Vì Lễ Rước Đuốc Olympic 2008 Thư gởi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Lê Trung Thành | ||
Thư gởi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Người gởi: Lê Trung Thành -Công dân Việt Nam -Hiện đang là sinh viên ngành kiến trúc tại Đài Bắc , Đài Loan
Kính thưa ngài thủ tướng. Ngày 29/4 này, lễ rước đuốc Olympic 2008 sẽ diễn ra tại TpHCM. Nhân cơ hội này, tôi viết thư cho ngài để mong muốn tổ chức thành công cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Hoàng Sa –Trường Sa nhân dịp ngọn lửa thiêng thế vận hội đến Việt Nam. Thiết nghĩ đó cũng là mong muốn của tất cả những người dân Việt Nam còn tha thiết đến lãnh thổ của quốc gia trước mưu đồ xâm lăng của Trung Quốc. Tôi tin tưởng rằng ngài cũng cùng chung quan điểm là nếu chúng ta tổ chức thành công cuộc biểu tình trong không khí ôn hòa, bất bạo động thì cũng đồng nghĩa với việc tổ chức thành công lễ rước đuốc Olympic. Đó là lý do tôi viết lá thư này để đệ trình lên ngài. Cũng với cùng mục đích đấy, hôm 19/04, khi ngọn đuốc Olympic đến thủ đô Bangkok – Thái Lan, tôi là người đã mang thông điệp “Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam” đến với truyền thông quốc tế và tố cáo hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt nam của Trung Quốc. Thông điệp của tôi đã gây nhiều chú ý với các hãng truyền thông và bạn bè quốc tế có mặt tại hiện trường ngày hôm đó với tất cả thiện cảm dành cho đất nước chúng ta. Đây là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn cũng là một kinh nghiệm tốt cho tôi và tất cả bạn bè của tôi để có cung cách hành xử xứng đáng trong ngày 29/04 này tại TpHCM.
Nay tôi xin có đôi lời như sau:
1. Chính quyền và cảnh Sát Thái Lan đã để lại một ấn tượng thật tốt đẹp cho tất cả mọi người khi họ đã dành cho đoàn người biểu tình một vị trí rất đặc biệt trước trụ sở liên hợp quốc, và nhẹ nhàng đề nghị đoàn người biểu tình tránh các hành vi quá khích. Người ủng hộ và người phản đối có những cách biểu lộ cảm xúc riêng của mình trong vòng trật tự và cảnh sát đã hoàn thành nhiệm vụ là giữ gìn an ninh trật tự . 2. Thiết nghĩ, tôi và ngài, chúng ta đều là công dân Việt Nam nên đều có trách nhiệm bảo vệ và trung thành với Tổ quốc. Điều này đã được quy định rõ trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 (các điều 8, 9, 31, 69, 76). Trong vấn đề “Hoàng Sa và Trường Sa” chúng ta đều có nghĩa vụ phải lên tiếng phản đối, vì nếu chúng ta im lặng tức là đồng ý mất Hoàng Sa Trường Sa. Nhưng nếu vì lý do ngoại giao, Nhà nước Việt Nam nên giúp đỡ các công dân Việt Nam muốn biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc có thể thực hiện quyền và bổn phận của họ đối với Tổ quốc một cách hợp hiến và hợp pháp. 3. Vào lúc 11 giờ sáng ngày 29 tháng 4 năm 2008 chúng tôi, những người mang trái tim Việt Nam, sẽ tập hợp trước nhà hát thành phố, mang theo băng rôn biểu ngữ để phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa trên tinh thần ôn hòa, bất bạo động. Về phía chính quyền, tôi đề nghị ngài thủ tướng yêu cầu các lực lượng an ninh, cảnh sát có nhiệm vụ phải bảo đảm trật tự và an toàn cho đoàn người biểu tình. 4. Tôi cũng đã thông tin cho giới báo chí và truyền thông quốc tế vào ngày hôm ấy sẽ đến quan sát và ghi lại những hình ảnh để cả thế giới sẽ nhìn về chúng ta với tất cả thiện cảm. Đó là những công dân Việt Nam thực hiện quyền yêu Tổ quốc biểu tình ôn hòa để phản đối âm mưu dùng Thế Vận Hội để thôn tính lãnh thổ Việt Nam Đó cũng là thái độ của lực lượng cảnh sát, công an Việt Nam nghiêm chỉnh trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự công cộng cho cả ngọn đuốc Olympic 2008 lẫn những người biểu tình phản đối thế lực âm mưu chính trị hóa tinh thần thể thao Thế Vận Hội. Là người Việt Nam, chúng ta chưa bao giờ khiếp sợ trước quân xâm lược phương Bắc. Tôi xin mời ngài hãy đọc lại những trang sử hào hùng của dân tộc để có thêm dũng khí khi đối mặt với những quyết định khó khăn :
Bình Ngô đại cáo Từng nghe: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, Quân điếu phạt trước lo trừ bạo; Như nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn hiến đã lâu, Núi sông bờ cỏi đã chia, Phong tục Bắc Nam cũng khác; Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương; Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, Song hào kiệt thời nào cũng có. Cho nên: Lưu Cung tham công nên thất bại; Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong; Cửa Hàm tử bắt sống Toa Đô Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã Việc xưa xem xét, chứng cứ còn ghi. … Ta đây: Núi Lam sơn dấy nghĩa Chốn hoang dã nương mình Ngẫm thù lớn há đội trời chung Căm giặc nước thề không cùng sống … Trọn hay: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân để thay cường bạo. Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật, Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay. Sĩ khí đã hăng Quân thanh càng mạnh. Trần Trí, Sơn Thọ nghe hơi mà mất vía, Lý An, Phương Chính, nín thở cầu thoát thân. Thừa thắng đuổi dài, Tây Kinh quân ta chiếm lại, Tuyển binh tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về. Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh trôi vạn dặm Tuỵ Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm. Phúc tâm quân giặc: Trần Hiệp đã phải bêu đầu Mọt gian kẻ thù: Lý Lượng cũng đành bỏ mạng. Vương Thông gỡ thế nguy, mà đám lửa cháy lại càng cháy Mã Anh cứu trận đánh mà quân ta hăng lại càng hăng. … Bởi thế: Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng Đồ nhút nhát Thạnh, Thăng đem dầu chữa cháy Đinh mùi tháng chín, Liễu Thăng đem binh từ Khâu Ôn kéo lại Năm ấy tháng mười, Mộc Thạnh chia đường từ Vân Nam tiến sang. Ta trước đã điều binh thủ hiểm, chặt mũi tiên phong Sau lại sai tướng chẹn đường, tuyệt nguồn lương thực Ngày mười tháng tám, trận Chi Lăng Liễu Thăng thất thế Ngày hai mươi, trận Mã Yên Liễu Thăng cụt đầu Ngày hăm lăm, bá tước Lương Minh đại bại tử vong Ngày hăm tám, thượng thư Lý Khánh cùng kế tự vẫn … Gươm mài đá, đá núi cũng mòn Voi uống nước, nước sông phải cạn. Đánh một trận, sạch không kình ngạc Đánh hai trận tan tác chim muông. Cơn gió to trút sạch lá khô, Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ. Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội, Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng. Lạng Giang, Lạng Sơn, thây chất đầy đường Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước Ghê gớm thay! Sắc phong vân phải đổi, Thảm đạm thay! Ánh nhật nguyệt phải mờ Bị ta chặn ở Lê Hoa, quân Vân Nam nghi ngờ khiếp vía mà vỡ mật! Nghe Thăng thua ở Cần Trạm, quân Mộc Thạnh xéo lên nhau chạy để thoát thân. Suối Lãnh Câu, máu chảy thành sông, nước sông nghẹn ngào tiếng khóc Thành Đan Xá, thây chất thành núi, cỏ nội đầm đìa máu đen. Cứu binh hai đạo tan tành, quay gót chẳng kịp, Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc, Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run. … Thưa ngài thủ tướng, lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước cha ông ta chưa bao giờ khiếp sợ trước quân xâm lược phương bắc. Ngày nay, tôi cũng tin rằng tất cả mọi người Việt Nam, trong đó có ngài và tôi, đều mong muốn quyền và bổn phận công dân của người Việt Nam chưa bao giờ và sẽ không bao giờ nằm trong quyền quyết định của Trung Quốc Do đó, ngày 19/4 vừa qua tại Bangkok, mang trong mình khí thế đấu tranh cho đất nước, nhưng tôi thật sự thấy tủi nhục khi phải quỳ trên đất nước khác để đấu tranh cho Tổ quốc của mình.
Xin lưu ý thêm là khi lá thư này đến tay của ngài thì cũng là lúc nó đã được phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Chúng tôi, những người Việt Nam quan tâm đến vận nước đang chờ mong phúc đáp của ngài. Cuối cùng tôi xin gởi đến ngài lời chúc sức khỏe và tinh thần minh mẫn để luôn sáng suốt trên con đường lãnh đạo bảo vệ và xây dựng Tổ quốc .
Trân trọng .
Ký tên : Lê Trung Thành nguồn: http://blog.360.yahoo.com/blog-KMd8BGwhaa8mtAF4pgc8Gaj7LfT3vm0Y?p=2051
Các bài liên lệ đến đảo Trường Sa - Hoàng Sa: "Cuộc chiến" không cân sức giữa giới học giả VN và TQ (Đoan Trang) |
|