H.63 Giải Cứu Ông Mười Hương Như Thế Nào?
Nguyễn Quang Chánh
http://sachhiem.net/LICHSU/N/NguyenQuangChanh12.php
Tao giao việc này cho anh Ẩn đi điều tra nắm tình hình của ông Mười Hương đang bị giam ở khám Chí Hoà và lên phương án giải thoát cho ông. Sau thời gian khẩn trương tìm hiểu, anh Ẩn đã báo cáo: đã có phương án giải cứu rồi, chúng ta phải hành động ngay.
Ông Mười Hương (Trần Quốc Hương) - người thầy của các nhà tình báo lẫy lừng Việt Nam như: Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung), Đặng Trần Đức (Ba Quốc), Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thuý,... nguyên là Trưởng ban nội chính Trung ương- nhà chỉ huy tình báo kiệt xuất của Việt Nam, người duy nhất được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng cao quý đã cùng ông Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) có mặt từ rất sớm trong đám tang ông Phạm Xuân Ẩn tại nhà tang lễ thành phố. Hai ông già đầu bạc trắng ngồi bên nhau chia sẻ những kỷ niệm về Phạm Xuân Ẩn trong sự tiếc thương sâu sắc một người tình báo chiến lược có một không hai của tình báo quốc phòng Việt Nam.
Lật dở từng trang lịch sử tình báo nước nhà trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tổng cục 2 đã đánh giá cụm tình báo chiến lược H.63 anh hùng với điệp viên Phạm Xuân Ẩn là cụm tình báo thành công nhất với vỏ bọc hoàn hảo của Phạm Xuân Ẩn không hề bị lộ khi cuộc chiến kết thúc. Lãnh đạo ngành tình báo và cả các lãnh đạo khác như ông Mười Hương, Mai Chí Thọ (Năm Xuân) đều tỏ ra tiếc nuối khi ông Phạm Xuân Ẩn không tiếp tục sứ mệnh tình báo của mình thời hậu chiến trên đất Mỹ.
Lý do ông Phạm Xuân Ẩn xin nghỉ và ở lại thì tôi đã viết rất chi tiết trong cuốn sách "Kể chuyện cụm tình báo H.63 anh hùng" rồi, các bạn tìm đọc, tôi xin không nhắc lại trong bài viết này bởi tôi muốn dành thời gian để kể cho các bạn về ông Mười Hương và cụm H.63 đã cứu ông ấy khỏi nhà tù của giặc cuối năm 1963 như thế nào?
Ngày ông Mười Hương ở Sài Gòn giữa những năm 1950 của thế kỷ trước phụ trách công tác tình báo của xứ ủy Nam Kỳ, chính ông là người đề xuất thu xếp cho Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ học báo chí để thực hiện sứ mệnh tình báo sau này với kẻ thù mới của chúng ta là người Mỹ. Ông Mười Hương đã từng nói, tôi nói với Ẩn: Cậu đi học nghề báo vì vỏ bọc bằng nghề này mới dễ dàng tiếp cận được những nguồn tin quan trọng sau này cho công tác tình báo và muốn đánh được người Mỹ thì trước hết phải hiểu người Mỹ. Để hiểu người Mỹ thì cậu phải học thật giỏi, phải viết được báo, đưa tin giống như tư duy của người Mỹ. Cậu viết báo cho Mỹ mà với lối tư duy của người Việt thì vứt đi!
Và ông Ẩn đã làm xuất sắc được nhiệm vụ này mà ông Mười Hương đã giao cho ông. Trong thời gian ông Ẩn học báo chí ở Mỹ (1957-1959), vào năm 1958, ông Mười Hương bị địch bắt ở Sài Gòn và chúng chuyển ông ra Huế cho Ngô Đình Cẩn điều tra xét hỏi và dụ dỗ mua chuộc. Ông đã chứng minh bản lĩnh trí tuệ và lòng dũng cảm với tình yêu quê hương khiến không chỉ Ngô Đình Cẩn kính trọng mà ngài cố vấn Ngô Đình Nhu cũng phải cứng họng khi tranh luận với ông.
Biết không mua chuộc, dụ dỗ được ông, chúng tra tấn ông dã man, nhốt cả xuống ngục 9 hầm tàn bạo của Ngô Đình Cẩn trong thời gian dài rồi cuối năm 1960, chúng đem ông về giam ở khám Chí Hoà (Sài Gòn) với sự canh phòng cẩn mật. Sau ngày đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm 2/11/1963, tranh thủ lúc chính quyền còn đang tranh tối tranh sáng, lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam đã lên kế hoạch phải tìm cách giải cứu cho ông Mười Hương.
Trở lại với chuyến trở về của ông Ẩn từ Mỹ cuối năm 1959, sau khi thấy mình vẫn an toàn vì các cán bộ tình báo của ta bị địch bắt không ai khai ra ông, ông Ẩn đã tìm gặp Trần Kim Tuyến để xin việc làm. Với công việc được Trần Kim Tuyến tin tưởng ở Việt tấn xã, dần dần ông Ẩn đã chui sâu để có thể tiếp cận được rất nhiều thông tin tình báo quý giá. Ông Ẩn đã thông qua cô Tám Thảo để móc nối lại với tổ chức. Cô Tám Thảo đã dẫn ông Ẩn ra căn cứ để gặp ông Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) khi đó là bí thư khu ủy Sài Gòn-Gia Định. Cùng làm việc với ông Sáu Dân khi tiếp ông Ẩn có ông Mai Chí Thọ (Năm Xuân), Cao Đăng Chiếm (Sáu Hoàng), Nguyễn Xuân Mạnh (Mười Nho). Và thế là một cụm tình báo đầu tiên mang bí số B110 của Ban địch tình Sài Gòn-Gia Định (sau đổi thành Ban tình báo Khu ủy Sài Gòn-Gia Định) dưới sự chỉ huy của ông Mười Nho để phục vụ cho việc nhận tin tức tình báo từ ông Ẩn đã được cài cắm. Xét về mặt nào đó, ông Sáu Dân là người mở đầu sự nghiệp tình báo lẫy lừng của ông Ẩn sau khi đi học ở Mỹ về.
Trở lại yêu cầu giải cứu ông Mười Hương khỏi nhà tù, đứng trước nhiều thông tin khác nhau là ông Mười Hương được tụi nó trả tự do sau ngày đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm, chú Tư Cang đã kể với tôi:
Không có chuyện tự nhiên tụi nó thả tự do cho ông Mười Hương như mọi người đang đồn đoán đâu. Việc giải cứu ông Mười Hương tao rành lắm nha. Cụm H.63 của tụi tao được giao nhiệm vụ đó! Ban tình báo Miền họp và quyết định cử ông Tám Mỹ làm việc với tao khi đó là cụm trưởng cụm A.18 (sau này đổi tên thành H.63) để giao nhiệm vụ tìm cách giải cứu ông Mười Hương. Cụm A.18 với điệp viên Phạm Xuân Ẩn đã cài cắm sâu, đang cung cấp những thông tin tình báo rất có giá trị. Tao giao việc này cho anh Ẩn đi điều tra nắm tình hình của ông Mười Hương đang bị giam ở khám Chí Hoà và lên phương án giải thoát cho ông.
Sau thời gian khẩn trương tìm hiểu, anh Ẩn đã báo cáo: Đã có phương án giải cứu rồi, chúng ta phải hành động ngay. Tôi đã làm việc với thằng phụ trách trại giam, cần cho nó một số tiền lớn để giải thoát anh Mười. Vậy phải chi cho nó bao nhiêu? Nó đòi 100.000 đ ( thời bấy giờ giá 1 lượng vàng chỉ có 3000 đ!). Tôi nói, ông cầm sổ tiền lớn, về mua xe, mua nhà. Hắn bảo, tôi cho ông 15 phút để ông ấy đi ra cửa, ông đón ông ấy đi rồi tôi mới la lên tù nhân bỏ trốn, ông phải đi nhanh.
Khó khăn là lấy đâu ra số tiền lớn như thế ngay lúc này? May sao, Ban tình báo Miền cũng tìm được bà Bảy Huê, một thương gia giàu có, hoạt động tình báo cho ta thu xếp được số tiền cá nhân để cho mượn. Bà Bảy Huê sau này trong đường dây tình báo A.22 bị lộ, bị địch bắt cùng với hơn 40 người và đày ra Côn đảo, sau hiệp định Paris 1973 mới được trao trả.
Bà Bảy Huê (hàng đầu, bên phải). Ông Phạm Xuân Ẩn ngồi cạnh bà Bảy Huê.
Đúng như kế hoạch, sau khi chồng tiền, anh Ẩn đã đón ông Mười Hương ở cửa khám Chí Hoà trên chiếc xe hơi của mình. Chạy nhanh tới ngã tư Bảy Hiền. Từ đây, ông Mười Hương chuyển sang một xe taxi đang chờ sẵn do người của tụi tao lái và chạy thẳng đưa ông ấy về Phú Hòa Đông (Củ Chi), giáp ranh với xã Nhuận Đức, ở đó có cơ sở của H.63. Tao đón ông Mười Hương ở đây. Bà má Phan Thị Mật chủ nhà nấu nồi cơm với món lươn xào xả ớt cho ông Mười Hương ăn.
Bà mẹ VNAH Phan Thị Mật
Trời, mới ra tù, ông ấy ăn ngon lắm, 3-4 chén cơm. Ăn xong, tao chuẩn bị sẵn 3 cái xe đạp để mỗi người 1cái đạp về khu căn cứ ở Bời Lời (Trảng bàng, Tây Ninh). Thằng Ẩn lính tao đi trước, ông Mười Hương đi giữa và tao đi sau cùng. Sau đó có cuộc họp để kiểm điểm thời gian ở tù của ông Mười Hương diễn ra (đây là thủ tục bắt buộc đối với cán bộ bị ở tù ra). Tao được ông Ba Trần phân công làm thư ký ghi chép! Đó, việc giải cứu ông Mười Hương sự thật là như vậy, tụi tao và anh Ẩn tính kỹ lắm, không để xảy ra sai sót điều gì!
Chú Tư Cang bên bàn thờ bà Mật và Sâu Ẩn
Sau này khi tao về nghỉ hưu rồi, lúc làm thêm ở chỗ anh Võ Viết Thanh (nguyên chủ tịch UBND tp. Hồ Chí Minh) ở thanh niên xung phong thành phố, có gặp ông Mười Hương ở đây trong một dịp tình cờ, ông ấy nói trước cán bộ công nhân viên: "Anh Tư Cang đây lúc trước là cụm trưởng cụm tình báo, anh ấy đã cứu tôi ra khỏi nhà tù cuối năm 1963. Tôi vẫn nhớ bữa cơm trưa bà má gì nấu ngon quá, tôi ăn mấy chén liền." Vỗ vai tao, ổng hỏi: "Bà má tên gì ha? Giờ bả còn sống không?" Tao trả lời, "bà má là Phan Thị Mật, sanh năm 1906, giờ vẫn còn sống..".
Hôm nay, trước thềm buổi họp mặt cựu chiến binh H.63 và gia đình con em họ ở Phú Hòa Đông, nhân có đoàn công tác của TC2 ở đây, chú Tư có gọi điện thoại rủ tôi về Nhuận Đức, căn cứ của H.63 ở Bến Đình để thăm lại gia đình bà Phan Thị Mật. Trên nền đất xưa hồi đó nhà tranh, bây giờ ở trong ngôi nhà này đã được xây dựng kiên cố có con gái của bà Mật đang sống cùng gia đình.
Bà Tư Se và chú Tư Cang
Con gái bà Mật là bà Tư Se, năm nay đã ngoài 90 tuổi rồi, bà là thành viên của H.63. Bà Tư Se vào năm 1972 cũng bị tụi nó bắt và bỏ tù 3 năm tới ngày giải phóng mới được ra. Bà mua và vận chuyển 1 cái đài Sony đặc biệt để chuyển vào căn cứ cho các kỹ thuật viên của chúng ta hoán cải thành thiết bị truyền tin. Giặc đánh không khai, chúng đánh bà gãy xương hàm, máu mê be bét. Giờ bà là thương binh. Bà Tư Se kể, má tui (bà Phan Thị Mật) mất năm 1997, thọ 92 tuổi. Bà được Nhà nước truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng. Con trai bà, em tui là Sáu Ẩn cũng là người giao liên vũ trang của H.63. Nó hy sinh năm 1968. Anh Tư Cang và nó hồi cuối năm 1963 cùng đạp xe đạp đưa ông Mười Hương về Bời Lời sau khi ra tù đó.
Bàn thờ Sáu Ẩn
Tôi à một tiếng, thì ra Sáu Ẩn chính là Nguyễn Văn Bờ người bị trúng mìn của giặc phục kích, đứt 2 chân, máu ra nhiều quá, khi biết mình không qua khỏi, đã nắm tay ông Tư Cang rồi thủ thỉ: Anh Tư ơi, nếu tôi chết thì má tôi buồn lắm. Anh Tư đừng nói tôi chết, nói má là tôi đi quân y viện ít ngày rồi về ... , chưa kịp nói xong 2 từ ",với má" thì buông tay ông Tư Cang ra và trút hơi thở cuối cùng. Em vẫn mãi nằm trong lòng đất mẹ ở bên bờ sông Sài Gòn không xa căn cứ H.63 ở Bến Đình.
Chú Tư Cang đặt bánh trung thu và trà trên bàn thờ Sáu Ẩn
Hôm nay, chú Tư Cang mang hộp bánh trung thu lên thắp nhang cúng Sáu Ẩn và mời em sáng mai về dự họp mặt H.63 với anh em. Ai được chứng kiến cảnh tượng này hôm nay, hẳn phải rơi lệ vì nghĩa tình đồng đội H.63 rất sâu nặng!
Tối 13/9/2024
Nguyễn Quang Chánh
Nguồn FB Chanh Nguyen ngày 13 tháng 9, 2024
Trang Lịch Sử