Sự sụp đổ các chính thể Staliniêng Đông Âu

Vũ Huy Quang

20 tháng 7, 2010

1  2 

 

I. Sự hình thành và biến dạng các nước Cộng sản Staliniêng Đông Âu

Trong thập niên 1930, guồng máy quan liêu Nga đã hoàn tất sự tuyên truyền, rằng họ chính là những người thực hiện cách mạng tháng Mười, và họ là những người chính thức thừa kế Lenin. Lenin trở thành dấu ấn (icon), thành từ ngữ ”Mácxit-Leninít”, và tên tuổi được trở thành biểu tượng gần như tôn giáo. Thành phần phe Nga Hoàng chống họ, Bạch Vệ quốc gia, đã tẩu tán ra hết khỏi nước, sát nhập với Quốc Xã phát xít châu Âu. Cuối thập niên ’30, những người quốc gia bài-Cộng còn sót lại tại Ukraine, hướng về Nazi của Đức tìm sự nâng đỡ.

Những người Mensơvíc đã chạy sang Âu châu, sau đó họ tìm cách tập hợp quanh cánh Tả Âu châu của các đảng Dân chủ Xã hội, trong Đệ Nhị Quốc tế lúc trước. Trí thức chính trị Nga như khám phá ra được, là Phát xít Quốc Xã mới là giải pháp để thay thế cho chủ nghĩa Cộng sản, nhất là sau chính biến Tây Ban Nha (1927). Sự thất bại sau này của chiến dịch Barbarossa (tiến chiếm Nga của Hitler, 1941) chỉ làm cho giới chính trị thấy cũng không yên ổn với Đức, đành tìm phương hướng mới: Nga phải chuyển sang tinh thần quốc gia. Rồi Stalin phát động tinh thần yêu nước trong chiến tranh Đại ái quốc chống Đức. Lúc thế giới chống Phát xít, đa phần thế giới quay sang thiện cảm với Nga trong việc bảo vệ bờ cõi. Trong chế độ Krushchev và Brezhnev sau này, các chính quyền Cộng sản vẫn duy trì hào quang Hồng quân thắng Phát xít. Trong các sản phẩm văn chương, đài kỷ niệm, nghệ thuật, điện ảnh…sự tán dương chiến thắng Đức còn vượt xa sự tán dương về thành công của cách mạng tháng Mười, vượt xa về chiến thắng của Hồng quân trong nội chiến.

Cho đến thập niên 1950, Bạch vệ không còn là mối quan tâm cạnh tranh về lòng yêu nước với Nhà nước Nga nữa, không hẳn là các lãnh tụ Bạch Vệ cũ đã già, hay chết bớt, mà Nga đã trưng xong tấm bảng yêu nước tự hào cho dân chúng. Nay có thêm tấm bảng mới, là Nga trở thành Siêu cường thứ nhì trên thế giới.

Tượng của Andrei Sakharov tại Saint Petersburg State University. Tay của ông được gắn sau lưng của mình như là một tù nhân.

Rồi đến thời kỳ tính Phản cách mạng (tháng Mười) lại nổi cộm trong thập niên ‘60, với việc nhà khoa học Andrei Sarakhov, cha đẻ bom H. tại Nga – nguyên là cố vấn cho Krushchev về chính sách vũ khí nguyên tử. Ông này công khai cho rằng, không thể có tiến bộ về kinh tế cho Nga được, nếu Nga duy trì chiến tranh Lạnh, và đề nghị chính sách tiếp cận tư bản hơn nữa. Nền tảng lí luận là, ”Sự dân chủ trong khoa học sẽ là khởi đầu cho sự tiếp cận về chính trị, văn hóa, kinh tế” (Sakharov Speaks, - Harrison E. Salisbury san nhuận). Đây chỉ là sự hợp thức hóa thuyết “Sống chung hòa bình” một cách tinh vi hơn nữa. Xét về khía cạnh xã hội, giới trí thức Nga muốn thoát khỏi chuyên chính vô sản (kiểu Stalin), mong có cải thiện đời sống xã hội của họ - về vật chất, chính trị, văn hóa – y như trong các nước tư bản phương Tây.

Đến thập niên 1970, Sakharov ra mặt chống Cộng thêm. Ông ta tuyên bố,”Nói tổng quát, thì tôi vốn nghi hoặc chủ nghĩa xã hội.” Và,”Về tổng cương thì nước ta đã chứng tỏ bị nó làm tiêu cực hơn là tích cực.” Tuy chưa hẳn đã tạo được hoàn toàn đồng thuận trong giới trí thức Nga, nhưng ông ta đã là một điềm báo, là tiền trạm cho tinh thần vọng về nền “dân chủ buốc-gioa” phản cách mạng...tại Liên bang Xô-viết sau này.

Chính thể Brezhnev bắt đầu từ 1964, vừa để duy trì chế độ quan liêu, vừa để giải quyết chuyện hỗn loạn trong giới lao động và các trại nông nghiệp do bất mãn trong dân chúng về giá thực phẩm tăng liên tục thời Krushchev...đã đưa ra chính sách lưỡng diện: Vừa giảm ép buộc kỷ luật sản xuất cho lao động, vừa dìm sự tăng giá tiêu thụ trong xã hội, bằng cách duy trì giá sinh họat cũ từ năm 1963. Đối với trí thức kiểu Sakharov, thì chế độ trấn áp họ về tinh thần vọng ngoại, hướng về Tây phương. Ra tay đàn áp trí thức xong, chính quyền quan liêu cũng không đủ để quay về được với chế độ quan liêu toàn trị như thời Stalin được, vì số trí thức phản quốc như vậy - chỉ là một vấn nạn không đáng kể.

Một mặt trấn áp trí thức ngưỡng mộ Tây phương, một mặt chế độ Brezhnev nới lỏng cho tinh thần quốc gia...như nhóm báo văn học Nash Sovremennik. Cuối thập niên ’70, hai nhà báo Nga đào tị tuyên bố,”Chính quyền kiểu Đảng (Đại Nga) hiện nay chỉ gồm một nhóm duy tâm, cơ hội, phi chính-thống...Họ chỉ mong thành đạt việc chiêu mộ thành viên mới...cho đông thêm thành phần Sô-vanh” (Alexander Yanov, The Russian New Right, 1978). Như thế cho thấy chế độ quan liêu Xô-viết quay sang bành trướng ngầm tinh thần quốc gia, để được thêm ổn cố địa vị.

Thế là, vừa treo bảng hiệu “Macxít-Leninnít”, thể chế của quan liêu Brezhnev vừa thi hành chính sách “Quốc gia siêu cường”. Nhưng mục đích tối hậu hơn hết, chỉ là được thân cận với Washington...trong chính sách đối ngoại toàn cầu.

Trong 18 năm ổn định của Brezhnev, có 2 biến cố ảnh hưởng lớn đến đường lối Xô viết: Chiến tranh Việt Nam và tăng vọt giá dầu trên thế giới. Cuộc chiến vô luân làm suy nhược đế quốc Mỹ, làm phân hóa tinh thần xã hội Mỹ, cho Nga dịp ung dung thực hiện chương trình chạy đua vũ khí nguyên tử. Áp lực chống chiến tranh Việt Nam khắp nơi làm Wasinhton nới thả với Nga, vì trông mong Nga tiếp tay cho việc bán đứng quân đội Bắc Việt, thành ra thích hợp cho Brezhnev thi hành chính sách Giảm Căng. Sau khi mất Saigon 1975, Washington lờ ngay thái độ Giảm Căng, quay ra tăng áp lực với Kremlin, lăm le tiến tới Chiến tranh Lạnh thứ Nhì.

BrezchnevGiá dầu tăng, tiếp cho chế độ Brezchnev việc nới thả phí tổn thi đua vũ khí, duy trì mức điều hành giá tiêu thụ, nhập cảng nông phẩm và đầu tư kỹ nghệ nặng…cho đến cuối thập niên ’70. Dù vậy, không thể yên ổn mãi. Chính quyền Brezchnev phải lựa chọn giữa chi tiêu sản xuất vũ khí ngày đòi hỏi tăng gia một bên, bên kia là thực phẩm và đồ trang bị kỹ nghệ nặng. Vừa muốn tăng kinh phí quốc phòng, vừa muốn duy trì phẩm lượng tiêu dùng trong nước, nên phải cắt giảm đầu tư sản xuất kỹ nghệ…tạo ra sự ứ đọng nhân công. Nga Xô đứng trước tình trạng tiến thoái lưỡng nan: Phải lựa chọn giữa chi phí quốc phòng, hay đáp ứng kinh tế tiêu dùng. Điều này thành hiển nhiên với các thế hệ lãnh đạo kế tiếp, là Gorbachev, Yeltsin và Gavril Popov, thế hệ giới lãnh đạo trưởng thành từ lý thuyết “sống chung hoà bình”. Với họ, chiến dịch Barbasossa và đe dọa bom nguyên tử của Mỹ trong chiến tranh Lạnh không còn nữa. Họ xem Tây Đức và Hoa Kỳ như mẫu mực của sự thịnh vượng.

Dư luận trí thức trong nước coi việc đảm bảo ổn định công nhân trong việc sản xuất, là phải ổn định giá hàng trên thị trường. Muốn tăng phẩm chất thì kinh tế cạnh tranh là chuyện tất yếu (tiền công khác nhau, gía phân phối khác nhau, quỹ thất nghiệp và điều hành cơ xưởng phải tái phối trí ). Để ngụy trang cho việc phục vụ cho giai cấp vô sản, họ cắt giảm sinh hoạt cơ bản của giai cấp này. Thời Brezchnev, san bằng xã hội đồng đều làm lương thày giáo, y sĩ, nghiên cứu sinh…thấp hơn lương công nhân.kỹ nghệ.

Nhìn vào viễn cảnh rộng, cuộc chiến A Phú Hãn gieo trong giới trí thức Nga thuyết tất bại của việc căng thẳng quân sự. Họ cho rằng Nga phải rút quân, để đem lại lợi ích cho đất nước, cùng giảm đua vũ khí, phải thêm hòa hoãn với Tây phương, sẽ đem lại thuận lợi hơn cho việc cộng tác với thế giới trong mục đích phát triển kinh tế Nga. Họ còn chỉ trích chính sách Brezhnev là đã “phiêu lưu quân sự”, đã gây ra sự khiêu khích, mà thành chiến tranh Lạnh với Tây phương…để đưa đến tốn phí trong chính sách chạy đua vũ trang. Rồi lịch sử đưa đến cuộc chuyển đổi quyền lực qua Gorbachev, cũng đưa đến sụp đổ quyền lực khối quan liêu Kremlin…

Từ đó, mới thành sự sụp đổ các nước Cộng sản Staliniêng Đông Âu.

 

(xem phần thứ hai)

-Vũ Huy Quang

(7-2010)


Cùng tác giả:


Sự sụp đổ các Đông Âu: Sự hình thành và biến dạng (Vũ Huy Quang)
Sự sụp đổ Đông Âu: Lòng ái quốc và chủ nghĩa Cộng sản (Vũ Huy Quang)
Tưởng nhớ ông Hoàng Khoa Khôi (Vũ Huy Quang)
Tưởng niệm một nhà cách mạng Trung quốc (Hoàng Phàn-Tây /Vũ Huy Quang dịch)
Tưởng Niệm Đinh- Bài Thơ Không Hi Vọng Được Công Bố (Vũ Huy Quang)
Vài góp ý về “Nội chiến” (Vũ Huy Quang)
Văn Nghệ và Chính Quyền (Vũ Huy Quang)
Vũ khí thay đổi nếp sống xã hội & lịch sử tại Nhật (Vũ Huy Quang)
Đọc "Tổ quốc ăn năn" của Nguyễn Gia Kiểng


Trang Thời Sự - Chính Trị