Trường Sa Nơi Đầu Sóng Ngọn Gió

Bút ký 1 - Đảo Là Nhà, Biển Là Quê Hương

Nguyễn Hoàn

http://sachhiem.net/NGHOAN/NgHoan10_TS.php

23-Jan-2015

Con tàu HQ 561 chở đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông ra thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa bắt đầu rời quân cảng Cam Ranh, băng băng lướt sóng ra khơi. Bên sắc áo lính hải quân quen dầu dãi với con tàu, với sóng biển là những sắc áo “dân sự” của đoàn công tác với thành phần đến từ nhiều ban, ngành: Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh có biển và Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Hậu Giang… trong đó phần lớn là những người đến với Trường Sa lần đầu. Ngắm từng chùm sóng trắng nở tung lấp lánh trong nắng quanh thân tàu, tôi bồi hồi nghĩ tới hải trình vươn ra Hoàng Sa, Trường Sa đầy vất vả, gian lao nhưng cũng đầy sự khám phá, mở đường của cha ông thuở trước, từ thế kỷ XVII trở đi.

HQ-561: bệnh biện Hải Quân Việt Nam. Ảnh Đất Việt

Một nỗi bâng khuâng, một niềm cảm khái chợt dâng trào, khi cảm nhận rằng, con tàu HQ 561 hiện đại được định vị, được dẫn dắt bởi hải trình cha ông đã mở bằng mồ hôi, nước mắt và máu từ những thế kỷ trước. Hải trình này dưới thời các chúa Nguyễn còn in dấu rõ nét trên những trang “Phủ biên tạp lục” của nhà bác học Lê Quý Đôn.

Dưới thời các chúa Nguyễn, đội Hoàng Sa được thành lập để vươn ra Hoàng Sa, Trường Sa. “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp (1) . Ngoài đội Hoàng Sa, chúa Nguyễn đặt thêm đội Bắc Hải để khai thác sản vật ở quần đảo Trường Sa. Đội Bắc Hải đặt dưới sự quản lý của đội Hoàng Sa: “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản (2) .

        * “Đảo là nhà, biển là quê hương”

Sau nhiều ngày vượt trùng khơi, hình ảnh Tổ quốc vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió hiển hiện đầu tiên trước mắt tôi qua dáng vẻ của đảo Đá Lớn, một đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, với hai dãy nhà xây đang trấn giữ giữa mênh mông trời nước, với cái cột trụ vút lên cho cánh quạt gió gắn nơi đầu cột xoay tít để lấy điện gió về cho đảo.

Tác giả bài viết (phải) trên đảo Đá Lớn. Ảnh Văn Dũng

Mọi người trên tàu mặc áo phao, lần lượt rời tàu, xuống ca nô theo từng chuyến để vào đảo. Trời nóng, mặc áo phao vào mồ hôi chảy ròng ròng, nóng bỏng sau lưng nhưng ai nấy đều quên mệt, lòng trào dâng cảm xúc và hứng khởi khi được đặt chân lên đảo.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, Trưởng đoàn công tác cùng đoàn đi một vòng quanh đảo, cả đoàn như thể ôm trọn đảo vào lòng trong một vòng ôm thật lâu, thật sâu, thật nồng nàn, tha thiết. Đoàn cùng cán bộ, chiến sĩ quây quần bên nhau trao đổi, trò chuyện công việc. Ai cũng mừng vui khi thấy đảo chìm đã thể hiện rõ vai trò phên dậu của Tổ quốc giữa trùng dương. Ai cũng cảm động khi biết rằng, đảo chính là chỗ dựa cho ngư dân bám biển, mở rộng ngư trường đánh bắt hải sản.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng tặng tư liệu khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam cho quân dân đảo Nam Yết. Ảnh Văn Dũng

Trong niềm xúc động dạt dào và cả niềm tri ân sâu sắc, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng và đại diện các ban, ngành, cơ quan, đơn vị trong đoàn đã trao tặng cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo những món quà của đất liền gửi ra, thể hiện tấm lòng gắn kết với những “trái tim của biển”. Thế rồi, “từ đảo chìm (i) đảo nổi, từ đảo gần đến đảo xa, ôi Trường Sa, quê hương ta, Tổ quốc ta” (Huyền tích Trường Sa - Nhạc của Đức Trịnh, lời của Thượng tướng Bùi Văn Huấn), đoàn rời đảo Đá Lớn, tiếp tục hành trình đến với các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Cô Lin, Trường Sa Đông, Đá Tây, Trường Sa, Đá Lát và hai nhà dàn thuộc khu vực Phúc Tần là nhà dàn DK1/17 và nhà dàn DK1/18.

Đến các đảo, điều tôi quan tâm nhất là về điều kiện sống thiết yếu như rau xanh, nước uống, tắm giặt… Đảo chìm không có đất nên chiến sĩ ta phải trồng rau xanh trong các chậu cây, các khay đất. Tôi hỏi trung tá Nguyễn Hữu Hòa, Chính trị viên đảo Đá Lớn về “chất xanh” trong bữa ăn của lính. Anh cho biết: “Đảo được tiếp phẩm nhiều đợt hàng năm từ đất liền. Thực phẩm được cung cấp là các loại để lâu được như bầu, bí, khoai tây, còn rau xanh mau hư nên không cung cấp được. Rau xanh trên đảo có trồng để ăn “thoang thoảng” vậy”. Ở đảo chìm Cô Lin cũng tương tự, rau không nhiều nhưng cũng đủ “tươi đời” qua lời kể của Thượng úy Nguyễn Văn Ba, Chính trị viên đảo Cô Lin: “Rau xanh trên đảo nấu canh ăn được 3 bữa mỗi ngày, còn luộc ăn thì thi thoảng”. Ở các đảo nổi, có điều kiện về đất đai, chăm bón, vườn rau tăng gia của chiến sĩ xanh tốt hơn, phong phú hơn với nhiều loại như rau cải, rau muống, rau dền…

Tản bộ trên đảo Sơn Ca, tôi như được sống với khung cảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam, khi tần ngần đứng bên giàn bầu đã đơm quả ngọt. Thân bầu vươn ra cả ngoài giàn, ngoài hàng rào như thể “ngóng cổ” sang chuồng nuôi vịt, gà cạnh đó để chia sẻ cùng nhau nỗi xôn xao về sự cựa mình lớn dậy từng ngày. Nước uống trên đảo dùng nước mưa, khi khô hạn phải chở nước từ đất liền ra. Để tiết kiệm nước ngọt, có những nơi, chiến sĩ ta phải giặt quần áo bằng nước mặn, biết là giặt như thế, quần áo sẽ mau hư nhưng đành vậy. Nước ngọt ở đảo quý là thế nhưng khi đón khách từ đất liền ra thăm, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo vẫn “hào phóng” đặt một dãy thau nước ngọt cho khách rửa tay, rửa mặt. Điều này làm ai cũng xúc động đến nghẹn lòng.

Hải quân đảo Nam Yết. Ảnh Văn Dũng

Khác với đảo chìm, đảo nổi, cuộc sống của những người lính ở nhà dàn DK1/17 (thuộc Cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ trên thềm lục địa phía Đông Nam) là sống trên… trời. Nhà dàn được dựng trên những trụ sắt, một đằng cắm sâu vào lòng biển, một đằng vươn cao lên trời xanh, đứng ngạo nghễ trước thử thách của biển cả, bão táp. Bám vào từng bậc, từng bậc chiếc thang sắt, chúng tôi lần lượt leo lên với nhà dàn. Leo lên, leo lên để thấy thấm thía, để cảm nhận đủ đầy về hai tiếng “thiêng liêng” của chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Leo lên, leo lên để thấy lòng mình dâng đầy những niềm hướng thượng. Leo lên, leo lên để nuôi dưỡng chí khí. Giữa trời nước mênh mông, trên nhà dàn vẫn trồng được nhiều loại rau xanh lên mơn mởn, vẫn nuôi được những con heo béo mông đỏ da. Trên mặt biển dưới chân nhà dàn, nổi lên từng đàn cá lấp lánh trong nắng mai, tung tăng với sóng biển, những đàn cá đã quen quần tụ với nhà dàn. Cuộc sống của những người lính giữa trùng dương xa xôi dẫu còn bao gian lao, vất vả, thiếu thốn nhưng các anh vẫn vượt lên tất cả để giữ vững biển trời Tổ quốc. Vì tình yêu Tổ quốc, các anh đã xếp lại mối riêng tư. Anh Chu Văn Hùng, Chính trị viên nhà dàn DK1/17 là người chiến sĩ trẻ, chưa lấy vợ nhưng rất thấu tỏ và chia sẻ với những niềm riêng của lính. Anh tâm sự: “Có những trường hợp anh em gặp lúc vợ yếu, con đau, người thân từ trần, người yêu đi lấy chồng, mình đều động viên anh em vượt qua khó khăn. Mình còn xin số điện thoại người yêu của chiến sĩ để động viên”. Tình yêu Tổ quốc đã thắp sáng trong các anh niềm lạc quan, yêu đời cháy bỏng. Tôi đã thấy trên giường nằm của một chiến sĩ ở đảo Đá Tây có một cuốn sách “gối đầu giường”, đó là tập ca khúc “Miền xa thẳm” của Đức Trịnh, do Nhà xuất bản Âm nhạc xuất bản năm 2014. Lần giở tập ca khúc, các khúc thức, giai điệu nồng nàn, thiết tha về biển đảo quê hương trong đó như “Huyền tích Trường Sa”, “Ánh mắt Song Tử Tây”… cứ ngân vọng trong tôi. Lính đảo thích hát và hát với cả hồn mình. Và vì thế, tiếng hát của các ca sĩ Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Hậu Giang, tiếng hát của các thành viên trong đoàn, của các chiến sĩ hải quân đã vang vọng trên boong tàu HQ 561, trên đảo Sơn Ca, Nam Yết, Cô Lin, Trường Sa, nhà dàn… ngân lên những giai điệu bỏng cháy vì biển đảo Tổ quốc như “Nơi đảo xa”, “Huyền tích Trường Sa”, “Tổ quốc gọi tên mình”

Những người lính giữ đảo, giữ biển trời Tổ quốc cũng chính là những người góp phần xây dựng, phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế biển đảo. Trò chuyện với anh Nguyễn Hồng Vân, Trạm trưởng Trạm ra đa 57, Quân chủng Phòng không Không quân ở đảo Nam Yết, anh nhắc đến “vùng thông báo bay” (Flight Information Region - viết tắt là FIR), tức là một vùng trời có giới hạn xác định trong đó có cung cấp dịch vụ thông báo bay và dịch vụ báo động. Anh cho biết, có những FIR nay đã thuộc quyền quản lý của Việt Nam và máy bay các nước bay quá cảnh qua FIR Việt Nam phải trả tiền cho Việt Nam. Đến thăm đảo chìm Đá Tây, đoàn đã được nghe anh Đặng Văn Bình ở Hải đoàn 129 giới thiệu về mô hình nuôi cá lồng bè ở đảo này. Việc nuôi cá lồng bè thực hiện ở đây đã được 8 năm, theo công nghệ nuôi của Na uy. Cá chim trắng là loại được nuôi thích nghi tốt nhất.

Cũng như những loài cá biển, những loài cây đảo như cây phong ba, cây bão táp, để trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, những người lính đảo vừa biết thích nghi với hoàn cảnh sống đặc thù ở đảo, vừa tôi luyện bản lĩnh dạn dày qua thử thách. Điều đặc biệt là các anh được tiếp nhận cội nguồn sức mạnh từ truyền thống lịch sử của cha ông hàng nghìn năm giữ nước và dựng nước. Trong phòng truyền thống của Trung tâm Văn hóa đảo Nam Yết còn trưng bày tư liệu về “những chiến thắng tiêu biểu của quân thủy Việt Nam trong lịch sử chống giặc ngoại xâm”, cạnh đó là hình ảnh những cọc nhọn Bạch Đằng của đội quân Trần Hưng Đạo vút lên trong sóng nước, đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược năm 1288. Nhằm cùng quân dân trên các đảo vun bồi, phát huy sức mạnh từ cội nguồn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lễ trao tặng bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” tại đảo Nam Yết, lễ khai mạc triển lãm bản đồ và tư liệu về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam tại đảo Trường Sa. Nguồn bản đồ, tư liệu được triển lãm khá phong phú, dựng kín không gian xung quanh bia chủ quyền đảo Trường Sa như ôm lấy tấm bia thiêng liêng đứng hiên ngang, vững chãi trước sóng gió, bão táp. Nguồn bản đồ, tư liệu này được sưu tầm, tập hợp từ nhiều nguồn, trong đó có cả nguồn của Trung Hoa chứng minh rõ ràng Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

(Xem tiếp Bút Ký 2)

________________

[1] Lê Quý Đôn toàn tập, Tập I, Phủ biên tạp lục, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 119, 120.

[2] Lê Quý Đôn toàn tập, sđd, tr. 120.

_________________

Bài đọc thêm:

- Những bài về Trường Sa & Hoàng Sa đăng trong sachhiem.net (SH)

Các bài cùng tác giả


 ▪ Trịnh Công Sơn Với Quê Hương Thần Thoại - Nguyễn Hoàn

Con Người Minh Triết Trong Nhạc Trịnh Công Sơn - Nguyễn Hoàn

Chiều kích đặc biệt của con người ... - Nguyễn Hoàn

Về cái gọi là “học thuật” của Ban Mai trong nghiên cứu Trịnh Công Sơn - Nguyễn Hoàn

Trường Sa trong thơ Trần Đăng Khoa - Nguyễn Hoàn

Để hiểu đúng câu Kiều về chữ “tâm” của Nguyễn Du - Nguyễn Hoàn

Festival Huế - Nguyễn Hoàn

Mẹ Gio Linh - Mẹ Việt Nam - Nguyễn Hoàn

Những sai lệch, thiếu sót trong “Trịnh Công Sơn, vết chân dã tràng” - Nguyễn Hoàn

Chân trời Mỹ Thuỷ - Nguyễn Hoàn

Gặp Chủ Nhiệm Đề Án Mới Trên Hành Lang Kinh Tế Đông Tây - Nguyễn Hoàn

Lễ Bộ Thượng Thư Lê Trinh - Nguyễn Hoàn

Tư tưởng đổi mới của TBT Lê Duẩn - Nguyễn Hoàn

Chân Lý “Lao động, tình thương và lẽ phải” của Lê Duẩn - Nguyễn Hoàn

Thư Tình Gửi Một Người: cuốn sách giải mã ca từ TCS - Nguyễn Hoàn

Hoàng Nhuận Cầm với lời nguyền từ chiến hào Thành Cổ - Nguyễn Hoàn

Trường Sa Nơi Đầu Sóng Ngọn Gió - Đảo Là Nhà, Biển Là Quê Hương - Nguyễn Hoàn

Trịnh Công Sơn và Bob Dylan, Giống và Khác - Nguyễn Hoàn

Nhạc Trịnh Với Vấn Đề Cái Chết - Nguyễn Hoàn

Tổng Bí thư Lê Duẩn với danh họa Lê Bá Đảng - Bút ký - Nguyễn Hoàn


▪ 1 2 >>>

Trang Văn Học Xã Hội