HÀ NỘI BỂ DÂU

- truyện ký -

BS Nguyễn Văn Thịnh

CỐ NHÂN

Chuyện đời nghĩ thật vẩn vơ

Tấm lòng khi trước bây giờ khác nhau

Trước lo chẳng được sống lâu

Nay là ông lão bạc đầu... vẫn lo!

 

Thoáng đã hơn chục năm, chúng tôi mới gặp lại nhau. Lão cả rồi! Ông thanh minh:

- Lâu không gặp chú cũng nhớ đấy. Nhưng ghe phà cách trở. Giờ có cây cầu mới, chui cha là đẹp! Tui đi khánh thành cầu rồi vọt lên thành phố. Đã cái bụng qúa chừng!

Hai tay giơ lên hai giỏ quà:                                       

- Đây là quà của ngày quê hương gian khổ – là mấy mụn măng… Và đây là quà quê hương đổi mới – là mấy trái bưởi da xanh lai tạo mỡ màng.

Tôi đỡ mấy mụn măng mạnh tông mà vui trong bụng. Măng tươi, ăn sống ngọt không thua củ sắn (củ đậu):

- Ngày ấy không phải cái gì cũng khổ cả đâu. Khối cái bây giờ kiếm đỏ con mắt không ra.

Cách nay hơn 40 năm, tôi mới qúa tuổi đôi mươi. Ở rừng xuống đồng bằng, thấy người có râu là kêu chú, xưng cháu nghiêm chỉnh lắm. Và ông kêu lại chúng tôi là mấy chú, xưng qua ngọt sớt. Thân tình rồi mới dám hỏi tuổi, thì ra chú mới ngoài băm nhưng để qua mắt giặc, chú phải giả già đi… Lâu dần nhập vai. Lính cả hai bên đều ngán ông già hay lý sự, chửi ngọt nghe lọt tai mà nhức hòn rái! Lúc lai rai vui vẻ, định kêu chú bằng anh nhưng nhìn đứa con gái lớn ở tuổi trăng tròn, ngoài giờ học, vô “dzuông” giúp ba việc đồng, chúng tôi nghĩ tôn anh là chú cũng chẳng thiệt vì được nhận lại tiếng anh ngọt ngào của bé Hai thương qúa. Vậy là chúng tôi đều kêu nhau bằng chú, cùng ngầm hiểu ông vai chú lớn và tôi vai chú em. Tôi thiệt lòng qúy và tin ở chú mọi sự. Chú cũng thương tôi đầy bụng và bỏ qua cho nhiều chuyện. Nhiều kỷ niệm mà thời gian càng qua đi càng thấy là vô giá.

Giá như bé Hai còn sống, cuộc đời tôi biết đâu đã khác. Cái chết của Bé phần nào cũng do tôi. Chẳng là đội phẫu thuật dã chiến của tôi ẩn trong địa hình. Bé từ chợ vô đồng, thường giúp chúng tôi mua thuốc ngoài thành về. Dân quen lính, lính quen dân, dễ dàng qua mắt. Một lần, Bé chuyển hàng vô, qua bót “dzàm”, không may có thằng thượng sỹ Mỹ mới về làm cố vấn ở đây. Thấy gái trẻ, nó ngoắc vô. Cô bé rồ máy cho ghe lướt nhanh qua. Thằng Mỹ giật khẩu AR15 từ tay tên đồn trưởng lia liền hết băng đạn. Chiếc ghe lật úp xuống kinh, trong tiếng máy xặc nước, dòng máu đỏ loang ra…

Ông già từ đồng về, mò xác con, chở thẳng lên bót. Tên đồn trưởng người cùng xã, chỉ thằng Mỹ:

- Ai biểu ông cố vấn ngoắc, con nhỏ không vô!

Ông già cự laị :                             

- Nếu ông đồn trưởng ngoắc, con tui không “dzô” là lỗi ở nó! Còn giống quỷ kia, nó ngoắc vợ con ông… có dại “dzô” không? Đàn bà con gái vào tay lũ ấy sẽ lãnh điều chi, ông biết qúa đi rồi!

- Nó bắn, sao ông cự tui?

- Các ông đóng đồn bót là để bảo vệ dân chớ sao lại đem trứng mà gởi cho ác “dzậy”?

- Tui mà cản nó thì mạng tui chẳng còn!

- Nó chỉ là thằng thượng sỹ. Ông là sỹ quan, Trung úy quân đội Việt Nam cộng hòa, mà sao sợ nó?

- Nó quyền hơn cha mình chớ bạn bè đồng minh đồng mẽo chi! Cả nhà ông Diệm, nó ngoắc một ngón tay là sạch ráo!

Chẳng có cái lý phải nào với những loại người này. Người mình mất đành chịu thôi…

Tôi thương em và nỗi đau cứ ngấm ngầm mãi. Gia đình coi cái chết của Bé Hai là do thằng giặc cũng như có đứa nào trong đám chúng tôi lỡ chết, và tình cảm với chúng tôi vẫn nặng. Càng đau hơn khi đất nước hòa bình thống nhất, chúng tôi làm thủ tục xin truy phong liệt sỹ cho em mà không được. Ông cán bộ chính sách bảo: Có vậy mà hưởng liệt sỹ thì xã này, huyện này, tỉnh này hàng tỷ! Tôi buồn nhưng tự an ủi: Nhờ có hàng tỷ tỷ người hy sinh âm thầm như thế mà đất nước này, mới có hôm nay.

Ngày hòa bình, cử chỉ ăn mừng đầu tiên của chú là mài con dao thiệt bén, dọn sạch bộ râu rễ tre đi. Bà xã coi cái mặt chồng phẳng lỳ, láng o, cằn nhằn:

- Đàn ông không râu... kỳ hợm!

Ông tợp cạn ly rượu, cười khà:

- Vì thằng giặc nó bắt tui sớm già, bà cũng phải già sớm theo tui. Giờ tui được trẻ lại thì bà cũng phải nghĩ làm sao chớ!

Bà vợ “hứ!” nhìn ông… Rồi cũng xuôi.

Bây giờ ở tuổi bát tuần, râu tóc trắng như mây, da mồi, quắc thước. Xem chừng tôi còn thua ông. Tuy ít gặp nhưng lòng vẫn nghĩ về nhau như trước.

Chúng tôi hàn huyên nhiều chuyện. Chú biểu cánh già nói chuyện vui thôi, chẳng sống đời ở kiếp mãi được, chi bằng vui cho khoẻ. Cuộc đời là của lớp trẻ, chúng khôn hơn mình nhiều... Mà vòng vo sao lại đụng vô cái chuyện… lúc đầu tưởng là bâng quơ, nhưng càng nói càng buồn, muốn lảng đi không được.

- Nhân đây tui hỏi chú chuyện này... có lạ không?

Đấy là mào đầu câu chuyện về mấy bức tượng người ta đang muốn dựng lên ở xứ cù lao dừa nổi tiếng của đồng bằng Nam bộ.

- Không dưng hạ bệ, giờ lại dựng lên! Bà con tui chỉ biết cười! Thiệt tình là cười đấy mà không biết vui hay buồn? Người nhà quê chúng tôi ít học. Nghe người nói ý này, ý khác… Mà người xưa thì khuất lâu rồi, người nay lại bảo nói có sách, mách có chứng hẳn hoi, làm rối tung lên! Chú được học, lại ở thành phố quen nhiều, hiểu rộng. Vậy ý chú sao?

Việc này đâu khó. Người xưa đã thành thiên cổ hết nhưng chứng tích rành rành đầy trong sử sách. Biết sơ còn cảm khái thương tình. Nhưng càng đọc càng như bươi ra cái thây chưa phân huỷ hết! Vậy mà giành cái lý phải lại chẳng dễ chút nào vì những tiếng nói có gang có thép lại đâm hông. Thế mới là đời! Suy nghĩ mãi, tôi hỏi chú :

- Chắc là chú đã đọc hết những gì người ta viết trên báo rồi?       

- Tui đâu có sức đọc hết các báo chớ. Tình cờ thằng cháu nội mang về tờ Văn nghệ thành phố. Đọc rồi, bám riết xem sao. Mà hỏi thiệt chú chớ nhà báo có dám… nói láo ăn tiền không?

- Chuyện khác thì không dám chắc. Nhưng chuyện này mà nói láo thì trước tiên ông chủ báo phải ra hầu toà và mất chức là cái chắc.

- Ừa… Càng đọc càng thấy tức ứa gan!

- Ở tuổi chú là rành Pháp, rành Mỹ lắm. Trước đây chú coi họ là gì?

- Chú hỏi kỳ! Nó ở đâu tới chiếm đất mình, bắn giết dân mình thì là giặc chớ là gì? Giặc Tàu rồi đến giặc Tây. Cớ sao các chú đi đánh nó? Cớ sao bà con tui hết lòng ủng hộ đàng mình? Bộ ngu cả sao?

- Thế chú gọi những người theo giặc là gì?

- Trừ số người bó buộc phải sống theo thời ra, không nói làm chi. Nếu không có bọn người đắc lực dò la, chỉ chọc, dụ ngọt chán rồi hù dọa, lại bày mưu, giúp kế thì thằng giặc dễ gì ở được xứ này. Đám đó gọi là quân bán nước, lũ tay sai, kẻ Việt gian chớ là gì nữa?

- Đáng buồn là người ta đang muốn dựng tượng mấy người ấy đấy!

- Chú nói thiệt không? Người ta biểu mấy người này có học, có tài lắm mà?

- Tội manh tâm bán rẻ tổ quốc không kẻ nào dám nhận. Đương thời đã chẳng ai ưa, còn để tai tiếng mãi cho hậu thế. Kẻ có học có tài, miệng mới biết phun ra nọc độc làm mờ mắt thế gian, che đi cái gan thỏ, cái tà tâm của họ!

- Sao tui nghe nói người ta họp khoa học, nói rằng đó là những nhà văn hóa, có công lớn với quốc gia, dân tộc, đáng được dựng tượng tôn vinh?               

- Kể ra thì cũng có tài… Nhưng cái công không đáng gì so với cái họa lớn họ gây ra cho dân cho nước mình! Xét công, xét tội là phải xem từ đó.

- Có ông cán bộ giải thích vì thế ta không kêu là danh nhân… Coi như ta dựng tượng nhà văn hóa, được chớ sao?

Nếu đúng đó là lời từ một ông cán bộ nào đó nói ra thì thật là buồn! Nhưng nói sao để ông chú của tôi đây hiểu được, thật không dễ chút nào. Mà tôi cũng chẳng phải là người được học căn cơ từ những trường lý luận nhà nghề danh giá. Tôi nói đại, ưng bụng hay không tùy chú:

- Thực ra danh nhân với nhà văn hóa không khác gì nhau. Họ đều là những người có tài, có đức, có công làm cho nước thịnh dân cường. Họ hành xử theo đạo trời và hợp lòng người. Có khác nhau là công đức ai dày mỏng hơn thôi. Còn những kẻ dù tài mấy đi nhưng làm nhục quốc thể, bán rẻ tổ tiên, coi thường đạo lý thì không thể gọi là danh nhân hay nhà văn hóa được. Bụng họ đặc chữ đấy nhưng vẫn là tiểu nhân. Dù họ có vinh hoa phú qúy thì cũng chỉ là phường giá áo túi cơm thôi.

- Thế họ có nổi tiếng thiệt không?

- Có người nổi tiếng nghĩa hiệp. Có người nổi tiếng bất nhân. Chẳng lẽ vì nổi tiếng mà người ta dựng tượng Hitler, Tần Thủy Hoàng, Lê Chiêu Thống hay là Bảo Đại?

- Ông nói gà, bà nói vịt. Dân chúng tui biết nghe ai?

- Không phải đến bây giờ người ta mới làm khoa học. Lúc sinh thời, ông Tiến sỹ ấy bị vua Tự Đức quở trách nặng lắm, thậm chí còn bị tuyên án tử. Đến đời vua con do người Pháp dựng lên thì phải làm theo ý của người Pháp, phục chức cho ông ta. Còn ông kia, dù khoác trên mình cái áo chùng tu hoặc thay vào bộ phẩm phục đại quan hay làm thầy dạy học, viết sách… nhất nhất đều làm mật thám cho Tây! Dân ta gọi là “đồ phản phúc” trong khi quan Tây khen “tận tụy trung thành với nước Pháp”. Khi chết, cả hai người đều được đội lính danh dự Pháp bồng súng chào, có dàn kèn đồng thổi khi hạ quan vùi thây dưới đất và bắn súng tống tiễn hồn về thượng giới, uy nghiêm chỉnh chện lắm. Rồi lại được đúc tượng đồng, lấy tên trường, tên đường để tưởng thưởng cho cái công tận tụy giúp ngoại bang khai hóa xứ này.

- Ừa… Nếu không có công to với nước đại Pháp thực dân, sao được vậy? Ắt phải làm cho nước mẹ mình khốn khổ, là mang tội đại bất hiếu chớ sao!  

- Sinh thời Bác Hồ, đã có Hội nghị khoa học xem xét cẩn trọng chuyện này, có sự tham gia của nhiều nhà khoa học danh tiếng và những vị lãnh đạo uy tín, đức độ và đầy trách nhiệm. Một người quan trọng thời đó còn đến bây giờ là nhà sử học Trần Văn Giàu...

- Phải ông Sáu Giàu thì người Lục tỉnh quá rành! Thời trẻ, xin ông già cho qua Pháp học hứa sẽ lấy hai bằng Tiến sỹ. Vậy mà bỏ dở sự học đi làm cách mạng. Hết Côn Đảo đến Tà Lài, dạy học trong tù tây còn nể mặt. Ra tù về lạy cha nhận tội bất hiếu không tròn lời hứa. Ông già hổng giận còn khen: Lúc quốc gia vong biến biết lấy trung thay hiếu là đại nghĩa!

- Dạ, cụ là bậc thầy tài năng đức độ. Những gì xảy ra ở xứ Nam bộ này cụ rành như sáu câu vọng cổ. Giờ gần trăm tuổi rồi, sức tuy yếu nhưng còn tỉnh, cụ bảo: “Chuyện này đã bàn nát nước, công khai, lý tình cân nhắc, coi như đã chốt lại rồi, còn bới ra làm chi nữa”!

- Cha dạy học, con đốt sách là thế đấy! Thời nào cũng có… Thế những người đó là ai?

- Toàn là học giả cả đấy!

- Thời này chẳng biết ai học giả, ai học thiệt! Mấy ông tui biết, chỉ thấy cắp cặp đi họp thay vì cắp sách đi học, đùng một cái khai có hai ba bằng đại học xịn! Xem ra thời nay có máy học thay người, sướng qúa. Còn tụi tui ngày xưa học đại, nghĩ tới cái bằng cấp như chuyện trên trời! Coi bộ mấy ông học giả này cũng nổi tiếng dữ ha?

- Nhìn bằng cấp và chức sắc của họ khối người lé con mắt!

- Thời nay chẳng biết sao. Tui đọc báo thấy có mấy nhà tỷ phú cũng đi lừa hàng chục tỷ Đô. Mà những người có dư tiền của giao cho người khác đâu phải tay vừa, dễ dụ? Thì ra kiếm cái bằng dễ chừng nào, dễ lừa được người mà cũng dễ bị người lừa!

- Người xưa nói Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài, vận vào mọi thời đều đúng. Nhưng đấy là chuyện của người ta… Nói ra không ít người nhột, chẳng thèm chơi với mình đâu. Như ở ta, họ cứ trương cái tượng lên thì chú tính sao?

- Thì đành chịu chớ sao! Cái lực trong tay kẻ có quyền mà.

- Nhưng bụng chú nghĩ sao?

- Nếu những lời góp ý đó là đúng, thì tui tin người ta sẽ suy nghĩ lại. Chẳng vội vàng gì. Tại sao mấy tỉnh bên cũng dựng tượng những ông Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ khoa Huân… cả nước phấn khởi đồng tình, thì ta phải nghĩ lại xem. Chẳng lẽ họ phá mình sao? Người xứ tui nhất nhân tâm lắm chớ, không ăn ở hai lòng đâu. Chuyện này, chính tui mục sở thị từ thời còn niên thiếu…

Ông già tợp miếng nước, mắt nhìn xa xăm, chậm rãi như kể chuyện cổ tích:

- Ngày Cách mạng mùa thu tưởng xa mà gần, vì tui vẫn nghĩ như nó xảy ra mới hôm nào. Xứ Nam bộ này chỉ được hưởng độc lập chưa đầy tháng thì quân Pháp đã chiếm lại Sài Gòn, rồi đánh lan ra các tỉnh. Đánh đến đâu, chúng lập ngay chính quyền tay sai đến đấy. Thời nào chẳng có kẻ sẵn sàng theo giặc. Đã có tiếng, lại có miếng. Nhưng đó là hạng người nào? Chắc chắn không phải là những người hiền lương tử tế hoặc là những người có học mà cương thường khảng khái. Ở huyện quê tui lúc ấy có ông Lâm Thiên Tứ, nhà giàu lắm, hồi trẻ du tây học, mang về cái bằng tú tài nhưng ông chỉ để trong tủ chơi thôi, không ra làm quan chức gì. Bà con miệt vườn tín nhiệm lắm vì ổng rành luật pháp, hay bênh vực đồng bào. Tên quan Pháp chủ tỉnh kêu ổng lên, giao cho chức quận trưởng để lấy uy cho cái chính quyền nó dựng lên. Ổng lắc đầu. Nhiều lần dụ dỗ không được, chúng giao cho đồn binh đóng ở huyện bắt ổng và người con trai lớn là Lâm Thiên Trường, cột hai cha con vô cọc giữa chợ huyện và ra lệnh tối hậu: – Một là nhận làm quận trưởng! – Hai là bắn bỏ ráo cả hai! Ông Tứ thà chết với con chớ nhất định không chịu làm tay sai cho giặc!

Ông già ngậm ngùi, không cần giấu hai dòng lệ tuôn ra. Tôi chia sẻ cùng ông. Giọng ông rành rọt:

- Người miệt vườn tui là thế đấy!

Ông chiêu ngụm nước như nuốt đi cục giận:

- Đấy mới là tấm gương để cho lớp hậu sinh lớn lên mà học! Còn thiếu gì tấm gương sáng láng. Xứ tui tướng lĩnh, văn nhân đâu ít? Mà trách chi dưới tỉnh… Tui nghe nói ngay giữa thành phố Hồ Chí Minh đây cũng đã một ông được gán tên trường? Lại thuê được một ông thầy có tiếng, có danh, làm Hiệu trưởng mới độc chớ! Người này làm được, người khác cũng làm theo. Vậy lỗi ấy bởi ai?

- Bây giờ người ta muốn hòa hợp.

- Mới đây thôi, tên trưởng bót Vàm đó, chú nhớ chớ, ở Mỹ về thăm quê. Hắn đi qua cổng, bộ ngó lơ, tui kêu vô nhà, mời nước. Hắn giả đò xin thắp nén nhang lên trang thờ, ông bà tui hắn biết, nhưng là để có cớ thắp nén nhang trước tấm hình con Bé Hai. Nói chuyện một hồi, hắn biểu: “Xa quê mới biết thế nào là quê, chớ không nói ra được. Giá như làm được điều tốt cho xứ sở mình thì hay qúa. Nhưng bây giờ lực bất tòng tâm, có về cũng chẳng làm được gì, càng buồn. Thôi đành gởi xác xứ người!”. Tui hỏi: “Sao nghe bển mấy ông còn dựng cờ vàng ba sọc thề phục quốc?”. Hắn biểu: “Phục hận chớ phục quốc gì! Kể ra thì cũng không ít người ôm hận, không dưng mất ráo”! Tui biểu: “Hận chi? Số có của quyền thế nhờ thời được mấy! Số nữa thì chú  đã biết! Như tui thấy thiếu chi đứa chữ nghĩa gì đâu, nghèo mạt, chẳng biết mần chi, liều mạng theo người ta lao ra biển, may mà thoát chết, qua bển đặt điều thù hận oan ức lắm”! Nó biểu: “Về mừng thấy quê hương khá lên nhiều nhưng vẫn còn...” mà không dám nói ra. Tôi biểu: “Thiếu chi chuyện, có chuyện tức ứa gan à! Mà chuyện nhà chừng nào hết? Nhưng dân mình giờ chẳng ngu gì lao vô cảnh nồi da xáo thịt đâu”! Ý chừng nản, hắn chép miệng: “Lúc quân sỹ súng ống lẫy lừng làm chẳng nên chi, giờ sắp theo ông bà rồi, con cháu biết đâu chuyện cũ, ngãng ra, huống chi người dưng”! Nghĩ sao, lúc đi hắn tới chào tui, ngập ngừng, lưu luyến. Nghĩ cũng tội, gần mãn đời rồi, còn dịp nào nhìn lại quê hương? Đau đớn mấy cũng qua rồi. Còn hờn oán nhau làm chi nữa. Nhưng hòa hợp là phải thiệt lòng. Ai đem cục mồi ra nhử là đồ vô lương! Ai ham cục mồi như con cá đói rồi sẽ mắc câu! Không bền lâu được. Hòa hợp là để cho quê hương mình khá lên, cho tình làng nghĩa xóm đằm thắm hơn, cho lẽ phải sáng ra, chớ đâu để cho vàng thau, trắng đen lẫn lộn… 

- Người ta còn đòi đổi mới nhiều thứ kỳ lắm! Ngay cái gọi là yêu nước cũng nghĩ theo kiểu mới… Đánh giặc bảo vệ quê hương chưa chắc đã là cần thiết! Theo giặc mà gọi là hợp tác để khỏi chết, có cơ làm giàu, biết đâu là sáng suốt!... Anh nào cũng lý sự sùi bọt mép, chẳng chịu ai.

Ông già đỏ mặt lên nhưng mau đằm lại:

- Nhà nghèo mới biết con có hiếu. Nước loạn mới biết tôi trung. Lọt hom rồi mới biết thân cá nằm trong rọ! Có ai dại nuôi con cá bự đâu? Họa là ba con cá sặc màu mè, được thả vô chậu nuôi chơi qua ngày. Người ta lúc hoạn nạn mới biết rõ ai lòng dạ nông sâu, ai chính, ai tà, ai tốt, ai xấu, ai dũng, ai hèn… Còn cái lúc yên bình, thằng nào mạnh mồm nói dóc, lại có tí của chìa ra, khối đứa hùa theo! Đời tui thấy rõ từ các ông bạn Tàu, bạn Pháp, bạn Nhật tới bạn Mỹ rồi! Chú biết, cảnh nhà tui neo đơn lo ăn còn cực, sức đâu ham quan tướng, không cầm súng theo bên nào con tui vẫn chết!

Ông già ứa nước mắt ra. Nhớ chuyện xa xưa, lòng tôi cũng không cầm được. Giọng ông trùng xuống:

- Ai mới gì thì mới, tui vẫn cũ mèm. Tui biểu con cháu điều gì thấy là mình sai thì sửa, chứ đổi mới cái gì? Chú xem như cái vườn của tui hồi các chú đóng quân ở đó, không dưng nghe người ta xúi, mình bỏ công đào lên làm đìa nuôi tôm. Tưởng hay thành dở! Thằng khôn chẳng theo mình, học ai bơi đất trồng bưởi da xanh, giờ lại bày chuyện lai trái tạo hình, ép chữ... làm chơi mà ăn thiệt, còn dư  vốn cho mình mượn quay lại từ đầu… Đồng tiền có chân đấy, nó chỉ chạy đến với kẻ khôn thôi. Không ai dụ được nó đâu. Chỉ có người mới bị đồng tiền dụ thôi. Cũng như chuyện mấy cái tượng này…

Tôi cùng một ý với ông:

- Giá như ai đó bỏ tiền bỏ của ra đúc tượng vàng, tượng bạc gì cũng được, đem trưng trong vườn, trong “dzuông” hoặc trong nhà thờ gia tộc họ đi. Ai nghe danh muốn xem mặt rành tên mặc sức đến.

Ông vừa lòng ngay:

- Ông bà ta nói: Làm thầy phải chính tâm mới dạy được người. Làm quan phải nghĩa khí lúc hiểm nguy, liêm chính lúc thư nhàn mới che chở đỡ được cho dân. Mấy người không có được đức ấy thì có gì vinh để tôn lên? Không dưng lấy tiền của dân, dựng người lên thành tượng, tượng hóa thành người. Người thiệt người giả ngày ngày ngó lơ nhau, khó coi qúa! Người chết rồi là thoát tục, muốn được siêu thoát. Chỉ người sống mới ham hố ganh đua… Coi chừng làm khổ người ta!

Tôi nói để ông đỡ nặng lòng:

- Dù sao đấy mới chỉ là ý muốn của người này, người nọ. Phải chờ hạ hồi phân giải.

Nét mặt ông tươi lên:

- Nói vậy thôi chớ có người say thì còn có người tỉnh, có người dại còn có người khôn, còn có người trên sáng suốt. Tui nghe nói cả nước ra sức học tập tấm gương Cụ Hồ. Tui già rồi, học không vô, nói ra không được. Nhưng tui chắc một điều: Bác Hồ là người Việt Nam yêu nước nhất! Học Bác nhiều thứ thì khó lắm, mà trước hết là học tấm lòng cần-kiệm-liêm-chính hết mình vì nước vì dân, được tới đâu là phúc nhà phúc nước tới đó. Sẽ không ai cậy quyền thế hà hiếp bức ép nhau, không ai tham của người lấy làm của mình, không ai được đặc quyền đặc lợi, là mọi người sẽ tin nhau, thương nhau chớ gì? Dân tình được yên ổn, đất nước hòa bình là sướng nhất. Chú văn hay chữ tốt làm sao nói ra dùm tui điều đó.

Tôi hứa với ông:

- Tốt nhất là có dịp nào tôi kể i xì câu chuyện của chú cháu mình. Khen chê mặc người.

Chú cháu tôi chia tay nhau bịn rịn hả hê.        

(đón đọc Chương 13: TÌNH THƠ)

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_HNBDk.php

11-Nov-2017

• Các bài của Nguyễn Văn Thịnh: link http://sachhiem.net/VANHOC/N/ListNVTh.inc.php

Trang Văn Học