●   Bản rời    

Bàn Về “Cuộc CÁch Mạng Tư Sản PhÁp (1789 – 1799)” Trong Dạy – Học Ở Bậc Đại Học Và Cao Đẳng

Bàn Về “Cuộc Cách Mạng Tư Sản Pháp (1789 – 1799)”

Trong Dạy – Học Ở Bậc Đại Học Và Cao Đẳng

Lê Cung

http://sachhiem.net/LICHSU/L/LeCung10.php

13-May-2021

Thời cận đại khởi phát từ cuộc Cách mạng tư sản Hà Lan giữa thế kỷ XVI và được đóng lại khi tiếng súng đại bác trên chiến hạm Rạng Đông bắn vào Cung điện Mùa Đông nước Nga Sa hoàng ngày 25-10-1917. Với thời gian gần 4 thế kỷ, loài người đã chứng kiến liên tiếp nhiều cuộc cách mạng tư sản diễn ra. Hợp lực của những cuộc cách mạng này đã làm cho bộ mặt thế giới thay đổi một cách toàn diện, đặc biệt là ở châu Âu, từ một châu Âu với thành trì kiên cố của “thế giới vương quyền và giáo hội” đã đi tới ngưỡng cửa của chủ nghĩa xã hội hiện thực, trong đó cuộc Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII được xem như là một cú hích vĩ đại.

Với ý nghĩa như vậy, trong kết cấu chương trình cũng như nội dung giáo trình đại học và cao đẳng, cuộc Cách mạng tư sản Pháp chiếm một dung lượng lớn về số trang và cả tiết giảng trên lớp. Dầu vậy, tính triệt để của cuộc Cách mạng Pháp so với các cuộc cách mạng tư sản khác vẫn chưa được phân tích một cách cụ thể và đầy đủ.

1 cảnh trong Cách Mạng Pháp

Khách quan mà nói các giáo trình đại học và các công trình chuyên khảo viết về cuộc Cách mạng tư sản Pháp từ trước tới nay đã đề cập nhiều về tính triệt để của nó, song trong những giờ trên lớp, chúng ta chỉ tập trung chú ý đến sự biểu hiện của tính triệt để trên tất cả các lĩnh vực tư tưởng, chính trị, kinh tế, xã hội, ... (1); nhưng lại thiếu đi sự “phát hiện” những nhân tố chủ quan và khách quan đã tác động trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho cuộc cách mạng này đi đến triệt để, nếu có chăng, cũng chưa có tính hệ thống hoặc chưa mang tính thuyết phục. Bài viết này góp phần bổ sung cho sự hụt hẫng đó nhằm đáp ứng phần nào cho việc đào tạo, đặc biệt là đối với việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ (2) mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai.

Trước hết, khi bàn về tính triệt để của Cách mạng tư sản Pháp, một số quan điểm cho rằng cuộc cách mạng này triệt để so với các cuộc cách mạng tư sản khác là vì nó đã thừa hưởng những thành tựu và kinh nghiệm của các cuộc cách mạng tư sản Hà Lan, Mỹ, Anh đã diễn ra trước đó. Điều đó là không thể phủ nhận. Song tại sao lại có những cuộc cách mạng diễn ra sau cuộc Cách mạng tư sản Pháp lại không đi đến triệt để, thậm chí kéo lùi lịch sử nữa là khác. Có quan điểm khác cho rằng Cách mạng tư sản Pháp triệt để nhờ có sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân. Thực tế trong suốt thời cận đại, không có cuộc cách mạng nào diễn ra theo con đường “từ dưới lên” mà không có sự nhập cuộc đông đảo của nhân dân. Cuộc cách mạng tư sản Hà Lan dù diễn ra ở thời tảo kỳ, song cuộc cách mạng này quần chúng nhân dân tham gia hết sức đông đảo và đã hình thành nên những đội quân mang tên: “Những kẻ khốn cùng trên biển” “Những kẻ khốn cùng trong rừng”. Chính những đội quân này là lực lượng chủ yếu đưa cách mạng đi đến thắng lợi.

Cuộc Cách mạng tư sản Anh giữa thế kỷ XVII, chính quần chúng nhân dân đã tham gia bảo vệ quốc hội từ những ngày đầu cách mạng. Tiếp theo, họ nô nức tòng quân, hình thành đội quân “Sườn sắt” bách chiến bách thắng dưới sự chỉ huy của Crôm-oen. Vậy tại sao cuộc cách mạng này không đi đến triệt để mà lại nhường chỗ cho cuộc Cách mạng tư sản Pháp.

Để hiểu được tại sao cuộc Cách mạng tư sản Pháp đi đến triệt để, theo thiển ý của chúng tôi, trong dạy - học cần phải chú ý phân tích thêm một số vấn đề cơ bản sau:

1. Trước hết, như đã nói ở trên, cuộc Cách mạng tư sản Pháp đã thừa kế những thành tựu và những kinh nghiệm của những cuộc cách mạng trước đó. Ở cuộc cách mạng tư sản Hà Lan, quần chúng nhân dân đã tấn công vào các nhà thờ Thiên Chúa giáo, hàng ngàn nhà thờ bị đập phá, có nơi bị phá hủy hoàn toàn. Đây là một hành động mà trước đó được xem như là “phản phúc”, hoặc chưa hề xảy ra, có chăng cũng chỉ nằm trong lý luận chứ chưa biến thành hành động hiện thực của quần chúng. Ở cuộc cách mạng tư sản Anh, Hoàng đế Sác-lơ I đã bị đưa lên đoạn đầu đài, nền cộng hòa được thiết lập dù nhanh chóng bị phản bội. Ở cuộc cách mạng Mỹ, lần đầu tiên quyền con người và những quyền tự do dân chủ tư sản đã tuyên bố với bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng (4-7-1776). Thực tế, đã có biết bao thành tựu và kinh nghiệm, kể cả những kinh nghiệm thất bại ở những cuộc cách mạng này đã được “lặp lại trong tính không lặp lại của nó” trong cuộc Cách mạng tư sản Pháp 1789 - 1799.

2. Ở Pháp, trước lúc cách mạng diễn ra, ách áp bức giai cấp hết sức nặng nề. Đây là một trong những nhân tố hàng đầu khiến cho cuộc Cách mạng tư sản Pháp đi đến triệt để.

Chế độ đẳng cấp ở Pháp đã dành cho tăng lữ và quý tộc rất nhiều đặc quyền, đặc lợi phi lý, không chỉ về chính trị, kinh tế mà cả tư pháp. Bộ máy quan liêu khổng lồ của nền quân chủ chuyên chế nắm chặt mọi sinh hoạt xã hội và ngay cả đời tư. Công thức nổi tiếng của Lu-i XIV: “Nhà nước, chính là Trẫm” đã nói lên tính chất chuyên chế cực đoan của nhà nước phong kiến Pháp. Mặt khác, sự cấu kết giữa nhà nước phong kiến Pháp và giáo hội Thiên Chúa giáo luôn luôn tuân thủ nguyên tắc, như Mê-li-ê, một linh mục Thiên Chúa giáo, đã vạch rõ: “Tôn giáo ủng hộ chính quyền, dù chính quyền đó độc ác đến thế nào đi nữa, và ngược lại chính quyền ủng hộ tôn giáo, dù tôn giáo ngu ngốc và trống rỗng đến thế nào đi nữa” (3) . Chính sự chuyến chế cực đoan cùng với sự cấu kết giữa vương quyền và giáo hội đã làm cho xã hội thượng lưu Pháp đi đến chỗ thối nát cực độ, như La Bruye đã khẳng định: “Muốn thành công ở các triều đình, chỉ cần một sự vô liêm sĩ chân thực và ngây thơ” (4) .

Tình hình chính trị - xã hội như đã nêu dẫn đến đại đa số nhân dân Pháp, trước hết là nông dân đã lâm vào cảnh khốn cùng. Hình ảnh của người nông dân Pháp dưới chế độ phong kiến chẳng khác gì một thú vật: “Người ta thấy một số thú vật dữ tợn, đực và cái, rải khắp các làng xóm, sạm đen hốc hác và rám nắng, gắn chặt vào mãnh đất mà chúng đào xới một cách cực kỳ nhẫn nại; hình như chúng cũng có một giọng nói, và khi chúng đứng lên, người ta thấy chúng có bộ mặt người; và quả thực chúng là người. Đêm đến chúng rúc vào hang, sống bằng bánh mì đen, nước lã và rễ cây; nhờ chúng, những người khác khỏi phải gieo, cày và gặt để sống” (5) . Điều này giải thích tại sao một đốm lửa đã bùng lên thành một đám cháy lớn thiêu rụi vương triều Buốc-bông và đẩy lùi các thế lực phong kiến châu Âu dù cho có sự trợ thủ đắc lực của 2 nước tư bản chủ nghĩa là Anh và Hà Lan.

3. Ở Anh, trước cách mạng, chủ nghĩa tư bản đã xâm nhập mạnh trong nông nghiệp, quý tộc địa chủ đã tiến hành kinh doanh ruộng đất theo phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, và do đó, tầng lớp quý tộc mới (quý tộc tư sản hóa) ra đời. Do vậy, lãnh đạo cách mạng ở Anh là liên minh tư sản và quý tộc mới. Ở Mỹ, chủ nghĩa tư bản phát triển cả trong công thương nghiệp và nông nghiệp, dẫn đến sự hình thành, vừa cả tư sản công thương và tư sản đồn điền (chủ nô), tất yếu lãnh đạo cách mạng là liên minh tư sản và chủ nô. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho các cuộc cách mạng diễn ra ở Anh và Mỹ không thể nào đi đến giải quyết triệt để những nhiệm vụ của một cuộc cách mạng tư sản, bởi lẽ quyền lợi của giai cấp lãnh đạo còn gắn chặt với phong kiến (tầng lớp quý tộc mới ở Anh và tư sản đồn điền ở Mỹ). Tiến công vào thành trì của chế độ phong kiến một cách triệt để, ắt hẳn quyền lợi của quý tộc mới và chủ nô tất yếu sẽ bị đe dọa.

Khác với Anh và Mỹ, ở Pháp, trước cách mạng, chủ nghĩa tư bản đã phát triển mạnh trong công thương nghiệp. Giai cấp tư sản Pháp trước cách mạng có một thế lực lớn không chỉ về kinh tế mà cả về tri thức khoa học. Lãnh đạo cách mạng thuần túy là giai cấp tư sản, không chia xẻ cho một ai, dù rằng trong hàng ngũ lãnh đạo vẫn có một số quý tộc, thậm chí là cả tăng lữ, nhưng bộ phận này đã lột xác, hóa thân thành tư sản cả về tư tưởng và hành động (6) . Trong suốt tiến trình của cuộc Cách mạng tư sản Pháp, sự thỏa hiệp cũng có lúc đã diễn ra, nhưng sự thỏa hiệp ở đây chỉ diễn ra giữa các bộ phận khác nhau của giai cấp tư sản và nhanh chóng đi qua, thậm chí trong họ cũng tiến hành những biện pháp quyết liệt để loại bỏ bộ phận tư sản cản đường tiến lên của cách mạng. Với giai cấp tư sản Pháp, sự tồn tại của chế độ phong kiến dưới bất kỳ hình thức nào được xem như là một “cục bướu” cần nhanh chóng cắt bỏ. Điều này giải thích tại sao“trong cuộc Đại cách mạng Pháp, nước Pháp đã đập tan chế độ phong kiến và đã kiến lập một nền thống trị thuần túy của giai cấp tư sản dưới một dạng cổ điển mà không một nước nào ở châu Âu đạt được” (7) .

4. So với nhiều cuộc cách mạng tư sản khác, cuộc Cách mạng tư sản Pháp được chuẩn bị rất kỷ lưỡng về mặt tư tưởng. Nếu như thế kỷ trước đó, ở châu Âu nói chung và ở Pháp nói riêng, sự phê phán chế độ phong kiến và Giáo hội còn biểu hiện rụt rè, kín đáo, phân tán và còn rất xa mới rút ra những kết luận cách mạng, thì ở thế kỷ XVIII, trước lúc cách mạng Pháp diễn ra, các nhà tư tưởng đã xuất hiện với một đạo binh hùng mạnh; trên trận địa tư tưởng, tiếng súng nổ đều khắp các lãnh vực. Đối với họ, bây giờ không dừng lại ở thắng lợi từng phần, bắn trúng mục tiêu này hay mục tiêu khác, mà là phá hủy, đạp đổ toàn bộ thành trì của chế độ phong kiến.

Thật vậy, Trào lưu Triết học ánh sáng mà những đại biểu nổi tiếng là Vôn-te, Mông-te-xki-ơ, Ru-xô, ... không chỉ dừng lại trong việc lật tẩy những kẻ ngự trị trong ngai vàng, tố cáo quý tộc là những kẻ ăn bám xã hội, mà còn tiến đến xé bỏ những hào quang thần thánh của Giáo hội, vốn là  một công cụ cầm tù nhân dân về mặt trí tuệ, Ăng-ghen khẳng định:“Đại cách mạng Pháp là cuộc nổi dậy lần thứ ba của giai cấp tư sản, nhưng nó là cuộc cách mạng đầu tiên đã vứt bỏ bộ áo tôn giáo” (8) . Điều quan trọng hơn là các nhà Khai sáng Pháp đã chứng minh về quyền được hưởng tự do của con người, coi nhân dân là nguồn gốc chủ quyền của quốc gia; đề ra những thiết chế chính trị, các mô hình xã hội mới. Rõ ràng là “những vĩ nhân Pháp đã soi sáng đầu óc mọi người để chuẩn bị cho cuộc cách mạng sắp bùng nổ thì chính họ cũng rất cách mạng, không chịu khuất phục trước bất kỳ một thứ uy quyền nào bên ngoài. Họ không thừa nhận một thứ uy quyền bên ngoài nào cả. Tôn giáo, quan niệm về tự nhiên, xã hội, tổ chức nhà nước, tất cả phải được đem ra phê phán hết sức nghiêm khắc, tất cả đều phải ra trước tòa án của lý tính và biện hộ cho sự tồn tại của mình hoặc là từ bỏ sự tồn tại của mình” (9) .

Tư tưởng cách mạng của giai cấp tư sản đang lên đáp ứng những khát vọng về “tự do, bình đẳng, bác ái” của toàn bộ Đẳng cấp thứ ba. Do đó, không lạ gì, trước cách mạng, người dân Pari đã ngốn đọc hết tất cả những ấn phẩm, thậm chí cả những bản chép tay chưa kịp in của các nhà Khai sáng. Từ trong những biệt thự sang trọng, đài các của những quý tộc tiến bộ đến cả những rạp phim, những quán cà phê, phòng đánh cầu, v.v… , đâu đâu người ta cũng tranh luận mổ xẻ về những tư tưởng mới. Trên thực tế, trước lúc cách mạng nổ ra, tư tưởng cách mạng đã xâm nhập mạnh mẽ vào trong quần chúng nhân dân, có tác dụng soi đường cho nhân dân tiến lên làm một cuộc cách mạng vĩ đại, để đánh bại “lực lượng vật chất” lỗi thời của chế độ phong kiến đang ngự trị, đúng như Mác đã khẳng định: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh bại bằng lực lượng vật chất, nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng” (10) .

5. Hơn bất cứ một cuộc cách mạng tư sản nào khác, cuộc cách mạng tư sản Pháp gặp phải “sự phản ứng giai cấp” hết sức quyết liệt. Có biết bao sự kiện trong suốt tiến trình của cuộc Cách mạng Pháp chứng minh cho lập luận này. Sau những quyết định của Quốc hội lập hiến trong “đêm kỳ diệu 4-8-1789”, nhưng suy cho cùng cũng chỉ mới hạn chế một phần rất nhỏ bé của các đẳng cấp có đặc quyền, song Lui-i XVI vẫn kiêu căng, tự phụ, không chịu phê chuẩn: “Ta không bao giờ chấp nhận việc tước lột đẳng cấp tăng lữ và quý tộc của ta” (11) . Những cuộc di cư phản cách mạng của quí tộc ngày càng gia tăng, chúng lập sào huyệt ở Cô-blen. Từ đây, những đường dây bí mật và âm mưu phản phản cách mạng tỏa về tận Pa-ri. Lui XVI và hoàng hậu Ma-ri Ăng-toa-nét trên đường trốn ra nước ngoài đã bị bại lộ, buộc phải trở lại Pa-ri chờ ngày xét xử. Những linh mục xúi dục nông dân mộ đạo gây bạo loạn ở Văng-đê; Ma-ra, một trong những lãnh tụ xuất sắc của cách mạng, được nhân dân kính trọng, tôn vinh là người “Bạn dân”, đã bị kẻ thù ám sát, ...

Nội phản gắn liền với ngoại xâm. Cả châu Âu liên minh lại chống nước Pháp cách mạng, không chỉ các triều đình phong kiến mà cả chính phủ tư sản của các nước Anh, Hà Lan cũng đều đặt mục tiêu tiêu diệt cách mạng Pháp. Để bảo vệ thành quả cách mạng, ngày 20-4-1792, Quốc hội lập pháp tuyên chiến với áo – Phổ. Tất cả những đạo quân Pháp nối tiếp nhau ra mặt trận  hô vang khẩu hiệu: “Dân tộc muôn năm”. Coi thường tinh thần yêu nước và cách mạng của nhân dân Pháp, ngày 25-7-1792, Công tước Brunsvich, Tổng Chỉ huy liên quân phong kiến châu Âu ra một tuyên ngôn, trong đó nói rõ liên quân có nhiệm vụ “chấm dứt sự hỗn loạn bên trong nước Pháp,… Khôi phục chính quyền hợp pháp, trả lại tự do và an ninh cho nhà vua, trừng trị những người làm loạn”. Tuyên ngôn đe dọa Pari “sẽ bị trừng trị phạt bằng quân sự và sẽ hoàn toàn bị đạp đổ” (12) nếu xảy ra một sự xúc phạm nào đến nhà vua và hoàng gia dù là nhỏ nhặt đi nữa.

Bất chấp những đe dọa từ phía Liên minh phong kiến châu Âu, ngày 14-1-1793, bằng cách biểu quyết công khai từng người một về việc định đoạt số phận của Lu-i XVI, kết quả Lu-i XVI bị xử tử hình với số phiếu 387/721 phiếu. Ngày 21-1-1793, Lu-i XVI đã bị đưa lên máy chém. Việc những nhà cách mạng Pháp chặt đầu Lu-i XVI có nghĩa là họ đã chặt đứt tất cả những cái cầu ở đằng sau họ, con đường rút lui không còn nữa, cách mạng chỉ có một con đường tiến lên phía trước.  

Điều dễ nhận thấy trong cuộc Cách mạng tư sản Pháp là chính sách và biện pháp cách mạng được đề ra luôn luôn tỉ lệ thuận với sự phát triển của hai mâu thuẫn: Dân tộc và giai cấp. Và khi những mâu thuẫn này phát triển đến đỉnh cao nhất trong năm 1793 thì cũng chính ở thời điểm này hàng loạt biện pháp cách mạng ra đời. Những đạo luật trong tháng Sáu 1793 đã giải quyết khá triệt để vấn đề ruộng đất cho nông dân, mà đã gần 4 năm kể từ khi  cách mạng diễn ra, đã không làm được. Tiếp theo, những đạo luật về “giá tối đa”, “lương tối đa”, đạo luật “những người tình nghi” v.v… đã đập tan ngay tức khắc nội phản, “đội quân thứ năm” của Liên minh phong kiến Châu Âu nằm ngay bên trong nước Pháp; và không lâu sau đó đội quân Liên minh phong kiến châu Âu cùng với quân Anh bị đánh bật ra khỏi nước Pháp. Cách mạng Pháp đã đi đúng cái quy luật: “Áp lực cao, phản lực cường”.

Tóm lại, trong số những nhân tố chủ quan và khách quan được nêu ở trên, tuy mức độ tác động có khác nhau đến tiến trình cách mạng, nhưng để giải thích rõ về tính triệt để của cuộc cách mạng Pháp không thể không viện dẫn đến sự đan xen và sự cộng sinh giữa các yếu tố với nhau, dẫu rằng ở đây yếu tố giai cấp và yếu tố dân tộc được xem nhân tố quan trọng hàng đầu. Mặt khác, đứng về mặt thực tiễn, nếu làm được như vậy, sẽ giúp người học nhận thức được rằng muốn đánh giá đúng đắn một sự kiện lịch sử, cần phải đặt nó mối quan hệ biện chứng và xem xét toàn diện. Đây là ý nghĩa không kém phần quan trọng.

__________

Chú thích

(1) Như tách Giáo hội ra khỏi nhà nước, tịch thu ruộng đất của Giáo hội và quý tộc, từ việc chia ruộng đất tịch thu thành những lô lớn, bán trả tiền ngay đến việc chia ruộng đất thành những lô nhỏ bán trả tiền trong 10 năm; từ chỗ chia công dân thành hai loại công dân tiêu cực và công dân tích cực đến việc xóa bỏ triệt để chế độ đẳng cấp, thiết lập chế độ cộng hòa, mọi công dân nam từ 21 tuổi trở lên đều được quyền ứng cử và bầu cử, ... 

(2) Đào tạo theo hệ thống tín chỉ, số tiết trên lớp của mỗi học phần thông sử giảm đến 50% so với trước đây.

(3)  A. Manfret. Đại Cách mạng Pháp 1789. Nxb. Khoa học, Hà Nội, 1965, tr. 50. 

(4) A. Manfret, Sđd., tr. 42.

(5)  A. Manfret, Sđd., tr. 30 – 31.

(6) Bá tước La Phay-ét (1757-1834) xuất thân trong một gia đình quý tộc danh tiếng và giàu có.  Ông được cử làm Tổng tư lệnh quân Vệ quốc trong thời kỳ đầu của cuộc Cách mạng Pháp. Giám mục Ta-lây-răng (1754-1838), người đề nghị tịch thu tài sản của Giáo hội, một người về sau nổi tiếng về tài ngoại giao.  

(7) C. Mác – Ăng-ghen. Tuyển tập, Tập II. Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1981, tr. 384.

(8) Ph. Ăng-ghen.  Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội khoa học từ không tưởng đến khoa học. Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1977, tr. 45.

(9) Ph. Ăng-ghen, Sđd., tr. 63-64.

(10) C. Mác. Lời mở đầu của “Phê phán triết học Pháp quyền Hê-ghen”. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1962, tr. 18.

(11) Nguyễn Văn Đức và một số tác giả, Lịch sử thế giới cận đại, Quyển I  (1640 – 1871), tập I. Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1971, tr. 189 – 190.

(12) A. Manfret, Sđd., tr. 196.

 

Lê Cung

Nguồn: tác giả gửi cho trang SH