VIỆT NAM MÁU LỬA

QUÊ HƯƠNG TÔI

- Hoành Linh Đỗ Mậu -

http://sachhiem.net/HOANHLINH/VNML16.php

01 tháng 11, 2007

«   »

Chương XVI


TỪ ĐỒNG MINH VỚI MỸ

ĐẾN THỎA HIỆP VỚI CỘNG

 

 

Trong lúc biến cố Phật giáo đang sôi nổi thì trong giới chính trị và tình báo tại Thủ đô Sài Gòn có hai vấn đề cũng được thảo luận và theo dõi gần như công khai. Đó là nguồn tin về những vận động của chính quyền Nhu–Diệm nhằm thỏa hiệp với Cộng Sản Hà Nội và những tin tức về các cuộc đảo chánh có thể xảy ra.

Sài Gòn như lên cơn sốt mùa hè với những tin đồn phóng đại, những giả thuyết đầy mâu thuẫn và những vận động ngầm sôi nổi. Đề tài về âm mưu thỏa hiệp với Hà Nội là đề tài nóng bỏng nhất vì không những nó liên hệ đến chế độ Diệm mà còn trực tiếp tạo nhiều hệ quả lớn lao cho vận mệnh của miền Nam Tự Do.

Sau cách mạng 1–11–1963, các bí mật từ từ lộ ra qua các tài liệu Việt Nam và quốc tế, những nhân chứng trong cuộc cũng từ từ tiết lộ những sự kiện cụ thể để ta có thể nghiêm túc trình bày lại diễn tiến của âm mưu này, cũng như để ta có thể chín chắn suy nghiệm về biến cố mà hai anh em Nhu–Diệm đang từ theo Mỹ đến chống Mỹ và đang từ chống Cộng đến thỏa hiệp với Cộng.

Âm mưu thỏa hiệp với chính quyền Cộng Sản Hà Nội của chế độ Diệm là một trong những động cơ quan trọng, nếu không muốn nói là động cơ thách đố nhất, thúc đẩy quân đội cùng với toàn dân đứng lên làm cuộc cách mạng 1–11–63. để ngăn chận và trừng phạt dòng họ Ngô Đình. Chính âm mưu này đã là nguyên động lực làm cho nhiều tổ chức chống chế độ có thể đoàn kết hợp tác với nhau mà không ngại ngùng, và đến khi tiếng súng cách mạng phát khởi thì các đoàn thể quần chúng và nhân dân cả nước cũng đều một lòng yểm trợ cho cuộc cách mạng lật đổ Ngô triều thành công.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định thay đổi lập trường và chính sách chống Cộng của hai anh em ông Ngô Đình Diệm nhưng tựu trung có thể gồm lại trong bốn điểm chính: thứ nhất là sự chống đối càng lúc càng quyết liệt của nhân dân và các lực lượng chính trị đối lập tại miền Nam; thứ hai là áp lực càng lúc càng nặng nề của lực lượng chính trị võ trang của kẻ thù Cộng Sản; thứ ba là sự căng thẳng trong mối bang giao Việt–Mỹ mà những đổ vỡ có thể mang đến các di hại trầm trọng; và thứ tư, quan trọng nhất, là bản chất thủ đoạn cũng như tính chủ quan của ông Ngô Đình Nhu. Nếu chỉ có một, hay hai, hay cả ba nguyên nhân mà thôi thì chưa chắc hai ông Diệm–Nhu đã thỏa hiệp với Cộng Sản, nhưng vì bốn nguyên nhân vừa khách quan vừa chủ quan này đã, chậm chạp nhưng chắc chắn, cùng phối hợp với nhau nên đã đánh bật lập trường chống Cộng của anh em Ngô Đình, dù từ lâu mối thù giết anh ruột đã bắt gốc rễ vào tâm trí họ, và dù sự nghiệp chính trị của họ được xây dựng trên quyết tâm chống Cộng của quân dân miền Nam.

 

-o0o-

 

Thật vậy, như tôi đã trình bày trong hai chương 11 và 12, cao trào chống đối của quân dân miền Nam trước chính sách độc tài và đàn áp các lực lượng quốc gia của chính quyền Ngô Đình Diệm càng lúc càng gia tăng với bản cáo trạng lên án chế độ của nhóm Caravelle, với hoạt động đối kháng của Mặt Trận Đoàn Kết do ông Nguyễn Tường Tam chủ xướng, của đảng Tự Do Dân Chủ do ông Phan Quang Đán thúc đẩy, của Liên Minh Dân Chủ do nhóm các ông Phan Bá Cầm, Xuân Tùng, Hoàng Cơ Thụy lãnh đạo,… và hai cuộc binh biến táo bạo cũng như quyết liệt của binh chủng Nhảy Dù và vụ ném bom dinh Độc Lập. Đó là chưa nói đến những cá nhân hoặc đoàn thể trước kia đã từng cộng tác, ủng hộ và nhiều khi hy sinh cả đời người cho hoạt động chính trị của hai ông Nhu–Diệm thì kể từ năm 1960 trở đi, cũng đã công khai lên án chế độ và bày tỏ thái độ chống đối gia đình họ Ngô. Và đó cũng chưa kể đến sự công phẫn của quần chúng mà điển hình là cuộc vận động cách mạng của Phật giáo bắt đầu lan rộng và biến thành những hình thức đề kháng chế độ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Những hoạt động chống đối đó đáng lẽ phải được nghiên cứu sâu sắc và truy tầm nguyên nhân để rút ra những bài học tích cực hầu xây dựng dân chủ và sửa sai chế độ thì hai ông Nhu–Diệm lại xem đó như những khiêu khích phản loạn cần phải diệt trừ cho tuyệt hậu họa. Họ đã xem hành động đối lập của các lực lượng quốc gia như hành động của kẻ thù tối nguy hiểm vì chính đối lập mới thực sự đe dọa đến quyền hành và danh vọng của họ, quyền lợi và mạng sống của họ. Họ lo lắng suy nghĩ và dành nhiều phương tiện cũng như nhân sự của quốc gia để lo đối phó với những thành phần đối lập quốc gia còn hơn cả đối phó với kẻ thù Cộng Sản. Nhưng như tôi đã trình bày và lịch sử giai đoạn đó đã chứng minh, chế độ càng đàn áp thì sự chống đối càng gia tăng. Gia tăng trên cả hai mặt mức độ cũng như số lượng đến nỗi đã dùng đến cả võ lực (vụ ném bom) vốn là hình thức cao nhất và dứt khoát nhất của mọi cuộc đấu tranh.

Tình trạng lớn mạnh của đối lập đó, trong những năm từ 1960 trở đi, tuy chưa trực tiếp và tức thì đe dọa chế độ, nhưng hai ông Nhu–Diệm cũng đã phải nhận rằng nếu tình trạng đó kéo dài thì chính các lực lượng chính trị đối lập đó, chứ không ai khác, trong tương lai sẽ đập tan chế độ và uy quyền của họ. Nhận định đó, khi biến cố Phật giáo xảy ra vào năm 1963 và nhất là khi những áp lực của người Mỹ trở thành nặng nề hơn, mới trở thành một yếu tố tác động lên quyết định thỏa hiệp với Cộng Sản Hà Nội để hoặc là dùng Cộng Sản như một phụ lực tiêu diệt đối lập, hoặc dùng Cộng Sản như một mối đe dọa để làm chantage lực lượng đối lập. Kế hoạch hai mặt đó, hai ông Nhu–Diệm nghĩ rằng nếu không làm tê liệt được quyết tâm thì ít nhất cũng tiêu diệt được khả năng chống đối của người quốc gia.

Cho nên chính sự thất bại và bế tắc trong chính sách đàn áp đối lập cuối cùng đã là nguyên nhân sâu sắc nhất nhưng lại ẩn tàng nhất đẩy hai ông Diệm–Nhu vào vòng tay Cộng Sản để mong bảo đảm danh vọng và quyền lợi cho họ.

Đó là nguyên nhân thứ nhất.

Nguyên nhân thứ hai là sự trưởng thành của lực lượng chính trị quân sự Cộng Sản, một kẻ thù khác, đang rõ ràng công khai thách thức tư cách chủ nhân miền Nam của chính quyền Ngô Đình Diệm và đánh phá sức mạnh đã bắt đầu lung lay của chế độ. Sự ra đời của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam là cao điểm chính trị của Việt Cộng sau khi đã làm ung thối tình hình thôn quê miền Nam mà những ấp chiến lược, những khu trù mật, những khu dinh điền, những chính sách quân phân ruộng đất, những chiến dịch tố Cộng,… đã tạo ra những phản tác dụng cho Việt Cộng khai thác và bành trướng.

Mặt khác, sự ra đời của Mặt Trận cũng chính thức hóa sự lệ thuộc của nó vào hậu phương lớn Bắc Việt trên cả hai mặt chính trị lẫn quân sự, cho thấy Mặt Trận chính là một bộ phận của Hà Nội và đánh Mặt Trận là trực tiếp đánh Hà Nội. Trên mặt thuần túy quân sự, sự ra đời của Mặt Trận đã cho phép họ thâu nhận nhiều yểm trợ khí cụ hơn cũng như kết nạp được nhiều nhân lực hơn, ngay tại miền Nam, để thành lập những đơn vị chiến đấu lớn. Thất bại nặng nề của Sư đoàn 13 tại Tây Ninh cuối năm 1960 đã là dấu hiệu đầu tiên của sự lớn mạnh đó của Mặt Trận.

Hai ông Diệm–Nhu lẽ tất nhiên đã không xem Việt Cộng như những lực lượng phiến loạn địa phương kiểu các giáo phái Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo mà họ đã từng dẹp yên được, lại càng không xem đó như những lực lượng võ trang quốc gia đối lập kiểu chiến khu Ba Lòng của Đại Việt hay chiến khu Nam Ngãi của VNQDĐ mà họ đã từng tàn bạo tiêu diệt một cách dễ dàng. Hai ông Diệm–Nhu đã từng thấy được tính cách trường kỳ dai dẳng của Việt Minh thời chiến tranh Pháp–Việt, cũng như bắt đầu thoáng thấy được sự vô hiệu của những chiến lược chống Cộng của họ từ nhiều năm qua, thì hẳn họ cũng hiểu hơn ai hết là thời gian không đứng về phía họ, nghĩa là trong cuộc chiến này, càng về dài thì địch càng mạnh họ càng yếu. Cũng như càng về dài thì ngôi vị, danh vọng, quyền lực, và ngay cả mạng sống của họ càng bị đe dọa mà thôi.

Cho nên thay vì nhường quyền lãnh đạo quốc gia cho lực lượng chống Cộng khác, hoặc cải tổ chính quyền và thay đổi chính sách để đáp ứng hữu hiệu hơn với sự đe doạ đó thì hai ông Nhu–Diệm, sau này, khi cùng một lúc bị những áp lực khác đè nặng, đã như con đà điểu chui đầu xuống cát, tìm cách đầu hàng bằng sự thỏa hiệp với kẻ thù.

Trước khi trình bày nguyên nhân thứ ba, nguyên nhân mà tôi gọi là sự căng thẳng trong mối bang giao Việt–Mỹ vào những năm đầu của thập niên 1960 khiến anh em Diệm–Nhu đã đi đến quyết định thỏa hiệp với Cộng Sản, tôi xin được rất thực tế nêu lên một số biến cố lịch sử để, qua đó, cụ thể phân tách một khía cạnh rất đặc thù về chính sách ngoại giao của Mỹ đối với các đồng minh trong sách lược chống Cộng toàn cầu của họ.

Lịch sử bang giao quốc tế từ thời xa xưa lúc các quốc gia bắt đầu thành hình cho đến hiện đại, khi mà thế lưỡng cực Tư Bản – Cộng Sản càng lúc càng gay gắt, đã cho thấy không thiếu những trường hợp một quốc gia này yêu cầu một quốc gia khác đem quân đến giúp. Lời “yêu cầu” đó có thể thật hay là giả, chính đáng hay không, hợp với công pháp quốc tế hay không, là tùy bản chất của sự liên hệ giữa hai quốc gia. Cũng vậy, “giúp” đó là thật hay giả, ngụy trang xâm lăng hay thật sự yểm trợ, là tùy tình trạng của biến cố đó.

Hoa Kỳ không những là một cường quốc, mà còn là một cường quốc lãnh đạo một khối để trực đối với một khối khác, nên lại càng bị lôi cuốn vào những tranh chấp tuy cục bộ nhưng lại ảnh hưởng đến tương quan lực lượng Tư Bản – Cộng Sản. Do đó mà tuy mới 200 năm lập quốc, Hoa Kỳ đã nhiều lần phải dính dự vào các biến cố nội bộ của các quốc gia thân hữu mà Hoa Kỳ xem là đồng minh. Những dính dự đó hầu hết là để yểm trợ. Và dù những yểm trợ đó có lúc bắt nguồn từ quyền lợi của nước Mỹ, cũng đã có lúc vụng về gây tai hại nhiều hơn là đem đến ích lợi, nhưng nói chung thì những yểm trợ đó phản ánh đức tính hào hiệp và vị tha của một dân tộc mà tôn giáo đã là một trong những nguyên ủy lập quốc, mà những lý tưởng về Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền đã là những sức mạnh duy trì sự cao cả của dân tộc họ. Đức tính hào hiệp và những lý tưởng lập quốc đó đã chảy xuyên dòng lịch sử ngoại giao của Hoa Kỳ như một thứ cốt tủy, dù phần thể hiện của nó là các chính sách ngoại giao, có thay đổi theo thời đại hay theo từng nhiệm kỳ của mỗi vị Tổng thống. Chúng đã thuộc về căn cước văn hóa của dân tộc Hoa Kỳ. Hay nói như Coral Bell, một nhà nghiên cứu Úc, thì:     

“Đạo đức và tinh thần thượng tôn pháp luật là hai tuyến lõi trung ương của nền ngoại giao Hoa Kỳ kể từ khi quốc gia này ý thức được vai trò cường quốc của mình” [1].

Thật vậy, Hoa Kỳ đã hai lần đưa quân đội vào nước Pháp giúp giải thoát nước này khỏi gót giày xâm lăng của quân phiệt Đức. Sau thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ lại thực hiện kế hoạch viện trợ Marshall để giúp Pháp tái thiết xứ sở và nhất là giúp các lực lượng dân chủ Pháp đánh bại mưu toan cướp chính quyền của đảng Cộng Sản Pháp, lực lượng mạnh nhất lúc bấy giờ, mạnh đến nỗi đã đánh bật vị anh hùng cứu quốc De Gaulle ra khỏi chính quyền năm 1946.

Cũng vậy, tháng 6 năm 1950, Hoa Kỳ gởi quân qua Thái Bình Dương giúp Nam Hàn chống lại cuộc xâm lăng của Bắc Hàn và Trung Cộng. Trong những ngày đầu của trận chiến, tướng MacArthur đã khuyên Tổng thống Lý Thừa Vãn bỏ thủ đô Hán Thành rút về miền cực Nam để bảo toàn lực lượng mà vị Tổng thống này vì tự ái dân tộc đã không chịu nghe theo. Đến khi Bắc quân đánh xuống như thế chẻ tre, ông mới rút về Phú San, để từ đó cùng với quân lực Mỹ của tướng MacArthur phản công đuổi quân thù ra khỏi vĩ tuyến thứ 38. Sau khi hòa bình vãn hồi, nhận rõ áp lực nặng nề vẫn đe dọa đất nước, Tổng thống Lý Thừa Vãn đã yêu cầu quân Mỹ ở lại để bảo vệ biên giới phương Bắc, đồng thời thực thi một nền tự do dân chủ có trách nhiệm để tạo những nền móng chính trị cho nền độc lập và cho những phát triển kinh tế lẫy lừng sau này.

Cũng tại Á Châu và gần gũi với Việt Nam hơn, Phi Luật Tân đã bị Hoa Kỳ chiếm đóng trong và sau đại chiến thứ hai. Nhưng trong khi các nước Á Phi khác phải đổ rất nhiều xương máu và tốn rất nhiều thời gian để giành lại độc lập thì ngược lại, Phi Luật Tân đã được Hoa Kỳ hào hiệp trao trả chủ quyền đất nước ngày 4 tháng 7 năm 1946, khác hẳn với chính sách duy trì chế độ thuộc địa của các đế quốc thực dân khác như Bỉ (ở Congo), Pháp (ở Việt Nam, Algérie), Hòa Lan (ở Nam Dương).

Để bảo vệ nền độc lập trong trường hợp bị Trung Cộng xâm lăng và để tỏ thiện chí cho mối giao hảo hầu mở đầu những bang giao kinh tế tốt đẹp sau này, Phi Luật Tân đã nhượng cho Hoa Kỳ thuê (Cession and Bail) hai căn cứ quân sự lớn là Clark Air Base và Subic Bay mà số ngoại tệ thu nhận được từ hai căn cứ này đã đóng góp rất nhiều vào việc phục hưng nền kinh tế hậu chiến của Phi Luật Tân. Trong suốt các thập niên 1950 và 60, Hoa Kỳ đã giúp Phi Luật Tân tối đa trên cả hai mặt kinh tế lẫn chính trị để trở thành một trung tâm vận động của vùng Đông Nam Á mà điển hình là các định chế kinh tế, quân sự liên vùng như ADB Asia Development Bank (Ngân Hàng Phát Triển Á Châu), SEATO Southeast Asia Treaty Organization (Tổ chức Minh Ước Liên Phòng Đông Nam Á) đều đặt trụ sở hoặc bộ chỉ huy trung ương tại Manila.

Một trường hợp đặc biệt khác mà tôi muốn đề cập ở đây như một bài học lịch sử là trường hợp của Nhật Bản. Trong đệ nhị thế chiến, Hoa Kỳ đã từng tiến đánh và nhiều khi chiếm đóng các đảo của Nhật tại Thái Bình Dương để trừng phạt quốc gia này đã tấn công Trân Châu Cảng và hợp tác với Đức Quốc Xã của Hitler.

Sau sự tàn phá khủng khiếp của hai quả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki, ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên soái hạm Missouri, đại diện Nhật hoàng ký văn kiện đầu hàng vô điều kiện trước mặt vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Quân Đội Đồng Minh tại mặt trận Thái Bình Dương là tướng MacArthur. Những Đô đốc, Tướng lãnh, Sĩ quan thường rất kiêu hãnh của quân đội Thiên Hoàng đã để những giọt nước mắt từ từ rơi xuống ngay cả trước mặt quân thù. Đó là những giọt lệ chân thành và chua xót nhất của kẻ chiến bại mà đã một thời từng đánh tan hạm đội Nga Hoàng, từng tốc chiến tốc thắng tại Lư Câu Kiều (Trung Hoa), từng tung hoành oanh liệt khắp vùng Đông Nam Á làm bàng hoàng cả thế giới.

Trước đó, ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật Hoàng Hiro Hito đã ra lệnh chấm dứt cuộc chiến. Tại các mặt trận, quân đội Thiên Hoàng phải hạ súng, rất nhiều sĩ quan Nhật đã dùng gươm tự sát theo truyền thống của một võ sĩ đạo để đền nợ nước, trả ơn vua và bảo vệ danh dự cùng khí phách của một quân nhân. Lá cờ “mặt trời mọc” từ nay vắng bóng trên bốn bể năm châu, chỉ còn trên mấy hòn đảo xứ Phù Tang nghèo nàn đổ nát.

Trước nỗi đau khổ nhục nhã vô cùng tận của quân dân, Nhật Hoàng đã thống thiết kêu gọi dân chúng Nhật… Hãy chịu đựng cái không chịu đựng nổi và hãy đau khổ cái không đau khổ nổi, và hãy hướng về tương lai. Sau đó Nhật Hoàng cắt một phần đất của Hoàng thành, nơi mà Hoàng gia trải bao đời yêu quí gìn giữ, để tặng lại cho dân chúng như một hành động tạ tội tượng trưng với đồng bào. 

Đối với quân đội chiếm đóng Mỹ, toàn thể dân chúng Nhật đều cố nén uất hận và che dấu căm hờn mà tự nhiên đối xử một cách lễ độ. Hễ gặp một Mỹ kiều, dù là thuộc thành phần quân nhân hay dân sự, họ đều nghiêng mình cúi đầu xuống, chắp tay vái chào theo tục lệ của dân Nhật. Họ không để lộ thái độ thù hận, chống đối quá khích. Khi bị áp lực của Mỹ phải ký Hòa Ước An Ninh Hỗ Tương San Francisco (1951) mà trong đó có điều khoản bắt Nhật không được tái võ trang quá giới hạn phòng vệ, chính giới Nhật Bản vẫn cam chịu để đổ dồn hết ngân sách vào sức mạnh kinh tế. Thái độ ẩn nhẫn có vẻ khiếp nhược đó, một phần do lời kêu gọi “tôn trọng kỷ luật đối với kẻ chiến thắng” của nhà vua, một phần là do tính tình khôn ngoan, cẩn trọng, thức thời, và ý thức chính trị sáng suốt của con cháu Thái Dương Thần Nữ. Họ dìu dắt nhau, chỉ dẫn nhau trong ý thức “thất bại là mẹ thành công” để xây dựng lại quê hương. Chính nhờ triệt để thể hiện cái ý thức khôn ngoan đó mà người Nhật sớm thu lượm được những kết quả đầu tiên vô cùng to lớn mà ngay cả họ cũng không ngờ tới.

Bài học lịch sử đó của dân tộc Nhật Bản là gì nếu không phải là bài học về sự vận dụng sức mạnh của địch cho sự cường thịnh của chính mình. Và đàng sau bài học đó là một bài học rất lớn khác cho chúng ta về lòng yêu nước bằng một quan điểm sáng suốt và bằng một tinh thần thực tiễn, chứ không phải chỉ bằng những xúc động mù quáng của một thứ tự ái dân tộc nhiều lúc rất phản quốc. 

Trường hợp của Nhật Bản cũng như trường hợp của Cộng Hòa Liên Bang Đức, một kẻ cựu thù trong Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ đã biết mau chóng biến thù thành bạn để cùng xây dựng một khối NATO hùng mạnh hầu ngăn chận sự bành trướng nguy hiểm của Nga Sô. Các nhà lãnh đạo Đức, dù bảo thủ như Adenauer hay chủ xướng Ostpolitik như Willy Brandt, đều biết vận dụng sự yểm trợ của đồng minh lớn Hoa Kỳ để hùng cường hóa đất nước. Và dù quân đội của Mỹ có đóng trên đất Đức, dù hỏa tiễn Pershing II có đặt căn cứ trên lãnh thổ Đức, không ai có thể nói rằng Đức không có chủ quyền, không có độc lập.

Thật trái hẳn với trường hợp của nước ta đã không vận dụng được sức mạnh đó để cứu nước chứ đừng nói đến dựng nước, mà lại còn mất chủ quyền, mất độc lập nữa! Từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ông Diệm đã không làm nổi một Nhật Hoàng Hiro Hito, một De Gaulle, một Lý Thừa Vãn thì làm sao trách được sau này Nguyễn Văn Thiệu không biến miền Nam thành một chư hầu trong quỹ đạo Hoa Kỳ.

Nêu lên một số sự kiện lịch sử trên đây từ Âu qua Á, từ bạn đến thù, tôi chỉ muốn nói rằng sau Thế Chiến thứ Hai, trước mưu đồ bành trướng của Cộng Sản quốc tế, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ dù là đối đầu (Confrontation), ngăn chận (Containment), hay lật ngược (Rollover, chữ của tạp chí Foreign Affairs), thì cũng đều nhằm đem sức mạnh quân sự, sức mạnh tài lực, sức mạnh kỹ thuật của mình ra mà cứu bạn và xây dựng cho bạn thì mới cứu được mình và mới xây dựng được mình.

Chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Việt Nam từ sau Đệ Nhị Thế Chiến cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Ngay sau Thế chiến thứ nhì, Tổng thống Franklin Roosevelt đã chủ trương yểm trợ cho các phong trào “giải phóng dân tộc” của các quốc gia thuộc địa trong khuôn khổ của phong trào giải thực toàn cầu mà Việt Nam là một thí điểm kiểu mẫu. Ngay trong thời kỳ Nhật chiếm đóng Đông Dương, ngày 22 tháng 8 năm 1945, một phái đoàn Mỹ gồm năm sĩ quan do Thiếu tá Archimede L. Patti cầm đầu đã nhảy dù xuống vùng thượng du Bắc Việt giúp ông Hồ Chí Minh kháng Nhật, và chính phái đoàn Mỹ này đã về Hà Nội dự lễ Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nhưng khi ông Hồ Chí Minh và Việt Minh để lộ màu sắc Cộng Sản thì phái đoàn Patti được lệnh chấm dứt mọi liên hệ để hồi hương. Cuộc chiến tranh giữa Cộng sản Việt Nam vận dụng dân tộc và thực dân Pháp đội lốt “quốc gia chống Cộng” bắt đầu ngay sau đó. Ngày 29 tháng 12 năm 1947, cựu Đại sứ Hoa Kỳ William Bullit viết trên tờ Life Magazine một bài báo gọi trận chiến tranh Đông Dương là “trận chiến tranh buồn thảm nhất” (the saddest war), ông kêu gọi Pháp phải trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam dù là một Việt Nam do Đảng Cộng Sản Đông Dương lãnh đạo.

Lời kêu gọi của William Bullit tuy ngây thơ nhưng phát xuất từ tâm thức “giải phóng dân tộc”, bắt nguồn từ chính cuộc cách mạng lập quốc 1776 giải phóng khỏi ách đô hộ của đế quốc Anh, đã đánh động được dư luận Hoa Kỳ, vì vậy khi Điện Biên Phủ lâm nguy (tháng 5 năm 1954) và khi chính phủ Pháp yêu cầu Hoa Kỳ yểm trợ bằng lực lượng không quân thì Tổng thống Eisenhower và Ngoại trưởng Foster Dulles từ chối. Quan điểm của Ngoại trưởng Dulles lúc bấy giờ là nếu Pháp muốn Hoa Kỳ cứu viện thì phải chịu hai điều kiện: một là phải trả độc lập hoàn toàn cho thành phần quốc gia Việt Nam không Cộng Sản, và hai là Mỹ phải giành lấy trách nhiệm lãnh đạo cuộc chiến tranh Đông Dương. Tuy nhiên, phần vì chính phủ Anh không chấp thuận việc đồng minh tham chiến tại Đông Dương, phần khác vì cả Pháp lẫn khối Cộng Sản đều muốn giải quyết mau chóng vấn đề Việt Nam nên chủ trương của Ngoại trưởng Dulles đã không được thực hiện.

 Quy ước của Hội nghị Genève 1954 đã tạm thời chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17. Phản ánh đúng đắn đường lối ngoại giao của mình, Hoa Kỳ can thiệp mạnh mẽ vào vấn đề Đông Dương mà cụ thể là giúp ông Diệm về nước để xây dựng một tiền đồn chống Cộng tại Đông Nam Á. Vì tiền đồn đó, nếu muốn đóng vai trò chống Cộng hữu hiệu thì phải thật sự tự do, dân chủ trên mặt chính trị, và phải thật sự hùng mạnh trên mặt kinh tế và quân sự, nên Hoa Kỳ đã không ngại ngùng dùng mọi kế sách và phương tiện để ủng hộ cho miền Nam, kể cả việc không tôn trọng hai điều khoản quan trọng của hội nghị Genève về vấn đề Tổng Tuyển Cử (năm 1956) và về vấn đề quân đội ngoại nhập. Quân viện và kinh viện Hoa Kỳ đổ vào miền Nam như thác đổ, chuyên viên và phương tiện Hoa Kỳ như một kho tàng bất tận cho nhà cầm quyền miền Nam sử dụng; tiếc thay, anh em ông Diệm đã không biết vận dụng sức mạnh đó để bổ túc cho sức mạnh cốt lõi của dân tộc hầu chống Cộng cứu nước và phát triển quốc gia. Đã thế, khi không chống nổi Cộng Sản và trước những áp lực chính đáng của Hoa Kỳ đòi cải tiến chế độ, họ lại phản bội cả dân tộc lẫn đồng minh để thỏa hiệp với chính kẻ thù Cộng Sản. Năm 1963 ông Ngô Đình Nhu đã tuyên bố rất rõ ràng:

“Tôi chống Cộng trên quan điểm ý thức hệ, tôi không phải là người chống Cộng trên quan điểm chính trị hay nhân bản. Tôi xem những người Cộng Sản như anh em, như những con chiên lạc đàn. Tôi không theo đuổi một cuộc thánh chiến chống lại Cộng Sản vì nước tôi chỉ là một nước nhỏ bé. Chúng tôi chỉ muốn sống  trong hòa bình” [2].   

Ở đây tôi không bàn đến sự nông cạn trí thức của ông Nhu về ý thức hệ Cộng Sản khi tách phạm trù chính trị và nhân bản ra khỏi ý thức hệ này; tôi cũng không cần bàn đến sự ngây thơ chính trị rất chủ quan của ông Nhu khi cho rằng vì là một nước nhỏ bé nên không chống Cộng, tôi cũng chưa nhắc lại tại sao năm 1955 anh em ông Diệm không chịu thực hiện một quy chế Trung lập Hòa bình cho miền Nam mà nay lại muốn thỏa hiệp với Cộng Sản để được hòa bình, mà tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến lập trường của ông Nhu, người lãnh tụ chính trị thực sự của miền Nam tự do, qua chính lược không chống Cộng Sản nữa vì họ là người “anh em”. Trước khi đi sâu vào sự thay đổi đột ngột về lập trường của ông Nhu và sau khi đã nhìn một cách tổng lược và khái quát về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với các quốc gia thân hữu hoặc đồng minh, đặc biệt là Việt Nam, tôi xin trở lại với nguyên nhân thứ ba là sự căng thẳng trong mối bang giao ruột thịt giữa chính quyền Mỹ và chế độ Ngô Đình Diệm.

Để hiểu thêm về bản chất và cường độ thực sự của tình trạng căng thẳng này, tôi xin được trình bày một số sự kiện liên hệ đến chính sách của các chính quyền Mỹ đối với chế độ Ngô Đình Diệm, một chính sách đặt nặng tính khuyến cáo xây dựng để chính phủ Diệm sửa sai hầu phát huy chính nghĩa chống Cộng hơn là áp lực độc đoán để tước đoạt chủ quyền của miền Nam:

- Thứ nhất là sự kiện thay đổi một vị Đại sứ trực tính và nhằm phục vụ cho miền Nam bằng một vị Đại sứ mềm dẻo hơn và chỉ muốn làm hài lòng ông Diệm.

Ngay từ năm 1957, vị Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là ông Ellridge Durbow đã thấy ông Diệm tiến hành một chính sách độc tài trong việc quản trị miền Nam cũng như đã hành xử một cách quan liêu phong kiến, khiến cho nhân dân bất mãn và làm đình trệ các chương trình phát triển kinh tế, xã hội. Ông Durbow cũng đã thấy được thái độ lộng quyền thất nhân tâm và phản tuyên truyền của bà Nhu, nên đã khuyến cáo ông Diệm nhiều lần. Đặc biệt ông đề nghị giảm bớt các hình thức làm dân bất mãn và tạo cơ hội cho địch tuyên truyền như giảm thiểu đoàn xe hộ tống đông đảo ồn ào, như đừng bắt dân bỏ công ăn việc làm cả ngày để chờ chực đón chào Tổng thống, như không nên ngồi chễm chệ trên ghế bành đặt trên thuyền để sĩ quan lội nước đẩy thuyền. Ông cũng khuyên nên để bà Nhu ra nước ngoài một thời gian hầu xoa dịu lòng căm phẫn của dân chúng.

Nhưng những lời khuyến cáo của Đại sứ Durbow đã không có hiệu quả nào vì lúc bấy giờ Hoa Thịnh Đốn vẫn còn tin tưởng vào “uy tín và tài năng” của ông Diệm nên không muốn tạo ra những mâu thuẫn cá nhân giữa hai người, làm phương hại đến mối giao hảo đang tốt đẹp giữa hai quốc gia. Đã thế, ông Diệm lại bày tỏ sự bất mãn đối với Hoa Thịnh Đốn về thái độ của Đại sứ Durbow mà ông cho là “hay sinh sự” để Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ làm áp lực ngược lại ông Durbow.

Quan hệ giữa ông Diệm và Đại sứ Durbow càng lúc càng trở nên căng thẳng và lên đến cao điểm sau biến cố ngày 11–11–1960, biến cố mà vì những hằn học cá nhân ông Nhu cứ nhất định cho là do Mỹ chủ xướng và Đại sứ Durbow là người đóng vai trò quan trọng. Dù lúc bấy giờ Hoa Thịnh Đốn đã thấy sự suy sụp của chế độ mà Đại sứ Durbow từng báo trước từ lâu, nhưng vì muốn duy trì mối liên hệ ruột thịt giữa chế độ Diệm và Hoa Kỳ cũng như vì muốn làm hài lòng ông Nhu, Tổng thống Kennedy đã kéo Đại sứ Durbow về nước và cử Đại sứ Nolting qua Sài Gòn thay thế, dù ông này không có nhiều hiểu biết hoặc kinh nghiệm về Việt Nam cũng như về Đông Nam Á.  

TTMỹ LBJohnson _ Diệm và đại sứ Nolting

Phó TT Hoa kỳ L.B.Johnson, Ngô Đình Diệm và đại sứ Nolting. Ảnh http://vi.wikipedia.org/wiki/

Đại sứ Nolting là một nhà trí thức hòa nhã, một nhà ngoại giao tế nhị mà Bộ Ngoại Giao đã chỉ thị nên dùng những thái độ mềm mỏng trong khi khuyến cáo chính phủ Diệm để khỏi chạm tự ái của những nhà lãnh đạo miền Nam. Ông Nolting đã thi hành quá chỉ thị của thượng cấp đến độ tại Hoa Thịnh Đốn người ta có cảm tưởng ông ta bị lôi cuốn bởi bà Nhu để trở thành một vị Đại sứ của ông Diệm bên cạnh người Mỹ hơn là một vị Đại sứ của Mỹ tại Sài Gòn [3]. Cảm tưởng đó hẳn không sai lầm vì ông Nhu đã thành công trong việc điều động viên Đại sứ dễ vận dụng này và đã có lần khen ông Nolting là vị Đại sứ thông minh nhất của Hoa Kỳ tại miền Nam từ trước đến nay.

Mãi cho đến tháng 3 năm 1963, khi cờ gần tàn cuộc, ông Nolting mới bắt đầu “thức tỉnh”, làm cho một đồng nghiệp của ông, Đại sứ Pháp Roger Lalouette, phải chế diễu: “Đại sứ Mỹ Nolting quả thật đang kẹt lắm. Nào là những hiểu lầm giữa ông ta và Bộ Ngoại giao Mỹ, giữa ông ta và các phụ tá, giữa ông ta và các tướng lãnh Mỹ. Ông Nolting lại đang kẹt với báo chí Mỹ, với gia đình và chính phủ Diệm, với tất cả mọi nhà ngoại giao khác tại Sài Gòn. Tất cả những điều kẹt đó chứng tỏ ông Nolting bắt đầu chớm hiểu” [4].

Sự kiện thay thế ông Durbow bằng ông Nolting này biểu hiện một cách rất rõ ràng rằng Hoa Kỳ sẵn sàng nhượng bộ và làm thỏa mãn anh em ông Diệm dù sự nhượng bộ đó, về dài, có làm suy yếu chính sách ngoại giao của họ tại miền Nam nói riêng và sách lược chống Cộng tại Đông Nam Á nói chung. Ta có thể phê phán người Mỹ thiếu cứng rắn, kém tâm lý, hoặc ta có thể phê phán họ ngây thơ, nhưng có một điều chắc chắn mà ta phải công nhận là họ đã nhượng bộ để làm hài lòng hai ông Diệm–Nhu khi quyết định việc thay đổi nhân sự này.

- Thứ hai là sự kiện người Mỹ đã tìm mọi cách để nâng uy tín ông Diệm lên cao, một uy tín đang bị sụp đổ và đang cần phải xây dựng lại gấp hầu duy trì khả năng chống Cộng của chính quyền miền Nam.

Thật vậy, vừa làm lễ nhậm chức cuối tháng Giêng năm 1961 thì ngày 15 tháng 5, Tổng thống Kennedy đã gởi vị Phó Tổng Thống của mình qua miền Nam để thẩm định lại tình hình tại chỗ, một tình hình không mấy lạc quan vì sự gia tăng hoạt động của Việt Cộng và những báo cáo bi quan về các thất bại chính trị của chính quyền miền Nam. Đồng thời Tổng thống Kennedy cũng nhờ ông Johnson trao lại một lá thư riêng cho ông Diệm tái xác định quyết tâm của Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ ông Diệm và yểm trợ nhân dân miền Nam chống Cộng… Lá thư nói rõ rằng Hoa Kỳ chỉ giúp phương tiện và ngân phí mà thôi, còn việc chiến đấu bảo vệ quê hương là do chính nhân dân miền Nam nhận lấy trách nhiệm.

Trong chuyến viếng thăm này, để làm hài lòng bản chất tự tôn và tính kiêu hãnh của vị lãnh đạo miền Nam, ông Johnson khi đến Sài Gòn đã không ngại ngùng công khai ca ngợi “Tổng thống Diệm là Churchill của thập niên này”. Nếu ta so sánh cuộc đời cũng như sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Churchill và ông Diệm thì ta sẽ thấy lời đề cao quá lố này chỉ là một lời tuyên bố thuần túy thuộc ngôn ngữ ngoại giao, rất cần thiết nhằm gây lại uy tín cho ông Diệm vốn đã suy sụp quá nhiều, và đồng thời vừa để chứng tỏ cho Cộng Sản cũng như nhân dân miền Nam biết rằng Hoa Kỳ vẫn cương quyết ủng hộ chế độ Ngô Đình Diệm dù những sai lầm và thất bại của chế độ đó.

Lời tuyên bố đó cần thiết đến độ Johnson đã phải dùng một sự so sánh không những sai lầm trên mặt lịch sử mà còn hoàn toàn ngược hẳn với sự đánh giá thầm kín của chính ông ta. Thật vậy, cũng trong chuyến viếng thăm này, khi ngồi trên phi cơ bay thị sát các quân khu và bị ký giả Mỹ chất vấn về lời tuyên bố đó, Phó Tổng thống Johnson đã trả lời: “Xì ! Diệm là đứa duy nhất mà ta có ở đây” (Shit ! Diem’s the only boy we’ve got out there”) [5].

Loại ngôn ngữ ngoại giao đầy thủ đoạn chính trị đó, sau này, cũng đã được ông Nixon dùng để khen ông Thiệu là “một trong bốn lãnh tụ tài ba nhất thế giới” tại vườn hoa Tòa Bạch Ốc vào năm 1973. Nhưng điểm khác biệt đáng chú ý là ông Nixon khen ông Thiệu để khuyến khích thi hành hiệp định Paris cho Mỹ có thể giải kết khỏi miền Nam trong “danh dự”, và ông Thiệu biết lời khen đó là giả dối, còn ông Johnson khen ông Diệm là để mong tạo uy tín thêm cho ông Diệm hầu cuộc chiến chống Cộng có thể thành công, trong lúc trong thâm tâm thì lại nghĩ khác, nhưng ông Diệm lại không biết điều đó. Vì không biết, nghĩa là không phát hiện ra sự giả dối và không thấy uy tín mình đang bị mất nên ông Diệm mới dại dột tuyên bố trong một bài diễn văn đáp từ Johnson rằng: Biên giới của Thế giới Tự Do chạy dài từ Alaska đến sông Bến Hải, tạo cơ hội cho đài phát thanh Hà Nội lợi dụng tuyên truyền về bản chất tay sai của chính quyền miền Nam trong quan hệ Mỹ–  Diệm, và đã đập tan cái luận cứ độc lập và dân tộc chống Cộng của chính nghĩa miền Nam trong nhân dân.

Nhưng dù lời tuyên bố của ông Johnson có giả dối thì rõ ràng nó cũng phát xuất từ chính sách của Mỹ muốn cho ông Diệm mạnh thêm và muốn cho miền Nam vững thêm. Một lần nữa, ta có thể phê phán ông Johnson theo chiều hướng nào cũng được, nhưng chắc chắn là lời tuyên bố đó phản ánh chính sách thân thiện và ủng hộ của người Mỹ lúc bấy giờ.

- Sự kiện thứ ba là mặc dầu uy tín và sức mạnh chính trị bắt đầu bị tổn thương sau vụ thất bại tại “Vịnh Con Heo” ở Cuba vào tháng 4 nhưng Tổng thống Kennedy cũng đã theo lời yêu cầu của ông Diệm, tiến hành chiến dịch tăng cường quân nhân tham chiến (ngụy trang dưới hình thức cố vấn quân sự và chuyên viên cứu trợ nạn lụt) tại miền Nam Việt Nam sau chuyến điều nghiên của Tướng Maxwell Taylor và Cố vấn Walt Rostow vào tháng 10 năm 1961. Chiến dịch này đã được ông Diệm và chính quyền Mỹ đồng thuận thi hành một cách tích cực mà sự ra đời của Bộ Chỉ Huy Yểm Trợ Quân Sự Mỹ (American Military Assistance Command) vào ngày 6 tháng 2 năm 1962 đã cho phép ông Diệm nhận thêm từ 700 “cố vấn” lên đến 12.000 “cố vấn” vào giữa năm 1962. Nghĩa là gia tăng 1.700 phần trăm trong vòng 8 tháng ! Sự gia tăng đó mạnh mẽ cả về mặt ý chí lẫn sức mạnh đến nỗi Trưởng phái đoàn Ba Lan trong Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến khi đến Bắc Kinh cũng đã nhận thấy “cấp lãnh đạo Trung Cộng rất lo lắng về sự can thiệp càng lúc càng gia tăng của người Mỹ tại Việt Nam” [6].

Tất cả chiến dịch đó đã được chính quyền Mỹ khôn khéo trốn tránh chính Quốc Hội và báo chí Hoa Kỳ (vốn đang bắt đầu có khuynh hướng chống việc gửi quân nhân Mỹ tham chiến tại ngoại quốc sau vụ thất bại tại Cuba) để mạo hiểm một mặt thỏa mãn lời yêu cầu của chính phủ Diệm, và mặt khác để bảo đảm sự thành công của cuộc chiến chống Cộng tại miền Nam.

Thật vậy, mặc dù trong cuộc thảo luận với Phó Tổng thống Johnson trước đó năm tháng ông Diệm đã không muốn đem quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam, nhưng khốn nỗi vào tháng 10, khi tướng Taylor đang trên đường đến Sài Gòn thì Việt Cộng phát động các đợt tấn công dữ dội vào tỉnh lỵ Phước Thành, đốt phá các cơ sở, giết hại cả Tỉnh trưởng lẫn Phó Tỉnh trưởng và rất nhiều binh sĩ, cán bộ, công chức; đồng thời Việt Cộng lại tấn công nhiều quận lỵ của tỉnh Darlac và tung ra nhiều đơn vị lớn đánh phá khắp miền Nam, công hãm các đồn bót chiến lược dọc quốc lộ số 4 và gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng Việt Nam Cọng Hòa. Tình hình an ninh suy sụp đó khiến cho ông Diệm sợ hãi một cuộc tổng nổi dậy của Việt Cộng nên ông bèn đưa ra lời tuyên bố chính thức rằng chiến tranh thật sự đã xảy ra tại miền Nam.

Vì không còn giữ ý định chống lại việc quân đội Mỹ tham chiến tại miền Nam nữa nên ông Diệm đã yêu cầu Mỹ đem một số “quân chiến đấu tượng trưng” vào miền Nam và lớn tiếng kêu gọi Hoa Kỳ cùng với Việt Nam Cộng Hòa ký một hiệp ước phòng thủ song phương [7]. Trước lời kêu gọi đó của ông Diệm, và trước tình hình an ninh suy thoái một cách trầm trọng của miền Nam, Bộ Tổng Tham mưu Hoa Kỳ cũng khuyến cáo Tổng thống Mỹ nên gởi quân qua Việt Nam tham chiến. Ý kiến này được Thứ trưởng Quốc phòng William P. Bundy ủng hộ mạnh mẽ vì theo ông Bundy, sách lược “tốc chiến tốc thắng” có thể giúp ông Diệm nhiều may mắn hơn và có thể lật ngược thế cờ. Nhưng vì việc quân đội Mỹ công khai tham chiến tại Việt Nam có thể gây nhiều phức tạp trong nội bộ chính trị Hoa Kỳ cũng như có thể gây các phản ứng quốc tế nguy hiểm, nên Tòa Bạch Ốc bề ngoài đã phải giảm thiểu những thúc giục ồn ào tại cả Sài Gòn lẫn Hoa Thịnh Đốn, bằng cách giả vờ lộ một số tin tức cho nhật báo New York Times, tiết lộ rằng “các cấp lãnh đạo ở Ngũ Giác Đài cũng như Đại tướng Taylor đều tỏ ra miễn cưỡng về việc gởi các đơn vị chiến đấu Mỹ sang Đông Nam Á”. Bài báo này đã chận đứng được những tuyên bố quá lộ liễu của ông Diệm.

Những sự kiện trên đây cho thấy mới giữa năm 1961 mà tình hình chiến sự tại miền Nam đã đến độ nguy ngập như tôi đã trình bày trong một chương trước. Sự kiện trên đây cũng cho thấy ông Diệm đã hoảng sợ, phải yêu cầu Mỹ tăng viện, kể cả việc đem quân chiến đấu ngoại quốc vào miền Nam (sự thật lịch sử này đã bị nhóm Công Giáo Cần Lao bóp méo với luận điệu cho rằng ông Diệm bị Mỹ giết vì không chịu cho quân đội ngoại quốc đóng trên đất nước mình). Sự thật rõ ràng là chẳng những ông Diệm đòi quân Mỹ vào miền Nam, mà còn nhờ Mỹ vận động với Trung Hoa Dân Quốc gởi một sư đoàn qua Việt Nam tham chiến. Tài liệu mật của Ngũ Giác Đài dưới đây tiết lộ một bản mật điện của Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn gởi về Hoa Thịnh Đốn, trình bày về cuộc thương thảo giữa Đại sứ Nolting và ông Nguyễn Đình Thuần, Bộ trưởng Quốc Phòng kiêm Bộ trưởng Phủ Tổng Thống, cho thấy những bí ẩn đó:

# 25 Những Đòi Hỏi Vào Năm 1961 Của Nam Việt Nam Về Những Đơn Vị Tác Chiến Hoa Kỳ.

Điện văn từ Tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn gởi Bộ Ngoại Giao / 13-10-1961 / Về những đòi hỏi của Nguyễn Đình Thuần, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng của Nam Việt Nam / Bản sao gởi Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Thái Bình Dương và Tòa đại sứ Mỹ tại Bangkok Thailand và Taipei Taiwan / .

Trong buổi họp 13-10 Thuần đã đưa ra những đòi hỏi sau đây:

1. Thêm phi đoàn AD-6 thay vì phi đoàn T-28 như đã dự định và gởi qua càng sớm càng tốt.

2. Yêu cầu cung cấp phi công dân sự Mỹ để lái máy bay trực thăng, và phi cơ C-47 để bay những phi vụ tác chiến.

3. Nhiều đơn vị tác chiến Hoa Kỳ, hoặc những đơn vị gọi là “huấn luyện tác chiến” vào Nam Việt Nam. Một phần để đóng ở phía Bắc gần vĩ tuyến 17 để thay các lực lượng Quân Đội VNCH ở đó phải bận đi chống du kích ở vùng cao nguyên. Và cũng để đóng ở nhiều tỉnh của vùng Cao nguyên Trung Việt.

4. Phản ứng của Hoa Kỳ về dự định của Việt Nam yêu cầu Trung Hoa Quốc Gia gởi một sư đoàn  tác chiến cho mặt trận Tây Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần gặp Tổng thống Kennedy tại Nhà Trắng năm 1961. Ảnh http://www.skyscrapercity.com/

Thuần nhắc đến những tập nhật ký lấy được từ những sĩ quan Việt Minh bị giết ở miền Trung, trong đó có tin tức về những dự án và kỹ thuật của Việt Minh. Những tài liệu này đang được phân tích, dịch ra và sẽ được chuyển về (Hoa Kỳ). Thuần nói: ông Diệm, vì thấy hiện tình của Lào, sự xâm nhập (của Việt Minh) vào Nam Việt Nam và việc Tổng thống JFK gởi Taylor (qua Việt Nam), đã yêu cầu Hoa Kỳ xét gấp những đòi hỏi của Nam Việt Nam.

Về việc đòi hỏi gởi những đơn vị huấn luyện tác chiến Mỹ, Nolting hỏi xem ông Diệm có xét kỹ vấn đề chưa vì đã có nhiều chống đối liên tiếp đòi hỏi này. Thuần xác nhận rằng có, và rằng ông Diệm đã đổi ý kiến (muốn Hoa Kỳ gởi quân qua Việt Nam) vì tình hình càng ngày càng tệ hại hơn. Thuần muốn Hoa Kỳ biểu dương lực lượng gần vĩ tuyến 17 để ngăn ngừa Cộng Sản tấn công, và để thay thế lực lượng VNCH ở đó. Cũng cần những đơn vị Hoa Kỳ đóng ở những tỉnh cao nguyên, cho cùng một mục đích: thay thế cho quân lực VNCH ở đó.

Nolting nói (tại sao lại có) những đòi hỏi này ngay sau khi ông Diệm yêu cầu có một thỏa ước của cả hai phe, như vậy có phải ông Diệm muốn thay thế thỏa ước bằng những đòi hỏi trên hay không? Thuần trả lời những đòi hỏi trên (giải quyết vấn đề) nhanh hơn thỏa ước. Rằng việc gởi quân sang sẽ thỏa mãn Nam Việt Nam và thích ứng hơn một thỏa ước. (Về việc thỏa ước này, rõ ràng Thuần chưa suy nghĩ kỹ, cũng như đã chưa bàn với ông Diệm).

Bàn về Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến, Nolting nói rằng Nam Việt Nam trước đây đã coi trọng sự hiện diện của UHQTKSĐC. Thuần đồng ý nhưng nghĩ rằng những đòi hỏi trên không vi phạm vì những đơn vị Hoa Kỳ gởi sang để canh phòng chứ không phải để tác chiến, ngoại trừ khi bị tấn công. Cho nên có thể dùng những đơn vị này mà vẫn giữ được UHQTKSĐC ở Việt Nam. Nolting nói rằng ông nghi ngờ điều này nhưng có thể thử xem (McGarr và tôi lưu ý hai điểm: về những đơn vị dự định cho mục đích huấn luyện chỉ là một sự giả mạo - một cái cớ - chứ không phải mục đích thật. Nếu có gởi những đơn vị Hoa Kỳ thì các đơn vị đó phải đủ mạnh vì chắc chắn Việt Cộng sẽ tấn công).

Về lực lượng Trung Hoa, Thuần nói rằng Tưởng Giới Thạch đã có dấu hiệu muốn giúp đỡ (tôi thấy điều này không chắc). Thuần nói chính phủ Việt Nam không muốn quyết định về việc này nếu không có phản ứng từ Hoa Kỳ. Ý định là dùng khoảng 10 ngàn quân (Trung Hoa) ở phía Tây Nam càng xa vĩ tuyến 17 càng tốt. Thuần nghĩ rằng có lẽ nên đưa quân Trung Hoa vào một cách bí mật, nhưng thấy không được sau khi phân tách lại vấn đề. Nolting nói: ông nghĩ rằng Trung Hoa chắc sẽ muốn một quyền lợi nào đó trong việc này, có thể là phương diện chính trị (giảm bớt áp lực chính trị) nếu gởi quân vào Á Châu lục địa (Nolting nghĩ là chỉ để thử mà thôi).

Vấn đề chắc chắn sẽ được đặt lại với Taylor. Rõ ràng chính phủ Nam Việt Nam không thể để mất cơ hội đòi hỏi viện trợ nhiều hơn vì sự chú ý và lo lắng của chúng ta đã gia tăng. Nhưng tình hình quân sự và tâm lý đã đi đến hồi mà vấn đề phải được xem xét một cách nghiêm chỉnh và nhanh chóng [8]

Sau hai tuần lễ quan sát tại chỗ và thảo luận với các nhà chức trách Việt Nam Cộng Hòa, tướng Taylor đưa ra đề nghị: tăng quân số các cố vấn quân sự Mỹ, tăng cường chuyên viên về máy móc, gia tăng các dụng cụ tối tân cho mọi ngành thuộc quân binh chủng VNCH, đặc biệt là việc tối tân hóa ngành truyền tin, gởi gấp qua miền Nam trực thăng chiến đấu, thiết vận xa M–113 để tạo lưu động tính cho các đơn vị chiến đấu miền Nam, thay thế phi cơ T–28 bằng phi cơ AD–6, và nhiều vũ khí, dụng cụ tối tân khác… Đồng thời với đề nghị trên đây, tướng Taylor cũng “lưu ý riêng” Tổng thống Kennedy là nên gửi qua miền Nam 8 ngàn quân chiến đấu Mỹ, ngụy trang thành những đội chuyên viên giúp miền Nam đối phó với trận lụt đang đe dọa vùng châu thổ sông Cửu Long. Những sắp đặt trên đây, theo quan niệm của tướng Taylor, là một sự tham dự giới hạn của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam theo tinh thần “limited partnership”, nghĩa là “những cố vấn quân sự Mỹ tiến đến gần hơn (nhưng chưa hẳn là) một bộ chỉ huy hành quân trên một chiến trường” [9].

Tài liệu mật của Ngũ Giác Đài trên đây và sự gia tăng nhảy vọt của số lượng “cố vấn” Mỹ tại chiến trường Việt Nam sau đó, không những đã cải chính sự huyênh hoang tội nghiệp của những phần tử Cần Lao Công Giáo đang cố bám víu vào cái huyền thoại “Ngô Tổng thống không chịu cho quân Mỹ vào Việt Nam nên bị Mỹ lật”, mà còn làm nổi bật lên một sắc thái đặc thù của liên hệ Mỹ–Việt vào năm 1962 của chính phủ Ngô Đình Diệm: đó là dù ông Diệm có bất lực trong việc chống Cộng, chính phủ Mỹ vẫn yểm trợ, bảo bọc ông Diệm. Và ông Diệm đã công nhận, đã chấp thuận sự bảo bọc đó một cách quá trớn, nhất là trong trường hợp can thiệp lộ liễu của “cố vấn” Mỹ trong những quyết định quân sự, đến nỗi sau này, lúc hồi tưởng lại năm 1961, khi còn làm phóng viên tiền tuyến theo dõi các cuộc hành quân, ký giả Ngô Đình Vận đã viết: “Tôi thấy rõ quân đội trong thời đệ I Cộng Hòa đã không thực sự có được độc lập, có được đầy đủ sự chủ động ngay cả trong lúc giao tranh với địch quân” [10].

Sự yểm trợ và bao che đó lại càng nổi bật hơn nữa trong trận Ấp Bắc mà kết quả thảm bại, dù rất rõ ràng hiển nhiên, đã được ông Diệm và bà Nhu đổi ngược thành chiến thắng và, trong liên hệ thắm thiết Mỹ–Việt lúc bấy giờ, đã được một số nhân vật chủ yếu của chính quyền Kennedy đồng lõa công nhận.

Thật vậy, từ đầu năm 1962, khi các cố vấn quân sự Mỹ và số khí cụ tối tân mới được tăng viện cho miền Nam trong kế hoạch Taylor–Rostow thì quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã thu lượm được một số chiến thắng tại châu thổ sông Cửu Long, và lần đầu tiên đã tiến được vào chiến khu D, rừng U Minh, vốn là những căn cứ bất khả xâm phạm của Việt Cộng. Những chiến thắng thuần túy quân sự đó đã gây phấn khởi cho cả Sài Gòn lẫn Hoa Thịnh Đốn. Để yểm trợ cho mặt trận tuyên truyền tại Hoa Kỳ, ông Diệm đã cho phép Đại Tá Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh Sư đoàn 7, diễn hành tại thủ đô Sài Gòn với sự tham dự của một số Dân biểu Quốc hội. Trong lúc đó tại Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara họp báo tuyên bố miền Nam Việt Nam của ông Diệm đang lật ngược thế cờ.

Nhưng những chiến thắng đó chỉ như bọt sóng bắn lên tung tóe rồi sau đó tan vỡ mất vì ngay cả chỉ trên mặt thuần túy quân sự mà thôi, ưu thế lưu động của hai chiến thuật trực thăng vận và thiết vận xa M–113 đã không được khai thác đúng mức, hơn nữa chúng lại không hiệu dụng trong một trận chiến mà kẻ thù đã khôn khéo phối hợp được các kỹ thuật du kích chiến với những vũ khí tối tân do Nga viện trợ. Nhưng đó vẫn chưa phải là lý do chính khiến cho Việt Cộng dành lại được ưu thế trên chiến trường mà lý do chính là vào những năm đầu thập niên 1960, tinh thần chiến đấu của binh sĩ đã không còn hăng say nữa. Tình cảm bất mãn chế độ, bất mãn cấp lãnh đạo là gia đình ông Ngô Đình Diệm phát xuất từ những sự kiện rất thực tế trước mắt, rất liên hệ trực tiếp đến bản thân của sĩ quan và binh sĩ, đã làm suy giảm rất nhiều tinh thần hăng say và quyết tâm chiến đấu của quân lực.

Giữa năm 1962, hai phi công Quốc và Cử ném bom dinh Độc Lập định giết cả nhà, tức là cả chế độ, của ông Ngô Đình Diệm lại càng nung nấu và càng làm lan rộng sự bất mãn đó. Đầu năm 1963, ba cán bộ Cần Lao Công Giáo của ông Diệm là Tư lệnh Vùng 4 Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh Sư Đoàn 7 Bùi Đình Đạm và Thiếu tá Tỉnh trưởng Định Tường Lâm Quang Thơ, với quân số đông hơn, với vũ khí hiện đại hơn, lại hứng chịu thảm bại nhục nhã tại Ấp Bắc trước tiểu đoàn 514 của địch không đến 400 quân. (Xin xem thêm “The Bright Shining Lie” của Neil Sheehan. Bản dịch Việt ngữ “Sự Lừa Dối Hào Nhoáng” của Nhà Xuất Bản Hồng Lĩnh, 1991).

Thảm bại rõ ràng này không những đã khiến cho tướng Lê Văn Tỵ phải đích thân xuống điều tra tại chỗ mà chính các cố vấn quân sự Mỹ, đặc biệt là Trung Tá John Paul Vann – người phối hợp các phương tiện hỏa lực gồm M–113, trực thăng UH–1A, trực thăng CH–21, các đơn vị quân đội Mỹ trong vùng cho trận Ấp Bắc này – đã phải nhục nhã gọi là “một thành tích khốn nạn” vì tướng Cao đã “chọn lựa tăng cường sự thất bại thay vì nỗ lực để chiến thắng” (“A miserable damn performance… They choose to reinforce defeat rather than to try for victory”) [11].  

Báo chí Mỹ tức giận vì sự bất lực của quân đội Việt Nam Cộng Hòa và sự vô hiệu của các chiến cụ viện trợ, đã phanh phui sự thất bại đó và còn quá khích đòi hỏi chính quyền Mỹ phải giành lấy quyền lãnh đạo chiến tranh tại Việt Nam để tiêu diệt Cộng Sản. Thảm bại đã rõ ràng như thế, nhưng để tránh cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Sài Gòn khỏi lan rộng thêm vì một thất bại quân sự nặng nề, ông Diệm – và ngay cả bà Nhu, người không có thẩm quyền về các vấn đề quân sự – đã tuyên bố rằng Ấp Bắc là một chiến thắng oai hùng của Sư đoàn 7.

Các nhà lãnh đạo Mỹ, đặc biệt là Bộ trưởng Quốc Phòng McNamara, Đại sứ Nolting, Đại Tướng Tư lệnh Quân Đội Mỹ tại Việt Nam Paul Harkins, đành phải bênh vực ông Diệm bằng cách xác nhận đó là một chiến thắng [12]. Thái độ bưng bít sự thật để tiến hành chính sách – mà trong giai đoạn đó là chính sách ủng hộ “người hùng” Ngô Đình Diệm – còn tiếp diễn  dài dài sau này suốt cuộc chiến Việt Nam. Ở đây tôi không phân tích về những lợi và hại của thái độ đó, mà tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng qua thái độ đó thì cho đến đầu năm 1963, mối liên hệ giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và ông Diệm vẫn rất thắm thiết. Thắm thiết đến độ phải nói láo để bênh vực cho cái thế và cái lực của một con tốt vô dụng vào lúc cờ tàn.

- Sự kiện thứ năm là sự đồng lõa của một số viên chức cao cấp Hoa Kỳ nhằm che dấu những thất bại của quốc sách ấp chiến lược hầu bảo vệ ông Diệm. Chương trình Ấp Chiến Lược là do sáng kiến của ông Thompson người Anh, Cố lấn Du Kích chiến của Tòa Bạch Ốc. Chương trình này đã được Tổng thống Kennedy hết lòng yểm trợ và đặt hết hy vọng vào hiệu quả của nó mà sự thành công đã được chứng nghiệm tại Mã Lai dù điều kiện ứng dụng có khác. Khi Mỹ đề nghị thực hiện chương trình này trong mục đích tiêu diệt hạ tầng cơ sở của Việt Cộng tại nông thôn thì bị ông Ngô Đình Nhu bác bỏ. Mỹ phải vận động mãi và đặc biệt phải tăng tài phí lên rất cao ông Nhu mới chấp thuận. Khi tiền viện trợ bắt đầu được tháo khoán, ông Nhu đích thân nắm lấy việc điều khiển thực hiện chương trình và cho áp dụng kế sách riêng của ông ta theo đường hướng của chủ nghĩa “nhân vị” và đặc biệt để tạo một bộ máy nhân sự trung thành với chế độ [13]. Mà bộ máy trung thành đó có mục đích quyết liệt nhất là gì nếu không phải là nhân danh công cuộc chống Cộng để phát động và thực hiện cho được âm mưu Công giáo hóa nhân dân trong các Ấp Chiến Lược như tôi đã trình bày ở một chương trước.

Nếu công cuộc thực hiện chương trình Ấp Chiến Lược được tiến hành một cách thực tế hơn, nghĩa là dựa trên thực tế chính trị quân sự cũng như thực tế xã hội nhân văn của miền Nam, và nếu được thực hiện bởi một cơ cấu nhân sự trong sạch và vì dân chứ không phải tham nhũng và vì bè phái mà cụ thể là đừng bắt dân đóng góp vật liệu, đừng bắt dân chúng lao động cực nhọc suốt đêm ngày không công, đừng quá cứng rắn trong việc bắt dân dời nhà cửa vườn tược của ông cha họ để lại, nghĩa là đừng làm mất lòng dân quá đáng, thì có lẽ kế hoạch Ấp Chiến Lược cũng đã có thể thu hoạch được phần nào thành quả. Khốn nỗi, chương trình Ấp Chiến Lược lại được chỉ đạo và kiểm soát bởi một Ngô Đình Nhu bệnh hoạn nên mới trở thành một hỏa diệm sơn thù hận chế độ và làm suy yếu luôn sức mạnh chống Cộng ở miền Nam.

Trước sự thất bại và hệ quả nguy hại rõ ràng đó, ông Rufus Phillips, nhân viên cao cấp nhất của Mỹ đặc trách về chương trình Ấp Chiến Lược, đã phải phúc trình trực tiếp với Tổng thống Kennedy để yêu cầu tái xét lại ngay cả sự cần thiết của chương trình này. Nhưng một lần nữa, những nhân vật rường cột của chánh sách Mỹ tại Việt Nam như Ngoại trưởng Rusk, Bộ trưởng McNamara, Đại sứ Nolting, Tướng Harkins, và ngay cả Thứ trưởng Ngoại giao Roger Hillsman (người sau này quyết liệt ủng hộ việc lật đổ chế độ Diệm) vẫn bênh vực ông Diệm và cho rằng chương trình Ấp Chiến Lược đã thành công.

Mặc dầu thái độ của họ phát xuất trước hết từ những động cơ khác như vì quyền lợi của Mỹ, như vì chính sách chống Cộng toàn cầu, như vì muốn giới hạn vai trò của báo chí… nhưng thái độ đó – khi che dấu sự thật và nhận định trái ngược hẳn với chính người trực tiếp phụ trách công tác là ông Rufus Phillips – cũng phát xuất từ ý định nâng đỡ và bao che cho chế độ Ngô Đình Diệm, nếu không muốn nói là bênh vực và chiều thuận chế độ đó.

 

-o0o-

 

Nhìn mối bang giao Mỹ–Việt, đặc biệt là liên hệ giữa chế độ Diệm và các cấp lãnh đạo Hoa Kỳ, trong suốt chín, mười năm trời cai trị miền Nam, anh em ông Diệm đã phạm không biết bao nhiêu lỗi lầm trầm trọng, ta thấy dù những lỗi lầm đó đã đưa đất nước từ thanh bình đến rối loạn, từ cảnh an ninh đến tình trạng chiến tranh thật sự, thế mà người Mỹ vẫn một lòng ủng hộ ông Diệm và chế độ của ông ta. Người Mỹ đã chân thành khuyến cáo để anh em ông Diệm sửa sai, khuyến cáo không nổi thì nhượng bộ, chiều lụy, thế mà ngược lại anh em ông Diệm vẫn cứ chê trách chống báng. Mà sự chống báng đó thật ra không phải phát xuất từ thể diện quốc gia (còn gì mà thể diện khi đã được khai sinh và nuôi dưỡng) hay độc lập dân tộc (còn gì mà độc lập khi quân viện và kinh viện đã tràn ngập đất nước) mà phát xuất từ bản chất phong kiến, quan liêu, tự tôn, tự đại của anh em dòng họ Ngô Đình

Năm sự kiện tiêu biểu mà tôi vừa kể trên kia đã chứng minh thái độ chịu đựng của người Mỹ trước sự ngoan cố của anh em ông Diệm. Lời trình bày của ký giả Robert Shaplen dưới đây còn mô tả rõ hơn nỗi chán chường và khổ tâm của người Mỹ trong việc giao thiệp với những nhà lãnh đạo của miền Nam Việt Nam:

Đến tháng Giêng năm 1962, sau những cuộc thảo luận kéo dài, một bản thông cáo ra đời cho thấy rõ ràng Diệm và Nhu đã thu hoạch tất cả những gì họ muốn về vấn đề tăng viện quân sự và kinh tế, mặc dầu không có dấu hiệu nào cho thấy họ cố ý thật sự thực hiện những cải cách. Đây là khúc quanh cuối cùng trong liên hệ lâu dài và đau đớn giữa chúng ta và Diệm. Những ai trong chúng ta đã từng ở Trung Hoa vào năm 1946 và có theo dõi cố gắng của người Mỹ trong việc lôi kéo Tưởng Giới Thạch chấp nhận thực hiện cải cách thì có thể làm một sự so sánh ở đây. Mỗi lần chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang đạt được thành quả với Tưởng Giới Thạch và đang dễ dãi với thành phần cấp tiến của Quốc Dân Đảng, thì vô tình chúng ta đã làm cho thành phần bảo thủ chung quanh Tưởng Giới Thạch có thể thuyết phục ông ta không nên thực hiện bất cứ chương trình cải cách nào mà người Mỹ muốn, bởi vì chúng ta (người Mỹ) đã gián tiếp xác định rằng chúng ta sẽ tiếp tục hỗ trợ cho ông ta trong cuộc chiến chống Cộng Sản. Ở Sài Gòn vào khoảng thời gian thương thảo 1961-1962, Nhu cũng đã giữ vai trò giống như vai trò của thành phần phản động trong Quốc Dân Đảng. Nhu đã nói với Diệm rằng Hoa Kỳ sẽ không bỏ chế độ (Diệm), và do đó không cần phải nghe theo những đòi hỏi cải cách của Mỹ. Hệ quả của việc để cho Diệm ở vị trí ưu thế này là người Mỹ ở Sài Gòn, một lần nữa lại bị bắt buộc phải lễ độ trong việc thuyết phục và khuyến cáo. Điều đó cho thấy thế đứng của chúng ta lúc bấy giờ bị yếu hẳn, và rồi cuối cùng sẽ không tránh khỏi rối loạn. Chúng ta đã cho người Việt Nam điều kiện để họ lạm dụng ý niệm “chủ quyền”, một người chán nản đã nói như vậy. Bề ngoài thì Tòa đại sứ làm bộ như đang thấy có những tiến bộ tại Việt Nam. Một nhân viên cao cấp khác đã nói với tôi vài tháng sau đó: “Thời gian rất cần thiết, chúng ta chưa sẵn sàng để thấy đứa bé ra khỏi bồn tắm. Tôi hy vọng thấy đứa bé sẽ ăn nhiều hơn từ tuần này qua tuần nọ.” Tuy nhiên, lúc riêng tư, thì hầu hết các nhân viên đều nói rõ sự bất mãn của họ đối với tình trạng đang suy sụp dần. Một nhân viên nữa của Tòa đại sứ đã nói một cách tuyệt vọng rằng: “Chúng ta đã hiến mình quá nhiều cho Diệm rồi, nhưng chúng ta cũng phải giữ thế quân bằng. Có nhiều cách để làm áp lực: một cách là chúng ta có thể chận lại nhiều chương trình như Diệm-Nhu đã chận và không cho Diệm-Nhu những gì họ đòi hỏi. Hay nói thẳng với họ: “Các ông không muốn làm như vậy à? Ok, vậy thì chúng tôi cũng sẽ không làm như vậy”. Có thể gọi đó là lối phản kháng tiêu cực, cũng như đó là lối chơi theo kiểu Đông phương xưa, và đã đến lúc chúng ta cũng phải học cách chơi theo kiểu đó” [14].  

Ngoài Robert Shaplen đã có nhận định trên, ký giả Karnow còn có ý kiến sâu sắc hơn:

...Trong thời gian đó, Diệm chống lại khuyến cáo của Hoa Kỳ trong việc cải cách chế độ bởi vì Diệm biết rằng Hoa Kỳ cần Diệm để chống Cộng. Như một giới chức Mỹ ở Sài Gòn đã nói: “Diệm là một thứ bù nhìn tự kéo lấy dây” (a puppet who pulled his own strings). Diệm dùng phương tiện Mỹ cho những nhu cầu riêng tư, ông ta không quan tâm nhiều đến một quân đội chống du kích mà lại lo thành lập những đơn vị để bảo vệ ông ta chống lại những người quốc gia đối lập tại Sài Gòn [15].

Những nhận định này nói lên thủ đoạn của anh em ông Diệm lợi dụng chính sách chống Cộng trong chủ thuyết Domino của người Mỹ để thao túng các kế hoạch quân viện và kinh viện, và nhất là để có thể khước từ những khuyến cáo thực thi dân chủ và hiệu dụng hóa khả năng chiến đấu của quân đội Việt Nam Cọng Hòa mà người Mỹ đã nhiều lần thúc giục. Những nhận định đó cũng nói thêm một điểm rất cơ bản khác là cho đến trước khi xảy ra vụ tấn phá chùa chiền vào tháng Tám năm 1963, người Mỹ vẫn tiếp tục “ngậm đắng nuốt cay” chịu đựng chế độ Ngô Đình Diệm, một chế độ đang bị chính nhân dân và quân đội miền Nam căm phẫn, một chế độ đang bị chính giới và công luận Hoa Kỳ lên án.

Phân tích dưới đây của một người bạn Mỹ rất thân của ông Diệm lại trình bày rõ hơn về những thăng trầm trong liên hệ Việt–Mỹ qua suốt gần mười năm dan díu:

Giải quyết vấn đề dân di cư đã cho thấy sự phối hợp giữa cấp chỉ huy địa phương, tài nguyên quốc gia, và viện trợ của Mỹ có thể làm được việc. Nhưng chính sự thành công trong lãnh vực này lại làm nổi bật lên sự yếu kém về phương thức điều hành của chế độ Diệm trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, hành chánh và quản trị quốc gia.

Sự sống còn của quốc gia được đặt căn bản trên những kế hoạch kinh tế, xã hội, và chính trị nhằm mục đích lôi kéo sự trung thành của nhân dân và làm cho nhân dân quyết tâm bảo vệ chế độ chống lại những cuộc nổi dậy bằng bạo lực. Tuy mức độ ủng hộ của nhân dân đối với Diệm không thể đo lường được dễ dàng, những chắc chắn giữa năm 1955 và 1957, Diệm đã tạo được nhiều tiến bộ. Ngay cả những kẻ chỉ trích chế độ khó tính nhất cũng đã phải nhận rằng, dù ngắn ngủi, Diệm đã hưởng được sự ủng hộ của nhân dân, và điều này chứng tỏ rằng lịch sử đã cho Diệm một cơ hội thực sự.

Nếu mức độ ủng hộ Diệm (ở Việt Nam) không chắc chắn, thì sự ủng hộ ở Hoa Kỳ lại rất vững chãi. Viện trợ của Mỹ rất quan yếu cho Nam Việt Nam đến nỗi có những người Mỹ ở Hoa Kỳ đã xem sự viện trợ này thay thế - chứ không phải là một điều kiện – cho sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam. Ngay cả ông Diệm cũng xem điều này như vậy khi ông nhận ra rằng ông đã không lôi kéo được khối quần chúng và khối tri thức Việt Nam ủng hộ ông.

Mặc dù tinh thần quốc gia chống Cộng dưới sự lãnh đạo của ông Diệm có một lúc có vẻ như là một thế lực khả dĩ có thể chống lại được ảnh hưởng của Việt Cộng, nhưng đến 1960 thì rõ ràng Diệm đã không sử dụng viện trợ Mỹ để tranh thủ lòng dân. Nhưng vì sao mà Diệm vẫn thành công trong việc duy trì được sự ủng hộ của Hoa Kỳ trong nhiều năm mặc dù tình trạng suy sụp về sức mạnh chính trị của ông ta đã biểu lộ rõ ràng? Và tại sao rất nhiều người Mỹ, dù biết rõ vẫn đề và dù có cái nhìn chính trị tinh tế, lại vẫn cứ tiếp tục bênh vực ông ta trong nhiều năm!

Để hiểu dễ dàng hơn sự tin tưởng kiên cố của những người Mỹ này, ta có thể chia chín năm cai trị của Diệm thành ba giai đoạn. Giai đoạn Một kéo dài khoảng một năm, trong đó, ngược lại với mọi dự đoán, Diệm đã thành công trong việc giữ vững vị thế và đặt nền móng cho nền cai trị của ông ta. Sự tin tưởng rằng tất cả đều tốt đẹp và rằng phép lạ đã xảy ra đã đâm rễ trong giai đoạn hai, và sự tin tưởng đó kéo dài không quá hai năm sau đó. Thật vậy mọi nghi ngờ về sự vững chắc của địa vị ông Diệm đã biến mất hoàn toàn sau hai năm đầu tiên của giai đoạn Hai này, và mặc dù chế độ bắt đầu để lộ ra những khuynh hướng chính trị tạo rắc rối cho nền cai trị, nhưng niềm tin về khả năng hành xử theo chiều hướng xây dựng của chế độ vẫn cứ được nẩy sinh và duy trì chính trong giai đoạn này.

Khó nói được giai đoạn Ba bắt đầu từ lúc nào. Ở Việt Nam thì sự bất mãn chế độ đã lan rộng vào năm 1957, ở Hoa Kỳ thì những kẻ ngưỡng mộ Diệm hồi trước đã ngưng ủng hộ ông ta sau năm 1960. Tuy nhiên giới chính quyền Mỹ, cho đến khi biến cố Phật giáo xảy ra vào năm 1963 mới lên án sự thất bại của chế độ Diệm.

Sở dĩ có một số người Mỹ lạc quan về Diệm là vì chính những người Mỹ này cần nuôi dưỡng lạc quan cho chính họ. Chỉ có “good news” từ Sài Gòn mới giữ được niềm tin rằng phép lạ tại Việt Nam là thật chứ không phải là một ảo ảnh. Nhu cầu “good news” đã làm cho nhiều quan sát viên chống Cộng mang một cái nhìn hời hợt, hay ít nhất đã bỏ qua những thất bại của Diệm, và sự kiện này đã làm cho những báo cáo về thành quả của Diệm trở thành vô giá trị [16]

Giáo sư Buttinger, được xem như “khai quốc công thần” của chế độ Diệm, rồi giáo sư Fishel, Đại tá Lansdale, Thượng Nghị sĩ Mansfield,… những người vừa là bạn vừa là nhân vật đỡ đầu của ông Diệm trong chính sách Mỹ, từ năm 1960, lần lượt chán nản xa rời ông Diệm trong cái tâm trạng “bỏ thì thương mà vương thì tội”. Ngay Tổng thống Kennedy, từ trước năm 1954 và còn kéo dài sau đó, cũng đã từng triệt để ủng hộ ông Diệm, rồi cuối cùng người ân nhân tối quan trọng đó cũng đã bị ông Diệm phản bội khi ông bắt tay với Cộng Sản Hà Nội.

Phần mà tôi vừa trình bày ở trên về chính sách của người Mỹ đối với các quốc gia nhược tiểu chống Cộng, và đặc biệt đối với chế độ Ngô Đình Diệm, đã nói lên rất rõ ràng rằng cho đến tháng Tám năm 1963 (nghĩa là cho đến ngày ông Nhu cuồng dại tấn công các cơ sở của Phật Giáo Việt Nam), giới lãnh đạo Mỹ chẳng những đã không tạo một áp lực nào phương hại đến sự sinh tồn của chế độ Diệm (ngoài những khuyến cáo xây dựng để củng cố thêm chế độ) mà ngược lại chính anh em ông Diệm đã tạo ra những căng thẳng trong mối bang giao bằng thủ đoạn “chantage” nhân danh nhu cầu chống Cộng của người Mỹ.

Mãi cho đến đầu năm 1963, trước cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng tại miền Nam Việt Nam mà hệ quả có thể là sự suy sụp toàn diện sức mạnh chống Cộng của cả nước, và trước những áp lực của quần chúng Hoa Kỳ, của chính giới Hoa Kỳ, của công luận thế giới, của các nước đồng minh, của tòa thánh Vatican,… giới lãnh đạo Mỹ mới bắt đầu áp dụng những biện pháp cứng rắn trong lãnh vực chính trị và viện trợ để vừa làm áp lực vừa giúp đỡ chính quyền miền Nam sửa sai.

Nói chung, về chính trị, người Mỹ đòi chế độ phải tôn trọng và thực thi nguyên tắc phân quyền và chính sách tản quyền để tránh tình trạng trung ương tập quyền đang làm mù quáng và tê liệt khả năng điều hành của dinh Gia Long. Cụ thể là để cho thành phần đối lập được tự do sinh hoạt tại nghị trường Quốc hội cũng như trong chính giới, xét lại hệ thống bổ nhiệm nhân sự ở các địa phương để tránh tình trạng lạm dụng quyền hành nhờ có liên hệ đặc biệt với gia đình Tổng thống, các cuộc bầu cử từ trung ương đến địa phương phải thực sự tự do và trong sạch… Lẽ dĩ nhiên những đòi hỏi này chỉ được người Mỹ trình bày dưới hình thức khuyến cáo để tránh tình trạng “can thiệp vào nội tình của nước khác”, ngược hẳn với những biện pháp khác táo bạo và mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát việc sử dụng tài phí viện trợ. Vấn đề kiểm soát tiền viện trợ này không phải chỉ vì chính quyền Mỹ muốn hiệu năng hóa công cuộc chống Cộng mà còn vì muốn biện minh với Quốc hội Hoa Kỳ trong những buổi điều trần về tình trạng tham chiến tại Đông Dương.

Đặc biệt, chính quyền Mỹ muốn được biết về số tiền tài trợ cho Lực Lượng Đặc Biệt, các cơ quan công an, mật vụ, và những mật phí có được sử dụng đúng đắn cho các công tác tình báo chống Cộng không. Đòi hỏi này đã bị ông Nhu xem như là một áp lực của Hoa Kỳ nhằm kiểm soát những bí mật quốc phòng và đã bị ông quyết liệt từ chối, vì ai cũng biết phần lớn của số tiền đó được chi tiêu để xây dựng bộ máy đàn áp đối lập, xây dựng những tổ chức kinh tài cho anh em ông và cho những hoạt động mờ ám khác.

Trong quân đội, các cố vấn Mỹ tỏ ra khắt khe hơn trong việc sử dụng các phưong tiện của Hoa Kỳ khi hành quân, và họ cũng tham dự nhiều hơn và trực tiếp hơn vào những trận đụng độ càng lúc càng lớn với quân Việt Cộng. Tình trạng này đã tạo ra nhiều va chạm giữa sĩ quan Việt Nam và sĩ quan cố vấn Mỹ về chiến thuật giao tranh với kẻ thù. Cho nên, trong thời gian đó, đã có những sĩ quan Việt Nam không cần tiếp vận của Mỹ và vì tự ái dân tộc đã sáng tạo ra những chiến thuật tiêu diệt địch oai hùng, nhưng cũng có rất nhiều đơn vị trưởng khác, nhất là các sĩ quan thuộc hệ thống Cần Lao chuyên lạm quyền để thủ lợi, không dám hành quân mà chỉ lui về thế phòng ngự giữ chặt lấy các tỉnh lỵ cho an toàn, và để mặc nông thôn cho Việt Cộng thao túng.

Phân tích những biện pháp chính trị và quân sự, tài chánh và điều hành của Hoa Kỳ, ta có thể nói rằng trước khi xảy ra vụ tấn công các chùa vào tháng 8 năm 1963, người Mỹ đã không tạo ra những áp lực nặng nề nào cả mà chỉ thể hiện những khuyến cáo của mình bằng một số biện pháp rất cụ thể để nâng cao hiệu năng đối đầu với Cộng Sản của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Nhưng ông Ngô Đình Nhu thì không nghĩ như thế. Và dù chính Mỹ đã khai sinh và nuôi dưỡng chế độ Diệm từ năm 1953, dù người Mỹ trong các cơ quan then chốt đã đóng những vai trò quan trọng trong các chính sách từ nhiều năm qua… nhưng đến khi cần chống Mỹ thì ông Nhu lại nêu lên những khuyến cáo và những biện pháp đó làm lý do để cho rằng “bị Mỹ làm áp lực, bị Mỹ chen vào nội tình quốc gia” dù đã 8, 9 năm đè đầu dân tộc nhờ tiền bạc và thế lực của Mỹ.

Đến đây thì nguyên nhân thứ tư của quyết định thay đổi lập trường từ thân Mỹ đến chống Mỹ, từ chống Cộng đến thỏa hiệp với Cộng của ông Ngô Đình Nhu bắt đầu thành hình, mà sự thành hình đó bắt nguồn từ chính bản chất nội tại của con người ông ta.

Những bản tính đặc biệt đó của ông Nhu là gì?

Trước hết ông Nhu là một người Việt có một tâm hồn rất Tây, thứ Tây trí thức chuộng lý thuyết và đắm chìm trong những lý tưởng đến nỗi quên mất thực tại. Nền giáo dục từ chương nặng nề của Pháp vào thập niên 1930 và 40, cũng như nội dung giảng huấn của trường Chartres đã bủa màng lưới lý thuyết vây kín óc sáng tạo và tính khách quan của người thu nhận. Ông Nhu say sưa đọc sách, càng nhiều càng tốt, mà không biết đối chiếu với thực tại để khai mở một triết lý hành động cho chính mình cũng như cho chính quốc gia sau này. Do đó mà những tác phẩm lý thuyết mà ông Nhu là cha đẻ sau này như Hiến pháp Đệ nhất Cộng Hòa, Thuyết Nhân Vị, v.v… chỉ là một sự chắp vá gượng ép của rất nhiều trào lưu tư tưởng lúc bấy giờ mà chẳng có một nội dung đặc thù nào, lại càng không phù hợp với hiện thực chính trị và xã hội của miền Nam Việt Nam chút nào cả.

Khi về nước phụ trách quản thủ thư viện tại Hà Nội rồi Huế, ông Nhu chỉ là một công bộc của bộ máy cai trị Tây, suy tư và hành xử như Tây chẳng khác một con cá biển sống thoải mái trong nước mặn. Do đó, ta không lạ gì khi thấy ông Nhu chỉ giao du với những thành phần thuộc giai cấp thượng lưu trí thức, và đến khi thành hôn thì cũng lấy con gái một gia đình trưởng giả trong nếp sống phóng đãng của Hà Nội bị Âu hóa. Văn hóa Pháp chi phối mạnh mẽ tâm hồn ông Nhu, mạnh mẽ đến nỗi khi diễn đạt, ông Nhu không dùng nổi tiếng Việt mà phải nhờ tiếng Pháp để nói và viết. Bài “Hội Mùa Xuân tại Hà Nội thời Hậu Lê” (La Fête de Printemps à Hanoi du temps des Lê Posterieurs), cũng như các diễn văn của ông Diệm sau này, ông Nhu đều viết tiếng Pháp và Võ Văn Hải dịch ra Việt văn. Con cái thì chỉ học trường Tây trường Đầm, và trong nhà thì chỉ đối đáp với nhau bằng Pháp ngữ.

Rõ rệt hơn nữa là khi mới có chính quyền, vợ chồng Nhu đã vội chuyển tiền ra ngoại quốc và chỉ chuyển qua Pháp hoặc Thụy Sĩ. Mua sắm nhà cửa thì cũng tại Pháp và Ý, tạo mãi cơ sở kinh doanh dĩ nhiên cũng tại Pháp. Ba lần công du chính thức, ông Nhu đều tìm cách ghé qua Pháp, riêng bà Nhu thì đi Pháp hàng năm, có khi trong một năm đi hai, ba lần. Chỉ năm 1957, ông Ngô Đình Nhu có viếng thăm Hoa Kỳ và đã được Tổng thống Eisenhower tiếp kiến.

Do đó, chính nếp sống Tây hóa, và quan điểm chính trị bị Tây hóa này đã làm cho ông Ngô Đình Nhu, trong sự hỗn loạn của tình hình lúc bấy giờ, đã trở nên chủ bại trong ý thức và trở về với lập trường khuynh tả của giới trí thức Âu Châu để chấp nhận chủ nghĩa của Marx như một chủ nghĩa nhân bản về mặt triết lý và là một hệ ý thức thuần lý về mặt sử quan, đến nỗi đã công khai tuyền bố “Tôi không phải là người chống Cộng trên quan điểm chính trị hay nhân bản. Tôi xem những người Cộng Sản như anh em…”

Từ tình cảm thân Tây, phục Tây và trọng Tây trên mặt tư tưởng cũng như nếp sống đó, tâm lý chống Mỹ, khinh Mỹ, ghét Mỹ của ông Nhu chỉ là một hệ luận tất yếu mà thôi. Và ông Nhu bị rơi vào cái vòng nhị nguyên đối đãi của một thứ lựa chọn cứng nhắc: càng trọng Tây thì càng khinh Mỹ, càng chống Mỹ thì càng thân Tây, chứ không tìm được cho mình một chọn lựa đặc thù nào trên nền tảng dân tộc, để khỏi vật vờ trong thế tranh hùng ngoại bang Tây–Mỹ.

Ngoài đặc tính nặng lý thuyết (mà là lý thuyết Tây phương) đến độ viển vông này, ông Nhu còn bị bệnh chủ quan của một người tưởng mình quán thông kim cổ, của một người khinh thế ngạo vật, xem trí thức và nhân sĩ miền Nam như cỏ rác. Ông Nhu chủ quan đến độ không nhận ra rằng anh mình được làm Tổng thống trước hết là nhờ Mỹ và tòa thánh La Mã chứ không phải nhờ những vận động chính trị đầy tính thỏa hiệp của ông Nhu tại Sài Gòn. Ông chủ quan đến nỗi không nhận ra rằng sau những năm đầu của chế độ, lòng dân đã bắt đầu dao động và những tình cảm cũng như sự tín nhiệm ban đầu của nhân dân đã bắt đầu biến đổi từ dè dặt đến nghi ngờ, từ nghi ngờ đến chống đối. Ông cũng chủ quan đến nỗi không biết rằng những sách lược và những tổ chức của mình như Ấp Chiến Lược, như Thanh Niên Cộng Hòa, như đảng Cần Lao Công giáo, như Lực Lượng Đặc Biệt, như trại giam P42 không đủ khả năng để chống đỡ cho chế độ đang bị ung thối từ trong cốt lõi. Ông cũng chủ quan đến độ vào những tháng cuối cùng của chế độ, khi biết được tin có những vận động nhằm lật đổ chế độ, ông vẫn dửng dưng xem thường và đánh giá rất thấp âm mưu đảo chánh của các sĩ quan.

Tôi còn nhớ vào dạo đó, trong mấy tuần liên tiếp, cứ mỗi thứ năm từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa, ông Nhu đến câu lạc bộ Tổng Tham mưu để thuyết trình cho khoảng 50 sĩ quan cấp Tướng và Tá gồm các chỉ huy trưởng và giám đốc nha, sở có mặt tại Sài Gòn. Tự cho mình là trí thức khoa bảng và với uy thế của vị Cố vấn Chính trị em ruột Tổng thống, ông Nhu đã xem các sĩ quan cao cấp đó như những kẻ võ biền không có ý thức chính trị nên ông thao thao bất tuyệt, dùng mọi lý luận để đả kích Phật giáo bằng những lời lẽ hung hăng, công kích sự tham dự quá mức của người Mỹ vào nội tình Việt Nam, đề cao một cách sống sượng các kết quả thống kê của quốc sách Ấp Chiến Lược và úp mở đề cập đến một nước Việt Nam thống nhất trong hòa bình.

Suốt năm trời vì quá lo âu bày mưu tính kế đối phó với Phật giáo và Mỹ nên mặt ông Nhu trông hốc hác, cặp môi đã thâm lại thâm thêm, cặp mắt vốn mờ đục bấy giờ lại bị các quầng đen làm sâu hẳn. Ông không biết rằng càng nói càng làm cho hội trường thêm chán ghét và căm thù. Những hứa hẹn cũng như những đe dọa mà ông trình bày bằng một giọng lè nhè vì uống quá nhiều rượu whisky, chỉ làm cho hội trường thêm chán nản. Làm sao ông có thể đề cập đến lòng yêu nước và xây dựng quốc gia khi chính ông đang âm mưu thỏa hiệp với Cộng Sản và đang làm ung thối liên hệ đồng minh với một nước bạn chống Cộng ? Nhưng ông Nhu cũng say sưa nói, và vẫn chủ quan tin rằng mình đang thuyết phục được một hội trường vốn đã biết khá rõ về âm mưu của ông cũng như đang có những vận động đối chọi kịch liệt với ông.

Cái bệnh chủ quan này trước đó đã dẫn ông Nhu vào thế cờ tàn mà Hà Nội giăng bẫy và sau này dẫn ông Nhu đến cửa tử của kế hoạch Bravo.

Bản tính thứ ba của ông Nhu là liều lĩnh. Không phải liều lĩnh trong cái nghĩa can đảm, biết trước được những khó khăn mà vẫn làm, nhưng lại là cái nghĩa cuồng tín của một người làm mà không cần biết hậu quả sẽ xảy ra cho mình hay cho đất nước như thế nào.

Sự liều lĩnh đó bắt nguồn từ niềm tin có tính cách tín ngưỡng về vai trò lãnh đạo mà “ơn trên” đã ban cho, từ mặc cảm tự tôn cho mình không bao giờ lầm lẫn và từ ảo tưởng rằng các bộ máy công an, mật vụ, các lực lượng chính trị, tôn giáo và quân sự đã được đảng Cần Lao kiểm soát. Sự liều lĩnh đó cũng bắt nguồn từ bản chất cá nhân của ông Nhu luôn luôn thích bạo động, thích âm mưu, thích khuynh loát, thích thủ đoạn,… và say sưa với những bạo động, âm mưu, khuynh loát, thủ đoạn đó.

Một linh mục người Pháp vốn biết rất rõ về con người của ông Nhu, từ năm 1959, đã nói rằng: “Nhu có đầy đủ khả năng để bắt tay với Cộng Sản. Nhu sẽ thỏa hiệp với Cộng Sản khi nào cảm thấy bị dồn vào chân tường. Nhu là thứ người hành xử hoàn toàn theo chính sách “sau ta là trận đại hồng thủy” (après moi, c’est le deluge) [17]. Sau này tính liều lĩnh đó đã thể hiện rõ ràng hơn khi:

… sự chống đối của tướng lãnh, của người Mỹ, và của Phong trào Phật giáo đã không cho Nhu một chọn lựa nào khác hơn để bám lấy chính quyền ngoài cách liều lĩnh thỏa hiệp với Hà Nội. Với Nhu thì không có gì là mất thể diện. Tất cả mọi nhân chứng đều cho thấy nhà mưu sĩ của chế độ, vì sống riêng biệt trong căn phòng bọc gấm và xa rời thực tế nông thôn, cứ tưởng chương trình Ấp Chiến Lược là một thành công. Những phúc trình của các sĩ quan khúm núm và các công chức sợ sệt đã cứ lải nhải (về sự thành công) như thế, còn Việt Cộng thì họ hiểu rằng nếu có thỏa hiệp, chắc chắn họ sẽ có lợi [18]

Vừa chuộng lý thuyết vừa nặng đầu óc chủ quan, lại tính liều lĩnh nên khi bị dồn vào thế đường cùng thì ông Nhu không thể làm gì khác hơn là quay về thỏa hiệp với kẻ thù Cộng Sản, một kẻ thù mà vì đầu óc tiêm nhiễm những lý thuyết khuynh tả Tây phương, ông Nhu đã không thấy nó phi nhân bản và phản tiến hóa, một kẻ thù mà nặng đầu óc chủ quan, ông Nhu đã không đánh giá được một tương quan lực lượng rất bất lợi cho miền Nam, một kẻ thù mà vì tính liều lĩnh thủ đoạn, ông Nhu đã không cần biết những hậu quả gì sẽ xảy ra sau khi thỏa hiệp.

 

-o0o-

 

Bốn nguyên nhân mà tôi đề cập ở trên có thể xem như là những sức đẩy hăm dọa sự an toàn của chế độ: Nhân dân miền Nam đẩy ông Nhu ra khỏi tư thế lãnh đạo, Việt Cộng đẩy ông Nhu ra khỏi vị trí đại diện chính đáng, chính quyền Mỹ đẩy ông Nhu ra khỏi tác phong độc tôn độc tài, và bản chất chủ quan đẩy ông Nhu ra khỏi những khôn khéo chính trị tối thiểu của một người nắm vận mệnh đất nước. Trước những sức đẩy đó, ông Nhu hạ tay đi thế cờ tội ác chót: Thỏa hiệp với Cộng Sản để hóa giải mọi sức đẩy đang làm lung lay chế độ, đang đe dọa sự an toàn của bản thân ông Nhu, của gia tộc Ngô Đình và của bè phái Cần Lao.

Thật vậy, thỏa hiệp được với Hà Nội thì Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam sẽ không còn vai trò để đóng, Mỹ sẽ không có lý do để áp lực, nhân dân miền Nam sẽ không còn tư thế để thay ông Nhu chống Cộng, và riêng cá nhân ông Nhu sẽ kiêu hãnh làm được nhiệm vụ lịch sử hòa hợp với những người “anh em” bên kia. Cũng trong con tính thỏa hiệp liều lĩnh này, ông Nhu tin chắc rằng Mỹ sẽ không bao giờ bỏ miền Nam mà phải trở nên “dễ bảo” hơn để quân bình ảnh hưởng của Cộng Sản; các sức mạnh của ông Nhu như đảng Cần Lao, Ấp Chiến Lược, khối Công giáo di cư, các bộ phận võ trang trong quân đội, mật vụ, công an,… sẽ đủ tư cách và đủ sức mạnh để thực hiện sách lược thỏa hiệp mà không bị phản bội.

Ông Nhu chủ quan và liều lĩnh tính toán như vậy, nhưng còn ông Diệm thì sao? Lập trường của ông và thái độ của ông như thế nào trong toàn bộ âm mưu thỏa hiệp với Cộng Sản Hà Nội của người em cật ruột ?

Ông Diệm là một tín đồ Công giáo có một niềm tín ngưỡng đậm đà nhưng không sâu sắc, ông tin tưởng tuyệt đối vào sứ mạng thiêng liêng tiêu diệt Cộng Sản mà ông cho là hiện thân của Satan. Lập trường chính trị của ông chỉ là một thể hiện tự nhiên những xác tín tôn giáo của ông chứ không phải từ một chứng nghiệm hay nghiên cứu chính trị sâu sắc về chủ nghĩa Mác–Lê, phong trào Cộng Sản và bối cảnh của dân tộc Việt Nam. Đối với ông Diệm, là người Công giáo thì tự nhiên phải chống Cộng. Và cũng từ đó mà ông quan niệm chắc nịch rằng chỉ có người Công giáo mới chống Cộng thật sự mà thôi. Toàn bộ quan điểm chống Cộng của ông Diệm cũng như đa số những người đồng đạo của ông ta bắt nguồn từ cái sứ mạng tông đồ tiêu diệt ma quỷ để làm sáng danh Chúa, hơn là từ những tình cảm hoặc ý thức dân tộc, nhân quyền, bình đẳng, tự do… Vì thế cho nên khi quân đội Pháp trở lại Việt Nam vào năm 1945–46 dưới quyền chỉ huy của một vị tu sĩ là Đô đốc Thierry d’ Argenlieu thì hầu hết người Công giáo Việt Nam đều chọn lựa theo ủng hộ đạo quân xâm lược mượn chiêu bài chống Cộng này, chứ không có một chút ngần ngại chính trị nào giữa hai chọn lựa “theo Kháng Chiến chống Tây” hay “theo Tây chống Cộng Sản” như tình trạng khá phổ quát của đa số các bộ phận khác của dân tộc lúc bấy giờ. Dó đó, nhiều đạo Thân binh hợp tác với quân đội viễn chinh Pháp lúc bấy giờ còn được gọi là Lính Đạo, và năm 1946, khi lực lượng Công giáo cho phổ biến “Lá Thư Luân Lưu” và thành lập “Liên Đoàn Công giáo Việt Nam” thì nội dung và động cơ của nó cũng lấy chủ điểm là đặc tính Vô Thần của chủ nghĩa Cộng Sản.

Về mặt chính trị, không những cá nhân ông Diệm có mối thù máu với Cộng Sản đã giết cha con ông Ngô Đình Khôi và giam tù ông tại Thái Nguyên, mà chính sự nghiệp chính trị cũng như những quyền lực và danh vọng của ông đều được xây đắp nhờ chủ trương chống Cộng của ông, do những thế lực chống Cộng Việt Nam cũng như ngoại quốc ủng hộ. Ngày 7 tháng 12 năm 1961, ông Diệm đã gửi cho Tổng thống Kennedy một lá thư dài trình bày tình trạng bi đát của nhân dân miền Nam do Cộng Sản gây ra để kêu gọi vị Tổng thống nước bạn giúp đỡ [19]. Lá thư này đã hợp pháp hóa và chính đáng hóa quyết định gửi quân Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam của Kennedy và củng cố thêm lập trường chống Cộng quyết liệt của ông Diệm lúc bấy giờ. Ngay những tháng cuối cùng của chế độ, lúc ông cho tấn công các cơ sở Phật giáo và đàn áp Tăng Ni thì ông cũng nhân danh sự đe doạ của Cộng Sản để biện minh cho chính sách tàn bạo đó thì tại sao từ cái lập trường thân Mỹ, chống Cộng sắt đá như thế ông lại hoán chuyển tương quan thù bạn để chủ trương đuổi đồng minh Mỹ và bắt tay với kẻ thù Cộng Sản mà nay ông gọi là “anh em”.

Tôi là một cán bộ trung kiên với ông Diệm vì lập trường yêu nước và chống Cộng Sản, thì việc chuyển đổi tư tưởng và lập trường của ông đã tạo cho tôi một nỗi băn khoăn, thắc mắc rất quan yếu. Tôi cứ tự hỏi chủ trương thỏa hiệp với Hà Nội là chính của ông Diệm hay của ông Ngô Đình Nhu. Tôi thật tâm nghi ngờ rằng ông Diệm đã bị ông Nhu thuyết phục lôi kéo vì ông Diệm thiếu quyết đoán mà lại cả nể ông Ngô Đình Nhu. Thật thế, cuộc đời chính trị của ông Diệm đã cho thấy thời làm quan Nam triều ông nổi tiếng là nhờ thái độ “cần kiệm liêm chính” chứ không phải nhờ tài năng trí tuệ, vì mọi chính sách và hoạt động đều đã có quan Tây chỉ bảo. Ông chỉ cần thi hành đúng đắn đường lối cai trị và chính sách đô hộ của người Pháp là đủ để được thăng quan tiến chức rồi. Từ ngày làm Tổng thống, vì thiếu khả năng lãnh đạo, lại mang tính tình bất thường khi nhu khi cương, đầu óc lộn xộn, nên ông đã phải nhờ quá nhiều vào sự giúp sức của anh em, vì vậy sau đó hoàn toàn bị anh em chi phối điều động. Từ sau biến cố Nhảy Dù cuối năm 1960, người ta thấy tương quan của hai anh em ông Diệm–Nhu trong Phủ Tổng thống không khác gì thời vua Lê chúa Trịnh, dù bề ngoài ông Diệm vẫn cố giữ cái thể thống của một vị nguyên thủ quốc gia. Từ sau cuộc đảo chánh Nhảy Dù, nhất là từ ngày dọn về dinh Gia Long (sau cuộc ném bom dinh Độc Lập), những người trong Dinh thường thấy ông Diệm hàng ngày kẹp hồ sơ xuống văn phòng ông Nhu ở tầng dưới để bàn công việc, tham khảo ý kiến. Người ta có cảm tưởng ông Diệm đã hành xử như một viên chức thừa hành mang hồ sơ đến trình bày công việc với thượng cấp là ông Nhu. Trong biến cố Phật giáo, ông Diệm đóng vai trò của một ống loa để tuyên bố, còn tất cả kế hoạch đối phó với cuộc khủng hoảng đều do ông Ngô Đình Nhu thiết kế và quyết định; mà ông Nhu thì lại vốn là người quá nể vợ, nếu không muốn nói là sợ vợ, như các nhân chứng và tài liệu đã nói rõ. Thành ra trong dinh Tổng thống, nhất là vào những năm cuối cùng, ông Diệm đã biến thành nhân vật thứ ba, nằm dưới quyền hành tuyệt đỉnh của vợ chồng Ngô Đình Nhu.

Để thấy rõ bộ máy lãnh đạo tối cao của chế độ và để xác định đúng vị trí của ông Diệm trong bộ máy này, ta hãy nghe những chứng nhân ngày ngày từng trực tiếp theo dõi và liên hệ gần gũi với bộ máy đó mô tả. Ông Nguyễn Thái, cựu Giám đốc Việt Tấn Xã, viết rằng:

Mặc dù là lãnh tụ của chế độ, Ngô Đình Diệm đã không thể và thật sự không quyết định một mình, hoàn toàn độc lập khỏi những trung tâm quyền lực khác trong chế độ được. Ngược lại ông đã bị họ ảnh hưởng, và những quyết định của ông phản ánh không những lối suy nghĩ của ông mà còn của họ nữa. Dù ông Diệm có biết hay không rằng ông đang bị chi phối bởi anh em khác trong gia đình thì ông Diệm vẫn có vẻ như tha thứ, làm ngơ, hay ngay cả nương dựa vào ảnh hưởng đó của họ.

Sự ảnh hưởng lẫn nhau và liên hệ về quyền lực giữa anh em trong hệ thống lãnh đạo của Tổng thống Diệm được gọi là “gia đình trị”. Điều này không thể không chú ý được bởi vì nó là trung tâm guồng máy cai trị đàng sau nền hành chánh của Nam Việt Nam. Cũng như nếu một người không biết gì về cá nhân Ngô Đình Diệm thì người đó không thể hiểu được sự lãnh đạo của Tổng thống Nam Việt Nam, không thể thấy được toàn diện chính cuộc nếu người đó không quan sát gia đình họ Ngô [20]

Ông Đoàn Thêm, Đổng lý Văn phòng Bộ Phủ Tổng Thống, còn đi sâu vào hiện tượng “gia đình trị” một cách rõ ràng hơn:

Trong mấy anh em gia đình họ Ngô, ông Ngô Đình Nhu là người ảnh hưởng ông Diệm hơn cả. Trong mấy năm đầu, ông Diệm không thấy các em ông có lỗi gì hết. Ông tin rằng mọi sự công kích đều do lòng đố kỵ, do mưu mô ly gián của đối phương.

Đã nhiều lần, ông nói với người chung quanh: Bà Nhu chịu khó lắm, đau hoài mà cứ gắng làm việc công ích, thiên hạ ác miệng lắm.

Nhưng rồi ông thấy cả những người chí thân cũng phản đối nhiều hành động của bà. Sự bất hòa giữa bà với ông Cẩn chẳng hạn, không thể giữ kín. Phải là “chỉ đạo” mới có gan lên án bà trước ông Tổng thống. Ông Diệm hay bị trách là nhu nhược để mặc vợ chồng ông Nhu làm mưa làm gió.

Ông Diệm biết xử trí ra sao? Có thật ông yếu ớt quá không? Tôi muốn biết rõ hai điểm đó.

Vài người thân tín và quyến thuộc đã hiểu được nỗi khổ tâm của ông. Không những ông phân vân giữa tư tưởng riêng tư và dư luận chung, mà ông còn hay bị kẹt giữa những người ruột thịt.

Có bận ông về Huế ngồi phờ rất lâu, mớ tóc đen và dài rớt cả xuống trán và mang tai, ông không nói không rằng chỉ theo thói quen khi ông suy nghĩ nghĩa là dụi tàn thuốc lá, chưa hết nửa điếu này đã châm điếu khác để dụi nhiều hơn.

Ông muốn trong ấm ngoài êm, thì họ cứ lục đục và giận dỗi, người nọ khích bác người kia. Ông thương tất cả, chẳng nỡ bênh ai gạt ai. Ông cần ông Nhu hơn hết, sao mọi người cứ muốn chặt tay ông ?

Nhưng chẳng lẽ ông không dám có phản ứng hay sao? Ông Cẩn biết tính lưỡng lự của anh đã bảo một người cháu: giục ông Tổng thống mà không khủng bố ông ta tất không được. Khủng bố Tổng thống là nói mạnh, dọa làm bừa nếu chưa chịu nghe. Đồng ý hay không, bà Nhu đã biện thuyết quá hùng hồn trước mặt ông.

Ở những trường hợp đó, người phải chứng kiến đã ái ngại cho ông Diệm. Ông không quen mạnh dạn trước phụ nữ lại cả nể vợ yêu của người em quý nhất. Sau hết, ông kém về ngôn ngữ và thiếu tài ứng đối nên chỉ cau mặt, không nghe, không bác, lặng thinh, trong một bầu không khí nặng nề. Rút cuộc, ông chỉ thở dài, hình như để tự giải thoát, giải thoát bằng tha thứ.

Ông cho là ông rộng lượng chứ không phải là ông chịu đựng. Bởi thế có lần ông khuyên một Bộ trưởng: Thói thường đàn bà người ta hay nhiều lời. Xong thì thôi, mình đàn ông bận tâm làm chi, cho nó yên mà lo việc lớn [21].

Nhưng tất cả vấn đề là nếu “nó” không yên thì sao?

Và “Nó” đã không yên cho nên từ một đất nước thanh bình và một dân tộc đoàn kết thời 1955–56, “Nó” đã đóng góp rất nhiều, quá nhiều, vào việc biến thành một đất nước ly loạn và một dân tộc bị phân hóa vào năm 1962–63. Và đến mấy tháng cuối cùng, khi bị cả dân tộc chống đối, khi bị kẻ thù đe dọa, khi bị đồng minh khuyến cáo, và khi chồng tiến hành kế hoạch thỏa hiệp với quân thù, thì “Nó” còn hống hách tuyên bố: “Ông Diệm không thể cai trị miền Nam nếu không có chồng tôi. Trái lại chồng tôi có thể cầm quyền lãnh đạo quốc gia dù không có ông Diệm[22].

Nói tóm lại, ta thấy ông Diệm tuy chống Cộng nhưng là một thứ chống Cộng bị điều kiện hóa chứ không được thúc đẩy và chỉ đạo bởi một cơ sở lý luận vững chắc hoặc được chứng nghiệm bằng một quá trình đấu tranh sống chết. Ông lại là một người hành xử vai trò lãnh đạo nhưng lại không có tư cách và quyền lực của một nhà lãnh đạo. Đã thế bản tính ông lại nhu nhược, dễ dãi, nhất là lúc phải đối phó với những vấn đề phức tạp và to lớn. Từ lâu, ông đã tin tưởng tuyệt đối vào ông Ngô Đình Nhu là người em không những ông thương yêu tin phục mà còn nể sợ nữa, đến độ gần như trao toàn quyền lãnh đạo quốc gia cho em. Cho nên trong những năm 1962–63, trước những khủng hoảng dồn dập, mà khủng hoảng nào cũng phức tạp và trầm trọng, trước một tình thế vượt hẳn khả năng lý luận và khả năng đối phó của một người như ông, ông đã an tâm trao hết vận mệnh của chế độ, của miền Nam, vào tay vợ chồng Ngô Đình Nhu.

Ngay cả quyết định quan trọng nhất, và quái dị nhất, là chống Mỹ để thỏa hiệp với Cộng Sản Hà Nội, ông cũng đã bị ông Ngô Đình Nhu thuyết phục dễ dàng. Thái độ phủi tay trước những quyết định sinh tử đó của ông không khác gì thái độ rửa tay để tránh trách nhiệm của viên Thống đốc Pontius Pilate trước khi trao vận mệnh chúa Giê Su cho viên chủ tế Pha-ri-siên và lực lượng La Mã đóng đinh Chúa lên thánh giá. Từ đó, ông hoàn toàn bị ông Ngô Đình Nhu điều động và trở thành một con cờ đắc lực cho vợ chồng Nhu trải chiếu đánh ván bài định mệnh với Cộng Sản Hà Nội.

Tôi có thể nói sự chuyển biến lập trường của ông Diệm, từ dao động đến bị động, và từ bị động đến dấn thân vào âm mưu đó, chỉ có Võ Văn Hải và tôi là biết được phần nào. Sở dĩ biết vì một phần chúng tôi là những cán bộ quá gần gũi và thân thiết với ông Diệm đến độ vượt qua khỏi tương quan “chỉ huy–thuộc cấp” thông thường, và phần khác là vì chúng tôi có chủ ý để tâm khám phá âm mưu đó mà chúng tôi bắt đầu nghi ngờ từ năm 1960, sau cuộc chinh biến của binh chủng Nhảy Dù. Bác sĩ Trần Kim Tuyến tuy là cộng sự viên số một của ông Nhu trong dinh Độc Lập, có thể biết nhiều về ông Nhu, nhưng đối với ông Diệm thì cũng chỉ ngưng lại ở tương quan “chỉ huy–thuộc cấp” mà thôi.

Ai cũng biết Võ Văn Hải và tôi là hai cán bộ cốt cán của ông Diệm, và sự tồn vong của chế độ cũng như của ông ta gắn liền với số mạng của chúng tôi dù chúng tôi đều bị ông Nhu nghi ngờ, oán ghét, và dù chúng tôi đều căm thù nhóm Công giáo Cần Lao, những kẻ mà chúng tôi cho là làm hại sức mạnh chính trị và uy tín của ông Diệm. Vì thế, chúng tôi cố gắng theo dõi thực sát đường lối và hoạt động chính trị của Phủ Tổng thống, của ông Diệm và của vợ chồng Ngô Đình Nhu, nhất là vợ Nhu, người đàn bà mà Hải và tôi mệnh danh là thứ “Cửu Vỹ Hồ ly tinh Đắc Kỷ”.

Sau cuộc đảo chánh của Nhảy Dù vào cuối năm 1960, tôi cứ thắc mắc tại sao anh em ông Diệm–Nhu cứ kết án người Mỹ đã chủ trương cuộc đảo chánh trong lúc chính nhờ Mỹ một phần mà Vương Văn Đông, người lãnh đạo cuộc binh biến đã tạm ngưng tấn công dinh Độc Lập, tạo cơ hội cho ông Diệm gọi quân về phản công. Tôi lại đã trình bày cho ông Diệm biết có thể nhóm Vương Văn Đông có liên hệ với hệ thống gián điệp Pháp vì từ khi trốn qua Cao Miên, nhóm Vương Văn Đông đã được tình báo của Sihanouk liên lạc và che chở ngay. Cựu Trung tá Trần Đình Lan trong cơ quan gián điệp Pháp cũng từ Paris đến Phnom Penh liên lạc với Vương Văn Đông, trong lúc Nguyễn Chánh Thi thì lại bị chính quyền và quân đội Cao Miên bạc đãi. Việc này bác sĩ Tuyến còn biết rõ chi tiết hơn tôi và đã báo cáo đầy đủ với ông Nhu.

Sự kết án lạ lùng đó đã khiến cho Hải và tôi để tâm theo dõi và tìm hiểu. Rồi những sự kiện khác tiếp tục xảy ra như vụ Đại sứ Pháp Roger Lalouette và ông Nhu trở nên thân thiết hơn, vụ Trưởng phái đoàn Ba Lan trong Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến Mieczyslaw Maneli được săn đón kỹ càng hơn, vụ công kích người Mỹ càng lúc càng kịch liệt và liên tục hơn. Cho đến đầu năm 1963, khi một phái đoàn Quốc hội Việt Nam Cọng Hòa thăm viếng Pháp thì Hải và tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Sau Tết Quý Mão (1963) độ một tháng, tôi và Hải gặp nhau để phối kiểm mọi dữ kiện và duyệt xét toàn bộ những biến chuyển của dinh Gia Long từ hai năm qua, và Hải đã vừa lo lắng vừa buồn rầu kết luận: “Ông Cụ và ông Nhu đã thay đổi lập trường rồi anh Mậu ơi. Bây giờ là chống Mỹ, bắt tay Pháp để nói chuyện với Hà Nội ! Chúng ta làm gì đi chứ?”

Làm gì bây giờ? Đó là câu hỏi lớn mà Hải và tôi cứ bị ám ảnh mãi suốt hai mùa Xuân và Hạ của năm 1963. Đó cũng là câu hỏi đã vượt ra khỏi cái liên hệ tình cảm giữa chúng tôi và ông Diệm để được đúng đắn đặt trong cái liên hệ giữa chúng tôi và đất nước. Mùa Thu năm đó, khi tôi lấy quyết định cùng với toàn dân lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm thì tôi biết Hải cũng đã lấy quyết định rồi mà thể hiện rõ ràng nhất là trong ngày Cách mạng 1–11–63, dù ông Diệm khẩn cấp gọi Hải nhiều lần nhưng người bạn hiền của tôi nhất quyết nằm tại nhà, không vào Dinh. Phải nhìn vào tình bạn thắm thiết giữa ông Diệm và cụ Án Võ Vọng, thân phụ của Hải, phải nhìn vào tình thầy trò vô cùng khắn khít giữa ông Diệm và Hải trên 20 năm trời, và hãy nhớ hành động của Hải trong biến cố Nhảy Dù năm 1960 mới thấy được việc Hải không vào Dinh lúc bấy giờ là đau đớn và quyết liệt như thế nào.

 

-o0o-

 

Toàn bộ sách lược thỏa hiệp với Cộng Sản của anh em Nhu–Diệm có thể tóm tắt trong bốn kế hoạch sau đây:

1. Công khai và cụ thể chống Mỹ, nhưng chỉ chống đến một mức độ còn kiểm soát được, để vừa thoả mãn điều kiện tiên quyết của Hà Nội vừa lại có thể sử dụng được lực lượng của Mỹ như một áp lực với Hà Nội, hoặc nếu cần, có thể quay trở lại tình trạng đồng minh như cũ.

2. Vận động để một số quốc gia, đặc biệt là Pháp, đóng vai trò trung gian và bảo đảm sự thực thi của thỏa hiệp trong và sau khi thỏa hiệp thành hình.

3. Chuẩn bị và tiến hành những biện pháp an ninh và chính trị để kiểm soát các lực lượng quốc gia và quần chúng miền Nam trong trường hợp nổi dậy chống đối thỏa hiệp này.

4. Trực tiếp đối thoại với chính quyền Hà Nội để thương thảo về vấn đề chấm dứt chiến tranh và thống nhất đất nước.

Bốn kế hoạch đó được song song tiến hành và do chính ông Ngô Đình Nhu điều động kiểm soát. Vì tính cách tối mật và tối quan trọng của nó, những nhân sự được chọn lựa thi hành các công tác đã là những thuộc hạ trung tín nhất của ông Nhu, và chỉ biết được từng phần mà không biết được toàn bộ kế hoạch. Trong một vài trường hợp đặc biệt, chính ông Nhu đã đích thân trực tiếp thi hành công tác để bảo toàn bí mật.

Diễn tiến của bốn kế hoạch đó lúc công khai lúc bí mật, lúc thì dồn dập lúc thì bế tắc, nhưng một cách thứ lớp thì đã xảy ra như sau:

Từ đầu năm 1960, với tư cách là trưởng nhiệm sở ngoại giao tại Luân Đôn, ông Ngô Đình Luyện đã xin hội kiến với Tổng thống Pháp De Gaulle. Đáng lẽ ông De Gaulle không tiếp nhưng vì ông Luyện còn là bào đệ của ông Diệm, nên Tổng thống De Gaulle chịu tiếp trong 15 phút với tất cả sự lạnh lùng và qui ước của một cuộc hội kiến ngoại giao. Buổi hội kiến đó nhằm mở đường cho ông Nhu nhưng đã không mang lại kết quả nào vì năm 1961, khi ông Ngô Đình Nhu – trên đường đi dự lễ đăng quang của vua Hassan II tại Maroc – ghé qua Paris để xin gặp Tổng thống De Gaulle thì bị từ chối mà chỉ được Bộ trưởng Ngoại giao Couvre de Murville tiếp kiến và mời ăn cơm. Tham dự buổi tiệc này có các ông Phạm Khắc Hy, Bửu Hội, Đại sứ Pháp Lalouette và ông Etienne Manac, Giám đốc Đông Nam Á Sự Vụ của Bộ Ngoại Giao Pháp (ông này rất thiên về Hà Nội). Tuy cố gắng bày tỏ mọi cảm tình đối với nước Pháp, nhưng ông Nhu đã không thành công trong việc thuyết phục được Couvre de Murville về một chính sách mà nước Pháp có thể đóng một vai trò quan trọng hơn tại Việt Nam.

Nhưng nếu không thành công lớn thì ít ra ông Nhu cũng đã tạo được một mối liên hệ tốt đẹp và hữu ích với Đại sứ Pháp Lalouette để ông này tiếp tục thuyết phục chính quyền “nên can dự vào nội bộ Việt Nam để khuyến khích và giúp đỡ anh em ông Diệm tránh được gọng kềm của Mỹ” (emprise americaine) [23]

Năm 1961 đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong chính sách ngoại giao của Pháp đối với Việt Nam và mang lại những kết quả tốt đẹp cho sự kiên nhẫn của Đại sứ Lalouette trong việc liên tục thuyết phục chính phủ mình hãy can thiệp nhiều hơn vào Việt Nam. Thật vậy, thất bại của Mỹ tại Cuba (Vịnh Con Heo, tháng 4 năm 1961) cho một sự hoà hoãn toàn cầu, hội nghị Genève về vấn đề Lào (tháng 5 năm 1961) để mở đầu cho một chính phủ liên hiệp do Hoàng thân Souvanna Phouma lãnh đạo, Hà Nội đề nghị một loạt các hiệp ước hợp tác văn hóa và kỹ thuật với Paris,… những sự kiện đó đã cho chính phủ Pháp thấy rằng chiều hướng chính trị quốc tế, đặc biệt tại Đông Dương, đã không thuận lợi cho Hoa Kỳ chút nào. Kẻ khổng lồ Mỹ ngây thơ vụng về đã thất bại tại Việt Nam để Pháp có thể rửa lại cái hận năm xưa bằng cách đẩy Mỹ ra khỏi Việt Nam hầu nắm lại ưu thế trên vùng đất cựu thuộc địa, mà ảnh hưởng văn hóa cũng như quyền lợi kinh tế vẫn chưa bị phai mờ. Để thực hiện mục tiêu này, trung lập hóa Đông Dương để tiến tới một Việt Nam thống nhất phi liên kết là công thức chính trị của đường lối ngoại giao Pháp.

Bộ ngoại giao Pháp bắt đầu mở những cuộc thăm dò với Hà Nội và Sài Gòn. Bằng cách đi chơi thuyền trên sông Sài Gòn, ông Nhu và Lalouette gặp nhau nhiều lần để giải quyết những khác biệt cuối cùng và để hoạch định những kế hoạch cần thiết cho việc thỏa hiệp giữa hai miền. Trục Sài Gòn–Paris–Hà Nội càng lúc càng được khai thông cho những âm mưu, những dự tính, những thủ đoạn tuôn chảy. Và đến tháng Hai năm 1963, trong khi công luận và chính giới Hoa Kỳ công phẫn vì sự bất lực của chính sách quân viện Mỹ qua thảm bại Ấp Bắc và sự dối trá của chính phủ Ngô Đình Diệm về kết quả trận đánh này, thì chính phủ Pháp nắm lấy cơ hội đó, chính thức mời một phái đoàn Quốc Hội Việt Nam qua thăm Paris.

Sau khi được ông De Gaulle tiếp kiến, phái đoàn Quốc hội do ông Trương Vĩnh Lê cầm đầu, gồm các Dân biểu Hà Như Chi, Nguyễn Hữu Chính, Nguyễn Quốc Hùng, Trần Văn Thọ, đã tỏ ra ngạc nhiên một cách hứng thú (“surprise agréable”) và ca ngợi De Gaulle đã “rất thông cảm với Việt Nam” (très compréhensible à l’égard du Vietnam”).

Cũng vào mùa Xuân năm đó, ông Mieczyslaw Maneli đến Sài Gòn lần thứ nhì để đảm nhiệm chức vụ Trưởng phái đoàn Ba Lan trong Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến (của Hội nghị Genève 1954).

Ông Maneli là một cán bộ trí thức Thiên Chúa giáo cao cấp của đảng Cộng Sản Ba Lan, có khuynh hướng quốc gia cực đoan và tự do tiến bộ, lại là một người hiểu biết nhiều về vấn đề Việt Nam. Hơn nữa, ông Maneli lại quen biết thân thiết với các lãnh tụ Cộng Sản cao cấp miền Bắc cũng như lại có dịp đi về thường xuyên đường Hà Nội–Sài Gòn nhờ tư cách Trưởng phái đoàn Ba Lan trong Ủy hội Quốc tế, nên khi ông vừa đến Sài Gòn thì Đại sứ Lalouette liên lạc ngay và khuyên nên gặp ông Ngô Đình Nhu [24]

Sau đó, Trưởng phái đoàn Ấn Độ là Đại sứ Goburdhun, rồi vị Đại sứ Ý Đại Lợi Giovanni Orlandi, và ngay cả Khâm mạng Tòa thánh Salvatore d’Asta cũng thúc giục Maneli đến tiếp xúc ngay với Nhu. Tuy biết rằng đang có những vận động quan trọng liên hệ đến nước anh em Dân Chủ Cộng Hòa Bắc Việt, nhưng vì chưa nắm đầy đủ dữ kiện và chỉ thị nên Maneli từ chối: “Tôi đại diện cho một quốc gia không công nhận miền Nam Việt Nam. Theo quy ước của Hiệp Ước Genève thì chính quyền này chỉ có tính cách giao thời, do đó tôi chỉ phải đến chào vị Tổng trưởng Ngoại giao mà thôi… Tuy nhiên vì thực tế chính trị, tôi sẽ vui mừng được gặp ông Nhu với điều kiện là ông ta mời tôi” [25].

Với lối trả lời linh động đó, ba vị Đại sứ Pháp, Ấn và Ý xem như ông Maneli đã đồng ý trên nguyên tắc nên tìm mọi cách để dàn xếp một cuộc gặp gỡ Nhu–Maneli. Họ cũng cho ông Maneli biết rằng họ đã phúc trình đầy đủ với ông Nhu về quá trình liên hệ và tư thế của ông Maneli đối với cấp lãnh đạo Hà Nội, và ông Nhu đã bày tỏ ý muốn gặp ông Maneli (“Nhu himself had expressed interest in meeting me”). Trong hồi ký của ông Maneli, ông thú nhận rằng ông đã không có đầy đủ tin tức về những vận động từ trước cho kế hoạch thỏa hiệp với Hà Nội như ông Nhu, mà chắc chắn trong kế hoạch đó, ông Nhu và hai vị Đại sứ Ấn cũng như Pháp đã có những mưu tính từ lâu. Điều làm cho ông Maneli ngạc nhiên là:

… kế hoạch của Goburdhun nhằm làm trung gian giữa Nam và Bắc Việt Nam là một kết hợp giữa sự ngây thơ và quỷ quyệt, giữa sự thiếu thực tiễn và lý thuyết trừu tượng, giữa sự hùng biện và sự phức tạp của vấn đề. Điểm mấu chốt của kế hoạch này là câu nói rất mị dân của Nhu: “Tôi cũng chống tư bản”. Còn khi đề cập đến một chủ nghĩa xã hội thì cả Nhu lẫn Goburdhun đều không xác định nổi một cách rõ ràng, ngoại trừ chủ nghĩa xã hội đó không dựa trên duy vật biện chứng… Lời giải thích của Nhu cũng mơ hồ như lời mà ông ta hằng tuyên bố rằng trên thế giới này, ông ta là người theo chủ nghĩa xã hội chân chính nhất… trong khi vẫn nắm lấy hàng triệu Mỹ kim của ngân khố Mỹ [26]. 

Còn về phần Đại sứ Pháp Lalouette thì sau hai lần gặp nhau, ông Maneli được biết kế hoạch của Pháp là tìm cách cho hai miền Bắc–Nam thương thảo với nhau để tiến đến trao đổi văn hóa và kinh tế, hầu mở đường cho những thỏa hiệp chính trị sau này. Phần vụ được chia rõ là ông Maneli sẽ đề nghị với Hà Nội mô thức đó trong khi Đại sứ Lalouette sẽ giữ liên hệ với chính phủ Sài Gòn.

Một tuần sau đó, vào cuối tháng Hai, ông Maneli đi Hà Nội và trình bày toàn bộ kế hoạch của Lalouette cho các ông Phạm Văn Đồng và Xuân Thủy thì chỉ sau hai ngày, đã nhận được sự đồng ý của Hà Nội rằng “như lời của Hồ Chủ tịch đã tuyên bố từ lâu, chính phủ sẵn sàng bắt đầu thương thảo bất kỳ lúc nào và bí mật hay công khai cũng được” [27]. Đính kèm với thư trả lời là một danh sách những sản phẩm sẽ được trao đổi giữa hai miền, kể cả đề nghị cùng xuất bản sách chung.

Ông Maneli bay trở về Sài Gòn và báo cáo cho Đại sứ Lalouette biết ý định của Hà Nội khiến ông Lalouette tỏ ra hài lòng. Đặc biệt ông Lalouette cứ cật vấn mãi về thái độ của các ông Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp có thù hằn cá nhân ông Nhu hay không? Khi được biết họ “không thù hằn” mà còn có vẻ “tin tưởng Nhu” (?!)ông Lalouette đã phải kêu lên: “Très intéressant! Très important!” Ông Maneli cho rằng câu hỏi đó là do ông Nhu thúc đẩy ông Lalouette hỏi và cảm tưởng của ông là mọi nguyên tắc về thỏa hiệp đã được đồng ý rồi, giai đoạn này chỉ còn là những vấn đề cá nhân mà thôi.

Cũng trong mùa Xuân năm 1963 đó, để yểm trợ cho những vận động của Đại sứ Pháp, vị chủ tịch của Ủy Hội Quốc Tế KSĐC là Đại sứ Ấn Độ Goburdhun cũng nhịp nhàng tiến hành một số công tác khác. Ông ta đã ra Hà Nội thăm ông  Hồ Chí Minh nhân dịp đầu Xuân. Và trong buổi nói chuyện đã tỏ ra rất ngạc nhiên nhận thấy Hà Nội đặc biệt chú ý đến tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và anh em ông Diệm, nhất là việc “ông Diệm chống lại các áp lực của Mỹ”.

Với điệu bộ “ngây thơ khó ai bắt chước nổi”, ông Hồ Chí Minh đã hỏi Đại sứ Ấn Độ có gì lạ xảy ra tại thủ đô Sài Gòn không, vấn an sức khỏe ông Diệm và tỏ vẻ để tâm đến việc ông Diệm bị Mỹ áp lực. Ông Hồ Chí Minh cũng bày tỏ sự tiếc nuối vì Sài Gòn đã không chịu chấp nhận những đàm phán mà Hà Nội đã nhiều lần đề nghị để tiến tới một thỏa hiệp chung. Khi Đại sứ Ấn từ giã ra về, ông Hồ Chí Minh còn ân cần dặn dò: Khi nào gặp ông Diệm nhờ ông bắt tay hộ. Khi kể lại chuyện này cho ông Nhu nghe, ông Nhu tỏ vẻ đắc chí lắm và giải thích cho Đại sứ Ấn Độ biết rằng đó là nhờ sự thành công của quốc sách Ấp Chiến Lược (?!) [28].  

Lời hỏi thăm này cũng như lời “khen ngợi” ông Diệm là người yêu nước của ông Hồ Chí Minh, mà sau này tàn dư Cần Lao Công Giáo tại hải ngoại thường huyênh hoang sử dụng như một bằng chứng khả tín, thật ra chỉ là hành xử chính trị của ông Hồ Chí Minh nhằm xúi giục ông Diệm cứ tiếp tục kế hoạch đuổi Mỹ ra khỏi miền Nam mà thôi. Cái tội hết theo Tây đến theo Nhật, bây giờ lại làm tay sai bản xứ cho Mỹ và Vatican chống lại dân tộc và tiêu diệt bao nhiêu đảng viên Cộng Sản, làm sao ông Hồ Chí Minh tha thứ để gọi ông Diệm là “người yêu nước” được. Nhưng người Công giáo Việt Nam, vốn tự hào là lực lượng chống Cộng hung hãn nhất và nguyền rủa ông Hồ Chí Minh nhiều nhất, sẽ quên tất cả mà chỉ cần câu nói của ông Hồ Chí Minh rửa mặt cho chủ cũ là được rồi!

Đầu tháng Tư năm 1963, khi mọi dàn xếp cho cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa ông Nhu và ông Maneli đã bắt đầu có vẻ cụ thể thì ông Maneli bèn điện về Warsaw để xin chỉ thị. Đồng thời cũng thông báo cho ông Hà Văn Lâu và Đại sứ Nga tại Hà Nội biết. Mấy ngày sau, đại diện của phái đoàn Ba Lan tại Hà Nội thông báo cho ông Maneli biết rằng “các đồng chí Việt Nam rất lưu tâm đến những chi tiết về sự dàn xếp của Nhu, cũng như nội dung cuộc gặp gỡ đó”, đồng thời đích thân ông Hà Văn Lâu trả lời thẳng cho ông Maneli rằng “các đồng chí lãnh đạo yêu cầu được thông báo tức khắc về các diễn tiến, và nếu đồng chí có thể về Hà Nội để hội ý với chúng tôi trước khi gặp Nhu thì rất tốt” [29].

Trong khi đó thì ông Nhu cũng ráo riết hoạt động: nào là gọi giáo sư Bửu Hội (vốn là một phần tử có khuynh hướng thân Cộng đang ở Paris và được ủy làm trung gian để liên lạc với Pháp) về nước nhận chỉ thị trong kế hoạch thỏa hiệp với “những người Điện Biên Phủ” (“les hommes de Dien Bien Phu”), nào là tổ chức một chuyến tham quan chính trị từ Sài Gòn lên Đà Lạt cho ba vị Đại sứ của Ủy Hội Quốc Tế để giới thiệu những thành quả của Ấp Chiến Lược, những thành quả mà chỉ ông Nhu mới mang ảo tưởng có đủ sức mạnh để làm một món hàng trả giá với Hà Nội. (Trong cuộc tham quan này, ông Maneli đã chê bai Ấp Chiến Lược chỉ là trò hề đối với Việt Cộng như đã nói trước kia).

Nhưng hoạt động lớn nhất trong tháng 5 năm 1963 của ông Nhu là nhằm công khai hóa lập trường chống Mỹ để thỏa mãn điều kiện tiên quyết của Hà Nội: ngày 12 tháng 5, ông Nhu tuyên bố với Washington Post – nhưng thật ra hướng về Hà Nội mà nói rằng:

“Tôi không nghĩ rằng người Mỹ có khả năng cho chúng tôi những lời khuyên về Chiến tranh Cách mạng. Trong nhiều địa hạt khác như không gian, người Mỹ rất tiến bộ, nhưng còn những vấn đề nhỏ trên mặt đất, tôi nghĩ rằng người Mỹ không giỏi hơn chúng tôi”. Đồng thời trong một cuộc phỏng vấn khác của UPI, Nhu tỏ ý muốn Hoa Kỳ rút một số lớn cố vấn quân sự về nước [30]

Cũng theo George Chaffard thì ông Ngô Đình Nhu đã được sự đồng ý của ông Diệm để cố tình tạo nhiều khó khăn cho người Mỹ trước khi cho phép Mỹ sử dụng chất hóa học để khai quang vùng rừng núi mà Việt Cộng sẽ sử dụng để chuyển quân, hoặc thiết lập các căn cứ xuất quân tấn công quân đội Việt Nam Cọng Hòa.

Kế hoạch khai quang của Mỹ lúc vừa mới phát động đã bị Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đánh giá nguy hiểm nên tố cáo dữ dội. Giáo sư Bửu Hội, người ở trong Phong trào Hòa bình có khuynh hướng thân Cộng (từng gián tiếp chống lại thân mẫu là ni sư Diệu Không trong biến cố Phật giáo 1963) cũng chứng minh hóa chất khai quang là độc hại để yểm trợ cho kế hoạch chống Mỹ của ông Nhu. Ngày 26 tháng 4 năm 1963, Nga Sô yêu cầu Anh Cát Lợi, đồng chủ tịch trong hòa hội Genève, phải để Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến mở cuộc điều tra, nhưng ngày 18 tháng 5, Anh quốc trả lời là “không phải lúc để mở cuộc điều tra” đó. Nói rõ ra, hai đồng minh Anh và Mỹ cũng như Bộ Tham mưu quân đội Việt Nam Cọng Hòa đều đồng ý phải có chiến dịch khai quang, nhất là tại các vùng như Chiến khu D, chiến khu Đỗ Xá, rừng U Minh, v.v… để tiêu diệt Việt Cộng và để làm giảm thiểu thương vong cho binh sĩ Việt Nam Cọng Hòa. Trong lúc đó thì chỉ vì chủ trương chống Mỹ để làm hài lòng Hà Nội, hai ông Diệm và Nhu đã gián tiếp bênh vực cho lập trường của Nga Sô và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trong việc chống lại chiến dịch sử dụng thuốc khai quang này. Thái độ anh em ông Diệm càng làm tăng thêm sự nghi ngờ của tôi về việc ông ta cho lệnh các ông Huỳnh Văn Cao, Bùi Đình Đạm và nhiều cấp chỉ huy không được đánh đuổi Việt Cộng khi Việt Cộng tháo lui trong các trận chiến tại đồng bằng sông Cửu Long trong năm 1962, dù trên mặt công khai ông tỏ ra lo sợ binh sĩ sẽ thương vong nhiều.

Không những ồn ào chống Mỹ qua báo chí và bằng vụ “thuốc khai quang”, hai ông Diệm và Nhu còn dùng bộ máy tuyên truyền xám của chế độ để tung ra tin ông Nhu từ chối lời yêu cầu nhượng thuê (cession and bail) quân cảng Cam Ranh. Đó chỉ là một lời đồn ngụy tạo vì tôi biết chắc chắn không có một dự án nào, lúc bấy giờ, về vấn đề đó cả. Cam Ranh là một quân cảng thì hẳn Bộ Tham mưu phải biết về vấn đề đó nhưng tuyệt nhiên các sĩ quan cao cấp đã không bao giờ nghe nói tới. Hơn nữa, các tài liệu khả tín của Bộ Quốc phòng Mỹ, của các cơ quan truyền thông quốc tế, cũng như các sách vở nghiên cứu sau này, đều không hề đề cập đến vấn đề này. Ngay cả các tài liệu của Cộng Sản tôi cũng không thấy họ “đả kích” miền Nam về vấn đề đó. Vả lại, lúc bấy giờ, Mỹ chưa chính thức ồ ạt gửi quân tham chiến thì hẳn chưa có nhu cầu sử dụng một căn cứ rộng lớn và lộ liễu như thế. Sau này, dưới thời Nguyễn Văn Thiệu, khi chiến tranh bộc phát lớn và số quân tham chiến đông đảo, nhu cầu tiếp vận và tồn trữ mới được đặt ra và quân đội Mỹ đã thiết lập nhiều căn cứ to lớn, biệt lập; tuy nhiên ngay cả lúc bấy giờ, vấn đề “nhượng thuê” cũng đã không được đề cập đến giữa hai quốc gia cùng tham dự trong một cuộc chiến tranh chống kẻ thù chung.

Vụ Cam Ranh chỉ là một phát súng trong mặt trận chống Mỹ của ông Nhu lúc bấy giờ mà thôi. Một phát súng giả lúc đó nhưng bây giờ, tại hải ngoại, lại được các sử gia hoài Ngô cho là thật, để ngụy biện rằng vì chống Mỹ nên ông Diệm bị Mỹ giết.

Trong khi ông Nhu đại diện cho chính phủ Sài Gòn hung hăng chống Mỹ thì tại Hoa Thịnh Đốn, Tổng thống Kennedy vốn đã bị Quốc Hội và dư luận quần chúng Mỹ công kích về chính sách tại Việt Nam vì những hành động của vợ chồng Nhu, lại càng bị các cộng sự viên áp lực để duyệt xét lại liên hệ với chính quyền Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên, đặt ưu tiên chống Cộng lên trên hết và vì còn tin tưởng vào ông Diệm qua những báo cáo của Đại sứ Nolting và một thiểu số sĩ quan Mỹ tại Sài Gòn [31], ông Kennedy vẫn cho tháo khoán 55 triệu Mỹ kim vào ngày 17–5–1963 (nghĩa là 5 ngày sau lời tuyên bố đòi Mỹ rút quân của Nhu trên Washington Post) cho chương trình Ấp Chiến Lược. Mãi cho đến ngày 22 tháng 5, Tổng thống Kennedy mới họp báo để minh định lập trường cho miền Nam và quần chúng Hoa Kỳ biết:

1. Sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Việt Nam bất cứ lúc nào, nếu chính phủ Việt Nam yêu cầu. Một ngày sau khi có điều đòi hỏi đó, sẽ cho ngay một số quân về. Nhấn mạnh đó là điểm thứ nhất.

2. Hy vọng rằng tình thế Việt Nam sẽ cho phép rút một số quân vào cuối năm nay, song e rằng cuộc chiến đấu còn gay go [32].

Lời tuyên bố dứt khoát và quyết liệt đó đã làm cho ông Nhu lo lắng vì kế hoạch thỏa hiệp của ông Nhu với Cộng Sản Hà Nội mới vào cuối tháng Năm, chưa giải quyết được những vấn đề cụ thể. Vì vậy, chính phủ Sài Gòn đã im lặng không có lời bình luận hoặc tuyên bố gì để trả lời về quyết định này cả. (Mãi cho đến tháng Tám, sau khi bị Hoa Kỳ công khai lên án vụ tấn công chùa chiền, và sau khi đi được sâu hơn vào kế hoạch thoả hiệp, ông Nhu mới công kích Mỹ trở lại bằng cách kết án CIA đã khuyến khích và yểm trợ Phật giáo, mặc dù ngược lại, trước đó chính ông đã từng tố cáo Phật giáo bị Cộng Sản điều động, và mặc dù chủ nhiệm sở CIA tại Sài Gòn đứng về phe chế độ Diệm). Và lời tuyên bố trên của Tổng thống Kennedy cũng cho thấy Mỹ không muốn lật đổ chế độ Diệm, sẵn sàng thỏa mãn những đòi hỏi của anh em ông Diệm–Nhu.

Cuối tháng Năm năm 1963, sau vụ cấm treo cờ Phật giáo và bạo động tại Huế, biến cố Phật giáo trở thành một cuộc khủng hoảng lớn cho chế độ Ngô Đình Diệm. Những tin đồn về một cuộc đảo chánh để lật đổ ông Diệm và vợ chồng Nhu càng lúc càng gia tăng và càng công khai.

Ngay cả các quan sát viên của Vatican cũng đã mô tả chế độ này là chế độ thân phương Tây ngu xuẩn nhất… Các quan sát viên này đã tuyên bố một cách công khai mà không cần đến cả sự thận trọng tối thiểu của một nhân viên ngoại giao đoàn… Rõ ràng sự suy tàn của chế độ Diệm đang được đếm từng ngày, và Vatican muốn tách rời mọi liên hệ với chế độ này để khỏi đứng cùng phe với kẻ sắp bị bại trận [33].

Trong tháng Sáu năm 1963, những cuộc tự thiêu của các tăng sĩ Phật giáo và những cuộc biểu tình được lực lượng sinh viên học sinh tham gia đã làm cho tình hình Sài Gòn thêm căng thẳng. Lệnh giới nghiêm và đặt quân đội trong tình trạng báo động khiến cho ông Maneli đã phải gởi bản phúc trình tối mật sau đây cho Toà đại sứ Ba Lan và Nga Sô tại Hà Nội (mà không gởi cho ông Hà Văn Lâu):

Diệm và Nhu tập trung mọi nỗ lực để chống lại người Mỹ và Phong Trào Phật giáo. Các lực lượng mật vụ và công an đã dành nhiều thì giờ để theo dõi các me Mỹ hơn là để theo dõi Việt Cộng… Quân đội không được điều động ra chiến trường và bị hoán chuyển liên tục để đảm bảo an ninh cho gia đình họ Ngô. Việt Cộng hầu như bị quên lãng hẳn (the Viet Cong are practically forgotten)… Mặt trận Giải phóng Miền Nam đã không khai dụng cơ hội này tấn công quân chính phủ vì chính Hà Nội đã chưa muốn lật đổ Diệm và Nhu, Hà Nội cần kéo dài thêm thời gian sống sót của Diệm và Nhu để họ có thể đạt được một thoả hiệp với Hà Nội sau lưng người Mỹ…

Qua những tin tức đặc biệt mà tôi nhận được từ miền Bắc, thì một cuộc thảo luận Ngô-Hồ đã bắt đầu từ lâu rồi với sự giúp đỡ của người Pháp. Như tôi đã phúc trình, Phạm Văn Đồng và Xuân Thuỷ đã thúc giục tôi nên gặp Nhu. Khi được hỏi muốn tôi nhắn gì với Nhu không thì họ trả lời: “Ông có thể cho Nhu biết về lập trường của chúng tôi về vấn đề giao thương và hợp tác, hoà bình và thống nhất. Nhưng có một điểm chắc chắn là người Mỹ phải ra đi. Chỉ trên căn bản chính trị đó thì chúng tôi mới có thể thương thảo bất cứ về điều gì…” Phạm Văn Đồng còn nhấn mạnh rằng Hiệp ước Genève sẽ được dùng làm căn bản pháp lý và chính trị, nghĩa là không được có căn cứ quân sự của ngoại quốc và không có quân đội ngoại nhập.

Khi được hỏi Diệm và Nhu một ngày kia có bị bắt và xét xử trước toà án nhân dân không, Phạm Văn Đồng chỉ trả lời rằng “tất cả mọi vấn đề đều có thể thảo luận. Chúng tôi muốn chấm dứt đánh nhau, thiết lập hoà bình và thống nhất trên một căn bản thật thực tế. Chúng tôi rất thực tế” [34].

Trong khi đó thì vào đầu tháng 7 năm 1963, Đại sứ Lalouette được Tổng thống De Gaulle triệu hồi về Pháp để tham khảo.

Ông Lalouette trình bày cho Tổng thống Pháp biết những lý do khiến chế độ Sài Gòn muốn người Mỹ phải ra đi và tìm kiếm một thoả hiệp với Hà Nội. Muốn giải pháp đó thành công, chế độ Diệm chủ trương nhờ nước Pháp giúp đỡ. Phần trình bày của Đại sứ Lalouette phù hợp với lời trình bày của hai nhân vật Việt Nam (?) với ông Edmond Michelle về cái lợi của Pháp khi được “trở lại” Á Đông. Nhờ hai tiếng chuông đó mà Điện Elyseé chú ý, và vì thế mà Tổng thống Pháp đã quả quyết với ông Lalouette rằng ông đã đọc những báo cáo của ông Đại sứ, và ông đồng ý với sách lược do ông Đại sứ đề nghị. Tổng thống Pháp lập lại quyết định là sẽ làm mọi cách để giúp anh em nhà Ngô “đi con đường thống nhất và độc lập đất nước của họ”. Nước Pháp sẽ chứng tỏ cử chỉ đó khi cơ hội đến” [35].

Tôi còn nhớ rõ khi Đại sứ Lalouette từ Paris về được độ một tuần lễ thì ông Jean Francois Doudinot de la Boissière, đại diện của Pháp tại Hà Nội, lần đầu tiên từ 9 năm qua bay vào Sài Gòn ghé thăm Bộ ngoại giao, rồi vào dinh Gia Long liền. Võ Văn Hải, Nguyễn Đôn Duyến và tôi theo dõi thật kỹ thì biết như lời Hải nói “ông Cụ đã bị vợ chồng Nhu xỏ mũi nhờ Pháp làm trung gian để thỏa hiệp với Hà Nội”.

Ngày 27 tháng 4 năm 1963, trong một công điện mật gửi về Warsaw, Maneli cho biết các đại diện ngoại giao của khối ASEAN đã liên lạc mật thiết với ông và đặc biệt dò xem có thể có trường hợp chính quyền Nhu–Diệm hợp tác với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam để chống Mỹ không. Ông Maneli đã trả lời rằng:

… cuộc khủng hoảng hiện tại là do Mỹ và Diệm đã không tôn trọng Hiệp Ước Genève tổ chức bầu cử, do chính sách khủng bố của chính quyền, do quyết tâm muốn Công giáo hóa Việt Nam bằng bạo lực (to convert Vietnam to Christianity by force), do chính sách kinh tế và xã hội thoái bộ, và cuối cùng là do sự thành công của Mặt Trận [36].

Ngày 14–8–1963, ông Maneli lại gửi một báo cáo về chuyến đi Hà Nội đầu tháng Tám:  

Tôi xin nhắc lại lời tuyên bố của cả Hồ Chí Minh lẫn Phạm Văn Đồng: “Mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi là đuổi Mỹ. Rồi sau đó sẽ tính…” Rõ ràng đã có một sự đồng thuận tối mật (supersecret understanding) giữa Diệm-Nhu và Hà Nội. Nếu chưa có một thỏa hiệp chính thức thì ít nhất đã có một khế ước xã hội (contract social): lúc nào Diệm-Nhu còn chống Mỹ thì Hà Nội còn cho sống [37]

Cùng trong ngày 14 tháng 8 đó, một bản tin của Thông Tấn Xã Pháp (AFP) từ Hà Nội đánh đi đề cập đến một cuộc phỏng vấn ông Hồ Chí Minh của ký giả Cộng Sản Úc Wilfred Burchett trong đó “Hồ Chí Minh tuy công kích chế độ Diệm là sản phẩm của Hoa Kỳ như thường lệ, nhưng lại mập mờ cho rằng chỉ cần sự can thiệp của ngoại quốc chấm dứt là có thể đi đến ngưng bắn giữa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và chính quyền miền Nam… để tạo điều kiện thương thuyết” [38].

Ngày 25–8–1963, ông Maneli nhận được giấy mời của Tân Bộ Trưởng Ngoại giao Trương Công Cừu tham dự một buổi tiếp tân tại Bộ. Buổi tiếp tân này có mặt cả ông Nhu lẫn Đại sứ Mỹ Cabot Lodge, và đó là lần đầu tiên ông Maneli gặp ông Nhu:

“Tôi đứng chung một nhóm với các Đại sứ thuộc khối Tây Âu và liếc nhìn Nhu. Mỗi lần như thế tôi lại thấy Nhu chăm chăm nhìn tôi. Đại sứ Ý Orlando và Khâm mạng Tòa Thánh Salvatore d’Asta giục tôi nhân cơ hội này mà gặp vị Cố vấn Chính trị của Tổng thống, tôi bèn trả lời sẵn sàng gặp nếu họ dàn xếp. Vị Khâm mạng Tòa sứ bèn đến nói với Nhu một hồi rồi cùng với Orlando, Lalouette và Goburdhun bắt đầu di chuyển để tạo ra một vòng tròn mà trong đó, “tình cờ thay” Nhu và tôi đứng giữa. Vị Khâm mạng giới thiệu tôi với Nhu và chúng tôi bắt tay nhau” [39]

 Vì là buổi gặp mặt bán chính thức trong một buổi tiếp tân công khai nên ông Nhu chỉ đề cập đến vấn đề một cách rất tổng quát. ông Nhu đã mở đầu câu chuyện bằng câu: “Như ông biết, Ba Lan là quốc gia được nhiều người Việt Nam biết đến nhất. Dĩ nhiên là sau nước Pháp” khiến cả bốn vị Đại sứ bao quanh đều chưng hửng. Sau đó, ông Nhu nhẹ nhàng chuẩn bị cho chủ đề:

“Đất nước chúng tôi chưa bao giờ tự nhận mình là thuộc địa của Pháp dù chúng tôi đã lớn lên trong tinh thần của nền văn hóa Pháp… Bây giờ thì chúng tôi lưu tâm đến hòa bình và chỉ hòa bình mà thôi… Tôi tin rằng UHQT Kiểm Soát Đình Chiến có thể đóng, và cần đóng, một vai trò quan trọng trong việc vãn hồi hòa bình tại Việt Nam… Chính phủ Việt Nam mong muốn được hoạt động trong tinh thần của Hiệp Ước Genève (The Vietnamese government wishes to act in keeping with the spirit of the Geneva Accords)” [40].  

Sau đó, ông Nhu tỏ ý muốn tiếp tục cuộc thảo luận rất hứng thú với Maneli và cho biết sẵn sàng gặp khi nào ông Maneli muốn. Đại tá An, vị sĩ quan liên lạc, sẽ dàn xếp. Hai ngày sau, Đại tá An gọi điện thoại cho ông Maneli để dàn xếp một cuộc gặp gỡ với ông Nhu lúc 10 giờ sáng ngày 2 tháng 9. Ông Maneli bèn thông báo cho Warsaw, Tòa đại sứ Nga tại Hà Nội, và Bắc Việt biết ngay. Đại sứ Nga tỏ ra rất quan tâm đến buổi gặp mặt này và yêu cầu phúc trình đầy đủ nội dung cuộc gặp gỡ. Riêng ông Hà Văn Lâu thì trả lời liền: “Các đồng chí lãnh đạo đề nghị nên lắng nghe thật kỹ càng và không hứa hẹn điều gì, ngoài việc bày tỏ thiện chí của đồng chí muốn mọi hành động phải nằm trong khuôn khổ của Hiệp Ước Genève. Xin gửi gấp chi tiết buổi gặp gỡ ngay sau đó”.            

Tối hôm trước buổi gặp gỡ, Đại sứ Lalouette mời ông Maneli đến tư dinh và cho biết tối đó người Mỹ sẽ tổ chức một cuộc đảo chánh Diệm Nhu. Đại sứ Lalouette cũng cho biết đã từng khuyến cáo Đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge và Đại sứ Đức Von Wentlandt rằng không nên lật đổ ông Diệm, vì ông Diệm là hy vọng cuối cùng để Việt Nam có hòa bình.

“Nếu Diệm và Nhu bị lật thì tất cả kế hoạch của chúng ta nhằm chấm dứt chiến tranh và tiến đến một thỏa hiệp với miền Bắc sẽ ra mây khói… Diệm-Nhu không có gì tốt cả, những hành động của họ mới đây thật là kinh khủng, nhưng bây giờ chúng ta chỉ có họ là chống Mỹ thôi” [41].

Tuy nhiên, tối đó đã không có đảo chánh vì đã không có một cuộc binh biến nào do Mỹ tổ chức, và riêng về phía Việt Nam thì những vận động để lật đổ chế độ Diệm vẫn trong giai đoạn tiến hành nhằm kết hợp thành một lực lượng rộng lớn hơn và chặt chẽ hơn.

Ngày 2 tháng 9, ông Nhu viết một bài trên tờ Times of Vietnam tố cáo CIA “âm mưu lật đổ chế độ hợp pháp tại Việt Nam” để công khai và quyết liệt hơn bày tỏ chủ trương chống Mỹ của Diệm–Nhu. Maneli đến gặp ông Nhu lần thứ nhì tại dinh Gia Long trong cái không khí ngột ngạt đó của Sài Gòn. Trước hết ông Nhu trình bày triết lý chính trị của ông một cách rất mơ hồ về bản chất chính trị và tâm linh của cuộc chiến tại Việt Nam, vì theo ông Nhu cuộc chiến không phải chỉ đơn thuần là một cuộc tranh chấp Quốc Cộng. Chủ nghĩa tư bản chỉ có giá trị cho đến thế kỷ thứ 19, sau đó thì không còn dùng được nữa. ông Nhu chấp nhận một số luận đề Mác Xít ngoại trừ duy vật sử quan và vô sản chuyên chính. Theo ông Nhu, sự mâu thuẫn giữa những người theo chủ nghĩa nhân vị tại Sài Gòn và những người Cộng Sản tại Hà Nội không liên hệ gì đến quyền tư hữu trong chủ nghĩa tư bản mà liên hệ đến những giá trị tinh thần, và ông Nhu nhấn mạnh:

Tôi là một người theo biện chứng Hegelian và tôi đồng ý với kết luận của Marx: nhà nước phải biến mất [42]

Sau phần độc thoại mông lung và dài dòng đó, ông Nhu mới bắt đầu đi thẳng vào chủ đề của buổi nói chuyện, là ông Nhu không chống lại việc thương thảo và hợp tác với miền Bắc (“I am not against negotiations and cooperation with the North”) và hy vọng với tư cách cũng như nhiệm vụ của một thành viên trong Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến, ông Maneli có thể đóng một vai trò tích cực.

Sau khi được ông Maneli nhận lời, ông Nhu cho biết hiện nay chưa thuận tiện để trực tiếp gặp cấp lãnh đạo Hà Nội nhưng trong tương lai gần thì mọi sự sẽ dễ dàng hơn. Và buổi gặp mặt chấm dứt ở đó.

Ra khỏi dinh Gia Long, ông Maneli đến gặp Đại sứ Pháp Lalouette ngay, và sau khi kể lại nội dung buổi gặp mặt với ông Nhu, ông Lalouette có vẻ bồn chồn vì không thấy có gì cụ thể. Khi nói đến đoạn triết lý ông Nhu chống chủ nghĩa tư bản, Lalouette đã nhận định: “Nhu vẫn mang ảo tưởng là có thể tiến đến một sự cảm thông với Lodge. Nhu đã không muốn chặt cầu. Nếu Nhu không bỏ ảo tưởng này thì sẽ thất bại. Nhu đã làm một lỗi lầm rất bi thảm…” Đại sứ Lalouette cũng đồng ý với ông Maneli rằng chế độ Diệm bị cả thế giới khinh ghét nhưng “nếu chúng ta muốn tiến đến hòa bình thì không còn giải pháp nào nữa” [43].

Hai ngày sau đó, ông Maneli gửi một báo cáo dài, trình bày mọi chi tiết của buổi gặp gỡ ông Nhu cho Bộ Ngoại Giao Ba Lan, Đại sứ Nga Tovmassian tại Hà Nội và ông Hà Văn Lâu. Nhưng trong khi hai ông Tovmassian và Hà Văn Lâu tỏ ra đặc biệt quan tâm và yêu cầu ông Maneli đi Hà Nội gấp thì Bộ Ngoại giao Ba Lan lại gửi công điện cấm ông Maneli từ đây không được gặp ông Nhu nữa và chấm dứt mọi hoạt động liên hệ đến công tác này [44]

Là người đóng một vai trò quan trọng trong âm mưu thỏa hiệp giữa Sài Gòn và Hà Nội trong chín tháng cuối cùng của chế độ Ngô Đình Diệm, sau này (năm 1971) khi hồi tưởng lại, ông Maneli đã có những nhận định như sau về giai đoạn đó:

- Âm mưu này đã được phát động từ lâu và do chính ông Nhu khởi xướng.

- Pháp và Ấn Độ là hai quốc gia đầu tiên được ông Nhu liên lạc nhờ làm trung gian, sau đó ông Nhu có nhờ sự yểm trợ của Tòa thánh Vatican nữa.

- Các cường quốc liên hệ đến Việt Nam đều chống đối âm mưu này: Nga và Tàu vì muốn cho Mỹ bị sa lầy trong cuộc chiến tại Việt Nam, và Hoa Kỳ vì muốn xây dựng một chế độ chống Cộng tại Đông Nam Á.

- Hà Nội không bị đặt vào cái thế phải thỏa hiệp và lại càng không có lý do để thỏa hiệp với một chế độ chống Cộng và thân Mỹ. Toàn bộ kế hoạch đó chỉ nhằm âm mưu gây mâu thuẫn giữa chế độ Diệm và Mỹ, giữa các lực lượng tại miền Nam để Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam lớn mạnh thêm hầu có thể chiến thắng bằng một giải pháp quân sự.

- Riêng đối với chế độ Ngô Đình Diệm, ông Maneli cho rằng khi tiến hành âm mưu này, các cấp lãnh đạo đã nghĩ đến chính họ nhiều hơn là đến miền Nam. Ba sai lầm lớn là (1) ông Nhu đã không biết gì về Cộng Sản, đặc biệt là giới lãnh đạo Cộng Sản tại Hà Nội; (2) là nhờ Pháp làm trung gian; và cuối cùng là (3) đánh giá sai phản ứng của Mỹ khi “blackmail” quốc gia này. Ngoài ra, theo ông Maneli, ông Nhu đã sống trong ảo tưởng, không biết gì về thực tế của miền Nam mà khuynh hướng và lực lượng chính trị chống Cộng của nhân dân Việt Nam là một sự thật không chối cãi được.

“Cấp lãnh đạo của chế độ Diệm-Nhu đã bị bệnh cận thị nặng nề mà tôi có thể so sánh với căn bệnh của giới lãnh đạo Cộng Sản loại Stalinist” (The leaders of the Diem-Nhu regime suffered from definite myopia which I might compare with the myopia of the Stalinist-type Communist leaders) [45].

Việc ông Maneli bị chấm dứt vai trò liên lạc nếu chỉ là một trở ngại kỹ thuật trong âm mưu thỏa hiệp của chính phủ Sài Gòn, thì riêng đối với ông Nhu nó lại là một dấu hiệu cho thấy sự can dự của các thế lực Nga và Mỹ càng lúc càng mạnh, có thể phá vỡ âm mưu của ông. Vì vậy từ cuối tháng 9 năm 1963, ông dồn hết mọi nỗ lực vào kế hoạch tổ chức một cuộc binh biến để chính thức thay ông Diệm hầu tiến hành những biện pháp sắt đá hơn trong việc kiểm soát các lực lượng chống đối và nhất là hầu có thể chấm dứt những “phá hoại” của người Mỹ.

Kế hoạch đó được gọi là kế hoạch Bravo và dự định được tổ chức vào cuối tháng 10, ngay sau ngày Quốc Khánh. Ông Nhu định lấy Lực Lượng Đặc Biệt của Lê Quang Tung làm chủ lực, giả vờ bắt cóc ông Diệm và Nhu đem xuống Vũng Tàu, rồi sau đó điều động một số đơn vị do các sĩ quan Cần Lao Công giáo của Sư đoàn 5 (Biên Hòa) và Sư đoàn 7 (Mỹ Tho) chỉ huy, để phối hợp với một vài lực lượng không tác chiến của các Nha, Sở tại Thủ đô, và Thanh Niên Cộng Hòa, Phụ Nữ Bán Quân Sự. Các lực lượng này sẽ tạo một cuộc đảo chánh giả chống chính phủ không Tổng thống tại Sài Gòn với đòi hỏi “chấm dứt chiến tranh”, “yêu cầu Mỹ về nước”, và “yêu cầu anh em ông Diệm tiếp tục cầm quyền để thực hiện hai nguyện vọng của toàn dân”.

Ông Nhu sẽ giả vờ dùng thế nhân dân để đuổi Mỹ và để thỏa hiệp với Cộng Sản Hà Nội cho có vẻ chính nghĩa. Ông Nhu cũng ra lệnh cho các đảng viên Cần Lao giả vờ hạ ảnh của ông Diệm tại vài nơi công cộng xuống, để lại lợi dụng thế nhân dân mà lên cầm quyền hầu có thể với tư cách là Tổng thống của miền Nam, tự do và toàn quyền đuổi Mỹ để thỏa hiệp với ông Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, vì một phần của kế hoạch ông Nhu phải thông báo cho tướng Tôn Thất Đính là người mà ông Nhu tin tưởng và lúc bấy giờ đang là Tổng trấn Sài Gòn Gia Định nắm hết mọi lực lượng an ninh và Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến tại Thủ Đô, nên khi Đính quyết định theo lực lượng Cách Mạng thì Đính đã tìm cách kéo dài âm mưu đảo chánh của ông Nhu để tiếng súng Cách mạng ngày 1–11–1963 được nổ trước và chấm dứt không những kế hoạch thỏa hiệp với Cộng Sản của ông Nhu, mà còn chấm dứt vĩnh viễn cả chế độ phản bội miền Nam của Diệm–Nhu nữa. Vài ngày sau khi Cách mạng 1–11–1963 thành công, trong một cuộc họp báo, tướng Đính tuyên bố rõ ràng về âm mưu bắt tay với Hà Nội do trung gian của Maneli mà chính vị Trưởng phái đoàn Ba Lan đã ghi nhận được. Theo ký giả Karnow trong “Viet Nam: A History” (trang 292) thì sau này, bà Nhu còn tiết lộ việc bà ta đã dự định cho hai đứa con của bà ta ra sống tại Hà Nội để làm con tin (fraternal gesture) trong âm mưu thỏa hiệp với Cộng Sản của anh em chồng bà ta.

Suy nghiệm về toàn bộ ý đồ và kế hoạch thỏa hiệp với Cộng Sản của hai anh em Nhu–Diệm trong những năm cuối cùng của chế độ, ta thấy nổi bật lên ba vấn đề quan trọng sau đây:

1. Trước hết là quyết định của ông Nhu thỏa hiệp với Cộng Sản miền Bắc.

Hòa bình và thống nhất đất nước đúng là nguyện vọng tha thiết nhất của toàn dân và phải là nhiệm vụ hàng đầu của mọi chánh phủ miền Nam. Nhưng không phải Hòa Bình nào cũng được, Thống Nhất dưới chế độ nào cũng được. Một nền Hòa bình què quặt tạm bợ trong một đất nước thống nhất dưới sự lãnh đạo chuyên chính của đảng Cộng Sản Việt Nam chắc chắn không phải là ước mơ của nhân dân miền Nam, lại càng không phải là mục tiêu của những chính phủ mà dân chúng miền Nam ủng hộ.

Năm 1954, gần một triệu người miền Bắc di cư vào Nam. Năm 1955, dân chúng bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ Ngô Đình Diệm, và suốt chín năm, quân dân miền Nam đổ xương máu chống lại Cộng Sản, đã là những tuyên ngôn chính trị minh bạch về lập trường chống Cộng của nhân dân miền Nam. Do đó, nếu có thống nhất thì chính Nam quân phải tiến về giải phóng đất Bắc và nếu có hòa bình thì phải là một nền hòa bình sau chiến thắng hoặc sau một cuộc thương thảo mà ta nắm ưu thế. Nhưng với sự đui mù chính trị vì chủ quan và kiêu căng, trong sự quẫn bách chính trị vì tứ bề thọ địch, ông Nhu đã không thấy những điều đó mới dựa vào những lý thuyết không tưởng và những chủ lực không có thật để định âm mưu thống nhất đất nước bằng ngõ tắt và sống chung hòa bình với kẻ thù.

Ông Nhu lại cũng không biết, không hiểu đúng đắn về Cộng Sản, về lực lượng Cộng Sản quốc tế, về tập đoàn lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam tại miền Bắc. Khi một tổ chức sắt thép như đảng Cộng Sản Việt Nam đã đặt ưu tiên giải phóng miền Nam lên trên chính sách tối cần thiết là xây dựng miền Bắc, đã hy sinh bao nhiêu xương máu trong 10 năm trời để oanh liệt chiến thắng đạo quân viễn chinh Pháp, chiếm được một nửa nước, đã tin vào chủ nghĩa gọi là bách chiến bách thắng Mác–Lê, đã đặt quyền lợi dân tộc dưới quyền lợi của vô sản quốc tế… thì không có một lý do gì để họ có thể thỏa hiệp và san sẻ đất nước với một chế độ (dù ông Nhu có gọi đó là chế độ xã hội nhân vị!) mà họ đã từng kết án là tay sai của đế quốc Mỹ. Vả lại, tương quan lực lượng chính trị cũng như quân sự lúc bấy giờ đã cho họ những ưu thế mà chỉ cần tiếp tục khai dụng là có thể tiến đến thắng lợi cuối cùng trong một tương lai gần. Hà Nội chỉ cần Diệm–Nhu đuổi Mỹ là coi như chiếm được miền Nam rồi.

Ông Nhu đã không thấy được những điều rất cơ bản, rất cốt lõi nhưng cũng rất rõ ràng và rất cụ thể đó nên mới định dâng phần đất tự do còn lại của Việt Nam cho Cộng Sản. May mà tiếng súng cách mạng của quân đội và nhân dân miền Nam kịp thời đập tan âm mưu này để tù đày cải tạo và vong quốc tị nạn đã không xảy ra từ thập niên 60!

Nếu chế độ Diệm đã tự do dân chủ hơn, nếu chế độ Diệm đã có khả năng quản trị đất nước hơn, và nếu riêng anh em nhà Ngô không độc tài độc tôn, chủ quan mù quáng thì miền Nam hẳn đã đủ cường thịnh để tính chuyện thống nhất đất nước một cách có chủ động, có ưu thế (như những nỗ lực của Nam Hàn, Tây Đức bây giờ), và ông Nhu đã không phải đền tội một cách đích đáng trước dân tộc và lịch sử.

2. Thứ nhì là kế hoạch thỏa hiệp của ông Nhu.

Kế hoạch của ông Nhu chủ yếu lấy bốn sức mạnh sau đây để bảo đảm sự an toàn và thành tựu của nó: 1. Sự đồng thuận với tập đoàn lãnh đạo Hà Nội về chống Mỹ và về một mô thức xây dựng quốc gia theo chủ nghĩa xã hội. 2. Sức mạnh nội tại của miền Nam. 3. Quyết tâm chống Cộng, không bỏ rơi miền Nam của Mỹ. 4. Sự bảo đảm quốc tế của Pháp và Vatican.

- Về sự đồng thuận với Cộng Sản Hà Nội, ta thấy rõ từ đầu cho đến cuối, Hà Nội đã chăng một bẫy sập và lừa dối cho ông Nhu vào tròng. Ý đồ và hành động của Hà Nội là phải đuổi Mỹ - kẻ thù nguy hiểm nhất – ra khỏi miền Nam và tạo mâu thuẫn không hàn gắn được giữa Nhu–Diệm và nhân dân miền Nam. Một khi Mỹ đi rồi, miền Nam bị xé nát vì mâu thuẫn thì Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam sẽ dư cả sức mạnh chính trị lẫn quân sự để cướp chính quyền với sự yểm trợ mọi mặt của Hà Nội.

Ông Nhu không thấy được chiếc bẫy sập chính trị ghê gớm đó, ông đã mang ảo tưởng về một bản chất dân tộc của người Cộng Sản, mang ảo tưởng về một chủ nghĩa xã hội mơ hồ mà ông nghĩ là cũng phát xuất từ hệ tư tưởng Marx–Hegel, do đó người Cộng Sản có thể chia sẻ quan điểm, nên ông đã mù quáng chui vào chiếc bẫy của chính mình vốn đã nằm gọn trong chiếc bẫy lớn hơn của Cộng Sản Hà Nội.

Ông Nhu cứ tưởng chống Mỹ hung hăng là Hà Nội sẽ hài lòng, cứ tưởng đuổi Mỹ là sẽ được Hà Nội đối xử như người anh em mà không nhớ rằng, dù chỉ trên mặt hình thức mà thôi, Hà Nội vẫn lấy các điều khoản của Hiệp Ước Genève làm cơ sở thỏa hiệp. Mà cơ sở đó là gì nếu không phải là những điều kiện thuận tiện dọn đường cho Hà Nội chiếm lấy miền Nam, một miền Nam không có Mỹ yểm trợ, một miền Nam mà dù ông Nhu có bầu cử gian lận vẫn thất bại trong một cuộc tổng tuyển cử toàn quốc. Nhưng đó chỉ là nói về mặt hình thức vì ai cũng biết rằng từ năm 1956 trở đi, khi ông Diệm được Mỹ giúp vi phạm Hiệp Ước Genève thì Hà Nội chỉ còn một chọn lựa và một chọn lựa mà thôi: giải phóng miền Nam bằng võ lực.

Cho nên sức mạnh thứ nhất của kế hoạch do ông Nhu thiết kế chỉ là một ảo tưởng. Hơn cả một ảo tưởng, nó là một sự trì trệ về ý thức chính trị, một sự bệnh hoạn về khả năng nhận định của ông Nhu, một người được các phần tử Công Giáo Cần Lao muối mặt xưng tụng là Trương Lương của thời đại!

- Về sức mạnh nội tại của miền Nam thì ông Nhu trông cậy vào lực lượng Cần Lao Công Giáo đang điều động các bộ phận khác của dân tộc. Ông Nhu tưởng đảng viên Cần Lao trung kiên với ông vì lý tưởng và đồng đạo, mà không ngờ rằng sự trung kiên đó chỉ được thành hình vì đặc quyền đặc lợi và vì những thủ đoạn bạo quản bạo trị. Ông Nhu tưởng đảng viên Cần Lao nắm được các tổ chức nhân dân như Thanh Niên và Thanh Nữ Cộng Hòa, như Liên Đoàn Công Chức và Hội Phụ Nữ Liên Đới, như quân đội và Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia. Ông Nhu không biết rằng chẳng những đảng viên Cần Lao đã không nắm được các tổ chức đó vì tư cách thối nát và lối hành xử hung thần của chúng, mà dù có nắm được thì tự thân các tổ chức đó cũng không có chức năng của một lực lượng đấu tranh. Các tổ chức của ông Nhu và vợ chỉ có tính cách trang trí cho chế độ một cách phí phạm: công chức thì thụ động, quân đội thì đầy mâu thuẫn và căm phẫn. Đó là chưa nói đến các bộ phận khác của dân tộc như đảng phái, tôn giáo (ngoại trừ Công giáo), trí thức… đều sẵn sàng lật đổ ông Nhu ngay lúc đó chứ đừng nói đợi đến khi ông Nhu thỏa hiệp với Cộng Sản.

Cả miền Nam, ông Nhu chỉ còn đảng Cần Lao Công Giáo, những tổ chức mật vụ, Lực lượng Đặc biệt có võ trang, một vài đơn vị quân đội thuần Công giáo quá khích và một vài họ Đạo ở gần đô thành là sẵn sàng xả thân không điều kiện cho ông Nhu. Nhưng ông Nhu đã nhìn sức mạnh của nhân lực miền Nam qua cái số lượng ít ỏi đó rồi, trong tháp ngà và với bệnh chủ quan, phóng đại ra thành nhân lực cả nước.

Cũng về sức mạnh nội tại của miền Nam, ông Nhu đã đánh giá nhầm những thành quả của quốc sách Ấp Chiến Lược, của Khu Dinh Điền,… mà không biết rằng những thành quả đó chỉ hời hợt bề ngoài còn bên trong đã bị ruỗng nát vì hệ thống tham nhũng, vì những bất công thối nát. Những kế sách nhắm về nông thôn đó đã bị Việt Cộng vô hiệu hóa, và nông thôn đã bị Việt Cộng kiểm soát từ lâu.

Sức mạnh nội tại của miền Nam, thật sự, nằm trong quyết tâm đấu tranh của nhân dân miền Nam. Đấu tranh chống Cộng Sản để bảo vệ miền Nam tự do, đấu tranh chống thiên nhiên để xây dựng đất nước, đấu tranh chống mọi thách thức để xây dựng một chế độ dân chủ và hữu hiệu. Nhưng chế độ Ngô Đình Diệm đã không tranh thủ được quyết tâm đó của nhân dân lại biến cái quyết tâm đó thành ra quyết tâm chống chế độ. Một quốc gia mà muốn thay đổi Tổng thống, cấp lãnh đạo phải dùng đến thủ đoạn “đảo chánh giả” thì cơ sở pháp lý còn giá trị gì nữa, hiến pháp còn giá trị gì nữa, lòng dân còn giá trị gì nữa!

Cho nên sức mạnh thứ nhì của kế hoạch do ông Nhu thiết kế, đáng lẽ là quyết tâm của toàn dân thì thực sự lại chỉ là một lực lượng mật vụ võ trang và một thiểu số bộ phận thối nát và quá khích. Lấy sức mạnh đó ra để trả giá và bảo đảm cho việc Hà Nội phải thi hành nghiêm chỉnh một thỏa hiệp chưa thành hình thì quả thật ông Nhu đã đến nước liều, đánh ván bài hại dân mà không cần biết đến những hậu quả gì sẽ xảy đến cho nhân dân miền Nam Việt Nam.

- Về suy luận rằng Mỹ chống Cộng nên sẽ không bỏ rơi miền Nam, ta thấy điều đó không phải là ông Nhu hoàn toàn sai lầm. Thật vậy, cho đến cuối tháng 8 năm 1963 (nghĩa là cho đến ngày ông Nhu hung bạo tấn công các chùa chiền và bắt giam các tăng sĩ Phật giáo) dù liên hệ Việt–Mỹ đã trở nên rất căng thẳng vì những hành động và những lời tuyên bố của ông Nhu, dù tình báo Mỹ đã khám phá ra âm mưu của ông Nhu muốn thỏa hiệp với Cộng Sản, chính quyền Kennedy vẫn chưa có ý định ủng hộ một cuộc thay đổi cấp lãnh đạo tại miền Nam Việt Nam.

Nhưng điểm sai lầm căn bản nhất của ông Nhu là đã không nhận định được sự vận hành của một cường quốc. Một cường quốc thì phải đặt chính sách ngoại giao trong một quan điểm toàn cầu và dài hạn. Ngăn chận Cộng Sản (containment) là triết lý ngoại giao chỉ đạo mọi sách lược của Hoa Kỳ lúc bấy giờ, và giúp Việt Nam trở thành một tiền đồn chống Cộng hay yểm trợ ông Diệm (năm 1953) về nước chống Cộng chỉ là những thể hiện có tính cách chính sách của triết lý ngoại giao đó mà thôi. Cho nên dù chế độ Diệm–Nhu có độc tài, tham nhũng, thì trong quá khứ Mỹ vẫn ủng hộ và sẽ còn ủng hộ mãi cho đến khi Diệm–Nhu không chống Cộng nữa hoặc làm lợi cho Cộng thì Mỹ mới can thiệp, vì làm lợi cho Cộng là đi ngược lại với cái triết lý ngoại giao chỉ đạo đó.

Sự can thiệp đó có thể là chấm dứt tư cách đồng minh, có thể là vận động để thay thế bằng cấp lãnh đạo mới. Ông Nhu không thấy rằng Mỹ giúp miền Nam chống Cộng chứ không phải chỉ giúp riêng một gia đình họ Ngô chống Cộng, cho nên cứ đinh ninh là có thể làm “chantage” Mỹ được. Ông Nhu cứ tưởng rằng đối với Mỹ thì trong 15 triệu dân miền Nam chỉ có gia đình họ Ngô là có quyết tâm và có khả năng chống Cộng mà thôi nên muốn yêu sách gì cũng được. Và Mỹ đã không giải kết khỏi miền Nam trong năm 1963 đó, nhưng đã bỏ rơi gia đình họ Ngô.    

Ông Nhu đã nhận định đúng một nửa, là Mỹ không bỏ rơi miền Nam, nhưng nửa còn lại thì ông đã sai một cách thê thảm vì Mỹ sẵn sàng bỏ gia đình họ Ngô để yểm trợ cho một thành phần lãnh đạo mới. Ngoài ra, ông Nhu cũng không thấy rằng dù Hà Nội có thật tâm muốn thỏa hiệp để đuổi Mỹ chăng nữa thì hai đế quốc Cộng Sản Nga–Tàu vẫn muốn cầm chân Mỹ trong một chiến trường dai dẳng để không những bị tiêu hao uy tín chính trị và khả năng lãnh đạo Khối Tự Do của Mỹ, mà còn làm suy nhược Hà Nội, một chư hầu trong quỹ đạo của họ.

Vả lại, dù ông Nhu có thật sự chống Mỹ đi nữa thì đối với cấp lãnh đạo Hà Nội, tư cách tay sai và hành động tay sai của chế độ Ngô Đình Diệm đã là một tư cách không thay đổi được nữa. Chế độ “Mỹ–Diệm’, Mặt Trận “Dân Tộc” hai từ ngữ đó đã nói lên rõ ràng và dứt khoát sự đánh giá của Cộng Sản Việt Nam đối với chế độ Ngô Đình Diệm. Thế mà ông Nhu vẫn mơ tưởng hão huyền !

- Về sự bảo đảm quốc tế của Pháp và Vatican, ta lại càng thấy rõ ràng hơn tính chủ quan và thiển cận trong con tính chính trị của ông Nhu. Đành rằng mọi bang giao quốc tế đều đặt trên căn bản lưỡng lợi, nhưng khi nhờ Pháp dính dự vào kế hoạch của mình, ông Nhu quên rằng chính sách của Pháp lấy toàn bộ Việt Nam (cả Bắc lẫn Nam) làm đối tượng, còn ông Nhu thì chỉ lấy miền Nam làm đối tượng mà thôi. Điều đó có nghĩa là Pháp cũng muốn có những liên hệ tốt với miền Bắc để nếu cần thì hy sinh một số cam kết với miền Nam. Trong âm mưu thỏa hiệp này, Pháp cần Hà Nội hơn cần Sài Gòn, và Pháp cần Hà Nội hơn Hà Nội cần Pháp.

Thật vậy, sau năm 1954, tại miền Nam, Pháp vẫn duy trì được các cơ sở kinh tế, văn hóa và xã hội, trong khi ở miền Bắc hệ quả của cuộc chiến tranh Pháp–Việt vẫn chưa cho phép Pháp đặt được một bộ phận ngoại giao (chứ đừng nói đến văn hóa và kinh tế) vững vàng nào. Đã vậy, để phản ứng lại ảnh hưởng và uy thế của Mỹ tại miền Nam, ta còn thấy Pháp gián tiếp yểm trợ cho miền Bắc: các cơ sở văn hóa, kinh tế, các đồn điền, các dịch vụ thương mãi… đều có liên hệ đến hệ thống tình báo của Pháp nhằm yểm trợ cụ thể cho Việt Cộng. Ngoài ra, không những De Gaulle đã yểm trợ cho chính sách chống phá Việt Nam Cộng Hòa của Sihanouk mà ngay tại thủ đô Paris, ông ta đã dành mọi dễ dàng cho đại diện Hà Nội, cho đại diện Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam tự do hoạt động để bôi nhọ chính nghĩa của miền Nam trước công luận quốc tế.

Chính sách của Pháp về Đông Dương đã được Tổng thống De Gaulle công khai tuyên bố vào năm 1962 tại Phnom Penh, lấy Hiệp định Genève 1954 làm căn bản. Hiệp định đó phản ảnh đầy đủ lập trường của chính quyền Pháp: đẩy ảnh hưởng Mỹ ra khỏi Việt Nam, thống nhất hai miền bằng tổng tuyển cử, trung lập hóa toàn bán đảo Đông Dương. Ai cũng thấy lập trường đó gián tiếp mở đường cho cấp lãnh đạo Hà Nội trở thành cấp lãnh đạo của toàn nước Việt Nam. Và ai cũng thấy nhờ một quốc gia có lập trường như thế đóng vai trung gian cho một âm mưu thoả hiệp thì chẳng khác gì mở cửa cho cướp vào nhà. Ta còn nhớ năm 1975, Đại sứ Pháp Merillon đã đóng đúng vai trò của Đại sứ Lalouette của năm 1963, cũng nhận làm trung gian cho hai phe đối nghịch như chính sách của Pháp hơn 10 năm trước, để cuối cùng một số lực lượng của Việt Nam Cộng Hòa và Pháp đều bị Cộng Sản Việt Nam đánh lừa vào phút chót.

Chính sách của Pháp là như thế, ý đồ của Cộng Sản là như thế, cho nên thỏa hiệp với Cộng Sản đã là phản động rồi, lại còn nhờ Pháp làm trung gian nữa thì đúng là ông Nhu vừa phản động vừa xuẩn động!

Nhưng riêng hành động nhờ Tòa thánh Vatican dính dự vào âm mưu thỏa hiệp với Cộng Sản thì ông Nhu đã tỏ ra có ý thức chính trị. Trước hết về mặt tầm vóc, lực lượng Cộng Sản và Giáo hội Công giáo đều có tính quốc tế, người đảng viên Cộng Sản và người tín đồ Công giáo đều là những người đặt vấn đề quốc tế trên vấn đề quốc gia, một bên hướng về Điện Cẩm Linh, một bên hướng về Tòa Thánh La Mã. Thứ hai là Toà Thánh La Mã không những có giáo quyền mà thế quyền nhiều khi còn mạnh hơn với những ảnh hưởng chính trị và kinh tế toàn cầu. Thứ ba là nhìn lại quá trình lịch sử ngoại giao của Tòa thánh, ta thấy không phải là một mà đã rất nhiều lần, Tòa Thánh đã sẵn sàng thoả hiệp với mọi lực lượng, kể cả những lực lượng phản động và phi nhân nhất, miễn là bảo toàn được quyền lợi của Giáo hội hoặc của con chiên. Không cần phải trở lại quá khứ xa xăm, từ Đệ nhị Thế chiến đến nay, bắt đầu bằng Giáo Hoàng Pie XII thỏa hiệp với Phát xít Đức Hitler và Phát xít Ý Mussolini (mà quốc gia Do Thái hiện nay đang lần lượt phanh phui mọi bí ẩn), cho đến gần đây Giáo Hoàng John Paul II thỏa hiệp với chính quyền Cộng Sản Ba Lan của tướng Jaruzleski để làm tê liệt “Công Đoàn Đoàn Kết” của lãnh tụ Walesa, ta cũng thấy Toà Thánh La Mã quả thật có chính sách và có khả năng để làm trung gian mọi thỏa hiệp. Trong vụ Ba Lan, “chuyến viếng thăm Ba Lan của Giáo Hoàng và sự rút lui khó hiểu của vị lãnh tụ Công Đoàn Đoàn Kết Lech Walesa đã làm mờ đi những diễn biến quan trọng… Lời tuyên bố rằng Giáo Hội và chính quyền đang sửa soạn một nền móng để giúp cho nền nông nghiệp Ba Lan là vấn đề mấu chốt. Thật là lạ lùng khó tin khi biết rằng Giáo hội Công giáo La Mã và cấp lãnh đạo Cộng Sản tại vị lại hợp tác với nhau trong lãnh vực sống chết nhất của nền kinh tế Ba Lan [46]. Huống chi vào lúc mà ông Nhu muốn thỏa hiệp với Hà Nội thì Giáo Hoàng Paul VI lại là Giáo hoàng thân Cộng Sản, chắc chắn ông sẽ đứng về phe Cộng Sản chứ không phải đứng về phe miền Nam chống Cộng.

Nhờ một thế lực có cả ba yếu tố: Quốc tế, Chính trị và có truyền thống thỏa hiệp, lại vốn là thế lực đã từng mở đầu cho chế độ, ông Nhu đã tính rất đúng. Tiếc rằng âm mưu của ông không thành hình để xem kết quả đó lợi cho Giáo hội Công giáo hay lợi cho dân tộc Việt Nam? Hay lợi cho Cộng Sản!

3. Những hệ quả của kế hoạch thỏa hiệp với Cộng Sản của ông Nhu.

- Hệ quả đầu tiên là trong hơn một năm trời (kể từ 1963 mà thôi) cấp lãnh đạo miền Nam đã không chống Cộng, đã để 12 tháng trời cho lực lượng Việt Cộng được dễ dàng phát triển. Và cũng trong 12 tháng đó, dĩ nhiên cấp lãnh đạo miền Nam, như một hệ luận tất yếu, phải tiêu diệt ý chí và khả năng chống Cộng của những lực lượng quốc gia chống lại âm mưu này. Mười hai tháng có thể là ngắn trong cuộc chiến Quốc Cộng 30 năm, nhưng 12 tháng của năm 1963 lại có giá trị sinh tử vì chúng nằm trong cơn trở mình nhiều sơ hở nhất của miền Nam.

- Hệ quả thứ hai là để lại một ám ảnh sâu sắc và tiêu cực trong mối bang giao Việt–Mỹ cho những chính phủ kế tiếp. Đối với người Mỹ, ngoài ấn tượng không tốt về giới lãnh đạo Việt Nam xuyên qua chế độ Ngô Đình Diệm là chế độ mà họ đã đặt nhiều kỳ vọng nhất, từ đó trở đi họ phải luôn luôn xét lại chính sách đồng minh, đến nỗi sự xét lại đó nhiều lúc gây ra những phản ứng quá độ, làm vi phạm đến chủ quyền của miền Nam. Đối với các chính phủ Việt Nam kế tiếp – mà đa số là chính phủ quân nhân – tội ác thỏa hiệp với Cộng Sản của chế độ Diệm–Nhu đã làm cho họ mang mặc cảm và trở thành mù quáng trong sách lược đấu tranh chống Cộng. Chống Cộng đáng lẽ phải là một mắt xích trong toàn bộ chính lược phát triển quốc gia thì lại trở thành cứu cánh cuối cùng.

- Hệ quả chính trị thứ ba là Cộng Sản Hà Nội đã qua kế hoạch này – dù cuối cùng không thực hiện được – đánh giá được đúng đắn hơn những nhược điểm của miền Nam. Từ giai tầng lãnh đạo đến tương quan lãnh tụ quần chúng, từ vai trò của người Mỹ đến bản chất của liên hệ Việt–Mỹ, từ các mâu thuẫn giữa các thành phần nhân dân đến các mâu thuẫn của các lực lượng chính trị tại miền Nam… Sự đánh giá thêm đúng đắn đó đã phần nào giúp họ khai thác được những sơ hở của các lực lượng trong cũng như ngoài chính quyền và giúp họ hoạch định các kế hoạch đánh chiếm miền Nam thêm hiệu dụng sau này.

- Hệ quả cuối cùng, còn kéo dài đến ngày nay, là vì mù quáng và cố chấp bênh vực cho chế độ Ngô Đình Diệm, một số phần tử Cần Lao Công Giáo đã bênh vực luôn cả cái tội ác định dâng miền Nam cho Cộng Sản của ông Ngô Đình Nhu. Hoặc là họ đứng trên một quan điểm nhân bản và quốc gia rất què quặt và mù mờ để biện minh một cách rất lý thuyết cho hành động của ông Nhu, do đó đã gây hoang mang cho những nỗ lực lật đổ Cộng Sản; hoặc là họ bóp méo lịch sử cho rằng có nhiều nhân vật đảng phái hợp tác với ông Nhu trong kế hoạch này để hóa giải tội ác của ông Nhu, do đó đã gây nghi ngờ và chia rẽ giữa các lực lượng chống Cộng đang cần một sự đoàn kết tại hải ngoại. Cả hai thủ đoạn đó, thật ra, đều phát xuất từ ý đồ “chạy tội cho chủ”, nghĩa là cho quyền lợi phe nhóm của Cần Lao Công Giáo, mà không cần biết đến hậu quả cho dân tộc là gì.

 

-o0o-

 

Ngoài hai thủ đoạn lộ liễu trên, còn một thái độ nữa âm thầm hơn và ít phổ quát hơn của những cộng sự viên thân tín cũ của ông Diệm. Họ cũng đã từng chống đối chế độ, đã từng lên án những tội ác của các ông Thục, Nhu, Cẩn và nhóm Cần Lao Công Giáo mà họ cho là đã phá hoại chế độ. Nhưng điểm khác biệt là họ không bào chữa cho chế độ nhưng lại chống ngày Cách mạng 1–11–63, và tách rời trách nhiệm ông Diệm ra khỏi trách nhiệm chung của các anh em ông ta để biện minh cho những lỗi lầm và nhất là cho sự tham dự của ông trong âm mưu thỏa hiệp với Cộng Sản của ông Nhu.

Họ cũng không ồn ào tham gia những hoạt động quá khích của nhóm Cần Lao Công Giáo nhằm phục hồi “Tinh thần Ngô Đình Diệm” hoặc nhằm đánh bóng cho chế độ cũ mà hậu ý chính trị là ngụy trang lịch sử để chạy tội với dân tộc. Họ chỉ âm thầm tiếc nuối về một dĩ vãng xa xưa. Tiêu biểu cho một số người ít ỏi đó là ông Võ Như Nguyện (hiện ở Mỹ), một chiến hữu kỳ cựu của ông Diệm và là một đồng chí của tôi trong Phong trào của ông Diệm vào những năm đầu của thập niên 40. Trong một lá thư gởi cho một người bạn tại Hoa Kỳ là ông Hoàng Đồng Tiếu, ông Nguyện viết:

“… Vào khoảng tháng 9 hay tháng 10 năm 1963, ông Cụ (tức ông Diệm) về Huế cho gọi tôi lúc 4 giờ chiều. Hai cụ cháu ngồi tâm sự với nhau đến 10 giờ đêm. Cụ không ăn cơm tối mặc dù lúc 7, 8 giờ gì đó ông Cẩn thúc giục đến 3, 4 lần mời anh xơi cơm. Hôm ấy tùy viên là Châu Văn Lộc (hiện ở Mỹ) đã nghe được câu chuyện giữa hai cụ cháu tôi, lúc tiễn tôi ra cửa Lộc nói với tôi” “Lần thứ nhất Lộc mới nghe được câu chuyện giá trị như thế”. Hôm đó Cụ kể lại chuyện xưa, nhắc lại mấy tập tôi đệ trình Cụ đề cập đến chuyện “Con đường thoát” của tôi, của Công giáo, Phật giáo, chuyện trong gia đình, chuyện người Mỹ… Tóm tắt cụ nói: “Chú Cẩn và thím Nhu có nhiều lầm lỗi, các vị Linh mục và Đức Cha nữa cũng lầm lỡ, nhưng Nguyện là Nho học, Nguyện có biết câu “Gia nan thiên hạ dị”? Chuyện nhà là vậy, khó giải quyết mau, để lần lần sửa chữa, nếu gấp nếu mau sẽ lâm vào thế “Bì oa trữ nhục” của Nguyễn Nhạc, Lữ, Huệ. Tôi biết cả và cũng vì bọn làm việc chung quanh cái gì cũng chạy đến thưa trình với chú Cẩn, thím Nhu, Đức Cha. Tôi đã từng la rằng họ chỉ có một Tổng thống thôi như Nguyện đã biết. Cụ lại nói rằng: “Hiện đang bị khó dễ với người Mỹ vì Mỹ muốn đem quân sang. Nếu quân Mỹ sang thì mình mất chính nghĩa, tạo đường tuyên truyền thuận lợi cho Cộng Sản. Mỹ đưa cố vấn là quá đủ rồi. Tôi sẽ không chấp nhận, quân ta có đủ lính để đánh Cộng Sản. Mỹ chỉ giúp khí giới, phương tiện là thắng. Nga, Tàu nó giúp Cộng Sản mà nó có đưa quân đâu? Mỹ cũng muốn giao cho họ hải cảng, phi cảng, tôi có trả lời giao hay không giao cũng như nhau, trong vấn đề chống Cộng thì dùng chung. Họ không bằng lòng chắc sẽ xảy ra nhiều chuyện không hay, nhưng dù sao mình cũng giữ thể thống của một quốc gia dù mình bị lật ngược thế cờ. Vả lại, tôi và chú Nhu có ý dù hai miền Quốc-Cộng tranh chấp nhưng đều là máu mủ ruột thịt, phải có biện pháp anh em giải quyết lấy chiến tranh, đỡ tốn hao sinh mạng, tài sản, rồi bên nào kéo dài chung quy sẽ bị lệ thuộc vào một cường quốc và đất nước chia rẽ vì các cường quốc có ý định chia rẽ cả”. (Xem bản sao bức thư viết tay của ông Võ Như Nguyện trong phần Phụ Lục). 

Ông Võ Như Nguyện là ai mà được ông Diệm khi ra Huế gọi đến phân trần tâm sự và nói đến những bí ẩn quốc gia, những quyết định quan trọng liên hệ đến những vấn đề tồn vong của đất nước?

Ông Võ Như Nguyện vốn là một phán sự tòa Khâm sứ Huế thời Pháp thuộc. Cũng như tôi, thời quân Nhật chiếm đóng Đông Dương, ông Nguyện hoạt động cho Phong Trào Cường Để dưới sự lãnh đạo của ông Diệm. Ông đã từng bị Pháp bắt đày giam ở Dakto (Kontum) cho đến khi Nhật đảo chánh Pháp mới trở về Huế hoạt động chống Việt Minh. Khi Pháp trở lại Huế và Hội đồng Chấp chánh của ông Trần Văn Lý ra đời, ông Nguyện giữ chức vụ Phó giám đốc Thông tin Trung phần và làm chủ nhiệm tuần báo “Lòng Dân”, một tờ báo có lập trường chống Cộng, ủng hộ giải pháp Bảo Đại, dù trong thâm tâm ông Nguyện vẫn giữ cảm tình với ông Diệm và thường đến nhà hai ông Ngô Đình Cẩn và Trần Văn Lý.

Cuối năm 1953, khi ông Diệm còn ở Âu Châu nghĩa là còn dưới chế độ Bảo Đại, ông Nguyện được cử giữ chức vụ Giám đốc Công an Trung Việt. Nhưng trong giai đoạn ông Diệm gặp khó khăn vì sự chống đối của tướng Hinh và Đại tá Trương Văn Xương, Tư lệnh Quân khu II (miền Trung) thì ông Cẩn giao chức Giám đốc Công an lại cho ông Nguyễn Chữ, một đảng viên cao cấp của Việt Quốc, và là một chiến sĩ cách mạng cứng rắn. Năm 1955, ông Nguyện được anh em ông Diệm cử giữ chức Tỉnh trưởng Bình Định, tuy nhiên chỉ mới độ sáu tháng thì ông Nguyện mất chức vì ông Cẩn cho ông Nguyện là người cứng đầu khó sai khiến, vả lại chính ông Cẩn từ lâu cũng muốn thay thế Nguyện bằng một Tỉnh trưởng Công giáo. Ông Nguyện về Huế nhưng ông Ngô Đình Cẩn không chịu tiếp, Nguyện bèn cứ xô cửa nhà ông Cẩn mà vào, lớn tiếng chỉ trích “bọn Cần Lao”, “bọn Tập đoàn Công dân” dù ông Nguyện cũng đã từng là một loại Cần Lao (nhất là ông Nguyện đã từng hân hạnh được nhà Ngô nhờ đứng làm vai “trưởng nam” trong đám tang ông Ngô Đình Khôi). Rồi ông Nguyện đem cả nhà lên chùa quy y mà theo lời ông là “để cho Cẩn biết mặt”. Khi viện đại học Huế được thành lập, Linh mục Cao Văn Luận vốn là bạn thân của ông Nguyện, bèn mời ông dạy môn Hán văn. Ngày xảy ra biến cố Phật giáo, ông Nguyện đã cùng với các giáo sư đại học Huế ký tuyên ngôn lên án chính phủ Diệm “kỳ thị và đàn áp Phật giáo”. Ông Nguyện bị ông Cẩn bắt giam. Cùng bị giam với ông Nguyện là em tôi, Đỗ Hứa, chánh văn phòng của bác sĩ Giám đốc Nha Y Tế Trung Việt. Sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, Thủ tướng Nguyễn Khánh thu hồi một nghị định cũ của chính phủ Diệm nhằm dành một số đặc quyền đặc lợi cho những cán bộ cũ của ông Diệm, (ông Nguyện giận lắm và có phàn nàn với tôi) ông Nguyện bèn từ giã viện Đại học về nhà đi buôn, sống ngoài vòng cương tỏa, giữa một thời thế đổi thay xáo trộn.

Nhưng cuộc đời của ông Nguyện vẫn chưa hết gian nan vì vào khoảng năm 1965–66, tướng Nguyễn Chánh Thi đang là Tư lệnh Quân đoàn I ở Huế lại có những lời lẽ chê trách ông Võ Như Nguyện là “Cần Lao” làm cho ông thêm bất mãn với chế độ mới, với tướng lãnh. Ngày 23 tháng 4 năm 1975, ông Nguyện lên phi cơ rời Việt Nam đến Pháp sống cuộc đời lưu vong, cô quạnh.

Ông Võ Như Nguyện với anh vợ tôi là ông Nguyễn Bá Mưu vốn là bạn đồng nghiệp cùng làm việc tại Tòa Khâm sứ Huế, cả hai đều là chiến hữu của ông Diệm, đều là trưởng nam của những nhà khoa giáp từng có thành tích chống thực dân Pháp. Ông Nguyện với tôi vừa là đồng chí vừa là bạn thân hơn hai mươi năm trời, dù ông là một nhà Nho, một thi sĩ chuyên về thơ Đường, trong lúc tôi chỉ là một kẻ võ biền mới học hết Tam Tự Kinh, chưa đọc xong sách Luận Ngữ.

Tuy ông Nguyện là một nhân vật không nổi tiếng lắm, nhưng ở Huế giới trí thức, giới công chức, nhất là giới Công giáo không mấy ai không biết. Trường hợp ông Nguyện là một trường hợp điển hình của người mang một tâm trạng đau khổ và mâu thuẫn: Tuy chống Cộng nhưng lại phải ca ngợi âm mưu thỏa hiệp với Cộng Sản của Diệm–Nhu, tuy là cán bộ rường cột của nhà Ngô nhưng lại bất mãn với nhóm Cần Lao và Tập đoàn Công dân, tuy công nhận rằng chế độ Diệm đã phạm những tội ác tày trời và những lỗi lầm làm nguy hại quốc gia nhưng lại vẫn thương tiếc ông Diệm và những vàng son của chế độ đó.

Từ ngày lưu vong xứ người, lòng “hoài Ngô” của ông Nguyện lại càng dạt dào hơn. Vì thế, khi kể lại buổi hội kiến giữa ông ta với ông Diệm xảy ra vào những ngày cuối của chế độ, ông Nguyện đã muốn biện minh rằng sở dĩ ông Diệm không chịu để Hoa Kỳ đem quân vào miền Nam là vì lập trường “bắt tay với Cộng Sản” hợp lý của ông Diệm. Và như một hệ luận đương nhiên, ông Nguyện trách tôi là người thiếu thủy chung với ông Diệm vì đã tham gia cuộc cách mạng ngày 1–11–63.

Tuy nhiên, nếu ai cũng thông cảm trường hợp của ông Nguyện đã vì tình cảm rất riêng tư mà tiếc thương một vị thầy, một lãnh tụ đã liên hệ và đã tác động mạnh mẽ vào hơn 20 năm trời của cuộc đời ông, và nếu ai cũng đồng ý với lối hành xử hợp tình hợp lý của ông bằng cách không hùa theo nhóm Cần Lao Công Giáo ồn ào tại hải ngoại, thì ngược lại, trong lá thư đó (dù chỉ là một lá thư tâm sự cá nhân), ông đã cho thấy một cái nhìn lịch sử thiếu nghiên cứu, do đó thiếu vô tư, và một lập trường cần phải phê phán là lập trường cần thiết thỏa hiệp với Cộng Sản. Tuy nhiên, cái nhìn lịch sử thiếu vô tư đó và lập trường lạ lùng đó chỉ là những phản ứng quá độ của một người đã dùng cái nhìn tình cảm cá nhân để xét một vấn đề lớn hơn là vấn đề lịch sử và dân tộc mà thôi. Và điều đó, riêng đối với tôi, thì cũng dễ hiểu cho trường hợp của ông Nguyện.

Điều đáng lưu ý qua những lời tâm sự của ông Diệm với người chiến hữu thân tín, là bản chất phong kiến và độc tôn của ông Diệm qua quan niệm nặng tình gia đình mà nhẹ nghĩa với quốc gia. Chín, mười năm trời anh em ông Diệm cai trị đất nước đã phạm không biết bao nhiêu tội lỗi to lớn, những tội lỗi đưa đất nước đến tình trạng suy sụp thế mà dù có lúc biết, ông vẫn không chịu cản ngăn anh em chỉ vì sợ “gia nan thiên hạ dị” và sợ “bì oa trữ nhục”. Thì ra chỉ vì ông sợ rằng nếu sửa sai, ngăn cản thì 4, 5 anh em ông sẽ khích bác chống đối lẫn nhau làm thiên hạ dị nghị, mà không nghĩ gì đến vận mệnh của đất nước và của mười lăm triệu đồng bào. Ông Diệm đã biết nói đến hai câu “Gia nan thiên hạ dị” và “Bì oa trữ nhục” của tư tưởng Khổng–Mạnh mà ông không nhắc đến câu “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” vốn là tiêu chuẩn, khuôn vàng thước ngọc của Thánh Hiền cho những ai muốn làm nhà lãnh đạo quốc gia. Ông Diệm nói rằng ông không chấp nhận việc Mỹ áp lực đem quân vào miền Nam mà chính ông lại không những yêu cầu Mỹ mà còn cả Đài Loan đem quân đến miền Nam.

Ông cũng đã để cho Mỹ đem 16 ngàn binh sĩ của họ vào hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, và mặc dù ngày 22 tháng 5 năm 1963 Tổng thống Kennedy tuyên bố sẵn sàng rút quân về Mỹ ngay nếu có sự yêu cầu của Việt Nam Cọng Hòa nhưng ông Diệm lại không yêu cầu, như đã nói trong một đoạn trước. Thử hỏi Việt Nam có còn chủ quyền không khi ông Diệm đã để cho Mỹ đặt Bộ Tư lệnh Hành quân tại thủ đô Sài Gòn do một vị tướng bốn sao (Paul Harkins) chỉ huy như dưới thời chiến tranh Pháp–Việt (1945–1954) với các vị Tư lệnh Pháp Carpentier, DeLattre, Navarre. Thử hỏi Việt Nam Cọng Hòa có còn chủ quyền nữa không khi người Mỹ muốn ra vào Việt Nam khi nào cũng được mà không chịu sự kiểm soát của luật lệ xuất nhập cảnh và di trú của Việt Nam Cọng Hòa.

Nhóm Cần Lao Công Giáo lại còn bày đặt chuyện ông Diệm không chịu “cho thuê nhượng” (cession and bail) căn cứ Cam Ranh theo sự đòi hỏi của Mỹ. Thử hỏi tại sao người Mỹ lại cần ông Diệm nhượng cho họ hải cảng Cam Ranh khi mà họ là đồng minh (thời chiến) muốn sử dụng phi cảng hay hải cảng nào cũng được theo sự tiến triển của chiến tranh và sự thỏa thuận giữa hai Đồng minh như họ đã sử dụng các phi cảng Tân Sơn Nhất, Biên Hòa và Đà Nẵng (phi cảng Đà Nẵng hoàn toàn do người Mỹ phụ trách tái thiết với ngân quỹ 400 triệu đồng để đáp ứng với nhu cầu và trọng lượng của phi cơ hạng nặng Mỹ như đã được nhắc qua trong chương “Tham Nhũng”). Hải cảng Cam Ranh như đã được Mỹ sử dụng dưới thời Nguyễn Văn Thiệu mà họ có đòi chính phủ Thiệu nhượng cho họ đâu. Và mặc dù Mỹ sử dụng nhưng hải cảng Cam Ranh vẫn thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng Hòa, vẫn phải chịu luật lệ hành chánh và an ninh của Việt Nam Cọng Hòa; những kho tiếp liệu của quân đội Việt Nam Cọng Hòa vẫn được thiết lập trên hải cảng Cam Ranh gần các cơ sở của quân đội Mỹ. Trường hợp này cũng đã xảy ra tại Pháp, tại Anh, tại Đại Hàn v.v… thời chiến tranh. Ngoài ra nếu Mỹ có đòi ông Diệm cho thuê và nhượng Cam Ranh mà ông Diệm không chịu thì tại sao biết bao nhiêu sách sử của Mỹ đã phanh phui những bí mật về chế độ Diệm, về chiến tranh Việt Nam mà không có một tài liệu nào đề cập đến chuyện “thuê nhượng” Cam Ranh. Tại sao trong chương trình truyền hình “A Television History” của ký giả Karnow trên đài PBS, những nhân vật hết lòng ủng hộ ông Diệm như Đại sứ Nolting chẳng hạn lại không đem vấn đề thuê nhượng Cam Ranh ra để bênh vực ông Diệm. Nhóm Công Giáo Cần Lao muốn đề cao ông Diệm là nhân vật chống Mỹ, là nhân vật quyết bảo vệ chủ quyền Việt Nam mà họ lại lờ đi những sự kiện lịch sử như vừa đề cập trên đây. Họ cứ tưởng thiên hạ không có người am hiểu tình hình, không có người nghiên cứu lịch sử. Huống chi dù người Mỹ có muốn Việt Nam Cọng Hòa cho thuê và nhượng căn cứ Cam Ranh thì việc đó vẫn có lợi cho Việt Nam Cọng Hòa cả mặt quốc phòng, mặt chống Cộng, lẫn mặt tài chánh mà Cam Ranh vẫn cứ thuộc chủ quyền Việt Nam, Việt Nam muốn thu hồi lại lúc nào cũng được như Thái Lan đã lấy lại căn cứ quân sự vô cùng quan trọng là Utapao hoặc như Phi Luật Tân (đã lấy lại Subic Bay và Clark Air Base năm 1992) và Hy Lạp thỉnh thoảng “dọa” thu hồi những căn cứ quân sự mà họ đã nhượng và cho thuê. Nếu quả thật không chịu cho Mỹ “thuê và nhượng” căn cứ Cam Ranh trong hoàn cảnh miền Nam đang bị xâm lăng, đang có chiến tranh và đang thường trực bị Bắc Việt (có sự yểm trợ tối đa của Nga–Tàu) đe dọa thì thái độ đó của ông Diệm khôn hay dại, có yêu nước, có chống Cộng không? Hay là vì anh em ông âm mưu thỏa hiệp với Cộng Sản Hà Nội nên mới chủ trương không cho Mỹ sử dụng Cam Ranh? Phải chăng những nhà lãnh đạo Đức, Anh, Bỉ, Pháp, Ý Đại Lợi, Bồ Đào Nha, Y Pha Nho, Hy Lạp, Đại Hàn, Phi Luật Tân… những quốc gia đã cho Mỹ thuê nhượng rất nhiều căn cứ quân sự từ sau đệ nhị thế chiến đến nay (nghĩa là trong thời bình) đều không yêu nước bằng anh em ông Diệm, đều không biết trách nhiệm đối với quốc dân bằng anh em ông Diệm? Cố tình xuyên tạc lịch sử hay vì thiển cận và mang nặng đầu óc phe đảng để đề cao anh em ông Diệm, thế mà nhóm Cần Lao Công Giáo lại lờ đi chuyện ông Ngô Đình Thục sau khi bị Toà thánh La Mã trừng phạt lần thứ hai vì tội lộng hành và phản phúc lại phải đến Hoa Kỳ nương nhờ người Mỹ rồi gởi nắm xương tàn nơi quê hương người Mỹ mà anh em ông Diệm đã từng chửi bới và phản bội khi chủ trương đuổi Mỹ để bắt tay với Cộng Sản Hà Nội? Xin hỏi nhà Nho và nhà chống Cộng (đến chiều) Võ Như Nguyện nghĩ sao?

Ông Diệm lại bảo “tại những kẻ chung quanh cái gì cũng thưa trình với chú Nhu, chú Cẩn…” mà chính ông lại là người tùng phục anh em ông trước hơn ai hết. Ông lại mượn chuyện bất hòa giữa anh em Nhạc, Lữ, Huệ để che đậy tính nhu nhược và sự tòng phục của ông đối với anh em ông. Ông đã không đọc sử bằng cặp mắt của một nhà chính trị nghiên cứu kỹ càng và bằng tấm lòng rộng rãi bao quát của người làm lịch sử mà lại đọc theo nhãn quan của một cựu thần nhà Nguyễn Gia Long và một vị vua của thời Trung Cổ.

Thật vậy, thời nhà Nguyễn Tây Sơn, Nguyễn Huệ đã ba lần chống đối người anh ruột là Nguyễn Nhạc, có lần đã đem quân vây đánh thành Qui Nhơn ngặt nghèo đến nỗi Nguyễn Nhạc phải lên thành kêu khóc: “Nỡ lòng nào mà nồi da xáo thịt như thế” (bì oa trữ nhục). Nguyễn Huệ động lòng bèn rút quân về Thuận Hóa. Nhưng nếu đầu óc ông Diệm chỉ cần sáng suốt và vô tư hơn một chút thì sẽ thấy hành động chống đối anh của Nguyễn Huệ là một hành động cách mạng nhằm giáo dục đồng chí, hành động của một nhân vật phi thường muốn làm đại nghiệp cứu nước cứu dân, hoàn toàn khác hẳn với hành động của anh em nhà Ngô chống đối nhau chỉ vì tranh giành đặc quyền đặc lợi. Nguyễn Huệ đem quân đánh anh cho cả thiên hạ biết là vì dân vì nước, còn ông Diệm không dám trách cứ hay ngăn chận anh em làm bậy là vì sợ thiên hạ dị nghị. Hai hành động, hai thái độ, hai tâm chất, hai động cơ, một trời một vực như thế làm sao mà dựa vào con Phụng Hoàng ngày xưa để biện hộ cho con chim sẻ ngày nay được.

Nguyễn Huệ là một nhân vật tài cao chí lớn, mặc áo vải, phất cờ đào, phát động cuộc cách mạng Tây Sơn và nêu cao khẩu hiệu “Thiên Hạ Đại Tín” để đánh Bắc dẹp Nam, thu giang sơn về một mối. Nguyễn Huệ biết lẽ nhu cương, biết đường tiến thoái, biết nhìn thấu tâm can trí tuệ của những nhân vật trong một thời đại loạn ly rối rắm. Nguyễn Huệ biết bỏ rơi Nguyễn Hữu Chỉnh, kẻ chạy theo mình, dù người đó tự xưng là nhân tài số một của đất Bắc, nhưng lại cũng biết cúi đầu cung kính nghe lời chỉ giáo của một ông đồ già ẩn mình nơi thôn dã là Nguyễn Thiếp, phu tử đất La Sơn. Nguyễn Huệ biết chặt đầu cháu rể là Vũ Văn Nhậm để trừ hậu họa, trong lúc đó lại biết trọng dụng những cựu thần nhà Lê để thu phục lòng người. Nguyễn Huệ biết rõ anh ruột mình chỉ là kẻ có đảm lược của người võ dõng mà không có tài chí của con Đại bàng nên không thể đảm đương đại sự. Cho nên Nguyễn Huệ đã phải giáo dục anh bằng bài học võ dõng để khỏi cản trở sự nghiệp cứu nước vĩ đại của cuộc cách mạng Tây Sơn. Rõ ràng Nguyễn Huệ đã vì nợ nước mà quên tình nhà, khác hẳn với ông Diệm trí lự hẹp hòi, chỉ vì sợ “bì oa trữ nhục”, vì sợ “gia nan thiên hạ dị” mà để cho quốc gia phải suy sụp. Chẳng qua vì vận nước truân chuyên nên nhà lãnh đạo tài ba mà mệnh yểu, vua Quang Trung chết sớm, làm cho sự nghiệp anh hùng phải dở dang và dân tộc mất một cơ hội vươn mình để vượt qua những trì trệ của hai trăm năm Trịnh–Nguyễn loạn ly.

Phê bình về ba anh em Nhạc, Lữ, Huệ, sử gia Trần Trọng Kim đã viết:

Nguyên nước ta là nước quân chủ, lấy cái nghĩa vua tôi là trọng hơn cả, thế mà từ Lê Trung Hưng trở về sau, họ Nguyễn hùng cứ phương Nam, họ Trịnh xưng Chúa phương Bắc, trên tuy còn tôn vua nhưng quyền về cả nhà chúa. Trong nước ta đã có vua lại có chúa, làm thành ra vua không phải vua và tôi không phải là tôi, ấy là thời đại loạn. Đến sau, ở Nam thì có Trương Phúc Loan chuyên quyền làm bậy, ngoài Bắc thì có kiêu binh làm loạn, giết hại đại thần…

Lúc ấy anh em Nguyễn Nhạc là người mặc áo vải, dấy binh ở ấp Tây Sơn chống nhau với vua Nguyễn để lập nghiệp ở đất Qui Nhơn. Tuy rằng đối với họ Nguyễn là cừu địch nhưng mà đối với nước Nam thì là một người anh hùng lập thân lúc biến loạn đó mà thôi.

Còn như Nguyễn Huệ làm Vua Thái Tổ nhà Tây Sơn thì trước giúp anh bốn lần vào đánh đất Gia Định đều được toàn thắng, phá hai vạn quân hùm beo của Xiêm La, sau lại ra Bắc dứt họ Trịnh, tôn vua Lê, đem lại mối cang thường. Ấy là đã có sức mạnh lại biết làm việc nghĩa vậy.

Sau vua Chiêu Thống đi kêu cứu bên Tàu, nhà Thanh nhân dịp ấy mượn tiếng cứu nhà Lê để lấy nước Nam, sai binh tướng sang giữ thành Thăng Long.

Vậy nước đã mất thì lấy lại nước, Nguyễn Huệ đem quân ra đánh một trận, phá tan hai mươi vạn quân Tàu, tướng nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị phải bỏ chạy, làm cho vua tôi Tàu khiếp sợ, tưởng từ xưa đến nay nước ta chưa có võ công nào lẫm liệt như thế.

Vậy lấy công lý mà suy thì vua Quang Trung Nguyễn Huệ là một ông vua đứng ngang hàng với vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Thái Tổ và nhà Tây Sơn là một nhà chính thống như nhà Đinh, nhà Lê vậy.[47]

So sánh phong cách và hành xử, ta thấy rõ sự trái ngược giữa hai nhân vật lịch sử: một Nguyễn Huệ Quang Trung anh hùng khi phải chọn lựa, đã coi nhẹ tình ruột thịt mà đặt nặng nợ quê hương, và một Tổng thống Ngô Đình Diệm nhu nhược, những lúc hiếm hoi cần chọn lựa thì lại quên sự tồn vong của đất nước mà chỉ lo bảo bọc lấy gia đình.

Không noi theo tấm gương rực rỡ như ánh sáng mặt trời của vua Quang Trung, ông Diệm cũng bỏ rơi quan niệm “Hiếu Trung” của Đức Trần Hưng Đạo.

Lý Chiêu Hoàng vợ vua Trần Thái Tông không con, Trần Thủ Độ bèn bắt vợ của An Sinh Vương Trần Liễu (vốn đã có mang mấy tháng) gán cho Trần Thái Tông. Hành động đảo lộn nhân luân táo bạo của Trần Thủ Độ làm cho hai anh em vua Trần bất hòa lộn xộn, Trần Liễu ôm mối hận thù mất vợ mất con đến chết vẫn không nguôi. Lúc sắp lâm chung ông trối trăn với con là Trần Quốc Tuấn: “Mai sau nếu con không vì ta mà lấy thiên hạ thì nằm dưới đất ta cũng không nhắm mắt được”.

Đức Trần Hưng Đạo vẫn không quên lời di chúc của cha nhưng Ngài không cho là phải. Năm 1257 lúc quốc gia lâm nguy, Ngài bèn hỏi thử các con và bọn gia tướng về lời trối trăn cũ. Các con Ngài và Yết Kiêu, Dã Tượng đều khuyên Ngài không nên trả thù, không nên làm việc hoán nghịch. Nhờ Ngài biết đặt chữ Trung trên chữ Hiếu mà quốc dân đoàn kết, vua tôi tướng sĩ một lòng đánh đuổi được quân Nguyên ra khỏi bờ cõi, tô điểm vàng son cho lịch sử nước Nam ta.

Còn ông Diệm thì trên hết phải là anh em ruột thịt, dù anh em tràn đầy tội lỗi, còn quốc gia dân tộc chỉ là thứ yếu. Chỉ tiếc cho nhà nho Võ Như Nguyện gặp được cơ hội ông Diệm tỏ bày tâm sự thế mà không noi gương những kẻ võ biền Dã Tượng Yết Kiêu khuyên ông Diệm không nên nghe lời Ngô Đình Nhu bắt tay với Cộng Sản làm điều phản nghịch đối với quân dân miền Nam, lại còn viết thư cho tôi, cho bạn bè bênh vực tội phản phúc của anh em nhà Ngô.

Những lời tâm sự của ông Diệm với ông Võ Như Nguyện còn cho thấy bản chất lừa dối bất tín của ông Diệm. Thật vậy, suốt thời gian lãnh đạo quốc gia, ông thường nêu cao khẩu hiệu “thành tín” trong các bài diễn văn, trong các lời tuyên bố. Hễ có dịp là ông trịnh trọng nhắc đến hai chữ “thành tín” để dạy dỗ dân và khuyên bảo kẻ thừa hành. Điều “thành tín” đầu tiên và sống chết nhất mà ông đòi hỏi nơi nhân dân là tuyệt đối trung thành và đặt xác tín vào lý tưởng “diệt Cộng cứu nước”. Những khẩu hiệu “Bài Phong, Phản Thực, Diệt Cộng” của chế độ được treo khắp thôn xóm thị thành, dán khắp hang cùng ngõ hẹp, và ra rả ngày đêm trên các đài phát thanh. Anh em ông và chế độ ông tiêu diệt hết mọi đảng phái, đàn áp hết mọi tôn giáo lớn nhỏ để nhân danh “chống Cộng” mà độc quyền chống Cộng. Thậm chí bất kỳ ai đối lập với ông, dù nhân vật đó là nhà cách mạng yêu nước và chống Cộng cũng bị anh em ông và chế độ ông nhân danh chống Cộng mà khủng bố, giam cầm hay thủ tiêu. Thế rồi sau mười năm dựa vào Mỹ và lập trường chống Cộng của nhân dân mà được làm Tổng thống và vinh thân phì gia, anh em ông lại đổi trắng thay đen, từ lập trường quyết liệt chống Cộng Sản như kẻ thù không đội trời chung, đến năm 1963 lại xoay thành lập trường thân Cộng, bắt tay với Hồ Chí Minh, gọi người Cộng Sản là “anh em máu mủ ruột thịt”, đề cao Cộng Sản là “những người Điện Biên Phủ” và chấp nhận triết lý xã hội của Marx–Hegel.

Thái độ bất trung với nước và bất tín với dân của anh em ông Diệm như thế, chả trách ông Trần Văn Lý, một nhân sĩ Công giáo miền Trung vốn biết rõ xuất xứ, tôn tộc, sự nghiệp và cuộc đời của nhà Ngô, đã lên án nhà Ngô là những kẻ mang mười chữ “bất’: “Bất hiếu, bất trung, bất nhân, bất nghĩa, bất tài, bất trí, bất công, bất minh, bất tín, và bất hòa[48].

Hơn ai hết, ông Trần Văn Lý có đủ tư cách để lên án anh em họ Ngô mang mười chữ “Bất”. Ông Diệm với ông Lý từng là đôi bạn chí thân từ ngày mới vào quan trường, lại là đồng đạo và đồng hương (Bình Trị Thiên), cùng là môn đệ của Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài. Ông Diệm và ông Lý cùng ở trong Phong trào Cường Để; năm 1945, ông Diệm đã cùng sống với ông Lý tại Đà Lạt một tháng sau khi bị Nhật Bản bỏ rơi. Năm 1947–1948, cùng qua Hồng Kông xây dựng “Giải Pháp Bảo Đại”, cùng chủ trương thể chế “Quân chủ lập hiến”. Thời làm Thủ hiến, ông Lý đã từng giúp đỡ bạc tiền cho anh em ông Diệm hoạt động chính trị, ngày ông Diệm mới cầm quyền, ông Lý bị ông Ngô Đình Cẩn cho bộ hạ ném lựu đạn vào nhà khi ông còn ở gần nhà ga Huế, đến năm 1960 bị anh em ông Diệm bắt giam vì đã ở trong nhóm “Caravelle”.

Người ta có thể chê ông Lý là bảo thủ, là thiếu khả năng làm một vị nguyên thủ quốc gia, nhưng những ai đã từng biết ông Lý đều phải ca ngợi ông là một nhân vật liêm chính, cương trực và đầy lòng yêu nước. Chính phủ Trần Trọng Kim trọng vọng ông như đã trọng vọng các Cụ Nguyễn Trác ở Thanh Hóa, Cụ Đặng Văn Hướng ở Nghệ An, ông Lê Văn Sâm (Cao Đài) nên mới mời ông giữ chức Tổng Đốc bốn tỉnh miền cực Nam Trung–Việt như một thứ tiểu Khâm sai trong lúc đại đa số quan lại bị thải thồi. Ngày Cách mạng 1–11–63 thành công, ông được tướng lãnh mời vào Hội Đồng Nhân Sĩ nhưng ông từ chối vì ông đòi hỏi thành lập “Hội Đồng Quân Dân Cách Mạng” thay cho “Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng”. Ngày tướng Khánh làm Thủ tướng mời ông giữ chức Đại sứ tại Rome, ông cũng từ chối dù ông rất nghèo, sống trong một căn nhà thuê giản dị ở Tân Định. Ngày ông làm Thủ Hiến, ông trừng trị em ruột vì tội dĩ công vi tư, lấy xe chính phủ về sử dụng riêng trong ngày chủ nhật. Dù là người Công giáo, ông vẫn không bênh vực các linh mục, ông gọi các linh mục thường hay đến công sở để quấy rầy là các “ông quan”.

Người miền Bắc, miền Nam ít biết về ông Trần Văn Lý, nhưng người miền Trung và các nhân sĩ tiếng tăm như cụ Trần Đình Nam, Trần Văn Hương, Nguyễn Xuân Chữ, Phan Bá Cầm, Hà Thúc Ký, Lê Sĩ Ngạc, Trần Điền, Trần Trọng Sanh v.v… đều biết rõ phong độ và khí tiết của ông Trần Văn Lý, và tôi chắc chắn rằng quý vị ấy đều công nhận lời phê phán họ Ngô của ông Lý là lời phê phán vô tư, đáng được ghi vào sách sử cho hậu thế noi gương.

Anh em ông Diệm không chỉ mang mười chữ Bất nhưng nếu chịu khó nghiên cứu về dòng họ, xuất xứ, công danh, sự nghiệp, về tính tình và cách hành xử của họ thì sẽ thấy họ có ba yếu tính rất đặc thù:

Họ là những kẻ tài bất cập chí, lực bất tòng tâm, thiếu ý thức chính trị và thiếu khả năng lãnh đạo mà luôn luôn mang tham vọng và hành xử độc tôn, độc quyền; dù họ có làm nên “Vương Bá” cũng chỉ là nhờ thế lực của ngoại nhân. Tư tưởng chính trị của họ không vượt quá tín điều Thiên Chúa giáo, hành động chính trị của họ trước sau chỉ là bạo quyền bạo lực.

Họ là hạng người luôn luôn cao ngạo chủ quan, đầu có mang nặng lý thuyết mơ hồ, do đó hành xử luôn luôn không theo thực tế và không hợp lòng dân cho nên họ phải chịu thất bại. Thất bại với Phạm Quỳnh, thất bại với Pháp, thất bại với Nhật Bản, với Hoa Kỳ, với quân đội Việt Nam Cọng Hòa, với Phật giáo, với Cộng Sản…

Họ luôn luôn là kẻ ăn cháo đá bát, vong ân phản bội với bằng hữu đồng chí ân nhân, với rất nhiều người, nhiều tổ chức, nhiều thế lực đã giúp họ trong những giờ phút gian nguy cũng như đã giúp họ ngồi lên quyền hành, địa vị cao cả.

Tôi muốn nhắn hỏi ông Võ Như Nguyện (và cả ông Trần Văn Hướng, Trần Văn Dĩnh) về cái chết của Đội Xứ, Đội Lộc, Quản Quế, Quản Cang, của Tôn Thất Đạt trong tòa lãnh sự Nhật, của Nguyễn Văn Cẩn, Bửu Đà trong sở Hiến binh Nhật, của anh Bảo tại Ba Tơ khi theo ông Diệm từ Sài Gòn ra bị bắt tại Quảng Ngãi và cái chết của bao nhiêu người nữa rải rác khắp Trung kỳ, nhất là anh em quân nhân, tất cả những người từng là chiến hữu của ông Diệm và của chúng ta. Họ chết để tạo sự nghiệp, uy tín cho ông Diệm trong bước đầu gian nguy phò tá Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, thế mà sau khi anh em ông Diệm ngồi trên ngôi cao tuyệt đỉnh, bạc vàng như núi như non, có khi nào họ đoái hoài nhớ thương đến vong hồn của những người đó, ngay cả một lời hỏi han an ủi những vợ góa con côi của họ cũng không có.

Các ông bênh vực nhà Ngô, tôi muốn hỏi các ông nhà Ngô có đạo đức không, có nhân nghĩa không, có thủy chung không, hay chỉ là kẻ qua sông chặt cầu?

Tôi không phải là nhà Nho như ông Diệm, ông Nguyện, ông Lý, nhưng nhờ sự dạy dỗ của cha ông và nhờ trải nhiều cay đắng trong trường đời nên tôi cũng biết được ý nghĩa chính trị và văn hóa của lời dạy Thánh Hiền: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Năm 1942, cũng vì tin vào thái độ “cởi áo từ quan”, tin vào lý tưởng “vì dân” của ông Diệm nên tôi đã theo ông hơn hai mươi năm trời, đã hết lòng trung thành và hoạt động với ông, vì qua ông tôi ngỡ lý tưởng yêu nước yêu dân của mình được thành tựu. Trong suốt chín, mười năm cầm quyền, chế độ của ông khinh thường nhân dân, khủng bố đồng bào, đàn áp và tiêu diệt tôn giáo và đảng phái, giam cầm sát hại người quốc gia yêu nước, kể cả bạn thân, đồng chí, ân nhân, công thần, mà trong đó có rất nhiều tri kỷ của tôi, nhưng vì nghĩ rằng chế độ này còn thay đổi được, Cộng Sản còn là kẻ thù của ông, và vì còn muốn giữ chút tình cố cựu với riêng ông nên tôi đành ôm lấy hai chữ “ngu trung”, mặc cho bạn bè chê trách và rất nhiều lực lượng quốc gia yêu nước thù, ghét.

Nhưng đến năm 1963, khi ông phóng tay công khai và tàn ác tiêu diệt bộ phận lớn nhất của dân tộc là Phật giáo, và khi ông quyết định tiến hành cuộc thỏa hiệp bất lợi để sống chung với Cộng Sản, và phản bội lại ý nguyện của toàn dân, thì tôi quyết định xem ông như kẻ thù, để thà làm kẻ “phản quân ái quốc” hơn là kẻ “phản quốc trung quân”. Vả lại, như tích xưa đã nói, mà quy luật cách mạng hiện đại nhất cũng đã chứng nghiệm: “Tôi chỉ nghe nói đến thiên hạ giết một kẻ hung bạo chứ không nghe ai nói giết Trụ Vương bao giờ”. (Lời của Mạnh Tử)   

“Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Theo đức Mạnh Tử thì phải có dân mới có nước, và có nước mới có vua. Chức năng và nhiệm vụ người làm Vua là phải “Bảo Dân”, nghĩa là phải giữ gìn và tăng trưởng hạnh phúc của Dân. Nếu người làm Vua không hiểu rõ cái nhiệm vụ đó, hoặc hiểu mà vẫn không làm cái chức năng đó thì sẽ trái lòng dân, phản thế nước, ngược mệnh trời. Người giữ quyền trị dân mà chỉ dùng bạo lực để khống chế dân thì chỉ là bạo chúa phải diệt trừ.

“Bởi cái tư tưởng ấy cho nên trong cái triết lý chính trị của Mạnh Tử có cái tinh thần Duy Dân thì việc trị dân trị nước chỉ có phép Công là trọng hơn cả, dù ai có quyền thế to thế nào cũng không ra ngoài phép Công được. Phép Công đã định thế thì từ vua quan cho chí người thường dân không ai được vượt qua mà làm điều trái phép. Đã có phép Công thì Thiên tử cũng không thể lấy quyền thế mà bỏ được. Người làm quan giữ phép phải theo phép mà trị tội, dù người trái phép là ông Thái Thượng Hoàng cũng không tha. Ấy thế mới là Công” [49].    

Lời giải thích quyết liệt và đầy đủ của học giả Trần Trọng Kim trong Nho giáo phản ánh chính sách trị quốc dân chủ và bình đẳng trong triết lý “thượng tôn pháp luật” của mọi quốc gia dưới mọi thời đại. Và học giả đó, khi là sử gia viết cuốn “Việt Nam Sử Lược”, thì cũng đã trung thực và can đảm ca ngợi nhà Tây Sơn dù khi viết ông đang sống dưới triều Khải Định, Bảo Đại là hậu duệ của Nguyễn Gia Long. Tư cách đó có khác gì tư cách của Tư Mã Thiên ngày xưa đâu!

Đã có phép Công thì Thiên tử cũng không lấy quyền thế mà bỏ được”. Nhà Nho Võ Như Nguyện nghĩ sao về lời dạy của thầy Mạnh Tử, đúng hay sai?

Ông Võ Như Nguyện thời trước 1975 còn ở quê nhà từng có lập trường chống Cộng vững chắc, từng là chủ nhiệm báo Lòng Dân, từng viết tập “Thế Nước Lòng Dân” gởi cho ông Diệm, từng hô hào chánh sách lấy dân làm căn bản, lấy lòng dân làm vũ khí đấu tranh với Cộng Sản, thế mà ông lại bênh vực cho một gia đình làm mất lòng dân mà chính ông cũng đã nặng lời đả kích.

Đã thế, ông Nguyện còn mượn danh nghĩa của nhà đại cách mạng Phan Bội Châu để tìm cách tô điểm cho ông Diệm: ông xác quyết chắc nịch với Hương Giang Tư Mã (tức ông Thái Văn Kiểm) trong bài “Hoài Niệm Cụ Phan Sào Nam” rằng bài thơ Gươm Đàn Nửa Gánh là của Cụ Phan làm ra để đặc biệt tặng ông Diệm. (Cũng như Trung úy Nguyễn Minh Bảo viết trong “Đời Một Tổng Thống” rằng bài thơ Ai biết trời Nam hãy có Người là của cụ Phan sáng tác riêng tặng ông Diệm).

Hành động “thấy sang bắt quàng làm họ” đó đã bị vạch trần vì tác giả thật sự của bài Gươm Đàn Nửa Gánh là cụ Nghè Nguyễn Sĩ Giác đã được Lãng Nhân Phùng Tất Đắc ghi chú xuất xứ rõ ràng trong tác phẩm Chơi Chữ (trang 173). Ngoài ra, Vũ Lão Kim Âu, trên nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại số 147 (tháng 10 năm 1983), trong bài viết “Xin đừng râu ông đem cắm cằm bà” cũng đã là chứng nhân của một buổi mạn đàm của các vị khoa giáp tiền bối (có cả cụ Nghè Giác) tại hội Khổng Học Sài Gòn và nay tái xác nhận bài Gươm Đàn Nửa Gánh không phải của cụ Phan mà là của cụ Nghè Nguyễn Sĩ Giác. Và Vũ Lão Kim Âu đã kết thúc bài viết bằng lời mỉa mai hai ông Kiểm và Nguyện rằng “không biết thì dựa cột mà nghe” mà từ đó chẳng thấy nhà Nho Võ Như Nguyện lên tiếng!

Mượn thơ cụ Phan để tô điểm cho ông Diệm, hai ông Võ Như Nguyện và Nguyễn Minh Bảo quên rằng nếu cụ Phan có sáng tác bài thơ nói trên sao trong rất nhiều tác phẩm sưu tầm văn thơ Cụ của rất nhiều tác giả cả hai miền Nam–Bắc, không một ai đề cập đến bài thơ đó cả.

Hơn nữa, nếu quả thật có thơ cụ Phan tặng ông Diệm thì ắt hẳn ông Diệm phải biết và bộ máy tuyên truyền luôn luôn sẵn sàng nịnh hót ông đã phải khoa trương ồn ào từ những năm đầu chấp chánh (1954–55). Ông Diệm biết nói láo (với Robert Shaplen năm 1962) về dòng dõi của mình thì chuyện cụ Phan tặng thơ, nếu có thật, hẳn sẽ được ông, hoặc chính quyền của ông thổi phồng ghê lắm.

Nhưng suốt thời gian ông Diệm nắm quyền, ta không nghe ai nói đến chuyện này. Phải đợi đến khi ông chết, Trung úy Bảo mới nói đến vào năm 1971 để phát động phong trào phục hồi Ngô Đình Diệm; và ông Nguyện mới đề cập đến tại hải ngoại xa xôi lưu lạc tưởng rằng không ai kiểm chứng được!

Ông Võ Như Nguyện là nhà Nho, con của một gia đình môn đồ Khổng Mạnh thế mà ông lại bênh vực lập trường “sợ cảnh bì oa trữ nhục” của ông Diệm mà không nghĩ đến vì lập trường đó mà anh em ông Diệm đã làm đau khổ cho cả một dân tộc, làm tan nát cả một quê hương. Trong lúc đó thì một trong nhiều người ngoại quốc lại biết rõ ông Diệm chỉ vì nghe lời anh em ông ta mà làm cho chế độ anh em ông ta bị suy sụp, đất nước tang thương.

Dennis Warner phần thì nhờ điều tra nghiên cứu kỹ càng tình hình Việt Nam, phần thì nhờ ông Trần Văn Khiêm em ruột bà Nhu cho biết về những bí ẩn của gia đình và chế độ Diệm nên đã lên án nặng nề ông Diệm và về vợ chồng Ngô Đình Nhu:

A stage has been reached, in fact, where the tyranny the West allied in Saigon was in many ways worse than the tyranny it was fighting against. Communist terror was at least discriminately applied: Nhu’s was indiscriminated. And in all of this, Diem was a willing, but almost certainly unwitting, ally. As Saigon put it, he wore “blinkers” from the earliest of the regime. Since for years, it was impossible for an outsider to carry on a normal conversation with him, he never listened to the evidence against the Nhu. Cabot Lodge tried, as others has tried before him and failed. There was no alternative now but coup-d’etat [50]

(“Đây là lúc mà chính quyền Sài Gòn đồng minh với Tây phương, đã trở nên độc tài hơn cả kẻ thù của họ. Cộng Sản tàn bạo một cách có chọn lựa, (Ngô Đình) Nhu tàn bạo một cách mù quáng. Và trong cái trạng huống này Diệm dù không cố ý, vẫn sẵn sàng làm một đồng minh của Nhu. Ở Sài Gòn, người ta biết rằng từ những ngày đầu của chế độ, ông Diệm chỉ như một con ngựa có hai miếng che bên hai mắt. Vốn đã từ nhiều năm rồi, không một người ngoài nào có thể đàm thoại bình thường với Diệm, ông ta không bao giờ chịu nghe những chứng cớ chống lại vợ chồng Ngô Đình Nhu. Cabot Lodge cố gắng nói với Diệm, như những người đi trước đã cố gắng, nhưng cũng đã thất bại. Do đó mà không còn một giải pháp nào khác hơn là một cuộc đảo chánh”).

Cũng vì ông Diệm đã chiều lụy tất cả anh em và gia đình ông ta, kể cả việc chiều lụy để bắt tay với Cộng Sản phản bội cuộc chiến đấu gian khổ của quân dân miền Nam cho nên năm 1963 trong khi Phật giáo nổi dậy đấu tranh đòi quyền sống, thì quân đội cũng nổi dậy để lật đổ chế độ. Trong một cuộc họp báo sau ngày Cách mạng 1–11 thành công, tướng Tôn Thất Đính đã tuyên bố rõ ràng rằng quân đội phải ra tay vì anh em ông Diệm âm mưu bắt tay với Cộng Sản. Tướng Đính cũng nêu đích danh Đại sứ Ba Lan, ông Maneli là người liên lạc giữa Hà Nội và Sài Gòn, giữa hai ông Phạm Văn Đồng và Ngô Đình Nhu như chính ông Maneli đã kể trong hồi ký của ông ta.

Cần phải nhắc lại rằng sau khi ra lệnh tấn công chùa chiền bắt bớ giam cầm Tăng Ni, sáng 21 tháng 8, qua đài phát thanh Sài Gòn, ông Diệm tuyên bố “nhận lãnh mọi trách nhiệm trước lịch sử về hành động của ông vì Việt Cộng đã tràn ngập Thủ Đô”. Rõ ràng ông Diệm đã vừa ăn cướp vừa la làng. Trong lúc vu khống Phật giáo là Cộng Sản thì anh em ông lại tiến hành cuộc thoả hiệp với Cộng Sản Hà Nội.  

Lại cũng cần nhắc thêm lời trình bày của ông Maneli là khi Hà Nội và Sài Gòn âm mưu thỏa hiệp thì Việt Cộng hầu như bị lãng quên hẳn… Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã không khai dụng cơ hội này để tấn công quân chính phủ vì Hà Nội chưa muốn lật đổ Diệm–Nhu, Hà Nội cần kéo dài thêm thời gian sống sót của Diệm–Nhu để họ có thể đạt được một thỏa hiệp với Hà Nội sau lưng người Mỹ

Nhắc lại hai sự kiện này để thấy rằng trong lúc chế độ Diệm được Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam “để yên” thì chính Phật giáo lại đấu tranh “không để yên” cho chế độ Diệm, và nhờ đó mà chận đứng được ý đồ của Hà Nội và hành động phản bội của anh em ông Diệm. Rõ ràng giữa Phật giáo và Cộng Sản có hai lập trường, hai chủ trương khác biệt rõ rệt về những vấn đề của đất nước.

Thế mà sau khi ông Diệm bị lật đổ, nhất là từ sau biến cố thảm bại của Việt Nam Cộng Hòa năm 1975, tại hải ngoại nhiều sách báo của nhóm Công Giáo Cần Lao, đặc biệt là nhóm Văn Nghệ Tiền Phong, đã dám trắng trợn xuyên tạc cuộc đấu tranh của Phật giáo năm 1963 là do Cộng Sản chỉ đạo và vu khống Thượng Tọa Trí Quang là cán bộ Cộng Sản (qua cuốn Trong Lòng Địch của Trần Trung Quân).   

 

-o0o-

 

Âm mưu của anh em ông Diệm Nhu thỏa hiệp với Hà Nội không phải chỉ có cuốn sách “War of The Vanquished” của cựu Đại sứ Ba Lan tại Sài Gòn lột trần sự thật, mà còn có nhiều tài liệu khả tín khác nữa:

- Cuốn “Les Deux guerres du Vietnam” của George Chaffard, một ký giả Pháp triệt để trung thành và thân cận với cố Tổng thống De Gaulle, là nhân vật mà hai ông Diệm Nhu nhờ làm trung gian cho kế hoạch thỏa hiệp Bắc Nam, chủ trương thống nhất hai miền Nam Bắc với sự lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh, và chống chính sách tham dự của Mỹ tại Việt Nam.

- Cuốn “A Death in November” của nữ tiến sĩ Ellen Hammer, người thân với nhà Ngô và giáo sư Bửu Hội. Ông Bửu Hội vừa thân với ông Ngô Đình Nhu, vừa thân Pháp, vừa khâm phục ông Hồ Chí Minh cũng là nhân vật chống lại cuộc đấu tranh của Phật giáo và chống Mỹ. Cũng như ông Bửu Hội, bà Ellen Hammer ủng hộ âm mưu thỏa hiệp với Hà Nội của hai ông Diệm Nhu nên sách của bà thường có cảm tình với nhà Ngô và đánh phá Phật giáo và tướng lãnh Việt Nam đã lật đổ chế độ Diệm.

- Tài liệu “The Cult of Diem” của ký giả Robert Shaplen được đăng trên tạp chí “The New Yorker”.

Sau khi chỉ trích ông Ngô Đình Nhu chủ quan, tiếc cho ông Diệm đã bị giết và tiếc cho cuộc Cách mạng 1–11–1963 bất thành, Robert Shaplen đã kết luận:

“Đã có những chứng liệu cho thấy rằng trước khi có cuộc đảo chánh, chính phủ Sài Gòn và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã tiến hành những nỗ lực thỏa hiệp với nhau. Những nỗ lực này có thể sẽ không đi đến đâu và chiến tranh sẽ tiếp tục dù ở mức độ nhỏ hơn. Nhưng dù ở mức độ nhỏ hơn hay dù thỏa hiệp chính trị có đạt được ngay cả khi Hà Nội hoàn toàn khống chế MTGPMN, thì Nam Việt cũng sẽ rơi vào một hình thức thống trị của Cộng Sản.”

Cuốn “Vietnam A History” của Stanley Karnow viết rằng:

“Trong một buổi hội kiến riêng tại Dinh Tổng thống ngày 2 tháng 9, ông Maneli tiết lộ cho ông Ngô Đình Nhu biết về cuộc nói chuyện giữa ông ta và Phạm Văn Đồng. Nhu tỏ ra thích thú. Maneli trở lại Hà Nội nơi mà nhóm lãnh đạo Cộng Sản nhấn mạnh rằng: “Kẻ thù chính của họ là Đế quốc Mỹ chứ không phải chế độ Diệm”…

“Âm mưu trên nghiêm chỉnh hay là hỏa mù? Ở Việt Nam không phải cái gì cũng dễ dãi, có thể là một tập hợp cả hai. Hoàng Tùng, chủ nhiệm tờ Nhân Dân, đảng viên đặc trách tuyên truyền năm 1981 cho tôi biết rằng: “Sự thật thì Bắc Việt cố gắng đào sâu hố chia rẽ giữa Mỹ và Diệm. Còn Bà Nhu sau này xác nhận cuộc nói chuyện giữa ông Nhu và miền Bắc đang tiến hành, bà ta còn tiết lộ việc bà ta sẽ gửi hai đứa con của bà ta ra Hà Nội như một “cử chỉ thân thiện”. Nhưng âm mưu của Nhu còn là một thủ đoạn để “blackmail” người Mỹ. Ngoài nhiều điều khác Nhu kể ra cho ký giả Joseph Alsop có âm mưu trên là để dọa người Mỹ. Maneli đã nói: “Nhu chơi nhiều trò một lần”.

“Với một số giới chức người Mỹ thì những âm mưu của Nhu tạo thêm lý do để lật đổ Diệm. Hillsman, trong một tờ trình tối mật cho ngoại trưởng Rusk, đề nghị phải thúc đẩy tướng lãnh gấp rút đảo chánh nếu Diệm nói chuyện với Hà Nội và khuyến cáo phải dùng quân lực chống lại Bắc Việt nếu Bắc Việt dùng quân đội để cứu Diệm…

“Có thể một cơ hội đã mất cho một cuộc hôn nhân thuận tiện giữa Bắc và Nam Việt Nam. Nhưng trong tình thế lúc bấy giờ mà bảo Mỹ phải từ bỏ Việt Nam thì đó là một điều không tưởng tượng được”. (tr. 292)

Để bổ túc cho nhận định của Karnow tôi ghi thêm đây một nhận định khác của bà Ellen Hammer:

“Theo ông Hillsman thì các tướng lãnh miền Nam cũng tin rằng Nhu cố ý thương thuyết với Hà Nội và bán đứng miền Nam cho Cộng Sản. Tướng Khánh đã từng nói như thế với CIA Sài Gòn ngày 25-8-1963. Đó là lý do làm nặng cân cho người Mỹ và cho tướng lãnh Việt Nam”. (“A Death in November”, sđd tr. 177).

Ngoài ra, việc ông Ngô Đình Nhu âm mưu bắt tay với Hà Nội không chỉ nhờ Đại sứ Maneli làm liên lạc giữa Hà Nội và Sài Gòn mà chính ông Ngô Đình Nhu đã đích thân đi gặp Phạm Hùng như tướng Trần Văn Đôn đã tiết lộ dưới đây:

“Đầu tháng 2 năm 1963, Trung Tá Bường lúc ấy đang làm Tỉnh trưởng Bình Tuy, dùng xe Dodge 4×4 chở ông Ngô Đình Nhu và ông C. đi săn. Trời đã trở lạnh và có mưa mà ông Cố vấn đi săn! Nhưng có ai biết được đó chỉ là lối ngụy trang. Sự thật các ông ấy không đi săn mà đi thẳng tới một căn nhà lá trong rừng thuộc địa hạt quận Tánh Linh thuộc tỉnh Bình Tuy…

“Trung tá Bường lái xe đưa ông Ngô Đình Nhu đến chỗ hẹn. Đến nơi, Trung tá Bường và ông C. chờ ngoài xe, lo an ninh. Chỉ có ông Nhu vô. Hai người ngồi ngoài lắng nghe những lời đối thoại ở bên trong lúc nhỏ lúc to. Người đang nói chuyện với ông Nhu là Phạm Hùng, có hai người nữa ngồi bên cạnh…

… Ông Nhu hứa với Phạm Hùng khi nối xong đường xe lửa thì bà Nhu và Ngô Đình Lệ Thủy sẽ đi chuyến xe Thống Nhất đầu tiên ra Hà Nội… Trong câu chuyện, Phạm Hùng cũng trách sao giao những căn cứ quân sự cho Mỹ sử dụng. Ông Nhu nói Mỹ là đồng minh của miền Nam, Mỹ đến miền Nam và dĩ nhiên sử dụng những nơi đó chứ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa không có giao nhượng cho Mỹ…” (“Việt Nam Nhân Chứng”, Trần Văn Đôn, Hoa Kỳ, 1989, tr. 183, 184).

Tiết lộ của tướng Đôn trên đây nhắc tôi nhớ lại đầu năm Quý Mão (tháng 2/1963), nhân buổi tiếp tân đầu Xuân tại dinh Gia Long, Tổng thống Diệm chỉ một cành đào được trưng bày trong đại sảnh rồi nói với quan khách rằng đó là cành đào do đồng bào Bắc Việt gởi tặng. Mọi người im lặng nhưng đều có vẻ suy tư. Sau này có người khám phá ra đó là quà tặng Tết của tướng Văn Tiến Dũng cho ông Diệm. Nếu quả đúng như thế thì âm mưu bắt tay với Hà Nội của hai ông Diệm–Nhu phải có từ lâu rồi. Ít nhất là trong năm 1962–1963, trước khi nhờ sự vận động của Đại sứ Maneli. Và quả thật anh em ông Diệm, vợ chồng Ngô Đình Nhu đã quyết tâm thỏa hiệp với Hà Nội trong tình hình chính trị, quân sự yếu kém của miền Nam, trong sự bất hòa trầm trọng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tức là anh em ông Diệm muốn trao miền Nam cho Hà Nội, muốn thực hiện kế sách “sau ta là cơn Hồng Thủy” như một linh mục người Bỉ đã nói trên kia. Thế mà vẫn có trí thức Thiên Chúa giáo dùng lời lẽ ngụy biện để bênh vực hành động phản bội đó của ông Ngô Đình Nhu.

Với những người có ý thức chính trị, qua những nhận định trên ta thấy ông Nhu là kẻ thiếu một tầm nhìn chiến lược bao quát và luôn luôn chủ quan nên đã tạo nhược điểm cho Hà Nội lường gạt và tạo sự công phẫn của người Mỹ và tướng lãnh chống Cộng của Việt Nam Cọng Hòa.

 

Hơn hai mươi năm trước, tôi là một viên đội Khố Xanh theo ông Diệm là một viên quan mất chức, để chống Tây chống Cộng chỉ vì lòng yêu nước. Bây giờ tôi là một Đại tá Giám đốc Nha An Ninh Quân Đội uy quyền, chống ông Diệm là Tổng thống tối cao của quốc gia, cũng chính vì lập trường chống Cộng và tình yêu quê hương đó. Hai hành động đó tuy cách nhau gần một phần năm thế kỷ, và tuy thời đại có đổi thay, nhưng cường độ và bản chất thì vẫn là một. Vì lý tưởng thì chỉ có một, và tôi phải xả thân để cho lý tưởng đó được thành tựu chứ không thể để cho tình cảm riêng tư và những quyền lợi bọt bèo làm mờ lương tri.

Tháng Mười năm 1963, trong sự căng thẳng của những âm mưu và tình thế, ông Diệm có nhắc lại câu nói của một chính trị gia Tây phương: “Tôi tiến, hãy theo tôi. Tôi lùi, hãy giết tôi. Tôi chết, hãy trả thù cho tôi”. Năm 1955–1956 ông tiến trên con đường phục vụ dân tộc và cả miền Nam đã hết lòng theo ông: năm 1960–63, ông lùi và rẽ vào con đường hại nước hại dân nên cả nước đã giết ông. Không lẽ tàn dư của tập đoàn Cần Lao Công Giáo muốn trả thù nhân dân cả nước sao!?

Dù ông Diệm không chết trong ngày chế độ ông bị lật đổ thì ông cũng đã chết trong lòng dân tộc, trong lòng lịch sử từ lâu rồi. Cái chết của ông Diệm không phải chỉ là sự tan rã của hình hài vật chất mà còn là sự tan rã của danh phận phẩm giá nữa. Mà đó mới là điều thê thảm. Thê thảm đến độ học giả Lãng Nhân Phùng Tất Đắc và nhân sĩ Hoàng Trọng Thược phải ghi vào sách sử lên án năm anh em nhà Ngô bằng những câu thơ “ngàn năm bia miệng” để đời [51]:

 

     Vùi nông đôi nấm giữa đêm sâu,

     Mười thước sau chùa đủ bể dâu.

     Ba cỗ quan tài bốn lỗ huyệt,

     Năm thằng Trời đánh một con Mầu.

     Mới vừa Hăm Sáu còn nguyên thủ,

     Mà đến Mồng Hai đã vỡ đầu.

     Bảy Tám thu trường Ngô với Đĩ,

     Ngô thì chín rụng Đĩ chơi đâu?   

                                                 

 

 



[1] Corall Bell, From Carter To Reagan, trong Foreign Affairs, Đặc bản “American and the World” (số tháng 1-1985, tr. 491).

[2] Lời tuyên bố của ông Ngô Đình Nhu trong cuộc phỏng vấn của đài truyền đình TV-2 của Pháp được chiếu lại trong chương trình “Vietnam: A Television History” của đài PBS, Mỹ năm 1983.

[3] George Chaffard, Les Deux Guerres du Vietnam, tr. 299, 300.

[4] Mieczylaw Maneli, War Of The Vanquished, tr. 61.

[5] Stanley Karnow, Vietnam: A History, tr. 214.

[6] Mieczylaw Maneli, War Of The Vanquished, tr. 52.

[7] Neil Sheehan, The Pentagon Papers, tr. 138, 139-143.

[8] Neil Sheehan, The Pentagon Papers, tr. 140, 141.

[9] Stanley Karnow, Vietnam: A History, tr. 252.

[10] Ngô Đình Vận, Hoàn Cảnh Bi Thảm Của Quân Lực VNCH, trong báo Tin Việt (số 51 ngày 21-1-85), tr. 9.

[11] Terrence Mailand, The Vietnam Experiences, tr. 51.

[12] William Hammond, US Intervention And The Fall Of Diem (Vietnam War), tr. 68.

[13] Robert Shaplen, The Lost Revolution, tr. 165.

[14] Robert Shaplen, The Lost Revolution, tr. 154, 155.

[15] Stanley Karnow, Vietnam: A History, tr. 235.

[16] Joseph Buttinger, Vietnam: A Political History, tr. 433, 434.

[17] Robert Shaplen, The Lost Revolution, tr. 197.

[18] George Chaffard, Les Deux Guerres du Vietnam, tr. 310.

[19] Marvin E. Gettleman, Vietnam History, Documents and Opinions, tr. 239, 242.  

[20] Nguyễn Thái, Is South Vietnam Viable?, tr. 175.        

[21] Đoàn Thêm, Những Ngày Chưa Quên, tr. 111, 112.

[22] Chương trình “Vietnam: A Television History”, đài truyền hình PBS, 1983.

[23] George Chaffard, Les Deux Guerres du Vietnam, tr. 304.

[24] Năm 1968, Maneli bị chính phủ Cộng Sản Balan trục xuất ra khỏi Đại học  Warsaw vì khuynh hướng này và bị đe dọa thủ tiêu nên đã vượt tuyến đến Mỹ tìm tự do. Ở đây, ông được mời dạy môn chính trị học tại Đại học Queens, New York. Năm 1971 ông xuất bản cuốn “War of The Vanquished” chỉ trích các chế độ Cộng Sản Nga, Tàu, Ba Lan, Việt Nam và tiết lộ trong hai chương dài vai trò trung gian của ông trong âm mưu thỏa hiệp với Cộng Sản Bắc Việt của ông Ngô Đình Nhu.

[25] Mieczylaw Maneli, War Of The Vanquished, tr. 117.

[26] Mieczylaw Maneli, War Of The Vanquished, tr. 120.

[27] Mieczylaw Maneli, War Of The Vanquished, tr. 121.

[28] George Chaffard, Les Deux Guerres du Vietnam, tr. 302.

[29] Mieczylaw Maneli, War Of The Vanquished, tr. 123.

[30] George Chaffard, Les Deux Guerres du Vietnam, tr. 302.

[31] Mieczylaw Maneli, War Of The Vanquished, tr. 123.

[32] Đoàn Thêm, Hai Mươi Năm Qua, tr. 348.

[33] Mieczylaw Maneli, War Of The Vanquished, tr. 124.

[34] Mieczylaw Maneli, War Of The Vanquished, tr. 127, 128.

[35] George Chaffard, Les Deux Guerres du Vietnam, tr. 316.

[36] Mieczylaw Maneli, War Of The Vanquished, tr. 133.

[37] Mieczylaw Maneli, War Of The Vanquished, tr. 134.

[38] Mieczylaw Maneli, War Of The Vanquished, tr. 137.

[39] Mieczylaw Maneli, War Of The Vanquished, tr. 138.

[40]  Mieczylaw Maneli, War Of The Vanquished, tr. 139.

[41] Mieczylaw Maneli, War Of The Vanquished, tr. 141, 142.

[42] Mieczylaw Maneli, War Of The Vanquished, tr. 145.

[43] Mieczylaw Maneli, War Of The Vanquished, tr. 151.

[44] Sau này bị Bộ Ngoại Giao Ba Lan phúc trình cho Bí thư đảng Cộng Sản về lỗi lầm của Maneli đã có những hành động phương hại đến chánh sách hòa dịu của Ba Lan với các nước Tây phương và đó cũng là một trong những lý do khiến Maneli bị trục xuất khỏi Đại học Warsaw.

[45] Mieczylaw Maneli, War Of The Vanquished, tr. 150.

[46] Flore Lewis, Poland’s Strange Coalition, trong New York Times (trích đăng trong nhật báo Fresno Bee ngày 7-7-83).

[47] Trần Trọng  Kim, Việt Nam Sử Lược (quyển 2), tr. 128, 129.

[48] Ông Trần Văn Lý nêu lên 10 cái “bất” của nhà Ngô trong một buổi họp của Lực Lượng Dân Tộc Việt đã được tác giả nhắc lại trong loạt bài “Trăm Năm Công Luận” đăng trên nhật báo Thách Đố năm 1973 và đã được nhiều nhật báo trích đăng như Chính Luận, Sóng Thần…

[49] Trần Trọng Kim, Nho Giáo, tr. 244, 245.

[50] Dennis Warner, The Last Confucian, tr. 236, 237.

[51] Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, Chơi Chữ, tái bản tại Hoa Kỳ năm 1979, tr. 186-187. Và Hoàng Trọng Thược, Thi Ca Châm Biếm Và Trào Lộng Việt Nam, Sài Gòn 1970, tr. 370-381.

 

©sachhiem.net

Trang Bìa VNMLQHT


Tất cả các chương sách VNMLQHT đã đăng trong sachhiem.net:

VNMLQHT- Ý Kiến Đọc Giả (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục A-Trăm Lời Phê Phán (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục B-Sáu Bài Đọc Thêm (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục C-Bốn Lá Thư Riêng (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục D-Hai Tài Liệu (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục E- Mười Hai Bài Đọc Thêm (HLDM)

VNMLQHTch01- Quảng Bình - Quê Hương Định Mệnh (HLDM)

VNMLQHTch02- Vào Đường Đấu Tranh (HLDM)

VNMLQHTch03- Thăng Trầm trong Cuộc Chiến Việt Pháp (HLDM)

VNMLQHTch04 Phụ Bản - Những Bức Hình Lịch Sử (HLDM)

VNMLQHTch04- Những Ngày Cuối Cùng của Thực Dân Pháp (HLDM)

VNMLQHTch05- Góp Công Xây Dựng Chế Độ (HLDM)

VNMLQHTch06- Bảo Đại và Ngô Đình Diệm (HLDM)

VNMLQHTch07- Gia Đình Trị (HLDM)

VNMLQHTch08- Đảng Cần Lao (HLDM)

VNMLQHTch09- Chính Sách Độc Tài (HLDM)

VNMLQHTch10- Những Thất Bại của Chế Độ (HLDM)

VNMLQHTch11- Bắt Đầu Sự Sụp Đổ (HLDM)

VNMLQHTch12- Hai Năm Khốn Cùng (HLDM)

VNMLQHTch13- Tệ Trạng Tham Nhũng (HLDM)

VNMLQHTch14- Kỳ Thị Tôn Giáo (HLDM)

VNMLQHTch15- Biến Cố Phật Giáo (HLDM)

VNMLQHTch16- Từ Đồng Minh với Mỹ (HLDM)

VNMLQHTch17 Phụ Bản - Những Bức Hình Kỷ Niệm (HLDM)

VNMLQHTch17- Cuộc Cách Mạng 1-11-63 (HLDM)

VNMLQHTch18- Ba Năm Xáo Trộn (HLDM)

VNMLQHTch19- Chế Độ Thiệu (HLDM)

VNMLQHTch20- Kết Luận (HLDM)

VNMLQHTthumuc (HLDM)

 

Trang Hoành Linh Đỗ Mậu