Thế Giới Hồi Giáo Xưa và Nay

Charlie Nguyễn

bản in ¿ trở ra mục lục

 

HỒI GIÁO TẠI ÂU CHÂU VÀ MỸ CHÂU

 

Âu Châu và Mỹ Châu vốn đã được coi là những vùng đất của nền văn hóa Do Thái Ki Tô Giáo (Judeo-Christian culture). Nhưng ngày nay điều đó đã đổi khác vì hai vùng đất này đã tiên phong tự biến thể thành những quốc gia đa văn hóa (multicultural nations). Số tín đồ Hồi Giáo hiện có mặt tại Âu Châu với con số đáng kể là 25 triệu và tại Mỹ Châu khoảng 10 triệu.

Các cộng đồng Hồi Giáo tại Âu Châu và Mỹ Châu đã được hình thành do những yếu tố hoàn toàn khác biệt. Do đó, chúng ta sẽ bàn về các yếu tố hình thành của các cộng đồng Hồi Giáo trên hai lục địa này một cách riêng rẽ:

I. HỒI GIÁO TẠI ÂU CHÂU

Khối lượng 25 triệu tín đồ Hồi Giáo có mặt tại Âu Châu hiện nay do hai yếu tố:

1. Đa số người gốc Đông Âu đã có tổ tiên theo đạo Hồi từ thời Trung Cổ. Ngoài ra, vì đế quốc Hồi Giáo Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ cai trị nhiều nước Âu Châu từ thế kỷ 8 đến đầu thế kỷ 20 nên có rất nhiều người Ki Tô Giáo đã bỏ đạo để theo Hồi Giáo. Nhiều người Bosnia thuở xưa cải đạo đã được đế quốc Ottoman cho giữ những chức vụ cao cấp trong chính quyền. Các thủy thủ Hy Lạp bỏ đạo Chính Thống theo đạo Hồi để được đế quốc Ottoman tuyển dụng và cho làm việc trên các hạm đội. Riêng nước Tây Ban Nha là một nước lớn ở Âu Châu nổi tiếng sùng đạo Công Giáo nhưng nước này đã bị người Ả Rập Hồi Giáo (Moors) cai trị trên 300 năm, từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 15. Ngày nay có nhiều người Tây Ban Nha bề ngoài là Công Giáo nhưng bên trong họ vẫn giữ niềm tin Hồi Giáo của tổ tiên xa xưa của họ.

Có nhiều vùng đất Âu Châu hiện nay theo Ki Tô Giáo, nhưng cách đây không lâu lại là những lãnh địa của Hồi Giáo, đó là đảo Sicily (Ý), Crete (Hy Lạp) các nước Hungary, Bulgary, Albany và Herzegovina. Trong thế kỷ 19, vua Áo sùng đạo Công Giáo đem quân tiêu diệt người Hồi tại Hezegovina. Trong thế chiến thứ hai, chính phủ Nam Tư, do giống người Croatian Công Giáo lãnh đạo, đã giết hại 200.000 tín đồ Hồi Giáo tại nước này. Sau thế chiến thứ hai, chính phủ Nam Tư do người Serbian theo Chính Thống Giáo lãnh đạo đã giết hại hàng trăm ngàn người Hồi Giáo tại Bosnia!

Hầu hết các người Hồi Giáo tại Đông Âu đều có tổ tiên theo đạo này từ thế kỷ 15. Đại đa số người Bulgary theo đạo Hồi là con cháu của một đợt di cư vĩ đại của trên 1 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ vào Bulgary năm 1850.

2. Các cuộc di dân ồ ạt của người Hồi Giáo vào Tây Âu trong thập niên 1960.

Trong thập niên 1960, các nước kỹ nghệ Tây Âu lâm vào tình trạng thiếu nhân công rất trầm trọng. Do đó, các nước Tây Âu đành phải chấp nhận cho nhập cư nhiều đợt công nhân từ các nước Hồi Giáo từ Bắc Phi và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau một thời gian, số công nhân này được phép bảo lãnh thân nhân nhập cư theo để đoàn tụ gia đình. Cho tới nay tại Tây Âu, số người Hồi gốc Maroc là 1 triệu rưỡi, Thổ Nhĩ Kỳ 2 triệu rưỡi. (Riêng ở Đức có 2 triệu người Thổ, 200.000 ở Bỉ, 200.000 ở Hòa Lan, trên 100.000 ở Pháp).

Điều đáng chú ý là sự cải đạo Ki Tô sang đạo Hồi tại Âu Châu. Riêng ở Pháp từ 1968 đến nay có trên 100.000 tín đồ Công Giáo theo đạo Hồi, trong số đó có nhà thám hiểm hàng hải nổi tiếng là Jacques Couteau.

Điều đáng chú ý hơn nữa là từ 1982 đến nay có rất nhiều người Hồi Giáo từ các "cựu thuộc địa" xin nhập cư vào các "cựu mẫu quốc" với tư cách di dân và đều được chấp thuận:

- 700.000 người Hồi Giáo từ Ấn Độ và Pakistan được nhập cư vào Anh Quốc nâng tổng số Hồi Giáo tại Anh lên 2 triệu.

- Hàng trăm ngàn cựu binh sĩ Lê Dương gốc Hồi Giáo Bắc Phi, Congo, Sénégal... xin vào Pháp.

- Hàng chục ngàn người Hồi Giáo Nam Dương và Surinam xin vào cựu mẫu quốc Hòa Lan.

Đến nay, hầu hết các di dân đều đã trở thành công dân của các nước cho nhập cư. Nhiều người trong số con cháu của họ đã chiếm được những chức vị cao trong các nước Tây Âu. Tại Anh Quốc năm 1993, 12 người Hồi gốc Ấn hoặc Pakistan đã được bầu vào quốc hội Anh (12 trên tổng số 117 nghị sĩ quốc hội).

Nước Đức không có thuộc địa nhưng chính sách di dân rất cởi mở đã tạo cơ hội cho nhiều sinh viên ngoại quốc xin du học tại Đức. Trong năm 1971, riêng số thanh niên Hồi Giáo xin du học tại Đức là 50.000 người.

Số đền thờ Hồi Giáo tại Tây Âu là 4.000 đơn vị, riêng tại Đức 2.000. Sở dĩ tại Đức có nhiều đền thờ Hồi Giáo vì số tín đồ Hồi Giáo tại đây thuộc nhiều giáo phái khác nhau và định cư rải rác khắp nơi trên nước Đức. Tại Pháp có 1.000 đơn vị, Anh 600...

3. Trường hợp đặc biệt của Liên Xô.

Từ cuối thế kỷ 7 và trong thế kỷ 8, các đoàn kỵ binh Hồi Giáo Ả Rập đã tiến chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Bắc Ấn và toàn vùng Trung Á ở sát phía Nam của nước Nga. Tiếp theo đó là sự theo đạo Hồi ồ ạt của dân tộc Bulgars định cư tại vùng đồng bằng sông Volga thuộc Nga. Sau này, dân tộc Bulgars đã tách rời khỏi Nga để thành lập quốc gia riêng là Kazakstan. Trong thế kỷ 13, dân tộc Tartars theo đạo Hồi, sau đó họ thành lập một nước độc lập là Uzbekistan.

Trong năm năm (1552-1557) Nga hoàng Ivan IV đem quân tàn phá vùng Golden Horn thuộc miền Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ và các vùng lân cận tàn sát hàng triệu người Hồi Giáo và cưỡng bách những người sống sót phải theo đạo Ki Tô Chính Thống (Orthodox Christianity). Năm 1783, nữ hoàng Nga Catherine II xua quân chiếm vùng Crimea giết hại 30.000 người Hồi Giáo.

Trong thế kỷ 18 và 19, các Nga Hoàng có thái độ khoan dung đối với đạo Hồi đã cho phép các giáo sĩ Hồi Giáo được tự do truyền đạo và hành đạo. Nhờ đó, đạo Hồi đã mau chóng phát triển tại Nga. Tới năm 1897, trên khắp nước Nga đã có 600 trường học và 1555 đền thờ Hồi Giáo. Nga hoàng cho phép người Hồi Giáo xây nhà thờ trên tiêu chuẩn 150 nam tín đồ có một nhà thờ riêng.

Sau Cách Mạng Tháng Mười Nga 1917, Đảng Cộng Sản Nga thành lập Liên Bang Xô Viết gồm có 15 nước Cộng Hòa, trong đó có 6 nước Hồi Giáo (1 thuộc Âu Châu và 5 thuộc Trung Á) Liên Xô trở thành một nước có 65 triệu công dân theo đạo Hồi. Tuy nhiên, những người Hồi Giáo đều là những tín đồ hữu thần rất sùng tín nên đại đa số không thể chấp nhận chủ nghĩa Cộng Sản vô thần. Đứng trước nguy cơ nổi loạn của tập thể Hồi Giáo với sự hỗ trợ của nhiều thế lực đối nghịch từ bên ngoài, chính phủ liên bang Xô Viết đã công khai tuyên chiến với Hồi Giáo. Trước hết chính phủ ra lệnh cấm truyền đạo và hành đạo. Năm 1921, Staline tạo ra nạn đói giết chết 2 triệu người Kazakhs và Kirghis. Năm 1929, chính phủ Xô Viết ra lệnh tịch thu hết súc vật của những dân du mục Hồi Giáo nổi loạn tại Tây Á khiến cho trên một triệu người bị chết đói.

Trước khi đảng Cộng Sản nắm chính quyền năm 1917, toàn lãnh thổ Liên Xô có 2600 đền thờ Hồi Giáo. Sau trên 70 năm cầm quyền, chính phủ Cộng Sản đã phá hủy gần hết. Năm 1980, toàn liên bang chỉ còn 450 đền thờ mà thôi.

II. HỒI GIÁO TẠI MỸ CHÂU

Tổng số tín đồ Hồi Giáo tại Mỹ Châu chỉ có 10 triệu nhưng sự hiện diện của họ tại lục đia này do nhiều yếu tố phức tạp hơn ở Âu Châu rất nhiều:

1. Những người Tây Ban Nha Hồi Giáo mới thực sự là những người đầu tiên thám hiểm Châu Mỹ: Ai cũng biết Christophe Columbus thám hiểm Châu Mỹ trong thế kỷ 15. Nhưng trước đó 3 thế kỷ, tức vào thế kỷ 12, những đoàn thám hiểm Tây Ban Nha được lãnh đạo bởi các nhà hàng hải giàu kinh nghiệm của vùng Andalusia ở phía Nam Tây Ban Nha theo đạo Hồi đã đến thám hiểm Châu Mỹ. Tuy nhiên, vào thời đó ít có ai chú ý đến những thành quả của họ.

Từ thế kỷ 15 trở về sau, những người Tây Ban Nha theo đạo Hồi đã bị các vua chúa Công Giáo đàn áp nặng nề nên họ phải ẩn dấu tôn giáo của họ. Tiếng Tây Ban Nha có danh từ đặc biệt để gọi những người này là MORISCOS (Spanish Muslims). Trong các đoàn thủy thủ Tây Ban Nha xâm chiếm Châu Mỹ có rất nhiều người Moriscos, trong số đó có Rodrigo de Lope là phó tướng của Christophe Columbus, tướng Estevanico de Azemor chiếm vùng Arizona (Mỹ), tướng Estaval the Moor chiếm New Mexico và Colorado năm 1540. Chính những người Moriscos là những tín đồ Hồi Giáo đầu tiên trên Châu Mỹ.

2. Đa số nô lệ bị đưa đến Châu Mỹ trong hai thế kỷ 17-18 là những tín đồ Hồi Giáo.

Trong thế kỷ 17 và 18, bọn thực dân Âu Châu phát triển kỹ nghệ buôn bán nô lệ (the slave trade) để kiếm lợi. Bọn chúng thường đem quân đổ bộ lên vùng ven biển Phi Châu bắt người da đen đem lên tàu nhốt trong cũi như súc vật. Sau đó, bọn chúng đem họ đến Châu Mỹ bán cho các chủ nông trại. Hầu hết các chủ nô lệ đều là những người Ki Tô Giáo da trắng trong khi phần lớn những người nô lệ da đen là những tín đồ Hồi Giáo. Do bị đối xử tàn bạo và bị ép buộc phải bỏ đạo Hồi theo đạo Ki Tô , những người da đen đã vùng lên nổi loạn tại Bắc Mỹ năm 1758, nhiều chủ nô lệ da trắng đã bị phe nổi loạn trói vào cọc thiêu sống. Sau đó, báo chí Tây Phương đã lên tiếng kết án chế độ nô lệ.

Từ năm 1830, để thay thế việc buôn nô lệ da đen, bọn thực dân Anh và Hòa Lan dụ dỗ những người nghèo ở Indonesia, Surinam và Mã Lai dưới hình thức "mộ phu" và ký với họ những "giao kèo lao động" rồi đưa họ đến Mỹ Châu bán cho các chủ nông trại. Hầu hết những người này là tín đồ Hồi Giáo. Họ bị đối xử như nô lệ nhưng không bị ép buôc phải bỏ đạo. Họ công khai hành đạo tại Mỹ Châu. Từ đó, các tên riêng của Hồi Giáo bắt đầu xuất hiện rộng rãi khắp nơi như: Muhammad, Ali, Abu, Omar, Abdul, Ismael v.v...

Cuốn tiểu thuyết best-seller "Cội Nguồn" (Roots) của Alex Harley là câu chuyện của những người nô lệ da đen ở Brazil tìm về cội nguồn của họ là xứ Hồi Giáo Phi Châu Gambia. Họ bị thực dân Bồ Đào Nha đem đến Nam Mỹ năm 1830.

3. Do nhu cầu phát triển kỹ nghệ, nước Mỹ mở cửa đón nhận nhiều đợt nhập cư của các chuyên gia từ các nước Hồi Giáo:

a. Đợt đầu tiên trong thập niên 1870 gồm rất nhiều các nhân viên kỹ thuật từ các nước Trung Đông như Syria, Lyban, Jordan và Palestine.

b. Sau đệ nhất thế chiến (1914-1918) nước Mỹ tuyển rất nhiều chuyên gia từ các nước Hồi Giáo Đông Âu như Nam Tư, Albania, Bulgary v.v...

c. Sau đệ nhị thế chiến, liền trong 15 năm (1945-1960) nước Mỹ thâu nhận nhiều trăm ngàn chuyên gia thông thạo Anh ngữ từ Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.

Phần lớn những chuyên gia và nhân viên kỹ thuật định cư tại các khu kỹ nghệ như Detroit, Chicago, Los Angeles và nhất là New York.

4. Yếu tố cuối cùng hình thành cộng đồng Hồi Giáo tại Mỹ là sự cải đạo theo Hồi Giáo (Conversion to Islam).

Hầu hết mọi người da đen tại Mỹ đều ý thức rằng Hồi Giáo là tôn giáo truyền thống của tổ tiên họ tại Phi Châu. Những cơ quan tuyên truyền của người da đen cố ý đánh thức tâm lý quần chúng da đen tìm về cội nguồn Hồi Giáo của họ. Những khẩu hiệu vận động trong cộng đồng người da đen thường thấy là: "Hồi Giáo là đạo của người da đen. Ki Tô Giáo là đạo của người da trắng". (Islam, the religion of Blacks. Christianity religion of Whites)

Những cuộc vận động đó rất hữu hiệu vì nó đã làm cho cộng đồng Hồi Giáo tăng vọt lên trong thập niên 1950. Theo tuần báo Time ngày 01-11-2001 thì số người Hồi Giáo tại Mỹ hiện nay là 7 triệu, người Mỹ da đen chiếm 40%, Ả Rập 30% và Á Châu chiếm 30%.

Ngoài nước Mỹ ra, Canada có nửa triệu người Hồi Giáo với 100 đền thờ, Trung và Nam Mỹ có 2 triệu rưỡi người Hồi Giáo, đông nhất tại Argentine và Brazil (mỗi nước có 500.000 tín đồ Hồi Giáo). Năm 1990, người Hồi Giáo đầu tiên được bầu làm Tổng thống Argentina là ông Memem, gốc Syria.

Trước đây nhiều người cho rằng Hoa Kỳ là một "lò luyện kim" có thể nấu chảy mọi thứ dị biệt trên đất nước này. Nhưng ngày nay người ta nhận thấy có một thứ không thể nấu chảy là tinh thần cuồng tín cực đoan của người Hồi Giáo. Do vậy, Hoa Kỳ đã phải xét lại chính sách di dân và phải có biện pháp hạn chế đối với các di dân Hồi Giáo. Dù sống tại Mỹ, những người Hồi Giáo cực đoan vẫn thù ghét lối sống Mỹ và họ rất sợ "mất linh hồn" trong môi trường sống của Mỹ. Do đó, những người Hồi Giáo thu mình lại như con ốc thu mình trong cái vỏ khép kín của nó. Họ tự tách mình khỏi xã hội Mỹ để tự giam mình trong một hình thức ghettos.

Tập thể người Mỹ da đen còn đi xa hơn nữa là họ vận động tách rời khỏi nước Mỹ để thành lập một quốc gia Hồi Giáo riêng biệt. Phong trào "Quốc Gia Hồi Giáo" (Nation of Islam) được phát động rầm rộ từ năm 1930 bởi Wallace Fard. Năm 1934, Fard bị bắt và bị thủ tiêu bí mật.

Phong trào được tiếp tục lãnh đạo bởi Elijah Muhammad, 37 tuổi. Ông gọi lãnh tụ Fard là "Chúa Cứu Thế" và gọi dân da trắng là kẻ dữ (evils). Ông tiếp tục đòi người da trắng phải để cho người da đen tách rời thành một nước riêng. Elijah qua đời vì bệnh năm 1975, thọ 78 tuổi.

Người hoạt động nổi tiếng nhất trong đầu thập niên 1960 là Malcom X (1925-1965). Ông kêu gọi mọi người da đen bỏ đạo Ki Tô để trở về với đạo gốc của tổ tiên là đạo Hồi, chỉ có đạo Hồi mới có khả năng đoàn kết mọi người da đen thành một khối mạnh mẽ. Ông gọi Thiên Chúa của đạo Ki Tô là Chúa của Da Trắng, Chúa ngoại lai và Chúa của chủ nghĩa nô lệ. Ông thành lập "Hội Truyền Bá Đạo Hồi tại Hoa Kỳ" (American Muslim Mission). Malcom X bị một nhóm da đen Hồi Giáo bất đồng chính kiến ám sát chết năm 1965.

 

Charlie Nguyễn


Các chương khác trong sách:

Các Mô Hình Sinh Hoạt trong Thế Giới Hồi Giáo
Cái Nôi của Đạo Hồi
Hồi Giáo Tại Trung Đông
Hồi Giáo Tại Á Châu
Hồi Giáo Tại Âu Châu và Mỹ Châu
Hồi Giáo và Chủ Nghĩa Khủng Bố
Năm Nghĩa Vụ Tín Đồ Hồi Giáo
Sáu Trụ Cột của Đức Tin Hồi Giáo
Sự Bành Trướng của Đạo hồi
Sự Bành Trướng của Đạo hồi
Sự Nghiệp Muhammad tại Medina
Thân Phận Phụ Nữ Hồi Giáo
Thân Thế Muhammad tại Mecca
Tìm Hiểu Kinh Koran
Tệ Nạn Phân Hóa Trong Nội Bộ Hồi Giáo

Trở ra mục lục

Trang Tôn Giáo