Chính Sách Của Chính Quyền Ngô Đình Diệm

Đối Với Phật Giáo Miền Nam

Trên Lãnh Vực Tư Tưởng Chính trị

Lê Cung

http://sachhiem.net/LICHSU/L/LeCung01.php

13-Jul-2020

...Ngay từ đầu ông (Ngô Đình Diệm) đã thành lập Chính phủ với nhiều nguời Thiên Chúa giáo và dành cho những làng Thiên Chúa giáo nhiều ưu tiên hơn với những làng còn lại. Các viên chức của Diệm làm việc chặt chẽ với các Linh mục,...

(Xem Lời Đầu)

Phần I - Về kinh tế - xã hội

Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, ngay từ khi chính quyền Ngô Đình Diệm vừa được thành lập, chính sách kỳ thị Phật giáo, độc tôn Thiên Chúa giáo của chính quyền này đã được đem ra thực hiện, trước tiên trong vấn đề di cư. Để lôi kéo nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo di cư vào Nam, ngay sau khi hiệp định Genève vừa được ký kết (20-7-1954­), chính quyền Ngô Đình Diệm, với sự giúp đỡ của Mỹ qua tên trùm gián điệp Spellman, đã dựng lên chiêu bài "Đức Mẹ vào Nam". Thực ra việc cưỡng ép và dụ dỗ tín đồ các tôn giáo nói chung, tín đồ Thiên Chúa giáo nói riêng ở miền Bắc di cư vào miền Nam của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm nhằm nhiều mục đích khác nhau: Chính trị, quân sự, kinh tế,... cốt làm cho nhân dân ta có ác cảm với cách mạng, đồng thời để tăng cường lực lượng hậu thuẫn cho chính quyền Ngô Đình Diệm.

Hồng Y Spellman và Giáo Hoàng Pius XII

Để đạt được mục đích nói trên, chính quyền Ngô Đình Diệm đã dành cho tín đồ Thiên Chúa giáo di cư nhiều ưu tiên như giúp đỡ phương tiện vận chuyển; phát tiền trợ cấp nhanh chóng; được lĩnh lương thực, thực phẩm tốt; được trọng dụng và cất nhắc vào những chức vụ chủ chốt, quan trọng trong bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương... Trong số 887.895 người di cư vào Nam sau năm 1954 đã có đến 754.710 người là tín đồ Thiên Chúa giáo, chiếm 85%, số còn lại là tín đồ của Phật giáo và Tin lành (39) .

Trong lúc đó Phật tử lại bị kỳ thị "đến nỗi xuống đến bến tàu còn bị tìm cách đuổi lui; trên đường đi, họ bị ngược đãi, hắt hủi, và có kẻ còn bị đuổi trở lại; họ bị đuổi khỏi đoàn người di cư; họ bị tước, bị cắt tất cả phương tiện di chuyển và sự tiếp tế tối thiểu, đến nỗi họ phải giả xưng tín đồ Thiên Chúa giáo mới được đi và đi đến nơi đến chốn"(40) .

Sự phân biệt đối xử giữa tín đồ Thiên Chúa giáo di cư và tín đồ Phật giáo di cư do chính quyền Ngô Đình Diệm tạo nên còn diễn ra trong suốt quá trình định cư lập nghiệp của họ. Theo Đỗ Mậu thì "ông Diệm dành những vùng đất màu mỡ cho dân di cư. Ví dụ ông Diệm đã lấy đất Cái Sắn màu mỡ cấp phát cho 45000 nông dân; láy bờ biển Bình Ty và đảo Phú Quốc, những nơi nổi tiếng nhiều ngư sản cho dân chài lưới; lấy Long Khánh, Định Quán, Gia Kiệm, Hố Nai cho dân khai thác lâm sản và làm đồ mộc; lấy Ban Mê Thuộc và cao nguyên vùng đất đỏ phì nhiêu cho dân trồng trọt hoa màu để xuất cảng; lấy vùng đất ngả ba ông Tạ, Tân Bình, Gò Vấp chung quanh Sài Gòn cho dân thương mại và kỹ nghệ,..." (41) . Ngược lại tình cảnh của tín đồ Phật giáo di cư vào Nam càng bị cơ cực, oán tủi hơn; họ bị đuổi ra khỏi nơi tạm cư và định cư, hoặc bị dời đi mãi. Họ không được phân phát vật liệu và thực phẩm một cách công bằng, trong khi người Thiên Chúa giáo tự do lấy các thức dùng như của mình. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã tìm mọi cách, cuối cùng đuổi họ tản mác đi cả. Tại sao? Nếu như không dụng ý biến miền Nam thành một nước Chúa ngay trong việc di cư, một việc có tính chất chống cộng nhất" (42) .

Ngay cả một bộ phận nhỏ các dân tộc ít người theo đạo Phật, khi di cư vào Nam, họ cũng không tránh khỏi sự kỳ thị của chính quyền Ngô Đình Diệm. Họ bị bỏ rơi, phải tự xoay xở kiếm kế sinh nhai. Đơn xin khai khẩn đất làm ăn đề ngày 22-12-1959 của ông Trần Pinh Phu viết: "Tôi xin thay mặt cho một số đồng bào Nùng gồm có 1086 gia đình cùng ở ngoài Bắc di cư vào Nam; trước đây chúng tôi trú ngụ tại sông Luy và sông Mao thuộc quận Hải Ninh, tỉnh Bình Thuận, Trung phần. Chúng tôi toàn là người nghèo, vì sinh hoạt không thể kiếm được đủ nuôi sống gia đình, hoàn cảnh thật là thiếu thốn, khổ sở; nên chúng tôi đã tự di chuyển xuống vùng cao su làm mướn cho chủ đồn điền, song cũng không thể kiếm được đủ sống. Vậy chúng tôi nhân thấy có một khu rừng hoang ở chỗ ruộng Bao Hàm thật rộng mênh mông, chưa có chủ nào khai thác.

   Vậy chúng tôi trân trọng đệ đơn này lên kính trình Quý ông hay; và mong Quý ông vui lòng tri ân chấp thuận cho chúng tôi là sáu ngàn ba trăm (6300) mẫu đất hoang, để chúng tôi được khai phá và trồng trọt các thứ hoa màu đặng kiếm ăn ít nhiều để nuôi sống gia đình,;..." (43) .

Tính chất kỳ thị tôn giáo này càng trở nên khốc liệt khi đất đai đã được khai phá xong thì họ bị chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh trục xuất, giao đất lại cho một cơ sở của Thiên Chúa giáo: "Vào cuối năm 1961, vào một buổi sáng có một vị tu sĩ...với một số bổn đạo của ông đến ngắm nghía đất Bao Hàm một cách thèm thuồng, chỉ trỏ, nói chuyện với nhau có vẻ như dự định tìm nơi xây cất Nhà thờ, chợ búa và mỗi người tự nhận một phần đất trước...

   Một hôm Tổng thống Ngô Đình Diệm đi kinh lý, có Tỉnh trưởng, Quận trưởng Long Khánh và vị tu sĩ địa phương nói trên tháp tùng. Trong lúc quan sát địa thế, vị này đã thưa với Tổng thống cho phép bổn đạo của ông đến nơi này định cư,...

Tổng thống không ngần ngại hứa cho luôn phần đất Bao Hàm, không hỏi và cũng không cần biết đất ấy đã có người khai phá và trồng tỉa.

Thế là chính quyền tỉnh, quận, xã biết được ý định của Tổng thống nên đã tìm đủ mọi cách trục xuất người Nùng để làm vừa lòng Tổng thống, mong được cất nhắc.

Vả lại dưới thời ấy, có một số tu sĩ được Tổng thống tin cậy nên Tỉnh trưởng, Quận trưởng rất vị nể, nếu không nói là họ sợ sệt hay khúm núm nữa là khác. Họ sợ tâu vô tâu ra sẽ bị đổi đi xa hoặc mất chức. Vì vậy mà vị tu sĩ ấy...thường hối thúc Quận trưởng phải mau mau giải quyết vấn đề, tức là trục xuất dân Nùng ra khỏi Bao Hàm để lấy đất cho sớm".

"Để trục xuất người Nùng ra khỏi đất Bao Hàm, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho thi hành nhiều biện pháp như không cho họ mua gạo, gửi trát đòi họ ra Tòa, xử phạt tiền mỗi người từ 500 đồng đến 2.000 đồng, tùy theo diện tích đất khai phá, cho quân đội bố ráp và kể cả cho máy bay đến bay lượn thả truyền đơn đòi buộc họ phải rời đất Bao Hàm... bằng không thì nhà cửa sẽ bị triệt hạ, mùa màng sẽ bị tàn phá" (44) .

Chính sách kỳ thị Phật giáo, độc tôn Thiên Chúa giáo trong vấn đề di cư này không chỉ gây bất mãn đối với tín đồ Phật giáo di cư mà cả đối với đồng bào miền Nam nói chung, đúng như Donald Lancaster đã phân tích: "Tôn giáo của những người di cư đã làm tăng thêm tính chất bất hảo của cuộc xâm lăng dưới con mắt người Nam Bộ, vì người ta không thể không để ý đến khả năng là vị thủ tướng Thiên Chúa giáo có thể sử dụng người di cư để củng cố quyền bính và thiết lập một Nhà nước Thiên Chúa giáo ở miền Nam Việt Nam. Kiểu cách phân phát đồ cứu trợ có phần không khôn khéo này không làm tiêu tan được những điều ngộ nhận nói trên trong nhân dân. Trong khi những yêu cầu của người Thiên Chúa giáo gồm có 80% tổng số người di cư, được giành quyền lợi ưu tiên thì những người Nam Bộ lại phải sống trong tình trạng đói khổ..., lại không được Chính phủ giúp đỡ bao nhiêu" (45) .

Về vấn đề di dân, chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm càng thể hiện rất rõ nét thông qua việc thành lập các "khu dinh điền", các "khu trù mật". Theo cách nói của chính quyền Ngô Đình Diệm, "Quốc sách dinh điền" hay "Quốc sách khu trù mật" nhằm khai khẩn đất đai, giúp người nghèo có điều kiện sinh sống.

Quân đội VNCH lùa dân vào Ấp Chiến Lược

Tuy nhiên trên thực tế đối tượng bị cưỡng bức di dân chủ yếu là tín đồ Phật giáo, trước hết là những tín đồ tích cực hay cốt cán của các tổ chức Phật giáo ở địa phương. Bộ phận này dù cho có nhà to, ruộng nhiều vẫn bị đem ra "bình nghị" bắt đi di dân, một sự bình nghị có bố trí công khai để khủng bố các nạn nhân và dân chúng vốn phần đông cùng chung tín ngưỡng Phật giáo (46) . Để cưỡng bức họ thi hành quyết định, các nạn nhân thường bị thu thẻ kiểm tra, bị tống giam hoặc bị gán tội tình nghi chính trị. Trong trường hợp đó các nạn nhân chỉ có một lối thoát duy nhất là theo Thiên Chúa giáo. Nếu họ nhất quyết không làm như vậy thì "đành nghiến răng, ngậm nước mắt mà đập nhà, bán ruộng, bồng con, cõng cháu ra đi, và trở thành tù nhân suốt đường đi cũng như vĩnh viễn ở nơi họ bị đưa đến" (47) . Dưới đây là một số trường hợp điển hình:

- Thư đề ngày 10-12-1961 của ông Huỳnh Đổng, hội viên chùa Long Thành, xã Phước Hậu, quận Tuy Phước gởi ông Hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo Bình Định đã viết: "Cán bộ bắt tôi đến trụ sở thôn giam ở đó một đêm và sáng ngày mai đưa về Hội đồng xã, còn nếu muốn về nhà làm ăn thì phải vô Công giáo" (48) .

Thư để ngày 15-2-1961 của Khuôn trưởng Khuôn hội Phật giáo Phước Thắng gởi Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Định cho biết đối với những tín đồ hay đến chùa lễ bái thường bị đe dọa ghép tội tình nghi, bị bắt buộc đi di cư. Bức thư cho biết: "Chúng tôi được sự báo cáo của các phức hội toàn khuôn cho biết hiện nay chính quyền địa phương (cán bộ hành chính thôn xã) lấy thế lực uy hiếp tinh thần đạo hữu, không cho họ đến chùa tịnh độ hằng đêm cũng như trong những buổi lễ sám hối bằng cách: nếu đạo hữu nào đến chùa thì họ sẽ bị để ý ghi tên, sau ghép vào hạng tình nghi đưa đi di dân hoặc không đi di dân thì dùng mánh khóe bắt nạt, dụ dỗ bảo đạo hữu bỏ đạo để qua Thiên Chúa giáo" (49) .

Thư đề ngày 15-12-1961 của Ban trị sự Vức hội Diêm Vân, khuôn hội Phật giáo Phước Thuận gởi ông Hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo Bình Định đã tố cáo tính chất bạo hành ngang ngược của bọn tay chân của chính quyền Ngô Đình Diệm ở địa phương. Bức thư viết: "Xét qua các tiêu chuẩn di dân thì thành phần chúng tôi thuộc dạng khá giả, ruộng đất, nhà cửa sung túc, song mà chính quyền nơi đây lại hăm dọa, ghi tên chúng tôi vào danh sách di dân. Gần đây chính quyền địa phương còn hăm dọa tất cả tín đồ Phật giáo đi di dân nữa, chùa Phật giáo sau thành Nhà thờ Chúa hết thảy" (50) .

Thư của quần chúng thuộc Giáo hội Tăng già Bình Định tại quận Tuy Phước đã tố cáo tính chất bất công của chính quyền Ngô Đình Diệm trong chính sách di dân: "Nếu phải đi di dân theo tiêu chuẩn thì dù ở Phật giáo hay ở Công giáo cũng phải thế mới công bằng và hợp lý, chứ tại sao khi ở Phật giáo thì có tiêu chuẩn đi di dân mà cũng con người ấy khi vào Công giáo thì mất tiêu chuẩn" (51) .

Dân ngồi phơi ngoài nắng trong một ấp chiến lược (ảnh security.dantri.com.vn)

Những gì đã xảy ra cho tín đồ Phật giáo tại các "khu dinh điền" và các "khu trù mật"? Tại đây tín đồ Phật giáo đã phải chịu đựng một cách thấm thía mọi sự kỳ thị tôn giáo với tất cả các hình thức lộ liễu và biến ảo của sự bất công. Chỉ vì tín ngưỡng Phật giáo, họ bị chia đất xấu, bị tước các phương tiện, bị làm lụng tối đa, bị hạn chế, bị làm khó dễ và có khi còn bị cắt hẳn quyền lợi tối thiểu là sự phân phát hàng tiếp tế. Chua xót và uất hận nhất vẫn là tín đồ Phật giáo bị đàn áp đến mức độ tối đa so với các nơi khác (52) .

Trong vấn đề cấp phát ruộng đất, chuyền nhượng tài sản để xây dựng Nhà thờ, trường học hoặc để phát triển kinh tế, xã hội, chính quyền N đều dành cho các tổ chức Thiên Chúa giáo rất nhiều ưu tiên, ví như:

Nghị định số 386/TC ngày 31-8-1957 "cho phép ông Bộ trưởng Bộ Tài chánh cấp cho Dòng tu ‘Compagnie des Filles de la Charité de Saint Vincent de Paul’ quyền sở hữu trên sở đất tọa lạc tại đô thị Đà Lạt, bản đồ số 24, tờ thứ 2 đạc thành 2970 thước vuông, mà Dòng tu này đã mua theo lối tương thuận do điều kiện sách lập ngày 24-4-1937" (53) .

- Nghị đinh số 386/TC ngày 22-6-1960 cho phép Dòng tu "Compagnie de Jésu au Việt Nam" ở số 175 B đường Yên Đổ, Sài Gòn mua hai bất động sản sau đây để xây dựng nhà trọ cho sinh viên:

"1, Một sở đất trống diện tích 330 thước vuông (phần B 338) trích trong bằng khoán số 338, Sài Gòn - Tân Định.

   2, Một sở đất diện tích 1063 thước vuông gồm có hai bằng khoán số 336, Sài Gòn - Tân Định (976 thước vuông) và số 683, Sài Gòn - Tân Định (87 thước vuông) cùng biệt thự và nhà phụ xây cất trên đất ấy mang số 159 đường Yên Đổ Sài Gòn" (54) .

- Nghị định số 562/TC ngày 4-7-1960 "cho phép Tòa Tổng Giám mục địa phận Vĩnh Long mua của ông Ernest Louis Alfred Alary ngụ tại số 3, 5, 7, 9 Công trường Lam Sơn - Sài Gòn một bất động sản gồm có sở đất diện tích 436 thước vuông bằng khoán sổ 550, Sài Gòn - Tự Do và 4 căn phố trệt bằng gạch lợp ngói mang số 3, 5, 7, 9 Công trường Lam Sơn - Sài Gòn để xây cất lại và cho thuê lấy huê lợi góp vào việc điều hành Viện Đại học Đà Lạt" (55) .

- Nghị định 670/TC ngày 14-8-1963 "cho Hội Nữ tu Bác Ái tại Việt Nam mua hai căn nhà gạch lợp tôn số 263 và số 265 đường Trần Quốc Toản - Sài Gòn của ông Hoàng Văn Lãm và bà Nguyễn Tuyết Ngà để lập trụ sở hoạt động từ thiện và bác ái" (56) .

Có trường hợp việc cấp đất cho các tổ chức Thiên Chúa giáo được thực hiện theo một giá tượng trưng. Nghị định 542/TC ngày 9-12-1957 "cho phép Đức Cha Alexis Trepanier, Giám đốc trường Saint Gérad, Dòng Chúa Cứu thế thuê cho Dòng lô đất công sản số 102, tờ họa đồ duy nhất của làng Thống Nhất, quận Vũng Tàu, tỉnh Phước Tuy, diện tích 51.400 thước vuông để cất nhà Dòng cho sinh đồ, trong thời hạn là 99 năm với giá tượng trưng là một đồng bạc (1$, 00) trong suốt cả thời gian cho thuê" (57) .

- Nghị định số 671/TC ngày 14-8-1963 "cho phép nhượng đất cho Hội Nữ tu Bắc ái tại Việt Nam với giá tượng trưng một đồng bạc (1$, 00) lô đất công sản quốc gia số hiệu A. 58, diện tích 201 thước vuông trích trong bằng khoán số 580, Chợ Lớn - An Đông theo như biên bản phân mảnh do Tổng nha Điền địa lập ngày 30-3-1963" (58) .

Sự ưu tiên dành cho TCG của chính quyền Ngô Đình Diệm có lúc còn vượt lên trên cả những chính sách mà chế độ xem như là "quốc sách". Theo luật lệ "Cải cách điền địa" ban hành bởi dụ số 57 ngày 22-10-1956 thì "việc áp dụng Dụ này sẽ không phân biệt tư nhân hay pháp nhân, người trong nước hay ngoại kiều" (59). Điều này theo Công văn số 367/HHNQT ngày 20-1-1959 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao gởi Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống thì "trên địa hạt nguyên tắc, những tài sản tuy là của Hội Truyền giáo cũng ở trong phạm vi áp dụng Luật lệ Cải cách điền địa ấy" (60) . Tuy nhiên trong thực tế khi thi hành Luật lệ Cải cách điền địa, các Hội Truyền giáo và Họ Đạo vẫn được hưởng dụng một "chế độ đặc biệt" theo Quyết định riêng của Tổng thống. Công văn mật số 1579/BKT/KC/ST ngày 16-12-1959 của Phó Tổng thống gởi Tổng thư ký Phủ Tổng thống nói rõ điều này: "Không nên ban hành những văn kiện đặt ra những tiêu chuẩn để ấn định quốc tịch cho các Hội Công giáo.

Trong việc áp dụng các Luật lệ Cải cách điền địa đối với các Hội Công giáo, cần để Tổng thống quyết định riêng về từng trường hợp một" (61) .

"Quyết định riêng" của Tổng thống, rồi lại tiếp theo "quyền tạo mãi bất động sản và nhận sự lạc cúng bất động sản dù nhỏ bé đến đâu cũng phải được sự cho phép của Tổng thống do Công văn số 166-TTP!TKT! ngày 23-9-1960 của Tòa Thư ký Phủ Tổng thống quy định” (62) , thực chất là dành cho Ngô Đình Diệm đặc quyền ưu tiên cho Thiên Chúa giáo và kỳ thị các tôn giáo khác theo ý muốn.

Tại Huế, Ngô Đình Thục đã tìm cách chiếm đất của Viện Bài lao Huế. Trong văn thư đề ngày 6-5-1961, Ngô Đình Thục "đã chuyển đến Bộ Y tế một hồ sơ xin cho Tòa Tổng Giám mục Huế được giao quyền khai thác Viện Bài lao Huế mà Hiệp hội ‘Ligue des Amis de L' Annam’ đã đồng ý trao trả lại cho Chính phủ" (63) . Tiếp theo, ngày 22-5-1961, Ngô Đình Thục nhân danh Tòa Tổng Giám mục Huế đã gửi văn thư đến Bộ trưởng Phủ Tổng thống cho biết mục đích của Tòa Tổng Giám mục trong việc xin cấp quyền khai thác Viện Bài lao này với hai lý do sau:

“Hiệp hội ‘Ligue des Amis de L' Annam’ nhận thấy có nhiều khó khăn và trở ngại về tài chánh trong việc khai thác nên tỏ ý muốn giao hoàn lại cho Chính phủ Viện Bài lao. 

Nhận thấy đây là một công tác xã hội cao cả mà Tòa Tổng Giám mục Huế có thể trợ giúp được phần nào cho Chính phủ và dân chúng về phần xác lẫn phần hồn nên Tòa Tổng Giám mục nhận thấy nên thay thế Hiệp hội này để khai thác Viện Bài lao" (64) . Dựa vào thế lực của em làm Tổng thống, trong văn thư nói trên, Ngô Đình Thục đã buộc chính quyền Ngô Đình Diệm phải chấp thuận những đề nghị của y. Văn thư viết tiếp: "Bộ Y tế cũng thấy không có gì trở ngại trong thủ tục này, những theo nguyên tắc sẽ đệ trình hồ sơ lên Tổng thống chuẩn y.

Chúng tôi kính xin ông Bộ trưởng khi tiếp được hồ sơ của Bộ Y tế đệ trình lên Tổng thống với ý kiến thuận để sự việc có được kết quả mỹ mãn" (65) . Và tới ngày 20-6-1961, Bộ trưởng bộ Phủ Tổng thống gởi công văn cho Ngô Đình Thục cho biết:  

"Phủ Tổng thống chấp nhận giao cho Quý Tòa quyền khai thác Viện Bài lao tại Huế với trọn quyền sở hữu các tài sản liên quan đến Viện này".

"Tôi đã chuyển đến bộ Tài chánh hồ sơ về việc nói trên để hợp thức hóa vấn đề" (66) .

Điều cấn nhấn mạnh là các nhà nghiên cứu khó có thể tìm được trong "Công báo Việt Nam Cộng hòa" (1954-1963) hoặc ở các Trung tâm lưu trữ Quốc gia những Nghị định thuộc loại đặc biệt như trên dành cho Thiên Chúa giáo. Đã thế, dưới chính quyền NĐD các ngành kinh tế quan trọng, chủ chốt như buôn bán gạo, khai thác rừng, dược phẩm, ngoại thương, vật liệu viện trợ đều nằm trong tay những người Thiên Chúa giáo, dưới sự bảo trợ của chính quyền hoặc các Linh mục. Trong "Vietnam - The Unheard voices", Don Luce và John Sommer cho biết: "Sự thực khi người Pháp rút lui và Ngô Đình Diệm lên cầm quyền ít có sự thay đổi, Diệm là tín đồ Thiên Chúa giáo (ông đi tu gần như trở thành linh mục), khi trở thành Tổng thống, ông cai trị đất nước với những sự kết hợp giữa luân lý Thiên Chúa giáo và tinh thần phụ quyền, quan lại của đạo Khổng. Những người Phật giáo sau này đã tố cáo rằng dưới sự cai trị của ông, họ đã bị áp bức... hoặc bị qua mặt không cho hưởng những đặc quyền như những người Thiên Chúa giáo. Thí dụ, Thiên Chúa giáo được cấp phát nhiều đất đai để xây dựng trường học, bệnh viện, cũng như hầu hết những tín dụng nông nghiệp, đặc quyền khai thác gỗ và độc quyền một số ngành xuất nhập khẩu. Ảnh hưởng của các linh mục rất lớn và đã có nhiều kẻ cơ hội theo Thiên Chúa giáo,... Sau này những người Thiên Chúa giáo Việt Nam cũng phải nhìn nhận là dưới chế độ Diệm họ được ưu đãi" (67).

Chính sách ưu tiên về kinh tế - xã hội của chính quyền Ngô Đình Diệm dành cho tín đồ Thiên Chúa giáo không dừng lại ở thành phố, thị xã mà còn lan xuống tận các làng mạc. Frances Fitz Gérald trong "Fire in the lake" cho biết: "Ngay từ đầu ông (Ngô Đình Diệm) đã thành lập Chính phủ với nhiều nguời Thiên Chúa giáo và dành cho những làng Thiên Chúa giáo nhiều ưu tiên hơn với những làng còn lại. Các viên chức của Diệm làm việc chặt chẽ với các Linh mục, họ muốn những làng Thiên Chúa giáo được hưởng phần lớn những nguồn viện trợ của Hoa Kỳ, những tín dụng nông nghiệp. Họ cho những người Thiên Chúa giáo quyền khai thác lâm sản trong những khu rừng quốc gia và những độc quyền về sản xuất nông sản có thể sinh ra lợi tức nhiều được những viên chức viện trợ Hoa Kỳ đưa vào. Dưới chế độ Pháp thuộc, những bô lão Việt Nam thường nói: ‘Theo đạo có gạo mà ăn’. Dưới chế độ Diệm, câu nói đó vẫn được những người miền Nam tiếp tục nhắc lại" (68) .

Trong lúc đó, hoạt động kinh tế của tín đồ Phật giáo bị chính quyền Ngô Đình Diệm gây nhiều khó khăn, trở ngại. Trong những trường hợp các tín đồ Phật giáo bị chính quyền Ngô Đình Diệm vu khống về chính trị, nạn nhân bị đánh đập. tra tấn hết sức tàn nhẫn, có người bị kết án tù và bị tịch thu tài sản, hoặc bị phải tống tiền để chuộc mạng, hoặc buộc phải bán tài sản với giá rẻ. Cũng có trường hợp nạn nhân bị tra tấn, đánh đập đến chết.

Ông Vĩnh Cơ, Hội trưởng Hội Phật giáo nguyên thủy Việt Nam, một thương gia buôn bán gạo ở Đà Nẵng, đã bị Tòa Đại hình sơ thẩm ngày 28-8-1956, kết án 10 năm khổ sai và tịch thu gia sản, mặc dầu ông Vĩnh Cơ "là người hiền lành luôn nhiệt tâm với công việc từ thiện và đã có công sáng lập ra Hội Phật giáo nguyên thủy Việt Nam được toàn thể đạo hữu tín nhiệm và mến ái.

Đứng về phương diện tôn giáo, ông Vĩnh Cơ cũng là một tín đồ Phật giáo rất chân thật, luôn trọng ngũ giới và giáo lý Đức Phật đã được chư tăng thừa nhận.

Gia tài hiện hữu của ông Vĩnh Cơ cũng do sự làm ăn buôn bán cần cù lâu năm của ông mà có từ trước" (69) .

Nổi bật nhất là từ năm 1957, Ngô Đình Cẩn và tay chân của y đã tạo ra "Vụ án gián điệp miền Trung" giả tạo, khiến cho hầu hết các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị vào Khánh Hòa không tỉnh nào không có người bị Ngô Đình Cẩn và tay chân của hắn khép vào tội làm gián điệp cho Pháp. Nạn nhân chủ yếu là tín đồ Phật giáo có thế lực về kinh tế, mà trước hết là ở Huế, sào huyệt của "Lãnh chúa miền Trung" Ngô Đình Cẩn. Bằng chính những lời tố cáo của các nạn nhân, Nguyệt Đạm và Thần Phong, các tác giả của "Chín năm máu lửa dưới chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm” cho chúng ta một bức tranh hết sức sinh động về tính chất dã man của những kiểu tra tấn hiểm độc; về những thủ đoạn tống tiền; về cách thức phi tang những nạn nhân bị giết hại... do Ngô Đình Cẩn và tay chân của hắn gây ra. Sau đây là một số trường hợp tiêu biểu:

- Ông Nguyễn Văn Yến, chủ khách sạn Morin (Huế) vì không đồng ý cho Ngô Đình Cẩn mua lại khách sạn với giá rẻ mạt liền bị gán tội làm gián điệp cho ngoại bang. "Ông Nguyễn Văn Yến đã bị bắt giam ở Chín hầm và chịu tất cả các cực hình: đổ nước, quay điện, cực hình assis debout, nhìn bóng đèn điện 500 watts để da mặt phồng lên; ông này bị tiêu tan hết sự nghiệp, mẹ và vợ ông buồn rầu nên qua đời" (70) .

Ông Phan Văn Thí, chủ hiệu buôn Đức Sinh ở số 77, đường Trần Hưng Đạo (Huế) bị gán tội làm gián điệp cho Pháp đã bị bắt giam ngày 12-9-1957, bị tra tấn hết sức tàn nhẫn. "Ông Đức Sinh đã phải trả một giá quá đắt: Nộp cho tên trùm mật vụ Phan Quang Đông 1.500.000$,00, phải làm văn tự bán cho Đông một cái nhà 2.000.000 đồng mà thực ra ông Đức Sinh không lấy một đồng nào cả" (71) .

- Ông Bửu Bang, chủ hiệu Rồng Vàng ở số 105, đường Trần Hưng Đạo (Huế) bị bắt cóc ngày 16-11-1960, bị gán tội hoạt động chính trị, bị bắt giam ở Chín hầm.

- Ông Lê Văn Châu, chủ hiệu sách Nam Hưng ở số 125, đường Trần Hưng Đạo, Huế, bị bắt ngày 18-11-1960, phải chịu tống tiền mới được thả.

- Ông Nguyễn Đắc Phương, thầu khoán ở Huế, bị vu cáo chứa chấp thuốc phiện lậu và làm gián điệp cho Pháp, bị Ngô Đình Cẩn ra lệnh bắt, tra tấn. Ông Nguyễn Đắc Phương bị chết ngày 16-5-1957 do Ngô Đình Cẩn ra lệnh xô ông từ trên lầu xuống. Các cuộc điều tra sau đó cho biết Nguyễn Đắc Phương chết vì "do được đấu thầu tu bổ điện Thái Hòa và những cộng tác khác, trong lúc đó bà Cả Lễ (chị ruột của Ngô Đình Cẩn) không được đấu thầu" (72) .

- Ông Trần Bá Nam, thầu khoán ở Huế, bị tay chân Ngô Đình Cẩn chặn bắt trong khi ông đang cùng vợ con đi xe hơi từ Savannakhet về Huế. Trần Bá Nam bị gán tội làm gián điệp cho Pháp và bị tra tấn, tay chân của Ngô Đình Cẩn "ép buộc ông Nam nhận tội làm gián điệp để cưỡng đoạt tập chi phiếu ba triệu đồng do Ngân khố Savannakhet cấp phát cho ông.

Không chịu nhận tội làm gián điệp, không chịu ký chi phiếu, nạn nhân bị đánh đập dần đến chết, thây bị liệng xuống giếng phía sau Sở Vôi Long Thọ" (73) .

Ngoài ra còn có rất nhiều trường hợp khác, các nạn nhân bị bắt, bị gán tội làm gián điệp cho Pháp, bị tra tấn và buộc phải tống tiền mới được thả như các ông Nguyễn Văn Chiểu bị bắt ngày 7-3-1958 tại Quảng Trị, Trần Nghiêm bị bắt ngày 6-7-1958 tại Nha Trang, Trần Nguyên Cáo bị bắt ngày 11-12-1958 tại Quảng Ngãi v.v... Con số người bị Ngô Đình Cẩn sát hại tại miền Trung lên đến 300.000 người (74) .

Điều cần chú ý thêm là chính quyền NĐD còn "khéo dùng phép nước" để bắt nhân dân miền Nam mà đại đa số là tín đồ Phật giáo, thực hiện những tín điều của TCG bằng cách hạn chế một số hoạt động kinh tế của họ. Ở mặt này, thật khó tin được nếu không có những tư liệu cụ thể. Chẳng hạn, ngày 6-8-1961, Diệm ra Nghị định số 1182-BKTTCGNTTTCGND quy định: “Cấm hạ và bán thịt heo trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa, 3 ngày trong tuần lễ: thứ Ba, thứ Sáu và Chúa nhật, cho đến khi có lệnh mới,... Trong ba ngày cấm trên đây, thịt heo quay, thịt heo ướp lạnh của những ngày trước còn lại cũng không được phép bán trong các tiệm, các chợ, mặc dầu dưới hình thức nào (75).

(Xem tiếp Phần II. Về Văn Hóa - Giáo Dục)

___________________

CHÚ THÍCH:

(39) Tổng kết thành tích đệ nhị chu niên của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, Sài Gòn, 1956, tr. 224.

(40) Thích Trí Quang, Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam, Tuần báo Hải Triều âm, số 14, ngày 23-7-1964, tr. 2.

(41) Đỗ Mậu. "Việt Nam máu lửa quê hương tôi" (Hồi ký chính trị). Nxb Văn Nghệ, Westminster, CA, USA, 1993, Tr. 145.

(42) 45 Nguyễn Quốc Tuyển. "Một cuộc đấu tranh giành thắng lợi dưới chế độ Ngô Đình Diệm". tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1967, tr. 6-8.

(44) Nguyễn Quốc Tuyển, Một cuộc đấu tranh giành thắng lợi dưới chế độ Ngô Đình Diệm, Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1967, tr. 6-8.

(45) Hammer, Ellen J, A Dead in November (American in Viet Nam 1963), E. P Dutton, New York, USA, 1987, tr. 345-346.

(46), (50) Thích Trí Quang. Sdd, số 13, ngày 16-7-1963, tr. 2.

(48) (52), (53), (54) Hồ sơ gửi Tổng Thống và Quốc hội của Hội Phật giáo Trung phần ngày 20-2-1962 (bản đánh máy). Thư viện Trường cao cấp Phật học TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn, 1968, tr. 1-50.

(52) Như chú thích số 10

(53) Nghị định số 386/TC ngày 31-8-1957 của Tổng Thống Việt Nam Cộng hòa  cho phép cấp quyền sở hữu vĩnh viễn Trên lô đất số 24, đô Thị Đà LạT cho Dòng Tu: " Compagnie des Filles de la Charité de Saint Vincent de Paul". Trung tâm lưu trữ Quốc gia II. SC. 13-HS. 1133.

(54) 19 Công báo Việt Nam Cộng hòa, ngày 6-7-1960. Trung tâm lưu trữ Quốc gia II. KS. 402.

(56) Công báo Việt Nam Cộng hòa, ngày 27-8-1963. Trung tâm lưu trữ Quốc gia II. J. 425.

(57) Nghị định 542/TC ngày 9-12-1957 của Tổng Thống Việt Nam Cộng hòa cấp đất với giá tượng trưng 1$, 00 cho Đức Cha Alexis Trepanier để xây nhà Dòng. Trung tâm lưu trữ Quốc gia II. SC, 13-HS. 8607.

(58) Như chú thích số 20

(59) Luật lệ Cải cách điền địa tại Việt Nam (không ghi nơi và năm xuất bản).

(60) Công văn số 367/HHNQT ngày 20-1-1959 của Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao gởi Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống. Trung tâm lưu trữ Quốc gia II. SC. 11-HS. 3140.

(61) Công văn mậtsố 1579/BKT/KC/ST ngày 16-12-1959 của Phó Tổng Thống Việt Nam Cộng hòa: V/v ruộng đất của các Hội Truyền giáo và Họ Đạo kính gởi ông Tổng thư ký Phủ Tổng thống. Trung tâm lưu trữ  Quốc gia II. SC. 01.HS.3140.

(62) Bản phụ đính "Bản Tuyên ngôn" của Tăng ni, tín đồ Phật giáo đọc trong cuộc mittinh của Phật tử tại chùa Từ Đàm-Huế, ngày 10-5-1963. Trung tâm lưu trữ Quốc gia II. SC. 04-HS. 8352.

(63) 28 Văn thư ngày 22-5-1961 của Tổng Giám mục Ngô Đình Thục kính gởi ông Bộ trưởng Phủ Tổng thống. Trung tâm lưu Trữ Quốc gia II. SC. 04-HS. 7808.

(65) Văn thư ngày 22-5-1961 của Tổng Giám mục Ngô Đình Thục kính gởi ông Bộ trưởng Phủ Tổng thống. Trung tâm lưu Trữ Quốc gia II. SC. 04-HS. 7808.

(66) Công văn ngày 20-6-1961 của Bộ trưởng Phủ Tổng thống kính gởi Đức Tổng Giám mục địa phận Huế. Trung tâm lưu trữ Quốc gia II. SC. 04. HS. 7080.

(67) Luce, Don và John Sommer. "Vietnam - The Unheard voices". Cornell University Press, Ithaca, USA, 1969, tr. 114.

(68) Fitz Gérald, Frances. "Fire in The lake". An Atantic Monthly Press Book, Boston, USA, 1972, tr. 104.

(70) (36)  NguyệT Đạm và Thần Phong. "Chín năm máu lửa dưới chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm". Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1964, Tr. 289; 300; 302-303.

(72) 38 Nguyệt Đạm và Thần Phong. "Chín năm máu lửa dưới chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm". Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1964, tr. 289; 300; 302-303.

(74) Chu Bằng Lĩnh. "Đảng Cần Lao". Nxb. Mẹ Việt Nam, San Diego, CA, USA, 1993, tr. 133.

(75)* Bài đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4 (305), 1999. 

Công báo Việt Nam Cộng hòa, ngày 6-11-1961. Trung tâm lưu trữ Quốc gia II. J. 412.

______________

Bài đọc thêm:

- “Quốc sách ấp chiến lược” - một sản phẩm chính trị thâm độccủa Ngô Đình Nhu tan theo số phận của gia đình họ Ngô (Nguyễn Đắc Xuân)

 

Nguồn tác giả gửi

Trang Thời Sự