VIỆT NAM MÁU LỬA

QUÊ HƯƠNG TÔI

- Hoành Linh Đỗ Mậu -

http://sachhiem.net/HOANHLINH/VNML17.php

01 tháng 11, 2007

«   »

Chương XVII


CUỘC CÁCH MẠNG 1-11-63

 

 

Tôi có hai người cháu mà tôi thương mến đặc biệt: Đỗ Thọ gọi tôi bằng chú, là Đại úy Không quân trong phi đoàn I Vận tải, và sau này trở thành một trong bốn sĩ quan tùy viên của Tổng thống Diệm. Thọ trầm tĩnh ít nói, tính tình cứng rắn và thủy chung. Binh chủng Không quân có đem lại cho Thọ một ít chất lãng mạn nhưng cũng đủ chừng mực để làm cho Thọ bớt khắc khổ mà thôi. Thọ không quan tâm nhiều đến tình hình đất nước nhưng lại rất nặng tình gia tộc.

Tháng 11 năm 1963, Thọ theo ông Diệm trốn khỏi dinh Gia Long đến nhà thờ Cha Tam. Sau Cách mạng 1963, Thọ trở về Phi đoàn cũ, và trong một chuyến bay đón Thủ tướng Khánh tại Đà Nẵng, Thọ bị tử nạn trên không phận Quảng Nam. Năm đó Thọ 29 tuổi, và để lại cho đời tác phẩm “Nhật Ký Đỗ Thọ” do người em sưu tầm và xuất bản.

Người cháu thứ nhì là Nguyễn Bá Liên, gọi tôi bằng dượng, là Thiếu tá Tư lệnh Phó Thủy Quân Lục Chiến, chỉ huy Tiểu đoàn I và II hành quân diệt địch khắp chiến trường miền Nam. Liên vốn có truyền thống cách mạng trong gia đình, lại mồ côi cha mẹ từ lúc nhỏ nên tính tự lập, cương cường và khí phách. Đời sống của binh chủng thiện chiến đã hun đúc Liên thành một sĩ quan văn võ toàn tài, mà tình yêu quê hương dân tộc chỉ thêm nồng nàn với những cọ sát sôi bỏng chống kẻ thù và với sự hủy diệt thảm khốc thường trực của chiến tranh.

Năm 1963, Liên là sĩ quan cầm quân tiến đánh dinh Gia Long dưới sự chỉ huy của Đại tá Nguyễn Văn Thiệu. Năm 1966, Liên được đổi tên Kontum làm Tư lệnh Biệt khu 24, một trong những nút chặn nguy hiểm nhất của đường mòn Hồ Chí Minh, và tử nạn (năm 1969) trong một cuộc hành quân khốc liệt tại Tân Cảnh, trong vùng núi Trường Sơn gần Bến Hét. Năm đó Liên 38 tuổi và để lại cho đời tác phẩm Việt Nam, Việt Nam ơi! với bút hiệu Trường Giang.

Hai người cháu đặc biệt đó có hai cuộc đời cũng đặc biệt, tuy đối nghịch nhau trong ngày lịch sử 1–11–1963 nhưng lại gặp nhau trong hành động lấy sinh mạng trả nợ non sông. Hai người cháu đó đứng hai chiến tuyến khác nhau trong ngày lịch sử 1–11–1963 đều lấy sự thủy chung làm tiêu chuẩn chọn lựa: Thọ thì thủy chung với ông Diệm, Liên thì thủy chung với đất nước quê hương.

Chương này tôi viết trong nỗi niềm nhớ tiếc về hai đứa cháu thân thương đó mà những hành xử trong ngày 1–11–1963 chỉ làm cho cả Thọ lẫn Liên trở thành những hình ảnh hùng tráng và thắm thiết trong gia tộc chúng tôi. Hình ảnh đó cũng tượng trưng cho tâm trạng tôi trong cuộc Cách mạng 1–11–1963: Thọ là tình người, Liên là tình nước

 

-o0o-

 

Cuộc Cách mạng 1–11–1963 đã được nhiều sách vở, tài liệu đề cập đến đầy đủ. Từ những vận động đến tiến trình thành hình của nó, từ những lực lượng tham dự đến kế hoạch phát động của nó. Trong chương này, tôi chỉ xin đề cập đến những sự kiện và suy tư về những hoạt động mà tôi đã trực tiếp đóng góp, hoặc những biến cố tôi biết rõ trong ngày Cách mạng đó mà thôi.

Vào giữa tháng 7 năm 1963, mặc dù chính quyền Ngô Đình Diệm đã tận dụng mọi thủ đoạn để đàn áp các cuộc biểu tình chống đối chính phủ và đặc biệt trao quyền cho Tòa án Quân sự để đem ra xét xử những can phạm quân sự và dân sự trong biến cố Nhảy Dù với mục đích cảnh cáo, hăm dọa phong trào đấu tranh, nhưng phong trào chống đối mỗi ngày một sôi động hơn. Các cuộc biểu tình đấu tranh của Phật giáo đã có sự tham dự đông đảo của hàng ngũ sinh viên đại học, học sinh trung học và cả các em nhỏ các trường tiểu học nữa, đến nỗi học giả Douglas Pike, trong cuốn “Viet Cong” đã mô tả những ngày hè 1963 này bằng hình ảnh của một “Thủ đô Sài Gòn đang bốc lửa”.

Để đối phó với tình hình sôi động đó, chính phủ Diệm đem thêm hai tiểu đoàn Dù và hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến về Sài Gòn tăng cường cho các đơn vị Bộ Binh và Cảnh Sát Dã Chiến để đàn áp các cuộc xuống đường. Hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến này do Thiếu tá Nguyễn Bá Liên chỉ huy vì Liên đang là Tư lệnh phó cho Trung tá Lê Nguyên Khang. Bộ chỉ huy của Liên đóng tại Văn phòng Viện Đại học Sài Gòn ở góc đường Duy Tân và Trần Quý Cáp.

Một hôm vào cuối tháng Bảy, tôi đến Bộ Chỉ Huy của Liên và kéo Liên ra vườn để tìm hiểu thêm về tinh thần binh sĩ trước hiện tình đất nước thì được Liên cho biết binh sĩ rất hoang mang và nhiều lúc công khai tỏ thái độ bất mãn với chế độ. Liên nói rằng chẳng những binh sĩ đã không chịu đàn áp biểu tình mà họ còn tỏ ra thân thiện cởi mở với sinh viên học sinh như để bày tỏ thái độ đồng tình. Liên giải thích: “Làm sao binh sĩ có thể đàn áp được khi những kẻ biểu tình là bà con, anh em với họ. Làm sao họ có thể xuống tay với những em nhỏ mới mười mấy tuổi”. Riêng Liên thì “… Dù cháu theo đạo Tin Lành, không phải là Phật tử, nhưng hành động kỳ thị, đàn áp tôn giáo của anh em ông Diệm thật là bất công và tàn bạo! Mỗi lần cháu đi nhà thờ gặp các vị mục sư, các tín đồ, ai ai cũng chê trách chính sách về tôn giáo của ông Diệm”.

Thủy Quân Lục Chiến là một binh chủng thiện chiến, thường đi hành quân khắp các chiến trường và biết rõ tình hình an ninh suy thoái tại nông thôn nên Liên tỏ ra rất lo âu.

Sau khi nghe Liên trình bày, tôi bèn hỏi: “Cháu có nghĩ rằng với tình hình này, liệu quân đội có thể đi đến một cuộc binh biến lật đổ chế dộ Diệm không?”. Liên suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Cháu nghĩ có thể lắm vì chính trong Lữ đoàn của cháu, ngoại trừ Đại úy Bằng theo Công giáo tỏ ý vui mừng đồng ý với các cuộc đàn áp Phật giáo, còn các Tiểu đoàn trưởng khác, ai cũng tỏ thái độ bất mãn căm thù chế độ Diệm. Chính nhóm của cháu như bác sĩ Đại úy Nguyễn Phúc Quế, Đại úy Trần Văn Nhật (tướng Nhật, hiện nay ở Orange County, Cali), như Đại úy Lê Hằng Minh (em của tướng Lê Minh Đảo mà trong chương trình “Vietnam, a Television History” của đài PBS, tướng Đảo đã lên án nặng nề chế độ Diệm) và rất nhiều sĩ quan khác đã bàn đến cuộc đảo chánh lật đổ chế độ Diệm mà người hăng hái nhất là bác sĩ Quế”. Quế đỗ bác sĩ Y khoa tại Pháp, nhưng là một trí thức có tinh thần trách nhiệm và có tinh thần chống Cộng sâu sắc, Quế lại đặt niềm tin vào ông Diệm nên đã bỏ Pháp trở về Việt Nam để xin phục vụ trong binh chủng TQLC. Là người Công giáo nhưng Quế thấm nhuần tinh thần dân tộc và tư tưởng dân chủ nên Quế không thể chịu đựng nổi một chế độ phong kiến, độc tài như chế độ Diệm. Vì vậy anh tỏ ra vô cùng bất mãn và chán ghét chế độ. Quế nói rằng: “Trước kia, năm 1960, Nhảy Dù thất bại vì chưa vận động được cả thời lẫn thế, nay là cơ hội tốt đẹp cho Thủy Quân Lục Chiến vùng lên tiếp nối sứ mạng lịch sử đập tan chế độ nhà Ngô”.

Tôi lại hỏi thêm để hiểu quan điểm của Liên: “… Dượng theo ông Diệm đã hơn 20 năm trời, nay nếu đứng lên phế bỏ ông ta thì có mang tiếng là người thiếu thủy chung không?” Liên lại suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Ba cháu từng là chiến hữu của ông Diệm, đã hoạt động cho ông ta, còn dượng thì hy sinh cho ông ta gần nửa đời người, và cháu tuy còn trẻ nhưng cũng đã từng kéo quân về Sài Gòn cứu nguy ông ta trong biến cố Nhảy Dù, vậy thì chính ông ta mắc nợ gia đình mình chứ mình có mang ân nghĩa gì của ông ta đâu! Huống gì đối với quốc gia dân tộc thì mình không thể vì tình riêng mà bỏ nghĩa chung được”. Liên còn đem cái nghĩa lý “Sát nhất miêu cứu vạn thử” (giết một con mèo cứu vạn con chuột) để thuyết phục tôi.

Tuy vậy, lúc bây giờ tôi vẫn chưa có ý muốn lật đổ chế độ, vì như vậy là lật luôn cả ông Diệm, mà chủ yếu tôi chỉ muốn triệt hạ vợ chồng Ngô Đình Nhu mà thôi. Tôi nói với Liên: “Dù sao dượng cũng muốn giữ với ông Diệm một chút tình cố cựu, vả lại ông Diệm chỉ vì nghe lời anh em mà mang tội cho nên dượng chỉ muốn triệt hạ ông Ngô Đình Nhu thì chắc ông Diệm sẽ cảnh tỉnh ngay. Cháu suy nghĩ, phác họa một vài kế hoạch đi rồi cho dượng biết sau”.

Chỉ độ mấy ngày sau, Liên đến gặp tôi tại nhà riêng và cho biết tổ chức của Liên có thể hạ sát ông Ngô Đình Nhu dễ dàng: “Cháu sẽ dẫn một số sĩ quan mặc lễ phục trắng, dấu súng trong mình và nói rằng đại diện đơn vị Thủy Quân Lục Chiến xin yết kiến ông Cố vấn để tặng một kỷ vật mừng ông đã lãnh đạo thành công trong quốc sách Ấp Chiến Lược, trong lúc đó bên ngoài, hai tiểu đoàn của cháu đang hoạt động tại quận Nhất sẽ sẵn sàng tiếp ứng. Khi vào được phòng đợi của ông Nhu nhóm cháu sẽ tông cửa vào văn phòng rồi hạ sát ông ta ngay. Trong kế hoạch này chỉ cần dượng thuyết phục được Đỗ Thọ ra tận cổng dinh Gia Long đón cháu vào là không ai nghi ngờ gì nữa cả.”

Vốn ra vào dinh Gia Long luôn và tuy không chịu trách nhiệm vấn đề an ninh của Dinh nhưng tôi cũng hiểu rõ việc canh phòng và sinh hoạt của nhân viên trong Phủ Tổng thống, nên tôi thấy kế hoạch ám sát Ngô Đình Nhu của cháu tôi có thể thực hiện được. Tuy nhiên, kế hoạch này phải dựa vào Đỗ Thọ mà Thọ thì chỉ là quân nhân thuần túy, không có ý thức chính trị, lại phục ông Ngô Đình Nhu và thương ông Diệm, do đó có thể Thọ sẽ không nghe lời tôi. Tôi bèn bác bỏ kế hoạch này và cho Liên biết kế hoạch của tôi: Hạ sách là kéo một số đơn vị mà chủ lực là Thủy Quân Lục Chiến lên vùng gần Tây Ninh lập chiến khu đòi hỏi ông Diệm phải đưa vợ chồng Nhu ra nước ngoài, trả tự do cho tất cả tù chính trị quốc gia, thỏa mãn năm nguyện vọng của Phật giáo, mở rộng chính phủ, thực hiện đoàn kết với các tôn giáo, đảng phái để chống Cộng. Tôi nghĩ rằng trước bối cảnh đất nước lúc bấy giờ, nếu có một tập họp chính trị gồm đảng phái, tôn giáo, quân đội kéo quân đi lập chiến khu thì sẽ có nhiều đơn vị quân đội hưởng ứng và ông Diệm sẽ nhượng bộ để thực hiện những đòi hỏi đó. Thượng sách là tổ chức một cuộc chính biến lật đổ chế độ Diệm do tôi lãnh đạo để có khả năng giữ ông Diệm lại làm Tổng thống. Lúc bấy giờ tâm hồn tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi hành động của Võ Văn Hải trong biến cố đảo chánh của Nhảy Dù năm 1960. Với vóc dáng thư sinh, với tấm lòng trung nghĩa, Hải đã dám xông pha vào vòng lửa đạn, gặp lãnh tụ đảo chánh là Trung tá Vương Văn Đông để xin tha mạng cho ông Diệm, và xin cho ông ta tạm thời giữ chức Tổng thống vô quyền.

Với hai kế hoạch đó, một mặt tôi bảo Liên về tổ chức Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến thật chặt chẽ để làm chủ lực quân, và móc nối với các sĩ quan thuộc binh chủng khác. Một mặt chính tôi đích thân xây dựng tổ chức cho một cuộc chính biến do tôi chủ trương. Tôi bắt đầu tổ chức người nhà mà trước hết là em họ tôi, Đại úy Đỗ Như Luận, đang giữ chức Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Truyền Tin. Luận có người bạn thân là Đại úy Lê Phước Sang (chánh văn phòng của tướng Nguyễn Giác Ngộ) có nhiệm vụ tác động các sĩ quan gốc Phật giáo Hòa Hảo, vốn rất căm thù chế độ Diệm, và có nhiệm vụ vận động trong giới dân sự mà Luận và Sang quen biết khá nhiều. Luận lại được Thượng Tọa Tâm Châu thương mến tín nhiệm, được Thượng Tọa chỉ giáo cho phần chính trị và nhân sự để tiến hành công tác tổ chức và xây dựng hậu thuẫn quần chúng. Luận và Sang đã tổ chức được nhóm các ông Phan Huy Quát và Trần Thanh Hiệp, nhóm Việt Quốc của luật sư Nguyễn Tường Bá, và lôi kéo luôn được cả ông Trần Quốc Bửu, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Công. Trần Quốc Bửu vốn là bạn thân và đồng chí của ông Ngô Đình Nhu nhưng lại liên hệ chặt chẽ với các giới chức Mỹ. Đã từ lâu, tuy bề ngoài ông Trần Quốc Bửu có vẻ trung thành với anh em ông Diệm nhưng trong thâm tâm ông ta đã chán nản bứt rứt vì biết ông Nhu đang chống Mỹ để bắt tay với Hà Nội. Có lẽ ông Trần Quốc Bửu suy luận rằng chế độ Diệm không thể nào tồn tại được nữa cho nên ông sẵn sàng tham dự vào bất kỳ nhóm đảo chánh nào để có thể rửa được cái “vết nhơ Cần Lao”. Vì thế, khi Luận và Sang bắt liên lạc thì ông nhận lời ngay. Tiếc rằng sau này, khi Cách mạng thành công, tướng Mai Hữu Xuân lại bắt giam ông vào khám Chí Hòa đến nỗi đại sứ Cabot Lodge phải nhiều lần can thiệp tướng Dương Văn Minh mới chịu trả tự do. Do đó, sau này, ông Bửu đã coi tướng Minh như kẻ thù và trở nên cố vấn đắc lực cho ông Nguyễn Văn Thiệu trong những vận động ngoại giao với lực lượng thợ thuyền Hoa Kỳ. (Các ông Nguyễn Tường Bá, Trần Thanh Hiệp, Lê Phước Sang hiện nay đều có mặt tại hải ngoại).

Một người cháu rể khác của tôi là Đại úy Chu Văn Trung (theo chương trình H.O., đã qua Mỹ năm 1992), chỉ huy trưởng tiểu đoàn 1 Truyền Tin đóng cạnh Bộ chỉ huy Lực Lượng Đặc Biệt của Lê Quang Tung, có nhiệm vụ nguy hiểm là cô lập nhóm Lê Quang Tung khi hữu sự. Chu Văn Trung là người Bắc, đệ tử của Thượng Tọa Tâm Châu nên nhờ Thượng Tọa mà lôi kéo được rất đông sĩ quan Phật tử (người Bắc) tham gia công cuộc chung. Một người cháu khác nữa của tôi là Phạm Văn Lương, với bạn là Nguyễn Văn Cơ (Bác sĩ Cơ hiện ở Orange County), là sinh viên Quân Y năm thứ 6, có nhiệm vụ cướp chính quyền trường Quân Y do bác sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức (Công giáo) chỉ huy, và liên lạc với các tổ chức sinh viên khác để vận động sinh viên đại học xuống đường, tạo một cuộc nổi dậy tại Đô thành hậu thuẫn cho hành động của nhóm quân sự. May mắn cho chúng tôi, Lương có người anh rể là Đại úy Hồ Tiêu đang chỉ huy một tiểu đoàn Dù. Cũng như Lương, Hồ Tiêu là người Quảng Trị cùng quê với Hòa Thượng Trí Thủ, Thượng Tọa Thích Thiện Minh… nghe nói đến lật đổ chế độ, Tiêu rất mừng, hăng hái tham gia ngay. Nhờ Tiêu, chúng tôi có thêm một tiểu đoàn thiện chiến làm chủ lực. Trung đoàn Thiết giáp ở Gò Vấp là đơn vị hùng hậu do Thiếu Tá Thẩm Nghĩa Bôi chỉ huy, từng cứu ông Diệm thời Nhảy Dù đảo chánh, chúng tôi cũng tổ chức được một số sĩ quan trẻ để khi hữu sự có thể cô lập được Thẩm Nghĩa Bôi và vô hiệu hóa Trung đoàn. Trong binh chủng Không quân, chúng tôi có Trung tá Đỗ Khắc Mai (hiện ở Pháp) và nhóm cộng sự viên của Mai. Tuy Mai đã từng ở trong Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia và đảng Cần Lao Nhân Vị do tôi tổ chức, nhưng vì là người tâm huyết thuộc một gia đình có tinh thần chống Cộng rất cao, nên khi dần dần thấy anh em ông Diệm tham nhũng thối nát mà lại bất tài bất lực trong việc chống Cộng đến nỗi người bạn thân là Đại tá Nguyễn Xuân Vinh (hiện nay đang ở Hoa Kỳ) phải bỏ chức Tư lệnh Không Quân ra đi, thì Mai trở thành bất mãn và chống chế độ.

Ngoài các lực lượng quân đội và dân sự ở Sài Gòn, tôi còn tổ chức được Đại tá Đặng Văn Sơn và Thiếu tá Trần Văn Hai ở Khánh Hòa. Sơn chỉ huy trường Hạ sĩ quan Nha Trang, lại là một Phật tử thuần thành, bạn thân của tôi lâu năm. Sơn từng ủng hộ ông Diệm thời ông gặp khó khăn trong giai đoạn làm Thủ tướng, Sơn đã từng ở trong đảng Cần Lao, nhưng cũng như mọi người tâm huyết mang tâm trạng bất mãn với nhóm Cần Lao Công Giáo, lại thấy anh em ông Diệm trắng trợn đàn áp Phật giáo nên khi tôi ngỏ lời Đặng Văn Sơn hăng hái nhận lời ngay. Thiếu tá Trần Văn Hai, chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân ở Dục Mỹ (Ninh Hòa) là một đảng viên Đại Việt, thời 1955–1956 bị nhóm Cần Lao Công Giáo dân sự vu cáo nên bị bắt giam, nhưng lại được tôi tái xét và bạch hóa hồ sơ nên từ đó Hai coi tôi như một ân nhân, một người anh, do đó khi tôi cho người liên lạc móc nối, Hai đồng ý ngay. Là người can trường và tâm huyết, Hai hứa với tôi sẽ hy sinh đến kỳ cùng để đập tan chế độ Diệm (Sau khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản vào năm 1975, tướng Trần Văn Hai đã tự vẫn không chịu đầu hàng Cộng Sản). Trường Hạ Sĩ quan Nha Trang và Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ có đến 5, 6 ngàn binh sĩ thiện chiến, cho nên lực lượng hùng hậu này được tôi giao cho nhiệm vụ chiếm Nha Trang để khi tôi kéo quân đi lập chiến khu hay khi có chính biến tại Sài Gòn sẽ nổi lên làm thế ỷ dốc. Nha Trang và Khánh Hòa là quê hương của Phật giáo cho nên dân chúng địa phương trở thành một hậu thuẫn nhân dân vững chắc cho những lực lượng cách mạng sau này.

Trong lúc tiến hành tổ chức cuộc binh biến, tôi không ngờ có nhiều nhóm sĩ quan khác cũng có những nỗ lực nhằm vận động lật đổ chế độ, mà hầu hết là người thân tín của ông Diệm. Có ba nhóm lần lượt đến vận động tôi vào tổ chức của họ. Trước hết là nhóm của tướng Nguyễn Ngọc Lễ và Đại tá Nguyễn Văn Chuân (tướng Chuân hiện ở Hoa Kỳ). Thứ hai là nhóm của Đại tá Nguyễn Khương người Huế, cựu chỉ huy trưởng binh chủng Truyền Tin (Đại tá Khương hiện ở Pháp). Và thứ ba là nhóm của tướng Lê Văn Nghiêm và Đại úy Nguyễn Bé. Sở dĩ những sĩ quan này dám vận động tôi vào tổ chức đảo chánh của họ vì họ toàn là bạn thân của tôi nên biết rõ quan điểm chính trị và tâm trạng của tôi đối với anh em ông Diệm, nhất là đối với vợ chồng Ngô Đình Nhu và ông Ngô Đình Cẩn. Tuy nhiên dù biết họ tin tôi, và dù tôi không nghi ngờ quyết tâm của họ, nhưng vì làm công việc lật đổ chế độ là một việc làm nguy hiểm có thể đưa đến cái chết vô ích nếu bị ông Ngô Đình Nhu và nhóm Cần Lao phát hiện nên tôi đã phải rất cẩn mật. Do đó, dù các tổ chức trên đã đến liên tục thúc giục, tôi chỉ trả lời một cách lưng chừng mà không chính thức nhận lời. (Có phải thế không anh bạn Nguyễn Văn Chuân của tôi ơi!)

Ngoài các nhóm mà tôi tạm gọi là các Tổ chức miền Trung nói trên còn có đảng Đại Việt mà đại diện là Thiếu tá Huỳnh Văn Tồn (hiện ở Orange County, California). Sở dĩ tôi khám phá ra được hoạt động của Huỳnh Văn Tồn là nhờ một tờ thông báo của Trung tướng Thái Quang Hoàng. Nguyên Tồn là huấn luyện viên trường Đại học Quân Sự Đà Lạt, nhưng Tồn lại bỏ trường đi gần hai tuần lễ không về đến nỗi tướng Hoàng phải thông báo nhờ An Ninh Quân Đội lùng bắt. Tôi cho nhân viên dò xét và theo dõi nên biết được Tồn về Sài Gòn liên lạc với các đồng chí quân sự và dân sự trong đảng để tổ chức đảo chánh. Đặc biệt, Tồn liên lạc với cả tướng Dương Văn Minh. Cũng trong nhóm của Tồn từ Đà Lạt về còn có Thiếu tá Thủy Quân Lục Chiến Cổ Tấn Tinh Châu; Châu về miền Tây tổ chức các đảng viên Đại Việt, và trưa ngày 1–11–1963 trở lại Thị Nghè điều động một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến đến tấn công dinh Gia Long.

Trong lúc đó thì Ty An Ninh Quân Đội tại Đà Lạt cũng báo cáo cho tôi biết nhiều “hoạt động lạ lùng” của Trung tá Trần Ngọc Huyến, Chỉ huy trưởng trường Võ Bị Đà Lạt (hiện ở Mỹ). Lúc đầu tôi không tin Huyến âm mưu đảo chánh ông Diệm vì Huyến là người Công giáo lại là em của cựu Bộ trưởng Trần Ngọc Liên, một thuộc hạ đắc lực của ông Diệm và ông Nhu. Huyến lại được ông Diệm nâng đỡ tín nhiệm giao cho chức Chỉ huy trưởng trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, một địa vị mang nhiều vinh dự cho bất kỳ ai được hân hạnh chỉ huy ngôi trường đào tạo nhân tài tương lai cho quân đội.

Cho đến trung tuần tháng 8, tôi biết được vào khoảng 7, 8 tổ chức đang tiến hành những vận động để lật đổ chế độ, mà tổ chức làm cho tôi chú ý một cách đáng ngạc nhiên nhất là của tướng Trần Văn Đôn, lúc bấy giờ đang là Quyền Tổng Tham Mưu trưởng. Hầu hết các tổ chức đó đều do thành phần quân nhân chủ xướng với sự hợp tác của một số lực lượng đảng phái, hoặc với sự yểm trợ của một số khuôn mặt chính trị hay tôn giáo. Sự kiện có quá nhiều tổ chức đã không làm tôi ngạc nhiên vì dưới chế độ bạo quản của ông Diệm, và với hệ thống mật vụ Cần Lao của Nhu, chỉ quân đội mới đủ khả năng và dũng lực để tiến hành những công tác nguy hiểm và đòi hỏi một kỹ thuật tổ chức tinh vi. Và cũng vì thế mà dù hệ thống mật vụ của Nhu có phát giác ra một vài tin tức nhưng chính Nhu cũng không biết ai lãnh đạo và thực lực thế nào.         

Ngoài ra, quân đội, mà cả hai ông Nhu và Diệm đều chủ quan tưởng rằng đã được Quân ủy đảng Cần Lao kiểm soát chặt chẽ, thật ra lại là trung tâm sôi động nhất của mọi mầm mống bất mãn và chống đối. Phật giáo bị đàn áp còn biểu tình phản kháng, đảng phái quốc gia bị đàn áp còn ra tuyên ngôn chống đối, riêng quân đội thì hành xử như một chiến sĩ, nghĩa là khi bị khống chế khinh miệt thì sẽ phản ứng một cách quyết liệt và dữ dội mà điển hình là cuộc binh biến lẫm liệt 11–11–60 của binh chủng Nhảy Dù và những trái bom nổ lửa ngày 27–2–1962 của hai phi công Quốc và Cử.

Đêm 20–8–1963, đêm định mệnh mà vợ chồng Nhu tấn công chùa chiền, tình cờ một người bạn thân của tôi là Đại tá Phùng Ngọc Trưng (hiện ở Pháp) đến chơi và ngủ lại nhà tôi. Trưng vừa mới bị ông Ngô Đình Cẩn cất chức Giám đốc Quân nhu Quân khu I và được tôi kéo vào Sài Gòn giữ chức Chánh sở Hành Chánh Tiếp vận cho Nha An Ninh Quân Đội. Đêm ấy hai anh em tôi đang ngồi nói chuyện thì bỗng vào khoảng một giờ sáng, Thiếu tá Nguyễn Thành Long, Chánh sở An Ninh Quân Đội Sài Gòn–Gia Định, gọi điện thoại khẩn cấp báo cho tôi biết cảnh sát Dã chiến và Lực Lượng Đặc Biệt của Lê Quang Tung đang tấn công chùa Xá Lợi (trung tâm chỉ huy lực lượng Phật giáo đấu tranh), chùa Ấn Quang và chùa Theravada. Theo Long thì chính bà Nhu mặc quân phục Thủy Quân Lục Chiến, đi xe Mercedes đến trước cổng Chùa Xá Lợi để chỉ huy cuộc tấn công chùa này. Và chính nhân viên của Long thấy bà ta la hét, chỉ trỏ ra lệnh cho lực lượng tấn công. Tôi bèn bảo Long cứ tiếp tục theo dõi biến cố và ngày mai sẽ làm tờ trình cho tôi, rồi tôi lại ra trước sân nhà tiếp tục nói chuyện với Đại tá Trưng cho đến sáng.

Ngôi nhà mà Quân đội cấp cho tôi ở là một biệt thự trong cư xá Hải quân, kiến trúc theo kiểu Pháp thời thuộc địa, nằm cuối đường Gia Long gần chủng viện Saint Paul yên tĩnh. Đường Gia Long có hai hàng me xanh lá chụm đầu vào nhau xào xạc, đêm đó như san sẻ câu chuyện tâm sự của hai anh em chúng tôi đang bàn tán về chế độ Diệm và biến cố tấn công chùa chiền.

Là một chứng nhân sống, là một nạn nhân trực tiếp, Trưng đã kể hết và kể rõ tất cả những tội ác của hai ông Ngô Đình Thục, Ngô Đình Cẩn và tập đoàn Cần Lao Công Giáo tại Huế và miền Trung. Với giọng nói bi thiết của một người đã hy sinh tất cả để rồi bị phản bội độc ác, Trưng kết luận: “Như anh biết, cả gia đình tôi đã xả thân cho nhà Ngô với tất cả lòng trung tín và hy sinh. Thời kỳ anh em ông Diệm còn lao đao không ai dám liên hệ, thì chúng tôi đã công khai ủng hộ, đóng góp nhân lực, vật lực. Khi ông Diệm làm Thủ tướng phải tứ bề thọ địch và lúc nào cũng sẵn sàng bị tấn công thì em tôi (Đại úy Phùng Ngọc Bang) chịu vào làm sĩ quan tùy viên, anh ruột tôi chịu vào trong tiểu đội phục dịch cho tư thất ông Ngô Đình Cẩn… Thế mà vì lòng tham vô đáy, ông Cẩn đã cho mật vụ bao vây nhà tôi, một đồng chí cũ, một sĩ quan cấp tá của quân đội, một cán bộ của chế độ, để trắng trợn tịch thu những gia bảo của tôi. Đã tán tận lương tâm như thế, ông Cẩn còn cất chức và thuyên chuyển tôi ra khỏi đơn vị, bắt tôi rời khỏi Huế để cho người Công giáo Phú Cam của ông Cẩn thay thế mà chuyên quyền… Với tôi mà ông Ngô Đình Cẩn còn xử cạn tàu ráo máng như thế thì dân chúng thấp cổ bé miệng còn khổ nhục như thế nào! Chế độ như vậy mà anh cứ nhắm mắt phục vụ sao?”

Hai câu nói cuối cùng của người bạn thân vang dội trong đêm trường, như lớp sóng cuồn cuộn liên tục đập vào ghềnh đá. Tôi chỉ im lặng nghe Trưng nói mà không cho bạn biết tâm sự và dự định của mình. Trưng là người chân thành và trung tín, hơi “quê mùa” một chút nhưng là cái thứ “quê mùa” vô giá của những tâm hồn nông dân Việt Nam bình dị. Nhận định và phê phán của Trưng, đối với tôi, bao giờ cũng có những giá trị rất dân tộc vì phát xuất từ sự trong suốt của tấm lòng Trưng.

Đêm đó, dưới bầu trời đầy sao của mùa Hạ miền Nam, tôi còn hỏi Trưng nhiều và chúng tôi thức suốt đêm dài cho đến sáng. Hôm sau, khoảng 7 giờ, ông Diệm tuyên bố trên đài phát thanh Sài Gòn về việc “Hội Đồng Chính Phủ được triệu tập gấp vào lúc gần sáng. Tổng thống tuyên bố phải hành động cương quyết và lãnh trách nhiệm trước lịch sử vì có tin Việt Cộng sắp tràn ngập Thủ đô. Đã ban hành lệnh giới nghiêm, giao cho quân đội bảo vệ an ninh trật tự. Tướng Tôn Thất Đính, Tổng trấn Sài Gòn–Gia Định, chịu trách nhiệm thi hành lệnh thiết quân luật…”

Khoảng 10 giờ sáng, tôi đang làm việc tại văn phòng của Nha tại góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Hồng Thập Tự thì tướng Trần Văn Đôn, lúc bấy giờ là quyền Tổng Tham mưu trưởng (thay tướng Lê Văn Tỵ đi chữa bệnh tại Hoa Kỳ) gọi điện thoại yêu cầu tôi đến Bộ Tư lệnh của tướng Đính để theo chỉ thị của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu, làm cố vấn cho Đính về các vấn đề chính trị trong cuộc khủng hoảng Phật giáo.

Lại một lần nữa, ông Nhu âm mưu bắt tôi dính dự vào tội ác của dòng họ Ngô Đình: Trước hết, đây là một vấn đề dân sự thuộc Bộ Nội Vụ chứ không thuộc thẩm quyền của tôi, thứ hai là các sách lược chính trị không thuộc lãnh vực của Nha An Ninh Quân Đội, và thứ ba là nếu có một sách lược chính trị thì ông Nhu dư biết tôi đã từng bày tỏ lập trường chống đối chính sách này, vả lại tôi có bao giờ được ông Nhu chính thức thông báo sách lược đó đâu. Không có thẩm quyền, không thuộc lãnh vực, lại không được thông báo, thế mà tôi vẫn bị ông Nhu đẩy vào cái tư thế, mà đối với quần chúng, đối với phong trào đấu tranh của Phật giáo và đối với quân đội, lại là tư thế then chốt để tiến hành chính sách đàn áp Phật giáo của chánh quyền.

Lúc gặp tướng Đính và người phụ tá quân sự là Đại tá Nguyễn Hữu Có, tôi thấy cả hai đều có vẻ khẩn trương và ưu phiền. Vì đặt niềm tin trọn vẹn vào liên hệ thân thiết giữa hai người, Đính đã trình bày đầy đủ cho tôi biết những thảm họa xảy ra tại các chùa bị tấn công, nhất là tại chùa Xá Lợi: “Mặt Phật bị bắn nát, các vật dụng thờ cúng như chuông, mõ, lư hương bị đập phá văng ngổn ngang, các Tăng và Ni bị đánh bằng báng súng và đâm bằng lưỡi lê, riêng Hòa Thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết thì bị hành hung nặng”. Đính còn hằn học “… Họ còn dám ném mấy khẩu Garant M1 vào chùa rồi chụp hình làm tang vật vu khống chùa có chứa vũ khí, họ còn quăng cả đồ lót đàn bà vào phòng của mấy thầy rồi xuyên tạc trong chùa có trai gái bậy bạ…”.

Ông Đính càng hằn học chỉ trích chính quyền tôi càng mừng thầm vì thái độ này phản ánh những uất ức của một kẻ muốn nổi loạn và biết đâu hai ông Đính và Đôn, ngoài tình bạn ra, cũng đã là đồng chí trong tổ chức của ông Đôn rồi, dù bề ngoài ông Đính vẫn tương kế tựu kế giả vờ đóng vai trung thành với ông Diệm.

Những biến cố xảy ra trong mấy tháng vừa qua, từ âm mưu thỏa hiệp với Cộng Sản Hà Nội đến vụ đem xử các thành phần đảng phái quốc gia tại tòa án Quân sự Đặc biệt, từ vụ đàn áp thảm khốc Phật giáo đến những lời hạch tội của Đại tá Trưng tối hôm qua và của tướng Đính hôm nay… đã chồng chất thành bản cáo trạng quyết liệt lên án tội ác của chế độ và bỗng chấm dứt mọi ngần ngại tình cảm cuối cùng của tôi đối với ông Diệm. Tôi cố viện dẫn khoảng thời gian hơn 20 năm trời liên hệ thắm thiết giữa ông Diệm và tôi, nhưng vẫn không đủ ngăn chận được những hành động oan nghiệt của 9 năm trời bạo quản của anh em ông Diệm. Một bạo chúa Ngô Đình Cẩn không ngại ngùng nhúng tay vào máu trên đau khổ của đồng bào; một Ngô Đình Nhu ngạo mạn làm giàu bằng thuốc phiện và chuyển tiền ra ngoại quốc bằng hệ thống mật vụ Cần Lao và sẵn sàng thỏa hiệp với Cộng Sản trong khi phóng tay đàn áp các lực lượng quốc gia; một Ngô Đình Thục chà đạp các tôn giáo khác xuống cho tôn giáo mình được hưởng mọi đặc quyền đặc lợi hầu tiến đến việc Công giáo hóa toàn miền Nam; một Ngô Đình Diệm nhu nhược đạo đức giả; một Trần Lệ Xuân vô đạo đức và lộng quyền; một bầy khuyển ưng Cần Lao Công giáo cấu kết thành một loại trùng độc làm hủy hoại sinh lực của quốc gia và hùng khí của dân tộc… Tất cả gồm trong một gia đình mà những sân si và danh, lợi, quyền,  lực, đã biến thành những tội đồ của đất nước, mà từ gần nửa năm nay dân chúng miền Trung đã âm thầm viết thành bản án lịch sử để lại cho hậu thế đời đời qua hai câu ca dao truyền miệng cho nhau:

    Nhà Ngô có bốn gian hùng

    Diệm ngu, Nhu ác, Cẩn khùng, Thục điên 

Cả một quá khứ địa ngục với một tương lai đen tối của đất nước đã làm tôi dứt khoát hẳn với ý định giữ ông Diệm lại làm nguyên thủ quốc gia như công thức mà Võ Văn Hải đã có lần đề nghị. Tôi nhất định phải lật đổ chế độ này, và chính ông Diệm cũng phải bị tước quyền công dân trục xuất ra khỏi nước.

Suy nghĩ chín chắn rồi, chiều 22–8–63, tôi đến Bộ Tổng Tham mưu để gặp tướng Trần Văn Đôn đề nghị gia nhập vào tổ chức của ông ta. Lúc đầu tướng Đôn tỏ vẻ nghi ngờ hỏi vặn: “Có phải ông Cố vấn bảo anh đến đây để thử thách tôi không?” Nhưng đến khi tôi trình bày hết tâm sự và quyết tâm của mình rồi kết luận một cách chắc nịch rằng “Nếu tôi là tay sai của Ngô Đình Nhu, nếu tôi ham danh lợi thì tôi đã tố cáo âm mưu của Trung tướng cho anh em ông Diệm rồi” thì ông Đôn mới bắt đầu có vẻ tin tưởng hơn nhưng vẫn còn dè dặt bảo tôi trở về làm việc mà không hề đề cập đến lập trường, chủ trương và tổ chức của ông ta. Ra về, tôi trở nên bình thản và lạc quan hơn vì chính thái độ dè dặt của ông Đôn lại càng làm cho tôi tin tưởng ông đang quyết tâm thực hiện cuộc chính biến. Một cuộc chính biến do một cuộc binh biến phát động mà quân đội là chủ lực, lại do một vị Tổng Tham mưu trưởng tổ chức thì nhất định phải thành công.

Độ một tuần lễ sau, hình như sau khi đã cho điều tra và nắm vững tư tưởng của tôi, ông Đôn bèn cho mời tôi đến gặp ông ta tại văn phòng. Sau khi trình bày một cách tổng quát chủ trương làm một cuộc cách mạng lật đổ chế độ, tướng Đôn bèn hỏi tôi: “Quyết định của anh về sinh mạng của anh em ông Diệm như thế nào?” Tôi trả lời dứt khoát: “Đối với vợ chồng Ngô Đình Nhu và ông Ngô Đình Cẩn thì phải bắt giam rồi đưa ra tòa án Quân sự xét xử theo đúng luật. Riêng đối với ông Diệm thì đem ông ta lên ở tại dinh số 1 ở Đà Lạt một thời gian, đối xử đàng hoàng rồi để cho ông ta ra đi muốn sống lưu vong tại nước nào tùy ông ta lựa chọn”. Tướng Đôn đồng ý với tôi ngay vì hình như đó cũng là chủ trương của riêng ông.

Ngoài ra, trước khi tôi liên hệ với tổ chức chính biến do các tướng lãnh chủ xướng, một hôm vào đầu tháng Chín, Đại tá Phạm Ngọc Thảo đến nhà và không ngần ngại mời tôi tham dự vào tổ chức đảo chánh của bác sĩ Trần Kim Tuyến mà ông Thảo là đại diện. Theo ông Thảo, bác sĩ Tuyến chỉ là lãnh tụ tinh thần vì đang sửa soạn đi nhận chức Tổng lãnh sự ở Ai Cập nên không muốn tiếp xúc với ai, vả lại bác sĩ Tuyến đang bị Công an đặc biệt theo dõi gắt gao.

Về trường hợp bác sĩ Trần Kim Tuyến âm mưu lật đổ chế độ Diệm, ký giả Úc Dennis Warner, một bạn thân của luật sư Trần Văn Khiêm (em ruột bà Nhu) và là một ký giả khả tín nhất trong giới phóng viên báo chí thế giới về sự am hiểu tình hình Đông Nam Á đã viết như sau:

Ngày tháng càng trôi qua, Nhu và các bạn hữu thân cận của ông ta càng cãi vã nhau, đưa đến đổ vỡ. Từ nhiều năm nay, kẻ chân tay quan trọng nhất của Nhu trong đảng Cần Lao đồng thời cũng là người điều khiển cơ quan mật vụ của Nhu là bác sĩ Trần Kim Tuyến, 39 tuổi, dáng người nhỏ nhắn và vốn xuất thân từ một dòng tu Công Thiên Chúa giáo. Ngoài những thành quả khác, Tuyến đã học hết chương trình Y khoa trừ năm cuối của chương trình Bác sĩ. Tuyến là người không chấp nhận cung cách của nhà Ngô trong việc trị dân, và đã cố gắng thuyết phục chế độ để đi đến một nền hành chánh thực tiễn và quy củ hơn. Sau khi cuộc đảo chánh tháng 11 năm 1960 thất bại, ông cùng một số viên chức chính phủ có cùng ý kiến với ông soạn thảo một văn thư nội bộ gửi cho ông Diệm nêu lên một số đề nghị cải tổ. Hai mươi trang của văn kiện này được dành riêng để đề cập đến bà Nhu.

Đúng như Tuyến đã lo ngại, quả nhiên Diệm đã gạt bỏ mọi đề nghị cải tổ còn bà Nhu thì phản ứng một cách giận dữ. Mặc dù trong hai năm tiếp theo, bề ngoài Tuyến và Nhu vẫn tỏ ra là một đôi bạn thân, cái “tình bạn” ấy chấm dứt khi Nhu nói rằng ông đã cho ngầm thu âm các bàn ăn trong nhà hàng La Cigale, một hàng ăn mà ban đêm Tuyến và bạn bè thường gặp nhau, và qua các cuộc thu âm ấy, Nhu đã biết được rằng khi Tuyến và bạn hữu bàn với nhau về “một cuộc đảo chánh” thì nội dung câu chuyện không phải luôn luôn là lời lẽ của một kẻ đứng đầu một cơ quan mật vụ trung kiên.

Tuy Tuyến đã “bảo hiểm” sinh mạng của mình bằng cách gửi ra ngoại quốc chứng liệu về các hoạt động của gia đình họ Ngô, ông ta vẫn thường trực sống trong tình trạng nguy hiểm, mặc dù Nhu đã bổ nhiệm Tuyến - để Tuyến không còn là một trở ngại - đi làm Tổng lãnh sự Việt Nam tại Cairo (Ai Cập). Nhu thường gọi Tuyến là “trente neuf” (ba mươi chín) vì con người nhỏ nhắn của Tuyến chỉ cân nặng 39 ký. Sau khi hai người hết thân thiện với nhau, Nhu khôi hài là bây giờ phải gọi Tuyến là “trente huit” (ba mươi tám) vì Tuyến lo sợ cho mạng sống của mình, đã sụt mất một ký. Qua cơ quan của Tuyến, Nhu nắm được hồ sơ cá nhân của tất cả viên chức cao cấp trong chính phủ, kể cả hàng Tổng, Bộ trưởng. Mục tiêu của Nhu là, nếu được, phải làm cho các viên chức này liên lụy đến một hình thức tham nhũng nào đó. Trong mẻ lưới này, không một ai có thể làm hại Nhu mà lại có thể tránh được cho mình khỏi bị hại [1].

Hơn ai hết, ông Tuyến biết rõ những sai lầm và những tội ác của chế độ Diệm, biết rõ những âm mưu thâm độc của vợ chồng Ngô Đình Nhu, biết rõ ông Ngô Đình Cẩn mấy lần định cho người ám sát mình, lại biết vợ chồng Nhu sẽ cất chức mình, đem em là Trần Văn Khiêm vào thay thế để Khiêm ngụy tạo hồ sơ biến mình thành con dê tế thần gánh chịu tất cả mọi hậu quả. Biết như thế và vốn người có lý tưởng quốc gia chân chính nên ông Tuyến không thể tiếp tục làm tôi trung cho một gia đình, một chế độ ngập tràn tội ác, ông Tuyến phải chủ trương đảo chánh trong ý nguyện cứu lấy một quốc gia đang thật sự đứng trên bờ vực thẳm. Từ một công thần hãn mã, ông Tuyến trở thành một kẻ thù không đội trời chung với anh em ông Diệm. Là một người quen thân với ông lại năng tiếp xúc đàm đạo với ông, tôi biết rõ nỗi khổ tâm của người bạn hiền Trần Kim Tuyến.

Còn về Đại tá Phạm Ngọc Thảo thì từ trước tôi chưa hề gặp mà chỉ biết qua hồ sơ. Ông Thảo là một tay phản gián tài ba của Việt Cộng và dù có bà con là Phạm Ngọc Thuần hiện giữ một chức vụ quan trọng ở ngoài Bắc, nhưng nhờ là một tín đồ Công giáo lại là tay chân của Giám mục Ngô Đình Thục nên được ông Diệm tín nhiệm và cho mang lon Trung tá. Lúc Thảo làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa, tướng Mai Hữu Xuân, vốn là cựu Tổng Giám đốc Công an, cựu Giám đốc An Ninh Quân Đội, đã nói với tôi: “Anh nên trình với Tổng thống rằng dùng Phạm Ngọc Thảo là dâng miền Nam cho Cộng Sản rồi đó”. Tôi đem lời của Mai Hữu Xuân trình bày cho ông Diệm thì bị ông Diệm gắt gỏng: “Anh hỏi thằng Xuân nó có biết nguồn gốc gia đình Phạm Ngọc Thảo hơn Đức Cha không?”. Trong thời gian ông Thảo giữ chức Tỉnh trưởng Kiến Hòa, tôi đã cho Đại úy Sinh (hiện ở Hoa Kỳ), trưởng phòng Công tác của Nha, bí mật xuống Bến Tre một tháng để đặc biệt điều tra ông Thảo, và Sinh đã về báo cáo cho tôi: “… chẳng những Thảo là người chống Cộng mà lại chống Cộng rất tài tình. Kiến Hòa là căn cứ địa vững chắc của Cộng Sản, là quê hương của bà Nguyễn Thị Bình, là nơi mà năm 1940 Cộng Sản đã từng nổi dậy cướp chính quyền, thế mà Thảo vẫn “trị” nổi Cộng Sản tại đó”. Nhưng chỉ mấy tháng sau, ông Thảo thôi làm Tỉnh trưởng và được ông Ngô Đình Nhu giao cho nhiệm vụ đi thanh tra công cuộc thiết lập Ấp Chiến Lược. Ông Thảo vẫn vào ra dinh Tổng thống và thỉnh thoảng vẫn được ông Diệm gọi vào nói chuyện.

Gặp tôi, ông Thảo cho biết tổ chức đã kết nạp được một số đơn vị Biệt Động Quân và Bảo An. Và nhờ thường đi thanh tra Ấp Chiến Lược nên đã tổ chức được rất nhiều sĩ quan trong các đơn vị chiến đấu tại Quân đoàn 3 và Quân đoàn 4. Ông Thảo là cộng sự viên của tướng Trần Thiện Khiêm nên cũng tiết lộ cho tôi biết tướng Khiêm đã nhận đỡ đầu cho nhóm Thảo. (Thật ra tướng Khiêm đã ở trong tổ chức của tướng Đôn rồi).

Tôi khen thầm quả thật ông Thảo là tay tình báo giỏi mới biết được tâm địa và hành động bí mật của mình, tuy nhiên tôi vẫn phải giả vờ tỏ thái độ trung lập: “Các anh muốn làm gì thì làm, tôi không chống các anh cũng không phản cụ Diệm”. Sở dĩ tôi phải nói thế vì cần phải kiểm chứng lại với tướng Khiêm trước khi thật sự liên hệ với ông Thảo. Mấy ngày sau, tướng Đôn lại gọi tôi đến Bộ Tổng Tham mưu và cho biết tướng lãnh không đồng ý với tôi về việc giữ ông Diệm tại Đà Lạt vì sợ những bất trắc có thể xảy ra. Tôi tranh luận một hồi nhưng không thay đổi được quyết định của tổ chức nên đành nhượng bộ: “Nếu vậy thì đem ông ta ra Côn Đảo một thời gian và đem một tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến ra canh giữ rồi sau khi tân chánh phủ thành lập sẽ cho ông ta ra đi”. Ông Đôn đồng ý và hứa sẽ đề nghị lại với anh em. Trong cuộc gặp gỡ lần này, ông Đôn khuyến cáo tôi phải hết sức cẩn thận đối với những cố vấn quân sự Hoa Kỳ và nhân viên CIA, vì theo ông thì tướng Harkins và nhân viên của Richardson (Giám đốc CIA tại Việt Nam) đang ủng hộ ông Diệm và ông Nhu. Tướng Đôn cũng bảo tôi từ nay ông và tôi chỉ liên lạc bằng điện thoại và chỉ dùng một số mật ngữ để trao đổi tin tức. Đặc biệt về ngày giờ phát động, ông sẽ cho biết sau.

Ở đây tôi xin dành vài dòng nói về tướng Trần Văn Đôn, người được xem là bộ óc của cuộc chính biến 1–11–63. Tướng Đôn sinh tại Pháp nhưng nhà thờ họ, mồ mả tổ tiên, ruộng vườn tài sản đều ở tại miền Nam. Tuy ông đã từng mang quốc tịch Pháp nhưng gia đình lại thấm nhuần nền đạo lý Tam giáo. Trong những giao tế bên ngoài, Trần Văn Đôn là người văn minh lịch thiệp kiểu Âu–Mỹ, nhưng trong sinh hoạt gia đình ông vẫn theo nề nếp Đông phương, theo nghi lễ dân tộc. Một lần tôi đến thăm ông  tại nhà bỗng gặp bà Đôn dạy học ở Đà Lạt về nghỉ cuối tuần. Vừa bước vào phòng khách, bà Đôn vội nghiêm trang chào khách và chào chồng rồi đến ngay bàn thờ gia tiên thắp hương vái chào, sau đó mới về phòng riêng. Lễ táng bà cụ sau này, anh em gia đình tướng Đôn theo nghi lễ trong sách “Thọ Mai gia lễ” cho đúng với phong hóa, tập tục cổ truyền. Trước kia, tôi thường có thành kiến cho rằng tướng Đôn là một thứ “Tây con”, nhưng từ ngày nhiều lần chứng kiến được cung cách và nếp sống gia đình của ông, tôi càng kính mến ông ta nhiều hơn.

Tướng Đôn tuy theo binh nghiệp nhưng phần lớn cuộc đời của ông lại hoạt động như một chính khách hơn là một nhà quân sự. Ông đã hoạt động chính trị từ thời còn mang cấp Trung úy, khi còn là một nhân viên trong văn phòng chính trị của Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân thời 1947–1948. Theo tướng Đôn thì chính ông ta là tác giả của lá quốc kỳ cờ vàng ba sọc đỏ và là người đề nghị lấy bài “Thanh Niên Ca” của Lưu Hữu Phước làm quốc ca cho Việt Nam Cọng Hòa. Vì là vị Giám đốc An Ninh Quân Đội đầu tiên của quân lực Việt Nam Cọng Hòa nên ông biết rõ lý lịch và lập trường chính trị của hầu hết mọi sĩ quan. Hơn thế nữa, ông còn là Tham mưu trưởng đầu tiên nên đã đóng góp rất nhiều trong việc xây dựng quân đội quốc gia.

Gia đình tướng Đôn và gia đình ông Diệm vốn có thâm tình cố cựu, tướng Đôn đã từng làm trung gian giữa Thủ tướng Xuân và anh em ông Diệm trong thời kỳ ông Nhu hoạt động tại Sài Gòn và Đà Lạt. Trong mấy tập album mà bà Nhu có lần đưa về Huế để khoe với ông Cẩn, tôi đã thấy nhiều bức hình vợ chồng Ngô Đình Nhu chụp chung với Thủ tướng Xuân và Trần Văn Đôn trong các cuộc du ngoạn tại Đà Lạt; họ thân với nhau đến độ có những tấm hình chụp ba người đàn ông mặc âu phục đứng chung với bà Nhu chỉ mặc áo tắm hở hang. Cũng vì anh em ông Diệm thân thiết với Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân cho nên theo lời của ông Phan Xứng, ông Diệm đã yêu cầu Đinh Xuân Tiếu, chủ nhiệm báo Thời Cuộc, tránh việc đả kích ông Xuân mặc dù ông Xuân ủng hộ Cựu Hoàng Bảo Đại trong lúc ông Diệm không những xa lánh mà còn chống đối Cựu Hoàng. Ngay từ thời ông Diệm chưa cầm quyền vào những năm 47 đến 50, ông Đôn thường liên lạc với ông Diệm và mỗi khi ra Huế thường ghé thăm ông Ngô Đình Cẩn.

Năm 1955, khi tướng Nguyễn Văn Hinh từ giã Việt Nam vĩnh viễn để về Pháp, tướng Đôn đã tổ chức lễ đốt tượng trưng quân hàm và quân hiệu Pháp từ trước vẫn được sử dụng cho quân đội quốc gia, và chân thành ủng hộ ông Diệm qua công tác điều động các lực lượng quân sự trong chiến dịch tấn công Bình Xuyên. Cũng bắt đầu từ giai đoạn mới đó mà quốc gia bắt đầu thực sự được độc lập, tướng Đôn lo trau giồi Việt ngữ, nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam và luôn luôn mang tinh thần học hỏi cầu tiến. Trong suốt gần chín năm trời, hết giữ chức Tham mưu trưởng Quân Đội đến chức Tư lệnh Quân đoàn, Quân khu, tướng Đôn đã đem hết khả năng phục vụ Quân Đội và chế độ. Ông là vị tướng đã lê gót khắp đất nước quê hương và tiếp xúc đủ mọi thành phần dân chúng trong xã hội. Được ông Diệm và anh em ông ta nể vì, tướng Đôn là vị tướng dám nói thẳng và nói thật với ông Diệm những sự thực bi thảm trong Quân Đội, cũng như dám trình bày tình hình an ninh suy sụp của nông thôn miền Nam.

Tôi gặp tướng Đôn lần đầu tiên tại Huế vào năm 1948, khi tướng Đôn tháp tùng Thủ tướng chính phủ đến thăm cố đô. Năm 1952, Trung tá Đôn, với tư cách Giám đốc Nha An Ninh Quân Đội, lại tháp tùng tướng Hinh ra Huế để cùng với Trung tá Nguyễn Ngọc Lễ và tôi ( lúc bấy giờ là Tham mưu trưởng Quân khu II) thảo luận về việc đặt các đoàn cố vấn Pháp vào Bộ tham mưu và vào các đơn vị của Quân đội Quốc Gia Việt Nam. Trong buổi họp này, tôi đã mạnh mẽ chống lại ý kiến của Tướng Hinh trong lúc Trung tá Đôn nhìn tôi chăm chú, theo dõi những trình bày của tôi và tỏ thái độ đồng ý với lập trường của tôi. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà chỉ mấy tháng sau tôi bị mất chức Tham mưu trưởng Quân khu II và bị đổi ra Bắc. Năm 1954, tại nhà tướng Đôn ở Chợ Lớn, trong cuộc họp rất đông sĩ quan để tướng Hinh hô hào việc đảo chánh Thủ tướng Diệm, thái độ quyết liệt của tôi khi công khai phản kháng tướng Hinh và nhóm tay sai đã làm cho Đại tá Đôn phải lưu ý. Vốn đã nắm vững hồ sơ lại thấy thái độ khẳng khái của tôi, từ đó tướng Đôn tỏ ra quý mến tôi hơn và coi tôi như một “chính trị gia”, một “chiến sĩ cách mạng” hơn là một quân nhân. Khi làm Tư lệnh Quân đoàn I, mỗi lần từ Huế về, ông thường ghé lại Nha An Ninh Quân Đội đàm đạo với tôi về tình hình đất nước.

Khác với tướng Dương Văn Minh luôn luôn nghiêm nghị, kín đáo và trầm lặng, tướng Trần Văn Đôn bình dị, cởi mở và hào hiệp hơn. Tướng Đôn vui vẻ và dễ dàng thông cảm nên được binh sĩ quý mến trong tình huynh đệ chi binh.

Trong hàng tướng lãnh Việt Nam ít người giao thiệp rộng rãi hơn tướng Đôn. Ông quen biết rất nhiều tướng lãnh cao cấp, chính khách quốc tế và hầu hết các đại sứ ngoại quốc có mặt tại Sài Gòn. Sau này, khi thành lập Lực Lượng Dân Tộc Việt, chúng tôi thường mời các nhân vật tên tuổi như giáo sư Trần Ngọc Ninh, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, học giả Đức Quỳnh, Thượng tọa Trí Quang, Linh mục Hoàng Quỳnh, và tướng Trần Văn Đôn đến thuyết trình về tình hình quốc tế, quốc nội. Và Thượng nghị sĩ Trần Văn Đôn đã làm cho cấp lãnh đạo Lực Lượng phải ngạc nhiên và khâm phục về kiến thức chính trị cũng như khả năng diễn đạt bằng tiếng Việt của ông ta.

Đến nay, dù có người chỉ trích tướng Đôn trong thời 63–75 đã có nhiều tham vọng chính trị nhưng tôi vẫn cho rằng tham vọng chính trị đó của ông chỉ nhằm mục đích bảo vệ miền Nam để chống Cộng chứ không phải cho riêng cá nhân ông mà thôi. Điều mà tôi phê phán về con người lãnh đạo Trần Văn Đôn là cái bệnh đa tình của ông. Đã có lần, sau một buổi họp của Hội đồng Tướng lãnh, nhân thấy tướng Đôn quá sốt sắng trong việc đưa mấy đứa con bà Nhu đi Pháp sau khi cách mạng thành công, tôi bèn đùa ông ta đã quá lưu luyến với mối tình già, tướng Đôn đã không ngần ngại trả lời: “Tại sao anh không trách đàn bà hay “provoquer” (khiêu khích) tôi mà lại trách tôi vốn chỉ là nạn nhân của đàn bà?”

Sau khi gặp tướng Đôn lần thứ ba mà mục đích là thảo luận việc đối xử với ông Diệm khi Cách mạng thành công, tôi bèn qua văn phòng của tướng Khiêm và được Khiêm xác nhận về quyết tâm lật đổ chế độ Diệm của Phạm Ngọc Thảo. Tôi và Khiêm vốn cùng ở trong Liên Đoàn Lưu Động số 3 do Trung tá Phạm Văn Đổng chỉ huy hành quân ở Nam Định–Thái Bình năm 1953, rồi lại cùng tận lực giúp ông Diệm trong cuộc binh biến của Nhảy Dù năm 1960. Từ ngày ông Khiêm về giữ chức Tham mưu trưởng, tôi lại thường tiếp xúc nhiều hơn để trình bày về tinh thần binh sĩ nên chúng tôi có với nhau nhiều mối thiện cảm. Trong kế hoạch tổ chức lật đổ chế độ, ông Khiêm được coi như ở trong hàng ngũ lãnh đạo đầu não bên cạnh tướng Dương Văn Minh và Trần Văn Đôn. Tuy ông Khiêm được anh em ông Diệm tín nhiệm, nhưng vì chính sách cai trị thất nhân tâm và cách lãnh đạo độc đoán, bất tài của nhà Ngô đã làm cho Cộng Sản mỗi ngày một phát triển nên ông thường tỏ ra công phẫn. Ông Khiêm quê ở Long An, thấy tỉnh nhà ở cạnh thủ đô Sài Gòn mà Cộng Sản đã chiếm hết nông thôn, và trong khi ông Khiêm không về thăm được họ hàng, mồ mả cha ông thì bà Nhu lại đắc cử gian dối ở Long An với số phiếu 98%, điều đó lại càng làm cho ông Khiêm chán nản, khinh bỉ chế độ. Cho nên ngoài những lý do chung mà mọi người đều đồng ý lật đổ chế độ Diệm, ông Khiêm còn có những công phẫn riêng tư nữa. Gặp ông Khiêm, tôi hỏi về thái độ của ông Thiệu, một bạn thân của ông Khiêm, thì được cho biết: “Thiệu cũng cùng một lập trường với chúng ta nhưng anh nên tác động thêm tinh thần cho Thiệu quyết tâm hơn”.

Trở về Nha, tôi liền gọi điện thoại mời ông Thiệu, đang là Tư lệnh Sư đoàn 5 ở Biên Hòa, vờ bảo lên gặp tôi gấp vì có thư nặc danh tố cáo Thiệu tham nhũng. Độ vài tiếng đồng hồ sau, ông Thiệu đã có mặt tại văn phòng tôi. Vừa bắt tay Thiệu tôi vừa nghiêm giọng: “Tôi mời anh lên đây để bắt giam vì anh đang âm mưu tổ chức đảo chánh”. Thiệu tuy hơi biến sắc nhưng cũng giả vờ tìm cách chối nên tôi vội trấn tỉnh Thiệu ngay. Là người quyền biến và có ý thức chính trị nên Thiệu hỏi tôi: “Anh nghĩ gì về thể chế tương lai sau khi hạ được chế độ Diệm?” Tôi bèn trả lời: “Tất nhiên là thể chế dân chủ, tạo điều kiện và sinh hoạt thuận tiện cho công cuộc đại đoàn kết quốc gia, trong đó các đảng phái và các lực lượng quần chúng phải đóng một vai trò quan trọng và căn bản để gây lại hòa khí dân tộc, phục hồi sinh lực quốc gia để chống Cộng Sản”. Tuy nhiên, tôi nói tiếp: “Chưa bắt được cọp hãy khoan nói đến chuyện lột da, chúng ta hãy bàn chuyện tổ chức và hành động để loại trừ lực lượng chính trị và quân sự của Nhu trước đã”.

Ông Thiệu và tôi quen nhau từ cuối năm 1952 khi hai chúng tôi cùng học lớp Tiểu đoàn trưởng và lớp Liên đoàn Lưu động ở Hà Nội. Từ đó, trên bước đường binh nghiệp, hai chúng tôi như có duyên nợ với nhau. Về làm việc chung ở khu chiến Hưng Yên, hai người kính trọng nhau vì đều có chút kiến thức chính trị. Hồi đó, tôi còn đặc biệt trọng ông Thiệu vì hai ông bà cụ thân sinh của Thiệu thuộc hàng tiền bối đạo đức, luôn luôn duy trì gia đình trong truyền thống nền Tam giáo. Thiệu trầm tĩnh khôn ngoan, lại có khả năng về tham mưu, đã từng được Đại tướng Pháp De Linarès, Tư lệnh chiến trường Bắc Việt phê điểm rất tốt. “Thông minh sắc bén, siêng năng, có phương pháp và tỉ mỉ. Sĩ quan hảo hạng. Có ý thức tuyệt hảo về tổ chức và bảo mật”. (Intelligence aigue, travailleur, méthodique et minutieux. Très bon officier. Possède un sens remarquable de l’Organisation et du Secret) [2]. Tướng De Linarès quả thật đã biết rõ con người của ông Thiệu, nhưng ông không biết ông Thiệu mang rất nhiều tham vọng chính trị ngay từ thời Thiệu còn thanh niên, thời Thiệu còn học ở trường Pellerin Huế và trường Lyceé Yersin Đà Lạt.

Dưới chế độ Diệm, đường binh nghiệp của ông Thiệu rộng mở thênh thang mà một trong những lý do là nhờ ông Thiệu dứt khoát bỏ đạo Phật để theo Công giáo bên vợ. Đang làm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh hành quân cho tướng Dương Văn Minh, nhờ các linh mục nâng đỡ bảo bọc, Thiệu được ông Diệm cử giữ chức Chỉ huy trưởng trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Ngày ông Diệm có ý định cử Thiệu giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 5, ông bảo tôi làm tờ trình về Thiệu. Trong mục ý kiến tôi đã viết rằng: “Thiệu không theo một đảng phái nào mặc dù có người anh ruột theo đảng Đại Việt. Ông Thiệu là một trong số những sĩ quan ưu tú nhất của quân đội”. Dù sao thì Công giáo mới là yếu tố chính để hình ảnh Nguyễn Văn Thiệu được ghi khắc vào con tim ông Diệm để Thiệu được ông tín nhiệm và nâng đỡ.

Đầu năm 1963, sau khi về nắm chức Tư lệnh Sư đoàn 5, ông Thiệu đã đến văn phòng tôi thăm xã giao. Tôi cho ông Thiệu biết: “Số của Thiệu sắp đến thời làm rất lớn vào hàng văn võ song toàn, ít nhất cũng vào hàng Bộ trưởng Quốc phòng”. Ông Thiệu rất ngạc nhiên không hiểu vì sao tôi biết được số tử vi nghĩa là biết được ngày giờ sinh âm lịch của Thiệu. Tuy nhiên ông Thiệu vẫn dè dặt xin tôi đừng nói ra sợ “Ông Cụ biết được ông sẽ chém đầu cả hai đứa mình”. Thật thế, ít ai có lá số tử vi đại quý cách như ông Thiệu và đặc biệt là cung Phúc Đức cho Thiệu hưởng được hết âm đức của cha mẹ ông bà. Số của Thiệu có đến bốn chữ “Tý”. Tuổi Giáp Tý (1924), sinh vào giờ Tý (nửa đêm), tháng Tý (tháng 11 Âm Lịch), và cung Mệnh Viên cũng nằm ở Tý. Lại nữa, mệnh của Thiệu lại là mệnh Kim mà lại nằm ở cung Thủy là rất đắc cách. Năm 1965, Thiệu 41 tuổi đi vào cung Thổ, mà Thổ lại sinh Kim, lại gặp Khoa, Quyền, Lộc, Binh, Hình, Tướng, Ấn hội chiếu là thượng cách, vì thế Thiệu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Lãnh Đạo Quốc Gia rồi lên chức Tổng thống. Hết đại hạn ở cung Thổ (năm 1975), Thiệu 51 tuổi đi vào cung Hỏa, mà Hỏa thì đốt cháy Kim nên Thiệu mất chức Tổng thống. Tuy nhiên vì cung Phúc Đức là gốc của lá số cho nên tuy hết làm Tổng thống mà Thiệu vẫn thụ hưởng giàu sang an nhàn cho đến năm 1985, nghĩa là vào hạn Chính Hỏa ở cung Ngọ, Thiệu sẽ gặp nhiều tai họa và sẽ bị “thiêu đốt” trong đại hạn này (từ 1985 đến 1995). Có một điều tôi vô ý là dù quen biết Thiệu đã lâu ngày nhưng mãi cho đến khi nhìn ông Thiệu qua màn ảnh truyền hình tôi mới thấy được cặp mắt “láo liên”, biểu hiện sự gian trá và làm cho ông Thiệu trở thành tay gian hùng, tham nhũng. (Cái tướng có cặp mắt láo liên của ông Thiệu cũng giống như cái ẩn tướng không dám nhìn thẳng vào mặt người đối thoại của ông Diệm đều là tướng người bất chánh, cũng như cặp mắt rất sắc của ông Hồ Chí Minh nhìn xoáy vào tâm trí kẻ đối thoại là tướng của kẻ gian hùng nhưng lại là tướng vô cùng thông minh, tinh tế. Mặc dù ông Hồ Chí Minh có cặp mắt như vậy nhưng ông ta có nhiều quý tướng khác như lưỡng quyền cao, giọng nói khúc chiết kẻ cả mà cả hai ông Diệm và Thiệu đều không có).

Sau Nguyễn Văn Thiệu, tôi cho mời Trung tá Nguyễn Cao Kỳ, đang là Chỉ huy trưởng Liên Đoàn Vận Tải đến gặp tôi. Kỳ quen với tôi từ ngày tôi về Nha ANQĐ, liên hệ của chúng tôi thắm thiết như anh em. Chúng tôi thân với nhau đến độ mỗi lần Kỳ đến nhà tôi là tự động vào thẳng tủ lạnh lấy đồ ra ăn. Biết Kỳ thích, nhà tôi thường biếu Kỳ ruốc mắm, nem chả, dưa kiệu, củ hành, và mỗi lần Kỳ lái máy bay cho tôi về Nha Trang, tôi thường kín đáo trao cho Kỳ 5, 7 trăm để tiêu pha. Hàng năm, cứ đến mồng Một Tết, Kỳ thường dẫn vợ con đến nhà tôi mừng tuổi và lạy bàn thờ gia tiên vì Kỳ thường nói rõ là Kỳ quý mến tôi như người anh trưởng của gia đình Kỳ. Khi bà cụ thân mẫu Kỳ tạ thế, Kỳ lại đến gặp tôi nhờ giúp đỡ: “Buổi sinh tiền, mẹ tôi ngỏ ý muốn khi mất sẽ được chôn cất ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi mà tôi thì quá túng thiếu không làm sao báo hiếu được, vậy nhờ Đại tá giúp đỡ đàn em”. Cảm cái cảnh Kỳ hiếu thảo mà lại nghèo túng, tôi giúp Kỳ chôn cất mẹ theo ý nguyện và mua biếu tặng bà cụ đám đất trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi với giá ba mươi ngàn đồng.

Kỳ là người có nhiều nghệ sĩ tính, có phong thái một lãng tử hào hoa nên được binh sĩ Không quân mến chuộng. Năm 1960, Kỳ đã theo nhóm sĩ quan lãnh đạo cuộc đảo chánh Nhảy Dù nhưng được tôi dung thứ không bắt vì tôi biết Kỳ làm vì yêu nước, và vì Kỳ là một sĩ quan được binh sĩ kính mến. Kỳ đã từng lái máy bay ra Bắc Việt thả đồ tiếp tế cho biệt kích miền Nam hoạt động trong vùng địch. Năm 1962–63, một số thuộc viên của Kỳ lợi dụng công tác chuyển vận các sĩ quan Bảo An đi học du kích chiến ở Mã Lai để buôn lậu hàng hóa rẻ tiền từ Singapore về nên bị Quan thuế bắt, tôi đã phải thiết tha can thiệp với Bộ trưởng Tài Chánh Nguyễn Lương (hiện ở Pháp) và Tổng thống Diệm tha thứ cho Kỳ và các sĩ quan phi công trong Liên đoàn Không vận.

Khi đến gặp tôi với bộ đồ bay màu đen, cây súng lủng lẳng bên hông. Kỳ chào tôi theo đúng quân cách và nói ngay: “Đàn anh có gì dạy dỗ đàn em?”, tôi bèn đùa: “Gọi Kỳ đến để bắt giam”. Kỳ trợn to đôi mắt một mí nhìn tôi rồi vừa cười vừa nói: “Đại ca đừng đùa đàn em tội nghiệp”. Nhưng tôi vội lấy thái độ nghiêm chỉnh rồi bảo Kỳ: “Kỳ có nhớ ngày 11–11–60 đã làm gì không, hôm nay tôi gọi Kỳ xuống đây để cho biết tôi sẽ tổ chức lật đổ ông Diệm và rủ Kỳ theo tôi”. Kỳ đứng bật dậy đưa tay chào mạnh mẽ: “Đàn em sẵn sàng tuân theo lệnh đại ca”.

Biết bản tính của Kỳ không phản trắc nhưng tôi vẫn phải đốt lửa nhiệt huyết thêm cho Kỳ vì Không quân là yếu tố quyết định thành bại của cuộc binh biến để làm nền tảng cho cuộc chính biến, cho nên tôi bèn kéo Kỳ đến nhà thầy tử vi Minh Lộc ở đường Trần Quý Cáp mà tôi đã sắp đặt từ trước. Sau khi gieo quẻ bấm tay, ông Minh Lộc nói rằng số Canh Ngọ này làm nghề đi mây về gió, tuy nhiên đến Thu Đông năm nay phải làm gì có tính cách bạo động rồi trở thành vương tướng, phú quý song toàn. Tôi hỏi: “Số này có phản bội tuổi tôi không?” thì Minh Lộc khẳng định: “Không, bởi nếu phản bội thì sẽ bị chết bất đắc kỳ tử”. Tôi thưởng cho thầy tử vi một trăm đồng bạc rồi ra về. Trước khi chia tay, Kỳ thề suốt đời giữ trọn lòng trung nghĩa đối với tôi. Sau này Kỳ phản tôi, cùng với nhóm tướng trẻ cô lập tôi tại Kontum, tại Nha Trang nhưng Kỳ đã không chết bất đắc kỳ tử, vả lại trong thâm tâm tôi cũng thật lòng không muốn ai phải chết bất đắc kỳ tử, nhất là một người như Kỳ.

Động viên được một chiến sĩ dũng cảm như Nguyễn Cao Kỳ xong tôi cảm thấy an tâm hơn. Sau đó, tôi cho mời Trung tá Vĩnh Lộc (hiện ở Hoa Kỳ) đang là chỉ huy trưởng một trung tâm huấn luyện ở gần Vũng Tàu. Lộc là một sĩ quan thâm niên có trình độ văn hóa cao, là một phần tử ưu tú của quân đội đã từng chỉ huy đơn vị thiết giáp, nhưng vì Lộc là người thuộc Hoàng phái, từng phục vụ trong văn phòng Quốc trưởng Bảo Đại và thường tỏ ra khinh bỉ nhóm Cần Lao Công Giáo nên bị đè áp đến nỗi suốt 10 năm quân vụ mà Lộc chỉ lên được có một cấp. Có lẽ Lộc đinh ninh rằng tôi mời Lộc lên để cảnh cáo hoặc bắt giam, nên khi mới gặp tôi, Lộc tỏ vẻ ngại ngùng lắm, cho đến khi tôi trấn tỉnh Lộc bằng cách giải thích tình hình đen tối của nước nhà, giải bày tâm sự đau thương của mình rồi tôi rủ Lộc tham gia tổ chức, Lộc mới yên tâm. Tất nhiên bề ngoài Lộc phải giữ thái độ dè dặt nhưng tôi cũng đã thấy được nỗi lòng và quyết tâm của Lộc khi nghe nói đến lật đổ chế độ Diệm. Để kết luận, tôi chỉ: “Yêu cầu Trung tá khi nghe tiếng súng nổ ở Đô Thành, kéo ngay đơn vị Thiết giáp (gần trung tâm huấn luyện của Lộc) về Sài Gòn để yểm trợ cho Bộ binh”. Lộc dạ rồi ra về.

Tuy đã kết nạp được một số sĩ quan đồng chí hướng, xây dựng thêm được một số đơn vị mà khi hữu sự có thể đương đầu được với lực lượng võ trang của Ngô Đình Nhu nhưng lòng tôi vẫn chưa yên. Tôi phải nắm cho được tướng Tôn Thất Đính, Tư lệnh Quân Đoàn 3 và Tổng trấn Sài Gòn, vì nhân vật này ở vào vị trí có thể xoay chuyển dễ dàng tình hình lúc đó.

Như đã nói trong một chương trước, tôi gặp Đính lần đầu vào cuối năm 1945 tại Đà Lạt, sau khi Việt Minh cướp chính quyền. Lúc bấy giờ tôi chỉ huy một trong hai tiểu đoàn Giải phóng quân của miền Nam Cao nguyên trong lúc Đính chỉ huy một trung đội. Tuy chúng tôi không phải là cán bộ nòng cốt của Việt Minh nhưng tôi thì nhờ hồ sơ cá nhân có ghi chút công “cách mạng” chống Pháp, và nhờ là cựu thủ lãnh Thanh Niên Tiền Phong của Phong Trào Thanh Niên Phan Anh nên được Việt Minh trọng dụng, còn Đính là một học sinh yêu nước và dám gác bút nghiên “theo việc kiếm cung” trước cao trào kháng Pháp, nên cả hai chúng tôi đều được Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Đà Lạt chỉ định đảm nhiệm những trách vụ quân sự then chốt. Chúng tôi cùng chiến đấu chống lại liên quân Anh–Pháp–Nhật tại mặt trận chạy dài từ Đà Lạt đến Đơn Dương (Dran). Nhưng vì hỏa lực của địch quá mạnh nên mặt trận tan vỡ và chúng tôi mỗi người một ngả, tôi thì về vùng núi rừng Ninh Thuận lập chiến khu gần một năm rồi bỏ Mặt Trận Việt Minh về quê nhà, trong lúc Đính trở lại Đà Lạt xin làm thư ký cho sở cảnh sát Pháp để tránh bị bắt bớ giam cầm.

Mùa hè năm 1949, khi tôi đang làm Trưởng phòng Ba cho Bộ Tham mưu Việt Binh Đoàn tại Huế, vào một buổi chiều nọ, tôi đang ngồi trầm ngâm một mình trên bờ sông Hương sau lưng đài Chiến Sĩ Trận Vong thì bỗng thấy Đính đi tới mà không tưởng tượng rằng sau gần ba năm trời xa cách, giữa một đất nước khói lửa phân cách mà chúng tôi lại có ngày tái ngộ. Trong giây phút xúc động đó và nhìn Đính áo quần xác xơ, tôi dốc túi được 80 đồng bạc đưa hết cả cho Đính, và được biết Đính chỉ về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn vài tuần lễ rồi sẽ trở lên Đà Lạt để tiếp tục học hành với anh của Đính là một chuyên viên đang làm việc tại viện Pasteur. Tôi suy nghĩ kỹ rồi đề nghị Đính gia nhập Việt Binh Đoàn để chiến đấu chống Cộng Sản, Đính nhận lời. Tôi giới thiệu Đính với Thiếu tá Lễ và tạm thời Đính được mang cấp bậc Trung sĩ làm thư ký ở phòng Bí thư dưới quyền Thiếu úy Tạ Xuân Thuận (hiện ở Mỹ). Cuối năm, nhân có khóa Võ Bị mở tại Huế mà học trình chỉ có 6 tháng để đào tạo cấp tốc một số sĩ quan tương lai cho quân lực quốc gia, tôi bèn đề nghị với Thiếu tá Lễ cho Đính đi học. Cũng trong năm đó, Đính tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy, rồi được chọn đi học trường quân sự Saumur tại Pháp. Về nước, Đính được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 12 chịu trách nhiệm hành quân tại vùng Lệ Thủy, Quảng Ninh, quê hương ông Diệm, mà lúc bấy giờ tôi đang là Chỉ huy trưởng quân sự nơi tỉnh này. Đính là người can trường, say mê chiến trận, lập được nhiều chiến công nên được tướng Nguyễn Văn Hinh thương mến và được thăng cấp mau lẹ. Năm 1954, Đính đã mang cấp Trung tá và chỉ huy một liên đoàn lưu động tác chiến tại Bắc Việt. Thời bấy giờ, những sĩ quan được chỉ huy những liên đoàn lưu động tại các mặt trận miền Bắc và miền Trung phải là những sĩ quan tuy xuất thân từ hàng ngũ binh sĩ nhưng có nhiều kinh nghiệm chiến trường như Phạm Văn Đổng, Lê Văn Nghiêm, hoặc những sĩ quan trẻ ưu tú xuất thân từ trường Võ Bị như Nguyễn Khánh, Nguyễn Hữu Có, Tôn Thất Đính.

Dù Tôn Thất Đính được tướng Nguyễn Văn Hinh nâng đỡ và tín nhiệm nhưng khi gặp Đính tại Hải Phòng vào đầu tháng 8 năm 1954, tôi vẫn thuyết phục Đính bỏ ông Hinh để về với ông Diệm. Đính nghe lời tôi và sau này gia nhập đảng Cần Lao trở thành một công thần cốt cán của ông Diệm. Nhiều người cho rằng Đính mang đầu óc cơ hội chủ nghĩa, nhưng tôi biết rõ tâm hồn của Đính, biết Đính nhiều khi “giả dại qua ải”, biết Đính bề ngoài tỏ vẻ đồng ý nhưng thâm tâm vẫn công phẫn nhóm Công giáo Cần Lao. Thời kỳ làm Tư lệnh Quân đoàn 2 kiêm Quân khu 2, khi gặp nhiều khó khăn vì vấn đề dinh điền, vấn đề người Thượng, Đính thường than thở với các vị tướng lãnh và với tôi về sự lộng hành của các vị linh mục và nhóm Cần Lao Công Giáo. Đính thường thúc giục tôi phải trình bày sự thật cho “ông Cụ” rõ việc các linh mục làm mất lòng dân, làm cho dân Thượng theo Mặt Trận FULRO và làm cho dân dinh điền gốc miền Trung bất mãn trốn về quê cũ hết. Đính là người thuộc dòng Tôn Thất, một dòng họ có công to lớn trong việc dựng chùa, đúc chuông, tô bồi đạo Phật từ đời chúa Nguyễn Hoàng, bà cụ thân sinh Đính lại là một Phật tử thuần thành, và mặc dù con làm Tướng mà mẹ vẫn sống cảnh bần hàn cô quạnh, muối dưa đạm bạc để sớm hôm vui với tiếng mõ lời kinh. Cho nên khi ông Diệm đàn áp Phật giáo, Đính rất buồn phiền nhưng chỉ vì thương ông Diệm nên Đính đã không dám bày tỏ thái độ bất mãn của mình. Cho đến khi anh em ông Diệm tấn công chùa chiền, vu khống Phật giáo là Cộng Sản, toàn dân nổi giận, thì tuy bề ngoài Đính vẫn giả vờ trung thành nhưng lòng riêng đã mang nhiều oán hận.

Sau khi hiểu rõ lòng dạ của Đính và biết Đính đã được tướng Đôn kết nạp, tôi vẫn muốn đốt lửa can trường thêm để Đính giữ vững quyết tâm trong việc lật đổ nhà Ngô.

Tôi đến nhà Đính vào khoảng gần nửa đêm khi Đính còn nằm đọc sách trên giường. Với người có vẻ võ biền như Đính tôi phải có thái độ quyết liệt, nên tôi đã bắt chước Vương Tư Đồ trong truyện Tam Quốc lập mưu khích tướng Lã Bố diệt trừ gian thần Đổng Trác ngày xưa. Cho nên sau khi chào hỏi xong, tôi sụp xuống lạy Đính hai lạy, Đính hốt hoảng đỡ tôi dậy rồi hỏi: “Anh làm gì kỳ cục vậy anh Mậu?”. Lúc bấy giờ, tôi mới trình bày thế nước lòng dân cho Đính nghe, tôi cũng phân giải mối tâm tư của mình và khuyến khích Đính bỏ tà theo chánh, bỏ một chế độ đang âm mưu bắt tay với Cộng Sản phản bội quân dân mà đứng về phía dân tộc. Tôi khuyên Đính hãy vùng lên làm cách mạng để rửa nhục cho quân đội và bảo vệ tổ quốc. Trong các yếu tố thúc đẩy Đính lật đổ chế độ Diệm, có lẽ yếu tố phản bội xương máu quân đội của anh em ông Diệm đã làm cho Đính quyết liệt nhất. (Vì thế mà tối mồng 1–11–63, khi ông Diệm gọi Đính để cầu cứu, Đính đã từ chối: “Tôi đã hết lòng phục vụ cho Cụ, đã cứu Cụ nhiều lần, mà Cụ lại phản bội quốc gia, phản bội xương máu quân đội, bây giờ thì hết rồi”).

Tôi nói với Đính rằng chế độ tàn bạo của ông Diệm đã bị toàn quân toàn dân căm thù oán ghét thì mình nỡ lòng nào vì chiếc gươm vàng, ngôi sao bạc mà làm tay sai cho kẻ thù của nhân dân để sử sách và hậu thế kết tội. Quen Đính hơn mười mấy năm trời tôi chưa lần nào thấy Đính rơi lệ, thế mà hôm nay Đính đã khóc. Đính ôm chầm lấy tôi, hứa với tôi sẽ cương quyết đập tan chế độ Diệm. Tôi yên tâm ra về và từ đấy đã nhìn thấy được ánh sáng chiến thắng ở cuối đường hầm trong cuộc đấu trí với ông Ngô Đình Nhu.

 

-o0o-

 

Công cuộc tổ chức chính biến đang trên đà thuận lợi và chỉ còn đợi tướng lãnh định ngày giờ nổ súng phất cờ thì không ngờ một hôm, Bộ trưởng Lao động Huỳnh Hữu Nghĩa (hiện ở Pháp) cho biết mưu định của tôi bị bại lộ. Nghĩa kể lại cho tôi nghe cuộc đối thoại giữa ông ta và ông Ngô Đình Nhu tại dinh Gia Long:

- Nhu: “Mậu chơi thân với toa, Mậu có nói gì đến chuyện đảo chánh không?”

- Nghĩa: “Không, Tôi chỉ nghe Mậu thường nói chuyện Tam Quốc, chuyện Đông Chu… và tỏ vẻ lo lắng cho ông Cụ mà thôi”.

- Nhu: “Mậu lừa toa đó. Mậu đang cùng một số sĩ quan âm mưu đảo chánh”.

- Nghĩa: “Nếu anh đã biết rõ thì có khó khăn gì mà không chận đứng cuộc đảo chánh ngay từ trong trứng nước. Anh hãy gọi Mậu vào hứa cho thăng thưởng và bảo tố cáo các tướng lãnh rồi bắt hết là êm ngay”.

- Nhu: “Không. Moa đã có kế hoạch rồi, để moa bắt cả lũ một lượt, moa đập cho tan hết luôn”. (Ông Nhu ám chỉ kế hoạch Bravo mà ông Nghĩa không được biết).

Ra khỏi văn phòng của ông Nhu, ông Nghĩa vội bí mật thông báo cho tôi biết ngay rồi khuyên tôi đi trốn. Tôi ngỏ lời cảm tạ tấm lòng hào hiệp người bạn tri kỷ, nhưng tôi khuyên ông Nghĩa cứ yên tâm vì tôi không có việc gì phải trốn tránh.

Cùng lúc với việc ông Ngô Đình Nhu cho ông Huỳnh Hữu Nghĩa biết việc tôi đang mưu định đảo chánh thì tôi cũng biết được ông Ngô Đình Cẩn cho một Đại úy, hình như là Đại úy Minh (hiện ở Mỹ), mang thư từ Huế vào thông báo cho ông Diệm biết tôi đang chuẩn bị đảo chánh, và khuyến cáo ông Diệm đối phó với tôi như ông Nghĩa đã khuyên ông Ngô Đình Nhu. Bức thư của ông Cẩn, sau ngày Cách mạng, cháu tôi là Nguyễn Bá Liên đã tịch thu được trong một phong bì lớn trên bàn giấy của ông Ngô Đình Nhu, cùng với lá thư sáu trang giấy của cụ Trần Văn Chương (gửi từ Hoa Thịnh Đốn) lên án những lỗi lầm của hai ông Diệm–Nhu trong việc lãnh đạo quốc gia.

Lúc bấy giờ là vào đầu tháng Mười, và mặc dù âm mưu đã bị bại lộ, nhưng vì quyết tâm làm cách mạng và vì tin tưởng vào số mệnh và âm đức của cha ông mình, tôi vẫn vững tâm không một chút nao núng, vẫn đi làm việc, vẫn đi dạo phố, và chuẩn bị một số biện pháp phòng ngừa bất trắc.

Trước hết tôi cho lệnh những cận vệ chìm nổi của tôi phải nổ súng ngay vào bất kỳ ai muốn ám hại tôi. Tôi lại cho đục một khoảng trống trong bức tường ngay sau lưng nhà để nếu có biến tôi có thể thoát thân đến ẩn lánh nhà một người bạn thân là Trung tá Bùi Quý Cảo thuộc cơ quan Hành Ngân Kế của Bộ Quốc phòng. Ông Cảo có bà thân mẫu là một Phật tử hết sức mộ đạo, nhà ở đường Lê Thánh Tôn đâu lưng với nhà tôi trong cư xá Hải quân. Tôi dự định từ nhà Bùi Quý Cảo sẽ đến trú ẩn tại nhà một người bạn thân mà cũng là một đồng chí là ông Thái Văn Châu (cựu phó chủ tịch Phòng Thương Mãi Sài Gòn, hiện ở Pháp). Ông Châu cũng là một Phật tử thuần thành, từng bị ông Ngô Đình Cẩn khủng bố nên phải bỏ Huế vào Sài Gòn để sinh sống. Ngôi nhà lầu năm tầng của ông Châu ở đường Lê Thánh Tôn gần chợ Bến Thành náo nhiệt quả thật là nơi trú ẩn lý tưởng cho tôi khi hữu sự. Tôi đã cho con đến thông báo với ông bà Châu ngay sau khi được ông Nghĩa báo cho biết tin Ngô Đình Nhu phát hiện dự tính của tôi.

Cuối cùng tôi ra lệnh cho Nguyễn Bá Liên là nếu tôi bị bắt thì phải kéo quân đi Tây Ninh lập chiến khu ngay, đồng thời nhóm con cháu và cộng sự viên của tôi ở Sài Gòn cũng như ở Nha Trang phải phát động những cuộc biểu tình bạo động để buộc ông Nhu phải thương thuyết với Nguyễn Bá Liên.

Tôi rất tin tưởng vào quyết tâm của những người bạn tôi như Đại tá Đặng Văn Sơn, Thiếu tá Trần Văn Hai, Trung tá Đỗ Khắc Mai, và các em, cháu tôi như Đỗ Như Luận, Phạm Văn Lương, Trần Hữu Kinh, Chu Văn Trung, và đặc biệt là Nguyễn Bá Liên với những đồng chí can trường, nhiệt huyết của Liên như Nguyễn Phúc Quế, Trần Văn Nhật, Lê Hằng Minh, Hồ Tiêu…

Nguyễn Bá Liên gọi nhà tôi là cô ruột. Liên mất mẹ khi mới chào đời được 15 ngày, lúc bấy giờ thân phụ của Liên còn tòng sự tại tòa Công sứ Phan Rang nên vợ tôi thay anh mà đem Liên về quê nội nuôi dưỡng. Mây năm sau, khi Liên đã cứng cáp và anh vợ tôi tái lập gia đình, Liên mới trở về với cha. Liên thuộc dòng dõi khí phách, tiết tháo: Cố nội đỗ cử nhân không chịu ra làm quan, Nội tổ cũng đỗ cử nhân ra làm quan vài năm rồi bất mãn với chính sách Bảo Hộ nên từ quan về làng sống cuộc đời thôn dã.

Nội tổ của Nguyễn Bá Liên cùng với các cụ Cử Trần Mạnh Đàn (nội tổ của anh Trần Hà Việt trong nhóm Dân Quyền Montréal) cụ Cử Lưu Trọng Kiến (thân phụ các thi sĩ Lưu Trọng Lư, Lưu Kỳ Linh) là những bậc khoa giáp vùng núi Hoành sông Linh lại có liên hệ thông gia bà con với nhau, từng nêu cao tinh thần kẻ sĩ thời Tây Nho lẫn lộn sau khi phong trào Cần Vương nơi quê nhà tan rã.

Thân phụ của Liên vừa là bạn tri kỷ vừa là đồng chí của ông Tráng Liệt nên đã ủng hộ Kỳ Ngoại Hầu Cường Để trước cả ông Ngô Đình Diệm trong phong trào thân Nhật thời 1940–1941, đã cùng với ông Tráng Liệt đến gặp ông Diệm trao thư của Kỳ Ngoại Hầu từ Nhật Bản gởi về ủy cho ông Diệm lãnh đạo phong trào. Cũng vì chút kỷ niệm xưa đó mà khi Liên hành quân ở Cà Mâu, nhân một cuộc kinh lý, ông Diệm hỏi thăm về thân phụ của Liên như hồi ký Đỗ Thọ có nói đến. Và cũng vì chút kỷ niệm xa xưa đó mà Liên vượt mọi khó khăn để kéo quân từ Kiến Hòa về cứu ông Diệm trong biến cố Nhảy Dù cuối năm 1960, mặc dù Tỉnh trưởng Kiến Hòa là Thiếu tá Lê Như Hùng (hiện ở Mỹ) đã tìm mọi cách để cản trở. (Có phải thế không Thiếu tướng Nhật?)

Năm 1953, gia đình Liên đang chung sống với gia đình tôi tại Huế. Liên theo học trường dòng Pellerin và vừa mới đỗ xong tú tài thì được lệnh động viên học lớp sĩ quan trừ bị khóa 13 (cùng với Lê Quang Tung) tại trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Nhưng không như Lê Quang Tung tốt nghiệp xong xin ẩn thân trong các đơn vị hành chánh tại Huế, Liên xin gia nhập vào đơn vị tác chiến ngay với hoài bão trả thù cho cha đã bị Việt Minh chặt đầu tại quê nhà năm 1947.

Năm 1956, sau khi đi học quân sự ở Mỹ (Fort Benning) về, Liên lại xin vào binh chủng Thủy Quân Lục Chiến và nhờ phục vụ ở lực lượng thiện chiến này mà Liên đã có dịp đi hành quân khắp miền Nam để mở rộng kiến thức về nhân văn, địa lý của đất nước quê hương.

Biết Liên can trường và khí phách cho nên trong cuộc đảo chánh lật đổ chế độ Diệm, tướng Đôn và Đính chỉ định Liên chỉ huy Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến, lập mưu đưa Lữ đoàn đi hành quân ở Bến Cát đợi ngày nổ súng thì sẽ điều động về dưới quyền Đại tá Thiệu, Tư lệnh Sư đoàn 5, để tiến về Sài Gòn làm mũi dùi chủ lực. Sau ngày Cách mạng thành công, Liên được chính thức cử giữ chức Tư lệnh TQLC. Nhưng từ năm 1964, khi mà những xáo trộn chính trị do các cuộc chỉnh lý dồn dập xảy đến thì các tướng Khánh, Khiêm, Thiệu và một số tướng trẻ vì vừa muốn vô hiệu hóa ảnh hưởng của tôi, lại vì vừa e ngại tinh thần quật cường của Liên, nên đã hạ tầng công tác và thuyên chuyển Liên và bạn đồng chí của Liên là Trần Văn Nhật đi Phi Luật Tân giữ chức Tùy viên Quân sự cho Tòa đại sứ Việt Nam tại Manila. Sau ba năm, Liên trở về nước và được bổ nhiệm làm Tư lệnh Biệt khu 24 (Kontum), nắm chức vụ chỉ huy trực tiếp các đơn vị chiến đấu phụ trách hành quân vùng đầu sóng ngọn gió, vùng chiến trường ở vào thời kỳ vô cùng sôi động. Kontum là vùng địa đầu, là cái chốt sinh tử của đường mòn Hồ Chí Minh cho nên chiến trận luôn luôn ở mức độ khốc liệt đến nỗi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khi đến thị sát chiến trường đã ra lệnh cho Liên phải dời các trại gia binh về Pleiku. Nhưng Liên khẳng khái trả lời: “Thưa Tổng thống, ngày nào tôi còn chỉ huy ở đây thì Kontum vẫn vững như bàn thạch, xin Tổng thống an tâm, cứ để vợ con binh sĩ được ở gần cha, chồng họ”. Và để làm gương cho binh sĩ, suốt thời gian Liên làm Tư lệnh Biệt khu 24, vợ con Liên vẫn ở tại Kontum, và những đêm pháo kích vẫn trốn xuống hầm xây bằng bao cát ở cạnh nhà chung với gia đình các thuộc cấp để tránh pháo. Cuối năm 1969, Liên hy sinh tại mặt trận trong khi đang chỉ huy cuộc hành quân truy lùng diệt địch trong dãy Trường Sơn vùng biên giới Việt Miên, để lại một vợ sáu con mà đứa con gái đầu chỉ mới 10 tuổi. Ngày làm lễ tống táng Liên, trời thủ đô Sài Gòn cũng muốn rơi lệ. Rất nhiều sĩ quan và binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến từng phục vụ dưới quyền Liên tự động đến khóc lạy trước linh cữu Liên. Nhiều nhân vật đảng phái, nhiều chính khách nhân sĩ Sài Gòn kể cả cụ Nguyễn Văn Huyền, chủ tịch Quốc Hội, phái đoàn Phật giáo Ấn Quang, phái đoàn Phật giáo Viện Hóa Đạo do Thượng Tọa Thích Tâm Giác cầm đầu cũng đến nghiêng mình trước di ảnh của Liên. Ngoài các phái đoàn chính phủ, Quốc hội v.v… Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng đến chào tiễn biệt, tôn vinh Liên là một vị anh hùng của quân đội và truy thăng Liên lên hàng Chuẩn tướng. Đại tướng Dương Văn Minh và phu nhân cùng các tướng lãnh hồi hưu trong Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cũ đều ngậm ngùi khóc Liên, tiễn đưa một đồng chí can trường khí phách. Ông Phạm Bá Khanh (hiện ở San Jose) một vị nhân sĩ Kontum cũng tiếc thương một chiến sĩ quốc gia mà ông tôn vinh là anh hùng quân dân Cao Nguyên. Cụ Lê Văn Thái, cựu Hội trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam và các vị mục sư (hiện ở Mỹ) biết rõ thân thế và sự nghiệp, phong cách và tâm nguyện của Nguyễn Bá Liên, đã vô cùng đau đớn khi mất đi một tín đồ đã suốt đời làm sáng danh Chúa và làm vinh dự cho Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Than ôi! Mỹ nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạch đầu. Lời của Hứa Ban trong “Điếu cổ chiến trường văn” quả thật là hợp với cảnh ngộ của Nguyễn Bá Liên, người cháu đã làm vinh dự cho gia đình tôi.

Với một người cháu can trường, khí phách và nhiệt huyết như thế, với ý thức mãnh liệt về việc làm của mình mà nguyện vọng của toàn quân toàn dân là xác tín rõ ràng nhất, lại tin vào số phận của anh em ông Diệm đã đến giờ đền tội với quốc gia dân tộc, cho nên dù ông Ngô Đình Nhu lúc bấy giờ biết tôi soạn sửa đảo chánh, dù Dương Văn Hiếu (hiện ở Mỹ) lúc ấy muốn ám sát tôi, tôi vẫn giữ thái độ bình thản, nhà tôi tại Nha Trang vẫn tiếp tục giúp đỡ tiếp tế cho các chùa. Trong lúc đó thì các tướng Minh, Đôn, Khiêm, Kim lại cho vợ con về ẩn trú tại một câu lạc bộ gần sân golf ở Tân Sơn Nhất để nếu có bất trắc thì sẵn sàng lên phi cơ bay ra nước ngoài, và tướng Lê Văn Nghiêm thì nhờ Đại úy Nguyễn Bé đem vợ con về dấu tại vùng ngoại ô Thủ Đức.

Tính chủ quan thường là một yếu tố đưa đến thất bại, nhất là chủ quan trước một công cuộc có tính cách bạo động. Thế mà trước ngày phát động cuộc cách mạng tôi lại chủ quan. Tôi chủ quan trước hết vì tôi tin tưởng mãnh liệt vào chính nghĩa của việc mình làm, tin vào phúc đức của gia tộc mình, nhưng quan trọng hơn cả là tin vào khả năng nhận định thiển cận và thiếu thực tế của ông Ngô Đình Nhu, một thứ người chỉ biết lý thuyết mơ hồ mà lại chủ quan, như ký giả George Chaffard đã nói trên kia. Tôi thật sự tin tưởng mãnh liệt rằng trong ván bài định mệnh này, ông Ngô Đình Nhu không đủ tài trí đương đầu với tôi dù ông ta đã biết âm mưu của tôi.

Ngày 26 tháng 10 là ngày Quốc Khánh, có lễ diễn binh dưới quyền chủ tọa của ông Diệm. Tôi cho nhóm dân sự và sinh viên tuyên truyền rằng ngày đó sẽ là ngày phát động cuộc chính biến (có phải thế không ông Lê Phước Sang?), tạo một tình trạng khẩn trương hư hư thực thực, và làm cho bộ phận chỉ huy an ninh cuộc lễ và các lực lượng mật vụ của ông Nhu hết sức lo âu đề phòng. Để cho họ thấy cái can đảm và quyết tâm của tôi, tôi đã đến thẳng bộ chỉ huy an ninh rất bí mật của họ tại một căn lầu đối diện với tư dinh ông Đại sứ Pháp ở đường Thống Nhất. Tại đây, tôi thấy có tướng Nguyễn Văn Là, Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Đại tá Nguyễn Văn Y, Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia, và hai phụ tá Nguyễn Văn Hay và Dương Văn Hiếu. Họ nhìn tôi bằng cặp mắt kinh ngạc, còn tôi đã nhìn họ bằng cái nhìn cao ngạo thách thức vì tôi đến đây không có mục đích gì ngoài việc biểu dương cái tính tình can trường của tôi, rồi tôi đi ra ngay.

Ngày 1 tháng 11 năm 1963 được các tướng lãnh chọn làm ngày phát động. Tôi dậy sớm uống trà sáng xong thì lên đường đến nhà một thầy tử vi tên Kim ở Phú Nhuận, nơi khách khứa ra vào đông đúc ít ai nghi ngờ trong lúc chờ đợi giờ phát động. Khoảng 1 giờ trưa, tôi vào Bộ Tổng Tham mưu thì được tướng Đôn chỉ định đến một căn phòng riêng cùng với các tướng Chiểu và Kim viết những văn kiện cần thiết như lời hiệu triệu của lực lượng cách mạng, như những hiến ước tương lai, v.v… Trong lúc đó thì tất cả tướng tá, kể cả các tướng tá trung thành với chế độ như tướng Nguyễn Văn Là, Đại tá Cao Văn Viên, Đại tá Lê Quang Tung, đều có mặt tại Câu lạc bộ Sĩ quan, chỉ trừ tướng Tôn Thất Đính phải ở lại Bộ Tư lệnh của ông ta để trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân lúc bấy giờ được ngụy trang là một cuộc đảo chánh cho phù hợp với âm mưu Bravo của ông Nhu. Cuộc hành quân đảo chánh được tiến hành tốt đẹp mà mọi chi tiết đã được tướng Đôn mô tả khá đầy đủ trong hồi ký “Our Endless War”, tiểu mục “Our coup succeeds”.

Về phần tôi, theo dõi sát tiến triển từng bước một của kế hoạch, tôi mừng thầm nhưng không ngạc nhiên vì các bạn bè đồng chí, con cháu của tôi đã can trường thi hành nghiêm chỉnh những chỉ thị của tôi, và đóng góp tích cực cho sự thành công của cuộc cách mạng mà kết quả quan trọng đầu tiên là chận đứng được anh em ông Diệm dại dột âm mưu dâng miền Nam cho Hà Nội. Trong tiến trình đảo chánh, Nguyễn Cao Kỳ, Đỗ Khắc Mai nắm ngay quyền Tư lệnh Không quân rồi cho phi cơ phóng pháo bay lượn trên không phận Sài Gòn để uy hiếp các lực lượng phản cách mạng và biểu dương khí thế cách mạng cho quần chúng. Hai ông Vĩnh Lộc và Nguyễn Văn Toàn kéo quân và Thiết giáp từ Vũng Tàu về yểm trợ cho Bộ Binh. Đỗ Như Luận, Chu Văn Trung, Lê Phước Sang vô hiệu hóa ngay Lực Lượng Đặc Biệt của Lê Quang Tung. Các sĩ quan trẻ ở trung đoàn Thiết giáp cô lập ngay Thiếu tá Thẩm Nghĩa Bôi rồi biệt phái một số thiết giáp về bảo vệ cho Bộ Tổng tham mưu. Hai sinh viên quân y Phạm Văn Lương và Nguyễn Văn Cơ cướp quyền chỉ huy tại trường Quân Y, phân phát vũ khí cho một nhóm sinh viên đồng chí nòng cốt. Đại tá Phạm Ngọc Thảo và bác sĩ Nguyễn Phúc Quế sau hai lần tấn công mới chiếm được đài phát thanh Sài Gòn. Đến 4 giờ chiều, bác sĩ Quế gọi điện thoại cho tôi để xin chỉ thị, tôi ra lệnh cho Quế phải đọc lời hiệu triệu đầu tiên của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, đại ý gồm có lời tuyên bố lý do quân đội phải đứng lên lật đổ chế độ, lời kêu gọi ông Diệm đầu hàng, và lời hứa sẵn sàng để cho ông Diệm xuất ngoại, và cuối cùng là lời hiệu triệu quốc dân đồng bào đoàn kết làm hậu thuẫn cho cuộc cách mạng do quân đội khởi xướng. Một điều làm tôi rất phấn khởi là chiều hôm đó, Đại tá Lâm Văn Phát đã cấp tốc từ Vũng Tàu về tham gia cách mạng, cầm quân đánh vào thành Cộng Hòa và triệt tiêu những ổ kháng cự của các toán quân thuộc Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Tổng Thống Phủ còn trung thành với chế độ cũ. Tôi mừng vì Đại tá Phát là một sĩ quan Công giáo đã từng được anh em ông Diệm hết sức thương mến tín nhiệm, từng được giao cho những chức vụ quan trọng như Sư đoàn trưởng, như Tổng giám đốc Bảo An, nhưng Phát là người cương trực, cho nên ông ta đã không vì lợi danh chịu làm tay sai cho một chế độ mà Phát đã từng lên án. Việc Đại tá Phát tham gia đảo chánh càng nói lên cái chính nghĩa rực rỡ của quân đội trong việc lật đổ chế độ.

Vào khoảng nửa đêm, tướng Đính cho mở cửa nhà tù để giải thoát các nhóm sinh viên tranh đấu. Nhóm sinh viên này gồm các anh Đinh Thạch Bích, Trần Phong, Nguyễn Sĩ Tế, Nguyễn Tường Bá, Vũ Văn Lê, Trần Huy Bích, Trịnh Đình Thắng, v.v… (hiện ở Hoa Kỳ) và riêng anh Nguyễn Hữu Đống, (hiện ở Pháp) và một số anh em khác vừa được trả tự do, vội đến Bộ Tổng Tham mưu và được các tướng lãnh đón tiếp. Vừa gặp chúng tôi, họ mừng ra nước mắt, ôm chầm lấy chúng tôi biểu lộ nỗi hân hoan vui mừng. Họ xúc động đứng trước mặt chúng tôi, ngỏ lời cảm ơn quân đội đã đứng lên giải thoát cho họ và cho đồng bào khỏi một chế độ bạo tàn kềm kẹp, rồi giơ cao tay thề quyết tâm làm tròn sứ mạng lịch sử và trung thành với Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. Việc tướng Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh Quân khu 4 đầu hàng, việc Đại tá Lâm Văn Phát tham dự đảo chánh, việc các sinh viên tỏ ra ngưỡng mộ tướng lãnh là những khích lệ tinh thần cao quý đầu tiên của quân dân ban thưởng cho chúng tôi.

Cũng vào khoảng nửa đêm, trừ dinh Gia Long còn nằm trong tay quân Phòng Vệ Phủ Tổng thống, tất cả các quân đoàn trên toàn quốc và nhiều đơn vị đã hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội cách mạng. Tại Nha Trang và Khánh Hòa, nơi có quân số đông đảo và nơi mà đa số nhân dân theo Phật giáo, Đại tá Quân trấn trưởng Nguyễn Vĩnh Xuân nắm vững ngay tình hình nhờ sự hợp tác chặt chẽ của nhiều sĩ quan Không quân và Hải quân, và nhờ hậu thuẫn trung thành của Trung tâm Huấn luyện Hạ Sĩ Quan Đồng Đế và trung tâm Biệt Động Quân tại Dục Mỹ. Tại Đà Lạt ngay chiều hôm đó, khi tiếng súng bắt đầu nổ vang tại Sài Gòn, Trung tá Trần Ngọc Huyến, chỉ huy trưởng trường Võ Bị Quốc Gia vội vã thiết quân luật và cùng với ông Trần Văn Phước, Thị trưởng Đà Lạt, làm chủ tình hình. Riêng tướng Thái Quang Hoàng, chỉ huy trưởng Đại học Quân sự và Quân trấn trưởng Đà Lạt, tuy mang nỗi lòng của một công thần bị vắt chanh bỏ vỏ nhưng trước biến chuyển của tình hình, ông ta vội vã lánh mình lên Ban Mê Thuột. Tướng Hoàng biết trước cuộc đảo chánh thế nào cũng xảy ra nhưng ông ta chỉ muốn giữ thái độ trung lập. Ông không muốn chống ông Diệm nhưng cũng không muốn chống lại cuộc cách mạng để khỏi mang tiếng hành động ngược lòng dân. Đại tá Tôn Thất Xứng, một cựu đảng viên Cần Lao lúc bấy giờ là chỉ huy trưởng Lực Lượng Biệt Động Quân, cũng biết trước cuộc đảo chánh sẽ xảy ra nhưng cũng “khôn ngoan” như tướng Hoàng, ông đã giữ thái độ trung lập. Một ngày trước biến cố, ông mượn cớ đi thanh tra các trung tâm huấn luyện Biệt Động Quân để lánh mình, tránh cho ông một hoàn cảnh khó xử.

Vào khoảng 9 giờ đêm, tại văn phòng của tướng Khiêm nơi được chọn làm bộ chỉ huy, tướng Dương Văn Minh, vị lãnh tụ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng bèn hỏi từng người “ai theo cách mạng và ai còn theo ông Diệm”. Tất cả đều hoan hỉ trả lời “theo cách mạng” trừ Đại tá Cao Văn Viên, Tư lệnh Nhảy Dù, trả lời: “Tôi là một quân nhân kỷ luật, tôi không làm chính trị, tôi chỉ biết tuân lệnh Tổng thống Diệm”.

Ông Cao Văn Viên thời còn là Trung úy (năm 1953) đã cùng tôi và Nguyễn Văn Thiệu làm việc tại khu chiến Hưng Yên, chúng tôi coi nhau như bạn thân. Cao Văn Viên là người ít nói trong lúc Thiệu và tôi hay thảo luận chính trị và thời thế. Năm 1958, Viên được Tổng thống Diệm đưa về dinh Độc Lập giữ chức Tham mưu trưởng Biệt Bộ thay tướng Nguyễn Văn Là được cử giữ chức Tổng Giám đốc Công An. Cuối năm 1960, nhân biến cố Nhảy Dù xảy ra, Viên mặc dù thuộc Bộ Binh nhưng được ông Diệm thăng Đại tá và cử chỉ huy Lữ Đoàn Nhảy Dù thay Đại tá “phản loạn” Nguyễn Chánh Thi đã trốn qua Cao Miên tị nạn chính trị. Tuy nhiên, trong lúc ông Cao Văn Viên chỉ cố gắng hành xử nhiệm vụ của một quân nhân thì bà Cao Văn Viên, cũng như bà Nguyễn Văn Là, lại là những phu nhân thích hoạt động chính trị, thích nổi tiếng. Hai bà đều là nhân viên cao cấp trong “Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới” của bà Nhu và cộng tác đắc lực với Đệ nhất Phu nhân. Bà Là lại còn là thành viên của “Lực Lượng Phụ Nữ Bán Quân Sự”, là thiện xạ số hai bên cạnh thiện xạ số một Ngô Đình Lệ Thủy, ái nữ của ông bà Cố vấn. Qua màn ảnh tuyên truyền của Bộ Thông Tin, dân cả nước, hàng tuần đều được chiêm ngưỡng dung nhan cô Lệ Thủy và bà Là thi đua tác xạ, thi đua bắn bong bóng, tập thao diễn quân sự, tập tác chiến, nằm cạnh các lỗ châu mai tại “chiến trường Thị Nghè” của thành phố Sài Gòn–Gia Định. Dưới chế độ Diệm, trong hàng tướng lãnh có ba bà Tướng thuộc hạng “đàn bà dễ có mấy tay” là bà Thái Quang Hoàng, đã dám đấu khẩu với bà Nhu sau ngày đảo chánh Nhảy Dù, còn bà Nguyễn Văn Là và bà Cao Văn Viên là những phụ nữ thuộc hạng “gái ngoan làm quan cho chồng”.

Khốn nỗi khi Đại tá Cao Văn Viên tỏ thái độ trung thành với Tổng thống Diệm thì nhiều sĩ quan cấp Tá thuộc Lực Lượng Nhảy Dù lại điện thoại về Bộ Tổng tham mưu hoan nghênh cách mạng và xin đặt dưới quyền điều động của Hội Đồng Tướng Lãnh.

Đến 10 giờ đêm, tướng Dương Văn Minh ra lệnh cho tất cả các tướng tá có mặt tại Bộ Tổng Tham mưu xưng danh để được phát thanh trên đài Sài Gòn. Theo Đại úy Đỗ Thọ, sĩ quan tùy viên độc nhất đi trốn với anh em ông Diệm, thì lúc nghe phát thanh, tâm tư hai ông Diệm, Nhu vô cùng rúng động. Ông Nhu bỏ ý định về miền Tây với Huỳnh Văn Cao và quyết định bỏ nhà Mã Tuyên để về trú ẩn tại nhà thờ Cha Tam. Lúc bấy giờ, ông Diệm nói với ông Nhu: “Chú nên ở cạnh tôi, vì chú đi riêng thì họ sẽ giết”. Câu nói của ông Diệm biểu lộ sự cảm nhận cái thế tuyệt cùng và sự thất bại không tài nào cứu vãn được nữa. Đối với các tướng Dương Văn Minh, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân, Phạm Xuân Chiểu thì việc họ chống đối ông là việc tất nhiên, nhưng ông không ngờ toàn thể những người đã một thời trung thành với ông, đã có công lao to lớn phò tá ông trong bước khó khăn, trong những năm đầu của chế độ đặc biệt là những sĩ quan quê miền Trung cũng đều quyết liệt chống lại ông. Ông có ngờ đâu những tướng tá như Nguyễn Ngọc Lễ, Lê Văn Nghiêm, Tôn Thất Đính, Đỗ Mậu, Nguyễn Văn Chuân, Nguyễn Khương, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Ngọc Huyến, v.v… cũng đều tham gia cách mạng. Những người dân sự thân nhất của ông như cụ Trần Văn Chương, linh mục Cao Văn Luận, bác sĩ Trần Kim Tuyến đều đã chống lại ông, Võ Văn Hải cũng bỏ rơi ông, nay lại đến các quân nhân thân thiết, tín cẩn đều đồng thanh lật đổ ông thì thật sự ông không còn bám víu vào đâu được nữa. Đảng Cần Lao, Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, Thanh Niên Cộng Hòa, Lực Lượng Đặc Biệt, Phụ Nữ Liên Đới, Quốc Hội Gia Nô, Lực Lượng Mật Vụ, … những con bài domino của ông đã tan biến trước cơn lốc cách mạng của toàn quân, toàn dân. Có lẽ vì thế mà ông muốn đến nhà thờ Cha Tam, để một lần cuối, đưa lời cầu nguyện với Chúa. Gần mười năm qua ngự trị trên đất nước quê hương, sau mỗi bài diễn văn mỗi bức thông điệp, ông luôn luôn xin Thượng Đế ban phép lành cho thân thế địa vị ông và gia đình ông được vững như bàn thạch, ông có ngờ đâu “phép lạ không đến hai lần”, ông có ngờ đâu Thượng Đế chí công vô tư như Thánh Kinh đã dạy: “Ai gieo gió thì gặt bão”.

Trong tác phẩm nghiên cứu nổi tiếng Vietcong kể lại quá trình mười năm của chính quyền Ngô Đình Diệm, học giả Douglas Pike khi đề cập đến năm cuối cùng của chế độ Diệm, đã viết rằng:

Tháng 5 năm 1963, biến cố Phật giáo bùng nổ ở Huế, đến tháng bảy thì sinh viên học sinh nhập cuộc đấu tranh. Lúc đầu, chỉ mới sinh viên đại học, sau lấn dần đến học sinh trung học rồi cả học sinh tiểu học cũng xuống đường. Từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1963, các sĩ quan chỉ huy các đơn vị cũng như các sĩ quan trẻ cũng âm mưu chống đối chế độ, một chế độ mà từ lâu họ đã xem như không còn có liên hệ nữa vì bất mãn bởi nhiều lý do (chẳng hạn như lý do can thiệp chính trị vào các cuộc hành quân, như sự thăng thưởng bất công). Cuối cùng, đến tướng lãnh và cả Bộ tổng tham mưu, mà trước một xã hội băng hoại, mọi người như một đều muốn lật đổ chế độ đến nỗi không còn một vị tướng nào muốn cứu vớt ông Diệm nữa. Cuộc đảo chánh (coup d’etat), nếu người ta muốn dùng từ ngữ đó để nói đến cuộc lật đổ chế độ Diệm, thật ra phải gọi là “sự sụp đổ của chế độ Diệm” thì đúng hơn, đã xảy ra ngày 1 tháng 11 năm 1963.

Sự tách rời với chế độ của các sĩ quan chống đối thật ra đã có từ 1955 vì không mấy ai tin rằng chế độ Diệm có thể đương đầu nổi với Cộng Sản và đối phó nổi với những sĩ quan có tinh thần chống đối. Các giáo phái võ trang đã bị vô hiệu hóa bởi vì không một chính phủ nào có thể tha thứ tình trạng nhiều quốc gia trong một quốc gia. Tuy nhiên, sau khi tiêu diệt họ, ông Diệm đáng lẽ phải có thời gian và kế hoạch hàn gắn, đoàn kết. Trong gần mười người Việt Nam ở Nam Việt thì đã có một người của giáo phái, cho nên việc gây cho họ trở thành đối lập vĩnh viễn là việc làm không thể tưởng tượng được, nhưng ông Diệm lại không bao giờ có thái độ thân thiện đối với họ. Một người khôn ngoan có thể lôi kéo được một phần các giáo phái và cũng có thể cảm hóa được những người trí thức như các chính phủ sau Diệm đã làm. Sự bất công trong chương trình cải cách ruộng đất, và sự áp dụng khắc nghiệt đạo luật 10/59 đáng lẽ có thể sửa chữa được nhưng ông Diệm lại không làm vì ông Diệm không muốn làm mất địa vị những tay sai trung thành của mình. Không một nhà lãnh đạo nào lại đàn áp những lãnh tụ chính trị, mà sự giam cầm bác sĩ Phan Quang Đán năm 1960, một nhân vật đối lập công khai, có lẽ là cao điểm không còn làm xoay chuyển nổi nền độc tài nữa. Sự bất mãn của dân chúng càng gia tăng (được khích động thêm bởi Mặt Trận Giải Phóng) trong vấn đề xây dựng Ấp Chiến Lược, và sau này, trong biến cố Phật giáo.

Sau mồng 8 tháng 5, toàn thể quốc gia như ngọn lửa bốc cháy: tăng sĩ Phật giáo tự thiêu, sinh viên xuống đường, binh sĩ chẳng những từ chối đàn áp các cuộc biểu tình mà lại còn khuyến khích các người biểu tình. Cơn đau xã hội lan tràn như một cánh đồng bốc lửa. Sài Gòn, trong những ngày cuối cùng của ông Diệm, là một thành phố kinh khủng. Người ta cảm thấy như đang chứng kiến cả một kiến trúc xã hội tan rã như những sợi chỉ vụn. Người Mỹ đã chứng kiến một cách bất lực và kinh hoàng cảnh tượng ông Diệm đang xé tan hoang xã hội Việt Nam một cách hữu hiệu hơn cả Cộng Sản. Đó là thành tích hữu hiệu nhất của cả một đời hoạt động của ông Diệm. (… The social pathology spread like a prairie on fire. Saigon, those lasts days of Diem, was an incredible place. One felt that one was witnessing an entire social structure coming apart at the seams. In horror, Americans helpless watched Diem tear apart the fabric of Vietnamese society more effectively than the communists had ever been able to do. It was the most efficient act of his entire career) [3]

Bức tranh miền Nam Việt Nam vào năm 1963 tuy chỉ được học giả Douglas Pike chấm phá đơn sơ những đã làm nổi bật được một cách đầy đủ và chính xác cái thế của chế độ Diệm vào những tháng cuối cùng. Cho nên Douglas Pike đã nói đúng khi ông viết rằng: “Tất cả tướng lãnh như một, không ai còn có hành động để cứu ông Diệm nữa”.

Huỳnh Văn Cao, vị tướng “con nuôi” của ông Diệm còn có ba sư đoàn trong tay, còn có cả một giang sơn rộng lớn gồm vùng Tiền Giang, Hậu Giang, thế mà chỉ mới nửa đêm 1–11–63 đã vội đầu hàng Cách Mạng, thề nguyền trung thành với Hội Đồng Cách Mạng thì hỏi còn ai dám có ý đồ cứu ông Diệm nữa. 

Tuy vậy, khi tiếng súng đảo chánh mới bắt đầu nổ súng, anh em ông Diệm tưởng rằng chỉ có một nhóm quân nhân nổi lên phản loạn, và ông tưởng có thể tái diễn được trò “gọi quân trung thành về cứu giá” như hai năm về trước (11–11–60), do đó ông đã đối đáp cứng rắn với Đại sứ Cabot Lodge như sau:

- Ông Diệm: “Một nhóm binh sĩ phản loạn đã khởi sự đảo chánh vậy thái độ của chính phủ Hoa Kỳ như thế nào?”

- Ông Lodge: “Bây giờ là 4 giờ 30 sáng tại Hoa Thịnh Đốn, tôi không thể tham khảo ý kiến của chính phủ tôi vào lúc này. Tôi lấy làm lo ngại cho an ninh cá nhân của Tổng thống… Tôi muốn trình bày với Tổng thống về thiện chí của chính phủ Hoa Kỳ là Tổng thống có thể đến ẩn trú tại tư dinh của tôi. Tôi có thể thu xếp để Tổng thống có thể ra khỏi nước. Các vị tướng lãnh đã hứa với tôi là họ sẽ thỏa mãn như vậy.”

- Ông Diệm: “Tôi sẽ hành xử theo trách nhiệm và lương tri của tôi, tôi sẽ cố gắng lập lại trật tự”. [4]

Nếu tại Sài Gòn ông Diệm chủ quan vì không nắm vững tình hình thì tại Mỹ, bà Nhu cũng chủ quan vì kiêu căng. Chiều 1–11–63, khi cuộc cách mạng tại Sài Gòn đang trên đà thắng lợi thì tại Los Angeles, trong một cuộc phỏng vấn của báo chí, bà Nhu vẫn quyết liệt cho rằng cuộc đảo chánh không bao giờ thành công, bà ta nhấn mạnh đến ba lần “never, never, never [5].                       

Nói chuyện với Đại sứ Cabot Lodge xong, hai ông Diệm–Nhu bắt đầu xuống hầm, một pháo đài dưới đất với đầy đủ tiện nghi và được trang bị đầy đủ máy móc truyền tin viễn liên cực mạnh để có thể liên lạc được với các tỉnh. Cái hầm xi măng cốt sắt đủ sức chống nổi bom 500 cân Anh này được xây cất dưới sân dinh Gia Long sau vụ hai phi công Quốc, Cử ném bom dinh Độc Lập vào tháng Hai năm 1962.

Nhưng nếu Vạn Lý Trường Thành đã không bảo vệ được dòng họ Tần Thủy Hoàng thì cái hầm dinh Gia Long làm sao có thể chống chỏi nỗi lòng căm phẫn tột độ của quân dân miền Nam Việt Nam. Cho nên khi đã an toàn trong hầm kín rồi, và sau khi nói chuyện với tướng Đôn vào khoảng ba giờ chiều ngày 1–11, anh em ông Diệm mới đối diện với sự cô đơn và sự thật để bắt đầu khiếp sợ. Ông không ngờ toàn thể quân đội đã đoàn kết và hợp tác với tướng lãnh để lật đổ chế độ. Ông bèn dịu ngọt gọi tướng Đôn để mời các tướng lãnh đến dinh Gia Long bàn chuyện dàn xếp, ông cũng hứa với tướng Đôn là sẽ thỏa mãn mọi nguyện vọng của tướng lãnh. Nhưng kinh nghiệm với cái “bất thành tín” của nhà Nho Ngô Đinh Diệm, kinh nghiệm Trung tá Vương Văn Đông đã bị ông Diệm lừa năm 1960, đời nào cấp lãnh đạo Cách mạng 1/11/63 còn mắc mưu ông Diệm, huống gì lập trường của tướng lãnh là nhất định đi đến thành công không chịu thương thuyết. Tướng Đôn nhắc lại cho ông Diệm nhớ rằng đã bao lần các tướng lãnh trình bày với ông về tình hình nguy ngập của đất nước chỉ để yêu cầu ông thay đổi chính sách mà ông vẫn không nghe. Nay thì chỉ còn sự đầu hàng vô điều kiện, và chỉ để cho ông ra đi an toàn mà thôi. Sau đó tướng Đôn cho soạn hai cái giường tại Bộ Tổng tham mưu và vận động một chiếc phi cơ của Hoa Kỳ để anh em ông Diệm xuất ngoại.

Trước thái độ cương quyết của tướng Đôn, và trong cảnh cô đơn, hai ông Diệm–Nhu mới thấy mọi tính toán đều hoàn toàn sụp đổ. Nhìn quanh chỉ có Cao Xuân Vỹ là ở kề, còn tất cả nhân viên và cán bộ đều xa lánh hết nên hai anh em ông Diệm–Nhu lợi dụng dinh Gia Long chưa bị bao vây, bèn ra đi về phía Chợ Lớn trú ẩn tại nhà Hoa kiều Mã Tuyên, người bạn thân từng lo kinh tài cho Ngô Đình Nhu.

Vào khoảng 10 giờ đêm, ông Diệm từ nhà Mã Tuyên gọi điện thoại về Tổng tham mưu thì được tướng Dương Văn Minh trả lời. Lúc này ông Diệm đã hết giọng uy quyền, ông bằng lòng ra đi chỉ với một điều kiện là được vinh dự tiễn đưa theo nghi lễ quân cách. Tướng Minh lợi dụng cơ hội đó nặng nề lên án chế độ của ông Diệm là độc tài, gia đình trị, tham nhũng, thối nát làm cho quê hương nguy biến, dân chúng điêu linh, và quân đội thất trận trước lực lượng Việt Cọng ngày càng thắng lợi, rồi ông Minh bác bỏ lời yêu cầu của ông Diệm, chỉ bằng lòng cho ông âm thầm ra đi mà thôi. Có lẽ vì tướng Minh đã dùng những lời lẽ nặng nề nên ông Diệm tức giận trách móc tướng Minh và có lẽ vì thế mà sáng mồng 2, tướng Minh đã thay đổi thái độ không còn khoan dung với ông Diệm nữa.

Sáng mồng 2, vào khoảng 7 giờ, toàn thể tướng tá vẫn còn ngồi trong văn phòng tướng Khiêm, tôi đang ngồi trước mặt tướng Khiêm tại bàn giấy ông ta bỗng điện thoại reo lên, tôi bèn nhấc máy nghe thì đàng kia là tiếng của Đỗ Thọ, cháu tôi, nói rằng: “Thưa chú, Cụ và ông Cố vấn hiện ở nhà thờ Cha Tam, Cụ bằng lòng ra đi vậy xin tướng lãnh cho xe xuống đón Cụ về Bộ Tổng Tham mưu”. Tôi trả lời Thọ: “Được rồi, nhưng chú không có thẩm quyền, để chú trao máy lại cho tướng Khiêm trả lời”, rồi tôi chuyển máy lại cho tướng Khiêm. Tướng Khiêm nói với Thọ: “Được rồi, sẽ có xe xuống đón Cụ về đây”. Nói xong, tướng Khiêm trình lại cho tướng Minh biết.

Sau đó, vì suốt đêm thức trắng để phối hợp các tiến triển của những lực lượng cách mạng, tôi và tướng Khiêm vòng tay ngồi ngủ tại bàn tướng Khiêm. Chúng tôi ngủ say đến độ toàn thể tướng lãnh rời hết khỏi phòng khi nào cũng không biết, mãi cho đến khi chuông điện thoại reo vang, hai chúng tôi mới giật mình thức dậy. Khiêm bèn bảo tôi: “Anh em giải tán đâu rồi, Mậu chạy tìm xem”. Tôi bèn qua văn phòng tướng Lê Văn Tỵ, nơi mà suốt đêm tướng Minh dùng làm văn phòng riêng, cũng không thấy ai nên kéo màn cửa chính thì thấy toàn thể tướng lãnh đều có mặt ngoài bao lơn. Tôi mở hẳn cửa bước ra, thấy mọi người đều im lặng trầm tư, trong lúc cuối bao lơn tướng Dương Văn Minh, tướng Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân và Đại tá Dương Ngọc Lắm còn đang thì thầm bàn tán. Bên cạnh tướng Minh, Thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa, một đảng viên Đại Việt, cầm súng M16 đứng đó như có ý bảo vệ cho tướng Minh.

Thấy không khí có vẻ nghiêm trọng, tôi vội hỏi ngay: “Các anh làm gì mà đứng đây có vẻ bí mật thế”, tướng Trần Văn Minh (Minh nhỏ) đứng gần đấy trả lời rất nhỏ: “Anh em đang bàn định cách đối xử với ông Diệm, nên giết hay nên cho ông ta xuất ngoại”. Tôi vội nói to cho mọi người cùng nghe: “Tôi không đồng ý việc giết ông Diệm, lúc còn trong vòng bí mật, tôi đã nói với Trung tướng Đôn là phải để cho ông Diệm ra đi, Trung tướng Đôn đã đồng ý rồi”. Tôi vừa nói xong thì tướng Nguyễn Ngọc Lễ, một vị tướng vốn nổi tiếng khoan hòa, đạo đức nhất trong hàng tướng lãnh quay về phía tôi và cũng nói to lên: “Xin anh em đừng nghe lời anh Mậu, đã nhổ cỏ thì phải nhổ cho tận rễ”. Tôi chợt nhớ trong đêm trước đó có người đã kể cho tôi nghe rằng tướng Phạm Xuân Chiểu cũng đã nói câu như vậy. Thấy không ai phản đối tướng Lễ mà có vẻ im lặng đồng ý, tôi bực mình bèn nói thêm: “Việc tha hay giết ông Diệm là hành động lịch sử, vậy muốn tha hay giết ông ta tôi đề nghị phải lấy quyết định tối hậu qua một cuộc bỏ phiếu kín, phải ghi vào biên bản đàng hoàng”. Tất cả mọi người im lặng không có ai tỏ ra tán đồng ý kiến của tôi, còn tướng Dương Văn Minh thì nhún vai tỏ thái độ bất mãn với tôi. Tôi bực tức giơ tay cao lên và nói: “Nếu không ai đồng ý với tôi thì tôi tuyên bố không dính líu gì đến việc này, các anh phải chịu lấy trách nhiệm trước lịch sử”. Rồi tôi kéo Trung tá Nguyễn Văn Thiện (chỉ huy trưởng Thiết giáp) và Trung tá Lê Nguyên Khang (hiện ở Los Angeles) ra khỏi nơi tụ họp để đi quan sát tình hình tại trung tâm Sài Gòn.

Sau đó tướng Minh ra lệnh cho tướng Mai Hữu Xuân, Đại tá Dương Ngọc Lắm, Thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa và Đại úy Nguyễn Văn Nhung đi đón hai ông Diệm–Nhu tại nhà thờ Cha Tam.

 

-o0o-

 

Rời Bộ Tổng Tham mưu, trên đường trở về trung tâm thủ đô, tôi gặp nhiều đoàn biểu tình của thanh niên và sinh viên phất cờ và giơ cao biểu ngữ: “Hoan hô cách mạng thành công”, “Đả đảo độc tài Ngô Đình Diệm”, và “Hoan hô quân đội”. Trong các đoàn biểu tình có một đoàn rất đông người do luật sư Nguyễn Tường Bá (hiện ở San Jose) cầm đầu, có mang thêm cờ Việt Nam Quốc Dân Đảng. Gần góc đường Hồng Thập Tự – Trần Quý Cáp, một đoàn biểu tình khác của sinh viên chận xe tôi lại rồi mời tôi ra khỏi xe, bồng tôi lên cao mà hô to khẩu hiệu mừng chiến thắng và ca ngợi tôi là một chiến sĩ anh hùng.

Về đến dinh Gia Long, tôi thấy rất đông dân chúng vây quanh Dinh tràn ngập cả mấy con đường và công viên trước mặt. Họ reo hò ầm ĩ và chuyện trò vui vẻ với binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến đang chiếm đóng ngôi dinh thự mà từ ngày 27–2–1962 đã tượng trưng cho uy quyền bất khả xâm phạm của chế độ Ngô Đình Diệm. 

Rời dinh Gia Long để về nhà, khi đi qua góc đường Gia Long – Hai Bà Trưng, tôi gặp lại một đoàn sinh viên khác mà phần lớn thuộc Đại Học Văn Khoa. Sau khi đập phá bức tượng Hai Bà Trưng do bà Nhu dựng lên ở công trường Mê Linh, Bến Bạch Đằng, họ náo nhiệt kéo hai cái đầu bằng đá mà họ bảo là của hai mẹ con “mệ Nhu”. Những sinh viên dẫn đầu đoàn biểu tình tuyên bố sẽ kéo hai cái đầu “mẹ con mệ Nhu” này đi khắp đường phố Sài Gòn cho dân chúng tự do chửi bới sỉ vả.

Trên đường về, đi đến đâu tôi cũng thấy dân chúng già trẻ, lớn bé, trai gái tràn ra khắp các nẻo đường mà nét vui mừng, niềm hân hoan và nỗi xúc động hiện rõ trên từng tiếng cười, từng câu nói. Họ trò chuyện thân mật và tặng quà cho binh sĩ, họ hoan hô ca ngợi quân đội và hể hả để cho sự thống khoái ào ạt bộc phát ra ngoài.

Thật vậy,

“từ 7 giờ sáng ngày 2-11-1963, khi đài phát thanh Sài Gòn báo tin dinh Gia Long bị quân đội chiếm thì già trẻ lớn bé lũ lượt kéo nhau đi xem. Lời hò reo, tiếng cười vang với sắc diện tươi vui của mọi người chứng tỏ sự giải thoát gông cùm kềm kẹp của độc tài đã bóp nghẹt lòng dân trong chín năm trời đăng đẳng [6].

Đó là nhận định của bác sĩ Dương Tấn Tươi. Và thi sĩ Đông Hồ thì:

“Nỗi ức hiếp, nỗi căm hờn bị đè nén, bị vùi dập một cách tàn nhẫn bất công trong 9 năm trời, một sớm được giải thoát, được cởi mở, mà phản ứng chỉ có chứng ấy thì tưởng quần chúng nhân dân Việt Nam năm 1963 này cũng đã tỏ ra hiền lành nhiều lắm, và cũng đã biết tự hạn chế, tự biết kềm hãm sức giận dữ hung hãn của mình rồi đó.” (“Tôi Tập Viết Tiếng Việt”, Nguyễn Hiến Lê, 1988, tr. 21).  

Còn theo ký giả Neil Sheehan, người theo dõi chiến tranh Việt Nam một cách sâu sắc thì:

“Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, dân chúng Saigon tự phát hoan hô binh sĩ quân đội VNCH. Các thiếu nữ tặng hoa. Người lớn tặng bia và soda. Các bà mang trà và đồ ăn tới các công viên và trường học nơi binh sĩ đang trú đóng” (For the first time in the history of the war, crowds in Saigon spontaneously cheered ARVN soldiers. Girls gave them bouquets of flowers. Men brought them beer and soda. Woman carried pots of tea and food to the parks and schools where they were bivouacked. “A Bright Shining Lie”, tr. 371)

Cũng trình bày về nỗi hân hoan, sung sướng của nhân dân Sài Gòn, Hilaire du Berrier viết rằng:

Ngày 29-10, ông Nhu điện thoại khuyên vợ là “Đệ Nhất phu nhân xấu mồm xấu lưỡi” đang ở San Francisco nên đến trú ngụ tại Los Angeles, và cũng cho biết là ông không thể đi Đông Kinh để đón bà ta như đã hứa trong cuộc điện đàm hôm trước. Về Los Angeles, bà Nhu ôm lấy máy phát thanh để theo dõi tin tức tại Sài Gòn khi cuộc đảo chánh đã xảy ra (mà bà ta đã trả lời cho báo chí là cuộc đảo chánh sẽ không bao giờ thành công). Nhưng khi chế độ của gia đình bà ta bị lật đổ, bà đã khóc và lên án Hoa Kỳ đã nghiến nát những nhà lãnh đạo quốc gia vốn được dân chúng Việt Nam bầu lên. Bà Nhu thề sẽ không bao giờ đặt chân trở lại trên đất nước Hoa Kỳ nữa rồi cùng con gái là Lệ Thủy trực chỉ Rome, nơi người anh của chồng bà là Giám mục Ngô Đình Thục đang trú ngụ. Sau đó, bà về Pháp sống tại ngôi nhà sang trọng ở đường Charles Floquet, con đường hợp thời trang nhất của thủ đô Paris. Ở Sài Gòn chỉ có người cháu gái là vợ của Trần Trung Dung, mà trước đó hai năm đang điều khiển một nhà hàng ăn tại Paris, đã trách móc các ông Cậu sao không lo liệu xuất ngoại trước đi. Bà Dung âm thầm chôn cất các ông Cậu ruột tại Phú Nhuận. Những người lưu vong dưới chế độ Diệm, trong đó có những nhân vật tên tuổi như Đại tá Nguyễn Chánh Thi, tướng Dương Văn Đức, lãnh tụ Đại Việt Nguyễn Tôn Hoàn, soạn sửa để hồi hương. Ông Huỳnh Sanh Thông cũng từ bỏ địa vị giáo sư tại Đại học danh tiếng Yale để về nước. Trong lúc đó, tại Sài Gòn, dân chúng vui mừng như điên cuồng (delirium of joy) làm ta nhớ lại thủ đô Paris trong ngày giải phóng khỏi Đức Quốc Xã tràn ra đường mà khiêu vũ [7].

Cái tình cảm uất ức vì bị đàn áp, rồi được giải thoát và bộc phát ra ngoài đó là gì nếu không phải là sự thể hiện nhân bản của một thành quả cách mạng. Ý nghĩa thực sự của ngày 1–11–63 là giải thoát. Trên mặt lịch sử, nó chấm dứt những bế tắc của thế và thời để khai mở một dòng sinh mệnh mới; trên mặt dân tộc, nó chấm dứt một giai đoạn trì trệ và đen tối để dân tộc lại trở về với chức năng chủ nhân đất nước; và trên mặt thời đại, nó bỏ lại sau lưng những khuôn thước lỗi thời để sẵn sàng rung động nhịp nhàng với những phát triển hướng thượng của tương lai.

Ngày 1–11–63 vừa đáp ứng được nhu cầu của lịch sử, vừa thỏa mãn được ước nguyện của dân tộc, vừa biến thiên theo quy luật của thời đại nên đã có đầy đủ bản chất và tính năng của một ngày cách mạng. Ngày đó, toàn quân toàn dân cùng một lòng làm tròn nhiệm vụ trong truyền thống cách mạng Việt Nam, một truyền thống chạy dài từ ngày Hai Bà Trưng phất ngọn cờ vàng chống áp bức ngoại xâm, xuyên dòng lịch sử như một dòng suối, đã đổ về miền Nam anh dũng của thế kỷ thứ hai mươi.

Chế độ Diệm phải sụp đổ để quy luật cách mạng Việt Nam được chứng nghiệm.

Chế độ Diệm phải tiêu tan để từ nay quân dân miền Nam có thể ngẩng đầu không thẹn với non sông.

Cuộc cách mạng lật đổ chế độ Diệm là kết quả tổng hợp và chung quyết của nhiều sức mạnh, mà sức mạnh lớn nhất là sự căm phẫn tích lũy từ nhiều năm của nhiều người. Chín năm cai trị là gần chín năm bạo trị, mười lăm triệu đồng bào là gần mười lăm triệu nạn nhân; quân đội và phong trào đấu tranh của Phật giáo chỉ là những lực lượng có cơ duyên và phương tiện để thi hành bản án mà gần 15 triệu đồng bào đã tuyên án từ gần 9 năm qua.

Cho nên khi làm tròn nhiệm vụ vì dân vì nước đó trong những ngày đầu của tháng 11 năm 1963, quân đội đã được quần chúng tin tưởng và thương yêu đến độ “Hồ Chí Minh cũng phải công nhận cái uy tín lớn lao của tướng Minh và Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng [8]. Và tại Hà Nội, cấp lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt đã phải ý thức rằng:

“… các tướng lãnh đã được nhân dân tin tưởng trao trọn quyền hành và tin rằng họ độc lập hơn gia đình Diệm-Nhu, vốn đã hành xử như một dụng cụ dễ bảo của chính sách Mỹ. Hà Nội đã lý luận một cách đơn giản: ai lật đổ chế độ bù nhìn thì không thể là bù nhìn được. Hà Nội biết được uy tín lớn lao của các tướng lãnh trong quần chúng từ nhiều nguồn tin khác nhau kể cả từ bản phúc trình của tôi” [9].

Tôi về nhà, nằm xuống cố chợp mắt để bù lại một đêm thức trắng căng thẳng hôm qua nhưng vẫn không ngủ được vì những hình ảnh sống động và hân hoan của dân chúng Sài Gòn. Bốn giờ chiều, tôi quyết định trở lại Bộ Tổng Tham mưu. Khi xe ngừng trước công thự chính, tôi thấy một chiếc thiết vận xa đậu xéo trên sân cỏ, cửa sau mở toang, tôi hối hả bước đến gần thấy xác hai ông Diệm Nhu nằm giữa sàn xe.

Nhìn thi thể ông Diệm tôi sững sờ và không tin đó là sự thực, đó là kết quả của quyết định sáng hôm nay của các tướng lãnh sau khi tôi, Thiện và Khang bỏ về. Tôi đứng yên rưng rưng nước mắt rồi đưa tay chào vĩnh biệt người lãnh tụ đã cùng tôi kết ước từ hơn hai mươi năm về trước. Càng thương ông Diệm tôi càng căm giận tập đoàn Cần Lao Công Giáo và những người anh em ruột thịt của ông, vì chính họ đã làm cho ông và tôi tan vỡ mộng ban đầu. Rồi tự hỏi ngày nay tôi thương khóc ông nhưng rồi đây, mai sau, 10 năm, 100 năm, 300 năm nữa thiên hạ ai người nhỏ lệ khóc thương tôi ?

Với thời gian, những tài liệu lịch sử càng lúc càng nhiều và càng có tính thuyết phục để chứng minh rằng dòng họ Ngô Đình, từ cụ Ngô Đình Khả đến anh em ông Diệm, đều đã từng làm tay sai đắc lực cho quan thực dân và Hội Truyền giáo Hải ngoại Pháp. Suốt 10 năm chiến tranh (1946–1954), trong lúc toàn dân hy sinh xương máu cho Độc Lập Tổ Quốc bằng phương thế này hay phương thế khác, thì toàn thể gia đình ông Diệm chỉ làm kẻ đợi thời chờ sung rụng, mà thất bại Điện Biên Phủ của Pháp lại là cơ hội cho riêng ông ta trở lại chính trường.

Không xuất sinh như một anh hùng tạo thời thế hay như một nhà cách mạng xả thân vì dân vì nước, mà chỉ nhờ những cuộc vận động với ngoại bang mà ông Diệm được nắm chính quyền như kẻ được “ăn cỗ sẵn” (chữ của ông Hồ Sĩ Khuê, một cộng sự viên cũ của ông Diệm) từ khi Hiệp ước Genève ra đời năm 1954 cho đến năm 1963.

Là một chánh khách may mắn hơn tất cả những người khác của phe Quốc gia, khi lên cầm quyền gặp được đủ yếu tố “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa”, lại được đại cường quốc Hoa Kỳ yểm trợ đủ mọi mặt chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, xã hội, tài chánh, đáng lẽ đó là cơ hội cho ông Diệm thực hiện chính sách vì nước, vì dân: Đoàn Kết, Tự Do, Dân Chủ, Phúc Lợi, thì ông và gia đình lại chủ trương chế độ Độc Tài, Gia đình trị, Tôn giáo trị với đường lối áp bức, bóc lột, tham nhũng, khinh thường và chà đạp nhân dân. Nhiều người từng là bạn thân, từng là đồng chí, cán bộ, ân nhân, hoặc là nhân tài của đất nước đã giúp đỡ ông, đã hy sinh cho ông khi ông còn sa cơ thất thế cũng trở thành nạn nhân của ông hay kẻ thù của ông.

Thế rồi, năm 1963, khi anh em ông xuống tay triệt hạ một tôn giáo dân tộc có 2000 năm lịch sử và tín đồ chiếm 80% dân số, khi ông bất lực, bất tài để cho Việt Cộng chiếm trọn 85% thôn xã miền Nam (con số do chính một cựu tỉnh trưởng bà con với ông nêu ra), thì anh em ông lại âm mưu bắt tay với Hà Nội, và nhờ cậy De Gaulle để bán đứng miền Nam cho Cộng sản, hành động mà một linh mục người Bỉ bạn thân với gia đình ông gọi là chủ trương “sau ta là cơn Hồng thủy”. Quả thật tội ác của nhà Ngô và chế độ Cần Lao Công Giáo không bút mực nào tả xiết khi họ đưa đất nước đến suy vong không tài nào cứu chữa nổi như lời trách oán của ông Nguyễn Trân, một thuộc hạ cũ của ông trong cuốn Hồi ký “Công và Tội” mới được phát hành năm 1993 tại Hoa Kỳ.

Chính cựu luật sư, cựu Nghị sĩ Nguyễn Văn Chức, một trí thức Công giáo cũng viết trong cuốn sách gọi là “Việt Nam Chính Sử” rằng:

Chế độ Ngô Đình Diệm là một chế độ độc đoán. Cũng không ai chối cãi rằng Đệ Nhất Cộng Hòa đã có những lạm dụng lộng hành nhớp nhúa. Và cả tội ác nữa. (tr. 48-49).

Và người bạn thân của ông Chức, một nhà báo tên tuổi mà cũng là một trí thức Công giáo là ông Đinh Từ Thức cũng đã đưa ra nhận xét:

Như đã trình bày nhiều lần, tình hình đất nước năm 1963 đã tồi tệ đến mức hầu như mọi người đều mong muốn phải có một cuộc cách mạng để thay đổi thời thế. (“Đọc Hồi ký Đỗ Mậu”, Văn Nghệ Tiền Phong số 281).

Và cách mạng đã xảy ra thật như nhận xét của họ Đinh. Năm 1963, cách mạng đã do tướng Dương Văn Minh lãnh đạo để lật đổ nhà Ngô sau nhiều lần vùng lên nhưng thất bại của các tổ chức quân sự có, dân sự có. Cách mạng đã đáp ứng nguyện vọng của toàn dân đến nỗi suốt ba ngày liền, từ thủ đô Sài Gòn đến một số tỉnh thị, nhân dân đã xuống đường chào mừng cách mạng thành công trong việc lật đổ nhà Ngô.

Ký giả Hoa Kỳ Neil Sheehan cũng phải viết “Suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, chưa một lần nào quân đội quốc gia được đồng bào của họ nhiệt liệt hoan hô như cuộc lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm.”

Sự thật của lịch sử rõ ràng như vậy đó, thế mà ông Nguyễn Văn Chức lại dùng những luận điệu hết sức lỗ mãng để nhục mạ các tăng sĩ Phật giáo đã đấu tranh cho sự sống còn của tôn giáo mình, và nhục mạ các tướng lãnh đã tham dự cách mạng 1963 mặc dù sau này, chính ông Chức cũng đã từng là nghị sĩ dưới chế độ của các tướng Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, v.v… những tướng lãnh đã tham dự tích cực vào cuộc lật đổ chế độ Diệm.

Lịch sử thế giới cho thấy rằng mọi cuộc chính biến nhằm thay đổi giai cấp lãnh đạo của nhiều triều đại, nhiều chế độ bằng những cuộc binh biến, đảo chánh hay cách mạng, v.v… thì những tổ chức hành sự không thể nào tránh khỏi những vấp váp, lỗi lầm tùy theo cường độ và bản chất của mỗi biến cố.

Năm 1963, với tình hình hết sức phức tạp, với những ân oán hận thù do chế độ Diệm để lại, với sự chia rẽ quá trầm trọng giữa những tôn giáo miền Nam, các tướng lãnh Việt Nam do ông Dương Văn Minh cầm đầu cũng không tránh khỏi những khuyết điểm, những sai lầm, những hành động ấu trĩ hay thiếu ý thức chính trị. Đáng lẽ nhà phê bình lịch sử phải có cái nhìn vô tư, phải có những so sánh, đối chiếu các sự kiện và biến cố để những phán xét được công minh, thì ngược lại, ông Nguyễn Văn Chức với đầu óc thiên kiến, bằng luận điệu xảo quyệt, bằng ngôn từ lỗ mãng, chỉ biết “vạch lá tìm sâu”, chẻ sợi tóc làm tư để chỉ trích các tướng lãnh mà không đề cập gì đến những hậu quả do chế độ Diệm để lại, vốn là nguyên nhân đưa đến sai lầm cho nhóm Dương Văn Minh.

Lời chỉ trích của ông Chức thì nhiều, ở đây tôi đưa ra hai điểm nặng nề nhất, gay gắt nhất, lỗ mãng nhất để phân tách và đối chiếu trong mục đích quét sạch những bụi bặm dơ bẩn đang làm vẩn đục tấm gương Sự Thật.

- Về cái chết của ông Diệm, ông Chức viết như sau:

Có người lại nghiêm khắc phê phán nhóm tướng lãnh là mọi rợ. Ông Diệm đã ra đầu hàng với sự thỏa thuận của các tướng lãnh. Ông Diệm phải được đối xử như một kẻ đầu hàng. Nếu nhóm tướng lãnh đảo chánh không coi ông Diệm là một Tổng thống đầu hàng, thì ít nhất nên có cái mã thượng và phẩm cách của người quân nhân “thắng trận” để đối xử với một hàng binh. Cùng lắm, họ có thể đưa ông Diệm ra tòa án để công lý tùy nghi định tội. Tại sao lại phải giết một cách lén lút và hèn hạ như vậy?” Câu trả lời là những kẻ đó không có chính nghĩa. Vì vậy phải hèn hạ, phải giết lén, phải nói dối, phải chối tội và đổ tội lẫn cho nhau. (“Việt Nam Chính Sử”, tr. 88).

 Về nguyên tắc, tôi đồng ý với ông Chức: những kẻ giết lén là những kẻ hèn hạ. Nhưng xin hỏi luật sư và nhà chính trị Công giáo Nguyễn Văn Chức: Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ theo lệnh ông Diệm đi kêu gọi ông Ba Cụt Lê Quang Vinh về nói chuyện thương thuyết đầu hàng. Nhưng rồi ông Lê Quang Vinh bị lừa gạt, bị bắt ra tòa án quân sự, bị kết tội tử hình. Ông Vinh xin ân xá nhưng bị Tổng thống Diệm bác đơn. Sau khi thọ hình, xác ông Lê Quang Vinh không được trả về cho thân nhân chôn cất mà đã bị chặt ra từng khúc đem dấu để không còn vết tích gì cho dân Hòa Hảo lập đền thờ được nữa. Theo đúng luật pháp, một khi tử tội bị thọ hình, xác phải được trả về cho thân nhân, việc mà luật sư Nguyễn Văn Chức phải biết rõ hơn ai hết. Tại sao anh em ông Diệm, những kẻ tự xưng là ngoan đạo không ngớt cầu kinh Chúa, những kẻ được đồng đạo tôn vinh là Nho phong, là Khổng Mạnh, những kẻ tự xưng là Cha đẻ của thuyết Nhân Vị… lại bội ước, lại hèn hạ, lại xuống tay một cách độc ác, tàn bạo, bất nhân đối với một chiến sĩ quốc gia, một anh hùng chống Cộng, một tín đồ trung kiên của một tôn giáo dân tộc, có hai triệu tín đồ? Thì với tâm địa hiểm ác như vậy, với thủ đoạn tàn độc như vậy, cách thế nào đối phó với hai ông Diệm–Nhu cũng chính đáng cả.  

Trên mặt đấu tranh chính trị cũng như tiến hành cách mạng, đập đầu một con rắn độc, dù rắn có bị thương hay không, thì “lén” hay “không lén” đều nên làm cả. Và chỉ có kẻ tâm lượng hẹp hòi mới thông qua hành động “đánh lén” để phóng đại những suy diễn của mình về một biến cố lớn của Lịch sử và Dân Tộc đầy chính nghĩa.

Sau năm 1975, lực lượng Hòa Hảo Hải ngoại đau thương cho cái chết oan khiên của người đồng đạo của mình đã viết lại “Vụ Án Ba Cụt” trên tạp chí Đuốc Từ Bi (số 25, tháng 2/1987), tiếng nói chính thức của lực lượng, dưới ngòi bút của vị Tổng thư ký lực lượng là cư sĩ Nguyễn Long Thành Nam. Bài báo đó cũng được nhiều tạp chí, tuần báo, nhật báo khác đồng tình trích đăng lại.

Trong bài báo, cả ông cựu Biện lý Lâm Lễ Trinh và nhất là ông cựu Luật sư Trần Sơn Hà đều quy cho ông Diệm là người phải chịu trách nhiệm về cái chết của một anh hùng chống Cộng ở miền Tây. Để kết tội ông Diệm, luật sư Hà còn viết: “Khi chính trị đã xen vào Tư Pháp thì Công lý đội nón ra đi”, rồi kết luận:

Nếu lúc đó Tổng thống Ngô Đình Diệm đừng vì mục tiêu thống nhất quân đội mà giết chết Thiếu tướng Lê Quang Vinh, thì hôm nay trong công cuộc phục quốc, với hạ tầng cơ sở của Dân Xã, với khả năng và tinh thần chống Cộng can đảm hăng say, tướng Lê Quang Vinh, nếu như ông còn sống, sẽ đóng một vai trò không nhỏ vào công cuộc kháng chiến tại quốc nội để quang phục đất nước, đòi chủ quyền trong tay Cộng sản lại cho Dân Tộc.

Ông cựu Biện lý Lâm Lễ Trinh cũng cho biết không hiểu lý do tại sao Tổng thống Diệm đã bác bỏ đơn xin ân xá. Người ta còn biết khi đưa tội nhân ra pháp trường tại Cần Thơ, Tổng thống Diệm còn cho một linh mục đi theo làm lễ mặc dù Lê Quang Vinh chỉ xin biện lý một nhà sư mà thôi.

Ngoài tội ác đối với ông Ba Cụt Lê Quang Vinh, anh em ông Diệm còn nhúng tay vào máu một cách đê hèn, khi cho giết lén, khi cho lệnh bỏ xác vào bao bố rồi trấn nước xuống sông nhà Bè nhiều chiến sĩ quốc gia, nhiều nhân vật chính trị yêu nước trong đó có những ân nhân của ông Diệm như lãnh tụ Nguyễn Bảo Toàn, như chiến sĩ Tạ Chí Diệp. Tại sao ông Diệm đang ngồi trên Hiến Pháp, trong một quốc gia có luật pháp kỷ cương, có công an, quân đội,… mà lại ra lệnh giết lén người quốc gia, lại còn giấu xác các nạn nhân không thông báo cho thân nhân của họ lo việc chôn cất thờ cúng. Tại sao một Tổng thống được dân bầu lại dùng luật rừng để thủ tiêu mật, để lén trấn nước dân?

Lẽ dĩ nhiên, nếu các tướng lãnh để cho công lý xử tội ông Diệm thông qua Tòa án như trường hợp Ngô Đình Cẩn thì vẫn hơn. Và kết quả - đứng về mặt lịch sử - cũng sẽ không có gì thay đổi. Còn đứng về mặt chính trị, nếu biết rõ chế độ Ngô Đình Diệm với những công cụ chính trị sắt máu và công cụ bạo lực tàn nhẫn của nó, nhất là nếu biết rõ tâm địa lạnh lùng, tính tình cao ngạo của anh em họ Ngô, thì việc làm của ông Dương Văn Minh có thể hiểu được. Cuối cùng, và đây là điều quan trọng nhất, phải nhìn thảm kịch này dưới ánh sáng triết lý Đông phương với luật Oan oan tương báo, thì mới thấy vì ông Diệm, vì ông Nhu, vì ông Cẩn và xa hơn nữa, vì ông Khả, đã từng xuống tay giết lén, hạ độc nhiều người, kể cả những người vì dân vì nước, cho nên ông đã phải trả cái nợ đó mà thôi. Hành động của ông Minh đã giúp ông Diệm giải được bao nhiêu oan nghiệt cho dòng họ Ngô Đình là điều ta nên suy gẫm. Và những người như ông Chức, vì theo Thiên Chúa giáo, lại càng phải suy gẫm nhiều hơn mới biết được.

- Vụ thứ hai là vụ ba triệu bạc mà tướng Trần Văn Đôn nhận của Trung tá Conein trong ngày 1/11/1963. Vụ này chính tôi, vì thực lòng nhất định muốn tìm hiểu sự thật, nên đã nêu ra trong hồi ký của mình để chất vấn tướng Đôn. Và sau đó, trong Hồi ký “Việt Nam Nhân Chứng”, tướng Đôn đã trình bày cặn kẽ số tiền kia được chia cho ai (tướng Đôn và cả tôi đều không hề sử dụng gì số tiền ấy cả). Và dù tôi là một thành viên quan trọng trong biến cố 1/11/1963, tôi cũng đã chân thành nói thẳng rằng việc tướng Đôn lấy số tiền ba triệu bạc của CIA – dù số tiền chẳng đáng là bao – vẫn làm tì vết ít nhiều đến ý nghĩa của cuộc Cách mạng 1963.

Nhưng ông Nguyễn Văn Chức với tâm địa hẹp hòi cố chấp đã lợi dụng vụ ba triệu bạc đó để mạt sát tướng lãnh đảo chánh một cách tàn tệ. Ông Chức viết:

Cuộc tạo phản ấy đã được thi hành bởi những tay sai bản xứ. Những kẻ này đã ngửa tay nhận tiền của ngoại bang. Và đảo chánh xong rồi họ đã chia nhau số tiền ấy, mặc dù chẳng được bao nhiêu.   

Gọi đó là “cuộc tạo phản”, ông Chức đã xác nhận chính quyền Ngô Đình Diệm do Công giáo Mỹ “bồng” về làm tay sai bản xứ cho chính sách chống Cộng của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á, thì không ai được phản lại dù chính quyền đó “lộng hành, nhớp nhúa và cả tội ác nữa” như chính ông đã phê phán. Từ đó, có tung hô Ngô Đình Diệm như ông là sẽ được tiếng trung thần yêu nước.

Viết rằng “được thi hành bởi tay sai bản xứ”, ông Chức gian xảo gói trọn cả một cuộc vận động lịch sử trong màn chót của nó mà không lý đến những nguyên ủy sâu xa khác của chính tình miền Nam, lại càng không đếm xỉa đến các lực lượng tôn giáo, đảng phái, trí thức, sinh viên khác đã đẩy cơn phẫn nộ của toàn dân lên đến cao điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho Quân đội dứt điểm phút cuối cùng. Chỉ mặt trăng, ông Chức chỉ thấy ngón tay nên suy nghĩ nông cạn, viết lách gian hiểm là thế đấy. Lại cho rằng “ngửa tay nhận tiền ngoại bang” làm như chỉ với ba triệu đồng là có thể vận động rồi tổ chức được một cuộc cách mạng lật đổ nhà Ngô. Chế độ Ngô Đình Diệm đâu có “rẻ” thế, và quan trọng hơn cả, nhân dân Việt Nam đâu có “rẻ” thế. Chế độ Diệm “ngửa tay” nhận biết bao nhiêu tiền của Mỹ mà có mua được lòng dân đâu! Quả thật văn là người. Chỉ một câu văn ngắn mà đã bộc lộ ra rõ ràng và đầy đủ tâm địa và trình độ của một người!

Mọi cuộc cách mạng đều không ít thì nhiều phải có máu đổ, máu của ta hay máu của địch, phải có máu đào tưới hoa cách mạng. Ngày Cách mạng 1–11–1963 cũng không vượt khỏi quy luật lịch sử đó nhưng đã không có tắm máu, không có những cuộc trừng phạt khốc liệt.

Trong chín năm cầm quyền, chế độ Diệm đã thủ tiêu mạng sống của biết bao nhiêu người của đảng phái tôn giáo, ân nhân, đối lập chính trị và cả những người dân lành không làm hại gì cho chế độ ngoại trừ cái tội khác đạo hoặc có chút ít tiền của. Tất cả tội ác tích lũy đó đã được quân bằng chỉ với cái chết của ba anh em Diệm–Nhu–Cẩn. Họ đã chết vì quy luật lịch sử và cách mạng muốn thế, họ đã chết vì luật nhân quả nhãn tiền muốn thế, họ đã chết không những vì tội ác của chính họ mà còn để đền tội thay cho tập đoàn Cần Lao Công Giáo cũng độc ác không kém họ, nhưng sau này lại được lực lượng cách mạng khoan hồng.

 

-o0o-

 

Trở lại văn phòng của tướng Khiêm, khi đi ngang căn phòng nhốt Lê Quang Tung và em là Lê Quang Triệu tối hôm qua, tôi chỉ còn thấy một mình Đỗ Thọ đang bị giam tại đó nên bảo viên trung sĩ quân cảnh để cho Thọ tự do ra về. Khiêm và tôi đang ngồi kiểm điểm tình hình thì có điện thoại báo cho biết bác sĩ Trần Kim Tuyến đã từ Hồng Kông về và hiện đang đợi ở phi trường Tân Sơn Nhất. Khiêm liền bảo thiếu úy Nguyễn Bá Quang lấy xe đi đón.

Bác sĩ Tuyến tuy nhận lệnh lên đường đến nhiệm sở mới là Ai Cập nhưng ông chỉ đến Bangkok thì ngưng lại đợi ngày đảo chánh vì ông vẫn tưởng kế hoạch chọn ngày Quốc Khánh (26–10–1963). Sau đó không tiện ở Bangkok, ông bèn bay qua Hồng Kông và sau khi đích xác biết chắc chế độ Diệm đã hoàn toàn sụp đổ, ngày 2 tháng 11 ông trở về Sài Gòn. Vừa gặp chúng tôi chưa kịp chào hỏi, ông đã nói ngay “Thật là định mệnh”.

Định mệnh nào đã an bài cuộc đời của ông Diệm để cho những năm cuối cùng của chính cuộc đời đó, các anh em ông đã hành xử như những tên bạo chúa, múa may theo những hệ lụy bất nhân. Định mệnh nào đã thôi thúc anh em ông xuống tay hạ độc thủ với ân nhân, với bạn bè, với cả những cộng sự viên thân tín. Định mệnh nào đã đẩy ông Diệm lên làm nguyên thủ quốc gia với quyền hành tuyệt đối để anh em ông tiến hành những chính sách tác hại không phải cho một người mà cho cả một dân tộc. Và định mệnh nào đã oan nghiệt đẩy anh em ông bước sâu vào vũng bùn tội lỗi khi dùng bạo lực để hủy diệt một tôn giáo chỉ biết có tình thương, và dùng gian kế để đem nửa phần đất còn lại của dân tộc bán đứng cho Cộng Sản miền Bắc.

Nếu đứng trên sử quan Thiên Chúa giáo thì định mệnh đó được hiểu là ý Chúa, và cái chết của ông Diệm là kết quả chung quyết của những từ khước các dịp thử thách mà trước đó Chúa đã cho ông. Ý Chúa đã muốn thế nên kết quả phải là thế. Cát bụi lại trở về cát bụi!

Giáo lý đạo Phật nhìn cái chết của riêng ông Diệm một cách khác.

Cái chết thê thảm và tủi nhục đó chỉ là kết quả tổng hợp của những nhân duyên và nghiệp chướng triền miên, một phần từ nhiều kiếp nhưng đặc biệt là do trong kiếp này gây ra. Những cộng nghiệp và trợ duyên tác động chung quanh chỉ làm sâu sắc hơn bản chất những việc làm của ông trong đời này mà thôi. Ông đã tự do làm chủ đời ông thì ông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hệ quả của nó. Nhưng cũng trong ánh sáng của giáo lý đạo Phật thì chết là giải thoát, chết là trở về với một đời sống mới trong một “thân tứ đại” mới. Thân xác vốn được cấu tạo bởi những tế bào vô ngã và vô thường, chỉ một hơi thở mong manh là trở thành “nhất điểm hồng trần”.

Do đó, cái chết của ông Diệm trong quan điểm Phật giáo dù gọi ông là Tổng thống hay là bạo chúa, xem ông là “lãnh tụ anh minh” hay “tội đồ dân tộc”, cũng có giá trị như cái chết của bất kỳ một người bình thường khác mà thôi. Có khác chăng là trong chiều dài lịch sử và trong chiều rộng nhân thế, ông đã để lại tủi nhục và đau buồn cho một số người nào đó trong một khoảng thời gian nào đó.

Riêng đối với tôi, tuy cái chết của ông Diệm lúc bấy giờ có làm bàng hoàng và đem lại cho tôi một mối suy tư sâu đậm, nhưng cuộc cách mạng thành công lại đã cho tôi một niềm vinh dự vô cùng lớn lao.

Nói về việc tôi tham dự vào cách mạng lật đổ chế độ Diệm, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã viết:

Tình hình phe dự mưu đảo chánh hết sức phức tạp. Có rất nhiều tổ chức chống đối nhà Ngô.

Một số người đã từng theo Diệm từ trước khi Diệm nắm chính quyền năm 1954 và đã từng đóng góp một vai trò tích cực trong việc củng cố chế độ nhà Ngô lúc mới bắt đầu. Nhưng họ dần dần trở thành đối lập vì bất mãn với thái độ vợ chồng Nhu và vì họ thấy rõ cái mối nguy hại của chính sách nhà Ngô. Nhóm này gồm một số người dân sự và quân sự. Những người nổi bật nhất trong nhóm này là Bác sĩ Trần Kim Tuyến và Đại tá Đỗ Mậu. Đến tháng 9, Tuyến bị ngờ và đưa ra khỏi nước, còn đại tá Đỗ Mậu vẫn được họ Ngô tin tưởng cho đến khi đảo chánh xảy ra.

Sau khi Tuyến đi rồi, nhóm này được Phạm Ngọc Thảo và Đỗ Mậu lãnh đạo. Liên lạc giữa nhóm và người Mỹ thì do Thảo đảm nhận, còn Đại tá Đỗ Mậu lo liệu việc liên lạc với các nhóm Việt Nam khác.

Đại tá Đỗ Mậu biết Diệm từ những ngày xa xưa khi còn chế độ thực dân, thời mà Diệm còn là một vị tỉnh trưởng trẻ tuổi miền Trung Việt Nam trong lúc Mậu phục vụ trong hàng ngũ Bảo An. Ông ta rất trọng Diệm và là một trong số những cán bộ đắc lực nhất giúp đỡ Diệm nắm được và củng cố quyền hành vào những năm then chốt 1954-1955. Tuy nhiên, trong lúc đồng ý với nhà Ngô về chính sách đàn áp Bình Xuyên và các giáo phái thì ông ta không chấp nhận được thái độ của nhà Ngô đối với các đảng quốc gia kỳ cựu. Ông ta coi Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt như những người ái quốc và hợp tác với các đảng này để chống Cộng hơn là chiến đấu với họ như với kẻ thù. Đứng đầu ngành an ninh quân đội đáng sợ, ông ta có thể gây hại nặng nề cho hệ thống đảng viên các đảng phái quốc gia trong quân đội, tuy nhiên ông ta đã che chở cho các sĩ quan thuộc các đảng phái quốc gia bằng cách làm ngơ các phúc trình báo cáo về các sĩ quan này. Khi ông ta bắt đầu âm mưu chống lại chế độ Diệm, ông ta đã thành công trong việc ru ngủ Nhu cho đến phút cuối cùng hoàn toàn không biết gì về thực lực của thành phần chống đối trong quân đội. [10]

Nhắc lại lời của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, một nhân chứng thời cuộc như thế, một nhân chứng am hiểu rất rõ tình hình Việt Nam, một nhân chứng nhiều kinh nghiệm đấu tranh và ý thức chính trị cao của phe quốc gia, để nói rằng Cách mạng 1–11–63 không chỉ là một nối tiếp hào hùng của truyền thống cách mạng dân tộc mà về phần tôi còn là thể hiện một sự nghiệp tràn đầy vinh dự. Tôi đã hiến thân cho một chí sĩ Ngô Đình Diệm nhưng tôi đã không chịu làm kẻ ngu trung cho một Ngô Đình Diệm phản bội quê hương giống nòi.

Vinh dự cách mạng 1–11–63 đã đến với tôi ngay khi tiếng súng Cách mạng vừa nổ, khi cả thủ đô Sài Gòn xuống đường chào mừng Cách mạng thành công, khi nhiều tổ chức thanh niên sinh viên, hùng dũng đi biểu tình “đả đảo nhà Ngô, hoan hô quân đội, và hoan hô Đại tá Đỗ Mậu”. Vinh dự hơn nữa khi ông Lê Phước Sang, đại diện tướng Hòa Hảo Nguyễn Giác Ngộ cùng với ông Nguyễn Tường Bá, đại diện gia đình văn hào Nguyễn Tường Tam, đến tận nhà để tỏ lời ca ngợi và cảm ơn tôi đã đạp đổ được một chế độ phản bội dân tộc. Ông Nguyễn Tường Bá đã tặng tôi bức chân dung của văn hào và nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam với bút tích: “Đời tôi chỉ có lịch sử xét xử. Việc đem các đảng đối lập ra xử trị là việc làm mất nước về tay Cộng Sản. Tôi tự hủy mình cũng như Hòa Thượng Quảng Đức tự thiêu là để cảnh cáo những ai chà đạp mọi thứ tự do dân chủ”.

Lãnh tụ Nguyễn Tường Tam quyết định quyên sinh để cảnh cáo chế độ và để thúc giục đồng bào đứng lên can trường đấu tranh. Còn tôi lật đổ chế độ là để dân khỏi khổ, nước khỏi mất, tức là một mặt nào đó chu toàn cái di chúc cách mạng của văn hào Nguyễn Tường Tam. Hai hành động đó, tuy khác nhau về hình thức và cách nhau gần 4 tháng, nhưng về ý nghĩa thì chỉ là một: làm một người Việt Nam yêu nước thương nòi.

Nhưng vinh dự cho tôi còn lớn lao hơn nữa là sau 1963, ba năm liền, cứ đến chiều mồng một tháng 11, Thượng Tọa Thích Tâm Châu lại đích thân đến nhà riêng ngỏ lời cảm ơn đã có công giải thoát gông cùm cho Phật giáo nói riêng và dân tộc nói chung, dù Ngài là một Viện trưởng Viện Hóa Đạo mà tôi chỉ là một Phật tử tầm thường.

 

-o0o-

 

Lật đổ một chế độ như chế độ công an trị Ngô Đình Diệm không phải là chuyện dễ dàng. Chế độ Diệm với bộ máy mật vụ và đảng viên Cần Lao mà lòng trung thành tuy chỉ được xây dựng trên đặc quyền đặc lợi, bạo quản bạo trị, nhưng lại nhiệt tình làm tai mắt cho chính quyền khắp hầu hết đơn vị quân đội, hầu hết cơ quan công quyền, hầu hết bộ phận sinh hoạt của xã hội, nhất là khi bị dồn vào thế cùng. Nhìn từ khía cạnh khoa học tổ chức và so sánh tương quan lực lượng, mà trong đó yếu tố bảo mật là quan trọng nhất, thì trong suốt thời kỳ vận động và tổ chức ngày cách mạng, hai ông Nhu–Diệm đã nắm phần ưu thế tuyệt đối.

Họ có năm cơ quan an ninh tình báo mà bốn nổi và một chìm: Nổi là Công An Cảnh Sát, An Ninh Quân Đội, Lực Lượng Đặc Biệt, và Sở Nghiên Cứu Chính Trị, còn chìm là hệ thống Đảng viên Cần Lao và các bộ phận mật vụ tình báo phụ thuộc. Tất cả như thiên la địa võng, như tai vách mạch rừng bao vây lấy các nhân sự và hoạt động chống đối. Họ có Ngô Đình Nhu tuy bất lực trong việc quản trị quốc gia nhưng lại xuất sắc trong các âm mưu và thủ đoạn tiêu diệt đối lập, nhất là bản chất vốn lạnh lùng và tàn ác không một chút do dự. Họ lại có những cấp thuộc hạ thi hành mệnh lệnh một cách mù quáng và có những phương tiện của quốc gia muốn sử dụng, muốn tiêu xài bao nhiêu cũng được.

Trong khi đó thì lực lượng cách mạng chỉ là một sự phối hợp của nhiều tổ chức và đoàn thể phức tạp, tuy cùng chí hướng và mục tiêu nhưng lại thiếu sự đồng nhất về nhân sự và thống nhất về kế hoạch. Họ còn phải làm việc trong một tinh thần cảnh giác quá độ vì sợ nội tuyến của chính quyền và vì bị trói buộc trong tính chất bất hợp pháp nguy hiểm của công tác. Thế mà cách mạng vẫn thành công, ngày 1 tháng 11 năm 1963 vẫn là một ngày hội lớn, một ngày vàng son trong dòng sinh mệnh cách mạng Việt Nam.

Sự thành công đó rõ ràng đã không phải nhờ tổ chức giỏi hơn hay lực lượng mạnh hơn mà thật sự chỉ nhờ ba yếu tố: thứ nhất là sự đồng tâm nhất trí của tất cả mọi tổ chức hay cá nhân tham gia lực lượng cách mạng, thứ hai là sự yểm trợ trực tiếp hay gián tiếp, tích cực hay tiêu cực của toàn quân toàn dân mà ước nguyện chung lật đổ chế độ độc tài là ước nguyện cao nhất và lớn nhất; và thứ ba là đầu óc chủ quan, tinh thần thiếu thực tế và bản chất cao ngạo của ông Ngô Đình Nhu, người chủ trương một kế hoạch đảo chánh giả để tiêu diệt cuộc “đảo chánh” thật. Nhưng bao trùm lên trên những yếu tố thuận lợi đó dĩ nhiên là nhờ cuộc cách mạng đó đã được phát động hợp lòng dân, hợp thời đại và hợp với truyền thống cách mạng. Và đó mới là điều đáng kể nhất.  

 

-o0o-

 

Tuy nhiên, trong toàn bộ tiến trình vận động cách mạng để lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, lực lượng cách mạng cũng phải đối diện và giải quyết hai vấn đề phức tạp và tế nhị, đó là vấn đề “người Công giáo” và vấn đề “người Hoa Kỳ”.

Nhìn lại lịch sử cận đại ta thấy:

… dù sao thì sự tương quan giữa giáo hội Công giáo Việt Nam và chính quyền Hồ Chí Minh cũng đã đến giai đoạn khó khăn nguy hiểm trước khi nhà Ngô lên cầm quyền. Trong lúc đó, khi thỏa hiệp với chế độ Bảo Đại, người Công giáo đã không do dự chút nào, vì họ tự cho rằng nếu không có họ thì chế độ Bảo Đại chỉ như một cái gì tạp nham vô hồn mà mỗi ngày họ càng táo bạo ràng buộc chế độ Bảo Đại vào đường lối có lợi cho họ trong các cuộc tranh chấp giữa người quốc gia.

Ngược lại, đối với nhà Ngô, họ là những kẻ chiến thắng không ai có thể lầm lẫn được. Rất nhiều người Công giáo Việt Nam lý luận một cách quả quyết rằng phải có sự hoà nhập giữa giáo quyền và thế quyền. Giám mục Ngô Đình Thục, người anh ruột của ông Tổng thống mà vào những năm cuối của chế độ, thường đi giảng đạo (Tournées pastorales) bằng súng liên thanh, người mà Tòa Thánh La Mã dù hơi muộn cũng đã khôn ngoan bắt rời khỏi giáo phận vào lúc lòng căm thù khủng khiếp của dân chúng nổ tung để chống lại ông ta, cũng đã ngạo mạn nêu lên cái nhiệm vụ “bảo vệ quốc gia” của Công giáo (Protecteur de l’Etat). Năm 1964, nhiều linh mục tại Huế đã cho tôi biết trong thời gian trước khi Ngô Đình Thục lên đường đi La Mã, đã có nhiều tổ chức tại miền Trung âm mưu chống đối bằng bạo động trước sự tàn bạo và lộng quyền của Thục và Cẩn.

Nói tóm lại, cuộc di cư của 700.000 giáo dân miền Bắc và Liên khu 4 từng làm rúng động dư luận thế giới Công Giáo, đã tuôn vào Nam một đám người cuồng tín không chịu hội nhập với dân địa phương. Người Công giáo miền Nam cũ (Cochinchinois) thì không muốn gì hơn là được sống bình an chung quanh giáo đường, là được yên ổn đi làm lễ và cầu nguyện, xa lánh những chuyện xảy ra ngoài họ đạo của họ. Nhưng người Công Giáo Bắc di cư thì lại mù quáng theo lệnh các linh mục, mà những linh mục này lại là những “chuyên viên xách động” (meneurs) bất chấp hệ thống giáo hội, tổ chức những cuộc biểu tình, những hiệp hội, xúi giục con chiên chống đối Phật giáo, chống đối Cộng Sản, chống đối ngoại nhân dưới chiêu bài “Thiên Chúa giáo” nhưng lại thiếu giáo hạnh (… Le tout sous l’etiquette chrétienne mais dans un esprit assez peu religieux). Hàng giáo phẩm cao cấp thì lại phân hóa và rụt rè không muốn can thiệp vào việc làm của giáo dân di cư, những kẻ khốn nạn và lầm lỗi.

Trên đường đi Biên Hòa, cách thủ đô không tới 30 cây số, người ta thấy dựng lên một cái bảng thật lạ: “Bùi Chu”. Lạ, vì đó là tên của một trong hai giáo phận Bắc Việt đã từng nổi tiếng vào năm 52, thời mà các ông cha xứ ở đây do Đức Giám mục Lê Hữu Từ dẫn đầu, đã tổ chức những toán dân vệ thuộc lại “chouannerie” Việt Nam chống lại Việt Minh. Hai năm sau, giáo dân Bùi Chu rút vào miền Nam trong những điều kiện có khi thật thê thảm, và trên những chiếc ghe có cờ Tòa Thánh Vatican bay phất phới đến từ những bến bờ miền Bắc; họ xin được tá túc tại miền Nam trù phú, miền Nam đã được ông Diệm võ trang để chống lại Cộng Sản.

Tại đây, “Bùi Chu mới” được bao bọc bởi những thành lũy kiên cố như các trại binh La Mã để trở thành những “ấp chiến lược”. Một số làng được bứng hẳn từ miền Bắc vào, đầy ắp dân Bắc di cư, bao quanh Sài Gòn như một vòng đai làm như chế độ mạt vận ấy muốn trang bị cho Thủ đô một cái áo giáp sắt được cấu tạo bằng một số dân cư thuộc loại thù không đội trời chung với Cộng Sản, một loại quần chúng có óc “ Công giáo chiến đấu” dữ dằn nhất.

Không phải tại Việt Nam mà người ta có thể tìm thấy được những tài liệu để viết thêm một cuốn sách mới về cái “Trí tuệ Vượt bực” của Công giáo. Làm sao mà cái tính chất baroque của thế kỷ 17 có thể bị lai hóa đến thế ? Ở Phát Diệm và Bùi Chu (trước kia), các giáo đường vươn lên từ những thửa ruộng thì còn giữ được nét quý phái hoặc lạ lùng. Tại đây, khi được thiên về vùng đất giàu có hơn, ra khỏi cái không khí thê thảm của miền Bắc, các giáo đường ấy phai nhạt để thành những hình thể thật thê lương. Tuy nhiên, ta không nên đàm tiếu về điều này vì khi ta thấy tập họp đông đảo quanh các giáo đường ấy là các giáo dân mặc đồ đen, những tín đồ gầy ốm bao quanh các cha xứ to mồm của họ, thì ta phải tin rằng họ không nghĩ là họ lại phải di cư thêm một lần nữa vì cái chết của ông Diệm. Ta không thể biết chắc được phản ứng của những cộng đồng Công giáo ở ngoài thủ đô như thế nào, những cộng đồng đã bị tê liệt trong một thái độ phản đối lặng lẽ. Tuy nhiên tại Sài Gòn, những người có thẩm quyền nói lên tiếng nói của giáo dân thì lại không che giấu rằng sự sụp đổ của chế độ Diệm đã tạo nên một nỗi lo âu trầm trọng trong nhiều giới giáo dân. Các giới này vẫn khác biệt nhau về xu hướng cũng như về khu vực địa dư.

Những kẻ lo lắng nhất, nghĩa là những kẻ bàng hoàng nhất vì vụ thủ tiêu vị cựu Tổng thống, chắc chắn là những người Bắc Công giáo di cư mà tổng số khoảng 3/4 triệu, trên tổng số một triệu hai trăm ngàn dân Công giáo tại miền Nam. Trong chiến dịch cứu nạn của năm 1954, dù chế độ nhà Ngô đã tham gia được nhiều hay ít, thì những người Bắc Công giáo di cư cũng đã xem chế độ này như ân nhân đón tiếp họ trong cơn hoạn nạn, do đó mà họ giữ lòng biết ơn đối với chế độ. Sự thiếu khoan dung và chủ trương phe phái của chế độ đã không làm phiền lòng nhóm dân này, vì họ vốn được những nhà truyền giáo mà phần lớn là người Y Pha Nho và Ái Nhĩ Lan dạy dỗ, những nhà truyền giáo này đã coi việc chống Cộng như một tín điều và là một lý do để sống còn. Tất nhiên không phải tất cả mọi người Công giáo ở miền Trung đều một lòng theo Diệm. Chung quanh linh mục Cao Văn Luận, vị Viện trưởng Đại học bị giải nhiệm vào tháng Sáu vì đã cố gắng bênh vực Phật giáo đồ, và một số giáo sư trường Thiên Hựu (Providence), ta thấy hình thành một khuynh hướng tiến bộ, rộng rãi, và tuy khuynh hướng này không chấp nhận việc thủ tiêu anh em ông Diệm nhưng lại coi sự cáo chung của chế độ như một sự giải thoát, như bỏ đi được cái quyền áp đặt vốn đè nặng trên khối Công giáo Việt Nam.

Tuy nhiên, Đức cha Ngô Đình Thục, anh trưởng của vị Tổng thống và là Tổng Giám mục của địa phận Huế, lại cố sức xây dựng một khuynh hướng khác được nuôi dưỡng bằng những kỷ niệm thật tàn bạo. Đối với ông ta, Thiên Chúa giáo chỉ có thể tồn tại bằng một cuộc thánh chiến thường trực. Ông ta không ngừng nhắc lại rằng không đầy một thế kỷ trước đây, dưới thời Minh Mạng, 25 ngàn giáo dân đã bị sát hại trong vùng này, và không tới 20 năm trước đây, cả ngàn người Công giáo đã chết tại tỉnh Quảng Ngãi thời Việt Minh nổi dậy lần đầu; ông ta đã có thể áp đặt tình trạng báo động thường xuyên là tình trạng kình chống ngấm ngầm cho khối Công giáo. Điều này giải thích sự khắc khoải của khối dân này sau khi quyền lực của người chúa tể đã mất đi.

Chính tại miền Nam kỳ cũ là nơi mà người Công giáo nói chung đã chấp nhận sự sụp đổ của chế độ nhà Ngô. Trước hết vì miền Nam kỳ cũ (Cochinchine) là nơi mà tư tưởng được lưu chuyển một cách tự do nhất, nơi mà chủ nghĩa duy tân được phát triển một cách tự nhiên, và cũng là nơi mà sự khoan dung được phát triển. Đồng thời, cũng tại miền Nam kỳ cũ đó, Tòa Khâm sứ Tòa Thánh, Tòa Tổng Giám mục, Đức Giám mục Nguyễn Văn Bình, đã tỏ ra có can đảm đối đầu với quyền lực của ông Diệm đặc biệt là đã gửi cho ông Diệm ngày 16/6 một giác thư nhuốm đầy tinh thần của chỉ dụ “Hòa bình trên thế giới” (“Pacem in Terris”) của Đức Giáo Hoàng – và một số đại diện cho các dòng tu như các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế, và nhất là dòng Đa Minh, đã không che giấu sự chỉ trích của họ đối với chiều hướng càng lúc càng độc tài của một chế độ mà cuối cùng chỉ làm tác hại cho Công giáo.

Tuy nhiên, ta không thể đánh giá quá thấp sự xúc động do cái chết thê thảm của ông Diệm gây ra trong các giới nói trên. Không phải chỉ vì ông Diệm – dù không có kinh nghiệm và mặc dù sự thối nát của chế độ - vẫn được kính trọng (“Một nhà ái quốc, theo cách riêng của ông ta”, theo lời của Hồ Chí Minh mà chúng tôi đã từng ghi nhận), mà chính vì bảo ông ta tự tử là một điều làm cho người Công giáo bất bình, làm cho họ không tin, và làm cho việc giết ông ta không những là một hành động tàn độc, vô ích mà còn nhuộm vẻ gian đối.

Vì vấn đề tự tử được đặt ra, và vì đó là điều không ai tin, cho nên cái huyền thoại muốn rằng “Tổng thống vẫn chưa chết”, cái huyền thoại ấy còn sống mạnh trong một số quần chúng Công giáo. Vì vậy mà các Tướng lãnh đã lấy quyết định công khai hóa các hình ảnh để chứng minh rằng huyền thoại đó sai, ông Diệm quả đã chết. Việc để cho dư luận bàn tán quả thật không có lợi cho những người chiến thắng.

Chúng ta hãy lắng nghe một linh mục người Bỉ có dáng dấp của một nhà đô vật, với đôi mắt xanh và nét mặt sắt đá, loại “cha xứ anh chị” đặc biệt của phim ảnh Mỹ: “Ai là kẻ chịu trách nhiệm về tình trạng thảm khốc này, về sự thất bại hoàn toàn của chế độ, về sự xao xuyến mà giáo hội chúng ta đang phải nhận chịu? Ai? Tôi xin hỏi quý vị? Có phải là quân đội? Chính quyền? Người Mỹ? Xin thưa rằng không! Chính những người Công giáo phải gánh lấy trách nhiệm ấy. Đúng, chính những người Công giáo, toàn bộ khối Công giáo. Ai cũng lo đắc thắng, lo xu thời, mà không ai cố gắng – trừ ở những cấp độ rất khiêm nhượng – giúp việc lèo lái con thuyền, hầu sửa sai những lộng hành không chịu nổi của chế độ. Ai cũng tự ru ngủ để hoàn toàn lẫn lộn sự giàu có với Thiên Chúa giáo, sự trưởng giả với giai cấp. Vì vậy mà bây giờ như thế này, chờ đợi sự rửa hận của Phật giáo, một sự rửa hận có thể trở thành bi đát nếu Việt Cộng thành công và họ đang cố gắng để thành công trong việc lũng đoạn hàng ngũ Phật giáo. Chúng ta đã không biết sửa sai để chuộc lại cái quyền lực của ông Diệm. Bây giờ phải xây dựng lại từ số không, trên đổ vỡ, nếu đối thủ của chúng ta – gồm đến 4/5 dân xứ này – còn để cho chúng ta có thì giờ để xây dựng…”[11]

Tôi đã trích dịch một phần đoạn phân tách của ký giả Jean Lacouture mà tôi nghĩ là phản ảnh đầy đủ và trung thực vai trò sai lầm và trách nhiệm hoàn toàn của người Công giáo Việt Nam dưới chế độ Diệm cũng như tâm trạng của họ sau ngày ông Diệm chết. Người Công giáo Nam kỳ cũ và người Công giáo tiến bộ thì đã không muốn, hay muốn nhưng không hết lòng, can gián anh em ông Diệm, còn người Công giáo Bắc di cư và người Công giáo miền Trung (trừ một thiểu số) thì lại đồng lõa với chính sách cai trị sai lầm của anh em ông Diệm. Cho nên dù ông Dương Văn Minh có hành xử một cách quá khích khi ra lệnh giết ông Diệm thì căn bản của toàn bộ vấn đề vẫn là do khối Công giáo Việt Nam đã gián tiếp hay trực tiếp đẩy anh em ông Diệm sa vào hố sâu tội lỗi, để chế độ của họ bị sụp đổ và anh em họ bị sát hại. Nói cách khác, nguyên do sâu sắc nhất và tác động mạnh mẽ nhất gây ra sự sụp đổ của chế độ Diệm và cái chết của anh em ông ta là do người Công giáo (nhất là người Công giáo di cư) và do Giám mục Ngô Đình Thục. Viết đến đây tôi lại nhớ đến sự sáng suốt khôn ngoan của Đức Giáo Hoàng Paul VI khi Ngài bắt Ngô Đình Thục phải ra đi vào đầu tháng 9 năm 1963, sau khi Tòa Thánh nhận định đúng đắn được tội ác của anh em ông Diệm trong chính sách kỳ thị và đàn áp tôn giáo, nhất là sau vụ tấn công chùa chiền đêm 20/8/1963. (Theo “Hai Mươi Năm Qua” của Đoàn Thêm thì có tin đồn Giám mục Ngô Đình Thục khi đến La Mã đã không được phép bệ kiến Đức Giáo Hoàng). Viết đến đây tôi cũng lại nhớ đến Đỗ Thọ, sĩ quan tùy viên trung thành của Tổng thống Diệm, một đứa cháu của tôi, tuy không ý thức chính trị và không nắm vững tình hình chung của quốc gia nhưng cũng nhìn được một số sự kiện thực tế và nhận xét chân thực như sau:

“Thái độ của Tổng thống Diệm làm cho Đức Cha Thục nghĩ mình là “Đại diện Thiên chúa” với Tổng thống. Dưới chế độ Diệm, không phải xứ đạo Công giáo nào cũng ủng hộ cả. Vì ngay cả Đức Khâm mạng Tòa Thánh Vatican ở Sài Gòn một đôi lúc cũng khuyến cáo Tổng thống Diệm. Tuy nhiên, Tổng thống Diệm lờ đi. Nếu nói một cách phũ phàng thì Tổng thống Diệm là người nể Đức Cha Thục quá mức. Đức Cha Thục đã góp phần vào việc đưa đẩy Tổng thống Diệm đến nơi an nghỉ cuối cùng”.[12]           

Dù vậy, một mình ông Ngô Đình Thục vẫn chưa phải là thành tố tạo ra một giáo hội Việt Nam lộng hành và cao ngạo, lại càng không thể tạo ra một giai cấp Việt Nam mới chỉ gồm toàn tín đồ Công giáo sống tách rời khỏi đại chúng Việt Nam trên mặt chính trị cũng như xã hội. Cũng vậy, 9 năm được ưu đãi dưới chế độ Diệm chưa đủ lâu dài để khai sinh một lực lượng khuynh loát hầu hết sinh hoạt quốc gia ở thượng tầng kiến trúc, khống chế mọi khu vực kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng của quê hương. Phải có một yếu tố nào đó sâu sắc hơn, mãnh liệt hơn, mà bản chất và tác phong của người Công giáo Việt Nam dưới 9 năm của chế độ Diệm chỉ là cao điểm cuối cùng mà thôi. Yếu tố đó, như tôi đã trình bày trong một chương trước là sự nối dài, cả trong không gian lẫn thời gian, cái tinh thần giáo điều và độc tôn của Tòa Thánh La Mã từ thời Trung cổ Tây phương đến mảnh đất Việt Nam, là sự khai thác những thỏa hiệp nhịp nhàng giữa thực dân và “Hội Truyền Giáo Hải Ngoại” trong chính sách xâm thực của đế quốc Pháp từ gần hai thế kỷ trên quê hương Việt Nam. 

Yếu tố đó, từ nhiều năm trước, đã được phát hiện ra hoặc bởi những khuôn mặt lịch sử văn hóa lớn như Phan Bội Châu, Lý Đông A, Phan Khoang, Đào Trinh Nhất,… hoặc bởi đại khối quần chúng nhẫn nhục im lặng. Nhưng hiện đại hơn, yếu tố đó đã được Cọng Sản Việt Nam khai dụng tại miền Bắc để dùng sự thật lịch sử đó như một vũ khí khích động lòng yêu nước trong những năm tháng kháng chiến và bây giờ. Còn trong Nam, dĩ nhiên yếu tố đó còn lộ rõ một cách gay gắt hơn và cũng không thiếu người ý thức được sự thật lịch sử đó, nhưng trong cái khung cảnh chính trị miền Nam lúc bấy giờ, họ đã không muốn nói hoặc không dám nói ra.

Phải đợi cho đến năm 1963, khi sự lộng quyền và kiêu căng tích lũy từ nhiều năm lên đến mức độ cao nhất để hung bạo và trắng trợn kích phá Phật giáo, thì vấn đề tôn giáo mới được dân tộc quyết liệt đưa ra tòa án lịch sử, với đầy đủ nạn nhân, nhân chứng và hồ sơ cáo trạng.

Tôn giáo, trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, tính cho đến khi Thiên Chúa giáo du nhập vào Việt Nam, chưa bao giờ là nguyên ủy của những tranh chấp và khủng hoảng. Nhưng vào năm 1963, khi chủ xướng ngày cách mạng 1963, một số sĩ quan có ý thức chính trị đã thấy những phức tạp và tế nhị của vấn đề người Công giáo (nhất là “Công Giáo Cần Lao” tay sai của Diệm–Nhu) trong và sau khi phát động ngày cách mạng. Vì lật đổ chế độ Diệm không phải chỉ là lấy đi những đặc quyền đặc lợi của khối Công giáo mà còn đặt họ vào tư thế đồng lõa với ông Diệm, và quan trọng hơn cả, là đặt họ về lại đúng vị trí của một bộ phận khiêm nhường của dân tộc, một vị trí mà từ gần một thế kỷ qua họ đã dựa vào thế lực ngoại bang hoặc tay sai của ngoại bang để chối bỏ.

Tuy có ý thức được viễn cảnh khó khăn đó nhưng tin tưởng mãnh liệt vào hành động đầy chính nghĩa, tin tưởng vào hậu thuẫn đông đảo của đồng bào cả nước, cho nên một số người chủ xướng ngày cách mạng 1/11/63 vẫn quyết tâm tiến hành việc làm của mình dù biết rằng việc làm đó có gây căm thù và buồn hận cho một thiểu số hẹp hòi và cuồng tín. Vả lại, lật đổ chế độ không những là chấm dứt tình trạng bất công và bế tắc của một xã hội thoái bộ mà còn chận đứng được âm mưu thỏa hiệp với Cộng Sản của những kẻ lãnh đạo chế độ đó, vì vậy, ở một mặt nào đó, yểm trợ cho lập trường chính trị của người Công giáo, vốn cho Cộng Sản là kẻ thù Satan không đội trời chung.

Lịch sử dân tộc bị một nút chận thì phải tháo nó ra để tiến hóa, tình cảm dân tộc bị xúc phạm thì phải hóa giải nó đi để tìm lại cái tình tự hòa hài rất truyền thống của dân tộc. Người Công giáo Việt Nam là một bộ phận của dân tộc, họ có thể không nhìn thấy và không đồng ý về cái nhìn cách mạng đó sau ngày 1–11–63 vì những xúc động nhất thời sau cái chết của ông Diệm, nhưng 20 năm sau, vì liên đới ruột thịt đồng bào và vì thảm trạng 30–4–75, họ hẳn là phải thấy và hiểu hơn ai hết, không phải để đoái công chuộc tội mà để còn chuẩn bị cho ngày về đất cũ quê xưa trong vòng tay ưu ái của dân tộc. Còn nếu họ vẫn không thấy được thì tại họ, dân tộc không thể giúp đỡ họ mở mắt lớn hơn được nữa.

 

-o0o-

 

Vấn đề phức tạp và tế nhị thứ hai là “yếu tố người Mỹ”. Như tôi đã trình bày trong một chương trước, mặc dù rất thất vọng với chế độ Diệm nhưng chính quyền Hoa Kỳ đã chỉ biết chiều chuộng, khuyến cáo và cố gắng sửa chữa mà thôi, không khác gì trường hợp Tổng thống Reagan 20 năm sau chịu đựng và khuyến cáo vợ chồng nhà độc tài tham nhũng Marcos (Phi Luật Tân) bằng cách vẫn tiếp tục viện trợ nhưng vẫn bí mật khuyến cáo. Thật vậy, khi gửi ông Cabot Lodge qua Việt Nam thay Đại sư Nolting, mục đích nguyên ủy của Tổng thống Kennedy chỉ nhằm làm áp lực Tổng thống Diệm phải cải cách chế độ cho trong sạch và có hiệu năng hơn mà thôi. Nếu Tổng thống Kennedy muốn đảo chánh ông Diệm thì không đời nào mời một khuôn mặt chính trị cỡ lớn như ông Lodge, huống chi ông Lodge thuộc đảng Cộng Hòa (có thể tố cáo âm mưu của ông Kennedy và đảng Dân Chủ khi hai đảng có những tranh chấp như trong các cuộc bầu cử chẳng hạn). Nếu ông Lodge đến Sài Gòn chỉ để đảo chánh ông Diệm thì chắc chắn ông không bao giờ nhận lời làm Đại sứ tại Việt Nam Cọng Hòa. Người Mỹ cho đến cuối tháng 10–1963 vẫn mong dùng ngoại giao và chính trị để giải quyết cuộc khủng hoảng của chính phủ Ngô Đình Diệm, việc mà tôi sẽ trình bày rõ sau đây.

Sau vụ tấn công chùa chiền đêm 20–8–63, Tổng thống Kennedy bắt đầu cụ thể yêu cầu ông Diệm phải đưa ông Nhu ra nước ngoài, nhưng ông Diệm không chịu và Hoa Kỳ cũng đành bó tay không có giải pháp nào hơn. (Xin lưu ý rằng từ đầu năm 1963, âm mưu bắt tay với Hà Nội của anh em ông Diệm đã tiến triển khá sâu rồi. Tết âm lịch 1963, Hà Nội đã tặng ông Diệm một cành đào và được ông Diệm hân hoan cho trưng bày tại dinh Gia Long). Cho đến ngày 29–10–1963, ông Cabot Lodge vẫn chưa biết thời điểm phát động cách mạng chỉ còn 48 tiếng đồng hồ nữa, nên vẫn hy vọng vào nỗ lực thuyết phục ông Diệm cho ông Nhu xuất ngoại để giới hạn những đổ vỡ và những đảo lộn nếu có một cuộc chính biến xảy ra.

Ông Lodge đến Việt Nam với một nhiệm vụ rất rõ ràng và khó khăn là tạo ổn định chứ không gây rối loạn. Chính sách của Hoa Kỳ lúc bấy giờ đối với Việt Nam cũng là tăng hiệu năng chiến đấu chống Cộng mà điều kiện tiên quyết là khả năng vận động toàn bộ sức mạnh miền Nam của cấp lãnh đạo Việt Nam Cọng Hòa . Ông Lodge gần như có toàn quyền quyết định và những nhận định ông gửi về cho tòa Bạch Ốc cũng như Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đều được cứu xét một cách nghiêm chỉnh.

Trước khi đi sâu hơn vào vai trò của ông Lodge, tôi xin có vài hàng ghi lại về nhân vật ngoại quốc đã có một thời liên hệ đến vận mệnh nước ta, và để thấy Cabot Lodge là một chính trị gia cẩn mật, hành sự với những suy tính có lợi cho Việt Nam và Mỹ chứ không phải là một người nông nổi.

Tất cả bắt đầu vào ngày 18 tháng giêng năm 1963 tại một Câu lạc bộ Hải quân Hoa Kỳ, khi Tổng thống Kennedy nhờ Đại tướng Chester Clifton thăm dò xem ông Cabot Lodge có chấp nhận đi làm Đại sứ nước ngoài không? Ông Lodge đã trả lời: “Tôi có nghề nghiệp, tôi không cần tìm việc làm nhưng nếu có nơi nào khó khăn mà kinh nghiệm của tôi có thể hữu ích cho đất nước thì tôi sung sướng chấp nhận”. Đầu tháng 6 năm đó, Tổng thống Kennedy mời ông vào tòa Bạch Ốc và đích thân yêu cầu ông Lodge giữ chức Đại sứ tại Việt Nam Cộng Hòa. Ông đáp lại rằng: “Nếu Tổng thống cần thì dĩ nhiên tôi sẽ sẵn sàng, nhưng trước hết tôi phải hỏi ý kiến nhà tôi và cựu Tổng thống Eisenhower, vị lãnh tụ đảng Cộng Hòa đã”.

Mặc dầu trước đó, chính quyền Dân Chủ Kennedy đã từng mời những nhân vật Cộng Hòa tham chánh như MacNamara (Bộ trưởng Quốc phòng), Douglas Dillon (Bộ trưởng Ngân khố), John McCone (Giám đốc Trung ương Tình báo) nhưng lần đề nghị này đã bị nhiều lãnh tụ đảng Cộng Hòa phản đối vì sự phức tạp và phiêu lưu của nhiệm sở mới. Chỉ có Eisenhower là tán đồng và khen ngợi sự khôn khéo, khoáng đạt của Kennedy.

Ngày 18/6/1963, ông Lodge chính thức trả lời chấp thuận nhiệm vụ mới này.

“Đại sứ Henry Cabot Lodge thuộc một gia đình vọng tộc của nước Mỹ. Thân phụ ông là một thi sĩ nổi tiếng, bạn thân với Tổng thống Theodore Roosevelt. Ngay từ thời thơ ấu, ông Lodge đã thường ăn cơm tại tòa Bạch Ốc và chơi thân với các cháu của Tổng thống Adams, đã đi thăm những nhân vật nổi tiếng như Edith Wharton ở Paris và Henri James ở Anh Quốc. Ông Calvin Coolidge, thời chưa làm Tổng thống, đã đến diễn thuyết tại trường ông Lodge ngày ông thi đỗ Tú tài. Và sau này, khi ông trở thành một ký giả trẻ của tờ báo Herald Tribune, Tổng thống Coolidge đã mời ông tham dự buổi tiệc với anh hùng Lindbergh. Nội tổ của ông Lodge là một Nghị sĩ đảng Cộng Hòa đối lập với Tổng thống Dân Chủ Wilson nhưng lại là người xây dựng cho ông Harding trở thành Tổng thống.

Cabot Lodge đã từng làm Nghị sĩ nhưng khi thế chiến thứ hai bùng nổ, ông từ giã nghị trường và xin gia nhập vào binh chủng thiết giáp rồi trở thành đồng đội với tướng Paul Harkins mà sự tình cờ lịch sử đã đưa đẩy cả hai ông sau này cùng phục vụ tại Việt Nam thời Tổng thống Diệm. Việc ông Lodge gia nhập quân đội để được chiến đấu đã làm cho cả Tổng thống Roosevelt lẫn Thủ tướng Churchill hết sức ca ngợi. Cuộc đời binh nghiệp ngắn ngủi với chức Trung tá đã đưa ông lên đến địa vị Trung tướng trừ bị và trở thành bạn thân của danh tướng Norstad, Tư lệnh Quân đội đồng minh tại Âu Châu. Ông thường được mời đến Ngũ Giác Đài và các câu lạc bộ sĩ quan để nghe thuyết trình về tình hình quân sự, mặc dù ông không còn ở trong quân đội nữa.

Sau thế chiến thứ hai, ông trở lại hoạt động chính trị và đắc cử Nghị sĩ. Nhưng khi ra tái ứng cử lần nữa, ghế Nghị sĩ của ông lại lọt về tay ông John Kennedy vì khi giữ chức Chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Vận Động Bầu Cử cho Tổng thống Eisenhower, ông đã tỏ ra quá khích.

Trong gần 10 năm giữ chức Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, ông thường chống đối gay gắt viên Đại sứ Nga Sô, nhưng khi Thủ tướng Khrushchev viếng thăm Hoa Kỳ thì Cabot Lodge lại làm người hướng dẫn. Tổng thống Lyndon Johnson tôn vinh Cabot Lodge là một nhà chính trị hoàn toàn bất vụ lợi. Còn George Marshall, Đại tướng kiêm chính trị gia, cũng đã ca ngợi: “Hễ khi nào quốc gia cần đến một người thì người đó phải là Henry Cabot Lodge”.

Cuộc đời Henry Cabot Lodge từ trẻ đến già là một cuộc đời chứa đựng nhiều hoạt động, nhiều biến cố, nhiều bất ngờ,… Cuộc đời đó vẫn sống mãi với lịch sử trong huy hoàng”.[13]

Đại sứ Henry Cabot Lodge là một chính trị gia tên tuổi của nước Mỹ. Ông đã kinh qua nhiều bậc thang chiến đấu: từ một nhà báo đến một chiến sĩ tại chiến trường, từ một Nghị sĩ trong chính trường đến đại diện cho quốc gia của ông tại Liên Hiệp Quốc, và nhất là vai trò thiết kế ra những chính sách quan trọng cho đảng Cộng Hòa. Ở địa vị nào ông cũng thành công, và tại “vũng lầy Việt Nam” ông đã tham dự vào một biến cố làm chuyển động lịch sử cả Mỹ lẫn Việt.

Năm 1963, độ một tháng sau kh lật đổ chế độ Diệm, ông bà Cabot Lodge đến nhà tôi ở đường Gia Long thăm viếng vợ chồng chúng tôi và yêu cầu chụp chung một tấm hình để làm kỷ niệm. Trong buổi gặp gỡ đó, ông Đại sứ và tôi đã ôn lại biến cố vừa qua để cùng nhau vừa tiếc vừa trách ông Diệm đã đặt tình nhà trên nợ nước, đã có những lời nói dứt khoát quyết liệt chống lại lãnh tụ Cộng Sản Hồ Chí Minh mà sau đó lại nghe lời em để thỏa hiệp với ông Hồ Chí Minh phản bội cả Việt Nam lẫn Mỹ.

Năm 1964, vào khoảng tháng Ba, khi tôi giữ chức Phó Thủ tướng đặc trách Văn Hóa Xã Hội và Lao Động trong chính phủ Nguyễn Khánh, Đại sứ Lodge đã trở lại thăm tôi tại văn phòng. Tôi với ông đã thảo luận gần năm tiếng đồng hồ để kiểm điểm tình hình chính trị và quân sự. Trong cuộc gặp gỡ này, tôi đã dùng hình ảnh “Thượng điền tích thủy hạ điền khan” của nông thôn Việt Nam để đề nghị với ông một kế hoạch chận đứng sự xâm nhập của quân Cộng Sản Bắc Việt vào miền Nam mới hy vọng vãn hồi và xây dựng được sức mạnh của Việt Nam Cộng Hòa. Ông lấy làm thích thú chăm chỉ nghe tôi trình bày kế hoạch thiết lập một “phòng tuyến” chạy dài từ bờ biển Nam Hải lên đến biên giới Lào–Việt, song song với quốc lộ số 9 để ngăn chận sự xâm nhập của quân Bắc Việt. Đi xa hơn, tôi đề nghị phải vận động với chính phủ Lào để kéo dài chiến tuyến ấy trên lãnh thổ Lào hầu cắt ngang đường mòn Hồ Chí Minh, còn phía biển, phải sử dụng tối đa lực lượng Hải Quân Việt Mỹ hỗn hợp để kiểm soát bờ biển, ít nhất là từ Đà Nẵng ra Quảng Trị. Tôi nói rằng “dù tát hết nước ruộng dưới mà ruộng trên cứ ào ạt đổ vào thì không bao giờ giải quyết được trận chiến tranh tại miền Nam.” Tôi đã đưa ra những dẫn chứng Đông Tây, Cổ Kim để thuyết phục ông: Trương Lương đã đốt đường sạn đạo để chận đứng sự xâm nhập của quân Hạng Võ và ngăn ngừa ý định đào ngũ của những quân sĩ có đầu óc chủ bại muốn trốn về Trung Nguyên; Khương Duy đã nhờ dãy núi Kỳ Sơn giữ vững Tứ Xuyên một thời gian khá dài chống quân Tư Mã Ý. Chiến lũy Maginot đã buộc quân Đức Quốc Xã phải tiến về phía Hòa Lan mới vào được đất Pháp. Chiến tuyến 38 đã ngăn chận và đập tan mọi ý đồ của quân Bắc Hàn tấn công Nam Hàn. Và Khrushchev đã phải xây “Bức tường Ô Nhục” để chận làn sóng tị nạn của dân Đống Đức trốn qua Tây Bá Linh. Đại sứ Cabot Lodge đã công nhận những trình bày chiến lược của tôi là hợp lý và hứa sẽ thảo luận với các nhà làm chính sách tại Hoa Thịnh Đốn. Ngày ông từ giã Việt Nam, tôi viết một bài báo trên tờ “Sống” của Chu Tử để tiễn biệt ông và nhắc lại lời đề nghị lập Phòng Tuyến Bến Hải. Không biết Đại sứ Lodge có bàn bạc gì với chính phủ ông hay không, nhưng mấy năm sau (1968) một phòng tuyến đã được thiết lập đúng như lời tôi đã đề nghị và được gọi là “Chiến tuyến MacNamara”. (Năm 1969–1970, trong khóa II của lớp Cao Đẳng Quốc phòng, Đại tướng Cao Văn Viên cũng đề nghị lập “Phòng tuyến Bến Hải”). Tiếc thay, khi Hoa Kỳ xây dựng phòng tuyến này thì chiến sự đã vô cùng sôi động, phòng tuyến MacNamara chỉ xây được 28 cây số rồi đành phải bỏ dở.

Ngày Đại sứ Cabot Lodge hồi hương, chính phủ Nguyễn Khánh thảo luận việc tặng cho ông một món quà kỷ niệm. Sau một hồi bàn bạc, tôi đề nghị tặng cho Đại sứ chiếc khăn đóng và chiếc áo gấm, một lưu niệm có màu sắc Đông phương. Đề nghị này được Hội Đồng Chính phủ thích thú chấp thuận rồi Thủ Tướng Nguyễn Khánh đề nghị nên thêm sáu chữ “Công dân danh dự Việt Nam” cho hợp với món quà chiếc khăn đen và tấm áo gấm. Trong tác phẩm “Hai Mươi Năm Qua”, Đoàn Thêm có nhắc lại rằng: “Ngày 28 tháng 6 năm 1964, Đại sứ Cabot Lodge về Mỹ. Khi rời Sài Gòn, ông bận áo gấm, chít khăn xếp được hàng vạn người tiễn đưa ở phi trường Tân Sơn Nhất với cờ Việt–Mỹ la liệt, có cả Tăng Ni và rất đông sinh viên”.

Sau khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản, tôi vượt biển đến Thái Lan ngày 6/5/75 và xin tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ. Tháng 10 năm đó, tại trại tiếp cư Pendleton, ông Leo Leary Jr., một vị cựu Đại tá Hải quân vừa là bạn láng giềng vừa là đồng đội với Tổng thống Kennedy thời Đệ Nhị Thế Chiến trên mặt trận Thái Bình Dương (hiện ở Elsinore, California), đặc trách việc bảo trợ và nhập cảnh cho gia đình tôi, nhưng vì có nhiều thành kiến với số tướng lãnh Việt Nam tham nhũng nên đã tìm hỏi kỹ càng cựu Đại sứ Lodge về dĩ vãng của tôi. Và ông Lodge đã không ngần ngại trả lời: “Tướng Đỗ Mậu là vị tướng liêm chính nhất trong hàng tướng lãnh Việt Nam mà tôi được biết”.

Thân phận tầm thường của tôi, xuất thân từ nơi bùn lầy nước đọng của miền Trung Việt Nam nghèo nàn, không ngờ lại có duyên nợ với một nhân vật chính trị tiếng tăm của đại cường quốc Hoa Kỳ. Và cái tình chiến hữu của những năm Việt Nam sôi động chiến tranh cuối cùng đã thành cái tình bằng hữu khi cả hai người đều trả lại những thăng trầm phù du cho đời vào cái tuổi tri thiên mệnh.

Nhắc lại, trước khi rời Hoa Kỳ để nhận nhiệm sở mới, ông Lodge đã được cả hai Bộ Quốc Phòng và Ngoại Giao trình bày đầy đủ về tình hình chính trị và quân sự của miền Nam cũng như của miền Bắc Việt Nam. Tổng thống Kennedy đã than với ông rằng: “…tôi đã phải mất quá nhiều thì giờ nhất cho vấn đề Việt Nam. Tôi muốn ông nghiên cứu kỹ lưỡng mọi vấn đề rồi gửi cho tôi những khuyến cáo cần thiết”.

Hai tháng sau khi nhận lời với Tổng thống Kennedy, ngày 14/8 ông được toàn thể “Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện” biểu quyết tín nhiệm. Theo hồi ký của ông thì trước ngày lên đường (17/8), ông đã gặp một nhân vật Việt Nam tên tuổi tại Hoa Thịnh Đốn (mà ông giấu tên) và được vị này khuyến cáo “Trừ khi bà Nhu và người chồng quá khích, cuồng tín của bà rời khỏi Việt Nam, không thì không một quyền lực nào trên thế gian này có thể ngăn chận được việc ám sát ông Diệm và vợ chồng Nhu”.[14]

Nhân vật này hẳn muốn ám chỉ đến những tiền lệ trong lịch sử và bóng gió muốn nhắc lại các vụ mưu sát ông Diệm tại Ban Mê Thuột (1957), vụ binh biến Nhảy Dù (1960) và vụ ném bom dinh Độc Lập (1962).

Trên chuyến bay về Á Châu mà chặng nghỉ đầu tiên là Nhật Bản, ông đã nói chuyện với nhà văn Eugene Burdich, tác giả cuốn “The Ugly American” nổi tiếng. Nhà văn này khuyên ông nên lưu ý đến những ý kiến của các ký giả kinh nghiệm hơn là của các nhân viên Tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn.

Trong 4 ngày tại Tokyo, ông đã tìm hiểu thêm về giáo lý của đạo Phật qua một thiền sư Nhật Bản (bạn thân của một tăng sĩ Phật giáo Mỹ vốn là tri kỷ của ông nội ông), và đã ngăn cản kịp thời một nữ cư sĩ Việt Nam định tự thiêu trước khách sạn của ông để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ Diệm tại Việt Nam.

Đêm 20/8, trong khi Nhu tung quân càn quét các cơ sở Phật giáo thì ông Lodge đang ở Hồng Kông và nhận được công điện của Tổng thống Kennedy yêu cầu phải đi Sài Gòn gấp để nghiên cứu và đối phó với tình hình càng lúc càng sôi động tại Việt Nam.

Ông đến phi trường Tân Sơn Nhất ngày 22/8 và về thẳng tòa Đại sứ mà không tuyên bố gì với cả một đoàn quân báo chí đang đợi ông ở phi cảng. Ông đến Sài Gòn vào lúc chính quyền Hoa Thịnh Đốn đang bị phân hóa vì vấn đề Việt Nam và những nhân viên quan trọng Mỹ tại Sài Gòn cũng đang có những mâu thuẫn về lập trường đối với chế độ Diệm. Tướng Paul Harkins và trưởng nhiệm sở CIA Richardon thì ủng hộ ông Diệm, trong lúc phó đại sứ Williams Truhart lại quyết liệt chống đối hai anh em Diệm Nhu. Do đó mà trong mấy ngày đầu tiên, ông Lodge đã để nhiều thì giờ để nói chuyện với các ký giả, để tìm hiểu tình hình thật chính xác. Thượng tọa Trí Quang và Đại đức Nhật Thiện, lúc bấy giờ đang trú ẩn trong tòa Đại sứ Mỹ sau vụ tổng tấn công chùa chiền của Nhu, cũng đã là hai người khách của ông.

Ngày 24 tháng 8, Đại sứ Lodge đến dinh Gia Long trình ủy nhiệm thư lên Tổng thống Diệm. Ông Diệm tiếp Đại sứ rất niềm nở nhưng ông Đại sứ lại đã tỏ ra rất ưu tư về sự suy thoái đáng lo ngại của tình hình an ninh và chính trị. Sài Gòn vẫn ở trong tình trạng giới nghiêm. Chủ đích của Đại sứ Lodge lúc này là muốn tìm mọi cách để cứu vớt ông Diệm, bởi vì theo đại sứ thì trong tình trạng bi thảm này, nếu ông Diệm không cầm chính quyền nữa tình hình miền Nam sẽ trở nên rối loạn hơn. Tuy nhiên, trong cuộc đàm đạo với ông Diệm, đại sứ Lodge đã nhận thấy ông Diệm không chịu công nhận những lỗi lầm của ông ta mà chỉ kể đi kể lại cuộc đời thơ ấu của mình lúc còn ở Huế và liên tục nói những chuyện lạc đề đến nỗi ông Đại sứ phải cắt ngang câu chuyện để xin cáo từ.

Sau này đại sứ Lodge cho những cộng sự viên thân cận biết: “Diệm không có khả năng cai trị đất nước, ngay cả nói chuyện mà cũng không nói được cho lưu loát”. Trong lúc ông Lodge nói về những vấn đề đại sự quốc gia thì ông Diệm chỉ nhìn trần nhà rồi lắp bắp tuôn ra những lời nói hoàn toàn thiếu thực tế” [15].  

Sau khi đã tiếp xúc với các giới chức chính thức, ông Lodge lại tìm cách mở rộng những tìm hiểu của mình đến các giới khác. Ông gặp riêng những người dân bình thường như anh em sinh viên, các người buôn bán dọc hè phố, các bác đạp xích lô, các binh sĩ Mỹ và Việt. Ông cũng đã gặp Đức Khâm Mạng Tòa Thánh Salvatore Aota, ông Patrick J. Honey, một giáo sư người Anh chuyên nghiên cứu về nghệ thuật văn chương Việt Nam và rất nắm vững tình hình người Việt vì có nhiều bạn bè trong giới trí thức, nghệ sĩ Việt Nam. Ông đã thấy rõ những xe vận tải nhà binh mang dấu hiệu Hoa Kỳ do tài xế của Lực Lượng Đặc Biệt của ông Ngô Đình Nhu chở đầy học sinh về các trại giam. Ông được báo cáo về việc nhiều cô gái bị cảnh sát bắt giam và bị tra tấn, có người bị tra điện. Ông biết rõ Giám mục Ngô Đình Thục, người có ảnh hưởng lớn nhất của chế độ, đã ra lệnh đàn áp khủng bố Phật tử mặc dù chính Tòa Thánh La Mã đã bày tỏ sự lo âu và khuyến cáo. Ông cũng thấy rõ bà Nhu với “quyền lực ma quỷ” đã bắt buộc chồng và anh chồng là Tổng thống Diệm phải có những biện pháp quyết liệt nhất đối với Phật giáo. Ông có cảm tưởng bà Nhu rất thích thú với những hành động hung ác và dã man. Bà Nhu được báo Times đăng hình bìa với lời ghi chú về cách thức bà ta đối phó với những kẻ biểu tình: “Phải đập chúng nó ba lần mạnh hơn”.

Sau khi nghiên cứu tường tận và tỉ mỉ, ông Lodge đã phải đồng ý với nhân vật Việt Nam tên tuổi ở Hoa Thịnh Đốn mà ông đã gặp trước kia là chỉ trừ phi bà Nhu và người chồng hung bạo của bà rời khỏi nước ông Diệm mới có thể cứu thoát được. Đại sứ Lodge đã gửi lời khuyến cáo đó về cho Tổng thống Kennedy” [16].   

Căn cứ trên những phúc trình khác nhau từ Sài Gòn, so sánh với những bản tin của các chính phủ khác có tòa đại sứ tại Việt Nam và dựa vào lời khuyến cáo của ông Lodge, vào giữa tháng 9, Tổng thống Kennedy đã trả lời Walter Cronkite của đài truyền hình CBS rằng “Chính phủ Diệm đã không được dân chúng Việt Nam ủng hộ nữa. Việc ông Diệm đàn áp Phật giáo là một hành động thiếu khôn ngoan và tôi nghĩ rằng phương thức đó không thể chiến thắng Cộng Sản nổi… Chỉ cần thay đổi chính sách, và có lẽ thay đổi nhân sự nữa, thì chính phủ Diệm mới tìm lại được hậu thuẫn của nhân dân miền Nam Việt Nam. Còn nếu ông Diệm không thực hiện cải cách thì tôi nghĩ rằng ông ta sẽ không có một hy vọng nào để chiến thắng Cộng Sản”. Lời tuyên bố này càng chứng tỏ Tổng thống Kennedy vẫn không muốn lật đổ ông Diệm, chỉ muốn ông Diệm thay đổi chính sách cai trị và chính sách nhân sự. Cho nên tuy tuyên bố như vậy nhưng Tổng thống Kennedy vẫn chưa có ý định cắt bỏ viện trợ để áp lực ông Diệm… Và tại Sài Gòn, ông Lodge đã khôn khéo diễn dịch một cách cụ thể lời của Kennedy bằng cách đề nghị với ông Diệm “nên để cho ông Nhu và em dâu rời khỏi Việt Nam cho đến khi cuộc khủng hoảng chính trị chấm dứt, liên hệ tốt đẹp giữa chính quyền và quần chúng được tái lập”. Ông Diệm đã tỏ ra ngạc nhiên và bất mãn về đề nghị này, đề nghị mà ông cho là tìm cách chia rẽ gia đình ông và làm cho quốc gia mất đi những nhà lãnh đạo tài ba như ông bà Nhu (!!!).

Nhưng chỉ vài tuần sau đó thì ông Thục bị Tòa Thánh La Mã bắt buộc rời Việt Nam, và khi đến Rome, ông đã bị Tòa Thánh cấm không được tuyên bố chống đối Phật giáo nữa, còn bà Nhu thì cầm đầu một phái đoàn dân biểu đi Belgrade tham dự hội nghị Liên Hiệp Nghị Sĩ với ba chặng ghé là Ý, Pháp, và Mỹ để giải độc dư luận quốc tế.

Tại Paris, phái đoàn bị Việt kiều và sinh viên Việt Nam chống đối ném cà chua, trứng thối, còn báo chí Pháp thì chất vấn dữ dội về vụ đàn áp Phật giáo. Tại La Mã bà đã khuyến cáo Giáo Hoàng nên khôn ngoan hơn vì những vấn đề “đời” không thuộc thẩm quyền của Giáo Hoàng. Và tại Nữu Ước, ngày 25–9, bà tuyên bố rằng những sĩ quan Mỹ chiến đấu tại Việt Nam đã có thái độ như con nít, không biết cách làm việc. Trước sự khiêu khích và miệt thị đó, ông Lodge đã phải từ bỏ những ngôn ngữ ngoại giao lịch sự để gọi bà Nhu là một thứ Rồng Cái (Dragon Lady) và lấy thái độ quyết liệt hơn để nói lên sự công phẫn của quần chúng và quốc hội Mỹ: “Thật là một lời tuyên bố đầy xúc phạm. Hàng ngày đã có những quân nhân Mỹ hy sinh và nhiều khi bỏ mình bên cạnh những đồng đội Việt Nam, cho nên thật là khó hiểu khi có người đã thốt ra những lời độc ác như vậy. Những sĩ quan Mỹ đang hy sinh đó đáng lẽ được biết ơn thì lại bị chửi rủa”. (Tất nhiên khi đã muốn đuổi Mỹ và bắt tay với Hà Nội, bà Nhu mới có những lời lẽ như vậy: ghi chú của tác giả).

Tuy nhiên, mặc dù tình trạng căng thẳng như vậy nhưng đại sứ Lodge vẫn tìm cách cứu vớt ông Diệm và cũng để cứu luôn ông ta. Ông đã buộc phải nói rõ cho ông Diệm hai điều kiện: Thứ nhất là phải đưa ông Nhu ra khỏi nước, thứ hai là phải hòa giải với phong trào đòi tự do tôn giáo của Phật giáo. Trong lúc đó thì sau khi nghe tường trình của Bộ trưởng Quốc phòng MacNamara và Tướng Taylor vừa từ Việt Nam về, Tòa Bạch Ốc đã tuyên bố một cách hoà dịu để khỏi làm mất mặt ông Diệm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chính sách cộng tác với nhân dân và chính phủ miền Nam để chống lại Cộng Sản”.

Mặc dù chính Tổng thống Kennedy công khai tỏ thái độ nhân nhượng nhưng tình hình vẫn càng lúc càng căng thẳng hơn, ông Diệm vẫn ngoan cố còn ông Nhu thì chẳng những không chịu rời khỏi nước nhà mà còn âm mưu bắt tay với Cộng Sản và cứng rắn đối với Phật giáo. Chính phủ Mỹ buộc phải làm áp lực bằng cách chấm dứt một vài khoản viện trợ. Trước hết là cắt viện trợ về sữa, trị giá 4 triệu Mỹ kim, và bà Nhu khi nhận được tin này ở Nữu Ước, đã tuyên bố rằng người Việt Nam không cần sữa, sữa chỉ để cho heo ăn. Sau khi Mỹ tuyên bố cắt ngân khoản viện trợ kia thì tin đồn nổi lên khắp Sài Gòn rằng Đại sứ Cabot Lodge, ông Mecklin và nhiều nhân viên tòa đại sứ Mỹ sẽ bị ám sát… đến nỗi Đại sứ Lodge phải có súng riêng bên cạnh mình.

Sau đó, chính phủ Mỹ cũng chấm dứt luôn khoản viện trợ 250.000 Mỹ kim là « chi phí hành chánh » của Lực lượng Đặc biệt của Đại tá Lê Quang Tung, đội quân riêng của ông Ngô Đình Nhu [17].

Đồng thời giám đốc CIA tại Sài Gòn là Richardson, một người thân tín của Nhu, cũng bị gọi về Hoa Thịnh Đốn.

Ngày 19-10, Tòa Đại sứ báo cho Đại tá Tung biết là viện trợ chỉ tiếp tục tháo khoán khi nào Tung đồng ý thông báo cho cố vấn Mỹ của lực lượng biết các cuộc di chuyển, và lực lượng chỉ có nhiệm vụ chiến đấu chống Cộng Sản mà thôi. Trong lúc đó, tướng lãnh Việt Nam Cọng Hòa cho Tòa đại sứ biết họ có kế hoạch tổ chức một cuộc đảo chánh. Họ không đòi Mỹ giúp đỡ vì nó là vấn đề nội bộ Việt Nam. Tuy nhiên, đó sẽ là một cuộc đảo chánh thân thiện với Hoa Kỳ và yêu cầu Hoa Kỳ đừng có hành động chống đối. Về phía người Mỹ, Tòa đại sứ cũng cho biết không thể giúp đỡ nhóm đảo chánh được, sẽ không chống đối nhưng xin được thông báo đầy đủ tin tức” [18].  

Về phía quân đội Việt Nam mà tướng Trần Văn Đôn được coi là đại diện với tư cách Quyền Tổng Tham mưu trưởng, sau nhiều lần trình lên ông Diệm những đề nghị cải cách chế độ nhưng không được chấp thuận, đã thế anh em ông Diệm lại còn dùng thủ đoạn lạm dụng danh nghĩa quân đội khi tấn công chùa chiền để tạo uy thế trong quần chúng, nên ngày 23–8 (ba ngày sau khi chùa chiền bị tấn công) tướng Đôn cho mời một người Mỹ bạn thân của ông là Trung tá CIA Conein đến gặp để trao đổi quan điểm về cuộc khủng hoảng. Ông Đôn cho biết quân đội không tham dự vào hành động bạo tàn của nhà Ngô trong việc đàn áp Phật giáo. Ngược lại, Conein cũng cho tướng Đôn biết thì về phía Mỹ, dù đại sứ Nolting từ trước vốn rất thân thiện với anh em ông Diệm nhưng sau vụ tấn công chùa chiền mà nhiều ký giả Mỹ đã ví von giống như hành động của quân xung phong SS của Đức Quốc Xã, thì liên hệ giữa ông Diệm và Đại sứ Nolting trở nên căng thẳng, dù trong thâm tâm ông Nolting vẫn còn ủng hộ ông Diệm.

Cũng sau vụ tấn công chùa chiền, một số tướng lãnh gồm có Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, thường đến gặp hai tướng Khiêm và Đính tại Bộ Tổng tham mưu để thảo luận phương cách áp dụng lệnh giới nghiêm thế nào cho quân đội ít bị dính líu đến âm mưu của ông Nhu nhất. Ngày 5 tháng 9, hai tướng Đôn và Đính mà anh em nhà Ngô vẫn còn rất tin tưởng, gửi tờ trình lên ông Diệm với hai đề nghị: một là bãi bỏ lệnh thiết quân luật, và hai là tạm đưa ông bà Nhu ra nước ngoài để xoa dịu lòng quân dân. Mấy ngày sau, ông Diệm cho gọi tướng Đôn vào dinh Gia Long quở trách hai ông Đôn và Đính đã có nhiều tham vọng, đồng thời ông Nhu đã bôi nhọ tướng Đính bằng cách tung cho báo chí biết tin tướng Đính xin làm Bộ trưởng Nội vụ, rồi cho tướng Đính đi nghỉ ở Đà Lạt ít ngày với lý do “tinh thần căng thẳng”.

Trước thái độ tham quyền cố vị và đầu óc ngoan cố đó, trước cuộc khủng hoảng chính trị càng lúc càng đẩy miền Nam vào suy thoái, và trước nguy cơ của một thỏa hiệp bất lợi và nguy hiểm với Cộng Sản, tướng Đôn quyết định dứt khoát và cụ thể hóa thái độ chống đối của quân đội bằng một cuộc chính biến mà mở đầu là một cuộc binh biến do quân đội phát động. Sau khi vận động được tướng Tôn Thất Đính vào tổ chức để nắm vững Quân Đoàn III và đặc biệt khu vực Sài Gòn–Gia Định, tướng Đôn bèn mở rộng tổ chức bằng cách liên kết với các lực lượng quân, dân, chính khác. Đến đầu tháng 10 năm 63 thì các kế hoạch binh biến đã thành hình và lực lượng cách mạng đã vững mạnh, chỉ còn chờ ngày phát động. Lúc bấy giờ bộ chỉ huy cuộc chính biến mới bắt đầu giải quyết vấn đề người Hoa Kỳ.      

Ngày 2 tháng 10 tại Nha Trang, tướng Đôn cho Conein biết quân đội quyết định lật đổ chế độ Diệm; đồng thời đề nghị tướng Dương Văn Minh gặp Conein. Ngày 5 và 10 tháng 10, Conein đến gặp tướng Minh và được biết thái độ của lực lượng cách mạng đối với anh em ông Diệm cũng như đối với người Mỹ. Đối với anh em ông Diệm thái độ được phản ánh bằng ba chọn lựa: Chọn lựa thứ nhất là ám sát vợ chồng Nhu và Cẩn nhưng vẫn giữ lại ông Diệm làm Quốc trưởng; chọn lựa thứ hai là bao vây Sài Gòn làm áp lực đòi hỏi ông Diệm cải tổ chính sách và nhân sự; và chọn lựa thứ ba là đánh tan Lực lượng Đặc biệt và Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Tổng Thổng phủ (cả hai gồm độ 6000 người) rồi mới gặp ông Diệm để đưa yêu sách cải tổ chế độ. Trong cả ba trường hợp đều duy trì ông Diệm làm nguyên thủ quốc gia, chỉ triệt tiêu ảnh hưởng và quyền lực chính trị của các anh em ông Diệm mà thôi.

Riêng đối với Mỹ, tướng Minh đại diện cho lực lượng cách mạng đã không yêu cầu một yểm trợ chính trị, quân sự hay tình báo nào trước và trong ngày cách mạng, mà chỉ yêu cầu Hoa Kỳ không tìm cách ngăn chận cuộc chính biến và đặc biệt sau khi cách mạng thành công thì vẫn tiếp tục chương trình quân viện và kinh viện cho VNCH để miền Nam phục hồi sức mạnh chống Cộng và xây dựng dân chủ.

Ngày 28 tháng 10, nghĩa là sau khi đã quyết định lấy ngày 1–11–63 làm ngày phát động, tướng Đôn gặp ông Lodge trong buổi tiễn ông Diệm đi Đà Lạt tại phi trường Tân Sơn Nhất (ông Lodge được ông Diệm mời theo trong chuyến kinh lý này) và được đại sứ Lodge cho biết chánh phủ Hoa Kỳ tỏ ý ủng hộ một cuộc thay đổi chế độ. Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa tướng Đôn, đại diện tướng lãnh với một nhân vật có thẩm quyền của chính quyền Mỹ. Khi được hỏi về thời điểm phát động, tướng Đôn đã từ chối không cho biết và nhấn mạnh rằng cuộc chính biến là một biến cố hoàn toàn thuộc về nội bộ của người Việt Nam. Ngay tối hôm đó, Conein lại đến gặp tướng Đôn và khẩn khoản xin biết ngày giờ phát động để có những biện pháp an ninh cho các cơ sở và nhân viên Hoa Kỳ, nhưng một lần nữa tướng Đôn lại từ chối và chỉ hứa cho biết trước trong một thời gian rất ngắn mà thôi.

Tối 28 tháng 10 tại Đà Lạt (nghĩa là hai ngày trước cuộc đảo chánh), ông Diệm mời ông Lodge, Đại tá Dunn và vợ chồng Thị trưởng Trần Văn Phước ăn cơm. Trong bữa tiệc này, ông Diệm đã trách Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ một cách vô lý. Lời trách móc này tuy không hữu lý nhưng cũng đã làm cho đại sứ Lodge phấn khởi và xem đó như một dấu hiệu của sự hồi tâm và sáng suốt của ông Diệm. Ngày 29 tháng 10, trên chuyến phi cơ trở về Sài Gòn, ông Lodge đã bắt đầu nuôi hy vọng ông Diệm sẽ cho Ngô Đình Nhu rời khỏi nước [19].

Nhưng cũng trong ngày 29 tháng 10 đó, hai tướng Đôn và Đính gặp nhau tại Nha Trang để duyệt xét lại lần chót kế hoạch đảo chánh. Trong dịp này, tướng Đính yêu cầu tướng Đôn bảo vệ sinh mạng cho ông Diệm như trước đó tướng Khiêm đã đồng ý.

Ngày 1 tháng 11 năm 1963, vào khoảng 11 giờ sáng (hai giờ trước khi tiếng súng cách mạng bắt đầu nổ), tướng Đôn báo cho Conein biết cuộc binh biến sẽ bắt đầu vào buổi trưa và yêu cầu Conein đến Bộ Tổng Tham mưu để làm liên lạc viên giữa lực lượng cách mạng và các cơ quan Quân–Dân–Chính của Hoa Kỳ tại Việt Nam nếu cần. Conein bèn mặc quân phục, mang theo một khẩu 375 Magnum và một gói tiền độ 3 triệu đồng Việt Nam rồi đến Bộ Tổng Tham mưu.

Cũng cần phải nói rõ rằng số tiền ba triệu đồng Việt Nam do Conein mang đến đã không được một tướng lãnh nào hay biết trừ tướng Đôn. Tướng Đôn không bao giờ trình bày cho Hội Đồng Tướng Lãnh biết có nhận số tiền đó của Conein hay không, và nếu có thì đã sử dụng vào việc gì. Ký giả Karnow trong “Vietnam: A History” trình bày rõ ràng trưa 1–11–1963, Conein khi tới Bộ Tổng Tham mưu gặp tướng Đôn đã mang theo một số tiền ba triệu đồng Việt Nam để “quân nổi dậy sử dụng nếu cần” (in case the insurgents needed funds). Ta thấy rằng cuộc cách mạng thành công là hoàn toàn nhờ đáp ứng đúng nguyện vọng của toàn dân, nhờ quyết tâm nhất trí của quân đội, và nhờ kế hoạch tổ chức tinh vi chứ đâu có nhờ tiền, huống gì khi Conein mang tiền đến Bộ Tổng Tham mưu thì giờ phát động cách mạng sắp điểm, quân đội còn cần tiền làm gì nữa. Ước mong rằng tướng Trần Văn Đôn giải tỏa nghi vấn nhỏ này để quân đội dưới quyền ông lúc bấy giờ khỏi mang tiếng và để sự trong sáng của cách mạng khỏi mang một tỳ vết nào. (Tướng Đôn đã không đề cập đến số tiền này trong Hồi ký “Our Endless War” của ông ta).  

Như vậy, kể từ ngày 5 tháng 10, khi tướng Minh chính thức tiếp xúc với Conein để trình bày quan điểm và quyết định của Lực Lượng Cách mạng cho đến ngày 1 tháng 11 năm 1963, khi tiếng súng cách mạng bùng nổ, trong không đầy một tháng ngắn ngủi nhưng sôi động đó, quả thật đã có những liên lạc giữa lực lượng cách mạng và chính quyền Mỹ (qua trung gian không phải chỉ Conein mà còn Đại sứ Lodge nữa). Sự liên lạc đó tuy chỉ có tính cách thông tin nhưng bản chất thật sự của nó là bản chất của một cuộc đấu tranh chính trị quốc tế. Thật vậy, không cần sau này phải viện dẫn vào nội dung hai bức công điện của Thứ trưởng Ngoại giao Roger Hillsman (ngày 24 tháng 8) [20], và của Đại sứ Lodge (ngày 29 tháng 8), lúc bấy giờ, tại Việt Nam ai cũng biết đa số nhân vật trong chính quyền Hoa Kỳ muốn nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị xã hội tại Việt Nam mà cụ thể và bắt đầu là ông Diệm phải dứt khoát loại trừ ảnh hưởng của những người anh em khỏi chính quyền.

Tuy nhiên, ước muốn đó vẫn chưa hoàn toàn phản ánh trung thực chính sách của Hoa Kỳ vì vẫn còn nhiều người Mỹ khác tiếp tục ủng hộ ông Diệm (Phó Tổng thống Johnson, MacNamara, Giám đốc CIA Colby, Paul Harkins, Richardson, Nolting) đến nỗi Tổng thống Kennedy phải than “Lạy Chúa, chính phủ của tôi đang bị tan ra từng mảnh” (My God! My government is coming apart), và ngay cả bức công điện của Roger Hillsman cũng đã không được Tổng thống Kennedy hay Ngoại trưởng Dean Rusk duyệt xét trước vì hai ông này lúc bấy giờ không có mặt tại Hoa Thịnh Đốn. Chẳng những thế, trước những tin đồn và những dấu hiệu về rất nhiều cuộc đảo chánh tại Sài Gòn, cũng như để chận đứng những diễn dịch sai lầm về bức công điện vượt quyền của Hillsman, ngày 30 tháng 8, Tổng thống Kennedy đã đánh một điện tín khẩn cấp cho ông Lodge vào ngày 30/8 để “hủy bỏ cái điện tín ngày 24/8 và 29/8 – ngay tại Hoa Kỳ. Sự hủy bỏ đó đã vô hiệu hóa những lời lên án chính quyền Kennedy về hành động cho phép, ghi nhận hay khuyến khích một cuộc chính biến tại Nam Việt Nam” [21].  

Trước thái độ thiếu cương quyết và chưa rõ ràng như thế, các tướng lãnh vốn đã tổ chức cuộc chính biến từ mấy tháng trước đó, nay quyết định chính thức thông báo cho chính quyền Hoa Kỳ về sự hiện diện và về quyết định lật đổ chế độ của quân đội. Đó là một “nước cờ” ngoại giao ngoạn mục nhắm hai mục tiêu: thứ nhất là kéo Hoa Kỳ ra khỏi thế liên minh bất đắc dĩ với ông Diệm một cách dứt khoát và vĩnh viễn, và thứ hai là tạo một liên hệ tốt đẹp ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho một tương quan đồng minh cần thiết sau cuộc chính biến.

Và mục tiêu thứ hai này mới là mục tiêu quan trọng.

Vì dù chính quyền Kennedy có đồng ý hay không, có phá hoại hay không, thì lực lượng cách mạng cũng đã được tổ chức rồi và cũng đã được cuốn hút vào cao trào chống đối chế độ của toàn dân. Riêng các tướng lãnh như Minh, Đôn, Kim, Đính, Khiêm, họ ở vào cái thế không thể lùi được nữa: các bộ phận khác của quân đội do những sĩ quan cấp tá tổ chức sẽ tiến hành cuộc cách mạng, dù có hay không có họ! Do đó, khi liên lạc với Tòa đại sứ Hoa Kỳ, mà qua đó đánh dội về Hoa Thịnh Đốn, mục tiêu chính vẫn là duy trì được một giao hảo tốt đẹp giữa hai nước để Hoa Kỳ không những sẽ giúp miền Nam hồi phục lại được sức mạnh mà còn yểm trợ miền Nam dồi dào hơn cho một cuộc thư hùng Quốc Cộng chắc chắn sẽ khốc liệt hơn sau này.

Làm một cuộc chính biến để lật đổ một chế độ là việc khó nhưng vẫn không khó bằng sau cuộc chính biến đó đất nước sẽ mạnh hơn. Cho nên “nước cờ” ngoại giao đó của các tướng lãnh là một hành động chính trị khôn ngoan và cần thiết để bảo đảm cho đất nước sẽ mạnh hơn sau này mà thôi. (Tiếc rằng, nếu họ đã thành công trong lãnh vực duy trì được một mối giao hảo tốt với đồng minh Hoa Kỳ thì ở những lãnh vực khác, họ đã thất bại và tạo ra một chuỗi dài những xáo trộn mà tôi sẽ đề cập ở chương tiếp theo).

Quy luật chính trị và những đòi hỏi của tình thế rõ ràng như thế, nhưng những kẻ muốn bôi nhọ ý nghĩa lịch sử và giá trị cách mạng của ngày 1/11/63 sau này đã cố tình bóp méo lịch sử bằng hai sự kiện hoàn toàn không có thật [22]: thứ nhất là họ cho rằng nếu Mỹ không “bật đèn xanh” thì quân đội và nhân dân miền Nam không đủ sức và không dám làm cuộc cách mạng lật đổ chế độ Diệm, thứ hai là họ cho rằng chính chính quyền Kennedy là kẻ chủ xướng và điều động cuộc cách mạng 1/11/63.

Sự thật cho ta thấy dù biết ông Diệm bắt tay với Cộng Sản, dù biết ông Diệm không chấp nhận các khuyến cáo nhằm cải tổ chế độ, chính quyền Kennedy vẫn lúng túng không có một sách lược rõ ràng và trên mặt nhân sự, vẫn chia làm hai phe rõ rệt. Cho đến khi biết chắc rằng có một lực lượng cách mạng, với sự tham dự của quân đội, quyết định lật đổ chế độ, chính quyền Kennedy mới bày tỏ sự tán đồng của mình, mới tìm cách gây liên hệ tốt.

Như vậy, rõ ràng cuộc cách mạng ngày 1–11–1963 hoàn toàn do quân dân Việt Nam lúc bấy giờ thực hiện, và người Mỹ, đứng trước những khó khăn phức tạp của tình hình đã phải thụ động dựa vào đó để giải quyết những khó khăn của họ. Vậy thì chính quân đội Việt Nam đã “bật đèn xanh” cho Mỹ chứ đâu phải Mỹ “bật đèn xanh” cho quân đội Việt Nam như nhóm Cần Lao Công giáo và một số ký giả Mỹ đã vô tình hay cố ý xuyên tạc. Những kẻ dùng luận điệu để xuyên tạc quân đội Việt Nam đã làm tay sai cho Mỹ trong cuộc đảo chánh 1–11–63 thật ra chỉ muốn tìm cách “cả vú lấp miệng em” để che giấu sự kiện chính ông Diệm mới là người đã được Hoa Kỳ “bồng” về Việt Nam cầm quyền, chính CIA đã giúp ông Diệm lật đổ vua Bảo Đại, đánh tan các giáo phái để ông Diệm trở thành Tổng thống làm nhiệm vụ bảo vệ tiền đồn chống Cộng cho Hoa Kỳ. Tôi muốn nói họ xuyên tạc chính nghĩa cách mạng 1–11–1963 và đã tìm cách che giấu tư cách “con cờ và tay sai” thực thụ cho Mỹ của ông Diệm. Tôi muốn nhắc nhở nhóm Cần Lao Công Giáo rằng tướng lãnh Việt Nam năm 1963 đã không có thái độ hèn nhát như ông Diệm năm 1955 trong cuộc tranh chấp với vua Bảo Đại phải nhờ Landsdale cầu cứu với Ngoại trưởng Foster Dulles mà tôi đã kể rõ trong chương V.

Nói tóm lại, yếu tố thứ nhì, “yếu tố người Mỹ”, là một yếu tố có thật. Nó đã dính dự và tác động vào chính trường Việt Nam từ khi chế độ Ngô Đình Diệm thành hình. Cho nên trong nỗ lực chấm dứt chế độ đó, lực lượng Cách mạng đã phải đối diện với nó. Và đã giải quyết một cách khôn ngoan nhất trong điều kiện chính trị và lịch sử lúc bấy giờ. Sau này khi đã rút lui khỏi chính trường, ông Lodge cũng đã công nhận rằng:  

“Cuộc binh biến ngày 1-11-1963 là một biến cố hoàn toàn thuộc nội bộ Việt Nam. Vì thiếu sự xâm nhập vào chính trường khúc mắc của Việt Nam nên chúng ta không thể tổ chức đảo chánh ví dụ như chúng ta muốn. Chúng ta cũng không thể chận đứng được binh biến. Chính sách của chúng ta theo chỉ thị của Tổng thống Kennedy là “không chống phá và không ngăn chận một cuộc binh biến”. Chúng tôi đã thi hành triệt để chính sách này. Tôi tự hỏi rằng những người viết ‘The Pentagon Papers” đã tiết lộ tất cả mọi chuyện, tại sao họ lại không tiết lộ việc bức điện tín ngày 24-8 (của Hillsman) đã bị hủy bỏ bởi bức điện tín ngày 30-8. Phải chăng họ đã không biết đến sự kiện đó?” [23].

Ngoài ra, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, một trong những lãnh tụ đảng Đại Việt cũ, và là người có nhiều đồng chí quan trọng tham dự tích cực vào ngày cách mạng 1/11/63 như Huỳnh Văn Tồn, Nhiễu, Lương, Dương Hiếu Nghĩa, Nhan Minh Trang v.v… cũng đã đưa ra những nhận định và dữ kiện chính xác sau đây:

Bây giờ thì ta đã thấy rằng chính phủ Hoa Kỳ không quyết tâm lật đổ Diệm, và trong mọi trường hợp, chắc chắn là không muốn Diệm bị giết. Việc lật đổ và sát hại xảy ra là chỉ do một số tướng lãnh Việt Nam. Người Mỹ đã không thúc đẩy họ đảo chánh, người Mỹ chỉ không ngăn chận họ mà thôi. Trong tấn bi kịch này, nhân viên tình báo Trung ương Mỹ có đầy đủ tin tức nhờ mối quan hệ của họ với những kẻ chủ mưu như Bác sĩ Trần Kim Tuyến, Phạm Ngọc Thảo, tướng Trần Thiện Khiêm trước khi chính cơ quan này liên lạc một cách chính thức với Trần Văn Đôn và Dương Văn Minh. Họ đã phục vụ chính phủ họ bằng cách cung cấp đầy đủ tin tức về những chuyện mà người Việt Nam muốn làm, và quá lắm là họ chỉ tìm cách để Trần Kim Tuyến thay thế Ngô Đình Nhu. Họ thất bại trong cố gắng tách rời Diệm khỏi Nhu và trong cố gắng ngăn chận cho Diệm khỏi bị ám sát khi mà sự ngoan cố của Diệm đã làm cho cuộc đảo chánh trở thành một việc không tránh được…[24].

Quả thật giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã có những nhận xét trung thực và nghiêm chỉnh của một nhà chính trị có kinh nghiệm đấu tranh lâu năm và của một nhà viết sử lương thiện. Có lẽ một phần nhờ ông có nhiều cán bộ đảng viên quân đội dưới quyền các tướng lãnh đảo chánh, đã cho ông những tin tức nội bộ và phần khác có lẽ nhờ ông chịu nghiên cứu kỹ càng các tài liệu và công điện nói về chính biến 1963, đặc biệt là tài liệu và công điện được ghi trong cuốn “The Pentagon Papers” mà giá trị khả tín của cuộc sách này cũng như tên tuổi của tác giả Neil Sheehan không ai có thể phủ nhận được.

Qua phân tách trên đây của giáo sư Huy, ta có thể chia sự liên hệ móc nối giữa chính quyền Hoa Kỳ và các tướng lãnh Việt Nam làm hai giai đoạn: giai đoạn đầu giữa CIA Sài Gòn với nhóm thân CIA là tướng Khánh, tướng Khiêm, Đại tá Phạm Ngọc Thảo (làm việc cho Bác sĩ Trần Kim Tuyến), và giai đoạn sau giữa chính quyền Hoa Kỳ và nhóm của tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, thành phần chính thức tổ chức và lãnh đạo cuộc chính biến cũng như chịu trách nhiệm trước lịch sử và quốc dân. Hai nhóm tướng lãnh này, một tháng trước khi phát động cuộc chính biến đang là hai nhóm biệt lập và nghi ngại nhau. Cần phải nhớ rõ điều đó thì mới biết được mức độ can dự vào biến cố 1963 của Hoa Kỳ như thế nào và từ bao giờ.

Như hồi ký của các tướng lãnh và nhiều tài liệu quốc tế tiết lộ thì dự định và kế hoạch lật đổ các ông Diệm–Nhu đã được manh nha từ sau đêm 20/8/1963, khi các ông Diệm–Nhu ra lệnh tấn công chùa chiền. Về phía Hoa Kỳ, ý muốn đẩy ông Ngô Đình Nhu ra khỏi chính quyền Việt Nam và nếu Diệm chống đối thì đẩy luôn cả Diệm, đã được phát hiện qua công điện ngày 24/8/1963 của phụ tá Ngoại trưởng Hilsman gởi cho Đại sứ Cabot Lodge tại Sài Gòn (“The Pentagon Papers”, tr. 194–195).

Ngày hôm sau, công điện ngày 25/8/1963, (theo Pentagon Papers trang 195), của Đại sứ Lodge trả lời Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết việc đòi hỏi ông Diệm xa lánh ông Nhu là vô ích mà nên đi thẳng với các tướng lãnh (ngụ ý nên tính đến chuyện đảo chánh nhưng công điện không cho biết tên tuổi tướng lãnh nào: ghi chú của người viết).

- Công điện ngày 26/8/1963 của John Richardson, chủ nhiệm CIA Sài Gòn, gởi cho CIA Trung ương, báo cáo việc đã liên hệ được với tướng Khiêm và tướng Khánh, hai vị tướng mà nhiều người biết là thân Mỹ và thân CIA, đặc biệt tướng Khiêm lại là bạn thân của bác sĩ Tuyến và đại tá Thảo, những người làm việc chặt chẽ với CIA (“The Pentagon Papers”, tr. 195, 196). 

- Công điện ngày 28/8/1963 gởi CIA Trung ương báo cáo cuộc gặp gỡ giữa Conein và Khiêm cho biết hầu hết tướng lãnh (trừ tướng Đính và tướng Cao) đều muốn đảo chánh. Nếu không vô hiệu hóa được Tướng Đính và Đại tá Tung thì đụng độ sẽ xảy ra khắp Sài Gòn và số thiệt hại nhân mạng có thể ở mức độ trầm trọng. (“The Pentagon Papers”, tr. 196, 197).

- Công điện ngày 31/8/1963 của tướng Harkins ở Sài Gòn gởi cho tướng Taylor, Tổng Tham Mưu trưởng, báo cáo chấm dứt “Âm mưu Tháng Tám” (End of August Plot). Công điện nói rằng tướng Khiêm cho biết lúc này tướng Minh đã chấm dứt mọi kế hoạch để theo một phương án khác. Khánh và Khiêm cũng bỏ kế hoạch cũ để đi theo tướng Minh. Khiêm cũng biết Phạm Ngọc Thảo vẫn tiếp tục theo kế hoạch cũ nhưng ít người tin tưởng ở Thảo vì quá khứ Việt Cộng của ông ta. (“The Pentagon Papers”, tr. 202).

Cho đến đây ta thấy rằng Mỹ đã tiếp xúc với các tướng Khánh, Khiêm và đại tá Thảo vốn là những người thân với CIA. Đằng sau tướng Khiêm thấp thoáng bóng tướng Minh, nhưng tự thân tướng Minh thì không tiếp xúc với Mỹ. Và vì đã có sự nghi ngại nhau nên tướng Minh chấm dứt kế hoạch cũ (August Plot) để tìm một phương án khác. Thế là chấm dứt giai đoạn Một.

Giai đoạn Hai là giai đoạn tướng Dương Văn Minh đại diện cho nhóm các tướng Đôn, Khiêm để tiếp xúc với Trung tá Conein và đã được trình bày rõ qua những công điện sau đây:

- Công điện ngày 5/10/1963 của Đại sứ Lodge gởi về Bộ Ngoại Giao báo cáo về cuộc gặp gỡ giữa trung tá Conein và tướng Dương Văn Minh theo lời yêu cầu của tướng Minh.

Cuộc gặp gỡ này diễn ra tại Bộ Tư Lệnh của tướng Minh ở trại Lê Văn Duyệt trong 1 giờ 10 phút. Cuộc gặp gỡ diễn ra chỉ có hai người và đối thoại bằng tiếng Pháp. (“The Pentagon Papers”, tr. 213–215).

Trong cuộc hội kiến này:

1. Tướng Minh muốn biết lập trường của chính phủ Mỹ nếu có thay đổi chính phủ Việt Nam trong một tương lai gần.

2. Tướng Minh nói rõ ông không cần một sự giúp đỡ đặc biệt nào trong việc ông ta và các đồng chí quyết định lật đổ ông Diệm. Nhưng ông ta cần một sự bảo đảm của chính phủ Mỹ là đừng để lộ ý định của tướng lãnh.

3. Tướng Minh nhấn mạnh mục đích chính của ông ta chỉ là muốn chiến thắng Cộng Sản mà muốn thế thì viện trợ quân sự và kinh tế phải được tăng lên cao hơn mức độ ngày nay.

4. Tướng Minh phác thảo kế hoạch “thay đổi chính phủ” bằng ba cách:

- một là ám sát Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn nhưng giữ ông Diệm lại địa vị Tổng thống.

- hai là bao vây Sài Gòn bằng nhiều đơn vị khác nhau, đặc biệt là đơn vị Bến Cát.

- ba là trực tiếp đối đầu giữa quân Cách mạng và quân trung thành với chính phủ mà con số tại Sài Gòn độ 5500 người.

Conein cho tướng Minh biết rằng ông ta không thể trả lời được câu hỏi về việc chính phủ Hoa Kỳ dính líu vào biến cố đảo chánh, cũng như không thể đưa ra những khuyến cáo về các kế hoạch đảo chánh.

5. Tướng Minh cho biết ông lo ngại tướng Khiêm vì tướng này đã chơi trò hàng hai trong vụ “Âm mưu tháng Tám”. Tướng Minh yêu cầu Conein giao cho ông ta bản sao và tài liệu căn cứ Long Thành và kho đạn để ông ta đích thân so sánh tài liệu đã giao cho Khiêm.

6. Tướng Minh cho biết lý do ông ta cần hành động gấp vì có nhiều cấp chỉ huy Trung đoàn, Tiểu đoàn, Đại đội cũng có kế hoạch đảo chánh mà nếu họ thất bại thì thật là một thảm họa vô cùng to lớn.

Toàn bộ công điện trên đây cho thấy rõ rằng: 1) trước ngày 5/10/1963, ông Minh chưa hề tiếp xúc với Mỹ, 2) không cần Mỹ giúp đỡ trong việc đảo chánh, 3) yêu cầu tiếp tục quân và kinh viện sau khi thay đổi chính phủ.

- Công điện ngày 30/10/1963 (một ngày trước khi xảy ra chính biến) để trả lời ông Bundy về sự lo ngại của Hoa Thịnh Đốn, đại sứ Lodge trình bày rằng: người Mỹ không đủ tư thế để trì hoãn hay làm nản chí âm mưu đảo chánh. Và tướng Đôn đã xác định nhiều lần rằng việc đảo chánh hoàn toàn thuộc nội bộ Việt Nam. (“The Pentagon Papers”, tr. 226–229).

Nói tóm lại với những tài liệu và công điện được ghi trong cuốn “The Pentagon Papers” mô tả việc Hoa Kỳ liên hệ với tướng lãnh Việt Nam, ta thấy có ba sự kiện nổi bật:

1. Hoa Kỳ rất bất mãn với anh em ông Diệm, họ phải lựa chọn một trong hai cách để giải quyết vấn đề Việt Nam. Hoặc bỏ rơi miền Nam hoặc thanh toán chế độ Diệm. Cuối cùng họ chọn cách lật đổ chế độ Diệm theo xu hướng của Phụ tá Ngoại trưởng Roger Hilsman và đại sứ Henry Cabot Lodge. Tuy nhiên đó chỉ là ý định có tính chiến lược. Trên thực tế, nếu không có những điều kiện chính trị thuận lợi do sự bất mãn chống đối của các lực lượng đảng phái, trí thức, tôn giáo và quần chúng Việt Nam, và nếu không có một công cụ thể hiện sự bất mãn đó là lực lượng quân đội đứng ra tổ chức chính biến thì người Mỹ đành bó tay bất lực trước sự cứng đầu và ngoan cố của anh em ông Diệm.

2. Sở dĩ người Mỹ liên hệ được với tướng lãnh là do sự móc nối ban đầu của các tướng Khánh, Khiêm và đại tá Thảo, những người vốn đã thân với CIA từ lâu nhưng lại không có tương quan gì với nhóm Đôn, Kim, Đính cả. Đàng sau nhóm này, tuy có sự hiện diện ít ỏi của tướng Minh nhưng tướng Minh chẳng những đã không liên lạc gì với Mỹ mà lại còn nghi ngờ tướng Khiêm không thành thật mà định đi hai mang.

3. Trong lúc đó thì tướng Đôn có tổ chức riêng được sự hợp tác của tướng Minh và cho đến ngày 5/10/1963 mới có cuộc gặp gỡ giữa tướng Minh và Conein lần đầu tiên. 

Ba yếu tố này và những biến chuyển sau đó cho thấy giáo sư Huy đã phân tách nghiêm chỉnh và trung thực để đưa đến nhận định chung quyết rằng: “Người Mỹ đã không thúc đẩy họ đảo chánh, người Mỹ chỉ không ngăn chận họ mà thôi. Trong tấn bi kịch này, nhân viên tình báo Trung ương Mỹ có đầy đủ tin tức nhờ mối quan hệ của họ với những kẻ chủ mưu như Bác sĩ Trần Kim Tuyến, Phạm Ngọc Thảo, Tướng Trần Thiện Khiêm trước khi chính cơ quan này liên lạc một cách chính thức với Trần Văn Đôn và Dương Văn Minh”. Nói cách khác, chính người Việt Nam chủ động cuộc chính biến từ dự định đến quyết định, từ kế hoạch đến thực hiện, từ phương tiện đến nhân sự, còn người Mỹ chỉ là kẻ đã bị đặt trước một tình trạng đã rồi và chỉ chạy theo mà thôi. Vì thế tôi mới viết: “Chính tướng lãnh Việt Nam bật đèn xanh cho Mỹ chứ không phải Mỹ bật đèn xanh cho tướng lãnh Việt Nam”.

Cũng cần nói thêm rằng những nhận định của giáo sư Huy trên kia đã được trích ra từ tài liệu “The Story of Ngô Đình Diệm’s overthrow and murder” của giáo sư, tập tài liệu mà ông đã tặng tôi nhân ông và Cụ Nguyễn Văn Tại (hiện sống tại Garden Grove) đến thăm tôi tại Costa Mesa năm 1979. Tài liệu này là một bản photocopy có bút tích của giáo sư mà tôi còn giữ và chắc rằng nhiều đồng chí của giáo sư trong “Mặt Trận Liên Minh Dân Chủ” của ông cũng được ông gởi tặng. Lúc trao cho tôi, giáo sư Huy cho biết tài liệu này sẽ được đăng vào tác phẩm “Understanding Vietnam” cuốn sách do ông và Giáo sư Stephan B. Young viết chung và sẽ do “The Displaced Persons Center Information Service Business, The Netherlands” (TDT. Thomasson) xuất bản.

Không nắm vững nội tình của người Việt lúc đó hoặc không nghiên cứu kỹ các tài liệu, một vài ký giả, sử gia Hoa Kỳ, như trường hợp bà Ellen Hammer, một bạn thân với nhà Ngô và với Giáo sư Bửu Hội, đã viết sai sự thật trong cuốn “A Death in November” của bà ta với hậu ý bênh vực nhà Ngô.

Lại cũng tiếc rằng một số người Việt Nam có hậu ý, cứ muốn ngụy biện rằng chính phủ Mỹ chủ động vụ đảo chánh 1963 để xuyên tạc tướng lãnh là tay sai của Mỹ, đã không nhớ rằng chính ông Diệm là sản phẩm của Mỹ đã được chính giới Hoa Kỳ « bồng » về nước để cầm quyền, chính ông Diệm đã nhờ Mỹ áp lực với Pháp để truất phế Bảo Đại, nhờ Mỹ để đánh tan các giáo phái, đảng phái và những lực lượng kháng chiến quốc gia. Họ cũng đã cố tình quên rằng chính anh em ông Diệm chứ không ai khác, đã là đầu mối cho Mỹ vào Việt Nam và khuynh loát toàn bộ chính tình miền Nam, chi phối mọi lãnh vực sinh hoạt tại miền Nam, thì dù bất kỳ lực lượng nào muốn gây một biến cố chính trị cũng không thể qua được tai mắt người Mỹ, cũng không thể, nhiều hay ít, không đặt yếu tố người Mỹ vào trong những kế hoạch của mình. Điểm đặc thù đó của chính trị miền Nam, bắt đầu từ và vì chế độ Diệm, sẽ được chế độ Thiệu thừa hưởng trọn vẹn sau này.

 

-o0o-

 

Hai yếu tố người Công giáo Việt Nam người Mỹ mà tôi vừa trình bày trong mấy trang vừa qua, tuy không phải và không thể là những trở ngại ngăn chận hay phản kích được cuộc cách mạng 1–11–63 nhưng vì vai trò chính trị của họ trong sinh hoạt quốc gia của những năm 60, vì liên hệ cơ cấu của họ trong lịch sử cận đại của dân tộc, nên đã trở thành những yếu tố mà dù muốn dù không, sau này, đã tác dụng và gây ra những thay đổi vào chủ đích cũng như ước nguyện ban đầu của ngày Cách mạng 1–11–63. William Lederer, nhìn từ quan điểm của một người viết sử Hoa Kỳ, cũng đã thấy tính cách dang dở của cuộc Cách mạng dù giá trị lớn lao của ngày 1–11–1963 đó trong lòng dân Việt:

Năm 1963, khi Tổng thống Diệm bị sát hại, nhân dân Việt Nam đã phản ứng một cách vui mừng và nhẹ nhõm như cất đi được một gánh nặng. Nét đặc thù của triều đại ông ta là những hậu quả xấu xa nhất của một nền cai trị hà khắc của Cộng Sản chồng chất lên những đặc điểm xấu xa nhất của một nền dân chủ thối nát.

Nhân dân Việt Nam tin rằng Hoa Kỳ, từ trước, vốn vẫn cố duy trì Diệm ở vị trí cầm quyền nay gạt bỏ ông ta vì ông ta không còn mang sứ mạng do Trời giao phó. Nhân dân miền Nam chấp thuận việc chấm dứt sự cai trị của Diệm và họ hướng về Hoa Kỳ mong chính phủ này đưa một tầng lớp lãnh đạo có khả năng vào thay thế.

Nhưng điều này đã không xảy ra [25].    

Không xảy ra vì hai yếu tố người Công giáo Việt Nam người Mỹ vẫn đè nặng lên vận mạng dân tộc dù nỗ lực khai thông lịch sử có bùng lên trong ngày 1–11–1963.

Nếu ngày cách mạng đó là hậu quả quyết liệt và minh nhiên nhất của 9 năm bạo quản Ngô Đình Diệm và là kết quả hiển lộ và lẫm liệt nhất của cao trào đấu tranh cho Dân chủ và Tự do, thì ở một mặt khác, nó cũng là nguyên nhân mở đầu cho ba năm xáo trộn chính trị và một phần nào tạo điều kiện cho Cộng Sản nâng cao hơn mức độ chiến tranh trong mưu đồ tấn chiếm miền Nam bất di bất dịch của Hà Nội.

Tuy nhiên, không phải vì vậy mà giá trị cách mạng của ngày đó bị phai mờ. Vì dù chỉ “nhìn kết quả để đánh giá nguyên nhân” trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1975 mà thôi, thì ngày cách mạng 1–11–63 cũng đã là một khúc rẽ quan trọng nằm giữa cái nguyên nhân Ngô Đình Diệm và cái kết quả mất nước 1975. Còn nếu đứng vững trên lập trường dân tộc, bằng cái nhìn thời đại thông suốt, trong chiều dài thăm thẳm của lịch sử, thì ngày 1–11–63 có ý nghĩa không chối cãi được của một ngày cách mạng. Nó đã trả lời được ước mơ của dân tộc là sống tự do, sống thong dong; nó đã đáp ứng được thời đại là xóa bỏ được một chế độ bán phong kiến siêu độc tài lỗi thời; và nó đã thể hiện triệt để cái quy luật lập quốc của lịch sử Việt là một chế độ bạo trị thì thế nào cũng bị tiêu diệt.

Như vậy, ngày 1–11–63 đúng là một ngày cách mạng.

Hay nói cho đúng hơn, là ngày cách mạng mở đầu cho một cuộc cách mạng dang dở. Nó không thuộc về những lực lượng khai sinh ra nó nữa, nó lại càng không thuộc về những kẻ còn nuối tiếc chế độ Diệm sau này, nó thuộc về lịch sử Việt Nam, nó là của dân tộc Việt Nam.

 



[1] Dennis Warner, The Last Confucian, tr. 224, 225.

[2] Tuần báo Paris Match (số ngày 11-11-72), tr. 38.

[3] Douglas Pike, Vietcong, tr. 71-73.

[4] William Miller, Henry Cabot Lodge, tr. 351.

[5] Chương trình “Vietnam: A Television History”, đài truyền hình PBS, 1983.

[6] Dương Tấn Tươi, Cười, Nguyên nhân và Thực chất, tr. 44.

[7] Hilaire du Berrier, Background to Betrayal, tr. 251, 257, 258.

[8] The Untold Story of The Road to War in Vietnam, trong tuần báo US News and World Report (số tháng 10-83).

[9] Mieczylaw Maneli, War of The Vanquished, tr. 123.

[10] Tài liệu “The Story of Ngo Dinh Diem’s Overthrow and Murder” của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy sẽ được đăng vào “Displaced Person”, Centre Information Service, mục “Understanding VN”. Giáo sư Huy đã có nhã ý tặng tác giả một phó bản tài liệu này sau khi ông viết xong vào cuối năm 1979. Tài liệu của Giáo sư Huy chứa đựng nhiều sử liệu chính xác chưa bao giờ được tiết lộ. Duy có vài chi tiết liên quan tới tác giả cần phải bổ túc:

a. Tác giả không phải đã theo ông Diệm từ thời ông Diệm còn là một Tỉnh trưởng, mà đã theo vào năm 1942, nghĩa là 10 năm sau khi ông Diệm từ chức Thượng thư Bộ Lại.

b. Tác giả không phải đã đồng ý hoàn toàn với nhà Ngô trong việc đàn áp tất cả các giáo phái mà chỉ đồng ý việc triệt hạ nhóm Bình Xuyên mà thôi.

[11] Jean Lacouture, Le Vietnam Entre Deux Paix, tr. 117-121.

[12] Lê Tử Hùng, Nhật Ký Đỗ Thọ, tr. 77.

[13] William Miller, Henry Cabot Lodge, trong Lời Giới Thiệu của Nhà Xuất Bản.

[14] William Miller, Henry Cabot Lodge, trang 133 và 154

[15] William Miller, Henry Cabot Lodge, trang 342

[16] William Miller, Henry Cabot Lodge, trang 133 và 154

[17] Số tiền này chỉ là mật phí đặc biệt, còn ngân khoản cho quân trang, quân dụng, lương bổng của đơn vị này đã do ngân sách Bộ Quốc Phòng đài thọ.

[18] William Miller, Henry Cabot Lodge, trang 333 và 354.

[19] William Miller, Henry Cabot Lodge, tr. 350.

[20] Trong công điện này có câu: “… The US cannot tolerate a situation in which power lies in Nhu’s hand. Proposed that Diem be given a chance to jettison his brother. If  Diem remains obdurate and refuses, we must face the possibility that Diem himself cannot be preserved…”

[21] Henry Cabot Lodge, The Storm Has Many Eyes, tr. 209.

[22] Các sách báo Công Giáo Cần Lao hải ngoại, sách “Our Vietnam Nightmare” của Marguerite Higgins và tuần báo US News and World Report (số ngày 10-10-83).

[23] Henry Cabot Lodge, The Storm Has Many Eyes, tr. 209.

[24] Nguyễn Ngọc Huy, The Story of Ngo Dinh Diem’s Overthrow and Murder.

[25] William Lederer, Our Own Worst Enemy, tr. 77.

 

©sachhiem.net

Trang Bìa VNMLQHT


Tất cả các chương sách VNMLQHT đã đăng trong sachhiem.net:

VNMLQHT- Ý Kiến Đọc Giả (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục A-Trăm Lời Phê Phán (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục B-Sáu Bài Đọc Thêm (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục C-Bốn Lá Thư Riêng (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục D-Hai Tài Liệu (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục E- Mười Hai Bài Đọc Thêm (HLDM)

VNMLQHTch01- Quảng Bình - Quê Hương Định Mệnh (HLDM)

VNMLQHTch02- Vào Đường Đấu Tranh (HLDM)

VNMLQHTch03- Thăng Trầm trong Cuộc Chiến Việt Pháp (HLDM)

VNMLQHTch04 Phụ Bản - Những Bức Hình Lịch Sử (HLDM)

VNMLQHTch04- Những Ngày Cuối Cùng của Thực Dân Pháp (HLDM)

VNMLQHTch05- Góp Công Xây Dựng Chế Độ (HLDM)

VNMLQHTch06- Bảo Đại và Ngô Đình Diệm (HLDM)

VNMLQHTch07- Gia Đình Trị (HLDM)

VNMLQHTch08- Đảng Cần Lao (HLDM)

VNMLQHTch09- Chính Sách Độc Tài (HLDM)

VNMLQHTch10- Những Thất Bại của Chế Độ (HLDM)

VNMLQHTch11- Bắt Đầu Sự Sụp Đổ (HLDM)

VNMLQHTch12- Hai Năm Khốn Cùng (HLDM)

VNMLQHTch13- Tệ Trạng Tham Nhũng (HLDM)

VNMLQHTch14- Kỳ Thị Tôn Giáo (HLDM)

VNMLQHTch15- Biến Cố Phật Giáo (HLDM)

VNMLQHTch16- Từ Đồng Minh với Mỹ (HLDM)

VNMLQHTch17 Phụ Bản - Những Bức Hình Kỷ Niệm (HLDM)

VNMLQHTch17- Cuộc Cách Mạng 1-11-63 (HLDM)

VNMLQHTch18- Ba Năm Xáo Trộn (HLDM)

VNMLQHTch19- Chế Độ Thiệu (HLDM)

VNMLQHTch20- Kết Luận (HLDM)

VNMLQHTthumuc (HLDM)

 

Trang Hoành Linh Đỗ Mậu