VIỆT NAM MÁU LỬA

QUÊ HƯƠNG TÔI

- Hoành Linh Đỗ Mậu -

http://sachhiem.net/HOANHLINH/VNMLphlucC.php

01 tháng 11, 2007

 

PHỤ LỤC "C"


BỐN LÁ THƯ RIÊNG

 

1. Thư của ông Võ Như Nguyện

ngày 24-11-1977 từ Pau, Pháp

2. Thư của ông Nguyễn Ngọc Huy

ngày 14-7-1979 từ Cambridge, Hoa Kỳ

3. Thư của ông Trần Văn Đỗ

ngày 30-8-1983 từ Paris, Pháp

4. Thư của ông Hoàng Văn Giàu

ngày 20-8-1982 từ Sydney, Úc Đại Lợi



Thư của ông Võ Như Nguyện gửi cho bạn của tác giả là ông Hoàng Đồng Tiếu

 

(Những luận điệu của Tổng thống Diệm trong lá thư này đã được tác giả phân tích và phê phán trong chương XVI của tập Hồi Ký này.)

 

Tiểu sử ông Võ Như Nguyện:

  •  Giám đốc Công An Trung Việt 1954.
  •   Tỉnh trưởng Bình Định 1955.
  •   Giáo sư Hán học, Đại học Huế từ 1959.
  •   Chiến hữu của Tổng thống Diệm từ năm 1940.
  •   Đã từng được nhà Ngô nhờ đóng vai trưởng nam trong đám tang ông Ngô Đình Khôi.

 

Pau ngày 24-11-1977

... Như Bác đã biết, tôi đã viết tập “Thế Nước Lòng Dân” năm 1956-57 mà anh em đã đệ trình Cụ Ngô và anh em đã ca ngợi tôi can đảm và nói thẳng công và tội của Cần Lao, của Phong Trào, của Tập Đoàn Công Dân v.v... Rồi năm 1957, như anh đã đọc tập thứ hai “Điều trần về các tổ chức có thể nguy hại đến chính thể Cộng Hòa Việt Nam”, tập này chỉ đánh máy có 6 bản gởi cho 5 anh em nhà họ Ngô. Tập này ký tên 30 người có cha Khai, Hay, Thọ, cả ông Lễ v.v... Tập này không phổ biến vì nói đến những tệ đoan lớn của ông Cẩn và Tập đoàn Công Dân và các vị Linh mục, bà Nhu v.v... Không công khai như tôi đã trình Bác lúc đó vì có hại là để cho Cộng Sản khai thác.

... Năm 1963, như Bác rõ hơn ai hết, tôi ra lời tuyên ngôn tại Huế và bị ông Cẩn ra lệnh bỏ tù. Tôi có theo Phật giáo đâu, mặc dù trong khi Tập đoàn Công Dân của ông Cẩn mạnh, tôi từ chức ngang xương Tỉnh trưởng Bình Định và đem cả gia đình, họ hàng quy y liền để cho ông Cẩn thấy. Tôi đã từng phá cửa ngỏ nhà ông Cẩn để vào nhà, đã từng đánh đập gia nô ông Cẩn trước mặt ông Cẩn và bảo rằng vào nhà này thêm nhục nhã vì vào đây không phải để mà đóng góp thật sự việc nước. Ông Cẩn lập hồ sơ Bác và tôi là gián điệp Pháp, cả Duyến nữa, bắt thằng Quế khai là bọn mình và thằng Thá gì đó (thằng nhà giàu ở đường Trần Hưng Đạo) đã liên lạc với tụi Tây... Ông Cẩn đã bắt giam Bác, cho người đến ám hại tôi... Bác Tiếu ơi, Bác rõ chuyện ấy hơn ai hết.

Tháng 9 hay 10 năm 1963, ông Cụ Ngô về Huế cho gọi tôi lúc 4 giờ chiều. Hai Cụ cháu ngồi tâm sự với nhau cho đến 10 giờ tối. Hôm ấy tùy viên là Đại úy Lê Châu Lộc đứng hầu sau lưng Cụ. (Hiện bây giờ Lê Châu Lộc ở Mỹ). Lê Châu Lộc đã nghe được câu chuyện giữa hai Cụ cháu tôi. Lê Châu Lộc lúc tiễn tôi ra cửa, hơn 10 giờ tối rồi có nói với tôi lần thứ nhất mà Lộc được nghe câu chuyện giá trị như vậy.

Hôm đó ông Cụ kể lại chuyện xưa, nhắc lại mấy tập tôi đệ trình Cụ, đề cập đến quyển “Con Đường Giải Thoát” của tôi, Phật giáo, Công giáo, chuyện trong gia đình và chuyện người Mỹ... Tóm tắt Cụ nói: chú Cẩn và thím Nhu có nhiều lỗi lầm, các vị Linh mục và cả Đức cha nữa cũng lầm lỡ, nhưng Nguyện là nho học, Nguyện có biết câu “Gia nan thiện hạ dị” không? “Chuyện nhà là vậy, khó giải quyết mau, để lần lần sửa chữa, nếu gấp, mau sẽ lâm vào cảnh “Bì oa trữ nhục” của Nguyễn Nhạc, Huệ, Lữ, tôi biết cả và cũng vì bọn làm việc chung quanh cái gì cũng chạy đến thưa trình với chú Cẩn, chú thím Nhu, Đức Cha. Tôi đã từng la rầy họ chỉ có một Tổng thống thôi như Nguyện đã biết. Cụ lại nói rằng hiện đang bị khó dễ với Mỹ vì Mỹ muốn đem quân đội sang. Nếu quân Mỹ sang thì mình mất chính nghĩa, tạo đường tuyên truyền thuận lợi cho Cộng Sản. Mỹ đưa cố vấn là đã quá rồi. Tôi sẽ không chấp nhận, dân ta có đủ quân lính để đánh Cộng Sản. Mỹ chỉ giúp khí giới, phương tiện là thắng. Ngoài Bắc, Nga-Tàu nó giúp Cộng Sản mà nó có đưa quân qua đâu? Mỹ cũng muốn giao cho họ hải cảng và phi cảng, tôi có trả lời giao và không giao cũng như nhau, trong vấn đề chống Cộng thì dùng chung. Họ không bằng lòng, chắc là sẽ xảy ra nhiều chuyện không hay. Vả lại tôi và chú Nhu có ý dù hai miền Quốc-Cộng tranh chấp nhưng đều máu mủ ruột thịt, phải có biện pháp anh em giải quyết lấy chiến tranh, đỡ tốn hao sinh mạng, tài sản rồi bên nào kéo dài chung quy sẽ bị lệ thuộc vào một cường quốc và đất nước chia rẽ vì các cường quốc có ý định chia rẽ cả”.

 

 Võ Như Nguyện

 

 


Thư của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy

 

(Từ năm 1930 cho đến năm 1955, ba đảng cách mạng là Việt Nam Quốc Dân Đảng, Duy Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng và hai giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo là 5 tổ chức tên tuổi tích cực họat động đấu tranh chống ba kẻ thù: Phong, Thực, Cộng. Tuy vì hoàn cảnh đất nước và dân tình địa phương, mỗi đoàn thể có một sắc thái đấu tranh đặc thù nhưng mục đích chung vẫn là đấu tranh dành độc lập cho đất nước. Nhưng cho đến năm 1955 thì Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã triệt hạ cả 5 đoàn thể kể trên dù suốt mười mấy năm trời đảng viên của 5 tổ chức đã hy sinh rất nhiều xương máu. Sở dĩ có sự hiện diện của lá thư của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy trong tập Hồi ký này là để trình bày xuất xứ, chủ trương và cuộc đấu tranh của Đại Việt Quốc Dân Đảng mà ít sách sử đề cập đến.)

 

Cambridge, ngày 14-7-1979

Kính anh,

Tôi đã nhận được thư anh ngày 9-7-79.

Sau đây là vài sự kiện về lãnh tụ Trương Tử Anh. Ông sinh năm 1914 tại Phú Yên trong một gia đình Nho học đã đóng góp nhiều vào công kháng chiến Cần Vương và tranh đấu Cách mạng. Cụ thân sinh ra ông là Trương Bội Hoàng là người lãnh đạo cuộc đấu tranh vùng Phú Yên để bênh vực quyền lợi công nhân, đòi bớt thuế. Ông Anh và gia đình có liên lạc nhiều với anh em Việt Nam Quốc Dân Đảng thời đó. Năm 1935 ông ra Hà Nội, học trường Đại học Luật Khoa. Ông lập đảng “Đại Việt Quốc Dân Đảng” và nêu ra chủ nghĩa “Dân Tộc Sinh Tồn”. Tuyên ngôn thành lập Đại Việt Quốc Dân Đảng đưa ra vào tháng 12 năm 1938, cờ là cờ đỏ, tròng xanh tròn có sao trắng 5 nhánh bên trong. Đại Việt Quốc Dân Đảng nhờ bắt đầu ở Đại học Hà Nội nên phát triển nhanh chóng trong giới thanh niên trí thức. (Hà Nội là đại học duy nhất ở Đông Dương, sinh viên ở mọi tỉnh về đấy học. Khi vào đảng họ trở về tỉnh nhà tổ chức nên Đại Việt Quốc Dân Đảng có cơ sở ở cả ba kỳ).

Khi Nhật vào Đông Dương, ông Anh cho một chi nhánh liên lạc với họ và lập Đại Việt Quốc Gia Liên Minh, trong Liên Minh này có Nhượng Tống của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Từ 1944 thế Nhật đã suy, anh em Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Quốc Dân Đảng bắt đầu một đường lối mới: chi nhánh liên lạc với Nhật vẫn tiếp tục giao hảo với Nhật nhưng bên trong hai Đảng thỏa thuận với nhau sẽ hợp nhất và liên lạc với các lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Trung Hoa. Từ đó đã có thỏa thuận lấy tên chung là Quốc Dân Đảng. Việc hợp nhất thực hiện khi Nhật thua và được công khai hóa lúc lực lượng Việt Nam Quốc Dân Đảng từ Trung Hoa kéo về. Anh Trương Tử Anh làm chủ tịch, Vũ Hồng Khanh (của Việt Nam Quốc Dân Đảng ) làm Tổng thư ký. Cờ nền đỏ, tròng xanh, sao trắng lấy làm cờ Quốc Dân Đảng. Nhưng liên minh này không sống lâu vì ông Vũ Hồng Khanh bị áp lực của các tướng Trung Hoa chấp nhận đi với Hồ Chí Minh và ký sơ ước 6-3-1946 với Pháp. Quốc Dân Đảng và 2 bên Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Quốc Dân Đảng trở về vị trí cũ. Ông Anh bị CS bắt vào khoảng mùa Thu 1946 trước cuộc đánh nhau với Pháp (tháng Chạp 1946).

... Tuy tình thế hiện nay còn nhiều rắc rối và khó khăn nhưng cũng có dấu hiệu tốt. Bằng cớ là anh với tôi đã móc nối lại được với nhau và có thể chung làm việc với nhau. Tôi nghĩ mình cứ trì chí, mỗi người liên lạc móc nối với một nhóm hay vài nhóm rồi chuẩn bị tư tưởng cho sự kết hợp nhau lại lần lần. Khi tình thế thuận tiện mình sẽ có thể ngồi lại với nhau, không khó. Vả lại đường đi có thể còn dài. Nếu mình không làm được sẽ còn anh em trẻ tiếp tục làm. Do đó tôi mới chủ trương cho ra loạt bài “Tìm Hiểu” đề cập đến các vấn đề lịch sử, văn hóa, định chế, tư tưởng chính trị v.v... để giúp tài liệu cho anh em trẻ nghiên cứu. Đó cũng là một cách dọn đường cho một nước Việt Nam tự do ngày mai.

Ở Pháp tôi có liên lạc được nhiều nhóm trong đó có những tổ chức thanh niên, sinh viên. Vậy nói chung tình thế không phải quá đen tối đâu. Xin anh đừng quá buồn nản. Khi nào có dịp đi California nữa, sẽ xin đến thăm anh và các bạn trong nhóm của anh...

 

Thân ái,

Nguyễn Ngọc Huy

 



Thư của ông Trần Văn Đỗ

 

Paris, 30 Aout 1983

Kính gởi Thiếu tướng Đỗ Mậu,

Thưa Thiếu tướng.

Tiếp được thư Cụ tôi rất mừng, thường gặp anh em vẫn nhắc đến Cụ, nhưng chỉ biết Cụ đã qua bên Mỹ.

Nhắc Hội nghị Genève thì thật không mấy ai biết bề trong thế nào. Ai cũng tưởng trong bàn Hội nghị bàn cãi kẻ nói qua người nói lại như đi chợ trả giá... Nhưng sự thật chẳng có bàn cãi gì trong phòng Hội nghị cả.

Riêng về phần tôi, Cụ Diệm sau khi được bổ nhiệm lập Chính phủ-18 Juin 1954, Cụ mời tôi lại giúp. Và trước khi về nước hôm 20 Juin, Cụ nhờ tôi đi thay giáo sư Nguyễn Quốc Định.

Tôi cũng sang Genève, hỏi nhân viên Phái đoàn thì họ nói lúc này nghỉ hè các Trưởng phái đoàn đều vắng trừ Việt Minh, Lào, Cao Miên. Không có tin tức gì các phái đoàn nói chuyện với nhau, không ai đá động gì đến ta cả. Trong lúc đó có tin ngoài hành lang nói đến việc chia xẻ đất đai. Tin đồn không biết thiệt hư, ở đâu ra. Phía Pháp, trước khi tôi qua Genève ông Tổng trưởng Guy la Chambre (Ministre des Etats Associés) hứa có tin gì thì sẽ cho mình biết, nhưng không bao giờ cho mình biết gì cả. Bởi vậy nên lối 3, 4 Juillet hai ông Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Mạnh Hà đến trụ sở hỏi tôi có bằng lòng gặp Phạm Văn Đồng không. Tôi nói tôi không có complex chi cả, gặp ai cũng được, đâu cũng được, lúc nào cũng được. Hôm sau tôi đi với ông Nguyễn Hữu Châu qua trụ sở Việt Minh gặp Phạm Văn Đồng có mặt Hoàng Văn Hoan, Trần Công Tường. Chào hỏi xong, ông Đồng nói đến vấn đề chia xẻ đất. Tôi hỏi chia chỗ nào-trả lời: lối vĩ tuyến 13-rồi đem bản đồ ra chỉ về đường đi từ Pleiku xuống An Khê. Hỏi thì tôi trả lời không có ý kiến. Đồng nói: nhưng chia chỉ tạm thời vì tính sẽ có Tổng tuyển cử để thống nhất. Hỏi: trong vòng sáu tháng. Tôi trả lời: chưa có ý kiến gì vì mới tới. Ngày hôm sau, Đồng sang đáp lễ, không nói gì khác. Nhờ vậy mà tôi mới biết việc họ bàn tính với nhau, định đoạt số phận mình mà không cho mình biết.

Chỉ vài giờ sau khi tôi nói chuyện với bên Việt Minh thì báo chí tung ra: “La rencontre des frères ennemis”. Vì đây là lần đầu mà hai bên gặp nói chuyện riêng với nhau.

Tôi về nhà một lát thì phái đoàn Pháp, kế đến phái đoàn Mỹ xin lại gặp tôi.

Người Pháp hỏi tôi nói chuyện với Phạm Văn Đồng có chi lạ cho họ biết với. Tôi nói tôi đi thăm ông Đồng cũng như đi thăm các ông-thăm xã giao. Họ nói có nhiệm vụ trình tôi một cái Note Verbale. Tôi đọc thấy đại ý: Pháp, Mỹ và Anh đã gặp nhau vào lối 27 Avril (nếu tôi không nhầm) và định là chia vào khoảng 18 vĩ tuyến thì có thể nhận được. Tôi trả lời tờ Note Verbale và nói: “Tôi cảm ơn ông nhưng tôi đã biết rồi. Tiếc các ông hứa cho tôi biết tài liệu, chi tiết các cuộc tiếp xúc của ông mà từ khi tôi qua đây tới nay tôi không có tin tức gì cả.”

Một giờ sau, người Đại diện phái đoàn Mỹ lại cũng đưa tôi tờ Note Verbale đó!

Biết chắc được sự kiện về giải pháp chia xẻ đất nước, tôi phải định lại kế hoạch. Bàn cãi gì cũng vô ích. Bạn với thù họ đã thỏa thuận với nhau rồi để chia đôi đất nước. Việt Minh vừa thắng Điện Biên Phủ, Pháp kiệt quệ chỉ muốn rút quân về, Mỹ không chịu giúp. Ta chưa đủ sức, quân đội mới phôi thai. Không có cách gì chống cự lại, không chịu cho họ chia đôi đất nước.

Nên gặp Thủ tướng Pháp Mendès France. Tôi nói các ông tính chia nước chúng tôi, tôi không thể chống lại được. Tôi chỉ có thể phản đối cái giải pháp đó. Tôi sẽ phản đối kịch liệt, nhưng nếu Pháp đã bị thất bại vì Pháp cứ từ 1946 đến nay khư khư không trả độc lập cho chúng tôi. Cho đến giờ này vẫn còn nói đến “Độc lập trong Liên Hiệp Pháp”, nghĩa là không ngoại giao, không Quốc phòng làm sao dân chúng tôi chấp thuận được, cho nên tuy họ biết Việt Minh là Cộng Sản họ cũng chịu tranh đấu dưới quyền chỉ huy Việt Minh thành một thứ Liên Minh Quốc gia Cộng Sản để lấy độc lập thật sự mà các ông không chịu trả cho chúng tôi.

Bây giờ chia đôi đất nước tôi. Phía trên Cộng Sản nếu các ông còn giữ Nam Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp nữa thì không sớm thì muộn miền Nam sẽ rơi vào tay Cộng Sản nữa.

Vậy xin yêu cầu ông trả cho miền Nam cái Độc Lập thật sự. Tôi yêu cầu ông long trọng tuyên bố tại nơi đây. Nếu tôi không được lời tuyên bố đó và hứa hẹn long trọng đó thì tôi xin thưa thật với ông tôi bỏ Genève mà về ngay lập tức, Ông Mendès France nói: “Est ce une menace?” Tôi nói tôi không phải nhà Ngoại giao chuyên môn nên nghĩ sao nói vậy. Ông Mendès France nghĩ ngợi rồi nói: “Xin ông cho người qua Văn phòng tôi để bàn về lời tuyên bố đó”. Tôi nhờ ông Nguyễn Hữu Châu thương thuyết hơn ba ngày mới xong. Tờ tuyên bố của ông Mendès France tôi đưa về cho Cụ Diệm.

Để trả lời tiếng đồn rằng tôi đã khóc tại Hội trường sau khi có quyết nghị chia đôi đất nước thì Cụ thấy tôi như trình bày trên đây là quyết nghị chia tôi biết trước 15 ngày mà đã biết rằng chỉ còn có thể phản đối mà thôi, không phải là một sự đột ngột bất ngờ mà mình nghẹn ngào vì bất lực như một người bị ăn hiếp đau đớn quá không làm gì được mà phải khóc! Lời phản đối bàn tính trước cân nhắc từng chữ, từng dấu phẩy, chớ không gặp sự bất ngờ làm xúc động con người đến khóc.

Chuyện khóc không có, chắc là báo chí thêu dệt. Mà dù có khóc đi nữa cũng không có xấu, nhục nhã gì mà phải chối cãi. Nhưng tôi muốn trình sự thật để Cụ rõ.

Nay kính

Trần Văn Đỗ

 

* Ghi chú của tác giả:

1. Bức thư trên đây cho thấy vị Ngoại trưởng của Chính phủ Ngô Đình Diệm bị đặt trước một việc đã rồi nên không thể chống lại việc chia đôi đất nước cũng như không thể đòi hỏi phải chia đôi ở vĩ tuyến nào. Và sau khi Hiệp ước Genève ra đời, Chính phủ Diệm đã phải triệt để thi hành những điều kiện do Hiệp ước quy định trái với lời thề “Bảo vệ toàn thể lãnh thổ quốc gia” mà ông Diệm đã thề trước Chúa và trước Quốc trưởng Bảo Đại tại lâu đài Thorence tại Cannes.

2. Theo một số nhân vật Nguyễn Phước tộc thân cận Đức Từ Cung thời 1954 cho tác giả biết thì tuy Việt Minh đòi chia đôi Vĩ tuyến 13 nhưng họ chỉ mong mỏi và nằng nặc đòi Pháp phải chia đôi ngang Vỹ tuyến 16 nghĩa là dưới Đà Nẵng để họ có thể chiếm được Cố Đô và Hải Cảng quan trọng của miền Trung. Trong lúc đó thì Quốc trưởng Bảo Đại theo lời khuyên của Mẹ là Đức Từ Cung phải đòi cho được Vỹ tuyến 18 ở phía trên Đèo Ngang. Đòi chia đôi đất nước ở Vĩ  tuyến 18 mẹ con Cựu Hoàng Bảo Đại muốn bảo tồn thứ nhất là lăng miếu nhà Nguyễn tại Huế và thứ hai là bảo tồn biên giới đầu tiên của chúa Nguyễn Hoàng nhân vật khai sáng ra triều đại nhà Nguyễn tại Đàng Trong. Tuy nhiên cuộc vận động ngầm của Mendès France với hai Ngoại trưởng Nga và Tàu chỉ đưa đến kết quả là lấy Vỹ tuyến 17 để chia đôi Việt Nam. Dù sao thì với Vỹ tuyến đó, lăng miếu và Cố Đô nhà Nguyễn vẫn thuộc về phe Quốc gia hay nói cách khác thuộc về Bảo Đại. (Những tin tức trên đây rất nhiều người biết trong số có cả ông Thái Văn Kiểm hiện ở Pháp).

3. Theo cựu Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ thì Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Mendès France có đưa ra lời tuyên bố trả lại Độc Lập cho Việt Nam. Tuy nhiên những sự kiện lịch sử sau đó cho thấy lời tuyên bố kia chỉ có giá trị lý thuyết còn Việt Nam được Độc Lập là nhờ cuộc tranh đấu của Quốc trưởng Bảo Đại trong những tháng cuối cùng trước khi Hiệp ước Genève ra đời mà tác phẩm “Le Dragon d’Annam” của Bảo Đại và tác phẩm “Những Ngày Chưa Quên” của Đoàn Thêm đã kể rõ. Dù sao thì nền Độc Lập của miền Nam Việt Nam được kiện toàn, tiêu biểu qua sự việc quân đội viễn chinh Pháp rút về nước, lại là công lao của Ngoại trưởng Mỹ ông Foster Dulles làm áp lực với Chính phủ Mỹ như đã nói rõ trong tập Hồi Ký.

 

 


Thư của ông Hoàng Văn Giàu

 

Sydney, 20-8-82

Bác kính mến,

Mười chín năm trước, ngày này, Bác còn ở bên này bờ kẽm gai, tôi bên kia bờ. Sáng mai, tôi ở bên này bờ cửa ngục, Bác ở bên kia. Ít lâu sau, tâm tư Bác cùng về bên này với chúng tôi. Và Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ! Bác cùng tôi đã chia cùng một ước vọng âm thầm cho dân tộc... nhưng vận nước thăng trầm, ước vọng đó của tôi và Bác đều dang dở cho đến hôm nay, tôi ở bên này, Bác bên kia Thái Bình Dương... mấy ai còn nhớ đến ngày 20 tháng 8 ở đây? Mấy ai bên nhà nhớ ngày 20 tháng 8 và âm thầm kỷ niệm ngày ấy như tôi với Bác hôm nay?

Đời Bác đã được sống với lắm biến cố. Nhưng 20 tháng 8 có thể là biến cố Bác khó quên nhất bởi từ ngày đó, 19 năm về trước, Bác đã có một quyết định đảo chuyển cả một triều đại. Brutus là người thương mến Cesar nhất, nên nhát dao của Brutus không chỉ banh da xẻ thịt của Cesar mà còn chính là nhát dao đoạn trường với chính Brutus.

Mỗi lần nghĩ đến Bác và mối liên hệ mật thiết giữa Bác với Ngô Đình Diệm tôi vẫn mường tượng cái văn ảnh ấy, và tôi lại thương và tâm phục Bác hơn: Bác đã để đại nghĩa trên tư tình! Và bởi tôi còn sống đến bây giờ nên, riêng tôi, tôi có thể tự hào mà thưa bác: quyết định 19 năm trước của Bác là đúng, và sẽ còn đúng kỳ cho đến ngày dân tộc mình thực hiện được Tự do Dân chủ.

Tôi nghĩ mà thương chính Bác nhiều hơn, và cũng phiền muộn nhiều hơn nữa mỗi lần nghe ai nhắc đến “Ngô Tổng thống” và tỏ ra tiếc cho “Ngô Tổng thống” khi so sánh ông với chế độ Cộng Sản hôm nay. Những kẻ đó họ nghĩ là họ đang đánh bóng cho Ngô Tổng thống, họ ngờ đâu họ đã vô tình biện minh cho việc lật đổ Ngô Tổng thống là đúng là phải: Ngô Tổng thống chỉ hơn Cộng Sản có chút xíu!

Cho đến bây giờ tôi vẫn không chút ân hận đã chống “Ngô Tổng thống”. Ông ấy không làm chi được cho Dân Tộc, mà còn phá nát luôn cả cái gọi là Chủ Nghĩa Quốc gia mà Hoa Kỳ đã cố hà hơi tiếp sức để biến thành phương tiện ý thức hệ trong cuộc chiến tranh lạnh với Nga Xô sau 1945. Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm chỉ là kẻ thụ ủy của những quyền lợi quốc tế; một đàng sử dụng chiêu bài Giải Phóng, một đàng sử dụng chiêu bài Quốc gia chống Cộng mà thôi.

Bác và Hội Đồng Quân Nhân Cách mạng không giết Ngô Đình Diệm thì Ngô Đình Diệm rồi cũng phải chết, như Lý Thừa Văn, Phát Chánh Hy, và một số nhân vật khác ở Phi, ở Thái, ở Nam Mỹ!... Ngô Đình Diệm đã có cơ hội để có thể làm một Yoshida của Nhật, một Adenauer của Đức, một U Nu của Miến, hoặc một Tito của Nam Tư... nhưng bản chất của ông đã không cho ông làm chuyện ấy, gia đình và người đỡ đầu ông cũng không cho ông làm chuyện ấy. Ông thất bại, và ông chết là phải, và là “may” cho ông nữa. Phải thế không thưa Bác?

... Cả Ngô Đình Diệm và Hồ Chí Minh chẳng ông nào chịu hiểu quyền lợi dân tộc cao hơn, và ra ngoài tầm mức chiến lược quốc tế mà Hoa Kỳ và Nga Xô đã gán cho họ: tiền đồn của thế giới Tự Do, tiền đồn của Xã hội Chủ nghĩa. Cả hai là người Việt, và cả hai đều là những kẻ chỉ biết làm nghĩa vụ quốc tế. Lý tưởng dân tộc hết bị bên này phản bội thì bị bên kia chà đạp. Thế nhưng lý tưởng ấy vẫn sống, vẫn còn. Nhất là từ 75 đến nay.

Sau 75, có đôi người mang mặc cảm tội lỗi là đã chống Diệm, chống Thiệu. Những kẻ đó đã quên rằng có theo “Quốc gia” thì cũng không được “phép” đánh chết Cộng Sản như sau vụ Mậu Thân, như sau vụ Phước Long, hoặc những lần bị Hoa Kỳ ngăn không cho đổ bộ Bắc Việt. Cũng như theo Cộng Sản thì cũng không được phép đánh chết hết “Quốc gia” như năm 54 và 75.

Bởi quên điều ấy cho nên bây giờ có hô hào chống Cộng Sản mà một tay thì hì hục đánh bóng xác chết Ngô Đình Diệm, một tay lại ngửa nhận những đồng xu còn tanh hôi, bất chính và bủn xỉn của Thiệu, làm như thế là mai này, lật đổ được chế độ Cộng Sản rồi thì lại dựng lên một chế độ y nguyên Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hòa và lại bắt dân chúng cúi đầu nhận chịu những tên tham nhũng, bất tài phe đảng gia đình trị... như ngày nào!

Những điều ấy chỉ làm mình phiền chứ chẳng có gì buồn phải không thưa Bác? Thử tưởng tượng tất cả những người đã bỏ xứ ra đi hôm nay đều là đám bầy tôi của hết Diệm đến Thiệu thì sự khinh miệt, hất hủi, ngộ nhận của dân chúng địa phương nơi mình định cư còn đến mức nào nữa?

Bác ơi, cũng vì những ý nghĩ và kinh nghiệm đắng cay như trên nên gần hai mươi năm bị phe “Quốc gia” hành hạ tôi đã không theo Cộng Sản sau 75 tôi đã không thể se sua đội mũ tai bèo, đi dép Bình Trị Thiên và kể từ lúc đến Thái Lan đến bây giờ tôi đã cắn răng nhận những “đòn thù” để trước sau vẫn còn được là người của Ấn Quang, của Phật giáo, của phe “đối lập” chế độ cũ. Bởi tôi tin lý tưởng Dân Tộc vẫn còn sống và cho đến một ngày nào quyền lợi của dân tộc trùng hợp với quyền lợi quốc tế thì ngày đó mình sẽ được trở về hoặc nắm xương tàn của mình sẽ được đưa về cố quận. Làm gì, thế nào, cho sự trùng hợp đó? Câu hỏi ấy đã nung nấu kỳ vọng của tôi được gặp Bác. Ngày đó chẳng biết xa hay gần, nhưng tôi tin chắc, gặp Bác tôi sẽ chẳng hoài công chờ đợi chút nào cả, Bác ơi...

Bác có viết gì được nhiều chưa, xin cho tôi đọc với. Anh em ở đây rất hăm hở đón chờ Hồi Ký của Bác, kẻ có thừa kinh nghiệm và có đủ thẩm quyền để viết về miền Nam và Việt Nam.

Thư đã dài, tôi xin phép Bác tạm ngừng. Ngày 20-8, tôi nhớ Bác, nhờ những anh em còn kẹt lại, nhớ Thầy Thiện Minh. Phải chi những giây phút thế này được ngồi hầu Bác, ôn lại chuyện ngày nào...

 

Thân kính,

Hoàng Văn Giàu

 

 

©sachhiem.net

Trang Bìa VNMLQHT


Tất cả các chương sách VNMLQHT đã đăng trong sachhiem.net:

VNMLQHT- Ý Kiến Độc Giả (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục A-Trăm Lời Phê Phán (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục B-Sáu Bài Đọc Thêm (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục C-Bốn Lá Thư Riêng (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục D-Hai Tài Liệu (HLDM)

VNMLQHT-Phụ Lục E- Mười Hai Bài Đọc Thêm (HLDM)

VNMLQHTch01- Quảng Bình - Quê Hương Định Mệnh (HLDM)

VNMLQHTch02- Vào Đường Đấu Tranh (HLDM)

VNMLQHTch03- Thăng Trầm trong Cuộc Chiến Việt Pháp (HLDM)

VNMLQHTch04 Phụ Bản - Những Bức Hình Lịch Sử (HLDM)

VNMLQHTch04- Những Ngày Cuối Cùng của Thực Dân Pháp (HLDM)

VNMLQHTch05- Góp Công Xây Dựng Chế Độ (HLDM)

VNMLQHTch06- Bảo Đại và Ngô Đình Diệm (HLDM)

VNMLQHTch07- Gia Đình Trị (HLDM)

VNMLQHTch08- Đảng Cần Lao (HLDM)

VNMLQHTch09- Chính Sách Độc Tài (HLDM)

VNMLQHTch10- Những Thất Bại của Chế Độ (HLDM)

VNMLQHTch11- Bắt Đầu Sự Sụp Đổ (HLDM)

VNMLQHTch12- Hai Năm Khốn Cùng (HLDM)

VNMLQHTch13- Tệ Trạng Tham Nhũng (HLDM)

VNMLQHTch14- Kỳ Thị Tôn Giáo (HLDM)

VNMLQHTch15- Biến Cố Phật Giáo (HLDM)

VNMLQHTch16- Từ Đồng Minh với Mỹ (HLDM)

VNMLQHTch17 Phụ Bản - Những Bức Hình Kỷ Niệm (HLDM)

VNMLQHTch17- Cuộc Cách Mạng 1-11-63 (HLDM)

VNMLQHTch18- Ba Năm Xáo Trộn (HLDM)

VNMLQHTch19- Chế Độ Thiệu (HLDM)

VNMLQHTch20- Kết Luận (HLDM)

VNMLQHTthumuc (HLDM)

 

Trang Hoành Linh Đỗ Mậu