|
bản in |
¿ trở ra mục lục
|
HỒI GIÁO TẠI Á CHÂU
Theo lịch sử Hồi Giáo
thì đạo này đã được
truyền bá vào Ấn Độ và
Trung Quốc ngay từ giữa
thế kỷ 7, tức trong
những năm đầu mới được
thành lập. Vai trò
truyền đạo chủ yếu do
những người Thổ Nhĩ Kỳ
nói tiếng Ba Tư (The
Persianate Turks) vì họ
là những người theo đạo
Hồi rất sớm. Họ có biệt
tài cưỡi ngựa, bắn cung,
đấu kiếm và rất hiếu
chiến như quân Mông Cổ
sau này. Trong hai thế
kỷ 7 và 8, những đoàn kỵ
binh Thổ Nhĩ Kỳ đã lấn
chiếm toàn Bắc Ấn và
Trung Á.
Năm 751,
toàn dân xứ Turkistan
theo đạo Hồi. Quân Hồi
tràn qua biên giới
Turkistan tiến vào phía
Tây Trung Quốc đụng trận
với quân nhà Đường trên
sông Talas. Quân Đường
thua trận phải bỏ chạy.
Vùng Tây Bắc Trung Quốc
trở thành lãnh thổ Hồi
Giáo. Nhiều người Trung
Á Hồi Giáo như Kazakh,
Uzbek, Afgan tràn qua
biên giới chiếm lãnh các
thảo nguyên của người
Trung Quốc và trở thành
những tín đồ Hồi Giáo
đầu tiên trên lục địa
Trung Hoa.
Các hoàng
đế thuộc triều đại nhà
Nguyên (1280-1368) cho
phép đạo Hồi được truyền
bá tự do, những người
Hồi gốc Trung Á được tự
do đi lại và định cư lập
nghiệp khắp nơi trên
lãnh thổ Trung Quốc. Nhờ
đó, những người Hồi Giáo
Trung Á đã có mặt tại
hầu hết các thành phố
lớn. Những người Hồi
Giáo này chịu ảnh hưởng
sâu đậm nền văn hóa hỗn
hợp Thổ Nhĩ Kỳ - Ba Tư
(Turko-Persian Culture).
Nhiều người Hồi Giáo
Trung Á đã được triều
đình nhà Nguyên trọng
dụng.
Như trên
đã trình bày, các nước
Trung Á, Bắc Ấn và phía
Tây Bắc Trung Quốc đã bị
đạo Hồi chinh phục bằng
các đoàn kỵ binh Thổ Nhĩ
Kỳ hiếu chiến hiếu sát.
Trái lại, miền đông
Trung Quốc và các đảo
Thái Bình Dương đã được
đạo Hồi chinh phục bởi
các đoàn thương gia Ả
Rập giầu có, khôn ngoan
và ôn hòa.
Từ cuối
thế kỷ 7, nhiều thương
gia Ả Rập đã đặt chân
lên bờ biển Trung Quốc,
mở nhiều thương điếm tại
các tỉnh ven biển. Hơn
hai trăm năm sau, tức
vào năm 878, tại Trung
Quốc bỗng nổi lên phong
trào bài ngoại của đảng
Huang Chao. Bọn này thực
hiện chính sách khủng bố
sát hại 1200 người ngoại
quốc trên đất Trung Hoa.
Những người Hồi Giáo Ả
Rập và Ba Tư phải bỏ
Trung Quốc, dời việc
buôn bán và giảng đạo
đến các nước phía Nam
Trung Quốc là xứ Champa
(Chàm) Mã Lai và quần
đảo Nam Dương.
Lịch sử
Hồi Giáo Ả Rập có ghi:
Năm 1039, một đoàn
thương gia Ả Rập đã đến
buôn bán tại Champa và
tăng cường công cuộc
truyền bá đạo Hồi tại xứ
này. Họ đã lập nên tại
Champa những cộng đồng
Hồi Giáo đông đảo. Trong
khi đó, những hạm đội
hải quân của Hồi Giáo Ả
Rập đã chiếm giữ Malacca
để bảo vệ quyền giao
thương trên trục lộ giao
thông với Trung Quốc và
Nhật Bản. Hồi Giáo làm
chủ toàn vùng bán đảo Mã
Lai và quần đảo Nam
Dương trong 3 thế kỷ
(11-15) và đã biến hai
nước này thành hai nước
Hồi Giáo.
Năm 1511,
một hạm đội hùng mạnh
của Bồ Đào Nha đã đánh
thắng quân Hồi Giáo Ả
Rập và chiếm lãnh
Malacca để thực hiện hai
mục tiêu: một là để nắm
con đường huyết mạch về
hàng hải hầu chiếm độc
quyền buôn bán gia vị Á
Châu (Asian spice
trade), hai là thực hiện
tham vọng truyền bá đạo
Công Giáo ra khắp lục
địa Á Châu và các đảo
Thái Bình Dương. Malacca
là địa điểm chiến lược
quan trọng vì từ hải
cảng Malacca, hải quân
Bồ Đào Nha có thể kiểm
soát mọi tàu bè từ Âu
Châu và Địa Trung Hải
đến Đông Nam Á, Trung
Quốc và Nhật Bản.
Kể từ
1511, Bồ Đào Nha dùng
sức mạnh quân sự chận
đứng sự giao thương và
công cuộc truyền đạo Hồi
của người Ả Rập tại vùng
đất này. Đồng thời mở ra
một kỷ nguyên mới cho
công cuộc truyền đạo
Công Giáo tại Á Châu:
- Giáo sĩ
Công Giáo đầu tiên đến
Việt Nam là Linh Mục
Ignatius (I-nhê-khu)
người Tây Ban Nha đến
giảng đạo tại làng Ninh
Cường, Bùi Chu năm 1533.
- Phan xi cô Xavie
đến giảng đạo cho dân
chài tại tỉnh Goa Ấn Độ
năm 1542.
Tiếp theo
đó là nhiều đợt xâm nhập
của các giáo sĩ Tây
Phương đến giảng đạo tại
Á Châu trong nhiều thế
kỷ, họ đã tạo nên nhiều
cộng đồng tín đồ Công
Giáo tại Ấn Độ, Việt
Nam, Trung Quốc và Nhật
Bản.
Nếu so
sánh với đạo Hồi, đạo
Công Giáo đã được du
nhập vào giải đất mang
hình chữ S sau đạo Hồi
trên 500 năm. Ngay từ
năm 1039 tại xứ Chiêm
Thành đã có nhiều cộng
đồng tín đồ Hồi Giáo vì
nhiều đoàn thương gia Ả
Rập đã đến đây truyền
đạo sau khi họ chạy trốn
loạn Huang Chao tại
Trung Quốc năm 878.
Năm 1069,
vua Lý Thánh Tông cất
quân đánh phá Chiêm
Thành bắt vua Chiêm là
Chế Củ. Vua Chiêm sợ
chết nên phải chuộc mạng
bằng cách dâng 3 châu
Địa Lý, Ma Linh và Bố
Chính cho vua Lý. Nhà
vua sáp nhập 3 châu này
vào lãnh thổ Việt Nam và
đổi tên thành Quảng Trị,
Thừa Thiên. Năm 1402,
vua Chiêm Thành dâng
thêm hai châu nữa là
Chiêm Động và Cổ Lũy cho
Hồ Quí Ly. Hai châu này
trở thành hai tỉnh Quảng
Nam và Quảng Ngãi của
Việt Nam ngày nay.
Như vậy,
thực tế lịch sử đã chứng
minh: Hồi Giáo là đạo
Thiên Chúa đầu tiên đã
xâm nhập giải đất mang
hình chữ S (từ Quảng
Trị, Thừa Thiên đến
Quảng Ngãi thuộc lãnh
thổ Chàm trước năm 1069)
chứ không phải là đạo
Công Giáo. Tuy nhiên,
đạo Hồi đã không có cơ
duyên xâm nhập vào xã
hội người Việt (dân tộc
Kinh) và đã trở nên một
thứ tôn giáo hoàn toàn
xa lạ và bị hiểu lầm
nhiều nhất.
Chúng ta
đã biết Hồi Giáo là đạo
Thiên Chúa xuất phát từ
bán đảo Ả Rập vào đầu
thế kỷ 7, nhưng đến nay
các quốc gia có số tín
đồ Hồi Giáo đông nhất
thế giới lại là những
nước Á Châu. Đó là Nam
Dương, Ấn Độ, Pakistan,
Bangladesh... Chúng ta
sẽ lần lượt tìm hiểu về
tình hình Hồi Giáo tại
các nước này:
NAM DƯƠNG
(Indonesia). Nam
Dương là một quần đảo
rộng lớn, gần 2 triệu
cây số vuông, lớn gấp 6
lần diện tích Việt Nam,
gồm có 13.000 đảo lớn
nhỏ. Java là đảo lớn
nhất qui tụ 60% dân số
cả nước. Thủ đô Jakarta
nằm trên đảo này. Dân số
Nam Dương là 230 triệu
người, gồm có 40% là
người Javanese (người
Chà Và) 14% Sudanese, số
còn lại là người Hoa và
các dân tộc khác. Về tôn
giáo: Hồi Giáo (phái
Sunni) 87%. Công Giáo La
Mã 9% (20 triệu) và Ấn
Giáo 4% (9 triệu). Ngôn
ngữ của Nam Dương là
tiếng Mã Lai nhưng chữ
viết của họ được mô
phỏng theo chữ Ả Rập.
Những
thương gia Hồi Giáo Ả
Rập đã đến giảng đạo tại
Nam Dương từ thế kỷ 8
nhưng không có kết quả
trước các ảnh hưởng sâu
đậm của Ấn Giáo tại vùng
đất này. Phải đợi đến
thế kỷ 15, một biến cố
lớn lao đã xảy đến làm
thay đổi tình hình đất
nước này. Đó là sự kiện
vua Raden Patah theo đạo
Hồi đã ra lệnh cho toàn
đảo Java phải bỏ đạo
Hindu để theo đạo Hồi
tập thể. Chỉ trong một
thời gian ngắn, vua
Patah đã biến đại đảo
Java thành một vương
quốc Hồi Giáo (Islamic
Kingdom) đầu tiên tại Á
Châu. Năm 1568, vua đảo
Sumatra (đảo lớn thứ hai
trong quần đảo Nam
Dương) là Al-Quahhar ra
lệnh cho toàn dân trên
đảo phải theo đạo Hồi.
Sau đó hai đảo lớn này
và các đảo khác thống
nhất lại tạo thành một
nước Indonesia có số tín
đồ Hồi Giáo lớn nhất thế
giới.
Vào cuối
thế kỷ 16, các giáo sĩ
Bồ Đào Nha đã đến giảng
đạo Công Giáo tại miền
đông đảo Timor và đảo
Molucca. Họ đã thành lập
tại hai đảo này nhiều
cộng đoàn Công Giáo đông
đảo. Năm 1945, Nam Dương
dành lại độc lập từ tay
thực dân Hòa Lan. Hai
chính quyền của Sukarno
và Suharto đều muốn tách
rời chính trị ra khỏi
các ảnh hưởng tôn giáo
để biến Nam Dương thành
một quốc gia thế tục (a
Secular State). Tuy
nhiên, các thế lực cuồng
tín Hồi Giáo và Công
Giáo đã tự võ trang và
gây ra cuộc nội chiến
đẫm máu kéo dài 40 năm
khiến cho trên một triệu
người chết và 2 triệu
phải tản cư. Cuối cùng,
Liên Hiệp Quốc phải can
thiệp để chấm dứt nội
chiến bằng cách công
nhận một nước Đông Timor
(Công Giáo) độc lập kể
từ tháng 8-1999.
MÃ LAI - Đạo Hồi
xâm nhập Mã Lai từ cuối
thế kỷ 7, tuy nhiên chỉ
có một số ít dân theo
đạo này mà thôi. Mã Lai
bắt đầu được cả thế giới
chú ý khi hải cảng
Malacca tự ý biến thành
"Hải cảng tự do" vào năm
1400. Năm 1413, ông
hoàng Paramesvara cai
trị Malacca theo đạo Hồi
khiến cho nhiều dân Mã
Lai cũng bắt chước theo
đạo Hồi rất đông. Năm
1511, Bồ Đào Nha dùng
sức mạnh quân sự chiếm
Malacca và cai trị vùng
này đến đầu thế kỷ 17.
Sau hơn một thế kỷ lệ
thuộc Bồ Đào Nha, nhiều
người Mã Lai đã theo đạo
Công Giáo nhưng đại đa
số vẫn giữ đạo Hồi. Dân
số Mã Lai hiện nay là 18
triệu, 50% theo Hồi
Giáo, số còn lại là Ấn
Giáo, Công Giáo và Phật
Giáo. Từ lúc được độc
lập đến nay, Mã Lai luôn
luôn được lãnh đạo bởi
các chính quyền Hồi
Giáo.
PHILIPPINES
-
Dân số Philippines xấp
xỉ với Việt Nam tức vào
khoảng gần 80 triệu
người, 85% Công Giáo. Số
dân theo đạo Hồi là 7
triệu, qui tụ tại đảo
Mindanao, Sulu và
Basilan với khoảng 3000
đền thờ. Hồi Giáo
Philippines có 2 trường
đại học riêng với 9000
sinh viên. Dân Công Giáo
Phi xử dụng ngôn ngữ
Tagalog là chính, trong
khi đó 7 triệu người Hồi
Giáo Phi xử dụng ngôn
ngữ Maranao.
Đạo Hồi
đã được du nhập vào
Philippines do một hoàn
cảnh đặc biệt của lịch
sử. Đó là biến cố quân
Mông Cổ đánh chiếm thủ
đô Baghdad của Iraq vào
năm 1258. Nhiều học giả
Hồi Giáo Iraq đã dùng
thuyền chạy trốn và cuối
cùng họ đã lưu lạc đến
các đảo phía Nam
Philippines. Họ giảng
đạo cho dân các đảo này
và đã được dân đảo tôn
trọng như các vị thánh.
Sau khi chết, các vị
thánh Hồi Giáo đã được
dân địa phương mai táng
và xây cất những ngôi mộ
rất đẹp. Họ biến những
ngôi mộ này thành những
địa điểm hành hương cho
khách thập phương đến
kính viếng. Một trong
những ngôi mộ nổi tiếng
nhất hiện nay là mộ của
Makhdum Karim trên đảo
Sulu. Ông là người Iraq
đầu tiên đến giảng đạo
Hồi tại Philippines vào
giữa thế kỷ 13.
Sau 3 thế
kỷ đạo Hồi tồn tại và
phát triển trên quần đảo
Philippines thì quần đảo
này bị Tây Ban Nha chiếm
vào thế kỷ 16. Vua Tây
Ban Nha lúc đó là Philip
rất sùng đạo Công Giáo
đã ra lệnh cho quân đội
dùng bạo lực cưỡng ép
dân Phi theo đạo Công
Giáo. Chính quyền
thuộc địa Tây Ban Nha đã
đặt tên cho quần đảo này
là Philippines, ngụ ý
quần đảo thuộc quyền cai
trị của vua Philip.
Năm 1896,
hải quân Mỹ đánh chiếm
Philippines từ tay Tây
Ban Nha. Tổng Thống Mỹ
lúc đó là Mc Kinley rất
sùng đạo Tin Lành đã áp
dụng chính sách vừa dụ
dỗ vừa cưỡng ép người
Hồi Giáo Phi cải đạo
sang Tin Lành. Người Hồi
Giáo ở Sulu phát động
cuộc chiến tranh chống
Mỹ kéo dài 18 năm
(1896-1914) gây nhiều
tổn thất cho Mỹ. Chính
quyền Mỹ thay đổi chính
sách bằng cách di dân
Công Giáo từ khắp nơi
trong nước đến định cư
tại các đảo miền Nam từ
năm 1915 đến 1939 (24
năm liền) nhằm tạo các
vùng xôi đậu để phá vỡ
tính đồng nhất của các
cộng đồng Hồi Giáo.
Bắt đầu
từ 1968, người Hồi Giáo
tại miền Nam Philippines
tổ chức các cuộc khủng
bố dân Công Giáo. Năm
1973, dân tộc lớn nhất ở
miền Nam là Moro thành
lập "Mặt Trận Dân Tộc
Giải Phóng Moro" (The
Moro Liberation National
Front). Nhiều nước Hồi
Giáo trên khắp thế giới
tích cực ủng hộ và tài
trợ cho Mặt Trận này.
Ngoài ra,một số các tổ
chức khủng bố Hồi Giáo
khác cũng được thành lập
như tổ chức Abu Sayyab
từ 1990. (Tổ chức này
thực hiện một cuộc bắt
cóc 19 người ngoại quốc
rất táo bạo tại đảo Jolo
ngày 23-4-2000 làm chấn
động dư luận thế giới).
Dưới
chính quyền của Tổng
Thống Marcos trong thập
niên 1970, cuộc nội
chiến giữa dân Công Giáo
và Hồi Giáo tại đảo
Mindanao đã làm thiệt
mạng 120.000 người. Sau
đó, chính quyền Aquino
đã phải ký kết với người
Hồi Giáo Mindanao một
hiệp định công nhận "qui
chế tự trị". Từ 1986,
những người Hồi Giáo cực
đoan không hài lòng với
qui chế tự trị này đã tự
động thành lập một lực
lượng võ trang chống
chính phủ với 40.000 tay
súng. Bọn người này hiện
đang tiếp tục chống
chính phủ và gây kinh
hoàng cho dân chúng tại
Mindanao. Các ký giả Tây
phương gọi vùng này là
"Bosnia của Á Châu"!
ẤN ĐỘ - Trước năm
1947, Ấn Độ là một lãnh
thổ rất rộng lớn, thường
được gọi là Tiểu Lục Địa
Ấn Độ (The Subcontinent
of India) vì nó bao gồm
cả nước Ấn Độ, Pakistan,
Bangladesh và Sri Lanka.
Tổng số tín đồ Hồi Giáo
trên tiểu lục địa này là
250 triệu người.
Đạo Hồi
đã đến với tiểu lục địa
Ấn Độ lần đầu tiên vào
năm 711, khi quân Hồi
Giáo Ả Rập đánh chiếm
tỉnh Sind, nay là
Pakistan. Đến thế kỷ 11,
toàn miền Bắc Ấn theo
đạo Hồi, trong đó có
tỉnh Ghaznawid, nay là
nước Afganistan. Vào năm
1206, Thổ Nhĩ Kỳ cai trị
Ấn Độ đã biến nước này
thành "Quốc Gia Hồi Giáo
Ấn Độ" (Muslim State of
India) đặt thủ đô tại La
Hore.
Năm 1555,
Hoàng Đế Humayun của đế
quốc Mông Cổ Hồi Giáo
(Mughuls) chiếm toàn thể
lãnh thổ Ấn Độ và cai
trị xứ này từ đó đến năm
1858 thì bị đế quốc Anh
thay thế (303 năm).
Trong 3 thế kỷ dưới sự
thống trị của đế quốc
Mughuls, nhiều người Ấn
Độ đã bỏ đạo Hindu theo
Hồi Giáo.
Từ đầu
năm 1946, tại khắp nước
Ấn Độ bỗng nhiên xảy ra
nhiều vụ xung đột đẫm
máu giữa Hồi Giáo và Ấn
Giáo. Ngày 14-8-1947,
người Anh trao trả độc
lập cho Ấn Độ nhưng tách
tỉnh Sind có đại đa số
dân theo Hồi Giáo thành
một nước riêng gọi là
Pakistan. Theo tiếng địa
phương, Pakistan có
nghĩa là "Đất của người
Hồi" (Land of Muslims).
Người Hoa gọi Pakistan
là Hồi Quốc. Hồi Quốc có
hai phần là Đông Hồi và
Tây Hồi.
Sau khi
tiểu lục địa Ấn Độ chia
ra thành hai nước theo
tôn giáo, những cuộc di
cư vĩ đại đã xảy ra:
Những người Hồi Giáo từ
các vùng thuộc Ấn Giáo
di cư đến Pakistan.
Ngược lại, những người
Ấn Giáo tại Pakistan di
cư về Ấn Độ. Tuy nhiên,
có nhiều người đã không
di cư và đành phải ở lại
với những người khác tôn
giáo. Riêng tại vùng
thung lũng sông Hằng
(The Ganges Valley) còn
ở lại 40 triệu người Hồi
Giáo. Những tỉnh có đông
dân theo đạo Hồi như
Kashmire, Jammu, Punjale
và Bengal lại được người
Anh chia cho Ấn Độ kiểm
soát. Tổng số người Hồi
tại các tỉnh này lên tới
20 triệu. Từ 1948 đến
nay, tại những vùng xôi
đậu này thường xuyên xảy
ra những vụ xung đột đẫm
máu giữa những người anh
em cùng một chủng tộc
nhưng khác tôn giáo.
Trên toàn lãnh thổ Ấn Độ
có 12% dân số theo đạo
Hồi.
Nói
chung, Hồi Giáo đã đến
với Nam Dương, Mã Lai và
Philippines qua sự
truyền giáo của các đoàn
thương gia Ả Rập, tương
đối có truyền thống ôn
hòa. Ngược lại, Hồi Giáo
đã đến với tiểu lục địa
Ấn Độ "bằng các dấu chân
của những đoàn quân xâm
lược" (by the stamps of
the invaders): Đoàn kỵ
binh Ả Rập từ phía Tây
đánh qua quân Thổ Nhĩ Kỳ
từ các nước Trung Á kéo
tới và quân Ba Tư từ
phía Tây Bắc kéo sang.
Đặc tính hiếu chiến hiếu
sát của những đoàn quân
xâm lược Hồi Giáo đã một
phần nào tạo nên xu
hướng bạo động của các
tín đồ Hồi Giáo tại vùng
Bắc Ấn. Đại đa số giai
cấp tiện dân Ấn Độ bất
mãn với chế độ phân chia
giai cấp rất dã man của
Ấn Giáo nên đã đi theo
đạo Hồi. Trong khi đa số
dân Ấn Độ suy dinh dưỡng
nhưng vì mê tín nên đã
thờ bò và không dám ăn
thịt bò. Ngược lại,
những người Hồi Giáo
kiêng ăn thịt heo nhưng
lại thích giết bò để ăn
thịt! Tất cả những mâu
thuẫn trên đã gây ra,
những cảnh nồi da xáo
thịt thê thảm giữa những
người Ấn theo đạo Hindu
và đạo Hồi. Các cuộc
chiến tranh tôn giáo đã
diễn ra trên nửa thế kỷ
và vẫn còn tiếp diễn.
Hiện nay, Ấn Độ và Hồi
Quốc đã sẵn sàng tiêu
diệt lẫn nhau bằng vũ
khí nguyên tử vào bất cứ
lúc nào!
PAKISTAN (Hồi Quốc)
- Như ta đã biết,
Pakistan đã tách ra từ
Ấn Độ năm 1947. Ngay từ
khi mới tách rời đến
nay, hai nước Ấn và Hồi
luôn luôn có chiến tranh
với nhau về tôn giáo và
tranh chấp biên giới.
Năm 1971, Đông Hồi tách
ra khỏi Tây Hồi để thành
lập nước riêng là
Bangladesh, thủ đô đặt
tại Dacca, dân số khoảng
100 triệu.
Hiện ở
Pakistan có 14% dân số
theo đạo Hindu. Trên
phương diện chính trị,
Pakistan không phải là
một "quốc gia Hồi Giáo"
(A Muslim State) nhưng
Hiến Pháp năm 1973 của
Pakistan có điều khoản
qui định: "Không một
điều luật nào của
Pakistan trái ngược với
kinh Koran và Luật Hồi
Giáo Shariah".
Năm 1974,
thủ tướng Bhutto muốn
đưa Pakistan ra khỏi ảnh
hưởng đạo Hồi đã tuyên
bố: "Pakistan là một
thực thể Phi-Hồi-Giáo"
(Pakistan is a
Non-Muslim entity). Tuy
nhiên, quốc hội Pakistan
bị ảnh hưởng Hồi Giáo
nặng nề vẫn duy trì việc
áp dụng luật Shariah
trên toàn quốc.
Từ 1980
đến nay, những người Hồi
Giáo cực đoan đã tự ý
vượt biên giới sang Ấn
Độ hoạt động khủng bố.
Chính phủ Ấn đã phải đối
phó lại bằng cách ra
lệnh cho binh sĩ và cảnh
sát Ấn có quyền bắn chết
quân khủng bố tại chỗ mà
không cần phải đưa ra
tòa xét xử. Theo thông
cáo chính thức của chính
phủ Ấn thì từ 1990 đến
2000 (10 năm) chính
quyền Ấn đã bắn chết tại
chỗ 28.000 quân khủng bố
Hồi Giáo Pakistan. Giới
báo chí Tây Phương cho
rằng con số thực tế phải
cao hơn gấp nhiều lần!
TRUNG QUỐC
-
Chính phủ Bắc Kinh chính
thức công bố con số tín
đồ Hồi Giáo trên toàn
lãnh thổ Trung Quốc hiện
nay là 60 triệu. Con số
đưa ra có vẻ lớn lao
nhưng thực sự chỉ là một
tỷ lệ nhỏ nhoi (0,5%)
so với dân số toàn quốc
(Theo Ceasar Ferrah
trong tác phẩm Islam,
6th edition 2000, trang
283).
Sử sách
Trung Quốc có ghi: Vào
năm 651, vua Hồi Giáo
Uthman đã cử đặc sứ đến
yết kiến hoàng đế Trung
Hoa đời nhà Đường, dâng
lên hoàng đế nhiều cống
vật quí hiếm của xứ Ả
Rập để thiết lập mối
giao hữu giữa hai nước.
Ít lâu sau, nhiều thương
gia Hồi Giáo Ả Rập và Ba
Tư đã đến buôn bán và
định cư tại Trường An
(Changan) Quảng Châu
(Guangzhou) và Hàng Châu
(Hangchow). Từ cuối thế
kỷ 8, người Trung Quốc
đã đọc sách chữ Hán viết
về Hồi Giáo. Đó là sách
của Du-Huan, một người
Trung Quốc đã sống 12
năm tại các nước Ả Rập
Hồi Giáo (751-762). Sau
khi trở về Trung Quốc,
ông đã viết sách giới
thiệu Hồi Giáo và đời
sống các nước Ả Rập.
Trong thế kỷ 9, các sách
niên giám ghi nhận sự
kiện tại triều đình
Trung Quốc có tới 37
phái đoàn các nước Hồi
Giáo đến triều yết hoàng
đế Trung Quốc.
Học giả
Chan Yuan viết sách Tạp
Ghi về Hồi Giáo Trung
Quốc (Records of Chinese
Islam) cho biết: Thành
phần Hồi Giáo quan trọng
nhất tại Trung Quốc là
những người Trung Á.
Dưới đời nhà Nguyên
(1271-1368) nhiều người
trí thức Hồi Giáo Trung
Á đã được triều đình nhà
Minh trao cho nhiều chức
vụ quan trọng đặc trách
về y khoa, thiên văn,
văn chương và nhất là về
kỹ thuật quân sự. Đến
đời nhà Minh (1368-1644)
nhiều nhân tài Hồi Giáo
vẫn tiếp tục được trọng
dụng. Nhiều học giả Hồi
Giáo viết sách chữ Hán
quảng bá đạo Hồi như
Wang Dai Yu viết sách
"Đại Học Hồi Giáo" (The
Islamic Great Learning)
phỏng theo sách Đại Học
của Khổng Giáo. Cuối đời
Tống, học giả Lin Zhi
viết sách "Triết Học Hồi
Giáo về bản chất con
người và lý trí" (The
Islamic Philosophy of
Human Nature and
Reason).
Các người
Hồi Giáo tại Trung Quốc
đều tự xưng là HUI nên
người Trung Quốc gọi họ
là "Người Hồi" (HUI
people) và gọi đạo Hồi
là HUI-JAO (Hồi Giáo).
Vào năm
1862, lần đầu tiên kinh
Koran được dịch sang chữ
Hán. Năm 1927, trọn bộ
kinh Koran bằng tiếng
Nhật được dịch sang chữ
Hán và in tại Bắc Kinh
với phần phụ đề bằng
tiếng Anh là The Kelan
(The Koran).
Hiện nay,
tại các thành phố lớn
của Trung Hoa lục địa
đều có nhiều người Hồi
gốc Trung Á sinh sống
bằng các nghề chuyên môn
với trình độ kỹ thuật
cao. Bắc Kinh có
200.000, Thiên Tân
150.000, Thượng Hải
50.000... Họ chuyên làm
các đồ bằng da, len sợi,
nữ trang, đóng hộp thịt
bò, sản xuất mì sợi và
nhất là kỹ nghệ nhà hàng
(restaurant).
Về phương
diện chính trị, từ thế
kỷ 19 đến nay, những
người Hồi Giáo tại Tân
Cương và Vân Nam đã
nhiều lần nổi lên chống
chính quyền Trung Quốc
để đòi thành lập quốc
gia tự trị. Đối với họ,
vùng đất họ cư ngụ là
lãnh thổ riêng của họ
chứ không thuộc Trung
Quốc vì tổ tiên của họ
là những người Trung Á
(Caucasus, Tajikistan,
Kazakhstan, Uzebekistan
và Afganistan) đã đến
đây lập nghiệp và định
cư từ nhiều ngàn năm
trước khi bị người Trung
Quốc xâm chiếm. Mới đây
các nhà khảo cổ Nga đã
đào được rất nhiều xác
ướp tại sa mạc
Taklimakan thuộc tỉnh
Tân Cương. Các cuộc giảo
nghiệm đã xác nhận những
xác ướp này là xác những
người Caucasus đã sinh
sống tại Tân Cương từ
4000 năm trước! (tức
khoảng 2000 năm trước
Công Nguyên). Như vậy,
đất Tân Cương là phần
đất của giống dân Trung
Á xưa kia và đã bị Trung
Quốc xâm lấn sau đó.
VIỆT NAM
- Theo
giáo sư Ceasar Ferrah
thuộc đại học Minnesota,
tác giả cuốn ISLAM, 6th
edition 2000, Barron's
(trang 275-276) thì hiện
nay Việt Nam có 55.000
tín đồ Hồi Giáo, 2/3 là
người Chà Và (Javanese,
gốc Nam Dương) và gốc
Chiêm Thành
(Chàm/Champa), 1/3 còn
lại là người Việt gốc
Miên.
Riêng tại
hai tỉnh Ninh Thuận và
Bình Thuận có 70.000
người Chiêm Thành, chia
ra 50.000 theo Ấn Giáo
(Hindu) và 20.000 theo
Hồi Giáo. Số người Chà
Và tại đồng bằng sông
Cửu Long là 25.000 người
đều có tổ tiên tại Nam
Dương đã theo đạo Hồi
nhiều thế kỷ trước khi
di cư qua VN. Tại Sài
Gòn có 10.000 người theo
Hồi Giáo thuộc nhiều
chủng tộc. Sau 1975, có
1750 người Hồi Giáo xin
di cư qua Yemen và 2000
người xin qua Mã Lai.
Các du
khách Hồi Giáo đến Việt
Nam nhận thấy Hồi Giáo
Việt Nam đã mất đi tính
cách chính thống vì đã
bị lai tạp với Phật Giáo
và Ấn Độ Giáo rất nhiều.
Tại nhiều nhà thờ Hồi
Giáo có vẽ rồng phượng
và hoa sen. Quan niệm về
Allah rất mờ nhạt, có
nơi tín đồ Hồi Giáo đọc
kinh khấn vái Ali (con
rễ của Muhammad) và gọi
Ali là "Con Thiên Chúa"
(Son of God) là điều đạo
Hồi cấm kỵ. Người Hồi
Giáo Việt Nam thường
không ăn chay trọn tháng
Ramadan mà chỉ ăn chay 3
ngày mà thôi, sau đó họ
bày ra tiệc tùng linh
đình tại nhà thờ và mời
bạn bè theo các đạo khác
đến ăn cho vui.
Từ trước
đến nay đạo Hồi không bị
kỳ thị tại Việt Nam
nhưng đối với Hồi Giáo
thế giới thì Hồi Giáo
Việt Nam giống như một
ốc đảo cô đơn. Họ cách
ly với thế giới bên
ngoài do trở ngại về
ngôn ngữ và hầu như
không có ai biết tiếng Ả
Rập để học hỏi trực tiếp
về giáo lý đạo Hồi.
Vả lại,
tỷ số Hồi Giáo chưa tơí
1/1000 trên tổng số dân
Việt Nam. So sánh với
các nước Á Châu khác,
cộng đồng Hồi Giáo Việt
Nam rất nhỏ bé và không
có một ảnh hưởng chính
trị nào.
Hồi Giáo tại các nước Á
Châu khác:
Quốc Gia
Dân số
Số tín đồ Hồi Giáo
Nhật Bản
130
triệu
100.000
Taiwan
20
triệu
80.000
Campuchia
5 triệu
350.000
Thái Lan
55
triệu
6.000.000
Singapore
3 triệu
500.000
Riêng tại tỉnh
Kampong Cham thuộc
Kampuchia có 300.000
người Hồi Giáo gốc Chàm.
Tổ tiên họ là những
người Hồi Giáo Chiêm
Thành đã di cư sang
Kampuchia trong thế kỷ
11 sau cuộc chiến tranh
"Bình Chiêm" của các vua
đời Lý của Việt Nam.
Charlie Nguyễn
Các chương khác
trong sách:
Các Mô Hình Sinh Hoạt trong Thế Giới Hồi Giáo Cái Nôi của Đạo Hồi Hồi Giáo Tại Trung Đông Hồi Giáo Tại Á Châu Hồi Giáo Tại Âu Châu và Mỹ Châu Hồi Giáo và Chủ Nghĩa Khủng Bố Năm Nghĩa Vụ Tín Đồ Hồi Giáo Sáu Trụ Cột của Đức Tin Hồi Giáo Sự Bành Trướng của Đạo hồi Sự Bành Trướng của Đạo hồi Sự Nghiệp Muhammad tại Medina Thân Phận Phụ Nữ Hồi Giáo Thân Thế Muhammad tại Mecca Tìm Hiểu Kinh Koran Tệ Nạn Phân Hóa Trong Nội Bộ Hồi Giáo
|