●   Bản rời    

LSHK-23- Việc Phát Triển Kỹ Nghệ Và Những Thách Thức Mới

LỊCH SỬ HOA KỲ

(3 tác giả)

Nguyễn Mạnh Quang dịch

http://sachhiem.net/NMQ/LSHK/LSHK23.php

| bản rời | «  Xem Mục Lục » | 26-Jun-2023

(tiếp theo Chương hai mươi hai)

Việc phát triển kỹ nghệ và kinh doanh đồng thời cũng làm cho dân chúng Hoa Kỳ phải đương đầu với một số vấn đề mà các bậc tiền nhân của chúng ta ngày xưa không gặp phải. Đó là vấn đề thất nghiệp và những cuộc khủng hoảng về công cuộc kinh doanh

pypypy

CHƯƠNG XXIII

VIỆC PHÁT TRIỂN KỸ NGHỆ VÀ KINH DOANH ĐƯA ĐẾN VIỆC PHẢI ĐƯƠNG ĐẦU VỚI NHỮNG VẤN ĐỀ MỚI

Sống trong một quốc gia kỹ nghệ tân tiến như Hoa Kỳ thì chỉ có kỹ nghệ mới đáp ứng được nhu cầu của mọi người dân. Những nhu cầu này bao gồm cả nàh cửa, quần áo và các dịch vụ về chuyển vận như hàng không, xe buýt và xe lửa, các thứ giải trí và hàng ngàn thứ khác. Các công ty sản xuất các thứ hàng hóa để đáp ứng với nhu cầu của chúng ta hàng ngày thường thường được mang danh là kỹ nghệ. Mặt khác, các công ty lo mang các sản phẩm hay thực hiện các dịch vụ cho dân chúng cần đến thường được gọi là kinh doanh. Đây là những tiệm bán sỉ, bán lẻ, nhà ngân hàng, các công ty thủy điện và hơi đốt... Như các bạn đã biết, kinh doanh và kỹ nghệ làm việc sát cánh với nhau để đáp ứng nhu cầu cho dân chúng trong thời đại tên tiến ngày nay.

Từ năm 1865, nếu không có sự mở mang mau chóng về kỹ nghệ và kinh doanh thì có lẽ không thể nào thỏa mãn được các nhu cầu của thị trấn của các bạn cũng như của tất cả các nơi khác trong toàn quốc. Người Hoa Kỳ ngày nay có mức sống cao phần lớn là nhờ ở những phát minh mới, những máy móc mới và những phương tiện sản xuất và vận chuyển mới.

Nhưng việc phát triển kỹ nghệ và kinh doanh đồng thời cũng làm cho dân chúng Hoa Kỳ phải đương đầu với một số vấn đề mà các bậc tiền nhân của chúng ta ngày xưa không gặp phải. Đó là vấn đề thất nghiệp và những cuộc khủng hoảng về công cuộc kinh doanh. Muốn hiểu rõ những vấn đề như vậy và những cố gắng phải  thực hiện để giải quyết những vấn đề này, chúng ta hãy tìm hiểu những vấn đề dưới đây :

1) Trong thời đại máy móc này đã xuất hiện những vấn đề quan trọng nào ?

2) Lao động và kinh doanh đã làm những gì để giải quyết các vấn đề của thời đại máy móc này ?

3) Chính phủ đã cố gắng giải quyết vài vấn đề kinh doanh và kỹ nghệ như thế nào ?

PHẦN I

TRONG THỜI ĐẠI MÁY MÓC ĐÃ XUẤT HIỆN MỘT VÀI VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG NÀO ?

Trong chương XXII, chúng ta đã thấy rằng sự phát triển kỹ nghệ và kinh doanh ở Hoa Kỳ đã mang lại nhiều tiện nghi làm cho đời sống của chúng ta ngày nay được thoại mái dễ chịu. Chương này sẽ nói về một vài hậu quả không tốt của việc phát triển kỹ nghệ và kinh doanh này. Trong những trang kế tiếp dưới đây các bạn sẽ được đọc chuyện về ông Charles Jackson, một nhà kinh doanh Hoa Kỳ vào thập niên 1890. Ông Jackson không phải là một nhân vật thật, nhưng câu chuyện về ông ta dưới đây sẽ giúp cho chúng ta hiểu rõ việc phát triển kỹ nghệ đã đem lại cho chúng ta nhiều lợi điểm cũng như những điểm bất lợi vậy.

- Những máy móc mới cám dỗ ông Jackson tăng gia sản xuất.

Ông Jackson là giám độc công ty sản xuất Jackson, một công ty chuyên chế tạo các đồ bằng sắt và gỗ. Ông Jackson đang ngồi ở trong văn phòng theo dõi các con số sản xuất của công ty của ông. Ông vừa đặt mua một cái máy mới. Hiện tại, xí nghiệp của ông có thể sản xuất 25 cái ghế mỗi ngày. Tuy nhiên, với một cái máy mới, mỗi ngày công ty của ông có thể sản xuất tới 100 chiếc ghế. Ông Jackson rất hài lòng vì hai lý do :

1) Nhờ xử dụng máy mới này mà số nhân công dùng để chế tạo một cái ghế sẽ giảm đi rất nhiều. Vì vậy ông có thể trả ít tiền nhân công hơn cho một cái ghế. Như vậy, ông hy vọng có thể kiếm được nhiều lợi hơn.

2) Số lượng kiếm được cũng tăng thêm nhiều hơn vì rằng công ty của ông mỗi ngày có thể chế tạo số ghế nhiều hơn gấp 4 lần trước

Bây giờ ông Jackson viết thư cho các công ty mà ông mua thép và gỗ. Ông viết rằng "Tôi mua nhiều gỗ và nhiều thép hơn  trước". Ông nói đúng số lượng mà ông cần mua. Khi những bức thư này đến các công ty gỗ và thép, các công ty này cũng rất lấy làm hài lòng, vì đây là cơ hội cho họ bán được nhiều hàng hơn và như vậy sẽ kiếm được nhiều lợi hơn. Công ty thép này lại đặt mau thêm quặng sắt và thêm than. Công ty này nói với các nhà khai mỏ rằng "Hãy mướn thêm thợ, đào thêm thanh và quặng sắt". Công ty gỗ lại gởi thư đi các nhàm áy cưa để mua thêm gỗ.

- Việc gia tăng sản xuất sử dụng hết tài nguyên thiên nhiên.

Giống như ông Jackson, các ông chủ, các xí nghiệp  khác cũng sử dụng các máy móc mới và cố gắng sản xuất cho thật nhiều hàng hóa. Cho nên người thợ làm gỗ, người thợ khai mỏ, nếu có thể họ sẽ bán tất cả những quặng sắt và gỗ mà họ sản xuất được. Với những đoàn người nhiều hơn và những dụng cụ tốt hơn, họ sẽ khai thác cho được nhiều hơn. Người thợ mỏ sẽ tìm đào những quặng mỏ phong phú nhất và dễ đào nhất. Người thợ làm gỗ sẽ tìm nơi nào dễ đốn hết ít công mà được nhiều gỗ để khai thác. Họ phải cung cấp một số lớn quặng mỏ và gỗ cho các xí nghiệp của ông Jackson và hàng ngàn các xí nghiệp khác để có đủ nguyên liệu cho nhu cầu. Tài nguyên thiên nhiên của Hoa Kỳ đã phải gặp cảnh như vậy vào đầu thời kỳ chiến tranh Nam Bắc chấm dứt. Khắp nơi đều tràn ngập những đơn đặt mua hàng. Khắp nơi cùng hành động theo cùng tư tưởng "Phải lẹ làng mau chóng", "Cung cấp vật liệu một cách mau chóng", cho nên những người thợ mỏ hăng say đào quặng sắt mà không bao giờ tìm các mỏ khác để thay thế. Họ đào sâu tới mạch có nhiều than nhất, mà không cần quan tâm đến nhu cầu của ngày mai. Họ đốn cây bừa bãi không cần biết đến nhu cầu của con cháu mai sau. Cứ theo cách này, tài nguyên thiên nhiên của Hoa Kỳ đã bị sử dụng một cách vô cùng bừa bãi, cẩu thả. Trong những năm gần đây, đã có những ý kiến là phải bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nghĩa là phải sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách khôn ngoan hơn. Dù vậy đi nữa, Hoa Kỳ cũng phải nhập cảng từ nhiều nơi trên thế giới một số lớn nguyên liệu như quặng sắt chẳng hạn.

- Ông Jackson mở mang công việc kinh doanh của ông quá xa.

Chúng ta lại quay trở lại câu chuyện của ông Jackson. Ông ta hằng mơ ước rằng sẽ có những máy móc mới mỗi ngày sản xuất được thêm nhiều ghế và làm tăng thêm số lợi tức của ông rất nhiều cho nên ông quyết định mau thêm nhiều máy móc. Ông đặt mua thêm nhiều gỗ và thép, ông mướn thêm nhân công để điều hành các máy móc mới và cũng để gia tăng năng xuất sản xuất ghế của ông. Ông không có tiền để trả các khoản tiền mua này. "Nhưng" ông suy nghĩ rằng "Điều đó phải làm thế nào ? Với giá cả quá cao và số lợi quá lớn, ta có thể vay tiền và sau này ta trả lại bằng tiền lời của ta".

Các nhà kỹ nghệ khác cũng có cùng tư tưởng như vậy . Họ mở rộng xí nghiệp, mua thêm vật liệu, mướn thêm nhân công và chế tạo thêm hàng hóa. Giống như ông Jackson, họ cũng đi vay tiền . Nhưng sau một thời gian, người chủ nợ trỡ nên lo ngại, vì rằng họ đã cho vay mất quá nhiều tiền và các nhà kỹ nghệ đã chế tạo quá nhiều hàng hóa. Thí dụ ông Smith là chủ ngân hàng bắt đầu lo ngại về việc ông Jackson đã vay của ông một số tiền nhiều hơn là xí nghiệp của ông ta có thể trả được trong nhiều năm. Ông Smith có dịp ăn trưa với một ông chủ ngân hàng khác là ông John, và thấy rằng ông John cũng lo ngại như vậy. Ông Smith tự nghĩ "Ta sẽ phải làm gì nếu ông Jackson nợ ta quá nhiều tiền mà không có đủ khách hàng để mua hàng hóa của ông ?", "Làm sao ông ta có thể trả hết  tiền cho ta được?"

Ông Smith thật là lo ngại, và ông quyết định giảm bớt số tiền của nhà ngân hàng của ông đã cho vay. Ông bắt đầu tiếp xúc với các xí nghiệp mà ngân hàng của ông đã cho vay tiền. Thế là ông Jackson, người vay tiền của ông Smith phải trả nợ. Nhưng số nợ này quá lớn khiến cho ông Jackson không thể mua thêm máy móc mới được nữa, và phải mua ít thép, ít gỗ hơn, và mướn ít công nhân hơn. Ông ta phải cho công ty sản xuất thép và công ty sản xuất gỗ hay rằng đừng gửi các vật liệu theo đơn ông đã mua. Làm việc với số vật liệu ít hơn, ông phải đi torng xưởng thợ nói với các công nhân như thế này : "Anh Joe, tôi rất lấy làm buồn, nhưng sau ngày thứ bảy này, tôi không còn có việc cho anh làm nữa. Tôi sẽ kêu anh lại ngay khi có việc."

- Lo sợ lan tràn ra khắp nước.

Toàn quốc đều cảm thấy lo sợ. Ngay khi ông Jackson cắt giảm đơn đặt hàng mua thép và gỗ, thì đến lượt các công ty sản xuất thép và công ty sản xuất gỗ cũng bắt buộc cắt giảm mua các nguyên liệu. Những nhà khai thác mỏ và khai thác gỗ đều nói rằng : "Anh Jin ! Tôi lấy làm buồn", "Anh Tom ! Tôi lấy làm buồn", "Ít quặng hơn", "Ít than hơn", "Ít gỗ hơn". Và công nhân trở về nói với vợ rằng "Mary ! Tôi lấy làm buồn, ông chủ bào rằng sau ngày thứ bảy thì sẽ không còn việc làm nữa. Tốt hơn hết là đừng mua giày cho con nữa. Tốt hơn hết là hãy mua ít thực phẩm hơn ". Khắp nơi trong toàn quốc đều xảy ra những tình trạng như vậy. Người thợ đóng giày, người bán thực phẩm cùng các thương gia khác đều phải cắt giảm công việc làm. Họ bắt đầu phải đặt mua đồ ít hơn và cho những người giúp việc nghỉ làm. Nhiều xí nghiệp vỡ nợ chỉ vì không thể bán được hàng hóa. Nhiều gia đình lâm vào cảnh đói khổ vì các ông chồng, các người cha đã mất công ăn việc làm.

- Hoa Kỳ trải qua các thời kỳ thịnh vượng cũng như các thời kỳ khủng hoảng kinh tế.

Dòng biến cố này đã tái diễn nhiều lần torng lịch sử Hoa Kỳ. Trước hết là có một thời kỳ tin tưởng, và công việc kinh doanh phát triển; rồi đến thời kỳ lo sợ và công việc kinh doanh suy sụp. Thời kỳ trước là thời kỳ thịnh vượng. Và thời kỳ lo sợ là thời kỳ khủng khoảng. Thời kỳ trước là thời kỳ thịnh vượng. Và thời kỳ lo sợ là thời kỳ khủng khoảng. Thời kỳ mà các công việc kinh doanh sụp và có nhiều người thất nghiệp, tiếp theo là sự lo sợ được gọi là thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Các bạn đã thấy ở trong chương XVII, nói về cuộc khủng hoảng xảy ra khi ông Van Buren giữ chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ.

Vào thời kỳ mà đa số người Hoa Kỳ là người nông dân canh tác thì những lo sợ và khủng hoảng không gây khó khăn cho nhiều người như những năm sau này. Sinh sống ở các nông trại dù cho công việc kinh doanh của đất nước có tồi tệ đi nữa thì người ta cũng có thể tự lo liệu được hầu hết những nhu cầu của họ. Tuy nhiên, khi mà công việc kinh doanh và kỹ nghệ phát triển thì lại càng có nhiều người Hoa Kỳ có công ăn việc làm ở trong các cơ sở kinh doanh và kỹ nghệ. Một công nhân của nhà máy kỹ nghệ hay của một nhà kinh doanh hoàn toàn tùy thuộc vào số tiền mà anh ta kiếm được để mua những thứ gì mà anh ta cần có. Thực ra, anh ta không chế tạo hay trồng trọt được những gì cho gia đình anh ta để ăn, mặc và sử dụng. Vậy thì thời đại máy móc nếu gặp phải thời kỳ lo sợ và khủng hoảng thì càng có nhiều người cơ cực.

Từ năm 1865 đã có nhiều cuộc khủng hoảng. Đặc biệt là có 3 cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất. Những cuộc khủng hoảng này đều xảy ra sau những năm lo sợ 1873, 1893, và 1929. Lịch sử của mọi cuộc khủng hoảng hầu như rất giống nhau. Công việc kinh doanh phát triển nhanh chóng, lương công nhân cao, giá cả cũng lên cao. Người ta đầu tư bừa bãi vung vít với hy vọng để kiếm được nhiều lời. Trong những năm trước năm 1873 và 1893, người ta cho vay tiền để thiết lập các đường xe lửa; trước năm 1929, người ta đầu tư tiền bạc để mua các cổ phần và chứng khoáng. Trong mỗi một vụ, khi cái bong bóng của thời kỳ tốt đẹp bị tan vỡ là sự lo sợ và đau khổ xẩy đến. Thời kỳ lo sợ vào năm 1929 và cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra sau đó là một cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất ở Hoa Kỳ từ trước tới giờ. Tới chừng 10 năm các cơ sở xí nghiệp vẫn không thâu hồi tiền bạc như bình thường. Rồi tới thời Đệ Nhị Thế chiến, các cơ sở xí nghiệp lại phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu quân sự. Trong thập niên 1950, một danh từ mới được dùng là "recession" để chỉ những cuộc khủng hoảng kinh tế ngắn hạn và cũng là để ám chỉ về việc giảm sút các công việc kinh doanh nhưng không quá dài và cũng không quá trầm trọng.

- Ông Jackson dự định độc quyền.

Một lần nữa, chúng ta hãy quay trở lại câu chuyện của ông Jackson để hiểu rõ một vấn đề khác do các cơ sở kỹ nghệ và kinh doanh gây nên. Một hôm, ngay sau khi ông Jackson đang suy nghĩ về công việc làm ăn của ông, bỗng nhiên ông dậm chân kêu lên một cách thích thú : "Ta vừa nghĩ ra được một cách, cách này sẽ làm cho ta giàu. Tại sao trước kia ta lại không nghĩ đến nó ? Ta sẽ cố gắng kiểm soát hầu hết tất cả các cơ sở sản xuất ghế ở Hoa Kỳ. Dĩ nhiên, ta sẽ cần rất nhiều tiền, vì rằng ta sẽ mua hết tất cả các xưởng sản xuất đồ đạc khác. Ta có thể bán ghế thật rẻ để cho các nhà sản xuất đồ đạc không thể nào tiếp tục chịu đựng được nữa. Nhưng khi nào ta kiểm soát được tất cả các xí nghiệp chế tạo ghế, thì mọi người muốn mua ghế phải mua của ta. Rồi khi đó sẽ không có cái ghế nào khác cho họ mua nữa, ta có thể định giá ghế theo ý ta muốn. Dân chúng sẽ buộc phải mua như vậy, chứ không có cách gì khác."

- Sau năm 1865, con số những công ty độc quyền gia tăng.

Thực ra thì cũng không có một ông Jackson tưởng tượng hay một người nào khác đã từng kiểm soát tất cả các cơ sở sản xuất ở Hoa Kỳ. Nhưng một vài hình thức kinh doanh hay kỹ nghệ thực tế đạ bị một người hay một số các công ty kiểm soát hết cả. Các bạn đã thấy rằng ông John D. Rockefeller đã thâu gồm kiểm soát hầu hết các cơ sở lọc dầu ở Hoa Kỳ. Như các bạn đã biết, muốn thao túng một sản phẩm nào là phải độc quyền thứ sản phẩm đó. Khi một nhóm các công ty có quyền lợi chung độc quyền một sản phẩm nào đó thì nhóm công ty này gọi là Trust (doanh nghiệp đồng minh). Từ năm 1865, những Trust thế lực đôi khi nắm độc quyền về các thứ như thép, thuốc lá, đường, thịt bò và nhiều sản phẩm khác.

- Những ưu khuyết điểm của các công ty độc quyền.      

Nói chung thì các Trust hay các công ty độc quyền là những tổ chức khổng lồ. Những tổ chức kinh doanh lớn như vậy có những điểm lợi như sau :

1) Họ có thể mua được rất nhiều nguyên liệu.

2) Họ có thể chi phí cho các nhà khoa học để tìm ra các sản phẩm mới, và mướn các chuyên viên để điều hành các cơ sở xí nghiệm một cách hữu hiệu hơn.

3) Họ có thể đủ khả năng mua các loại máy móc đắt tiền.

4) Họ có thể tìm ra các cách sử dụng được những vật liệu đã bị phế bỏ.

Những lợi điểm, này có thể giúp cho biệc làm gia tăng số sản phẩm với gái rẻ hơn để bán cho quần chúng.

Mặt khác, các công ty độc quyền cũng có những vấn đề trầm trọng :

1) Có những cám dỗ các công ty độc quyền bán giá cao để kiếm lời cho nhiều. Một khi đã xảy ra như vậy thì dân chúng không thể mua được hàng với giá rẻ.

2) Công ty độc quyền đồng thời cũng gây khó khăn cho các cơ sở kinh doanh nhỏ, và các công ty nhỏ không thể nào cạnh tranh được với các công ty độc quyền lớn này.

3) Nếu các công ty độc quyền kiểm soát tất cả các cơ sở của một ngành nào thì nhiều tư tưởng mới không thể phát sinh nảy nở được. Như vậy sẽ không có phương pháp mới và cũng không có sản phẩm mới xuất hiện ở thị trường.

Trong phần cuối của chương này, các bạn sẽ thấy chính quyền sẽ hành động như thế nào để ngăn chặn những sự độc quyền tai hại như vậy.

PHẦN II

LAO ĐỘNG VÀ KINH DOANH ĐÃ LÀM ĐƯỢC NHỮNG GÌ

ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ CỦA THỜI ĐẠI MÁY MÓC ?

Cho tới đây, chúng ta đã bàn về ba vấn đề do việc phát triển kỹ nghệ và kinh doanh gây nên.

1) Tài nguyên thiên nhiên bị sử dụng một cách phung phí.

2) Đất nước đã phải trải qua những thời kỳ thịnh vượng và những thời kỳ khủng hoảng.

3) Một số vấn đề các cơ sở kinh doanh còn cố gắng thiết lập các công ty độc quyền.

Ba vấn đề trên đây đã ảnh hưởng đến mọi người dân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, còn những vấn đề khác ảnh hưởng trực tiếp đến anh em công nhân kỹ nghệ.

w ANH EM CÔNG NHÂN ĐÒAN KẾT ĐỂ CẢI THIỆN ĐIỀU KIỆN LÀM VIỆC VÀ  SINH SỐNG

Các bạn đã thấy rằng việc sử dụng máy móc và việc phát triển kỹ nghệ đã làm thay đổi điều kiện sinh sống và việc làm của phần lớn anh em công nhân như thế nào. Điều khiển một chiếc máy thường thường có nghĩa là làm đi làm lại nhiều lần một công việc đó. Công việc này không còn trở nên thích thú như công việc chân tay, cái công việc mà người công nhân phải làm nhiều phần việc khác nhau. Hơn nữa, nếu chỉ thực hiện có một hay hai động tác hay phần việc của một chiếc máy thì không cần phải khéo léo bằng những công việc khác làm bằng tay chân. Hậu quả là người công nhân sẽ dễ dàng bị thay thế, và như vậy công việc của học ít được bảo đảm. Việc sử dụng máy móc đồng thời cũng có ảnh hưởng đến đồng lương của anh em công nhân. Muốn hiểu rõ hơn, một lần nữa chúng ta hãy quay trở lại xí nghiệp của ông Jackson trong thời thập niên 1890.

- Ông Jackson giữ cho giá nhân công ít tốn phí.

Ông Jackson rất thích những người làm việc trong xí nghiệp của ông. Đồng thời, đồng lương mà ông trả cho học là một phần quan trọng trong việc định giá cả ghế của ông chế tạo. Cho nên ông Jackson trả họ với số lương rẻ nhất mà họ có thể chấp nhận được để họ còn có thể tiếp tục làm việc cho ông ta. Vì lý do này mà họ phải chịu khó làm việc đều đều nhiều giờ torng một ngày. Về phần anh em công nhân, họ kính trọng ông Jackson. Tuy nhiên, bây giở xí nghiệp của ông trở nên rộng lớn, sử dụng nhiều công nhân hơn, họ ít có dịp gặp ông Jackson hơn như ngày xưa.

Anh em công nhân có cảm tưởng rằng ông Jackson không còn để tâm chú ý đến đời sống của họ như ngày xưa khi mà xí nghiệp của ông còn nhỏ bé. Đồng thời, họ họ cũng cho rằng họ phải làm việc quá nhiều giờ trong một ngày mà đồng lương của họ thì quá ít.

- Nhân công bất mãn kết hợp lại với nhau để tranh đấu hầu cải thiện điều kiện làm việc.

Giống như ông Jackson, hầu hết các chủ nhà máy vào lúc đó đều trả lương cho công nhân càng hạ càng tốt. Nhiều xí nghiệp cũng rất ít chú ý đến vấn đề sức khỏe và an ninh nghề nghiệp của an ninh công nhân. Nhiều tai nạn thường gây thương tật cho anh em công nhân khiến họ khó có thể kiếm kế sinh nhai. Những tình trạng như vậy khiến cho anh em công nhân bất mãn. Vào những khi khủng hoảng kinh tế, họ bị mất công ăn việc làm, họ còn cằn nhằn hơn nữa. Họ nói : "Thật là bất công, chúng ta tận tâm chịu khó làm việc cho ông chủ của chúng ta trong những khi ông ta làm ăn khá giả. Ấy thế mà ngay khi công việc làm ăn của ông ta suy sụp ông ta lại nỡ sa thải chúng ta."

Một mình người công nhân ở trong các hầm mỏ, nhà máy hay ở torng xưởng thợ, phải làm thế nào để được trả lương cao hơn ? Điều không may là có rất ít hy vọng cho anh ta có thể làm gì để được như vậy. Ông chủ anh ta sẽ dễ dàng sa thải anh ta và mướn người khác thay thế anh ta. Nhưng nếu có một số lớn công nhân kết hợp lại với nhau để cùng đòi hỏi những thay đổi thì họ rất có thể thành công trong việc đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Ông chủ không thể dễ dàng thay thế một số lớn công nhân như việc tìm một người làm việc để that thế cho một công nhân. Như câu ngân ngữ thường nói : "Đoàn kết là sức mạnh". Tư tưởng đoàn kết đưa đến việc thành lập nghiệp đoàn lao động.

Một số nghiệp đoàn lao động được thành lập ngay từ đầu thập niên 1830 (chương XIV), nhưng những cố gắng lúc đầu này không kéo dài được bao lâu. Hầu hết dân chúng lúc bấy giờ là nông dân cho nên con số công nhân lãnh lương rất ít ỏi, và phải làm việc trong những tình trạng tồi tệ cũng rất là giới hạn. Hơn nữa, hầu hết các nghiệp đoàn lúc đầu có tính cách địa phương, không kết hợp được số lớn công nhân trong toàn quốc.

- Tổ chức lao động Knight of Labor được thành lập.

Sau năm 1865, khi mà kỹ nghệ và kinh doanh bành trướng, thì càng ngày càng có nhiều anh em công nhân cảm thấy rằng cần phải liên kết với nhau để tranh đấu đòi cải thiện điều kiện làm việc. Năm 1869, một người thợ may ở Philadelphia tên là Uriah S. Stephens thành lập một nghiệp đoàn với danh xưng là Knight of Labor. Nghiệp đoàn Knight là một nghiệp đoàn lớn độc nhất đón nhận tất cả các công nhân gồm những người làm nhưng công việc cần phải được huấn luyện lâu dài và luôn cả những người chỉ biết làm có một phần việc, và cũng không phân biệt nam nữ, da trắng hay da đen.  

Lúc đầu, nghiệp đoàn Knight of Labor phát triển một cách chậm chạp. Tuy nhiên, nghiệp đoàn này tranh đấu được một số  các ông chủ đối xử đẹp tốt hơn với anh em công nhân thì có hàng trăm ngàn anh em công nhân khác cũng xin gia nhập. Nhưng nghiệp đoàn Knight of Labor vẫn không được dìu dắt một cách khéo léo. Và thật là vô cùng khó khăn mà kết hợp quá nhiều loại người làm việc trong những công việc khác nhau lại với nhau trong một nghiệp đoàn độc nhất. Vì thế cho nên nghiệp đoàn Knight of Labor mất sức mạnh và mất uy thế một cách mau chóng. Vào khoảng thập niên 1890, nghiệp đoàn này đã biến mất trong thực tế.

- Liên Đoàn Lao Động Hoa Kỳ được thành lập.

Trong một cửa tiệm thành phố New York có một thanh niên làm thợ thuốc xì gà tên là Samuel Gompers. Ông Samuel Gompers và ba má ông từ Anh quốc sang Hoa Kỳ để mưu sinh từ thuở ông còn nhỏ tuổi.  Là người khéo léo lẹ làng trong công việc, ông Gompers thường suy nghĩ và bán tính nhiều vấn đề của giới lao động. Ông Gompers cho rằng thay vì có một tổng công đoàn lớn như Knight Of Labor thì tổ chức lại thành một nghiệp đoàn tiêng biệt cho các công nhân riêng biệt trong mỗi ngành. Thí dụ như là nghiệp đoàn lao động xì gà, nghiệp đoàn lao động thợ mỏ, nghiệp đoàn lao động làm mũ, nghiệp đoàn lao động thợ ráp nối ống dẫn hơi. Công nah6n chuyên nghiệp là những người được huấn luyện đặc biệt và có những kinh nghiệm đặc biệt. Vho nên họ khó bị thế hơn là các công nhân không chuyên nghiệp. Ông Gompers cho rằng các ông chủ đã chịu đáp ứng những đòi hỏi của các nhóm có nhiều công nhân chuyên nghiệp.

Năm 1886, Liên đoàn Lao động Hoa Kỳ được thành lập. Liên đoàn này được tổ chức dựa trên một phần lớn tư tưởng của ông Gompers. Các nghiệp đoàn lao động chuyên nghiệp địa phương được thành lập trong nhiều ngành xí nghiệp. Những nghiệp đoàn địa phương của mọi ngành trong tiểu bang và trong toàn quốc kết hợp lại với nhau. Ông Gompers là chủ tịch đầu tiên của nghiệp đoàn lao động Hoa Kỳ, và ông đã giữ chức vụ này trong gần 40 năm.

- Tổ chức lao động CIO được thành lập dựa trên tư tưởng mới.

Liên đoàn lao động Hoa Kỳ (thường được viết tắt là AFL) là một tổ chức lao động chính ở Hoa Kỳ torng một thời gian khá lâu. Số hội viên lên tới hàng triệu. Sau đó tới thập niên 1930, một tổ chức lao động khác mạnh hơn ra đời, đó là nghiệp đoàn có danh xưng là "The Congress of Industrial of Organizations" hay là CIO, một nhiệp đoàn các tổ chức kỹ nghệ.

Tại sao tổ chức CIO lại phát triển như là địch thù của tổ chức lao động AFL ? Như các bạn đã biết, tổ chức AFL bao gồm các nghiệp đoàn công nhân chuyên nghiệp. Như vậy có nghĩa là một số lớn các công nhân không chuyên nghiệp không thuộc tổ chức AFL. Tổ chức CIO căn cứ trên tư tưởng kỹ nghệ hơn là những nghiệp đoàn chuyên nghiệp. Nghiệp đoàn kỹ nghệ đón nhận tất cả những công nhân thuộc một kỹ nghệ nào đó. Tổ chức CIO thâu nhận tất cả các hội viên torng cơ sở kỹ nghệ sản xuất hàng loạt sử dụng rất nhiều công nhân như các nhà máy kỹ nghệ thép, kỹ nghệ cao su và kỹ nghệ xe hơi. Vị lãnh đạo lúc đầu của tổ chức CIO là ông John L. Lewis, một vị lãnh tụ rất có thế lực của Liên Hiệp Nghiệp đoàn Công nhân Hầm mỏ.

Hai tổ chức AFL và CIO trở thành những địch thủ cạnh tranh dữ dội. Trong nhiều năm, mỗi bên đều cố gắng lôi kéo thu nhận thêm nghiệp đoàn để có thêm nhiều hội viên. Một số công nhân là hội viên của những nghiệp đoàn độc lập nhỏ, giống như "Bốn nghiệp đoàn huynh đệ hỏa xa" (The Four Railroad Brotherhoods). Nhưng có nhiều công nhân lại không thuộc một tổ chức nghiệp đoàn nào cả. Rồi thì năm 1955, hai tổ chức lao động lớn này kết hợp thành một tổ chức AFL – CIO. Vào khi tổ chức này thành lập xong, tổ chức nghiệp đoàn thế lực hùng mạnh này có tới 15 triệu hội viên.

* CÁC NGHIỆP ĐOÀN LAO ĐỘNG ĐÃ TRANH ĐẤU NHƯ THẾ NÀO ĐỂ ĐOẠT NHIỀU ĐIỀU KIỆN LÀM VIỆC TỐT ĐẸP HƠN ?

- Các nghiệp đoàn lao động trông cậy vào trọng tài điều đình hòa giải và đình công để đạt được mục đích.

Khi  các vị lãnh tụ đại diện một nhóm công nhân yêu cầu chủ nhân trả lương cao hơn, giàm giờ làm việc hay là để có điều kiện làm việc được tốt đẹp hơn, thì rất có thể vị chủ nhân đó sẽ từ chối. Gặp trường hợp như vậy thì nghiệp đoàn đó có thể thuyết phục ông ta rằng những đòi hỏi của họ là rất công bằng và hợp lý, và rất đáng được chấp thuận. Thường thì các đại diện của các nghiệp đoàn và ông chủ ngồi lại với nhau để thảo luận các điều khoản trong bảng yêu sách đó. Họ có thể cùng tiến đến một thỏa hiệp. Như vậy gọi là một cuộc điều đình tập thể.

Nếu nghiệp đoàn và ông chủ không thể thỏa thuận được với nhau, nghiệp đoàn có thể đem những yêu cầu của họ ra một hội đồng gồm những người có tinh thần vô tư để phân giải. Sau khi đã nghiên cứu tất cả các thắc mắc của hai bên, các nhân viên của hội đồng này sẽ cố gắng để đi đến một quyết định mà cả ông chủ lẫn nghiệp đoàn đều có thể chấp nhận được. Phương pháp giải quyết một cuộc tranh chấp lao động như vậy gọi là hòa giải hay trọng tài. Tuy nhiên, nếu hai bên không thể tiến đến một thỏa hiệp nào thì nghiệp đoàn công nhân có thể làm gì được khác để buộc ông chủ phải chấp nhận các đòi hỏi của họ không ? Dĩ nhiên là ông chủ rất cần sức lao động của anh em công nhân nếu ông ta còn muốn tiếp tục cho các xí nghiệp của ông ta chạy đều. Và nếu những biện pháp khác cũng thất bại thì anh em công nhân có thể từ chối không làm việc. Khi mà có nhiều người cùng một lúc đều không chịu làm việc thì gọi là đình công. Đình công là một thứ vũ khí mạnh nhất mà anh em công nhân có thể sử dụng đến. Đã có một vài cuộc đình công nh ỏ và không quan trọng. Nhưng cũng có nhiều cuộc đình công khác rộng lớn và gây ra hậu quả rất tốn kém. Chúng ta hãy theo dõi câu chuyện của một vài cuộc đình công lúc đầu.

- Cuộc đình công của anh em công nhân của ngành hỏa xa xảy ra vào năm 1877.

Sau cuộc khủng kinh tế vào năm 1873, người ta khó mà tìm kiếm được công ăn việc làm. Nhiều gia đình của các anh em công nhân phải chịu đau khổ. Các công ty hỏa xa cho rằng người ta sẽ phải chấp nhận làm việc với đồng lương dù hạ mấy đi nữa cũng còn hơn là ngồi không mà nhịn đói. Cho nên vào mùa hè năm 1877, công ty hỏa xa miền Đông sông Mississippi loan báo rằng lương của tất cả các anh em công nhân ngành hỏa xa sẽ bị cắt giảm đi 10 phần trăm. Ngay sau đó anh em công nhân liền đình công .

Đây là lần đầu tiên có cuộc đình công lớn xảy ra ở Hoa Kỳ, và cũng là cuộc đình công cay đắng nhất. Khi cuộc đình công bắt đầu, xe lửa không thể chạy được nữa, vì thiếu người điều hành. Nhưng ngay những người đình công kéo ra chặn xe lửa thì các công ty quyết định đập bể cuộc đình công này. Từ hết thành phố này đến thành phố khác – Baltimore – Pittsburgh – Reading – Buffalo, Columbus, Chicago và ST. Louis – đều xảy ra hỗn loạn. Chẳng hạn như ở Pittsburgh có tới 25 người bị thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Cuối cùng, cuộc đình công này bị thất bại. Anh em công nhân lại phải mất việc để lấy tiền nuôi sống gia đình, cho nên họ không thể đình công lâu dài được. Khi quân đội Liên bang được phái đến để tái lập trật tự thì anh em công nhân hỏa xa buồn rầu chấp nhận trở lại làm việc với đồng lương bị cắt giám hạ hơn. Tuy nhiên, một cuộc thất bại như vậy chỉ làm cho anh em công nhân càng vững tin rằng họ cần phải có những nghiệp đoàn hùng mạnh để cải thiện tình trạng làm việc của họ.

- Các nghiệp đoàn tiếp tục tranh đấu để cải thiện điều kiện làm việc.

Sau cuộc đình công của anh em công nhân hảo xa vào năm 1877 thì lại có nhiều cuộc đình công khác lâu dài hơn, cay đắng hơn và gây nhiều thiệt hại hơn. Năm 1886, vụ nổi loạn ở Haymarket khởi đầu cho công cuộc tranh đấu đòi làm 8 giờ một ngày. Một trái bom nổ tại công viên Haymarket ở Chicago gây thương vong cho nhiều người. Một vụ đình công khác ở tại nhà máy chế tạo thép tại Homestead, thuộc tiểu bang Pennsylvania vào năm 1892 cũng gây tổn thất cho một số sinh mạng.

Muốn cho các cuộc đình công được hữu hiệu hơn, các nghiệp đoàn thường tổ chức các nhóm người mang biểu ngữ đứng vây quanh hay tuần hành, nghĩa là những người đình công xếp hàng vây quanh cửa tiệm hay nhà máy nơi mà họ đang tranh đấu. Những biểu ngữ này khuyến khích hay yêu cầu các công nhân khác hay khách hàng không nên vượt qua hàng rào của những người tuần hành để vào tiệm hay nhà máy. Khi mà ông chủ mướn những người chống đình công để vượt hàng rào công nhân mang biểu ngữ thì thường xảy ra đánh lộn. Đôi khi ông chủ kêu gọi cảnh sát đến để đàn áp cuộc đình công. Những cuộc đình công ngày nay cũng vẫn còn có thể gây ra nhiều chua xót não nề, nhưng hầu như ít xảy ra bạo động.

Từ thập niên 1930, các nghiệp đoàn đã trở nên mạnh hơn. Họ đã gây được một số ngân quỹ lớn để trợ giúp cho hội viên. Họ tiếp tục tranh đấu đòi tăng lương, giảm giờ làm việc và cải thiện điều kiện làm việc. Các nghiệp đoàn cũng đã tìm cách cưỡng bách ông chủ phải mướn công nhân trong nghiệp đoàn. Họ đã tranh đấu chống lại các cơ sở xí nghiệp "mở" nghĩa là xí nghiệp mướn cả công nhân ở torng nghiệp đoàn cũng như công nhân không ở trong nghiệp đoàn. Một xí nghiệp  chỉ mướn công nhân trong nghiệp đoàn thì gọi là xí nghiệp "đóng". Trong một xí nghiệp có nghiệp đoànm công nhân phải gia nhập nghiệp đoàn torng một thời gian sau khi được làm việc.

- Các ông chủ thực hiện nhiều cải thiện tình trạng làm việc của anh em công nhân.

Dù là các nghiệp đoàn lao động đã tranh đấu rất nhiều để cái thiện điều kiện làm việc của các hội viên nhưng việc này thành công được là do sự đóng góp của các ông chủ nữa. Càng ngày càng có nhiều ông chủ nhận thức được rằng công nhân mà được hài lòng thì họ sẽ làm việc được nhiều hơn và tốt hơn những công nhân phải lo lắng và bất mãn. Những ông chủ như vậy đã lắng tai nghe theo tiếng nói của anh em công nhân, và chấp nhận những yêu sách của họ đòi tăng lương, giảm giờ làm việc cũng như cải thiện điều kiện làm việc. Họ thiết lập các phòng ăn cũng như sân vận động thể thao cho anh em công nhân giải trí. Họ bảo vệ sức khỏe cho anh em công nhân bằng cách mướn bác sĩ và y tá trong xưởng thợ để săn sóc sức khỏe cho công nhân. Công nhân được làm việc ở những nơi thoáng khí và có đủ ánh sáng. Những bộ phận an toàn được gắn vào máy móc để ngăn chặn tai nạn.

PHẦN III

CHÍNH QUYỀN ĐÃ CỐ GẮNG GIẢI QUYẾT MỘT VÀI VẤN ĐỀ

CỦA KINH DOANH VÀ LAO ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO ?

Trong một chế độ dân chủ, dân chúng đòi hỏi chính phủ làm những gì mà họ muốn, nhưng chính họ không làm được. Khi mà kỹ nghệ và công việc kinh doanh phát triển một cách mau chóng thì dĩ nhiên là gây ra một số vấn đề mà cả chính quyền Trung ương lẫn chính quyền tiểu bang đều phải lo giải quyết.

- Những công ty độc quyền gây hại bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Như chúng ta đã thấy là một trong những vấn đề này là việc thành lập các công ty độc quyền. Để ngăn chặn các công ty khởi lập các công ty độc quyền lớn, năm 1890, Quốc hội cho thông qua đạo luật gọi là luật Sherman Anti-Trust. Luật Sherman cấm các xí nghiệp thiết lập các công ty độc quyền để chuyên chở các sản phẩm hàng hóa từ tiểu bang khác, hay từ các quốc gia khác tới. Thế có nghĩa là không có công ty nào có thể kiểm soát dầu, đường, thịt bò hay các sản phẩm khác ở ngoài một tiểu bang.

Tuy nhiên, trong thời gian mấy năm chính quyền đã không thi hành chặt chẽ đạo luật Sherman. Ngay cả khi chính phủ cố gắng phá tan những công ty độc quyền, thì những cố gắng này cũng không phải là luôn luôn được thành công. Thường thường các công ty mà chính phủ tố cáo là các công ty độc quyền, nhưng khi đem ra tòa xử thì các công ty đó lại thắng kiện. Cho nên những năm sau này, Quốc hội lại cho thông qua nhiều đạo luật khác để đè bẹp các công ty độc quyền. Đạo luật Clauton (1914) ấn định rõ ràng những công ty nào là bất hợp pháp.

- Chính quyền điều hành một vài sự độc quyền.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng nếu các công ty chỉ vĩ đại không thôi thì không có gì tai hại cả. Nhưng vì các công ty này đã lợi dụng sức mạnh của mình mà làm những điều không chính đáng cho quần chúng. Trong vài ngành kinh doanh, chính phủ đã phải nhìn nhận rằng cấm các công ty độc quyền trong phạm vi này là không được khôn ngoan. Thí dụ như ngành điện và điện thoại nếu để cho một tổ chức kinh doanh khai thác thì sẽ được hữu hiệu hơn là để nhiều công ty nhỏ rời rạc điều hành. Trong những trường hợp như vậy, thay vì cấm độc quyền thì Quốc hội quyết định kiểm soát họ. Năm 1887, Quốc hội thông qua đạo luật mậu dịch giữa các tiểu bang (The Interstates Commerce Act) để điều hành về giá cả cước phí chuyên chờ bằng xe lửa từ tiểu bang này qua tiểu bang khác. Sau này, Quốc hội lại cũng chấp nhận những luật lệ điều hành các công ty độc quyền không những không bị tan vỡ, mà họ còn phải phục vụ dân chúng với giá phải chăng, đồng thời cũng có lợi cho giới chủ nhân.

- Những luật lệ điều hành các sản phẩm có hại.

Chính phủ cũng nhận thấy rằng cần phải thông qua những đạo luật để ngăn chặn việc chế tạo và bán các sản phẩm có hại. Thí dụ như đầu thế kỷ XX, Quốc hội thông qua một đạo luật cho phép các viên chức chính phủ thanh tra việc buôn bán thịt ăn giữa các tiểu bang, và những tình trạng gói thịt và đóng hộp. Thịt nào đã được thanh tra đều mang dấu hiệu của chính phủ. Một đạo luật khác, đạo luật về dược phẩm và thực phẩm lành mạnh (The pure Food and Drugs Act), cấm chế tạo và bán những dược phẩm mà thực phẩm không sạch sẽ hay có dán nhãn hiệu không đúng sự thực. Khi ban hành đạo luật này là khi Tổng thống Roosevelt đang tại chức. Ông nói : "Không ai được phép đầu đọc dân chúng vì lợi riêng cả".

- Các tiểu bang thông qua các luật lệ về lao động.

Chính phủ cũng thông qua các đạo luật bảo vệ công nhân. Hầu hết các luật lệ lao động lúc đầu không phải do chính phủ Trung ương ban hành mà là do các tiểu bang. Luật pháp tiểu bang cũng ấn định các điều lệ dưới đây :

1) Phụ nữ và trẻ em làm việc. – Chị em phụ nữ và trẻ em chỉ có thể điều khiển những máy móc cần ít sức khỏe và ít khéo léo hơn các công việc bằng tay. Nếu có máy móc trợ giúp, phụ nữ và trẻ em cũng có thể làm việc như đàn ông. Nhưng đối với phụ nữa và trẻ em, nếu phải làm việc từ 12 đến 14 giờ một ngày như đàn ông làm việc torng một nhà máy kỹ nghệ thì rất tai hại và nguy hiểm cho họ. Cho nên có nhiều tiểu bang đã thông qua các luật lệ giới hạn số giờ làm việc trong một ngày đối với chị em phụ nữa và trẻ con.

2) Các điều kiện làm việc. – Các công nhân thường phải làm việc torng những tình trạng không được lành mạnh và nguy hiểm – trong những nơi không khí không được trong sạch , hầm mỏ không được an toàn, hay với những vật kiệu có thể gây tổn thương cho sức khỏe. Họ có thể được mướn làm ở torng những xưởng kỹ nghệ không đủ ánh sáng hay không đủ sưởi ấm, hay quá nóng, hay thiếu vệ sinh. Nhiều luật lệ đã được thông qua để bảo vệ anh em công nhân và chị em phụ nữ khỏi phải chịu những tình trạng như vậy.

3) Tai nạn. – Dù cho tình trạng làm việc  đã được cải thiện, nhưng vẫn không hoàn toàn ngăn chặn được tai nạn xảy ra, cho nên nhiều tiểu bang đã thông qua những luật lệ trách nhiệm về chủ nhân hay luật lệ bồi thường cho công nhân (Employer's Liability or Workmen's Compensation Laws). Những luật lệ này đòi hỏi chủ nhân phải trả lương cho công nhân nếu chẳng may anh em công nhân bị thương vì công việc. Lúc đầu, luật lệ này chỉ áp dụng cho những nghề nghiệp hay công việc đặc việt nguy hiểm. Về sau luật lệ này cũng được mở rộng sang nhiều loại công việc khác.

- Chính phủ trung ương thông qua những đạo luật trợ giúp chông nhân.

Trong thời gian khủng hoảng trong thập niên 1930, chính phủ Trung ương thông qua nhiều đạo luật để trợ giúp anh em công nhân, trong đó có những luật sau đây :

1) Luật về việc điều hành lao động quốc gia (The National Labor Relations Act). – Đã có nhiều cuộc đình công xẩy ra không chỉ vì lương công nhân ạh và tình trạng làm việc tồi tệ, mà chỉ vì các ông chủ đã từ chối không chịu cộng tác với các nghiệp đoàn lao động. Luật The National Labor Relations Act còn được gọi là luật Wagner, bảo vệ quyền lợi của anh em công nhân thành lập nghiệp đoàn và điều chỉnh tập thể với giới chủ nhân. Luật này cũng cho phép ban Quản trị Phối hợp Lao động Quốc gia (National Labor Relations Board) ngăn chặn giới chủ nhân "Không được làm những việc làm không chính đáng đối với anh em công nhân".

2) Luật an ninh xã hội (The Social Security Act). – Luật này được thông qua vào năm 1935, đã có hiệu quả rất rộng lớn. Luật này được thông qua vào năm 1935, đã có hiệu quả rất rộng lớn. Luật này ấn định việc trả tiền cho anh em công anha6n đau ốm và thất nghiệp, và cho những người già cả nam cũng như nữ khi đến tuổi về hưu. Khoản tiền này do sự đóng góp của cả chủ nhân và của chính anh em công nhân nữa. Những khoảng tiền an ninh xã hội này làm cho người ta phải bớt lo lắng vào những khi mất công ăn việc làm hay bị đau yếu, hay chính họ sau này không còn đủ khả năng kiếm đủ tiền để sinh sống hằng ngày. Luật an ninh xã hội cũng đã có một hiệu quả khác. Ví dụ rằng ngay cả khi dân chúng không thể đi làm được, họ vẫn dùng được tiền để mua bán chi dùng. Như luật này ngăn chặn để cho công việc kinh doanh khỏi bị suy sụp và làm cho ít bị khủng hoảng.

3) Luật về lương bổng và giờ làm việc. - Luật này ấn định số giờ làm việc và số lương tối thiểu cho các công nhân làm việc chế tạo hàng hóa được đem từ tiểu bang này sang bán ở các tiểu bang khác. Từ thập niên 1930, cả hai luật về lương tối thiểu và giờ làm việc, và luật an ninh xã hội đã được sửa đổi nhiều lần để giúp cho anh em công nhân được hưởng lợi thêm.

- Chính phủ Trung ương thông qua các đạo luật điều hành các nghiệp đoàn lao động.

Vào khoảng giữa thế kỷ XX, các nghiệp đoàn lao động đã trở nên rất mạnh. Các nghiệp đoàn có thêm nhiều hội viên và các vị lãnh đạo nghiệp đoàn rất có nhiều thế lực. Cũng như những năm đầu, chính phủ Trung ương đã thông qua những luật lệ để điều hành các cơ sở kinh doanh lớn, thì bây giờ chính phủ Trung ương cũng thông qua những luật  lệ để điều hành các nghiệp đoàn lao động. Năm 1947, luật Taft – Hartley giới hạn mộ số hoạt động của các nghiệp đoàn lao động, trong đ1o có những điều khoản khác :

1) Đặt ra ngoài vòng pháp luật việc vây kín cửa tiệm hay xí nghiệp (Vây kín bằng cách công nah6n xếp hàng mang biểu ngữ không cho người ngoài đi vào).

2) Trước khi nghiệp đoàn có thể đình công phải có một thời kì hòa dịu là 60 ngày.

3) Cả hai giới chủ nhân và nghiệp đoàn đều phải yêu cầu nhau hủy bỏ những giao kèo trước.

Mười hai năm sau đó, Quốc hội lại thông qua đạo luật Landrum Griffin để bảo vệ các quyền tự do của nghiệp đoàn như quyền bầu cử nghiệp đoàn và tiền niêm liễm. Luật này cũng cấm những người cộng sản, những quân phóng đãng và những người đã bị kết án tù không được bầu làm đại diện nghiệp đoàn.

Khi luật Wagner được thông qua, thì các nhà lãnh tụ kinh doanh phản đối rằng luật này đã tạo cho các nghiệp đoàn lao động những quyền lợi không chính đáng. Mặt khác, các nàh lãnh tụ nghiệp đoàn lao động cũng chỉ trích luật Taft-Hartley và luật Landrum Griffin. Chúng ta nên nhớ rằng trong một chế độ dân chủ thì quyền lợi của tất cả mọi người , chủ nhân, công nhân, và qần chúng phải được bảo vệ. Muốn giải quyết vấn đề do thời đại máy móc tạo nên, anh em công nhân, các nhà kỹ nghệ và kinh doanh cũng như chính quyền phải cùng nhau góp phần xây dựng và cùng có trách nhiệm chung.

 

Trang Lịch Sử




Đó đây


2024-10-04 - Thái Lan dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam bất chấp phản đối của các tổ chức nhân quyền - Toà án Hình sự Bangkok hôm 30/9 đã ra phán quyết dẫn độ Y Quynh Bđăp, người đã bị Việt Nam kết án vắng mặt 10 năm tù với cáo buộc khủng bố về Việt Nam sau nhiều lần trì hoãn.

2024-10-04 - Kiên Giang: Vạch trần kế hoạch rúng động của 2 mẹ con âm mưu lật đổ chính quyền -

2024-10-04 - Biểu tình trong khuôn viên nhà thờ Thánh Lê Thị Thành tại Marrero, New Orleans, Louisiana - Chiên tiến bộ, hay bảo thủ? Tiến bộ ở chỗ dám nơi lên tiếng nói của mình. Bảo thủ ở chỗ muốn duy trì hệ thống xưa cũ, và muốn chỉ đạo cấp trên!

2024-10-02 - Linh mục ở San Jose, California biển thủ tiền quyên góp bị phạt tù, phạt 1,9 triệu đô la - Linh mục Nguyen đã bị kết án ba năm tù vì tội gian lận ngân hàng và phải bồi thường sau khi ông chuyển hơn 1,4 triệu đô la tiền quyên góp của nhà thờ vào tài khoản ngân hàng của mình. Vào tháng 3, Nguyen bị tòa án liên bang kết tội về 14 tội danh gian lận ngân hàng. Nguyen đã từng là giám đốc của trung tâm từ năm 2001-2011,và từng là cha xứ của Nhà thờ St. Patrick, nay được gọi là Nhà thờ Đức Mẹ La Vang.

2024-10-01 - Đụng xe ác chiến Bolsa! VinFast toàn thắng … tài xế an toàn! - VINFAST bán xe tăng 101%

2024-09-30 - "Dân vạn đại, lúc nào dân cũng đúng hết" -

2024-09-29 - Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra tại Dự án Trung tâm Đức mẹ Núi Cúi - Trên thực tế, theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, “mốc khống chế pháo binh” này đã bị mất trước năm 2016, do Trung tâm Đức mẹ Núi Cúi san ủi mặt bằng để thực hiện dự án.

2024-09-29 - Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng tại Dự án Trung tâm Đức mẹ Núi Cúi, - Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thống Nhất thiếu trách nhiệm, để chủ đầu tư san lấp mất "Mốc khống chế pháo binh – số hiệu 7Q/41" trong quá trình thi công thuộc dự án nhưng không phát hiện và xử lý kịp thời. Theo kết luận thanh tra, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, chủ đầu tư đã nhiều lần có hành vi vi phạm về đất đai, xây dựng.

2024-09-27 - (1) Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Quang Chánh -

2024-09-21 - CHIA SẺ YÊU THƯƠNG: 107 HỘ DÂN LÀO CAI NHẬN HỖ TRỢ VƯỢT QUA MẤT MÁT SAU BÃO LŨ - Đoàn cứu trợ Đạo Phật Ngày Nay do thầy Nhật Từ dẫn đầu.



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-09-30 - Một đạo thì dạy tín đồ PHÓ THÁC, đạo kia dạy người ta "GIẢI THOÁT" - FB Lý Thái Xuân -

● 2024-09-15 - Thưa Giáo hoàng, làm sao cho người lớn nghe lời con nít? - Lý Thái Xuân -

● 2024-09-15 - Những chiếc xe thồ năm nay - và năm xưa - Lý Thái Xuân -

● 2024-09-15 - Chuyện ở giáo xứ Phúc Thành - giáo phận Hà Tĩnh: Lại tan nát thêm một gia đình - Con Ao Làng -

● 2024-09-15 - Lý do các giáo hoàng bảo vệ các giáo sĩ vi phạm điều răn thứ 6 - Lý Thái Xuân -

● 2024-09-13 - Chia Sẻ Kinh Nghiệm Về Những Hình Ảnh / Video Clip Cắt Ghép - FB Lý Thái Xuân -

● 2024-09-13 - Chúa toàn năng nhưng Ngài phải làm cánh cổng để ngăn chặn những kẻ xâm nhập. - Trần Hiển / Những Người Từ Bỏ Niềm -

● 2024-09-12 - Sản Phẩm Của Chúa "Mong Manh Dễ Vỡ" - Giáo hoàng thừa nhận việc linh mục bắt nữ tu làm nô lệ tình dục - FB Du Nguyen -

● 2024-09-04 - Chu Ngọc Quang Vinh - tiễn khách! - Hai Ha Tran -

● 2024-09-04 - Ở Thế kỷ 21 mà vẫn ngu lâu dốt bền - Thượng đế Do Thái là một tên ác quỷ - Ri Nguyễn -

● 2024-09-04 - Chỉ có 7% của dân Việt mà chúng đã làm điêu đứng đất Việt hàng trăm năm. - Chiến Nguyễn -

● 2024-09-04 - Con chiên hỏi: Khả - Thân là ai? - Trương An -

● 2024-08-27 - Về câu phát ngôn về "văn hóa" của ca sĩ Lê Cát Trọng Lý - Lý Bình -

● 2024-08-24 - Việt Cộng Là Ai? - TRUONG-AN -

● 2024-08-11 - Cười chơi vài giây - BẦU CỬ LẦN CUỐI TẠI MỸ - diendandantoc -

● 2024-08-10 - Một góc tranh luận: Người TCG muốn biết thế nào là TÀ ĐẠO! - FB Du Nguyen -

● 2024-08-10 - Tại Sao Nước Mỹ Ngày Nay Không Có Lãnh Đạo Tốt? - Mike Wilson -

● 2024-08-10 - TÀ ĐẠO - CÔNG GIÁO VATICAN - GIAN MANH LỪA DỐI - NGAY TỪ ĐẦU - Mike Wilson -

● 2024-08-03 - Khi nghe một người nổi tiếng được "RỬA TỘI" theo CGLM - Lý Thái Xuân -

● 2024-07-06 - Giê-Su Хấu Tính Như Thế Nào? - Vài thí dụ trong thánh kinh - Lê Phát Đạt -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 >>>