HÀ NỘI BỂ DÂU

- truyện ký -

BS Nguyễn Văn Thịnh

NHỮNG NGƯỜI THẦY LỚN

Việc đời nối nhau vần chuyển

                   Đến-Đi rồi hóa Xưa-Nay

                   Gót son còn in dấu đẹp

                   Đời - nào dám quên cố nhân!

  

Lớn lên, mỗi người phải có một nghề để sống rồi hãy tính đến chuyện gần xa.

Mười năm trồng cây – Trăm năm trồng người. Xem ra một người trồng trăm cây thì dễ, trăm người vun cho một người mà khó. Nhìn ra điểm sáng của người không dễ. Làm theo gương sáng của người càng khó!

Khi học nghề thuốc, hỏi ý bố tôi, cụ bảo: Nhất nghệ tinh - Nhất thân vinh. Tuy nhiên, trên đời này có ba nghề cao qúy được xưng tụng là thầy: Thầy tu, Thầy giáoThầy thuốc. Xứng đạo làm thầy được mấy ai? Nhưng muốn theo nghiệp thầy cần nhớ: Thầy tu đừng háo sắc! Thầy giáo phải làm gương! Thầy thuốc chớ ham giàu! Lớn lên ngẫm lời răn đó dù chưa hội đủ phẩm chất một người thầy nhưng chí ít cũng là sự đòi hỏi với một nghề thiết yếu với đời.

Một sự tình cờ, tôi thành thầy thuốc và thầy giáo. Một sự may mắn, tôi được học hỏi và gần gũi những người thầy lớn mà những lớp sau khó gặp. Chẳng hay gì thói đời tôn sùng người khác là cách mượn uy người để tôn vinh mình: Ta được gần người, được người dạy dỗ và dìu dắt. Ta hiểu người, được người tin giao việc kế thừa. Sau người chỉ có ta thôi!                                                                            Các thầy được hưởng một nền giáo dục Á đông căn cơ truyền thống, lại được tiếp cận nhiều năm tại cái nôi văn hóa phương tây. Điều kiện lịch sử đã rèn luyện, thử thách và tạo nên một lớp sỹ phu–trí thức uyên bác, thâm sâu kiến thức đông tây kim cổ, gắn bó sự nghiệp riêng cùng với sự thăng trầm thế sự tạo nên một thế hệ vàng của trí thức Việt Nam!

Bởi tuổi tác, các thầy vào hàng bá phụ, chúng tôi không thể là bạn trang lứa tâm giao để người trước kẻ sau tâm sự nỗi niềm. Cũng bởi sự nghĩ con đường ta đi có người vạch sẵn, mọi việc cần làm có người chỉ bảo, mọi thành viên trong xã hội cứ thế mà đi tới, ráng sức mà làm. Giảng đường Đại học lẽ ra là nơi phát tiết tinh hoa trí tuệ, lại chỉ là nơi khuôn sáo giảng truyền kiến thức. Hao trí thầy, mòn mộng trò! “Thiên hạ đa năng ưu hoạn thủy” (Người đời biết lắm phiền nhiều). Lòng đầy tâm trạng nhưng mỗi thầy một sự biểu lộ khác nhau.

Không hiểu sao, mỗi lúc nhớ tới các thầy, tôi thường bật lên câu ca dao cổ học được từ thời niên thiếu:

Em ngồi cành trúc, em tựa cành mai

Đông đào tây liễu lấy ai bạn cùng?!

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chắp nhặt tình cờ những ý tưởng suy tư của thầy để nghiền ngẫm bổ túc vốn nghề, vốn sống và những trăn trở thời thế.     

Người thầy lớn Hồ Đắc Di để lại ấn tượng trong nhiều thế hệ học trò là một ông cụ mình mai vóc hạc, vầng trán rộng, giọng trầm ấm, chậm rãi và chuẩn xác, những lời đùa vui hợp cảnh hợp tình dí dỏm mà sâu sắc kèm theo đôi mắt sáng mơ màng và nụ cười hiền.

Con người tài năng trí tuệ ôm nhiều mộng ước nhân văn mau sụp đổ khi nhận ra sự thật cay đắng dù là vua, quan, sỹ phu, hoàng thân, quốc thích đều là dân vong quốc! Mấy ai dám “nhấn chìm mọi lợi ích cá nhân để không thành một kẻ lạc lòai quên đi những bài học lịch sử đắng cay mà cả dân tộc ta đã đi qua với bao nhiêu cực nhọc và đau đớn”. Ấy là  người thầy thuốc Việt Nam đầu tiên được cầm con dao mổ cho đồng bào mình, là người Việt Nam đầu tiên được nhà nước bảo hộ phong học vị giáo sư đại học.

Hiếm thấy một vị Hiệu trưởng trường Đại học nào có sức thuyết phục và được sự nể trọng cả về đức tài không chỉ với những người trong ngành mà cả trong giới nhân sỹ hàng đầu. Giới trí thức Thủ đô hầu như đều gọi thầy bằng “Cụ” từ khi cụ còn rất trẻ. Vậy mà Cụ lại coi sinh viên như những đồng nghiệp mà thầy chỉ là người đi trước bằng cách đối xử chân tình, tôn trọng tài năng và nhân cách của họ. Khi cần nhắc lại chuyện xưa, Cụ nói rất khiêm nhường: Ngày trước tôi hướng dẫn anh A, anh B… dù các vị đó đang là những giáo sư danh tiếng chứ không bao giờ nói tôi đã “dạy”, ý rằng dù đứng trên giảng đường đại học, người thầy cũng chỉ là người đi trước, gợi mở cho lớp người sau nắm bắt kiến thức để họ tự suy nghĩ, tìm tòi hướng tới chân trời tri thức vô cùng tận.

 Cụ nâng hoạt động nghề nghiệp của người thầy thuốc và thầy giáo lên tầm tư tưởng. Cụ nói: Người thầy thuốc đồng thời phải là một triết gia, một nghệ sỹ và một nhà khoa học. Phương châm sư phạm của “cụ” là: “Dạy ít – Học nhiều – Hiểu sâu – Biết rộng”. Cụ thường nói câu dí dỏm mà sâu sắc: “Hãy làm thầy cho ra trò”! Thiên chức của người thầy là đào tạo ra những “người có văn hóa và có học thức nghĩa là những con người có nghề nghiệp vững vàng và những con người tự do”, hiểu theo biện chứng: “Tự do phải đồng thời với dân chủ và trách nhiệm. Chỉ có bầu không khí thật sự dân chủ ở trường Đại học thì óc phê phán khoa học – đóa hoa đẹp nhất của trí tuệ con người mới nở bừng tự do”. Cụ thường nhắc câu nổi tiếng của Proudon: Khoa học là sự nổi loạn của tư duy! Nghĩa là không ngừng sáng tạo. Người thầy không chỉ tải hàng mà còn tải đạo. Hàng là vốn kiến thức phải thường xuyên cập nhật và Đạo là hướng con người không lúc nào quên sống và hành động vì Chân-Thiện-Mỹ.

Cụ có tầm nhìn xa của nhà khoa học lớn. Trong lúc người ta loay hoay với phương châm “Phòng bệnh và chữa bệnh” thì Cụ đã lên tiếng cảnh báo rằng: “Xã hội đang ở đúng vào lúc đáng sợ mà ngay điều kiện sinh tồn cũng bị xem khinh” và dự kiến trong tương lai phải xây dựng một nền y tế xã hội mà nay ta gọi là Y tế cộng đồng, nghĩa là không thể coi thường việc bảo vệ môi trường.

Ngày khai giảng trường Đại học Y khoa kháng chiến giữa núi rừng Việt Bắc,  đồng thời với việc khuyên lớp người trẻ hãy theo sát để học hỏi những tiến bộ kỳ diệu của Liên Xô, Cụ vẫn không quên căn dặn: “Ngày nay đó là một trong những cực hấp dẫn quan trọng nhất của đời sống hiện đại. Dù ngày mai cực ấy có thể chuyển dịch đi nơi khác chăng nữa thì điều đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì lịch sử đã dạy chúng ta là những trào lưư tiến bộ và văn minh của nhân loại đi từ Đông sang Tây, rồi từ Tây sang Đông cũng giống như chuyển động của quả lắc đồng hồ”! Những biến thiên thời cuộc ở cuối thế kỷ XX khiến nhiều người không khỏi bàng hòang nhưng dưới tầm nhìn của triết nhân, mọi sự diễn ra đều nằm trong qui luật.

Sau này công luận nói nhiều về y đức. Lúc sinh thời, Cụ không dùng từ “y đức” mà gọi là “phẩm giá nghề nghiệp” tới mức có thể quên mình của người thầy thuốc: “Không có nghề nào lại mang nặng trách nhiệm với con người đến thế! Sự khô cằn của trái tim không thể dung hòa được với tiếng nói của nghề nghiệp”! Không có ngụy lý nào cho người thầy thuốc thả nổi phẩm giá của mình. Bước vào nghề Y đã là một sự tự nguyện dấn thân, sẵn sàng chấp nhận cả vinh lẫn lụy. “Bổng của thầy thuốc mà nhiều hơn lương thì có mà chết”! Nghĩa là phẩm giá của người thầy thuốc khó mà giữ được và tai họa sẽ giáng lên người bệnh! “Thầy thuốc có giá trị đến đâu thì sự nghiệp có giá trị đến đấy. Họ không nhất thiết phải nghèo túng song trái lại họ nhất thiết phải giữ phẩm giá. Dù trong hòan cảnh nào họ cũng phải hành động dưới hai nguyên tắc cơ bản chỉ đạo là Khoa họcLương tâm. Khoa học mà không có lương tâm và ngược lại lương tâm mà không có khoa học thì chỉ hủy hoại cơ thể của người bệnh và tâm hồn của người thầy thuốc”. Người ta không thể chỉ biết nhận điều vinh mà chối từ điều lụy của một nghề được cả xã hội trọng thị bởi bản thân nó là cao qúy. “Mục đích cuối cùng của một cuộc sống đẹp đẽ nào cũng đòi hỏi một sự quên mình hòan tòan nếu có thể được”! Cụ sống giản dị và khắc kỷ. Cụ ví von dí dỏm nghe dân dã mà thâm thúy. Cụ bảo: “Trời cho ta khí thở và đôi chân đi cho mình khỏe lên và kéo dài ra cuộc sống (ý nói phải coi trọng hô hấp và vận động). Trời cũng cho ta hàm răng như cuốc thuổng để đào sâu cái hố miệng chôn mình (ý là ăn nhiều nói nhiều thì chóng chết)”!

Ai từng diện kiến giáo sư Hồ Đắc Di đều nhớ mãi dấu ấn một phong thái ung dung tự tại của bậc hiền nhân: uyên bác mà bình dị, thanh nhã mà sâu sắc, thức thời chứ không xu thời, bình đẳng về trí tuệ và dân chủ về trách nhiệm. Những điều Cụ nói Cụ đều làm được. Cụ đòi hỏi ở học trò, ở người khác những gì, Cụ đều thực hiện như một tấm gương mẫu mực. Thực tế Cụ đã là một thầy thuốc giỏi đầy lòng nhân ái vị tha, Cụ đã là một nhà giáo gương mẫu hết lòng tải đạo cho đời, Cụ là một nhà khoa học với những công trình có giá trị lý luận và thực tiễn, Cụ là một triết gia với những lời chỉ bảo thâm sâu giúp lớp hậu sinh định hướng đúng đường đờì, Cụ là một nghệ sỹ bởi cặp mắt sắc sảo nhìn được chiều sâu sau cái vẻ bên ngòai, một bộ óc tinh tế và một trái tim nhạy cảm bắt đúng cung điệu của tâm hồn mình rung lên hòa với nỗi đau và niềm vui của một con người với cả cộng đồng và Cụ là nhà yêu nước nhiệt thành.                        

Vượt lên tầm một trí thức lớn, Cụ là một nhân cách lớn và một tâm hồn lớn. 

Thầy Phạm Ngọc Thạch:Chủ nhiệm Bộ môn Bệnh phổi.Nếu như thầy Hồ Đắc Di nặng về “đạo”, như một triết nhân, thì thầy Phạm Ngọc Thạch nặng về “đời”, là con người hành động. Bản tính bộc trực, khảng khái, sẵn sàng bênh vực những ai bị áp chế, được các bạn đồng thời học trường Y Hà Nội coi như người anh tin tưởng. Hết năm thứ tư, qua Pháp học chuyên khoa Phổi, tốt nghiệp loại ưu, được giữ lại làm việc ở Paris nhưng ông thấy mình có ích hơn với đồng bào trong nước. Cô y tá xinh đẹp nặng lòng yêu thương, quyết vượt trùng dương xây tổ ấm với anh bác sỹ phương đông nơi xứ người xa lạ. Phòng mạch lớn của ông ngay trung tâm thành phố đúng với ý nghĩa “nhà thương” như dân gian mình thường gọi. Người nghèo được giúp đỡ tận tình cả tiền bạc thuốc men. Những người yêu nước có chỗ ẩn mình, nghỉ ngơi dưỡng bệnh. Ông bí mật gia nhập Đảng cộng sản Pháp thuộc chi bộ Sài Gòn. Bệnh lao lúc ấy là một trong tứ chứng nan y nhưng là thầy thuốc giỏi cứu được nhiều người. Viên tướng Nhật Thống sứ Nam kỳ cũng là “thân chủ” rất quý trọng ông và giao cho ông thành lập Thanh niên Tiền phong. Qua ông, Xứ ủy Nam kỳ xây dựng được đội võ trang tiền khởi nghĩa rất mạnh. Ông có vai trò quan trọng trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến. Vợ ông ở lại giữa thành phố đã bị quân Pháp chiếm đóng. Bà không chịu nổi giữa những sự nghi ngờ kỳ thị của cả hai bên, để lại lá thư gửi cho chồng đang ở chiến khu: “Ở đây, với người Việt Nam em là người Pháp nhưng với người Pháp em là Việt Minh” và đưa hai con về nước. Ra Việt Bắc, được Bác Hồ rất quý vì tư gia của song thân ông lúc sinh thời thường là nơi dừng chân của nhiều sỹ phu lưu lạc trên đường từ Bắc vào Nam, trong đó có anh thanh niên Nguyễn Tất Thành và cụ Phó Bảng phụ thân. Vào những ngày đầu kháng chiến ông  được giao hai việc mà không dễ mấy ai làm được ở thời điểm đó. Một: thân phụ ông là quan Đốc học và thân mẫu ông là cháu nội Tuy Lý Vương Miên Thẩm. Trong khi Cố vấn Vĩnh Thụy đang du hí ở Trùng Khánh, tất nhiên Cụ Hồ quá hiểu lòng dạ phế đế nhưng vẫn cử người anh em tây học lại là hoàng thân quốc thích, mang tiền qua tiếp sức, họa chăng có thể cảm hóa hoàng tử con nuôi mẫu quốc hoặc chí ít thì cựu vương cũng biết lòng Chính phủ trong tình cảnh nước non nguy biến. Nhưng Bảo Đại đã từ chối cành ôliu Cụ Hồ đưa ra và lần thứ hai cam phận làm vua nô lệ! Hai: dịp phong hàm cấp tướng đầu tiên, Bác cử ông thay mặt Chính phủ vào Khu Bốn thụ phong hàm Thiếu tướng cho Tư lệnh Nguyễn Sơn, con người văn võ song toàn, chinh Bắc phạt Nam, trong khi Tư lệnh chiến khu Đông Triều Nguyễn Bình vào Nam được phong Trung tướng, Tổng tư lệnh – giáo sư Sử học Võ Nguyên Giáp được phong Đại tướng. Công việc chẳng dễ chút nào mà ông hoàn thành trôi chảy. Với trọng trách Bộ trưởng Y tế, ông làm việc miệt mài, cống hiến hết mình trong việc chăm sóc sức khoẻ người bệnh và xây dựng nền y tế nhân dân. Gây dựng được uy tín lớn trong giới trí thức đa dạng của ngành y không dễ, vậy mà ông đã là người thủ lĩnh có được sự khẩu phục, tâm phục của giới trí thức đầu ngành. Dù rất bận với công việc quản lý tổ chức ngành nhưng ông không rời việc giảng dạy và nghiên cứu chuyên môn. Với phương pháp Filatov trị bệnh lao vừa hiệu quả vừa ít tốn kém vì đất nước đang dồn sức kháng chiến, hầu như bị cô lập, rất nghèo. Trong hoàn cảnh cực kỳ thiếu thốn về mọi mặt, ông năng nổ sáng tạo, táo bạo giải quyết tình thế những vấn đề thực tiễn của ngành. Tất nhiên không thể mang chuyện xưa so với chuyện nay.

Xuất thân từ gia đình quyền quý cao sang nhưng ông sống giản dị và cần kiệm. Ngôi biệt thự cổ ở khu phố tây yên tĩnh, nhưng bên trong thì tuyềnh toàng, đơn sơ. Nhà ở không khác cơ quan. Ông ăn uống không cầu kỳ, không để dư thừa. Ông cặm cụi làm việc, lúc mệt quá có khi chui vào chiếc nóp dân dã Nam Bộ – với ông như một kỷ vật tinh thần vô giá, ngủ ngay trên bàn. Vợ con không chịu nổi cuộc sống khắc kỷ như nhà tu hành khổ hạnh của ông nên lâu lâu mới từ Paris qua thăm ít bữa. Những người gần gũi ông kháo câu chuyện cha con: Một hôm cậu con tây lai vào gara lấy xe ô tô của ông định phóng đi chơi. Ông chặn lại, khoát tay chỉ vào cả nhà và xe nghiêm khắc bảo con:

- Tous ne sont pas à nous mais aux citoyen! (Tất cả đây không phải của chúng ta mà là của nhân dân!)

Cậu con hậm hực bỏ đi sau khi đốp lại bố tự nhiên đúng kiểu tây:

- Tu es un bon communiste mais un mauvais papa! (Ba là một người cộng sản tốt nhưng là một người cha tồi!).

Sau chiến dịch Tết Mậu Thân, ông trực tiếp vào chiến khu R thị sát tình hình. Gần cuối năm, chúng tôi có việc về căn cứ. Nghe có người từ chiến trường ven đô về, Anh Tư Đá (biệt danh của ông lúc đó) cho kêu tới dù ông đang bệnh. Ông nằm trên võng và mấy đứa tôi ngồi quanh trên những cái thùng đạn đại liên Mỹ chứa đồ dã chiến. Ông còn nhớ và nhận ra đã gặp tôi ở hội nghị y tế miền núi phía Bắc hai năm về trước khi tôi mới ra trường. Lúc này chiến trường căng thẳng, quân ta bị đẩy ra ngoài thành phố, vùng ven đô và lân cận đang bị trà sát ác liệt, máy bay rải thuốc diệt cỏ rồi thả bom xăng đốt trụi, trơ ra những khoảng trống trơn, con chó chạy ló lưng, con chuột chạy vướng bom bi phát nổ, trực thăng quần thảo bắn súng phóng lựu M16 phá banh công sự và rỉa đại liên 12ly7 sáng chiều, pháo dùi pháo chụp tối ngày, tiêu hao nhiều lắm... Ông hỏi: Tình hình khó khăn như thế thì các em làm được những gì? – Chúng tôi cứ thật trả lời: Lúc có thương binh, làm được tới đâu thì làm, ngoài lo ăn còn lo chém “dzè”, gài trái, giặc càn lánh không được lỡ đụng thì đánh! – Ông hỏi tiếp: Cụ thể cần tăng cường gì? – Nhiều người càng khó hơn! Chỉ mong chuyển thương thật lẹ! Đường xuống, đường lên thường kẹt. Qua sông tàu lặn rập rình, đường mòn biệt kích tới lui, đường nước rủi gặp trực thăng rọi đèn soi khó thoát. “Rụng” trên đường đi nhiều hơn tại cứ! Ông lại hỏi: – Liệu các em bám trụ được bao lâu? – Chúng tôi trả lời mỗi đứa một ý loanh quanh: Người ta sao mình “dzậy”! Ác liệt mà cũng có lúc vui! – Suy tư một chút, ông hỏi: Có em nào muốn ở lại tuyến sau không? – Về cứ, tối ngày quẩn quanh một thẻo rừng, lắm chuyện! Không B52 thì sốt rét! Ở đâu quen đấy... Trước sau gì cũng “dzậy”! – Ông lặng người đi, hai tay vòng sau gáy, nhìn lên mái lá... Anh bạn đồng nghiệp bảo vệ riêng của ông nhìn chúng tôi nháy mắt. Lúc trở ra, lúi húi xách thùng đồ, chợt thấy cái vỏ chai dịch truyền ánh vàng để ở góc lều, dưới đáy còn chút cặn đen đen, tôi giật mình thoáng nghĩ: Sốt rét ác tính thể đái huyết sắc tố! Rồi cũng chẳng dám nói với ai... Vài tuần sau nghe tin dữ! Chắc hẳn lúc gợi ý giữ đứa nào trong chúng tôi ở lại, ông đã cảm thấy trong mình sự sống mong manh, muốn làm điều gì thiết thực che chở ít ra một đứa học trò. Nhưng đám trẻ đã biết “Trước sau gì cũng “dzậy”!” thì ông thấy mình bất lực! Tự dưng tôi rùng mình nhìn những chú thương binh trẻ măng xanh xao, mép lún phún những cọng lông tơ, nằm thỉu đi trên cánh võng dưới những dặng tràm bên bờ kênh, chờ dân công tới chuyển đi! Chợt nghĩ trên rừng miền Đông mối xông khủng khiếp! Trong lòng tôi vừa thương vừa cảm phục một trí thức lớn, một tâm hồn cao cả đã tự nguyện dấn thân tới quên mình như thế...

Thầy Đặng Văn Ngữ là một nhà khoa học thuần chất. Thành tâm với sự nghiệp độc lập tự do của tổ quốc, nhà khoa học trẻ gác lại bao ước mơ lúc sự nghiệp mới khởi đầu, bỏ lại những công trình dang dở trong những viện nghiên cứu danh tiếng ở Nhật, trở về chiến khu tham gia kháng chiến. Thầy từng bị “kiểm điểm” vì một bài viết thuần túy khoa học trong vụ Nhân văn – Giai phẩm. Tuy nhiên thầy vẫn quả quyết tin vào sức sống của thuyết di truyền Mandel–Morgan lúc nó bị các thế lực đương quyền bài bác. Thầy Hồ Đắc Di đánh giá giáo sư Đặng Văn Ngữ là người có kiến thức khoa học căn bản sâu rộng nhất của ngành Y lúc bấy giờ. Có cần không một nhà khoa học đầu ngành lần mò mãi vào rừng sâu bắt muỗi? Đành rằng để chiến thắng, chúng ta sẵn sàng hy sinh tất cả. Cái chết của thầy dù như một bản tráng ca nhưng ít ai hiểu tâm trạng của thầy như một người lữ hành cô độc bơ vơ. Sự nghiệp dở dang, không người kế nghiệp – Đó là nỗi đau mãi không tan của một nhân tài! Mới đây, nhà y sinh học Mỹ tên là Hoffman cũng lấy ký sinh trùng sốt rét từ tuyến nước bọt của muỗi dùng để chế vaccine chủng ngừa, bước đầu mở ra nhiều triển vọng. Có ai biết rằng nửa thế kỷ trước đã có một nhà khoa học Việt Nam dồn hết trí lực và hiến dâng cả tính mạng mình làm việc đó và tin rằng nhất định thành công?!

Thầy Tôn Thất Tùng là nhà phẫu thuật tài danh nhiều sáng tạo. Dù được sự ưu ái đặc biệt của các nhà lãnh đạo tối cao nhưng không vì thế mà vun vén cho mình, khước từ địa vị chức danh hão huyền để chuyên tâm vào khoa học làm được nhiều việc hữu ích cho đời. Nhân ngày 19 tháng 5 năm ấy, trong buổi giao ban giữa hội trường lớn, thầy dành ít phút kể một kỷ niệm về Bác Hồ: Khoảng năm 1951–52, lúc đó kháng chiến tuy có thắng lợi nhưng cũng đã lâu dài và lắm khó khăn phức tạp. Nhiều anh em trí thức “dinh tê” (entré) bỏ về thành. Tư tưởng tôi cũng lung lay. Không hiểu sao Bác biết được. Một hôm Bác đến thăm, cho mấy mớ rau Bác tăng gia tự túc. Trước khi ra về Bác đưa cho tôi một bọc giấy và bảo:Bác tặng chú bộ quần áo mới này để mặc lúc vào thành trông cho đàng hòang khi gặp anh em! Nói rồi Bác ra về. Tôi suy nghĩ: Bác già như thế, vất vả như thế, cùng gian khổ như thế mà sao chịu được?! Và tôi đoạn tuyệt với những ý nghĩ vẩn vơ mới có được như ngày hôm nay”!

Lúc ấy chúng tôi chỉ có một ý nghĩ là Bác ta vĩ đại quá! Trải nghiệm cuộc sống, chúng tôi hiểu thêm vế thứ hai là lòng tự trọng của người trí thức. Càng lớn, lòng tự trọng càng cao. Cùng một nền văn hóa Đông phương, giới sỹ phu Trung Hoa đặt tiêu chí lập thân làm người quân tử đủ nhân – trí – dũng đểtề gia – trị quốc – bình thiên hạ. Đó là chí của bậc đế vương. Giới sỹ phu Việt Nam lấy chữ liêm sỷ làm trọng. Chỉ hưởng cái mình làm ra và biết ngượng khi mình làm sai sẽ giữ được mình, được nhà, được nước. Biết lượng sức mình đặt ra tiêu chí thích hợp để tồn tại và phát triển ấy là bậc trí giả thức thời.

Thầy Trần Hữu Tước: Chủ nhiệm khoa Tai-Mũi-Họng. Học giỏi, được cấp học bổng qua Pháp học. Tốt nghiệp xuất sắc, thầy được giữ lại làm trợ lý cho giáo sư Lemière danh tiếng. Khi nước Pháp bị chiếm đóng, thầy tham gia phong trào yêu nước chống quân phát xít. Sau hội nghị Fontainbleau thầy cùng một số trí thức tình nguyện về nước góp phần xây dựng nền độc lập. Thầy là người đầu tiên thị phạm giảng bài bằng tiếng Việt tại giảng đường Đại học Đông Dương. Là một trong số những người thầy xây dựng Trường Đại học Y khoa kháng chiến ngay từ những ngày đầu. Cuộc sống ở chiến khu rất khó khăn, có lúc suy kiệt nặng tưởng không qua khỏi, tổ chức dự định bí mật đưa về thành phố điều dưỡng nhưng thầy thà chết chứ không chịu về vùng giặc chiếm. Kháng chiến thắng lợi, thầy vừa giảng dạy vừa kiêm nhiệm chức Giám đốc bệnh viện Bạch Mai. Chúng tôi ít được gần thầy ngoài một số giờ giảng đại cương chuyên khoa. Lúc ấy ngành y không có chuyện hành nghề tư nhân, và các chuyên khoa sâu chưa phát triển, sinh viên truyền tai nhau câu vè “Lai rai như Tai-Mũi-Họng” không hấp dẫn số đông chỉ ham được theo ngành ngoại khoa đang rất hợp thời. Đôi lúc thấy thầy trên hành lang lúc đi “visite” các khoa. Dáng cao to, vượt cả cái đầu trong đoàn đông toàn các bậc thầy. Cái cằm dài lúc nào cũng hước lên với cặp kính trắng gọng to, chân bước sải dài trông thật oai phong. Câu chuyện thầy làm bác sỹ riêng của Bác Hồ trên chuyến tàu từ Paris về nước là một vinh dự đặc biệt của người thầy thuốc Việt Nam, trong giới y khoa trẻ già đều biết. Năm 1966, khi được tuyển đi B, thời gian chờ đợi ở Ban Thống nhất trung ương, tình cờ tôi mới được biết chuyện người con trai độc nhất của bà Nguyễn Thị Định được thầy trực tiếp cắt Amydale lại gặp tai biến không may! Đó là phẫu thuật thông thường với một bác sỹ chuyên ngành. Câu ví “cắt tiết gà dùng dao mổ trâu” đôi khi gặp sự cố oái oăm, người hành nghề y lâu năm càng thấm!

Thầy Đỗ Xuân Hợp là nhà giải phẫu nhân chủng học đầu tiên của Việt Nam mà các giáo sư Pháp cũng phải nể trọng về kiến thức, là người sáng lập Trường Quân y sỹ thời đầu kháng chiến. Với sinh viên mới vào trường, môn Giải phẫu học ly kỳ hấp dẫn nhưng lại rất khô khan xương xẩu. Thầy bảo học trò tùy chọn một chiếc xương nhỏ của bàn tay hoặc bàn chân tung lên. Liếc qua thầy nhận dạng và xướng đích danh làm mấy đứa Y Một chúng tôi lớ ngớ phục thầy sát đất. Thầy cười hiền khuyên chúng tôi học và hành phải tỷ mỷ và chính xác. Thầy vỗ vào một bên mông lép xẹp bảo thời kháng chiến ở trong rừng, bị sốt rét, một học trò tiêm Quinofort chọc đúng vào dây thần kinh hông to làm vị tổ sư môn giải phẫu định khu bị… thọt một bên chân! Và thầy châm biếm: Đã mang lấy nghiệp vào thân / Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa… như một minh chứng về cái vinhlụy của nghề.

Thầy Nguyễn Ngọc Dõan: Chủ nhiệm Bộ môn Dược lý. Là một vị tướng quân y. Thời trẻ là một học sinh xuất sắc, được nhà nước bảo hộ cấp học bổng cho qua Pháp học. Về nước được làm rể vị Khâm sai đại thần Bắc kỳ. Vậy mà thầy nhẹ nhàng bỏ cảnh quyền qúy cao sang, theo kháng chiến tới cùng và sống thanh bạch khiêm nhường. Sau ngày thống nhất đất nước, thầy vào Sài Gòn và muốn đi thăm thú phố phường. Anh cán bộ hậu cần báo cáo thủ trưởng vui lòng dùng xe Hồng thập tự to chở đi ngắm phố vì xe con bận công tác hết. Thầy điềm nhiên nói: “Tôi chỉ cần chiếc xe đạp thôi chứ ham ô tô thì tôi theo cộng sản làm chi”! Thầy sống đúng ý nghĩa của sự thanh khiết. Khi bệnh trọng, thầy lẳng lặng giật bỏ đi hết cả những giây truyền. ống thở...

Những người theo Bác Hồ, theo cách mạng vì một mục tiêu cao cả, coi của cải vật chất chỉ là thứ phù du, không bao giờ tỏ ra luyến tiếc qúa khứ vàng son, cũng không ham danh lợi thế quyền. Khác hẳn những kẻ vụ lợi tầm thường dễ nảy sinh lòng tham không đáy khi có quyền có chức trong tay, lại tạo dựng một quá khứ ảo để tô vẽ cho mình!

Thầy Đặng Văn Chung là nhà lâm sàng học trứ danh. Thái độ trầm tĩnh chỉn chu, cách khám tỷ mỷ, khai thác bệnh và đối chiếu với các dữ kiện cận lâm sàng thật chi li, không bỏ qua một chi tiết nhỏ, lập luận khoa học để có một kết luận chính xác, đề ra phương pháp điều trị hợp lý và thuyết phục. Thầy từng giơ một tờ đơn thuốc kê hàng chục tên thuốc đủ loại, lập luận với phần chẩn đoán rồi thầy kết luận: “Chỉ cần nhìn vào tờ đơn thuốc, người ta đánh giá đầy đủ trình độ chuyên môn và tư cách của người thầy thuốc ấy”! Tiếc rằng lời dậy sâu sắc có tính muôn thuở với nghề ấy của thầy ít lọt tai trò! Bây giờ thiếu gì ông thầy chính danh mà vẫn làm đầu trò đi quảng cáo thuốc dưới nhiều hình thức giả danh khoa học!

Thầy Đặng Vũ Hỷ: Chủ nhiệm khoa Da liễu. Người cao lớn, đường bệ, nói năng từ tốn, khôi hài mà nghiêm chỉnh. Trước người bệnh nữ lúng túng dụt dè, thầy nhắc khéo: “Thưa bà, chúng tôi có lạ gì đâu, bà đừng để mất thì giờ quý hóa!”. Xuất thân từ một gia đình quyền quý cao sang mà tấm lòng với nước khiến ông rũ bỏ mọi day dứt riêng tư, dìu dắt những người trong gia đình vượt qua mọi gian khổ khó khăn đồng hành cùng dân tộc.

Thầy Đinh Văn Thắng: Chủ nhiệm Khoa Sản phụ. Dáng cao dong dỏng, mắt sáng, môi hồng, miệng cười tươi thoáng nét kiêu xa, tác phong lịch thiệp mọi lúc mọi nơi. Phong thái nhẹ nhàng tế nhị, tay dao tay kéo thoăn thoắt điệu đàng. Ngày đầu kháng chiến, trong một trận quân Pháp tấn công lớn, lính nhảy dù bắt được thầy đưa về thành. Gặp khúc đường đời gềnh thác thầy giữ trọn lòng trung, vẫn ngầm liên hệ với kháng chiến đến ngày giải phóng thầy tích cực cùng đồng nghiệp góp phần mình trong việc xây dựng phát triển ngành. Tiếc là thầy không được thấy ngày nước non thống nhất bởi con bệnh trọng. Không dễ có được một bậc thầy như vậy, đã  vượt qua thử thách trong hoàn cảnh rất là đặc biệt.

Thầy Trịnh Ngọc Phan:Chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm. Hàng tuần, buổi bình bệnh án của thầy rất hấp dẫn, hội trường lúc nào cũng đông nghẹt sinh viên các lớp từ Y1 tới Y6 và không ít Bác sỹ hệ Nội tới nghe. Thầy hỏi tỷ mỉ, “truy” rất kỹ và bình rất sâu. Giọng dí dỏm rổn rảng níu chân người... Những kiến thức về Nội khoa tổng quát và chuyên sâu ngành Truyền nhiễm quan hệ chặt chẽ với nhau. Trước ngày qua Pháp lấy bằng Thạc sỹ thì cái ruột thừa trong bụng trở chứng viêm! Sau đó là sự kiện 1954. Học vị Giáo sư đến với thầy có muộn so với các bạn đồng thời! Tài mệnh mỗi người một khác.

Cha tôi cùng thế hệ các thầy, từng được bậc phụ huynh lưu truyền lời dạy của cụ Cử Lương Văn Can, người khai sáng trường Đông Kinh nghĩa thục: “Bảo quốc túy – Tuyết quốc sỉ”, nghĩa là hãy rửa sạch nỗi nhục mất nước và giữ lấy cái hồn dân tộc, cùng với tấm gương của gia đình người thầy khí tiết ấy: Khi người con trai là ông Đội Lương Ngọc Quyến nối chí cha rửa nỗi nhục mất nước, bị giặc Pháp bắt giam ở Hỏa Lò, chúng gọi cụ bà tới, gợi ý khuyên con xin tha tội sẽ được hưởng lượng khoan hồng, cụ đáp thẳng thừng: “Tôi dạy con phải biết yêu thương nòi giống, chủng tộc từ khi nó còn là cái bào thai. Đó là đạo lý từ ông bà chúng tôi truyền lại, sao tôi và các con có thể làm khác được? Mẹ chỉ mong con xứng đáng là con dân nước Việt đến hơi thở cuối cùng”!

Cái nghĩa khí ấy qua những lời thơ của cụ Sào Nam, các thế hệ bà mẹ thường lẩy vào những bài hát ru con:

Nay ta hát một câu ái quốc

Yêu gì hơn yêu nước nhà ta

Vẻ gấm vóc nước non tươi đẹp

Rắp những mong cơ nghiệp dài lâu

Giống khôn há phải đàn trâu

Giang sơn nỡ để người đâu vẫy vùng

Thương ôi công nghiệp tổ tông

Trông càng thêm nhục nói càng thêm đau

Các thầy xuất thân đa phần từ những gia đình khá giả, có người quyền qúy, có người bình dân nhưng được hưởng nền giáo dục gia đình và học đường căn cơ bài bản, kiến thức có được hòan tòan bởi sự nỗ lực tự thân. Tôi hết lòng cảm phục sức chịu đựng của lớp sỹ phu trí thức tuổi vào hàng bá phụ, chẳng những kiến thức đáng bậc thầy và nhân cách như tấm gương sáng soi cho các thế hệ trò.

Hồi nhớ lại ngày tốt nghiệp Đại học, nhận xét vào cuốn Học bạ sinh viên sau sáu năm học ở trường là ý kiến của đồng chí Bí thư chi bộ cùng học một lớp với cái dấu chứng son đỏ chót của Phòng Tổ chức. Mãi nhiều năm sau, tình cờ tôi mới được biết nó nằm trong tập Hồ sơ cán bộ. Đánh giá một cán bộ khoa học là xem khả năng họ tiếp nhận kiến thức tới đâu, cần bổ túc những gì và có năng khiếu gì đặc biệt. Quan điểm, lập trường, thái độ chính trị là chuyện mơ hồ. Kẻ khôn người dại khó phân biệt được. Rồi ai cũng biết tự thích nghi theo dòng chuyển của xã hội để mà tồn tại. Thầy giỏi là phước của trò nhưng có trò giỏi thầy mới nâng tầm mình lên được. Cùng cắp sách học thầy nhưng khả năng tiếp nhận mỗi trò một khác. Chỉ người thầy mới nhìn ra cái hay, điều dở của trò. Có ai dám lược quyền thầy đánh giá người cùng học?! Khi đã trưởng thành, tôi hiểu ra hành trình một đời người, ai cũng phải là trò rồi mới làm thầy nhưng làm thầy vẫn phải học mãi thì mới “dạy cho ra trò” được. Câu nói “Nhất tự vi sư – Bán tự vi sư” chỉ là lời răn mang tính đạo lý như “Ăn quả nhớ người trồng cây” thôi. Chớ làm thầy mà “thiểu tự – khiếm đức” (chữ ít, đức nghèo) là mối họa cho đời! Khi người ta ăn bớt chữ để làm thầy, ăn cắp chữ để gắn lên bằng cấp thì trí tuệ cả thầy lẫn trò chỉ có teo đi. Chuyện bằng cấp chức sắc loạn xà ngầu hiện nay chính là hậu họa của một thời hãnh tiến!

Ký ức đưa tôi về qúa khứ xa hơn. Ông thầy già dạy Văn đi lại đủng đỉnh, giọng trầm bổng gật gù giảng bài ca dao dí dỏm :

                Bắc thang lên đến tận trời

      Bắt ông Nguyệt lão… đánh mười cẳng tay

                Đánh rồi lại trói vào cây

      Hỏi ông Nguyệt lão đâu dây tơ hồng?

                Nào dây xe bắc xe đông?

      Nào dây xe vợ xe chồng người ta?

      Ông vụng xe tôi lấy phải… vợ già

          Tôi thì đốt cửa đốt nhà ông đi !

Đám học trò chúng tôi bấm nhau cười rúc rích nghĩ thầy đồng cảnh nên mới trải lòng ra say sưa đến thế.

 

(đón đọc Chương 9: THIỆN CĂN Ở TẠI LÒNG TA)

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_HNBDg.php

11-Nov-2017

• Các bài của Nguyễn Văn Thịnh: link http://sachhiem.net/VANHOC/N/ListNVTh.inc.php

Trang Văn Học