Chính Sách Của Chính Quyền Ngô Đình Diệm Đối Với Phật Giáo Miền Nam Việt Nam (1954 - 1963)

GS Lê Cung

http://sachhiem.net/LICHSU/L/LeCung15.php

17-Aug-2021

Trên thực tế, “việc lựa chọn Diệm đã được thực hiện dưới sức ép nặng nề của Mỹ và bằng sự can thiệp của Hồng y Spellman”[181]. Vì vậy, sau khi lên cầm quyền ở miền Nam, Ngô Đình Diệm quyết tâm thực hiện vũ khí tôn giáo do chính Spellman đã trao cho

Như chúng ta biết phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 là một phong trào nổi bật trong phong trào đô thị miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975). Phong trào là hệ quả trực tiếp đưa đến sự cáo chung chế độ Ngô Đình Diệm sau 9 năm thống trị miền Nam (1954 - 1975). Để hiểu tại sao phong trào này đóng được vai trò như thế, bài viết này xin cống hiến quý độc giả về chính sách của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo miền Nam trong suốt thời gian chính quyền này ngự trị “một nửa dân tộc Việt Nam” (1954 - 1963).

1. Về tư tưởng - chính trị.

Tư tưởng bao trùm, chỉ đạo mọi chính sách của chế độ Ngô Đình Diệm là tư tưởng chống Cộng. Vũ khí tư tưởng mà chính quyền Ngô Đình Diệm để chống Cộng là chủ nghĩa nhân vị[1] mà Ngô Đình Nhu là kẻ chủ xướng. Chủ nghĩa nhân vị chủ trương: “Nhân vị ở trên gia đình, ở trên các đoàn thể, ở trên quốc gia và trên cả chủ quyền quốc gia, những việc ấy trước hết phải nhằm vào sự nảy nở nhân vị chứ không để đè bẹp nó”[2]. Theo Ngô Đình Nhu chỉ có chủ nghĩa nhân vị mới bài trừ được lạc hậu và đẩy lùi được chủ nghĩa phát-xít, Ngô Đình Nhu viết: “Trong một xã hội hậu tiến như Việt Nam, nhiều cơ cấu nội bộ không thích hợp với một chế độ kinh tế lấy nhân vị làm căn bản. Người ta chỉ phí công nếu chỉ bằng lòng tô sửa lại những đường nứt nẻ ở một tòa nhà lung lay sắp đổ nát. Nếu là cần, chúng ta phải mạnh dạn đập tan những cơ cấu lỗi thời ấy đi để đặt nền tảng cho những công cuộc xây dựng mới lấy sự giải phóng nhân vị làm tiêu chuẩn. Làm như thế, chúng ta sẽ tránh khỏi sự cám dỗ của chủ nghĩa mác-xít là thuyết đã chủ trương quyền tối thượng của kinh tế trên nhân vị”[3].

Trong Thông điệp gởi Quốc hội Sài Gòn ngày 17-4-1956, Ngô Đình Diệm “đề nghị” soạn thảo một bản hiến pháp dựa trên “căn bản duy linh” “đường lối nhân vị”[4]. Điều này giải thích tại sao trong phần mở đầu Hiến pháp nền “Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam” (26-10-1956), chủ nghĩa nhân vị được xem là tiêu điểm mà hầu hết lãnh vực quốc gia phải khuôn theo: “Xây dựng dân chủ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho toàn dân trong sự tôn trọng nhân vị”[5] . Ngô Đình Diệm khẳng định: “Chủ nghĩa nhân vị là linh hồn của chính thể Cộng hoà”[6] .

Hàng trên: GM Ngô Đình Thục, TT. Ngô Đình Diệm, Cố vấn Ngô Đình Nhu.

Hàng dưới: Ngô Đình Luyện, Cậu Út Ngô Đình Cẩn, Bà Ngô Đình Nhu (Trần Lệ Xuân)

Từ năm 1956, chủ nghĩa nhân vị được các linh mục giảng dạy ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, tiếp theo Ngô Đình Diệm cho thành lập Trung tâm Huấn luyện Nhân vị Vĩnh Long. Ban Giám đốc và Ban Giảng huấn đều là các linh mục hoặc tín đồ Thiên Chúa giáo, đặt dưới quyền quản lý trực tiếp của Ngô Đình Thục (anh ruột Ngô Đình Diệm, lúc này đang làm Tổng Giám mục địa phận Vĩnh Long). Cán bộ viên chức nhà nước từ trung ương xuống địa phương (tỉnh, quận) đều phải về thụ huấn tại Trung tâm Huấn luyện Nhân vị Vĩnh Long. Công văn số 678 -  YT/VP ngày 9-1-1958 của Bộ Y tế gởi các bộ viết: “Để thi hành thông tư số 172 - TTP ngày 31-12-1957 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, trong phiên họp ngày 28-12-1957, quý vị đã ủy nhiệm cho tôi sắp đặt việc đề cử nhân viên theo học các khóa huấn luyện nhân vị trong năm 1958.

Để công việc này được tiến hành một cách chu đáo vì khóa đầu tiên khai giảng vào khoảng đầu tháng 3 dương lịch 1958 sắp tới, tôi yêu cầu cho gửi đến bộ tôi trước ngày 31-1-1958 một danh sách tổng số nhân viên thuộc quý Bộ đủ điều kiện văn hóa ấn định trong thông tư chiếu thượng của Tổng thống và có thiện chí học tập được quý Bộ đề cử theo học các khóa huấn luyện nhân vị trong năm 1958” [7]

Tuy nhiên, khi các học viên về Vĩnh Long, điều cay đắng, họ chỉ nghe các linh mục giảng dạy gần như hoàn toàn giáo lý Thiên Chúa giáo, mua chuộc theo Thiên Chúa giáo, đồng thời chỉ trích giáo lý Phật giáo, gây chia rẽ nội bộ Phật giáo. Tài liệu dùng cho việc giảng dạy của Trung tâm viết: “Theo Phật giáo nguyên thủy, thì Đức Phật không bàn đến nguồn gốc vũ trụ. Ngài cho rằng vũ trụ biến chuyển, có có không không, mà hồn vũ trụ là Brahman (Phạm Thiên) cũng bị lôi cuốn trong vòng biến chuyển ấy."

Tư tưởng này của Đức Thích Ca được phái Tiểu thừa nhất loạt tuân theo.

Nhưng vì thấy quan điểm này quá hẹp hòi, phản tiến hóa, nên đạo sĩ Ashvagosha mới lập ra phái Đại thừa”[8] .

Đoạn trích dẫn trên rõ ràng là xuyên tạc có ý thức về tư tưởng Phật giáo nguyên thủy. Nguồn gốc của vũ trụ, hay thực tướng của vũ trụ, theo tư tưởng của Phật giáo nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa là vũ trụ Duyên khởi (Paticcasa-muppada). Vì vũ trụ do Duyên khởi, nên câu hỏi về nguồn gốc của nó, hay câu hỏi về nguyên nhân đầu tiên trở thành không hợp. Quan điểm của luận sư Ashvagosha (Mã Minh) là “chân như duyên khởi” hoàn toàn không có gì trái với quan điểm vũ trụ duyên khởi của Phật giáo nguyên thủy.

Điều này là không lạ, bởi vì đối với Phật giáo, Ngô Đình Nhu cho rằng: “Hình như cũng khó mà suy diễn ra những nguyên tắc xã hội từ một lý thuyết vô thần chỉ bằng vào hiện tượng hư vô, một triết thuyết gạt bỏ phần thiêng liêng của đời sống con người và coi muôn sự ở đời kể cả linh hồn cũng là ảo ảnh, có chăng chỉ có hư vô,...”[9] .

Mặt khác, trung tâm còn đảm nhận nhiệm vụ đào tạo những “cán bộ nhân vị” nòng cốt để làm nhiệm vụ xung kích trong việc tuyên truyền chủ nghĩa nhân vị xuống tận nhân dân. Tài liệu của chính Trung tâm Huấn luyện Nhân vị Vĩnh Long cho biết: “Với mục đích phổ biến lý tưởng nhân vị, mà Trung tâm Huấn luyện Nhân vị toàn quốc ở Vĩnh Long, do Đức Cha Ngô Đình Thục sáng lập dưới sự bảo trợ của chính phủ, trong hai năm nay đã tung ra khắp mọi nơi trên miền Nam vĩ tuyến, trên hai ngàn cán bộ nhân vị đang âm thầm hoặc công khai thành tâm phục vụ lý tưởng.”[10]

Cũng có khoá của Trung tâm Nhân vị Vĩnh Long chuyên đào tạo cán bộ nữ. Công văn số 3525-B/BNV/VPTC ngày 23-6-1959 của Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ gởi ông Đổng lý Văn phòng Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống viết: “Trân trọng lưu ý quý Bộ Khoá Huấn luyện Nhân vị thứ 21 tại Vĩnh Long dành cho nữ khoá sinh, sẽ khai giảng ngày 5-7-1959.

Thể theo lời yêu cầu của Trung tâm Huấn luyện Nhân vị Vĩnh Long, xin quí Bộ vui lòng chỉ thị cho các nữ nhân viên trực thuộc được cử theo học khoá huấn luyện nhân vị nói trên, nên nhập trại đúng ngày giờ qui định”[11] .

Đối với những cán bộ về thụ huấn tại Trung tâm Huấn luyện Nhân vị Vĩnh Long, nếu xuất sắc được chính quyền Ngô Đình Diệm nâng đỡ trong việc thăng ngạch trật hằng năm, cốt để họ vững lập trường tư tưởng và đem hết khả năng phụng sự chế độ[12]. Công văn số 173F/VP/NV ngày 22-6-1959 của Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Nhân vị Vĩnh Long gởi các Bộ trưởng: Điền thổ, Tư pháp, Tài chánh, Công chánh và Y tế cho biết Phủ Tổng thống: “Yêu cầu quí ông Bộ trưởng, nếu có thể được, cấp cho các khoá sinh đương sự một thơ ban khen lưu ký vào hồ sơ cá nhân để tăng cường số điểm trong việc đề nghị thăng trật hằng năm."[13] .

Rồi những cán bộ, viên chức là cựu học viên của Trung tâm Huấn luyện Nhân vị Vĩnh Long được chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức giải thưởng sáng tác về chủ nghĩa nhân vị nhằm “để giúp cho các hội viên có cơ hội biên khảo và sáng tác trên căn bản phát huy học thuyết nhân vị, ngõ hầu có thể tự trau dồi về đạo đức nhân bản đồng thời giúp ích vào việc phổ biến học thuyết trong quần chúng, qua tác phẩm sẽ được ấn loát dưới hình thức loại sách bỏ túi, Hội quyết định tổ chức một giải thưởng mang danh là ‘GIẢI THƯỞNG SÁNG TÁC CỦA HỘI NHÂN VỊ 1962’ và đặt dưới tiêu đề Nhân vị là gì?"[14] .

Cũng như Viện Đại học Sài Gòn, khi Viện Đại học Huế thành lập (1-3-1957), chính quyền Ngô Đình Diệm âm mưu biến nơi đây thành nơi tuyên truyền chủ nghĩa nhân vị đến giảng viên, sinh viên và rộng ra cả xã hội. Ngày 15-6-1957, tại Viện Đại học Huế, linh mục Bonnichon thuyết trình về chủ đề: “Chủ nghĩa nhân vị với những đòi hỏi hiện thời”[15] . Tạp chí Đại học Huế đăng hàng loạt bài của các tác giả là linh mục hoặc trí thức Thiên Chúa giáo nhằm giải thích, tuyên truyền chủ nghĩa nhân vị. Ngô Đình Diệm khẳng định: “Hầu hết mọi nơi đều có ảnh hưởng của Giáo hội trên đời sống đại học, do những nhóm sinh viên Công giáo cũng như do một số đông giáo sư Công giáo mà người ta tìm thấy trên tất cả mọi trường đại học[16] .

Do tính chất phản động về mặt tư tưởng, chủ nghĩa nhân vị của gia đình họ Ngô đã nên xa lạ, thù địch đối với người Việt Nam. Jerrold Schecter cho rằng: “Mặc dù nó được nêu ra như một ‘công thức dân tộc’ để dung hòa những giá trị của phương Đông và phương Tây, chủ nghĩa nhân vị chưa bao giờ có một chỗ đứng ở Việt Nam do tính chất mơ hồ của những tư tưởng của nó và sự bất lực của gia đình họ Ngô không thể biến tư tưởng thành hành động[17] . Chính tay chân của gia đình họ Ngô thừa nhận: “Nhân vị đã được chính quyền chủ trương phổ biến,... nhưng mấy ai hiểu rõ nhân vị là gì”[18] . Đúng hơn, dưới con mắt của người Việt Nam, chủ nghĩa nhân vị của gia đình họ Ngô là “một thủ đoạn bịp bợm nhằm làm cho Thiên Chúa giáo trở nên hấp dẫn, gia đình họ Ngô tượng trưng không chỉ cho Thiên Chúa giáo mà cả cho sự can thiệp của nước ngoài.”[19]

Do vậy, dưới chế độ Ngô Đình Diệm “mãnh bằng nhân vị” là điều kiện tối quan trọng để thăng quan tiến chức hoặc ít nữa cũng tạm thời yên ổn trước sự theo dõi của chế độ, vẫn gây không ít bất mãn, chán nản đối với học viên. Trên thực tế đã có những cán bộ viên chức đã phản ứng bằng cách này hoặc cách khác để lẩn tránh không chịu tham gia thụ huấn. Chính Công văn số 17096/YT/VP ngày 22-8-1958 của Bộ Y tế gửi các bộ, đã cho thấy điều đó: “Bộ tôi nhận thấy trong mỗi khóa, khi danh sách khóa sinh đã lập xong và với sự thỏa thuận của các bộ, vẫn có những can thiệp vào giờ phút cuối cùng để giữ nhân viên lại, làm xáo trộn danh sách và nhiều khi, không đủ số khóa sinh đã định.

Vì vậy, Bộ tôi quyết định, kể từ nay không chấp nhận sự can thiệp tương tự và đối với những trường hợp chạy chửa riêng để khỏi đi dự huấn luyện Bộ tôi sẽ trình lên Tổng thống định đoạt”[20] .

Đỗ Thọ, một tùy viên thân tín của Tổng thống Ngô Đình Diệm trong hồi ký của mình, đã phải chua chát thừa nhận: “Hình thức tu nghiệp cho viên chức ở Vĩnh Long do Đức Cha khởi xướng, Tổng thống Ngô Đình Diệm rất ưa thích. Tổng thống cứ nghĩ rằng công chức có dịp sẽ tiến bộ về hiệu năng làm việc cũng như hiểu thấu được chủ nghĩa nhân vị.

Nhưng Đức Cha và Tổng thống đâu biết những lời than trách của các công chức ‘bị’ đi tu nghiệp chủ thuyết. Trong những dịp đi kinh lý theo Tổng thống, tôi gặp những công chức quen biết, họ than vãn phải theo học ở Vĩnh Long. Tiên tài tốn kém mà chẳng bổ ích tí nào. Ở nhà vợ con trông, tiền lương chia ra để tiêu sao mà đủ được,...

 Những công chức thấp cổ bé miệng họ thân thiết với tôi nhưng nói cũng rất dè dặt. Và từng ấy cũng đủ cho tôi hiểu và tưởng tượng sự việc đi tu nghiệp ở Vĩnh Long.[21]

Trên nền tảng chủ nghĩa nhân vị, chế độ Ngô Đình Diệm đẩy mạnh việc xây dựng đảng Cần Lao Nhân vị nhằm làm đội quân chủ lực cho chế độ. Lúc đầu, Ngô Đình Nhu chủ trương lấy giáo dân Thiên Chúa giáo làm nòng cốt, nhưng người các tôn giáo khác vẫn được thu nạp vào đảng. Từ cuối năm 1957, sau khi tạm thời vượt qua những khó khăn buổi đầu, chế độ “dường như đã vững mạnh”, Ngô Đình Nhu chủ trương phải có một chủ lực thuần nhất, hoàn toàn trung kiên để đối đầu với lực lượng cách mạng, đảng Cần Lao Nhân vị biến thành đảng: “Cần Lao Thiên Chúa giáo”, lấy tôn giáo làm yếu tố ưu tiên và độc nhất cho mọi chính sách, nhất là chính sách nhân sự, nên đảng viên hầu hết là giáo dân Thiên Chúa giáo. Người vào đảng phải tuyên thệ có sự chứng giám của một linh mục, thề chiến đấu vì Chúa “đem hết thể xác và linh hồn cho đến hơi thở cuối cùng để chống cộng sản vô thần, chống Phật giáo ma quỷ, chống các đảng phái quốc gia”[22] . Kẻ có chân trong đảng Cần lao là thể hiện sự trung thành đối với chế độ, được chế độ tin tưởng và cất nhắc. Nhà nghiên cứu Nguyễn Lang khẳng định: “Nhưng chế độ miền Nam còn đi xa hơn thế: Chính quyền miền Nam (chính quyền Ngô Đình Diệm - LC chú thích) đã đè nén Phật giáo để đưa Giáo hội Công giáo lên địa vị độc tôn, đến nỗi những ai muốn có chân đứng trong chính quyền hoặc trong số những thành phần ưu đãi của xã hội đều phải theo Công giáo”[23] . Thật vậy::“Cần lao là con đường duy nhất để đưa người vào Công giáo, và chỉ người Công giáo mà thôi vào chính quyền[24] .

Do chính sách trên đây, bộ máy cai trị của nhà nước Diệm thể hiện tính chất “giáo trị” một chiều hết sức cao độ. Ở trung ương, quyền lực tối cao nằm trong tay anh em gia đình họ Ngô (Ngô Đình Diệm giữ chức Tổng thống, Ngô Đình Nhu vừa là Bí thư đảng Cần lao, vừa Cố vấn chính trị cho chế độ, Ngô Đình Cẩn  là Cố vấn chỉ đạo chỉ đạo miền Trung, Trần Lệ Xuân vợ Ngô Đình Nhu là Chủ tịch Phụ nữ Liên đới). Chủ tịch Quốc hội luôn luôn nằm trong tay một dân biểu Thiên Chúa giáo. Song để đánh  lừa dư luận quốc tế rằng nhà nước trung ương của nền “Đệ nhất  Cộng hoà” là một “nhà nước nhân dân”, chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn để cho một số viên chức không cùng tín ngưỡng tham gia nội các[25] . Tuy nhiên, hầu hết các chức vụ chủ chốt, quan trọng đều nằm trong tay thiểu số Cần lao Thiên Chúa giáo. Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, vì đã có bộ máy chính quyền trung ương nên không cần có một đô trưởng người Thiên Chúa giáo, nhưng phó đô trưởng kiêm thủ lĩnh Thanh niên Cộng hòa và hầu hết các quận trưởng là Cần Lao Thiên Chúa giáo.

Ở các tỉnh, nhất là các tỉnh miền Trung, cho đến đầu năm 1963, hầu hết các tỉnh trưởng, thị trưởng đều là người Cần Lao Thiên Chúa giáo, trừ tỉnh trưởng Thừa Thiên, Phú Yên và thị trưởng Đà Lạt. Sau khi phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam 1963 bùng nổ, tỉnh trưởng Thừa Thiên, và tỉnh trưởng Phú Yên bị cách chức, thay vào đó bằng người Cần Lao Thiên Chúa giáo.

Ở địa bàn thôn xã, thực hiện chính sách đề cao Thiên Chúa giáo, chế độ Ngô Đình Diệm đã đi ngược lại truyền thống dân chủ vốn có của làng xã Việt Nam, bằng cách bãi bỏ các hội đồng dân cử và thay vào đó bằng hình thức “chỉ định”. Trần Văn  Đôn, một trong những viên tướng cầm đầu  cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm (1-11-1963) đã chỉ ra rằng: “Một trong những khuyết điểm lớn nhất của Diệm trong năm 1956 là việc các viên chức làng xã được bầu cử đã bị chính quyền trung ương thay thế một cách độc đoán bằng những kẻ tay sai được chỉ định”[26]. Báo Đường Sống, một tờ báo thuộc phe cánh Diệm, số ra ngày 26-3-1956 đã tiết lộ rằng: “Đã nhiều lần báo giới Pháp công kích Tổng thống Ngô Đình Diệm lập chính phủ độc tài ở Sài Gòn, lập chế độ độc tài Công giáo trị dựa vào triệu dân Bắc lánh nạn xuống Nam”[27]

Bằng những biện pháp này, chính quyền Ngô Đình Diệm đã nhanh chóng “Thiên Chúa giáo hóa” bộ máy chính quyền thôn xã. Cho đến năm 1957, hầu hết các xã trưởng, thôn trưởng đều nằm trong tay những người Cần Lao Thiên Chúa giáo. Do “chế độ chỉ định” nên bộ máy chính quyền thôn xã ra sức bạo hành, ức hiếp lương dân, mà nạn nhân chủ yếu là những người không cùng tôn giáo với gia đình họ Ngô.

Ở địa bàn thôn xã, hiện tượng “linh mục chế” càng trở nên dữ dội. Ngay cả một xã gồm ba hay bốn làng đi nữa, nếu chỉ có một người theo Thiên Chúa giáo, thì người ấy vẫn cầm đầu hoặc thực sự khống chế. Một số linh mụcvà giáo dân Thiên Chúa giáo ngang nhiên và thực tế cầm nắm hay chi phối, hết thảy mọi quyền bính và quyền lợi, ban này hay ban kia của chính quyền chỉ là công cụ hoặc áo tuồng mà thôi[28] . Xin nêu hai trường hợp tiêu biểu sau:

- Tại Tây Ninh, ngày 30-7-1957, chính quyền Ngô Đình Diệm cho tay chân chiếm chùa Thanh Lâm (xã Thanh Phước, quận Hiếu Thiện). Vụ này kéo dài đến năm 1965 vẫn chưa dứt điểm. Trong đơn xin huỷ bản án trả lại đất chùa Thanh Lâm, gởi Uỷ ban Lãnh đạo Quốc gia và Thiếu tướng Uỷ ban Hành pháp Trung ưowng nêu rõ: “ ... Ngày 30-7-1957, một yết thị của ông Quận trưởng Nguyễn Văn Thao bắt các nhà cư ngụ trên đất chùa từ lâu ... phải dời đi nơi khác, ...”. Đơn tố cáo chế độ Ngô Đình Diệm “mệnh danh là Cộng hoà nhân vị, đồng tiến xã hội,... nhân vị gì mà nhân viên chính phủ có hành động ép bức Sư sãi, chiếm đoạt chùa chiền đến nổi bác tôi là Chế Văn Vàng chết, ông Quận trưởng Nguyễn Văn Thao và Hội đồng Xã sở tại đem Cảnh sát và Dân vệ tới canh gác ngày đêm cản trở không cho chôn, đến đổi quan tài xi hơi hôi thối ...”. Đơn yêu cầu:

- Huỷ bảo vĩnh viễn 2 bản án của Toà Tây Ninh ngày 20-1-1959 và Toà Sài Gòn ngày 3-12-1959, xét vì 2 bản án ấy đã xử bằng một luận lý đơn phương thiếu sự công bằng,...

  - Buộc những kẻ liên hệ phải đền bù 6 căn nhà (3 nhà ngói, 3 căn nhà tranh) của chùa, bị chính quyền địa phương ép bức phải dở ... và những cây cối ăn trái của nhà chùa bị đốn,...”[29] .

- Tại làng Nam Dương, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, linh mục Nguyễn Văn Đông địa sở Thạch Bình[30] chiếm nghĩa địa mà dân làng đã nhiều phen cực lực phản đối nhưng không được, vì đằng sau linh mục và giáo dân Thiên Chúa giáo có chính quyền Ngô Đình Diệm “chống lưng”. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ (1-11-1963), vấn đề này mới ra lẽ[31] .

Do đó, mà từ căn bản, ở nông thôn, nhất là tại các “khu dinh điền”, “khu trù mật” và đặc biệt là “ấp chiến lược”, Phật giáo đồ là đối tượng bị ngược đãi và tấn công của chính quyền Ngô Đình Diệm. “Ấp chiến lược” xét trên tất cả các mặt “là cơn ác mộng khủng khiếp đối với Phật giáo! Từ hai cái chiêu bài gọi là ‘chống Cộng hạ tầng’ và ‘dân chủ pháp trị’, ấp chiến lược thực là chiến lược và chiến thuật vĩ đại của cái sách ‘giáo trị một chiều’. Từ sự dụng ý đến sự dùng người, từ sự đặt để đến sự quản trị, từ sự bố trí đến sự tổ chức, ấp chiến lược như những chiếc nơm sắt, lớn và chắc, chụp xuống tất cả tư tưởng, nhất là tín ngưỡng, của dân tộc Việt Nam”[32] .

Cũng ở địa bàn thôn xã, chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập những đội vũ trang Thiên Chúa giáo đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của các linh mục. Ở ấp Bình Hưng (Cà Mau) có đội quân linh mục Nguyễn Lạc Hóa. Đội quân này đông tới 1.200 người gồm toàn giáo dân Thiên Chúa giáo, được Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm ưu tiên trang bị, kể cả việc xây dựng một sân bay lên thẳng. Giới chỉ huy quân sự Mỹ từng tuyên bố Bình Hưng là “tấm gương cho toàn thế giới tự do noi theo”, “chống lại tinh thần gan dạ này, chủ nghĩa cộng sản dứt khoát không thể thắng được”[33] . Ở vùng Trà Long (Cần Thơ), một trung tâm Thiên Chúa giáo, Ngô Đình Diệm cũng cho tổ chức đội vũ trang Thiên Chúa giáo. Dưới thời “Đệ nhất Cộng hoà”, chỉ riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã có đến 8 đội quân vũ trang mang danh Thiên Chúa giáo kiểu Nguyễn Lạc Hóa. Ở miền Trung tiêu biểu có đội quân Tổng Giám mục. Tờ Newsweek (New York) ngày 27-5-1963 cho biết: “Tại nông thôn, có một số làng mạc đặt dưới quyền kiểm soát của các linh mục, họ có quân đội riêng phòng thủ. Ở vùng bờ biển phía Bắc quanh Huế có nhiều đơn vị nhỏ trong những đoàn quân ấy được mệnh danh là ‘quân đội Tổng Giám mục’ chịu trách nhiệm trực tiếp với Tổng Giám mục và nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ nhà thờ và các linh mục. Các linh mục được trang bị bằng vũ khí Hoa Kỳ và phần nào được cố vấn Mỹ huấn luyện”[34] .

 Bên cạnh những lực lượng trên, Ngô Đình Diệm còn cho thành lập nhiều tổ chức thanh niên Thiên Chúa giáo, như: “Thanh niên thôn quê Thiên Chúa giáo”, “Thanh niên thánh nghiệp”, “Sinh viên thánh mẫu”, “Phong trào hùng tâm dũng trí”,... Nhiều linh mục có mặt trong tổ chức “Thanh niên cộng hòa”, một tổ chức “rường cột” của chế độ, nhằm khống chế thanh niên, khuyến khích thanh niên theo Thiên Chúa giáo.

Do vậy, khi chủ nghĩa nhân vị xuống tận nông thôn thì chính sách kỳ thị Phật giáo của chế độ càng trở nên khốc liệt và là một thảm trạng đối với nhân dân, nhất là ở các tỉnh miền Trung. Một số tư liệu tiêu biểu được trích dẫn tiếp theo đây cho chúng ta một bức tranh chân xác về chính sách nham hiểm của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo miền Nam[35] .

Tại Quảng Ngãi, bằng việc tổ chức các lớp học chủ nghĩa nhân vị, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bắt ép nhân dân, chủ yếu là tín đồ Phật giáo bỏ tôn giáo của mình để theo Thiên Chúa giáo. Có nơi Phật giáo bị đả kích dữ dội. Nếu những ai phản đối không chịu theo Thiên Chúa giáo thì đủ mọi thứ tai ương ập đến.

Thư đề ngày 23-10-1961 của Hội trưởng Hội Phật giáo Quảng Ngãi gởi Tỉnh trưởng Quảng Ngãi: “Tại Bình Thiện, chính quyền địa phương đã tổ chức lớp học về duy linh rồi lợi dụng lớp học ấy mà xuyên tạc đạo Phật của chúng tôi, dọa nạt và bắt hội viên của chúng tôi phải ký đơn qua Thiên Chúa giáo, nếu không sẽ đi học tập dài hạn tại quận và tỉnh...

Tại Bình Kỳ, ông hội viên cảnh sát đã tổ chức một cuộc họp của đội diệt Cộng (trong đó đa số là hội viên Phật giáo). Trong cuộc họp ấy, ông tuyên bố: Tất cả những ai trươc theo tôn giáo khác nay phải vào Thiên Chúa giáo hết, nếu không sẽ khai trừ ra khỏi đội diệt Cộng, đồng thời lập hồ sơ để đưa về chi công an tỉnh học tập dài hạn”[36] .

Thư đề ngày 12-12-1961 của Khuôn hội Phật giáo Hà Nhai gởi Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi viết: “Gần đây hội đồng xã Sơn Trung có tổ chức một lớp học tại thôn Hà Nhai về thuyết duy linh thời gian bốn ngày và duy trì thêm một ngày nữa để buộc hội viên chúng tôi bỏ Phật giáo qua Công giáo. Số lượng hội viên nói chung toàn trường là 150 người mà phần đông là hội viên Phật giáo,... Lớp học duy linh ấy bài xích Phật giáo và nói đạo Phật là đường mê muội tối tăm chỉ có Thiên Chúa giáo có Đức Chúa Giê-su là Đấng đáng kính và có phép màu nhiệm, người chết thui mà chỉ sống lại,... Trong lớp học không ai phát biểu và chất vấn nhiều, họ nói chỉ biết Tin Chúa, Tin Trời là được. Nếu người nào chịu tin Chúa, chưa chịu tin Trời coi như chưa thấm nhuần tài liệu thì phải đi học mãi, lớp này đến lớp nọ”[37].

Thư đề ngày 23-9-1961 của Khuôn hội Phật giáo xã Sơn Mỹ gởi Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi cho biết: “Trong thời gian gần đây cứ theo các vức báo cáo có ông thầy Du người Công giáo ở Phú Hòa về giảng đạo và dạy thuyết duy linh tại xã Sơn Mỹ, đi đến thôn, ông ấy dùng lời lẽ ép hội viên chính thức của Phật giáo, buộc họ ký đơn tình nguyện vào Thiên Chúa giáo, nếu không thì dùng biện pháp chính quyền khủng bố, như ghép vào tội tình nghi, lướng hướng, bắt học tập, thu giấy căn cước, và thẻ chứng minh của Phật giáo, làm cho sự sinh hoạt trở ngại”[38] .

Ở Phú Yên, tín đồ Phật giáo cũng bị chính quyền địa phương bắt ép vào Thiên Chúa giáo bằng sức ép chính trị. “Biên bản hội nghị rộng rãi của khuôn hội Phật giáo Hòa Quang”, quận Tuy Hòa ngày 13-7-1961 ghi: “Ông Trần Di thôn Mậu Lâm đã đứng lên run rẩy vì quá xúc động và kính thưa hội viên, với giọng nói nghẹn ngào oán thán ông đã im bặt một phút để cho hàng lệ chảy trên khuôn mặt gầy gò, làm cho cử tọa bùi ngùi và hội trường trở nên căng thẳng. Sau đó ông đã thổn thức trình bày rằng: Vào ngày 6 và 7 tháng 7 liên gia mời đồng bào trong thôn tập trung tại 3 địa điểm,... nhưng đến nơi không học tập mà lại tuyên bố rằng: Ai được ký tên vào Công giáo thì được về nhà làm ăn, bằng không thì ở lại học tập mãi bao giờ chịu ký mới về. Sau đó có nhiều người cũng như tôi không chịu về. Hôm sau họ bắt con trai tôi,... đi gác một mình trên núi xa, sau khi về vì sợ hãi quá con tôi phải xin vô Công giáo”. Hơn thế nữa những kẻ chủ trì buổi họp đã trắng trợn tuyên bố rằng: “Cấm không ai được qua lại từ nhà này sang nhà khác ai vi phạm kẻ ấy là tiếp tế cộng sản hoặc nói xấu Công giáo sẽ bị bắt bớ đánh đập”[39] .

Rất nhiều trường hợp, tín đồ Phật giáo bị bắt bớ, giam cầm, bị đánh đập tra tấn. Thư đề ngày 27-11-1961 của khuôn hội Phật giáo Hòa Vinh gởi Tỉnh hội Phật giáo Phú Yên cho biết: “Ông Lê Đức Ngưng Tổng Thư ký trong Ban Trị sự khuôn hội,... không biết lý do gì mà Hội đồng xã bắt giam tại trụ sở một tuần nhật rồi giải về quận giam cầm nay đã gần hai tháng chưa thả.

Ông Võ Cho 62 tuổi giúp trong ban nghi lễ khuôn hội không biết lý do gì mà Hội đồng xã bắt ông tra tấn đánh đập đến nỗi bệnh mà hiện nay vợ con đến xin ông đại diện cho đem về nhà đổ thuốc.

Đạo hữu trong khuôn hội cũng có một số bị Hội đồng xã bắt giam tại trụ sở 3 ngày rồi trong số ấy người nào tình nguyện theo Công giáo thì được thả về còn người nào chưa tình nguyện thì chưa thả”[40] .

Có tín đồ Phật giáo bị thủ tiêu bằng cách chôn sống như các ông Nguyễn Chuyển, Đỗ Thìn ở thôn Mậu Lâm, xã Hòa Quang, quận Tuy Hòa[41] .

Để bắt ép tín đồ Phật giáo theo Thiên Chúa giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm còn sử dụng đến phương châm “chiếc gậy và củ cà rốt”. Ông Trần Kỷ thôn Phú Xuân, xã Xuân Phước, quận Đồng Xuân (Phú Yên) cho biết một cán bộ xã đã nói với ông như sau: “Tôi thấy anh là người trong trắng nên tôi rủ anh đi để hưởng được quyền tự do hạnh phúc vì khả năng anh có thể làm được một ông cán bộ, hay ông ấp trưởng chẳng hạn, tôi nói như vậy chớ vô hay không vô tùy anh. Anh coi bữa nay người ta vô Công giáo hết, còn bao nhiêu thì bị tố, bị bắt cũng là đạo Phật nhiều hơn, nếu anh có ở trong đó có bị lây thì uổng lắm”. Ông Trần Kỷ còn bị hăm dọa: “Bây giờ anh vô thì không có gì hết mà không vô thì tôi cho anh biết nội trong năm nay không biết tháng nào anh cũng bị người ta, anh có biết không? Ông quận trưởng cũng Công giáo, chi công an cũng Công giáo, đại diện xã cũng Công giáo, tôi thường đi nhà thờ huyện, tôi biết người ta ngó chăm chăm trong đạo Phật của anh và nói chung trong gia đình đạo Phật nhiều hơn,... những người vô Công giáo nếu truyền đơn gạc rãi một bên, cũng không sao, chứ Phật giáo người ta túm cổ”[42] .

Cũng cần thấy rằng, dưới chế độ Ngô Đình Diệm, hiện tượng “linh mục chế”, một hình thức “siêu chính phủ” rất phổ biến, hình thành ngay khi Ngô Đình DIệm vừa nắm lấy chính quyền.

Chính tài liệu của “Việt Nam Cộng hoà” cũng đã tiết lộ sự lộng hành của các linh mục. Công văn số 136/TU/TPT/5 ngày 20-2-1957 của Tổng uỷ trưởng Di cư tỵ nạn gởi linh mục Cao Đại Minh, lãnh đạo tinh thần tại trại Lạc Lâm (Dran) cho biết: “Phủ tôi nhận được báo cáo số 12DT/DL ngày 11-2-1957 của ông Đại diện Đinh cư Đà Lạt trình rằng linh mục cho di chuyển hơn 1 ngàn đồng bào từ Hố Nai lên Bắc Hội, cách Fimnon hơn 2 cây số (Quốc lộ 21 giữa cây số 24 và 25) để lập một làng định cư ở đó,... Hiện linh mục đã khởi công dựng nhà và phá một quảng đường.

Vì việc di chuyển và lập trại định cư mới này không được cơ quan hành chính địa phương và Phủ Tổng uỷ trưởng Di cư tỵ nạn cho phép trước, nên Đại diện Định cư Đà Lạt đã yêu cầu linh mục ngừng mọi công tác, nhưng linh mục không nghe, cứ tiếp tục xúc tiên công việc như thường”[43] .

Có trường hợp¸ chính bản thân linh mục có những hành động nhũng lạm đối với nhân dân. Công văn số 635/TU/VP/M ngày 4-6-1956 của Tổng uỷ trưởng Di cư tỵ nạn gởi Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã tường trình về những khó khăn trong khi phát tiền định cư tại trại Bình An Hạ. Xin dẫn ra đây một trong nhiều vụ việc mà công văn này đề cập đến: “Tôi tưởng cũng cần kính trình Ngài Tổng thống rõ: ‘Linh mục Đoàn Phi Hùng đã tự tiện công khai thu tiền của đồng bào lãnh tiền định cư mỗi người 100$00 (trong số 700$00), việc góp tiền có tính ép buộc chớ không phải để người ta hoan hỷ đóng góp,...

Ngày đầu linh mục góp ngay tại bàn phát tiền. Ông Chánh sự vụ Sở Tiếp trợ phản đối. Linh mục Hùng bèn lập bàn giấy ngay nơi cửa để góp tiền”[44] .

Hoặc có trường hợp, các viên chức được sự bao che của các linh mục cũng có hành động man trá để biển thủ công quỹ, nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm cũng bằng mọi lẽ tìm cách dung túng. Bản Tóm tắt Phiếu trình (mật) số 96-TU/VP/M ngày 6-2-1957 của Tổng uỷ trưởng Di cư gởi Tổng thống Ngô Đình Diệm cho chúng ta có cái nhìn rõ về vấn đề này: “Uỷ ban định cư Bình Thành thông đồng với Phó Đại diện Ty Định cư Bến Tre để khai gian

Đại diện Ty Định cư Bến Tre bất cẩn trong sự kiểm soát, ...

Linh mục lãnh đạo tinh thần trại biết rõ việc quấy mà để cho làm.

Đề nghị:

Vụ này đáng được ra Toà án.

Nhưng vì toàn cả trại và Uỷ ban Hỗn hợp do Tỉnh trưởng đề cử đều có lỗi, nên nếu đem ra toà án, có thể bị xuyên tạc về mặt chính trị, nên đề nghị Tổng thống:

Miễn truy tố các can phạm trước pháp luật.

Và chỉ trừng phạt nghiêm khắc về mặt hành chánh”[45] .

Không chỉ riêng linh mục người Việt mà cả linh mục nước ngoài hành đạo tại miền Nam cũng hành động theo cái “chính sách lộng hành và bất chấp luật pháp”, dù cho họ đã được nhiều đặc quyền. Công văn mật số 351VP/ĐNT/M ngày 27-3-1956 của Tỉnh trưởng Đồng Nai Thượng gởi Bộ trưởng Phủ Tổng thống cho biết linh mục Drouin Sylvère đã phát dao găm cho đồng bào Thượng. “Sau khi yêu cầu, linh mục Drouin Sylvère cho biết nguyên lai và mục đích phát số dao găm ấy cho đồng bào Thượng như sau:

1. Số dao găm ấy do viện trợ Công giáo Mỹ cấp.

2. Linh mục đã phát dao găm cho đồng bào Thượng với mục đích để cho họ  làm việc nhà”[46] .

Một Công văn mật khác, số 360VP/PL/M ngày 17-3-1958 của Tỉnh trưởng Phước Long gởi Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống viết: “Linh mục người Pháp Claudel Francoise Marie, trú tại đồn điền Bù Prang, cất giữ một số vũ khí bất hợp pháp ... Sau cuộc lục soát (tại nhà riêng của Claudel Francoise Marie - TG chú thích) đã tìm thấy:

Dưới gầm cầu thang gần hầm rượu 4 thùng, mỗi thùng 200 cây dao găm: 800.

Tại tầng thứ hai, trong một tủ sắt đặt ở phòng riêng của đương sự: 145 cây dao.

Tại tầng thứ ba, trong căn gác xép dùng làm kho: 183 vỏ dao.

Tổng cộng: 945 cây dao găm kiểu quân đội dùng và 183 vỏ dao”.

Công văn cho biết tiếp: “Thẫm vấn sơ qua, đương sự khai rằng: Đã phát cho dân đồn điền và dân Thượng dọc biên giới 55 con dao găm.

Và khi sự việc này đến Dinh Độc Lập, Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống đã gởi công văn  cho Bộ trưởng Tư pháp với đề nghị: “Về việc linh mục Claudel Francoise Marie trữ và phát vũ khí không hợp pháp, tôi đề nghị cùng quý Bộ cho tạm bỏ qua”[47] .

“Cho tạm bỏ qua” là điều dễ hiểu, vì dưới chế độ Ngô Đình Diệm, Thiên Chúa giáo được ưu đãi, các linh mục, kể cả linh mục người nước ngoài, là kẻ trợ thủ đắc lực cho chế độ trong mục tiêu đẩy lùi lực lượng cách mạng. Điều này được tỏ rõ ngay khi chính quyền Ngô Đình Diệm mới được thành lập. Văn thư của Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống gởi Tổng trưởng Bộ Thông tin ngày 19-3-1955: “Ông Đại biểu  Bắc Việt vừa đánh giây thép mật trình Thủ tướng: Linh mục Willish, người nước Bỉ, vừa ở Phát Diệm về Hải Phòng và sẽ tới Sài Gòn vào ngày 22-3-1955 này. Linh mục Willish hiểu rõ tình hình Bắc Việt và có chứng kiến cuộc điều tra của Uỷ ban kiểm soát Quốc tế ở Phát Diệm. Linh mục sẽ vui lòng diễn thuyết tại Sài Gòn để vạch rõ những thủ đoạn xảo trá của Việt Minh và hành động bất lực của Uỷ ban kiểm soát. 

Vậy tôi xin kính tư Quý Bộ rõ để nhân dịp linh mục Willish tởi Sài Gòn, ra chỉ thị cần thiết cho các cơ quan thông tin và báo chí khai thác triệt để các đề tài tuyên truyền (tổ chức các cuộc diễn thuyết, phỏng vấn, phát thanh, vân vân, ...”[48] .

Điều này đúng như nhận định của Nguyễn Chánh Thi, người cầm đầu cuộc đảo chánh (11-11-1960): “Hầu như mỗi tỉnh của miền Nam, nhất là tại miền Trung, cứ mỗi tỉnh có một linh mục có quyền sinh sát trong tay mà chả ai đã động đến, vì đằng sau linh mục có sức mạnh của chính quyền. Họ còn lộng hành hơn là nhận đơn kiện cáo của con chiên, rồi phê vào đơn, đưa đến quận trưởng, tỉnh trưởng, bảo phải xử theo ý linh mục, không thì mất chức”[49] . Theo Chu Bằng Lĩnh: “Thời đó dân chúng xầm xì biết bao nhiêu chuyện về cha này, cha nọ,... Việc gì khó đến đâu, cứ đến tay ‘các cha’ là xong hết! Mà từ trên địa hạt nào cũng thấy bóng dáng áo đen lẫn vào: Chính trị, kinh tế, thương mại, v.v...[50] Điều đó khẳng định các linh mục có một thế lực chính trị rất lớn, họ không ngần ngại tìm cách đưa con chiên của mình vào thay thế các quận trưởng hay xã trưởng không Thiên Chúa giáo.

Trong quân đội, chính sách kỳ thị Phật giáo, độc tôn Thiên Chúa giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm cũng thể hiện rất rõ nét. Quân đội Ngô Đình Diệm “xây dựng theo nguyên tắc 3Đ (Đảng, Đạo, Địa phương)”[51] . Với nguyên tắc này, dưới chế độ Ngô Đình Diệm, “việc bổ nhiệm các chức vụ quan trọng trong quân đội thường được nhắm vào tiêu chuẩn: có chân trong đảng Cần Lao (đảng của chính quyền), có đạo Công giáo”[52] . Chủ tịch phong trào Cách mạng Quốc gia (một tổ chức vươn dài của đảng Cần Lao) trong quân đội Ngô Đình Diệm đã nói với các sĩ quan rằng: “Các anh có vị thế tốt trong quân đội, nhưng chưa đủ đảm bảo, vì chưa hiểu thấu về chính trị. Cần phải nhập cuộc, nghĩa là tuyên thệ gia nhập phong trào thì tương lai được đảm bảo hơn”[53] .

Từ năm 1957, chế độ Ngô Đình Diệm đã cho thành lập “Liên đoàn sĩ quan Thiên Chúa giáo”, Khu Thủ đô do trung tá Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Nha Chiến tranh tâm lý Bộ Quốc phòng, làm chủ tịch, nhằm tập hợp lực lượng Thiên Chúa giáo trong quân đội để làm nòng cốt và dùng số này để khống chế bộ phận sĩ quan không cùng tín ngưỡng.

Do vậy, dù cho quân đội Ngô Đình Diệm đa số là tín đồ Phật giáo, nhưng sĩ quan chỉ huy phần lớn là giáo dân Thiên Chúa giáo. Trong số 9 sư đoàn bộ binh của quân đội Ngô Đình Diệm đã có tới 7 sư đoàn trưởng là giáo dân Thiên Chúa giáo. Sĩ quan Thiên Chúa giáo nắm giữ các chức vụ quan trọng và được thăng chức rất nhanh chóng như Trần Thanh Chiêu mặc dầu chưa qua trường lớp quân sự nào, trong vòng 5 năm, được thăng chức từ trung úy lên trung tá; như Lê Quang Tung lúc Ngô Đình Diệm mới về nước lập chính phủ chỉ là sĩ quan mới ra trường nhưng đến năm 1963 đã lên đến đại tá; như Trần Ngọc Tám, tay chân thân tín của Ngô Đình Thục, tỉnh trưởng tỉnh Vĩnh Long, từ năm 1954 đến năm 1958 đã được thăng ba cấp từ thiếu tá lên thiếu tướng[54] . Trong lúc đó nhiều sĩ quan tín đồ Phật giáo bị o ép trù dập, khó có thể ngoi lên được, như Linh Quang Viên, khi Ngô Đình Diệm mới về nước đã là đại tá, nhưng 9 năm sau vẫn là đại tá, như Vĩnh Lộc, Huỳnh Văn Tôn và hàng trăm sĩ quan khác, trong suốt 9 năm của chế độ Ngô Đình Diệm chỉ được thăng lên một bậc, lại không được giữ chức vụ chỉ huy.

Trong các đơn vị quân đội hay cơ quan, hầu hết những bộ phận nào có quyền thế và dễ tham nhũng, hầu hết đều nằm trong tay những người cùng tôn giáo với Ngô Đình Diệm. Như “trong một cơ sở an ninh quân đội, có 54 nhân viên mà lại đến 50 người là Thiên Chúa giáo”. Sở dĩ có tình trạng này là vì “tại các đơn vị quân đội, đơn vị trưởng chọn lấy sĩ quan an ninh, nhưng đơn vị trưởng đa số là người cùng tín ngưỡng Thiên Chúa giáo với Ngô Tổng thống hoặc thực tế chịu sự khống chế của cố vấn, thì sĩ quan an ninh được lựa chọn hay phải lựa chọn là ai, và ai là nạn nhân khỏi hỏi và khỏi nói”[55]. Vì vậy, tín đồ Phật giáo tuy chiếm đa số mà vẫn “lép vế” trước bộ phận thiểu số Thiên Chúa giáo.

Về trang bị và huấn luyện cũng vậy, các đơn vị trưởng là giáo dân Thiên Chúa giáo bao giờ cũng được ưu tiên. Donalde Harington, một mục sư Tin Lành ngày 30-6-1963, trong lần diễn thuyết tại nhà thờ lớn New York đã vạch ra rằng: “Các tư lệnh tiểu đoàn Thiên Chúa giáo trong quân đội miền Nam Việt Nam được trang bị với vũ khí hạng nặng và đầy đủ hơn những người không phải là Thiên Chúa giáo”[56] .

Điều cần lưu ý là trong quân đội, chế độ Ngô Đình Diệm cho thi hành “chế độ Tuyên úy”, từ cấp trung đoàn trở lên, gồm Tuyên úy Thiên Chúa giáoTuyên úy Tin Lành, nhưng chủ yếu là Tuyên úy Thiên Chúa giáo, dù cho số giáo dân Thiên Chúa giáo trong quân đội chỉ là thiểu số, song các linh mục có mặt khắp các đơn vị quân đội, làm nhiệm vụ “tuyên úy” và ở trung ương thì có Nha Tuyên úy chỉ đạo.

Trái lại, Phật giáo dù là số đông vẫn không có tuyên úy. Để đối phó với sự phản ứng công khai của tín đồ Phật giáo trong quân đội, chính quyền Ngô Đình Diệm dùng nhiều biện pháp khác nhau. Có lúc chính quyền Ngô Đình Diệm cũng nói đến Tuyên úy Phật giáo, “khi thì nói riêng và nói bằng miệng, khi thì nói trên báo chí, có một lần nói bằng công văn, nhưng tất cả lời nói ấy đều lỏng lẻo,... và công khai tỏ thái độ dùng sự chậm trễ của văn thư và nguyên tắc để làm cho việc thiết lập Tuyên úy Phật giáo không thể thực hiện được”; có lúc ra điều kiện là “Phật giáo, nếu lập tuyên úy, phải đặt dưới quyền Tuyên úy Thiên Chúa giáo, tăng sĩ Phật giáo phải cởi áo, ăn mặn”, có lúc “nhằm mục đích chứng tỏ Phật giáo thấp kém bằng cách lựa chọn một vài vị tăng sĩ đã bị họ bắt đi lính hay một vài Phật tử thuộc nhiều kinh chú cho làm ‘ông sãi’ giữ những nơi họ lập ra và cũng được gọi là chùa nhưng kỳ thực chỉ là một cái chòi sơ sài, xơ xác với một cái bàn thờ thảm hại, và ‘ông sãi’ ấy thỉnh thoảng vác mõ đi đưa những xác chết nào được đưa về quân y viện. Đó là Tuyên ý Phật giáo”[57] .

Cùng với “chế độ Tuyên úy”, nhà thờ Thiên Chúa giáo mọc lên khắp các doạnh trại quân đội. Trong “Việt Nam máu lửa quê hương tôi”, Đỗ Mậu - Giám đốc Nha An ninh quân đội Sài Gòn, viết: “Sau khi thăm xong các doanh trại, Cẩm mời chúng tôi đến chiêm ngưỡng một ngôi ‘giáo đường’ to lớn và khang trang. Tôi khen ngợi có sáng kiến tốt, đồng thời cũng hỏi xem Cẩm có thiết lập một ngôi chùa nào hay không? Cẩm trả lời: ‘Chưa’. Tôi nổi nóng ngay và la Cẩm: ‘Ở đây chỉ có vài trăm binh sĩ theo Thiên Chúa giáo thì anh lo làm nhà thờ ngay, trong lúc đó có đến 3.000 quân nhân theo Phật giáo thì anh không chịu để ý lo phần thiêng liêng của họ, anh làm vậy, binh sĩ sẽ ngờ rằng Tổng thống Diệm chủ trương kỳ thị tôn giáo, hơn nữa anh là cấp chỉ huy có đạo Thiên Chúa, anh sẽ mang tiếng bất công,...’. Không ngờ những lời tôi la mắng thiếu tá Cẩm hôm đó đã đem lại hậu quả tai hại cho tôi ngay sau đó”[58] .

Thảm hại hơn nữa là trong quân đội Ngô Đình Diệm còn có chính sách ưu tiên cho một thứ quân đội không nằm trong định chế, nhưng lại có đặc quyền kiểm soát, điều động và khống chế các bộ phận khác, đó là “Quân đội Cần Lao”. Lực lượng này khi ẩn khi hiện và chỉ chịu mệnh lệnh của văn phòng cố vấn mà thôi.

Chính sách “Thiên Chúa giáo hóa” bộ máy nhà nước từ trung ương xuống địa phương của chế độ Ngô Đình Diệm đã được chính linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện Đại học Huế, một người thân tín với gia đình họ Ngô, thừa nhận và xem đó như là một trong những nguyên nhân gây nên những bất mãn và chống đối trong quần chúng. Khi phong trào Phật giáo miền Nam vừa bùng nổ, Cao Văn Luận đã nói với Ngô Đình Thục: “Sau di cư nhờ gần một triệu dân Công giáo từ Bắc vào, con số đông hơn trước, nhưng tỉ lệ cũng vẫn chỉ 10 phần 100 hay kém hơn trong dân số Việt Nam, vậy mà hiện nay mọi chức vụ lãnh đạo quốc gia đều nằm trong tay người Công giáo.

Chỉ riêng điều này cũng có thể gây bất mãn và chống đối trầm trọng chưa nói đến những lỗi lầm không thể tránh được của bất cứ chính quyền nào”[59] .

2. Về kinh tế - xã hội.

Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, ngay từ khi chính quyền Ngô Đình Diệm vừa được hình thành, chính sách kỳ thị Phật giáo, độc tôn Thiên Chúa giáo đã được đem ra thực hiện, trước tiên trong vấn đề di cư. Để lôi kéo nhiều tín đồ Thiên Chúa  giáo di cư vào Nam, ngay sau khi Hiệp định Genève vừa được ký kết (21-7-1954­), chính quyền Ngô Đình Diệm, với sự giúp đỡ của Mỹ qua tên trùm gián điệp Spellman, đã dựng lên chiêu bài “Đức Mẹ vào Nam”, rằng “nếu họ ở lại dưới chính quyền cộng sản họ sẽ bị ném bom nguyên tử huỷ diệt mất hết linh hồn”[60] .

Chính sách cưỡng ép và dụ dỗ những người theo các tôn giáo nói chung, đặc biệt là giáo dân Thiên Chúa giáo nói riêng, ở miền Bắc di cư vào miền Nam của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm nhằm nhiều mục tiêu khác nhau: Chính trị, quân sự, kinh tế,... vừa cốt làm cho nhân dân ta có ác cảm với cách mạng, vừa để tăng cường lực lượng hậu thuẫn cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Nguyễn Văn Chức[61] cho rằng: “Trung thành với Giáo lý, người Công giáo Việt Nam trong lúc này, đòi hỏi một đoàn thể hoàn toàn Công giáo, có tính chất tôn giáo. Cuộc di cư của đồng bào Công giáo Bắc Việt phải là một cuộc chuẩn bị tinh thần và đạo đức, một cuộc rèn luyện can trường và đức TIN để rồi chiến đấu với Cộng sản (vì C.S. còn tấn công)”[62] . Bùi Văn Lương, Tổng ủy trưởng Tỵ nạn của chính quyền Ngô Đình Diệm khẳng định: “Cuộc di cư của dân tộc Việt Nam là một cuộc di cư vĩ đại chưa từng có trong lịch sử nước nhà, nó đã làm cho thế giới kinh ngạc về chí cương quyết chống Cộng của đồng bào và đã làm sáng tỏ chính nghĩa quốc gia”[63] .  

Để đạt được mục tiêu trên, chính quyền Ngô Đình Diệm đã dành cho giáo dân Thiên Chúa giáo di cư nhiều ưu tiên như giúp đỡ phương tiện vận chuyển, phát tiền trợ cấp nhanh chóng, được lĩnh lương thực, thực phẩm tốt, được trọng dụng và cất nhắc vào những chức vụ chủ chốt và quan trọng trong bộ máy chính quyền từ địa phương đến trung ương,... Trong số 887.895 người di cư vào Nam sau năm 1954 đã có đến 754.710 người là giáo dân Thiên Chúa giáo, chiếm 85%, số còn lại là tín đồ của Phật giáo và Tin Lành[64] . Tới tháng 9-1955, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thành lập được 286 làng định cư (Nombre des Villages de Resimplantation), trong đó có đến 265 làng Thiên Chúa giáo, mỗi làng do một linh mục đứng đầu[65] .

Trong lúc đó Phật tử lại bị kỳ thị “đến nỗi xuống đến bến tàu còn bị tìm cách đuổi lui; trên đường đi, họ bị ngược đãi, hắt hủi, và có kẻ còn bị đuổi trở lại; họ bị đuổi khỏi đoàn người di cư; họ bị tước, bị cắt tất cả phương tiện di chuyển và sự tiếp tế tối thiểu, đến nỗi họ phải giả xưng tín đồ Thiên Chúa giáo mới được đi và đi đến nơi đến chốn”[66] .

Sự phân biệt đối xử giữa giáo dân Thiên Chúa giáo và tín đồ Phật giáo di cư do chính quyền Ngô Đình Diệm tạo nên còn diễn ra trong suốt quá trình định cư lập nghiệp của họ. Theo Đỗ Mậu thì “ông Diệm dành những vùng đất màu mỡ cho dân di cư. Ví dụ ông Diệm đã lấy đất Cái Sắn màu mỡ cấp phát cho 45000 nông dân; lấy bờ biển Bình Tuy và đảo Phú Quốc, những nơi nổi tiếng nhiều ngư sản cho dân chài lưới; lấy Long Khánh, Định Quán, Gia Kiệm, Hố Nai cho dân khai thác lâm sản và làm đồ mộc; lấy Buôn Ma Thuột và Cao nguyên vùng đất đỏ phì nhiêu cho dân trồng trọt hoa màu để xuất cảng; lấy vùng đất Ngả ba ông Tạ, Tân Bình, Gò Vấp chung quanh Sài Gòn cho dân thương mại và kỹ nghệ,...”[67] .

Đến cả việc cấp mùng cho đồng bào di cư, một việc làm thực ra không đưa lại lợi ích gì lớn về kinh tế và lâu dài, nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm cũng dành ưu tiên cho giáo dân Thiên Chúa giáo. Do nhiều đơn xin cung cấp mùng với giá tiền khác nhau, trong đó có các linh mục trại trưởng các trại định cư nên Phủ Tổng ủy Di cư và Tỵ nạn cho đấu thầu. Tuy nhiên, vì sợ rằng các linh mục không trúng thầu nên Phủ Tổng ủy Di cư và Tỵ nạn đưa ra thể thức: “Khi đấu thầu xong, sẽ dành 1/3 số mùng đấu thầu cho các vị linh mục và các Bà Phước ở các trại định cư, di cư thực có sản xuất mùng”[68] .

Ngược lại, tình cảnh của tín đồ Phật giáo di cư hết sức khổ cực. “Khi vào Nam họ càng bị cơ cực, oán tủi hơn,... họ bị đuổi ra khỏi những nơi tạm cư và định cư, hoặc bị dời đi mãi. Tại sao họ không được phân phát vật liệu và thực phẩm một cách công bình trong lúc Thiên Chúa giáo di cư hưởng dụng một cách coi như của nhà mình? Ai đã dùng mọi cách, cuối cùng, đuổi họ tản mác cả ... Tại sao? Nếu không phải dụng ý biến miền Nam thành một nước Chúa ngay trong việc di cư, một việc có tính chất chống Cộng nhất”[69] .

Ngay cả một bộ phận nhỏ các dân tộc ít là tín đồ Phật giáo, khi di cư vào Nam, họ cũng không tránh khỏi chính sách kỳ thị của chính quyền Ngô Đình Diệm. Họ bị bỏ rơi, phải tự xoay xở kiếm kế sinh nhai. Đơn xin khai khẩn đất làm ăn đề ngày 22-12-1959 của ông Trần Pinh Phu viết: “Tôi xin thay mặt cho một số đồng bào Nùng gồm có 1.086 gia đình cùng ở ngoài Bắc di cư vào Nam; trước đây chúng tôi trú ngụ tại sông Luy và sông Mao thuộc quận Hải Ninh, tỉnh Bình Thuận, Trung Phần, nên chúng tôi làm ăn toàn là người nghèo, vì sinh hoạt không thể kiếm được đủ nuôi sống gia đình, hoàn cảnh thật là thiếu thốn, khổ sở; nên chúng tôi đã tự di chuyển xuống vùng cao su làm mướn cho chủ đồn điền, song cũng không thể kiếm được đủ sống. Vậy chúng tôi nhận thấy có một khu rừng hoang ở chỗ ruộng Bao Hàm thật rộng mênh mông, chưa có chủ nào khai thác,...

  Vậy chúng tôi trân trọng đệ đơn này lên kính trình Quý ông hay, và mong Quý ông vui lòng tri ân chấp thuận cho chúng tôi là sáu ngàn ba trăm (6.300) mẫu đất hoang, để chúng tôi được khai phá và trồng trọt các thứ hoa màu đặng kiếm ăn ít nhiều để nuôi sống gia đình,...”[70] .

Tính chất kỳ thị tôn giáo này càng trở nên khốc liệt khi đất đai đã được khai phá xong thì bị chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh trục xuất, giao đất lại cho một cơ sở Thiên Chúa giáo: “Vào cuối năm 1961, vào một buổi sáng có một vị tu sĩ,... với một số bổn đạo của ông đến ngắm nghía đất Bao Hàm một cách thèm thuồng, chỉ trỏ, nói chuyện với nhau có vẻ như dự định tìm nơi xây cất nhà thờ, chợ búa và mỗi người tự nhận một phần đất trước,...

Một hôm Tổng thống Ngô Đình Diệm đi kinh lý, có Tỉnh trưởng, Quận trưởng Long Khánh và vị tu sĩ địa phương nói trên tháp tùng. Trong lúc quan sát địa thế, vị này đã thưa với Tổng thống cho phép bổn đạo của ông đến nơi này định cư,...

Tổng thống không ngần ngại hứa cho luôn phần đất Bao Hàm, không hỏi và cũng không cần biết đất ấy đã có người khai phá và trồng tỉa.

Thế là chính quyền tỉnh, quận, xã biết được ý định của Tổng thống nên đã tìm đủ mọi cách trục xuất người Nùng để làm vừa lòng Tổng thống, mong được cất nhắc.

Vả lại dưới thời ấy, có một số tu sĩ được Tổng thống tin cậy nên Tỉnh trưởng, Quận trưởng rất vị nể, nếu không nói là họ sợ sệt hay khúm núm nữa là khác. Họ sợ tâu vô tâu ra sẽ bị đổi đi xa hoặc mất chức. Vì vậy mà vị tu sĩ ấy,... thường hối thúc Quận trưởng phải mau mau giải quyết vấn đề, tức là trục xuất dân Nùng ra khỏi Bao Hàm để lấy đất cho sớm”[71] .

Để trục xuất người Nùng ra khỏi đất Bao Hàm, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho thi hành nhiều biện pháp như không cho họ mua gạo, gửi trát đòi họ ra Tòa, xử phạt tiền mỗi người từ 500 đồng đến 2.000 đồng[72] , tùy theo diện tích đất khai phá, cho quân đội bố ráp và kể cả cho “máy bay đến bay lượn thả truyền đơn đòi buộc họ phải rời đất Bao Hàm,... bằng không thì nhà cửa sẽ bị triệt hạ, mùa màng sẽ bị tàn phá”[73] .

Chính sách kỳ thị Phật giáo, độc tôn Thiên Chúa giáo trong vấn đề di cư  không chỉ gây bất mãn đối với tín đồ Phật giáo di cư mà cả đối với đồng bào miền Nam nói chung. Donald Lancaster đã vạch rõ: “Tôn giáo của những người di cư đã làm tăng thêm tính chất bất hảo của cuộc xâm lăng dưới con mắt người Nam Bộ, vì người ta không thể không để ý đến khả năng là vị Tổng thống Thiên Chúa giáo có thể sử dụng người di cư để củng cố quyền bính và thiết lập một Nhà nước Thiên Chúa giáo ở miền Nam Việt Nam. Kiểu cách phân phát đồ cứu trợ có phần không khôn khéo này không làm tiêu tan được những điều ngộ nhận nói trên trong nhân dân. Trong khi những yêu cầu của người Thiên Chúa giáo gồm có 80% tổng số người di cư, được giành quyền lợi ưu tiên thì những người Nam Bộ lại phải sống trong tình trạng đói khổ,... lại không được Chính phủ giúp đỡ bao nhiêu”[74] .

Trong vấn đề di dân, chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm càng thể hiện rất đậm nét thông qua việc thành lập các “Khu dinh điền”, các “Khu trù mật”. Theo cách nói của chính quyền Ngô Đình Diệm, “Quốc sách Dinh điền” hay “Quốc sách Khu trù mật” nhằm khai khẩn đất đai, giúp người nghèo có điều kiện sinh sống. Tuy nhiên, trên thực tế đối tượng bị cưỡng bức di dân chủ yếu là tín đồ Phật giáo, trước hết là“những tín đồ thuần thành, tích cực hay cốt cán của các tổ chức Phật giáo ở địa phương. Bộ phận này dù cho có nhà to, ruộng nhiều vẫn bị đem ra ‘bình nghị’ bắt đi di dân, một sự bình nghị có bố trí công khai để khủng bố các nạn nhân và dân chúng vốn phần đông cùng chung tín ngưỡng Phật giáo”[75] .

Để cưỡng bức họ thi hành quyết định, các nạn nhân thường bị thu thẻ kiểm tra[76] , sẽ bị tống giam hoặc bị gán tội tình nghi chính trị. Trong trường hợp đó các nạn nhân chỉ có một lối thoát duy nhất là theo Thiên Chúa giáo. Nếu họ nhất quyết không làm như vậy thì “đành nghiến răng, ngậm nước mắt mà đập nhà, bán ruộng, bồng con, tróng chó ra đi, và trở thành tù nhân suốt đường đi cũng như vĩnh viễn ở nơi họ bị đưa đến”[77] . Dưới đây là một số trường hợp điển hình:

- Thư đề ngày 10-12-1961 của ông Huỳnh Đổng, hội viên chùa Long Thành, xã Phước Hậu, quận Tuy Phước gởi ông Hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo Bình Định viết: “Ngày 2-12-1961, có đoàn cán bộ Quân, Dân, Chính của thôn Tường Vân gồm có: Hành chánh thôn, Chi bộ Phong trào Cách mạng Quốc gia thôn, Giáo chức Công giáo, cán bộ và liên gia đến nhà tôi. Tôi đang cày ruộng ngoài đồng, cán bộ sai người nhà đi kêu tôi về. Về đến nhà thì cán bộ bảo tôi đưa thẻ kiểm tra của những người trong gia đình tôi cho cán bộ thu. Tôi không biết chuyện gì, hỏi thì cán bộ trả lời: Ông phải di dân theo quyết định của cán bộ. Tôi chưa rõ lẽ nào, nên tôi trả lời xin các Ngài cho biết nếu đúng tiêu chuẩn thì tôi đi ngay và chừng nào đi thì tôi đi chứ tôi không đưa thẻ kiểm tra. Lúc ấy cán bộ bắt tôi đến trụ sở thôn giam ở đó một đêm và sáng ngày mai đưa về Hội đồng xã, còn nếu muốn về nhà làm ăn thì phải vô Công giáo.

Trước một việc rất oan ức như trên, tôi rất sợ vì gia đình tôi vợ yếu con thơ,... Ngày 3-12-1961, cán bộ thôn giải tôi về Xã, tôi sợ quá nên khi hỏi tôi, chịu vô Công giáo để được thả về làm ăn, vì nông vụ tân thời, trời hạn nước khô phải tát mới có cấy.

Trước tình trạng kể trên tôi kính đơn này, yêu cầu Tỉnh hội mở rộng từ bi bác ái mà giúp đỡ cho gia đình chúng tôi, hoặc can thiệp lẽ nào kẻo oan ức  này thật là khôn cùng kể xiết”[78] .

Việc cưỡng ép tín đồ Phật giáo hoặc phải di dân hoặc phải theo Thiên Chúa giáo không phải là cá biệt mà diễn ra phổ biến trong tỉnh Bình Định. Thư đề ngày 12-12-1961 của Tuần chúng Tăng già Bình Định tại quận Tuy Phước gởi Quý liệt vị Đại đức Trú trì các tự viện trong quận có đoạn viết: “Gần đây, một tháng nay tình hình tín ngưỡng của tín đồ Phật giáo quận nhà bị hoang mang, nếu không nói là khủng hoảng. Nguyên nhân vì một số cán bộ cơ sở chính quyền đã máy móc áp dụng chính sách di dân của Chính phủ với dụng ý liên hệ trong vấn đề tín ngưỡng”. Thư cũng kêu gọi các cấp Phật giáo trong quận phải “đề phòng những hành động ngấm ngầm vận động di dân để rồi khuyên hoặc ép buộc tín đồ ta muốn khỏi di dân thì phải thay đổi tín ngưỡng”[79] .

Thư đề ngày 15-12-1961 của Khuôn trưởng Khuôn hội Phật giáo Phước Thắng gởi Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Định cho biết đối với những tín đồ hay đến chùa lễ bái thường bị đe dọa ghép tội tình nghi, bị bắt buộc di dân. Bức thư cho biết: “Chúng tôi được sự báo cáo của các Vức hội toàn khuôn cho biết hiện nay chính quyền địa phương (cán bộ hành chính thôn xã) lấy thế lực uy hiếp tinh thần đạo hữu, không cho họ đến chùa tịnh độ hằng đêm cũng như trong những buổi lễ sám hối bằng cách: Nếu đạo hữu nào đến chùa thì họ sẽ bị để ý ghi tên, sau ghép vào hạng tình nghi đưa đi di dân hoặc không đi di dân thì dùng mánh khóe bắt nạt, dụ dỗ bảo đạo hữu bỏ đạo để qua Thiên Chúa giáo”[80] .

Thư đề ngày 15-12-1961 của Ban Trị sự Vức hội Diêm Vân, Khuôn hội Phật giáo Phước Thuận gởi ông Hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo Bình Định đã tố cáo tính chất bạo hành ngang ngược của tay chân của chính quyền Ngô Đình Diệm ở địa phương. Thư viết: “Xét qua các tiêu chuẩn di dân thì thành phần chúng tôi thuộc dạng khá giả, ruộng đất, nhà cửa sung túc, song mà chính quyền nơi đây lại hăm dọa, ghi danh sách di dân. Gần đây chính quyền địa phương còn hăm dọa tất cả tín đồ Phật giáo đi di dân nữa, chùa Phật giáo sau thành Nhà thờ Chúa hết thảy”[81] .

Thư đề của Tuần chúng thuộc Giáo hội Tăng già Bình Định, quận Tuy Phước gởi ông Quận trưởng Tuy Phước đã tố cáo tính chất bất công của chính quyền Ngô Đình Diệm trong chính sách di dân: “Nếu phải đi di dân theo tiêu chuẩn thì dù ở Phật giáo hay ở Công giáo cũng phải thế mới công bằng và hợp lý, chứ tại sao khi ở Phật giáo thì có tiêu chuẩn đi di dân mà cũng con người ấy khi vào Công giáo thì mất tiêu chuẩn”[82] .

Những gì đã xảy ra cho tín đồ Phật giáo tại các “Khu dinh điền” và các “Khu trù mật”? Tại đây “tín đồ Phật giáo đã phải chịu đựng một cách thấm thía mọi sự kỳ thị tôn giáo với tất cả các hình thức lộ liễu và biến ảo của sự bất công. Chỉ vì tín ngưỡng Phật giáo, họ bị chia đất xấu, bị tước các phương tiện, bị làm lụng tối đa, bị hạn chế, bị làm khó dễ và có khi còn bị cắt hẳn quyền lợi tối thiểu là sự phân phát hàng tiếp tế. Chua xót và uất hận nhất vẫn là tín đồ Phật giáo bị đàn áp đến mức độ tối đa so với các nơi khác”[83] .

Trong vấn đề cấp phát ruộng đất, chuyển nhượng tài sản để xây dựng Nhà thờ, chủng viện, trường học hoặc để phát triển kinh tế, xã hội, dưới chế độ Ngô Đình Diệm, các tổ chức Thiên Chúa giáo rất nhiều ưu tiên. Xin dẫn ra một số tư liệu tiêu biểu:

Nghị định số 386/TC ngày 31-8-1957 “cho phép ông Bộ trưởng Bộ Tài chánh cấp cho Dòng tu ‘Compagnie des Filles de la Charité de Saint Vincent de Paul’ quyền sở hữu trên sở đất tọa lạc tại đô thị Đà Lạt, bản đồ số 24, tờ thứ 2 đạc thành 2970 thước vuông, mà Dòng tu này đã mua theo lối tương thuận do điều kiện sách lập ngày 24-4-1937”[84] .

Nghị định số 336/TC ngày 22-6-1960 cho phép Dòng tu “Compagnie de Jésu au Việt Nam” ở số 175B đường Yên Đổ, Sài Gòn mua hai bất động sản sau đây để xây dựng nhà trọ cho sinh viên:

“1, Một sở đất trống diện tích 330 thước vuông (phần B 338) trích trong bằng khoán số 338, Sài Gòn - Tân Định.

   2, Một sở đất diện tích 1063 thước vuông gồm có hai bằng khoán số 336, Sài Gòn - Tân Định (976 thước vuông) và số 683, Sài Gòn - Tân Định (87 thước vuông) cùng biệt thự và nhà phụ xây cất trên đất ấy mang số 159 đường Yên Đổ Sài Gòn”[85] .

Nghị định số 562/TC ngày 4-7-1960 “cho phép Tòa Tổng Giám mục địa phận Vĩnh Long mua của ông Ernest Louis Alfred Alary ngụ tại số 3, 5, 7, 9 Công trường Lam Sơn - Sài Gòn một bất động sản gồm có sở đất diện tích 436 thước vuông bằng khoán sổ 550, Sài Gòn - Tự Do và 4 căn phố trệt bằng gạch lợp ngói mang số 3, 5, 7, 9 Công trường Lam Sơn - Sài Gòn để xây cất lại và cho thuê lấy huê lợi góp vào việc điều hành Viện Đại học Đà Lạt”[86] .

Nghị định 670/TC ngày 14-8-1963 “cho Hội Nữ tu Bác Ái tại Việt Nam mua hai căn nhà gạch lợp tôn số 263 và số 265 đường Trần Quốc Toản - Sài Gòn của ông Hoàng Văn Lãm và bà Nguyễn Tuyết Ngà để lập trụ sở hoạt động từ thiện và bác ái”[87] .

Có trường hợp việc cấp đất cho các tổ chức Thiên Chúa giáo được thực hiện theo một giá tượng trưng. Nghị định 542/TC ngày 9-12-1957 “cho phép Đức Cha Alexis Trepanier, Giám đốc trường Saint Gérad, Dòng Chúa Cứu thế thuê cho Dòng lô đất công sản số 102, tờ họa đồ duy nhất của làng Thống Nhất, quận Vũng Tàu, tỉnh Phước Tuy, diện tích 51.400 thước vuông để cất nhà Dòng cho sinh đồ, trong thời hạn là 99 năm với giá tượng trưng là một đồng bạc (1$,00) trong suốt cả thời gian cho thuê”[88] .

Nghị định số 671/TC ngày 14-8-1963 “cho phép nhượng đất cho Hội Nữ tu Bắc ái tại Việt Nam với giá tượng trưng một đồng bạc (1$,00) lô đất công sản quốc gia số hiệu A. 58, diện tích 201 thước vuông trích trong bằng khoán số 580, Chợ Lớn - An Đông theo như biên bản phân mảnh do Tổng nha Điền địa lập ngày 30-3-1963’[89] .

 Tại Sài Gòn, riêng Ngô Đình Thục chiếm đoạt khu đất rộng chừng 50 mẫu tây tại kinh Thanh Đa - Thị Nghè, bên kia xa lộ. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ (1-11-1963), khu đất này bị tịch thu với lý do “tài sản thủ đắc bất hợp pháp”[90] .

Khi về giữ chức Tổng Giám mục Địa phận Huế, Ngô Đình Thục đã tìm cách chiếm lấy Viện Bài lao Huế. Trong văn thư đề ngày 6-5-1961, Ngô Đình Thục “đã chuyển đến Bộ Y tế một hồ sơ xin cho Tòa Tổng Giám mục Huế được giao quyền khai thác Viện Bài lao Huế mà Hiệp hội ‘Ligue des Amis de L' Annam’ đã đồng ý trao trả lại cho Chính phủ”[91] . Tiếp theo, ngày 22-5-1961, Ngô Đình Thục nhân danh Tòa Tổng Giám mục Huế đã gửi văn thư đến Bộ trưởng Phủ Tổng thống cho biết mục đích của Tòa Tổng Giám mục trong việc xin cấp quyền khai thác Viện Bài lao này với hai lý do sau:

“Hiệp hội ‘Ligue des Amis de L' Annam’ nhận thấy có nhiều khó khăn và trở ngại về tài chánh trong việc khai thác nên tỏ ý muốn giao hoàn lại cho Chính phủ Viện Bài lao.         

Nhận thấy đây là một công tác xã hội cao cả mà Tòa Tổng Giám mục Huế có thể trợ giúp được phần nào cho Chính phủ và dân chúng về phần xác lẫn phần hồn nên Tòa Tổng Giám mục nhận thấy nên thay thế Hiệp hội này để khai thác Viện Bài Lao”[92] .

Dựa vào thế lực của em làm Tổng thống, trong văn thư nói trên, Ngô Đình Thục đã buộc chính quyền Ngô Đình Diệm phải chấp thuận những đề nghị của y. Văn thư viết tiếp: “Bộ Y tế cũng thấy không có gì trở ngại trong thủ tục này, những theo nguyên tắc sẽ đệ trình hồ sơ lên Tổng thống chuẩn y .

Chúng tôi kính xin ông Bộ trưởng khi tiếp được hồ sơ của Bộ Y tế đệ trình lên Tổng thống với ý kiến thuận để sự việc có được kết quả mỹ mãn”[93] .

Và tới ngày 20-6-1961, Bộ trưởng bộ Phủ Tổng thống gởi công văn cho Ngô Đình Thục cho biết: “Phủ Tổng thống chấp nhận giao cho Quý Tòa quyền khai thác Viện Bài lao tại Huế với trọn quyền sở hữu các tài sản liên quan đến Viện này.

Tôi đã chuyển đến bộ Tài chánh hồ sơ về việc nói trên để hợp thức hóa vấn đề”[94] .

Rồi tại Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị, chính quyền Ngô Đình Diệm cấp cho Toà Tổng Giám mục Huế 4 mẫu đất để xây dựng Trung tâm Xã hội người Thượng (2 mẫu dành cho việc xây cất, 2 mẫu còn lại dùng trồng cà phê để Trung tâm Xã hội có huê lợi về sau) và “Nha Xã hội trích quỹ xã hội 300.000$ để cho Toà Tổng Giám mục tuỳ nghi sử dụng,... Phụ cấp hàng tháng cho 2 nữ tu sĩ và 1 lao công người Thượng cùng với thuốc men, phí khoản về điều hành mỗi tháng lối khoảng 10.000$, tỉnh Quảng Trị nhận đài thọ chi phí này”[95]

Chưa hết, tại Huế, Ngô Đình Thục còn tậu mãi đất đai riêng cho mình. Phiếu trình của Tổng Thư ký Phủ Tổng thống ngày 13-11-1962 cho biết: “Đức Tổng Giám mục Ngô Đình Thục xin mua một thửa đất diện tích 2.140 m2 tại ấp Trường Cởi, xã Thủy Trường, Quận Hương Thủy, thuộc tư sản tỉnh Thừa Thiên, để sáp nhập vào bất động sản của Người ở kế cận”[96]. Công văn số 20.210-TT-HCTQ-3 của Tỉnh trưởng Thừa Thiên, Thị trưởng thành phố Huế gởi Bộ trưởng Bộ Cải tiến Nông thôn ngày 22-10-1962 cũng xác nhận: “Đức cha Ngô Đình Thục với danh nghĩa cá nhân mình, đứng mua sở đất nói trên và nhập vào bất động sản của Ngài chứ không phải mua cho Giáo hội như Tòa Tổng Thư ký Phủ Tổng thống đã nhận định tại Công văn số 310-TTP-TTK-1 ngày 1-9-1962”[97] .

Không riêng Giám mục Ngô Đình Thục mà hầu hết các linh mục dưới chế độ Ngô Đình Diệm hầu hết đều ngang ngược. Tại làng Nam Dương, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, linh mục Nguyễn Văn Đông chiếm nghĩa địa mà dân làng đã nhiều phen cực lực phản đối nhưng không được, vì đằng sau linh mục và giáo dân Thiên Chúa giáo có sức mạnh của chính quyền. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ (1-11-1963),“Đơn của Thiếu niên, học sinh thuộc ấp Nam Dương, quận Quảng Điền trình Ông Đoàn trưởng Đoàn Cải cách nông thôn Tòa Tỉnh trưởng Thừa Thiên ngày 15-12-1963” nói rõ điều này: “Nghĩa địa ấp chúng em lẫn cây cối và mã mồ, thế mà trong năm 1961 linh mục Nguyễn Văn Đông địa sở Thạch Bình và Hội giáo Nam Dương cùng lực lượng dân các hội giáo khác đến cuốc phá mà gọi là trưng canh để trồng dương liễu và bát hà, mà toàn thể nhân dân ấp chúng em đã nhiều phen cực lực phản đối nhưng không được, vì uy thế cường quyền của chính thể Ngô Đình Diệm với một số người bộ hạ tay chân trong chức vụ danh nghĩa chính quyền và đoàn thể mà trong thực tế không hoạt động cho quốc gia dân tộc, đã cậy quyền đó để hoạt động cho độc tôn,...”.

Đơn  đề nghị giải quyết ba vấn đề: 

“1) Cha sở Thạch Bình Nguyễn Văn Đông và hội giáo trả lại diện tích mã mồ ấy cho ấp chúng em vì chiếm hữu bất hợp pháp. 

2) Cha sở và hội giáo phải giải quyết thế nào thỏa mãn các mồ xiêu tan mà thi hài không nấm che.

3) Trả lại số tiền củi cho ấp chúng em vì củi đó là nguồn lợi tài sản của tổ tiên để lại mà chiếm thủ vì cường quyền”[98] .

Sự ưu tiên dành cho Thiên Chúa giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm có lúc còn vượt lên trên cả những chính sách mà chế độ xem là “quốc sách”. Theo luật lệ “Cải cách điền địa” ban hành bởi Dụ số 57 ngày 22-10-1956 thì “việc áp dụng Dụ này sẽ không phân biệt tư nhân hay pháp nhân, người trong nước hay ngoại kiều”[99] . Điều này theo Công văn số 367/HHNQT ngày 20-1-1959 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao gởi Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống thì trên địa hạt nguyên tắc, những tài sản tuy là của Hội Truyền giáo cũng ở trong phạm vi áp dụng Luật lệ Cải cách điền địa ấy”[100] .

Tuy nhiên trong thực tế khi thi hành Luật lệ Cải cách điền địa, các Hội Truyền giáo và Họ Đạo vẫn được hưởng dụng một “chế độ đặc biệt” theo quyết định riêng của Tổng thống. Công văn mật số 1579/BKT/KC/ST ngày 16-12-1959 của Phó Tổng thống gởi Tổng thư ký Phủ Tổng thống nói rõ điều này: “Không nên ban hành những văn kiện đặt ra những tiêu chuẩn để ấn định quốc tịch cho các Hội Công giáo.

Trong việc áp dụng các Luật lệ Cải cách điền địa đối với các Hội Công giáo, cần để Tổng thống quyết định riêng về từng trường hợp một”[101].

“Quyết định riêng” của Tổng thống, rồi lại tiếp theo “quyền tạo mãi bất động sản và nhận sự lạc cúng bất động sản dù nhỏ bé đến đâu cũng phải được sự cho phép của Tổng thống do Công văn số 166-TTP/TKT ngày 23-9-1960 của Tòa Thư ký Phủ Tổng thống quy định”[102] , thực chất là dành cho Ngô Đình Diệm đặc quyền ưu tiên cho Thiên Chúa giáo và đối xử phân biệt với các tôn giáo khác theo ý muốn.

Trong lúc đó, hoạt động kinh tế của tín đồ Phật giáo bị chính quyền Ngô Đình Diệm gây nhiều khó khăn, trở ngại. Có trường hợp, tín đồ Phật giáo bị chính quyền Ngô Đình Diệm vu khống về chính trị, nạn nhân bị đánh đập. tra tấn hết sức tàn nhẫn, có người bị kết án tù và bị tịch thu gia sản, hoặc bị phải tống tiền để chuộc mạng, hoặc buộc phải bán tài sản với giá rẻ. Cũng có trường hợp nạn nhân bị tra tấn, đánh đập đến chết.

Ông Vĩnh Cơ, Hội trưởng Hội Phật giáo nguyên thủy Việt Nam, một thương gia buôn bán gạo ở Đà Nẵng, đã bị Tòa Đại hình sơ thẩm ngày 28-8-1956, kết án 10 năm khổ sai và tịch thu gia sản, mặc dầu ông Vĩnh Cơ “là người hiền lành luôn nhiệt tâm với công việc từ thiện và đã có công sáng lập ra Hội Phật giáo nguyên thủy Việt Nam được toàn thể đạo hữu tín nhiệm và mến ái.

Đứng về phương diện tôn giáo, ông Vĩnh Cơ cũng là một tín đồ Phật giáo rất chân thật, luôn trọng ngũ giới và giáo lý Đức Phật đã được chư tăng thừa nhận.

Gia tài hiện hữu của ông Vĩnh Cơ cũng do sự làm ăn buôn bán cần cù lâu năm của ông mà có từ trước”[103] .

Nổi bật nhất là từ năm 1957,  Ngô Đình Cẩn và tay chân tạo ra “Vụ án gián điệp miền Trung” giả tạo, khiến hầu hết các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị đến Khánh Hòa không tỉnh nào không có người bị Ngô Đình Cẩn và tay chân của hắn khép vào tội làm gián điệp cho Pháp. Nạn nhân chủ yếu là tín đồ Phật giáo có thực lực về kinh tế, mà trước hết là ở Huế, sào huyệt của “Lãnh chúa miền Trung” Ngô Đình Cẩn. Bằng chính những lời tố cáo của các nạn nhân, Nguyệt Đạm và Thần Phong, tác giả sách “Chín năm máu lửa dưới chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm” cho chúng ta một bức tranh hết sức sinh động về tính chất dã man của những kiểu tra tấn hiểm độc, về những thủ đoạn tống tiền, về cách thức phi tang những nạn nhân bị giết hại,... do Ngô Đình Cẩn và tay chân gây ra. Sau đây là một số trường hợp tiêu biểu:

Ông Nguyễn Văn Yến, chủ khách sạn Morin (Huế) vì không đồng ý cho Ngô Đình Cẩn mua lại khách sạn với giá rẻ mạt liền bị gán tội làm gián điệp cho ngoại bang. “Ông Nguyễn Văn Yến đã bị bắt giam ở Chín hầm và chịu tất cả các cực hình: đổ nước, quay điện, cực hình assis debout, nhìn bóng đèn điện 500 watts để da mặt phồng lên; ông này bị tiêu tan hết sự nghiệp, mẹ và vợ ông buồn rầu nên qua đời”[104] .

Ông Phan Văn Thí, chủ hiệu buôn Đức Sinh ở số 77, đường Trần Hưng Đạo (Huế) bị gán tội làm gián điệp cho Pháp đã bị bắt giam ngày 12-9-1957, bị tra tấn hết sức tàn nhẫn. “Ông Đức Sinh đã phải trả một giá quá đắt: Nộp cho tên trùm mật vụ Phan Quang Đông 1.500.000$,00, phải làm văn tự bán cho Đông một cái nhà 2.000.000 đồng mà thực ra ông Đức Sinh không lấy một đồng nào cả”[105] .

Ông Nguyễn Đắc Phương, thầu khoán ở Huế, bị vu cáo chứa chấp thuốc phiện lậu và làm gián điệp cho Pháp, bị Ngô Đình Cẩn ra lệnh bắt, tra tấn. Ông Nguyễn Đắc Phương bị chết ngày 16-5-1957 do Ngô Đình Cẩn ra lệnh xô từ trên lầu xuống. Các cuộc điều tra sau đó cho biết Nguyễn Đắc Phương chết vì “do được đấu thầu tu bổ điện Thái Hòa và những cộng tác khác, trong lúc đó bà Cả Lễ (chị ruột của Ngô Đình Cẩn) không được đấu thầu”[106] .

Ông Trần Bá Nam, thầu khoán ở Huế, bị tay chân Ngô Đình Cẩn chặn bắt trong khi ông đang cùng vợ con đi xe hơi từ Savannakhet về Huế. Trần Bá Nam bị gán tội làm gián điệp cho Pháp và bị tra tấn, tay chân của Ngô Đình Cẩn “ép buộc ông Nam nhận tội làm gián điệp để cưỡng đoạt tập chi phiếu ba triệu đồng do Ngân khố Savannakhet cấp phát cho ông.

Không chịu nhận tội làm gián điệp, không chịu ký chi phiếu, nạn nhân bị đánh đập dần đến chết, thây bị liệng xuống giếng phía sau Sở Vôi Long Thọ”[107] .

Ông Bửu Bang, chủ hiệu Rồng Vàng ở số 105, đường Trần Hưng Đạo (Huế) bị bắt cóc ngày 16-11-1960, bị gán tội hoạt động chính trị, bị bắt giam ở Chín hầm. Ông Lê Văn Châu, chủ hiệu sách Nam Hưng ở số 125, đường Trần Hưng Đạo (Huế) bị bắt ngày 18-11-1960, phải chịu tống tiền mới được thả.

Ngoài ra còn có rất nhiều trường hợp khác, các nạn nhân bị bắt, bị gán tội làm gián điệp cho Pháp, bị tra tấn và buộc phải tống tiền mới được thả như các ông Nguyễn Văn Chiểu bị bắt ngày 7-3-1958 tại Quảng Trị, Trần Nghiêm bị bắt ngày 6-7-1958 tại Nha Trang, Trần Nguyên Cáo bị bắt ngày 11-12-1958 tại Quảng Ngãi v.v... Con số người bị Ngô Đình Cẩn sát hại tại miền Trung lên đến 300.000 người[108] .

Rồi chính quyền Ngô Đình Diêm còn “khéo dùng phép nước” để bắt nhân dân miền Nam mà đại đa số là tín đồ Phật giáo, thực hiện những tín điều của Thiên Chúa giáo bằng cách hạn chế một số hoạt động kinh tế của họ. Ở mặt này, thật khó tin được nếu không có những tư liệu cụ thể. Chẳng hạn, ngày 6-8-1961, chính quyền Ngô Đình Diệm ra Nghị định số 1182-BKT/NTT/NĐ quy định: “Cấm hạ và bán thịt heo trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa, 3 ngày trong tuần lễ: thứ Ba, thứ Sáu và Chúa nhật[109] , cho đến khi có lệnh mới,... Trong ba ngày cấm trên đây, thịt heo quay, thịt heo ướp lạnh của những ngày trước còn lại cũng không được phép bán trong các tiệm, các chợ, mặc dầu dưới hình thức nào”[110]

Điều cấn nhấn mạnh là các nhà nghiên cứu khó có thể tìm được trong “Công báo Đệ nhất Cộng hòa” (1954-1963) hoặc ở các Trung tâm lưu trữ Quốc gia những Nghị định thuộc loại đặc biệt như trên dành cho Phật giáo.

Chính sách ưu tiên về kinh tế - xã hội của chính quyền Ngô Đình Diệm dành cho Thiên Chúa giáo, đúng như nhận định của Don Luce và John Sommer trong “Vietnam - The Unheard voices”: “Sự thật  khi người Pháp rút lui và Ngô Đình Diệm lên cầm quyền ít có sự thay đổi, Diệm là giáo dân Thiên Chúa giáo (ông đi tu gần như trở thành linh mục), khi trở thành Tổng thống, ông cai trị đất nước với những sự kết hợp giữa luân lý Thiên Chúa giáo và tinh thần phụ quyền, quan lại của đạo Khổng. Những người Phật giáo sau đó đã tố cáo rằng dưới sự cai trị của ông, họ đã bị áp bức... hoặc bị qua mặt không cho hưởng những đặc quyền như những người Thiên Chúa giáo. Thí dụ, Thiên Chúa giáo được cấp phát nhiều đất đai để xây dựng trường học, bệnh viện, cũng như hầu hết những tín dụng nông nghiệp, đặc quyền khai thác gỗ và độc quyền một số ngành xuất nhập khẩu. Ảnh hưởng của các linh mục rất lớn và đã có nhiều kẻ cơ hội theo Thiên Chúa giáo,... Sau này những người Thiên Chúa giáo Việt Nam cũng phải nhìn nhận là dưới chế độ Diệm họ được ưu đãi”[111] . Frances Fitz Gérald trong “Fire in the Lake” cho biết: “Ngay từ đầu ông (Ngô Đình Diệm - TG chú thích) đã thành lập Chính phủ với nhiều nguời Thiên Chúa giáo và dành cho những làng Thiên Chúa giáo nhiều ưu tiên hơn với những làng còn lại. Các viên chức của Diệm làm việc chặt chẽ với các linh mục, họ muốn những làng Thiên Chúa giáo được hưởng phần lớn những nguồn viện trợ của Hoa Kỳ, những tín dụng nông nghiệp. Họ cho những người Thiên Chúa giáo quyền khai thác lâm sản trong những khu rừng quốc gia và những độc quyền về sản xuất nông sản có thể sinh ra lợi tức nhiều được những viên chức viện trợ Hoa Kỳ đưa vào. Dưới chế độ Pháp thuộc, những bô lão Việt Nam thường nói: ‘Theo đạo có gạo mà ăn’. Dưới chế độ Diệm, câu nói đó vẫn được những người miền Nam tiếp tục nhắc lại”[112] .

3. Về văn hoá - giáo dục.

Trên lãnh vực văn hóa - giáo dục, chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm cũng thể hiện rất đậm nét. Trước hết, trong việc trùng tu, xây dựng nhà thờ và tượng Chúa, chính quyền Ngô Đình Diệm đã dành cho Thiên Chúa giáo nhiều đặc quyền. Ngày 24-5-1956, Chánh sở Nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn đã gởi đơn đến Đại biểu Chính phủ Nam Việt xin dựng tượng Đức Mẹ Hòa bình trước Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Nội dung của đơn có đoạn viết: 

 “Tôi xin ông vui lòng cho phép chúng tôi đặt,... một tượng ảnh Đức Mẹ Hòa Bình cho xứng với cái tên Công trường Hòa Bình.

Mọi sở phí do chúng tôi chịu và nếu ông vui lòng đài thọ cho để tỏ lòng kính mến Đức Mẹ thì Đức Mẹ sẽ vui lòng hơn.

Đang khi chờ mong phép ông, tôi cho thợ làm liền cho kịp khánh thành ngày lễ Đức Bà chẳng hề mắc tội tổ tông vào tháng Chạp năm 1956 này”[113] .

Nội dung đơn nêu trên chứng tỏ thế lực to lớn của Nhà thờ Thiên Chúa giáo ngay từ khi chính quyền Ngô Đình Diệm vừa mới được thành lập. Nó đặt nhà chức trách trước một sự đã rồi: “Đang khi chờ mong phép ông, tôi cho thợ làm liền”. Mặt khác, nó đòi hỏi một cách “tế nhị” về sự đóng góp của nhà nước trong việc xây dựng tượng: “Nếu ông vui lòng đài thọ cho để tỏ lòng kính mến Đức Mẹ thì Đức Mẹ sẽ vui lòng hơn”.

Trong các ngày lễ của Thiên Chúa giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tạo điều kiện hết sức to lớn cho việc tổ chức hành lễ. Lễ Giáng sinh năm 1956, Nha Xã hội Trung Nguyên Trung Phần đã đặt trọng tâm hoạt động vào bốn việc, trong đó hoạt động “tổ chức ngày Giáng sinh ở Trung Phần” được xếp vào vị trí thứ nhất[114] .

Lễ Giáng sinh năm 1958 được chính quyền Ngô Đình Diệm nâng lên tầm quốc gia. Tại Dinh Độc Lập, lễ này được tổ chức với qui mô lớn. Trong Phiếu trình số 2605-TTP/VP/NL ngày 26-11-1958, Sở Nghi lễ đã chuyển đến Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống chương trình lễ Giáng sinh:

“Hồi 23 giờ15: Tại Dinh Độc Lập, Phó Tổng thống đại diện Tổng thống và các Bộ trưởng dự lễ này do Lữ đoàn Liên binh phòng vệ Tổng thống phủ tổ chức.

Thông điệp của Tổng thống.

Rước kiệu Chúa vong quanh Dinh,...

Trong đêm Chúa Giáng sinh, đài phát thanh có truyền thanh thông điệp của Tổng thống gởi đồng bào toàn quốc, ...”[115] .

Tới ngày 8-12-1958, chính quyền Ngô Đình Diệm ra Nghị định số 2141-TTP/KT “cấp cho ông Tôn Thất Thiết, Chánh Sự vụ Sở Nội dịch phủ Tổng thống một quỹ ứng trước là bốn mươi ngàn đồng bạc (40.000$00) để tổ chức lễ Thiên Chúa giáng sinh năm 1958 tại Dinh Độc Lập.

Quỷ ứng trước nói tại điều thứ nhất được cấp bằng một ngân phiếu và việc chứng minh phải được thực hiện ngay sau cuộc lễ hay trễ lắm là một tháng sau.

Chi phí trên sẽ sung dương vào ngân sách Quốc gia Việt Nam, tài khóa 1958, Chương 2, Điều I”[116] .

Cũng trong ngày này (8-12-1958), Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam Cộng hòa bằng Công văn số 20.688-TTM/P3/1 gởi các đơn vị quân đội đóng tại Sài Gòn: “Thể theo lời yêu cầu của Nha Tuyên úy Công giáo Quân đội Việt Nam Cộng hòa, Bộ Tổng Tham mưu chấp thuận cho Sở Tuyên úy Công giáo Quân khu Thủ đô được tổ chức lễ Giáng sinh năm nay vào đêm 24-12-1958 tại Sân vận động Gia đình binh sĩ Đại đội Trung hạng Quân cụ 91 theo thời khắc như sau:

- 21 giờ vui Noel.

- 24 giờ dự lễ.

Để cho cuộc lễ thêm phần long trọng và khả quan, yêu cầu các đơn vị trưởng và các cơ quan đồn trú trong Quân khu Thủ đô cho phép quân nhân Công giáo và gia đình họ đến dự đông đủ cuộc lễ trên.

Ngoài ra tùy theo khả năng, các đơn vị sẽ hết sức giúp đỡ phương tiện chuyên chở và tổ chức lễ khánh tiết tại địa điểm hành lễ.

Các quân nhân đi dự lễ từ thượng sĩ trở lên mang quân phục kaki dài, cầu vai, cà vạt đen và cát-két; từ cấp trung sĩ trở xuống mặc quân phục kaki dài.

Quân khu Thủ đô cắt cử một số hiến binh và quân cảnh để giữ trật tự an ninh chung quanh địa điểm hành lễ”[117] .

Để phô trương tôn giáo của mình, chính quyền Ngô Đình Diệm đã huy động hầu hết các viên chức thuộc các cơ quan trung ương và gia đình họ đến dự. Công văn số 154/TTP/ĐL ngày 17-12-1958 của Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống gởi thủ trưởng các cơ quan trung ương chính quyền Ngô Đình Diệm, viết: “Nhân dịp lễ Giáng sinh năm nay, một dạ hội sẽ được tổ chức tại Dinh Độc Lập trong đêm 24 rạng ngày 25 tháng 12 năm 1958, theo chương trình đính hậu.

Thừa lệnh Tổng thống, Văn phòng trân trọng mời quý ông cùng nhân viên quý nha sở và gia đình, các ông sĩ quan Nha Tổng Thư ký Thường trực Quốc phòng, Tham mưu Biệt bộ và Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ đến dự dạ hội nói trên.

Để tiện việc sắp xếp, xin quý ông vui lòng tin cho Sở Nghi lễ Phủ Tổng thống biết trễ lắm cũng trước ngày 22-12-1958, danh sách các nhân viên cùng một số người trong gia đình đến dự buổi lễ”[118] .

Rõ ràng là chính quyền Ngô Đình Diệm trưng dụng mọi phương tiện của nhà nước phục vụ cho những ngày lễ Thiên Chúa giáo, nhất là lễ Giáng sinh hằng năm. Chính sách này đã gây phản ứng từ phía Phật giáo. Văn thư số 124 ngày 1-8-1963 của Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo gởi Đại sứ Mỹ Frederick E. Nolting (tại Sài Gòn) vạch rõ: “Mỗi năm lễ Giáng sinh đều được cử hành với sự tham gia trực tiếp và hữu hiệu của Chính phủ, nào Thông điệp của Tổng thống, công sở treo cờ trang hoàng, nào Công giáo độc chiếm độc chiếm Đài quốc gia để phát thanh trong mấy ngày liền trên hệ thống A chính thức, nào bắt toàn thể nhân viên của Phủ Tổng thống, các ông Bộ trưởng, các công chức cao cấp, kể cả những người theo đạo Phật phải dự lễ nửa đêm, v.v… Quá quắt hơn hết là việc năm rồi, một hang đá được đặt ngay tại Tòa Đô chính làm như toàn Châu thành Sài Gòn là Thiên Chúa giáo”[119] .

Ngày 16-2-1959, kỷ niệm 300 năm thành lập Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam, Đức Hồng y Agagianian, Khâm mạng Đức Giáo hoàng đến Sài Gòn chủ lễ Đại hội Thánh Mẫu. Lễ này cử hành rất long trọng ở Sài Gòn và trên toàn quốc, từ ngày 16 đến hết 18-2-1959. Nhân dịp này, Nhà thờ Đức Bà (Sài Gòn) được Toà Thánh thăng lên hàng “Vương cung Thánh đường (Basilique)”[120] .

Nổi bật nhất là việc chính quyền Ngô Đình Diệm cho trùng tu và xây dựng nhà thờ La Vang ở Quảng Trị. Ngô Đình Thục đã từng gọi nhà thờ này là “tiền đồn tinh thần của quốc gia”[121] , và đã vận động nâng nó lên hàng Vương cung Thánh đường. Tại đây, việc tổ chức lễ hành hương, ba năm một lần. Đây là dịp để chính quyền Ngô Đình Diệm tỏ rõ "trách nhiệm" của mình trong việc phô trương thế lực Thiên Chúa giáo. Công văn số 104/TTP/ĐL ngày 12-8-1958 của Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống gởi các Giám đốc và Chánh sự vụ các Nha, Sở tại Phủ Tổng thống viết:

“Đại hội Kính Mẹ sẽ cử hành tại La Vang (Quảng Trị) từ ngày 17-8-1958 đến ngày 22-8-1958.

Những nhân viên muốn đi La Vang dự Đại hội nói trên với phương tiện riêng của mình có thể xin phép nghỉ từ ngày 20 đến cuối ngày 22 tháng 8 d.l. 1958.

Văn phòng trân trọng yêu cầu quý Giám đốc và Chánh Sự vụ thông báo cho nhân viên trực thuộc rõ và lập gởi đến Văn phòng trước ngày 17-8-1958 danh sách những nhân viên xin đi dự cuộc lễ”[122] .

Đối với những tổ chức được xem là trung kiên của chế độ, như “Phong trào Cách mạng Quốc gia” lại càng được chế độ đặc biệt ưu tiên. Văn thư số 607-LĐCC/VP ngày 13-8-1958 của Ban Chấp hành Trung ương Liên đoàn Công chức Cách mạng Quốc gia gởi ông Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống nói rõ: “Được Tổng thống cho phép và tiếp theo Thông tư số 602/LĐCC/TC ngày 11-8-1958 của Ban Chấp hành Trung ương Liên đoàn Công chức Cách mạng Quốc gia gởi các Chi, Tỉnh đoàn; tôi xin tin để quý Bộ trưởng rõ nhân dịp Đại hội Kính viếng Đức Mẹ La Vang, một Ủy ban đã được phép tổ chức cuộc hành hương tại La Vang và thăm viếng danh lam, thắng cảnh cùng lăng tẩm tại Huế, vào những ngày từ 17 đến 25-8-1958…

Trân trọng nhờ quý Bộ trưởng vui lòng phổ biến rộng rãi trong giới công chức các cấp thuộc quyền và cho phép những anh chị em muốn tham dự được phép nghỉ trong những ngày hành hương”[123] .

Ba năm sau, ngày 17-8-1961, lễ dâng hiến Trung tâm Thánh Mẫu và khánh thành “Vương cung Thánh đường” tại La Vang được tổ chức rất trọng thể. “Những khải hoàn môn trưng bày ảnh tượng Đức Mẹ và cờ Công giáo kéo dài từ thành phố Huế đến thành phố Quảng Trị dọc theo quốc lộ số 1”[124] . “Hàng vạn giáo dân cùng đại diện của các đoàn thể nô nức tham dự. Đại hội sẽ tiếp tục đến hết ngày 22/8”[125] . Vé xe lửa đi La Vang cho các toán hành hương để dự lễ khánh thành được bớt 50%”[126] . Tạp chí Đức Mẹ La Vang xuất bản năm 1961 “đăng tên những người hảo tâm cúng tiền vào việc xây dựng Vương cung Thánh đường. Từ Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ đến tất cả các bộ trưởng đến Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng, các vị Tổng Giám đốc, v.v… Công giáo hay không Công giáo, ai cũng có tên trong danh sách này. Cảnh sát ở khắp nơi được giao cho bán vé Xổ số Tombola bỏ vào quỹ xây dựng Nhà thờ La Vang”[127].

Rồi khi Ngô Đình Thục về nhậm chức Tổng Giám mục Địa phận Huế ngày 10-2-1961, lễ đón được chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức theo nghi thức quốc gia: “Đức Tổng Giám mục đến sân bay Phú Bài có lễ dâng hoa, chào Quốc thiều, duyệt tiểu đoàn dàn chào,... Ông Đại biểu Chính phủ Trung Nguyên Trung Phần giới thiệu các cấp Quân chính và Đại diện các đoàn thể, ... Các phái đoàn, các cơ quan, đoàn thể đến chào mừng Đức Tổng Giám mục tại Tòa Tổng Giám mục,... Các đơn vị đồn trú dọc theo lộ trình Đức Tổng Giám mục sẽ đi qua phải cho toán lính gác cổng đơn vị ăn mặc chỉnh tề, dàn thành hàng ngang, bồng súng chào khi xe đi ngang qua,... Bộ Tư lệnh Quân khu 2 yêu cầu các đơn vị trưởng cho phép các binh sĩ Công giáo (không bận công tác) được nghỉ việc vào buổi chiều ngày 10-2-1961 và buổi sáng ngày 11-2-1961 để đi nghênh đón Đức Tổng Giám mục và dự lễ tại Nhà thờ Phú Cam. Các binh sĩ đi nghênh đón và dự lễ tại Nhà thờ phải ăn mặc chỉnh tề và có cấp chỉ huy hướng dẫn,... 

Chỉ những xe hộ tống và xe các quan khách cao cấp có ban số mới được vào sân bay đậu lúc đón tiếp. Các xe khác đi đón tiếp hoặc công tác sẽ đậu tại Phi cảng Phú Bài.

Tài xế các quân xa đưa các sĩ quan đi đón tiếp phải ăn mặc chỉnh tề. Xe phải sạch sẽ. Lúc chào Quốc kỳ tài xế phải đứng nghiêm cạnh phái tay lái để chào. 

Sau khi Ban Quân nhạc SĐ/I dàn chào tại Phú Bài xong, trở về Huế ngay để tham dự cuộc rước Đức Tổng Giám mục từ Tòa Tổng Giám mục đến Nhà thờ Phú Cam”[128] .

Từ ngày Ngô Đình Thục về nhậm chức Tổng Giám mục Địa phận Huế, hàng năm “ngày lễ Giáng sinh được tổ chức rất tưng bừng. Cờ Công giáo treo dọc đường ăn lan đến cầu Trường Tiền. Cổng chào dựng lên khắp nơi, nhất là phái tả ngạn sông Hương. Điều này làm cho quần chúng Phật giáo bất bình. Vì từ xưa những cuộc lễ lớn về Công giáo chỉ tổ chức quy mô bên địa phận Phú Cam mà thôi”[129].

Ngay cả lễ Ngân khánh của mình, Ngô Đình Thục cũng biến thành quốc lễ. Chính Ngô Đình Thục đã thông báo cho Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện Đại học Huế, biết một Ủy ban tổ chức mừng lễ Ngân khánh đã được thành lập do “ông Chủ tịch Quốc hội đứng đầu, gồm cả ông Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Quang Trình và Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn Lê Văn Thới với vài ông bộ trưởng nữa”[130] ;đồng thời đòi hỏi Cao Văn Luận phải có mặt trong ủy ban đó. Trong lúc đó “tại các tỉnh cũng lập một tiểu ban tổ chức mừng lễ Ngân khánh và dĩ nhiên do tỉnh trưởng đứng đầu, cũng có những trò quyên góp tiền bạc, và tất nhiên là xảy ra nhiều trường hợp cưỡng bức hay áp lục đóng tiền cho tiểu ban”[131] . Trong hồi ký của mình, Cao Văn Luận cũng phải thừa nhận rằng việc làm của Ngô Đình Thục “không có lợi cho quốc gia và giáo hội, trái lại có thể mang tiếng và làm cho chế độ bị chỉ trích nặng nề và có cớ”[132] .

Đối với Phật giáo, trên lãnh vực văn hóa, chính quyền Ngô Đình Diệm đã đối xử như thế nào? Từ khi nắm quyền ở miền Nam, Ngô Đình Diệm đã tìm cách gây trở ngại đối với Phật giáo trong việc tổ chức hành lễ. Nổi bật nhất là việc chính quyền Ngô Đình Diệm hủy bỏ ngày nghỉ lễ Phật đản trong danh sách những ngày nghỉ lễ dành cho công chức và binh sĩ.

Đối với những tín đồ Phật giáo hăng say, nhiệt thành với công tác của Phật sự, bị chính quyền Ngô Đình Diệm theo dõi và có khi bị ám sát như trường hợp một Huynh trưởng Phật tử ở Khuôn hội Kim An (Kim Long, Huế) đã bị giết một cách thê thảm chỉ vì “đã hoạt động tổ chức đoàn cung nghinh Xá lợi trong Đại lễ Phật đản năm 1955”[133] . Cũng tại Huế, “ngay bên cạnh chùa Từ Đàm, tháng 2-1962[134] , một tăng sĩ trẻ tên Trần Kim Phú đã bị công an mật vụ của chế độ trùm bao bố, bóp cổ, bắt cóc đem giam trên Chín Hầm”[135] .

Có trường hợp, chính quyền Ngô Đình Diệm viện lý do an ninh để ngăn cấm những hoạt động tôn giáo của Phật giáo. Năm 1959, Tổng hội Phật giáo Việt Nam cử một phái đoàn đi thăm Phật tử ở các “Khu dinh điền”. Tuy nhiên, khi phái đoàn với đầy đủ giấy phép vừa rời khỏi Sài Gòn và Huế thì chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh đình chỉ vì lý do an ninh[136] .

Hoặc từ ngày 6-6 đến ngày 10-6-1960, Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa gởi đơn xin tổ chức Trại hè cho hơn 1.000 Phật tử tại Nha Trang, chính quyền Ngô Đình Diệm viện đủ lý do để ngăn cấm. Công điện (tối mật) của Phủ Tổng thống gởi Tỉnh trưởng Khánh Hòa ngày 16-5-1960 thông báo: “Theo ý kiến Sở Nghiên cứu Chính trị Xã hội nên tạm đình hoãn việc cho phép tổ chức trại hè nói trên”[137] . Tỉnh trưởng Khánh Hòa tuân lệnh và mật điện của Tỉnh trưởng Khánh Hòa gởi Phủ Tổng thống ngày 17-5-1960 viết: “Sau khi hỏi ý kiến của ông Đại biểu Chánh phủ Trung nguyên Trung Phần ở Huế, Tỉnh tôi đã bác đơn xin phép tổ chức Trại hè của Hội Phật giáo ở Khánh Hòa”[138] .

Tại Quảng Ngãi, năm 1961, cũng vin vào lý do an ninh, chính quyền Ngô Đình Diệm “cấm không cho tổ chức lễ Phật đản như chương trình đã được cho phép, trong khi cũng tại đây một hội chợ của các linh mục đã được tổ chức và đang tiếp tục”[139] .

Cũng trong năm 1961, tại Quảng Ngãi, chính quyền Ngô Đình Diệm âm mưu chiếm đoạt ngôi chùa tại núi Thiên Bút, một di tích lịch sử và văn hóa truyền thống của Phật giáo để làm Nhà thờ Thiên Chúa giáo[140] .

Lại có trường hợp tín đồ Phật giáo tụng kinh trong nhà cũng bị chính quyền Ngô Đình Diệm phạt vi cảnh như ông Trần Bổ ở thôn Phổ Đông, tỉnh Bình Định vì tụng kinh mà bị phạt vi cảnh 120$00[141]

Tại các “Khu dinh diền”, “Khu trù mật”, sự áp bức Phật giáo càng nặng nề hơn: “Quyền môn của Phật tử dựng lên để mừng Phật đản, ban đêm bị phá, sáng ngày người dựng bị đánh tàn nhẫn, đến nỗi người được sai bảo triệt hạ (cố nhiên là tín đồ Thiên Chúa giáo) không thể cầm lòng được phải lên tiếng chất vấn và tố cáo sao các ông (cố nhiên là tín đồ Thiên Chúa giáo) bảo tôi hạ của người ta rồi lại bắt đánh người ta? Đó là một trăm ngàn sự việc đã xảy ra trước 1-11-1963”[142] .

Trong các “Ấp chiến lược”, tín đồ Phật giáo càng là nạn nhân của chế độ Ngô Đình Diệm. Hàng rào “ấp chiến lược” cố ý và tìm cách bỏ ra ngoài chùa Phật giáo, nhà Phật tử và dĩ nhiên ở ngoài rào sẽ bị xem là Việt Cộng. “Hàng rào ấy gần như rào chùa và rào cả sự đi lễ của Phật tử, nhất là trong những ngày và những giờ Đại lễ Phật giáo thì hàng rào ấy trong không ra, ngoài không vào được.” [143]

Không chỉ trong nước mà cả trên bình diện quốc tế, chính quyền Ngô Đình Diệm cũng thi hành chính sách kỳ thị Phật giáo rất đậm nét. Công văn số 3502/KTLT ngày 23-8-1955 của Tổng trưởng Bộ Ngoại giao gởi Thủ tướng Chính phủ (Ngô Đình Diệm) cho biết: “Chánh phủ Bỉ vừa rồi đã chính thức mời Chánh phủ Việt Nam tham dự cuộc Triển lãm quốc tế (Exposition Universelle) sẽ mở tại kinh thành Bruxelles từ tháng Tư tới tháng Chín năm 1958.

Tất cả những tiến triển quan trọng trong các ngành hoạt động trên thế giới, về khoa học, kỹ thuật, cũng như về phương diện văn hóa và tôn giáo, sẽ được trưng bày tại cuộc triển lãm này, ...

Hội đồng Tối cao Phật giáo quốc tế (Haut Conseil Bouddhique mondial) do thơ bản kèm theo đây, có yêu cầu Chính phủ Việt Nam tham gia vào công cuộc xây dựng một tòa nhà tại Hội Triển lãm Bruxells nói trên, dành riêng để trưng bày những tác phẩm đặc sắc nói về văn hóa và Phật giáo ở Á châu.

Mỗi xứ tham gia vào việc xây dựng Tòa nhà Phật giáo sẽ đóng góp 15.0000 Mỹ kim (525.000$00).[144]

Tay chân Ngô Đình Diệm bàn lui tính tới đã đi đến quyết định không tham gia cuộc triển lãm với nhiều lý do. Điều này đã được khẳng định trong Tờ trình của Tổng Thư ký Phủ Tổng thống gởi Ngô Đình Diệm ngày 26-9-1955: “Chúng tôi đã tư hỏi Bộ Tài chánh và Kinh tế và Bộ này cho biết việc tham gia này không cần thiết, vì xét theo phương diện kinh tế, nước Bỉ đối với ta còn xa xôi và không có ảnh hưởng mấy”.

Tuy nhiên, có điều đáng nói là đầu năm 1958, chính quyền Ngô Đình Diệm với lý do rằng: “Vì cuộc triển lãm Bruxells là một cuộc triển lãm quốc tế, 6 năm mới có một lần”,nên quyết định tham gia với nội dung “Triển lãm di cư 1954”, trong đó có gian hàng Thiên Chúa giáo Việt Nam, mà phần trưng bày “sẽ chú trọng về địa vị của Công giáo tại Việt Nam (position de L' Eglise Cathlique au Vietjnam) từ khởi thủy đến giờ”.

Để tham gia cuộc triển lãm, chính quyền Ngô Đình Diệm cho thành lập Ủy ban phụ trách “Triển lãm di cư 1954 tại Bruxelles” và chấp thuận đề nghị của Tổng ủy Dinh điền:

“1/ - Cấp các ngân khoản sau đây:

  a) - Tiền Việt Nam  ............   128.000$

  b) - Tiền Pháp         ............  830.000 quan.

 2/ - Cho 3 nhân viên của Ủy ban Trung ương tổ chức triển lãm Việt Nam (gồm 2 giám mục và một chuyên viên) và một nhân viên đại diện Phủ Tổng ủy Dinh điền được phép đổi tiền theo hối xuất chính thức để mua vé máy bay khứ hồi Sài Gòn - Paris - Bruxelles”[145] .

Hoặc ngày 4-5-1961, “Tòa Đại sử Tích Lan ở Washington mời Việt Nam và 12 nước Á châu (Ấn, Hồi, Bhutan, Sikkim, Népal, Miến, Thái, Miên, Lào, Đại Hàn, Trung Hoa, Mã Lai tham gia thành lập một ‘Trung tâm Phật giáo’ với mục đích giới thiệu và phổ biến Phật giáo tại Hoa Kỳ”. Song “Sứ quán Việt Nam ở Washington nhận thấy chương trình trên quá lớn lao và đòi hỏi nhiều ở các nước hội viên nên khó thực hiện được.

Bộ Quốc gia Giáo dục cho biết sự tham gia vào ‘Trung tâm Phật giáo’ sẽ gây nhiều khó khăn và đề nghị giao cho các đoàn thể Phật giáo phụ trách”[146].

“tuân hành chỉ thị của Tổng thống, kính trình ông Cố vấn (tức Ngô Đình Nhu - TG chú thích) hồ sơ về sự tham gia vào việc thành lập Trung tâm Phật giáo tại Hoa Kỳ.

Xin ông Cố vấn cho biết tôn ý về vụ này, để Tổng thống sẽ xét định”[147].

Phiếu trình đệ Tổng thống của Tổng Thư ký Tổng thống phủ ngày 12-1961 viết: “Sứ quán Việt Nam ở Washington nhận thấy chương trình trên quá lớn lao và đòi hỏi quá nhiều ở các nước hội viên nên khó thực hiện được.

Bộ Giáo dục trình rằng sự tham gia vào Trung tâm sẽ gây nhiều khó khăn và đề nghị giao cho các đoàn thể Phật giáo phụ trách.

Tổng hội Phật giáo Việt Nam tỏ ý hoàn toàn tán thành và sẽ sẵn sàng đóng góp cho Trung tâm 1.000 Mỹ kim nếu được chuyển ngân theo hối đoái chánh thức.

Bộ Ngoại giao đề nghị Việt Nam không chánh thức tham dự và chỉ cho phép Tổng hội Phật giáo Việt Nam chuyển 1.000 $ US theo hối xuất chính thức”[148].

Cuối cùng, việc thành lập “Trung tâm Phật giáo” ở Washington, vì danh dự nước nhà, đơn phương Tổng hội Phật giáo Việt Nam tham gia.Công văn số 87-THPG/HC của Hòa thượng Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam gởi Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao (Sài Gòn) ngày 28-6-1961 viết: “Trong phiên họp hội đồng ngày 25-6-1961, Ban Quản Trị Tổng hội chúng tôi đã quyết định tham gia vào việc xây dựng một Trung tâm Phật giáo ở Washington và khởi đầu chúng tôi sẽ hoan hỷ đóng góp cho Trung tâm số tiền tối thiểu 1.000 Mỹ kim, nếu Chính phủ khoan hồng cho chúng tôi hưởng giá hối đoái chính thức.

Tình trạng quỹ Tổng hội thật là rất eo hẹp, nhưng trước một công tác quốc tế, chúng tôi không dám từ nan để giữ thanh danh cho nước nhà, nhất là khi Việt Nam được chính thức mời tham gia”[149].

Cũng về mặt văn hoá, những tác phẩm nào chỉ trích Phật giáo, đề cao Thiên Chúa giáo, được chính quyền Ngô Đình Diệm đánh giá cao, như tác phẩm “Văn chương bình dân” của Thanh Lãng, khi đề cập đến Phật giáo viết: “Đối với Phật cũng như đối với hạng thầy tu, dân chúng đều coi khinh; theo họ, Phật đi tu vì bất mãn về duyên tình, nhà chùa đi tu vì thích oán chuối,… Người Việt Nam có một quan niệm rất cao siêu về Trời mà họ coi như một Thiên Chúa toàn năng. Người dân quê, qua các tài liệu văn hóa, ta thấy luôn luôn có tính cách chống đối Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo, v.v… Nhưng không bao giờ có ý tưởng chống Trời”[150].

Tác phẩm “Xây dựng trên Nhân vị” của Bùi Tuân cũng viết: “Chân lý mặc khải của đạo Công giáo cho ta biết Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài (chỉ có Thiên Chúa, Thiên thần và Người là có vị. Các loài khác đều vô vị (Chú thích của Bùi Tuân).

Triết lý Đông phương cũng như tôn giáo Tây phương thừa nhận rằng căn bản nhân vị là ở Trời, tức là Thượng đế hay Thiên Chúa vậy.

Nói một cách khác, người do từ Thượng đế mà đến. Ở đây, chúng ta chủ trương nhân vị chủ nghĩa tức là mạnh dạn tỏ ra mình có một quan niệm về người và vũ trụ, và quan niệm ấy thừa nhận có một đấng Thượng đế tạo dựng nên con người là loài có vị”[151].

Cả hai tác phẩm trên đây đã đoạt giải nhất trong số 13 giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1957[152].

Chính sách dành cho Thiên Chúa giáo, kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm cũng xâm nhập sâu trong lãnh vực giáo dục. Ngô Đình Diệm dành cho Giáo hội Thiên Chúa giáo quyền chi phối các trường (kể cả các trường công lập hoặc trường không phải của Thiên Chúa giáo) về mặt tinh thần, cốt bảo đảm thực hiện được nội dung giáo dục “duy linh”, “nhân vị”; mà thực chất là nội dung thần học kinh viện thời Trung cổ. Toàn miền Nam có “Văn phòng Trung ương giáo dục Thiên Chúa giáo” nằm trong tổ chức “Trung tâm Thiên Chúa giáo”. Trực thuộc cơ quan này là một Viện Đại học Thiên Chúa giáo ở Đà Lạt.

Hầu hết giáo sư triết học đều là những linh mục hoặc tín đồ Thiên Chúa giáo. Phần lớn các học bổng du học nước ngoài đều rơi vào tay các linh mục hoặc sinh viên Thiên Chúa giáo. Cách tuyển chọn giáo viên cũng như các đánh giá kết quả học tập của sinh viên, học sinh đều dựa tiêu chí ý thức hệ Thiên Chúa giáo. Theo Giáo sư Nguyễn Văn Trung (GS. Đại học Văn khoa Sài Gòn), một tín đồ Thiên Chúa giáo, thì: “Trong lĩnh vực nhà trường, người ta có thể ghi nhận những vi phạm sau đây như những hành động chống lại tinh thần dân chủ và tự do tín ngưỡng. Ví dụ, bắt buộc phải theo một tôn giáo và không thể nói khác được, hoặc tuyển mộ giáo sư phải theo tôn giáo, ý thức hệ mà chính quyền muốn nâng đỡ; phải có thiện cảm hay theo ý thức hệ của chính quyền. Đối với sinh viên, học sinh, thí dụ phải biểu lộ trong bài vở những ý nghĩa, lập trường đối với tôn giáo, ý thức hệ chính thức mới được nhận vào học”[153].

Để làm rõ hơn vấn đề trên đây, Giáo sư Nguyễn Văn Trung còn chú thích thêm: “Có nên duyệt lại Chương trình dạy Triết, nhất là ở Đệ I[154] , ban C, môn Siêu hình học? Tin ở Thượng đế có phải là một điều kiện để thi đỗ không? Kinh nghiệm chấm thi cho tôi biết không một học sinh nào dám nói mình không tin”[155].

Điều này không lạ dưới chế độ Ngô Đình Diệm, bởi hệ thống trường tư thục Thiên Chúa giáo từ mầm non, mẫu giáo đến tiểu học, trung học và đại học được xây dựng rẩt sớm, từ khi Ngô Đình Diệm nắm lấy chính quyền ở miền Nam. Nắm trong tay sự chi phối nền giáo dục “Đệ nhất Cộng hòa”, nên trong nhà trường, đặc biệt là trường tiểu học, nhiều lúc người dạy đã tìm mọi cách bôi đen, nhục mạ Phật giáo, cố nhồi vào đầu óc tuổi trẻ những cách nhìn sai lầm về Phật giáo, tẩy não ngay từ đầu trong thế hệ trẻ về một tôn giáo vốn đã có chiều sâu trong lòng dân tộc, nhằm dọn đường đưa những thanh thiếu niên đi đến “cải đạo” trong một thời gian không xa. Một nhân chứng kể lại: “Suốt cả một quảng đời tuổi thơ, tôi ‘được’ học trong một ngôi trường tôn giáo địa phương. Từ mẫu giáo đến lớp nhất, trọn bậc tiểu học. Nơi đó tôi không được dạy một tầm nhìn mỹ cảm tốt đẹp về một nhà truyền giáo đứng đắn, một nhà mô phạm đúng nghĩa và đặc biệt một tinh thần thượng tôn dân tộc (một vị nữ tu, một vị giáo viên và một người Việt Nam máu đỏ da vàng). Người ta gọi những học sinh không cùng tín hướng với họ là ‘mấy người’. Hàng ngày, người ta không cần phải ngại ngùng ‘dạy’ rằng: Ông Phật của ‘mấy người’ là kẻ phàm tục nên mới để lại dấu vết (các xá lợi được tìm thấy và các dấu tích đản sanh, xuất gia, thành đạo và nhập niết bàn của Phật Thích Ca). Lần khác thì lại ‘dạy’: ‘Ông Phật của ‘mấy người’ là bịa đặt, không có thật trong lịch sử. Mấy tấm hình xanh đỏ cha mẹ ‘mấy người’ thờ lạy ở nhà tưởng tượng ra rồi vẻ lên thờ! ... Với những đứa thuộc thành phần ‘mấy người’ lỡ đóng tiền học phí hàng tháng chậm, hoặc chậm tiếp thu bài thì bị cho là như ông Bụt, đui-mù-câm cả lũ”[156].

Có nơi dưới áp lực của linh mục, trường tư thục Thiên Chúa giáo đã làm tê liệt cả trường  công lập. Trong tác phẩm: “Vietnam – The Unheard Voices”, hai tác giả Don Luce và John Sommer cho biết: “Ở làng Thanh Bình, Chính phủ đã xây dựng một trường học ba lớp, bởi vì không có trường công nào khác trong vùng lân cận. Thầy giáo được đào tạo tại tỉnh lỵ, được gởi về để khai giảng. Nhưng họ không dạy, và ngay bên cạnh trường học ba lớp còn trống rỗng của Chính phủ, một trường học cùng kiểu đang được xây dựng. Vị linh mục mà dân làng vừa kính trọng, vừa sợ, từ chối việc cho phép con em họ đi học ở bất cứ trường nào khác, trừ trường của ông ta. Bốn năm sau đó, chúng tôi trở lại Thanh Bình, trường tư của ông (mà học sinh phải trả học phí) vẫn đông đúc học sinh, trong lúc đó ngôi trường của Chính phủ vẫn đang bị tẩy chay và đang đi đến chỗ hư hỏng. Hơn nữa, vị tỉnh trưởng ở địa phương thú nhận ông ta không can thiệp vào vấn đề này, bởi vì ông sợ rằng bất một hành động nào của ông sẽ bị xem như chống Thiên Chúa giáo”[157].

Có lúc để đánh lừa dư luận, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho thành lập trường tư thục của Phật giáo nhưng rồi lại tìm cách làm cho nó sớm tan rã. Một số nhân chứng cho biết: “Ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm cho phép thành lập một trường Trung học tư thục huyện Phật giáo ở làng Vĩnh Lại, xã Triệu Phước. Trường vừa khai giảng chưa đầy một tháng thì ngay bên cạnh đó ở làng Mỹ Lộc, xã Triệu Hòa, một vị trí thuận lợi hơn, một trường Trung học tư thục Thiên Chúa giáo cũng được xây dựng, mặc dù cách đó không xa tại làng Bố Liêu cũng ở xã Triệu Hòa đã có một trường tư thục Thiên Chúa giáo đã xây dựng từ trước. Điều đáng nói hơn, học sinh vào học ở đây chỉ trả học phí bằng nửa học phí của trường tư thục Phật giáo. Điều này là gì? Dù ai có ‘cận thị’ đến đâu đi nữa, cũng hiểu được rằng đó là ý đồ bóp chết trường tư thục Phật giáo”[158].

Bằng mọi biện pháp, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cố làm cho một bên phát triển, một bên tàn lụi. “Ngày 23-7-1958, Ngô Đình Nhu mở một hội nghị toàn quốc tại Sài Gòn về vấn đề giáo dục để xét lại chương trình giáo dục học đường. Sau hội này, một nghị định của chính phủ ra đời, trong đó có biện pháp ‘kiểm soát chặt chẽ các trường tư thục’, giới Thiên Chúa giáo nổi lên phản kháng biện pháp kiểm soát của Ngô Đình Nhu, nhiều tạp chí Thiên Chúa giáo tại Sài Gòn đã mở một chiến dịch đã kích biện pháp này. Phong trào đang ồn ào bỗng nhiên dịu xuống một cách đột ngột lạ thường. Sau đó người ta mới biết hàng giáo phẩm Thiên Chúa giáo đã được hai ông Nhu và Thục giải thích cho biết biện pháp này phải được công khai ban hành để biện minh cho kế hoạch làm tê liệt các cơ sở giáo dục của Phật giáo”[159].

Về bậc đại học, năm 1958, Ngô Đình Thục đứng ra thành lập trường Đại học Thiên Chúa giáo tại Đà Lạt. Để chuẩn bị, từ cuối năm 1957, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tặng cho trường này đồn điền tại Blao. Công văn số 415-TTP.ĐL/M ngày 4-12-1957 của Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống gởi Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: “Do Công văn số 1570-BTC/DC/B ngày 5-8-1957, ông Bộ trưởng có đề nghị Tổng thống tặng dữ đồn điền tại Blao, tịch thâu của Lê Văn Viễn, cho trường đại học sắp thành lập tại Đà Lạt.

Sự tặng dữ này khi trường đại học nói trên đã hoàn thành và có tư cách pháp nhân để nhận lãnh.

Tôi trân trọng tin để ông Bộ trưởng rõ: Tổng thống chấp nhận đề nghị trên đây của ông bộ trưởng”[160].

Để trường Đại học Thiên Chúa giáo Đà Lạt sớm hoàn thành, theo yêu cầu của Ngô Đình Thục, ngày 31-7-1958, Bộ trưởng Bộ Kiến Thiểt và Thiết kế đô thị đã gởi Công văn số 1392/BKTĐT/KOC đến Ngô Đình Diệm đề nghị cho trường đại học này được ứng trước 5.000.000 đồng để dùng vào việc xây cất trường. Công văn viết: “Với mục đích giúp phương tiện cho Đức Tổng Giám mục, Chưởng ấn trường Đại học Đà Lạt, thực hiện ngay việc xây cất nhà trường trong dịp hè, để kịp khai giảng vào niên khóa 1958-1959, Thiểm Bộ kính xin Tổng thống cho phép Ngân sách Tự trị Quốc gia Kiến ốc cục, tài khóa 1958 ứng trước một ngân khoản 5.000.000 đồng để sử dụng vào công tác trên”[161].

Để tiến đến “hợp pháp hóa” việc ứng trước, ngày hôm sau (1-8-1958), chính quyền Ngô Đình Diệm ra Nghị định số 272-KT/TKĐT “cho phép mở một kỳ Xổ số đặc biệt để xây dựng trường Đại học Đà Lạt”[162].

Tuy nhiên, vào thời đó 5.000.000 đồng quả là một số tiền quá lớn. Tay chân Ngô Đình Diệm bàn tính mãi vì biết rằng đề nghị nói trên là bất hợp lý, nhưng để làm vừa lòng gia đình họ Ngô, số tiền trên vẫn được chi, song theo lối “tính cách đặc biệt” và là “một ngoại lệ”. Công văn số 33.275B/19.057-TP/NSNV/CT/3B, ngày 12-8-1958 của Tổng Giám đốc Ngân sách và Ngoại viện gởi Tổng Thư ký Phủ Tổng thống nói rất rõ trường hợp này: “Riêng về phần pháp lý,… là một cơ quan tư, trường Đại học Đà Lạt có thể đứng ra vay tiền của Quốc gia Kiến ốc cục. Trên căn bản, cơ quan này khó lòng thỏa mãn đơn vay ấy được, vì trái với mục tiêu cho vay của cơ quan.

Có lẽ vì lẽ ấy nên Bộ Kiến thiết mới tình lên Tổng thống để ứng trước, vì là một ngoại lệ. Thủ tục này có phần đúng, nhưng về phương diện tài chánh, một khi Tổng thống cho phép, tức nhiên Chánh phủ đã mặc nhiên bảo đảm số nợ cho tư nhân, và như vậy ngân sách quốc gia bị buộc trả, nếu tư nhân không trả được. Trên nguyên tắc, sự đảm bảo như vậy khó lòng thực hiện được.

Tuy nhiên, nếu việc nâng đỡ trường Đại học Đà Lạt là cần thiết và được thượng cấp chấp nhận, Nha tôi tưởng có thể áp dụng thủ tục sau đây:

a. Để Hội đồng Quản trị của Quốc gia Kiến ốc cục quyết định về đơn vay của trường đại học; mặc dầu không đúng với mục tiêu của cơ quan, nhưng Hội đồng có thể xét được vì tánh cách của công tác;

b. Áp dụng Điều thứ 16 của Nghị định ngày 15-6-1951,… quyết định cho vay phải được Tổng thống chuẩn y để có hiệu lực thi hành;

c. Như vậy, số chi phí trên sẽ được ghi vào ngân sách của Kiến ốc cục”[168].

Và ngay ngày hôm sau (13-8-1958), bằng Nghị định số 281-KT/TKĐT, chính quyền Ngô Đình Diệm đã “cho phép Quốc gia Kiến ốc cục ứng trước cho trường Đại học Đà Lạt một số tiền là năm triệu đồng (5.000.000$00)” (Điều 1) và “trường Đại học Đà Lạt phải hoàn lại số tiền ứng trước cho Kiến ốc cục khi thâu được lợi tức kỳ Xổ số ‘Loại đặc biệt Trường Đại học Đà Lạt’ phát hành năm 1958” (Điều 3)[164].

Dù Ngô Đình Diệm và tay chân có xảo trá như thế nào chăng nữa thì dưới cái nhìn của tín đồ Phật giáo, trường Tư thục Đại học Đà Lạt vẫn được xây dựng bằng phương tiện và tài chính quốc gia, và sự phản ứng của họ được xem như là một điều đương nhiên. Về vấn đề này, báo Newsweek (New York) ra ngày 27-5-1963 cho biết: “Khi một Viện Đại học Thiên Chúa giáo được thiết lập tại thành phố miền sơn cước Đà Lạt, một công chức Phật tử đã than phiền rằng: Chúng tôi là tín đồ Phật giáo nên không thể được như thế”[165].

Do chính sách trên đây cùng với những đặc quyền mà chế độ Ngô Đình Diệm dành cho, khắp miền Nam, không một thành phố, thị xã nào không có ít nhất từ hai trường trung học Thiên Chúa giáo trở lên, có cả hệ thống trường nam lẫn trường nữ. Từ cuối những năm 50 của thế kỷ XX, ở địa bàn cấp huyện, nhiều nơi trường trung học công lập đệ nhất cấp[166] thì trường tư thục Thiên Chúa giáo đã được xây dựng. Hệ thống trường tư thục Thiên Chúa giáo ở miền Nam dưới chế độ Ngô Đình Diệm đã phát triển nhanh chóng. Avro Manhattan trong “Vietnam Why did We go?” cho chúng ta những con số nổi bật: “Từ năm 1953 đến năm 1963, Diệm đã xây dựng 145 trường cấp II và cấp III, riêng ở Sài Gòn có 30 trường với tổng số 62.324 học sinh.

Trong cùng thời gian, Giáo hội Thiên Chúa giáo ở miền Nam Việt Nam, từ chỗ chỉ có 3 trường cấp II và III trong năm 1953, đến năm 1963 đã lên tới 1.060 trường”[167] .

Điều cần lưu ý thêm là miền Nam dưới chế độ Ngô Đình Diệm có 3 viện đại học. Viện Đại học Sài Gòn và Viện Đại học Huế đều là công lập; Viện Đại học Đà Lạt là tư thục Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên, các viện trưởng đều là linh mục. Viện Đại học Sài Gòn: Linh mục Cao Văn Chiểu, Viện Đại học Huế: Linh mục Cao Văn Luận, Viện Đại học Thiên Chúa giáo Đà Lạt: Linh mục Nguyễn Văn Lập.

Ngoài ra, các tổ chức Thiên Chúa giáo tha hồ xuất bản báo chí, kinh sách; chương trình Thiên Chúa giáo có trên Đài Phát thanh,… Trong lúc đó Phật giáo bị o ép đủ điều, kinh sách của Phật giáo bị kiểm duyệt gắt gao, đến nỗi trong gần 10 năm trời dưới chế độ Ngô Đình Diệm, Phật giáo không dám ra một tờ báo có tính chất quần chúng.

* * *

Chính sách tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm trên tất cả các lĩnh vực tư tưởng - chính trị, kinh tế - xã hội và văn hóa - giáo dục đối với Phật giáo miền Nam như đã trình bày cho thấy chính quyền Ngô Đình Diệm có chính sách ưu đãi đối với Thiên Chúa giáo rất đậm nét, tạo mọi điều kiện thuận lợi, kể cả vật chất lẫn tinh thần cho Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam hoạt động và phát triển. Điều không thể chối cãi được là “bất chấp mọi điều kiện lịch sử và tâm lý dân tộc, Mỹ - Diệm đã có nhiều cố gắng theo hướng ‘Công giáo hóa’ nhân dân ta, biến Thiên Chúa giáo thành quốc giáo ở miền Nam”[169].

Chính thượng Nghị sĩ Mỹ Mansfield, người đã từng ủng hộ Ngô Đình Diệm một cách nhiệt thành, trong cuộc tiếp xúc với Cao Văn Luận ngay khi phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 vừa bùng nổ, cũng đã thừa nhận rằng: “Hiện nay chẳng những dư luận báo chí Mỹ mà phần lớn các nhân vật trong chính phủ Mỹ đều cho rằng chế độ ông Diệm là một chế độ độc tài, gia đình trị, Công giáo trị”[170].

Do đó, Thiên Chúa giáo ở miền Nam dưới chế độ Ngô Đình Diệm đã phát triển nhanh chóng về nhiều mặt. Từ khi truyền vào nước ta đầu thế kỷ XVI cho đến ngày 7-7-1954, ở miền Nam Giáo hội Thiên Chúa giáo chỉ có năm giáo phận: Huế, Quy Nhơn, Sài Gòn, Vĩnh Long, Cần Thơ. Nhưng chỉ 9 năm dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, miền Nam có thêm bốn giáo phận: Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên, Đà Nẵng. Số tín đồ Thiên Chúa giáo gia tăng nhanh hơn bất cứ thời gian nào trước đây, đặc biệt “ở miền Trung, hàng ngàn người, kể cả một số trường hợp tất cả làng đều cải đạo qua Thiên Chúa giáo để tránh sưu dịch của Chính phủ hoặc tránh đi di dân”[171]. Ký giả của tờ Informations Catholiques Internationales (Paris) số ra ngày 15-3-1963 cho biết: “Đức Tổng Giám mục Ngô Đình Thục đã nói ... rằng ở Việt Nam có nhiều làng đòi làm lễ rửa tội tập thể một lần tất cả dân chúng trong làng và Giáo hội không đủ sức cung cấp người dạy đạo cho họ”[172].

Trong “Catholicques et Bouddhistes au Vietnam”, linh mục Piero Gheddo đã đưa ra những số liệu cho thấy sự gia tăng mau chóng số người cải đạo qua Thiên Chúa giáo, nhất là từ năm 1957 đến năm 1963 dưới thời “Đệ nhất Cộng hòa”:

1957 - 1958: 54.770 người tân tòng

1958 - 1961: 74.859 người tân tòng

1961 - 1963: 53.115 người tân tòng

1963 - 1965: 24.659 người tân tòng

1965 - 1967: 11.372 người tân tòng[173].

Chính Cao Văn Luận đã có lần nói với Ngô Đình Diệm rằng: “Ai cũng thấy từ khi Cụ (chỉ Ngô Đình Diệm – LC chú thích) cầm quyền, thì nhà thờ mọc lên khắp nơi, các nhà thờ bị phá hủy trong chiến tranh đều được tái thiết gần hết, cả những nơi không có bao nhiêu giáo dân cũng có nhà thờ đồ sộ. Số người theo đạo mới cũng gia tăng mau chóng”[174].

Riêng Sài Gòn, trước năm 1954 chỉ có các nhà thờ: Đức Bà, Huyện sĩ, Tân Định, Ngã Sáu, Kỳ Đồng và Nhà thờ Chợ Lớn mà tín đồ phần đông là người Pháp gốc Việt và người Việt gốc Hoa. Sau ngày Ngô Đình Diệm lên cầm quyền, nhà thờ, tu viện thi nhau mọc lên, giáo dân sống tràn ngập cả vùng Phú Thọ, vùng lăng Cha Cả, ngã tư Bảy Hiền, ngã ba Ông Toại, vùng Hạnh Thông Tây, vùng Tân Châu Sa, ngã ba Chú Tá, vùng Tân Định, Gò Vấp; Khu Phạm Ngũ Lão gần Chợ Lớn – Sài Gòn có các cơ sở thương mại, kinh tế, báo chí, mà phần lớn đều nằm trong tay tín đồ Thiên Chúa giáo. Khu ngoại vi Sài Gòn – Chợ Lớn, mà nổi bật là dọc Quốc lộ 1 (Biên Hòa - Sài Gòn), Quốc lộ 20 (Đà Lạt - Sài Gòn),... nhà thờ mọc lên san sát, khách bàng quang có thể nghĩ rằng Sài Gòn và vùng phụ cận, đa số dân cư là giáo dân Thiên Chúa giáo.

Đoạn mô tả sau đây của Ellen J. Hammer trong cuốn: “A Death in November” cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về sự phát triển của Thiên Chúa giáo ở miền Nam thông qua chính sách kỳ thị Phật giáo của Ngô Đình Diệm: “Tín đồ Thiên Chúa giáo có vẻ đông hơn vì những cuộc rước kiệu trên đường phố vào những dịp lễ. Những ngày lễ của Thiên Chúa giáo được công khai kỷ niệm nhờ vị Tổng thống ngoan đạo, và trong những dịp lễ chính thức thường có nhiều linh mục tham dự. Những làng di cư được thiết lập dọc theo các quốc lộ giống hệt như các làng ngoài Bắc. Những ngọn tháp giáo đường nổi bật trên các cánh đồng lúa và chuông giáo đường rền vang khắp đồng quê”[175].

Vấn đề đặt ra là tại sao chính quyền Ngô Đình Diệm lại thi hành chính sách kỳ thị Phật giáo, độc tôn Thiên Chúa giáo ở một mức độ dữ dội như thế, ngay cả thực dân Pháp, trong suốt quá trình thống trị Việt Nam gần một thế kỷ cũng không thể sánh kịp?

Trước hết cần phải thấy rằng Ngô Đình Diệm và gia đình họ Ngô là tiêu biểu cho tầng lớp tư sản, đại địa chủ phản động đội lốt Thiên Chúa giáo, có nhiều nợ máu với nhân dân và mang nặng ý thức phục thù. Điều này thể hiện rõ trong bức thư của Ngô Đình Thục gởi Toàn quyền Jean Decoux ngày 21-8-1944 khi được biết hai em của mình (Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu - LC chú thích) đang bị thực dân Pháp truy tố. Với một thái độ tự hào”, Ngô Đình Thục viết: “Nếu hoạt động của hai em tôi được chứng tỏ là có hại cho quyền lợi của nước Pháp thì – với tư cách của một giám mục, của một người An Nam, và với tư cách là người con của một gia đình mà phụ thân tôi đã phục vụ nước Pháp ngay từ khi nước Pháp mới tới An Nam, và đã nhiều lần đưa mạng sống ra cho nước Pháp trong các cuộc hành quân mà cha tôi đã cầm đầu dưới quyền của Nguyễn Thân, chống lại các kẻ nổi loạn do Phan Đình Phùng chỉ huy, tại Nghệ An và Hà Tĩnh – tôi, tự đáy lòng không chấp nhận,… rằng các em tôi đã phản lại truyền thống của gia đình chúng tôi, một gia đình đã tự gắn liền với nước Pháp từ lúc ban đầu”[176].

Bản thân Ngô Đình Diệm, ngay từ những ngày đầu ngồi ghế quan trường thực dân, đã là một kẻ tay sai đắc lực, gây nhiều nợ máu với nhân dân. Vì vậy, mới 32 tuổi, Ngô Đình Diệm đã leo đến chức thượng thư. Vấn đề này, cụ Nguyễn Thi, Cựu Ủy viên kháng chiến tỉnh Ninh Thuận, đã cung cấp cho chúng ta một tư liệu thật sinh động: “Năm 1930, lúc phong trào Nghệ Tĩnh đang lên, thì Ngô Đình Diệm vào làm Quản đạo ở Ninh Thuận, ... Bắt được chúng tôi, hắn sai lính buộc một cánh tay treo ngược lên xà nhà, nói là cho đi tàu bay. Tra điện, kìm kẹp chưa đủ, tên khát máu này bày ra những lối tra tấn tinh vi hơn. Hắn đưa những dây lạt tre rất sắc bắt chúng tôi vuốt, đứt cả bàn tay, máu chảy ròng ròng. Hắn bắt chúng tôi ngồi trên ghế, dưới đốt nến cháy rừng rực, lửa nóng cả tim gan, đầu óc quay cuồng cho đến khi ngất xỉu mới thôi, ...

Trong số 500 chiến sĩ  cách mạng bị bắt giam, có bảy người bị tra tấn đến chết.

Nhờ tài làm chó săn đắc lực cho đế quốc như thế, nên chỉ một thời gian ngắn sau đó, hắn được thăng lên Tuần vũ Bình Thuận và đến năm 1933 thì leo lên chức thượng thư”[177].

Mặt khác, chế độ Ngô Đình Diệm là sản phẩm của chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ. Ngô Đình Diệm được Mỹ nuôi dưỡng qua bàn tay của trùm gián điệp Hồng y Spellman. Thông qua Spellman, Ngô Đình Diệm được Mỹ đưa về làm Thủ tướng “Quốc gia Việt Nam” rồi Tổng thống “Việt Nam Cộng hòa”. Nhà sử học Buttinger cho rằng: “Hồng y Spellman chắc chắn là người Mỹ đầu tiên đã nuôi ý tưởng về một Chánh phủ Việt Nam do tín đồ Thiên Chúa giáo Ngô Đình Diệm cầm đầu”[178]. Trên thực tế, “việc lựa chọn Diệm đã được thực hiện dưới sức ép nặng nề của Mỹ và bằng sự can thiệp của Hồng y Spellman”[179]. Vì vậy, sau khi lên cầm quyền ở miền Nam, Ngô Đình Diệm quyết tâm thực hiện vũ khí tôn giáo do chính Spellman đã trao cho. Tại hội nghị “Liên minh chống Cộng Á châu” họp tại Sài Gòn tháng 5-1957, Ngô Đình Diệm đã tuyên bố: “Chúng ta đừng quên vũ khí chân lý có sẵn trong kho tàng tôn giáo. Sử dụng vũ khí đó là mục tiêu của Liên minh chống Cộng châu Á”[180].

Hơn thế nữa, trong những năm 1950, dưới con mắt của các nhà chiến lược Mỹ thì “trong cuộc chiến đấu chống Cộng, việc dùng mọi khí giới và phương tiện vật chất là một lỗi lầm nặng. Càng tiến hành theo phương pháp này, cộng sản càng thắng. Phải kết hợp cho được mọi lực lượng chung quanh một lý tưởng cao siêu của tôn giáo”“sự nghiệp truyền đạo là thành lũy chống Cộng”, là “tiền đồn của chủ nghĩa tư bản”[181].

Từ chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm như đã trình bày ở trên, chúng ta rút ra một số nhận định chủ yếu sau đây:

- Một là, chính sách kỳ thị Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm đã được tiến hành một cách toàn diện và có hệ thống trên tất cả các lãnh vực, từ tư tưởng - chính trị, kinh tế - xã hội đến văn hóa - giáo dục. Nó được thực thi bằng nhiều biện pháp gian manh, tàn bạo; từ mua chuộc, dụ dỗ đến đàn áp, khủng bố một cách quyết liệt, kể cả việc bắn giết, thủ tiêu những người khác tôn giáo với họ Ngô. Đó là quá trình từ đầu đến cuối, thống nhất trong một chỉnh thể từ chủ thuyết nhân vị đến việc Ngô Đình Diệm cho ra đời Hiến pháp 1956, tiếp theo là ban hành chính sách “tố Cộng”; từ việc Ngô Đình Thục cho thành lập Trung tâm Huấn luyện Nhân vị Vĩnh Long đến việc nâng Nhà thờ La Vang (Quảng Trị) lên hàng “Vương cung Thánh đường”; từ việc trấn áp dữ dội đối với những người khác tôn giáo dưới bàn tay hung thủ Ngô Đình Cẩn đến “Quốc sách ấp chiến lược” mà Ngô Đình Nhu là kẻ chủ xướng, v.v… Tất cả các biện pháp này đan xen, hỗ trợ lẫn nhau nhằm thực hiện “ý chí” và quyết tâm “Thiên Chúa giáo hóa” miền Nam của chính quyền Ngô Đình Diệm. Điều này giải thích tại sao trong suốt chín năm thống trị miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn tiếp tục duy trì Dụ số 10 (8-10-1950), một Dụ đặt các tôn giáo vào phạm vi hiệp hội, trừ Thiên Chúa giáo. Do đó, một số lập luận cho rằng “cho đến năm 1962, có ít bằng chứng về sự ngược đãi đối với tín đồ Phật giáo, mặc dầu Diệm là một tín đồ Thiên Chúa giáo nhiệt thành và sự mong muốn của Nha là làm cho ‘chủ nghĩa Nhân vị’ trở thành triết học nhà nước”[182]; hoặc “biến cố Phật giáo là một biến cố giả tạo do những người chống đối Ngô Đình Diệm gây ra”[183] là hoàn toàn không có cơ sở đứng vững.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm được đẩy mạnh hơn từ cuối những năm 1950, khi mà các lực lượng đối lập (trừ lực lượng cách mạng) đã bị loại bỏ; và ngày càng trở nên ác liệt, nhất là từ đầu những năm 1960, khi mà Ngô Đình Diệm và tay chân cho rằng chế độ của chúng đã vững vàng, đủ thực lực để tiến hành chính sách “Thiên Chúa giáo hóa” miền Nam. Hơn thế nữa, từ đầu năm 1960, cách mạng miền Nam đã có bước phát triển nhảy vọt, từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công trực diện vào thành trì của “Việt Nam Cộng hòa”. Cụ thể, phong trào Đồng khởi khởi phát từ Bến Tre đầu năm 1960 sau đó từng bước lan rộng lan rộng ra  khắp miền Nam Việt Nam. Điều đó là căn nguyên việc chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức khủng bố, bắt ép những người khác tôn giáo, trước hết là tín đồ Phật giáo, cải đạo qua Thiên Chúa giáo, mà điển hình nhất là ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Don Luce và John Sommer trong “Vietnam: The Unheard Voices” đã có một cái nhìn rất chính xác về vấn đề này: “Khi những cuộc nổi dậy của những người cộng sản gia tăng, Diệm càng ngày trở nên hoảng sợ, ông càng tin tưởng vào những người mà ông có thể tin được - những người Thiên Chúa giáo”[184].

- Hai là, chính sách kỳ thị Phật giáo, độc tôn Thiên Chúa giáo của chế độ Ngô Đình Diệm tiến hành trong suốt chín năm thống trị miền Nam, xét trên thực tế là một cuộc tấn công quy mô, toàn diện vào Phật giáo miền Nam trên tất cả các lãnh vực tư tưởng - chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục. Xét về mục tiêu lâu dài, chính sách kỳ thị Phật giáo được chính quyền Ngô Đình Diệm xem như là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm đẩy lùi lực lượng cách mạng, đầy lùi kháng chiến, giữ chặt miền Nam trong quỹ đạo của chủ nghĩa thực dân mới.

Cần phải nói thêm rằng dưới “con mắt” của chính quyền Ngô Đình Diệm, việc thực hiện chính sách “Thiên Chúa giáo hóa” miền Nam, đối tượng cần phải nhắm đến trước tiên là Phật giáo, vì tín đồ Phật giáo chiếm đa số trong nhân dân miền Nam[185]. Trong thực tế lịch sử, Phật giáo Việt Nam đã có sự gắn bó chặt chẽ với vận mệnh dân tộc. Tăng Ni, Phật tử Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã tham gia tích cực trong những cuộc kháng chiến chống xâm lăng, những công cuộc phục hưng đất nước. Ngô Đình Diệm, kẻ dựa vào ngoại bang để nắm lấy quyền lực, đi ngược với quyền lợi dân tộc thì việc thực thi chính sách kỳ thị Phật giáo, độc tôn Thiên Chúa giáo là điều dễ hiểu.

- Ba là, chính sách kỳ thị Phật giáo, độc tôn Thiên Chúa giáo của chế độ Ngô Đình Diệm như đã trình bày, đã gây ra biết bao đau thương, khổ nhục, uất hận đối với nhân dân miền Nam, đối với những người khác tôn giáo với họ Ngô, nhất là đối với tín đồ Phật giáo. Do vậy, dưới chế độ Ngô Đình Diệm, mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp được biểu hiện qua “lăng kính” tôn giáo là hết rất đậm nét. Nỗi đau bất công do chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm gây nên chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những cuộc đấu tranh của Tăng Ni, tín đồ Phật giáo chống lại chế độ Ngô Đình Diệm trong suốt 9 năm (1954 - 1963)[186], đỉnh cao là phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963.

______________

CHÚ THÍCH

(1) Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, trước sự lớn mạnh của lực lượng cách mạng, Ngô Đình Nhu cùng với một số đồng sự như Bửu Dưỡng, Nguyễn Văn Thích, Lý Văn Lập quyết định chính trị hoá Giáo hội Thiên Chúa giáo, mà khởi đầu là cho ra đời chủ nghĩa nhân vị.

(2) Bùi Tuân, Xây dựng trên nhân vị, Nxb. Nhận thức, Huế, 1956, tr. 24.

(3) Bùi Tuân, Sđd., tr. 59.

(4) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập III, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1994, tr. 365.

(5) Dương Thành Mậu, Đường về nhân vị, Trung tâm Huấn luyện Nhân vị Vĩnh Long xuất bản, Sài Gòn, 1960, tr. 46.

(6) Thông điệp của Tổng thống Việt Nam Cộng hoà, ngày Song thất 1961, Đất nước tôi, số 15, tháng 10 & 11-1987, tr. 15.

(7) Công văn số 678-YT/VP ngày 9-1-1958 của Bộ trưởng Y tế gửi các bộ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu SC.01-HS.2412.

(8) Dương Thành Mậu, Sđd., tr. 77.

(9) Ngô Đình Nhu, Vài nhận xét về nguyên tắc xã hội của triết lý truyền thống Á Đông, Tạp chí Quê Hương, số 2, tháng 8-1959, tr. 11-12.

(10) Dương Thành Mậu, Sđd, tr. 46, 47.

(11) Công văn số 3525-B/BNV/VPTC ngày 23-6-1959 của Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ gởi ông Đổng lý Văn phòng Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, Ký hiệu tài liệu: SC.05-HS. 9284.

(12) Như ngày 28-10-1961, chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập tỉnh, thành hội cựu khoá sinh nhân vị tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế.

(13) Công văn số 173F/VP/NV ngày 22-6-1959 của Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Nhân vị Vĩnh Long gởi các Bộ trưởng: Điền thổ, Tư pháp, Tài chánh, Công chánh và Y tế, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, Ký hiệu tài liệu: SC.05-HS. 9284.

(14) Thông tư số 181/VPTUNV/TH ngày 23-11-1962 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nhân vị gởi Ban Chấp hành các tỉnh và thành hội, Chi cục Lưu trữ Thừa Thiên Huế, Ký hiệu tài liệu: 3.2.1. 255.1511

(15) Báo cáo hằng ngày số 5864/CSCA/TBI/M ngày 15-6-1957 của Giám đốc Cảnh sát Trung Nguyên Trung Phần gởi Đại biểu Chính phủ tại Trung Nguyên Trung Phần, Tổng Giám đốc Công an Cảnh sát Việt Nam Cộng hoà (Sài Gòn), Chi cục Lưu trữ Thừa Thiên Huế, Ký hiệu tài liệu: 02.02.87.

(16) Tạp chí Đại học, số 13, tháng 1-1960.

(17) Schecter Jerrold, The New Face of Buddha, John Weatherhill, Tokyo, 1967, tr. 186.

(18) Dương Thành Mậu, Sđd., tr. 46.

(19) Schecter Jerrold, Sđd., tr. 46.

(20) Công văn số 17096-YT/VP của Bộ Y tế gửi các bộ ngày 22-8-1958, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu SC. 01-HS.2421.

(21) Đỗ Thọ, Nhật ký Đỗ Thọ,  Nxb. Đồng Nai, Sài Gòn, 1970, tr. 61 - 62.

(22) Chu Bằng Lĩnh, Đảng Cần Lao, Nxb. Mẹ Việt Nam, San Diego, CA, USA, 1993, tr. 165.

(23) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập III, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1994, tr. 368

(24) Chu Bằng Lĩnh, Sđd., tr. 196.

(25) Như trường hợp Nguyễn Ngọc Thơ, Vũ Văn Mẫu,...

(26) Trần Văn Đôn, Our Endless War Inside Viet-Nam, Pressidio Press, San Rafaej, CA, USA, 1978, tr. 24.

(27) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu Đệ I CH-19.466.

(28)Thích Trí Quang, Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam, Tuần báo Hải triều Âm, số 12, ngày 9-7-1963, tr. 2.

(29) Bản sao, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh.

(30) Thạch Bình là một làng thuộc xã Quảng Phước cùng huyện, tỉnh xã Quảng Vinh. Hai xã này sát liền kề nhau. Quảng Phước nay thị trấn Sịa, huyện lỵ huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

(31) Xem cụ thể hơn ở lãnh vực “kinh tế - xã hội”.

(32) Thích Trí Quang,  Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam, Tuần báo Hải triều Âm, số 13, ngày 9-7-1963, tr. 2. 

(33) Cao Văn Lượng, tạp chí đã dẫn, tr. 2-11.

(34) South Vietnam: The Mandarins of Hue. Copy from Newsweek, May 27, 1963, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: TM-HS. 209, tr. 1-3.

(35) Tham khảo thêm: “Hồ sơ Phật giáo Việt Nam bị đàn áp trước 1963”, Chùa Việt Nam, 857-871 S. Berendo Street, Los Ankgeles, CA 90005, USA.

(36) Hồ sơ gửi Tổng thống và Quốc hội của Hội Phật giáo Trung Phần ngày 20-12-1962, Thư viện trường cao cấp Phật học Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn, 1968, tr. 41.

(37)Hồ sơ gửi Tổng thống và Quốc hội của Hội Phật giáo Trung Phần đã dẫn, tr. 49.

(38)Hồ sơ gửi Tổng thống và Quốc hội của Hội Phật giáo Trung Phần đã dẫn, tr. 45.

(39)Hồ sơ gửi Tổng thống và Quốc hội của Hội Phật giáo Trung Phần đã dẫn, tr. 12.

(40) Hồ sơ gửi Tổng thống và Quốc hội của Hội Phật giáo Trung Phần đã dẫn, tr. 17.

(41) Hồ sơ gửi Tổng thống và Quốc hội của Hội Phật giáo Trung Phần đã dẫn, tr. 16.

(42) Hồ sơ gửi Tổng thống và Quốc hội của Hội Phật giáo Trung Phần đã dẫn, tr. 18.

(43) Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu Đệ ICH-4930.

(44) Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu Đệ ICH-4457.

(45) Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu Đệ ICH-4938.

(46) Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu Đệ ICH-5395.

(47) Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu Đệ ICH-5395.

(48) Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu SC.05-HS. 10250.

(49) Nguyễn Chánh Thi, Việt Nam - Một trời tâm sự, Nxb. Anh Thư, Los Alamitos, CA, 1987, tr. 80.

(50) Chu Bằng Lĩnh, Sđd., tr. 128.

(51) Cao Văn Lượng, Âm mưu lợi dụng Giáo hội Thiên Chúa giáo để đàn áp phong trào cách mạng miền Nam của Mỹ - Diệm, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 48, tháng 3, 1963, tr. 2-11.

(52) Đỗ Đức Thái, Thảm họa Việt Nam (Chính trường và Chiến trường), Chicago, Nxb. Mùa Thu, Chicago, Illionois, 1985, tr. 108.

(53) Nguyễn Chánh Thi, Sđd., tr.  35.

(54) Cao Văn Lượng, Tạp chí đã dẫn, tr. 2-11.

(55) Thích Trí Quang, Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam, Tuần báo Hải Triều Âm, số 12, ngày 9-7-1964, tr. 2.

(56) South Vietnam: The Mandarins of Hue, Copy from Newsweek, May 27, 1963, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu TM-HS. 209, tr. 1-3.

(57) Thích Trí Quang, Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam, Tuần báo Hải Triều Âm, số 13, ngày 16-7-1964, tr. 2.

(58) Đỗ Mậu, Việt Nam máu lửa quê hương tôi (Hồi ký chính trị), Nxb. Văn nghệ, Westminster, CA, USA, 1993,  tr. 211.

(59)   Cao Văn Luận, Bên giòng lịch sử, Nxb. Trí Dũng, Sài Gòn, 1972, tr. 315.

(60) Avro Manhattan, Vietnam Why đi We go?, Chick Publications, P.O. Box 662, Chino, CA, USA, 1984, tr. 63.

(61) Nguyễn Văn Chức, sau này Chủ tịch Hạ Nghị Viện Việt Nam Cộng hoà.

(62) Thư của Nguyễn Văn Chức gởi Ngô Đình Diệm ngày 25 tháng 2 năm 1955, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: SC.25-PT 143/2056.

(63) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: Đệ ICH - 4926.

(64) Tổng kết thành tích đệ nhị chu niên của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, Sài Gòn, 1956, tr. 224.

(65) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: Đệ ICH - 4410.

(66) Thích Trí Quang, Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam, Tuần báo Hải Triều âm, số 14, ngày 23-7-1964, tr. 2.

(67) Đỗ Mậu, Việt Nam máu lửa quê hương tôi (Hồi ký chính trị), Nxb. Văn Nghệ, Westminster, CA, USA, 1993, tr. 145.

(68) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: Đệ ICH - 4423.

(69) Thích Trí Quang, Tuần báo đã dẫn, tr. 2.

(70) Nguyễn Quốc Tuyển, Một cuộc đấu tranh giành thắng lợi dưới chế độ Ngô Đình Diệm, Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1967, tr. 10.

(71) Nguyễn Quốc Tuyển,  Sđd., tr. 20.

(72) Vào thời đó, lương tháng của giáo viên tiểu học tốt nghiệp Giáo học Bổ túc là 2.800 đồng.

(73) Nguyễn Quốc Tuyển,  Sđd., tr. 28.

(74) Donald Lancaster, The Emancipation of French Indochina, Octagon Book, New York, 1974, tr. 345-346. tr. 345-346.

(75) Thích Trí Quang, Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam, Tuần báo Hải Triều Âm, số 13, ngày 16-7-1964, tr. 2.

(76) Một loại giấy tùy thân như Căn cước Công dân bây giờ.

(77) Thích Trí Quang, Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam, Tuần báo Hải Triều Âm, số 14, ngày 23-7-1964, tr. 2.

(78) Hồ sơ gởi Tổng Thống và Quốc hội của Hội Phật giáo Trung phần ngày 20-2-1962 (bản đánh máy), Thư viện Trường cao cấp Phật học TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn, 1968, tr. 37.

(79) Hồ sơ đã dẫn, tr. 38.

(80) Hồ sơ Phật giáo Việt Nam bị đàn áp trước 1963, Chùa Việt Nam, đã dẫn, tr. 59.

(81) Hồ sơ Phật giáo Việt Nam bị đàn áp trước 1963, Chùa Việt Nam, đã dẫn, tr. 45.

(82) Hồ sơ Phật giáo Việt Nam bị đàn áp trước 1963, Chùa Việt Nam, đã dẫn, tr. 54.

(83) Thích Trí Quang, Tuần báo Hải Triều Âm, số 13, ngày 16-7-1964, tr. 2

(84) Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: SC. 13-HS. 1133.

(85) Công báo Việt Nam Cộng hòa, ngày 6-7-1960, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: KS. 402.

(86) Công báo Việt Nam Cộng hòa, ngày 6-7-1960 đã dẫn, Ký hiệu tài liệu: KS. 402.

(87) Công báo Việt Nam Cộng hòa, ngày 27-8-1963, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: J. 425.

(88) Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, SC, 13-HS. 8607.

(89) Công báo Việt Nam Cộng hòa, ngày 27-8-1963, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, J. 425.

(90) Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: SC.07-HS.14263.

(91) Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: SC. 04-HS. 7808.

(92) Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: SC. 04-HS. 7808.

(93) Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: SC. 04-HS. 7808.

(94) Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: SC. 04-HS. 7808.

(95) Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: SC. 05-HS. 9425.

(96) Phiếu trình của Tổng Thư ký Phủ Tổng thống ngày 13-11-1962. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu: ĐICH-14998.

(97) Chi cục Văn thư Lưu trữ Thừa Thiên Huế.

(98) Chi cục Văn thư Lưu trữ Thừa Thiên Huế.  

(99) Luật lệ Cải cách điền địa tại Việt Nam (không ghi nơi và năm xuất bản).

(100) Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: SC. 11-HS. 3140.

(101) Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: SC. 01-HS. 3140  

(102) Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: SC. 04-HS. 8352.

(103) Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: SC. 11-HC.178L.

(104) Nguyệt Đạm và Thần Phong, Chín năm máu lửa dưới chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1964, tr. 227.

(105) Nguyệt Đạm và Thần Phong, Sđd., tr. 289.

(106) Nguyệt Đạm và Thần Phong, Sđd., tr. 300.

(107)  Nguyệt Đạm và Thần Phong, Sđd., tr. 302-303.

(108) Chu Bằng Lĩnh, Đảng Cần Lao, Nxb. Mẹ Việt Nam, San Diego, CA, USA, 1993, tr. 133.

(109) Do vấp phải phản ứng của các tầng lớp xã hội, ngày 22-3-1962, chính quyền Ngô Đình Diệm ra Nghị định số 166/BNV/KS, số ngày cấm bán thịt heo trong tuần giảm xuống còn hai ngày: Thứ Sáu và Chủ nhật.    

(110) Công báo Việt Nam Cộng hòa, ngày 6-11-1961, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II. J. 412.

(111) Don Luce và John Sommer, Vietnam - The Unheard voices, Cornell University Press, Ithaca, USA, 1969, tr. 114.

(112) Frances Fitzérald, Fire in The Lake, An Atantic Monthly Press Book, Boston, USA, 1972, tr. 104.

(113) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu SC.01-HS .1983.

(114) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu: PTT 100.

(115) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: ĐICH-5425.

(116) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: J.391.

(117) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: ĐICH-5425.

(118) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: ĐICH-5425.

(119) Văn thư số 124 ngày 1-8-1963 của Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo kính gởi ông Frédérick E. Nolting, Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn, Hồ sơ lưu tại chùa Từ Đàm - Huế.

(120) Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua - Việc từng ngày (1945-1964), Nxb. Nam Chi Tùng thư, Sài Gòn, 1966, tr. 247.

(121) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập 3, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1994, tr. 383.

(122) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu SC.01-HS.1946.

(123) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu SC.01-HS.1946.

(124) Đỗ Mậu, Tâm sự tướng lưu vong (Hồi ký),  Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội, 1991, tr. 403.

(125) Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua, việc từng ngày (1945-1964), Nxb. Nam Chi Tùng Thư, Sài Gòn, 1966, tr. 303.

(126) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập 3, Nxb Văn học, Hà Nội, 1994, tr. 384.

(127) Nguyễn Lang, Sđd., tr. 384.

(128) Quân khu II, Bộ Tham mưu - Phòng III, Công văn số 0258 ngày 4-2-1961, Trích yếu V/v đón tiếp Đức Tổng Giám mục Địa phận Huế, Chi cục Lưu trữ Thừa Thiên Huế.

(129) Đỗ Thọ, Nhật ký Đỗ Thọ, Nxb. Đồng Nai, Sài Gòn, 1970, tr. 59.

(130) Cao Văn Luận, Bên giòng lịch sử, Nxb. Trí Dũng, Sài Gòn, 1972, tr. 306.

(131) Cao Văn Luận, Sđd., tr. 307.

(132) Cao Văn Luận, Sđd., tr. 308.

(133) Thích Trí Quang, Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam, Tuần báo Hải Triều Âm, số 9, ngày 18-6-1964, tr. 2.

(134) Tháng 4-2005, tác giả đã cuộc trao đổi trực tiếp nhân chứng Trần Kim Phú tại chùa Từ Tôn, TP. Biên Hòa. Nhân chứng khẳng định việc bị bắt cóc, trùm bao bố của mật vụ Ngô Đình Diệm là đúng, nhưng vào tháng 2-1960, chứ không phải là tháng 2-1962.

(135) Hồ sơ gởi Tổng Thống và Quốc hội đã dẫn,  tr. 1.

(136) Thích Trí Quang, Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam, Tuần báo Hải Triều Âm, số 17, ngày 19-8-1964, tr. 2. 

(137) Công điện (tối mật) của Phủ Tổng thống gởi Tỉnh trưởng Khánh Hòa ngày 16-5-1960, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh, Ký hiệu tài liệu: ĐICH/22430.

(138) Mật điện đến của Tỉnh trưởng Khánh Hòa gởi Phủ Tổng thống ngày 17-5-1960, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh, Ký hiệu tài liệu: ĐICH/22430. .

(139) Thích Trí Quang, Tuần báo Hải Triều Âm, số 17 đã dẫn, tr. 2.

(140) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu SC.04-HS.8356.

(141) V. Xuyên, Những tội… tức cười, Nguyệt san Liên Hoa, số 1, Huế, 1964, tr. 27-28.

(142) Thích Trí Quang, Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam, Tuần báo Hải Triều Âm, số 13, ngày 16-7-1964, tr. 2.

(143) Thích Trí Quang, Tuần báo Hải Triều Âm, số 13 đã dẫn, tr. 2.

(144) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu ĐệICH - 554.

(145) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu ĐệICH - 554.

(146) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh. Ký hiệu tài liệu: ĐICH/17627.

(147) Phiếu trình ông Cố vấn của Tổng Thư ký Phủ Tổng thống ngày 4-8-1961, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh. Ký hiệu tài liệu: ĐICH/17627.  

(148) Phiếu trình đệ Tổng thống của Tổng Thư ký Tổng thống Phủ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh. Ký hiệu tài liệu: ĐICH/17627

(149) Công văn số 87-THPG/HC của Hòa thượng Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam gởi Tổng Thư ký Bộ Ngoại giáo (Sài Gòn) ngày 28-6-1961, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh. Ký hiệu tài liệu: ĐICH/17627.

(150) Thanh Lãng, Văn chương bình dân, Nxb. Phong trào Văn hóa, Hà Nội, 1954, tr. 225-226.

(151) Bùi Tuân, Xây dựng trên Nhân vị, Nxb Nhận thức, Huế, 1956, tr.39

(152) Đoàn Thêm, Sđd, tr. 239.  

(153) Nguyễn Văn Trung, Chính trị hóa giáo dục, Bách khoa, số 175, ngày 15-4-1964, tr. 40.

(154) Bây giờ là lớp 12.

(155) Nguyễn Văn Trung , Tạp chí đã dẫn, tr. 40.  

(156) Dương Kinh Thành, Ngọn lửa Bồ tát Quảng Đức soi sáng nhiều góc độ, Kỷ yếu Hội thảo “Bồ tát Thích Quảng Đức vị Pháp thiêu thân”, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, ngày 29-5-2005, tr. 253.

(157) Don Luce và John Sommer, Vietnam – The Unheard Voices, Cornell University Press, Ithaca, USA, 1969. tr. 111.

(158) Phỏng vấn đạo hữu Tâm Chính và Tâm Phò ngày 15-5-1993 tại Đông Hà, Quảng Trị. 

(159) Đỗ Mậu, Tâm sự tướng lưu vong (Hồi ký), Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội, 1991, tr. 398.

(160) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: SC.25-PT.241.1412. .

(161) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu SC.O3-HS.23.993.

(162) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu SC.13-HS.23.773

(163) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: SC.13-HS.23.993.

(164) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu SC.13-HS.23.773

(165) South Vietnam: The Mandarin of Hue, Copy from Newsweek, May 27, 1963, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu TM-HS.209, tr.1-3.

(166) Nay là trường phổ thông cơ sở (cấp II).

(167) Avro Manhattan, Vietnam why did we go? Chick Publications, Chinese, CA, USA, 1984, tr.85

(168) Bài “Triết lý hành động trong Phật giáo” của Lê Xuân Khoa, viết hồi tháng 6-1963... Mặc dầu nội dung của bài chỉ dề cập đến vấn đề dưới khía cạnh triết học và lịch sử, Nha Thông tin và Báo chí ngày ấy vẫn hai lần kiểm duyệt bỏ ... (Trích lời Toà soạn, Tạp chí Bách Khoa, số 177, ngày 15-5-1964).

(169) Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Sử học, Lịch sử Việt Nam (1954-1965), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995, tr. 174.

(170) Cao Văn Luận, Sđd., tr. 324.

(171) Fitzgerald Francess, Fire in the Lake, An Atlantic Monthly Press Book, Boston, USA, 1972, tr.104.

(172) Nguyễn Lang, Sđd., tr. 393.

(173) Vũ Văn Mẫu, Sáu tháng Pháp nạn 1963, Giao Điểm, USA, 2003, tr. 55..

(174) Cao Văn Luận, Sđd., tr. 318.

(175) Ellen J Hammer, A Death in November (American in Vietnam in 1963), E.p Dutton, New York, USA, 1989, tr.106.

(176) Lê Trọng Văn, Những bí ẩn lịch sử dưới chế độ Ngô Đình Diệm, Nxb. Mẹ Việt Nam, San Diego, CA, USA, 1989, tr. 23-24.

(177) Trần Văn Giàu, Miền Nam giữ vững thành đồng, Tập 1, Nxb Khoa học, Hà Nội, 1964, tr. 36.

(178) Joseph Buttinger, Vietnam: A Political History, Frédérick A. Praeger, Inc. Publisher, New York, USA, 1968, tr. 385.

(179) Buttinger Joseph, Sđd, tr. 386.

(180) Cao Văn Lượng, Âm mưu lợi dụng Giáo hội Thiên Chúa giáo để đàn áp phong trào cách mạng miền Nam của Mỹ - Diệm, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 48, tháng 3, 1963, tr. 2-11.

(181) Cao Văn Lượng, Tạp chí đã dẫn, tr. 2-11.

(182) R. D. Smith,  An International History of Vietnam War (Vol II), Street Martin Press, New York, USA, 1987, tr. 149..

(183) Nguyễn Trân, Công và tội, Những sự thực lịch sử, Nxb. Xuân Thu, Los Alamitos, CA, USA, 1992, tr. 416.

(184) Don Luce  & John Sommer. Vietnam - The Unheard Voices. Cornell University Press, Ithaca, USA, 1969, tr. 114.

(185) Trong Diễn từ đọc trước lúc tuyệt thực ngày 1-6-1963¸ Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Lãnh đạo Tối cao Uỷ ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, nhắc lại lời Ngô Đình Diệm: “Trong một tài liệu chính thức cho cho công chức học tập, Tổng thống đã tuyên bố 80% dân tộc là Phật giáo ...” (Lê Cung, Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam, in lần thứ tư, Nxb. Thuận Hoá, Huế, 2008, tr. 193).

(186) Trong đó kể cả cuộc đảo chính hụt ngày 11-11-1960 do Đại tá Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh Lữ đoàn dù và vụ ném bom Dinh Độc Lập ngày 27-2-1962 do hai phi công trong Quân đội Sài Gòn là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc.

 

Nguồn: tác giả gửi cho trang SH

Các bài cùng tác giả


 ▪ Chính Sách Tôn Giáo Của Chính Quyền Ngô Đình Diệm - Lê Cung

Lời đầu: Chính Sách Của Chính Quyền Ngô Đình Diệm Đối Với Phật Giáo Miền Nam Trên Lãnh Vực Tư Tưởng Chí - Lê Cung

Chính Sách Tôn Giáo Của Chính Quyền Ngô Đình Diệm - Lê Cung

Chính Sách Của Chính Quyền Ngô Đình Diệm Đối Với Phật Giáo Miền Nam - Phần I - Về kinh tế - xã hội - Lê Cung

Nhận Thức Lịch Sử Cần Được Khẳng Định Về Linh Mục Dòng Tên Alexandre De Rhodes - GS Lê Cung

Mưu Đồ Chính Trị Của Alexandre De Rhodes và Vấn Đề Chữ Quốc Ngữ - Hoàng Văn Lân & Đặng Huy Vận

Người Quảng Bình, Thử Nhìn Từ Phía Phản Diện (Đỗ Mậu, Nhìn Từ Góc Độ Văn Hóa) - GS Lê Cung

Mưu Đồ Chính Trị Của Alexandre De Rhodes và Vấn Đề Chữ Quốc Ngữ - Hoàng Văn Lân & Đặng Huy Vận

Qua “Thiên Hạ Đại Thế Luận”, Luận Về Lập Trường Chính Trị Của Nguyễn Trường Tộ - Lê Cung

Hội An Nam Phật Học Và Vị Trí Của Huế Trong Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo Ở Việt Nam Thế Kỷ XX - Lê Cung

Chính Sách Của Mỹ Đối Với Chính Quyền Ngô Đình Diệm và Phong Trào Phật Giáo Miền Nam 1963 - Lê Cung

Phật Giáo Với Sự Nghiệp Của Các Chúa Nguyễn Ở Đàng Trong (1558 - 1777) - Lê Cung

Bàn Về “Cuộc Cách Mạng Tư Sản Pháp (1789 – 1799)” Trong Dạy – Học Ở Bậc Đại Học Và Cao Đẳng - Lê Cung

Tinh Thần Đại Sư Khuông Việt Trong Phong Trào Phật Giáo Miền Nam Việt Nam Năm 1963 - Lê Cung

Chính Sách Nội Trị Và Ngoại Giao Của Nhà Tiền Lê Qua Thi Pháp Của Thiền Sư Đỗ Pháp Thuận - GS Lê Cung

Những Tiền Đề Xác Lập Vai Trò Phật Giáo Trong Việc Hình Thành Vương Triều Lý Vào Đầu Thế Kỷ XI - GS Lê Cung

PHONG TRÀO PHẬT GIÁO Ở KHÁNH HOÀ NĂM 1963 - GS Lê Cung & Nguyễn Trung Triều

Cuộc Tự Thiêu Vì Hoà Bình Của Đại Đức Thích Viên Đạo Ngày 17-10-1973 - GS Lê Cung

Bàn Thêm Về Sự Nghiệp Phật Hoàng Trần Nhân Tông - GS Lê Cung

Chính Sách Của Chính Quyền Ngô Đình Diệm Đối Với Phật Giáo Miền Nam Việt Nam (1954 - 1963) - GS Lê Cung

Huế - Nơi Mở Đầu Cuộc Vận Động Của Phật Giáo Việt Nam Năm 1963 - GS Lê Cung

Khát Vọng Giải Phóng “Những Người Cùng Khổ” - Nét Lớn Trong Sự Gặp Gỡ Giữa Tư Tưởng Hồ Chí Minh Và Tư - GS Lê Cung

PHẬT HỌC VIỆN HẢI ĐỨC NHA TRANG VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG CỦA PHẬT GIÁO MIỀN NAM NĂM 1963 - GS Lê Cung* & Nguyễn Trung Triều**

PHONG TRÀO ĐÔ THỊ NHA TRANG NHỮNG NĂM 1964-1965 - GS Lê Cung & Nguyễn Trung Triều

Sinh Viên, Học Sinh Các Đô Thị Miền Nam Trong Phong Trào Phật Giáo Năm 1963 - GS Lê Cung

Để Tuổi Trẻ Việt Nam Đến Với Phật Giáo Trong Thời Hội Nhập - GS Lê Cung

Vai Trò Quần Chúng Nhân Dân Trong Cuộc Vận Động Của Phật Giáo Việt Nam Năm 1963 - GS Lê Cung


▪ ▪

Trang Thời Sự