●   Bản rời    

Đôi lời tâm sự khi đọc bản thảo cuốn sách: "Sống Để Kể Lại Những Anh Hùng"

Đôi lời tâm sự khi đọc bản thảo cuốn sách:

"Sống Để Kể Lại Những Anh Hùng"

Nguyen Canh Toan

http://sachhiem.net/LICHSU/N/NguyenQuangChanh07.php

12-Oct-2023

LTS: Tựa sách "Sống Để Kể Lại Những Anh Hùng" xuất hiện lúc này như nói lên tâm trạng hiện tại của nhân dân đang cố gắng tranh đấu để bảo tồn lịch sử nước nhà khỏi bị méo mó, biến đổi do thế lực của đồng tiền. Không những sống để kể lại những anh hùng, mà sống còn phải tranh đấu cho các anh hùng đó được thế hệ tương lai học hỏi và bảo vệ gương tốt, danh thơm của họ nữa. (SH)

Tôi nhận được bản thảo cuốn sách "Sống để kể lại những anh hùng" của một người em mà tôi rất quý mến, người đã từng du học ở Liên xô về: Nguyễn Quang Chánh.

Mới hôm nào, em tặng tôi cuốn sách "Kể chuyện cụm tình báo H.63 anh hùng" thật hay và cảm động khi em viết về tình báo quân sự Việt Nam.

Hôm nay, em lại chuẩn bị ra được cuốn sách nữa cùng chủ đề về các anh hùng tình báo và biệt động. Bất giác tôi thầm nghĩ: Chánh Nguyễn, em đích thực là nhà văn “tay ngang” đang giàu sức viết!

Ở đời có nhiều chuyện kỳ lạ: “điệp viên tay ngang”, “chính khách tay ngang”, “nhà văn tay ngang”, thậm chí “Tổng thống tay ngang” như Vladimir Putin, ban đầu chỉ là Trung tá, điệp viên KGB. Chắc chắn lúc còn là điệp viên và muộn hơn một chút, ông không thể nghĩ rằng sau này mình là một Tổng thống nổi tiếng và có quyền lực lớn nhất thế giới.

Năm 2007, ông Putin được tạp chí Time chọn làm Nhân vật của năm. Năm 2015, Putin đứng đầu trong danh sách 100 người có sức ảnh hưởng nhất thế giới cũng của tạp chí này. Tạp chí Forbes đã bầu chọn Putin là người quyền lực nhất thế giới trong 4 năm liên tiếp kể từ năm 2013 đến năm 2016 với bình luận rằng "Putin vẫn tiếp tục chứng tỏ ông là một trong số rất ít những người đàn ông trên toàn cầu đủ quyền lực để làm những điều mà ông muốn mà không gặp trở ngại gì, không bị ràng buộc bởi dư luận thế giới trong việc theo đuổi những mục đích riêng".

Nguyễn Quang Chánh là một trong những trường hợp không nhiều trong số “tay ngang” đó và anh đã thành công. Trước khi trở thành nhà văn, anh đã là một nhà doanh nghiệp tư nhân cũng khá thành công. Anh kinh doanh không tồi và trở nên giàu có khi còn trẻ, mặc dù anh không được học một trường lớp nào dành cho doanh nhân.

Xuất thân là một nhà khoa học: tốt nghiệp đại học chuyên ngành ấn loát tại Matxcơva, năm 1984; đại học Luật về Sở hữu trí tuệ, 1985. Sau khi tốt nghiệp, năm 1985 về nước công tác tại Ủy Ban Khoa học và Kỹ thuật TP HCM (Sở KH-CN TP HCM hiện nay). Trong khoảng thời gian này, anh viết khá nhiều bài về lĩnh vực quản lý khoa học - kỹ thuật trong bước đầu đổi mới phá bỏ cơ chế bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường.

Có lẽ khi học 2 bằng đại học ở Liên Xô và sau này làm cán bộ khoa học ở Ủy Ban Khoa học và Kỹ thuật TP HCM, Nguyễn Quang Chánh chắc không nghĩ rằng có ngày anh lại trở thành một nhà văn không chuyên như hôm nay và viết lách là một nghề thành công của anh. Có lẽ nghề đã chọn đúng anh – một người tâm huyết, thông minh, năng động và rất có tâm trong mảng sách viết về truyền thống cách mạng.

Hôm nay, anh Nguyễn Quang Chánh đã trở thành nhà văn rất thành công với các tác phẩm viết về các nhà tình báo nổi tiếng ở Việt Nam và một trong những tác phẩm nối tiếp thành công của anh, đó là cuốn “Sống để kể lại những anh hùng”.

Như một cơ duyên tình cờ, Nguyễn Quang Chánh được gặp gỡ các vị anh hùng: phi công, tình báo, đặc công biệt động, được nghe họ kể chuyện về cuộc đời họat động của mình. Vì say mê và ngưỡng mộ những con người ấy, anh muốn ghi lại những câu chuyện bình dị mà vĩ đại về cuộc đời của họ trước hết là để lưu giữ cho cá nhân, sau là chia sẻ cho bạn bè cùng đọc. Nhiều câu chuyện cảm động được kể lại bởi các nhân chứng lịch sử như đại tá AHLLVTND Nguyễn Văn Bảy(A)- phi công huyền thoại MIG-17, đại tá AHLLVTND Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang) Cụm trưởng “Cụm tình báo H.63". Trong cuốn sách “Sống để kể lại những anh hùng”, từng trang sách anh viết là những câu chuyện rất thật, rất đời của những người anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trước đây và những vui buồn, thăng trầm trong cuộc sống của họ sau chiến tranh được chính những người hùng trong cuộc kể lại.

Những câu chuyện giản dị, chân thật và sống động nhưng thấm đẫm tình đồng đội, tình mẹ cha, tình yêu Tổ quốc, tình yêu đôi lứa, sự hy sinh của những người anh hùng khiến người đọc phải rưng rưng.

Gập cuốn sách dày “Sống để kể lại những anh hùng” vi 27 câu chuyn về những người anh hùng (Đó là chuyện về Ba ông đại tá anh hùng, về ông Tư Cang, về anh hùng rừng Sác Lê Bá Ước, Phi công Nguyễn Văn Bảy (A), về ông Mười Cơ, và ông Ba Trần-nhà tình báo hai lần được trao tặng danh hiệu anh hùng, về ông Mười Nho, về bà Mậu, bà Lộc, bà Long ở hậu phương nuôi con cho chồng ra trận, là ông chỉ huy biệt động Sài Gòn Tư Chu,....) Tôi vô cùng khâm phục về tấm gương chiến đấu hy sinh của các bậc tiền bối trong chiến tranh và nghị lực của họ trong thời bình với bao vất vả sau chiến tranh. Đáng lẽ họ được hưởng chế độ đãi ngộ cao hơn, nhiều hơn nhưng họ vẫn sống khiêm nhường, không mảy may một lời ca thán hay đòi hỏi sự chu cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội….

Một lần ngồi nói chuyện với Nguyễn Quang Chánh, tôi hỏi: “Vật chất em không thiếu, tuổi em cũng đã cao…sao em không nghỉ ngơi mà bỏ nhiều thời gian, công sức và tiền túi không nhỏ, để rồi ngược xuôi trong Nam, ngoài Bắc ghi chép viết sách về chiến công của những người anh hùng? Vậy em viết nhiều sách về tình báo và các Anh hùng LLVTND, tốn nhiều công sức, tiền bạc… để làm gì?

Em nói thật giản dị: “Em viết là vì trân trọng lịch sử, đâu có cần cái danh hão huyền? Mình không viết thì một mai những nhân chứng của lịch sử như chú Tư Cang, cô Tám Thảo ra đi và những câu chuyện hay như thế của họ sẽ bị lãng quên. Cả em và anh và tất cả chúng ta đang sống hôm nay phải có trách nhiệm kể lại những người anh hùng đó một cách trung thực để thế hệ sau sống xứng đáng với máu xương của cha ông. Em muốn được lan toả mãi lòng yêu nước của các anh hùng cho các thế hệ sau để họ tự hào và sống xứng đáng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tươi đẹp này".

Nguyễn Quang Chánh - nhà văn tay ngang là thế đấy! Ở anh có một phong cách viết không giống ai, không hư cấu, không đánh bóng, không tô hồng, không bình luận, không hướng người đọc theo ý của mình. Anh để các nhân vật, người thật, việc thật nói chuyện, kể chuyện cho mọi người nghe một cách mộc mạc và giản dị như chính tấm gương anh hùng của họ. Có lẽ Nguyễn Quang Chánh đã thành công với lối viết riêng này.

“Sống để kể lại những anh hùng”, cuốn sách về những con người bình lặng, giản dị nhưng anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi là tấm gương sáng trong trong lòng người dân Việt Nam. Có thể nói đây là một tài liệu quý vì nó giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về sự hy sinh thầm lặng của các anh hùng, các thế hệ cha, anh - những con người Việt Nam nhỏ bé nhưng kiên cường - đã đối chọi với kẻ thù sừng sỏ, tàn ác bậc nhất thế giới và đã chiến thắng chúng.

Sống để kể lại những anh hùng” là bản anh hùng ca bât tử để chúng ta và thế hệ mai sau thêm hiểu và trân trọng cuộc sống hòa bình hôm nay./.

Nguyen Canh Toan

Nguồn FB Nguyen Canh Toan ngày 23 tháng 9, 2023

Trang Thời Sự