|
13 tháng 11, 2010 |
Nguyên thủ của nhiều nước trong và ngoài khu vực đã đi qua dưới mái vòm "Sóng Biển Đông giữa lòng Hà Nội" để bàn các giải pháp để Biển Đông khỏi dậy sóng. Mặc dù, trong ba tháng trở lại đây, có những lúc "Biển Đông" đã "dậy sóng" ngay giữa lòng Hà Nội.
Khi Trung tâm Hội nghị quốc gia (National Convention Center - NCC),
một trong những trung tâm hội nghị hiện đại nhất Đông Nam Á, được khánh
thành để phục vụ Cấp cao APEC 2006, đã gây ra không ít dư luận trái
chiều, nhất là liên quan đến trung tâm hội nghị chính, được xây dựng
theo mẫu thiết kế mang tên "Lượn sóng Biển Đông" của kiến trúc sư người
Đức Meinhard Von Gerkar với mái lượn sóng từ đại sảnh lên cao đến phòng
họp chính.
Và cũng không hiểu ai là người đã nghĩ
ra cái tên gọi cho cái mái này là "Sóng Biển Đông giữa lòng Hà Nội", để
mọi người cứ quen miệng mà vô thức gọi theo.
4 năm sau, một số người mới để ý tới nội
hàm của cái tên này khi mà nguyên thủ của nhiều nước trong và ngoài khu
vực đã đi qua dưới cái mái vòm "Sóng Biển Đông giữa lòng Hà Nội" để bàn
các giải pháp để Biển Đông khỏi dậy sóng. Mặc dù, trong ba tháng trở lại
đây, có những lúc "Biển Đông" đã "dậy sóng" ngay giữa lòng Hà Nội.
|
Sóng
Biển Đông giữa lòng Hà Nội. |
Tiếng thơm cho Thủ tướng và chính phủ Việt Nam
Sau khi hoàn thành một cách ngoạn mục
chặng nước rút trong nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của mình, với 14 hội nghị
cấp cao được thực hiện trong không tới 60 giờ đồng hồ - một kỷ lục mới
trong biên niên sử ASEAN - Việt Nam đã nhận được khá nhiều sự ca ngợi từ
các nhà báo quốc tế.
Ký giả Kavi Chongkittavorn là một trong số đó.
Trong bài viết nhan đề "Vai trò lãnh đạo
ASEAN của Việt Nam để lại nhiều bài học cho mọi quốc gia",
đăng trên nhật báo The Nation số ra ngày 1.11.2010, ký giả này
đã viết: "Khép lại một năm trên cương vị chủ tịch ASEAN, Việt Nam
chắc hẳn phải lấy làm tự hào và nhìn lại với một sự hài lòng lớn, nếu
không nói là kinh ngạc, về tất cả những lời tán dương, và trạng thái
phấn khích mà quốc gia này đã tạo ra được."
Trong số 5 dẫn chứng mà Chongkittavorn
đưa ra để lý giải cho nhận xét của mình, có 2 dẫn chứng, trực tiếp hoặc
gián tiếp, liên quan đến vấn đề được chờ đợi là nóng nhất ở khu vực này
- tranh chấp Biển Đông.
Thứ nhất, sự công khai được lan truyền
rộng rãi của những quan điểm khác nhau liên quan đến Biển Đông trong ba
tháng trước Cấp cao ASEAN 17 đã khiến cho vị trí quốc tế của ASEAN và
Biển Đông trở nên nổi bật, cũng như tạo ra một bình đồ chiến lược mới
cho các tay chơi đa phương tham gia vào cuộc chơi có tên là "tự do và an
toàn hàng hải".
Thứ hai là, ngay sau những tranh luận
căng thẳng về Biển Đông, Việt Nam vẫn thành công với hội nghị bộ trưởng
quốc phòng ASEAN mở rộng lần thứ nhất, khi không để xảy ra một trục trặc
nào. Diễn đàn an ninh mới này đã bổ sung cho Cấp cao Đông Á (EAS) và
Diễn đàn An ninh Khu vực (ARF) trong việc giải quyết những thách thức an
ninh chủ chốt tác động đến khu vực.
"ASEAN đã chiếm một vị trí quan
trọng hơn trong cộng đồng toàn cầu. Lãnh đạo các cường quốc quan trọng
sẵn sàng ngồi nhiều giờ trên máy bay và bỏ qua những phiền phức do lệch
múi giờ để bay tới can dự cùng ASEAN", Chongkittavorn viết.
Ký giả này còn dẫn thông tin từ Ngoại trưởng Kasit Piromya rằng tại Cấp
cao Á - Âu diễn ra vào tháng trước ở Brussels, về tổng thể sự hiện diện
và tin tưởng vào ASEAN đã được tiếp tục củng cố, khi Liên minh châu Âu
ngỏ ý muốn tham gia Cấp cao Đông Á. "Những tay chơi chủ chốt tỏ ra
sẵn sàng hơn trong việc tiếp nhận các quan điểm của ASEAN", vị
ngoại trưởng này được Chongkittavorn dẫn lời.
Chongkittavorn cho rằng tiếng thơm này
phải thuộc về các lãnh đạo của Việt Nam (được hiểu chủ yếu là Thủ tướng,
bởi ASEAN là sân chơi dành cho ông, và các cộng sự của mình trong
chính phủ) - những người đã thông qua các kỹ năng ngoại giao mà thách
thức được những yêu sách của Trung Quốc đối với tranh chấp Biển Đông.
Nhất là sau 8 năm trì trệ trong việc triển khai Tuyên bố về Ứng xử trên
Biển Đông giữa các bên liên quan (DOC).
Nhận định của ký giả Kavi
Chongkittavorn, không có gì là quá mức. Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia
hàng đầu về Đông Nam Á và Biển Đông cũng hoàn toàn chia sẻ với ông.
|
Ảnh Lê Anh Dũng |
Đồng nghiệp của Chongkittavorn từ nhật
báo
South China Morning Post là Greg Torode cũng không tiếc lời khen
tặng cho các tướng lĩnh quân đội Việt Nam vì họ, vốn không phải là những
nhà ngoại giao bẩm sinh, đã thể hiện tuyệt vời một chiến thuật ngoại
giao, được Gred Torode gọi là "ngoại giao du kích", tại ADMM+8.
Nhưng, theo thiển nghĩ của người viết,
nhìn lại cả một năm trời, kể từ thời điểm Thủ tướng Abhisit tuyên bố
chuyển giao chức chủ tịch ASEAN cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hua
Hin, các hoạt động đối ngoại đã được phối hợp chặt chẽ với nhau trong
một kịch bản được chuẩn bị một cách hoàn hảo. nhất là với việc kéo hai
tay chơi quan trọng là Mỹ và Nga vào cuộc chơi đa phương hoá tranh chấp
Biển Đông.
Kéo Gấu Misha và Uncle Sam trở
lại
Câu chuyện đã bắt đầu từ ba chuyến thăm
theo ba hướng khác nhau vào cuối năm ngoái của lãnh đạo Việt Nam. Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng đi Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đi
Mỹ, sau đó có qua Pháp, và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Tô Huy Rứa
đi Trung Quốc.
Chuyến thăm Mỹ của Tướng Thanh sang Mỹ
được giới quan sát quốc tế nhìn nhận như một mối quan tâm đến việc mua
bán vũ khí, kể cả tàu ngầm và máy bay chiến đấu trong mục tiêu dài hạn.
Mục tiêu trung hạn, theo Phó Đô đốc Hải quân Jeffey Wieringa - lãnh đạo
Cơ quan Hợp tác An nin Quốc phòng, Mỹ xem xét khả năng bán các loại vũ
khí không sát thương, như máy bay tuần tiễu bờ biển, hay hệ thống radar,
cho Việt Nam. Còn mục tiêu ngắn hạn, được coi là kết quả quan trọng nhất
của chuyến thăm, là việc hai bên đã thoả thuận được cơ chế đối thoại
quốc phòng trực tiếp, thay vì dưới cái ô đối thoại chiến lược ngoại giao
- quốc phòng - an ninh do các nhà ngoại giao chủ trì.
Còn theo nhận định của Giáo sư Thayer
dựa trên những nguồn tin riêng của mình, chuyến đi Mỹ của Tướng Thanh
không chỉ bó gọn trong các mục tiêu quốc phòng.
"Việc Tướng Thanh gặp các thượng
nghị sĩ Jim Webb, John McCain, hay John Kerry là một cách tiếp cận khôn
ngoan trong việc xử lý các mối quan hệ với Mỹ. Cả ba nhân vật có ảnh
hưởng lớn trên chính trường Mỹ này đều ủng hộ việc Mỹ can dự trở lại khu
vực Đông Nam", Giáo sư Thayer nói.
Kết quả đạt được về chính trị - ngoại
giao trong chuyến thăm của người đứng đầu ngành quốc phòng đã được các
nhà ngoại giao chuyên nghiệp, với sự trợ giúp của các nhà ngoại giao
nhân dân và giới nghiên cứu, tiếp tục củng cố.
Trong tháng 7, khi mà diễn đàn đầu tiên
trong năm bàn về an ninh, với sự tham gia của các ngoại trưởng bên ngoài
khu vực, diễn ra, lễ kỷ niệm 15 năm bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ
được đẩy thành tâm điểm.
Tháng Việt - Mỹ được bắt đầu bằng hội
thảo với chủ đề này do Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam phối hợp
với Học viện Ngoại giao tổ chức, với sự tham gia của TNS Jim Webb -
người đã có những cuộc gặp bên lề quan trọng với giới lãnh đạo Việt Nam,
và kết thúc bằng chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngoại trưởng Hilary
Clinton, khi bà đến dự Diễn đàn An ninh Khu vực.
Chính bà Ngoại trưởng Mỹ này, trong lần
trở lại Việt Nam sau 10 năm, đã thể hiện công khai khẳng định với nước
chủ nhà và các thành viên ASEAN, cũng như các đối tác ngoài ASEAN khác,
rằng Mỹ ủng hộ việc giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hoà bình và
phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tuyên bố của bà Clinton tại ARF đã nhận
được sự ủng hộ của đại diện nhiều quốc gia khác trong và ngoài ASEAN
không chỉ tại diễn đàn này, mà cả tại ADMM+8, hay EAS. Và kết quả, đúng
như mong đợi của chủ nhà Việt Nam và đa số các thành viên ASEAN khác,
Trung Quốc đã phải chấp nhận tiếp tục triển khai DOC, và bắt đầu tiến
trình đàm phán COC (Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông) ở cấp chuyên viên vào
tháng 12 tới.
Còn kết quả của chuyến thăm Nga, mà Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng "vượt quá sự mong đợi", đã được thể hiện
trong lĩnh vực năng lượng, tài chính và quan trọng nhất là hợp tác quân
sự. Đáng chú ý hơn, Thủ tướng Việt Nam đã mở đầu cho một "troika"
các chuyến thăm Nga của "tam trụ triều đình" chỉ trong vòng
chưa tới một năm.
Các chuyến thăm Nga sau đó của Chủ tịch
nước Nguyễn Minh Triết và Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh có vai trò khẳng
định thêm cam kết của hai nước cho mối quan hệ đối tác chiến lược thực
sự đi vào thực chất, cũng như tiếp tục cụ thể hoá những thoả thuận giữa
các ông Nguyễn Tấn Dũng và Putin, bởi tháp tùng hai vị đứng đầu Đảng và
Nhà nước này đều là các lãnh đạo các bộ trong chính phủ và các doanh
nghiệp liên quan.
Xen kẽ giữa ba chuyến thăm này đáng chú
ý có chuyến thăm Nga của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân với kết quả
được công bố công khai là dự án thành lập Đại học Công nghệ Nga - Việt.
Chuyến thăm, được coi là "trận đấu giã từ sân cỏ" của người đứng đầu
ngành giáo dục đào tạo, bởi ngay sau đó ông nộp đơn xin thôi giữ chức bộ
trưởng, cũng khẳng định tầm nhìn của vị giáo sư kinh tế này, khi ông dám
phủ định chính mình chỉ sau khoảng 3 tháng vì nhận thấy quyết định nhất
thể hoá việc sử dụng ngoại ngữ (lấy chứng chỉ tiếng Anh làm điều kiện
duy nhất cho việc thi đầu vào đối với nghiên cứu sinh thạc sĩ và tiến
sĩ) là một sai lầm.
Tuy nhiên, việc Học viện Kỹ thuật Quân
sự được chọn làm nòng cốt của Đại học Công nghệ Việt - Nga, và những
thoả thuận cụ thể sau đó về hợp tác đào tạo giữa hai nước trong chuyến
thăm đáp lễ của Bộ trưởng Quốc phòng Nga, nhất là đào tạo chuyên gia về
điều khiển tên lửa, hay tàu chiến, đã cho thấy câu chuyện không chỉ dừng
ở việc mở thêm một trường trong chuỗi 4 trường đại học quốc tế, như mong
muốn ban đầu của vị lãnh đạo chính phủ này. Việt Nam đang tích cực chuẩn
bị cho việc hiện đại hoá khả năng quốc phòng để đáp ứng mục tiêu phòng
vệ quốc gia.
Theo giới chuyên gia, việc hợp tác quân
sự với Nga, kể cả việc mua vũ khí từ Nga, được coi là đỡ "nhạy cảm" hơn,
do những nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia đều mua vũ
khí của Nga. Hơn nữa, Nga đang có kế hoạch thành lập một cơ sở bảo dưỡng
máy bay tiêm kích Sukhoi tại Malaysia, phục vụ cho nhu cầu bảo dưỡng
không chỉ của quốc gia Đông Nam Á này.
Một động thái được coi là khá kín kẽ của
Chính phủ Việt Nam, cụ thể là Bộ Quốc phòng, trước những thoả thuận hợp
tác quốc phòng với Nga và Mỹ, là việc công bố trước thời hạn "Sách trắng
quốc phòng".
"Việt Nam xây dựng quân đội... được
trang bị các loại vũ khí ngày càng hiện đại, đủ khả năng bảo vệ độc lập,
chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, các lợi ích quốc gia... Chủ
trương của Đảng, Nhà nước, cũng như quốc phòng Việt Nam, là kiên trì
giải quyết vấn đề Biển Đông bằng giải pháp hoà bình, kiên trì và quyết
tâm giữ vững chủ quyền và lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế...",
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tuyên bố trong
cuộc họp báo công bố Sách Trắng.
Trong khi đó, các chuyên gia quốc tế,
trong đó có Giáo sư Thayer, đều chia sẻ quan điểm của Việt Nam là "ngân
sách quốc phòng Việt Nam còn quá khiêm tốn". Việt Nam đã có nhiều kinh
nghiệm quý báu về vai trò của sức mạnh quốc phòng đối với kết quả các
cuộc đàm phán hoà bình, như ở Geneva, Paris, hay trong cuộc đàm phán
bình thường hoá quan hệ đầu tiên sau gần một thập kỷ rưỡi bị cô lập.
Giáo sư Thayer còn nhận xét thêm rằng sự hỗ trợ của Trưởng ban Tuyên
giáo Tô Huy Rứa cho chính phủ trong chuyến thăm Trung Quốc cùng thời
gian đó, đã khẳng định với Trung Quốc rằng, tuy mở rộng quan hệ mọi mặt,
nhất là quốc phòng, với Mỹ, Việt Nam vẫn không đi trệch định hướng xã
hội chủ nghĩa - điều quan trọng nhất trong quan hệ giữa hai quốc gia
láng giềng vốn nhiều duyên nợ này.
"Nhưng quan trọng nhất, Việt Nam đã
tránh cái bẫy tiềm tàng của việc bị mắc kẹt giữa Trung Quốc và Mỹ, bằng
cách lôi kéo chú gấu Nga quay trở lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương",
Giáo sư Thayer nói.
Nhận xét của vị chuyên gia về Biển Đông
này càng được củng cố, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong buổi họp báo
quốc tế kết thúc Cấp cao ASEAN 17 và các cấp cao liên quan, đã công bố
rằng Việt Nam sẽ xem xét ký hợp đồng thuê doanh nghiệp có khả năng,
trình độ cao, có kinh nghiệm chuyên ngành của Nga làm tư vấn xây dựng
trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp này, sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu
hải quân của tất cả các nước, kể cả tàu ngầm.
Thoả thuận với Nga trong việc phát triển
hạ tầng quân cảng Cam Ranh cũng được coi là một lời khẳng định một cách
gián tiếp một sự thật không thể phủ nhận rằng Biển Đông là vùng biển
quốc tế - một việc mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các cộng sự của
mình trong chính phủ đã nỗ lực suốt một năm qua, kể từ việc nhận các tàu
hải quân của Mỹ vào sửa chữa đến việc đón các chuyến viếng thăm của tàu
hải quân của Mỹ và các quốc gia khác.
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-11-09-song-bien-dong-giua-long-ha-noi