HÀ NỘI BỂ DÂU

- truyện ký -

BS Nguyễn Văn Thịnh

LÍNH CẬU VÀO ĐỜI

Anh với tôi đôi người xa lạ

          Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau

          Súng bên súng đầu gối bên đầu

          Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ

 Chính Hữu

A Tôi đang theo lớp P.C.B – dự bị Đại học…

Vào giờ Hóa, trong giảng đường, mụ giáo sư Hatherm quạu quạu đứng trên bục giảng nhìn đám sinh viên. Chúng tôi biết con mụ này lấy nghề dạy học để làm tình báo. Tôi đang định về sớm vì hôm nay có hẹn gặp anh Nguyễn Bắc – người phụ trách công tác thanh niên sinh viên - học sinh Thành, đột nhiên vang lên tiếng trẻ rao kem: “Kem Hồng Vân chocolat, hương cốm, hương dứa, hương chanh… năm xu một chiếc bán rẻ một hào đôi… đây” ! Tiếng rao như cố gào lên lanh lảnh quẩn quanh mãi ngòai đường Lê Thánh Tôn. Nhận ra ám hiệu, tôi lẻn ra gọi mua kem. Thằng bé chạy vội tới, mở nắp thùng rút một cây kem giúi nhanh vào tay tôi kín đáo kèm theo tờ giấy nhỏ. Tôi quay vào, nấp một nơi kín giở vội ra xem. Thư báo cảnh binh đến khám xét, có cả xe tăng bít ở đầu phố Hàng Đào và một trung đội lính vây bọc rải từ trước tới ngõ chợ Gia Ngư sau nhà tôi. Chúng xục xạo lục tung mọi thứ mà chưa kiếm được gì nhưng vẫn bắt cha đi và đặt bẫy tại nhà. Tôi lo vì còn khẩu súng lục và cái hầm chứa máy in nằm ngay dưới chân cầu thang… Nhìn dọc đường phố vắng người mà trời còn sáng, tôi chuồn ra đám vườn dược liệu sau trường. Chờ tối trời tìm đến nhà cơ sở. Bạn thân của tôi là Đoàn Đại Khoa đến đón về nhà. Tố Như – em gái bạn, lo cho tôi lắm. Tôi cũng phải tỏ ra cứng cỏi, coi thường mọi chuyện. Dù sao vẫn phải nhanh chân rời nơi đó. Tôi giấu em chuyển tới hai, ba cơ sở khác…

Ngay khi chúng tới, mọi thứ đều được người trong nhà phi tang kịp thời. Khẩu súng ngắn chị tôi ném xuống giếng ở sân sau. Hầm chứa máy in dưới chân cầu thang không bị lộ. Chúng không có bằng cớ gì giam giữ phải trả bố tôi về sau khi dọa dẫm: “Thằng Dũng (bí danh hoạt động của tôi) dù chui xuống đất cũng bị lôi lên, chạy lên trời cũng kéo xuống”!Chúng đặt “bẫy cả tuần nhưngnhờ có cô An là người của tổ chức đóng vai người làm công đứng quầy bán hàng, có ám hiệu riêng báo “động ổ” nên không ai sập bẫy…

Tổ chức lộ diện qúa nên bị khủng bố. Anh Dương Linh, anh Lê Tám là những người phụ trách phong trào thanh niên học sinh Thành và mấy người thường quan hệ với tôi đã bị bắt, địch đang truy lùng tôi ráo riết. Chỉ còn cách thóat ra vùng tự do thôi. Nhưng đi bằng cách nào thì khó qúa vì lúc này cơ sở vỡ lung tung, tìm được ZT (giao thông) không dễ. Cuối cùng mẹ tôi nhờ ông người cùng làng Nghĩa Chỉ lái xe đưa tôi về tỉnh nhà Bắc Ninh. Từ đó với chiếc xe đạp, tôi theo đường Đại Lâm–Thổ Hà–Núi Voi–Trại Cầu tới Thái Nguyên là vùng hòan tòan do ta kiểm sóat. Tờ Giấy thông hành đặc biệt của Quận uỷ nội thành cấp cho để khi cần thiết ra vùng tự do khỏi bị phiền hà,  tôi thường giấu trong guidon xe đạp nay thành thần hộ mệnh. Tôi đến trình ông Nguyễn Lâm – Trưởng Ty Công an, người làng Đình Bảng. Ông giữ tôi ở đấy có ý thẩm tra chờ tin trong thành báo ra cụ thể vừa kéo tôi vào phá vụ án gián điệp của bọn phòng Nhì tung ra từ Núi Voi–Mỏ Thổ tới Đèo Khế–Thái Nguyên do chúng tôi từ nội tuyến báo ra. Tuy là khách nghi vấn mà được coi như người nhà. Vẫn được ra phố ăn phở Đỉnh của người Hà Nội và uống cà phê Thỏ đặc biệt có cái máy làm nước đá chạy bằng dầu hỏa cho ra những cục đá non nhỏ xíu mới bỏ vào đã tan biến đi vẫn làm say lòng khách Hà thành…  

Cái Tết đầu tiên (Qúy Tỵ–1953) xa nhà lòng đầy tâm trạng, chúng tôi rủ nhau vào Vô Tranh có trạm quân y, gặp nhiều người Hà Nội cho đỡ nhớ. Tình cờ lại được xem văn công quân đội biểu diễn phục vụ thương binh. Có một cô gái qúa xinh chơi violon, lòng tôi xốn xang, chân tay ngứa ngáy làm sao. Thời ấu thơ tôi cũng được học violon nhưng nghệ thuật không phải là thứ tôi ham thích. Vậy mà lúc này tôi nảy ra ý định liều lĩnh chạy lên sân khấu ôm chặt vào lòng cả cô gái với cây đàn! May thay ý nghĩ ngông dại ấy chỉ thoáng qua trong đầu chốc lát thôi mà lòng tôi còn rung động mãi.

Lúc này vùng hậu phương tiến hành Cải cách ruộng đất. Ở đây đang xử vụ đại điền chủ Nguyễn Thị Năm cũng là chủ hãng Cát Hanh Long ở Hải Phòng, chuyên buôn bán từ hàng nặng nhất như sắt thép tới hàng nhẹ nhất như tơ lụa nhiều người biết tiếng. Một hôm tôi vào khai thác bọn gián điệp trong trại giam Quán Triều, tình cờ được biết bà Năm với người quản lý là ông Đội Hàm cùng bị giam ở đó. Con trai ông đang làm phó ty Công an Thái Nguyên bị cách chức ngay và vào tù cùng cha. Hai người con trai bà Năm đang là cán bộ quân đội cũng bị gọi về vào ngồi tù cùng với mẹ. Bà Năm là người đứng đầu Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thái Nguyên lúc đó, từng “đỡ đầu” cho nhiều đơn vị bộ đội mỗi lúc khó khăn, nhà bà là nơi qua lại của nhiều cán bộ kháng chiến cấp cao. Thực ra lúc ấy tôi còn trẻ qúa, lại mới lớ ngớ từ thành ra với lòng hăng hái đánh tây, nghe người ta xầm xì đấu tố thế này thế nọ, người bảo oan, người bảo óan. Thực lòng không thấy oán thù  điều chi nhưng cũng không hiểu hư thực thế nào.

Trong lòng tôi ngong ngóng hướng về thành phố với bao điều nhớ mong trăn trở. Bọn phòng Nhì quay ra dụ dỗ gia đình gọi tôi về bảo đảm sẽ cấp giấy cho qua Pháp học ngay. Nghe tôi bắn tin về nhà là được qua Trung Quốc học, thằng tây lai giơ hai tay lên trời tiếc rẻ: “Oh… la la ! Cho qua Paris không đi mà lại qua Tàu… Lạc hậu lắm! Thằng anh nó đang học ở Bordeau. Nước cộng hòa Pháp luôn rộng lòng với những ai trung thành!”. Chúng đưa tôi ra Tòa áo đỏ (Tòa án binh) kết án vắng mặt 15 năm tù. Thế là tôi không thể quay về hoạt động trong phong trào sinh viên - học sinh được nữa. Tôi được chuyển về khu căn cứ của Thành ở Xích Thổ, gần đồn điền Phạm Lê Bổng ở Nho Quan.

Tôi và Nguyễn Tôn Đức với một chiếc xe đạp đi từ Thái Nguyên xuống Ninh Bình. Lúc nghênh ngang đèo nhau. Lúc thay nhau vác xe đi con đường tắt. Lúc đứa đẩy, đứa dắt lên đèo xuống dốc. Ba lô nhẹ tênh mấy bộ quần áo với chiếc chăn len qúa sang vào thời đó. Quan trọng là mấy lọ thuốc sốt rét Quinine và mấy chai thuốc bổ Liver extract là của hiếm hoi. Trong túi vài tấm vàng lá Kim Thành, Sư tử (1 lạng cán mỏng thành 2 lá rưỡi) lúc nào hết tiền lại cắt ra mang đổi. Đời trai phong sương mà lòng phơi phới. Chúng tôi không định được tương lai cho mình tuy miệng vẫn hát lúc to lúc nhỏ: “Đi là đi chiến đấu / Đi là đi chiến thắng / Đi là đi xây đắp đời vinh quang”… Có lúc ngân nga với trăng với gió: “Khi nhìn trăng lên rồi lu mờ dần / Khi nhìn xuân tươi thiết tha vô ngần / Chờ đợi tay người sơn nữ”

Một hôm qua đèo Khế, đi trước chúng tôi là một đoàn bộ đội đi gì mà ậm à ậm ạch, không ra tư thế hành quân! Chúng tôi theo lên gần kịp không hiểu nổi đơn vị gì mà hổ lốn? Không hẳn hậu cần, không ra chiến đấu! Súng gom lại cho vài anh gánh lủng la lủng lẳng, còn nào là nồi niêu xoong chảo cồng kềnh, cả chăn bông, chiếu nằm và những ba lô to tướng. Sau mấy anh vác súng AK đi đầu cảnh giới rồi là mấy chiếc võng phủ kín mít, 5-7 anh ì ạch rụt cổ còng lưng thay nhau khiêng một chiếc. Chúng tôi muốn vượt qua mà đường nhỏ, dốc cao, không sao len lên được. Khi đơn vị dừng chân nghỉ, chúng tôi men lên dần thấy ngồi trong mỗi chiếc võng là một ông người nước ngòai, ông nào cũng to béo đẫy đà như hộ pháp, miệng phì phèo điếu Đại thiền môn phả ra mùi khói thuốc thơm lừng! Khác hẳn với bộ đội nhà mình mặt mày vêu vao, da xanh màu lá, mắt vàng màu sao, phanh áo ngực nhìn rõ cả bộ xương cách trí, mồ hôi chảy ròng ròng, ngồi nghỉ vẫn thở hổn ha hổn hển. Chúng tôi vượt nhanh qua rồi chạy mau lên đỉnh dốc. Thì ra là mấy đồng chí chuyên gia nước bạn đang “hành quân” cùng bộ đội ta! Chúng tôi chưa quen với cảnh ấy bao giờ. Trong thành, sinh viên – học sinh chúng tôi hướng ra kháng chiến, lòng đầy yêu thương cảm phục nghĩ về những chiến sỹ Vệ quốc quân mới ngày nào rời thành phố ra đi với lời thề “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Dù có nghĩ rằng các anh chịu nhiều gian lao vất vả hy sinh nhưng thực cảnh thế này thì người có đầu óc mơ mộng hoang tưởng đến đâu cũng không hình dung nổi!

Đến căn cứ, chúng tôi được nghỉ ngơi ít ngày rồi bước vào chỉnh huấn. Anh em ở rải rác trong nhà dân. Chiều xuống, nghe tiếng mõ lóc cóc của đám trâu bò về chuồng ngay dưới sàn nhà mà lòng nôn nao nhớ về Hà Nội chắc đã lên đèn. Đêm đêm nghe tiếng vượn hót hổ gầm xa xa trong hoang lạnh, bên ánh lửa bếp bập bùng nhìn ra ngòai trời đen kịt trằn trọc không ngủ được. Lần ra đứng ở góc sàn xả thải vào một cái ống mương chảy xuống sau nhà chứ không dám bước ra vì biết đâu có ông kễnh đang ngồi rình rập bên dưới… Lâu lâu từ các nhà dân ở rải rác có tiếng la, tiếng mõ hốt hoảng lan truyền báo cho nhau biết có “ông” về bắt đi con lợn hoặc trâu bò.

Lớp chỉnh huấn hàng trăm người của các cơ quan Dân – Chính – Đảng. Người tứ xứ: ở hậu phương, từ trong thành ra, cả người mới thóat khỏi nhà tù của giặc. Lần đầu tiên tôi được nghe người ta giới thiệu nhau bằng những từ mới lạ: Đồng chí này trình độ Khu ủy viên, Tỉnh ủy viên, Huyện ủy viên, Đảng ủy viên, Chi ủy viên, Đảng viên và Quần chúng! Tôi dần hiểu ra cấp chức ấy không dựa vào học vấn hay nghề nghiệp, nó biểu hiện mức độ tin cậy của cách mạng với từng cá nhân. Đó là một đẳng cấp mới của một Nhà nước mới lấy tiêu chuẩn Đảng làm mực thước.

Trong hội trường tranh tre nứa lá, những khẩu hiệu trên nền đen chữ trắng rành rành: “Thành khẩn là thước đo lòng trung thành với Cách mạng”! “Nói thật, nói hết  để cùng nhau sửa chữa khuyết điểm”! “Phải xác định rõ giai cấp của mình. Nếu cần thì đầu hàng giai cấp”! Cán bộ giảng về tình hình thế giới, trong nước, về thế đi lên của cách mạng và nhiệm vụ trước mắt. Tuy nhiên thắng hay thua, mau hay lâu là tùy thuộc vào quyết tâm của tòan dân, tòan Đảng và của từng người. Suy đến cùng là xác định quyết tâm của mỗi cá nhân, được thể hiện cụ thể trong lớp học chỉnh huấn này. Không khí lớp học lúc đầu khá cởi mở sau cứ nóng dần lên theo đà khơi gợi tự giác rồi tới truy tìm khuyết điểm, truy xét nguyên nhân. Phức tạp nhất là với anh chị em ở tù ra. Rất khó giãi bày mọi nghịch cảnh của mình. Không dễ ai cũng hiểu cho, tới mức như là truy bức. Có một người thắt cổ tự tử trong đêm! Cả lớp học nhốn nháo tìm hiểu tra xét xem có phải là sự giết nhau để bịt đầu mối hay không? Một đại đội bộ đội, công an được điều đến gác từng nhà. Học xong ai về nhà nấy. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Chiều chiều không được dung dăng dung dẻ ngay cả nơi xó rừng nữa. Mọi dụng cụ cá nhân có thể gây sát thương đều được thu gom lại. Một không khí căng thẳng bao trùm lớp học kéo dài gần ba tháng! Tôi tuổi đời còn ít, tuy hoạt động trong thành nhưng các mối quan hệ đều minh bạch rõ ràng. Vả lúc đó mới tập trung vào các thành phần quan lại, địa chủ, cường hào ác bá ở nông thôn và các thành phần đối tượng của kháng chiến thôi chứ chưa rờ tới giai cấp tư sản và các thành phần phức tạp ở đô thị như sau này. Tôi tuy xuôi xả qua được lớp chỉnh huấn mà lòng thầm nghĩ thà xông vào chỗ chết còn sướng hơn được dự thêm lớp học thế này! Một số người có vấn đề bị giữ ở lại căn cứ làm những việc linh tinh, mãi tới ngày giải phóng Thủ đô mới được giải tỏa đi tứ xứ.

Tổ chức gợi ý cho tôi qua học sư phạm bên Trung Quốc. Nghề dạy học không hợp với tôi. Nếu ham đi học nước ngòai thì giờ này tôi đâu còn ở đây nữa. Từ khi còn nhỏ bố tôi từng bảo: Thằng này  đẻ  ngược, đầu hai xóay lại sinh vào giờ nghịch, ương ngạnh khó nuôi!Biết tôi tham gia hoạt động kháng chiến, cụ không cấm nhưng cứ nơm nớp một ngày tai họa. Nên khi tôi đậu Tú tài II là cụ sắp xếp xong mọi chuyện kể cả đăng ký vé máy bay cho tôi qua Pháp học. Nhưng tôi ương ngạnh thật, không nghe!

Anh Trần Vỹ phụ trách Ban Dân vận Thành gọi tôi lên bảo đồng ý chuyển tôi sang Ban Quân sự. Tôi mừng qúa, thấp thỏm chờ.

Một hôm có anh cao to đẹp trai, mặc bộ kaky Mỹ màu vàng nhạt còn mới, chân đi ủng trông càng phong độ. Tôi đoán là sỹ quan. Anh tự giới thiệu là Thanh Sơn bên quân đội. Tôi ngờ ngợ cái tên ấy đã từng nghe từ dạo ở trong thành. Anh sộ ra tràng tiếng Pháp. Ở đây chỉ có Đức – Tú tài I và tôi – Tú tài đôi. Đức dè dặt dò ý. Tưởng anh thử sức, tôi xả liên thanh. Anh lúng túng, rồi dẫn Đức đi! Tôi không hiểu sao, nghĩ mình hiếu thắng, dại qúa! Cứ mỗi ngày được thêm một bài học vào đời.

Mấy hôm sau, một anh dáng người thấp đậm, da xám xạm, đôi môi thâm đen vẻ ốm yếu của người sốt rét rừng nhiều đến gặp tôi. Giọng nhỏ nhẹ mà trầm, anh vỗ vai thân thiện hỏi luôn như người biết rành về tôi lắm:                

- Ở trong thành đồng chí có nhiều mối quan hệ với số sỹ quan khoá I Nam Định và Thủ Đức phải không?     

- Vâng! Hồi Bảo Đại ra lệnh trưng tập số học sinh Tú Tài đi học lớp sỹ quan trù bị, tôi hụt một tuổi nên thóat. Đa phần anh em khối đệ nhất cấp học ở các trường tôi đều biết cả.

- Đồng chí đánh giá họ thế nào?

Tôi lúc đầu còn dè dặt, sau nói một thôi:

- Nhiều anh em trước kia có đứng trong phong trào học sinh kháng chiến, khi có lệnh động viên hoang mang lắm, tìm hỏi tổ chức. Một số muốn chạy ra vùng tự do mà không biết làm cách nào. Chúng tôi chỉ còn biết khuyên anh em cố mà trốn thôi! Nhưng trốn đi đâu trong khi thành phố như một cái nơm, nó kiểm tra, vây bắt lúc nào chẳng được? Vào tròng rồi thì khó lắm! Vừa qua, tôi có mang một va ly tài liệu xuống thành Nam giao cho anh em tổ chức phá rối lễ tốt nghiệp sỹ quan Khóa I nhưng không thành vì nội bộ đã bị phân hóa. Tuy nhiên còn nhiều người âm thầm chờ đợi sẵn sàng hợp tác với ta.

Anh lộ vẻ mừng lắm :                                                 

- Hôm trước chúng tôi sang đón lầm người! Giữ được những mối quan hệ ấy là rất qúy gía cho công việc của ta sau này. Đồng chí sẵn sàng chưa? Đi ngay theo tôi là… Nguyễn Đỗ!

Chưa biết rồi sẽ đi về đâu nhưng thoát cảnh ăn trực nằm chờ là sướng rồi!

Đơn vị mới cùng một cánh rừng, vừa đi vừa nói chuyện chốc là tới. Trước khi cho người dẫn qua ở một nhà dân, anh Đỗ dặn tôi ngắn gọn một câu:

- Dần rồi ta sẽ hiểu nhau!

Tôi chưa biết đơn vị này làm nhiệm vụ gì. Xem ra cơ quan có vẻ nửa dân sự, nửa quân sự. Anh em ở tản mát trong những nhà dân, làm việc âm thầm lặng lẽ. Anh Đỗ giao tôi xấp tài liệu tiếng ta, tiếng tây, bảo xem xong rồi tóm gọn báo cáo cho anh. Thỉnh thoảng có người qua hướng dẫn cách sử dụng súng ngắn, súng AK, cách vẽ sơ đồ, chụp ảnh tài liệu, viết các báo cáo bằng mực hóa học sulphate đồng (SO4Cu), bằng nước chanh hoặc nước cơm, khai thác tin tức và lập các hòm thư lưu, cách đề phòng bị theo dõi và «cắt đuôi» như thế nào… Một số việc hồi trong thành tôi đã từng làm như viết bằng nước chanh thì đem «là» hoặc hơ nóng tờ giấy lên, viết bằng nước cơm thì bôi lên lớp nước pha iode loãng, chữ sẽ hiện dần ra. Tôi cảm giác đây là một đơn vị đặc biệt có nhiều nét bí hiểm kiểu điệp viên trinh thám. Cũng hay hay. Tôi để ý thấy trình độ tiếng Anh tiếng Pháp của anh Đỗ rất khá. Tôi đưa ra mấy quy ước tóan học và định lý hóa học, vật lý học giả vờ ngây ngô hỏi thử  xem. Anh tỏ ra biết về khái niệm nhưng nói thật là quên nhiều vì bỏ học đã lâu rồi. Có lúc tôi nghe anh lí nhí i ỉ những bài hát tiếng Anh, tiếng Pháp quen thuộc một thời. Anh có cây kèn Harmonica, chiều chiều mang ra thổi những bản nhạc ta và cả nhạc cổ điển nữa. Một hôm nghe anh thổi bản nhạc quen, tôi hứng lên hát theo: «Quay quay… thương nhớ quyến vào tơ / Quay quay em nhớ tiếc thương chàng»… Anh bật đứng lên dập tông kích thích cho tôi hát đi hát lại say xưa bài Quay tơ của nhạc sỹ Tử Phác. Mãi sau này về Hà Nội giải phóng tôi mới biết anh chính là em ruột ông Tử Phác!

Lúc ấy chỉ biết có người phụ trách trên cơ lại hợp với mình là khóai rồi. Một hôm có người đến nhà tôi ở mượn thêm nồi nấu cơm. Tôi đoán có khách từ trong thành ra. Chiều gần tối, ngó ra ngõ trước nhà thấy dáng người con gái quen quen, tôi lén nhìn qua vách liếp. Đúng là Dương Thị Cương rồi! Ở nơi xa này gặp người quen thì mừng lắm nhưng nguyên tắc hoạt động nội thành là không ai được biết ai. Ngay cả với bốn anh chị trên tôi, anh em  trong nhà đều biết nhau có hoạt động ở một cơ sở nào đấy nhưng việc ai nấy biết. Cương là con giáo sư Dương Quảng Hàm – một học giả nổi tiếng, một thầy giáo được sự tôn kính của nhiều thế hệ học trò, người cùng với giáo sư Hòang Xuân Hãn chủ trì việc xây dựng chương trình giáo dục của nước Việt Nam mới và là vị Hiệu trưởng đầu tiên của trường Chu Văn An sau ngày nước nhà giành độc lập. Sau đêm 19 tháng 12 năm 1946, thầy biệt tích luôn! Có thể thầy trong số những người không may gặp nạn trong những ngày đầu Hà Nội nổ súng kháng chiến và thi hài bách tính được gom lại chôn chung trong nấm Mồ nạn nhân chiến tranh khổng lồ dọc con đường hông bên trái Tòa án đối diện với Hỏa Lò. “Giữa phen thay đổi sơn hà / mảnh thân chiếc lá biết là làm sao!”. Sau này thành phố di cốt đi, trả lại con đường cũ nhưng người Hà Nội quen gọi là «Chợ âm phủ» vì nhiều người đích thị thấy những âm hồn còn vương vấn ở đây. Gia đình hai bên chúng tôi thân thiết. Các con thầy đều giữ được gia phong nếp nhà. Các anh chị tôi là bạn học với anh chị của Cương. Chúng tôi biết nhau từ nhỏ và đều biết nhau có hoạt động kháng chiến. Hai bà mẹ thường rủ nhau đi lễ chùa. Các cụ mong nối kết thông gia nhưng bởi « cái duyên ông trời se, cái que ông trời buộc»… Không tình cầm sắt thì ra cầm kỳ… Bây giờ bạn gái của tôi đã thành người thiên cổ vào tuổi vừa thất thập! Tôi luôn nghĩ về bạn với tình cảm quý mến và thân thiết. Chúng tôi từng chia sẻ với nhau những vui buồn. Cương học giỏi, cứng cỏi, nhiều nghị lực và là một trong số ít nữ khoa học gia được nhận giải thưởng Kovalevskaia cao quý. Nhưng cái phúc cái phận ở Trời! Vợ tôi coi Cương như người chị. Các con tôi đều gọi mẹ Cương với lòng quý trọng. Con trai tôi là học trò và là đồng nghiệp của Cương. Tôi dặn con đơn giản một điều: «Khoa học ngày nay phát triển rất nhanh. Nếu trò giỏi hơn  thầy không là điều lạ… Nhưng hãy được như mẹ Cương về nhân cách và tư cách người thầy thuốc là tốt rồi!». Bây giờ người ta thích dạy nhau nhiều qúa. Ai cũng muốn đề ra khuôn thước mới trong khi con người đã có hàng ngàn năm chung sống cộng đồng. Khi cái danh thầy dễ bị ngộ nhận thì dù có đốt đuốc đi tìm cũng khó kiếm được một người thầy đích thực! Đã từng có những nền văn minh cổ đại rực rỡ bị hủy hoại bởi chính bàn tay con người đấy thôi!… Làm sao nói y đức với người không có một nền tảng giáo dục căn cơ chứ?! Liêm chính – Nhân ái – Trọng phẩm giá là cốt lõi.Hypocrate và cụ Lãn Ông dù khác thời, khác xứ mà nói về y đức giống nhau. Người thầy thuốc chân chính không thể có những toan tính xấu về hành vi, tâm ý làm tổn hại thể xác và tinh thần người bệnh, thế thôi!

Ngày ấy tôi ngây ngô đơn giản lắm. Học lỏm cách tiêm, sắm đồ nghề, tự tiêm cho mình và sẵn sàng tiêm cho người. Tôi đã từng tiêm nhầm Quinofort Lacroix vào mông anh Đỗ làm sưng tấy đỏ lên, phải đi quân y rạch tháo ổ mủ abcès. Để bù lại, tôi tiêm cho anh ấy Liver extract. Vậy mà anh khoẻ mau lắm và cứ xít xoa khen thuốc bổ của tôi công hiệu qúa ! Sau này tôi chẳng mấy tin vào thuốc bổ! Có lẽ do suy dinh dưỡng qúa, chỉ cần một chút đạm dù là nguồn nào đưa vào cơ thể sẽ có phản ứng kích thích tức thì. Như thời chống Mỹ, một vị chức sắc trong giới khoa học nhà ta có một công trình nghiên cứu: «Ba hạt mít có giá trị dinh dưỡng tương đương một quả trứng gà» ! Thời ấy đạm thiếu quá. Là bác sỹ nhi khoa cũng lo cho các cháu. Tôi đi sơ tán liền đến các tổ hợp tác xã và trường học, nhà giữ trẻ phổ biến với số liệu chứng minh hẳn hoi và tổ chức thực hiện. Ở nhà quê mít thiếu gì. Người ta hưởng ứng ngay vì tin vào khoa học lắm. Người lớn thì ăn cả hột và xay hột ra thành bột cho các cháu ăn… Một thời gian sau, tôi về lại cơ sở theo dõi giá trị công trình. Ai cũng lảng ra. Một anh giáo viên lựa lúc vắng vẻ rủ rỉ với tôi: «Biết rồi… khổ lắm… đừng nói nữa» ! Trước hết, ăn nhiều vào bụng ấm ách khó chịu lắm. Nhưng khổ nỗi trẻ con không biết giữ mồm giữ miệng còn tai hại hơn nhiều. Nhất là với chị em ta! Sau này tôi mới hiểu ra: Khoa học văn minh thật nhưng nhà khoa học có khi cũng làm những việc dớ dẩn vẩn vơ dù chẳng tốn của mà rất tốn công!

Một lần nhân dịp chuyển điểm, anh Đỗ bảo tôi ở chung cùng anh để có nhiều thì giờ truyền đạt nhất là một số điều bí mật. Nhà có hai anh em. Mỗi bữa, cấp dưỡng đem lên hai xuất ăn riêng. Anh kéo tôi đến ngồi ăn chung. Mấy hôm sau để ý như là xuất của anh phần thức ăn có nhỉnh hơn tôi vài miếng thịt hoặc vài con cá dù chỉ nhỏ thôi. Tôi dò hỏi nhà bếp mới biết có hai chế độ ăn Đại táoTrung táo. Còn Tiểu táo thì đơn vị chưa ai có tiêu chuẩn ấy. Vỡ lẽ ra tôi tự ái liền, mặt nóng rần rần… Mình bỏ nhà cửa, bỏ cả cái Tiểu táo đặc biệt ở nhà và bao nhiêu cám dỗ theo kháng chiến vào ở nơi đồng ruộng núi rừng mà còn tính tóan với nhau từng miếng thịt bạc nhạc, con cá tép ranh này. Bữa chiều, tôi vác bát ra ngồi ăn riêng, không nói gì cả. Hôm sau biết ý, anh chủ động mang bát đến ngồi bên tôi vừa ăn vừa nhẹ nhàng giải thích:

- Chính chúng mình cũng không thông đâu. Anh em mỗi người một hòan cảnh chịu đựng bao nhiêu khó khăn còn được, làm như vậy khó coi qúa. Nhưng cấp trên giải thích đây là chế độ quy định như thế. Cách mạng càng tiến lên càng phải quan tâm bồi dưỡng cán bộ vì đó là vốn qúy trong khi ta còn thiếu thốn rất nhiều nên đành tạm thời vậy thôi. Cậu thông cảm đi. «Miếng ăn qúa khẩu thành tàn» ! Nhà chỉ có hai đứa mà bày ra mâm này mâm nọ coi chướng qúa.

Dù nể anh nhưng tôi vẫn được nhà tiếp tế cho đều đều nên nghĩ ra cách nhờ dân mua hộ cá, thịt, trứng… về tăng cường cải thiện. Thế là bình đẳng! Đại táo xem ra còn tươm hơn Trung táo! Anh Đỗ là người không chấp nhất, chỉ cười thôi và không khi nào từ chối. Lúc đó ai cũng nghĩ chuyện ưu ái miếng ăn ngụm uống chỉ là nhất thời trong lúc chiến tranh khó khăn gian khổ qúa thôi. Có ngờ đâu nó kéo dài đằng đẵng mấy chục năm trời tới mức mớ rau, cái bát cũng phân phối theo tiêu chuẩn như là bản chất của một chế độ, thế mới là tốt đẹp! Ai đã qua một thời bao cấp còn nhớ mấy câu vè thấm thía: «Tôn Đản là của vua quan – Vân Hồ là của trung gian nịnh thần – Chợ trời là của muôn dân» ! Với các loại bìa phân phối lương thực – thực phẩm định lượng hàng tháng cho từng nhân khẩu. Trẻ em cùng với thường dân mang ký hiệu TR và N bìa màu trắng đục. Công nhân viên, cán bộ ăn theo đẳng cấp từ thấp đến cao: E – D – C – B2 – B1 – A2 – A1 với đủ màu sắc và cả loại siêu hạng ít ai biết nữa! Là thầy thuốc nhi khoa, tôi rất nhạy cảm và rùng mình khi qua quầy hàng thịt thấy ghi trên tấm bảng: «Hôm nay có thịt trẻ em» (tức là phiếu TR dành cho con trẻ)! Người ta chưa đánh giá hết nhiều tệ hại nảy nòi ra suốt chặng đường dài, trong đó chế độ bao cấp cũng phải được coi là tội phạm vì nó là một trong những nguyên nhân làm mất nhân phẩm, nói tránh đi là làm xuống cấp trầm trọng đạo đức ở một bộ phận không nhỏ quan viên nhà nước! Người ta lộ mình ra hoặc ẩn mình đi cũng là để được chuyển màu nâng cấp hoặc ít ra cũng giữ nguyên tấm bìa chẳng khác gì tấm thẻ bài ngà ngày xưa của đám quan lại Nam triều! Người ta hãnh diện trưng ra tấm bìa ở nơi mua bán nhưng giấm giúi nhau những gì mua được để chứng tỏ rằng họ vẫn sống gần dân, luôn chia sẻ cùng dân! Miếng ăn, thứ uống rồi đến manh quần tấm áo, cái xe, cái nhà đã thành mục tiêu phấn đấu cụ thể của qúy ngài tôi tớ nhân dân!

Anh em chúng tôi hiểu nhau, ngày càng tin và qúy nhau hơn.

Một hôm, sau bữa cơm chiều, hai anh em dạo ra cánh rừng xa xa sau nhà. Anh Đỗ lấy kèn ra thổi. Lúc đầu là mấy bản nhạc thường quen, sau anh thổi mấy điệu valse bay bổng say mê qúa. Tôi ngứa chân, tay giơ lên đi vòng vòng theo điệu nhạc. Anh vui lắm, càng thổi hăng hơn, chuyển qua các điệu tango… slow… fox… rumba… Tôi hăng máu lên quay tít thò lò cho tới lúc mồ hôi vã ra. Anh khen :        

- Tốt qúa! Mình không ngờ đâu. Sau này dễ nhập vai đấy!       

Trước ngày đi nhận nhiệm vụ, anh trao quyết định phong cấp chính trị viên trung đội cho tôi. Đến lúc đó tôi mới biết phiên hiệu của đơn vị là C100 – D50 – Đơn vị quân báo của Mặt trận Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu. Tôi cười hỏi anh:

- Chính trị viên chỉ có từ cấp Đại đội trở lên thôi! Vả lại tôi không phải là đảng viên thì làm chính trị với ai?

Anh ngồi gật gù suy nghĩ rồi chắc là cố giải thích cho qua:                 

- Cậu là cán sự ban Dân vận chuyển qua xếp cán bộ trung đội là đúng rồi. Đơn vị mình chủ yếu hoạt động đơn tuyến. Cấp trưởng có rồi. Cậu có học, ăn nói được, để chính trị viên là hợp đấy!                                          

Nhưng khi đưa giấy Chứng minh cho tôi lại thấy đề cấp Tiểu đội trưởng! Tôi giận qúa hỏi anh:                

- Tôi có xin cấp chức gì đâu mà trước phong cấp này sau cho cấp nọ?… Thôi anh cứ ghi là premier cành cạch (premier classe = binh nhì) cho tôi đi! 

Anh điềm đạm lấy ra tờ giấy chứng minh của anh giơ ra trước tôi       

- Cậu xem… Mình cấp Tiểu đoàn bậc trưởng mà trong giấy cũng ghi là Tiểu đội trưởng đây. Cậu muốn cấp Đại đội nhé? Mình ghi ngay thôi – Anh lôi từ sắc cốt ra tập giấy chứng minh khống chỉ. Tôi giữ tay anh lại bảo:

- Thôi!                                        

Anh giải thích vẻ quan trọng:               

- Đơn vị mình làm nhiệm vụ đặc biệt. Giấy chứng minh này chỉ cần thiết dùng làm tin giữa ta với ta thôi. Khi thấy khả năng nguy hiểm phải hủy đi ngay kẻo lỡ lọt vào tay địch, nó khai thác triệt để xong rồi là khó có ngày về!

Anh vỗ vai tôi thân mật:

- Mai cậu đi với mình lên bộ phận Cung cấp thanh tóan mọi khoản phí tiêu chuẩn nhé!

Tôi đi với anh tới một nhà dân ở cánh rừng phía bên kia. Mấy người đứng lố nhố. Có người biết, có người không biết. Không ngờ có mấy cô em xinh qúa. Tôi cười làm duyên, chủ động bắt tay làm quen:

- Phía bên rừng tôi ở quanh nhà nhiều hoa lắm. Nhưng ở đây có những bông hoa biết nói và đẹp hơn rất nhiều!

Mấy cô cười rúc rích:

- Con trai Hà Nội có khác, tán gái như sách!

Anh Thanh Sơn tới đó từ bao giờ đến vỗ vai tôi:

- Giỏi! Nhưng thôi, có dịp sẽ tha hồ tán – Anh nhìn tôi vừa tình cảm vừa nghiêm nghị, nói:… Hôm nay đơn vị thanh toán cho các đồng chí mọi khoản công tác phí kể cả tạm ứng trước mấy tháng. Ngòai ra các đồng chí còn được lĩnh một khoản tiền đặc biệt nữa là tiền… tử tuất! – Mắt anh dịu đi nhìn mấy đứa tôi. Giọng anh nhỏ lại:… Công việc của các đồng chí nguy hiểm bất kỳ lúc nào. Đảng và Quân đội có trách nhiệm lo cho các đồng chí chu đáo dù biết rằng đó chỉ là tối thiểu thôi – Anh quay đi không nói nữa.

Dường như mọi người đều xúc động. Mấy cô em nhìn xuống, thỉnh thoảng ngước lên nhìn chúng tôi chớp chớp mắt. Không hiểu hai đứa kia trong bụng thế nào? Riêng tôi thì bốc lên, bước tới em ngồi giữa xinh nhất hỏi giọng bất cần đời:

- Được bao nhiêu, em?

Lâu qúa rồi, tôi không nhớ cụ thể nữa nhưng rõ ràng là em xúc động lắm. Em cúi xuống ghi các khoản vào tờ giấy mà không dám ngước mắt nhìn tôi. Tôi nhớ là trong phiếu có ghi từng khoản tiền vải liệm, áo quan, hương nến… Một tay viết run run, một tay em đưa lên che mặt, có lúc đưa ống tay áo lên quẹt thật nhanh mắt mũi. Thằng Kiên đứng cạnh tôi nói bâng quơ:

- Chiều nay mời mọi người ra quán đầu rừng liên hoan một chầu đi!

- Chúng em chả dám đâu! – Một em trả lời lí nhí.

Tôi hững hờ ký vào tờ giấy, hỏi:

- Xin lỗi, em tên gì?

Cô gái ngẩng lên nhìn tôi, cố nhoẻn cười, trên má còn vết ướt:

- Là… Xuân, anh ạ!

Tôi bật cười lên :

- Xuân? Mùa xuân qua rồi mà sao Xuân vẫn ở đây?

Em vòng tay trên bàn và gục đầu xuống. Đôi vai rung rung không hiểu em khóc hay cười. Khi chúng tôi bước ra vừa khuất ngòai cửa nghe tiếng một người:

- Các anh này vô tư quá, không biết sợ!

Về nhà mới biết anh Thanh Sơn chính là Phạm Nghị, cán bộ cấp Trung đoàn, thủ trưởng trực tiếp của đơn vị. Anh từng chỉ huy cho nổ tung hơn 20 bốt điện trong một đêm khiến Hà Nội cả tuần không đèn cứ nhốn nháo lên. Anh còn tổ chức đánh tháo mấy cán bộ chiến sỹ của ta bị cầm tù, giả nằm chữa bệnh ở Khoa A1 – nhà thương Phủ Dõan. Tôi nói bô bô :

- Đẹp mã, tốt tướng, tài ba như thế chắc nhiều em mê lắm!

Anh Đỗ tủm tỉm cười.

Chiều ấy ba đứa chúng tôi kéo nhau ra quán, rủ không ai cùng đi. Thời ấy đâu có chuyện nhậu nhẹt rượu bia ăn uống phung phí bừa bãi như bây giờ. Bát phở, đĩa xào, mấy cái nem cuốn, nem rán, cà phê bít tất, thuốc lá thơm Cotab là sang lắm rồi. Không ai nhớ được giá trị cụ thể của các khoản tiền lĩnh được nhưng với tôi lúc đó chẳng nghĩa gì. Tan cuộc, thằng Kiên mang về mấy cái nem, cái gỏi bọc kỹ trong giấy báo làm quà cho các em. Tôi lẳng lặng có cách tính của tôi.

Trước ngày rời căn cứ, tôi sang gặp em Xuân, nói chuyện tầm phơ một chút, khi ra về tôi kín đáo trao cho em một gói nhỏ, cũng chẳng hẹn hò gì. Qua khoảng ruộng về bên này, quay lại nhìn sang cánh rừng bên kia vẫn thấy Xuân đứng đây, chăm chăm hướng về tôi. Tôi giơ tay vẫy vẫy và hôn gió gửi em. Cả hai chúng tôi chìm vào bóng rừng không biết lúc nào. Từ ấy đến nay tôi không biết gì về Xuân nữa ngòai một tin chẳng vui gì là cô gặp vạ vì chút tình cảm vớ vẩn của tôi khi ấy.

Thời gian khá lâu sau, trở ra căn cứ lúc đó đã chuyển điểm rồi, tôi có dịp qua bộ phận Cung cấp, cố lân la tìm em. Nhiều người mới. Số cũ ít người nhớ. Duy có một cô em còn nhận ra tôi nhưng chỉ tiếp chuyện hững hờ. Tôi hỏi thăm Xuân, cô trả lời gọn lỏn:

- Chuyển đi rồi! – và bỏ đi luôn.

Tôi tìm anh trưởng Ban Cung cấp hỏi một số trang bị nghiệp vụ cần thiết cho công việc. Dần dà anh vui chuyện hỏi tôi:

- Này! Dạo trước cậu tặng hay cô Xuân xin cậu một cái gì?

Tôi trợn mắt lên, trả lời như gắt:

- Xin đâu? Ai nói? Tôi mua tặng cô ta chiếc khăn voile đấy chứ!        

- Vậy mà người ta biết, đem ra tập thể kiểm điểm. Dù gì cũng là sai vì đó là tiền xương máu của đồng đội mình. Anh em đã không sợ hy sinh nơi tiền tuyến thì mình ở phía sau không được phép tơ hào. Cô ấy bị cảnh cáo và chuyển về phía sau không được làm nhiệm vụ tiếp xúc với anh em tiền phương nữa!

Lúc ấy tôi tức lắm. Thằng con trai nào không dễ mến một cô gái đẹp và kiếm dịp tặng qùa. Chiếc khăn voile nhẹ gọn, ấm ngực, ấm lòng, khó quên, nhớ mãi. Tôi hài lòng chọn màu nõn chuối kín đáo, hợp thời và hợp với nước da cuả em. Đúng là thời ấy, với ít tiền sinh hoạt phí thì chiếc khăn như thế chỉ có được trong mơ với nhiều cô gái. Nhưng đó là tự lòng tôi chứ sao lại bắt lỗi cô? Ngày tháng qua đi, mình một già hơn, thấy nhiều, hiểu ra. Người ta bảo cách mạng thì tiến lên mà cái tâm con người thì teo lại?! Lâu lâu, chợt nhớ tới cảnh ngộ của Xuân lúc ấy tôi cũng thấy thương cả một lớp người. Đẹp qúa mà khổ qúa, còn hành lẫn nhau! Tự dưng nước mắt cứ trào ra. Ngày giải phóng miền Nam tôi tận mắt thấy nghịch cảnh oái oăm vừa khinh vừa giận vừa xấu hổ vừa cay đắng! Trong khi người ta kìn kìn chuyển của bằng đủ các phương tiện đường bộ, đường thủy, đường không thì người lính được học tập lời dạy của Bác Hồ: “Chiến lợi phẩm là do chiến sỹ ta hy sinh đổ máu mới có được. Suy cho cùng nó là tài sản của nhân dân”! Có nơi người lính đang đêm bị dựng dậy hành quân đột xuất. Giữa đường dừng lại, từng người bị kiểm tra lục sóat từ cái ba lô tới túi áo túi quần! Ngày chiến tranh biên giới, trong khi người lính nối đuôi nhau vào rừng sâu lùng sục đám tàn quân thổ phỉ, dò dẫm từng bước trên thảm mìn cóc, mìn lá… sơ sẩy rủi ro một chút là mất đi một cái chân thì trên các phương tiện của các quan đi về đều chứa đầy hàng hóa! Các quan đi làm ngoại giao đây đó cũng tranh thủ tận dụng tờ hộ chiếu đặc biệt để chuyển hàng! Và bây giờ các quan chức quyền thế giàu có công khai nghênh ngang coi dân chúng chẳng là gì. Tham nhũng không thèm giấu mặt. Người ta đưa ra xét xử điển hình vài vụ lộ liễu qúa không còn bịt đi được nữa nhưng phần nghị án lại xét công xóa tội trong khi ta luôn rao giảng: “Mọi thành qủa của cách mạng là nhờ dân và thuộc về dân”. Những kẻ do dân nuôi, dân dạy, dân cho hưởng ưu ái học hành và dân tin giao cho chức quyền lại cướp công cướp của của dân thì còn chiếu cố cái nỗi gì?! Một vụ thiên tai bão lụt tàn phá vài ba bảy tỉnh, tổng thiệt hại lớn lắm thường là vài chục, vài trăm, ít khi vượt tới con số ngàn của tỷ. Nhưng một nhóm tham quan ô lại lừa dân dối nước nuốt đi bạc tỷ với con số chục là nhỏ, số trăm là thường, con số ngàn không hiếm mà xem chừng án xử ngày một nhẹ đi vì luật pháp ta thể hiện tính “ưu việt” của chế độ, nặng về cải huấn và nhẹ về trừng phạt! Thân tù VIP coi như tạm lánh nơi phố thị, ở ẩn tĩnh dưỡng thời gian mà vẫn có tiền chơi chứng khóan. Ngồi tù dăm năm lại được hưởng lượng hải hà ân xá. Ra tù vẫn phây phây, nhởn nhơ, có vốn đầu tư hoặc mua những cổ phần béo bở ăn xuýt từ của dân ra, thậm chí còn được giao trọng trách! Phải chăng là những ngụy lý của phường cùng hội cùng thuyền giải tội cho nhau? Lòng nhân đạo một thời phải biết dành cho nhân dân – những nạn nhân đau khổ của quân cướp nước và bán nước? Hỏi bây giờ lòng nhân đạo đang dành cho ai? Phường tham nhũng có là kẻ đang phản dân hại nước?

Ngày ấy chúng tôi đi vào chỗ chết mà lòng nhẹ thênh. Không phải là kẻ đói đi tìm quả thực. Chúng tôi đi đòi lẽ công bằng. Mấy chục người đủ cả già trẻ, gái trai, nón lá che đầu, khăn trùm kín mặt, ba lô nhẹ đồ nhưng túi gạo nặng đầy, ngày nghỉ đêm đi, rời căn cứ xuống đồng bằng xây dựng cơ sở chung quanh Hà Nội.

Chúng tôi xuống đến Khóai Châu lúc cuộc càn Lạc Đà của địch vừa chấm dứt. Nhà cửa tan hoang còn âm ỉ cháy. Xác trâu bò nằm phơi giữa  đường xóm, ngòai đồng. Những cụ già, đàn bà, em bé bơ phờ ngơ ngác. Những chiếc khăn tang xé vội từ những mảnh áo còn loang lổ bùn đất và khói bụi. Thóc gạo bị đốt sạch hoặc bọn giặc cướp mang đi. Dân chỉ dựa vào củ khoai để sống. Lệnh chỉ đạo xuống không phân biệt cán bộ hay chiến sỹ, để hết số gạo mang theo nhường cho các cụ già, em nhỏ. May mà năm ấy được mùa khoai lang và đậu xanh. Đến bữa, anh em ngồi quây chung quanh một rổ xồng khoai lang luộc và một bát muối. Khoai đủ các cỡ. Tôi xếp riêng ra ba loại củ theo kích thước to – vừa – nhỏ và gióng to lên:

- Ở rừng thiếu thốn, ta chỉ được ăn đại táotrung táo thôi. Bây giờ có thêm tiểu táo nữa đây!       

Tôi chỉ vào mấy củ to tướng bằng bắp tay bắp chân người:

- Ai muốn hưởng chế độ nào… thả cửa!

Tuy nhiên những củ càng nhỏ càng dễ nuốt. Trung táo nhất là tiểu táo chẳng ai thèm. Anh Đỗ rủ rỉ:

- Tớ ăn ở với cậu có gì đâu mà cậu chơi khăm thế?

Tôi chột dạ và ân hận vì sự lếu tếu vô tâm của mình. Tan bữa, ai cũng thủ về mấy củ để đầu giường, lúc nào buồn miệng lại ăn.

Ăn khoai lang hết ngày này sang ngày khác nóng ruột cồn cào lắm. Những lúc lẻn ra đồng làm “em quận công” cũng không qua mắt được con chó đói. Nó lẵng nhẵng đi theo và ve vẩy cái đuôi kiên trì đứng đó đợi chờ. Nhưng rồi nó đành ôm nỗi thất vọng lủi thủi cúp đuôi buồn bã trở về! Chuyển qua hái đỗ xanh non đem nấu như cơm. Nhưng ăn vào lại say đảo mòng mòng ngầy ngật. Tuy nhiên vẫn phải ăn để sống. Anh em cải tiến bữa ăn cho thích hợp: sáng ăn khoai lang, nóng ruột tha hồ uống nước. Chiều ăn đậu xanh, lên giường nằm, say chán rồi ngủ luôn. Các cô du kích Hòang Ngân mặn mà vui vẻ chiều chiều tụm lại đòi “Anh bộ đội hát cho chúng em nghe với”!       

Ăn uống kham khổ cùng với con ma sốt rét âm ỉ trong người từ những ngày ở rừng lúc này nó mới bùng lên. Những cơn sốt rét bần bật rung chuyển giường chiếu, tập trung ba bốn cái chăn đơn của anh em trùm lên mà hai hàm răng vẫn đánh vo nhau cầm cập. Cơn rét trong người chưa dứt thì cơn nóng từ từ dâng lên, tưởng như một cái lò lửa trong mình bùng lên toả nhiệt ra khắp người. Chăn chiếu quẳng hết đi, trên mình chỉ còn chiếc quần đùi. Anh Đỗ từng chịu sốt rét nhiều nên có kinh nghiệm, lấy khăn nhúng nước lau khắp mình tôi. Tôi cảm thấy dìu dịu đi cơn nóng thì trong đầu lại ong ong đau nhức đồng thời với cái thân thể đau nhừ. Tôi bảo anh lấy từ ba lô ra thuốc Quinine và thuốc sốt Aspirine cho tôi uống. Anh vừa làm vừa động viên tôi:

- Đừng vội uống thuốc lúc này. Sắp hết chu kỳ của nó đấy. Cứ nằm đó thiếp đi một giấc là khoẻ lại thôi!

Tôi không chịu nổi cơn đau, cứ nằng nặc đòi cho uống thuốc. Anh đành chịu thua. Nhưng thuốc vào bụng chưa kịp tan ra thì ruột gan cồn cào, nôn thốc nôn tháo hết ra. Anh lắc đầu loay hoay lấy nước cho tôi xúc miệng trong khi cô du kích xuống bếp lấy tro dọn đi cái đám nước lầy nhầy tôi vừa xả ra đầy nhà đến nỗi con chó chạy tới mới chúi mũi xuống ngửi cũng vội quay đầu chạy biến. Tôi mệt quá bủn rủn chân tay tưởng như cơ thể không còn là của mình nữa, người tôi như gắn chặt trên giường và thiếp đi. Tôi có bao nhiêu thuốc tích trữ đem ra uống va tiêm mong cho mau khỏi vì thời gian nhập thành theo chỉ thị sắp tới rồi. Hai mông tiêm thuốc xưng vù và đau ê ẩm. Nhưng người ta sinh đẻ cũng có tuần có cữ. Phải chịu đựng vài ba cơn sốt nữa liền ngày rồi cách nhật thưa dần ra. Sức tôi yếu qúa. Cố đứng lên đi mà hai đầu gối cứ run cầm cập. Lần mò đi loanh quanh.

Một hôm, cô du kích dẫn đến người đàn ông tay xách cái túi vải và chỉ vào tôi. Ông già gầy hom hem, đến ngồi bên giường nhìn tôi động lòng lắm, cầm tay tôi nói nhỏ:

- Con trai tôi cũng đi bộ đội. Nhưng nó người nhà quê kham khổ quen rồi, có vất vả mấy cũng đỡ. Tôi nhìn anh dáng người thành phố, chịu vất vả chưa quen, thương lắm! Tôi có cái này đỡ anh.       

Ông cúi xuống dốc từ cái túi vải ra một… con rắn lớn! Ngay tức thì ông bảo cô phụ ông rạch bụng con rắn ra, nhỏ máu nó vào một chén rượu nhỏ có trái tim con rắn đang thoi thóp phập phồng, dựng tôi dậy, bảo tôi ngửa cổ và uống ực một hơi hết chén rượu. Tôi nằm chưa yên còn cảm giác men rượu nóng râm ran trong bụng và nhờn nhợn nơi cổ thì cô du kích từ dưới bếp chạy lên đưa ra mấy cái trứng rắn non. Ông già chỉ đạo tôi phải nuốt cho bằng hết. Ăn để có sức. Tôi nhắm mắt làm theo, cắn răng ngậm chặt miệng lại. Chiều hôm đó tôi được ăn bát cháo rắn nóng. Cô du kích lại chế biến thêm món chả thịt rắn băm quấn lá xương xông nướng. Bữa ăn đó anh Đỗ lảng sang nhà bên cạnh. Bát cháo tôi để dành phần nhất định anh không chịu dùng, bắt tôi ăn hết để mau lại sức nhận nhiệm vụ. Không hiểu có phải vì bữa thịt rắn ấy không mà tôi lại sức nhanh thế ?  

Anh Đỗ cùng tôi cải trang ra thị trấn Ân Thi chụp ảnh để làm tít (titre=thẻ căn cước) giả vào thành. Thời ấy giấy má dấu triện còn đơn sơ lắm, việc làm giấy tờ giả không mấy phức tạp và trình độ của kẻ kiểm tra thông thường còn non kém, cứ thấy cái ảnh có con triện đỏ chót là tin. Tuy nhiên tờ giấy mới phải làm cho nó cũ đi. Thường chúng tôi áp sấp xuống chiếc chiếu cũ, xoa xoa nhiều lần. Ảnh, giấy, chữ thấm mồ hôi xây xước mờ đi, dễ qua mắt kẻ kiểm sóat ngòai đường.             

Sau đó chúng tôi được lệnh cùng anh Đỗ theo giao thông qua Bãi Vĩnh, vượt sông Hồng sang Duy Tiên – Phủ Lý xây dựng căn cứ đi vào Hà Nội từ phía nam. Anh Đỗ bảo:                     

- Mình yêu cầu địa phương tăng cường cho đơn vị hai cô giao thông này!

Sáng hôm ấy, tôi bảnh chọe trong bộ đồ đúng mốt chàng trai Hà Nội, giày jaune (màu vàng), mũ phớt, kính đen, giấy tờ tuỳ thân đầy đủ trong người theo giao thông nội thành ra ga Đồng Văn phốc lên xe về Hà Nội. Trên xe, giao thông ngồi trước, tôi ngồi cuối xe với bộ mặt phớt đời nhưng không rời một cử chỉ nhỏ của chị giao thông đóng vai người đi buôn chuyến tía lia bắt chuyện, cười nói bả lả với mọi người. Tới bót Đuôi cá, chị giao thông ra ám hiệu yên, tôi ung dung nhảy xuống chủ động chìa cái «tít» ra xồ theo một tràng tiếng Pháp đúng mốt Paris, thằng tây trắng khá điển trai đưa cặp mắt xanh thật đẹp nhìn tôi cười thân thiện.

Xe đỗ ở bến Kim Liên gần hồ Halais mà lòng tôi xúc động xôn xang, mải ngắm người ngắm cảnh để chị giao thông phải vòng xuống cuối xe gào lên:

- Xe ơi... Xe ơi! Mau chở về nhà đây cho hàng họ kịp chuyến nào!

Tôi giật thót mình tỉnh ra, vội nhảy tót xuống xe, kịp có hai chiếc taxi trờ tới, chị tống hàng lên xe trước và chui vào. Tôi biết ý phì phèo điếu thuốc khệnh khạng bước lên xe sau. Hai cái xe chạy bám đuôi nhau theo đúng cự ly tốc độ. Tới ngã ba Hàng Bông – Hàng Da, xe trước rì rì chậm lại, đèn hậu nhấp nháy. Tôi để ý bên đường có một cô bé học sinh, tay phải cặp chiếc cặp đen choàng ngòai chiếc nón, tay trái giơ lên che mắt như tìm đợi ai… Nhận ra ám hiệu, xe trước vọt thẳng về phía Bờ Hồ trong khi xe tôi từ từ quẹo qua chợ Hàng Da đối diện với rạp Olympic (Bây giờ là rạp Hồng Hà). Cô gái đợi ai có mẹ đèo trên xe đạp vượt lên. Tôi lững thững theo hai mẹ con vào nhà cơ sở.

Tôi ở nhà Dược sỹ Vũ Thị Sửu (em luật sư Vũ Văn Mẫu), sống độc thân ở phố Đường Thành rồi qua nhiều nơi khác. Có lần tôi chuyển tới ở Cửa hàng biệt dược phố Hàng Đào ngay xế cửa nhà tôi. Nhà này do người bạn Nguyễn Tiến Huy – sinh viên Y khoa, bố trí tôi ở với người anh là Nguyễn Tiến Quang nhưng ông anh không biết tôi là người kháng chiến. Chiều chiều ngồi sau cửa sổ trên gác nhìn sang ngôi nhà thân yêu của mình, thấp thóang bóng cha, bóng mẹ, bóng những người thân trong khi cha mẹ tôi cứ nghĩ con mình đang ở mãi đâu xa, mà phải kìm lòng lại. Mỗi khi đi ra phố phải kín đáo để ý xem phía nhà mình có ai dễ nhận ra không. Tôi đi qua những nơi từng gắn bó. Nhiều lần đứng thẩn thơ trước giảng đường Đại học như một simh viên mà lòng mong có một ngày được quay trở lại.          

Tôi xây dựng cơ sở ở nhiều nơi trong đó có cả những cô gái nhảy ở phòng nhảy Rizt (1 phố Bà Triệu ngày nay), Paramount (Nhà Godard trông ra Hàng Bài) mà bọn sỹ quan Pháp thường lui tới. Trong vai công tử ăn chơi, tôi đến nhảy làm quen với các em, bắt chuyện với những sỹ quan vừa thóat chết từ mặt trận trở về hay đang bi quan với ngày mai ra trận ở nơi nào. Khi đã nắm chắc, tôi mạnh dạn xây dựng cơ sở ở vài cô gái nhảy. Tôi từng bí mật đưa mấy cô ra hậu cứ cho học tập thức tỉnh lòng yêu nước, các kỹ thuật moi tin, chuyển tin và các cô ấy xứng đáng là nơi tơi tin cậy. Thậm chí sau này có Hiệp định Genève, một số cô được tôi báo cáo tổ chức đánh vào Nam bám địch .

Chúng tôi cũng được lệnh điều nghiên sân bay Gia Lâm, tổng hợp lấy tin từ nhiều nguồn gửi về Bộ chỉ huy xây dựng sa bàn tác chiến. Đến ngày nổ súng, đơn vị tôi lại được giao việc khác. Nhìn lửa cháy rừng rực bốc lên và khói đen nghịt trời chúng tôi vừa sướng vừa tiếc quá !

Cuối năm 1953, tôi được gọi ra ngòai căn cứ ở Nho quan để nhận nhiệm vụ mới. Tôi qua cái Tết thứ hai (Giáp Ngọ – 1954) ở rừng lòng đầy nhớ nhung gia đình, phố phường, bè bạn và đặc biệt một bóng hình. Mồng hai Tết được lệnh sớm mai mọi người cùng đi tải gạo. Đường rừng đến kho đi – về gần 40 kilômét. Mỏi chân, người dẫn đường cứ bảo đi hai – ba «con dao quăng» là tới. «Con dao quăng» là đơn vị đo chiều dài rất mơ hồ của người miền núi. Đến kho trời tối sập rồi. Ánh sáng của một chiếc đèn bão tỏa ra từ trong nhà chỉ đủ nhận ra những bóng người nhập nhoạng. Tình cờ nghe tiếng nói quen, tôi nhận ra người đồng môn, đồng chí và cũng là hàng xóm cùng phố nữa. Lúc này gặp được cố nhân còn gì sướng bằng. Chúng tôi được dịp hàn huyên thoả thích.

Thời gian này chiến sự biến chuyển nhanh chóng lắm. Chiến dịch Xuân–Hè năm đó, ta vừa mở rộng vùng giải phóng xuống đồng bằng, vừa tiến quân lên Tây bắc bao vây Điện Biên phủ. Càng thắng, người làm tình báo càng nhiều việc. Trong khi chúng tôi đang điều nghiên để tổ chức đánh vào Câu lạc bộ sỹ quan Pháp ở gần sân vận động Manzin (phố Hòang Diệu) và đánh sập cầu Long Biên (Pont Doumère) cắt đứt đường giao thông huyết mạch Hà Nội–Hải phòng thì rục rịch họp Hội nghị Genève nên có chỉ thị hõan lại chờ. Hiệp định Genève vừa ký xong, chúng tôi được gọi xuống Nam Định đã được giải phóng, nhận chỉ thị từ anh Vương Thừa Vũ và anh Trần Vỹ chuẩn bị phối hợp tổ chức cho bộ đội ta vào tiếp quản Thủ đô và công tác đặc biệt quan trọng là tìm người đánh theo giặc vào Nam chuẩn bị hậu chiến lâu dài.

Ngày bộ đội tiếp quản Thủ đô, trong khi đoàn quân chiến thắng tiến vào theo năm ngả cửa ô giữa tiếng cười xen tiếng khóc của người Hà Nội sau ba ngàn ngày đêm nén lại thì tôi chỉ được làm nhiệm vụ bảo vệ ngầm trên tuyến đường quanh bờ hồ Hòan Kiếm vòng lên Hàng Gai, Hàng Bông tới Cột Cờ. Đứng lẫn trong đám đông người vui cuồng nhiệt tôi cũng muốn bật khóc lên nhận ra thằng Nguyễn Tôn Đức trong bộ quân phục mới toanh, ngồi trên chiếc xe jeep chiến lợi phẩm đi đầu dẫn đường đòan quân do anh hùng Nguyễn Quốc Trị chỉ huy. Ngày nào hai đứa học sinh từ thành trốn ra vùng kháng chiến lơ ngơ lớ ngớ đi vào khu căn cứ dò tìm đơn vị. Rồi mỗi đứa mỗi ngả, bặt tin nhau. Tới hôm nay vui sướng thế này.

Tôi về nhà trong bộ quân phục anh bộ đội Cụ Hồ giữa niềm sung sướng và cảm động tột cùng của bố mẹ, anh chị em và những người thân. Tuy nhiên một kỷ niệm tôi còn nhớ mãi. Lần đầu tiên đến bộ phận quân nhu, nhìn anh em xúng xính lúng túng trong bộ quân phục mới, tôi thốt lên:

- Giống Tàu qúa!

Lập tức được anh trưởng ban « chỉnh » luôn:

- Về thành rồi, đồng chí phải cẩn thận, không được nói mất lập trường! Đây là quân phục trang bị thống nhất trong tòan phe Xã hội chủ nghĩa !

Cán bộ từ cấp Đại đội trở lên mặc áo có bốn túi. Từ trung đội tới chiến sỹ áo có hai túi ngực thôi, kèm thêm trên hai vai áo may ốp hai miếng vải lót phía trong. Lính ta mày mò phát hiện mỗi bên có 18 đường may và gọi tếu là «36 đường gian khổ». Tôi là cán bộ Trung đội, nhưng là lính văn phòng nên cũng được cấp áo bốn túi. Thú thực mặc vào thấy nó bận bịu vướng víu thế nào. Cho tới lúc chuyển ngành tôi chỉ mặc quân phục khi thật cần thiết thôi vì công việc của tôi được phép mặc thường phục cả khi làm việc.

Lúc này việc đưa người của mình đi Nam là việc làm khó khăn phức tạp nhất. Trong khi ta tập trung chống dụ dỗ cưỡng ép đồng bào bỏ vào Nam thì chúng tôi lại tìm người «dụ dỗ» đi Nam. Thời gian 300 ngày tôi đi lại thường xuyên xuống Hải Phòng đưa tiễn và bắt liên lạc với cơ sở đã vào tới trong ấy đón người. Thực ra lúc đó tôi không nhận thức được diễn biến sẽ phức tạp và lâu dài đến thế. Mình cứ lấy cái mốc hai năm để «dụ dỗ» động viên anh em và thấy tương lai miền Bắc sáng sủa quá. Chính tôi đã đưa cả «nửa phần đời của mình» đi trước và hẹn sẽ trùng phùng ở Sài Gòn hay Hà Nội! Đặc biệt với anh em sỹ quan là vốn qúy nhất để luồn sâu trong lòng địch. Tuy nhiên cũng có không ít người nhận lời ra đi rồi nhưng đến phút chót lại nằng nặc ở lại không chịu đi nữa, thậm chí có người lại từ trong ấy quay ra vì không muốn dấn thân vào việc mà tương lai chưa biết thế nào, chỉ mong được đoàn tụ gia đình, làm ăn lương thiện trong cảnh đất nước thanh bình. Chúng tôi đành chịu thôi. Không ngờ hầu hết anh em đó vào mấy năm cuối thập niên 50 và đầu 60 rất điêu đứng thậm chí bị tù đày vì quá khứ từng là sỹ quan quân đội ngụy! Với anh em, việc thanh minh không dễ chút nào. Không chỉ một lần, tôi đứng ra bảo chứng được một số anh em thóat nạn tuy nhiên không ít anh em lâm vào nghịch cảnh trớ trêu bi thiết! Sau này có những nỗi oan hóa giải được nhưng không ít thân phận bi thương vẫn bị chìm trong quên lãng không biết than thở cùng ai?! Lịch sử có thể thanh minh cải chính cho những sự kiện lớn chứ không minh oan được cho từng người!

Anh Đỗ đã có mặt trong phái đoàn Liên hiệp hai bên và đang chờ tôi ở khách sạn Majestic – Sài gòn. Tôi chuẩn bị hành trang lên đường trong tâm trạng nôn nóng nhận nhiệm vụ mới ở một nơi xa lạ lẫn lộn với nỗi vui sướng được gặp người yêu. Đột ngột anh Đỗ có lệnh gọi ra Hà Nội gấp và phải bàn giao ngay công việc cho người khác. Đương nhiên, theo nguyên tắc, tổ của anh cũng giải tán luôn, phân công việc mỗi người mỗi nơi. Lý do đơn giản vì người anh ruột của anh – nhạc sỹ Tử Phác có dây dưa với nhóm Nhân văn – Giai phẩm, mới bị vào tù! Anh chịu họa lây của ông anh và tôi như một hệ lụy dây truyền cũng bị «vạ gió tai bay» từ người thủ trưởng. Nếu không thì biết đâu cuộc đời tôi đã khác. Tuy nhiên về già ngẫm chuyện «ngựa tái ông» chưa biết họa phúc thế nào. Âu cũng là cái số! Hai tháng sau anh Đỗ buộc phải chuyển ngành sang cơ quan dân sự! Anh chính tên là Thọ, còn có bí danh là Thế Dân, người phố Hàng Giấy, gia đình buôn bán lớn, tham gia phong trào thanh niên học sinh cứu quốc từ ngày khởi nghĩa mùa Thu. Là người có học, tận tâm, tận tụy, giỏi giang, sống có tình mà nói theo tử vi về cung Mệnh thì dài nhưng cung Quan – Lộc của anh bị sao Thái Bạch chiếu vào! Anh sống được 78 năm nhưng không biết có mấy mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông ?

Tôi chán ngán xin quay lại thời cắp sách. Cấp trên chuẩn y nhanh chóng và phong cho cấp Đại đội phó trước khi rời quân ngũ.

Trong bữa tiệc đoàn tụ đầu tiên ngày họp mặt gia đình, bố chuẩn bị bàn thờ trang trọng tôn nghiêm lắm. Đèn nến sáng trưng. Hương trầm nghi ngút. Trong bộ lễ phục như những ngày giỗ lễ trọng đại, bố gọi con lên. Hai cha con đứng trước bàn thờ tiên tổ. Giọng nghiêm nghị và xúc động, bố hỏi con:

- Thời gian đi lính cầm súng mày có lỡ bắn giết ai không để tao thưa trình với tổ phụ thông hiểu cho cảnh ngộ của mày lúc nước non ly loạn. Tao cũng làm mâm cơm cúng vong hồn những người không may tử nạn xá cho những việc làm không định tâm ác ý của mày!

Tôi cũng đứng nghiêm trước cha, trước bàn thờ anh linh tiên tổ thành thật nói rằng:      

- Thưa bố và thưa các bậc tiền nhân! Con đi lính nhưng may được làm cái nghề chỉ chuyên đi ăn cắp tài liệu, moi tin tức thôi. Con chưa cầm súng nhắm thẳng vào một người nào. Chỉ có người ta nhiều lần nhắm vào con mà bắn. Nhưng may được ông bà tổ tiên linh thiêng che chở nên đều thóat nạn! Ngay cả những người bị bắt con cũng đối xử tử tế, không làm điều gì tàn ác như bố vẫn dạy con phải biết thương người ngay cả lúc người ta lâm phải thế cùng. Con không làm điều gì phải ân hận cả!

Tôi theo học ngành Y.

Hồ sơ nhập học của tôi có bằng Tú Tài II và chứng chỉ học P.C.B là một sự hiếm hoi với những người kháng chiến vào trường đại học.

 

 

(đón đọc Chương 4: VIẾT TỪ ANGOLA)

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_HNBDb.php

11-Nov-2017

Trang Văn Học