Người Đàn Bà Hóa Đá Vọng Phu

Nguyễn Quang Chánh

http://sachhiem.net/LICHSU/N/NguyenQuangChanh02.php

12-Jan-2023

Chú Tư có nói với Phúc: con phải sống xứng đáng là đứa con của người anh hùng, bảo vệ thành quả cách mạng và sự bình yên của Tổ quốc mà lớp lớp người đã ngã xuống cho hoà bình hôm nay.

(Viết nhân giỗ đầu bà Bùi thị Mậu- vợ AHLS phi công Nguyễn Văn Lai).

Tác giả thắp hương trước bàn thờ của gia đình ông bà Lai, Mậu

Cách đây 7-8 năm trong lần ghé thăm ông Bảy phi công anh hùng ở Lai Vung (Đồng tháp) khi ông còn sống, tôi bắt gặp một người đàn ông trạc 50 tuổi, nước da trắng hồng, tướng to béo, bụng bia, gọi ông Bảy bằng ba. Vẫn biết, ông Bảy có 2 người con trai và 1 người con gái, tôi biết mặt họ. Giờ thêm một "chàng trai" lạ nữa xuất hiện, hổng chừng có khi là con rơi của ông Bảy cũng nên, tôi trộm nghĩ như vậy? Người đàn ông này tự giới thiệu với tôi tên là Phúc, sinh năm 1966, hiện đang sinh sống tại Đức, là con nuôi của ông Bảy, hôm nay về thăm ông.

Bàn nhậu miệt vườn Nam bộ được ông Bảy bày ra đãi khách: có mấy cái nem chua đặc sản Lai Vung, cá thì đầy trong ao nhà bắt lên, rau xanh ông trồng, vú sữa vườn nhà và rượu đế ngâm trái nhào ông Bảy tự làm đựng trong mấy cái can 20 lít để ở góc nhà cơ man nào mà đếm được? Tôi hỏi vui ông Bảy: bác Bảy nè, thằng Phúc đây là con rơi của bác hồi đó phải không? Trông tướng nó nhậu có nhiều nét giống bác lắm nha? Sao hồi đó chiến tranh, kỷ luật quân đội nghiêm mà bác vẫn "mần ăn" ngoài luồng được là sao? Ông Bảy nhìn tôi cười khà khà, nhấp một ngụm rượu đế rồi nói: bộ tụi bay nói thời đó trực chiến rảnh lắm hay sao mà có thể đi mò gái được như vậy? Lôi thôi ăn kỷ luật quân đội chết không ngáp được, chuyện trai gái ngoài luồng bị kỷ luật nặng lắm nha. Thằng Phúc này là con trai ông Lai, cùng đơn vị với tao, lái tiêm kích MIG-17, hy sinh rồi. Khi mẹ nó đang mang bầu nó được hơn 2 tháng, ông Lai trong một trận không chiến đã hy sinh, mẹ nó sinh ra nó chưa biết đặt tên là gì thì tao đặt tên nó là Phúc, kỷ niệm cái sân bay Đa Phúc mà bố nó chiến đấu (thật ra, tên là Bá Phúc, chữ Bá là địa danh Bá thước thuộc tỉnh Thanh hoá, nơi bố nó hy sinh).

Bà Mậu với ông Nguyễn Văn Bảy

Sau tao nhận nó làm con nuôi, thương nó mồ côi cha khi còn trong bụng mẹ, chiến tranh ác liệt vậy đó. Mẹ nó, bà Mậu hồi đó rất xinh, cứ ở vậy nuôi con khi mới ngoài hai mươi tuổi, nhất định không lấy ai, cả một cuộc đời hy sinh để nuôi con thờ chồng. Ông Lai cũng được truy tặng danh hiệu AHLLVTND. Tôi như mắc nghẹn trong cổ, câu hỏi dỡn chơi của mình thật không đẹp chút nào, hoá ra Phúc đây là con liệt sỹ, đồng đội của ông Bảy phi công trong trung đoàn 923. Thương Phúc quá, cậu ấy còn không biết mặt cha.

1- Làm Vợ Phi Công Chiến Đấu Mà Không Biết.

Rất nhiều lần, tôi được nói chuyện với bà Niên, vợ của ông Bảy phi công anh hùng, bà tâm sự: trong thời chiến, hồi đó lấy chồng là phi công chiến đấu, tôi nơm nớp lo sợ ổng hy sinh bất cứ lúc nào, ác liệt lắm. Cứ bất ngờ có chiếc xe ô tô Comancar của đơn vị ghé thăm đột xuất là hai chân tôi run lắm, chuẩn bị phải đón nhận thông tin rất xấu về chồng mình. Biết bao bà vợ phi công giống như tôi, họ đã phải đón nhận hung tin của chồng mình như thế, nhưng với ông Bảy nhà tôi, tôi không phải đón nhận hung tin vì từ tháng 5/1967, Bác Hồ đã không cho ông ấy bay chiến đấu nữa. Chứ nếu còn bay chiến đấu tiếp tục, ác liệt như thế, có thể ông ấy cũng hy sinh, không ai nói trước được điều gì đâu. Ông Bảy thường nói, tao luôn xác định trước mỗi lần xuất kích là có thể hy sinh, khi hạ cánh được rồi trên đường băng sân bay thì mới biết hôm nay mình còn sống, lưng áo đẫm mồ hôi...

Từ sau buổi hôm đó, tôi và Phúc vẫn giữ liên lạc với nhau. Hồi đầu năm 2022, Phúc có về HN làm mâm cơm giỗ mẹ 49 ngày. Hôm nay em lại về để làm giỗ đầu cho mẹ mình. Hôm 10/1/2023 vừa rồi là giỗ đầu của bà, bà mất đầu năm ngoái, thọ 83 tuổi. Tôi đã bay ra dự đám giỗ và thắp cho bà một nén nhang tưởng nhớ người vợ của anh hùng liệt sĩ phi công Nguyễn Văn Lai. Phúc đã dành nhiều thời gian để kể cho tôi về người mẹ tần tảo của mình trong trong nước mắt tiếc thương.

Di ảnh của AHLLVTND Nguyễn Văn Lai

Phúc kể, mẹ em sinh năm 1939 ở một làng quê nghèo khu 4, huyện Đức Thọ-tỉnh Hà tĩnh. Nhà đông anh em, nghèo lắm, làm nông là chính, sống lam lũ. Có ông chú ruột của mẹ em tên là Bùi Nho đi bộ đội. Sau năm 1954 khi hoà bình lập lại ở miền Bắc, ông Nho công tác ở Hà nội và ông làm ở cơ quan "quản lý học viên quân sự ở nước ngoài" vào cuối những năm năm mươi thế kỷ trước. Trong mấy lần về quê, ông chú có bàn với ông ngoại em, đưa mẹ em ra Hà nội đi làm công nhân, khi ấy mẹ em đã ở tuổi mười chín đôi mươi. Ông ngoại em đã quyết định giao mẹ em cho ông chú đưa ra Hà nội tìm công việc làm. Năm 1959, ông chú đưa mẹ em ra Hà nội, xin vào làm công nhân ở nhà máy thuốc lá Thăng long, khu cao xà lá (quận Thanh xuân bây giờ). Khi ấy, mẹ em vừa tròn 20 tuổi, tóc dài đen mượt, gương mặt rất xinh, đôi mắt sáng, nói năng nhỏ nhẹ, lễ phép.

Mẹ em ở tập thể, gái quê mới ra thành phố còn nhát, nên rất sợ các anh công nhân làm cùng tán tỉnh. Chả dám yêu ai, mẹ kể mẹ cũng không biết yêu, không thấy rung động gì trước các chàng trai, nhất nhất mọi việc đều hỏi ý kiến ông chú. Ông chú bảo mẹ em, cháu không được quan hệ linh tinh yêu đương ai, phải lo làm việc, từ từ rồi chú sẽ tìm cho cháu người yêu cùng quê. Mẹ tôi cũng sợ ông chú lắm, nhất nhất nghe lời ông chú. Rồi đến một ngày, ông chú dẫn về một chàng trai to con, cao ráo mạnh khỏe, nói với mẹ em: cháu này tên Lai, quê ở Thanh Chương (Nghệ an), hiện đang là bộ đội. Gia đình cơ bản, lý lịch rõ ràng, được đơn vị đang cho đi học để phục vụ lâu dài trong quân đội. Chú giới thiệu cho cháu, các cháu làm quen nhau rồi tìm hiểu. Rồi cũng thỉnh thoảng, chàng thanh niên này được nghỉ phép lại đến thăm mẹ em ở khu tập thể, mẹ kể lại buồn cười lắm. Anh này hiền lành, ít nói, đã đứng tuổi. Hỏi anh đang được đi học ngành gì? Trả lời: anh làm bộ đội, đi học làm bộ đội thôi. Cũng không biết thuộc binh chủng gì. Mẹ em hỏi ông chú, vậy anh Lai đang đi học binh chủng gì hả chú? Cháu hỏi anh ấy mà anh chỉ bảo binh chủng bộ đội, phải học mấy năm mới xong?

Bà Bùi Thị Mậu

Ông chú và anh Lai đều không tiết lộ cho mẹ em chuyện anh Lai đang đi học phi công lái máy bay tiêm kích chiến đấu ở Trung Quốc. Ngày ấy, Bác Hồ đã gửi các thanh niên ưu tú có sức khoẻ tốt sang Trung Quốc và Liên xô để đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu đầu những năm 1959-1961 để thành lập quân chủng không quân nhân dân Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Lai là lứa phi công thứ 2 được cử đi học ở Trung Quốc. Trong đoàn này, có ông Nguyễn Văn Bảy sau này trở thành huyền thoại của không quân nhân dân Việt Nam. Họ học điều khiển tiêm kích MIG-17. Những thông tin về việc đào tạo phi công của chúng ta là tối mật, do đó người ngoài không thể biết được và các phi công đi học phải bí mật về công việc của mình. Mẹ em kể, có viết thư cho anh Lai, thư qua thư lại giữa hai người cũng chẳng thấy anh kể về những công việc học của mình như thế nào, còn mẹ thì cũng không biết viết thư, chỉ kể đi làm rồi về nhà, nhiều hôm rất mệt? Đó không phải là những bức thư tình yêu, khô khan lắm, rất vô tư.

Ông chú là người chủ động trong công việc quan hệ giữa anh Lai và mẹ em. Mẹ em bảo, chú Nho sắp đặt trước rồi. Chú chấm ông Lai, ông này chững chạc nhất trong khóa học này, ông Lai sinh năm 1932, chú đã chọn coi như sẽ buộc mẹ em với ông Lai. Phúc bảo, ông Nho về quê, nói chuyện với ông bà ngoại em chuyện gả chồng cho con bé Mậu, ông ngoại cũng tin tưởng, giao toàn quyền cho ông Nho thu xếp. Trong hơn 2 năm quen biết nhau như vậy giữa ông Lai và mẹ em, chả có hẹn hò gì yêu đương như bây giờ mỗi khi ông Lai được về nghỉ phép mươi hôm. Có chăng, lúc ấy được mấy lần ông Lai xin nắm tay mẹ chút xíu thôi. Ông Lai nhiều lần muốn hôn, mẹ trừng mắt cự tuyệt không cho.

Rồi cũng đến ngày ông Lai ngỏ lời muốn được lấy mẹ em, ông chú ưng chịu, còn mẹ em thì không dám cãi lời ông chú. Thế là trong số học viên khóa đào tạo phi công ngày ấy, học viên Nguyễn Văn Lai may mắn như trúng số độc đắc, được ông chú Bùi Nho ưu ái gả cháu gái xinh đẹp Bùi Thị Mậu cho. Học viên Nguyễn Văn Lai được nghỉ phép về cưới vợ mấy ngày. Ngày 16/6/1963, đám cưới của ông Lai và bà Mậu được tổ chức chóng vánh như là thủ tục ra mắt trước cơ quan, vài cái kẹo và khẩu hiệu "vui duyên mới nhưng không quên nhiệm vụ". Sau đó đôi vợ chồng trẻ được ông chú đưa về quê ra mắt ông bà nội ngoại 2 bên chớp nhoáng chỉ có 2 ngày.

Bà Bùi Thị Mậu nhận bằng AHLLVTND của chồng

Phúc kể tâm sự của mẹ: mẹ em bảo, là con gái mới lớn, không có cảm giác yêu đương gì, như kiểu cha mẹ đặt đâu, con phải ngồi đó, tự nhiên phải đi làm vợ ông bộ đội, sợ quá? Không có đêm tân hôn của 2 người, về quê mấy hôm rồi trở lại Hà nội cũng vậy, mẹ em chạy trốn bố, về ngủ với mấy người bạn ở khu nhà tập thể. Biết chuyện, ông chú Nho bực quá, chỉ còn một ngày nghỉ phép cuối cùng rồi bố em phải trở về trường, ông chú đã bắt 2 cô cậu về căn phòng của mình, nhốt vào đó rồi khóa trái cửa. Và trong những phút giây ngắn ngủi ấy, hai người mới thật sự được ôm hôn nhau và làm chuyện vợ chồng với bao bỡ ngỡ, thẹn thùng xấu hổ lần đầu trong đời.

2- Nỗi Đau Theo Suốt Cuộc Đời.

Kỷ niệm với chồng sau ngày cưới, sau này nhớ lại, bà Mậu đã kể rất thật: khi được anh ấy ôm hôn, người tôi run lên bần bật như người bị sốt rét, lần đầu được hôn, được người đàn ông âu yếm trong đời với muôn vàn lời nói yêu thương của anh ấy, tôi như bị tê dại, ngất ngây và đến giờ phút này tôi vẫn còn nhớ mãi cái cảm giác ngọt ngào đó trong cuộc sống này về anh. Rất ngắn ngủi bên anh, tôi cũng không muốn xa anh. Gặng hỏi sau đó, anh đang học gì, anh cũng không nói. Mãi cho đến cuối năm 1964, bà mới lờ mờ đoán được chồng mình đi học phi công lái máy bay chiến đấu. Vậy là tự nhiên nỗi lo từ đâu ùa đến, bà thấy bất an. Những lần nghỉ phép sau đó, anh về được vài ba hôm, bà cũng cấn bầu mang thai đứa con đầu lòng. Bà sinh được đứa con trai trong năm 1964, ông đặt tên là Nguyễn Quốc Cường. Con được mấy tháng tuổi, Phúc kể: ông được về phép mấy ngày, bà không cho ông động vào người vì sợ lại bị mang thai, con đang nhỏ quá, không thể nào nuôi được. Cứ nghĩ tới chuyện này, mẹ em lại khóc thương bố. Bố về được 3 ngày phép, con ốm nằm viện, bố ở trong đó 2 ngày với con rồi lại cuống cuồng trở về trường. Con bị viêm a-bi-đan, mổ cắt không biết vì sao bị nhiễm trùng, thằng bé sau bị co giật, rồi chết. Bà mẹ trẻ như thấy bầu trời sụp xuống trên đầu mình, hoảng loạn tiếc thương con, bà chỉ kịp viết cho chồng thông báo ngắn gọn: con trai mất rồi !

Bà suy sụp tinh thần, cũng may có mấy người bạn cùng làm khuyên nhủ, thay bà viết thư cho ông để ông viết thư về động viên bà, an ủi vợ.

Đã sang năm 1965, máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá dữ dội ra khắp các tỉnh ở miền Bắc, trong đó có cả Hà nội và Hải phòng. Đầu tháng 4/1965, khoá học của ông và các đồng đội kết thúc, họ trở về nước với phiên hiệu trung đoàn không quân 923 với 34 chiếc máy bay tiêm kích MIG-17.

Tôi được ông Bảy phi công lý giải: Tụi tao về nước với 34 chiếc MIG-17, tượng trưng giống như 34 chiến sỹ trong ngày thành lập Đội tuyên truyền giải phóng quân 22/12/1944, tiền thân của QĐNDVN. Cứ mất chiếc nào thì bổ sung chiếc ấy cho đủ duy trì 34c. Trung đoàn 923 đi vào chiến đấu luôn, rất ác liệt. Chúng ta có 3 sân bay để sẵn sàng chiến đấu xung quanh Hà nội là Đa Phúc, Hoà Lạc và Gia lâm. Địch đánh phá các sân bay rất ác liệt, phi công khi thì xuất kích ở Đa Phúc, lúc ở Gia lâm, khi lại ở Hòa lạc. Ông Lai được gặp vợ một hai ngày rồi lại lên đơn vị trực chiến. Cuối tuần khi ông ở Đa Phúc, bà lại đạp xe lên thăm ông hỏi thăm tin tức.

Thế rồi, như là định mệnh, ngày 18/6/1965, bà đạp xe lên thăm ông, báo cho ông biết đang mang thai được gần 2 tháng rồi. Gặp được ông, vợ chồng ôm nhau lâu lắm. Bà kể cho ông nỗi vất vả, muốn được ở bên cạnh ông, sợ ông hy sinh lắm. Xoa đầu người vợ trẻ, ông bảo ông sẽ không hy sinh và sẽ sống mãi bên cạnh bà, chiến tranh cũng sẽ sớm kết thúc. Đang hưởng những giây phút ngọt ngào trong vòng tay của chồng, bất ngờ ông bảo : ngày mai anh phải trực chiến, mấy hôm nay tụi nó đánh phá dữ dội quá. Anh phải về nghỉ sớm để đảm bảo sức khoẻ cho ngày mai. Em cứ ở lại đây ngủ lại một mình, đừng trách anh nhé? - Không, em muốn được ở gần anh. Em không muốn xa anh, anh biết không. Thế là nước mắt của bà tuôn ra, ê chề và thất vọng. Ông ôm hôn rồi nói, không được đâu, anh phải về, thương em lắm, mong em hiểu anh. Bà đẩy ông ra khỏi vòng tay rồi quay mặt đi. Sau này, bà kể lại với con trai: không biết tại sao khi ấy bà có cảm giác sợ mất ông, sợ đến tê người, chỉ muốn giữ ông lại. Nhưng sức lực của người vợ trẻ không thể níu kéo giữ ông ở lại được.

Ông rời đi, bà ở lại đêm đó một mình trong căn phòng của trung đoàn. Cả đêm, bà không ngủ được, nhiều ý nghĩ lạ cứ lởn vởn trong đầu. Sáng hôm sau, bà tranh thủ đạp xe trở về Hà nội. Đi được một đoạn, trời đổ mưa, bà quay xe lại sân bay để mượn cái áo mưa. Vừa tới cửa, bà đã nhận được áo mưa, từ đằng xa, ông nhìn thấy bà gọi to. Hai vợ chồng nhìn nhau, phần trong lòng vẫn đang giận ông, bà quay mặt đi và đạp xe về Hà nội. Ông nói với theo, em về cẩn thận, đang mang thai đấy nhé ! Trong cơn mưa nặng hạt, với nước mưa và nước mắt hoà quyện với nhau trên gương mặt trẻ, bà đã trở về Hà nội trong tâm thế đó, và không biết rằng đó là lần gặp nhau sau cùng của ông bà, vì sau đó 1 ngày, trong trận không chiến ác liệt ngày 20/6/1965, ông đã anh dũng hy sinh.

Nguyễn Bá Phúc và ông Bảy phi công

Ông hy sinh ở tuổi 33 mà không được nhìn thấy mặt con sau đó. Ngày nhận tin báo ông hy sinh, bà như chết đứng, đổ gục xuống. Vậy là, bà đã trở thành goá bụa ở tuổi 26, con thì còn không được biết mặt cha. Cũng nhờ bạn bè giúp đỡ, bà mau chóng đứng dậy để dũng cảm nhìn lên phía trước mà đi, giữ gìn giọt máu của ông để lại. Rồi bà sinh thằng con trai vào cuối tháng 1/1966, đồng đội của ông đặt tên cháu là Nguyễn Bá Phúc.

Khi con mới được 5-6 tháng tuổi, bà lại nhận được tin sét đánh. Bố bà ở quê đã bị bom Mỹ sát hại. Vậy là, con trai đầu chết, chồng hy sinh, bố chết vì bom Mỹ sau hơn một năm chịu 3 cái tang. Không có đau thương nào hơn thế mà chiến tranh đã cướp đi những người thương yêu của mình.

Bạn bè, đồng đội của ông Lai cũng thường xuyên ghé thăm 2 mẹ con bà và động viên. Nhưng thường xuyên hơn cả là phi công Ngô Đức Mai, người đồng hương với ông Lai, người được ông Lai coi như người em.

Ông Ngô Đức Mai sinh ngày 6/11/1938 ở Hưng Nguyên (Nghệ an). Ông Mai là học viên khóa 2. Ngày ông Lai về nước trước tham gia chiến đấu, ông Lai đã dặn ông Mai: anh về trước chiến đấu, nếu anh có hy sinh thì anh nhờ chú chăm sóc giùm vợ con anh nhé ! Ông Lai về nước chiến đấu được 3 tháng thì hy sinh, bắn rơi được 2 máy bay Mỹ. Ông Mai về nước đã giữ trọn trong lòng lời dặn của người anh, rất thương cảm bà Mậu và cháu Phúc mồ côi cha.

Phi công Ngô Đức Mai.

Một thời gian sau, ông Mai đã đặt vấn đề với bà Mậu xin được nhận cháu Phúc làm con. Trái tim yêu thương của bà đã thổn thức trước tình cảm chân thành của ông Mai. Nhưng lý trí mách bảo, bà không thể như thế được, rằng đắng cay vì mất mát do chiến tranh, không biết như thế nào có thể nói trước được, hơn nữa bà đã qua một đời chồng rồi, còn ông Mai là trai tân chưa vợ, như vậy là không được. Cuộc chiến trong năm 1966 trên bầu trời miền Bắc thật ác liệt, đế quốc Mỹ đã leo thang chiến tranh, ném bom hủy diệt mọi cơ sở vật chất của hậu phương. Cũng trong năm 1966, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi cả nước kháng chiến chống Mỹ cứu nước, câu nói nổi tiếng của Bác ra đời trong hoàn cảnh này, "không có gì quý hơn độc lập tự do". Phi công Ngô Đức Mai lập công xuất sắc đã bắn rơi máy bay Mỹ, ông được vinh dự là 1 trong 6 phi công xuất sắc lúc bấy giờ được Bác mời gặp mặt tháng 4/1966 tại phủ chủ tịch.

Bác Hồ gặp mặt với 6 phi công xuất sắc tháng 4/1966

Trở lại với lời đề nghị của ông Mai với bà Mậu, Phúc kể: mẹ em biết từ chối mãi lời đề nghị của chú Mai sẽ không được, một hôm khi chú Mai tới thăm mẹ con em, mẹ em đã ôm chú thật lâu, gục trên vai chú và khóc rồi thủ thỉ: anh ơi, em yêu anh lắm. Anh Lai mất rồi, giờ còn bao nhiêu tình cảm trong con tim em, em sẽ trao hết cho anh, anh đừng từ chối nhé ! Mẹ con em sẽ thật hạnh phúc khi có anh bên cạnh, em không muốn lại bị mất anh nữa đâu. Nhưng..., ngập ngừng lâu lắm, bà không nói ra tiếng, tiếng khóc đã thành lời, nước mắt của bà đã làm ướt hết vai áo chú Mai. Chú Mai cũng rưng rưng đôi mắt, phải thật lâu, bà mới gạt nước mắt đi và nói: nhưng không phải bây giờ anh ạ, mình sẽ đợi nhau được không anh? - Đợi đến khi nào, chú Mai hỏi lại. Vâng, mình đợi đến ngày hoà bình được không? Em sợ lắm, em không muốn mất anh, em đã là của anh rồi, đợi tới ngày hoà bình mình sẽ làm đám cưới anh nhé ! Phúc kể tiếp, mẹ em nói như thế là đã nguyện đính ước với chú Mai rồi và không hiểu có phải đó là động lực cho chú liên tiếp vào trận lập công xuất sắc sau đó hay không, chú bắn rơi được 3 chiếc máy bay Mỹ, trong đó có chiến công vang dội bắn rơi máy bay F.4 của phi công lão luyện mang cấp bậc đại tá của không quân Mỹ có hơn 4300 giờ bay.

Thế rồi, Phúc say xưa kể cho tôi về chiến công này của chú Mai. Ngày 12/5/1967, trong trận không chiến của ta với Mỹ trên bầu trời miền Bắc, ta có 10 chiếc MIG-17 và 2 chiếc MIG-21. Trận đánh đẹp phối hợp của ta, bắn rơi 5 máy bay Mỹ. Chú Mai trên chiếc MIG-17 đã đeo bám một chiếc F.4 từ phía sau trên lưng của nó vừa thoát ra khỏi đám mây, ở cự ly 300m, chú Mai nổ 2 loạt súng trúng đích. Viên đại tá điều khiển còn chưa biết chiếc máy bay MIG-17 đang ở đâu nhả đạn thì ăn bồi thêm một loạt đạn nữa, chiếc máy bay bốc cháy rơi tại chỗ, viên đại tá đã nhanh chóng nhảy dù thoát ra bị ta bắt làm tù binh, viên phi công thứ 2 không kịp bung dù, tan xác cùng máy bay.

Viên đại tá tên Norman Gaddis tham gia đại chiến thế giới lần thứ 2, chiến tranh Triều tiên có 4300 giờ bay thuộc hàng phi công ưu tú của không quân Mỹ. Hắn sang Việt Nam để hoàn tất giáo trình của hắn về cách tiêu diệt MIG trong không chiến. Chức vụ rất cao, Phó ban tác chiến thuộc bộ tham mưu không quân Mỹ. Ở Việt Nam, hắn giữ chức phó tư lệnh không đoàn tiêm kích chiến thuật số 12 (nghiên cứu tìm diệt MIG) nhưng rốt cuộc lại bị MIG-17 hạ đo ván. Trong nhà tù Hỏa lò, hắn đòi được gặp người phi công lái chiếc MIG-17 đã bắn rơi hắn. Ngô Đức Mai với cấp bậc thượng úy đã có mặt để ra mắt và hắn càng ngạc nhiên hơn người phi công này mới 29 tuổi, mới có chưa tới 300 giờ bay.

Thế rồi, những trận không chiến trên bầu trời hết sức khốc liệt, ngày 3/6/1967, thượng úy phi công Ngô Đức Mai đã hy sinh trong trận không chiến. Bà Mậu lại rụng rời chân tay khi đón nhận thông tin này. Thế là niềm hy vọng cuối cùng của bà được làm đám cưới với ông Mai khi hòa bình đã không đến. Chiến tranh thật tàn nhẫn khi đã cướp đi báu vật cuối cùng của đời bà. Vậy là, bà lại chịu thêm một cái tang nữa, trái tim của bà giờ đã hoá đá ở tuổi 28, thật xót xa !

Bằng AHLLVTND của liệt sĩ Ngô Đức Mai.

Câu chuyện của Phúc về người mẹ của mình với nhiều nước mắt, những hy sinh, mất mát với bà thật to lớn, bà đã ở vậy một mình nuôi con khôn lớn hơn nửa thế kỷ trong bao khó khăn rồi ngóng đợi chồng, người yêu sẽ trở về từ bầu trời. Cả 2 người phi công bà yêu mến đều được Nhà nước truy tặng danh hiệu AHLLVTND, họ đã hiến dâng cuộc sống của mình cho hoà bình hôm nay của dân tộc này. Ở tp.Vinh (Nghệ an), hiện nay có con đường mang tên Ngô Đức Mai.

Còn bao nhiêu người vợ liệt sỹ như thế ở đất nước này? Nhiều lắm, họ âm thầm chịu đựng mà đôi khi chúng ta hôm nay lại không nhớ tới họ.

Trong chuyến vào thăm tp.Hồ Chí Minh của Phúc vừa rồi, tôi dẫn em đến thăm nhà chú Tư Cang anh hùng. Chú Tư có nói với Phúc: con phải sống xứng đáng là đứa con của người anh hùng, bảo vệ thành quả cách mạng và sự bình yên của Tổ quốc mà lớp lớp người đã ngã xuống cho hoà bình hôm nay.

 

Nguồn FB Nguyễn Quang Chánh ngày 26 tháng 1, 2023

Trang Thời Sự