho dân tộc là sau gần ba năm xáo trộn, đất nước lại rơi vào tay Nguyễn Văn Thiệu, một chế độ Diệm không Diệm, một chế độ Công Giáo Cần Lao phục hồi, lúc mà dân chủ chưa được thực thi, dân chúng chưa được tự do tham gia vào chính quyền.

Lịch sử lại cũng chứng minh rằng không những chỉ các cuộc cách mạng mới kéo theo những rối rắm xáo trộn, những va chạm đột biến, những thanh toán đẫm máu mà đến các cuộc chính biến, binh biến, đảo chính trong thời cận đại cũng không thoát khỏi cái quy luật “biến động sau cơn khai phá” đó. Từ những cuộc lật đổ vua Farouk của Ai Cập, vua Hailé Sélassé của Ethiopie, đến những cuộc đảo chính lật đổ độc tài Batista của Cuba, Sokarno của Nam Dương, Lý Thừa Vãn của Đại Hàn, Pahlavi của Iran, Somoza của Nicaragua... đều kéo theo thời kỳ khủng hoảng, phản đảo chính, trả thù, tranh chấp, xáo trộn. Chế độ trước đó càng áp bức nặng nề thì tình hình sau đó càng hỗn loạn gay gắt.

Quy luật biến động đó lại càng đúng cho các quốc gia mà hầu hết dân chúng đều theo Công giáo La Mã như Bồ Đào Nha hoặc Y Pha Nho. Hai quốc gia này từng được cai trị bởi các nhà độc tài Công giáo suốt 40 năm trời (Salazar ở Bồ và Franco ở Tây Ban Nha), thế mà sau khi họ nằm xuống, dù không phải vì một cuộc đảo chánh hay cách mạng, các quốc gia ấy (nhất là Tây Ban Nha) vẫn bị xáo trộn khủng hoảng trầm trọng. Các vụ bắt cóc, ám sát, phá hoại, các vụ nổi dậy của dân thiểu số Basque, nhiều tướng tá bị thải hồi, bị tù tội, và hỗn loạn nhất là hai cuộc đảo chính do những sĩ quan trung thành với Franco chủ trương.

Ý Đại Lợi là một trường hợp điển hình rất đáng chú ý vì đó là một quốc gia Công giáo với Tòa thánh Vatican ngự trị ngay tại thủ đô La Mã, thế mà từ sau khi nhà độc tài Mussolini bị xử tử (1945), Ý đã triền miên sống trong bạo động và biến loạn từ kinh tế đến chính trị, từ trật tự xã hội đến an ninh quốc gia.

Thật vậy, sau thời kỳ độc tài độc đảng của Mussolini, đến thời kỳ đa đảng chính trị xuất hiện mà Đảng Cộng Sản Ý lại là đảng Cộng Sản mạnh nhất trong các nước ngoài khối Cộng Sản. (Đó là một hiện tượng mới nhìn thì khó hiểu vì hầu hết dân Ý đều theo Công giáo La Mã chống Cộng Sản vô thần, nhưng xét thật kỹ, nhất là nắm vững được bản chất quyền lực và các sách lược chính trị của Vatican trong giai đoạn sau thế chiến II, thì ta sẽ chẳng thấy gì khó hiểu cả). Ngoài các đảng chính trị hoạt động công khai, Ý còn có những tổ chức bí mật ngoài vòng luật pháp như Tổ chức Phục hồi Danh dự Mussolini, Tổ chức Thân Phát xít, Tổ chức Mafia, và các tổ chức khủng bố cả Tả lẫn Hữu, như Red Brigade là tổ chức kinh khiếp nhất thế giới.

Những vụ bắt cóc, thủ tiêu, ám sát, đặt bom, tống tiền, phá hoại đẫm máu liên tiếp xảy ra mà nạn nhân đều là những nhân vật quan trọng trong giới chính trị, quân sự, tư pháp, cảnh sát, tư bản. Thủ tướng Moro, một chính trị gia Công giáo tên tuổi bị bắt cóc và dù Giáo Hoàng Paul VI đã quỳ xuống ngỏ lời xin tha mà Moro vẫn bị giết. Mới đây Giáo Hoàng John Paul II cũng bị bắn ngay tại công trường “Thánh Peter”. Người con gái 15 tuổi có cha làm việc trong Tòa thánh bị bắt cóc, Giáo Hoàng John Paul II ngỏ lời xin quân khủng bố trả lại tự do cho em bé mà vẫn không được đáp ứng.

Từ khi thế chiến thứ hai chấm dứt cho đến năm 1983, chính trường Ý luôn luôn bất ổn đến nỗi trong vòng 37 năm mà Ý Đại Lợi đã phải trải qua 45 chính phủ dù 44 thì đã thuộc về đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo (trung bình mỗi chính phủ không kéo dài quá 9 tháng, có chính phủ chỉ kéo dài một vài tuần lễ). Xáo trộn chính trị lên đến cao điểm khi mà một quốc gia không ở trong tình trạng chiến tranh nhưng lại sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, nhất là khi bạo lực đó lại được vị giáo chủ cao cấp nhất của giáo hội Vatican vinh danh:

Bọn khủng bố bắt cóc nhân vật uy tín nhất của nước Ý sau khi giết sạch toán cận vệ của ông. Chúng đòi đổi tù, chuộc các lãnh tụ của chúng ra khỏi nhà giam. Chính quyền Ý cứng rắn từ khước. Cảnh sát, công an, mật vụ tung ra khắp nước lùng tìm người bị bắt cóc. Hàng tháng trôi qua, các ông “cớm” thuộc loại “mắt chó giấy” tìm không ra manh mối. Điều đó chưa đáng nhục. Nhục hơn cả là Đức Giáo Hoàng lên tiếng van xin bọn khủng bố: “Tôi xin quỳ xuống van xin các người hãy phóng thích Moro!”

Chưa bao giờ bạo lực được vinh danh đến thế! Khỏi cần ngoan đạo, khỏi cần giữ mười điều răn, chỉ cần có súng ống, có gan liền dí súng vào đít thiên hạ đặt điều kiện, thế là được vị chức sắc cao cấp nhất của một tôn giáo lớn nhất thế giới quỳ xuống van xin! Quỷ Sa Tăng sáng giá đến thế sao?

Có lẽ Đức Giáo Hoàng có một hậu ý khác người. Ngài chịu khuất mình một chút để cho sự phẫn nộ của loài người trước bạo lực thêm kích thích chăng? Để cho bản án nhân loại thêm xác quyết chăng? Hay đó chỉ giản dị là một sự đầu hàng trước bạo lực? Cái đó chỉ có Đức Giáo Hoàng hiểu lấy mà thôi.

Thực tế trước mặt là: sau khi Đức Giáo Hoàng quỳ lạy thì bọn khủng bố trả lời bằng cách trả xác chết Moro về trong cốp một chiếc xe hơi đậu ở ngoài đường.

Đức Thánh Cha bèn làm lễ cho nạn nhân, nhưng bà vợ nạn nhân không đến dự lễ cầu hồn ấy. Có lẽ bà ấy ước mơ được thấy một Pio XII tái sinh hơn là một Paul VI quỳ lạy trước bạo lực, dù với một dụng ý gì. [24]

 

Dụng ý gì nữa: Giáo Hoàng Paul VI là một nhân vật đầu hàng sức mạnh bạo lực của Nga Sô cho nên thái độ chính trị đó không ngoài mục đích làm hài lòng Cộng Sản cho các Giáo hội địa phương được dung tha mà thôi.

Nhưng thái độ đầu hàng nhục nhã đó dù sao cũng là vấn đề riêng của Giáo hoàng, của Giáo hội La Mã và của những kẻ chỉ biết cúi đầu trước sức mạnh. Nó hoàn toàn không biểu tượng được cái truyền thống “uy vũ bất năng khuất” của một người có sĩ khí, của một dân tộc quật cường.

Nước Ý đã từng bị cai trị bởi một nhà độc tài phát xít là Mussolini, đồng thời lại có một Giáo hoàng Pio XII thân Mussolini và thân Nazi không dám lên án chính sách tàn bạo của Đức quốc xã (theo tin của hãng thân tống UPI, 21-9-1981). Tòa thánh Vatican lại là nơi chứa chấp, che chở những tội phạm của nhân loại, những nhân viên cao cấp của đội xung kích SS của Nazi như tên Walter Rauff chẳng hạn đã bị tình nghi giết 250.000 dân Do Thái (theo tin UPI, 10-5-1984). Cho nên sau khi các nhân vật phong kiến, độc tài, cực hữu đó chết đi thì đảng Cộng Sản và đội khủng bố cực tả phải ra đời theo quy luật chính trị về bạo động và luật vay trả của nhân thế.

May cho nước Ý là từ ngày 22-7-1983, chính phủ Xã hội đầu tiên do Thủ tướng Benito Craxi cầm đầu với một chính sách cởi mở, đặc biệt nhất là việc ký kết với Tòa thánh một thỏa ước chấm dứt quyền hành của Tòa thánh trên lãnh thổ Ý, trừ địa phận của Vatican (theo tin AP, 18-2-1984), chính tình Ý mới bắt đầu đi vào nề nếp quy củ phần nào. Tuy nhiên, sự ổn định xã hội và chính trị này còn phải đợi thời gian trả lời vì dù sao thì mầm mống của bạo lực cũng đã ăn sâu vào xã hội nước Ý rồi.

Ngoài những quốc gia vừa kể trên, những biến động, xáo trộn, bất ổn sau một cuộc chính biến vẫn còn xảy ra cho nhiều quốc gia khác tại Trung và Nam Mỹ, và đặc biệt tại Phi Luật Tân. Phi là một quốc gia hoàn toàn Công giáo tại Đông Á và là niềm tự hào của Tòa Thánh La Mã, nhưng chẳng may gần 20 năm nay lại bị cai trị bởi vợ chồng nhà độc tài Marcos (một tín đồ Công giáo). Cho nên ta có thể tiên đoán rằng khi vợ chồng Marcos nằm xuống hay ra đi thì Phi cũng sẽ chịu hậu quả xáo trộn rối ren như miền Nam Việt Nam, sau khi anh em ông Diệm bị lật đổ và bà Ngô Đình Nhu ra đi.

Những chứng minh thực tiển và hùng hồn trên đây cho thấy rằng tất cả những chế độ độc tài phong kiến mỗi khi bị sụp đổ đều để lại xáo trộn rối ren cho đất nước. Những đợt sóng ngầm tùy sâu hay cạn, to hay nhỏ khác nhau nhưng rồi sẽ cuồn cuộn nổi lên để va chạm, xoáy mạnh mỗi khi thay đổi thủy triều. Tất nhiên cuộc cách mạng thay đổi chế độ độc tài Công giáo trị của anh em ông Diệm cũng không tránh khỏi quy luật đó:

... Chế độ Ngô Đình Diệm cũng không tránh khỏi những lỗi lầm trên dù cố gắng nhập cảng vào Việt Nam chủ thuyết “Nhân vị”, tổ chức “Thanh Niên Cộng Hòa”, “Ấp Chiến Lược”. Chủ thuyết cần được giải bày sâu rộng, phù hợp với tình trạng chính trị, xã hội ở quốc nội lẫn ở bình diện thế giới. Nó cần được giới đề xướng áp dụng trước tiên ít ra là trên đại cương. Chế độ phong kiến, quan lại, gia đình trị, đảng trị, kỳ thị của Ngô Đình Diệm không ích lợi gì cho xã hội Việt Nam, nhất là từ 1958 trở về sau, không dính dấp gì tới chủ thuyết “Nhân vị” hay ho trên giấy tờ cả! Trái lại, hậu quả sai lầm của chế độ Diệm là một xâu tướng tá lên nắm quyền chính trị, tôn giáo chơi nhau [25].

Hậu quả sai lầm đó đã đẻ ra ba năm xáo trộn mà trong đó tướng lãnh, tu sĩ, trí thức, sinh viên, đảng phái,... đã thao túng để tranh quyền đoạt lợi cho bè phái của mình hay cho những ước mơ nhiều lúc không chính đáng nhưng luôn luôn tạo thêm hỗn loạn!

Nếu đợt thủy triều Cách mạng 1-11-1963 đã thành công trong việc đập tan chế độ độc tài Ngô Đình Diệm thì nó lại thất bại trong việc cuốn đi những rác rớm của chế độ đó để khi sóng yên biển lặng, những cặn bã của chế độ cũ lại nổi lên mặt nước làm ung thối thêm miền Nam.

Những cặn bã  đó đã được Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cảnh báo như sau.

Đối với những ai từng tham dự vào sinh hoạt chính trị sau khi Diệm bị lật đổ thì còn phải nhìn thấy một đặc điểm khác. Đó là sự kiện người Công giáo vẫn rất uy quyền, và sau một thời gian vắng bóng ngắn ngủi, họ lại xuất hiện trên chính trường. Những kẻ hoạt động tích cực nhất đều bênh vực Ngô Đình Diệm, và những ai từng chống đối Diệm đều bị họ coi như là kẻ thù của người Công giáo (For those involved in the political activities after Diem’s fall, there is another consideration to take into account. The Catholics remained powerful and after a short eclipse, appeared again on the stage. The most active among them strongly defended Diem’s memories, and those who opposed him risked being considered the Catholic’s enemies) [26].

Ba năm xáo trộn, mà nguyên nhân chính là tàn dư của Công Giáo Cần Lao, đã làm suy nhược thêm sức mạnh chính trị của miền Nam với kết quả cuối cùng là đem một chế độ quân phiệt lên cầm quyền để tái lập một chế độ Diệm không Diệm: chế độ Đệ Nhị Cộng Hòa của Nguyễn Văn Thiệu.

 



[1] Thế Uyên, Chân Dung Nhất Linh, tr. 127.

[2] Stanley, Karnow, Vietnam: A History, tr. 339.

[3] Đoàn Thêm, Việc Từng Ngày, 1968, tr. 30 và Tuần báo Paris Match (số 1527, ngày 1-9-78).

[4] Phạm Kim Vinh, Lịch Sử Chiến Đấu Của Quân Lực VNCH, tr. 50, 51.

[5] Nguyễn Ngọc Huy, Sự Thiếu Ý thức và Trí thức của Người Việt Nam Không Cộng Sản Kể Cả Trí Thức Trong Giai Đoạn Trước Năm 1975, trong báo Đường Mới (1984).

[6] Đào Sĩ Phu, bài phê bình cuốn “Những Bí ẩn Về Cái Chết Của VNCH” của Phạm Kim Vinh đăng trong nguyệt san Nhân Bản (số 16 ngày 1-7-78).

[7] Doãn Quốc Sĩ, Người Việt Đáng Yêu, tr. 108.

[8] Hoàng Phi Hổ, Nguyễn Tường Tam: Nhà Văn, Nhà Cách Mạng Dân Tộc, tạp chí Khai Phóng, (số 5 ngày 1-9-81).

[9] Thế Phong, Nhà văn, Tác Phẩm, Cuộc Đời. NXB Đại Nam Văn Hiến, Sài Gòn 1965.

[10] Nhật báo Ngôn Luận, (số ngày 4-11-63).

[11] Võ Phiến, Đất Nước Quê Hương, tr. 97, 98.

[12] Jerrold Schecter, The Fusion Of Religion and Politics In Comtemporary Buddhism, tr. 158.

[13] Jerrold Schecter, The Fusion Of Religion and Politics In Comtemporary Buddhism, tr. 158.

[14] Frances Fitzgerald, Fire in the Lake, tr. 286.

[15] Frances Fitzgerald, Fire in the Lake, tr. 276.

[16] Đặc san Quê Mẹ, Xuân Cố Hương (1980), tr. 43, 45.

[17] Nguyệt san Độc Lập, số tháng 10-1984, tr. 15.

[18] Stanley Karnow, Vietnam: A History, tr. 446-449.

[19] Robert Shaplen, A Reporter At Large, Return To Vietnam, tuần báo The New Yorker (số ngày 29-4-83) tr. 92.

[20] Trần Ngọc Ninh, Phật giáo và Cộng Sản, Nguyệt san Phật giáo (số 3 tháng 8-78).

[21] Lê Nguyên Long, Bất Đắc Dĩ Khơi Đống Tro Tàn, tạp chí Khai Phóng (số 7) tr. 38.

[22] Nguyệt san Dân Quyền (số 77 và 78 tháng 8-84) tr. 29.

[23] Nghiêm Xuân Hồng, Cách mạng và Hành động, tr. 12, 13.

[24] Trần Thủy, Vinh Danh Bạo Lực, bán Nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại (số 25 ngày 1-6-78) tr. 65-67.

[25] Đào Sĩ Phu, bài Phê bình cuốn “Những Bí ẩn Về Cái Chết Của VNCH” của Phạm Kim Vinh, nguyệt san Nhân Bản (số 16 ngày 1-7-78).

[26] Nguyễn Ngọc Huy, The Story Of Diem’s Overthrow and Murder, “Displaced Person”, Center Information Service, tài liệu đã dẫn.

 

©sachhiem.net

Trang Bìa VNMLQHT


Tất cả các chương sách VNMLQHT đã đăng trong sachhiem.net:

VNMLQHT- Ý Kiến Đọc Giả (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục A-Trăm Lời Phê Phán (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục B-Sáu Bài Đọc Thêm (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục C-Bốn Lá Thư Riêng (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục D-Hai Tài Liệu (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục E- Mười Hai Bài Đọc Thêm (HLDM)

VNMLQHTch01- Quảng Bình - Quê Hương Định Mệnh (HLDM)

VNMLQHTch02- Vào Đường Đấu Tranh (HLDM)

VNMLQHTch03- Thăng Trầm trong Cuộc Chiến Việt Pháp (HLDM)

VNMLQHTch04 Phụ Bản - Những Bức Hình Lịch Sử (HLDM)

VNMLQHTch04- Những Ngày Cuối Cùng của Thực Dân Pháp (HLDM)

VNMLQHTch05- Góp Công Xây Dựng Chế Độ (HLDM)

VNMLQHTch06- Bảo Đại và Ngô Đình Diệm (HLDM)

VNMLQHTch07- Gia Đình Trị (HLDM)

VNMLQHTch08- Đảng Cần Lao (HLDM)

VNMLQHTch09- Chính Sách Độc Tài (HLDM)

VNMLQHTch10- Những Thất Bại của Chế Độ (HLDM)

VNMLQHTch11- Bắt Đầu Sự Sụp Đổ (HLDM)

VNMLQHTch12- Hai Năm Khốn Cùng (HLDM)

VNMLQHTch13- Tệ Trạng Tham Nhũng (HLDM)

VNMLQHTch14- Kỳ Thị Tôn Giáo (HLDM)

VNMLQHTch15- Biến Cố Phật Giáo (HLDM)

VNMLQHTch16- Từ Đồng Minh với Mỹ (HLDM)

VNMLQHTch17 Phụ Bản - Những Bức Hình Kỷ Niệm (HLDM)

VNMLQHTch17- Cuộc Cách Mạng 1-11-63 (HLDM)

VNMLQHTch18- Ba Năm Xáo Trộn (HLDM)

VNMLQHTch19- Chế Độ Thiệu (HLDM)

VNMLQHTch20- Kết Luận (HLDM)

VNMLQHTthumuc (HLDM)

 

Trang Hoành Linh Đỗ Mậu