Tây Sa và Nam Sa trong sử liệu Trung Quốc

Phạm Hoàng Quân

http://sachhiem.net/THOISU_CT/ChuP/PhamHoangQuan.php

23 tháng 1, 2008

Quốc vụ Viện Trung Quốc vừa phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa (thuộc tỉnh Hải Nam) trực tiếp quản lý ba quần đảo trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam” (báo Tuổi trẻ ra ngày thứ Ba - 4-12-2007). 

Theo như tên gọi này – Tam Sa – thì thành phố mới của Hải Nam còn có thêm tên của quần đảo Trung Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc. 

Sự thiết lập cơ quan quản lý hành chính đối với các quần đảo – thuộc chủ quyền hoặc không thuộc chủ quyền của mình – của Chính phủ CHND Trung Hoa vốn bắt đầu từ năm 1959, “năm 1959 thiết lập “Tây – Nam - Trung Sa Quần đảo Biện sự Xứ”, thuộc sự quản lý của khu hành chính Hải Nam. Đến năm 1969, cơ quan này đổi tên là “Tây Sa - Trung Sa - Nam Sa Quần đảo Cách mạng Uỷ viên Hội”, trực thuộc tỉnh Quảng Đông. Đến năm 1988, khi thành lập tỉnh Hải Nam, hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc sự quản lý của tỉnh này” (Tô Độc Sử - Sở Nghiên cứu học thuật quân sự hải quân – Quý san Trung Quốc biên cương sử địa nghiên cứu. 1-1992. Trung Quốc Xã hội Khoa học Viện – ISSN 1002 - 6800). 

Nguyên nhân dẫn đến việc thiết lập các cơ quan quản lý các quần đảo Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc (vốn là Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) bắt nguồn từ việc sử dụng các nguồn sử liệu rất mơ hồ để làm nền tảng, cố tình làm sai lệch ý nghĩa của nội dung ban đầu, phần lớn trách nhiệm này thuộc về một số học giả và chuyên gia nghiên cứu hiện đại Trung Quốc. Trên tinh thần nghiên cứu sử học, chúng tôi thấy rằng các vị này đã làm mất giá trị truyền thống vốn coi trọng sự thật của nền sử học Trung Hoa, ngay tại xứ sở của Tư Mã Thiên, của Lương Khải Siêu… 

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ dựa vào thư tịch cổ hoặc sách, tạp chí hiện đại của Trung Quốc để nêu vài nghi vấn của riêng mình, và nếu có điều kiện xin được thảo luận rộng rãi hơn. 

Tài liệu lịch sử: không chính thống 

Điều dễ nhận thấy là, những sử liệu mà các học giả Trung Quốc như Tề Tân (1974 – Thất thập niên đại nguyệt san), Tô Độc Sử (1992 – Trung Quốc biên cương sử địa nghiên cứu quý san) dựa vào để chứng minh và đi đến kết luận về chủ quyền trên hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa đều là các nguồn tài liệu không phải chính sử, hoặc nếu có rải rác đôi câu thì chúng lại nằm ở phần truyện các nhân vật, như trong Nguyên sử, ở truyện Sử Bật (tuy nhiên chi tiết về quần đảo Tây Sa bị hiểu nhầm sang quần đảo Trung Sa). Lẽ ra, các ghi chép để xác định chủ quyền phải nằm ở các mục Địa lý chí (hoặc tương đương) trong các bộ chính sử. Điều chúng tôi lưu ý là, Trung Quốc vốn là nơi có truyền thống sử học lâu đời, các biên chép về lịch sử, địa dư luôn liên tục, nhưng trong Nhị thập tứ sử (bộ chính sử được tất cả các triều đại Trung Quốc thừa nhận) tức từ Sử ký ghi chép từ Thượng cổ đến Tần, Hán, cho đến Minh sử; và Thanh sử cảo soạn thời Dân Quốc, ở các mục Địa lý chí đều không đề cập đến các hòn đảo ở xa hơn đất Nhai Châu, Quỳnh Châu, tức Hải Nam ngày nay. Trong khi ở Việt Nam, mặc dù sử liệu có muộn hơn nhưng hầu hết đều nằm trong các bộ sử chính thống do Quốc sử Quán nhận chỉ dụ từ Triều đình tổ chức biên soạn, như Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục… 

http://www.talawas.org/talaDB/pics/lichsu111207_1.jpg

Hình 1: Một trang Quỳnh Châu phủ chí (1774), [Hải Nam lữ Đài xuất bản xã, 1957]

Mặt khác, xem trong Quỳnh Châu phủ chí (tức tương đương Hải Nam tỉnh chí ngày nay) (xem hình 1) do Quận thú Tiêu Khánh Thực tổ chức biên soạn vào năm Càn Long thứ 39 (1774), trong quyển 3, phần Dư địa chí, mục Cương vực, thấy chép: “… nam tắc Chiêm Thành; tây tắc Chân Lạp, Giao Chỉ; đông tắc Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường; bắc tiếp Lôi Châu phủ Từ Văn huyện” (nam là Chiêm Thành; tây là Chân Lạp, Giao Chỉ; đông là Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường; bắc giáp huyện Từ Văn phủ Lôi Châu). Đoạn văn hành chính về tứ cận này cho thấy rằng, Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường (tức Tây Sa và Nam Sa theo cách nghĩ và gọi của Trung Quốc ngày nay) còn là một nơi chưa rõ chủ quyền và ngoài lãnh hải Trung Quốc mà lại nằm ở hướng Đông của Hải Nam. Nên lưu ý rằng, ngoài Nhị thập tứ sử, thì các Thông chí của các tỉnh, phủ, huyện đều là những nguồn tài liệu chính thống và luôn có giá trị tối ưu trong việc trích dẫn và sử dụng đối với các vấn đề lịch sử (sử liệu từ Quỳnh Châu phủ chí này, tôi chưa thấy các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Việt Nam sử dụng). 

Hầu hết các chi tiết có liên quan đến tên gọi Tây Sa và Nam Sa ngày nay mà địa danh lịch sử được các nhà nghiên cứu Trung Quốc dẫn dụng và quy kết mơ hồ như Thất Châu Dương, Thất Lý Dương, Trướng Hải, Vạn Lý Trường Sa, Thiên lý Thạch Đường… đều được trích thải từ các sách mà ngay tên sách đã để lộ rõ ý rằng: Sách biên chép về các nước khác, như Giao Chỉ dị vật chí của Dương Phu (Đông Hán); Nam Châu dị vật chí của Vạn Chấn (Tam Quốc); Phù Nam truyện của Khang Thái (Tam Quốc); Chư Phiên chí của Triệu Nhữ Quát (Tống); Hải quốc đồ chí của Nguỵ Nguyên (Thanh)… Chúng tôi sẽ phân tích chi tiết các biên chép và mô tả ấy tường tận hơn vào một dịp khác. Nhìn chung, các tác giả của mấy sách kể trên chỉ ghi nhận sự hiện diện của các đảo do họ nhìn thấy hoặc nghe kể lại, chưa từng thấy họ cho rằng các đảo này thuộc chủ quyền của Trung Quốc, bởi trong những chuyến du hành hoặc công vụ họ biên chép là chép về các xứ sở khác, ngoài đất nước của họ. 

Địa dư, địa đồ: khẳng định Tây Sa, Nam Sa nằm ngoài Trung Quốc 

http://www.talawas.org/talaDB/pics/lichsu111207_2.jpg

Chức Phương tổng bộ đồ (địa đồ số 1)

http://www.talawas.org/talaDB/pics/lichsu111207_3.jpg

Quảng Đông cương vực đồ (địa đồ số 157)

http://www.talawas.org/talaDB/pics/lichsu111207_4.jpg

Quỳnh Châu phủ cương vực đồ (địa đồ số 167) [Địa đồ 2, 3, & 4 trích từ Cổ kim đồ thư tập thành – Địa đồ tập, Văn tinh thư điếm. Ảnh ấn bản 1954]

http://www.talawas.org/talaDB/pics/lichsu111207_5.jpg

Quảng Đông thông chí

Theo Cổ kim đồ thư tập thành, bộ bách khoa thư gồm một vạn quyển do Thanh triều tổ chức biên soạn, hoàn thành năm Khang Hi thứ 45 (1706), phầnChức phương điển (Sách điển chế về địa đồ các đơn vị hành chính) quyển thứ nhất, các địa đồ số 1 (xem H. 2), 157 (xem H. 3), 167 (xem H. 4) tứcChức Phương tổng bộ đồQuảng Đông cương vực đồ, Quỳnh Châu phủ cương vực đồ đều không thấy ghi nhận các quần đảo xa hơn Hải Nam ngày nay. Mặt khác, xem trong Quảng Đông lịch sử địa đồ tập (Quảng Đông tỉnh, Địa đồ xuất bản xã - 1995) khi trích in lại địa đồ từ sách Quảng Đông thông chí(xem H. 5) vẽ đời Minh Gia Tĩnh (1522 - 1566) thì phần hải đảo chỉ đến Quỳnh Châu (tức Hải Nam). Xin lưu ý rằng, bức địa đồ này được vẽ sau khi “Trịnh Hoà hạ Tây Dương” lần cuối cùng (1430) đến 100 năm. Trong 100 năm ấy, Minh triều không đủ thời gian và điều kiện để xác lập chủ quyền (dù chỉ trên bản đồ) đối với các nơi mà họ đã đầu tư thám hiểm ư? 

http://www.talawas.org/talaDB/pics/lichsu111207_6.jpg

Đông nam dương các quốc diên cách đồ trong sách Hải quốc đồ chí (1842)

Mặt khác nữa, bức địa đồ Đông nam dương các quốc diên cách đồ (Bản đồ về sự thay đổi địa giới của các nước ở biển đông nam, xem H. 6) trong sáchHải quốc đồ chí của Nguỵ Nguyên soạn/ vẽ năm 1842 thể hiện khá chi tiết hai quần đảo Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Đường, đương nhiên là ở hai bức địa đồ này, Nguỵ Nguyên mô tả hình thế các quốc gia khác ngoài Trung Quốc như tên bức địa đồ đã nêu rõ. 

Tóm lại, các địa đồ hành chính Trung Quốc từ thời Dân quốc trở về trước không hề có các quần đảo xa hơn Quỳnh Châu (Hải Nam). Vào thời nhà Thanh, các quan lại Trung Quốc dùng câu “hải giác thiên nhai” (chân trời góc biển) để chỉ trấn Tam Á, huyện Nhai tức là đất cực nam tỉnh Hải Nam ngày nay (theo Địa lý song khẩu – Đương Án xuất bản xã - 1988). Như vậy trong khái niệm của giới cầm quyền địa phương (Quỳnh Châu) và cả trên phương diện pháp lý, các quần đảo mà Trung Quốc nay xác lập chủ quyền thực sự chưa hề có một quá trình lịch sử như các nhà nghiên cứu Trung Quốc gần đây lập luận một cách gượng ép. 

Từ việc xử lý sử liệu một cách không trung thực và thiếu khoa học, dẫn đến sự không nhất quán về bối cảnh, thời gian và không gian mà các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã đưa chính phủ nước họ đến tình trạng đặt để tên gọi các quần đảo ở biển Đông rất không trật tự. Quan sát bản đồ Trung Quốc hiện nay, có thể đặt một câu hỏi rằng: các quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa được xác định dựa trên hệ quy chiếu nào so với lục địa? Nếu lấy Bắc Kinh làm trung tâm thì Tây Sa phải ở hướng Tân Cương, Tây Tạng hoặc Vân Nam. Nếu lấy tỉnh lỵ Quảng Châu tỉnh Quảng Đông làm trung tâm, thì cả Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa đều chỉ dọc về hướng nam, làm sao chính danh được? Còn như muốn lấy Trung Sa làm trung tâm đúng như tên gọi của nó, thì quần đảo Đông Sa phải gọi là Bắc Sa mới phải vì nó nằm ở hướng bắc so với Trung Sa. 

Tóm lại, về phương diện sử liệu, các học giả Trung Quốc ngày nay đã để lại quá nhiều tồn nghi do cố tình sử dụng sai phương pháp sử học hiện đại. Sử liệu địa dư, phương chí và địa đồ cổ trong kho tàng văn hiến Trung Quốc tính đến cuối đời Thanh chưa từng thể hiện sự xác nhận chủ quyền đối với các quần đảo trên biển Đông ngoài Hải Nam. Trong khi đó, từ đời nhà Lê của Việt Nam, địa đồ chính thống Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư thời Hồng Đức đã xác định sự hiện diện của quần đảo Hoàng Sa. Và Đại Nam nhất thống toàn đồ vẽ khoảng 1834 (thời Minh Mệnh) đã ghi nhận các quần đảo Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc Việt Nam. 

Khi các học giả Trung Quốc vẫn còn vòng vo trong việc đưa ra các luận cứ có tính thuyết phục về vấn đề chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Tây Sa và Nam Sa, việc vội vã lập thành phố Tam Sa nhằm quản lý các đảo này của Chính phủ Trung Quốc chỉ góp thêm một “sử liệu” sai lầm nữa cho các học giả về sau. 

© 2007 talawas

 

nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11697&rb=0302


Những bài về Trường Sa & Hoàng Sa đăng trong sachhiem.net:

http://sachhiem.net/LICHSU/H/HoangSa_list.php

 

Trang Thời Sự