HÀ NỘI BỂ DÂU

- truyện ký -

BS Nguyễn Văn Thịnh

Hà Nội Bể Dâu

Thưa bạn đọc:

Bởi tôi nghĩ hồi ký chỉ dành cho những nhân vật tầm cỡ hoặc chí ít cũng lưu lại dấu ấn trong đời sống cộng đồng. Tôi không có được cái hân hạnh ấy, chỉ nghĩ mình như một con cá trong bầy cá tung tăng bơi lượn theo dòng chảy lịch sử. Nếu không có bầy cá thì một con cá chẳng là chi. Nhưng một con cá trong bầy cá ngược xuôi ngang dọc nổi chìm khiến người ta nhận ra dòng chảy kia mạnh, nhẹ, xoáy, yên để bày cá lúc chụm lại, lúc tản ra, con mất con còn và cuối cùng tan biến vào biển cả mênh mông.

Đó là những chương ký sự riêng chung lẫn lộn của thời niên thiếu hồn nhiên và thời thanh niên đầy biến động với những thân phận con người trước cuộc đời dâu bể.

T bach:

Bác sỹ Nguyễn Văn Thịnh, sinh năm 1940 tại Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1966 tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Nam Bộ và tiếp sau là cuộc chiến bảo vệ biên cương ở hai đầu đất nước. Năm 1997, mấy truyện ngắn đầu tay được đăng trên Tuần báo văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam, tiếp sau viết nhiều thể loại: Tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, kịch, thơ, phê bình, tiểu luận. Có tác phẩm được giải thưởng của Trung ương và Thành phố, nhiều bài đăng trên các báo, trang mạng sạch trong và ngoài nước, được dư luận quan tâm.

Cầu mong dân nước yên ổn , thanh bình, xã hội tiến bộ, văn minh, người người sống trong hòa ái.

(Nguyễn Văn Thịnh)

Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành

Do thị Thăng Long cựu đế kinh

Cù hạng tứ khai mê cựu tích

Quản huyền nhất biến tạp tân thanh

Thiên niên phú qúy cung tranh đoạt

Tảo tuế thân bằng bán tử sinh

Thế sự phù trầm hưu thán tức

Tự gia đầu bạch diệc tinh tinh

(Trăng xưa soi thành phố mới

Thăng Long – Hà Nội cố đô

Phố phường  đường xưa lạc lối

Rập rình điệu nhạc lạ tai

Bon chen ngàn năm phú qúy

Người thân nửa mất nửa còn

Than chi sự đời chìm nổi

Trên đầu tóc trắng như mây)

NGUYỄN DU

MỤC LỤC

1 – NGƯỜI HÀ NỘI

2 – CỤ RÙA ƠI... THƯƠNG CHÁU VỚI !

3 – LÍNH CẬU VÀO ĐỜI

4 – VIẾT TỪ ANGOLA

5 – CÁI THUỞ BAN ĐẦU LƯU LUYẾN ẤY

6 – TIẾNG HÁT TUỔI HAI MƯƠI

7 – TƯƠNG LAI MUÔN SỰ BẤT NGỜ

8 – NHỮNG NGƯỜI THẦY LỚN

9 – THIỆN CĂN Ở TẠI LÒNG TA

10 – HOA NGỌC HÀ

11 – HÒA BÌNH – MÁU VÀ NƯỚC MẮT

12 – CỐ NHÂN

13 – TÌNH THƠ

14 – ĐƯỜNG TRẦN LÀ THẾ

NGƯỜI HÀ NỘI

Những tình cảm nơi học đường sáng lạn

Quên làm sao tuy dĩ vãng xa xôi

Vì đó là những kỷ niệm của thời

Thời cắp sách – thời vô ngần trong sạch

Lâm Sỹ Ngọc

N ăm 1952, vừa 12 tuổi, tôi theo học lớp đầu Đệ nhị cấp (từ Đệ thất đến Đệ tứ – nay là trung học cơ sở), nhìn những anh hệ Đệ nhất cấp (từ Đệ tam đến Đệ nhất – nay là trung học phổ thông) lớp trên với con mắt cảm phục kính trọng lắm. Hệ công lập Hà Nội sau ngày quân Pháp tái chiếm lúc đầu chỉ có Trường Lycée Albert Sarraut ở phía trước dinh Toàn quyền dành cho lũ con tây và con viên chức lớn hoặc nhà giàu người Việt và Trường Chu Văn An quen gọi là Trường Bảo hộ (École protecteural) hay là trường Bưởi, bị Pháp chiếm làm trại lính nên phải dời về Hàng Cót, rồi xuống Hàng Bài, con trai con gái học chung. Trường Hàng Bài xưa là Trường Gia Long dành cho con gái, năm 1950 mới tách ra: Trường nữ học Trưng Vương sang đường Hai Bà Trưng gần Nhà hát lớn, lúc đầu chỉ có hệ Đệ nhị cấp; Trường Nguyễn Trãi ở lại phố Hàng Bài; Trường Chu Văn An lên Cửa Bắc (Trường Cao đẳng sư phạm = École normale), sau hòa bình 1954 mới về lại điểm cũ bên Tây hồ.

So với bây giờ, đường xá xe cộ của Thủ đô thời ấy cũng chỉ như một phố huyện thôi. Đa phần học sinh và không ít thầy giáo đến trường đều đi bộ. Học sinh đi xe đạp thời đó ít hơn cả số học sinh đi xe @bây giờ nhiều. Dù nhà giàu cũng chỉ cho con đi xe xích lô (cyclo) chứ không dám cho con đi xe đạp vì sợ cái họa tai nạn lưu thông! Xe ô tô dân sự lơ thơ nhưng xe nhà binh thì nhiều. Giữa phố phường mà chúng phóng bạt mạng. Thằng lái xe cần gì có bằng lái, cần gì sợ có hơi men. Men càng nồng tay càng vô tư cẩu thả với cái vô lăng, bất cần đời. Lính mới ở chiến trường hút chết trở về, lính ngày mai bị đưa ra trận mạc, tha hồ túy lúy càn khôn! Tay lái xe, tay cua gái, cười hô hố, thét the thé, khóc hu hu… mặc sức như chỗ không người! Xe nhà binh cán chết người, chết vật vô tội vạ! Thậm chí chúng còn cố tình gây ra tai nạn để được bỏ tù còn hơn là bỏ xác ngòai chiến trận!

Học sinh đi xe đạp thường là ở lớp trên và nhiều anh cũng bạo phổi to gan ngang tàng lắm.

Nhà anh ở phố Hàng Đào. Nhà tôi ở phố Hàng Bè. Cùng đi về mãi trên một con đường, quen mặt biết là cùng trường lớp trên lớp dưới. Một hôm tôi đang cắp cặp vội vã nửa đi nửa chạy trên hè vì sợ muộn giờ. Bỗng có tiếng gọi to sát ngay bên:

- Ê… Nhóc!

Tôi quay ra. Xe anh đỗ sát lề hè. Miệng cười thân thiện, hất hàm gọi tôi:

- Lên đây đi!                               

Dù bẽn lẽn nhưng cũng không thể chối từ sự giúp đỡ của một anh lớp trên trong trường hợp ấy. Tôi ngồi nghiêng trên đòn ngang khung xe. Anh ngoáy chân đạp vù vù.

Chúng tôi từ biết mặt đến quen nhau từ đấy.

Anh thường chở tôi đi về mỗi khi anh em gặp nhau trên đường.

Khi một chiếc xe nhà binh nhâng nháo phóng ào qua, anh dạt xe sát lề đường chửi:

- Đồ chó đểu!

- Mũ đen (biệt kích), mũ đỏ (nhảy dù) thằng nào đểu hơn? – Tôi hỏi.

- Thằng nào cũng đểu!

Có lần anh hỏi dò tôi:

- Nhóc có thích đi lính không?

- Em chưa lo – Và tôi hỏi lại:

- Đỗ tú tài anh có thích đi sỹ quan không?

- Nhóc thích commando (biệt kích) hay parachute (nhảy dù)? – Chắc anh thử tôi.

- Em không thích đánh nhau!

Có lần anh đèo tôi về tận nhà và vào chơi. Mẹ tôi mừng lắm nói:

- Em nó còn nhỏ dại, nhờ các anh lớp trên bảo ban cho!

Dường như anh cảm mến tôi và tôi cũng qúy anh.

Đầu năm học mới, một hôm vào lúc tan trường, tôi vừa đi ngang tới dấu viên đạn canon ngày xưa tàu chiến Pháp đậu ngòai sông Cái bắn thẳng vào cửa Bắc thành thì có một chiếc ô tô TRACTION –15  trờ sát tới, tôi nhảy vội lên vỉa hè cũng vừa lúc xe dừng lại và anh mở cửa xe thò đầu ra tay vẫy:

- Lên đây mau!

Xe vừa chạy anh cười khoái trá khoe với tôi ngay:

- Phần thưởng đậu tú tài của bố mẹ anh đây! Hôm nay chia vui với nhóc tỷ một chầu.

Anh lái xe chạy khắp các phố, vòng quanh Bờ Hồ rồi đãi tôi một chầu kem Hồng Vân. Anh cho biết đang học lớp Dự bị đại học P.C.B. (Physic=Lý; Chimie=Hóa; Biologie=Sinh). Tôi nghĩ bụng nhà anh có cửa hàng buôn bán tơ lụa lớn thế thì giàu lắm. Tôi mà đậu tú tài thì phần thưởng là chiếc xe đạp PEUGEOT đã luých (lux) lắm rồi!

Từ đó tôi không gặp anh nữa.

Nhiều lần qua phố, nhìn vào cửa hàng nhà anh, tôi chỉ thấy tíu tít người ta ra vào mua bán. Tôi vốn nhát, vả anh có phải là bạn đâu? Chỉ mong thấy bóng anh là tôi sẽ chạy tới liền. Tuy nhiên cái dáng lưng cong cong, hai tay khuỳnh khuỳnh, ngồi trên chiếc xe đạp STERLING có cái yên cao vổng lên, nét mặt linh lỉnh khinh đời, miệng huýt sáo gió, hai chân phóng tít thò lò cứ ấn tượng trong lòng tôi mãi.

Ngày tháng qua đi mà cái cảnh thanh niên học sinh trốn lính diễn ra thường lắm. Có lần cảnh binh với lính ập vào trường, xông vào từng lớp bắt người. Nhiều anh lớn nháo nhác chạy vòng quanh, có anh nhanh chân phóng ào qua cửa sổ vượt bờ tường lủi biến đi. Tuy nhiên lần nào cũng có người bị tóm cổ lôi xềnh xệch ra sân trường, tống lên xe cam nhông (camion) phóng đi mất hút.

May mà tôi chưa kịp lớn để phải chịu chung cảnh ấy thì có Hiệp định hòa bình. Đám nhỏ chúng tôi háo hức lắm. Cái lo của cha mẹ mãi sau này lớn lên tôi mới hiểu và thương mà cũng chẳng giúp được gì. Cha tôi đã ký hợp đồng ở sở làm, lĩnh trước ba tháng lương để đưa cả nhà vào Nam. Nhưng sau nghĩ dại gì bỏ đi bơ vơ xứ người xa lạ, biết bao giờ về lại quê hương? Chi bằng ở lại với chính phủ Cụ Hồ, nước nhà độc lập, sống yên tâm cho các con hơn. Chúng tôi không thể nào quên những ngày tản cư: chạy càn, máy bay ném bom, obus (trái phá) rít trên đầu, nhà cháy, người chết giữa đường, học với mấy bạn lớn bé chung một lớp do cha tôi dạy tại nhà ở nhờ dân, năm lần bảy lượt bỏ giữa chừng vì làng mạc bị giặc càn tới đốt phá, gia đình đành phải hồi cư mà lúc đó bà con quen gọi là “dinh tê” (entrée) vào thành. Những ngày chờ “móc” người đưa đường, gia đình tôi trú tạm một căn nhà vô chủ tại Đầm Đa, Ninh Bình. Ở đây có mấy anh thanh niên tuổi đôi mươi chán chường thế cuộc, dùng dằng nửa ở nửa về. Ban đêm các anh ra vùng giáp ranh tề-ta buôn lậu những hàng thuốc tây, bút máy, đồng hồ, mũ nồi, áo len, khăn ấm… Có khi bị du kích truy đuổi, chạy thục mạng, bỏ của giữ lấy người! Ban ngày thì ngủ vùi hoặc đánh cờ và thường nghêu ngao dấm dứt bài thơ:“Thôi  thế từ nay là dứt tình / Vấn vương gì nữa nợ đao binh / Muốn học người xưa làm ẩn sỹ / Vách núi đề thơ với một mình / Còn đấy ai đi thì mặc ai / Mặc ai, ai đó áo chưa phai / Mình về mình biết mình thôi nhỉ / Tiếc gì tơi tả áo cầu vai / Mới ngòai hai mươi mùa xuân thôi / Mà thấy hình như tóc bạc rồi / Bụi bậm đua chen là thế đấy / Hay gì người hỡi, hỡi ta ơi! / Bút đã từng phen làm gió mưa / Từng lui giặc nước một lời thơ / Cũng thôi, tàn mộng bình thiên hạ / Sự nghiệp ơ hờ cơn gió đưa / Nghề súng thua gì ai nữa đâu / Từng thét ba quân trận thắng đầu / Cũng không mơ nữa làm nguyên soái / Nấm mồ chiến tướng biết nông sâu? / U ẩn hằn lên vầng trán cao / Hết Chiến khu Ba sang đất Lào / Rồi lại quay về mơ Việt Bắc / Đi mãi đi hoài, đi đến đâu? / Đi mãi để mà đi đến đâu / Có dễ mà đi đến bạc đầu / Vẫn ở lưng chừng đường lỡ dở / Mà nhìn kẻ trước ngắm người sau / Đã chót đầu thai phận lỗi thời / Thì dù đi mãi cũng là thôi / Tìm môt cô thôn mà ẩn giật / Lại đẹp lung linh một góc trời / Mình biết thương mình, mình về thôi / Còn bao thằng nữa nhớ thương ôi! / Từng đêm dằng dặc buồn không ngủ / Đốm lửa đầu tay đã tắt rồi / Chẳng học ai xưa làm hàng thần / Đẹp gì Từ Hải lúc sa chân? / Thà như Từ Thứ trong rừng vắng / Danh lợi bao nhiêu cũng chẳng cần / Rồi đến khi nào tóc bạc phơ / Đời đã quên người trai thuở xưa / Chẳng làm thi bá, không danh tướng / Vuốt bộ râu tiên đánh ván cờ”!Cái tuổi lên mười thơ dễ nhập tâm và âm ỉ nhớ dai. Thời chống Mỹ đó là loại thơ chiêu hồi, tôi bẵng quên đi. Đến độ “vuốt râu đánh cờ” chợt lúc bật ra từng khúc, chắp lại và thấy thương quá một lớp người!

Ngày 10 tháng 10 năm 1954, tôi trong dòng người đứng dọc Chợ Hôm–Đức Viên–Phố Huế hớn hở đón các anh bộ đội từ phía Chợ Mới Mơ tiến về cùng hát chung bài ca: Trùng trùng say trong câu hát / Lớp lớp đoàn quân tiến về / Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng… Bao nhiêu là hoa, bao nhiêu là người hò hát, gào thét khản cả cổ, vừa cười vừa khóc vui sướng tưng bừng.

Cuộc đời dâu bể, lúc đó thằng bé 14 tuổi là tôi chẳng thể nghĩ rằng 21 năm sau nó lại từ rừng miền Đông ngồi trên đoàn xe giải phóng băng băng trên những con đường nhựa thênh thang tiến về thành phố Sài Gòn. Điều tôi sớm nhận ra là không như người Hà Nội thời niên thiếu của tôi, sự đi hay ở mỗi người có thời gian 300 ngày lựa chọn. Bây giờ, người Sài Gòn đa phần còn ngơ ngác bàng hoàng với “biến cổ trời sập” vừa diễn ra đây! Qua nỗi sợ lúc đầu, có vui chỉ là vui gượng vì chưa biết hậu sự sẽ ra sao: lấy gì để ăn và làm gì để sống? Chỉ sau mấy ngày, chợ trời đã mọc ra nhan nhản trên các con đường ở trung tâm thành phố. La liệt áo quần bốn mùa đủ mầu lòe loẹt, đồ gia dụng, đồ điện tử, nhiều thứ lạ chưa từng thấy! Người mua chủ yếu từ hậu phương lớn mới vào. Đám ở rừng về chỉ đi “chợ ngó”! Giữa tháng năm các tỉnh phía Nam mở hội mừng ngày thống nhất. Lời bố cáo từ Chính phủ trung ương: “Đây là đại thắng lợi cùa toàn dân tộc Việt Nam, không phân biệt Bắc-Nam, bên này bên nọ; kẻ thua là những thế lực xâm lược và bọn người coi rẻ quyền lợi của quốc gia dân tộc”! Người nghe chẳng thể biết ai là người thấy nặng, nhẹ trong lòng. Tôi thở phào đã thoát chết chẳng lưu luyến gì trở về quê hương với bao nhiêu hy vọng được sự bù đắp của gia đình và xã hội.

Nhớ lại ngày đầu năm 1955 cả Thủ đô mừng đón Chính phủ kháng chiến trở về. Lũ trẻ chúng tôi như muốn bay lên dưới tay Bác Hồ cầm chiếc “mũ cát” nhịp cho cả ngàn vạn người cùng hát vang lên. Lần đầu tiên người Hà Nội cùng nhìn về một hướng hát chung một bài ca: Kết đoàn chúng ta là sức mạnh / Kết đoàn chúng ta là thép gang / Đoàn kết ta bền vững… còn hơn cả thép gang! Lời ca gây niềm tin mới. Một buổi sáng, chưa tới giờ ra chơi mà trống đánh thúc dồn dập khác thường. Thầy giám thị nhắc nhở các lớp mau xuống sân trường. Ông Tổng Trọng (Tổng giám thị) hối thúc các lớp mau xuống sân trường, mời các thầy cô giáo đứng trước chân cột cờ và bảo học trò xếp hàng nghiêm chỉnh. Chúng tôi nghển cổ chờ xem có chuyện lạ gì. Tôi len lỏi tới chân bậc tam cấp. Một đoàn người từ Phòng Hội đồng lố nhố đi ra. Thầy giám học Đào Văn Khánh bước nhanh lên trước, ra hiệu cho học trò im lặng. Thầy Hiệu trưởng Đào Văn Trinh phong cách đĩnh đạc, trịnh trọng, chậm rãi giới thiệu Bác Hồ đến thăm trường… Lần đầu trong đời, lũ trẻ chúng tôi được tận mắt nhìn thấy Bác. Ông cụ hiền từ, giản dị, đôi mắt sáng tinh anh, giơ tay xua xua để các cháu hạ cơn phấn chấn. Bác nói đại ý: Mấy năm qua, Bác và Chính phủ phải dời lên chiến khu lãnh đạo kháng chiến. Vừa trở về Thủ đô được ít ngày, hôm nay Bác tới thăm trường. Trước hết thay mặt Chính phủ Bác xin lỗi vì để các cháu bấy lâu phải sống trong vùng giặc tạm chiếm. Bây giờ nửa nước ta được giải phóng rồi thì các cháu phải chăm chỉ học hành và siêng năng giúp đỡ cha mẹ trong công việc hàng ngày để sau này thành người lao động có văn hóa phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân; thầy trò phải đoàn kết cùng tòan dân xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, mọi người được ấm no, sung sướng, các cháu nhỏ đều được học hành. Bác nói ngắn thôi rồi ra về. Cả đoàn gần chục người đi có một chiếc xe con và một chiếc xe zeep cũ. Những lời dạy của Bác lúc ấy thật mới lạ. Nghe tôi kể lại, cả nhà ai cũng rưng rưng trước tấm lòng nhân ái quảng đại của Cụ Hồ. Về sau, thuận dịp nào vui tôi buột kể chuyện này thì không mấy ai tin, có người cho rằng tôi bày đặt chuyện ra có ẩn ý gì! Cả dân tộc này đều phải nhớ ơn vị “cha già dân tộc” chớ sao có sự ngược đời! Tôi ấm ức mãi trong lòng. Sau tình cờ đọc mấy câu thơ của Chế Lan Viên: “Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê / Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ / Hiểu sao hết được tấm lòng lãnh tụ / Tìm đường đi cho dân tộc đi theo”, tôi mới thấm cái tình đời. 

Chúng tôi vẫn được học hành, được vào Đội thiếu niên quàng khăn đỏ, được nhảy múa những điệu mới lạ: mí đồ đồ đồ phá mí rê / rê đô sì đô rế sòn sòn… hoặc là: sol sol sol đố sol / sol sol sol đố rê / rê rê rê mí sì rê… nhộn lắm, được hát hò ca ngợi Bác, Đảng, các anh bộ đội và lao động vinh quang, được học tập giác ngộ thế nào là giai cấp phản động và tiến bộ, là xã hội chủ nghĩa ưu việt – không người bóc lột người, tiến tới xã hội cộng sản “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” và mơ ước được như Liên Xô – thiên đường hạ giới… Chúng tôi tin đang được sống trong một xã hội tốt đẹp nhất của lòai người mà “người lao động làm ông chủ”, giới quan quyền xưa đã bị lịch sử chôn vùi, thay vì là những “cán bộ như người đầy tớ trung thành tận tụy”. Tương lai thanh niên nam nữ sẽ như những ông hòang bà chúa. Bấy giờ mới vỡ ra rằng cái khu biệt thự tây kín cổng cao tường kia là hang ổ của những tên thực dân đầu sỏ và bọn Việt gian trùm sò! Cái trường tây mang tên một thằng thực dân chóp bu chuyên đào tạo ra những kẻ tay sai mẫu quốc nói tiếng tây thạo hơn tiếng mẹ đẻ, nay là cơ quan đầu não của Nhà nước nhân dân kiểu mới!

Hai năm sau ngày giải phóng, chúng tôi được học theo hệ phổ thông 10 năm, nói là theo chương trình của Liên Xô. Thì biết vậy! Trước kia Tiểu học cho hệ điểm 10, Trung học cho hệ điểm 20, nay theo Liên xô cho hệ điểm 5, được thầy giải thích là gọn mà chuẩn. Chúng tôi bảo nhau: 5 hay 10 cũng thế thôi – Dù 20 cũng chẳng khác gì!

Khi Đoàn thanh niên thành phố phát động trong giới học sinh – sinh viên dấy lên phong trào Bài trừ văn hóa nô dịch, những sách cũ tây-tàu-ta bất luận đều gom lại đốt đi hoặc đem nghiền thành bột giấy! Ông thầy dạy nhạc Vũ Nhân thay thầy Thẩm Oánh đi Nam, sáng tác hưởng ứng một bài phổ ra cả trường đều hát: “Thi đua bài trừ văn hóa nô dịch chúng ta nêu cao gương đấu tranh tòan dân… Đốt phá cho bằng hết văn hóa suy đồi từ bao lâu lũ đế quốc xâm lăng reo rắc sầu”… Thế mà ít lâu sau vắng bóng thầy. Nghe tin thầy bị bắt đem đi đâu! Thầy nguyên là trung úy quân đội quốc gia thì ai cũng biết nhưng không ai được biết thầy đã làm việc gì phạm pháp? Chẳng biết có bị đưa ra trước tòa xét xử hay không nhưng sau này nghe đâu thầy bị ngồi tù hơn chục năm mới được tha. Về nhà, nhờ thạo mấy nốt sol-đố-mì-la cuối đời làm nghề dạy nhạc kiếm ăn nhẹ nhàng. Thầy Lại Cang dạy Văn tôi gần suốt cả thời trung học. Thi tốt nghiệp trường Đại học sư phạm đúng vào năm 1954, nhận giấy công vụ vào Huế dạy trường Quốc học nhưng thầy ở lại nhận sự phân công của chính phủ kháng chiến vừa về tiếp quản Thủ đô. Tuy nhiên đám học sinh đệ nhị cấp (cấp hai) nhiều trường tư thục biết tiếng từ khi thầy còn là sinh viên đi “bán cháo phổi”. Thầy đa tài, có ba bằng: Cử nhân Văn chương, Sử học và Triết học. Ngòai ra thầy cũng giỏi cả Tóan học, Anh ngữ, Pháp ngữ và Hán ngữ. Thầy viết nhiều sách khảo cứu văn học cổ điển rất công phu. Thầy kể khi viết về Nguyễn Bỉnh Khiêm phải đọc cả triết học Trung hoa và Ấn Độ. Dáng dong dỏng, da ngăm ngăm, tóc hớt cao, đôi mắt lim dim mơ màng sau tròng kính cận dày cộp, mặc xuềnh xòang nhưng thầy giảng cuốn hút làm sao. Văn học cổ điển, văn học lãng mạn ta tây, thầy truyền cái say sang trò. Có lần thầy nói: Giữa giảng văn, bình văn, tán văn ranh giới rất mơ hồ. Làm sao truyền được cảm hứng văn chương nghệ thuật cho người nghe mới là điều cốt yếu. Tôi đến với văn chương khởi nguồn cũng từ những giờ giảng ấy. Sau này, nghe về cái chết của thầy sao mà oan trái! Con người đa tài mà bất lực trước thời thế. Trí lớn ngày một mỏi mòn dễ sinh ra trạng thái tâm thần bất định! Tôi nhớ buổi giảng về Annakarênina, nét mặt thầy u ám. Cái tai to buông thõng xuống của người chồng quan là nỗi ám ảnh suốt đời nàng tới mức không chịu nổi! Và cái chết của người đàn bà đa đoan ấy có là tiền định với thầy?         

Tuy nhiên chúng tôi vẫn vui vẻ nhởn nhơ, không để ý tới những mối lo toan phấp phỏng của cha mẹ do cuộc sống ngày càng khó khăn thắt ngặt hơn. Những lần đi qua phố Hàng Đào, tôi để ý cái bảng hiệu nhà anh cùng mấy lời chào: “Hàng tơ lụa – Bán  buôn – Bán lẻ” đã thay bằng cái bảng to tướng bề thế lắm đề: “Công ty bông vải sợi quốc doanh” mà chẳng thấy hàng gì là bông, vải, sợi. Rồi sau lại thấy trưng ra mấy cái quầy bày lỏng chỏng lơ chơ những đồng hồ cũ, kính và bút máy với một tấm bảng nhỏ viết tay: “Máy khắc chữ”. Có lần tôi ghé vào thử khắc lên cây bút chữ Thân tặng… để kỷ niệm một người bạn gái, nhân thể tò mò nhìn sâu vào trong thì cảm giác như ngôi nhà nhiều chủ.

Đến khi bước chân vào trường Đại học tôi chỉ được tiếp quản cái xe đạp cà tàng của bố và chợt nhận ra mình không là thành phần đáng tin của xã hội mới này! Ông cán bộ tuyên huấn nói toạc móng heo: Đây là nhà trường của công nông thì con em công nông làm chủ. Các thành phần khác mới đúng là được ưu tiên! Xã hội đã phân chia giai cấp rồi mà trong trường học còn chia ra nhiều đẳng cấp. Nhất hạng là các anh bộ đội và cán bộ. Thượng thặng là những đảng viên. Thứ đến là con em liệt sỹ, miền Nam, miền núi, công nông, lao động. Hạng bét là thành phần tạp nham dễ lung lay chao đảo, chỉ lơ thơ mấy đứa coi như là chiếu cố! Lâu lâu đột nhiên vắng bóng một người cùng học. Hỏi ra mới biết bị cho thôi học vì lý lịch có điểm mờ nào đó nhưng chẳng ai dám hỏi đến tận cùng! Có bạn tên Hiệp cùng học ở trường Nguyễn Trãi, là dân Ngũ Xã, bơi lội giỏi lắm. Ngày đoạt giải tòan quốc “Bơi vượt sông Hồng”, cu cậu đem tấm Huy chương vàng chóe tặng lại nhà trường trước sự hân hoan chào đón của hàng nghìn thầy trò. Ít lâu sau không thấy bạn đi học nữa, nghe đâu cũng vì lý lịch, rồi người ta chóng quên đi! Chẳng biết tấm huy chương vàng kia có còn lưu trong “Phòng truyền thống” để là niềm tự hào của nhà trường mà sẽ chẳng ai biết đến thân phận chủ nhân của nó!

Thời ấy, từ người đại diện sinh viên của trường đến những người quản lý lớp, tổ đều do tổ chức chỉ định cả. Có ai vi phạm quy chế của nhà trường thì kỷ luật cũng khác nhau tùy theo đẳng cấp! Lúc đó bên Đông Âu đang lộn xộn, tiêu biểu là ở Hungari có Câu lạc bộ Pêtôphy ở thủ đô Budapest do giới trí thức làm đầu trò và sinh viên làm ngòi nổ, quậy lên tưng bừng, nên mọi sinh hoạt của thầy trò trong các trường Đại học nghiêm ngặt lắm.

Thực sự lúc ấy tôi vẫn là cậu học trò khờ khạo. Thằng Tây thì chẳng mấy ai ưa nhưng dám đánh Tây mới thật là yêu nước. Bây giờ có Bác, Đảng đánh đuổi nó đi thì sao lại không tin? sao lại không yêu? Lòng mình nghĩ thế mà không thấy chung quanh người ta soi mói ai bạn ai thù, chỉ biết sống theo những gì gọi là chân-thiện-mỹ, không biết phải uốn lưỡi giữ mình, cứ nghĩ sao nói vậy nên dễ bị trù! Cái tội của mấy đứa xuất thân từ giới học trò thành phố là kém về ý thức tổ chức và phát ngôn thiếu ý thức chính trị, nên dễ bị xếp vào loại yếu kém quan điểm lập trường giai cấp! Dần dà tôi mới nhận ra là thân phận kẻ học nhờ, phải biết nghe lời chỉ bảo, giáo dục của Đảng, của Đoàn mà chẳng đâu xa, chính là những người ngồi chung ghế cùng nghe thầy giảng với mình! Các anh chi bộ, các bạn chi đoàn phân tích cho rằng làm thầy thuốc cũng phải có lập trường giai cấp. Trước một người bệnh cũng phải phân biệt rõ bạn thù. Dù không thầy nào giảng như thế cả nhưng chúng tôi cũng không biết hỏi ai. Về nhà thì cha thất thế lạc hậu rồi! Đến trường thì các thầy đang bị rang trong cái chảo lửa đấu tranh giai cấp nên chi cũng sợ trò! Giảng bài, lời nói hớ hênh, đều đến tai tổ chức nhà trường, các thầy khó tiến bộ. Có thầy bị điều chuyển đi không phải vì dạy kém! Để cho ra lò những sản phẩm đỏ thắm chuyên sâu, cần những người thợ lò chuyên sâu đỏ thắm… Những từ Chân-Thiện-Mỹ đã thành cổ ngữ!

Không ít các anh bộ đội, cán bộ bước chân vào đại học, cái vốn văn hóa đa phần cấp một, giỏi lắm cũng chưa hết cấp hai, trước khi thi tuyển vào trường có được bổ túc văn hóa vài ba tháng, rồi cũng đậu! Một số học sinh thành phần cơ bản đang học cấp Ba cũng được đặc cách đưa lên Đại học. Khi kiểm tra học phần đều được điểm cao bởi chưng các thầy cũng sợ trò, trừ mấy ông thầy lớn đặc biệt thôi. Ra trường nhiều anh được giao lãnh đạo hoặc giữ lại giảng dạy các bộ môn, không ít anh được du học trở về với học vị và học hàm cao ngất nghểu. Câu kháo râm ran: “Việt Nam có chuyện lạ đời / Chưa hết lớp mười cũng được giáo sư!” nghe được chỉ để bụng thôi! Nền giáo dục đại học dễ dãi một thời khởi từ sự ban ơn phát lộc trong sự học hành đã đi đến hậu quả dù học thật mà ra bằng giả, rồi là học giả cũng cho bằng thật, khởi đầu từ một thời như thế!

Cái danh “viên chức lưu dung” cứ như cục đá cột vào cổ cha, cột vào chân con không biết làm sao gỡ ra được. Cho đến lúc chết cha tôi vẫn đau lòng lắm vì cái thân phận “hàng thần lơ láo” không thể làm chỗ dựa để con phải long đong lận đận suốt đời!

Sang năm thứ hai, đi thực tập bệnh viện, tình cờ tôi lại gặp anh đã là Bác sỹ cán bộ giảng Khoa Nhi của trường! Tính tôi vẫn nhút nhát lại thêm mặc cảm thành phần nên không dám mạnh dạn nhận người quen cũ. Tò mò biết anh là bộ đội chuyển ngành, là đảng viên, tôi càng linh lỉnh. Cán bộ giảng chỉ quan hệ với cán bộ lớp và tổ để nắm sinh viên thôi. Mỗi khi vô tình đối diện nhau, chỉ gật đầu chào qua lại. Có lần tôi đánh bạo hỏi anh đi bộ đội hồi nào, anh chỉ cười ý nhị. Cảm thấy anh kho khó thế nào, tôi lảng!

Ra trường, những người mang thành phần như tôi cần rèn luyện thử thách nhiều họa chăng mới được thành con người mới! Tôi chẳng mấy buồn và muốn thử sức mình. Tiền nhân đã dạy: “Đường đi không khó mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Tôi ham đọc sách kim cổ đông tây, thích nghe những điều hay ý lạ và có chút máu lãng mạn phiêu lưu: Mỗi người trong xã hội cũng như các bộ phận của chiếc đồng hồ. Chỉ có người vô ích chứ không có công việc nào vô ích cả. Đừng hỏi Tổ quốc đãi ngộ thế nào, hãy hỏi mình phải làm gì cho Tổ quốc… Xã hội lúc đó đang cần những người như thế… Vui sao con đường đi đánh Mỹ / Như chảy hội mùa xuân ngàn năm có một lầnĐường Trường Sơn ào ào lá đỏĐi, ta đi giải phóng miền Nam / Khi quê hương còn bóng quân xâm lược thì ta còn chiến đấu quét sạch nó đi…

Tôi vào đời lúc đất nước trong cảnh chiến tranh gay go, ác liệt, gian khổ và túng thiếu. Cũng như nhiều người, tôi đã vượt qua, không có gì để hãnh diện cũng không làm điều gì phải sượng với đời mặc dù tôi phải thể hiện quyết tâm tới ba lần mới được chọn đi “B”. Tôi đã cùng đồng đội hành quân dọc Trường Sơn hết gần nửa năm trời, thoát được những ổ biệt kích phục rình hoặc đổ dò bất chợt, những trận “bom giải thảm” hay “bom tọa độ” và những cơn sốt rét rừng tai quái… Tôi đã qua được những ngày gian truân sất bất sang bang ngay tại cửa ngõ Sài Gòn sau Tết Mậu Thân. Những ngày bị giặc bố càn, đồng đội thương vong tứ tán, giữa bưng Đồng Tháp Mười trống bốc, tôi nằm bất động, phủ mình dưới đám cỏ năn trong khi hàng đòan trực thăng quần đảo vừa bắn xuống như vãi đạn vừa kêu gọi chiến binh Việt cộng hãy chiêu hồi về với chính nghĩa quốc gia… Chỉ cần chút yếu lòng là sẽ bật đứng dậy, giơ tay lên, có trực thăng đỗ xuống liền và bốc đi ngay... Những nơi nào khó khăn ác liệt người ta giao việc cho tôi với lời động viên là vì tôi trẻ khỏe, quen với chiến trường! Tôi làm không vì lời biểu dương cửa miệng của ai, chỉ nghĩ rằng không thể sống hèn với cái triết lý tưởng như nhuốm màu mê tín: “Nếu định mệnh khắc lên trán ta cái ngày tận số thì ta cứ ung dung thanh thản mà đi”. Sau này nghĩ lại là nó khởi xuất từ câu nói của tướng Napoléon Bonaparte thấm vào tôi từ tuổi thiếu niên: “Mỗi người lính đều có một viên đạn dành riêng cho mình”!Khi viên đạn ấy rời khỏi nòng súng thì dù anh chạy lên trời hay chui xuống đất nó cũng tìm đến với anh! Tôi tin là ông-bà-cha-mẹ che chở tiếp sức cho tôi vì ngày tôi khóac ba lô chia tay gia đình đi B, cha tôi hỷ mũi liên hồi, lời căn dặn đứt ra từng khúc: “Các con không may sinh phải thời tao loạn. Đi vào nơi mũi tên hòn đạn, hèn thì người khinh, liều thì uổng mạng! Cậu mợ ở nhà  dõi theo từng bước con đi. Cầu mong ông bà phù trợ cho con cháu chân cứng đá mềm qua được những chông gai nguy hiểm”!

Tôi đón nhận hòa bình, trở về quê hương với tâm trạng quẳng gánh lo đi để vui sống. Nhưng tôi bị hụt hẫng ngay từ khi chiếc tàu biển Thống Nhất cặp bến Hải Phòng, trên toa xe lửa về lại Thủ đô chật như nêm kẻ đứng người ngồi, trên chiếc xích lô cũ nát, anh “tài” ngồi gếch chân lên càng xe nhìn ông khách lui cui lụi cụi sách từng cái túi vào nhà!

Chúng tôi ra đi chấp nhận sinh Bắc tử Nam hoặc ở nơi xó rừng góc biển chân trời nào miễn là hy sinh cho Tổ quốc. Nhưng thóat chết trở về, được vào lại mái nhà xưa không dễ. Khi bước chân đi, chú công an mặt non choẹt đến đòi đưa quyển hộ khẩu, cầm cây bút xổ ngang một nét coi như mình mất gốc! Ngày trở về, may mà cha mẹ còn sống, ký chấp nhận cho con được nhập lại vào nhà, nếu không thì bơ vơ! Đại gia đình gom trong môt căn hộ mà mỗi gia đình nhỏ là một cái giường. Anh em “kiến giả nhất phận” cổ nhân dạy rồi! Những gì bị kìm nén lâu thành ức chế trước một tương lai vô định nảy ra nhiều cảnh đau lòng ngấm ngầm hoặc bộc phát ra từ không ít những ổ gia đình như thế!

Chạy xin việc làm cũng vất vả cay đắng lắm! Lúc này xã hội đã có câu truyền khẩu: “Nhất thân–Nhì thế–Tam quyền–Tứ chế”. Tôi chỉ có một cái “chế” (chế độ, chính sách) do mình tự làm ra nhưng phải là gặp người tử tế. Tôi  thật may gặp được những người tốt, vô tư giúp qua lúc khó và dù chẳng thể trả ơn nhưng suốt đời tôi không quên họ. Âu đó là cái phúc mà tôi được hưởng từ cái đức của tiền nhân. Vớt được chút tình yêu phải vật lộn mãi trong gian khó! Tôi tự bằng lòng với cái mình làm ra chẳng cần biết là to hay nhỏ mà trời không lấy lại và coi đó là hạnh phúc dù vẫn ghi tâm lời cổ nhân “cái quan nhận định”!

Gánh lo vẫn triền miên trĩu nặng trên vai! Tôi chỉ kịp chôn cha! Được cho về hưu sớm giữa thời “bao cấp” với đủ lý do mà không thể giãi bày cùng ai, ông già mới ngòai sáu mươi đã tóc bạc như sương, hốc hác và còm cõi, vẫn phải thay con xếp hàng cả ngày không kể nắng mưa, làm cái việc tiêu thụ tem phiếu cho cả nhà được sống qua ngày và bán đi những bao thuốc điếu theo cái “bìa tiêu chuẩn” mà cha con đều không dám hút để phụ thu thêm. Đến lúc đổ xụp xuống, cả tháng trời nằm viện, cũng chẳng chẩn đoán ra rõ bệnh. Cha tôi thều thào đòi về được chết ở nhà mà chẳng giận ai, chẳng tiếc nuối điều gì. Chắc là ông cụ chết vì kiệt lực! Chiếc áo cuối cùng cho một viên chức hưu trí hiền lành, trung hậu, cả tin là chiếc hòm mộc bào sơ sài, phết lớp nước phẩm hồng lợt lạt. Để bít những đường nứt nẻ, anh em tôi phải lấy đất thó trát vào và bồi thêm một lớp giấy báo quét lên màu phẩm hồng thật đậm! Đám tang cha tôi đi trong buổi sớm thu mưa lạnh tái tê, những người tiễn đưa tan tác! Mấy chục năm đã qua, nghĩ đến cha tôi vẫn thấy xót xa ai oán và nhớ mãi lời cha thủ thỉ tâm tình lúc tôi đã thành thân: “Sống vào thời buổi nhiễu nhương thì thần phật cũng hết thiêng. Đi theo ai chỉ vì miếng cơm manh áo chỉ là phường giá áo túi cơm. Nhưng theo điều thiện lắm lúc cũng mơ hồ mà còn chịu điều oan trái”. Trời cho con hưởng lộc hơn cha, nay đã ở tuổi “cổ lai hy” mà xem ra trời chưa đòi lộc. Chợt lúc nghĩ đến cha lòng vẫn xót xa thân phận một đời người: “Cha ơi, cha mất lâu rồi / Mà con vẫn nặng nỗi niềm thương cha”!

Năm 1979, tôi lại bị chòang lên người mảnh chiến y những tưởng được đoạn tuyệt với nó rồi trong khi không ít người đồng lứa hoặc sau tôi cứ ung dung hưởng lộc! Một hôm ngồi trên đỉnh đồi hướng về phía trời xa, nỗi thương vợ nhớ con day dứt. Tôi hút liền mấy điếu Tam Đảo. Tàn thuốc bỏng tay làm tôi sực tỉnh. Nhớ lại ngày còn ở trong Nam, lính ta mê nhất thuốc CAPSTAN chiến lợi phẩm mỗi khi đánh Mỹ. Từ những mẫu tự đó, lính miền Đông tán gẫu thành hai câu thơ xuôi ngược dí dỏm: Chiếc Áo Phong Sương Trao Ai Nhận? Nhận Áo T Sinh Phụ Áo Chàng! Chiếc áo thư sinh với tôi đã không thể mặc từ lâu rồi vì ngày càng chật chội nhưng Chiếc ao phong sương rộng thùng thình lúc nào chòang lên cũng được. Có khác chi kẻ bị phụ tình! Tôi chợt nhận ra sự vô cảm của cộng đồng và sự dối trá sau những mỹ từ ở đâu cũng bị nghe nhàm chán. Lại gần một thập niên trôi qua, tôi mới rũ bỏ được tấm áo phong sương lúc bắt đầu tuột xuống cái dốc bên kia của một đời người! Nhưng xã hội lúc này đã chuyển sang nền kinh tế thị trường, đã không có chức quyền hoặc là tiền của thì chí ít cũng phải biết khua môi múa mép. Tôi thành người lạc lõng cô đơn! Giữa lúc xã hội cần gỡ rối thì một vị vào hàng “tứ trụ triều đình” lại tung ra lời nói càng thêm rối: “Sau ngày 30 tháng Tư, có hàng triệu người sướng thì cũng có hàng triệu người khổ!”. Ai sướng? Ai khổ? Nhớ ngày Bác mất, chiến trường miền Nam gian truân lắm. Những lần từ R “xuống đường”, tình cờ dừng chân tại một trạm trong lúp xúp những bụi năn giữa bưng dưới trời chang chang đổ lửa, gặp đoàn cán bộ từ dưới ngược lên. Dân Y4 (Nội Đô) nhìn là biết. Dù nhận diện được ông Tư, ông Năm, ông Sáu Bí thư nhưng vẫn coi như khách lạ giữa đường theo thói quen “ba Không” (Không nghe - Không biết - Không thấy) thời kháng chiến. Giao lưu chốc lát toàn những chuyện “da trâu lá lúa” (địch dày như da trâu hay mỏng như lá lúa) dù là biết nhau miệng cười dạ héo. Vậy mà lúc chia tay khóe mắt mỗi người vẫn gửi cho nhau những tia hy vọng. Và rồi điều mong chờ đã tới. Nhưng bây giờ khổ, sướng là ai? Ông có sớm quên không: Những năm sau 1975, phía Bắc dân nhiều tỉnh đói, tới mức có người chết đói, nếu không thì cũng chết mòn vì đói! Những người lính chiến trở về ốm đau, thương tật và thất nghiệp? Vậy mà người dân lại gồng mình gánh một lúc hai cuộc chiến tranh cấm vận và bảo vệ biên cương ở cả hai đầu đất nước? Như tôi đây có sướng không? Năm anh lính trên chiếc xe tăng húc đổ cổng sắt dinh Tổng Thống ngụy quyền về quê mưu sinh bằng những cách nào? Chị Út Tịch – “người mẹ cầm súng” ở miền Tây nổi tiếng với câu nói: “Còn cái lai quần cũng đánh”! Các con bày đàn tan tác, ngày giải phóng trở về quê mất mẹ, mất cha, vẫn không mảnh đất chọi chim, lại chia nhau tứ tán ăn nhờ ở đậu? Trong khi bầu đàn thê tử nhà ông từ đứa con ruột đến người vợ kế, con rơi sống thế nào?! Thậm chí ông còn dư của cho đúc tượng đồng đưa vào đền thánh sư thờ viên đại quan từng bán đứng đất Nam kỳ này cho giặc! Những giọt nước miếng của ông đã có gang có thép. Mới hay cái luật tử sinh là sự ban ơn của tạo hóa đối với loài người!

Một thời kỳ lịch sử đặc biệt đã sản sinh ra lớp người “Đảng chỉ đi đâu thì đến, việc dù khó mấy cũng làm, chỉ biết cống hiến mà không đòi hưởng thụ”. Nhưng thời thế nay đã khác! Nhớ câu nói từng đọc ở đâu: “Quyền và Tiền bộc lộ ra cốt lõi một con người”! Cái “tôi” chính là cốt lõi của con người. Dẫu rằng có cái “tôi viết hoa nhưng lúc này nó chìm nghỉm nơi đâu và chính những cái “tôi nguyệch ngoạc, ngoằn ngòeo” tệ hại nhan nhản trước mắt đây kia sẽ tạo nên những điều bi thảm mà chưa biết hậu hồi kết thúc thế nào? Tâm trạng tôi nặng nề u uất!

Nửa thế kỷ với một đời người không ngắn. Quanh tôi đã có bao nhiêu con người xã hội chủ nghĩa? Và tôi có được mấy phần trăm? Cái mô hình “chủ nghĩa xã hội” của Liên Xô đã sụp đổ thì được gắn vàocặp từ “định hướng” là có ngay một mô hình mới dù có mơ hồ! Thế là kinh tế thị trường còn sống khỏe, sống lâu! Ai điều tiết được con ngựa chứng này? Duy có một thời người ta bảo: Ra ngõ gặp anh hùng, liệu có lẫn tôi trong đó? Những người anh hùng xếp lại tờ giấy gọi trúng tuyển vào Đại học, tự trích máu ngón tay viết quyết tâm thư xin được ra tiền tuyến; Những người anh hùng chia tay người yêu không chút bịn rịn ngỏ lời khuyên hãy đừng chờ đợi; Những người anh hùng xếp hàng rồng rắn để được một bát phở chay “không người lái”, lõng bõng dăm sợi mỳ hôi, bưng lên húp xì xà xì xụp vì cái thìa bị đục đinh ở đáy (!) đã thành vô dụng mà không nghĩ rằng mình bị xúc phạm, vẫn hồn nhiên chia tay nhau ra trận; Những người anh hùng run rẩy trong cơn sốt rét vẫn dìu nhau bước trên những mỏm đá cheo leo nơi đỉnh Trường Sơn hướng ra phía trước mịt mù khói bom lửa đạn; Những người anh hùng lặng lẽ tiễn bạn lạnh cứng trong chiếc “áo bào” hiện đại là tấm nilon xám xịt, nằm lại dưới những nấm mồ rải rác giữa rừng già âm u miền biên viễn, rồi vội vã ra đi làm nhiệm vụ; Những người anh hùng dù đói, khát, bị thương, bị bỏ rơi vẫn lần tìm về đội ngũ… Và những người anh hùng sống sót trở về, ngơ ngáo đi xin việc làm trước những cái lắc đầu vô cảm với ánh mắt lạnh lùng hoặc là thương hại!

Nhớ lại một thời thơ trẻ, chúng tôi từng say xưa nắm tay nhau kết đoàn nhảy vòng tròn cùng hát: “Nước ta có Hồ Chủ tịch / Trung quốc có Mao Trạch Đông / Liên Xô có Malencốp và có tinh thần vĩ đại của Đại nguyên sóai Stalin / Là những bó đuốc sáng ngời / Soi sáng con đường chúng ta đi”… Thế rồi ông Malencốp bị đồng chí của ông hạ bệ và người đời đã quên đi! Ông Stalin không khác gì Sa hòang Pie đại đế và ông Mao Trạch Đông không thua gì Thủy hòang đế Doanh Chính nhà Tần! Chỉ duy còn lại Bác kính yêu đang cùng chúng cháu hành quân!

Bao ước mơ xưa tắt lịm! Con người tôi xưa còn cái bóng: Ước mơ một thời rực lửa / Lá xanh, hoa thắm, trái hồng / Trải bao gió-sương-mưa-nắng / Về già nhặt ước mơ rơi! Những cánh ước mơ của tôi rơi xuống là những trang sách vương chút u hòai!

Ông Nguyễn Khắc Viện là một trong số ít trí thức lớn tâm huyết, gạt thù nhà lo đền nợ nước, sống liêm chính và tận tình tận tụy, cuối đời tổng luận một câu thi vị: “Hãy bỏ phần ngây đi và giữ lại phần thơ!”. Thơ không làm ta thỏa mãn nhưng cho ta sự nhẹ lòng. Tôi nhớ đến A. Puskin – tấm bi kịch của một thiên tài vĩ đại Nga đã không vì thế mà “muốn thay đổi tổ quốc hay muốn có những trang sử khác với lịch sử của tổ tiên mình”!

Bây giờ lớp người Hà Nội xưa lơ thơ như lá mùa thu và chìm nghỉm trong biển người mới xã hội chủ nghĩa hôm nay. Lớp “đầy tớ” mới giống những ông “tướng Quảng Lạc” hồi nào!

Tôi đã về hưu. Một ngày họp mặt bạn cũ thầy xưa, đều già, khó nhận ra nếu không thật là thân thiết. Có trò trông già hơn thầy. Tay bắt mặt mừng mà không nhớ tên nhau. Anh và tôi nhìn nhau ngờ ngợ, phải hỏi mới nhận ra! Trông anh phong độ tươi tỉnh vui vẻ lắm. Anh bảo nhìn tôi cũng vậy!

Dù tuổi chênh nhau gần con giáp nhưng đều quanh tuổi thất thập và là dân dã cả, người ta dễ bình đẳng với nhau. Mọi chuyện đời dù còn ngổn ngang nhưng đã ở phía sau. Chọn những gì cùng vui cùng buồn chia sẻ cho nhau là có thêm bạn qúy.

Anh trả lời câu hỏi của tôi mấy mươi năm trước :

- Dạo ấy mình đã hoạt động trong Hội học sinh kháng chiến thành. Sau bị lộ, chạy ra căn cứ rồi vào bộ đội. Hòa bình, mình xin về học y vì thích nghề này!

Thì ra anh trong số đầu trò những vụ treo cờ, rải truyền đơn kêu gọi học sinh bãi khóa chống bắt lính ở trường mà dạo đó tôi vừa sợ vừa phục thế.

Gần chót một đời người, lại qua một thời dằng dặc bể dâu, bao nhiêu điều chứa căng một bụng, bi ca lẫn với tráng ca. Chuyện xưa chuyện nay đen-bạc-rủi-may, hoa thơm cỏ lạ, những niềm vui bất chợt, những nỗi đau đời. Bùn không chỉ ở dưới đáy mà còn lem tới chín tầng cao, nói ra nửa khóc nửa cười tổn thọ! Loanh quanh lại về với Hà Nội một thời “bãi biển nương dâu” (thương hải biến vi tang điền). Lan man nhiều chuyện dông dài.

Nhà anh là nơi gặp gỡ của những anh em từng sống ở Hà Nội nhiều thời. Thời nước Việt Nam thống nhất, thời chống Mỹ, thời chống Pháp, thời nô lệ Nhật-Tây… Khó truy ra được ai là người Hà Nội gốc? Theo cổ lệ từ thời cố hỉ, người nhập cư trải ba đời mới được xóa đi cái mặc cảm là dân ngụ cư cù bơ cù bất ở đâu lang bạt tới nơi đất mới nương thân. Thế thì ở chốn kinh kỳ mấy ai được tới ba đời để thành người chính gốc? Thân phận kẻ nhập cư ngày xưa nhục lắm. Ở mãi rìa làng, vào bẩm ra thưa ông Lý ông Chánh đã đành, gặp ai cũng phải chào mà không dám ngẩng mặt lên, khổ chẳng ai thương, đói không dám than, đau không dám rên, oan không dám kêu, việc làng nước oằn lưng ra gánh mà khi có đám tiệc ngòai đình chỉ làm kẻ quét dọn bưng bê hầu hạ từ mấy cụ bô lão tới mấy đứa trai đinh. Vậy mà khi chết chỉ được gửi nắm xương tàn nơi bờ chuôm cuối bãi chứ đâu dám mơ tới nơi địa táng phát tích nghênh ngang đầu làng. Nghĩ thế thì dân ngụ cư Hà Nội thời đại xã hội chủ nghĩa sướng quá đã rồi!

Mang tiếng là đất đế đô nhưng trải hơn chục triều vua, hai chục triều chúa Bắc, chúa Nam, có ai người đất Đại La – Thăng Long lên bậc đế vương đâu? Tao nhân mặc khách lèo tèo dăm vị. Công nghiệp để đời là khách thập phương. Xem ra khắp thế gian này ở đâu cũng vậy: Thị thành là chốn đô hội giống như nơi hợp lưu sông. Bao nhiêu phù sa phẩm vật lẫn những rác rưởi từ mọi nguồn dồn đổ về đây. Những đô thị lớn sinh ra đủ giới thượng lưu, trung lưu, hạ lưu và trong mỗi giới lẫn lộn cả bầy lưu manh với người lương thiện. Là gốc chưa hẳn đã vinh!

Người thị thành không cố hữu với nơi trú ngụ – đất lành chim đậu. Cũng không đằm thắm với chuyện đồng hương vì chẳng bao giờ đồng khói. Họ quan hệ theo giới nghiệp và ai cũng có một quê hương gốc tích của mình. Những người vì duyên do nào đó lưu lạc phương xa lòng những đau đáu về chốn cố hương và mong một ngày được như lá rụng về cội. Vua chúa và những hiền tài, tiên liệt để tinh anh lại chốn kinh kỳ còn thể phách gửi về nơi đất tổ. Tỉnh – Quê đôi chốn một nơi, tình nhà, nghĩa nước sâu xa bền chắc. Nhưng người Hà Nội mới bây giờ quyết tâm bám trụ, một tấc không đi – một ly không rời, dù có chết vẫn mơ một chỗ mặt tiền nơi nghĩa địa không Mai Dịch cũng phải là Thanh Tước! Vì sao người ta sợ, không dám nhận nơi quê cha đất tổ của mình?!

Nhân tình thế sự đổi thay. Biến thiên thời cuộc là cơ hội đột biến để người vừa rời mảnh vườn ruộng trở thành chủ nhân phố thị phồn hoa, coi chốn đô thành như làng mạc xóm quê gây nên nhiều nghịch cảnh. Đâu phải cứ đến ở đất Tràng An đều là người thanh lịch. Dòng Nhị hà không là thứ nước thần như Achille được tắm!

Những người tài đức không cần chọn chỗ để sinh ra. Họ như hạt quí ở đâu cũng trồi lên cây đẹp. Cứ chi phải là người gốc Hà thành mới nên danh nên giá. Chẳng cần đốt đuốc đi tìm, nhãn tiền hiển hiện không chỉ một người:

Cụ NGUYỄN DU là nhà nho xứ Nghệ nhưng những dấu son thi nhân để lại nơi đây mãi chẳng phai mờ. Truyện Kiều đưa văn chương nước nhà sánh ngang tầm những áng văn hay nhân loại. Dù mai sau dù có bao giờ… thơ ông mãi đọng nỗi đau nhân tình về những kiếp người mây trôi bèo dạt! Bậc tài tử giai nhân nơi phố thị phồn hoa hay người bình dân sớm khuya tần tảo nơi xóm vắng đồng sâu gặp lúc cơ trời dâu bể đa đoan đều lấy thơ ông vận với phận mình.

Ông NGUYỄN ĐÌNH THI từ miệt tỉnh Đông lên Hà Nội học. Là người đa tài, ông đã làm nên bài ca Người Hà Nội: Đây Hồ Gươm – Hồng Hà – Hồ Tây /  Đây lắng hồn núi sông ngàn năm / Đây Thăng Long /  Đây Đông Đô / Đây Hà Nội… Hà Nội mến yêu!… Những ai từng gắn dù chỉ một khoảng đời mình với Thủ đô, nghe điệu nhạc lời ca thiết tha ngọt ngào sâu lắng ấy đều thấy niềm tự hào xốn xang lay động trong lòng. Có người Hà Nội gốc nào làm được như ông?

Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, giáo sư bác sỹ HỒ ĐẮC DI là vị thầy thuốc tiêu biểu của thế kỷ XX. Với xã hội, Cụ là nhà chí sỹ gắn mình với sự nghiệp phục hưng tổ quốc; với người bệnh, Cụ là người thầy thuốc đức độ tài năng; với học trò, Cụ là người thầy mẫu mực. Người Huế tự hào vì đã sinh ra HỒ ĐẮC DI và người Hà Nội tự hào vì HỒ ĐĂC DI đã làm đẹp thêm nền văn hóa Thăng Long.

Nhà khoa học TRẦN ĐẠI NGHĨA, người lục tỉnh Nam kỳ, được nhà nước bảo hộ cho qua Pháp học nghề xây dựng cầu đường. Nhưng người thanh niên yêu nước Phạm Quang Lễ noi gương ông Cao Thắng, lén học thêm nghề chế súng, rồi theo Cụ Hồ về nước, dựng lên những công binh xưởng phục vụ kháng chiến. Ông đã chế ra những khẩu súng thần công bắn tan những boong ke công sự làm giặc khiếp vía kinh hồn và biến tên lửa SAM II của Nga thành những con Rồng lửa Việt Nam, góp công to vào chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, giữ yên bầu trời Thủ đô. Người Hà Nội nào không ghi nhớ công tích và kính trọng ông?

Mà thời nào cũng không thiếu những chuyện đời đen bạc, những con người như những vết nhơ còn để lại dưới những gốc cây bên những con đường đầy bí ẩn hoặc trên tường thành Đại La cổ kính.

Thủ đô là nơi vừa trong vừa đục, lúc sáng lúc mờ. Vì không là của riêng ai thì nó luôn được đổi thay tân tiến văn minh, người đời hướng về một thủ đô trong trẻo. Khi thủ đô bị biến thành cái ao làng vẩn đục thì còn ai thiết tha tới nữa?

Hà cớ chi mà ngộ nhận một gốc rễ vu vơ?

Tổ đã không thương thì sao yêu Quốc được! 

(đón đọc Chương 2: CỤ RÙA ƠI... THƯƠNG CHÁU VỚI ! )

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_HNBD.php

11-Nov-2017

Trang Văn Học