HÀ NỘI BỂ DÂU

- truyện ký -

BS Nguyễn Văn Thịnh

HOA NGỌC HÀ

Người dũng sỹ lòng đầy tin tưởng

Khi quên  mình cho một chiến công

Nhân dân lòng muôn vàn yêu qúy

                   Dành cho anh lời vĩnh biệt cuối cùng

(Năm khủng khiếp – Victor Hugo)

C ẩm Nhung dỡ chiếc mũ rơm rộng vành ra khỏi đầu, móc vào tay lái xe, ngập ngừng đến gần anh lính gác cổng sân bay. Anh lính chăm chăm nhìn cô gái trẻ trên mình đầy bụi cát:

- Chị đến tìm ai?

- Tôi muốn gặp anh Huỳnh Anh Dũng?

- Ở đơn vị nào?

Cẩm Nhung lục trong túi xách đưa ra chiếc phong bì. Anh ta liếc qua rồi nhìn cô gái dò xét :

- Anh ấy làm nhiệm vụ gì?

- Lái máy bay!

Anh lính hỏi vặn :

- Chị với anh ấy là thế nào?

Cẩm Nhung ấp úng :

- Là… bạn!

Anh lính cười :

- Bạn cấp mấy mà dám vượt đường xa nguy hiểm đến tìm nhau lúc này ?

Cẩm Nhung hơi khó chịu nhưng cố làm lành :

- Vâng… Tôi từ Hà Nội lên! Anh thông cảm cho tôi được gặp anh ấy để còn về kịp trong ngày.

Anh lính kiểm tra giấy tờ hợp lệ rồi mới đi vào quay chiếc máy bộ đàm đặt trên nóc tủ trực ban. Khi trở ra, anh ta vui vẻ :

- May đấy, sắp đến giờ người ta trực chiến. Chị đi thẳng đường này, tới ngã ba rẽ phải, đi một khúc qua dãy nhà A, rẽ trái, tới dãy nhà bê (B), hỏi tới nhà xê (C) là nơi dừng chân sơ bộ. Sau đó tuỳ tình hình sẽ được dẫn tới nhà dê (D) hay đê (Đ) gì cũng được – Anh ta tủm tỉm cười dặn với:… Nhớ khẩn trương tranh thủ mà về, chớ có ham qúa mà xơi bom Mỹ đấy!

Cẩm Nhung đã ra trường, làm cô giáo tại một trường cấp III ở ngoại thành. Cô ở nội trú trong khu tập thể giáo viên, chiều thứ bảy mới về nhà, sớm thứ hai lại đi. Ngoài chuyên môn, cô công ác đoàn thể tích cực và được giao nhiệm vụ Bí thư chi đoàn trường và có chân trong Huyện đoàn nữa.                                              

Ngày 3 tháng 4 năm 1965, Không quân nhân dân Việt Nam bất thần xuất kích bắn rơi 2 chiếc máy bay F8-Con ma của không quân Mỹ trên bầu trời Thanh Hóa khi chúng vào đánh phá cầu Hàm Rồng. Tiếp đó ngay hôm sau, vẫn bằng những chiếc máy bay MIG17, ta lại bắn gục 2 chiếc F105-Thần sấm hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ. Bác Hồ biểu dương: “Trong lịch sử chiến tranh giữ nước, nhiều lần quân và dân ta đã dầm đầu kẻ địch trên đất liền, trên sông, trên biển. Nhưng đây là lần đầu tiên quân và dân ta dầm đầu kẻ địch ngay cả ở trên không”! Cả nước nức lòng.

Trong một buổi mít tinh của nhân dân thành phố chào mừng binh chủng Không quân của ta non trẻ mà đã lập được chiến tích vẻ vang, Cẩm Nhung đại diện cho Đoàn thanh niên khối nhà trường được mời tham dự. Mấy chiến sỹ lái máy bay tiêu biểu được đón chào nhiệt liệt. Các anh báo cáo với bà con về những chiến cơng mà trước đó chưa hình dung nổi: Máy bay của ta do nước bạn viện trợ đã thuộc loại cổ lỗ đến đời thứ mấy rồi, người ta chỉ dùng để huấn luyện các phi công chiến đấu tập lái lúc đầu thôi. Trong khi máy bay của Mỹ thuộc loại hiện đại đời mới nhất, vượt xa ta về tốc độ, đường dài, thời gian bay và kể cả vũ khí tấn công nữa. Kẻ địch áp đảo ta về số lượng, khí tài, kỹ thuật nhưng ta áp đảo nó bằng ý chí  chiến đấu bảo vệ tổ quốc mình, phát huy tinh thần chiến tranh nhân dân, vận dụng chiến thuật đánh du kích, tiếp cận bất ngờ, bám thắt lưng địch mà đánh, hợp đồng tác chiến dưới đất – trên không, nên những chiến sỹ lái máy bay của ta dám đánh và đã thắng. Cẩm Nhung càng sung sướng và cảm động nhận ra người bạn cùng học ngày nào nay là một trong những phi công anh hùng ấy.

Trường Phổ thông cấp III Nguyễn Trãi ở phố Cửa Bắc có một số bạn học sinh đặc biệt của miền Nam cùng học. Anh Dũng và Cẩm Nhung học chung từ lớp 8 đến lớp 10. Anh chàng Dũng thích thể dục thể thao. Cô bé Nhung hay văn nghệ. Cả hai cùng là đoàn viên thanh niên tích cực nên còn lưu nhiều kỷ niệm về một thời học sinh sôi nổi. Tuy nhiên học sinh Hà Nội lứa ấy đa phần là con em các gia đình viên chức, binh sỹ, thương nhân… có nhiều dính dáng tới chính quyền cũ và không ít người có quan hệ gần gũi với những người đã bỏ vào Nam. Không như các bạn học sinh miền Nam tòan là con em những người kháng chiến gửi ra miền Bắc đào tạo thành những hạt giống đỏ cho miền Nam sau này. Trong khi xã hội lại kích lên sự đối kháng giai cấp không thể điều hòa, phân biệt đối xử giữa các thành phần xã hội. Cho nên ở tuổi mới vào đời ấy, một bên luôn mặc cảm, một bên lúc nào cũng thấy tự hào. Dù các bạn học sinh miền Bắc rất thương qúy các bạn học sinh miền Nam sớm thiếu vắng tình cảm gia đình nhưng giữa hai bên vẫn có một sự cách biệt khó gần.

Bây giờ gặp người bạn một thời cắp sách trong ánh hào quang của người hiệp sỹ đang chiến đấu bảo vệ đồng bào trong đó có mình, lòng Cẩm Nhung không khỏi bồi hồi xúc động và sung sướng. Chiến sỹ phi công Anh Dũng không ngờ gặp lại người bạn gái xinh xắn năm xưa mà anh vẫn mến mến thương thương nhưng không biết làm sao gần được. Hai người ôm chầm lấy nhau ríu rít như đôi bạn thân tình lắm trước sự vui mừng chia sẻ và cả sự ước ao của không ít bạn trẻ đứng vây quanh. Dù yêu qúy người phi công anh hùng ấy, chẳng những đã dũng cảm hạ gục một Thần sấm Mỹ, lại thông minh khôn khéo đánh lừa địch hạ cánh an tòan trong một tình huống đặc biệt xuống một bìa rừng, vừa thóat hiểm cho mình lại vừa bảo vệ được chiếc máy bay qúi báu. Câu chuyện của anh kể nghe như huyền thoại giữa đời thường. Ai cũng muốn nắm tay anh hoặc chỉ được sờ vào người anh thôi, xem người nhà trời ấy có gì khác với người thường? Nhưng lúc này mọi người tự động dãn ra thành một lối đi dù chật hẹp mà đôi bạn vẫn có thể lách ra một chỗ vắng trao đổi tâm tình chốc lát.

Lá thư đầu tiên ngắn gọn, hơi hoa mỹ nhưng bộc trực của con nhà lính,  cô đọc mấy lần đã thuộc:

                Cẩm Nhung mến thương !

Từ ngày xa trường NGUYỄN TRÃI, mình cứ tưởng Cẩm Nhung như một áng mây trời rất đẹp bay qua không bao giờ trở lại! Nhiều lần bay trên trời, chợt nhớ, mình thử liều bay vượt trên cao độ cho phép để tìm… May ra…                                   Đột nhiên trong đêm tối, giữa biết bao khuôn mặt mờ nhòa, mình lại được ôm đám mây ấy trong lòng dù chỉ là khoảnh khắc. Hạnh phúc qúa!                                Giá như mỗi lần hạ gục một tên giặc trời, mình lại được một lần như thế. Hơn cả huân chương! Hơn cả mọi lời khen!

Phần thưởng ấy thật là vô giá và chỉ Cẩm Nhung mới có thể mang lại cho mình thôi!

Mình không hình dung nổi đám mây ấy trắng, vàng, hồng hay là ngũ sắc. Nhưng mà đẹp lắm. Dường như nó từ Cẩm Nhung tỏa ra đấy!

Đôi lúc mình nghĩ hạ một chiếc máy bay giặc không khó bằng được chìm trong đám mây tuyệt vời như thế!

Một chút buồn thóang qua!

                                            Rất thân thương!

Những lá thư sau không hoa mỹ nữa, ngắn gọn, thận trọng mà chân chất. Lá thư gần đây nhất gửi qua tay một người bạn, chỉ vẻn vẹn mấy dòng thôi :

                Cẩm Nhung,

Mình sắp đi xa…

Không được phép tiết lộ.

Rất mong được gặp Cẩm Nhung.

                                            Thân yêu!

Cẩm Nhung thắc thỏm, đêm không ngủ được. Lúc này máy bay Mỹ ngày nào cũng táo tợn bay vào đánh phá nhiều nơi sâu trong đất liền kể cả tận trên Yên Bái giáp ranh Trung quốc nữa. Gần như ngày nào cũng có không chiến. Những lúc nhìn chiếc MIG17 sà ngay trên những nóc nhà, ngọn cây tìm nơi hạ cánh như một cánh nhạn chao nghiêng trước sự hung hãn của bầy ác điểu, lòng cô thắt lại, hồi hộp, lo âu nghĩ tới bạn. Lúc này mà đi xa là đi đâu? Chả lẽ anh ấy lại vào Nam? Lòng cô bồn chồn, trào lên niềm thương nhớ bâng khuâng.

Huỳnh Anh Dũng cảm động lộ ra trên nét mặt, cử chỉ và lời nói run run. Gửi thư đi liệu có được sự đáp lại như điều mong muốn? Anh nắm bàn tay bạn không biết bao lâu và chợt tỉnh nhận ra Cẩm Nhung cười nhăn mặt thì thào:

- Đừng anh… Đau em lắm!

Đấy không phải lời trách cứ hay sự chối từ vì lời nói và hơi thở nghe da diết yêu thương. Anh sửa lỗi bằng cử chỉ thân thiết phủi đi những vết đất bám đầy trên áo quần bạn.

- Chưa hết một buổi sáng mà em phải nhảy xuống hầm cá nhân bên đường tới mấy lần!

Cẩm Nhung đứng yên để bạn phủi đi bụi đất cho mình. Cô cẩn thận lấy ra từ chiếc túi xách một bọc giấy báo đưa cho bạn. Dũng từ từ mở ra và reo lên:

- Hoa hồng đẹp quá!

Cẩm Nhung khoe :

- May qúa!... Em chỉ lo bó hoa thôi… Đố anh biết hoa này trồng ở đâu nào?

- Anh chỉ cần biết hoa em mang đến cho anh là đẹp nhất rồi!

- Còn hơn thế nữa cơ… Vì em lên tận Ngọc Hà, tìm vườn nào có hoa đẹp nhất để mang lên tặng các anh đấy!

Dũng nhảy tưng lên như trẻ con chạy vòng quanh reo lên khoe các bạn:

- Hoa Ngọc Hà chính hiệu đây! Hoa Ngọc Hà số một đây!

Đồng đội xúm đến cùng ngắm những cánh hồng nhung thật đẹp và chia vui với bạn. Một chàng trai giơ cao bó hoa lên nói lớn:

- Đây là cách con gái Hà Nội bảo tụi mình phải đánh cho ra trò đấy !

Cẩm Nhung rối rít xua tay :

- Ơ... ơ… Em không dám nghĩ thế đâu… Em chỉ thấy các anh mới xứng đáng nhận những đóa hoa đẹp nhất này thôi!

- Con gái Hà Nội khéo ghê chưa! – Một chàng trai xuýt xoa khen.

Thời gian gặp gỡ không nhiều vì tình huống bất thường có thể xảy ra. Dũng ghé tai bạn nói ra điều anh muốn giấu :

- Chiến sự ngày càng ác liệt. Bạn đồng ý chi viện cho ta phương tiện chiến đấu hiện đại hơn. Dũng được cử đi học cách sử dụng đồng thời mang theo về nước.

Cẩm Nhung thở phào nhẹ nhõm, nắm chặt tay bạn và nheo mắt cười. Chuyện vui nhưng lúc này tuy không nói ra mà cả hai người đều không muốn xa nhau.

Trước khi chia tay Cẩm Nhung trêu bạn:

- Lính nhà trời dồn hết sức văn chương chỉ được một bức thư đầu, sau đó thì… cụt lủn và cộc lốc!

- Chút xíu nữa là rớt một sao đấy! Mấy ông chính trị kiểm duyệt thư kêu lên phê phán là thiếu tính kỷ luật và lập trường giai cấp: Sử dụng một phương tiện hiện đại là ý thức chấp hành nguyên tắc phải nghiêm ngặt! Không phần thưởng nào lớn hơn lời khen của Bác! Không có gì cao qúi hơn phần thưởng của Đảng và Quân đội!

Anh chỉ vào một ngôi sao mới trên ve áo:

- Sao này chậm mọc sáu tháng để có thời gian suy nghĩ đấy! – và anh cười xòa:… Văn chương xin cạch tới già. Tơ vướng vấn vít chỉ mình… với nhau!

Cẩm Nhung dừng lại nhìn vào mắt anh rồi nàng cúi xuống, chân di di trên đất. Anh kéo người bạn gái đã thành thân thiết ôm chặt vào mình và hít hà lâu lắm làn tóc ấy dù vương cát bụi. Cẩm Nhung áp mình trong anh, dụi dụi đầu nơi ngực mà không phân biệt được tiếng tim ai như trống đập rộn ràng.

Tiếng còi rít lên rầm rĩ náo động không trung, báo động máy bay địch xâm phạm bầu trời.

Cái giây phút ấy đã như lời hẹn ước đinh ninh cả hai người mãi thuộc về nhau. Các bạn chọc anh:

- Mặc mẹ máy bay, tranh thủ làm một cái hôn đã đời!

Thật tình lúc đó anh thấy sung sướng qúa rồi, người cứ run lên. Lá thư này như một test trắc nghiệm xem tình cảm của đối tượng tới đâu. Cuộc sống của người lính chiến trên không gấp gáp rủi nhiều may ít và trong hòan cảnh đặc biệt của binh chủng không quân Việt Nam mới lập thành thì mỗi khi chiếc phi cơ chiến đấu bất ngờ rời khỏi một sân bay dã chiến đều khó trở về đúng nơi cất cánh. Người ta chỉ được thông tin về máy bay địch bị đánh tả tơi rơi rụng nhưng mấy ai biết được sự tổn thất của các anh. Như trận chiến trên không hôm ấy, phi đội bốn chiếc của anh trong vòng bủa vây tầng tầng lớp lớp của 24 chiếc máy bay địch, chỉ còn mình anh hạ cánh an tòan trong một tình thế xuất thần may mắn. Lại những lần cất cánh tiếp theo. Những người lính mỗi khi xuất trận đều khát khao được mang theo trong mình một ánh mắt, một nụ cười, một lời thủ thỉ bên tai, một nụ hôn đắm đuối, một vòng tay da diết, một tiếng khóc trẻ thơ… chỉ càng làm cho họ tăng thêm dũng khí lao vào nơi hiểm nguy nhất để giành chiến thắng. Với anh, đây là lần đầu tiên được ôm gọn trong lòng tấm thân mềm nóng của một người con gái mơ ước từ lâu đã là mãn nguyện qúa rồi.

Cẩm Nhung cười thầm mãi mỗi khi nhớ lại giây phút thần tiên ấy :

- Lính nhà trời oanh liệt thế mà lại… nhát !

Một ngày chủ nhật, mất cả buổi sáng ở Mậu dịch Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền ông Phán Thanh mới thóat ra khỏi dòng người nối đuôi nhau ở quầy bán vải. Tay xách cái túi nhỏ, ông đi như chạy không biết vì vui hay muốn tránh xa sự ngột ngạt chỗ đông người. Mấy người chạy đuổi theo săn đón xin được nhượng lại, ông chỉ lặng thinh lắc đầu. Ông cắm cúi lấy xe ra, vừa ngồi lên yên, một cậu thanh niên níu xe ông năn nỉ :

- Bố ơi! Con sắp lấy vợ mà không có cái quần mặc cho ra hồn. Bố thương con trai đi. Bao nhiêu con cũng chịu.  

Thực ra nhu cầu quần áo với ông không thiếu. Ông lưỡng lự nhìn trước nhìn sau rồi rút ra mảnh vải gabardine giúi cho anh ta. Cậu chàng tốc áo lên nhét vào trước bụng, vội vã móc túi đưa tiền cho ông và chạy đi mất hút. Mấy bà mấy cô ở đâu xấn lại, nhao nhao vừa trách vừa hỏi vặn. Ông lúng túng chưa biết cách gỡ ra. Một chị giật lấy mấy đồng tiền ông đang cầm trên tay rồi ấn trả vào túi ông, miệng chửi ngoa lên:

- Tổ sư cha thằng đểu! Bố bị lừa rồi. Nó trả cho bố nó chỉ bằng nửa giá thôi!

Ông thở dài, chẳng nói gì được nữa, lẳng lặng phóng xe đi. Ngang qua Bờ Hồ,  cảm thấy vừa mệt, vừa ngượng lòng vì đã bán đi tiêu chuẩn nhà nước cấp cho cán bộ, lại vừa ngẩn ngơ tiếc của. Ông xuống xe dắt bộ định tìm chỗ ngồi nghỉ tạm. Cẩm Nhung, con gái ông vừa sinh thằng bé trong khi chồng nó là phi công bận trực chiến không về được. Ông tự tìm lời an ủi: Dù sao với số tiền này cũng mua được mấy cân đường, hộp sữa làm qùa cho đứa cháu đầu lòng và bồi dưỡng thêm cho con gái.

Lá cờ trên đỉnh Tháp Rùa rủ xuống với giải băng đen nặng nề. Cả nước đang bàng hòang mang nỗi đau lớn nhất trong những ngày để tang Hồ Chủ tịch. Đành rằng luật sinh-lão-bệnh-tử chẳng từ một ai mà mọi người vẫn có cảm giác hụt hẫng không thể nào tin, mặc dù Cụ đã ở vào lớp người xưa nay hiếm. Cả cuộc đời hoạt động tận tụy của Người là tấm gương yêu nước sáng ngời. Cuộc sống trí tuệ mà nhân ái, thanh cao, giản dị của Cụ chinh phục cả đồng bào, đồng chí, bè bạn lẫn kẻ thù. 

Nghĩ tới phận mình, phận nước mà lòng ông hoang mang qúa. Ngày giải phóng Thủ đô, vợ ông mang hai đứa con nhỏ cùng gia đình bên ngoại theo Chúa vào Nam. Ông vẫn nặng lòng mặc cảm vì đã bỏ dở cuộc kháng chiến trở về thành. Những tưởng ở lại chỉ hai năm thôi, nước nhà thống nhất, gia đình lại đoàn tụ mà ông vẫn tỏ được lòng ngưỡng vọng với kháng chiến, với Cụ Hồ, lòng trung với nước. Nào ngờ tương lai ngày càng mờ mịt mà đời người thì ngắn qúa. Các con bốn đứa hai nơi bỗng thành đối nghịch trong khi ông với cái danh viên chức lưu dung, hai con đứa gái đứa trai lớn lên với bản lý lịch chẳng mặn mà gì… Ngày con gái lấy chồng nghĩ mà thương. Gia đình mình đàng hòang tử tế mà người ta xăm xoi rà đi soát lại! Thằng bé hiền lành mà quyết liệt. Con ông thề sẽ chẳng lấy ai… Hai đứa long đong lận đận lắm mới thành. Làm cha đã chẳng thể là chỗ dựa cho con thì bây giờ ông phải cố gồng thêm cái chức năng người mẹ cho các con đỡ tủi và ông bớt cảm thấy là mình vô vị.

Từ chiếc loa phóng thanh công cộng cỡ lớn treo tít trên cây, phát lên khúc đầu Lời di chúc của Cụ Hồ: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa song nhất định thắng lợi hòan tòan. Đó là một điều chắc chắn”. Và Người “gửi gắm muơn vàn tình thân yêu cho đồng bào, đồng chí, các cụ phụ lão, các cháu thiếu niên, nhi đồng và bè bạn khắp năm Châu”

Ông chợt bật lên cái tên Huỳnh Anh Minh thật hợp với tên cha nó là Huỳnh Anh Dũng vì các con giao cho ông cả việc đi làm giấy khai sinh và đặt tên cho cháu. Không hiểu có là sự tình cờ ngẫu nhiên hay là còn ẩn ý nào mà chỉ mình ông biết.

Cuộc hòa đàm ở Paris gần hai năm rồi vẫn cù cưa. Lúc sinh thời, Cụ Hồ đã thấy trước rồi và Cụ căn dặn đoàn đi đàm phán: “Các chú sang Pháp lần này sướng hơn Bác sang Pháp hồi năm 1946 nhiều. Ở nhà ta chiến thắng, thế giới càng hiểu ta và ủng hộ ta. Ngồi ở Paris mà tố cáo đế quốc Mỹ là sướng lắm! Nhưng phải luôn nhớ nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình và công lý, Mỹ là nước lớn mà chịu ngồi lại đàm phán với ta là thất bại rồi, cho nên phải nói năng cho khôn khéo, tế nhị, không được làm mất mặt người ta thì mới đạt kết quả. Chiến tranh sẽ còn lâu dài, đàm phán phải kiên trì không được nôn nóng. Ta vừa đánh vừa mở cửa cho nó thóat nhưng ngòai cửa nhớ che rèm!”.

Và thế là cứ vừa đánh vừa đàm cho đến khi kẻ xâm lược nản lòng.

Năm 1972, người Mỹ muốn phủi tay thóat ra ngòai cuộc chiến, ký tắt một Hiệp định khung với Việt Nam dân chủ cộng hòa, coi như hòa bình đã trong tầm tay. Nhưng người bạn tình giăng gió cứ ương ngạnh khăng khăng bám lấy những lời chú Sam lỡ hẹn non thề biển mà làm mình làm mẩy. Không muốn bị mang tiếng là kẻ bội nghĩa bạc tình và làm oai với bàn dân thiên hạ, Nhà Trắng quyết chơi canh bạc cuối cùng hòng buộc Hà Nội không còn sự lựa chọn nào khác ngòai việc chấp nhận theo ý họ. Trước khi rời hội nghị, Kissinger nói toạc ra: “Nếu các ngài không biết điều, Tổng thống của chúng tôi sẽ ra lệnh ngừng đàm phán để tiếp tục các hành động quân sự và hậu quả sẽ thật khó lường!”. Ông ta không quên bắn tin qua viên đại sứ của Sài Gòn rằng: “Tôi sắp làm một bi kịch đấy!”. Cố vấn Lê Đức Thọ cứng cỏi đáp: “Các ông cố tình gieo gió sẽ gặt bão!”.

Từ năm 1962, khi Đội quân đánh giặc trời mới hình thành, Bác Hồ đã lưu ý vị tư lệnh: “Chú đã biết gì về B52 chưa”? Sau này, nhiều dịp Bác không quên nhắc lại điều đó và Người khẳng định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua”!

Tuy nhiên thực lực của ta lúc đó so với đối phương qúa nhiều chênh lệch. Máy bay chiến đấu, ta có vài trung đoàn MIG-19 và 21, không thể so với các loại máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ, hơn hẳn về tốc độ và chức năng cường tập. Phi công của ta còn non trẻ, huấn nhiều, luyện ít, và kinh nghiệm chiến đấu chưa bao nhiêu, đặc biệt là đánh ban đêm. Sân bay nào cũng bị đánh phá, sửa chữa vội vàng, chất lượng kém, thậm chí có sân bay dã chiến được xây dựng vội vã, nền chỉ là đất nện. Máy bay lên xuống không có đèn hiệu, chỉ dựa vào mấy giải băng vải trắng lờ mờ trong đêm tối, giải ra vội vã rồi lại thu hồi ngay sau đó. Đánh B52 chủ yếu dựa vào tên lửa đất đối không SAM-II do Liên Xô viện trợ từ mấy năm trước đó, số tồn kho không nhiều, đa phần cận và qúa date. Dù các nhà khoa học của ta thông minh sáng tạo, chỉnh sửa cho nó gia tăng tuổi thọ nhưng vẫn phập phù. Điều quyết định cho tên lửa bắn trúng mục tiêu là hệ thống rada dẫn đường. Qua thực tiễn chiến đấu, bộ đội rada đã đúc kết thành bài học hữu hiệu, nhận ra nét đặc thù của B52 tàng hình trong màn sóng nhiễu. Dù trong khó khăn, ta đã sẵn sàng phương án chống kẻ địch dùng B52 không tập.

Trước sự tráo trở lật lọng bất ngờ của giới cầm quyền Mỹ, các nhà lãnh đạo ở Hà Nội tiên đoán một trận đánh phá tàn khốc bằng máy bay nhất định sẽ xảy ra ngay tại các thành phố lớn nhạy cảm như Hải Phòng và đặc biệt là thủ đô Hà Nội. Một mặt ra lệnh cho người già, phụ nữ, trẻ em, những người không có công việc cần ở lại, phải sơ tán triệt để ra khỏi thành phố. Một mặt chỉ thị cho Bộ đội phòng không–không quân sẵn sàng chiến đấu, quyết không để kẻ thù ngang nhiên tàn phá Thủ đô. Nhiều cán bộ dày dạn kinh nghiệm đánh máy bay được điều về từ các chiến trường và bằng những phương tiện sẵn có, với tinh thần xả thân vì nước và ý chí quyết tâm đánh gục B52 tại chỗ ngay từ trận đầu khi chúng liều lĩnh xâm phạm vào bầu trời Hà Nội thiêng liêng.

Siêu pháo đài bay khổng lồ B52 có chiều cao 12mét, dài 50mét, hai sải cánh 56mét, nặng 200 tấn, gắn tám động cơ phản lực cực khoẻ, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, ném bom thẳng đứng từ độ cao mắt thường không nhìn thấy được (mười đến hai mươi ngàn mét). Không bao giờ đánh đơn lẻ, thường bay thành tốp ba chiếc. Mỗi trận đánh ít nhất ba lượt tốp, có khi sáu lượt tốp hoặc nhiều hơn, sức hủy diệt cứ 2 kilômét vuông một tốp nhân lên. Đồng hành với nó còn có những tốp máy bay tiêm kích, cường kích F4 (Con ma), F105 (Thần sấm) và F111 (Cánh cụp xòe) đi theo bảo vệ.

Để tập trung vào trận đòn cuối cùng biến Hà Nội thành tử địa, lầu Năm Góc huy động 200 chiếc B52 – bằng một nửa tổng số máy bay chiến lược, tòan bộ máy bay chiến đấu ở Đông Nam Á hơn 1000 chiếc – bằng một phần ba tổng số máy bay chiến thuật, tương đương tổng không lực của hai nước Anh và Tây Đức cộng lại và 6 trong số 24 tàu sân bay của Mỹ thả neo ở ngòai khơi vịnh Bắc Bộ.

20 giờ ngày 18 tháng 12 năm 1972, cuộc hành quân Linebecker II do Tổng Thống Mỹ hoạch định, bắt đầu. Hơn 100 máy bay B52 cùng với 300 máy bay chiến đấu tối tân các loại, đồng loạt tấn công hai thành phố lớn Hà Nội và Hải Phòng. Thủ đô rung chuyển trong những tiếng nổ khủng khiếp. Bầu trời đầy những tia chớp giật lóe sáng rực lên. Nhà cửa chao đảo ngả nghiêng như trong trận động đất lớn. Cả thành phố sáng bừng, đỏ ối, rần rật lửa như hỏa thiêu địa ngục. Cùng lúc, những làn lửa đỏ nhằng nhịt của súng phòng không các cỡ đan kín bầu trời, những hỏa tiễn SAM-II chói sáng rực lên như những con rồng lửa vun vút bay lên, nổ tung thành những cụm pháo hoa. Những đám lửa đỏ ngùn ngụt bung ra thành nhiều đám cháy lớn, nhỏ lả tả rơi xuống khắp bốn phương, tám hướng. Người Hà Nội không hề run sợ, hân hoan vui sướng reo ầm lên, chứng kiến kẻ thù bị trừng trị đích đáng ngay giữa bầu trời Thăng Long văn vật. Hai chiếc B52 bị hạ gục. Một chiếc rơi ngay xuống cánh đồng phía bắc Thủ đô. Chiến sỹ ta kiểm tra tại chỗ xác chiếc máy bay rách nát tả tơi, phát hiện một mảnh có tấm phù hiệu sặc sỡ vẽ biểu tượng một quả đấm thép, ba tia chớp, một cành nguyệt quế, cùng dòng chữ Stratagic Air Command (Bộ chỉ huy không quân chiến lược) và cạy ra một tấm nhãn kim loại nhỏ còn rõ chữ Aircraft Model B52G được mang về làm vật chứng trình lãnh đạo cấp cao.

Đêm 19 tháng 12, đài phát sóng Mễ Trì bị đánh trúng, tiếng nói Việt Nam ngừng phát thanh trong 9 phút, sau đó lại bình tĩnh vang lên, vạch trần tội ác của quân xâm lược và hân hoan thông báo tới đồng bào cả nước và nhân dân tòan thế giới: thêm ba chiếc B52 nữa bị tan xác trên bầu trời Thủ đô, phi công B52 bị bắt sống.

Liên tiếp đến ngày 23, đêm nào cũng xảy ra những trận chiến ác liệt không kém. Đặc biệt đêm 22 chúng bỏ bom đánh sập một phần bệnh viện Bạch Mai, làm chết nhiều người bệnh và thầy thuốc đang hành nghề nhân đạo. Tuy nhiên, trận nào quân và dân ta cũng hạ được nhiều máy bay các loại trong đó có B52 và bắt sống giặc lái Mỹ.

Ngày 24, Hoa Kỳ tuyên bố ngừng tiến công 36 tiếng đồng hồ để đón Chúa giáng sinh và kêu gọi nhà cầm quyền Bắc Việt nên biết điều, hãy quay trở lại hội nghị Paris, làm theo ý Mỹ. Tổng hành dinh ở Hà Nội nhận định đây chỉ là hành động cuối cùng của kẻ vũ dũng ỷ vào sức mạnh hung tàn đòi thoả lòng tham. Nhất định chúng còn nỗ lực một lần nữa, sẽ quyết liệt hơn. Ta dồn sức chuẩn bị đối phó một trận quyết chiến tuy khốc liệt mà thắng lợi nắm chắc trong tay.

Trung tá phi công Huỳnh Anh Dũng được cử tới trại giam Hoả Lò khai thác những tên giặc lái vừa bị bắt. Ngồi trước mặt anh là một tên trung tá lái máy bay B52 vẻ phờ phạc, mặt chưa hết kinh hòang. Chân trái y cứng đờ trong ống bột đăng cố định vì một cẳng chân bị gãy khi dù của y mắc vào một cành cây, rơi xuống đất. Phi công ta chỉ vào cái chân đau của y hỏi:

- Chân anh đau, liệu có đủ tỉnh táo nói chuyện với tôi không?

Nó làm dấu thánh, mắt nhìn xuống đất:

- Lạy Chúa lòng lành vô cùng. Tôi đã tưởng không chết vì cái chân này mà chết cháy vì những cơn giận nảy lửa tóe ra từ những đôi mắt của bao nhiêu người già, trẻ, gái, trai khi họ biết tôi là tù binh phi công Mỹ!

- Tôi cũng là phi công, nếu lái máy bay qua nước anh gây nên những tội ác như vậy liệu người Mỹ có tha thứ cho tôi không?

Y lại nhìn xuống, tay làm dấu thánh, miệng lầm bầm điều chi không rõ.

- Tôi chỉ hỏi anh mấy điều để cho anh có thời gian dưỡng sức. Máy bay của anh xuất phát từ đâu?

- Thưa ngài Trung tá! Từ căn cứ Anderson ở đảo Guam. Nhưng khi thi hành xong quân vụ có thể được lệnh hạ cánh ở Okinaoa hoặc Utapao.

- Người ta có nói cho anh biết vì sao phải dùng B52 đem bom dội xuống các thành phố không trừ Thủ đô của nước chúng tôi không?

- Chúng tôi được chỉ thị rằng phải hỗ trợ cho việc làm của Tổng Thống Nixon. Cấp chỉ huy trực tiếp của chúng tôi nói đây là những phi vụ cực kỳ quan trọng.

- Anh đã thực hiện bao nhiêu phi vụ như thế này trên lãnh thổ Việt Nam?

- Gần mười phi vụ, kể từ phía nam ra tới Hải Phòng và lần đầu bay ra Hà Nội.

- Trên một máy bay B52, biên chế bao nhiêu nhân sự?

- Như trên chiếc B52G hiện nay có sáu người: Một phi công lái chính còn gọi là cơ trưởng; một lái phụ kiêm phụ trách động cơ bay; một hoa tiêu theo dõi đường bay; một sỹ quan điều khiển hệ thống máy tính tự động đảm bảo an tòan cho cả kíp bay. Người này quan trọng nhất, cấp bậc có khi hơn cơ trưởng; một sỹ quan theo dõi hệ thống radar và bấm nút cắt bom khi có hiệu lệnh và một hạ sỹ quan điều khiển khẩu đại liên đề phòng cận chiến.

- Anh đã có bao nhiêu giờ lái máy bay?

- Cho tới lúc bị bắn rơi là hơn 3000 giờ lái. Ngòai ra tôi còn lái hơn mười loại máy bay khác nữa.

- Mỗi lần nhấn nút có bao nhiêu trái bom rơi?

- Hai mươi bảy trái loại 750 bảng Anh, tương đương 340 kilôgam .

- Một phi cơ B52 mang được bao nhiêu trái bom như thế?

- Khoảng một trăm trái và có thể hơn!

- Có nghĩa là mỗi phi vụ anh bốn lần nhấn nút, dọc theo tuyến bay. Anh có nghĩ điều gì sẽ xảy ra sau đó?

Y lúng túng, trả lời ấp úng :

- Thật sự, tôi không biết nói sao. Tôi chỉ là người lính! Trong quân đội, chúng tôi được mang danh là sỹ quan quí tộc và tự hào mình làm chiến tranh sạch sẽ. Chúng tôi ngồi trong buồng lái đầy đủ tiện nghi, mãi trên cao hàng chục kilômét, không nhìn thấy gì hết ngòai khoảng không đầy mây trước mặt. Là người lái, tôi chỉ nhìn vào bảng điều hành độ cao, tốc độ theo sự dẫn đường của hoa tiêu nhìn trên bản đồ và sự điều khiển từ sở chỉ huy. Mỗi người một phận sự, làm việc như một cái máy theo các ký hiệu đèn xanh, vàng, đỏ và những sóng tần trên bảng chỉ dẫn. Mọi việc sau đó tuần tự thực hiện theo một hệ thống dây truyền. Khi trở về căn cứ, chúng tôi coi như trả xong món nợ. Ngày mai, khi giao ban, người ta chiếu lại trên màn hình, đánh giá công việc chúng tôi làm đã đạt yêu cầu hay chưa. Mọi sự đúng sai là do hệ thống máy móc tự động có chính xác hay không?

- Nghĩa là anh cũng không hề nghĩ tới có bao nhiêu nhà cửa, đền đài, nhà thờ, nhà thương, trường học và bao nhiêu mạng người chết bởi việc mình làm?

Y tái mặt đi, lắp bắp:

- Chiến tranh… Chúng tôi phải làm theo lệnh của cấp trên!

- Anh đã thấy người Việt Nam nào mang vũ khí sang nước Mỹ giết hại chỉ một con vật chưa? Trong khi các anh tự hào nước Mỹ là tổ quốc của tự do và nhân quyền ?

Y run rẩy vì thấy người hỏi cung mình sẵng giọng và mặt đỏ lên. Trung tá phi công Huỳnh Anh Dũng nén lòng lại, cố giữ sự bình tĩnh:

- Ở khách sạn Hilton đặc biệt này, anh có gặp nhiều sỹ quan bè bạn của anh không?

- Tôi nghe người nào lúc mới tới đây cũng gọi là khách sạn Vỡ tim. Thật là khủng khiếp! Lúc đầu, chúng tôi nghĩ như một cuộc dạo chơi. Vì xét về tương quan lực lượng, các ông không thể nào chạm tới đuôi máy bay chứ đừng nói tới chuyện uy hiếp được chúng tôi. Máy bay của các ông cổ lỗ, làm sao qua nổi nhiều tầng bảo vệ bởi các loại máy bay hiện đại nhất của chúng tôi để tiếp cận B52 được ? Tên lửa đất đối không SAM-II, có thể với tới tầm xa 32 kilômét, nhưng theo tin tình báo của chúng tôi, mấy năm nay, đồng minh lớn của các ông đã giảm nhiều mức viện trợ các loại vũ khí chiến lược tối tân. Các quả tên lửa cũ kỹ lấy ra từ trong kho liệu có còn phát huy tác dụng? Đặc biệt, tên lửa như một thằng mù hung hãn. Con mắt của nó là hệ thống rada dẫn đường đã bị chúng tôi bịt kín rồi!

- Tên lửa đất đối không của Liên Xô, người Mỹ gọi là SAM-II, thực ra người Nga cho nó cái tên rất thơ mộng của dòng sông Đờvina, mang ký hiệu CA-75-M và khi đến Việt Nam nó thành Rồng Lửa! Chúng tôi biết, các anh có nhiều máy móc gây nhiễu xạ rất tinh vi, chẳng những đặt trên các máy bay EB-66 luôn đi kèm với B52, mà còn có hệ thống máy nhiễu xạ rất lớn phát ra từ những hạm tàu thường xuyên di chuyển ở ngòai khơi vùng biển của chúng tôi...

Anh đưa tay chỉ vào đôi mắt của mình:

- Có lẽ vì thế mà các anh chỉ đánh về đêm để bịt nốt những con mắt này? – Anh cười mỉa:… Và tin rằng hỏa tiễn của chúng tôi chẳng mấy nỗi sẽ không còn một trái!

- Hồi tháng tư, chúng tôi đánh vào Hải Phòng, Hà Nội, các ông bắn lên hàng trăm hoả tiễn SAM-II, cứ như đạn tiểu liên bắn lên trời mà có chạm vào đuôi hay cánh một chiếc B52 nào của chúng tôi đâu? Ở Câu lạc bộ sỹ quan căn cứ không quân, trong khi các phi công lái máy bay chiến đấu tỏ ra lo lắng, bi quan, luôn miệng cầu Chúa ban phúc lành thì cánh phi công chiến lược chúng tôi vui vẻ bảo nhau: B52 có thể đi đánh bất kỳ đâu ở Việt Nam mà không hề sợ tróc sơn!

Trung tá phi công Huỳnh Anh Dũng cười mai mỉa :

- Chỉ một tuần nay đã có gần hai mươi B52 của các anh bị tên lửa của chúng tôi bắn hạ… Nhìn thấy các bạn của anh đang ở đây là có thể tin những điều tôi nói không sai. Trong khi lầu Năm Góc đã tính chúng tôi không đủ sức chịu được qúa ba ngày!

- Xin lỗi! Hay là người Nga bí mật sang đây, mang theo những loại vũ khí mới tối tân hơn?

- Chúng tôi rất cần sự giúp đỡ của tất cả bạn bè, những người yêu chuộng hòa bình và công lý trên tòan thế giới, ngay cả những người Mỹ chính trực và lương thiện. Nhưng chúng tôi tự bảo vệ tổ quốc của mình. Các anh không thắng được chúng tôi vì đi gây chiến mà không hiểu đối phương thì làm sao thắng được!

- Các ông thật đáng kính phục. Trước đây, chúng tôi nghĩ các ông giỏi lắm cũng chỉ tới mức sử dụng được các loại súng bộ binh, tới mấy khẩu cao xạ thông thường. Không ngờ các ông nhanh chóng làm chủ các phương tiện chiến tranh hiện đại, đấu trí, đấu sức làm cho các tướng lĩnh nổi danh của chúng tôi thất vọng.

- Về các phương tiện chiến tranh, còn lâu chúng tôi mới theo kịp các anh. Nhưng chúng tôi chiến đấu trên bầu trời của tổ quốc chúng tôi, chúng tôi có trí thông minh, lòng dũng cảm và danh dự của một dân tộc quyết tâm bảo vệ tổ quốc của mình. Anh nghĩ sau nghỉ lễ giáng sinh, bộ chỉ huy hành quân Linebecker II có giở thêm trò gì mới nữa không?

Y cúi đầu buồn bã :

- Thường thì người Mỹ chúng tôi chỉ khi nào thất bại rồi mới bắt đầu suy nghĩ về việc mình làm đúng hay sai, nên hay không nên. Họ rất tin vào sức mạnh Mỹ. Họ từng ra lệnh cho chúng tôi ném bom tới mức bão hòa. Tuy nhiên họ sẽ tập trung đánh mạnh hơn và có thể cùng lúc đánh ra diện rộng để phân tán hỏa lực của các ông. Dù rằng ông Nixon từng nghĩ tới việc dùng bom nguyên tử chiến thuật ở Việt Nam nhưng tôi nghĩ lúc này chưa dám đâu. Song ông Diều hâu ấy đã nói thẳng ra rằng: «Chúng ta sẽ không chịu vừa rút quân vừa khóc thầm. Phải cho nổ tan tành quân khốn kiếp» – Tôi xin lỗi, đấy là nguyên lời của ông ta! Điều họ có thể làm được là cải tiến kỹ thuật để vô hiệu hóa hệ thống rada. Nhưng thưa ngài trung tá… Như thế có nghĩa là chiến tranh chưa thể kết thúc? Và chúng tôi phải ở đây mãi cho đến ngày về chầu Chúa?!

Trung tá Dũng gay gắt:

- Các anh không phải là tù binh vì các anh vô cớ mang bom dội lên đầu tàn sát nhân dân tôi. Người Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh diệt chủng, hủy diệt cả môi trường, môi sinh… Các anh là tội phạm chiến tranh và đã bị Tòa án Bectrand Russel tuyên án trước tòan thế giới! Tuy nhiên ở đây, các anh vẫn được đối sử theo truyền thống hòa hiếu của dân tộc chúng tôi. Còn việc phải ngồi tù bao lâu nữa là tùy thuộc hòan tòan vào chính phủ của các anh có muốn hòa bình, tôn trọng quyền độc lập, tự quyết của người Việt Nam chúng tôi không?

Anh đứng dậy, đưa cho y một điếu thuốc, y sung sướng, cảm ơn rối rít. Anh thương hại, thấy phải giải thích cho y rõ:

- Chiến tranh liên miên làm cho đất nước chúng tôi nghèo lắm. Trong khi nhân dân chúng tôi còn thiếu ăn, những người lính của chúng tôi cũng chỉ được những khẩu phần hạn chế mà mỗi tù binh các anh được Nhà nước chúng tôi chi cho tiền ăn một ngày gấp đôi lương bình quân một ngày của sỹ quan cấp như tôi. Tiêu chuẩn đường sữa bồi dưỡng sức chiến đấu của tôi cũng như của vợ tôi dạy học, phần lớn dành cho thằng con trai bốn tuổi của chúng tôi!

Y ngước nhìn người sỹ quan đối phương bằng đôi mắt thật buồn và biết ơn:

- Cảm ơn ngài Trung tá! Tôi cho rằng lịch sử đứng về phía các ông, đạo lý thuộc về các ông. Trong số sỹ quan của chúng tôi cũng có người nhận ra điều đó và họ đã phản chiến. Trong lòng tôi cảm phục nhưng không đủ can đảm làm như thế. Các ông sẽ thắng và thực tế các ông đã thắng.

Anh vừa quay đi, nhìn quanh không thấy có ai, y bước sát tới anh hỏi nhỏ:

- Thưa ngài Trung tá! Địa điểm trại giam này có được giữ bí mật không?

Anh trừng mắt nhìn y, nghiêm nghị :

- Chúng tôi nhất định bảo vệ được trái tim của tổ quốc mình. Từ đây, đã nhiều lần chúng tôi cho hàng đoàn phi công Mỹ như anh đi diễu trên các đường phố Thủ đô hoặc làm một số việc lao động công ích để cho họ thấy nhân dân chúng tôi phải kìm nén sự căm phẫn và giữ lòng nhân đạo đến mức độ nào. Nhiều nhà báo, kể cả người nước ngòai cũng được vào đây gặp gỡ và phỏng vấn tù binh Mỹ. Chúng tôi đã dự liệu khả năng hoặc là người Mỹ sẽ hủy diệt để phi tang như đã từng làm trên chiến trường, hoặc là họ sẽ tái diễn một trận không tập như hai năm trước ở phía tây bắc cách đây 20kilômét để giải cứu tù binh nhưng thất bại. Tình huống nào chúng tôi cũng có phương án đối phó chủ động cả rồi.

Anh giận dữ bước đi thật nhanh trong khi viên phi công tù binh mặt tái xanh, run rẩy làm dấu thánh và đứng ngẩn ngơ như kẻ mất hồn.  

Trên đường về đơn vị, phi công Huỳnh Anh Dũng bảo anh lái xe vòng qua nơi sơ tán thăm vợ và con. Nghe có anh phi công chồng cô giáo Cẩm Nhung về đây, các thầy, cô giáo, học trò và bà con làng xóm kéo đến chật nhà, đầy sân ra đến ngõ để tận mắt được nhìn người nhà trời, người anh hùng có nhiều kỳ tích bắn rơi mấy máy bay Mỹ. Thằng cu  con nhìn cha như người lạ, cứ nép vào lòng mẹ. Cha nó thỉnh thoảng liếc nhìn con vì phải vui vẻ trả lời đủ loại câu hỏi của các cô gái, chàng trai, em nhỏ, vừa tò mò vừa thán phục. Một cụ già lo lắng hỏi:

- Nó đánh Hà Nội, Hải Phòng rồi có đánh rộng ra nữa hay không?

- Bác Hồ biết trước cả rồi và đã căn dặn chúng tôi: “Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”!... Với đà B52 rơi rụng thế này thì nó lấy ở đâu ra nữa để đánh rộng ra cả nước mình?

Lời nói quả quyết tự tin của người phi công lại được xác minh bằng lời tiên đoán của Bác Hồ, mang đến niềm tin và phấn khởi cho mọi người.

Bà chủ nhà te te bưng lên cái mâm gỗ bày lù lù hai đĩa sôi lạc to tướng và hai quả trứng ngan, vừa đặt lên cái phản giữa nhà vừa nói bâng quơ:

- Chẳng ai có ý tứ gì. Người ta đi đường xa về thì đói, lại chẳng có bao lâu thì giờ tâm tình với con, với vợ mà ai cũng tíu ta tíu tít thì chẳng còn có tí gì gọi là tâm lý cả. Tôi đề nghị mọi người giải tán để có chút cây nhà lá vườn bồi dưỡng các anh bộ đội giữ yên bầu trời cho các cháu học sinh yên vui học tập và bà con làng xóm mình thi đua tăng gia sản xuất…

Lời nói của bà chủ nhà thật có uy. Chỉ một loáng, căn nhà trở nên rộng mênh mông. Mấy mẹ con bà chủ nhà cũng dắt anh lái xe bê đĩa xôi qua nhà hàng xóm. Cẩm Nhung giao con cho chồng. Cha nó rúc đầu vào bụng thằng bé, dụi dụi, làm nó bật cười ré lên. Anh đặt con lên vai, đung đưa chạy quanh nhà làm cho thằng bé khóai chí cười như nắc nẻ. Một thóang hạnh phúc đơn sơ bao trùm lên khuôn mặt người phụ nữ. Cha nó khen:

- Thằng này lớn lên làm phi công được đây!

- Đừng con ạ! Lúc ấy già rồi mà cứ nơm nớp lo chắc mẹ chết sớm qúa.

- Ô! Lúc đó nó phải lái máy bay hàng không dân dụng đưa mẹ vào ra Sài Gòn–Hà Nội như đi chợ rồi lại đi vòng quanh khắp thế giới chu du thiên hạ xem có mê ly không nào?

- Phi công lái máy bay lớn phải cao, to chớ dài có một mét 68, nặng 55 kilô như cha nó, không còn ai người ta mới tuyển!

Anh cười khì khì, chuyển thằng cu xuống bồng xốc trên vai:

- Đến lúc ấy hòa bình là con mình no đủ rồi. Không như cha nó, thời học sinh lúc nào cũng đói dài. Phải nịnh mấy chị cấp dưỡng xin thêm miếng cháy. Lỡ bị lộ ra, hai chị em đều bị phê bình là xâm phạm vào xuất ăn của con heo!

Anh ôm con nựng trong lòng, âu yếm nhìn vợ, rên rỉ ngâm nga:

- Chứ đâu có như mẹ Cẩm Nhung bây giờ… Lấy chồng thời chiến chinh, mấy người đi… biền biệt… Nhỡ khi mình… chậm về thì thương người vợ… này này – Anh hôn vào má vợ bật lên một tiếng thật to.

Cẩm Nhung vỗ yêu vào má chồng :

- Thiếu gì thơ hay mà đi xuyên tạc thơ của người ta là yếu… văn lắm đấy nhé!

Thằng bé nằm yên giữa lòng cha mẹ trong khi hai vòng tay người lớn chòang ôm chặt lấy nhau như không muốn rời ra. Đấy là giây phút hạnh phúc ngây ngất hiếm hoi với cả hai người.

Hết 36 giờ nghỉ lễ, đêm 26 tháng 12, lầu Năm Góc tập trung lực lượng lớn, ra đòn quyết định. Ngòai việc tăng thêm công xuất gây nhiễu từ các máy đặt trên hạm tàu đậu sát ngòai khơi và thêm số máy bay EB-66 gây nhiễu, không lực Hoa Kỳ còn cho máy bay F4 thả dày đặc những sợi kim loại dọc theo đường bay của B52, nhằm tạo mục tiêu giả và gây kích thích ngòi nổ vô tuyến, làm cho tên lửa phát nổ trước khi gặp mục tiêu. Hàng trăm máy bay B52 và các loại máy bay chiến thuật với mật độ dày đặc, chớp nhóang trong 15 phút, cùng lúc tấn công cường tập ba mục tiêu Thái Nguyên, Hải Phòng và đặc biệt là Hà Nội, hy vọng đánh gục đối phương trong thời gian cực ngắn. Hàng trăm điểm dân cư bị tàn phá trong đó nặng nề nhất là cả phố cổ Khâm Thiên biến thành đống đổ nát nghi ngút lửa khói, làm chết hàng ngàn thường dân vô tội. Hà Nội chẳng những không sụp đổ, trái lại số máy bay Mỹ lại bị hạ gục nhiều hơn: tám chiếc B52 cùng số phi công Mỹ chết tan xác và bị bắt cũng nhiều hơn.

Phi công Huỳnh Anh Dũng phát biểu trước tập thể:

- Nó không lỳ mãi được đâu. Đừng để nó coi thường MIG không thể chạm tới B52 được. Đây là dịp cuối cùng, để lỡ thì uổng qúa!

Phi công, ai cũng sôi lên muốn được một phen cho con mẹ phù thủy kiêu ngạo ấy biết tay. Vũ Xuân Thiều nắm tay Huỳnh Anh Dũng giơ lên :

- Xin cho chúng tôi được tiêu diệt nó!

Cấp chỉ huy nhìn những chiến sỹ từng qua nhiều thử thách, được tuyển chọn vào đội đánh đêm, gửi lòng tin tưởng :

- Đêm nào chúng ta cũng phục kích nhưng con cáo già này gian manh lắm, nên chưa hiệu quả. Lần này ta bố trí đón lõng cả hướng bắc, nam, tạo thế bất ngờ. Phát hiện địch phải nắm thắt lưng nó mà đánh cho bằng được. Hy vọng một chàng trai Hà Nội với một chàng trai Sài Gòn sẽ làm nên chuyện.

Hai người biết nhau từ những ngày mới học lái máy bay bên nước bạn, lại càng hiểu nhau trong chiến đấu, nắm chặt tay nhau, thầm nghĩ rằng bảo vệ bầu trời Thủ đô cũng là bảo vệ những người thân yêu ruột thịt của mình. Hai anh lập tức lên đường vào Thanh mật phục vì địch chủ quan nghĩ rằng sân bay trong đó đã bị phá hủy, không thể phục hồi ngay được.

Đêm 27 tháng 12, Hà Nội hạ bốn chiếc B52 nữa, có chiếc rơi ngay xuống làng hoa Ngọc Hà, không xa nhà của Vũ Xuân Thiều. Đặc biệt phi công Phạm Tuân bí mật xuất kích từ một sân bay dã chiến ở Yên Bái, lái chiếc MIG-21 tiếp cận mụ phù thủy quen ỷ vào ba phép lạ, đốn gục một B52 nữa ngay trên bầu trời cửa ngõ Hòa Bình và trở về đất mẹ an tòan.

Nghe tin ấy, quyết tâm của hai chiến sỹ phi công càng được vững tin.

Tinh mơ sáng ngày 28, đúng theo hợp đồng chiến đấu, từ sân bay Cẩm Thủy, máy bay của Huỳnh Anh Dũng xuất phát trước, cố tình sớm để lộ mình, làm chim mồi khiêu khích nhử bầy máy bay chiến thuật tầm thấp phát hiện và lao theo cánh chim đơn độc. Anh nhận việc làm nguy hiểm để đồng đội Vũ Xuân Thiều thừa cơ cho máy bay xuất kích, ẩn mình vượt lên tầm cao. Chiếc B52 nhấp nhánh đèn như đi dạo chơi hướng vào bầu trời Hà Nội. Khi phát hiện ra đang bị đối phương truy kích thì cự ly đã qúa gần rồi. Không kịp nhả bom, nó thả vội ra hai quả tên lửa đánh lạc hướng đối phương. Đúng lúc Vũ Xuân Thiều nhấn cả hai quả tên lửa của mình phóng vụt ra. Tên lửa đụng tên lửa nổ tung. Chiếc B52 chỉ bị thương, chòng chành, lảo đảo tìm cách thóat thân. Thiều nhìn rõ mấy tên giặc trong buồng lái ôm đầu co rúm lại. Cùng lúc máy bay của Huỳnh Anh Dũng bị thương. Sở chỉ huy ra lệnh cho anh nhảy dù ra. Anh điện gọi bạn cho “chim về tổ”. Chỉ nghe tiếng trả lời vội vã:

- B52 bị thương! Hết đạn! Rất gần! Quyết không cho nó thóat !

Huỳnh Anh Dũng nhận ra một tiếng nổ vang rền cùng khối lửa lớn bùng lên phía trên bầu trời Sơn La đang bừng bừng rơi xuống. Anh chỉ kịp thốt lên trong máy:

- Đồng chí Vũ Xuân Thiều! 

Máy bay anh lao vun vút không điều khiển được đúng ngay trên bầu trời thành phố. Anh không thể nhảy ra để chiếc máy bay rơi tự do xuống những mái nhà còn sót lại giữa đống đổ nát dưới kia. Anh cố chỉnh tay lái, nán lại cho máy bay qua được chỗ này. Khi máy bay tới độ thấp nhất, anh định bấm nút nhảy dù ra, chợt giật mình nhận ra chiếc máy bay đang lao thẳng xuống một đám đông nháo nhào lố nhố. Hình như là trường học! Anh nghiến răng, hết sức kéo cần cho máy bay chếch đầu lên một chút. Anh không kịp nhảy ra khi chiếc máy bay sượt qua mái trường và rơi ngay gần đó.

Tại Sở chỉ huy chỉ nghe được tiếng thét thất thanh và tiếp ngay là một tiếng nổ Bùng!

Trên chiếc xe com măng ca của đơn vị về đón Cẩm Nhung, anh cán bộ trợ lý chính trị cầm tờ báo Quân đội nhân dân, đọc to lên dòng tít và những hàng chữ lớn ở trang đầu: Sáng ngày 30 tháng 12, theo giờ Hà Nội. Trong tâm trạng thất vọng và cay đắng, Tổng Thống Mỹ đã phải ra lệnh ngừng oanh kích vào các thành phố lớn ở miền Bắc Việt Nam và kêu gọi nối lại cuộc hòa đàm ở Paris vào ngày 8 tháng 1 năm 1973: Sau 12 ngày đêm điên cuồng không tập, Hoa Kỳ đã mất 81 chiếc máy bay hiện đại, trong đó có 34 chiếc máy bay chiến lược B52, bằng 17% số máy bay tham chiến, gần 10% tổng số máy bay chiến lược hiện có và 5 chiếc máy bay chiến đấu cánh cụp xòe F111A, hiện đại nhất của không lực Mỹ. Tổn thất lớn nhất của Mỹ là nhiều phi công bị chết và bị bắt sống đang phẫn nộ và chán chường ngồi trong các nhà tù của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đợi ngày phóng thích. Đế quốc Mỹ đã thua trên bầu trời Hà Nội. Lịch sử giữ nước Việt Nam lại ghi nhận một trận Điện Biên Phủ trên không. Nó chứng minh tinh thần yêu nước Việt Nam là bất diệt và khẳng định niềm tin của Bác Hồ kính yêu trước lúc Người đi xa.

Thằng bé Huỳnh Anh Minh vô tư giật lấy tờ báo cũng giơ lên ra vẻ đọc trong khi mẹ nó như người mộng du, không biết chuyện gì sẽ xảy ra và trong lòng chị linh cảm điều lành thì ít, điều dữ thì nhiều.          

Cẩm Nhung lao vào phòng cấp cứu Viện quân Y 108. Một khối băng trắng nằm bất động. Dù không nhận dạng nhưng không ai khác nữa ngòai chồng chị. Chị ôm chòang lấy người chồng thân yêu, khóc òa lên:

- Anh ơi! Em và con đến đây rồi! Anh có nhận ra không?

Trong cõi âm u mù mịt, văng vẳng tiếng gọi mơ hồ, anh cảm thấy như có ai lôi dần mình lên từ đáy cái hố đen thăm thẳm. Lại có tiếng trẻ con lanh lảnh như điệu nhạc quen thuộc êm ấm thân thương:

- Mẹ ơi!… Ba… Ba đâu?

Anh lờ mờ thấy trước mắt hiện ra một mái trường với những đứa trẻ thơ đang mừng vui ríu rít giơ tay lên vẫy vẫy. Chắc là học trò của vợ anh. Anh nhớ ra chiếc máy bay của anh như con chim khổng lồ gãy cánh lao vun vút xuống chùm lên bầy trẻ. Như có điều gì linh thiêng thức tỉnh. Bàn tay anh động đậy, quơ quơ. Môi anh mấp máy bật ra theo hơi thở yếu ớt:

- Các cháu… học sinh… có… sao… không?

Cẩm Nhung không biết điều gì đã xảy ra với chồng mình. Chị kéo bàn tay con áp vào tay cha nó và nâng cả hai bàn tay ấy lên ấp vào mặt mình. Anh cán bộ trợ lý chính trị hiểu ra sự việc, ghé sát vào tai đồng đội nói thật to lên :

- An tòan! Bình yên! Đồng chí tỉnh dậy đi… nhìn chiến thắng!

Tiếng người gần xa văng vẳng không rõ nhưng dường như báo hiệu một tin vui. Trước mặt anh, ánh sáng bừng lên. Trên lơ lửng bầu trời, ngọn lửa chói chang long lanh ánh hào quang muôn sắc. Bạn anh – Vũ Xuân Thiều hiện ra, tươi cười dang đôi cánh rộng, bay xuống thật gần. Hơi ấm từ ngọn lửa ấy làm người anh càng nóng ran lên. Anh cố giơ tay lên và cảm thấy như tay mình đã nằm trong tay bạn… Anh rướn người lên… ngưng thở… trút đi cái bóng đen nặng nề, đớn đau, trì níu. Thân mình anh nhẹ hẫng như một tia sáng vút bay  lên… để lại trên đôi môi khô rộp một bông hoa tươi rói.

Bàn tay anh như không đỡ nổi những giọt nước mắt của người vợ thân yêu nữa, rời ra. Cẩm Nhung thảng thốt nhìn lên nét mặt chồng đen cháy vô hồn. Chị ôm lấy anh, lay mạnh gào lên :

- Anh Dũng ơi… Anh Dũng ơi! Đừng bỏ em… Đừng bỏ con... Anh Dũng!

Chuyến bay đầu ngày của hãng Hàng không Việt Nam cất cánh rời sân bay Thủ đô vào một ngày cuối năm. Chiếc BOEING khổng lồ nhấc mình khỏi đường băng vút lên không trung. Vào thời điểm ấy, mọi người ngồi trong khoang máy bay đều tập trung cho sự thích nghi khi từ mặt đất mới thóat lên bầu trời và theo dõi sự ổn định của đường bay. Bỗng dưng chiếc máy bay nghiêng mình và dường như vòng lại. Những người quen với đường bay tỏ ra ngạc nhiên và lo lắng. Từ dãy ghế VIP có ba người đứng dậy quay về phía hành khách. Đứng giữa là một bà lớn tuổi, tóc hoa râm, mặc toàn đồ đen, nét mặt phúc hậu man mác buồn. Cô nữ tiếp viên trẻ đẹp, mặc bộ áo dài màu cánh sen, đồng phục của ngành hàng không. Anh phi công to lớn, mặc lễ phục trắng muốt, ngực đỏ những tấm huân chương, nét mặt trang nghiêm, giọng chậm rãi, rõ ràng:

- Thưa đồng bào và qúi vị. Vào khoảng giờ này, tại khoảng trời này, cách đây đúng 30 năm, một phi công anh hùng đã hy sinh để bảo về bầu trời Thủ đô thiêng liêng của tổ quốc chúng ta. Kẻ thù ỷ vào sức mạnh của các phương tiện và vũ khí tối tân hòng làm tê liệt tinh thần chiến đấu của người Việt Nam bảo vệ tổ quốc của mình. Một biên đội MIG–19 bất ngờ xuất kích từ một sân bay dã chiến bí mật ở miền Trung. Trung tá phi công Huỳnh Anh Dũng bay trước, tự lộ mình ra lừa địch, làm mục tiêu cho lũ máy bay tiêm kích truy đuổi, để cho đồng đội thừa cơ địch sơ hở, bay vọt lên, lao thẳng vào tiêu diệt chiếc máy bay chiến lược B52 trên bầu trời Yên Bái. Khi nhiệm vụ hòan thành, máy bay bị trúng đạn, đồng chí Huỳnh Anh Dũng được phép nhảy dù ra. Nhưng chiếc máy bay mất đà đang lao thẳng vào một trường học. Đồng chí kịp nhận ra, kéo ghì cần lái cho chiếc máy bay chếch lên, vượt tầm lướt xa ra. Phi công không còn thời gian nhảy khỏi buồng lái nữa! Một lúc, đồng chí đã hòan thành nhiệm vụ hợp đồng chiến đấu tiêu diệt giặc và bảo vệ tính mạng của đồng bào. Sự hy sinh cao cả của các đồng chí là tiếp nối truyền thống vẻ vang của Anh bộ đội Cụ Hồ, mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ tiếp theo…

Nét mặt trang nghiêm, anh trân trọng nâng tay bà mẹ:

- Đây là nhà giáo Nguyễn thị Cẩm Nhung, người bạn đời của phi công liệt sỹ anh hùng…

Vẻ mặt tươi lên, tay hướng về buồng lái:

- Và người đang điều khiển chiếc máy bay của chúng ta lúc này là phi công Huỳnh Anh Minh, chính là con trai duy nhất của phi công Huỳnh Anh Dũng và mẹ đây!

Chiếc máy bay chao cánh như muốn gửi lời chào cả mọi người trên trời, dưới đất. Cô tiếp viên nâng bó hồng lớn tặng mẹ. Anh phi công giúp bà gieo ra khoảng không những cánh hoa tươi đỏ chói trong tiếng nhạc tưởng vong hồn nghĩa sỹ. Bà quả phụ cứ để cho những hàng nước mắt tuôn rơi, nói trong nghẹn ngào:

- Xin cảm ơn những ai còn nhớ đến những người như chồng tôi. Tôi đau khổ nhưng không ân hận. Anh ấy đã hy sinh cho tổ quốc Việt Nam thống nhất, hòa bình, cho tương lai hạnh phúc của trẻ thơ và cho sự no ấm yên vui của những người lương thiện.

Những cánh hoa Ngọc Hà tươi đỏ chơi vơi biến ngay vào trong nắng giữa những đám mây trùng điệp tìm đến hồn thiêng nơi vũ trụ bao la.

Cô gái ngả đầu vào vai bà se sẽ hát khúc dân ca tặng mẹ :

Anh đi xa càng xa

      Tình em như cỏ hoa

      Lưu luyến và nhớ thương

      Theo anh dài nương rẫy

      Anh đi biệt tháng ngày

      Tình em như sông dài…

(đón đọc Chương 11: HÒA BÌNH – MÁU VÀ NƯỚC MẮT)

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_HNBDi.php

11-Nov-2017

• Các bài của Nguyễn Văn Thịnh: link http://sachhiem.net/VANHOC/N/ListNVTh.inc.php

Trang Văn Học