●   Bản rời    

Chính Sách Của Chính Quyền Ngô Đình Diệm Đối Với Phật Giáo Miền Nam Trên Lãnh Vực Tư Tưởng Chính trị

Chính Sách Của Chính Quyền Ngô Đình Diệm

Đối Với Phật Giáo Miền Nam

Trên Lãnh Vực Tư Tưởng Chính trị

Lê Cung

http://sachhiem.net/LICHSU/L/LeCung.php

13-Jul-2020

Lời đầu

Hệ tư tưởng của chế độ Ngô Đình Diệm là chủ nghĩa nhân vị, mà Ngô Đình Nhu là kẻ chủ xướng. Theo Ngô Đình Nhu chỉ có chủ nghĩa nhân vị mới bài trừ được lạc hậu và đẩy lùi được chủ nghĩa phát xít, Ngô Đình Nhu viết: "Trong một xã hội hậu tiến như Việt Nam, nhiều cơ cấu nội bộ không thích hợp với một chế độ kinh tế lấy nhân vị làm căn bản. Người ta chỉ phí công nếu chỉ bằng lòng tô sửa lại những đường nứt nẻ ở một tòa nhà lung lay sắp đổ nát. Nếu là cần, chúng ta phải mạnh dạn đập tan những cơ cấu lỗi thời ấy đi để đặt nền tảng cho những công cuộc xây dựng mới lấy sự giải phóng nhân vị làm tiêu chuẩn. Làm như thế, chúng ta sẽ tránh khỏi sự cám dỗ của chủ nghĩa mac-xit là thuyết đã chủ trương quyền tối thượng của kinh tế trên nhân vị" (1) .

Trong phần mở đầu của bản Hiến pháp của cái gọi là "nền Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam" năm 1956, chủ nghĩa nhân vị được xem là tiêu điểm mà hầu hết lãnh vực quốc gia phải khuôn theo: "Xây dựng dân chủ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho toàn dân trong sự tôn trọng nhân vị" (2) .

Từ năm 1956, chủ nghĩa nhân vị được các linh mục giảng dạy ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, tiếp theo Ngô Đình Diệm cho thành lập Trung tâm Huấn luyện Nhân vị Vĩnh Long. Ban Giám đốc và Ban Giảng huấn đều là các linh mục hoặc tín đồ Thiên Chúa giáo, đặt dưới quyền quản lý trực tiếp của Ngô Đình Thục. Cán bộ viên chức nhà nước từ Trung ương xuống địa phương (tỉnh, quận) đều phải về thụ huấn tại Trung tâm Huấn luyện Nhân vị Vĩnh Long. Công văn số 678 - YT/VP ngày 9-1-1958 của Bộ Y tế gửi các bộ viết: "Để thi hành thông tư số 172 - TTP ngày 31-12-1957 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, trong phiên họp ngày 28-12-1957, quý vị đã ủy nhiệm cho tôi sắp đặt việc đề cử nhân viên theo học các khóa huấn luyện nhân vị trong năm 1958."

   "Để công việc này được tiến hành một cách chu đáo vì khóa đầu tiên khai giảng vào khoảng đầu tháng 3 dương lịch 1958 sắp tới, tôi yêu cầu cho gửi đến bộ tôi trước ngày 31-1-1958 một danh sách tổng số nhân viên thuộc quý Bộ đủ điều kiện văn hóa ấn định trong thông tư chiếu thượng của Tổng thống và có thiện chí học tập được quý Bộ đề cử theo học các khóa huấn luyện nhân vị trong năm 1958" (3)

Điều cay đắng cho các học viên khi về Vĩnh Long, họ chỉ nghe các linh mục giảng dạy gần như hoàn toàn giáo lý Thiên Chúa giáo, mua chuộc theo Thiên Chúa giáo, đồng thời chỉ trích giáo lý Phật giáo, gây chia rẽ trong nội bộ Phật giáo. Tài liệu dùng cho việc giảng dạy của Trung tâm viết: "Theo Phật giáo nguyên thủy, thì Đức Phật không bàn đến nguồn gốc vũ trụ. Ngài cho rằng vũ trụ biến chuyển, có có không không, mà hồn vũ trụ là Brahman (Phạm Thiên) cũng bị lôi cuốn trong vòng biến chuyển ấy".

   "Tư tưởng này của Đức Thích ca được phái Tiểu thừa nhất loạt tuân theo."

   "Nhưng vì thấy quan điểm này quá hẹp hòi, phản tiến hóa, nên đạo sĩ Ashvagosha mới lập ra phái Đại thừa"(4).

Đoạn trích dẫn trên rõ ràng là xuyên tạc có ý thức về tư tưởng Phật giáo nguyên thủy. Nguồn gốc của vũ trụ, hay thực tướng của vũ trụ, theo tư tưởng của Phật giáo nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa là vũ trụ Duyên khởi (Paticcasa-muppada). Vì vũ trụ do Duyên khởi, nên câu hỏi về nguồn gốc của nó, hay câu hỏi về nguyên nhân đầu tiên trở thành không hợp. Quan điểm của luận sư Ashvagosha (Mã sinh) là "chân như duyên khởi" hoàn toàn không có gì trái với quan điểm vũ trụ duyên khởi của Phật giáo nguyên thủy.

Do vậy, dù cho dưới chế độ Ngô Đình Diệm "mãnh bằng nhân vị" là điều kiện tối quan trọng để thăng quan tiến chức hoặc ít nữa cũng tạm thời yên ổn trước sự theo dõi của chế độ, nhưng vẫn gây không ít bất mãn, chán nản đối với học viên.

Đỗ Thọ, một tùy viên thân tín của Ngô Đình Diệm trong hồi ký của mình, đã phải chua chát thừa nhận: "Hình thức tu nghiệp cho viên chức ở Vĩnh Long do Đức Cha khởi xướng, Tổng thống Ngô Đình Diệm rất ưa thích. Tổng thống cứ nghĩ rằng công chức có dịp sẽ tiến bộ về hiệu năng làm việc cũng như hiểu thấu được chủ nghĩa nhân vị."

   "Nhưng Đức Cha và Tổng thống đâu biết những lời than trách của các công chức "bị" đi tu nghiệp chủ thuyết. Trong những dịp đi kinh lý theo Tổng thống, tôi gặp những công chức quen biết, họ than vãn phải theo học ở Vĩnh Long. Tiên tài tốn kém mà chẳng bổ ích tí nào. Ở nhà vợ con trông, tiền lương chia ra để tiêu sao mà đủ được..."

   "Những công chức thấp cổ bé miệng họ thân thiết với tôi nhưng nói cũng rất dè dặt. Và từng ấy cũng đủ cho tôi hiểu và tưởng tượng sự việc đi tu nghiệp ở Vĩnh Long"(5) .

Trên thực tế đã có những cán bộ viên chức đã phản ánh bằng cách này hoặc cách khác để lẩn tránh không chịu tham gia thụ huấn. Chính công văn số 17096/YT/VP ngày 22-8-1958 của Bộ Y tế gửi các bộ, đã tiết lộ: "Bộ tôi nhận thấy trong mỗi khóa, khi danh sách khóa sinh đã lập xong và với sự thỏa thuận của các bộ, vẫn có những can thiệp vào giờ phút cuối cùng để giữ nhân viên lại, làm xáo trộn danh sách và nhiều khi, không đủ số khóa sinh đã định.

"Vì vậy, Bộ tôi quyết định, kể từ nay không chấp nhận sự can thiệp tương tự và đối với những trường hợp chạy chửa riêng để khỏi đi dự huấn luyện Bộ tôi sẽ trình lên Tổng thống định đoạt".(6)

Mặt khác trung tâm còn đảm nhận nhiệm vụ đào tạo những "cán bộ nhân vị" nòng cốt để làm nhiệm vụ xung kích trong việc tuyên truyền chủ nghĩa nhân vị xuống tận dân. Tài liệu của chính Trung tâm Huấn luyện Nhân vị Vĩnh Long cho biết: "Với mục đích phổ biến lý tưởng nhân vị, mà Trung tâm Huấn luyện Nhân vị toàn quốc ở Vĩnh Long, do Đức Cha Ngô Đình Thục sáng lập dưới sự bảo trợ của chính phủ, trong hai năm nay đã tung ra khắp mọi nơi trên miền Nam vĩ tuyến, trên hai ngàn cán bộ nhân vị đang âm thầm hoặc công khai thành tâm phục vụ lý tưởng".(7)

Khi chủ nghĩa nhân vị xuống tận nông thôn thì chính sách Phật giáo của chế độ càng trở nên khốc liệt và là một thảm trạng đối với nhân dân, nhất là ở các tỉnh miền Trung.

Tại Quảng Ngãi, bằng việc tổ chức các lớp học chủ nghĩa nhân vị, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bắt ép dân, chủ yếu là tín đồ Phật giáo bỏ đạo của mình để theo Thiên Chúa giáo. Có nơi Phật giáo bị đả kích mạnh. Nếu những ai phản đối thì đủ mọi thứ tai ương ập đến. Chúng ta sẽ có bức tranh chính xác về chính sách nham hiểm đối với Phật giáo của chế độ NĐD qua một số trích dẫn sau:

Thư đề ngày 23-10-1961 của Hội trưởng Hội Phật giáo Quảng Ngãi gửi Tỉnh trưởng: "Tại Bình Thiện, chính quyền địa phương đã tổ chức lớp học về duy linh rồi lợi dụng lớp học ấy mà xuyên tạc đạo Phật của chúng tôi, dọa nạt và bắt hội viên của chúng tôi phải ký đơn qua Thiên Chúa giáo, nếu không sẽ đi học tập dài hạn tại quận và tỉnh..."

   "Tại Bình Kỳ, ông hội viên cảnh sát đã tổ chức một cuộc họp của đội diệt cộng (trong đó đa số là hội viên Phật giáo). Trong cuộc họp ấy, ông tuyên bố: "Tất cả những ai trươc theo tôn giáo khác nay phải vào Thiên Chúa giáo hết, nếu không sẽ khai trừ ra khỏi đội diệt cộng, đồng thời lập hồ sơ để đưa về chi công an tỉnh học tập dài hạn"(8).

Thư đề ngày 12-12-1961 của khuôn hội Phật giáo Hà Nhai gửi Ban trị sự tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi viết: "Gần đây hội đồng xã Sơn Trung có tổ chức một lớp học tại thôn Hà Nhai về thuyết duy linh thời gian bốn ngày và duy trì thêm một ngày nữa để buộc hội viên chúng tôi bỏ Phật giáo qua công giáo. Số lượng hội viên nói chung toàn trường là 150 người mà phần đông là hội viên Phật giáo...Lớp học duy linh ấy bài xích Phật giáo và nói đạo Phật là đường mê muội tối tăm chỉ có Thiên Chúa giáo có Đức Chúa Giê-su là đứng đáng kính và có phép màu nhiệm, người chết thui mà chỉ sống lại...Trong lớp học không ai phát biểu và chất vấn nhiều, họ nói chỉ biết Tin Chúa, Tin Trời là được. Nếu người nào chịu tin Chúa, chưa chịu tin Trời coi như chưa thấm nhuần tài liệu thì phải đi học mãi, lớp này đến lớp nọ" (9).

Thư đề ngày 23-9-1961 của khuôn hội Phật giáo xã Sơn Mỹ gửi Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi cho biết: "Trong thời gian gần đây cứ theo các vức báo cáo có ông thầy Dư người công giáo ở Phú Hòa về giảng đạo và dạy thuyết duy linh tại xã Sơn Mỹ, đi đến thôn ông ấy dùng lời lẽ ép hội viên chính thức của Phật giáo, buộc họ ký đơn tình nguyện vào Thiên Chúa giáo, nếu không thì dùng biện pháp chính quyền khủng bố như ghép vào tội tình nghi, lướng hướng, bắt học tập, thu giấy căn cước, và thẻ chứng minh của Phật giáo, làm cho sự sinh hoạt trở ngại" (10) .

Ở Phú Yên, tín đồ Phật giáo cũng bị chính quyền địa phương bắt ép vào TCG bằng sức ép chính trị. "Biên bản hội nghị rộng rãi của khuôn hội Phật giáo Hòa Quang", quận Tuy Hòa ngày 13-7-1961 ghi: "Ông Trần Di thôn Mậu Lâm đã đứng lên run rẩy vì quá xúc động và kính thưa hội viên, với giọng nói nghẹn ngào oán thán ông đã im bặt một phút để cho hàng lệ chảy trên khuôn mặt gầy gò, làm cho cử tọa bùi ngùi và hội trường trở nên căng thẳng. Sau đó ông đã thổn thức trình bày rằng: "Vào ngày 6 và 7 tháng 7 liên gia mời đồng bào trong thôn tập trung tại 3 địa điểm...nhưng đến nơi không học tập mà lại tuyên bố rằng: "Ai được ký tên vào Công giáo thì được về nhà làm ăn, bằng không thì ở lại học tập mãi bao giờ chịu ký mới về. Sau đó có nhiều người cũng như tôi không chịu về. Hôm sau họ bắt con trai tôi...đi gác một mình trên núi xa, sau khi về vì sợ hãi quá con tôi phải xin vô công giáo". Hơn thế nữa những kẻ chủ trì buổi họp đã trắng trợn tuyên bố rằng: "cấm không ai được qua lại từ nhà này sang nhà khác ai vi phạm kẻ ấy là tiếp tế cộng sản hoặc nói xấu công giáo sẽ bị bắt bớ đánh đập" (11) .

Rất nhiều trường hợp, tín đồ Phật giáo bị bắt bớ, giam cầm, bị đánh đập tra tấn. Thư đề ngày 27-11-1961 của khuôn hội Phật giáo Hòa Vinh gửi Tỉnh hội Phật giáo Phú Yên cho biết: "Ông Lê Đức Ngưng Tổng thư ký trong ban trị sự khuôn hội...không biết lý do gì mà hội đồng xã bắt giam tại trụ sở một tuần nhật rồi giải về quận giam cầm nay đã gần hai tháng chưa thả".

"Ông Võ Cho 62 tuổi giúp trong ban nghi lễ khuôn hội không biết lý do gì mà Hội đồng xã bắt ông tra tấn đánh đập đến nỗi bệnh mà hiện nay vợ con đến xin ông đại diện cho đem về nhà đổ thuốc".

"Đạo hữu trong khuôn hội cũng có một số bị hội đồng xã bắt giam tại trụ sở 3 ngày rồi trong số ấy người nào tình nguyện theo công giáo thì được thả về còn người nào chưa tình nguyện thì chưa thả" (12).

Có tín đồ Phật giáo bị thủ tiêu bằng cách chôn sống như các ông Nguyễn Chuyển, Đỗ Thìn ở thôn Mậu Lâm, xã Hòa Quang, quận Tuy Hòa.

Để bắt ép tín đồ Phật giáo theo Thiên Chúa giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm còn sử dụng đến phương châm "chiếc gậy và củ cà rốt". Ông Trần Kỷ thôn Phú Xuân, xã Xuân Phước, quận Đồng Xuân (Phú Yên) cho biết một cán bộ xã đã nói với ông như sau: "Tôi thấy anh là người trong trắng nên tôi rủ anh đi để hưởng được quyền tự do hạnh phúc vì khả năng anh có thể làm được một ông cán bộ, hay ông ấp trưởng chẳng hạn, tôi nói như vậy chớ vô hay không vô tùy anh. Anh coi bữa nay người ta vô công giáo hết, còn bao nhiêu thì bị tố, bị bắt cũng là đạo Phật nhiều hơn, nếu anh có ở trong đó có bị lây thì uổng lắm". Ông Trần Kỷ bị hăm dọa: "Bây giờ anh vô thì không có gì hết mà không vô thì tôi cho anh biết nội trong năm nay không biết tháng nào anh cũng bị người ta, anh có biết không? Ông quận trưởng cũng Công giáo, chi công an cũng Công giáo, đại diện xã cũng Công giáo, tôi thường đi nhà thờ huyện, tôi biết người ta ngó chăm chăm trong đạo Phật của anh và nói chung trong gia đình đạo Phật nhiều hơn...những người vô Công giáo nếu truyền đơn gạc rãi một bên, cũng không sao, chứ Phật giáo người ta túm cổ". (13)

Trên nền tảng của chủ nghĩa nhân vị, gia đình họ Ngô đẩy mạnh việc xây dựng đảng Cần Lao nhân vị nhằm làm đội quân chủ lực cho chế độ. Lúc đầu, Ngô Đình Nhu chủ trương lấy tín đồ Thiên Chúa giáo làm nòng cốt, nhưng người các tôn giáo khác vẫn được thu nạp vào đảng. Từ cuối năm 1957, sau khi tạm thời vượt qua những khó khăn buổi đầu, chế độ dường như đã vững mạnh, gia đình họ Ngô chủ trương phải có một chủ lực thuần nhất, hoàn toàn trung kiên để đối đầu với lực lượng cách mạng, đảng Cần Lao Nhân vị biến thành đảng: "Cần Lao Thiên Chúa giáo", lấy tôn giáo làm yếu tố ưu tiên, và độc nhất cho mọi chính sách, nhất là chính sách nhân sự, nên đảng viên hầu hết là tín đồ Thiên Chúa giáo. Kẻ nào vào đảng phải tuyên thệ có sự chứng giám của một vị linh mục thề chiến đấu vì Chúa "đem hết thể xác và linh hồn cho đến hơi thở cuối cùng để chống cộng sản vô thần, chống Phật giáo ma quỷ, chống các đảng phái quốc gia" (14). Kẻ có chân trong đảng cần lao là thể hiện sự trung thành đối với chế độ, được chế độ tin tưởng và cất nhắc, "cần lao là con đường duy nhất để đưa người vào công giáo, và chỉ người công giáo mà thôi vào chính quyền" (15).

Do chính sách trên đây, bộ máy cai trị của nhà nước Diệm thể hiện tính chất "giáo trị" một chiều hết sức cao độ.

Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, phó đô trưởng kiêm thủ lĩnh Thanh niên cộng hòa và hầu hết các quận trưởng là Cần Lao Thiên Chúa giáo.

Đến đầu năm 1963, hầu hết các tỉnh trưởng, thị trưởng đều là người Cần Lao Thiên Chúa giáo (trừ tỉnh trưởng Thừa Thiên, Phú Yên và thị trưởng Đà Lạt). Sau khi phong trào Phật giáo miền Nam 1963 bùng nổ, các tỉnh trưởng Thừa Thiên, Phú Yên bị cách chức để thay thế bằng người Cần Lao Thiên Chúa giáo.

Ở thôn xã, thực hiện chính sách đề cao Thiên Chúa giáo, chế độ Ngô Đình Diệm đã bãi bỏ các hội đồng dân cử và thay bằng cách "chỉ định". "Một trong những khuyết điểm lớn nhất của Diệm trong năm 1956 là việc các viên chức làng xã được bầu cử đã bị chính quyền trung ương thay thế một cách độc đoán bằng những kẻ tay sai được chỉ định" (16).

Bằng những biện pháp trên, chính quyền NĐD đã nhanh chóng "Thiên Chúa giáo hóa" bộ máy chính quyền thôn xã, các thôn trưởng đều nằm trong tay những người Cần Lao Thiên Chúa giáo. Do "chế độ chỉ định" nên bộ máy chính quyền thôn xã ra sức bạo hành ức hiếp lương dân, mà nạn nhân chủ yếu là những người không cùng tôn giáo với Diệm.

Dưới chế độ Ngô Đình Diệm, hiện tượng "linh mục chế", một hình thức "siêu chính phủ" rất phổ biến. Các linh mục có một thế lực chính trị rất lớn. Họ không ngần ngại tìm cách đưa con chiên của mình vào thay thế các quận trưởng hay xã trưởng không công giáo. Nguyễn Chánh Thi, người cầm đầu cuộc đảo chánh (11-11-1963) viết: "Hầu như mỗi tỉnh của miền Nam, nhất là tại miền Trung, cứ mỗi tỉnh có một linh mục có quyền sinh sát trong tay mà chả ai đã động đến, vì đằng sau linh mục có sức mạnh của chính quyền. Họ còn lộng hành hơn là nhận đơn kiện cáo của con chiên, rồi phê vào đơn, đưa đến quận trưởng, tỉnh trưởng, bảo phải xử theo ý linh mục, không thì mất chức" (17) . Theo Chu Bằng Lĩnh: "Thời đó dân chúng xầm xì biết bao nhiêu chuyện về cha này, cha nọ...Việc gì khó đến đâu, cứ đến tay "các cha" là xong hết! Mà từ trên địa hạt nào cũng thấy bóng dáng áo đen lẫn vào: chính trị, kinh tế, thương mại v.v..." (18) .

Hiện tượng "linh mục chế" xuống đến tận thôn xã. Một số giáo sĩ và tín đồ cầm nắm hay chi phối tất cả mọi quyền và lợi, ban này hay ban kia của chính quyền chỉ là công cụ hoặc áo tuồng mà thôi (19) . Do đó, ở nông thôn, nhất là tại các "khu dinh điền", "khu trù mật" và đặc biệt là "ấp chiến lược", Phật giáo đồ là đối tượng bị ngược đãi và tấn công của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngay cả một xã gồm ba hay bốn làng đi nữa, nếu chỉ có một người theo Thiên Chúa giáo, thì người ấy vẫn cầm đầu hoặc thực sự khống chế (20) . "Ấp chiến lược" xét trên tất cả các mặt "là cơn ác mộng khủng khiếp đối với Phật giáo! Từ hai cái chiêu bài gọi là "chống cộng hạ tầng" và "dân chủ pháp trị", ấp chiến lược thực là chiến lược và chiến thuật vĩ đại của cái sách "giáo trị một chiều". Từ sự dụng ý đến sự dùng người, từ sự đặt để đến sự quản trị, từ sự bố trí đến sự tổ chức, ấp chiến lược như những chiếc nơm sắt, lớn và chắc, chụp xuống tất cả tư tưởng, nhất là tín ngưỡng, của dân tộc Việt Nam" (21).

Trong quân đội, chính sách kỳ thị Phật giáo, độc tôn Thiên Chúa giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm cũng thể hiện rất rõ nét. Quân đội Diệm "xây dựng theo nguyên tắc 3Đ (Đảng, Đạo, Địa phương)" (22). Với nguyên tắc này, dưới chế độ Diệm, "việc bổ nhiệm các chức vụ quan trọng trong quân đội thường được nhắm vào tiêu chuẩn: có chân trong đảng Cần Lao (đảng của chính quyền), có đạo công giáo" (23). Chủ tịch phong trào Cách mạng Quốc gia (một tổ chức vươn dài của đảng Cần Lao) trong quân đội Diệm đã nói với các sĩ quan rằng: "Các anh có vị thế tốt trong quân đội, nhưng chưa đủ đảm bảo, vì chưa hiểu thấu về chính trị. Cần phải nhập cuộc, nghĩa là tuyên thệ gia nhập phong trào thì tương lai được đảm bảo hơn" (24).

Từ năm 1957, chế độ Diệm đã cho thành lập "Liên đoàn sĩ quan Thiên Chúa giáo", khu thủ đô do trung tá Nguyễn Văn Châu, Giám đốc nha Chiến tranh tâm lý Bộ Quốc phòng, làm chủ tịch, nhằm tập hợp lực lượng Thiên Chúa giáo trong quân đội để làm nòng cốt và dùng số này để khống chế bộ phận sĩ quan không cùng tín ngưỡng.

Do vậy, dù cho quân đội Diệm đa số là tín đồ Phật giáo, nhưng sĩ quan chỉ huy phần lớn là tín đồ Thiên Chúa giáo. Trong số 9 sư đoàn bộ binh của Diệm đã có tới 7 sư đoàn trưởng là tín đồ Thiên Chúa giáo. Sĩ quan Thiên Chúa giáo nắm giữ các chức vụ quan trọng và được thăng chức rất nhanh chóng như Trần Thanh Chiêu mặc dầu chưa qua trường lớp quân sự nào, trong vòng 5 năm, được thăng chức từ trung úy lên trung tá, như Lê Quang Tung lúc Diệm mới về nước chỉ là sĩ quan mới ra trường nhưng đến năm 1963 đã lên đến đại tá, như Trần Ngọc Tám, tay chân thân tín của Ngô Đình Thục, tỉnh trưởng tỉnh Vĩnh Long, từ năm 1954 đến năm 1958 đã được thăng ba cấp từ thiếu tá lên thiếu tướng (25) . Trong lúc đó nhiều sĩ quan tín đồ Phật giáo bị o ép trù dập, khó có thể ngoi lên được, như Linh Quang Viên, khi Diệm mới lập chính phủ đã là đại tá, nhưng 9 năm sau vẫn là đại tá, như Vĩnh Lộc, Huỳnh Văn Tôn và hàng trăm sĩ quan khác, trong suốt 9 năm của chế độ Diệm chỉ được thăng lên một bậc, lại không được giữ chức vụ chỉ huy.

Những bộ phân có quyền và béo bở trong cơ quan thì hầu hết là người Thiên Chúa giáo nắm giữ. Thí dụ "trong một cơ sở an ninh quân đội, có 54 nhân viên mà lại đến 50 người là Thiên Chúa giáo" (26). Sở dĩ có tình trạng này là vì "tại các đơn vị quân đội, đơn vị trưởng chọn lấy sĩ quan an ninh, nhưng đơn vị trưởng đa số là người cùng tín ngưỡng Thiên Chúa giáo của Ngô Tổng thống hoặc chịu sự khống chế của cố vấn, thì sĩ quan an ninh được lựa chọn là ai, và ai là nạn nhân khỏi hỏi và khỏi nói" (27) . Vì vậy tín đồ Phật giáo tuy chiếm đa số mà vẫn khiếp sợ trước bộ phận thiểu số Thiên Chúa giáo.

Trong trang bị, huấn luyện cũng vậy. Donalde Harington, một mục sư Tin lành ngày 30-6-1963 diễn thuyết tại nhà thờ lớn New York đã vạch ra rằng: "Các tư lệnh tiểu đoàn Thiên Chúa giáo trong quân đội miền Nam Việt Nam được trang bị với vũ khí hạng nặng và đầy đủ hơn những người không phải là Thiên Chúa giáo (28) .

Nổi bật nhất là "chế độ tuyên úy" trong quân đội từ cấp trung đoàn trở lên cấp trung ương thì có Nha tuyên úy dù cho tín đồ Thiên Chúa giáo trong quân đội Diệm chỉ là thiểu số. Trái lại, Phật giáo dù là số đông vẫn không có tuyên úy. Để đối phó với sự phản ứng công khai của tín đồ Phật giáo trong quân đội, Diệm dùng nhiều biện pháp khác nhau: có lúc Diệm cũng nói đến tuyên úy Phật giáo, "khi thì nói riêng và nói bằng miệng, khi thì nói trên báo chí, có một lần nói bằng công văn, nhưng tất cả lời nói ấy đều lỏng lẻo... và công khai tỏ thái độ dùng sự chậm trễ của văn thư và nguyên tắc để làm cho việc thiết lập Tuyên úy Phật giáo không thể thực hiện được" (29); có lúc ra điều kiện là "Phật giáo, nếu lập tuyên úy, phải đặt dưới quyền tuyên úy Thiên Chúa giáo, tăng sĩ Phật giáo phải cởi áo, ăn mặn" (30) ; có lúc "nhằm mục đích chứng tỏ Phật giáo thấp kém bằng cách lựa chọn một vài vị tăng sĩ đã bị họ bắt đi lính hay một vài Phật tử thuộc nhiều kinh chú cho làm "ông sãi"giữ những nơi họ lập ra và cũng được gọi là chùa nhưng kì thực chỉ là một cái chòi sơ sài, xơ xác với một cái bàn thờ thảm hại, và "ông sãi" ấy thỉnh thoảng vác mõ đi đưa những xác chết nào được đưa về quân y viện. Đó là tuyên ý Phật giáo" (31) .

Cùng với "chế độ tuyên úy", nhà thờ Thiên Chúa giáo mọc lên khắp các doạnh trại quân đội. Trong "Việt Nam máu lửa quê hương tôi", Đỗ Mậu viết: "Sau khi thăm xong các doanh trại, Cẩm mời chúng tôi đến chiêm ngưỡng một ngôi "giáo đường", to lớn và khang trang. Tôi khen ngợi có sáng kiến tốt, đồng thời cũng hỏi xem Cẩm có thiết lập một ngôi chùa nào hay không, Cẩm trả lời "chưa". Tôi nổi nóng ngay và la Cẩm: "Ở đây chỉ có vài trăm binh sĩ theo Thiên Chúa giáo thì anh lo làm nhà thờ ngay, trong lúc đó có đến 3000 quân nhân theo Phật giáo thì anh không chịu để ý lo phần thiêng liêng của họ, anh làm vậy, binh sĩ sẽ ngờ rằng Tổng thống Diệm chủ trương kỳ thị tôn giáo, hơn nữa anh là cấp chỉ huy có đạo Thiên Chúa, anh sẽ mang tiếng bất công,... Không ngờ những lời tôi la mắng thiếu tá Cẩm hôm đó đã đem lại hậu quả tai hại cho tôi ngay sau đó" (32) .

Thảm hại hơn nữa là trong quân đội Diệm còn có chính sách ưu tiên cho một thứ quân đội, một thứ quân đội không nằm trong định chế, nhưng lại có đặc quyền kiểm soát, điều động và khống chế các bộ phận khác, đó là "quân đội Cần Lao". Lực lượng này khi ẩn khi hiện và chỉ chịu mệnh lệnh của văn phòng cố vấn mà thôi.

Ở nông thôn Diệm thành lập những đội vũ trang TCG đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của các linh mục. Ở ấp Bình Hưng (Cà Mau) có đội quân linh mục Nguyễn Lạc Hóa. Đội quân này đông tới 1200 người gồm toàn tín đồ Thiên Chúa giáo, được Mỹ - Diệm ưu tiên trang bị, kể cả việc xây dựng một sân bay lên thẳng. Giới chỉ huy quân sự Mỹ từng tuyên bố Bình Hưng là: "tấm gương cho toàn thế giới tự do noi theo", "chống lại tinh thần gan dạ này, chủ nghĩa cộng sản dứt khoát không thể thắng được" (33) . Ở vùng Trà Long (Cần Thơ), một trung tâm Thiên Chúa giáo, Diệm cũng cho tổ chức đội vũ trang Thiên Chúa giáo. Dưới thời Diệm, chi riêng vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, Mỹ - Diệm đã cho thành lập đến 8 đội quân vũ trang mang danh Thiên Chúa giáo kiểu Nguyễn Lạc Hóa. Ở miền Trung tiêu biểu có đội quân Tổng Giám mục. Tờ Newsweek (New York) ngày 27-5-1963 cho biết: "Tại nông thôn, có một số làng mạc đặt dưới quyền kiểm soát của các linh mục, họ có quân đội riêng phòng thủ. Ở vùng bờ biển phía Bắc quanh Huế có nhiều đơn vị nhỏ trong những đoàn quân ấy được mệnh danh là "quân đội Tổng Giám mục" chịu trách nhiệm trực tiếp với Tổng giám mục và nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ nhà thờ và các linh mục. Các linh mục được trang bị bằng vũ khí Hoa Kỳ và phần nào được cố vấn Mỹ huấn luyện" (34).

Chính sách kỳ thị Phật giáo, độc tôn Thiên Chúa giáo của chế độ Ngô Đình Diệm trong quân đội là một chính sách "Thiên Chúa giáo hóa" miền Nam. Nó là một thảm trạng đối với những người khác tôn giáo với Diệm, nhất là đối với tín đồ Phật giáo và đã trở thành một trong những nguồn gốc sâu xa đưa đến sự bất mãn của quân đội Diệm đối với chế độ, mà cuộc đảo chánh ngày 11-11-1960 và vụ ném bom vào Dinh Độc Lập ngày 27-2-1962 là những minh chứng cụ thể.

Ngoài ra, Ngô Đình Diệm còn cho thành lập nhiều tổ chức thanh niên Thiên Chúa giáo, như: "Thanh niên thôn quê Thiên Chúa giáo", "Thanh niên thánh nghiệp", "Sinh viên thánh mẫu", "Phong trào hùng tâm dũng trí"...Nhiều linh mục có mặt trong tổ chức "Thanh niên cộng hòa", một tổ chức "rường cột" của chế độ, nhằm khống chế thanh niên, khuyến khích thanh niên Thiên Chúa giáo.

Chúng ta thấy rằng đối với Phật giáo miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho thi hành một chính sách hết sức phản động trên lãnh vực tư tưởng - chính trị. Chủ nghĩa Nhân vị của Ngô Đình Nhu đã trở nên khó hiểu đối với người Việt Nam, Jerrold Shecter cho rằng: "Mặc dù nó được nêu ra như một "công thức dân tộc" để dung hòa những giá trị của phương Đông và phương Tây, chủ nghĩa nhân vị chưa bao giờ có một chỗ đứng ở Việt Nam do tính chất mơ hồ của những tư tưởng của nó và sự bất lực của gia đình họ Ngô không thể biến tư tưởng thành hành động" (35). Chính tay chân của gia đình họ Ngô thừa nhận: "Nhân vị đã được chính quyền chủ trương phổ biến...nhưng mấy ai hiểu rõ nhân vị là gì" (36). Đúng hơn, dưới con mắt của người Việt Nam, chủ nghĩa nhân vị của gia đình họ Ngô là "một thủ đoạn bịp bợm nhằm làm cho Thiên Chúa giáo trở nên hấp dẫn, gia đình họ Ngô tượng trưng không chỉ cho Thiên Chúa giáo mà cả cho sự can thiệp của nước ngoài" (37) .

Mặt khác chính sách "Thiên Chúa giáo hóa" bộ máy nhà nước từ trung ương xuống địa phương của chính quyền Ngô Đình Diệm đã gây nên những bất mãn và chống đối sâu rộng trong quần chúng Phật giáo. Nó đã trở thành một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự bùng nổ phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963. Chính linh mục Cao Văn Luận, nguyên Viện trưởng Viện Đại học Huế, một người thân tín với gia đình họ Ngô cũng đã thừa nhận. Khi phong trào Phật giáo vừa bùng nổ, chính Cao Văn Luận đã nói với Ngô Đình Thục rằng: "Sau di cư nhờ gần một triệu dân công giáo từ Bắc vào, con số đông hơn trước nhưng tỉ lệ vẫn là 10% hay kém hơn trong số dân Việt Nam vậy mà hiện nay mọi chức vụ lãnh đạo quốc gia đều nằm trong tay người công giáo.

Chỉ riêng điều này cũng có thể gây những bất mãn và chống đối trầm trọng chưa nói đến những lỗi lầm không thể tránh được của bất cứ chính quyền nào" (38) .

(Xem tiếp:)

Phần I: Về kinh tế - xã hội

Phần II: Về văn hóa – giáo dục

 

(Xem tiếp Phần II. Về Văn Hóa - Giáo Dục)

 

___________________

CHÚ THÍCH:

 

(1) Bùi Tuân. Xây dựng trên nhân vị. Nxb. Nhận thức, Huế, 1956, tr. 59.

(2) Dương Thành Mậu. Đường về nhân vị. Trung tâm Huấn luyện Nhân vị Vĩnh Long xuất bản, Sài Gòn, 1960, tr.46.

(3) Công văn số 678-YT/VP ngày 9-1-1958 của Bộ trưởng Y tế gửi các bộ. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC.01-HS.2412.

(4) Như chú thích 3, tr.77.

(5) Đỗ Thọ. Nhật ký Đỗ Thọ,  Nxb Đồng Nai, Sài Gòn, 1970, tr. 61, 62.

(6) Công văn số 17096-YT/VP của Bộ Y tê gửi các bộ ngày 22-8-1958. Trung tâm lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC. 01-HS.2421.

(7) Như chú thích 3, tr. 46, 47.

(8) , (10) Hồ sơ gửi Tổng thống và Quốc hội của Hội Phật giáo Trung phần ngày 20-12-1962. Thư viện trường cao cấp Phật học Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn, 1968.

(10), (12), (13) Hồ sơ gửi Tổng thống và Quốc hội của Hội Phật giáo Trung phần ngày 20-12-1962. Thư viện trường cao cấp Phật học Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn, 1968.

(14) Chu Bằng Lĩnh. Đảng Cần Lao. Nxb. Mẹ Việt Nam, San Diego, CA, USA, 1993, tr. 165.

(15) Như trên, tr. 196.

(16) Trần Văn Đôn, Our Endless War Inside Viet-Nam. Pressidio Press, San Rafaej, CA, USA, 1978, tr. 24.

(17) Nguyễn Chánh Thi. Việt Nam - Một trời tâm sự. Nxb. Anh Thư, Los Alamitos, CA, 1987, tr. 80.

(18) Như chú thích 15, tr. 128.

(19), (21), (22) Thích Trí Quang. Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam. Tuần báo Hải triều Âm, số 12, ngày 9-7-1963, tr. 2.

(22) Cao Văn Lượng. Âm mưu lợi dụng Giáo hội Thiên chúa giáo để đàn áp phong trào cách mạng miền Nam của Mỹ - Diệm. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 48, tháng 3, 1963, tr. 2-11.

(23) Đỗ Đức Thái. Thảm họa Việt Nam (Chính trường và Chiến trường). Chicago, Sài Gòn, 1964, tr. 103.

(24) Như chú thích 18

(25) Như chú thích 23

(26) , (28) Như chú thích 10

(28) South Vietnam: The Mandarins of Hue. Copy from Newsweek, May 27, 1963. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu TM-HS. 209, tr. 1-3.

(29) , (31) , (32),  Như chú thích 20.

(33) Đỗ Mậu. Việt Nam máu lửa quê hương tôi (Hồi ký chính trị). Nxb Văn nghệ, Westminster, CA, USA, 1993, tr. 55-56.

(33) Như chú thích 23

(34) Như chú thích 24

(35) Schecter Jerrold. The New Face of Buddha. John Weatherhill, Tokyo, 1967.

(36) Như chú thích 3

(37) Như chú thích 16, tr. 46.

(38) Cao Văn Luận, Bên dòng lịch sử, Nxb. Trí Dũng, Sài Gòn, 1972, tr. 315.

 

Nguồn tác giả gửi

Trang Thời Sự




Đó đây


2024-03-28 - Chấn động người Việt ở #Thailand: Thiếu tướng GĐ CA tỉnh Gia Lai … xuất hiện … chuyện gì xảy ra …? -

2024-03-24 - Thiếu tướng Hoàng Kiền _BUỒN, VUI, "GIẢI OAN" VẤN ĐỀ CHỐNG LẬT SỬ - Đôi lời với ông Võ Văn Thưởng

2024-03-22 - Thật là buồn khi một người mình đặt nhiều kỳ vọng lại làm mình thất vọng -

2024-03-22 - Tá hoả tịch thu! Tòa án NY bắt đầu kê biên tài sản sân golf, dinh thự Seven Springs -

2024-03-21 - VKSND TP HCM: Bị cáo Trương Mỹ Lan không ăn năn - VKSND TP HCM nêu quan điểm bị cáo Lan phạm tội nhiều lần, phạm tội có tổ chức, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn cho nhà nước

2024-03-21 - NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA CHỦ NGHĨA DÂN TÚY Ở VIỆT NAM -

2024-03-20 - Toàn cảnh đề nghị mức án với vợ chồng Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân và đồng phạm -

2024-03-20 - Lý do đồng chí Võ Văn Thưởng có đơn xin thôi các chức vụ -

2024-03-20 - Trung ương đồng ý ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước - Ban Chấp hành Trung ương đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh nhiệm kỳ 2021-2026, theo nguyện vọng cá nhân

2024-03-18 - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng Tổng thống Putin tái đắc cử - Theo số liệu của Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga, kết quả kiểm đếm sơ bộ tính đến sáng 18/3 cho thấy Tổng thống Vladimir Putin giành được 87,32% số phiếu, tái đắc cử nhiệm kỳ thứ năm và sẽ lãnh đạo



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-03-21 - CHỐNG CỘNG: Chuyện cười ra nước mắt ở Sở Học Chánh Tacoma, Wa - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-09 - Tổng thống Nga, Vladimir Putin đọc thông điệp gửi Quốc hội Liên bang (29/2/2024) - Gò Vấp -

● 2024-03-09 - Các hoạt động của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc trong những năm 1942-1954 - trích Hồi ký Nguyễn Đình Minh -

● 2024-03-08 - Hồi ký lịch sử 1942-1954 - Liên Quan đến Giám mục Lê Hữu Từ, Khu tự trị Phát Diệm, Công Giáo Cứu Quốc - VNTQ/ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư -

● 2024-02-15 - Trương vĩnh Ký dưới con mắt của người dân - Trần Alu Ngơ -

● 2024-02-14 - Các nhà hoạt động ẤN ĐỘ GIÁO phản đối chuyến viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II - FB An Thanh Dang -

● 2024-02-09 - “KHÁT VỌNG NON SÔNG” của VTV1 và chuyện Trương Vĩnh Ký - Nguyễn Ran -

● 2024-02-05 - Góc kể công - Đồng bào Rô ma giáo cũng có người yêu nước vậy! Đúng. - Lý Thái Xuân -

● 2024-02-01 - Câu Lạc Bộ Satan Sau Giờ Học Dành Cho Trẻ 5-12 Tuổi Sắp Được Khai Trương Ở Cali, Hoa Kỳ - Anh Nguyen -

● 2024-01-29 - Giáo hội Rô ma giáo Đức "chết đau đớn" khi 520.000 người rời bỏ trong một năm - The Guardian -

● 2024-01-29 - Một tên Thượng Đế-Chúa ngu dốt về vũ trụ, nhưng thích bốc phét là tạo ra vũ trụ - Ri Nguyễn gửi Phaolo Thai & John Tornado -

● 2024-01-29 - Kinh "Thánh" dạy Con Chiên Giết Tất Cả Ai Theo Tôn Giáo Khác - Ri Nguyễn vs John Tomado -

● 2024-01-29 - Nhân Quyền Ở Nước Mỹ: Vụ Án Oan, 70 Năm Sau Khi Tử Hình Bé George Stinney - - Giác Hạnh sưu tầm -

● 2024-01-29 - NOEL - Ba Giáo Hoàng John Paul II, Benedict XVI, Francis I Thú Nhận Đã Bịp Chiên- Cừu Chuyện Jesus Ra Đời - Ri Nguyen -

● 2024-01-29 - Một dàn đồng ca, ngày càng đặt câu hỏi về quyền lực của Giáo hoàng - John L. Allen Jr. -

● 2024-01-29 - Tỷ lệ phá thai nơi người công giáo lại cao hơn nơi người ngoài công giáo! - Lê Hải Nam -

● 2024-01-29 - Kinh Khải Huyền Cho Biết Jesus Là Một Tên Ác Qủy Đê Tiện, Man Rợ - Ri Nguyễn -

● 2024-01-29 - Vatican Cho Phép Linh Mục Hiếp Dâm Trẻ Con - Đó là chính sách! - Ri Nguyen -

● 2024-01-28 - Quận Utah cấm Kinh Thánh ở các trường tiểu học và trung học cơ sở - Ri Nguyen -

● 2024-01-26 - Chiên Hô Hào Các Bạn Chiên Đừng Đọc Sachhiem.net: "Nhận Diện!" - SH vs Nguyễn Trọng Nghĩa -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 >>>