Phán quyết sau cùng
Chất béo không ảnh hưởng đến ung thư và bệnh tim


nguồn http://chuyenluan.net với sự đồng ý của tác giả
Nguyễn Văn Tuấn

 

 


Những bài cùng tác giả:


Bàn về nguồn gốc con người hiện đại (Nguyễn văn Tuấn)
Bưởi không gây ung thư vú (Nguyễn văn Tuấn)
Bảo tồn môi sinh (Nguyễn văn Tuấn)
Chất béo không ảnh hưởng.. (Nguyễn văn Tuấn)
Giải Nobel Y học (Nguyễn văn Tuấn)
Giải Nobel Y học: GS Mario R. Capecchi (Nguyễn văn Tuấn)
Học vị tiến sĩ và học hàm ở các đại học Úc và Mĩ (Nguyễn văn Tuấn)
Nhân năm Tý bàn chuyện  (Nguyễn văn Tuấn)
Những ngộ nhận về học vị tiến sĩ tại VN (Nguyễn Văn Tuấn)
Quản lí dự án nghiên cứu khoa học (Nguyễn văn Tuấn)
Vấn đề tác giả một bài báo khoa học (Nguyễn văn Tuấn)

 

Gửi bài này cho bạn bè 01 tháng 11, 2007


Tập san JAMA mới công bố 3 báo cáo khoa học liên quan đến ảnh hưởng của chất béo trong thực phẩm và ung thư vú, ung thư ruột, và bệnh tim. Phân tích số liệu từ công trình nghiên cứu Women’s Health Initiative (WHI), các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng giảm lượng chất béo trong thức ăn không có ảnh hưởng đến nguy cơ bị ung thư vú và ung thư ruột, cũng chẳng làm giảm nguy cơ bị bệnh tim, và không kéo dài tuổi thọ. Vì qui mô của công trình nghiên cứu, các kết quả này được xem là “phán quyết sau cùng” về mối liên hệ giữa chất béo và ung thư cũng như bệnh tim.

Chất béo và kĩ nghệ tiết thực

Câu chuyện về mối liên hệ giữa chất béo và sức khỏe bắt đầu từ hơn 50 năm về trước. Trước thế chiến thứ II, các chuyên gia dinh dưỡng rất quan tâm đến tình trạng thiếu dinh dưỡng và suy dinh dưỡng trong người Mĩ. Lúc đó, ăn nhiều chất béo không phải là một cái tội, mà có khi còn được khuyến khích. Thế nhưng sau thế chiến thứ II, các nhà khoa học thấy đàn ông trung niên Mĩ bắt đầu chết như sung rụng. Đến năm 1952, các nhà khoa học nghi ngờ rằng chất béo trong thực phẩm là một thủ phạm làm cho đàn ông Mĩ chết sớm. Năm 1961, công trình nghiên cứu nổi tiếng Framingham công bố kết quả cho thấy một mối liên quan giữa cholesterol và bệnh tim.

Khởi đầu từ thập niên 1950s thế kỉ trước, một số nghiên cứu trên chuột cho thấy khá nhất quán rằng khi chuột được cho ăn thức ăn có nhiều chất béo thường dễ bị ung thư hơn chuột ăn ít chất béo. Lúc đó ít ai để ý đến những quan sát này, nhưng đến thập niên 1970s khi có nhiều nghiên cứu dịch tễ học phát hiện tỉ lệ ung thư vú, ruột, da, v.v… thường cao hơn ở các quần thể và quốc gia mà chất béo được tiêu thụ nhiều hơn các quần thể ít ăn chất béo. Ở Nhật, các nhà nghiên cứu ghi nhận tỉ lệ ung thư đường ruột và ung thư vú gia tăng một cách nhanh chóng sau khi người Nhật gia tăng tiêu thụ chất béo. Tương tự, người gốc châu Á khi di dân sang các nước đã phát triển như Mĩ và Âu châu cũng có tỉ lệ bị ung thư cao hơn người bản xứ Á châu.

Tuy nhiên một số nghiên cứu dịch tễ khác cho thấy nguy cơ bị ung thư có thể còn tùy thuộc vào loại chất béo. Một nghiên cứu ở Thụy Điển trên 61,471 phụ nữ trong độ tuổi 40 đến 76, và phát hiện rằng các loại chất béo monounsaturated (tức chất béo không bão hòa ở dạng đơn phân), như dầu olive và dầu canola có xu hướng giảm nguy cơ ung thư vú; nhưng các loại chất béo như polyunsatured (chất béo không bão hòa ở dạng đa phân) như omega-6 fatty acids thường thấy trong dầu ăn làm từ rau cải có xu hướng gia tăng nguy cơ ung thư vú. Còn các loại chất béo saturated thường thấy trong thịt bò thì không có ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú.

Đến thập niên 1970s của thế kỉ trước, giới y học nhất trí cho rằng (hay nói đúng hơn là “tin rằng”) chất béo trong thực phẩm là một yếu tố gây nên ung thư, làm tăng bệnh tim và làm cho người ta chết yểu. Một giả thuyết về mối liên hệ giữa chất béo, ung thư và bệnh tim được đề suất như sau: chất béo làm tăng cholesterol (mỡ trong máu); cholesterol làm nghẽn động mạch và hậu quả là bệnh đau tim (cụ thể là bệnh xơ vữa động mạch); chất béo cũng làm tăng nguy cơ ung thư (nhất là ung thư vú và ung thư ruột); bệnh tim và ung thư làm cho người ta chết yểu. Do đó, nhiều chất béo trong cơ thể làm cho người ta chết sớm. Giả thuyết này có thể được tóm gọn như sau:

Chất béo ® cholesterol ® đau tim / ung thư ® chết sớm.

Gần 40 năm qua, công chúng đã quá quen với cái mệnh đề trên mà giới ‎y học, chính phủ, truyền thông không ngớt phát biểu như một tín lí tôn giáo. Từ đó, giới chức y tế Mĩ khuyên dân chúng nên giảm tiêu thụ chất béo sao cho dưới 30% trong tổng số calories. Và lời khuyên đó coi như là một chân lí khoa học.

Cái “tín lí” đó cho ra đời mộ kĩ nghệ khổng lồ: kĩ nghệ tiết thực (diet industry). Các công ti dược đa quốc gia phát triển thuốc chống béo, giảm cholesterol. Các hãng thực phẩm tung ra những sản phẩm có những nhãn hiệu đại loại như “low-fat diet”. Công ti nước ngọt Coca-cola và Pepsi có lẽ là những công ti đi đầu và thành công trong kĩ nghệ này, đến nổi “diet Pepsi” đã trở thành một cái tên mang tính gia đình. Các trung tâm thể dục cũng đua nhau mọc lên như nấm, với một mục tiêu: giảm béo, giảm cân. Và họ đã thành công ngoạn mục. Ngày nay chỉ tính riêng ở Mĩ thuốc Lipitor là thuốc bán chạy nhất và đem lại món lời lớn nhất (khoảng 10 tỉ USD) cho các công ti dược. Số người Mĩ sử dụng thuốc này cao đến nổi có người kêu lên Mĩ là một quốc gia Lipitor!

Công trình nghiên cứu WHI

Tôi vừa nói các lời khuyến cáo trên được xem như là một tín lí tôn giáo, bởi vì trong thực tế chúng ta chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục để làm cơ sở cho lời khuyến cáo trên. Chưa có bằng chứng là bởi vì chưa ai tiến hành một nghiên cứu qui mô, có hệ thống để thử nghiệm giả thuyết chất béo – tử vong. May mắn thay, mới đây, chính phủ Mĩ đã quyết định tài trợ 415 triệu Mĩ kim để tiến hành một nghiên cứu như thế. Công trình nghiên cứu này có tên là Women’s Health Initiative (WHI).

Khởi đầu từ năm 1992, các nhà nghiên cứu WHI theo dõi 48.835 phụ nữ sau thời kì mãn kinh, tuổi từ 50 đến 79. Đa số phụ nữ là người da trắng (chiếm 82% tổng số), và một thiểu số là người da đen (11%), người Mễ (4%), và Á châu (2%). Gần 38% các phụ nữ có body mass index (BMI) cao hơn 30 kg/m2, tức béo phì. Gần ba phần tư (74%) phụ nữ có BMI cao hơn 25 kg/m2, tức quá cân và béo phì (1-3).

Để thử nghiệm giả thuyết về chất béo và bệnh tim và ung thư, họ ngẫu nhiên chia phụ nữ thành 2 nhóm: Nhóm 1 gồm 19.541 người (tức khoảng 40% của tổng số) được hướng dẫn cách thức ăn uống sao cho lượng chất béo chỉ trên dưới 20% tổng số calories; nhóm 2 là nhóm đối chứng (control group) gồm 29.294 người thì vẫn ăn uống như thường lệ, không thay đổi gì cả. Suốt từ 1992 đến 2005, các nhà nghiên cứu ghi nhận số phụ nữ bị ung thư vú, ung thư ruột, bệnh tim, và tử vong. Sau 15 năm theo dõi (trung bình là 8 năm), họ phân tích và so sánh mức độ khác biệt về tỉ lệ mắc bệnh giữa hai nhóm.

Khi bắt đầu, tỉ lệ lượng chất béo trên tổng số calorie ngang nhau: nhóm 1 có tỉ lệ 38%, nhóm 2 cũng 38%. Đến năm thứ hai và các năm sau đó, tỉ lệ chất béo trong nhóm 1 giảm xuống còn 24%, trong khi đó nhóm 2 thì vẫn ở độ 35%. Như vậy, việc can thiệp giảm chất béo có hiệu lực. Phát hiện chính của công trình nghiên cứu có thể tóm lược bằng biểu đồ và bảng thống kê dưới đây:

  • Sau 8 năm (trung bình) theo dõi nhóm ăn uống chất béo thấp có 655 phụ nữ bị ung thư vú (tương đương với 0.42% mỗi năm), còn nhóm đối chứng có 1072 phụ nữ bị ung thư vú, với tỉ lệ hàng năm là 0.45%. Tuy nhiên qua phân tích thống kê, mức độ khác biệt này (0.42% và 0.45%) không có ý nghĩa thống kê.

  • Đối với ung thư ruột, tỉ lệ mắc bệnh trong nhóm ăn uống chất béo thấp là 0.13% mỗi năm, cao hơn nhóm đối chứng là 0.12% mỗi năm, nhưng mức độ khác biệt này cũng không có ý nghĩa thống kê;

  • Tính gộp chung, qua 8 năm theo dõi, nhóm được can thiệp (ăn uống chất béo thấp) ghi nhận 1357 hay 0.86% phụ nữ mắc bệnh tim (kể cả các bệnh đột quị, tim mạch, xơ vữa động mạch), trong khi nhóm đối chứng có 2088 hay 0.88% mắc những bệnh tim trên. Mức độ khác biệt quá nhỏ, nên cũng không có ý nghĩa thống kê;

  • Tính Tỉ lệ tử vong trong nhóm can thiệp là 0.60% mỗi năm, thấp hơn khoảng 0.01% so với nhóm đối chứng, nhưng mức độ khác biệt cũng không có ý nghĩa thống kê.

    Các nhà nghiên cứu còn phân tích thêm về mối liên hệ giữa chất béo monounsaturated và polyunsatured và các bệnh trên, nhưng không phát hiện một mối liên hệ nào.

    Một điều khá trớ trêu là khi phân tích theo lượng chất béo và ung thư vú thì trong nhóm có lượng chất béo cao hơn 35% (tổng số calorie), nhóm can thiệp có tỉ lệ ung thư vú thấp hơn nhóm đối chứng (tỉ số nguy cơ = 0.78; 95%CI: 0.64 – 0.95)! Cũng qua phân tích này, những phụ nữ ăn trái cây rau quả nhiều có xu hướng bị ung thư vú cao hơn nhóm đối chứng (tỉ số nguy cơ: 1.08; 95%CI: 0.9 – 1.29)! Ăn uống nhiều chất béo bảo vệ chống ung thư vú? Ăn uống nhiều trái cây rau quả làm tăng nguy cơ bị ung thư vú? Không ai trong giới y khoa có can đảm trả lời “yes” hai câu hỏi này, cho dù số liệu thực nghiệm cho thấy như thế.

    Nói tóm lại, không có một khác biệt nào về nguy cơ bị ung thư, bệnh tim, hay tử vong giữa nhóm. Nói cách khác, can thiệp ăn uống chất béo thấp không có hiệu quả giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư ruột, xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, hay tử vong nói chung.

    Biểu đồ tóm lược kết quả công trình nghiên cứu của WHI 

    Các biểu đồ thể hiện nguy cơ tích lũy (cumulative hazard) mắc bệnh ung thư vú (biểu đổ bên trái), ung thư ruột (biểu đồ giữa) và bệnh tim (biểu đồ bên phải) theo thời gian theo dõi tính bằng năm (trục hoành). Đường biểu đồ màu xanh là nhóm sử dụng thực phẩm có lượng chất béo thấp (low-fat diet); đường biểu đồ màu xám là nhóm sử dụng thực phẩm có lượng chất béo bình thường (usual diet). Biểu đồ cho thấy không có sự khác biệt nào đáng kể giữa hai nhóm.

     

    Bảng thống kê tóm tắt kết quả nghiên cứu

     

    Bệnh

    Nhóm 1 (chế độ ăn uống ít chất béo)a

    Nhóm 2 (chế độ ăn uống bình thường)a

    Tỉ số nguy cơ (và 95% giới hạn)b

    Ung thư vú

    655 (0.42)

    1072 (0.45)

    0.91 (0.83 – 1.01)

    Ung thư ruột

    201 (0.13)

    279 (0.12)

    1.08 (0.90 – 1.29)

    Tất cả ung thư

    1946 (1.23)

    3040 (1.28)

    0.96 (0.91 – 1.02)

    Bệnh tim (CHD)

    559 (0.35)

    863 (0.36)

    0.98 (0.88 – 1.09)

    Coronary bypass graf

    717 (0.45)

    1113 (0.47)

    0.96 (0.88 – 1.06)

    Đột quị

    434 (0.28)

    642 (0.27)

    1.02 (0.90 – 1.15)

    Ischemic

    256 (0.16)

    383 (0.16)

    1.01 (0.86 – 1.18)

    Tất cả bệnh tim

    1357 (0.86)

    2088 (0.88)

    0.98 (0.92 – 1.05)

    Tử vong (tổng số)

    950 (0.60)

    1454 (0.61)

    0.98 (0.91 – 1.07)

    Chỉ số sức khỏe tổng quan

    2051 (1.30)

    3207 (1.35)

    0.95 (0.90 – 1.01)

     

    Chú thích:

    a: Con số ngoài ngoặc là số bệnh nhân bị bệnh trong thời gian theo dõi; số trong ngoặc là tỉ lệ bị bệnh hàng năm tính bằng phần trăm.  Ví dụ, trong thời gian theo dõi, nhóm 1 có 655 phụ nữ bị ung thư vú, tương đương với 0.42% mỗi năm; còn nhóm 2 có 1072 phụ nữ bị ung thư vú, với tỉ lệ 0.45% mỗi năm.  Tỉ số nguy cơ, do đó, bằng 0.91, tức là nguy cơ bị ung thư vú trong nhóm 1 bằng 91% so với nhóm 2, tuy nhiên vì giới hạn 95% vượt qua 1 (tư 0.83 đến 1.01), cho nên sự khác biệt này không được xem là có ý nghĩa thống kê.

    b: Tỉ số nguy cơ (hazards ratio), 95% giới hạn (95% confidence interval).  Tỉ số nguy cơ thấp hơn 1 có nghĩa là nhóm ăn uống ít chất béo có lợi thế sức khỏe hơn nhóm ăn uống bình thường; Tỉ số nguy cơ cao hơn 1 có nghĩa là nhóm ăn uống ít chất béo có tỉ lệ bị bệnh cao hơn nhóm ăn uống bình thường; khi 95% giới hạn bao gồm cả 1 có nghĩa là mức độ khác biệt giữa hai nhóm không có ý nghĩa thống kê.  Trong bảng tóm lược này, tất cả những khác biệt về các chỉ tiêu bệnh tật và tử vong giữa hai nhóm đều không có ý nghĩa thống kê.

    Nguồn: Prentice RL, et al, JAMA 2006; 295:629-642; Beresford SAA, et al, JAMA 2006; 295:643-654; Howard BV et al, JAMA 2006; 295:655-666.

     

    Ý nghĩa

    Công trình nghiên cứu WHI được xem là viên ngọc quí trong các viên ngọc về nghiên cứu lâm sàng dịch tễ học trên thế giới.  Những người tham gia vào công trình nghiên cứu này đều là các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực chuyên môn như dịch tễ học, thống kê học. Công trình được thiết kế rất cẩn thận, có nhóm đối chứng, với hơn 40 ngàn tình nguyện viên, được theo dõi suốt 15 năm trời, v.v… cho nên những ước tính về nguy cơ được xem là chính xác hơn những nghiên cứu vài trăm bệnh nhân.  Thực vậy, khi kết quả nghiên cứu được đi ra phản nghiệm, không ai có thể bắt bẽ được, cũng không ai có thể tìm thấy những sai sót về phương pháp.

     

      Vì tính khoa học cao của công trình WHI, những kết quả trên được xem là “phán quyết sau cùng”, rằng chế độ ăn uống ít chất béo không làm giảm nguy cơ tử vong, không làm giảm nguy cơ ung thư, và cũng không làm giảm nguy cơ bệnh tim.

     

       Có thể xem những phán xét sau cùng của WHI một lần nữa nói lên giá trị khoa học của các nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (randomized controlled clinical trials, hay RCT).  Theo y học thực chứng, chỉ có các dữ kiện từ RCT là đáng tin cậy nhất.  Thế nhưng, như đề cập trên, đã hơn 50 năm nay, đại đa số giới y tế đều nhất trí rằng chất béo có hại cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ bị ung thư và bệnh tim, và làm cho người ta chết yểu.  Cái niềm tin này được xây dựng dựa trên những nghiên cứu trên chuột, những nghiên cứu đối chứng (case-control studies) hay nghiên cứu cắt ngang (cross-sectional studies).  Nhưng các nghiên cứu này có giá trị khoa học không cao vì do ảnh hưởng của các yếu tố gián tiếp (confounders) mà nhà nghiên cứu không kiểm tra được. 

     

    Công trình của WHI còn là một cảnh báo một lần nữa cho những niềm tin y khoa thiếu cơ sở khoa học.  Đây không phải là lần đầu tiên một tín lí y khoa bị khoa học đánh đổ; trong quá khứ đã có nhiều tín lí bị thay đổi.  Từ lâu, giới bác sĩ Tây phương thường khuyên các bà mẹ nên cho trẻ em mới sinh ngủ nằm sấp, vì họ tin rằng cách ngủ này sẽ làm giảm xác suất trẻ em chết đột ngột (còn gọi là Sudden Infant Death Syndrome).  Mãi cho đến thập niên 1980s, có người đặt vấn đề là có bằng chứng nào làm cơ sở cho lời khuyên này.  Theo sau đó là một loạt nghiên cứu lâm sàng cho thấy rõ ràng các trẻ sơ sinh nằm sấp có nguy cơ bị chết cao hơn các trẻ ngủ nằm ngửa.  Và thế là một phong trào “Back to sleep” được phát động để khuyến khích trẻ em ngủ nằm ngửa.  Nếu câu hỏi trên được đặt ra vài mươi năm trước thì có biết bao trẻ em được cứu sống vì SIDS.   

    Đầu thập niên 1980s và 90s, giới thầy thuốc trên thế giới là những “cảm tình viên” của HRT (hormone replacement therapy, hay còn gọi là Phương pháp thay thế kích thích tố), thường được dùng để chữa trị những triệu chứng sau thời kỳ mãn kinh như nóng bừng và loãng xương.  Thời đó, giới bác sĩ tin rằng HRT sẽ làm cho phụ nữ trẻ trung hơn, sẽ ngăn ngừa bệnh tim mạch và loãng xương trong những phụ nữ có tuổi. Trong các trường y, một số giáo sư còn đi xa hơn, giảng dạy sinh viên rằng vấn đề HRT chưa được dùng rộng rãi trong các phụ nữ sau thời mãn kinh là một tội phạm trong ngành y!  Thế nhưng đến năm 1998, kết quả của một nghiên cứu lâm sàng “Heart and Estrogen / Progestin Replacement Study” công bố cho thấy estrogen không ngăn ngừa bệnh tim, nhưng lại có một mối đe doạ khác là tăng nguy cơ bị chứng vón cục máu (blood clot).  Kết quả nghiên cứu này làm cho giới bác sĩ lại ngẩn ngơ!   

    Riêng người viết bài này cho rằng giới nghiên cứu Tây phương (mà người viết là một thành viên trong đó!) nhiều khi bị ảnh hưởng của chủa nghĩa giản hóa luận (reductionism) quá đáng.  Con người phải ăn uống để sống.  Và mức độ calories thu nhận hàng ngày qua thức ăn thường cố định trong từng người.  Giả dụ như mức độ calories đó là C, và C là tổng số calories từ của hai thành phần thức ăn A và B: C = A + B.  Nếu một người dùng nhiều thành phần A, thì có thể người đó phải dùng ít thành phần B, sao cho C cố định.  Đó là một sự cân bằng tự nhiên.  Cứ mỗi giả thiết cho rằng con người bị bệnh vì dùng nhiều chất A, người ta cũng có thể phát triển một giả thiết khác rằng con người bị bệnh vì dùng quá ít chất B.  Mặc cho mọi kì vọng từ các phong trào chống béo, quần chúng vẫn duy trì một độ calories gần như cố định.  Có thể họ giảm chất béo, nhưng dùng nhiều thức ăn carbohydrates, và cuối cùng thì lượng calories vẫn không thay đổi.  Vấn đề cộng-trừ này cho chúng ta một cách diễn dịch mới cho mọi kết quả nghiên cứu về chế độ ăn uống và chất béo.  Thành ra, nếu chỉ tập trung nghiên cứu A (như chất béo) thì khó mà cho ra một kết quả công bằng, bởi vì A cũng phải tương tác với B để điều chế hệ thống nội tiết.

     

    Phong trào chống chất béo được phát động dựa trên cơ sở rằng cái yếu tố xấu (chất béo) là nguyên nhân, và bệnh tim hay ung thư là hệ quả của việc dùng quá nhiều chất xấu.  Nhưng cũng có thể bệnh tim là hậu quả của việc dùng chưa đủ những chất tốt.  Thành ra, chúng ta cũng có thể đặt lại vấn đề: có thể chúng ta dễ bị bệnh tim vì chúng ta thiếu hàm lượng chất béo!

     

    Khi phong trào chống chất béo được phát động, giới chức y tế hi vọng rằng người dân sẽ dùng nhiều rau cải và trái cây.  Nhưng điều này không xảy ra trong thực tế.  Ai cũng có thể trồng rau cải.  Kĩ nghệ thực phẩm không có động cơ để quảng cáo một món hàng không có bản quyền thương mại như rau cải.  Thay vào đó, khoảng 30 tỉ Mĩ kim hàng năm dành cho quảng cáo là nhằm buôn bán carbohydrates ngụy danh dưới các dạng thực phẩm ăn liền như sodas, snacks, và kẹo.  Carbohydrates từ đó trở thành một món ăn quen thuộc của người Âu Mĩ.

     

    Carbohydrates có cái mặt trái của chúng.  Đưa chất protein tinh khiết vào chế độ ăn uống là một việc làm cực kì khó khăn; do đó, một chế độ ăn uống thấp chất béo là đồng nghĩa với một chế độ ăn uống chứa nhiều chất carbohydrates.  Một số lớn nghiên cứu cho thấy chế độ ăn uống chứa nhiều chất carbohydrate có thể làm tăng lượng triglyceride, sản sinh ra những phần tử LDL, và làm giảm HDL, một sự phối hợp, cùng với chứng “kháng insulin” (hay insulin resistance), được mệnh danh là “Hội chứng X” (syndrome X).  Khoảng 30% đàn ông và 10% đến 15% phụ nữ sau thời kì mãn kinh có hội chứng X.  Những người này thường có nguy cơ bị bệnh tim rất cao, dù lượng LDL bình thường.  Khi đàn ông được đặt vào một chế độ ăn uống với lượng carbohydrate cao, lượng cholesterol của họ thay đổi từ mức độ bình thường sang hội chứng X.  Nói một cách khác, thay thế chất béo bão hòa (saturated fats) bằng carbohydrates là nguyên nhân gây nên hội chứng X và làm tăng nguy cơ bị bệnh tim.  Một số nhà nghiên cứu quả quyết rằng khuynh hướng này giải thích tại sao tỉ lệ người béo phì và quá cân tăng trong vài thập niên qua trong khi lượng tiêu thụ chất béo thì giảm.

     

    Một khía cạnh đáng quan tâm hơn trong vấn đề cân bằng giữa chất béo và carbohydrate là đối với một số người, họ rất dễ tăng kí với một chế độ ăn uống ít chất béo và nhiều chất carbohydrate hơn là một chế độ ăn uống với nhiều chất béo.  Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự thèm ăn là chỉ số glycemic (hay glycemic index).  Chỉ số glycemic đo lường tốc độ chuyển hóa từ chất carbohydrates thành chất đường và lưu chuyển trong máu.  Những thức ăn có chỉ số glycemic cao là đường và các thức ăn được chế biến tự gạo như mì, bún, những thức ăn làm tăng hàm lượng đường trong máu sau bữa ăn rất nhanh.  Trái cây, rau cải, đậu ... cũng làm tăng hàm lượng đường trong máu, nhưng với tốc độ chậm.

     

    Các nhà nghiên cứu giả thiết rằng dùng các loại thức ăn với chỉ số glycemic cao làm tăng sự thèm khát.  Nếu giả thiết này đúng, thì lượng calories từ các loại carbohydrates được chế biến bằng các qui trình kĩ nghệ (tức loại thức ăn hàng ngày của người Mĩ) không tương đương với lượng calories từ chất béo, protein trong nỗ lực giảm cân.  Những thức ăn này (có chỉ số glycemic cao) có lẽ làm thay đổi hệ thống nội tiết và hormones và làm cho người dùng chúng cảm thấy thèm khát và lên cân.

     

    Năm 1979, một nhà nghiên cứu uy tín trong lĩnh vực nội tiết viết trên Tập san Lancet, một tập san y học lừng danh trên thế giới, rằng sau hơn 30 năm nghiên cứu và kinh nghiệm, chưa ai biết chắc rằng thay đổi chế độ ăn uống sẽ có ảnh hưởng gì đến nguy cơ bị bệnh tim mạch.  Ý kiến này vẫn còn có giá trị thực trong bối cảnh ngày nay.  Thực vậy, không ai dám nói một cách khẳng định rằng có thể giảm cân qua một chế độ ăn uống đơn giản. 

     

    Nhưng thuốc có thể làm giảm hàm lượng cholesterol.  Có nhiều loại thuốc tương đối rẻ tiền có thể giảm lượng cholesterol đến 30%.  Và, dựa vào kết quả ngoạn mục này, phần lớn y sĩ ngày nay đều dùng thuốc để phòng ngừa bệnh tim.  Chế độ ăn uống có thể giảm cholesterol khoảng 10% hay thấp hơn; chưa có chế độ ăn uống nào giảm cholesterol đến 20 hay 30%.  Nhưng giới chức y tế vẫn khuyến cáo dân chúng nên giảm chất béo trong chế độ ăn uống, dù bằng chứng khoa học cho thấy rõ ràng rằng giảm cholesterol chẳng kéo dài thêm tuổi thọ của dân chúng.  Cái lô-gích đằng sau khuyến cáo này là giảm chất béo là một điều dễ làm, và đơn giản, ai cũng hiểu.  Còn lời khuyến cáo có tính khoa học hay không không phải là điều đáng quan tâm.  Trong bối cảnh mà câu trả lời dứt khoát chưa có, người ta sẵn sàng bằng lòng với một câu trả lời dù không khẳng định nhưng cũng chẳng có hại.

    Ăn ít chất béo, sống lâu hơn.  Đó là cái thông điệp y tế 30 tuổi mà đến nay nó đã trở thành một thứ tín lí.  Nhưng “sống lâu hơn” là bao lâu?  Từ năm 1987 đến 1992, có 3 nhóm nghiên cứu độc lập dùng computer để tìm câu trả lời bằng các mô hình toán học.  Cả ba nghiên cứu cho thấy nếu lượng calories từ chất béo trong tổng số calories giảm xuống còn 10% như lời khuyên của chính phủ, thì tuổi thọ sẽ kéo dài khoảng 3 ngày đến 3 tháng! 

     

    Thế thì câu hỏi cần được đặt ra là chúng ta phải ăn uống gì?  Câu trả lời ngắn gọn là "trung bình", là "điều độ", tức không thái quá một món nào cả.  Theo giới dinh dưỡng học, một bữa ăn hàng ngày cần phải có khoảng 30 đến 35% chất béo tốt, 15 đến 20% protein (như cá, thịt gà, và trừng), và phần còn lại là carbohydrates.  Nhưng phải chú ý loại carbohydrates mà chúng ta ăn uống hàng ngày.  Loại thức ăn carbohydrates mà giới dinh dưỡng học khuyên chúng ta nên dùng nhiều hơn là rau cải và "whole grains" tức bao gồm gạo, lúa mì, bắp (ngô), ngũ cốc, v.v... và những loại carbohydrates chúng ta nên ăn ít hơn là đường và các loại thức ăn đã qua quá trình chế biến bằng công nghệ (processed foods).  Ngoài ra, các nhà nghiên cứu dinh dưỡng cũng đồng ý là ăn càng ít chất béo xấu (chất béo từ động vật như bơ, phó mát) càng có lợi cho sức khỏe, nhưng đồng thời nên tăng cường chất béo tốt (tức chất béo không bão hòa như đậu phụng, cá, dầu thực vật, avocado - lê Tàu). 

     

    Chú thích:

    Chi tiết về loạt bài về chất béo và ung thư và bệnh tim do JAMA công bố có thể tìm theo tài liệu tham khảo sau đây:

    1.  Prentice RL, et al. Low-fat dietary pattern and risk of invasive breast cancer: the Women's Health Initiative Randomized Controlled Dietary Modification Trial. JAMA 2006 Feb 8;295(6):629-42.

    2.  Beresford SA, et al. Low-fat dietary pattern and risk of colorectal cancer: the Women's Health Initiative Randomized Controlled Dietary Modification Trial. JAMA 2006 Feb 8;295(6):643-54.

    3.  Howard BV, et al. Low-Fat Dietary Pattern and Risk of Cardiovascular Disease: The Women's Health Initiative Randomized Controlled Dietary Modification Trial. JAMA 2006 Feb 8;295(6):655-66.

  • Trang Khoa học