Trường Sa Nơi Đầu Sóng Ngọn Gió

Bút ký 4 - Thắm Tình Quân Dân - Những Nụ Mầm Mới

Nguyễn Hoàn

http://sachhiem.net/NGHOAN/NgHoan10_TS.php

24-Jan-2015

Trong những ngày ra khơi, đánh vật cùng sóng gió và bao bất trắc khôn lường của biển cả, những người ngư dân đã có đảo làm chỗ dựa vững chắc để bền lòng, miệt mài bám biển. Các đảo là cơ sở “hậu cần” cho ngư dân trong khai thác, đánh bắt hải sản như sửa chữa tàu cho ngư dân, san sẻ nhu yếu phẩm... , đặc biệt, các đảo còn là nơi khám, điều trị, cấp thuốc, kể cả cấp cứu cho ngư dân khi bị ốm đau hoặc thương tích, tai nạn trên biển.

Đến đảo Trường Sa Đông, tôi đã tỷ tê chuyện trò khá lâu với anh Ngô Công Tuấn, Bác sĩ Chuyên khoa 1, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Trường Sa Đông và vì vậy ít nhiều hiểu thêm chuyên môn sâu về cấp cứu ngư dân của quân y trên đảo. Anh kể: “Trong năm qua, chúng tôi đã cấp cứu các trường hợp ngư dân bị giảm áp do lặn sâu, bị quặn thận do sỏi, bị ruột thừa. Nặng nhất là ngư dân bị giảm áp, sau khi cấp cứu, các ngư dân đều ổn định sức khỏe và trở lại tàu”. Phần vì say với chuyện nghề, phần do xúc động nhớ lại những lúc chứng kiến cơn nguy kịch của ngư dân, phần do tôi hỏi tỉ mẩn, anh Tuấn nói với tôi mà như thể nói với người có chuyên môn sâu về cấp cứu trong nghề y vậy:

Khi lặn sâu cứ 10 m thì làm tăng thêm 1 lít khí ni tơ ứ đọng trong cơ thể. Có người lặn đến 80 m. Có những trường hợp bị liệt nửa người, đau đầu dữ dội do khí ni tơ ứ đọng, không thoát ra được, chèn mạch máu. Tùy triệu chứng mà xử lý”.

Anh cho biết, trên đảo có máy ô xy cho bệnh nhân thở. Máy này hút khí trời, lọc ra ô xy nguyên chất truyền qua ống thở cho bệnh nhân có dưỡng khí mà hồi phục sức khỏe. Đến đảo Đá Tây, ở điểm B, trong một gian phòng của đảo, tôi đọc thấy trên tường có ghi các “phác đồ cấp cứu đuối nước”, “phác đồ cấp cứu sốc phản vệ” để chiến sĩ ta thuộc nằm lòng mà áp dụng cho ngư dân, lúc gặp bất trắc.

Ở đảo Trường Sa, đảo có bệnh xá với phòng mổ khá tốt, được trang bị các thiết bị X quang, siêu âm, gây mê, máy xét nghiệm máu... Tôi hỏi anh Lê Minh Phong, Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa về chuyện khám chữa bệnh cho dân. Anh vừa trả lời bằng trí nhớ rõ mồn một về từng loại ca bệnh đã chữa khỏi cho dân, vừa in từ máy vi tính ra cho tôi những trang dữ liệu theo kiểu “nói có sách mách có chứng”. Từ đó, tôi biết rõ được vừa tổng quan, vừa cụ thể về các trường hợp khám, điều trị, cấp cứu, phẫu thuật... trên đảo. Trong năm 2013, quân y đảo đã khám và điều trị cho dân 361 trường hợp, ngư dân 334 trường hợp; cấp cứu 64 trường hợp, trong đó dân 12 trường hợp sốt cao, hạ canxi huyết, rối loạn thần kinh phân ly, viêm dạ dày cấp, vết thương rách da đầu do tai nạn lao động, ngư dân 18 trường hợp, chủ yếu là viêm phúc mạc ruột thừa, cơn đau quặn gan, chấn thương sọ não có lún sọ hôn mê độ II, chấn thương gối, chấn thương bàn tay, loạn thần sau tai nạn, nhiễm trùng uốn ván, loạn thần do sét đánh gần, áp xe ổ bụng, gãy xương cánh tay; phẫu thuật thành công 54 trường hợp, trong đó có 4 trường hợp đại phẫu (1 ngư dân viêm phúc mạc do ruột thừa hoại tử, 1 ngư dân do tai nạn lao động bị dập nát nửa trước ngoài bàn tay trái và các trường hợp ghép da, chuyển vạt da), 10 trung phẫu (dập nát bàn tay trái do tai nạn lao động ở tàu cá, cụt đốt 3 ngón 3 bàn tay phải do tai nạn lao động, áp xe mu chân do gai cá đâm vào, khâu nối gân duỗi ngón tay... ). Quân y đảo Trường Sa đã thu dung cấp cứu, điều trị đảm bảo an toàn và chuyển vào bờ đúng quy định cho các trường hợp cần cứu chữa.

* Những nụ mầm mới

Đến các đảo ở quần đảo Trường Sa, vui nhất là được thấy trẻ con xúng xính áo mới, có những cháu nhỏ mang sắc phục hải quân lon ton theo bóng áo dài truyền thống thướt tha của mẹ, hớn hở đi đón đoàn từ đất liền ra thăm đảo. Trong số các cháu, có những cháu sinh ra ở đất liền rồi theo cha mẹ ra đảo, đặc biệt, có những cháu được sinh ra trên đảo. Hay tin trên đảo Sinh Tồn vừa có một cháu gái mới chào đời cách lúc tôi đến đảo này chỉ mới hơn hai mươi ngày, tôi đã đến thăm cháu với niềm mừng rỡ như bắt được vàng, không một chút e ngại hay kiêng cữ rằng đi thăm như thế là dễ bị mắc “phong long”, nghĩa là mắc cái hơi xấu, vía xấu của người phụ nữ mới sinh, theo cách nghĩ dân gian xưa nay.

Chị Phan Thị Thương và bé gái Nguyễn Phan Ngọc Hân mới sinh trên đảo Trường Sa - Ảnh: N.H

Chị Phan Thị Thương, vợ anh Nguyễn Minh Châu đã sinh bé gái Nguyễn Phan Ngọc Hân ngày 2/4/2014 tại Bệnh xã xã đảo Sinh Tồn. Bồng trên tay cháu bé còn đỏ hỏn, chị Thương ngồi tiếp chúng tôi với nét vẻ tươi cười, niềm nở, dường như không còn chút gì là dấu hiệu mệt mỏi của một sản phụ chỉ vừa mới qua cơn “vượt cạn”, mang nặng đẻ đau.

Cầm trên tay nâng niu và ngắm nghía tấm giấy khai sinh của cháu Hân đỏ chót màu quốc huy và tươi rói màu con dấu thị thực, tôi như được cảm nhận sâu hơn về sức sống và vẻ đẹp của những đóa hoa phong ba nở giữa lòng biển cả. Tôi tỉ tê hỏi anh Châu đôi điều về chuyện nghề, chuyện đời của vợ chồng anh. Anh kể chuyện nghề: “Ra sống ở đảo, mình làm nghề đánh cá, đi mủng. Mình đánh các loại cá thu, cá mó, cá bè, bạch tuộc, mực... ”. Tôi hỏi về việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống trên đảo như nước uống, rau xanh, những nhu cầu mà việc giải quyết gặp khó khăn bội lần so với nơi đất liền, anh vẫn trả lời vui vẻ như không có chuyện gì: “Nước ngọt thì xài nước mưa. Rau xanh tự trồng được”. Tôi không hỏi về các nhu cầu vật chất nữa, mà xoay sang hỏi về “lĩnh vực tinh thần”: “Xa người thân, xa quê hương, ra lập nghiệp ở đảo, vợ chồng anh cảm thấy thế nào?”. Câu hỏi đã ướm và ra khỏi lòng rồi, tôi còn e làm anh Châu chạnh niềm. Nhưng tôi bỗng vui và thấy yên lòng, khi anh Châu giải tỏ: “Vợ chồng tôi đã quen dần với cuộc sống ở đảo. Sống đâu quen đó mà!”.

Đến thăm Trường Tiểu học Trường Sa, gặp các em học sinh tiểu học ở đây, tôi được sống với những cảm giác vừa quen thuộc, vừa mới mẻ. Quen thuộc là được sống lại với thế giới tuổi thơ êm đềm của đời người ai cũng có. Mới mẻ là được chứng kiến một tuổi thơ Trường Sa lớn lên giữa trùng dương, biển cả.

Một lớp học ở Trường Tiểu học Trường Sa - Ảnh: N.H.

Nhìn các em đang gò lưng trên bàn để làm bài, trên mình mặc áo quần mang sắc phục hải quân, tôi hiểu về sứ mệnh bảo vệ biển đảo thiêng liêng mà các em sẽ mang vác, ngày mai. Thầy giáo Đồng Minh Hiệp quê ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, 24 tuổi, ra đảo làm giáo viên dạy lớp 1, Trường Tiểu học Trường Sa “khoe” với tôi rằng học sinh của thầy sớm có những kiến thức, hiểu biết về biển: “Gia đình các em là ngư dân. Các em biết về các loại cá rất nhanh: cá bò, cá dìa... Các em phân biệt được những con cá thuộc loại cá gì, biết được từng loại cá khi đánh lưới lên”. Khi tôi hỏi thầy rằng làm một thầy giáo ở đảo thì có gì khác với ở đất liền, thầy liền bộc bạch về tâm nguyện của mình với đảo Trường Sa: “Ra với đảo, trách nhiệm của mình nặng hơn, vì ở nơi đầu sóng ngọn gió mà. Nhưng mình thấy phấn khởi, vinh dự vì được công tác ở Trường Sa”. Tôi gợi chuyện tiếp: “Cho dẫu xa nhà nhưng chắc thầy nhận được những niềm vui, niềm động viên từ phía các em học sinh và phụ huynh học sinh ở đảo chứ?”. Đôi mắt thầy chớp chớp ánh lên niềm vui, thầy nói cả bằng mắt lẫn bằng lời tha thiết: “Các em có tinh thần học tập, nhạy và sáng ý, như chuyện phân biệt nhanh từng loại cá mà tôi vừa kể đó. Phụ huynh ở đây thường quan tâm đến nhà trường. Đánh cá lên, phụ huynh thường tặng cho các thầy, mà toàn là những loại cá ngon như cá thu bè, cá hồng, cá đỏ... ”. Vui gặp những công dân tý hon của Trường Sa sớm mang sắc phục hải quân, biết thuộc từng loại cá biển như thuộc từng bài tập đọc, thuộc từng phép toán thầy giảng mỗi ngày, ôi thật đáng cảm mến và yêu thương quá đỗi, ôi thật đầy ước hẹn và tin tưởng cho ngày mai, hỡi những nụ mầm mới!

Rồi cũng đến lúc con tàu chở chúng tôi ra quần đảo Trường Sa phải nhả từng bờm sóng đuôi tàu quẫy đạp trào dâng một nỗi gì da diết lắm để tạm biệt Trường Sa, trở về đất liền. Ở Trường Sa, tôi thấu hiểu nỗi lòng của những người lính, người dân đảo luôn hướng về đất liền.

Thủy phi cơ trên đảo Trường Sa - Ảnh: N.H

Những ngày Bưu điện tỉnh Khánh Hòa tổ chức khai trương các điểm bưu điện văn hóa đảo Sinh Tồn, đảo Trường Sa, mọi người trên các đảo cùng nô nức quây quần bên nhân viên bưu điện để mừng phiên giao dịch đầu tiên của bưu điện, để hân hoan gửi những cánh thư đầu tiên về đất liền. Ai cũng mừng rỡ khi tự tay mình được nắn nót lên bì thư những dòng tên và địa chỉ người thân ở đất liền, chắc trong đó có những người mang cảm giác ngỡ ngàng pha lẫn mơ mộng, bồi hồi như khi được đề tên người thương lên cánh thiếp hồng. Anh Trịnh Công Lý, Chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn xúc động nói: “Nhân khai trương Bưu điện Văn hóa xã đảo Sinh Tồn, đề nghị ngành bưu điện chuyển thư ngay vào đất liền cho thỏa niềm mong đợi của mọi người”.

Về với đất liền, đi bằng “đôi chân trần” trên mặt đất, trong tôi vẫn sống với cảm giác bồng bềnh như khi đang còn ở trên con tàu lướt sóng vạn lý Trường Sa. Tôi nhớ hoài câu nhắc của anh phát thanh viên trên tàu, nhắc chúng tôi qua hệ thống loa tàu, mỗi sớm mai khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ: “Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu!”.  Vâng! “Tổ quốc tôi như một con tàu” (Xuân Diệu). Đất nước Việt Nam là một con tàu vươn ra biển lớn trong bối cảnh tình hình biển Đông có những tranh chấp, diễn biến phức tạp, trong bối cảnh hội nhập quốc tế nhiều thời cơ nhưng cũng đầy thách thức càng phải luôn luôn ở trong trạng thái “báo thức” vậy.

 NGUYỄN HOÀN

_________________

Bài đọc thêm:

- Những bài về Trường Sa & Hoàng Sa đăng trong sachhiem.net (SH)

 

Các bài cùng tác giả


 ▪ Trịnh Công Sơn Với Quê Hương Thần Thoại - Nguyễn Hoàn

Con Người Minh Triết Trong Nhạc Trịnh Công Sơn - Nguyễn Hoàn

Chiều kích đặc biệt của con người ... - Nguyễn Hoàn

Về cái gọi là “học thuật” của Ban Mai trong nghiên cứu Trịnh Công Sơn - Nguyễn Hoàn

Trường Sa trong thơ Trần Đăng Khoa - Nguyễn Hoàn

Để hiểu đúng câu Kiều về chữ “tâm” của Nguyễn Du - Nguyễn Hoàn

Festival Huế - Nguyễn Hoàn

Mẹ Gio Linh - Mẹ Việt Nam - Nguyễn Hoàn

Những sai lệch, thiếu sót trong “Trịnh Công Sơn, vết chân dã tràng” - Nguyễn Hoàn

Chân trời Mỹ Thuỷ - Nguyễn Hoàn

Gặp Chủ Nhiệm Đề Án Mới Trên Hành Lang Kinh Tế Đông Tây - Nguyễn Hoàn

Lễ Bộ Thượng Thư Lê Trinh - Nguyễn Hoàn

Tư tưởng đổi mới của TBT Lê Duẩn - Nguyễn Hoàn

Chân Lý “Lao động, tình thương và lẽ phải” của Lê Duẩn - Nguyễn Hoàn

Thư Tình Gửi Một Người: cuốn sách giải mã ca từ TCS - Nguyễn Hoàn

Hoàng Nhuận Cầm với lời nguyền từ chiến hào Thành Cổ - Nguyễn Hoàn

Trường Sa Nơi Đầu Sóng Ngọn Gió - Đảo Là Nhà, Biển Là Quê Hương - Nguyễn Hoàn

Trịnh Công Sơn và Bob Dylan, Giống và Khác - Nguyễn Hoàn

Nhạc Trịnh Với Vấn Đề Cái Chết - Nguyễn Hoàn

Tổng Bí thư Lê Duẩn với danh họa Lê Bá Đảng - Bút ký - Nguyễn Hoàn


▪ 1 2 >>>

Trang Văn Học Xã Hội