Câu Chuyện “Coi Như Chết Rồi" Của Anh Hùng Tình Báo Tư Cang
Nguyễn Quang Chánh
http://sachhiem.net/LICHSU/N/NguyenQuangChanh04.php
12-Jan-2023
(Trích từ tập sách viết về cụm H.63 anh hùng của Nguyễn Quang Chánh.)
tự nhiên tui nhớ tới 4 chữ “coi như chết rồi” mà anh Tư đã nói ngày nào. Kệ cho tụi nó dí dùi đỏ vào vết thương, tui cũng không thấy đau khi ấy và chỉ nghĩ một điều coi như mình đã chết, không có gì phải khai báo
Ngày 25/10/2020
Một chiều mưa, tôi ghé chơi thăm chú Tư Cang, anh hùng tình báo. Hai chú cháu tôi trò chuyện bên hiên nhà, nhìn những giọt mưa tý tách rơi, một già một trẻ nói đủ thứ chuyện. Tôi được nghe chú kể chuyện đánh giặc trên mặt trận tình báo thầm lặng mãi mà không chán, bởi câu chuyện của chú rất nhân văn, rất “người” khi chú kể về lòng biết ơn tới tất cả đồng đội của mình đã ngã xuống mà có khi vô tình, trong cuộc chiến ấy nhiều chiến sĩ tình báo, biệt động đã hy sinh như người vô danh, gia đình, vợ con của họ mãi không được hưởng chính sách đền ơn đáp nghĩa của Nhà nước hôm nay .
Ông Tư Cang
Thôi, chú nói: đó là chuyện dài ở đất nước sau chiến tranh mầy ơi, cũng không phải lúc nào chúng ta cũng giải quyết hết được mọi thứ khi xác minh rất khó khăn, gia đình họ phải chịu nhiều thiệt thòi. Chú kể, chú rất tự hào về anh chị em trong Cụm H-63. Tất cả họ đều là những người anh hùng đã hy sinh hoặc sống sót qua cuộc chiến với lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, lập nên những chiến công vang dội trong ngành tình báo quốc phòng Việt nam ! Có thể họ phải đánh tới viên đạn cuối cùng để bảo vệ an toàn tài liệu của ông Phạm Xuân Ẩn, hoặc có thể phải chịu nhiều tra tấn khi rơi vào tay giặc, nhưng không một ai khi bị bắt khai báo bất cứ điều gì, chấp nhận có thể phải hy sinh để bảo vệ tổ chức.
Ông Tư Cang và bà Tám Thảo cùng nhà sử học Larry Berman tại căn cứ của H.63 ở địa đạo Củ Chi
Ngày ấy, tao vẫn thường tâm sự với anh em, chú Tư chậm rãi nói, cuộc chiến này gian khổ lắm. Tất cả chúng ta có thể phải hy sinh bất cứ lúc nào trong thi hành nhiệm vụ. Thôi thì, lỡ bước chân vô Cụm tình báo này rồi thì tụi bay khắc vô trong tim giùm tao 4 chữ: COI NHƯ CHẾT RỒI, lỡ có bị địch bắt thì đừng khai báo, phản bội tổ chức !
Ông Tư Cang và đồng đội trong cụm H.63 anh hùng
Cụm H-63 đã bám trụ ở địa đạo Củ Chi nơi Bến Đình, ấp chiến lược Phú Hoà Đông để hoàn thành nhiệm vụ. Ngày Cụm H-63 được tuyên dương đơn vị AHLLVTND năm 1971 thì tụi tao cũng nhận được cờ thi đua “đơn vị 10 năm bám trụ địa đạo Củ Chi“, xương máu của biết bao đồng đội đã đổ trên mảnh đất kiên cường này.
Bà Tám Thảo và ông Tư Cang trong ngày ông đón nhận danh hiệu AHLLVTND của mình.
H-63 là Cụm tình báo duy nhất được Nhà nước tuyên dương đơn vị AHLLVTND ngay trong những năm chiến đấu gian khổ và nó tồn tại an toàn tuyệt đối tới ngày chiến thắng 30/4/1975, nhưng phải chịu tổn thất tới 27 chiến sỹ hy sinh, 12 người bị thương tật vĩnh viễn, trong đó có Cụm trưởng là tao đây nè,- chú ngước nhìn sang tôi cười hóm hỉnh, chỉ là sự may mắn mà tao không hy sinh, như ông Ẩn đã từng nói với tao như thế trong những ngày cuối cùng của ổng trên giường bệnh.
Có thằng Thành là giao thông vũ trang của Cụm, hôm nay kể cho mầy nghe chơi. Hôm ấy bị tụi Mỹ vây bắt ở địa đạo, trong người là tài liệu của Phạm Xuân Ẩn. Nó nói với đồng đội: tao sẽ trổ lên mặt đất, mày cầm tài liệu này vọt nhanh ra bờ sông rồi thoát về phía bên kia, đem tài liệu về cho anh Tư. Tao ở đây cầm chân tụi nó, ráng chạy nhanh nghe mày. Thế rồi, Thành ngoi lên, ném mấy trái lựu đạn về phía tụi lính Mỹ và nhả đạn. Tụi Mỹ nằm rạp xuống, đồng đội đã nhanh chóng vọt ra, chạy tới bờ sông và đi thoát. Còn Thành thì chiến đấu kiên cường tới viên đạn cuối cùng, bị thương rồi bị chúng bắt. Chúng dẫn về ấp chiến lược, khủng bố tinh thần là trói chặt trên xe jeep, chạy vòng vòng khắp nơi.
Sau đó chúng đánh nó rất tàn bạo vì biết nó là du kích của xã, ba má của Thành đều là nông dân làm ruộng, nhà nghèo.
Chúng dẫn bà mẹ của Thành vô coi chúng tra tấn dã man để khuyên bảo bà nói con trai muốn sống thì khai ra. Nhìn con trai cắn răng chịu những ngón đòn như thời trung cổ, chúng dùng dùi sắt nung đỏ, xoáy vào vết thương của Thành. Trong giây phút đó, bà mẹ đã nói với Thành: hồi hôm anh Tư (ý nói ông Tư Cang) có ghé nhà và hỏi thăm mày đó. Chỉ bấy nhiêu thôi, Thành như được tiếp thêm sức mạnh, cắn răng chịu đau, không mở miệng khai báo dù nửa lời.
Sau này, Thành còn chịu bao nhiêu trận đòn nữa, nó vẫn rất kiên cường chịu đựng, bị tụi nó đày ra Phú quốc, sau hiệp định Paris được trao trả. Sau giải phóng về làm chủ tịch xã Phú Hoà Đông được vài năm rồi bệnh hoài do đòn thù tra tấn của giặc khi xưa rồi chết, tội lắm.
Thành có kể với tao, chú Tư kể tiếp, khi nghe má tui nói hồi hôm anh Tư có ghé nhà hỏi thăm tui, tự nhiên tui nhớ tới 4 chữ “coi như chết rồi” mà anh Tư đã nói ngày nào. Kệ cho tụi nó dí dùi đỏ vào vết thương, tui cũng không thấy đau khi ấy và chỉ nghĩ một điều coi như mình đã chết, không có gì phải khai báo.
Là người chỉ huy, ông Tư Cang đã thầm biết ơn tất cả đồng đội của mình anh dũng tuyệt vời, trung thành với Tổ quốc từ điệp viên Phạm Xuân Ẩn cho tới mỗi chiến sỹ giao liên của Cụm H-63 đã khắc ghi 4 chữ “coi như chết rồi” để xông lên phía trước hoàn thành nhiệm vụ. Tôi có hỏi chú Tư, sao lại có người mẹ dũng cảm như thế nhỉ? Câu chuyện đúng chỉ có ở đất nước này, hy sinh vô bờ bến.
Đời thường của người tình báo già Tư Cang.
Chú kể, sau giải phóng tao về Phú Hòa Đông ghé thăm gia đình thằng Thành. Nhắc lại chuyện cũ, ba Thành nói: lúc đó tụi nó xách súng vô nhà kiếm má thằng Thành bắt lên bót để đổi chất với con trai, tao xách cuốc ra đồng, nín thinh, trong lòng thấy tan nát hết ruột gan vì thương con nhưng vẫn còn đủ tỉnh táo để nói với má thằng Thành một câu: bà lên đó gặp nó khuyên bảo gì tôi không biết, nhưng bà đừng để tui phải cúi mặt không dám nhìn bà con chòm xóm ở cái ấp này nha. Má Thành miệng nhai trầu bỏm bẻm ngó sang phía Ông Tư Cang, nói thấy thương: thì tui cũng sẽ khuyên nó có chết cũng đừng khai báo. Nhưng nói cái gì đây khi nhìn thấy chúng trói nó treo ngược lên, mình mẩy bê bết máu? Tui nhìn thẳng vô mắt nó, nói hồi hôm anh Tư ghé hỏi thăm mầy đó rồi quay mặt đi. Tui biết nhắc tới anh Tư thì nó tự ý thức được. Người mẹ nào không đau khi thấy con mình như thế, nhưng sẽ còn đau hơn nữa là sanh ra đứa con phản bội Tổ quốc !
Họp mặt CCB phòng tình báo Miền B2 hàng năm.
Hôm gặp mặt cựu chiến binh tình báo miền B2 ngày 24/10/2020 ở hội trường UBND Huyện Đất đỏ, chú Tư đã chỉ cho tôi một ông già tuổi đã 80, bước đi đã rất chậm, ngực áo đeo đầy huân huy chương và nói: đó là thằng Lê Văn Gấu, giao liên vũ trang dũng cảm tuyệt vời của Cụm H-63 đó! Tôi ghé lại nói chuyện với chú ấy, kể câu chuyện của chú Tư Cang về 4 chữ “coi như chết rồi”, chú Lê Văn Gấu phá lên cười và nói: ừ, số tao không chết, giờ sống đến tuổi này rồi vẫn khoẻ re đây. Chắc phải nói anh Tư sửa lại là: coi như sống hoài, nha mầy !
Tác giả và ông Lê Văn Gấu- giao thông vũ trang của H.63
Những câu chuyện hy sinh thầm lặng như thế của các chiến sỹ tình báo nhiều lắm, bởi vậy mà họ đã đi tới ngày chiến thắng với niềm tin vào sự thành công của cách mạng, dẫu có phải hy sinh./.
Nguồn FB Nguyễn Quang Chánh ngày 01 tháng 4, 2023
Trang Thời Sự