PHONG TRÀO ĐÔ THỊ NHA TRANG NHỮNG NĂM 1964-1965

GS Lê Cung* & Nguyễn Trung Triều**

http://sachhiem.net/LICHSU/L/LeCung19.php

15-Nov-2021

Người ta có thể nói mà không sợ Nguyễn Khánh phủ nhận chút nào là đại đa số cán bộ chính quyền dưới thời ông Khánh là Cần lao và Cần lao nặng, và “trước mắt quốc dân và quốc tế, tân chế độ gọi là cách mạng chỉ là một chế độ Ngô Đình Diệm tái sinh”

Phong trào đấu tranh chính trị ở các đô thị miền Nam như Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sài Gòn,... trong những năm 1964-1965 đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, trong khi đó, đối với Nha Trang - một thị xã có vị trí quan trọng, được ví “như thủ phủ của miền Nam Trung nguyên Trung Phần” (1) lại chưa được tìm hiểu một cách đầy đủ, mặc dù trên thực tế, trong khoảng thời gian này, phong trào đô thị ở Nha Trang cũng trải qua những tháng ngày sôi động. Khai thác nguồn tư liệu từ nhiều phía, nhất là nguồn tư liệu lưu trữ, bài viết góp phần khỏa lấp khoảng trống đó. 

Sau khi tiến hành cuộc chỉnh lý ngày 30-1-1964, lật đổ “Hội đồng Quân nhân Cách mạng” do Dương Văn Minh đứng đầu, Nguyễn Khánh từng bước phục hồi chức tước, địa vị và quyền hành cho dư đảng Cần lao. Việc này diễn ra phổ biến ở các cấp chính quyền, đến nỗi “người ta có thể nói mà không sợ Nguyễn Khánh phủ nhận chút nào là đại đa số cán bộ chính quyền dưới thời ông Khánh là Cần lao và Cần lao nặng” (2), và “ trước mắt quốc dân và quốc tế, tân chế độ gọi là cách mạng chỉ là một chế độ Ngô Đình Diệm tái sinh” (3).

Ngày 16-8-1964, “Hiến chương Vũng Tàu” ra đời. Với bản Hiến chương này, không cần qua bầu cử Nguyễn Khánh vẫn nắm giữ đồng thời 3 chức vụ: Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Hội đồng quân lực. Rõ ràng, một chế độ độc tài quân phiệt đã được dựng nên.

Đây chính là những nguyên nhân cơ bản khiến chính quyền Nguyễn Khánh bị nhân dân miền Nam đứng lên chống lại ngay từ khi nó mới thành lập. 

Liền sau khi “Hiến chương Vũng Tàu” được công bố, nhân dân ở Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn và nhiều đô thị khác đã rầm rộ xuống đường đấu tranh. Trước tình hình đó, ngày 25-8-1964, Mỹ - Khánh buộc phải hủy bỏ “Hiến chương Vũng Tàu”, giải tán Hội đồng quân lực, thành lập một ban lãnh đạo mới gồm Nguyễn Khánh, Dương Văn Minh và Trần Thiện Khiêm (Tam đầu chế). Tuy nhiên, sự thay thế mang tính hình thức này không thỏa mãn được dân chúng, trái lại “là cả một sự phỉ báng và nhục mạ nhân dân Việt Nam nên toàn dân đã nhất thiết đứng lên đòi xóa bỏ vết nhơ ấy trong lịch sử” (4).

Tại Nha Trang, lúc 8g ngày 12-9-1964, khoảng 700 thanh niên, học sinh các trường trung học tổ chức tuần hành từ Ty Thông tin Khánh Hòa với nhiều biểu ngữ, khẩu hiệu:

“Phải có một chánh phủ cách mạng thật sự”, “Chánh phủ phải được sự tín nhiệm của toàn dân”, “Quốc dân đại hội phải gồm có đầy đủ thành phần cách mạng thật sự”, “Phải loại trừ ngay ngay ra khỏi cơ cấu chánh quyền các phần tử phản cách mạng dư đảng Cần lao”, “Bãi khóa để đòi chính quyền thẳng tay trừng trị Cần lao” (5), ...

Đến Tòa Hành chính tỉnh Khánh Hòa, đoàn biểu tình nêu ba yêu sách: 1. Ngừng chức vụ Phó Tỉnh trưởng Nội an và trục xuất ngay lập tức khỏi Khánh Hòa đối với Đại úy Nguyễn Xuân Trường (6); 2. Trao ông Võ Sĩ (7) cho Lực lượng tranh đấu thanh niên, sinh viên, học sinh để giao lại cho Tòa án; 3. Được phát thanh trên Đài Phát thanh Nha Trang tiếng nói của Lực lượng tranh đấu thanh niên, sinh viên, học sinh Khánh Hòa mỗi ngày 2 lần vào sáng và chiều, mỗi lần nửa giờ. Sau khi Tỉnh trưởng Khánh Hòa tiếp xúc và hứa sẽ đề đạt nguyện vọng lên chính quyền, đoàn biểu tình đã tạm giải tán vào lúc 10g. Chiều cùng ngày, trên 500 thanh niên, học sinh, nhân dân lao động tiếp tục biểu tình trước trụ sở Ty Thông tin gây sức ép đòi chính quyền thực hiện ba yêu sách đã được đề đạt lúc sáng.

Sáng 13-9-1964, khoảng 400 học sinh tổ chức tuần hành qua các đường phố kêu gọi đồng bào đình công, bãi thị. Tiếp đó, đoàn học sinh tập trung tại trụ sở Đài Phát thanh Nha Trang yêu cầu cho phát thanh trực tiếp nội dung các yêu sách mỗi ngày 2 lần thay vì ghi trước vào băng, Quản đốc Đài không giải quyết liền bị đưa lên xe cùng tham gia tuần hành đến 12g mới trả về.

Trưa 13-9-1964, hàng ngàn học sinh tụ tập tại Trường Trung học Võ Tánh (Nay là Trường THPT Lý Tự Trọng) để nghe công bố danh sách Ban Chấp hànhHội đồng Nhân dân cứu quốc tỉnh Khánh Hòa. Ban Chấp hànhgồm 13 thành viên, trong đó Bác sĩ Nguyễn Thạch - Chủ tịch; Thi sĩ Quách Tấn - Đệ nhất Phó Chủ tịch; Giáo sư Đỗ Trung Hiếu - Đệ nhị Phó Chủ tịch; Giáo sư Đào Trữ - Tổng Thư ký; Giáo sư Nguyễn Văn Dành - Thư ký và 8 Ủy viên khác. 

Lúc 16g ngày 14-9-1964, độ 300 học sinh và một số đồng bào mít tinh trước Ty Thông tin để giới thiệu Ban Chấp hànhHội đồng Nhân dân cứu quốc tỉnh Khánh Hòa. Tại cuộc mít tinh, bác sĩ Nguyễn Thạch bày tỏ lập trường của Hội đồng, yêu cầu phải có một chính quyền dân cử và khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi đạt mục đích. 

8g sáng 15-9-1964, hơn 500 học sinh Trường Trung học Võ Tánh, Trường Nữ trung học Nha Trang (Nay là Trường THCS Thái Nguyên) và Trường Trung học Phước Tân (Nay là Trường THCS Âu Cơ) tổ chức tuần hành qua các đường phố cổ động cho cuộc mít tinh lớn dự kiến diễn ra chiều cùng ngày. Cùng thời điểm, đồng bào tiểu thương ở chợ và các tuyến phố trong thị xã Nha Trang đồng loạt đóng cửa. 

Từ sáng 9-1-1965, nhiều nhóm học sinh tụ tập tại các ngã tư, cửa ngõ giao thông ra vào thị xã ngăn chặn xe cộ không cho đi lại và đến các tiệm buôn vận động đóng cửa. Quân đội, cảnh sát thi hành lệnh thiết quân luật đã bắt giữ 42 người. Khí thế đấu tranh dâng cao, lúc 11g cùng ngày, tại Công trường Cộng hòa, với khẩu hiệu “Phản đối hành động phản dân chủ của chính quyền”,“Phải trả tự do cho những học sinh bị bắt”, Tăng Ni, Phật tử, đàn bà, trẻ em độ 100 người bắt đầu tuyệt thực. Cuộc tuyệt thực càng lúc càng đông, đến 14g có hơn 700 người và số người hưởng ứng xung quanh khoảng 1.000.

Trước tình thế đó, một mặt chính quyền tiếp tục áp dụng lệnh thiết quân từ lúc 14g ngày 9-1-1965, mặt khác, Tư lệnh Quân đoàn II - Thiếu tướng Nguyễn Hữu Có và Tỉnh trưởng Khánh Hòa - Trung tá Lê Quang Liêm buộc phải gặp mặt đại diện các tôn giáo, nghiệp đoàn, giáo sư, học sinh, công chức tham gia đấu tranh tại Hội trường Tiểu khu để lắng nghe kiến nghị và thả tất cả học sinh, Phật tử bị bắt. Thêm một bước trong chính sách kỳ thị Phật giáo, ngày 23-1-1965, Trần Văn Hương ra “Lời hiệu triệu quốc dân” kêu gọi mọi người lãnh trách nhiệm với tình thế, tránh gây sách động, lên án “lũ lưu manh cạo đầu rồi mặc trang phục Tăng Ni”, gọi những hoạt động đấu tranh của Phật giáo là “những trò khỉ” (20). Lời hiệu triệu đã xúc phạm mạnh và gây phẫn nộ đối với Phật giáo. Tại Nha Trang, các cuộc đấu tranh tiếp tục nổ ra. 

Ngay từ sáng 23-1-1965, khoảng 300 Tăng Ni đến Công trường Cộng hòa thông cáo tuyên ngôn và tiến hành tuyệt thực với các biểu ngữ thể hiện quyết tâm cao độ: “Nguyện hy sinh đến cùng để bắt buộc Chánh phủ Trần Văn Hương từ chức”, Xiết chặt hàng ngũ để đấu tranh bảo vệ đạo Phật dù phải hy sinh”, “Chánh phủ Trần Văn Hương phải từ chức” (21). Lúc12g cùng ngày, cũng tại Công trường Cộng hòa, thêm một cuộc tuyệt thực khoảng 500 người với đa số là Học tăng Phật học viện Trung phần Nha Trang, Gia đình Phật tử Khánh Hòa được tổ chức. Các cuộc tuyệt thực này kéo dài quađêm 23, 24-1-1965 (22).

Đến 16g30 ngày 25-1-1965, đoàn tuyệt thực tổ chức lễ cắt máu do Tăng Ni phát nguyện để viết huyết thư đệ trình Quốc trưởng yêu cầu Thủ tướng Trần Văn Hương từ chức. Sau đó,đoàn di chuyển đến công viên trước Tòa Hành chính Tỉnh, lúc này số người tham gia lên đến gần 1.000. Trước Tòa Hành chánh Tỉnh, Đại đức Thích Đức Minh đọc điện văn của Ủy ban Bảo vệ Phật giáo Khánh Hòa phản đối Thủ tướng Trần Văn Hương đàn áp Phật tử, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm cuộc đấu tranh của Phật giáo, và để tăng sức ép, đoàn biểu tình yêu cầu được ngồi tuyệt thực tại khu công viên trước Tòa Hành chính Tỉnh. Sau mọi nỗ lực giải tán không thành, đồng thời “nhận thấy địa điểm này là một nơi khá biệt lập, an ninh trật tự có thể dễ dàng kiểm soát, hơn nữa để giải tỏa khu Công trường Cộng hòa trước Ty Thông tin là nơi trung tâm, đông đảo người qua lại có thể gây nhiều xáo trộn cho thị xã” (23), Tỉnh trưởng Khánh Hòa đã chấp thuận.

Chính địa điểm này, lúc 14g30 ngày 26-1-1965, Phật tử Đào Thị Yến Phi (17 tuổi) đã tự thiêu, để lại ba bức thư. Thư gửi cho mẹ, có đoạn viết: “Con tin rằng việc làm của con ngày hôm nay giúp ít nhiều cho Đạo pháp, Mẹ đừng vì con mà tiếc thương bi lụy. Con không mất và sẽ còn mãi mãi với dân tộc…”; Thư gửi cho quí Thượng toạ, Đại đức và Phật giáo đồ, Yến Phi viết: “Con, một Huynh trưởng của Gia đình Phật tử Chánh Quang xin phát nguyện thiêu đốt nhục thân để cúng dường Tam bảo, để cầu nguyện quốc thái dân an, cầu cho quí Thượng toạ, Đại đức, Tăng Ni pháp thể khương an, cầu nguyện cho Phật giáo đồ dư sức, thừa nghị lực để tranh đấu”; Và thư gửi Thủ tướng Trần Văn Hương, mong muốn “chính quyền sớm giác tỉnh và giải quyết các nguyện vọng của Phật giáo” (24).Cái chết của Đào Thị Yến Phi không chỉ gây xúc động trong giới Phật giáo Khánh Hòa mà còn có tác động mạnh đến phong trào đấu tranh của Phật giáo các tỉnh khác. Đám tang của Yến Phi có hàng ngàn người tham gia, đi chật cả đường phố, trở thành dịp để đồng bào biểu thị lòng yêu nước và ý chí đấu tranh.

Trước những đợt đấu tranh mạnh mẽ, liên tục của đồng bào, Phật tử ở các đô thị miền Nam, trong đó có Nha Trang, “Chính phủ Trần Văn Hương không đủ khả năng duy trì trật tự” (25), và bị lật đổ ngày 27-1-1965 sau khoảng 3 tháng tồn tại. Tìm hiểu về phong trào đô thị ở Nha Trang những năm 1964-1965, có thể rút ra một số nhận xét:  

Một là, giống như các đô thị khác ở miền Nam, phong trào đô thị ở Nha Trang những năm 1964-1965 nhằm mục tiêu chống dư đảng Cần lao và chống chính quyền quân phiệt, cụ thể làchống Nguyễn Khánh, chống Trần Văn Hương.

Hai là, trong những năm 1964-1965, phong trào đô thị ở Nha Trang diễn ra với nhiều hình thức, từ hình thức mức độ ôn hòa như phát truyền đơn, gọi loa, mít tinh, biểu tình đến hình thức mạnh mẽ, quyết liệt như tuyệt thực, cắt máu viết thỉnh nguyện, tự thiêu.  

Ba là, lực lượng nòng cốt tham gia các cuộc đấu tranh ở đô thị Nha Trang những năm 1964-1965 là học sinh và Tăng Ni, Phật tử dưới sự lãnh đạo của Hội đồng Nhân dân cứu quốc, Giáo hội Phật giáo và Ủy ban Bảo vệ Phật giáo tỉnh Khánh Hòa.    

Bốn là, phong trào đô thị ở Nha Trang những năm 1964-1965 có sự ủng hộ, phối hợp đấu tranh đối với các đô thị khác ở miền Nam. Chẳng hạn, trong cuộc biểu tình sáng 12-9-1964, khoảng 700 thanh niên, học sinh Nha Trang đã giương cao biểu ngữ “Ủng hộ Hội đồng Nhân dân cứu quốc Huế - Đà Nẵng” (26); Đổi lại, cuộc tranh đấu của đồng bào Nha Trang cũng nhận được sự ủng hộ từ các địa phương khác. Ví dụ, khi hay tin Phật tử Đào Thị Yến Phi tự thiêu (26-1-1965), sáng 6-2-1965, Gia đình Phật tử Thừa Thiên Huế tổ chức rước di ảnh của Yến Phi. Đoàn rước độ 10.000 người, có Quốc kỳ, Giáo kỳ dẫn đầu và mang theo các biểu ngữ “Tưởng niệm nữ Huynh trưởng Đào Thị Yến Phi vị pháp thiêu thân”. Lúc 8g, từ chùa Diệu Đế, đoàn rước di ảnh bắt đầu diễu hành qua các đường Trần Hưng Đạo, cầu Nguyễn Hoàng, đường Lê Lợi, Lam Sơn đến chùa Từ Đàm. Tại đây, lúc 10g, lễ truy điệu Yến Phi được cử hành, đồng thời khai mạc đại hội thường niên của Huynh trưởng Gia đình Phật tử Thừa Thiên (27).

_____________

CHÚ THÍCH

* PGS. TS. Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế. .

** Trường Cao đẳng Mẫu giáo Nha Trang, NCS Trường ĐHSP Huế

(1). Việt Nam Cộng hòa (1974), Địa phương chí thị xã Nha Trang, Bản lưu tại Thư viện tỉnh Khánh Hòa, tr. 14..

(2). Tuần báo Lập trường, số 24, ra ngày 5-9-1964.

(3). Đỗ Mậu (1993), Việt Nam máu lửa quê hương tôi, Nxb Văn nghệ, Wesminster, CA, USA.>.

(4), (15). Tuần báo Lập trường, số 29 ngày 29-10-1964.>.

(5), (8), (9), (10), (11), (26). Tỉnh trưởng Khánh Hòa (1964), Công văn số 3614/NA/CT/2M về Tình hình tổng quát tại địa phương Khánh Hòa xung quanh biến cố ngày 13-9-1964, TTLTQGII, Tp. HCM, ký hiệu PTTg 15651.>.

(6). Nguyên là Quận trưởng quận Hoài Nhơn - Bình Định.

(7). Theo Đỗ Mậu trong Việt Nam máu lửa quê hương tôi, Võ Sĩ là một trong những người cầm đầu nhóm Cần lao Công giáo tại Khánh Hòa trước 1963.

(12). Trần Văn Giàu (2006), Miền Nam giữ vững thành đồng, Nxb QĐND, Hà Nội, tr. 1341.

(13). Trần Bá Đệ, Lê Cung (2008), Giáo trình lịch sử Việt Nam, Tập VII, từ 1954 đến 1975, Nxb ĐHSP, Hà Nội, tr. 159.

(14). Lê Công Cơ (2006), Năm tháng dâng người (hồi ký), Nxb Phụ nữ, Hà Nội, tr. 213.

(16). Quách Tấn (1969), Xứ Trầm hương, Hội VHNT Khánh Hòa, tr. 318.

(17). Tỉnh trưởng Khánh Hòa (1965), Công điện số 27/NA/CT/2M, ngày 12-1-1965, TTLTQGII, Tp. HCM, Ký hiệu PTTg 15651.

(18). Nay là Quảng trường trước Trung tâm văn hóa tỉnh Khánh Hòa, số 5 đường 2-4.

(19). Vùng II chiến thuật (1965), Công điện ngày 9-1-1965, TTLTQGII, Tp.HCM, ký hiệu PTTg 29547.

(20). Vân Thanh (1974), Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam qua các thời đại và phát nguồn của các giáo phái, Phật Học viện Trung phần và các chùa xuất bản, Sài Gòn, tr. 381.

(21). Nha Tổng giám đốc CSQG (1965), Công điện số 738/L6/B ngày 25-1-1965, TTLTQGII, Tp.HCM, ký hiệu PTTg 29547.

(22). Tỉnh trưởng Khánh Hòa (1965), Công điện số 64/VP/M ngày 25-1-1965, TTLTQGII, Tp.HCM, ký hiệu PTTg 29547.

(23). Tỉnh trưởng Khánh Hòa (1965), Công điện số 66/VP/M ngày 26-1-1965, TTLTQGII, Tp.HCM, ký hiệu PTTg 29547.>.

(24). Trí Bửu (2016), Khánh Hòa tưởng niệm 51 năm Thánh từ đạo Đào Thị Yến Phi, http://www.phattuvietnam.net/, truy cập ngày 6-4-2016.

(25). Báo Nhân dân, số 3955, thứ Năm, ngày 28-1-1965.

(27). Tổng Nha giám đốc CSQG (1966), Công điện số 1081/F7/C., ngày 11-2-1965, TTLTQGII, Tp. HCM, Ký hiệu PTTg 29531.

 

Nguồn: tác giả gửi cho trang SH

 

Các bài cùng tác giả


 ▪ Chính Sách Tôn Giáo Của Chính Quyền Ngô Đình Diệm - Lê Cung

Lời đầu: Chính Sách Của Chính Quyền Ngô Đình Diệm Đối Với Phật Giáo Miền Nam Trên Lãnh Vực Tư Tưởng Chí - Lê Cung

Chính Sách Tôn Giáo Của Chính Quyền Ngô Đình Diệm - Lê Cung

Chính Sách Của Chính Quyền Ngô Đình Diệm Đối Với Phật Giáo Miền Nam - Phần I - Về kinh tế - xã hội - Lê Cung

Nhận Thức Lịch Sử Cần Được Khẳng Định Về Linh Mục Dòng Tên Alexandre De Rhodes - GS Lê Cung

Mưu Đồ Chính Trị Của Alexandre De Rhodes và Vấn Đề Chữ Quốc Ngữ - Hoàng Văn Lân & Đặng Huy Vận

Người Quảng Bình, Thử Nhìn Từ Phía Phản Diện (Đỗ Mậu, Nhìn Từ Góc Độ Văn Hóa) - GS Lê Cung

Mưu Đồ Chính Trị Của Alexandre De Rhodes và Vấn Đề Chữ Quốc Ngữ - Hoàng Văn Lân & Đặng Huy Vận

Qua “Thiên Hạ Đại Thế Luận”, Luận Về Lập Trường Chính Trị Của Nguyễn Trường Tộ - Lê Cung

Hội An Nam Phật Học Và Vị Trí Của Huế Trong Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo Ở Việt Nam Thế Kỷ XX - Lê Cung

Chính Sách Của Mỹ Đối Với Chính Quyền Ngô Đình Diệm và Phong Trào Phật Giáo Miền Nam 1963 - Lê Cung

Phật Giáo Với Sự Nghiệp Của Các Chúa Nguyễn Ở Đàng Trong (1558 - 1777) - Lê Cung

Bàn Về “Cuộc Cách Mạng Tư Sản Pháp (1789 – 1799)” Trong Dạy – Học Ở Bậc Đại Học Và Cao Đẳng - Lê Cung

Tinh Thần Đại Sư Khuông Việt Trong Phong Trào Phật Giáo Miền Nam Việt Nam Năm 1963 - Lê Cung

Chính Sách Nội Trị Và Ngoại Giao Của Nhà Tiền Lê Qua Thi Pháp Của Thiền Sư Đỗ Pháp Thuận - GS Lê Cung

Những Tiền Đề Xác Lập Vai Trò Phật Giáo Trong Việc Hình Thành Vương Triều Lý Vào Đầu Thế Kỷ XI - GS Lê Cung

PHONG TRÀO PHẬT GIÁO Ở KHÁNH HOÀ NĂM 1963 - GS Lê Cung & Nguyễn Trung Triều

Cuộc Tự Thiêu Vì Hoà Bình Của Đại Đức Thích Viên Đạo Ngày 17-10-1973 - GS Lê Cung

Bàn Thêm Về Sự Nghiệp Phật Hoàng Trần Nhân Tông - GS Lê Cung

Chính Sách Của Chính Quyền Ngô Đình Diệm Đối Với Phật Giáo Miền Nam Việt Nam (1954 - 1963) - GS Lê Cung

Huế - Nơi Mở Đầu Cuộc Vận Động Của Phật Giáo Việt Nam Năm 1963 - GS Lê Cung

Khát Vọng Giải Phóng “Những Người Cùng Khổ” - Nét Lớn Trong Sự Gặp Gỡ Giữa Tư Tưởng Hồ Chí Minh Và Tư - GS Lê Cung

PHẬT HỌC VIỆN HẢI ĐỨC NHA TRANG VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG CỦA PHẬT GIÁO MIỀN NAM NĂM 1963 - GS Lê Cung* & Nguyễn Trung Triều**

PHONG TRÀO ĐÔ THỊ NHA TRANG NHỮNG NĂM 1964-1965 - GS Lê Cung & Nguyễn Trung Triều

Sinh Viên, Học Sinh Các Đô Thị Miền Nam Trong Phong Trào Phật Giáo Năm 1963 - GS Lê Cung

Để Tuổi Trẻ Việt Nam Đến Với Phật Giáo Trong Thời Hội Nhập - GS Lê Cung

Vai Trò Quần Chúng Nhân Dân Trong Cuộc Vận Động Của Phật Giáo Việt Nam Năm 1963 - GS Lê Cung


▪ ▪

Trang Thời Sự